You are on page 1of 5

NGỮ VĂN 10

Đề bài 01: Phân tích phần mở đầu của tác phẩm “Đại cáo bình Ngô”
(Nguyễn Trãi)
HƯỚNG DẪN PHÂN TÍCH
MỞ BÀI
Nguyễn Trãi là anh hùng dân tộc, một danh nhân văn hoá thế giới. Ông
không chỉ có tài trên các lĩnh vực chính trị, quân sự, ngoại giao, lịch sử, địa lý,
mà còn để lại một sự nghiệp văn học kiệt xuất, từng được vua Lê tặng câu:
Long hổ phong vân chi hội, do tưởng tiền duyên
Văn chương sự nghiệp chi truyền, vĩnh thùy hậu thế
(Gặp gỡ long hổ phong vân, còn ghi duyên cũ
Truyền tụng văn chương sự nghiệp, để mãi đời sau).
Nguyễn Trãi chịu ảnh hưởng sâu sắc của Nho giáo nhưng là "một Nho
giáo khoáng đạt, rộng rãi, không câu nệ và vì vậy không chỉ là gần gũi mà còn
là phong phú hơn, cao hơn lối sống thuộc dân tộc trước đó" (Trần Đình Hượu).
Tài năng và tư tưởng tiến bộ của ông thể hiện rất rõ trong tác phẩm Bình Ngô
đại cáo. Trong đó, đoạn mở đầu của bài cáo đã nêu luận đề chính nghĩa làm cơ
sở vững chắc cho toàn bộ bài cáo này.
THÂN BÀI
Luận điểm 1 (Luận điểm khái quát)
Cuối năm 1427, khởi nghĩa Lam Sơn thắng lợi, Nguyễn Trãi thừa lệnh Lê
Lợi viết "Bình Ngô đại cáo" và công bố vào đầu năm 1428 để thông báo rộng rãi
cho nhân dân được biết về việc đã dẹp yên giặc Minh. Tác phẩm được viết theo
thể cáo. Cáo là một thể văn nghị luận có từ thời cổ ở Trung Quốc, thường được
vua chúa hoặc thủ lĩnh dùng để trình bày một chủ trương, một sự nghiệp hoặc
tuyên ngôn một sự kiện để mọi người cùng biết. Đây là thể văn hùng biện nên
lời lẽ đanh thép, lí luận sắc bén, kết cấu chặt chẽ, mạch lạc. Cáo có hai loại là
văn cáo thường ngày nhằm công bố một vấn đề trong cuộc sống hàng ngày và
đại cáo nhằm thông báo sự kiện trọng đại, có tính quốc gia, dân tộc. Trong đó,
tác phẩm này của Nguyễn Trãi là một bài đại cáo có ý nghĩa trọng đại của quốc
Luyện thi chuyển cấp và luyện thi THPT Quốc gia
NGỮ VĂN 10

gia. Ngay từ nhan đề tác phẩm đã thể hiện điều đó. Cha ông ta gọi giặc Minh là
Ngô (vương hiệu thuỷ tổ của giặc Minh) để gọi đến gốc gác của kẻ thù, chỉ bọn
giặc xâm lược tàn bạo, độc ác và thể hiện thái độ khinh bỉ, căm ghét. “Bình
Ngô" có thể hiểu là dẹp yên giặc Ngô (tức giặc Minh). Như vậy, nhan đề bài cáo
cho biết là đây là một văn kiện pháp luật của Đại Việt, có ý nghĩa thông báo
trọng đại, rộng khắp về việc dẹp yên giặc Ngô.
Luận điểm 2: Tư tưởng nhân nghĩa
- Mở đầu bài cáo, Nguyễn Trãi đã nêu ra luận đề chính nghĩa và lấy đó
làm cơ sở, căn cứ để triển khai toàn bộ nội dung bài cáo. Trước hết là tư tưởng
nhân nghĩa:
“Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân,
Quân điếu phạt trước lo trừ bạo;
Trong đó, theo Nho giáo: nhân là người, tình người, nghĩa là việc làm
chính đáng vì lẽ phải, nhân nghĩa là mối quan hệ tốt đẹp giữa người với người
trên cơ sở tình thương và đạo lý. Nguyễn Trãi đã chắt lọc lấy hạt nhân cơ bản
của tư tưởng nhân nghĩa: nhân nghĩa chủ yếu để yên dân; và đem đến nội dung
mới: nhân nghĩa là yên dân trừ bạo. “Yên dân” là nhân dân được sống yên lành,
ấm no, hạnh phúc trong một đất nước độc lập. “Trừ bạo” là diệt trừ bọn xâm
lược tàn bạo và bọn tham tàn trong nước. Như vậy, muốn “yên dân” thì phải tiêu
trừ tham tàn bạo ngược, những thế lực đã phá vỡ sự bình yên của nhân dân.
Nhân nghĩa là yên dân trừ bạo, tiêu diệt bọn tham tàn, bạo ngược để bảo vệ cuộc
sống yên bình cho nhân dân. Cốt lõi của tư tưởng nhân nghĩa là lấy dân làm gốc,
vì nước, vì dân mà thực thi việc làm nhân nghĩa. Đặt trong hoàn cảnh lịch sử lúc
bấy giờ thì nhân dân cần được đem lại cuộc sống yên ổn ở đây là nhân dân Đại
Việt, bọn tham tàn bạo ngược là quân Minh xâm lược cướp nước và bè lũ bán
nước. Đó là cơ sở để bóc trần luận điệu xảo trá của giặc Minh (phù Trần diệt Hồ
giúp Đại Việt), khẳng định lập trường chính nghĩa của ta và tính chất phi nghĩa
của kẻ thù xâm lược.

