You are on page 1of 7

I.

Hiện trạng về phát triển tài chính xanh/ngân hàng xanh


1. Các loại sản phẩm tài chính xanh mà ngân hàng hiện đang cung cấp? (tín dụng xanh,
trái phiếu xanh, cổ phiếu xanh,...)
Căn cứ khung chiến lược và lộ trình hướng tới phát triển ngân hàng xanh theo Đề án phát
triển Ngân hàng xanh số 1604/QĐ-NHNN, ở cấp độ 2, ngân hàng cần phát triển thêm các sản
phẩm dịch vụ xanh riêng biệt bên cạnh các sản phẩm dịch vụ ngân hàng truyền thống. Theo
đó, BIDV tích cực tìm kiếm nguồn tài trợ từ các tổ chức quốc tế để hỗ trợ xây dựng và hoàn
thiện các tài liệu Khung hướng dẫn cho các sản phẩm xanh, tạo tiền đề cho việc phát triển các
sản phẩm tài chính xanh, tài chính bền vững riêng biệt:
+ Khung Khoản vay Bền vững để cung cấp các sản phẩm khoản vay xanh, xã hội, liên kết
vền vững cho các khách hàng doanh nghiệp;
+ Khung Trái phiếu xanh để tài trợ cho các dự án xanh, tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải,
bảo vệ môi trường.
Song song với việc xây dựng các Khung sản phẩm tài trợ xanh riêng biệt, BIDV cũng đã thiết
kế/xây dựng các gói tài trợ, chính sách ưu đãi khi cấp tín dụng đối với lĩnh vực xanh, năng
lượng sạch, năng lượng tái tạo, thực thi trách nhiệm xã hội, cộng đồng như gói cho vay
khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC, nông nghiệp sạch theo NQ 30/NQ-CP;
triển khai thí điểm sản phẩm Khoản vay Xanh cho Doanh nghiệp Dệt may theo Khung Khoản
vay bền vững...

2. Tình hình dư nợ tín dụng xanh của ngân hàng trong những năm gần đây? Nhìn
chung, dư nợ tín dụng xanh của ngân xanh có xu hướng tăng/giảm thế nào? Tỷ trọng
dư nợ tín dụng xanh trên tổng dư nợ của ngân hàng?
Trên cơ sở định hướng chiến lược ưu tiên tập trung vốn tín dụng tài trợ các dự án tín dụng
xanh, BIDV đã đạt được những kết quả rất tích cực. Dư nợ tín dụng xanh có sự tăng trưởng
rõ rệt trong giai đoạn 2019-2022 với tốc độ tăng trưởng bình quân 45%/năm. Tại thời điểm
30/09/2023, dư nợ tín dụng xanh tại BIDV đạt 73,1 nghìn tỷ đồng (~2,98 tỷ USD), chiếm
4,4% tổng dư nợ tín dụng của ngân hàng; BIDV tiếp tục dẫn đầu thị trường về tài trợ xanh
với thị phần 12,5% tổng dư nợ tại Việt Nam.

3. Lĩnh vực mà ngân hàng chủ yếu cho vay tín dụng xanh là lĩnh vực nào?
Theo Nghị quyết Hội đồng quản trị về chiến lược phát triển kinh doanh của BIDV đến năm
2025, tầm nhìn đến năm 2030, BIDV cam kết triển khai các gói “tín dụng xanh”, dành tỷ
trọng tương xứng để tài trợ cho các khách hàng trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng
sạch, các ngành sản xuất và tiêu dùng phát thải các-bon thấp, thích ứng với biến đổi khí hậu;
qua đó góp phần chuyển đổi nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh, bảo vệ môi trường,
ngăn chặn biến đổi khí hậu, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, năng lượng, thể hiện trách
nhiệm với cộng đồng và môi trường.
Tại thời điểm 30/09/2023, tổng dư nợ cho vay các dự án xanh tại BIDV đạt 73,1 nghìn tỷ
đồng (~2,98 tỷ USD), chiếm 4,4% tổng dư nợ của ngân hàng. Các lĩnh vực cho vay xanh
đáng chú ý gồm NLTT và năng lượng sạch, Giao thông bền vững, Quản lý nước bền vững tại
khu vực đô thị và nông thôn và Công nghiệp xanh. Trong đó, cho vay các dự án trong lĩnh
vực NLTT, năng lượng sạch tại BIDV đạt 60,4 nghìn tỷ đồng (~2,48 tỷ USD), chiếm khoảng
83% tổng dư nợ tín dụng xanh tại BIDV.

