You are on page 1of 1

Đức Ái

“Nếu ai nói: “Tôi yêu mến Thiên Chúa”, mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai
không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ
không trông thấy” (1 Ga 4,20).
Tình yêu và lòng tốt dành cho tha nhân, được gọi tắt “lòng nhân ái”, là đòi hỏi mà bất cứ
giáo hữu, tín đồ của tôn giáo nào cũng phải tuân thủ, vì không đạo nào chống lại con người, hay
ủng hộ chủ trương phi nhân, đường lối hiếu chiến, chia rẽ, hận thù. Tuy nhiên, các tôn giáo
không đặt lòng nhân ái ở cùng một nấc thang, mức độ, nhưng mỗi tôn giáo nhìn lòng nhân ái
dưới những góc nhìn khác nhau.
Thực vậy, hầu hết các tôn giáo đều đòi hỏi con người phải yêu thương nhau với mục đích
làm vui lòng thần thánh đấng họ tôn thờ. Thế nên buộc mọi người phải tôn trọng, nhường nhịn
nhau. Thần thánh sẽ nổi giận khi con người tranh chấp, đố kỵ, hận thù, giết chóc nhau, nên lòng
nhân ái được xem như cách làm đẹp lòng thần thánh và cách để người ta chứng tỏ mình là một
người công chính trước tôn nhan đấng họ tin thờ.
Khác với các tôn giáo, lòng nhân ái trong Kitô giáo không chỉ là cách làm vui lòng Thiên
Chúa, hay việc làm phụ thuộc, đính kèm, đối phó cho qua, nhưng đó là mộ lệnh truyền của Thiên
Chúa: “ ngươi phải yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực ngươi, và hãy yêu
thương người thân cận như chính mình ngươi”(Mc 12,33).
Thực vậy, yêu mến Thiên Chúa và yêu thương anh em tuy hai nhưng chỉ là một giới răn, vì
đức ái ở người Kitô hữu không còn là một đức tính, một thuộc tính, nhưng là một yếu tính;
không thuần túy là lòng nhân ái ở mức độ con người, thuộc phạm trù “nhân bản” nhưng đã được
bao phủ bằng tình yêu Thiên Chúa, và là dấu chỉ sống động của tình yêu Thiên Chúa dành dành
cho Hội Thánh Người.
Cũng giống như việc Thiên Chúa yêu thương con người nên Ngài đã “sáng tạo con người theo
hình ảnh mình” (St 1,27). Hình ảnh Thiên Chúa chính là Tình Yêu, vì chính Ngài là Tình Yêu”,
“nên ai không yêu thương, thì không biết Thiên Chúa” (1 Ga 4,8), cũng như ai không yêu thương,
thì không sống, vì họ bỏ quên yếu tính đời mình.
Do đó, người Kitô hữu sống đức ái sẽ tràn đầy hạnh phúc, vì họ khám phá ra hình ảnh
tuyệt vời thánh thiện của Thiên Chúa Tình Yêu nơi mình, nơi tha nhân, hình ảnh mà suốt đời
người ấy được Thiên Chúa mời gọi, hối thúc để họ làm rạng rỡ vinh quang của Ngài.
Đức Ái Kitô giáo trở nên nhịp cầu dễ nhất, con đường ngắn nhất để đến với mọi người và
đến với Thiên Chúa. Vì chính Đức Giêsu đã quả quyết rằng: “yêu người thân cận như chính
mình, là điều quý hơn mọi của lễ toàn thiêu và hy lễ” (Mc 12, 33). Trên nhịp cầu và con đường
Đức Ái ấy không còn chướng ngại là ganh ghét, đố kỵ; không còn tường rào khó vượt qua là bất
công, bạo lực; không còn hố sâu khó san bằng, lấp đầy là căm phẫn, hận thù. Họ dám vượt qua
chính mình để sống cho những đòi hỏi cam go nhất của Đức Ái như Đức Giêsu dạy: “Anh em
hãy yêu cả kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em” (Mt 5,44).
Thiết tưởng, không có gì cần thiết và thích hợp hơn là anh em chúng ta hãy tìm về yếu
tính của người Kitô hữu, người mang Đức Giêsu, dung mạo đích thực của Thiên Chúa Tình Yêu
và giàu lòng thương xót. Chúng ta hãy xin cho mình được luôn hiện diện và ở lại trong tình yêu
Thiên Chúa, Đấng mà các Thánh đã đáp lời kêu gọi và suốt đời đi theo Ngài để sống tương quan
tình yêu với Ngài, với anh em một cách quyết liệt, triệt để.
Lạy Chúa, đứng trước những yêu sách của Chúa, chúng con cảm thấy mình thật yếu hèn
khi đã không thực hành được điều răn của Chúa về giới luật yêu thương. Bởi chúng con vẫn đang
bảo thủ, cố chấp trong cái tôi thấp hèn của mình, nên chúng con không chịu mở lòng đón Chúa và
tiếp nhận anh em mình. Xin Chúa tiếp tục nhẫn nại và đợi chờ chúng con cho đến khi chúng con
thật lòng hoán cải và trở về với Chúa trong tình yêu xả kỷ. Chỉ khi ấy chúng con mới có thể thật
sự dễ dàng lắng nghe và thực hành những lệnh truyền của Chúa là yêu Chúa trên hết mọi sự và
yêu người ta như mình con vậy. Amen!

You might also like