You are on page 1of 8

GV: Đinh Thuỳ Linh – Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam

NƯỚC ĐẠI VIỆT TA


(TRÍCH BÌNH NGÔ ĐẠI CÁO)
-NGUYỄN TRÃI-
I. KIẾN THỨC CƠ BẢN
1. Tác giả
- Nguyễn Trãi là một nhân vật lịch sử lỗi lạc: nhà yêu nước vĩ đại, người anh
hùng dân tộc, danh nhân văn hoá thế giới.
- Ông là người văn võ toàn tài hiếm có, có công lớn trong sự nghiệp dựng nước
và giữ nước nhưng kết cục cuộc đời vô cùng oan khốc, thảm thương.
- Nguyễn Trãi có vai trò to lớn trong cuộc kháng chiến chống quân Minh đến
toàn thắng:
+ Ông là người đã dâng Bình Ngô sách (sách lược dẹp giặc Minh) với chiến
lược công tâm nghĩa là tác động vào lòng người.
+ Ông là người thừa lệnh Lê lợi soạn thảo công văn, giấy tờ, thư từ giao thiệp
với quân Minh, cùng Lê Lợi và các tướng lĩnh bàn bạc quân mưu.
+ Kháng chiến thắng lợi, Nguyễn Trãi đã thừa lệnh Lê Lợi viết Bình Ngô đại
cáo, khúc khải hoàn ca, tuyên ngôn độc lập của dân tộc.
2. Tác phẩm
a. Đặc điểm cơ bản của thể cáo 
- Khái niệm: Cũng như chiếu và hịch, cáo là thể văn nghị luận cổ. Nhưng nếu
chức năng của chiếu là để ban bố mệnh lệnh, hịch là để kêu gọi, răn dạy thì cáo
thường được vua chúa hoặc thủ lĩnh dùng để trình bày một chủ trương hay công bố
kết quả một sự nghiệp để mọi người cùng biết. 
- Về hình thức: cáo phần nhiều được viết bằng văn biền ngẫu, thường có đối,
câu dài ngắn không gò bó, mỗi cặp hai vế đối nhau). Cũng như hịch, cáo là thể văn
có tính hùng biện, do đó, lời lẽ phải đanh thép, lí luận sắc bén, kết cấu chặt chẽ,
mạch lạc.
b. Vài nét khái quát về Bình Ngô đại cáo
- Hoàn cảnh sáng tác: Bình Ngô đại cáo được công bố ngày 17 tháng chạp
năm 1428 trong không khí hào hùng của ngày vui độc lập, sau khi quân ta đại
thắng, quân giặc phải giảng hoà rút quân về nước, nước ta bước vào kỉ nguyên
mới, kỉ nguyên phục hưng dân tộc.
- Nội dung, chủ đề: Bình Ngô đại cáo là áng thiên cổ hùng văn, bản anh hùng
ca của dân tộc nêu cao ngọn cờ nhân nghĩa, kể tội quân xâm lược, ca ngợi anh
hùng hào kiệt và thể hiện lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc của nhân dân ta.
- Về kết cấu: Bình Ngô đại cáo có bốn phần lớn (như kết cấu chung của thể cáo):
+ Phần mở đầu nêu luận đề chính nghĩa.
+ Phần hai lập bản cáo trạng tội ác giặc Minh.
+ Phần ba phản ánh quá trình cuộc khởi nghĩa Lam Sơn từ những ngày đầu
gian khổ đến khi tổng phản công thắng lợi. 
GV: Đinh Thuỳ Linh – Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam

+ Phần cuối là lời tuyên bố kết thúc, khẳng định nền độc lập vững chắc của đất
nước, mở ra một kỉ nguyên mới, đồng thời nêu lên bài học lịch sử.
- Về thể văn: bài cáo được viết theo lối văn biền ngẫu, có vận dụng thể tứ lục
(từng cặp câu, mỗi câu mười chữ ngắt theo nhịp 4/6).
- Nhan đề Bình Ngô đại cáo: Bình là đánh dẹp, Ngô là tên nước cũ thời Tam
Quốc Chu Nguyên Chương khởi nghiệp ở đất Ngô, sau trở thành Minh Thành Tổ.
Bình Ngô đại cáo nghĩa là: Tuyên bố về sự nghiệp đánh đuổi giặc Ngô, tức giặc
Minh. 
- Vị trí đoạn trích: Đoạn trích Nước Đại Việt ta là phần đầu của bài Bình Ngô đại
cáo, nêu luận đề chính nghĩa với hai nội dung chính: nguyên lí nhân nghĩa và chân
lí về sự tồn tại độc lập có chủ quyền của dân tộc Đại Việt.
3. Đọc đoạn trích và giải nghĩa từ khó.
- Đọc với giọng mạnh mẽ, khảng khái, rắn rỏi và vui; làm rõ âm hưởng, nhịp
điệu của câu văn biền ngẫu. 
- Giải nghĩa từ khó (theo SGK).
II. ĐỌC HIỂU VĂN BẢN
1. Nội dung nguyên lí nhân nghĩa.
- Mở đầu bài cáo, tác giả nêu nguyên lí nhân nghĩa: Việc nhân nghĩa là cốt làm
cho dân được yên, mà muốn dân được yên thì trước hết phải lo diệt giặc bạo tàn.
Yên dân và trừ bạo là hai mặt của một vấn đề. Đây là nguyên lí cơ bản, làm nền
tảng để triển khai toàn bộ nội dung bài cáo. 
- Nhân nghĩa vốn là một khái niệm của Nho giáo có nội hàm chủ yếu là mối
quan hệ giữa người với người. Khi vào Việt Nam, do hoàn cảnh nước ta luôn phải
chống giặc ngoại xâm nên tư tưởng nhân nghĩa được nâng cao hơn, bao gồm cả
mối quan hệ giữa dân tộc với dân tộc. Cốt lõi tư tưởng nhân nghĩa của Nguyễn Trãi
là yên dân, dân được an hưởng thái bình, hạnh phúc. Đặt vào hoàn cảnh lúc
Nguyễn Trãi viết Bình Ngô đại cáo thì dân ở đây chính là người dân Đại Việt, giặc
bạo tàn ở đây chính là giặc Minh. Như vậy, với Nguyễn Trãi, nhân nghĩa không chỉ
hạn hẹp là một phạm trù đạo đức mà còn là lí tưởng về một xã hội tốt đẹp, hoà
bình, thịnh trị lấy dân làm gốc. So với lịch sử đương thời, đây là một tư tưởng lớn
và mới.
Từ quan hệ ứng xử mang tính cách cá nhân, Nguyễn Trãi đã nâng lên thành tư
tưởng xã hội. một nhiệm vụ cụ thể, nói như Đinh Gia Khánh thì “tư tưởng nhân
nghĩa này không mơ hồ, nó gắn chặt với chủ nghĩa yêu nước”. Chính vì “nhân
nghĩa”, vì thương dân nên Nguyễn Trãi xem những hành động man rợ của quân
Minh hành hạ dân như đốt lửa thiêu sống, đào hố để chôn sống những người dân
vô tội là những việc phi nhân nghĩa, là bạo ngược, do đó chúng phải bị trừng phạt.
Như vậy có nghĩa là “Việc nhân nghĩa”, hành động nhân nghĩa không phải một cái
gì trừu tượng, chung chung, mà nó biểu hiện bằng “Việc” cụ thể, là chống quân
xâm lược để giữ yên bờ cõi, tiêu diệt các cuộc phản nghịch chông triều đình để xây
GV: Đinh Thuỳ Linh – Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam

dựng xã hội “vua sáng, tòi hiền”. Việc ấy phải được giao phó cho quân đội.
Nguyễn Trãi không mơ hồ về sự nghiệp giải phóng dân tộc có thể dùng đường lối
thỏa hiệp cải lương để châm dứt can qua, hòa bình muôn thuở, mà phải có sức
mạnh của lực lượng quân sự và sức mạnh của “đại nghĩa”.
2. Nội dung chân lí về sự tồn tại độc lập có chủ quyền của dân tộc Đại Việt.
- Sau khi nêu nguyên lí nhân nghĩa, Nguyễn Trãi đã đưa ra các yếu tố căn bản
để khẳng định nước Đại Việt là một quốc gia có chủ quyền, độc lập: có nền văn
hiến lâu đời; có cương vực lãnh thổ riêng; có phong tục, tập quán riêng; có lịch sử
riêng; chế độ riêng. 
- Tiếp theo Lí Thường Kiệt, Nguyễn Trãi cũng tuyên bố độc lập dân tộc trên
hai phương diện: chủ quyền và lãnh thổ: Triệu, Đinh, Lí, Trần xây nền độc lập; Núi
sông, bờ cõi đã chia. ở Sông núi nước Nam, tác giả đã thể hiện ý chí, niềm tự hào
dân tộc sâu sắc qua từ "đế". Đến Bình Ngô đại cáo, Nguyễn Trãi tiếp tục phát huy
ý thức đó nhưng còn nâng lên một mức cao hơn: khẳng khái đặt các triều đại Việt
Nam ngang hàng, bình đẳng với các triều đại Trung Quốc: Triệu, Đinh, Lí, Trần
cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên. ý chí độc lập dân tộc vì thế được khẳng định
mạnh mẽ hơn.
- Ngoài chủ quyền và lãnh thổ, để xác định sự tồn tại độc lập của một dân tộc,
Bình Ngô đại cáo còn bổ sung thêm ba phương diện quan trọng: văn hiến, phong
tục tập quán, và lịch sử. Với những yếu tố căn bản này, Nguyễn Trãi đã phát biểu
một cách khá hoàn chỉnh quan niệm về quốc gia, dân tộc mà người đời sau xem đó
là sự kết tinh học thuyết về quốc gia, dân tộc. Học thuyết này, so với thời Lí đã
phát triển cao hơn nhiều bởi tính toàn diện và sâu sắc của nó. Văn hiến, phong tục,
lịch sử là linh hồn của một quốc gia (ý của Puskin). Quan niệm của Nguyễn Trãi,
vì thế là một nhận thức đúng đắn, sâu sắc và rất mới so với đương thời.
- Như vậy, tư cách độc lập, chủ quyền quốc gia của dân tộc ta là một tất yếu
khách quan, một chân lí thiêng liêng, là sức mạnh không kẻ thù nào xâm phạm
được. 
- Để tăng sức thuyết phục cho bản tuyên ngôn, tác giả đã sử dụng:
+ Một loạt những từ ngữ thể hiện tính chất hiển nhiên, vốn có, lâu đời của nước
Đại Việt như: từng nghe, từ trước, vốn xưng, đã lâu, đã chia, cũng khác. 
+ Giọng văn dõng dạc, nghiêm nghị như những lời phán quyết đanh thép, bất
di bất dịch trước lịch sử. 
+ Biện pháp so sánh các triều đại nước ta sánh ngang hàng với các triều đại
Trung Quốc.
+ Tất cả đã khẳng định mạnh mẽ ý thức về độc lập chủ quyền của dân tộc ta.

3. Sự thất bại tất yếu của bọn tham tàn trước chân lí chính nghĩa.
- Ở “Sông núi nước Nam” tác giả khẳng định mạnh mẽ sức mạnh của chân lí
chính nghĩa: Kẻ thù (nghịch lỗ) đến xâm lược nước Nam đã phạm vào đạo trời
GV: Đinh Thuỳ Linh – Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam

(thiên thư) nên chỉ có một kết cục là thất bại (thủ bại hư). ở Bình Ngô đại cáo, chân
lí ấy cũng được nhấn mạnh. Nhưng ngoài ra, Nguyễn Trãi còn nêu một loạt những
minh chứng đầy tính thuyết phục. Đó là sự thất bại thảm hại của các vua chúa,
tướng sĩ nhà Hán, Nguyên trong lịch sử: Lưu Công, Triệu Tiết, Toa Đô, Ô Mã. Sự
thất bại của chúng được diễn tả hết sức phong phú, sinh động, không trùng lặp: thất
bại, tiêu vong, bắt sống, giết tươi.
- Hai câu cuối bốn chữ ngắn gọn, như một cái khung được đúc kết, tô đậm sau
những lí lẽ, dẫn chứng sống động, một lần nữa đã khẳng định chân lí chủ quyền,
độc lập của dân tộc Đại Việt.
4. Nghệ thuật lập luận của “Bình Ngô đại cáo”
- Bài hịch được triển khai theo trình tự lập luận:
+ Nguyên lí nhân nghĩa: trừ giặc để dân được yên bình, hạnh phúc.
+ Chân lí về sự tồn tại độc lập của dân tộc Đại Việt: có văn hiến lâu đời, lãnh
thổ riêng, phong tục riêng, lịch sử riêng, chế độ, chủ quyền riêng.
+ Sức mạnh của nhân nghĩa, sức mạnh của độc lập dân tộc.
- Đây là một trình tự lập luận hết sức chặt chẽ, sắc sảo và có sức thuyết phục
sâu sắc.
III. TỔNG KẾT
Bằng nghệ thuật lập luận chặt chẽ và những chứng cứ hùng hồn, đoạn trích
Nước Đại Việt ta có ý nghĩa như lời tuyên ngôn độc lập của dân tộc Việt Nam thế
kỉ XV.
IV. BÀI TẬP VẬN DỤNG
ĐỀ SỐ 1
PHẦN I: ĐỌC HIỂU VĂN BẢN
Đọc đoạn trích sau và trả lời câu hỏi:

''Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân


Quân điếu phạt trước lo trừ bạo
GV: Đinh Thuỳ Linh – Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam

Như Nước Đại Việt ta từ trước,


Vốn xưng nền văn hiển đã lâu.
Núi sông bờ cõi đã chia,
Phong tục Bắc Nam cũng khác.
Từ Triệu, Định, Lí, Trần baọ đời xâỵ nền độc lập,
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên xưng đế một
phương.
Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau,
Song hào kiệt đời nào cũng có."
(Ngữ Văn 8, tập II)
Câu 1: Đoạn trích trên được trích từ văn bản nào? Tác giả là ai?
Câu 2. Giải nghĩa các từ: “nhân nghĩa”, “điếu phạt”, “văn hiến”.
Câu 3. Cốt lõi của tư tưởng nhân nghĩa ở Nguyễn Trãi thể hiện trong văn bản này
là gì? Vì sao có thể nói tư tưởng ấy có ý nghĩa tích cực và là sự phát triển của tư
tưởng nhân nghĩa truyền thống?

Câu 4. Trong đoạn trích trên, tác giả đã đưa ra những cơ sờ nào để khẳng định chủ
quyền độc lập của dân tộc. So với bài thơ Sông núi nước Nam (đã học ở lớp 7), em
hãy chỉ ra sự tiếp nối và phát triển ý thức dân tộc được thể hiện trong đoạn trích
trên.
GV: Đinh Thuỳ Linh – Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam

PHẦN II. TẠO LẬP VĂN BẢN


Viết một đoạn văn làm rõ luận điểm: “Đoạn trích đã khẳng định Đại việt là một
quốc gia độc lập có chủ quyền.” Gạch chân dưới một câu phủ định.

ĐỀ SỐ 2
PHẦN I: ĐỌC HIỂU VĂN BẢN
Đọc đoạn trích sau và trả lời câu hỏi:

'' Vậy nên :


Lưu Cung tham công nên thất bại,
Triệu Tiết thích lớn phải tiêu vong,
GV: Đinh Thuỳ Linh – Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam

cửa Hàm Tử bắt sống Toa Đô,


Sông Bạch Đằng giết tươi Ô Mã
Việc xưa xem xét
Chứng cớ còn ghi.”
(Ngữ Văn 8,
tập II)
Câu 1: Cho biết thể loại của văn bản chứa đoạn trích trên. Trình bày ngắn gọn hiểu
biết của em về thể loại đó.
Câu 2. Nêu xuất xứ và hoàn cảnh sáng tác của văn bản chứa đoạn trích. Văn bản ấy
ra đời nhằm mục đích gì?

Câu 3. Phần cuối bài văn, tác giả kể ra những thất bại thảm hại của quân giặc, cũng
là những thắng lợi vẻ vang của quân và dân ta. Phần ấy có vai trò gì trong cả bài
văn?

Câu 4. Sức thuyết phục của văn chính luận Nguyễn Trãi đến từ lí lẽ sắc bén và
những dẫn chứng xác thực gắn liền với thực tiễn. Em có đồng ý với ý kiến đó
không? Vì sao?
GV: Đinh Thuỳ Linh – Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam

PHẦN II. TẠO LẬP VĂN BẢN


Trình bày suy nghĩ của em về trách nhiệm của thế hệ trẻ hôm nay đối với việc xây
dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời đại mới.

You might also like