Luyện thi chuyển cấp và luyện thi THPT Quốc gia


NGỮ VĂN 10

Cũng cần lưu ý thêm rằng, ở thời phong kiến, lòng yêu nước được gắn với
tư tưởng "Trung quân, ái quốc" (tức là yêu nước gắn liền với yêu vua, trung với
vua). Nhưng Nguyễn Trãi đã sớm nhận thấy rằng: yêu nước trước hết là phải
yêu dân, vì dân. Ông đã sớm nhận ra sức mạnh của nhân dân. Ngày nay, ở thế kỉ
XXI, tư tưởng nhân nghĩa lấy dân làm gốc vẫn là tư tưởng tiến bộ, không những
được tiếp tục khẳng định mà cần phát triển lên một tầm cao mới. Vì thế, có thể
khẳng định tư tưởng nhân nghĩa của Nguyễn Trãi ở thế kỉ XV là rất mới mẻ, tiến
bộ, vượt thời đại. Tư tưởng nhân nghĩa của Nguyễn Trãi xét cho cùng chính là
lòng yêu nước thương dân, là tư tưởng lớn thể hiện trong suốt sự nghiệp sáng tác
của ông:
Bui một tấc lòng ưu ái cũ
Đêm ngày cuồn cuộn nước triều đông
Luận điểm 3: Chân lý về sự tồn tại độc lập, có chủ quyền của nước
Đại Việt
Luận đề thứ hai mà Nguyễn Trãi đề cập đó là sự tồn tại độc lập có chủ
quyền của nước Đại Việt ta từ bao đời nay:
Như nước Đại Việt ta từ trước,
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu,
Núi sông bờ cõi đã chia,
Phong tục Bắc Nam cũng khác;
Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời xây nền độc lập
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên xưng đế một phương;
Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau,
Song hào kiệt đời nào cũng có.
Nền độc lập, chủ quyền dân tộc được tác giả khẳng định như một chân lý
không thể chối cãi bởi dân tộc ta có đủ các yếu tố để tạo thành một quốc gia độc
lập, thống nhất. Tên nước ta là Đại Việt "Như nước Đại Việt ta từ trước"; nước
Đại Việt có nền văn hiến đã tồn tại từ lâu đời “vốn xưng nền văn hiến đã lâu”.