4. Số lượng dự án mà ngân hàng cấp tín dụng xanh cho đến thời điểm hiện tại? Do hiện
nay, danh mục phân loại xanh chưa được ban hành, vậy ngân hàng căn cứ vào những
tiêu chí gì để thẩm định cho vay các dự án này?
Tính đến hết 30/09/2023, BIDV tài trợ 1.879 dự án xanh, được phân loại theo 12 lĩnh vực
xanh dựa trên hướng dẫn của NHNN tại công văn số 9050/NHNN-TD ngày 03/11/2017.

5. Ngân hàng hiện đang triển khai các gói tín dụng xanh nào? Lãi suất, điều khoản và
điều kiện cho vay của các gói này khác biệt như thế nào đối với các sản phẩm tài chính
thông thường?
Hiện tại, BIDV đang triển khai gói tín dụng xanh 4.200 tỷ đồng với các ưu đãi hấp dẫn về lãi
suất, chính sách tài sản đảm bảo và tỷ giá nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp dệt may trong quá
trình chuyển dịch xanh theo hướng phát triển bền vững.
Theo đó, các doanh nghiệp dệt may đủ điều kiện tham gia chương trình sẽ được hỗ trợ các
khoản vay ngắn hạn và các khoản vay dài hạn với lãi suất cạnh tranh để đẩy nhanh quá trình
chuyển dịch xanh theo hướng phát triển bền vững. Đồng thời, doanh nghiệp cũng được
hưởng những ưu đãi về chính sách tài sản đảm bảo và ưu đãi tỷ giá lên tới 170 điểm cho các
giao dịch mua bán ngoại tệ trên BIDV iBank.
Cụ thể, khoản vay xanh ngắn hạn là khoản vay dành cho các doanh nghiệp dệt may có
phương án sản xuất kinh doanh các sản phẩm dệt may đạt tiêu chuẩn, được chứng nhận hoặc
được dán nhãn bền vững (tiêu chuẩn tái chế toàn cầu – GRS; nhãn cotton bền vững – BCI;
chứng nhận sản phẩm bền vững C2; tiêu chuẩn không xả thải hóa chất nguy hại – ZDHC;…).
Khoản vay xanh trung dài hạn là khoản vay nhằm tài trợ các dự án xây dựng/cải tạo công
trình xanh, thay thế cải tạo máy móc thiết bị hướng tới sử dụng năng lượng hiệu quả như hệ
thống nhiệt điện, hệ thống thu hồi và sử dụng phụ phẩm, hệ thống xử lý chất thải,...
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng sẽ được tư vấn sử dụng các giải pháp tài chính toàn
diện, hỗ trợ tăng cường hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp như tài trợ thương mại, bảo
lãnh, quản lý dòng tiền, chuyển tiền quốc tế đi và đến,… đặc biệt là các sản phẩm dịch vụ
mang lại nhiều tiện ích dành cho các doanh nghiệp dệt may có hoạt động xuất nhập khẩu như
Thư tín dụng trả chậm được thanh toán trước hạn; Chiết khấu hối phiếu đòi nợ kèm bộ chứng
từ xuất khẩu; Tài trợ thực hiện hợp đồng xuất khẩu…

