You are on page 1of 13

TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI

KHOA LỊCH SỬ

HỌC PHẦN: CHIẾN TRANH BẢO VỆ TỔ QUỐC VÀ

GIẢI PHÓNG DÂN TỘC TRONG LỊCH SỬ VIỆT NAM

Chủ đề: Nói về tính đa tuyến, toàn bộ và toàn diện của lịch sử Việt Nam, giáo sư
Phan Huy Lê nhận định:“Lịch sử chống ngoại xâm là một đặc điểm nổi bật của
lịch sử Việt Nam và giữ vai trò định đoạt sự tồn vong của dân tộc trước nguy cơ
xâm lược và đô hộ của nước ngoài. Chính cuộc đấu tranh sống còn này đã rèn
luyện nên nhiều phẩm giá cao quý và phát huy đến cao độ trí thông minh, sáng
tạo của dân tộc”. (Phan Huy Lê, Lịch sử và văn hóa Việt Nam: Tiếp cận bộ phận,
Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2005, tr.17). Bằng những thu hoạch trong chuyên đề
“Lịch sử chống ngoại xâm Việt Nam thời kì trung đại”, anh (chị) hãy bình luận và
chứng minh nhận định trên.

Sinh viên thực hiện: Hoàng Minh Huệ, Năm thứ: 3/4 năm đào tạo

Mã sinh viên: 695602055

Lớp: K69. A.

Hà Nội, tháng 8 năm 2022


A. MỞ ĐẦU
Ý nghĩa của chủ đề: Nằm ở vị trí chiến lược quan trọng của cả khu vực Đông Nam Á và
Châu Á: vừa gắn liền với lục địa, vừa thông rộng với đại dương, từ rất sớm Việt Nam đã trở
thành đối tượng nhòm ngó của các thế lực ngoại xâm đến từ nhiều phía. Trong lịch sử hàng
nghìn năm dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt Nam đã phải thường xuyên đương đầu với
nhiều đội quân xâm lược lớn mạnh, đặc biệt trong thời kì trung đại, ta thường xuyên phải
chống lại một nước láng giềng lớn mạnh với tư tưởng bành trướng xuống phía Nam. “Dựng
nước đi đôi với giữ nước” đã trở thành quy luật sinh tồn và phát triển của dân tộc, một đặc
điểm hằng xuyên của văn hóa Việt Nam. Và chính cuộc đấu tranh sống còn này cũng đã rèn
luyện nên nhiều phẩm giá cao quý và phát huy đến cao độ trí thông minh, sáng tạo của dân
tộc Việt Nam. Để lại nhiều bài học lớn lao cho thế hệ sau này. Nhìn vào lịch sử Việt Nam,
giáo sư Phan Huy Lê cũng đã nhận định:“Lịch sử chống ngoại xâm là một đặc điểm nổi bật
của lịch sử Việt Nam và giữ vai trò định đoạt sự tồn vong của dân tộc trước nguy cơ xâm
lược và đô hộ của nước ngoài. Chính cuộc đấu tranh sống còn này đã rèn luyện nên nhiều
phẩm giá cao quý và phát huy đến cao độ trí thông minh, sáng tạo của dân tộc”. Khi tìm hiểu
về những giá trị to lớn mà các cuộc đấu tranh chống ngoại xâm mang lại, ta vừa có thể nhận
định được những bản chất, đặc điểm và đặc trưng của nó trong tiến trình phát triển của lịch sử
vừa có thể cung cấp, bổ sung thêm nguồn tư liệu mới phục vụ cho việc giảng dạy, việc nghiên
cứu đồng thời bồi dưỡng thêm tinh thần yêu nước và lòng tự hào dân tộc.
Mục tiêu của chủ đề: từ nhận định của giáo sư Phan Huy Lê, thông qua những tài liệu, tư
liệu lịch sử, những bài báo, bài nghiên cứu… từ đó làm rõ đặc điểm của lịch sử Việt Nam đặc
biệt là trong thời kì trung đại, vai trò của các cuộc đấu tranh chống ngoại xâm và những cuộc
đấu tranh chống ngoại xâm đó góp phần tạo nên những truyền thống đáng tự hào của dân tộc.
Nhiệm vụ của chủ đề: Trọng tâm của bài tiểu luận này là tập trung làm rõ 2 vấn đề chính: thứ
nhất, vai trò của các cuộc đấu tranh, kháng chiến chống lại các cuộc xâm lược và đô hộ của
nước ngoài đối với non sông, đất nước và dân tộc Việt Nam; thứ hai, chính từ những cuộc
đấu tranh ấy, đã rèn luyện cho con người Việt Nam có những đức tính, tính cách tốt đẹp,
mang tính truyền thống đặc trưng của dân tộc, đồng thời có thể thích nghi, sáng tạo và phát
huy những thế mạnh vốn có của mình để đưa đến thắng lợi cho dân tộc, bảo vệ từng “tấc đất,
tấc vàng” cho non sông đất nước.

