You are on page 1of 4

* LAI LỊCH, ĐẶC ĐIỂM VIÊN QUẢN NGỤC

Quản ngục: không phải là một anh hùng cao đẹp như Huấn Cao, lại càng không
mang dáng vóc, tính cách của một tên đao phủ khát máu (Bữa rượu máu). Con
người đó là một hình ảnh trung gian giữa cái đẹp và cái không đẹp. Dưới ngòi
bút tài hoa của một bậc thầy về ngôn ngữ, hình ảnh trung gian ấy cũng mập mờ,
không có ranh giới rõ rệt. Nguyễn Tuân miêu tả viên quản ngục với một vài nét
đặc trưng về ngoại hình: "băn khoăn ngồi bóp thái dương", "đều đã điểm hoa
râm, râu đã ngả màu", "bộ mặt tư lự", bộc lộ hình ảnh của một con người từng
trải, giàu trải nghiệm. Những nét miêu tả ấy không chỉ mang đến cho người đọc
những hình dung về diện mạo, tuổi tác, phong thái của viên quản ngục mà còn
góp phần khắc sâu thế giới nội tâm nhân vật. Bên trong con người có vẻ đăm
chiêu kia dường như đang chất chứa những nỗi niềm, tâm sự day dứt. Hình ảnh
con người điềm tĩnh, kín đáo, có phần khắc khổ, hoàn toàn khác với vẻ ngoài
hống hách, tàn ác của viên quan coi ngục thông thường. Người đọc bỗng đặt ra
câu hỏi rằng, tại sao một con người có gương mặt suy tư như thế lại làm một cái
nghề đi ngược với thiên lương của mình như vậy?

* BIẾT QUÝ TRỌNG NGƯỜI TÀI “BIỄN NHỠN LIÊN TÀI”

Viên quản ngục là người biết quý trọng người tài. Xuất hiện từ đầu truyện, viên
quản ngục đã để lại cho người đọc ánh nhìn khác lạ. Y nói về Huấn Cao với
những lời trầm trồ, thán phục chân thành. Tâm trạng người quản ngục đầy mong
ngóng, chờ đợi Huấn Cao cũng là điều khó hiểu ở kẻ coi tù này. Mới nghe tin
trong những người tử tù ngày mai đến ở có Huấn Cao, viên quản ngục đã cho
người lo chu đáo chỗ ở cho những người tù. Viên quản ngục còn nghĩ về thầy
thơ lại “Có lẽ hắn cũng như mình, chọn nhầm nghề mất rồi. Một kẻ biết kính
mến khí phách, một kẻ biết tiếc, biết trọng người có tài, hẳn là không phải kẻ
xấu hay là người vô tình. Ta muốn biệt đãi ông Huấn Cao. Ta muốn cho Ông ta
đỡ cơ cực trong những ngày cuối cùng còn lại”. Khi tiếp đón Huấn Cao, viên
quản ngục nhìn với “cặp mắt hiền lành” cùng lòng kiêng nể, chứ không dùng tới
các hình phạt trấn áp đã thể hiệu rõ sự trân trọng cái tài của Huấn Cao. Trong
những ngày Huấn Cao ở tù, bao giờ viên quản ngục cũng cho viên thơ lại đem
rượu đến và lễ phép dâng rượu với đồ nhắm cho Huấn Cao. Mặc dù bị ông
Huấn nói những lời ra lệnh và có vẻ “khinh bạc đến điều” nhưng ông vẫn không
tự ái, thù oán mà chấp nhận, nhịn nhục. Những bữa cơm với rượu và thịt vẫn
tiếp tục được mang đến, thậm chí là có phần nồng hậu hơn. Không những vậy,
“năm bạn đồng chí” của ông Huấn Cao “cũng đều được biệt đãi như thế cả”. Có
lẽ, bởi kẻ coi ngục này có con mắt tinh đời nên thấy hiểu được nguyên cớ bên
trong thái độ kiêu ngạo ấy của Huấn Cao: “Tính ông vốn khoảnh, trừ chỗ tri kỉ,
ông ít chịu cho chữ”. Đặc biệt khi nhận được công văn ngày mai, vào sáng sớm
những người tử tù phải giải về kinh thì viên quản ngục “tái nhợt người đi”. Thái
độ đó thể hiện sự tiếc thương của viên quản ngục đối với người tài đức như
Huấn Cao.