6. Nguồn chủ yếu mà ngân hàng huy động vốn cho các khoản tín dụng xanh? Hiện nay,
đã có cơ chế nào hỗ trợ ngân hàng tiếp cận nguồn vốn thúc đẩy tín dụng xanh chưa?
Hiện nay, Chính phủ đã ban hành các nghị quyết, chủ trương Chiến lược quốc gia về tăng
trưởng xanh. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách,
tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động này (Chỉ thị số 03/CT-NHNN ngày 24/3/2015 về thúc đẩy
tăng trưởng tín dụng xanh và quản lí rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín
dụng; ban hành Quyết định số 1604/QĐ-NHNN ngày 07/8/2018 về việc phê duyệt Đề án phát
triển ngân hàng xanh tại Việt Nam và gần đây là Thông tư số 17/2022/TT-NHNN ngày
23/12/2022 hướng dẫn thực hiện quản lí rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng
của tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài có hiệu lực từ ngày
01/6/2023).
Cùng với việc thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương, đa phương với các tổ chức và định chế
tài chính quốc tế, BIDV luôn tích cực trao đổi thông tin, thúc đẩy quan hệ hợp tác với các Bộ
ngành, cơ quan hữu quan như Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TNMT), Bộ Kế hoạch đầu
tư (Bộ KHĐT), NHNN… để kết nối các cơ hội triển khai tài chính bền vững. BIDV là định
chế tài chính trong nước đầu tiên hợp tác với Bộ TN&MT (tháng 05/2022), xây dựng các
giải pháp và hành động cụ thể nhằm hướng đến thực hiện các mục tiêu chiến lược về bảo vệ
môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, thúc đẩy phát triển tài chính xanh bền vững tại
Việt Nam.
BIDV đã và đang hợp tác với các Tổ chức tài chính quốc tế để huy động các nguồn vốn trung
dài hạn với lãi suất và các điều kiện vay ưu đãi hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực
xanh, năng lượng bền vững, trong đó có các NVUTNN và thương mại. Tính đến hết năm
2022, tổng giá trị NVUT cho vay dự án xanh qua BIDV đạt hơn 490 triệu USD từ các tổ chức
như WB, AFD, EIB. Một số NVUTNN tiêu biểu bao gồm: (i) Nguồn vốn WB trị giá 202
triệu USD cho Dự án năng lượng tái tạo; (ii) Nguồn vốn AFD trị giá 100 triệu USD Hạn mức
tín dụng xanh SUNREF; (iii) Nguồn vốn WB tài trợ cho Dự án Tiết kiệm năng lượng cho các
ngành công nghiệp Việt Nam (VEEIE) 100 triệu USD (iv) Nguồn vốn EIB trị giá 30 triệu
USD cho vay các dự án bảo vệ môi trường. Tính đến thời điểm hiện tại, có 24 dự án tham gia
các chương trình này với tổng dư nợ khoảng 3.800 tỷ đồng.Tháng 08/2023, BIDV được Quỹ
bảo vệ và phát triển rừng (VNFF) lựa chọn là ngân hàng phục vụ Dự án chi trả giảm phát thải
vùng Bắc trung Bộ trị giá 51,5 triệu USD. Theo đó, BIDV là ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam
phục vụ Dự án thực hiện chuyển nhượng kết quả giảm phát thải KNK đối với loại hình dịch
vụ môi trường rừng.
Song song, BIDV cũng chú trọng tăng cường hợp tác với các ngân hàng thương mại quốc tế
trong lĩnh vực phát triển bền vững để triển khai nguồn vốn xanh tại Việt Nam. Điển hình, tại
sự kiện COP28, trước sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi
trường, Bộ Ngoại giao và các cơ quan bộ ngành liên quan, BIDV đã ký 02 thỏa thuận hợp
tác, bao gồm: (i) Thỏa thuận Khung tài trợ TM phát triển bền vững trị giá 100tr USD với
Standard Chartered Bank Việt Nam, và (ii) Bản ghi nhớ hợp tác giữa BIDV và Ngân hàng
Phát triển châu Á (ADB) về thúc đẩy tín dụng xanh và tài chính bền vững.
Bên cạnh đó, một trong những nguồn vốn huy động mà BIDV dự kiến tập trung phát triển là
phát hành trái phiếu xanh để tài trợ cho các dự án xanh, tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải,
bảo vệ môi trường. Tháng 10/2023, BIDV đã ban hành Khung Trái phiếu xanh theo
Nguyên tắc trái phiếu xanh của Hiệp hội thị trường vốn quốc tế (ICMA), và được Tổ chức
Đánh giá Tín nhiệm Moody’s (đơn vị cung cấp ý kiến bên thứ hai (SPO)) đánh giá cao về
mức độ tuân thủ các nguyên tắc quốc tế về trái phiếu xanh, cũng như có các biện pháp quản
lý và báo cáo hiệu quả về việc sử dụng số tiền thu được từ việc phát hành trái phiếu với mức
điểm SQS2 (very good), là mức xếp hạng cao nhất mà Moody’s đã xác nhận cho Khung trái
phiếu xanh của các NHTM. Cũng trong tháng 10/2023, BIDV trở thành ngân hàng đầu tiên
trong nước phát hành thành công 2.500 tỷ đồng trái phiếu xanh theo ICMA, tài trợ cho
các dự án vì môi trường.