Luyện thi chuyển cấp và luyện thi THPT Quốc gia


NGỮ VĂN 10

Ta có lãnh thổ đã được phân định rõ ràng - “núi sông bờ cõi đã chia”. Về văn
hóa, ta có phong tục tập quán riêng khác hẳn với phong kiến phương Bắc
“phong tục Bắc Nam cũng khác”. Về khía cạnh lịch sử và chế độ - triều đại, nếu
như phương Bắc có các triều đại Hán, Đường, Tống, Nguyên thì nước Đại Việt
ta có các triều đại Triệu, Đinh, Lý, Trần "bao đời gây nền độc lập". Về nòi giống
và truyền thống dân tộc thì đời nào nước ta cũng có anh hùng, hào kiệt “Tuy
mạnh yếu có lúc khác nhau/Song hào kiệt thời nào cũng có”.
Trong đoạn cáo, Nguyễn Trãi đã khẳng định mạnh mẽ nền độc lập tự chủ
của dân tộc khi luôn thể hiện hình ảnh nước Nam tách biệt, khác hẳn với phong
kiến phương Bắc trên mọi phương diện, khẳng định nước Nam hoàn toàn không
lệ thuộc, và thậm chí là hoàn toàn ngang hàng với phong kiến phương Bắc. Sức
thuyết phục của luận đề còn nằm ở cách sử dụng ngôn ngữ như: vế câu “mỗi
bên xưng đế một phương” đã thể hiện ý thức tự cường và niềm tự hào dân tộc
sâu sắc. Vua nước Nam cũng xưng “đế” và ngang hàng với vua phương Bắc,
chứ không phải là đợi phong kiến phương Bắc phong “vương” như một nước
chư hầu phụ thuộc vào thiên triều của chúng. Các từ ngữ từ trước, vốn xưng ,đã
lâu, đã chia, cũng khác là các từ cùng một trường nghĩa khẳng định sự hiển
nhiên, vốn có, lâu đời của nền độc lập dân tộc.
Với những yếu tố căn bản như trên, Nguyễn Trãi đã phát triển một cách
hoàn chỉnh và sâu sắc quan niệm về quốc gia, dân tộc. So với bản tuyên ngôn
độc lập lần thứ nhất của dân tộc là Nam quốc sơn hà thì khái niệm quốc gia, dân
tộc của Nguyễn Trãi đã được mở rộng và sâu sắc hơn rất nhiều. Nó không chỉ
bao gồm hai yếu tố lãnh thổ và chủ quyền riêng mà còn được nhìn nhận trên các
phương diện quốc hiệu, lịch sử, văn hóa, và đặc biệt là văn hiến.
Nhìn chung, ngay từ đoạn đầu bài cáo, Nguyễn Trãi đã tạo được một hệ
thống lý luận, căn cứ vững chắc và đầy nhân văn để khẳng định nền độc lập tự
chủ và tư tưởng nhân nghĩa của đất nước Đại Việt. Không chỉ là lý luận mà thực
tiễn lịch sử đã chứng minh rằng: những cơ sở chính nghĩa ấy đã tạo nên sức

Luyện thi chuyển cấp và luyện thi THPT Quốc gia


NGỮ VĂN 10

mạnh và bản lĩnh của dân tộc, khiến bao lần bọn giặc có dã tâm xâm lược đều bị
trừng trị đích đáng. Vậy nên mới có:
Cho nên:
Lưu Cung tham công nên thất bại;
Triệu Tiết thích lớn phải tiêu vong;
Cửa Hàm Tử bắt sống Toa Đô
Sông Bạch Đằng giết tươi Ô Mã
Việc xưa xem xét, chứng cứ còn ghi”
Bằng biện pháp liệt kê, nhắc đến các tướng giặc đã phải thất bại, tiêu
vong, bị bắt sống, giết tươi, Nguyễn Trãi đã nhấn mạnh những thất bại thảm hại
của bọn phong kiến phương Bắc khi sang xâm lược nước Nam nhỏ bé. Đó chính
là những bằng chứng hùng hồn, đanh thép khẳng định không có kẻ thù nào có
thể xâm phạm nền độc lập tự chủ của tổ quốc Đại Việt. Đó cũng là lời cảnh cáo,
răn đe những kẻ bất nhân, bất nghĩa nếu chúng có dã tâm xâm phạm lãnh thổ,
chủ quyền dân tộc Đại Việt, chúng đều phải trả giá đích đáng.
KẾT BÀI:
Với giọng điệu đĩnh đạc, hào hùng, lí lẽ sắc bén, đanh thép và lối diễn đạt
sóng đôi, cân xứng của thể văn biền ngẫu, cùng với các biện pháp nghệ thuật như
so sánh, liệt kê… đoạn đầu của bài cáo đã nêu được hai luận đề quan trọnglàm cơ
sở triển khai toàn bộ nội dung cả tác phẩm. Đoạn cáo giúp ta khẳng định sâu sắc
chủ quyền lãnh thổ của đất nước, thấy được truyền thống tốt đẹp và lịch sử đấu
tranh hào hùng của dân tộc. Qua đó, Nguyễn Trãi thể hiện tài năng lý luận và
tầm vóc tư tưởng của một anh hùng dân tộc, một danh nhân văn hóa thế giới.
Đại cáo bình Ngô của ông xứng đáng là áng thiên cổ hùng văn (áng văn hào hùng
muôn thuở), giúp người đọc nhiều thế hệ sau bồi đắp lòng yêu nước, niềm tự hào
tự tôn dân tộc, từ đó quyết tâm xây dựng, bảo vệ đất nước.

Luyện thi chuyển cấp và luyện thi THPT Quốc gia

You might also like