You are on page 1of 10

ĐỀ THI MÔN: LUẬT THƯƠNG

MẠI QUỐC TẾ
Thời gian làm bài: 75 phút

(Sinh viên chỉ sử dụng văn bản quy phạm pháp luật và
các điều ước, tập quán quốc tế có liên quan).
I. Lý thuyết (6đ)

Câu 1: Nhận định đúng, sai. Nêu rõ cơ sở pháp lý, cơ sở lý luận (4


điểm)

1. Thành viên đang phát triển có thị phần nhập khẩu hàng hóa (so với tổng
lượng hàng hóa nhập khẩu bị điều tra áp dụng biện pháp tự vệ thương mại) là
2% thì được loại trừ khỏi phạm vi áp dụng của biện pháp tự vệ thương mại.

2. Khi cam kết về giá của nhà xuất khẩu được chấp nhận thì thủ tục điều
tra chống bán phá giá sẽ chấm dứt ngay lập tức.

Câu 2. Trình bày và cho ví dụ minh họa về phạm vi áp dụng theo


lãnh thổ của CISG.

II/ Bài tập (4 điểm):

Công ty VILIX của Việt Nam chào hàng để bán một số mẫu túi da cho
công ty HAGU của Nhật Bản. Chào hàng ghi rõ có hiệu lực trong trong vòng 15
ngày từ thời điểm gởi đi (ngày 5/1/2013).

Nhận được chào hàng này vào ngày 10/1/2013, công ty HAGU đã gửi thư
trả lời với nội dung chấp nhận các điều kiện của chào hàng của VILIX, chỉ thay
đổi nội dung về thẩm quyền giải quyết tranh chấp là trọng tài của Phòng thương
mại quốc tế (IIC).

Giả sử CISG 1980 được áp dụng trong tình huống này, hãy cho biết:

a. Trả lời của HAGU có được coi là một chấp nhận chào hàng hay không?
b. Giả sử trả lời của HAGU là một chấp nhận chào hàng nhưng VILIX lại
nhận được vào ngày 28/1 thì chấp nhận chào hàng có hiệu lực không?

c. Giả sử trả lời của HAGU là chấp nhận chào hàng thì hợp đồng được ký
vào ngày nào?
HƯỚNG GIẢI QUYẾT

I. Lý thuyết (6đ)

Câu 1: Nhận định ĐÚNG, SAI. Nêu rõ cơ sở pháp lý, cơ sở lý luận (4


điểm)

1. Thành viên đang phát triển có thị phần nhập khẩu hàng hóa (so với
tổng lượng hàng hóa nhập khẩu bị điều tra áp dụng biện pháp tự vệ thương
mại) là 2% thì được loại trừ khỏi phạm vi áp dụng của biện pháp tự vệ
thương mại.

Nhận định sai.

Thành viên đang phát triển có thị phần nhập khẩu hàng hóa (so với tổng
lượng hàng hóa nhập khẩu bị điều tra áp dụng biện pháp tự vệ thương mại) là
2% nhưng tổng số thị phần nhập khẩu từ các Thành viên đang phát triển, có thị
phần nhập khẩu riêng lẻ nhỏ hơn 3%, vượt quá 9% tổng kim ngạch nhập khẩu
nhập khẩu của hàng hóa liên quan thì vẫn thuộc phạm vi áp dụng của biện pháp
tự vệ thương mại.

CSPL: Điều 9 Hiêp định về các biện pháp tự vệ.