7. Hiện ngân hàng đã xây dựng quy định nội bộ về quản lý rủi ro môi trường và xã hội
trong hoạt động cấp tín dụng xanh chưa? Ngân hàng có phòng, ban chuyên trách về
thẩm định dự án, đánh giá rủi ro môi trường, xã hội cũng như theo dõi và đánh giá hiệu
quả hoạt động của dòng tiền huy động được từ nguồn tín dụng xanh chưa?
Thực hiện Thông tư số 17/2022/TT-NHNN ngày 23/12/2022 của NHNN về hướng dẫn thực
hiện quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng của tổ chức tín dụng, chi
nhánh ngân hàng nước ngoài, BIDV đã ban hành văn bản quy định QLRR MT (chưa có "xã
hội") trong hoạt động cấp tín dụng, theo đó hướng dẫn quy trình quản lý rủi ro môi trường từ
bước phân loại dự án, đánh giá rủi ro môi trường cho đến kiểm tra, giám sát sau cho vay.
Theo quy trình, quy định hiện hành của BIDV, việc thẩm định dự án, đánh giá các rủi ro của
dự án trong đó bao gồm cả rủi ro môi trường do bộ phận QLKH tại Chi nhánh và Ban TTDA
(đối với các dự án lớn/đặc thù) thực hiện. Trường hợp dự án thuộc đối tượng phải qua thẩm
định rủi ro (theo quy định nội bộ của BIDV), dự án được chuyển qua bộ phận QLRR (tại Chi
nhánh và Trung tâm thẩm định và phê duyệt tín dụng) để thẩm định rủi ro, trong đó có rủi ro
môi trường của dự án. Sau quá trình triển khai nhất định, BIDV sẽ nghiên cứu đề xuất mô
hình, bố trí bộ phận/nhân sự tại Ban/TT chuyên trách về thẩm định dự án, đánh giá rủi ro môi
trường trong hoạt động cấp tín dụng (nếu phù hợp).
Đối với việc theo dõi, đánh giá hiệu quả hoạt động của dòng tiền huy động được từ nguồn tín
dụng xanh: Nguồn vốn thu được từ việc phát hành trái phiếu xanh sẽ được BIDV hòa chung
vào các dòng vốn huy động của ngân hàng và chỉ thực hiện giải ngân cho các dự án đủ điều
kiện theo Khung trái phiếu xanh đã công bố. Việc thẩm định, đánh giá hiệu quả dự án và
đánh giá rủi ro môi trường thực hiện theo quy định cấp tín dụng của BIDV trong từng thời
kỳ.

8. Ngân hàng có đánh giá như thế nào về nhu cầu liên quan tài chính xanh trong những
năm gần đây?
Với cam kết mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050 của Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị
COP26 và về việc giảm phát thải khí methane vào năm 2030, nhu cầu đầu tư của Việt Nam
vào các dự án giảm thiểu tác động đến môi trường đang ngày càng gia tăng.
Chính phủ Việt Nam cũng đã ban hành:
- Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050. Theo
đó, chiến lược này đã chỉ ra 4 mục tiêu quan trọng, trong đó có 2 mực tiêu ưu tiên đó
là (i) giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP so với năm 2014 tối thiểu 15%
tại năm 2030 và 30% tại năm 2050 và (ii) xanh hóa các ngành kinh tế với các mục
tiêu cụ thể cho năm 2030 và 2050 trên các tiêu chí: giảm tiêu hao năng lượng sơ cấp
trên GDP, tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo trong tổng nguồn cung năng lượng sơ cấp,
tăng tỷ trọng kinh tế số trên GDP, và duy trì tỷ lệ che phủ rừng,…
- Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến 2050 (Quy
hoạch điện VIII) được Thủ tướng Chính phủ thông qua ngày 15/05/2023 đã cụ thể hoá
Chiến lược nêu trên, trong đó cơ cấu nguồn điện quốc gia có sự chuyển đổi theo
hướng tăng tỷ trọng nguồn năng lượng tái tạo, giảm các nguồn năng lượng tác động
tiêu cực đến môi trường. Cụ thể, sản xuất điện gió và điện mặt trời đạt 27% vào năm
2030 và tăng lên 59,5-63,8% vào năm 2050; nhiệt điện than giảm từ 39,1% xuống
20% năm 2030 và về 0% năm 2050; thuỷ điện giảm từ 35,4% xuống 19,5% vào năm
2030 và 7,3% vào 2050.
Để hiện thực hoá những mục tiêu của Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và Quy hoạch
điện VIII nêu trên, đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn. Theo số liệu ước tính của Bộ KH&ĐT,
nhu cầu vốn để thực hiện các mục tiêu phát triển xanh quốc gia từ nay đến năm 2030 cần
khoảng hơn 360 tỷ USD, tương đương 6,6% GDP/năm, được huy động từ cả khu vực công
và tư nhân, đồng thời cần có sự hỗ trợ và hợp tác tích cực từ cộng đồng quốc tế. Riêng đối
với ngành điện, nhu cầu vốn ước tính theo Quy hoạch điện 8 được chia thành 2 giai đoạn:
134,7 tỷ USD cho giai đoạn (2021 – 2030) và 523,1 tỷ USD cho giai đoạn (2031 – 2050).
Ngoài ra, nhằm thực hiện các mục tiêu quốc gia về chiến lược chuyển đổi xanh và đặc biệt
chuyển đổi cơ cấu năng lượng sang hướng Xanh, trong các công cụ tài chính để đáp ứng
được các nhu cầu trên thì trái phiếu xanh đóng vai trò hết sức quan trọng.
Từ góc độ của người cho vay, BIDV đã nhận được nhiều đề nghị hợp vốn và/hoặc tái cấp vốn
để hỗ trợ các dự án xanh của các ĐCTC nước ngoài. Đồng thời, từ góc độ của người đi vay,
sự quan tâm đối với các gói tín dụng và cơ chế ưu đãi mà BIDV cung cấp cho các dự án xanh
đang gia tăng, điều này cho thấy sự chấp nhận chuyển đổi xanh và hỗ trợ từ phía doanh
nghiệp ngày càng mạnh mẽ.