1
B. GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ
“Trải qua hơn một nghìn năm Bắc thuộc, sau những cuộc đấu tranh không ngừng nghỉ,
tiêu biểu như khởi nghĩa Hai Bà Trưng, khởi nghĩa Bà Triệu, khởi nghĩa Lí Bí,… dân tộc
Việt Nam đã chính thức kết thúc thời kì này với chiến thắng Bạch Đằng (938) gắn liền với
chiến công hiển hách của Ngô Quyền chống quân Nam Hán. Từ thế kỉ X đến đầu thế kỉ giữa
những năm 50 của thế kỉ XIX - mà ta gọi đó là thời kì trung đại, nhân dân ta bước vào thời kì
xây dựng quốc gia độc lập, bảo vệ và giữ vững chủ quyền dân tộc. Nhiều cuộc chiến tranh
chống ngoại xâm liên tục diễn ra, nhân dân ta quyết không chịu khuất phục, bằng sự đoàn kết
đồng lòng của toàn dân và triều đình, đặc biệt là những vị tướng tài thì trong lịch sử trung đại,
Việt Nam đã tiến hành nhiều cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm thắng lợi, góp phần nâng
tầm vị thế của quốc gia và tiếp tục đưa đất nước phát triển, bảo vệ thành quả của ông cha ta
đã xây dựng.” Và khi nói đến lịch sử thế giới trung đại ở Việt Nam, ta không thể không nói
đến hai đặc điểm lớn sau:
1. Việt Nam liên tiếp luôn phải đấu tranh chống giặc ngoại xâm. Vai trò của các cuộc
đấu tranh chống ngoại xâm và đô hộ trong thời kì trung đại
Thế kỉ X, sau chiến thắng vĩ đại trên sông Bạch Đằng năm 938, xiềng xích Bắc thuộc
hoàn toàn bị đập tan. Ngô Quyền – vị anh hùng tiêu biểu cho ý chí và khát vọng của dân tộc
đã lãnh đạo nhân dân ta lập nên võ công hiển hách, là người đặt nền tảng cho sự phục hưng
đất nước sau thời kì Bắc thuộc. Trải qua các triều Ngô, Đinh, Tiền Lê, nền độc lập, tự chủ và
thống nhất của đất nước ngày càng được củng cố thêm, đặc biệt là từ sau triều Lý được thành
lập và quyết định dời kinh đô từ Hoa Lư về thành Đại La, mở ra vận thế mới cho nước Đại
Việt đồng thời trong giai đoạn này, nhân dân Việt Nam xây dựng đất nước gắn liền với bảo
vệ tổ quốc. Có thể nói nhân dân Việt Nam đã gần như liên tục đấu tranh để bảo vệ nền độc
lập tự chủ, bảo vệ bản sắc văn hóa của mình.
Từ thế kỉ X đến giữa thế kỉ XIX, Việt Nam đã tiến hành nhiều cuộc đấu tranh chống lại
các thế lực bên ngoài, Giáo sư Phan Huy Lê đã nhận định: “Lịch sử chống ngoại xâm là một
đặc điểm nổi bật của lịch sử Việt Nam và giữ vai trò định đoạt sự tồn vong của dân tộc trước
nguy cơ xâm lược và đô hộ của nước ngoài”.
Có thể liệt kê các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm lớn trong lịch sử trung đại theo một
danh sách như sau:
1- Kháng chiến chống Tống lần thứ nhất thời Tiền Lê (980 – 981)
2- Kháng chiến chống Tống lần thứ hai thời Lý (1075 – 1077)
3- Kháng chiến chống Mông – Nguyên (1258, 1285, 1287 – 1288)
4- Kháng chiến chống Minh (1406 – 1407)
5- Kháng chiến chống Xiêm (1784 – 1785)
6- Kháng chiến chống Thanh (1788 – 1789).
Cơ đồ và vận thế đất nước ngày càng vững bền là cơ sở để dân tộc Việt Nam bảo vệ nền
độc lập, tự chủ của mình trên lên một tầm cao mới. Năm 1075, khi nhận được tin nhà Tống
tập trung binh lực ở châu Khâm và châu Liêm giáp với biên giới, ráo riết chuẩn bị cuộc chiến
tranh xâm lược Đại Việt, vua tôi nhà Lý đã tập trung binh lực, đề ra chiến lược và thực hiện
kế sách “tiên phát chế nhân” nhằm kiềm chế và đập tan mưu đồ xâm lược của nhà Tống.

2
Năm sau, tức năm 1076 khi nhà Tống phát binh xâm lăng Đại Việt, giữa lúc cuộc chiến đang
vào hồi quyết liệt thì bài “thơ thần” đã vang lên, thổi bùng khát vọng tự do, độc lập, hùng
cường, sánh ngang Nam – Bắc của quân dân Đại Việt: “Nam quốc sơn hà Nam Đế cư / Tiệt
nhiên định phận tại thiên thư / Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm / Nhữ đẳng hành khan thủ bại
hư”. Đây như bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của quốc gia – dân tộc Việt Nam, tuyên bố
khẳng định quyền độc lập thiêng liêng và quyền bình đẳng của mình, tinh thần đó, khí phách
đó là nhân tố quan trọng làm nên thắng lợi của cuộc kháng chiến.
“Từ năm 1225, nhà Trần thay thế nhà Lý đảm nhận sứ mệnh lãnh đạo công cuộc dựng
nước và giữ nước (1226 – 1400), đã lãnh đạo nhân dân ba lần kháng chiến chống quân Mông
– Nguyên giành thắng lợi vẻ vang. Chỉ trong vòng 30 năm, dân tộc ta đã phải liên tiếp đứng
lên chống quân xâm lược, cuộc kháng chiến này không chỉ là cuộc đọ sức quyết liệt giữa một
đế quốc đầu sỏ mạnh nhất thế giới lúc đó với một dân tộc nhỏ bé nhưng kiên quyết đứng lên
chống xâm lược để bảo vệ đất nước mà còn là cuộc đấu tranh gay gắt về tài trí giữa hai nền
nghệ thuật quân sự của Đại Việt.
Đến đầu thế kỉ XV, sau sự thất bại của cuộc kháng chiến do cha con Hồ Quý Ly lãnh đạo,
một lần nữa nước ta lại rơi vào ách thống trị tàn bạo của phương Bắc. Dưới sự lãnh đạo của
Lê Lợi, Nguyễn Trãi và các bậc hào kiệt của nước Việt, nhân dân ta đã đoàn kết một lòng,
kiên quyết vùng lên chiến đấu và quét sạch được quân thủ ra khỏi bờ cõi. Nong sông đất nước
lại được độc lập, nhân dân được tự do, dân tộc Việt Nam được khôi phục quyền tự chủ, bản
sắc văn hóa được bảo tồn.”
Cuộc chiến đấu anh dũng, lâu dài của quân và dân Đại Việt đầu thế kỉ XV đã lật đổ hoàn
toàn ách thống trị của phong kiến phương Bắc, giành lại độc lập dân tộc sau 20 năm bị cai trị
dưới ách thống trị tàn bạo của nhà Minh. Điều này chứng tỏ rằng, đến thế kỉ XV dân tộc Việt
Nam đã trưởng thành, có ý thức sâu sắc về chủ quyền lãnh thổ, tư tưởng quân sự của dân tộc
đã có bước phát triển, trưởng thành trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc. “Bình Ngô đại
cáo” thể hiện lòng tự hào dân tộc, đó là một thiên hùng ca một bức tranh sinh động và trung
thực về hình cảnh của một dân tộc anh hùng đang vươn lên, quyết tâm, chiến đấu vì độc lập
tự do và toàn vẹn lãnh thổ, một dân tộc đã có hàng nghìn năm lịch sử đấu tranh dựng nước và
giữ nước, đã có năm thế kỉ sống độc lập hoàn toàn với tư cách là một quốc gia tiên tiến ở
châu Á, một dân tộc anh hùng mà không thể một thế lực xâm lược nào có thể khuất phục nổi.
Từ sau thắng lợi vĩ đại của cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc đầu thế kỉ XV, cơ đồ, vị
thế của Đại Việt ngày càng được củng cố và phát triển. Nền văn hiến dân tộc thăng hoa rực rỡ
trên nền tảng của một nền kinh tế nông nghiệp lúa nước được tổ chức quy củ, bờ cõi ngày
càng được mở rộng về phía Nam, kéo theo các cộng đồng dân cư khác hội nhập bền vững và
hòa bình vào cộng đồng dân tộc Việt Nam. Ngay cả khi đất nước rơi vào cảnh bị chia cắt,
phân tranh, hết Lê – Mạc, Trịnh – Nguyễn phân tranh, nhưng nội lực dân tộc vẫn không
ngừng được bồi tụ. Cho đến cuối thế kỉ XVIII, Việt Nam đã thực sự là một cường quốc ở khu
vực Đông Nam Á. Việc nhà Tây Sơn tuy còn non trẻ nhưng đã đủ sức đập tan hai cuộc xâm
lăng của Xiêm ở phía Nam (1785) và quân Thanh ở phía Bắc (1789) đã cho thấy vị thế, sức
mạnh và ý chí của dân tộc Việt Nam tại thời điểm đó. Lời “hịch” được truyền đi trong lễ xuất
quân trước tết Kỷ Dậu (1789) đã cho thấy khát vọng độc lập, tự do của dân tộc: “Đánh cho để
dài tóc / Đánh cho để đen răng / Đánh cho nó chích luân bất phản / Đánh cho nó phiến giáp
bất hoàn / Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ”.