(Điều 9 Hiêp định về các biện pháp tự vệ quy định:

Điều 9: Các Thành viên đang phát triển

1. Các biện pháp tự vệ không được áp dụng để chống lại hàng hóa có xuất
xứ từ một Thành viên đang phát triển, nếu thị phần hàng hóa có liên quan được
nhập từ Thành viên này không vượt quá 3%, với điều kiện là tổng số thị phần
nhập khẩu từ các Thành viên đang phát triển, có thị phần nhập khẩu riêng lẻ nhỏ
hơn 3%, không vượt quá 9% tổng kim ngạch nhập khẩu nhập khẩu của hàng hóa
liên quan.
2. Một Thành viên đang phát triển có quyền kéo dài thời hạn áp dụng biện
pháp tự vệ trong thời hạn không quá 2 năm sau khi hết thời hạn tối đa quy định
tại khoản 3 Điều 7. Cho dù có các quy định tại khoản 5 Điều 7, một Thành viên
đang phát triển có quyền áp dụng lại một biện pháp tự vệ đối với việc nhập khẩu
hàng hóa đã chịu sự áp dụng của biện pháp này, sau khi Hiệp định WTO có hiệu
lực, sau thời gian bằng một nửa thời gian mà biện pháp này được áp dụng trước
đây, với điều kiện là thời gian không áp dụng ít nhất là 2 năm).

2. Khi cam kết về giá của nhà xuất khẩu được chấp nhận thì thủ tục
điều tra chống bán phá giá sẽ chấm dứt ngay lập tức.

Nhận định sai.

Khi cam kết về giá của nhà xuất khẩu được chấp nhận thì thủ tục điều tra
chống bán phá giá sẽ không chấm dứt ngay lập tức mà có thể quá trình điều tra
về bán phá giá và tổn hại sẽ vẫn được hoàn thành nếu như nhà xuất khẩu muốn
và cơ quan có thẩm quyền quyết định như vậy.

CSPL: Điều 8.4 Hiệp định về các biện pháp tự vệ.

(Điều 8.4 Hiệp định về các biện pháp tự vệ quy định:

8.4 Nếu như một cam kết được chấp nhận thì quá trình điều tra về bán phá
giá và tổn hại sẽ vẫn được hoàn thành nếu như nhà xuất khẩu muốn và cơ quan
có thẩm quyền quyết định như vậy. Trong trường hợp đó, nếu như kết luận là
không có việc bán phá giá hoặc không có tổn hại thì cam kết về giá sẽ tự động
kết thúc, trừ khi kết luận đó là kết quả của cam kết về giá hiện hành. Trong
trường hợp đó, cơ quan có thẩm quyền có thể yêu cầu duy trì cam kết trong một
khoảng thời gian hợp lý phù hợp với các qui định của Hiệp định này. Trong
trường hợp quyết định khẳng định có việc bán phá giá và tổn hại, cam kết về giá
sẽ được tiếp tục phù hợp với các qui định của Hiệp định này).
Câu 2. Trình bày và cho ví dụ minh họa về phạm vi áp dụng theo
lãnh thổ của CISG.

Khoản 1 Điều 1 Công ước Viên 1980 quy định:

Công ước này áp dụng cho các hợp đồng mua bán hàng hoá giữa các bên
có trụ sở kinh doanh tại các quốc gia khác nhau:

a) Khi các quốc gia này là các quốc gia thành viên của Công ước; hoặc

b) Khi các quy tắc tư pháp quốc tế dẫn đến việc áp dụng luật của một
nước thành viên Công ước này.

Phạm vi áp dụng theo lãnh thổ của CISG được quy định tại điểm a khoản
1 Điều 1 Công ước Viên 1980: Căn cứ vào dấu hiệu trụ sở thương mại của chủ
thể có quan hệ với nước là thành viên của Công ước Viên 1980.

