You are on page 1of 7

TRƯỜNG ĐẠI HỌC HẢI PHÒNG

KHOA NGỮ VĂN & KHXH

BÀI TẬP LÝ LUẬN VĂN HỌC

Sinh viên: Nguyễn Hồng Vân


Lớp: SP Ngữ Văn 1.K23
Hải Phòng, năm 2022

Đề bài: Vận dụng lý thuyết về tính nhân dân trong văn học, phân
tích tính nhân dân trong bài “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi
Bài làm
Tác phẩm văn học là sản phẩm sáng tạo độc đáo của nhà văn mà nhà văn(chủ
thể sáng tạo) là một bộ phận, một thành viên trong cộng đồng người. Tác phẩm văn
học còn là đối tượng tiếp nhận của công chúng đông đảo trong cả hiện tại và tương
lai. Do đó,văn học có quan hệ với đại bộ phận của cộng đồng nhân dân. Bên cạnh
đó,mối quan hệ giữa nhân dân và văn học dẫn đến tính nhân dân là một thuộc tính
tất yếu của văn học . Bởi vậy nhân dân là số đông trong cộng đồng người, là lực
lượng giữ vai trò chủ chốt trong sản xuất và bảo vệ đất nước,sáng tạo ra của cải vật
chất và tinh thần cho xã hội. Văn học nghệ thuật chính là nói về cuộc sống của đại
đa số nhân dân ,về những cơ cực, đau khổ ,vui buồn, suy nghĩ của nhân dân. Một
nền văn học nghệ thuật vì nhân dân ,phục vụ cho nhân dân là nền văn học nghệ
thuật tiến bộ. Nhân dân là một phạm trù mang tính lịch sử và luôn lấy những giai
cấp lao động làm nòng cốt chủ yếu.Tính nhân dân là một trong những yếu tố làm
nên giá trị,sức sống cho 1 tác phẩm văn học. Tiêu biểu nhất là tính nhân dân được
thể hiện rõ nét trong tác phẩm “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi đã đưa tác
phẩm mãi trường tồn cùng với thời gian.

Trong tác phẩm văn học,tính nhân dân biểu hiện trước hết ở chỗ văn học miêu
tả chân thực cuộc sống của nhân dân, phản ánh trực tiếp hoặc gián tiếp lý tưởng
thẩm mỹ của nhân dân, quan niệm của nhân dân về cái chân,thiện, mỹ và tích cực
tham gia vào cuộc đấu tranh vì tự do, hạnh phúc của nhân dân. Phần mở đầu của
tác phẩm “Bình Ngô đại cáo” đã phản ánh sâu sắc được những điều ấy:

“Từng nghe:

Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân,

Quân điếu phạt trước lo trừ bạo”

Tính nhân dân trong “Bình Ngô đại cáo” trước hết được thể hiện ở ba câu thơ
trên khi Nguyễn Trãi đã nêu lên tư tưởng nhân nghĩa xuyên suốt tác phẩm. Với
Nguyễn Trãi, tư tưởng ấy đó bắt nguồn từ tư tưởng “yên dân”, “trừ bạo”. Có thể
nói, đây chính là cơ sở nền tảng xuyên suốt bài cáo, xuất phát từ quan điểm lấy dân
làm gốc, từ lòng yêu thương nhân dân và vì nhân dân mà diệt bạo, mà đánh đuổi
các thế lực xâm lược. “Bình Ngô đại cáo” đã phản ánh một cách chân thực cuộc
sống của nhân dân.Đó là cuộc sống lầm than,cơ cực,khổ đau tột cùng bởi dưới ách
áp bức bóc lột của kẻ thù xâm lược,họ bị bóc lột đến tận xương tủy, bị đẩy đến
đường cùng và phải đối mặt với cái chết. Những dân đen, con đỏ là những người ở
tầng lớp khốn khổ nhất xã hội, những người chuyên đi cày cấy, đi ở, đi làm
thuê.Những người dân vô tội ấy bị đẩy vào những nơi rừng thiêng, nước độc với
đầy rẫy những hiểm nguy, những nơi mà khi đã bước vào đấy sẽ không biết có
ngày trở lại hay không.Cuộc sống của người dân cũng vì thế mà chìm trong lo
sợ,kinh hãi,đau thương. Đau đớn không kể xiết là cảnh kẻ tóc bạc tiễn kẻ đầu xanh,
mẹ xa con, vợ mất chồng không nơi nương tựa. Đồng thời, tác phẩm “Bình Ngô
đại cáo”đã phản ánh một cách trực tiếp mơ ước của nhân dân là sự tồn tại độc
lập,có chủ quyền của dân tộc Đại Việt,có được một cuộc sống tự do,hạnh phúc,ấm
no,được sống theo đúng quyền con người mà mỗi con người chúng ta sinh ra đã
được hưởng.

