You are on page 1of 9

*Giới thiệu:

1. Tác giả
Nguyễn Trãi sinh năm 1380, hiệu là Ức Trai, quê ở Chi Ngại (Chí Linh, Hải Dương) sau dời về Nhị Khê
(Thường Tín, Hà Tây). Cha là Nguyễn Phi Khanh, một học trò nghèo, học giỏi, đỗ thái học sinh (tiến
sĩ). Mẹ là Trần Thị Thái, con Trần Nguyên Đán, một quý tộc đời Trần. Ông là nhà văn hóa xuất sắc của
Việt Nam trên các tư cách anh hùng dân tộc, nhà văn, nhà tư tưởng, nhà chính trị, nhà ngoại giao,
nhà sử học và địa lý học. Xem xét cuộc đời, tư tưởng và sự nghiệp thơ văn Nguyễn Trãi, có thể khẳng
định ông đã trở thành hiện thân cho sự chuyển giao thời đại từ Phật giáo Lý – Trần sang Nho giáo,
người đặt nền móng tư tưởng văn hóa nghệ thuật cho thời đại Nho giáo thịnh trị, đặc biệt trong buổi
đầu còn rực sáng ánh hào quang của tinh thần phục hưng dân tộc và ý nghĩa nhân văn nhân đạo cao
cả.

2. Tác phẩm
Trong lịch sử dân tộc Việt Nam, Nguyễn Trãi là ngôi sao rực rỡ trên văn đàm thế kỷ XV, những
tác phẩm thơ văn viết bằng chữ Hán, chữ Nôm như ức Trai thi tập, Quốc âm thi tập hay những áng
văn chính luận như Quân trung từ mệnh tập, Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi để lại cho nền văn
học dân tộc, cho nước nhà có thể xem là những đóng góp xuất sắc, đa dạng cả về mặt nội dung tư
tưởng cũng như hình thức nghệ thuật.

I. Giới thiệu về tư tưởng nhân nghĩa


1. Tư tưởng nhân nghĩa theo quan điểm Nho giáo
Theo Khổng Tử, “nhân” là yêu người và để yêu người thì phải hiểu người. Còn “nghĩa” là cách cư xử
dựa trên việc hiểu người. Nhân nghĩa luôn thể hiện phẩm chất, tư tưởng của người quân tử, hướng
đến mối quan hệ đề cao sự công bằng.

Nói đến tư tưởng nhân nghĩa, không thể không nhắc đến tư tưởng của Mạnh Tử - người kế tục
Khổng Tử. “Nhân, nghĩa” giữ vị trí cốt lõi và là cái gốc của 4 đức: nhân, nghĩa, lễ, trí. Còn “lễ” và “trí”
phục vụ cho “nhân, nghĩa”.

Theo Mạnh Tử, có được hai phẩm chất đạo đức cơ bản đó thì con người ta có thể thông đạt thiên hạ.
Nhân nghĩa là yêu cầu đạo đức mà ai cũng có. Do đó, “người nhân thì yêu người” là bản chất con
người và là nguyên tắc đạo đức phổ biến ở mọi nơi. Đây có thể xem là bước mở rộng và nâng cao của
Mạnh Tử đối với tư tưởng nhân nghĩa của Khổng Tử.

Bên cạnh đó, Mạnh Tử xem nhân nghĩa là một quy phạm đạo đức điều tiết các mối quan hệ trong gia
đình, từ đó làm cơ sở để thực hiện tư tưởng chính trị xã hội. Ông không chỉ xây dựng nền tảng lý
luận “thuyết tính thiện”, mà còn là câu trả lời cho căn nguyên của các phạm trù đạo đức.

Như vậy, tư tưởng nhân nghĩa trong Nho giáo chính là đạo đức của nhân dân, là gốc rễ để trau dồi,
rèn giũa con người. Chỉ khi mỗi cá nhân hình thành được tư tưởng ấy thì xã hội, cộng đồng mới phát
triển và tốt đẹp hơn.