9. Ngân hàng có đánh giá như thế nào về nhận thức của công chúng đối với các sản
phẩm tài chính xanh?
Thị trường Việt Nam những năm gần đây đã chứng kiến sự xuất hiện của một số sản phẩm tài
chính xanh như trái phiếu xanh, tín dụng xanh,… khiến sự quan tâm của khách hàng đối với
các sản phẩm tài chính xanh tăng lên, được thể hiện qua sự gia tăng quy mô dư nợ tín dụng
tài trợ lĩnh vực xanh. Các cơ chế và chính sách, cùng với các hoạt động tuyên truyền và
quảng bá của Chính phủ và từ các cơ quan và tổ chức cũng góp phần nâng cao nhận thức của
xã hội về các sản phẩm tài chính xanh.
Tuy nhiên, nhận thức của công chúng nói chung về tài chính xanh vẫn còn tương đối hạn chế,
các sản phẩm chuyên biệt về tài chính xanh vẫn còn xa lạ với nhiều cá nhân và tổ chức so với
các sản phẩm tài chính truyền thống, chưa thực sự phong phú và chưa có độ phủ sóng cao.
Bên cạnh đó, việc chi phí và thủ tục tiếp cận các sản phẩm tài chính xanh có phần cao hơn và
phức tạp hơn so với các sản phẩm truyền thống cũng tạo ra sự hạn chế trong việc tiếp cận của
công chúng đối với các sản phẩm chuyên biệt này.
Trong tương lai, với định hướng và hành động của Chính phủ, các bộ, ban, ngành, cùng với
sự dẫn dắt của các TCTD và các doanh nghiệp lớn khác, nhận thức của xã hội về chuyển dịch
xanh dự kiến sẽ ngày càng gia tăng. Điều này đồng nghĩa với sự thúc đẩy trong nhu cầu về tài
chính xanh và mở ra những triển vọng tích cực cho sự phát triển và hỗ trợ các dự án xanh và
bền vững.
II. Thuận lợi, khó khăn trong quá trình phát triển tài chính xanh/ngân hàng xanh?
10. Những thuận lợi mà ngân hàng nhận thấy trong việc thúc đẩy tài chính xanh, ngân
hàng xanh tại Việt Nam?
Theo đánh giá của BIDV, tại BIDV, một số thuận lợi trong quá trình triển khai tài chính
xanh bao gồm:
+ Tài chính xanh và ngân hàng xanh hiện nằm trong nhóm ưu tiên của Chính phủ, thể
hiện cam kết mạnh mẽ của quốc gia đối với sự bền vững và việc phát triển một cách có trách
nhiệm.
+ Sự hội nhập kinh tế của Việt Nam với nền kinh tế toàn cầu đang thúc đẩy mạnh mẽ
tài chính xanh. Việc tham gia sâu rộng vào nền kinh tế thế giới không chỉ đưa Việt Nam vào
xu thế chung của kinh tế thế giới mà còn mang lại sự hỗ trợ lớn từ các tổ chức quốc tế. Điều
này bao gồm nguồn vốn, tư vấn chiến lược, kinh nghiệm và các công cụ tài chính/hỗ trợ khác,
tạo nên nguồn lực đáng kể cho sự chuyển đổi xanh trong ngành ngân hàng. Từ đó, tạo cơ hội
và hỗ trợ ngân hàng trong việc tiếp cận với các nguồn lực trên, hướng tới xanh hóa mô hình
hoạt động.
+ Khung pháp lý trong nước đang dần hình thành và hoàn thiện, tạo ra cơ chế luật hóa
cho hoạt động xanh trong nền kinh tế cùng với những cơ chế ưu đãi và hỗ trợ từ nhà nước là
động lực thúc đẩy thực hành xanh và bền vững tại từng tổ chức kinh tế.
+ Sự tăng cường nhận thức trong cộng đồng kinh tế, nhận thức của khách hàng về tầm
quan trọng của việc sử dụng nguồn vốn tài chính xanh, kết hợp hiệu quả tài chính với việc
bảo vệ môi trường và xã hội cũng ngày càng tăng lên. Mối quan hệ chặt chẽ giữa các tổ chức
tài chính, khách hàng, các bên liên quan và bên thứ ba khác góp phần thúc đẩy quá trình
chuyển đổi xanh và phát triển bền vững của nền kinh tế, trở thành yêu cầu thiết yếu đối với
từng thực thể, trong đó ngân hàng đóng vai trò trung tâm.