Ngoài ra,tính nhân dân thường được biểu hiện thông qua các nội dung về: chủ
nghĩa nhân đạo, chủ nghĩa yêu nước, tinh thần dân chủ, tính dân tộc, tinh thần phê
phán mọi biểu hiện bất công,đen tối của cuộc sống, phản kháng mọi chế độ áp bức,
bóc lột con người dưới mọi hình thức. Tác giả Nguyễn Trãi đã nêu lên chân lý về
sự tồn tại độc lập chủ quyền của Đại Việt:

“Như nước Đại Việt ta từ trước,

Vốn xưng nền văn hiến đã lâu

Núi sông bờ cõi đã chia,

Phong tục Bắc Nam cũng khác.

Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời gây nền độc lập

Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên xưng đế một phương.

Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau,

Song hào kiệt đời nào cũng có.”


Có thể thấy, qua những câu thơ trên,tác giả Nguyễn Trãi đã khái lược một
cách chân thực,rõ nét những truyền thống của dân tộc. Những phương diện được
nêu ra bao gồm: nền văn hiến riêng, chủ quyền lãnh thổ, phong tục tập quán khác
biệt giữa ta và phương Bắc, lịch sử triều đại của dân tộc Đại Việt, anh hùng hào
kiệt. Đặc biệt hơn cả, thông qua việc so sánh các triều đại phong kiến của nước ta
với các triều đại phong kiến phương Bắc, tác giả đã đặt các triều đại của ta, dân tộc
ta ngang hàng với các triều đại phong kiến phương Bắc, điều đó không chỉ là cơ sở
cho nền độc lập mà còn thể hiện lòng tự hào, tự tôn dân tộc. Không dừng lại ở đó,
để nêu lên chân lí khách quan cho nền độc lập của nước ta, tác giả còn tái hiện lại
những trang sử vẻ vang, hào hùng với những chiếc thắng vang dội khắp non sông
của quân và dân ta trong suốt chặng đường lịch sử trước đó. Nguyễn Trãi đã liệt kê
những tên người, tên địa danh gắn liền với thất bại nhục nhã của giặc. Đó là Lưu
Cung, Triệu Tiết, Toa Đô và Ô Mã.

Thêm vào đó, từ cơ sở luận đề chính nghĩa đã nêu, trong phần tiếp theo của
bài cáo, tác giả Nguyễn Trãi đã đi sâu vạch rõ những tội trạng man rợ, gian ác của
kẻ thủ. Trước hết, tác giả đã vạch rõ âm mưu xâm lược của giặc Minh đối với nước
ta, mượn danh nghĩa “Phù Trần diệt Hồ” để lấy đó làm cớ cho chúng dễ bày mưu
tính kế chen chân vào Đại Việt:

“Nhân họ Hồ chính sự phiền hà,

Để trong nước lòng dân oán hận.

Quân cuồng Minh thừa cơ gây họa,

Bọn gian tà bán nước cầu vinh.”

