You are on page 1of 3

1.

Mở bài
Đại thi hào Dostoievsky đã từng nói rằng: “Cái đẹp cứu rỗi thế giới” – một câu nói
khởi nguồn cho tư tưởng nhân văn, ở đâu có cái đẹp ở đó số phận con người, những niềm
tin vào cuộc sống sẽ được cứu rỗi. Câu nói ấy lại càng đúng hơn khi ta dùng nó để soi
chiếu vào truyện ngắn “Chữ người tử tù” của Nguyễn Tuân. Hầu hết những ai lần đầu
đọc “Chữ người tử tù” đều chỉ chú ý đến nhân vật Huấn Cao – người tạo ra cái đẹp mà ít
khi nào để tâm đến nhân vật viên quản ngục – người thưởng thức cái đẹp. Đó chính là
một thiếu sót lớn, bởi nhân vật tưởng chừng như chẳng có gì đặc biệt ấy lại giữ một vai
trò vô cùng quan trọng trong tác phẩm.
2. Thân bài
a. Khái quát
“Chữ người tử tù” là một trong những truyện ngắn xuất sắc nhất của Nguyễn Tuân,
in trong tập truyện “Vang bóng một thời” (năm 1940). “Vang bóng một thời” là tác
phẩm kết tinh tài năng của Nguyễn Tuân trước cách mạng, là “một văn phẩm đạt gần tới
sự toàn thiện, toàn mĩ” (Vũ Ngọc Phan). Đó là cuộc gặp gỡ đặc biệt giữa những con
người không cùng cảnh ngộ nhưng sau đã trở thành tri kỉ: Huấn Cao, một con người có
tài viết chữ đẹp, vì chống lại triều đình nên bị khép tội chết và viên quản ngục, người có
lòng yêu nghệ thuật, vì tôn trọng nét tài hoa, anh hùng ở Huấn Cao nên rất “biệt đãi”
ông. Huấn Cao lúc đầu hiểu lầm, khinh bạc quản ngục nhưng khi hiểu được tấm lòng của
ngục quan đã rất cảm động, đồng ý cho chữ ngay trong đêm cuối cùng trước ngày bị hành
hình. Cuộc kì ngộ đầy kịch tích giữa chốn lao tù tối tăm là cơ sở để nảy sinh “một cảnh
tượng xưa nay chưa từng có” - cảnh cho chữ. Ta thấy rằng tài năng, khí tiết, nhân cách
của Huấn Cao càng nâng lên, thì cách ứng xử “biệt nhỡn liên tài” của viên quản ngục
càng được nhấn mạnh hơn.
Phân tích
Quản ngục là người giữ trọng trách cai quản nơi giam giữ những tội nhân. Sống
giữa những gông xiềng, tội ác, đây là môi trường dễ làm cho họ trở nên độc ác, giết chết
nhân cách bằng bóng tối bạo tàn. Nhưng viên quản ngục vẫn giữ được cho mình thiên
lương trong sáng. Tình cờ, quản ngục gặp được Huấn Cao, thần tượng của mình, trong
hoàn cảnh cực kì éo le: giữa chốn ngục thất. Thần tượng của ông giờ đây lại là một tử tù,
còn ông là cai ngục. Nhưng chính tình huống éo le này lại trở thành điều kiện để người
đọc khám phá tầng sâu những gì nhân vật này chôn kín nơi đáy lòng.
Vì yêu cái đẹp nên biết quý trọng người tài, chống lại uy quyền
Sự đời run rủi và “ông trời nhiều khi chơi ác, đem đày ải những cái thuần khiết vào
giữa một đống cặn bã. Và những người có tâm điền tốt và thẳng thắn, lại phải ăn đời ở
kiếp với lũ quay quắt”, quản ngục vốn là người “có tâm điền tốt” lại sa vào chỗ tối tăm,
phẩm chất từ đó đã hoen ố đi ít nhiều. Giữa chốn tù ngục hầu như chỉ tồn tại sự tàn nhẫn,
xấu xa, viên quản ngục lại gặp được Huấn Cao. Một tình huống đầy kịch tính được mở
ra: ở bình diện xã hội, họ là những kẻ đối địch nhau; ở bình diện nghệ thuật, họ lại là tri
âm, tri kỉ của nhau. Cuộc kì ngộ khiến cho lòng yêu cái đẹp trong quản ngục sống dậy
mãnh liệt tới mức ông có thể bất chấp cả tính mạng và địa vị. Ông công khai ca ngợi tài
năng kẻ tử tù “hay là cái người mà vùng tỉnh Sơn ta vẫn khen cái tài viết chữ rất nhanh
và rất đẹp đó không?”. Bởi sự xuất hiện của Huấn Cao trong nhà ngục cũng có nghĩa là
một kẻ tài hoa sắp phải chịu án tử, điều đó không khỏi khiến quản ngục xót xa, tiếc nuối.
Ngày nhận tù, khác với mọi khi, hôm nay khi giặp mặt ông Huấn, viên quản ngục “nhìn
sáu tên tù mới vào với cặp mắt hiền lành” lòng kiêng nể và kính trọng đặc biệt. Ông lệnh
cho thơ lại “bảo ngục tốt nó quét dọn lại cái buồng trong cùng” để tiếp đón Huấn Cao.
Mong sao có được mấy chữ của ông Huấn, quản ngục đã dũng cảm vượt qua nỗi sợ
cường quyền, sẵn sàng làm trái “phép nước” mà “biệt đãi” tù nhân, thậm chí xuống tận
buồng giam thăm hỏi. Tuy bị Huấn Cao sỉ nhục “Ngươi hỏi ta muốn gì? Ta chỉ muốn có
một điều. Là nhà ngươi đừng đặt chân vào đây” nhưng quản ngục vẫn lễ phép mà “xin