3
“Khi tiến hành kháng chiến chống quân xâm lược thất bại như của nhà Hồ, Hô Quý Ly,
Hồ Hán Thương và Hồ Nguyên Trừng đứng đầu. Mặc dù luôn đề cao ý thức độc lập chủ
quyền, tích cực chuẩn bị kháng chiến và quyết tâm kháng chiến đến cùng. Nhưng khi phải đối
đấu với một nước mạnh như nhà Minh, cũng với những yếu tố chủ quan trong nước như
không được lòng dân, tư tưởng chiến thuật sai lầm đã làm cho nước ta một lần nữa rơi vào
ách đô hộ của phương Bắc, gây nên nhiều khổ đau cho dân tộc. Đồng thời cũng để lại những
bài học về xây dựng tư tưởng, chiến thuật,… cho hậu thế sau này.
Ta có thể thấy, trong thời kì này, chống ngoại xâm là một nhân tố lặp đi lặp lại nhiều lần
với tần số cao và tác động sâu sắc đến tiến trình lịch sử và nó cũng góp phần cho sự ra đời,
phát triển của nền quân sự Việt Nam. Nhìn lại có thể thấy, khát vọng thường trực, cháy bỏng
trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam là độc lập, tư do,
văn hiến và cường thịnh. Đó cũng chính là yếu tố cốt lõi của truyền thống yêu nước dân tộc
Việt Nam. Tạo nền tảng văn hóa chính trị cho cơ đồ đất nước. Cội nguồn khát vọng đó nằm
ngay trong những mong ước giản dị thường nhật của người dân đất Việt.”
2. Lịch sử chống giặc ngoại xâm đã tạo nên những truyền thống dân tộc tốt đẹp, những
con người anh hùng và góp phần sáng tạo thêm những nghệ thuật quân sự đặc sắc cho
dân tộc
a. Truyền thống yêu nước – giá trị văn hóa bất biến của dân tộc Việt Nam
Tư tưởng yêu nước là một giá trị cơ bản trong hệ giá trị truyền thống của dân tộc Việt
Nam, được hun đúc qua hàng ngàn năm lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm, giành lại nền
độc lập cho dân tộc. Tư tưởng yêu nước đã ăn sâu bén rễ thấm nhuần vào tình cảm, tâm tư
mỗi người dân Việt Nam qua mọi thời đại, giúp cho dân tộc ta đánh thắng mọi kẻ thù xâm
lược cho dù chúng có mạnh gấp ta nhiều lần. Và đúng như giáo sư Pham Huy Lê nói: “Chính
cuộc đấu tranh sống còn này đã rèn luyện nên nhiều phẩm giá cao quý và phát huy đến cao
độ trí thông minh, sáng tạo của dân tộc”. Chủ nghĩa yêu nước của dân tộc Việt Nam mang
đậm tư tưởng dân chủ và nhân văn sâu sắc, yêu nước gắn liền với yêu dân và ý thức cộng
đồng, phản ánh tư tưởng chủ đạo “Nước lấy dân làm gốc” trong văn hóa chính trị Việt Nam.
Trong thế kỉ XIII, với cái nhìn vượt trước thời đại của mình, Trần Hưng Đạo đã sử
dụng “Khoan thư sức dân” để làm kế sâu rễ bền gốc, “cử quốc nghênh địch”, định hướng và
phát huy cao độ lòng yêu nước của toàn nhân dân nên cả ba lần đều đánh thắng quân xâm
lược Nguyên – Mông. Những năm đầu thế kỉ XV, tương tự, Lê Lợi, Nguyễn Trãi trong cuộc
chiến chống ách đô hộ của quân Minh đã chăm lo xây dựng và thống nhất các yếu tố “dân
giàu, nước mạnh, binh cường”, thực thi nhiều việc làm nhân nghĩa “cốt để dân yên” và “duy
trì thế nước yên”. Vào thế kỉ XVIII, công cuộc giữ nước đòi hỏi tư duy chiến lược mới là
phải chủ động “giữ cho trong ấm, ngoài êm”, dưới sự lãnh đạo của Nguyễn Huệ, lòng yêu
nước của nhân ta được phát huy cao độ trong phá bỏ cục diện Trịnh – Nguyễn, thống nhất đất
nước, đánh thắng quân xâm lược Xiêm ở phía Nam và quét sạch 29 vạn quân Thanh ở phía
Bắc ra khỏi bờ cõi đất nước. Lịch sử đã khẳng định, tư tưởng quân sự của dân tộc ta là tư
tưởng tiến công, cũng có thể nói là tư tưởng chiến lược tiến công. Lực chọn tư tưởng tiến
công là thể hiện tinh thần dám đánh, quyết đánh và quyết thắng quân xâm lược. Từ đó mà đã
tạo nên sự đoàn kết toàn dân, niềm tin chiến thắng và không chịu khuất phục kẻ thù cho dù
chúng có mạnh và hung bạo đến đâu. Ví dụ điển hình có thể nhắc đến ở đây, hai chữ “ Sát
Thát” thích trên cánh tay các tướng lĩnh và binh lính nhà Trần đã nói lên quyết tâm sắt đá của
toàn quân khi được nghe những lời hịch của Trần Quốc Tuấn. Đó là ý chính của toàn quân và
4
toàn dân. Cả nước một lòng “dĩ thân tuẫn quốc” (xả thân vì nước), để biến quyết tâm kháng
chiến của triều đình và của quân đội thành quyết tâm đánh giặc của toàn dân, Vua Trần Thái
Tông đã mời đại biểu phụ lão trong cả nước về Kinh đô Thăng Long, đặt tiệc ở Diên Hồng
hỏi kế đánh giặc. Trả lời câu hỏi của nhà vua nên đánh hay không, tất cả đều đồng thanh hô
“Đánh!”. Tiếng vang của Hội nghị Bình Than, của Hịch tướng sĩ, của hội nghị Diên Hồng dội
vào lòng yêu nước, chí căm thù giặc vốn có trong tâm tư, tình cảm của từng người, vốn đã
gắn bó với triều đình qua các chính sách tiến bộ được ban hành thời đó…
“Ông cha ta đã sớm biết đoàn kết để giữ nước, đã sớm gắn quyền lợi của Tổ quốc với
quyền lợi của gia đình và bản thân, gắn bó với nhà, với làng với nước trong mối quan hệ keo
sơn bền chặt, “nước mất thì nhà tan” là câu nói nói lên ý thức của người dân Việt Nam. Từ
thế này sang thế hệ khác, ngọn lửa chiến tranh vì đại nghĩa đã tôi luyện truyền thống yêu
nước và ý chí độc lập tự chủ của dân tộc Việt Nam. Trước họa xâm lăng, thái độ duy nhất của
toàn, của cả dân tộc là quyết đứng lên chiến đấu quét sạch hình bóng quân thù.
Hay ngay sau khi đánh bại lực lượng kháng chiến của nhà Hồ, quân Minh đã phải đối phó với
một loạt các cuộc khởi nghĩa rộng khắp, mặc dù bị thất bại nhưng các phong trào đó đã thể
hiện ý thức dân tộc, tư tưởng, quyết tâm chống ngoại xâm giành độc lập của nhân dân Việt
Nam. Tinh thần yêu nước, khát vọng độc lập, ý chí quật cường bất khuất chống ngoại xâm
của nhân dân vẫn luôn nung nấu và bùng cháy dữ dội khi Lê Lợi phát động cuộc khởi nghĩa
Lam Sơn ở Thanh Hóa…
Nhìn lại lịch sử, trong các cuộc đấu tranh chống lại ách đô hộ của ngoại bang, nhân dân
ta luôn đoàn kết thành một khối thống nhất với ý chí quật cường, không khuất phục trước kẻ
thù xâm lược hung bạo. Trong sự nghiệp giữ nước vĩ đại đó đã xuất hiện những vị minh quân,
hiền thần, những nhà lãnh đạo, những danh tướng kiệt xuất, mãi mãi đi vào lịch sử như Ngô
Quyền, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Quang Trung – Nguyễn Huệ,… họ là
những anh hùng dân tộc không chỉ có tài thao lược quân sự xuất chúng mà còn là những nhà
tư tưởng - văn hóa đậm chất nhân văn, ngay kẻ thù cũng phải khâm phục.”
Chủ nghĩa yêu nước, tư tưởng độc lập tự chủ, bảo vệ chủ quyền quốc gia,… là kết quả
của một quá trình vừa dựng nước vừa giữ nước, là kết quả của bao mồ hôi, xương máu mà
lớp lớp các thế hệ người Việt Nam đã đổ xuống trên những chặng dài lịch sử với nhiều thử
thách cam go. Có lẽ cũng vì thế khát vọng hòa bình luôn thẳm sâu trong tâm thức của người
Việt Nam bên cạnh những tư tưởng anh hùng của dân tộc Việt Nam.
b. Trí thông minh, sáng tạo của dân tộc Việt Nam được phát huy cao độ trong xây dựng nghệ
thuật quân sự hình thành từ những cuộc đấu tranh chống ngoại giặc xâm lược thời kì trung
đại
“Trong tiến trình lịch sử nói trên, do hoàn cảnh đất nước liên tục có giặc ngoại xâm,
dân tộc ta hầu như thường xuyên phải tiến hành các cuộc kháng chiến, khởi nghĩa và đấu
tranh giải phóng. Từ thực tiễn xây dựng lực lượng và chiến thắng quân xâm lược tàn bạo. Tư
duy, tư tưởng quân sự từng bước xuất hiện và phát triển. Những giá trị vật chất và tinh thần,
những kinh nghiệm xây dựng lực lượng và đấu tranh cứu nước đã tạo tiền đề cho sự hình
thành và phát triển của một nền tảng tư tưởng, nghệ thuật quân sự Việt Nam độc đáo – hệ giá
trị văn hóa giữ nước – văn hóa quân sự có một không hai trên thế giới.”
Ý thức độc lập, chủ quyền và thống nhất quốc gia được thể hiện đậm nét ngay từ thế kỉ X. Tư
tưởng dựng lực lượng vũ trang theo chính sách “ngụ binh ư nông”, gắn việc binh với việc
5
nông đã xuất hiện từ thời Lý. Quốc sách “ngụ binh ư nông” của nhà nước Đại Việt thời Lý –
Trần đã được vận dụng thành công, tạo nên một lực lượng vũ trang hợp lí, rộng khắp. Nhiều