11. Những thách thức/rào cản chính trong nỗ lực thúc đẩy tài chính xanh? (Về mặt
pháp lý/tiêu chuẩn, kỹ thuật,...)
Các cơ chế, chính sách liên quan đến chuyển đổi xanh và phát triển bền vững được Chính phủ
và các Bộ ngành tạo điều kiện và chú trọng. Các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp và cộng
đồng đã dần nhận thức sâu sắc hơn được rằng định hướng về xanh, bền vững là xu thế tất yếu
cho sự phát triển của quốc gia. Tuy nhiên, quá trình này vẫn còn những khó khăn, thách thức,
có thể kể đến như:
(i) Khung pháp lý chưa hoàn thiện, đặc biệt là chưa ban hành Danh mục phân loại
xanh;
(ii) Cơ chế phối hợp và hỗ trợ giữa Chính phủ, các cơ quan quản lý với các tổ chức,
doanh nghiệp cần được xây dựng nhằm tìm kiếm nguồn tài trợ, nguồn hỗ trợ kỹ
thuật cho các dự án xanh;
(iii) Cơ chế khuyến khích các đối tượng doanh nghiệp, tổ chức tham gia vào thị trường
tài chính xanh chưa được thúc đẩy;
(iv) Đội ngũ chuyên gia trong lĩnh vực tài chính xanh, kỹ thuật môi trường tại Việt
Nam còn khá hạn chế,...
12. Ngân hàng có đề xuất gì để thúc đẩy phát triển thị trường tài chính xanh tại Việt
Nam?
(i) Về pháp lý, cần nhanh chóng đưa các tiêu chí môi trường và tiêu chí xác nhận đối với các
dự án được cấp tín dụng xanh;
(ii) Về chính sách và hệ thống: việc thực hiện các khoản vay bền vững đòi hỏi sự thay đổi và
đầu tư lớn về mặt chính sách, hệ thống, quy trình; các chính sách hỗ trợ cần được tiếp tục xây
dựng và ban hành nhằm khuyến khích doanh nghiệp/NHTM triển khai các hoạt động bền
vững;
(iii) Về nhận thức của doanh nghiệp trong thực hành ESG: cần đẩy mạnh công tác tuyên
truyền, đào tạo, thuyết phục, hỗ trợ doanh nghiệp để thực hiện chuyển dịch hoạt động từ kinh
doanh thương mại thông thường sang phát triển bền vững;
(iv) Cần thành lập/chỉ định đơn vị có uy tín thực hiện kiểm kê khí thải các các tổ chức/doanh
nghiệp;
(v) Về nhân sự: cần nâng cao năng lực cho các cán bộ, nhân viên nhằm gây dựng đội ngũ
chuyên gia trong lĩnh vực tài chính xanh và kỹ thuật môi trường,...

You might also like