2. Tư tưởng nhân nghĩa theo quan điểm của Nguyễn Trãi


Ngày xưa Khổng Tử đã từng quan niệm “Thi dĩ ngôn chỉ”- Thi ca không chỉ thể hiện tình cảm
con người, mà còn thể hiện tư tưởng con người. Nguyễn Trãi không chỉ là một thi sỹ mà còn là một
nhà triết gia, một nhà tư tưởng. Thi ca của Nguyễn Trãi đã phản ánh rõ tư tưởng của tác giả. Đó là tư
tưởng của Nho giáo, Lão giáo, Phật giáo hòa hợp nhau mật thiết trong con người ông. Trong đó Nho
giáo là xu hướng nhân đạo rõ nhất trong tác phẩm Nguyễn Trãi. Tư tưởng ấy thể hiện rõ ở lòng yêu
nước, niềm tự hào, tự tôn về nền văn hiến của dân tộc. Trên cơ sở đó Nguyễn Trãi đã dùng nhân
nghĩa làm nguyên lý, làm lập trường chống lại quân xâm lược nhà Minh. Trong phạm vi bài viết nhỏ
này chúng tôi đề cập đến một khía cạnh, ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo trong thơ Nguyễn Trãi và
đi vào một tác phẩm cụ thể - Tư tưởng nhân nghĩa trong tác phấm “Bình Ngô đại cáo”.

Trong cuốn “Nguyễn Trãi, người anh hùng của dân tộc”, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng viết
“Triết lý nhân nghĩa Nguyễn Trãi cuối cùng chẳng qua là lòng yêu nước thương dân, cái nhân cái
nghĩa lớn nhất là phấn đấu đến cùng chống ngoại xâm, diệt bạo tàn, vì độc lập của nước, hạnh phúc
của dân”. Ta có thể khẳng định tinh thần suốt một đời nhân nghĩa, suốt một đời phấn đấu không
ngừng của ức Trai không một bài văn bài thơ nào thể hiện mức độ kết tinh như Bình Ngô đại cáo.
Một tác phẩm lớn mang tầm tư tưởng lớn, một luận văn tổng kết lịch sử tư tưởng yêu nước Đại Việt,
dưới hình thức một áng văn, một “Thiên cổ hùng văn”. Bình Ngô đại cáo chính là sự chung đúc
những tinh hoa của tư tưởng yêu nước Việt Nam, đến Nguyễn Trãi, qua Nguyễn Trãi đã được nâng
lên một tầm cao chưa từng thấy trong lịch sử tư tưởng Việt Nam trước khi nhà yêu nước vĩ đại Hồ
Chí Minh gặp chủ nghĩa yêu nước Mác – Lênin. Tư tưởng nhân nghĩa trong Bình Ngô đại cáo được
thể hiện ở lòng tự hào về ý thức dân tộc, về nền văn hiến dân tộc. Nhân nghĩa là yêu nước thương
dân, căm thù giặc, diệt bạo tàn mang lại cuộc sống hạnh phúc cho nhân dân.

II. Tư tưởng nhân nghĩa trong tác phẩm “Bình ngô đại cáo”
1. Nhân nghĩa là niềm tự hào dân tộc về độc lập chủ quyền, nền văn hiến dân tộc:
Trong tác phẩm Bình Ngô đại cáo, chúng ta có thể thấy Nguyễn Trãi đã nêu cao giá trị của truyền
thống dựng nước và giữ nước. Tư tưởng yêu nước được thể hiện trước hết ở lý luận về độc lập dân
tộc, về chủ quyền quốc gia. Lý luận đó được người Việt Nam nhận thức bổ sung và nâng cao, làm
phong phú thêm bằng thực tiễn dựng nước và giữ nước. Ông cha ta luôn khẳng định Việt Nam là
một dân tộc có núi sông, bờ cỏi, có lịch sử, có nền văn hiến lâu đời. Đó là điều cốt lõi để khẳng định ý
thức tự tôn của một dân tộc, chống lại âm mưu thôn tính, đồng hóa của Trung Quốc, khẳng định sức
mạnh quật cường của dân tộc. Trong bài thơ “Thần” Nam Quốc Sơn Hà, Lý Thường Kiệt đã khảng
khái tuyên bố:

Nam Quốc sơn hà Nam đế cư,

Tiệt nhiên định phận tại thiên thư.

Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm,

Nhữ đẵng hành khan thủ bại hư.

Nếu như trong Nam Quốc Sơn Hà, ý thức dân tộc được xác định chủ yếu trên hai yếu tố: lãnh thổ,
chủ quyền, mới chỉ dừng lại ở phân chia núi sông bờ cõi, thì đến với Bình Ngô đại cáo Nguyễn Trãi đã
khẳng định thêm ba yếu tố phong tục, văn hiến, lịch sử.

Như nước Đại Việt ta từ trước,

Vốn xưng nền văn hiến đã lâu.

Núi sông bờ cõi đã chia,

Phong tục Bắc Nam cũng khác.

Từ Triệu, Định, Lý, Trần bao đời gây nền độc lập
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên, mỗi bên hùng cứ một phương

Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau,

Song hào kiệt đời nào cũng có.

(Bình Ngô đại cáo – Nguyễn Trãi)

Qua đây, ta có thể thấy Nguyễn Trãi là người đầu tiên trong lịch sử tư tưởng Việt Nam thấy được vai
trò văn hóa trong việc cấu thành dân tộc; cũng là người đầu tiên khẳng định sự tồn tại độc lập của
nền văn hóa Đại Việt, dứt khoát tách khỏi quỹ đạo của văn hóa phương Bắc. Trong quan niệm về độc
lập chủ quyền của dân tộc, Nguyễn Trãi đã ý thức được văn hiến (Văn: văn chương sách vở…; Hiến:
hiền tài hào kiệt) là yếu tố cơ bản nhất để xác định, khẳng định độc lập dân tộc, chủ quyền toàn vẹn
lãnh thổ. Đây chính là điều mà kẻ thù luôn luôn phủ định, không thừa nhận và tìm mọi cách xóa bỏ.
Sự khẳng định dứt khoát của Nguyễn Trãi về văn hóa, về con người Việt Nam trong Bình Ngô đại cáo
là sự trả lời cho tư tưởng phân biệt giữa “Hoa hạ” và “Tứ di” vốn là tư tưởng phản động của các triều
đại phong kiến Trung Quốc, đặc biệt triều Minh – Triều đại xâm lược tàn bạo đất nước ta, mưu toan
hủy diệt toàn bộ nền văn hóa dân tộc của ta. Nguyên lý về nhân nghĩa phải đứng trên lập trường của
chính nghĩa. Khẳng định chân lý độc lập và chủ quyền của dân tộc trong Bình Ngô đại cáo, Nguyễn
Trãi đưa ra những minh chứng đầy sức thuyết phục về sức mạnh của nhân nghĩa, của chân lý.

Lưu Cung tham công nên thất bại

Triệu Tiết thích lớn phải tiêu vong

Cửa Hàm Tử bắt sống Toa Đô

Sông Bạch Đằng giết tươi Ô Mã …

Là những chứng cứ khẳng định cho sức mạnh của dân tộc ta.