quan điểm, tư tưởng tiến bộ xuất hiện trong giai đoạn Lý – Trần, trong khởi nghĩa Lam Sơn,
trong đó nổi bật là tư tưởng “thân dân”, “khoan thai sức dân”, dựa vào dân để xây dựng lực
lượng “toàn dân vi binh”, “bách tính giai binh”, và tiến hành chiến tranh chống ngoại xâm,
thực hiện “cử quốc nghênh địch” (cả nước đánh giặc). Lí luận và tư tưởng quân sự “dĩ đoản
chế trường”, lấy nhỏ đánh lớn, lấy ít địch nhiều, lấy yếu chống mạnh đã xuất hiện và được
vận dụng thành công trong các cuộc chiến tranh bảo vệ và giải phóng Tổ quốc. Tư tưởng chủ
động, khéo léo, mềm dẻo trong quan hệ đối ngoại quân sự đã phát huy tác dụng trong quá
trình điều hành chiến tranh, nhất là vào giai đoạn kết thúc cuộc chiến, với mục đích giữ vững
hòa hiếu, duy trì hòa bình, xây dựng đất nước,… Mưu kế đánh giặc của nhân dân ta rất mềm
dẻo và khôn khéo. Kết hợp chặt chẽ giữa tiến công quân sự với binh vận ngoại giao tạo nên
thế trận của ta, phá thế mạnh của giặc. Trong đó, ta sử dụng mưu và kế là chủ yếu. Mưu là để
lừa địch, đánh vào chỗ yếu, chỗ sơ hở, chỗ ít phòng bị làm cho chung lúng túng đối phó; Kế
là để điều địch theo ý định của ta, giành quyền chủ động, buộc chúng phải đánh theo cách của
ta. Có thể lấy vài ví dụ để minh chứng cho những nhận định trên như sau:
Nước Đại Cồ Việt thế kỉ X đã phải đối diện với một thực tế: nhà nước quân chủ chỉ
đang đi những bước đầu từ vương đến đế, từ mô hình quản lý của chính quyền Tiết độ sứ đến
một nhà nước quân chủ tập quyền từ trung ương đến địa phương, quá trình phát triển, trưởng
thành này phải diễn ra trong gần một thế kỉ. Trong tình hình đó, tư tưởng phòng vệ, phòng
ngự tích cực đã xuất hiện trong lĩnh vực quân sự và giúp cho quân dân Đại Cồ Việt vượt qua
được mọi thử thách, đẩy lùi quân xâm lược, đặc biệt là quân xâm lược Tống. Với tầm nhìn xa
trông rộng, với ý thức “biết mình biết người”, nhận định được tầm quan trọng của địa bàn
chiến lược vùng cửa ngõ Đông Bắc, phán đoán chính xác hướng tiến quân và đường tiến quân
của giặc, Lê Đại Hành đã tập trung sức lực vào việc bố trí lực lượng phòng vệ và chuẩn bị
đánh giặc ở sông Bạch Đằng. “Nơi hơn 40 năm trước, Ngô Quyền đã từng đánh tan quân
Nam Hán. Tuy nhiên ông biết quân Tống mạnh hơn nhiều so với quân Nam Hán trước đó nên
tổ chức phòng vệ trong không gian rộng hơn không chỉ trên đường thủy mà cả trên bộ. Như
vậy, trong vòng 5 tháng từ khi được tin báo có giặc tháng 8/980 đến cuối tháng 1/981, Lê Đại
Hành đã tranh thủ thời gian chủ động hoàn tất công việc tổ chức phòng giữ, chốt quân đánh
giữ các điểm trọng yếu sẵn sàng đợi giặc. tất nhiên để đánh phá được giặc thì không chỉ thể
phòng vệ mà còn phải chủ động tiến công. Nhưng trước thế giặc mạnh, nếu không tổ chức
phòng ngự tốt thì không thể tự vệ được, đừng nói đến chuyện tập kích, tấn công. Với sự
chuẩn bị chu toàn, dự tính chu toàn, trong kháng chiến chống giặc, đặc biệt với trận quyết
chiến ở sông bạch Đằng, trận Tây Kết, Lê Đại hành đã thực hiện thành công ý đồ chiến lược
phòng chống giặc, các trận Bạch Đằng, Đồ Lỗ, Lục Giang là những trận tập kích chiến lược
nhằm chặn đường tiến, tiêu hao lực lượng quân giặc, buộc chúng phải chùng chình, co cụm
về điểm tập kết ban đầu và tháo chạy khỏi nước ta, từ đây Đại Cồ Việt sạch bóng quân thù.”
Để bảo vệ Thăng Long, Lý Thường Kiệt đã xây dựng tuyến phòng ngự trên sông Như
Nguyệt để chặn giặc, khi quân nhà Tống tiến công vượt sông Như Nguyệt không thành, phải
chuyển vào phòng ngự, ông đã dùng quân địa phương và dân binh liên tục quấy rối, làm cho
địch mệt mỏi, căng thẳng, tạo thời cơ cho quân đội nhà Lý chuyển sang phản công giành
thắng lợi. Cuộc phản công chiến lược của Lý Thường Kiệt đã làm thay đổi bộ mặt chiến
trường, tạo nên một bước ngoặt quyết định của cuộc chiến chống xâm lược của quân dân Đại
Việt: từ “đánh” chuyển sang “đàm” với thế mạnh của người chiến thắng, đồng thời khẳng
6
định sự trưởng thành của nền quân sự Việt Nam vào thời Lý. Tư tưởng quân sự được hình
thành và xuất hiện cùng với quá trình tổ chức xây dựng lực lượng vũ trang và những hoạt
động của nó trong chiến đấu bảo vệ độc lập của đất nước thông qua các nhà quân sự tiêu biểu
của thời đại. Vừa mới ra đời, tổ chức 10 đạo quân của Đại Cồ Việt đã đánh thắng giặc Tống
lần thứ nhất vào cuối năm 980, đầu năm 981. Chưa đầy một thế kỉ sau, vào năm 1075 – 1077,
lực lượng vũ trang quốc phòng của nhà Lý lại tiếp tục đánh bại cuộc xâm lược lần thứ hai của
giặc Tống, lập nên kì tích trong lịch sử chống xâm lăng của dân tộc, bảo vệ được nền độc lập,
chủ quyền của đất nước.
Hay trong tác chiến triệt để khoét sâu điểm yếu của địch là tác chiến ở trường xa, tiếp
tế khó khăn, nên đã triệt phá lương thảo, hậu cần của địch, làm cho quân địch rơi vào cảnh
“Người không có lương ăn, ngựa không có nước uống”, điển hình như đời Trần dùng kế “dĩ
đoản chế trường”. Chủ trương dựa vào “đoản binh”, tức nội lực – thế mạnh của mình để chế
ngự cái “trường trận” của giặc, đây là việc thông thường của một quân đội nhỏ, ít mà phải
chống lại những đội quân xâm lượng đông và hùng mạnh. Đây là một tư tưởng quân sự yêu
nước truyền thống, lâu đời của dân tộc ta, một biểu hiện độc đáo của nền quân sự Việt Nam.
Những kỵ binh Mông Cổ quen với cung tên và yên ngựa từ 5 tuổi đã không thắng nổi khi đấu
với quân đội Đại Việt với lối đánh hoàn toàn mới lạ.Quân nhà Trần đã không đem kỵ binh
nhỏ bé của mình để đối đầu với kỵ binh hùng mạnh của quân Mông – Nguyên, cũng không
tung hết sức lực của mình vào trận khi quân đội xâm lược đang tiến công ồ ạt và sung sức.
Cũng không đem quân tinh nhuệ của mình để giáng đòn quyết định theo kiểu “đá chọi đá”
khi quân Nguyên đang ở thế mạnh. Chính những lúc đó, đội quân đã từng bách chiến bách
thắng trên phần lớn lục địa Âu – Á lại bị quân các lộ, phủ, quân vương hầu và dân binh các
làng xã, thổ binh của các tù trưởng quấy rối, chặn đánh liên tục từng tốp nhỏ, làm phân tán,
tiêu hoa, hạn chế sở trường của chúng. Còn quân triều đình thì thực hiện theo tư tưởng “tránh
cái thế mạnh lúc ban mai để đánh cái thế yếu buổi chiều tà” của quân địch. Chỉ đến khi quân
Mông – Nguyên rải ra củng cố vùng mới chiếm đóng, rời yên ngựa, không còn là kị binh thực
sự, không phát huy được những sức mạnh đột kích và tốc độ tiến công thì chúng bị giáng
những đòn tiêu diệt lớn và bất ngờ. Trận Đông Bộ Đầu, trận Tây Kết - Hàm Tử, trận Chương
Dương – Thăng Long và những trận phục kích lớn ở sông Cầu, Vạn Kiếp đã giáng vào quân
giặc khi chúng đã mệt mỏi, hoảng sợ.
Cùng là một nghệ thuật “dĩ đoản chế trường” nhưng trong ba cuộc kháng chiến, nhà Trần đã
thể hiện theo các cách khác nhau. “Lần thứ 3 chống Nguyên, quân đội Đại Việt đã phát huy
thế mạnh của mình, đánh vào điểm yếu của địch đó là phát huy tối đa lối đánh giặc trên chiến
trường sông nước, ven biển để chế ngự quân địch. Chính chiến thuật thủy chiến thông thạo và
quen thuộc đã giúp ta khoét sâu vào chỗ yếu là thiếu lương thảo của địch, kế “thanh dã” vườn
không nhà trống, luôn được chỉ đạo toàn dân thực hiện một cách triệt để. Năm 1288, nhà Trần
đã chủ trương đánh vào đoàn quân vận lương của giặc. Chiến công lớn đánh tan đoàn quân
lương Trương Văn Hổ ở ngoài biển Vân Đồn của Trần Khánh Dư đã đưa lại hiệu quả lớn, tác
động mạnh mẽ vào tinh thần quân Nguyên… Trần Quốc Tuấn đã chủ trương chọn đánh đòn
quyết định vào đạo quân rút theo đường thủ trên sông Bạch Đằng, nơi quân ta quen địa hình
sông nước và đã được chuẩn bị sẵn, nơi phối hợp tốt giữa thủy binh và bộ binh, nơi địch phải
đi theo đường độc đạo mà kỵ binh không hộ tống được. Đòn đánh sấm sét ở cửa sông Bạch
Đằng là đòn quyết định kết thúc cuộc kháng chiến của quân dân ta.”