Như vậy, chỉ với bốn câu văn nêu trên tác giả đã vạch rõ âm mưu xâm lược
của giặc Minh.Đồng thời,tác giả còn tố cáo, vạch rõ những hành động, những tội ác
dã man của bọn giặc trên khắp tất cả các lĩnh vực bằng những hình ảnh, những từ
ngữ độc đáo. Tội ác đầu tiên của giặc Minh đã được tác giả Nguyễn Trãi kể ra đó
chính là tàn sát, giết hại những người dân vô tội:

“Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn

Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ”


Với nghệ thuật đảo ngữ cùng với việc sử dụng những hình ảnh giàu ý nghĩa
biểu tượng, tác giả đã tố cáo những chủ trương cai trị của giặc Minh ,vạch rõ hành
động giết người man rợ, tàn ác của giặc. Ngay đến cả những “dân đen’, “con đỏ” –
những người vô tội, chúng cũng không nương tay mà tàn sát người dân vô tội.
Đồng thời, tội ác của bọn giặc còn được thể hiện ở những chính sách thuế khóa hết
sức nặng nề. Trong đó âm mưu thâm độc nhất của kẻ thù là huỷ hoại môi trường
sống,cảnh quan tự nhiên, tiêu diệt sự sống của vạn vật trên đất nước:

“Nặng thuế khóa sạch không đầm núi

….Vét sản vật, bắt chim trả, chốn chốn lưới giăng

Nhiễu nhân dân, bẫy hươu đen, nơi nơi cạm đặt

Tàn hại cả giống côn trùng, cây cỏ.”

Trước tội ác tày trời vô nhân đạo, tác giả đã thể hiện thái độ căm thù giặc đến
tột cùng từ đó cho thấy được hoàn cảnh sống nhân dân thời đó, nỗi đau khổ của
nhân dân vô tội đối lập hoàn toàn với sự tàn ác,vô nhân tính của kẻ thù xâm lược.
Tác giả đã đứng trên tư tưởng nhân nghĩa và lập trường dân tộc, vì dân mà lên án
tội ác của giặc để bảo vệ quyền sống cho nhân dân. “Bình Ngô đại cáo” đã thấm
nhuần tư tưởng yêu nước thương dân của tác giả.

Mặt khác, tính chân thật trong phản ánh lại đòi hỏi phải nêu ra một cách đúng
đắn không chỉ những cái tốt, cái đúng,cái mạnh mà cả cái chưa tốt, cái sai cái yếu
của đời sống nội dung. Từ đó,tính nhân dân chân chính đòi hỏi nghệ thuật giác ngộ
trong quần chúng, biết nhận thức vai trò lịch sử của mình, biết giải phóng mình ra
khỏi những xiềng xích xã hội,những bảo thủ,trì trệ,lạc hậu,tha hóa của chính mình.
Nguyễn Trãi đã tái hiện chân thực quá trình kháng chiến và giành lấy thắng lợi của
quân và dân ta và đặc biệt qua hình tượng vị lãnh tụ nghĩa quân Lam Sơn- Lê Lợi.
Vị tướng lĩnh ấy vốn xuất thân chốn hoang dã với khả năng phi thường ,“ngẫm thù
lớn”, “căm giặc nước”, “đau lòng, nhức óc”, “nếm mật nằm gai”, quên ăn vì
giận,trằn trọc, đề cao vai trò của nhân dân trong cuộc khởi nghĩa, mang lòng căm
thù giặc sâu sắc,lòng yêu nước thương dân nồng nàn với quyết tâm chiến đấu
chống giặc. Tâm trạng của Lê Lợi cũng là tâm trạng chung của toàn dân. Hình
tượng Lê Lợi cũng là linh hồn của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Thế nhưng dù có chủ
soái giỏi, nhưng nghĩa quân ta lúc bấy giờ còn yếu kém về mọi mặt so với quân
địch. Về sĩ khí ta áp đảo quân thù nhưng về mặt vật chất, quân số rõ ràng ta nằm ở
thế yếu, mọi khó khăn chồng chất cứ đổ dồn trong buổi đầu dựng cờ khởi nghĩa.
Thứ nhất là ta thiếu người hiền tài đứng ra giúp nước:

“Tuấn kiệt như sao buổi sớm

Nhân tài như lá mùa thu”