Khi trụ sở kinh doanh của các chủ thể được xác định đặt ở các quốc gia
thành viên của Công ước Viên 1980 thì Công ước sẽ áp dụng. Tuy nhiên, trên
thực tế có trường hợp chủ thể trong quan hệ thương mại quốc tế có thể có nhiều
trụ sở kinh doanh đặt ở nhiều quốc gia khác nhau hoặc không có trụ sở kinh
doanh nào. Để xử lí các trường hợp này, Điều 10 Công ước Viên 1980 quy định:
Trong trường hợp nếu bên chủ thể hợp đồng có nhiều hơn một trụ sở kinh doanh
thì trụ sở kinh doanh được xem xét ở đây là trụ sở có mối liên hệ chặt chẽ nhất
đối với hợp đồng và việc thực hiện hợp đồng đó, có tính đến những tình huống
mà các bên đều biết hoặc đều dự đoán được vào bất kì thời điểm nào trước hoặc
vào thời điểm giao kết hợp đồng. Trong trường hợp các bên không có trụ sở
kinh doanh thì sẽ lấy nơi cư trú thường xuyên của họ làm cơ sở xác định. Theo
đó, nếu nơi cư trú thường xuyên của các chủ thể nằm trên lãnh thổ của nước là
thành viên Công ước Viên 1980 thì Công ước sẽ được áp dụng.
Ví dụ: Hợp đồng mua bán laptop giữa công ty A đặt trụ sở tại Việt Nam
và công ty B đặt trụ sở tại Nhật Bản thuộc phạm vi áp dụng theo lãnh thổ của
CISG vì Việt Nam và Nhật Bản đều là thành viên công ước Viên 1980.

II/ Bài tập (4 điểm):

Công ty VILIX của Việt Nam chào hàng để bán một số mẫu túi da cho
công ty HAGU của Nhật Bản. Chào hàng ghi rõ có hiệu lực trong trong vòng 15
ngày từ thời điểm gởi đi (ngày 5/1/2013).

Nhận được chào hàng này vào ngày 10/1/2013, công ty HAGU đã gửi thư
trả lời với nội dung chấp nhận các điều kiện của chào hàng của VILIX, chỉ thay
đổi nội dung về thẩm quyền giải quyết tranh chấp là trọng tài của Phòng thương
mại quốc tế (IIC).

Giả sử CISG 1980 được áp dụng trong tình huống này, hãy cho biết:

a. Trả lời của HAGU có được coi là một chấp nhận chào hàng hay
không?

Trả lời của HAGU không được coi là một chấp nhận chào hàng mà được
coi là từ chối chào hàng và cấu thành một hoàn chào hàng. Bởi lẽ, trả lời của
HAGU có khuynh hướng chấp nhận chào hàng nhưng có chứa đựng điều khoản
sửa đổi liên quan đến sự giải quyết tranh chấp, được coi là những điều kiện làm
biến đổi một cách cơ bản nội dung của chào hàng.

CSPL: Khoản 1, khoản 3 Điều 19 CISG.

(Khoản 1, khoản 3 Điều 19 CISG quy định:

Ðiều 19:
1. Một sự phúc đáp có khuynh hướng chấp nhận chào hàng nhưng có
chứa đựng những điểm bổ sung, bớt đi hay các sửa đổi khác thì được coi
là từ chối chào hàng và cấu thành một hoàn giá.

3. Các yếu tố bổ sung hay sửa đổi liên quan đến các điều kiện giá cả,
thanh toán, đến phẩm chất và số lượng hàng hóa, địa điểm và thời hạn
giao hàng, đến phạm vi trách nhiệm của các bên hay đến sự giải quyết
tranh chấp được coi là những điều kiện làm biến đổi một cách cơ bản nội
dung của chào hàng.)

b. Giả sử trả lời của HAGU là một chấp nhận chào hàng nhưng
VILIX lại nhận được vào ngày 28/1 thì chấp nhận chào hàng có hiệu lực
không?

Chấp thuận chào hàng của HAGU không được gửi tới VILIX trong thời
hạn mà VILIX đã quy định trong chào hàng nên không phát sinh hiệu lực. Tuy
nhiên, chấp nhận chào hàng muộn này cũng có hiệu lực của một chấp nhận nếu
VILIX thông báo miệng không chậm trễ cho HAGU hoặc gửi cho HAGU một
thông báo về việc đó.

Ngoài ra, nếu thư do HAGU gửi đi chứa đựng một sự chấp nhận chậm trễ
mà thấy rõ rằng nó đã được gửi đi trong những điều kiện mà, nếu sự chuyển
giao bình thường, nó đã đến tay VILIX kịp thời, thì sự chấp nhận chậm trễ được
coi như chấp nhận đến kịp thời, trừ phi không chậm trễ VILIX thông báo miệng
hoặc gửi thông báo bằng văn bản cho HAGU biết VILIX coi chào hàng của
mình đã hết hiệu lực.