7
Có thể nói rằng, những người lãnh đạo, chỉ đạo kháng chiến của nhà Trần đã triệt để vận
dụng yếu tố “Thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Trong chỉ đạo kháng chiến, Trần Quốc Tuấn đều
lợi dụng việc đội quân xâm lược không quen thủy thổ nước ta để hạn chế chỗ mạnh của địch,
làm cho địch them mệt mỏi, ốm yếu. Bản thân địa hình Đại Việt đã không cho phép kỵ binh
Mông – Nguyên thể hiện hết tài năng, sở trường của mình, vung kiếm ào ào trong thế “chẻ
tre” như trên các cao nguyên, sa mạc ở Bắc Á và châu Âu.
Trong cuộc kháng chiến chống ách đô hộ nhà Minh của Lê Lợi và các đồng minh của
mình, nghệ thuật “mưu phạt công tâm” (Đánh vào lòng người) và “vây thành, diệt viện” cũng
được phát huy tới cao độ. “Mưu phạt công tâm” là một chiến lược cơ bản trong “Bình Ngô
sách”, là sự khởi đầu cho chủ trương kết hợp đấu tranh quân sự, chính trị, ngoại giao của
Nguyễn Trãi. Theo đó, khi lãnh đạo khởi nghĩa Lam Sơn, nghệ thuật này đã được sử dụng với
hai phương thức chủ yếu là: thứ nhất không cướp bóc của dân để lấy sự tin tưởng và gây uy
tín cho nhân dân; thứ hai, dụ hàng các tướng lĩnh, binh sĩ địch và ngụy quân, thực hiện hòa
đàm, khi thì để hòa hoãn tạm thời với địch để bảo toàn lực lượng, khi ưu thế thuộc về nghĩa
quân thì dùng lí lẽ để buộc địch chấm dứt chiến tranh, rút quân về nước. “Vây thành, diệt
viện” là vây ép, cô lập hoàn toàn địch trong thành, buộc chúng phải kéo viện binh chiến lược
để giải cứu, tạo điều kiện cho ta tiêu diệt lực lượng địch, kết thúc chiến tranh. Ngay sau khi
giải phóng nhiều địa bàn chiến lược trọng yếu, nghĩa quân Lam Sơn thừa thăng tiến đánh
thành Đông Quan – lực lượng chủ yếu và là sào huyệt cuối cùng của quân Minh. Trước thế
mạnh của quân ta, địch buộc phải dựa vào thành trì kiên cố để chức cố thủ, chờ quân cứu
viện. Lúc này, nghĩa quân đứng trước hai lựa chọn hoặc tiến công thành, diệt địch kết thúc
chiến tranh hoặc vây hãm quân địch trong thành, nhử viện quân của chúng vào trận địa chuẩn
bị trước để tiêu diệt, khiến địch trong thành không đánh mà tan. Nghiên cứu kĩ tình hình, bộ
chỉ huy nghĩa quân đã lựa chọn phương án “vây thành, diệt viện”, đây là kế sách đúng đắn,
snags tạo, Nguyễn Trãi đã nhận định “sức dùng một nữa mà công được gấp đôi”. “Bởi lẽ,
địch trong thành Đông Quan lúc bấy giờ không nhiều, nhưng có thành lũy kiên cố, nếu ta cố
sức đánh sẽ mất nhiều thời gian, quân mỏi, chí nhụt, nếu chưa hạ được thành mà viện binh
địch kéo đến thì cả phía trước và phía sau đều bị tấn công, ta sẽ từ thế chủ động rơi vào thế bị
động. Trường hợp đánh thành giành được thắng lợi, thì địch tất đem quân đánh báo thù, nạn
binh đao tiếp tục xảy ra, nhân dân thêm khổ cực, mà đất nước cũng khó được vẹn toàn. Nếu
ta kiên trì vây thành, tất viện binh lớn của địch kéo sang, ta có điều kiện đánh địch ở nơi
chuẩn bị trước để tiêu diệt lớn, quân địch trong thành tất sẽ xin hàng. Thực hiện chủ trương
đó, Lê Lợi quyết định dời đại bản doanh lên khu vực Bồ Đề đối diện với thành Đông Quan để
trực tiếp chỉ huy vây ép địch. Theo đó, nghĩa quân tổ chức đánh nhiều trận tiêu diệt các doanh
trại bảo vệ vòng ngoài, siết chặt vòng vây, kiên quyết đánh bại các đợt phản kích của chúng.
Đúng như dự đoán của ta, để giải vây cho quân đồn trú ở thành Đông Quan, đầu tháng
10/1427, nhà Minh huy động lực lượng dự bị chiến lược chia làm hai đạo tiến vào nước ta, do
Liễu Thăng chỉ huy, gồm 10 đạo vạn quân từ Quảng Tây theo đường Lạng Sơn tiến xuống và
5 vạn quân do Mộc Thạch chỉ huy theo đường Vân Nam tiến sang. Cả hai đạo quân đều rơi
vào thế trận bày sẵn của quân ta nên nhanh chóng bị tiêu diệt.” Như vậy, từ việc xây thành
Đông Quan để dẫn đến thắng lợi trận chiến lược Chi Lăng – Xương Giang là nét đặc sắc của
nghệ thuật “vây thành, diệt viện”. Thắng lợi này không chỉ buộc địch đầu hàng, kết thúc
chiến tranh mà còn đánh bại ý chí xâm lược của chúng. Sau chiến thắng to lớn này, nhà Minh
không dám đưa quân sang xâm lược nước ta một lần nào nữa.