Theo quan niệm tư tưởng của Nguyễn Trãi “Nhân nghĩa gắn liền với văn hóa, văn hiến, văn minh”.
Chính nó tạo nên thế đứng độc lập ngang hàng với bao nhiêu triều đại phương Bắc trong quá khứ,
nền văn hiến không những được đánh dấu ở “Núi sông bờ cõi” mà còn ở “Phong tục Bắc Nam”.
Phong tục của một dân tộc nói lên lối sống cao đẹp của dân tộc ấy. Sức mạnh của một dân tộc được
khẳng định, thể hiện ở sự bền vững của những phong tục tốt đẹp nhất. Người Đại Việt từ ngàn đời
nay luôn mang trong mình đạo lý tốt đẹp, luôn có tình yêu thương, sẻ chia đùm bọc, đoàn kết gắn bó
một lòng, có tình tương thân tương ái “Chị ngã em nâng”, “Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”. Dù kẻ
thù có ra sức đồng hóa, hủy diệt, phủ nhận thì người Việt Nam vẫn khẳng định được thế đứng của
mình, khẳng được vẻ đẹp bản sắc văn hóa dân tộc.

2. Nhân nghĩa là yêu nước thương dân, là dựa vào dân mà cứu nước:
Đức động binh không ngừng”. Qua đây ta có thể khẳng định tư tưởng nhân nghĩa trong Bình Ngô đại
cáo chính là yêu nước, thương dân, là đạo lý làm người. Nguyễn Trãi đã chiến đấu, đã khẳng định sự
tồn tại của Đại Việt, đã mạnh mẽ khẳng định sự ngang hàng của Đại Việt với các triều đại Trung Quốc.
Không còn quan hệ Thiên tử - Chư hầu mà là sự bình đẳng. Và một khi thiên tử làm điều bạo ngược
thì Đại Việt sẵn sàng đứng lên để bảo vệ độc lập dân tộc. Cuộc chiến tranh chống quân giặc Minh là
cuộc chiến tranh vì đại nghĩa, cuộc chiến tranh vượt qua cương thường của Nho giáo truyền thống.

Điều đáng chú ý trong tư tưởng yêu nước của Nguyễn Trãi ở Bình Ngô đại cáo là phương sách cứu
nước. Nói về nguyên nhân thất bại của nhà Hồ, Nguyễn Trãi viết:

“ Nhân họ Hồ chính sự phiền hà


Để trong nước lòng dân oán hận.”

Qua đây ta có thể thấy được nhà Hồ mất vương quyền chính là vì không được lòng dân, đi ngược lại
quyền lợi của nhân dân, để nhân dân oán hận. Từ bài học ấy và cũng xuất phát từ tư tưởng lấy dân
làm gốc, thấy được sức mạnh của dân là sức mạnh dời non lấp biển, ý dân là ý trời. Nguyễn Trãi đã
chủ trương cứu nước bằng sức mạnh của dân và cứu nước cũng là cứu dân thoát khỏi ách cường
bạo. Ngọn cờ khởi nghĩa Lam Sơn đã phất lên trên cơ sở đường lối ấy. “yêu nước là thương dân, để
cứu nước phải dựa vào dân, và cứu nước là để cứu dân, đem lại thái bình cho dân, cho mọi người”
(Phạm Văn Đồng “Nguyễn Trãi-Người anh hùng dân tộc”).

Vì nhân nghĩa mà Lê lợi, Nguyễn Trãi đã “đau lòng nhức óc”, “Nếm mật nằm gai”, “Căm giặc nước thề
không cùng sống”, dựng ngọn cờ thu phục nhân tâm.

“Nhân dân bốn cõi một nhà

Dựng cần trúc ngọn cờ phấp phới

Tướng sĩ một lòng phụ tử

Hòa nước sông chén rượu ngọt ngào.”

(Bình Ngô đại cáo)