* SỰ TRÂN TRỌNG CÁI ĐẸP


Viên quản ngục là người biết yêu cái đẹp, biết trân trọng và giữ gìn cái đẹp.
Viết chữ đẹp và thưởng thức chữ đẹp là thú chơi thanh tao của người xưa. Ngay
từ thời còn trẻ, viên quản ngục đã có thú chơi thanh tao đó. “Biết đọc vỡ nghĩa
sách thánh hiền, từ những ngày nào, cái sở nguyện của viên quan coi ngục là có
một ngày kia được treo ở nhà riêng mình một đôi câu đối do tay ông Huấn Cao
viết. Chữ ông Huấn Cao đẹp lắm, vuông lắm”. Rõ ràng phải là người biết yêu
cái đẹp, biết trân trọng cái đẹp, viên quản ngục mới ước muốn có được chữ của
ông Huấn Cao để treo trong nhà. Sự trân trọng cái đẹp còn thể hiện qua thái độ
của viên quản ngục khi nhận được chữ của ông Huấn Cao cho. “Người tù viết
xong một chữ, viên quản ngục lại khúm núm cất những đồng tiền kẽm đánh dấu
ô chữ đặt trên phiến lụa óng”. Việc giữ lại những vuông lụa trắng có chữ viết
của Huấn Cao chính là ý thức muốn lưu giữ cái đẹp, bảo vệ cái đẹp.

* CÓ SỞ THÍCH CAO QUÝ


Mặc dù đã "chọn nhầm nghề", nhưng thiết nghĩ trên cõi đời này đã có chúa
ngục nào có "cái sở nguyện" cao quý như hắn ? Cái ao ước của hắn thật là thanh
cao, thật là một thú vui tao nhã nhân văn. Quản ngục ao ước là có một ngày nào
đó "được treo ở nhà riêng mình một đôi câu đối do tay ông Huấn Cao viết". Hắn
say mê, hắn khao khát vì "chữ Huấn Cao đẹp lắm, vuông lắm". Với quản ngục
thì có vinh hạnh nào hơn nếu "có được chữ ông Huấn Cao mà treo, là có một
báu vật trên đời". Vì thế, khi chưa xin được chữ Huấn Cao thì ngục quan sống
trong tâm trạng đầy bi kịch. Nỗi "khổ tâm" của hắn là có một ông Huấn Cao
trong tay mình, dưới quyền mình mà không dám giáp lại mặt vì quản ngục cảm
thấy nhân cách tử tù xa cách ông nhiều quá!. Hơn thế nữa, hắn càng "khổ tâm"
lo lắng, mai mốt đây, Huấn Cao bị hành hình mà không kịp xin được mấy chữ
thì ông "ân hận suốt đời". Có thể nói, đó là một bi kịch cao quý được Nguyễn
Tuân cảm nhận ở phương diện văn hoá nghệ thuật. Sự giày vò tâm trạng của
quản ngục đem đến tình tiết cao trào cho tác phẩm khi Huấn Cao đồng ý cho
chữ ngay trước đêm người phải ra pháp trường lãnh án tử hình. Phải chăng,
nhân cách văn hoá cao quý của ngục quan đã làm Huấn Cao xúc động và quý
trọng? Một cảnh đẹp hiếm có trong nhân gian khi kẻ có quyền lại khúm núm
trước một kẻ tử tù, còn kẻ tử tù áy lại thong dong, viết nên bức thư pháp ngàn
người nể phục, yêu quý, săn tìm , cầu mong có được như bảo vật quý trên đời.