8
Hay trong cuộc kháng chiến chống 29 vạn quân Thanh của Nguyễn Huệ đã sử dụng
yếu tố “bất ngờ”, “thần tốc”, đánh nhanh thắng nhanh – một trong những nét đặc sắc trong
cuộc chiến chống 29 vạn quân Thanh. Lê Chiêu Thống đã nhờ cậy sự giúp đỡ của nhà Thanh
để Tôn Sĩ Nghị đưa 29 vạn quân Thanh bước vào nước ta theo hướng biến giới đất liền.
Tướng giặc nhận thấy quân ta ít nên “khinh địch”, chủ quan, không đề phòng. Lợi dụng sai
lầm chiến lược của đối phương, Nguyễn Huệ đã nhanh chóng nắm bắt thời cơ chiến lược: bí
mật hành quân để thực hiện những việc đã trù liệu như: ban chiếu chống ngoại xâm, tuyển
thêm quân,… phối hợp tài tình các yếu tố bí mật, bất ngờ,… và quyết định tiến hành một trận
quyết chiến chiến lược toàn thắng, kết thúc chiến tranh trong thời gian ngắn. “Trong chỉ đạo
chiến lược, ông đã lựa chọn cách đánh sở trường mà quân Tây Sơn đã nhiều lần thực hiện và
giành thắng lợi trong các cuộc giao chiến với quân chúa Nguyễn ở Đàng Trong, chúa Trịnh ở
Đàng Ngoài, đó là: bí mật, bất ngờ, bao vây tiến công địch từ nhiều hướng, tập trung lực
lượng trên hướng chủ yếu, đồng thời triển khai lực lượng trên nhiều hướng khác, tạo thế áp
đảo, tiến công mãnh liệt vào các mục tiêu then chốt trong hệ thống phòng ngự của quân
Thanh tại khu vực Thăng Long, phá vỡ thế trận của giặc, làm cho chúng hoang mang và lâm
vào thế không kịp ứng phó, đi đến bị tiêu diệt hoàn toàn. Điều đó được thể hiện rõ trong việc
chia quân làm 5 đạo: 1- Do Nguyễn Huệ trực tiếp chỉ huy, đánh vào mặt trận chính của quân
Thanh; 2- Đạo quân do Đô đốc Bảo chỉ huy, tiến theo đường Minh Sơn ra làng Đại Áng ở
phía Tây – Nam đồn Ngọc Hồi; 3- Đạo quân do Đô đốc Đông chỉ huy, đánh vào Khương
Thượng – Đống Đa; 4- Đạo quân do Đô đốc Tuyết chỉ huy, đi bằng đường thủy tiêu diệt quân
Thanh ở Lục Đầu, tiến lên sườn đông kinh thành Thăng Long; 5- Đạo quân do Đô đốc Lộc
chỉ huy, đi bằng đường thủy đến sông Lục Đầu tiến lên tiến công chiếm Phượng Nhãn, Lạng
Giang, Yên Thế,.. nhằm chặn đường lui của địch. Trên cơ sở đó, kế hoạch tác chiến chiến
lược của Nguyễn Huệ là đồng thời tiến công vào toàn bộ đội hình phòng ngự chiến lược của
địch, trong đó, hướng đánh của đạo quân thứ nhất là hướng tiến công chủ yếu; hướng đánh
của đạo quân thứ hai là hướng tiến công quan trọng; hướng đánh của đạo quân thứ ba là chia
cắt; hướng đánh của đạo quân thứ tư là hướng vu hồi chiến lược; hướng đánh của đạo quân
thứ năm là hướng bao vây chiến lược, cắt đường lui của địch. Thực tế cho thấy, Nguyễn Huệ
đã đạt được kết quả to lớn trong việc tổ chức, sử dụng lực lượng hợp lí, tạo ra thế trận hoàn
chỉnh, phá vỡ thế phòng ngự chiến lược của địch một cách hết sức tài tình bằng cách kết hợp
tiêu diệt địch một cách có trọng điểm với đánh tan rã từng lực lượng lớn quân địch, tiến tới
giành thắng lợi hoàn toàn.
Như vậy, qua các cuộc khởi nghĩa giành nền độc lập, tự chủ, qua các cuộc chiến tranh
giữ vững và giải phóng dân tộc, ông cha ta đã tích lũy nhiều kinh nghiệm và từng bước đúc
kết, xây dựng nên một hệ thống quan điểm, tư tưởng quân sự riêng về xây dựng quân sự -
quốc phòng và chiến đấu chống ngoại xâm. Những kế sách giữ nước sáng tạo, phù hợp với
hoàn cảnh một đất nước không rộng, dân không nhiều và quân đội thường trực không đông
mà phải thường xuyên chống lại những kẻ thù xâm lược lớn mạnh hơn gấp nhiều lần. Trải
qua các triều đại, lí luận, tư tưởng quân sự Việt Nam ngày càng được tích lũy và phát triển
thành một trường phái quân sự mang bản sắc riêng, nhất là trong kỉ nguyên Đại Việt, với
những nội dung tư tưởng, nghệ thật quân sự đặc sắc, tạo nên những chiến công hào hùng
chống Tống, chống Mông – Nguyên và chống Minh Xâm lược, sau đó chính là chống quân
Xiêm và quân Thanh.”