lĩnh ý”, vẫn đều đặn tỏ lòng kính trọng, vẫn dâng rượu thịt, thậm chí còn hậu hĩnh hơn
trước. Ngục quan tự hạ mình xuống trước tử tù, nhẫn nhục chấp nhận sự “khinh bạc đến
điều” của ông Huấn. Viên quản ngục đã dùng sự chân thành của mình khiến Huấn Cao
cảm động và quyết định cho chữ “Ta cảm cái tấm lòng biệt nhỡn liên tài của các người.
Nào ta có biết đâu một người như thầy Quản đây mà lại có những sở thích cao quý như
vậy. Thiếu chút nữa, ta đã phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ”. Sự đối lập giữa vị thế
và cách ứng xử của nhân vật đã khẳng định quản ngục là người hết mực trân trọng cái tài,
cái đẹp cùng những nhân cách lớn. Về bản chất, đó là sự ngưỡng mộ trước cái đẹp một
cách hoàn toàn tự nguyện. Hành động biệt đãi ông Huấn cũng là xuất phát từ lòng say mê
đó. Nhưng đến cuối tác phẩm thì không chỉ còn là chuyện say mê, tôn thờ chữ đẹp nữa,
mà cao hơn thế, đó là sự trân trọng, nhân cách cao quý của một bậc tài danh. Vậy nên
viên quản ngục cũng là một người tốt, đáng được trân trọng. Đó là điểm gặp gỡ để trở
thành tri âm, tri kỉ của hai con người cách nhau quá xa về vị trí xã hội.
Là một người có thiên lương trong sáng
Trong nhận xét rất tinh tế của người dẫn truyện thì viên quản ngục có “tính cách
dịu dàng và lòng biết giá người”. Ông được coi “là một thanh âm trong trẻo chen vào
giữa một bản đàn mà nhạc luật đều hỗn loạn, xô bồ. Là quản ngục, nhưng ông ta cũng là
tù nhân chung thân của chính cái nhà tù do ông cai quản. Trách nhiệm, bổn phận của một
ngục quan là những thứ gông cùm, xiềng xích vô hình xiết chặt tâm hồn quản ngục suốt
đời. Đã có lúc, ngục quan thấm thía thân phận lạc loài, cô đơn giữa chốn tù ngục của
chính mình, y than thở một mình “Có lẽ lão bát này, cũng là một người khá đây. Có lẽ
hắn cũng như mình, chọn nhầm nghề mất rồi”. Nếu như bi kịch của ông Huấn là người
anh hùng thất thế nhưng vẫn kiêu hùng, lẫm liệt; thì bi kịch của ngục quan là bi kịch lầm
đường. Kẻ lầm đường lạc lối, may thay, vẫn còn có lương tri, lương năng, còn giữ được
một tấm lòng nhân hậu, trọng giá người và yêu cái đẹp, còn có khát vọng giải thoát. Đêm
khuya, giữa nhà giam quạnh quẽ cùng ngon đèn leo lét, quản ngục băn khoăn bởi người
mà ông ngưỡng mộ lại phải sắp lãnh án tử. Vì khâm phục một nhân cách đẹp, một tài
năng song toàn, đi kèm nỗi xót xa trước hiện thực cái đẹp bị vùi dập nên quản ngục đã
tìm cách hóa giải một phần nào niềm đau đớn đó bằng cách “biệt đãi” ông Huấn. Với
quản ngục thì có vinh hạnh nào hơn nếu “có được chữ ông Huấn Cao mà treo là có một
báu vật trên đời”. Vì thế, khi chưa xin được chữ Huấn Cao thì ngục quan sống trong tâm
trạng đầy bi kịch. Nỗi “khổ tâm” của ông là có một ông Huấn Cao trong tay mình, dưới
quyền mình mà không dám “giáp lại mặt” vì cảm thấy nhân cách tử tù “cách xa y nhiều
quá”. Hơn thế nữa, ông càng “khổ tâm” lo lắng, mai mốt đây, Huấn Cao bị hành hình mà
không kịp xin được mấy chữ thì sẽ“ân hận suốt đời”. Chính nghề nghiệp đã ràng buộc
quản ngục vào một giới hạn nghiệt ngã. Trong hoàn cảnh lao tù, người ta sống bằng cái
ác, bằng máu và giết chóc, tính cách quản ngục thật khác thường. Vẻ đẹp thiên lương của
quản ngục còn rực sáng trong cảnh cho chữ “một cảnh tượng xưa nay chưa từng có”.
Trước lời khuyên rành rẽ mà sâu sắc của Huấn Cao, quản ngục đã thấu hiểu và đáp lại
bằng hành động vô cùng đẹp đẽ và cảm động “Ngục quan cảm động, vái người tù một
vái, chắp tay nói một câu mà dòng nước mắt rỉ vào kẽ miệng làm cho nghẹn ngào: “Kẻ
mê muội này xin bái lĩnh!”. Và cái cúi đầu của quản ngục trước Huấn Cao là một cái cúi
đầu sang trọng, lớn lao như thế. Hành động quản ngục vái lạy Huấn Cao chứng tỏ quản
ngục đã giác ngộ, đã nhận ra con đường sáng. Sự thức tỉnh của quản ngục đã khiến hình
tượng quản ngục đáng trọng hơn rất nhiều. Biết phục khí tiết, biết quý trọng người tài,
yêu cái đẹp và biết hướng thiện đó chính là một nhân cách đẹp.

You might also like