Trong Bình Ngô đại cáo Nguyễn Trãi đã khẳng định vai trò của nhân dân, đặc biệt của những người
gọi bằng “manh lệ”. Đây là một sự phát triển vượt bậc so với tư tưởng yêu nước của thời đại Lý- Trần.
Trong Hịch tướng sĩ Trần Quốc Tuấn không phải không biết vai trò của nhân dân, nhưng chỉ mới nghĩ
đến “Khoan dân” làm kế sâu rễ bền gốc, chưa thấy được sức mạnh vai trò của nhân dân và quyền lợi
được hưởng cũng chỉ dành cho Vương hầu, Tướng sĩ. Trong khi đó ta có thể thấy rõ ở tất cả các cuộc
chiến tranh chống xâm lược, xét cho đến cùng yếu tố quyết định làm nên chiến thắng chính là nhân
dân. Đến với Nguyễn Trãi, ta thấy ức Trai không chỉ nghĩ đến dân mà còn thấy được sức mạnh của
nhân dân. Vì nước, vì dân ông luôn băn khoăn thao thức. Trong trái tim cuồn cuộn yêu thương,
Nguyễn Trãi luôn dành cho dân những tình cảm thiết tha nhất. Những lời văn thống thiết như máu
cuộn trong tim, nỗi xót thương nhân dân sống trong cảnh lầm than cơ cực, những lời kết tội đanh
thép của Nguyễn Trãi trước kẻ thù-những kẻ gây bao điều bạo ngược cho dân là minh chứng cho tình
yêu thương nồng nàn sâu sắc của ông. Cứu nước là cứu dân, muốn phất cao ngọn cờ nhân nghĩa là
phải dựa vào dân mà cứu nước là tư tưởng mà Nguyễn Trãi đã thể hiện trong Bình Ngô đại cáo.
Trong suốt bốn ngàn năm lịch sử cha ông ta đã biết phát huy sức mạnh của nhân dân, xem đó là cơ
sở làm nên chiến thắng, là một việc rất cơ bản trong tư tưởng yêu nước, là đường lối chính trị đứng
đắn hợp mọi thời, mọi đời. Phát huy sức mạnh của nhân dân, đoàn kết một lòng từ trên xuống dưới
chính là nhân tố tạo nên chiến thắng trong các cuộc chiến tranh chống giặc ngoại xâm.

Tư tưởng yêu nước trong tác phẩm Bình Ngô đại cáo không chỉ là ở chỗ phát động cuộc chiến tranh
hợp thời, hợp quy luật, biết phát huy sức mạnh như vũ bão của quần chúng nhân dân mà còn là ở
chỗ biết dừng cuộc chiến tranh đúng lúc kịp thời. Như Nguyễn Trãi đã từng khẳng định “Việc nhân
nghĩa cốt ở yên dân” lý do “Trừ bạo” là để “An dân”; ”Điếu phạt” là để muôn dân được sống trong
hòa bình. Thì nay cuộc chiến tranh dừng lại cũng chính là để “An dân”. Vì thương dân mà “Đánh kẻ có
tội” khi mục đích đã đạt ta phải để “dân nghỉ sức”.

“Tướng giặc bị cầm tù như hổ đói vẫy đuôi xin cứu mạng

Thần Vũ chẳng giết hại, thể lòng trời ta mở đường hiếu sinh.”

(Bình Ngô đại cáo)


“Họ đã tham sống sợ chết mà hòa hiếu thực lòng

Ta lấy toàn dân là hơn nhân dân nghỉ sức.”

(Bình Ngô đại cáo)

Với bản chất “Chí nhân đại nghĩa” ta đã kết thúc cuộc chiến tranh với tấm lòng nhân ái bao la. Người
Việt có câu: “Đánh kẻ chạy đi, không đánh người chạy lại”, tính mạng của con người rất đáng quý, dù
họ là người dân Việt Nam hay Trung Quốc, vì thế “Thần Vũ chẳng giết hại”, “mở đường hiếu sinh” đã
thể hiện lượng khoan hồng cao cả. Rõ ràng sợi dây nhân nghĩa là mục đích khởi sự và cũng là cái đích
cuối cùng. Tư tưởng nhân nghĩa cũng chính là tư tưởng hòa bình. Đây cũng chính là sự khẳng định
bản chất “Chí nhân thay cường bạo”. Tư tưởng ấy đã khẳng định vẻ đẹp nhân nghĩa của người Việt
Nam từ xưa đến nay, vẻ đẹp của một dân tộc yêu chuộng hòa bình, căm ghét chiến tranh. Mục đích
đánh lại kẻ thù ‘’ Diệt hung tàn” của chúng ta cũng chỉ vì yêu dân, yêu nước mà thôi.