9
C. KẾT LUẬN
“Dựng nước đi đôi với giữ nước”, “đây là đặc điểm dân tộc Việt Nam quan hàng nghìn năm
luôn phải chiến đấu với các thế lực ngoại xâm có tiềm lực và sức mạnh về kinh tế, quân sự
lớn hơn gấp nhiều lần để giữ vững nền độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh
thổ.Và trên hành trình lịch sử nhiều gian nan thử thách đó đã hình thành nên truyền thống yêu
nước, lòng tự tôn dân tộc và tư tưởng đấu tranh vì độc lập tự do, bảo vệ chủ quyền quốc gia
và toàn vẹn lãnh thổ. Trong mỗi thời kì lịch sử, dân tộc ta đều có phương thức đấu tranh phù
hợp để bảo vệ non sông, gấm vóc và cuộc sống của nhân dân. Đây là cơ sở hình thành, phát
triển nghệ thuật quân sự độc đáo Việt Nam – hệ giá trị văn hóa giữ nước – văn hóa quân sự
có một không hai trên thế giới. Lịch sử trung đại Việt Nam đã sinh ra biết bao nhà quân sự
kiệt xuất, định hướng tư tưởng cho nền quân sự Việt Nam: Lê Đại Hành, Lý Thường Kiệt,
Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Nguyễn Huệ,… góp phần hình thành nên nền nghệ
thuật quân sự Việt Nam, xứng đáng là một tài sản tinh thần vô giá và để lại nhiều bài học
kinh nghiệm, được kế thừa và phát triển trong thời kì cận – hiện đại, đánh thắng thêm nhiều
kẻ thù xâm lược và bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, non sông của đất nước, tự do của dân tộc.”

