You are on page 1of 3

SUY NIỆM TIN MỪNG

(THỨ 7 TUẦN XXX THƯỜNG NIÊN)


“Ai nâng mình lên sẽ bị hạ xuống, ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên”.
Trong bài tin mừng hôm nay, bài học về đức khiêm nhường đã đánh động trong
con. Con xin suy niệm nhân đức khiêm nhường với 3 mối tương quan trong
cuộc sống.
1. Trước tiên là tương quan với “Thiên Chúa”
Theo Tự Điển Công Giáo phổ thông, khiêm nhường là không vượt quá chính
mình. Đây là nhân đức giúp yêu thương mình đúng đắn, đánh giá đúng vị thế
của mình trước mặt Chúa và tha nhân. Như thế, khiêm nhường trong tương
quan với Thiên Chúa là luôn biết nhìn nhận thân phận thụ tạo của con người,
được Thiên Chúa yêu thương và đưa vào hiện hữu, để sống trong tình hiệp
thông với Người. Vì thế, con được mời gọi luôn sống tâm tình thờ lạy, yêu mến
một mình Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn. Khiêm nhường
trong tương quan với Thiên Chúa là luôn sống tâm tình phó thác, cậy trông và
hoàn toàn lệ thuộc vào Thiên Chúa, thay vì cậy dựa vào của cải, vật chất và
danh vọng, như Thánh Phao-lô khẳng định: “Tôi có là gì, cũng là nhờ ơn Thiên
Chúa" (1 Cr 15,10).
Khiêm nhường trong tương quan với Thiên Chúa là noi gương bắt chước
Chúa Giê-su qua mầu nhiệm tự huỷ. “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa, mà
không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã
hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ trở nên giống phàm nhân,
sống như người trần thế” hay “Đức Giê-su vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự
ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em
trở nên giàu có”. Ngài là Đấng Thánh Thiện vô song mà lại dìm mình xuống
dòng sông Gio-đan để Gioan là phép rửa cho. Ngài là Chúa là Thầy mà còn cúi
xuống rửa chân cho các môn đệ trong bữa tiệc ly để nêu gương khiêm nhường,
yêu thương và phục vụ.
2. Thứ đến là tương quan với “Tha nhân”
Trong đạo đức học của triết gia Immanuel Kant, ông nêu rõ rằng: khiêm
nhường và không tự cao là một phần quan trọng của việc tuân theo nghĩa vụ đạo
đức, và không được đối xử với người khác như một phương tiện, trái lại, phải
tôn trọng họ như là con người, như là cứu cánh tự thân. Thánh Thomas Aquino
thì mời gọi con người phải tôn trọng chân lý nơi sự vật, là sự tương hợp giữa trí
năng và thực tại, không bóp méo sự vật, luôn không ngừng nỗ lực dấn thân vào
tìm hiểu huyền nhiệm ấy.
Như vậy, khiêm nhường trong tương quan với tha nhân, trên hết là tôn trọng
như họ là, luôn nhìn mọi vật bằng con mắt khách quan, tôn trọng phẩm giá của
tha nhân, không đóng khung người khác trong quan niệm duy chủ quan phiếm
diện, thay vào đó là luôn yêu thương, sẻ chia, cùng đồng cảm và giúp nhau
thăng tiến trên con đường nhân đức.
Nếu không khiêm nhường trong tương quan với tha nhân, con sẽ không thể
trở thành người phục vụ mọi người, thay vào đó sẽ là bắt mọi người phục vụ
cho những nhu cầu của cá nhân mình.
3. Cuối cùng là tương quan với chính bản thân con
Triết gia Socate thì dạy rằng: “hãy tự biết mình” biết đâu là những điểm
mạnh, điểm yếu của mình, biết mình là ai, và đâu là mục đích lý tưởng mà mình
đang theo đuổi. Người khiêm nhường nhờ thành thật trong tương quan với
chính mình, nên biết được các giới hạn của mình, cùng nhận ra mình luôn yếu
đuối, cần có sự trợ giúp của ơn thánh Chúa vì: “Không có Thầy, các con không
thể làm gì được”. Khiêm nhường với mình cũng là tôn trọng chính mình, không
kiêu hãnh cũng không hạ nhục mình quá đáng, vì tự hạ quá đáng là không nhận
ra những ân huệ của Thiên Chúa. Thánh Phaolo đã viết trong thư thứ nhất gửi
tín hữu Cô-rin-tô chương 6 câu 19 rằng: “anh em lại chẳng biết rằng thân xác
anh em là Đền Thờ của Thánh Thần sao?”. Vì thế, con được mời gọi tôn trọng
chính mình để từ đó biết tôn trọng người khác, tha thứ cho mình và cũng biết
đồng cảm, tha thứ cho anh em mình.
Tóm lại, bài học khiêm nhường với con là luôn sống tương quan hài hoà với
chính mình, với Thiên Chúa và với tha nhân. Biết nhìn nhận những giới hạn của
mình để luôn sẵn sàng lắng nghe và học hỏi từ người khác. Biết tự kiểm soát và
kiềm chế những đam mê của mình. Biết tôn trọng và sẵn sàng giúp đỡ người
khác trong mọi hoàn cảnh. Trên hết là biết vâng theo thánh ý Chúa, phó thác cả
cuộc đời cho Thiên Chúa là tình yêu như gương Mẹ Maria năm xưa: “Vâng, tôi
đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói”.
Suy niệm đến đây, con xin tự đưa ra một vài câu hỏi để thức tỉnh chính mình:
Đã bao lần con chưa khiêm nhường trong tương quan với Chúa, qua việc
thượng tôn các ngẫu tượng là tự do, vật chất và danh vọng? Con mải mê kiếm
tìm những giá trị hạnh phúc chóng qua, mà quên đi mục đích cứu cánh của đời
mình.
Đã bao lần con chưa tôn trọng anh em mình như họ là, có cái nhìn thiên kiến,
chủ quan, đối vật thay vì nhìn nhận căn tính và phẩm giá của anh em mình.
Con là chủng sinh và mục đích lý tưởng là bước theo Thầy Giê-su và trở nên
đồng hình đồng dạng với Người, nhưng con đã thực sự cố gắng tu luyện cho tốt
trong suy nghĩ, lời nói và việc làm chưa?
Để kết thúc bài suy niệm con xin mượn lời bài hát “BIẾT CHÚA BIẾT
CON” của Lm. Ân Đức như sau:
Lạy Chúa, Xin cho con biết Chúa, xin cho con biết con.
Biết Chúa là Thiên Chúa, độc nhất là Cha, là Chúa trời đất.
Biết Chúa vua muôn loài. Biết Chúa thương con người.
Biết Chúa là tạo hóa là đấng sinh thành nên con.
Biết con là tạo vật, một đời sống kiếp con người.
Biết con không là gì, chỉ là bụi cát mà thôi.
Biết con thân phàm hèn, mỏng dòn muôn vàn yếu đuối.
Biết con bao tội tình, để lòng xao xuyến khôn nguôn.
Xin Chúa thương chúc lành cho con. Amen!

You might also like