Nhân nghĩa theo Nguyễn Trãi là yêu nước, cứu nước, cứu dân, chống giặc ngoại xâm, tiêu diệt bạo
tàn vì độc lập của nước, vì hạnh phúc của dân. Hiểu chữ nhân và nghĩa như thế thì Khổng Tử, Mạnh
Tử và toàn bộ Nho giáo chưa bao giờ hiểu rõ. Nguyễn Trãi – một con người “đầu đội trời, chân đạp
đất” – một nhà tư tưởng của thời đại đánh giặc “cuồng Minh”, đã vượt qua được những hạn chế của
Nho giáo truyền thống, vượt xa trên hành trình tư tưởng yêu nước của mình. Tư tưởng ấy, trí tuệ ấy
đã kết tinh lại để Bình ngô đại cáo trở thành “Thiên cổ hùng văn”.

Bình ngô đại cáo là tấm gương soi của dân tộc Việt Nam, của con người Việt Nam. Là tiếng vọng
của ngàn xưa và mãi mãi về sau. Bình ngô đại cáo khẳng định vẻ đẹp của con người Việt Nam, những
con người đã sống, đang sống và sẽ sống như thế. Từ ngàn xưa, hôm nay và mai sau, chúng ta luôn
tự hào về lối sống, bản sắc của dân tộc. Tình đoàn kết yêu thương, đùm bọc, gắn bó sẻ chia giữa con
người với con người mãi mãi vững bền. Tư tưởng yêu nước của cha ông ta, sự kế thừa và phát huy tư
tưởng ấy của Hồ Chí Minh là sợi chỉ đỏ xuyên suốt quá trình phát triển của lịch sử dân tộc.

Phát huy và kế thừa tư tưởng “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn”, suốt bốn ngàn năm văn hiến,
người Việt Nam đã khẳng định được sức mạnh của mình. Dù thời đại đổi thay, phẩm chất đạo đức
của con người Việt Nam vẫn không hề thay đổi. Người Việt Nam vẫn một lòng yêu nước thương dân,
lấy hạnh phúc của nhân dân làm lẽ sống, phấn đấu cho một xã hội phồn thịnh, công bằng, hạnh
phúc, văn minh.

Tinh thần nhân văn được Nguyễn Trãi thể hiện trong bài cáo trước hết nằm ở quan niệm về tư tưởng
nhân nghĩa của ông. Ngay từ đầu, Nguyễn Trãi đã khẳng định sự đấu tranh này là vì lợi ích của nhân
dân:

“Từng nghe: Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân


Quân điếu phạt trước lo trừ bạo”
Nhân nghĩa vốn là một tư tưởng đạo Nho, là mối quan hệ giữa người với người dựa trên cơ sở của
tình thương và đạo lí. Nhưng ở đây, với bốn chữ “yên dân”, “trừ bạo”, Nguyễn Trãi đã nâng nó lên
một tầm cao mới, trở thành một lý tưởng xã hội, một đạo lý dân tộc có giá trị đến muôn đời: việc
nhân nghĩa ở đời cốt là lo cho dân được ấm no, giúp cho dân được yên ổn. Nguyễn Trãi đã khẳng
định đạo lý “lấy dân làm gốc” là quy luật tất yếu trong mọi thời đại – dân là nòng cốt, là tài sản, là sức
mạnh, sinh khí của một quốc gia. “Yên dân”, tức là làm cho cuộc sống của nhân dân được yên ổn, no
đủ, hạnh phúc. Nhưng để được “yên dân” trước phải lo “trừ bạo”, có nghĩa phải vì nhân mà dám
đứng lên diệt trừ bạo tàn, đánh tan quân xâm lược.
Ở đây, có thể nói Nguyễn Trãi đã sử dụng tài tình nghịch lí “gậy ông đập lưng ông”: ông dùng chính
những luận điểm kinh điển về nhân nghĩa của tư tưởng Trung Hoa từng được các bậc thánh hiền như
Khổng Tử, Mạnh Tử,… đúc kết lại mà bọn tướng Minh đều đã thuộc nằm lòng để quật lại bọn chúng.
Đối với Nguyễn Trãi, “nhân nghĩa” không còn là một quan niệm đạo đức hạn hẹp mà là một lý tưởng
xã hội, cả cuộc đời ông chưa từng có một giây phút nào ngưng lo nghĩ cho dân cho nước:

“Dễ có Ngu cầm đàn một tiếng


Dân giàu đủ khắp đòi phương”
(Cảnh ngày hè)

Bậc anh hùng ấy lo cho dân bằng tất cả tình thương tận sâu nơi đáy lòng. Dân giàu, nước mạnh, dân
no đủ, nước thái bình, đây là giấc mơ Nguyễn Trãi luôn khắc khoải suốt cả cuộc đời dẫu cho cuộc đời
ấy phải chịu nhiều đắng cay và oan khuất, hơn hết, nó còn là cả một học thuyết nhân sinh ấp ủ đã
đến lúc bật ra thành lời. Nếu giấc mơ kia là của bậc đại nhân, thì cái lõi tư tưởng của giấc mơ là của
bậc đại trí. Đó là tư tưởng nhân nghĩa đã được Nguyễn Trãi vạch rõ ngay trong hai câu mở đầu “Bình
Ngô đại cáo”, một tư tưởng rất tiến bộ, tích cực, phù hợp với tinh thần của thời đại và cho đến ngày
nay vẫn còn nguyên giá trị.”

3. Tư tưởng nhân nghĩa thể hiện ở tinh thần chuộng hòa bình, tinh thần nhân đạo của dân
tộc
Tư tưởng nhân nghĩa ấy còn được thể hiện ở sự khoan dung khi kẻ thù đã bại trận .Nó thể hiện đức
hiếu sinh của dân tộc Việt Nam nói chung cũng chính là tấm lòng bao dung của Nguyễn Trãi trong khi
đối phó với quân địch trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Ta đánh địch bằng sức mạnh bằng ý chí sự
căm thù quân giặc khi đã đem quân sang định cướp nước ta. Nhưng khi giặc đã bại trận ta cũng
không nên trút sự căm giận đó thể tàn sát khiến cảnh máu chảy đầu rơi xảy ra. Ta chiến đấu cốt chỉ
để lấy lại đất đai để toàn vẹn lãnh thổ đó chính là mục tiêu cuối cùng.

“Tướng giặc bị cầm tù, như hổ đói vẫy đuôi xin cứu mạng

Thần vũ chẳng giết hại, thể lòng trời ta mở đường hiếu sinh

Mã Kỳ, Phương Chính, cấp cho năm trăm chiếc thuyền, ra đến biển mà vẫn hồn bay phách lạc,

Vương Thông, Mã Anh, phát cho vài nghìn cỗ ngựa, về đến nước mà vẫn tim đập chân run.

Họ đã tham sống sợ chết mà hoà hiếu thực lòng

Ta lấy toàn quân là hơn, để nhân dân nghỉ sức.

Chẳng những mưu kế kì diệu

Cũng là chưa thấy xưa nay ”