10
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bộ quốc phòng Viện lịch sử quân sự Việt Nam, Lịch sử tư tưởng quân sự Viêt Nam,
tập I, NXB Chính trị quốc gia.
2. Bộ quốc phòng Viện lịch sử quân sự Việt Nam, Lịch sử tư tưởng quân sự Viêt Nam,
tập II, NXB Chính trị quốc gia.
3. Thu Hằng (21/5/2014), Truyền thống yêu nước – giá tị văn hóa bất biến của dân tộc
Việt Nam, trên trang: https://tuyengiao.vn/dien-dan/truyen-thong-yeu-nuoc-gia-tri-van-
hoa-bat-bien-cua-dan-toc-viet-nam-64095 truy cập ngày 6/8/2022.
4. Chu Lộc, Phương Thảo, Nghệ Thuật quân sự độc đáo của Nguyễn Trãi trong kháng
chiến chống quân Minh, trên trang:
http://baotanglichsu.vn/vi/Articles/3098/16460/nghe-thuat-quan-su-djoc-djao-cua-
nguyen-trai-trong-khang-chien-chong-quan-minh.html truy cập ngày 9/11/2022.
5. Phan Huy Lê, Bùi Đăng Dũng, Phan Đại Doãn, Phan Thị Tâm, Trần Bá Chí, Một
số trận quyết chiến chiến lược trong lịch sử dân tộc, NXB Quân đội nhân dân.
6. Tài liệu bài giảng trong quá trình học.
7. Hà Thành, “Đánh nhanh, thắng nhanh” – nét đặc sắc của nghệ thuật quân sự trong
cuộc chiến tranh chống quân Thanh (1788 – 1789), trên trang:
http://tapchiqptd.vn/vi/an-pham-tap-chi-in/danh-nhanh-thang-nhanh-net-dac-sac-cua-
nghe-thuat-quan-su-trong-cuoc-chien-tranh-chong-qua/1819.html truy cập ngày
8/11/2022.
8. GS, TS. Phạm Hồng Tung (16/9/2020), Từ khởi dựng cơ đồ đất nước đến khát vọng
trở thành quốc gia – dân tộc hùng cường, trên trang:
https://www.tapchicongsan.org.vn/media-story/-/asset_publisher/V8hhp4dK31Gf/
content/tu-khoi-dung-co-do-dat-nuoc-den-khat-vong-tro-thanh-quoc-gia-dan-toc-hung-
cuong truy cập ngày 7/8/2022.

11

You might also like