* Thiên lương trong sáng


Thiên lương chính là bản tính tốt của con người do trời phú cho. Vậy viên quản
ngục là người có bản tính tốt. Sống giữa chốn lao tù, đầy rẫy tội ác mà tâm hồn
viên quản ngục không hề bị nhuốm bẩn. Ông biết nhận rõ đâu là đúng, đâu là
sai, đâu là tốt và đâu là xấu. Quả thực “Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”.
Tự mình ông cũng đã biết mình chọn “nhầm nghề”. Ông không dùng đến vũ lực
để bắt Huấn Cao cho chữ mà dùng sự kính trọng, tình yêu say mê cái đẹp của
mình. Vì vậy, khi Huấn Cao đồng ý cho chữ ông đã rất xúc động. Trước lời
khuyên của Huấn Cao “Ở đây lẫn lộn cả. Ta khuyên thầy quản nên thay đổi
chốn ở đi. Chỗ này không phải là nơi để treo một bức lụa trắng với những nét
chữ vuông tươi tắn nó nói lên những cái hoài bão tung hoành của một đời con
người (…) Thầy quản nên tìm về nhà quê mà ở, thầy hãy thoát khỏi cái nghề
này đi đã, rồi hãy nghĩ đến chuyện chơi chữ. Ở đây khó giữ thiên lương cho
lành vững rồi cũng đến nhem nhuốc mất cái đời lương thiện đi” thì viên quản
ngục đã kính cẩn tiếp nhận lời khuyên, “vái người tù một vái, chắp tay nói một
câu mà dòng nước mắt rỉ vào khẽ miệng làm cho nghẹn ngào”: “Kẻ mê muội
này xin bái lĩnh”. Câu nói của y như chất chứa niềm khát khao muốn hoàn thiện
nhân cách tốt đẹp. Có lẽ, viên quản ngục sẽ lột xác trở thành con người hoàn
thiện hơn mà giống như nhà phê bình Nguyễn Đăng Mạnh từng nói: “Có những
cái cúi đầu làm cho con người trở nên hèn hạ, có những cái vái lạy khiến con
người trở nên đê tiện nhưng cũng có những cái cúi đầu, vái lạy khiến con người
trở nên cao cả hơn, lẫm liệt hơn, trong sáng hơn. Đó là cái cúi đầu trước cái
Đẹp.”

* KẾT
Trong nhận xét rất tinh tế của người dẫn truyện thì viên quản ngục có “tính cách
dịu dàng và lòng biết giá người”. Ông được coi “là một thanh âm trong trẻo
chen vào giữa một bản đàn mà nhạc luật đều hỗn loạn, xô bồ”, là “cái thuần
khiết” bị đày ải “vào giữa một đống cặn bã”, là “người thẳng thắn lại phải ăn
đời ở kiếp với lũ quay quắt”. Là quản ngục, nhưng ông ta cũng chính là tù nhân
chung thân của cái nhà tù do ông cai quản. Cái danh, cái lợi, trách nhiệm, bổn
phận của một ngục quan là những thứ gông cùm, xiềng xích vô hình siết chặt
tâm hồn quản ngục suốt đời. “Lũ người quay quắt”, cái “đống cặn bã” bao
quanh ông chẳng khác gì nơi buồng tối giam tử tù “một buồng tối chật hẹp, ẩm
ướt, tường đầy mạng nhện, đất bừa bãi phân chuột, phân gián”. Đã có lúc, ngục
quan thấm thía thân phận lạc loài, cô đơn giữa chốn tù ngục của chính mình, y
than thở một mình : “Có lẽ lão bá này, cũng là một người khá đây. Có lẽ hắn
cũng như mình, chọn nhầm nghề mất rồi”. Nếu như bi kịch của ông Huấn là bi
kịch của người anh hùng thất thế, thất thế nhưng vẫn kiêu hùng, lẫm liệt ; thì bi
kịch của ngục quan là bi kịch lầm đường. kẻ lầm đường lạc lối, may thay, vẫn
còn có lương tri, lương năng, còn có “lòng biệt nhỡn liên tài”, còn có khát vọng
giải thoát. Y tôn thờ cái đẹp, say mê cái đẹp để hi vọng tự giải thoát. Nguyễn
Tuân đã rất thành công khi xây dựng được nhân vật viên quản ngục. Lấy cái nền
là nhà tù, Nguyễn Tuân muốn gửi đến độc giả một thông điệp quý giá: con
người phải luôn vượt lên trên hoàn cảnh sống, vượt lên chính mình. Nguyễn
Tuân thành công khi xây dựng nhân vật này còn bởi ông am hiểu thấu đáo về
hiện thực cuộc sống, về diễn biến tâm trạng của con người. Qua nhân vật viên
quản ngục, người đọc rút ra rằng: muốn yêu cái đẹp, muốn thưởng thức cái đẹp,
muốn lưu giữ bảo vệ cái đẹp trước hết phải biết sống đẹp, sống tốt.

You might also like