You are on page 1of 2

Thủ Thừa, ngày 22 tháng 1 năm 2024.

Bà ngoại kính yêu của con,


Đã rất lâu rồi con mới có dịp viết thư cho ngoại. Thứ tư tuần rồi con được tham
quan Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh cùng với các bạn ở lớp. Ngay khi có lịch
tham quan địa điểm này con liền nghĩ ngay đến ngoại, con rất muốn kể ngoại
nghe về những hiện vật, câu chuyện mà con được biết ở Bảo tàng. Đây cũng là
lí do con viết thư này.
Vừa đặt chân vào bảo tàng con đã thấy có rất nhiều mô hình máy bay và xe tăng
chiến đấu của quân đội Mỹ. Phía xa xa chính giữa là tòa nhà to trưng bày nhiều
tư liệu, hiện vật gắn liền với các cuộc chiến tranh khốc liệt của dân tộc Việt
Nam. Bên trong Bảo tàng được xây với nhiều căn phòng, mỗi phòng đều mang
một chủ đề riêng. Lượng khách đến tham quan Bảo tàng khá đông, có cả người
Việt Nam, Mỹ, Pháp, Hàn. Con đã cùng các bạn tham quan tất cả các căn phòng
ở đây, mỗi căn phòng đều mang đến cho con một cảm xúc xót xa khó tả. Tại
căn phòng “Tội ác chiến tranh xâm lược”, rất nhiều hình ảnh mà các nhiếp ảnh
từ khắp các đất nước đến với chiến trường Việt Nam chụp lại được. Hình ảnh
con ấn tượng chính là một cô đang gánh đòn gánh giữa vùng đất trơ trụi, hoang
tàn. Nơi cô đang đứng chính là vùng đất Vĩnh Linh, gần vĩ tuyến 17, bị tàn phá
bởi bom đạn và thuốc diệt cỏ. Bức ảnh mang lại cho người xem một cảm giác
điều hiêu, cô đơn, lạnh lẽo đến lạ. Chiến tranh đã tàn phá quê hương của chúng
ta, tuy chịu nhiều mất mát và đau thương nhưng con người nơi đây vẫn kiên
cường lao động để kiếm sống. Con vẫn luôn nhớ câu chuyện mà bà ngoại từng
kể cho con nghe, khi bà ngoại 14, 15 tuổi, khi ngoại vừa cấy lúa về, đang đi trên
xuồng đến giữa sông thì nghe thấy tiếng máy bay của Mỹ nên ngoại phải nhảy
xuống sông để lẫn trốn. Con rất khâm phục những người sống ở thời chiến, họ
rất kiên cường, bất khuất, dũng cảm và không chịu khuất phục trước kẻ thù.
Chiến tranh nổ ra khiến biết bao nhiêu gia đình phải rơi vào cảnh chia ly,
phương tiện liên lạc lúc bấy giờ chính là những lá thư tay gửi qua bưu điện. Con
rất xúc động khi đọc được một lá thư của người con trai gửi cho một chiến sĩ.
Nội dung thư là những lời hỏi thăm sức khỏe, những câu chuyện đáng yêu của
cậu con trai muốn kể cho bố mình nghe. Có thể thấy người con rất nhớ bố, đợi
bố rất lâu nhưng bố vẫn chưa thể về. Những người chồng, người bố đã hy sinh
bản thân mình, rời xa gia đình để ra pháp trường thực hiện nhiệm vụ bảo vệ tổ
quốc, họ cũng có những nỗi lo, nhung nhớ gia đình nhưng vì tương lai đất nước
mà ra trận. Sự hy sinh của các chiến sĩ đã được đền đáp, các thế hệ con cháu sau
này đã được sống trong hòa bình, ấm no. Còn một hiện vật mà con thấy ấn
tượng không kém đó là chiếc chuông làm từ vỏ bom. Chiếc chuông này được
làm từ vỏ bom mà quân đội Mỹ đã sử dụng để đánh phá trong chiến tranh xâm
lược Việt Nam. Theo con được biết, vào năm 1960 có một ngôi chùa ở huyện
Hàm Thịnh Bắc, tỉnh Bình Thuận vì không có chuông để cử hành các nghi lễ
nên người dân đã cắt nửa vỏ quả bom 500 cân Anh chưa nổ để dùng. Con còn
thấy chiếc chuông được điểm nhãn bốn Hán tự ở bốn phía xung quanh với nghĩa
tiếng Việt là Xuân, Hạ, Thu, Đông, tượng trưng cho quy luật bốn mùa xoay
chuyển đất trời, sự vận hành của tự nhiên. Với con, vật liệu làm nên chiếc
chuông mang ý nghĩa rất đặc biệt, nhân dân Việt Nam dùng chính vũ khí chiến
tranh để gõ lên tiếng chuông hòa bình. Mỗi khi chùa hành lễ, âm thanh chuông
vang lên như một lời giác ngộ con người với mong ước đất nước được hòa bình.
Qua buổi tham quan Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh, con mới thấy được
những tội ác, hậu quả chiến tranh xâm lược cùng những nỗi đau, mất mát mà
nhân dân ta đã gánh chịu. Bản thân đang là sinh viên, con nhận thức được trách
nhiệm của mình với công cuộc xây dựng và phát triển đất nước,con phải chăm
chỉ học tập để phát triển bản thân, tích cực tham gia các phong trào trường đề
ra, trung thành tuyệt đối với Đảng. Giữ gìn và phát huy tinh thần yêu nước, bản
sắc văn hóa dân tộc, biết yêu thương mọi người. Cần có nhận thức đúng đắn về
hòa bình, giữ gìn và bảo vệ Tổ quốc, lên án các hành vi phản động, chống phá
nước nhà. Cống hiến hết mình với đất nước, khi Tổ quốc cần thì phải sẵn sàng
có mặt. Để có được sự yên bình của ngày hôm nay, con sẽ không bao giờ quên
công lao của Bác và những chiến sĩ đã ra sức chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.
Chuyến tham quan này có ý nghĩa với con như vậy đấy ngoại ạ. Nếu lần tới có
dịp ngoại sẽ cùng con tham quan Bảo tàng này nhé.
Cháu gái yêu của ngoại.
Diễm Quỳnh.

You might also like