You are on page 1of 3

Giữa năm 905 và 938, đâu là năm kết thúc ngàn năm Bắc thuộc?

Bắc thuộc là một giai đoạn trong lịch sử khi nước ta bị đặt dưới quyền cai trị
của các triều đại phong kiến phương Bắc.
Vào đời Hùng vương thứ 18 là Hùng Duệ, năm 214 TCN, 50 vạn quân Tần xâm
lược nước ta, trong khi triều đình lại suy vi. Thủ lĩnh Thục Phán của bộ tộc Âu
Việt láng giềng đã đứng lên thay vua lãnh đạo cuộc kháng chiến. Năm 208
TCN, cuộc chiến kết thúc thắng lợi, Thục Phán hợp nhất các bộ lạc lại với nhau.
Ông lên ngôi, lấy hiệu là An Dương Vương, đặt tên nước là Âu Lạc. Ngoài ra,
ông còn cho xây dựng thành Cổ Loa (huyện Đông Anh, Hà Nội ngày nay) thành
chiến lũy kiên cố. Cổ Loa có cấu trúc nhiều vòng xoáy hình trôn ốc, bên ngoài
mỗi vòng thành có nhiều hào nước sâu để bảo vệ. Tương truyền, An Dương
Vương có nỏ thần Liên Châu bắn một phát ra hàng trăm mũi tên. Triệu Đà từng
nhiều lần cố xâm chiếm Âu Lạc nhưng bất thành nên dùng mưu kết tình hòa
hiếu. Triệu Đà sai con trai là Trọng Thủy sang cầu hôn công chúa Mị Châu và
xin ở rể, cốt để thu thập thông tin. An Dương Vương cả tin nên mắc bẫy. Năm
179 TCN, Triệu Đà chiếm được Âu Lạc. Nước ta rơi vào ngàn năm Bắc thuộc,
một thời kỳ đen tối trong lịch sử dân tộc.
Năm 111 TCN, nhà Hán thay thế Triệu Đà, người Việt nổi dậy khắp nơi. Nổi bật
trong số đó là cuộc khởi nghĩa đầu tiên thắng lợi của Hai Bà Trưng ở Mê Linh
(Hà Nội) năm 40. Nước ta giành được quyền tự chủ trong 3 năm thì vương triều
của Hai Bà Trưng bị sụp đổ.
Các triều đại phong kiến phương Bắc thay thế nhau cai trị, vơ vét tài nguyên
nước ta. Người Nam nổi dậy khởi nghĩa. Năm 248, khởi nghĩa của hai anh em
Triệu Quốc Đạt và Triệu Thị Trinh ở vùng núi Nưa (Thanh Hóa). Tiêu biểu là
khởi nghĩa của Lý Bí. Năm 544, Lý Bí lập ra nước Vạn Xuân, chấm dứt thời
Bắc thuộc lần hai. Nước Vạn Xuân tồn tại đến năm 602 thì rơi vào tay nhà Tùy.
Người này ngã xuống, người khác vùng lên. Các cuộc khởi nghĩa chống ách đô
hộ bùng lên. Các thủ lĩnh Mai Thúc Loan, Phùng Hưng,… nổi dậy gây dựng
khoảng thời gian tự chủ ngắn ngủi. Năm 905, Khúc Thừa Dụ - hào trưởng đất
Hồng Châu (Hải Dương) – kêu gọi hào kiệt nổi dậy, đặt nền độc lập và được
nhà họ Khúc (Khúc Thừa Dụ, Khúc Hạo, Khúc Thừa Mỹ) và Dương Đình Nghệ
duy trì đến năm 938.
Cuối năm 938, vua Nam Hán phong con là Lưu Hoằng Tháo làm Giao Vương,
dẫn quân xâm lược nước ta theo đường thủy. Ngô Quyền đã lợi dụng thủy triều
cho cắm cọc trên sông Bạch Đằng và chiến thắng vẻ vang.
Một vấn đề được đặt ra khi nghiên cứu về lịch sử nước Việt là việc xác định
giữa năm 905 và năm 938, đâu mới là thời điểm kết thúc ngàn năm Bắc thuộc,
mở đầu cho kỷ nguyên độc lập. Ngày nay, khi hỏi bất kỳ người Việt Nam nào
về vấn đề ấy, hầu như câu trả lời chắc chắn sẽ là năm 938. Đề xuất này có từ
khá sớm, ít nhất là từ thế kỷ XV qua cách phân kỳ lịch sử của Ngô Sĩ Liên. Tuy
nhiên, Ngô Sĩ Liên chọn năm 939 làm thời điểm đầu tiên của kỷ nguyên độc lập tự
chủ, còn năm 938 được chọn làm thời điểm kết thúc ngàn năm Bắc thuộc. Có hai
tiêu chí được sử dụng ở đây. Trong đó, CHIẾN THẮNG trước quân đội phương
Bắc được dùng để chọn thời điểm kết thúc; xây dựng triều đại được dùng để xác
định thời điểm mở đầu.