Vậy cho nên khi đã thắng trận ta cũng không tàn sát mà để cho bọn chúng một con đường lui để
chúng được quay về đoàn tụ với gia đình người thân. Điều đó cũng sẽ khiến cho dân tộc ta được tôn
trọng được coi trọng và biết ơn. Việc làm này cũng khiến cho quân Minh e dè mà không dám quay lại
nước ta tấn công nữa. Chiến lược đánh giặc cứu nước, cứu dân , “mở nền thái bình muôn thuở”
bằng nhân nghĩa của Nguyễn Trãi đã có ý nghĩa rất to lớn cả về mặt lý luận cũng như thực tiễn đấu
tranh cứu nước và dựng nước của dân tộc ta. Nguyễn Trãi và Lê Lợi, cùng với quân dân Đại Việt đã
kiên quyết thi hành một đường lối kết thúc chiến tranh rất sáng tạo, rất nhân nghĩa: “nghĩ kế nước
nhà trường cửu, tha cho mười vạn hùng binh. Gây lại hòa hảo cho hai nước, dập tắt chiến tranh cho
muôn đời”. Đó thật sự là tư tưởng lớn của một con người có tài “kinh bang tế thế” và là một tư
tưởng có sức sống “vang đến muôn đời”. Ta cũng có thể nói thêm về tài chiến lược của Nguyễn Trãi
còn được thể hiện ở chỗ cầu người hiền tài giúp nước giúp dân. Nguyễn Trãi đã quan niệm rằng
người hiền tài càng nhiều thì xã tắc mới càng được hưng thịnh nhân dân mới được ấm no hạnh phúc
mới có thể đánh đuổi quân giặc không dám quay lại chiến đánh trên đất nước ta thêm một lần nào
nữa. Bình Ngô đại cáo xét về mặt tư tưởng thì đây là tác phẩm nổi bật về chủ nghĩa nhân đạo, minh
chứng hùng hồn cho cuộc chiến thắng của nhân dân ta chống giặc Minh. Triết lí nhân nghĩa của
Nguyễn Trãi tiềm ẩn như mỏ quặng quý mà ta phải khai thác, đào sâu, nhưng nổi lên bề mặt lộ thiên
của nó chính là chủ nghĩa yêu nước, là tình cảm thương dân. Vì yêu nước thương dân mà Nguyễn
Trãi có những quan niệm tiến bộ về bản chất và mục đích của đội quân nhân nghĩa, về Tổ quốc và
“Bốn phương biển cả thanh bình”. Đã sáu trăm năm trôi qua, Nguyễn Trãi - người anh hùng dân tộc
và là nhà thơ, nhà văn, nhà tư tưởng chính trị, thực sự sống mãi trong lòng dân tộc khi các thế hệ
con cháu mang tư tưởng nhân nghĩa của Người đã làm nên bao kì tích, bao chiến thắng lẫy lừng, như
trong chiến tranh chống Mỹ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp thu tư tưởng nhân nghĩa ấy mà đối xử
nhân đạo với những phi công Mỹ ngụy.

Phần kết luận:


Cho đến nay, “Bình Ngô đại cáo” vẫn vẹn nguyên giá trị, sức sống như lần đầu tiên được tuyên cáo
trước thiên hạ. Nó có sức sống lâu bền bởi nó là một văn kiện lịch sử khẳng định nền độc lập dân tộc
và mang tư tưởng nhân đạo, chính nghĩa vĩ đại. Trên phương diện văn chương, Nguyễn Trãi đã để lại
một áng văn mẫu mực về lòng yêu nước và tinh thần chiến đấu của quân và dân ta tước giặc thù
hung bạo. Mỗi một thế hệ khi phân tích luận đề chính nghĩa bình ngô đại cáo đều tự hào khi được lật
lại và cảm nhận khí thế hào hùng của một thời đại lịch sử oanh liệt của dân tộc.

Tài liệu tham khảo:

1.( Tư tưởng nhân nghĩa của Nguyễn Trãi trong Bình Ngô đại cáo - Thích Văn Học
(thichvanhoc.com.vn) )

2.(Nhân nghĩa là gì? Tư tưởng nhân nghĩa trong Nho giáo (voh.com.vn) )
3. http://thcsxuandieu.canloc.edu.vn/

4. https://luatduonggia.vn/
5. https://www.scribd.com/
6.Tư tưởng nhân nghĩa của Nguyễn Trãi qua đoạn trích Nước Đại Việt ta - Theki.vn

You might also like