CSPL: Khoản 2 Điều 18, Điều 21 CISG.

(Khoản 2 Điều 18, Điều 21 CISG quy định:


Ðiều 18:

2. Chấp nhận chào hàng có hiệu lực từ khi người chào hàng nhận được
chấp nhận. Chấp thuận chào hàng không phát sinh hiệu lực nếu sự chấp nhận ấy
không được gửi tới người chào hàng trong thời hạn mà người này đã quy định
trong chào hàng, hoặc nếu thời hạn đó không được quy định như vậy, thì trong
một thời hạn hợp lý, xét theo các tình tiết của sự giao dịch, trong đó có xét đến
tốc độ của các phương tiện liên lạc do người chào hàng sử dụng. Một chào hàng
bằng miệng phải được chấp nhận ngay trừ phi các tình tiết bắt buộc ngược lại.

Ðiều 21

1. Một chấp nhận chào hàng muộn màng cũng có hiệu lực của một chấp
nhận nếu người chào hàng phải thông báo miệng không chậm trễ cho người
nhận chào hàng hoặc gửi cho người này một thông báo về việc đó.

2. Nếu thư từ hay văn bản khác do người nhận chào hàng gửi đi chứa
đựng một sự chấp nhận chậm trễ mà thấy rõ rằng nó đã được gửi đi trong những
điều kiện mà, nếu sự chuyển giao bình thường, nó đã đến tay người chào hàng
kịp thời, thì sự chấp nhận chậm trễ được coi như chấp nhận đến kịp thời, trừ phi
không chậm trễ người chào hàng thông báo miệng hoặc gửi thông báo bằng văn
bản cho người được chào hàng biết người chào hàng coi chào hàng của mình đã
hết hiệu lực).

c. Giả sử trả lời của HAGU là chấp nhận chào hàng thì hợp đồng
được ký vào ngày nào?

Giả sử vào ngày 10/1/2013, công ty HAGU đã gửi thư trả lời với nội dung
chấp nhận các điều kiện của chào hàng của VILIX. Hợp đồng được coi là đã ký
kết kể từ lúc sự chấp nhận chào hàng có hiệu lực.
Trường hợp 1, VILIX nhận được chấp nhận trong trong vòng 15 ngày từ
thời điểm gởi đi thì chấp nhận chào hàng này có hiệu lực từ khi VILIX nhận
được chấp nhận. Hợp đồng cũng được coi là đã ký kết kể từ lúc VILIX nhận
được chấp nhận.

Trường hợp 2, VILIX nhận được chấp nhận không trong thời hạn mà
người này đã quy định trong chào hàng, chấp nhận chào hàng không phát sinh
hiệu lực, hợp đồng chưa được ký kết.

CSPL: Khoản 2 Điều 18, Điều 23 CISG.

(Khoản 2 Điều 18, Điều 23 CISG quy định:

Ðiều 18:

2. Chấp nhận chào hàng có hiệu lực từ khi người chào hàng nhận được
chấp nhận. Chấp thuận chào hàng không phát sinh hiệu lực nếu sự chấp nhận ấy
không được gửi tới người chào hàng trong thời hạn mà người này đã quy định
trong chào hàng, hoặc nếu thời hạn đó không được quy định như vậy, thì trong
một thời hạn hợp lý, xét theo các tình tiết của sự giao dịch, trong đó có xét đến
tốc độ của các phương tiện liên lạc do người chào hàng sử dụng. Một chào hàng
bằng miệng phải được chấp nhận ngay trừ phi các tình tiết bắt buộc ngược lại.

Ðiều 23:

Hợp đồng được coi là đã ký kết kể từ lúc sự chấp nhận chào hàng có hiệu
lực chiểu theo các quy định của công ước này).

(Áp dụng CÔNG ƯỚC VIÊN 1980

(CÔNG ƯỚC CỦA LIÊN HỢP QUỐC VỀ MUA BÁN HÀNG HÓA QUỐC TẾ)

You might also like