Lương thực thì cạn kiệt, quân đội thì thưa thớt, giặc vẫn hoành hành ngang dọc
rêu rao làm việc "hung đồ ngang dọc", phải nói khó khăn chồng chất khó khăn.
Thế nhưng bằng việc nhận thức vai trò lịch sử của mình, bằng lòng quyết tâm cứu
nước, bằng lòng căm thù giặc sâu sắc, nghĩa quân ta biết giải phóng mình ra khỏi
gông cùm, xiềng xích bằng mọi cách. Điều đó được thể hiện qua chiến thắng của
cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Giai đoạn đầu của cuộc khởi nghĩa tuy gặp nhiều khó
khăn nhưng nhân dân luôn đoàn kết,đồng lòng,lạc quan và biết sử dụng các chiến
lược,chiến thuật linh hoạt.Nhờ đó mà cuộc khởi nghĩa vượt qua khó khăn, nhân
dân khao khát được tự do độc lập, quyết chiến với kẻ thù dẫu gian truân, cực khổ.
Những chiến thắng liên tiếp vang dội của nghĩa quân Lam Sơn: Trần Trí, Sơn Thọ,
…thể hiện sự nhân nghĩa, yêu chuộng hòa bình và chính nghĩa của quân dân
ta.Những chiến thắng vang dội ấy một lần nữa khẳng định tư tưởng chính nghĩa
của nghĩa quân,chứng minh một chân lý không thể đổi dời, chính nghĩa ắt phải
thắng gian tà. Nguyễn Trãi đã đề cao tính nhân dân, tính toàn dân trong cuộc khởi
nghĩa. Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn mang tính chất chính nghĩa, nhân đạo vì mục
đích của cuộc khởi nghĩa là hướng đến nền độc lập cho muôn dân an hưởng thái
bình, ấm no. Khi quân giặc thua trận, nghĩa quân của ta vẫn cho chúng đường
lui,không những tha chết cho bọn chúng mà còn cấp ngựa, cấp lương thực và cấp
thuyền cho chúng trở về nước thể hiện chủ nghĩa nhân đạo của nhân dân ta.Nguyễn
Trãi đã khắc sâu chiến thắng oanh liệt của dân tộc và phơi bày sự bại lụi của kẻ
thù, đó là nhờ sự đoàn kết của dân tộc,nhân dân đã đứng lên phản kháng lại thế lực
tàn ác ,hướng đến một cuộc sống tốt đẹp và cuối cùng mong ước của toàn dân đã
trở thành hiện thực.

Tính nhân dân còn thể hiện bằng những hình thức nghệ thuật hấp dẫn,lí thú,tạo
mỹ cảm lành mạnh dân chủ trong tiếp nhận. Tác giả đã sử dụng hình ảnh chân
thật ,giàu tính biểu tượng ,khái quát cùng với cách đối lập đau khổ của nhân dân vô
tội với sự tàn ác của kẻ thù xâm lược, sử dụng phép liệt kê để tố cáo tội ác man rợ
của giặc kết hợp câu hỏi tu từ,hình ảnh phóng đại , nghệ thuật cường điệu,bút pháp
anh hùng ca mang đậm tính sử thi, với các thủ pháp nghệ thuật so sánh ,tưởng
tượng ,liệt kê,giọng văn trang trọng ,hùng hồn,kết hợp hài hòa giữa yếu tố chính
luận và chất văn chương. Những yếu tố nghệ thuật ấy đã làm nổi bật tính nhân dân
trong tác phẩm,thấm nhuần tư tưởng yêu nước sâu sắc của dân tộc.

Tóm lại, “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi là bản tuyên ngôn độc lập thứ
hai của dân tộc Việt Nam mang đậm tính nhân dân.Tác phẩm ấy vang lên như một
khúc tráng ca bất diệt, ca ngợi chiến thắng hiển hách, khẳng định độc lập chủ
quyền của dân tộc ta.Tư tưởng nhân nghĩa,nhân đạo trong tác phẩm như một lời kí
gửi đến mai sau, nhắc nhở nghĩa vụ của mỗi người đối với quê hương, đất nước.

You might also like