Cách phân kỳ của Ngô Sĩ Liên hẳn đã có ảnh hưởng lớn đến phần lớn các sử gia
trong nhiều thế kỷ sau. Sách “Lịch sử Việt Nam” (1971) ghi: “Chiến thắng oanh
liệt của quân dân ta dưới sự lãnh đạo của người anh hùng dân tộc Ngô Quyền trên
sông Bạch Đằng cuối năm 938 kết thúc hoàn toàn thời kỳ mất nước kéo dài hơn
nghìn năm. Dân tộc ta đã giành lại được quyền làm chủ đất nước. Một thời kỳ độc
lập lâu dài của dân tộc bắt đầu.” Giáo trình “Tiến trình lịch sử Việt Nam” (2010)
ghi: “Chiến thắng Bạch Đằng năm 938 là cái mốc bản lề của lịch sử Việt Nam. Nó
chấm dứt vĩnh viễn nền thống trị hơn 1000 năm của phong kiến phương Bắc, mở
ra thời kỳ độc lập thực sự và lâu dài của dân tộc.” “Dấu chấm cuối cùng là để ở
năm 938: bút là giáo gươm, mực là sông Bạch Đằng, theo tôi hợp lý hơn và đẹp
hơn.” Cách bình luận của giáo sư Trần Quốc Vượng cho thấy ông đang phải lựa
chọn giữa các mốc thời điểm khác nhau. Mốc 938 được chọn phải chăng vì nó gắn
với một chiến thắng rực rỡ, oanh liệt, có tầm về nghệ thuật quân sự: một trận thủy
chiến với sự thông hiểu con triều. Rồi sau đó, cách đánh này còn được dùng lại
thời Lê Hoàn chống Tống và Trần Hưng Đạo chống quân Nguyên Mông: “trận
Bạch Đằng lịch sử, vừa xóa sổ cả đạo thủy quân Nam Hán xâm lược, vừa giết chết
cả chủ tướng: Thái tử Hoằng Tháo”. Hơn nữa, có thể thấy, từ góc độ rộng lớn hơn,
Ngô Quyền đã “trấn diệt thù trong, tiêu diệt giặc ngoài”. Cách dùng chữ như vậy,
hẳn có đối chiếu với lịch sử Việt Nam qua những năm sáu bảy mươi của thế kỷ
XX. Ở đây, chúng ta đã thấy việc nghiên cứu của các nhà sử học đã ít nhiều có sự
điều chỉnh của bối cảnh lịch sử Việt Nam hiện đại.

Nhưng dù sao, với thời điểm năm 938, chúng ta có thể thấy, từ thế kỷ XV đến thế
kỷ XX, các sử gia và các nhà nghiên cứu lịch sử đã dùng chung một tiêu chí để xác
định thời điểm kết thúc ngàn năm Bắc thuộc, ấy là một CHIẾN THẮNG.

Xét cho đến cùng, năm 938 là một cột mốc được chọn một cách hợp lý để chấm
dứt 1000 năm Bắc thuộc.

Thứ nhất, việc lấy một trận chiến quyết định với kết quả thắng lợi về mặt quân sự
để từ đó làm cột mốc quan trọng trong một giai đoạn lịch sử là rất phù hợp. Một
vài ví dụ tiêu biểu về việc lấy một trận chiến thắng lợi để làm cơ sở đặt cột mốc
lịch sử có thể kể đến như trận Điện Biên Phủ chống thực dân Pháp, buộc Pháp ký
hiệp định Genève, chấm dứt sự đô hộ của thực dân Pháp đối với 3 nước Đông
Dương, mở đầu quá trình sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ trên thế giới. Một ví
dụ khác là chiến dịch Hồ Chí Minh được dùng để đặt làm mốc thắng lợi trước đế
quốc Mĩ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Chính vì vậy, đặt một mốc
quan trọng trong lịch sử bằng một trận chiến thắng vẻ vang, hào hùng là lựa chọn
thích hợp, từ đấy mở ra một giai đoạn mới, trang sử mới cho dòng chảy lịch sử dân
tộc Việt.

Thứ hai, việc lựa chọn năm 905 làm mốc xác định chấm dứt ngàn năm Bắc thuộc
là chưa chính xác vì người đứng đầu nước ta lúc bấy giờ là Tiết độ sứ, không phải
là vua. Tiết độ sứ là một chức quan lớn nắm giữ binh quyền, hành chính và tài
chính trong cả nước. Chức Tiết độ sứ bắt nguồn từ thời nhà Đường của Trung
Quốc và chức vụ này được đặt bởi nhà vua. Sở dĩ Khúc Thừa Dụ không xưng
vương mà xưng Tiết độ sứ vì ông muốn dùng chức quan lại của Trung Quốc để
xây dựng nền tự chủ thực tế cho dân tộc ta. Nếu ông xưng vương thì nhà Đường có
thể sẽ mang quân sang xâm lược nước ta một lần nữa. Vậy, nước ta vẫn chưa hoàn
toàn thoát ly và trở thành một quốc gia độc lập. Cho đến năm 938, Ngô Quyền
đánh bại quân Nam Hán và xưng vương (Ngô Vương). Lúc bấy giờ, ta mới có nền
độc lập, tự chủ thực sự.

Qua những gì đã phân tích ở trên, lựa chọn giữa năm 905 và 938 làm mốc chấm
dứt 1000 năm Bắc thuộc thì cột mốc năm 938 là hợp lý hơn cả.

You might also like