You are on page 1of 188

LỜI MỞ ĐẦU

1. Mục tiêu và nội dung nghiên cứu


Mục tiêu nghiên cứu: Trên cơ sở những vấn đề lí luận và thực tiễn về
phát triển đội ngũ doanh nhân, từ phân tích, đánh giá thực trạng phát triển đội
ngũ doanh nhân ở Đồng Nai những năm qua, đề tài đề xuất định hướng, các
giải pháp và kiến nghị nhằm phát triển đội ngũ doanh nhân ở Đồng Nai đến
năm 2020.
Để thực hiện mục tiêu nghiên cứu đặt ra, đề tài tập trung giải quyết
những nhiệm vụ chủ yếu sau:
- Nghiên cứu những vấn đề lí luận về doanh nhân và phát triển đội ngũ
doanh nhân trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam nói
chung và ở địa bàn cấp tỉnh nói riêng;
- Nghiên cứu kinh nghiệm phát triển đội ngũ doanh nhân ở một số quốc
gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, đặc biệt là những nước có nền kinh tế
chuyển đổi, có điều kiện tương đồng, từ đó rút ra những bài học có thể vận
dụng vào thực tiễn Việt Nam nói chung và Đồng Nai nói riêng;
- Nghiên cứu thực trạng phát triển đội ngũ doanh nhân ở Đồng Nai
những năm qua, chỉ ra những thành công, hạn chế và nguyên nhân;
- Chỉ ra những yêu cầu mới mà công cuộc đổi mới trong giai đoạn đẩy
mạnh CNH, HĐH, hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu, rộng đang đặt ra
đối với đội ngũ doanh nhân và phát triển đội ngũ doanh nhân ở Đồng Nai;
- Đề xuất định hướng, các giải pháp và kiến nghị với Đảng, Chính phủ,
Tỉnh ủy, UBND Đồng Nai và các cơ quan liên quan nhằm phát triển đội ngũ
doanh nhân ở Đồng Nai những năm tới.
Nội dung nghiên cứu: Để thực hiện mục tiêu và nhiệm vụ nghiên cứu
trên, đề tài tập trung giải quyết các nội dung nghiên cứu sau:
Nội dung thứ nhất: Những vấn đề lí luận về phát triển đội ngũ doanh
nhân trong nền KTTT định hướng XHCN ở phạm vi quốc gia và địa phương,
kinh nghiệm phát triển đội ngũ doanh nhân của một số quốc gia trên thế giới.
Trong nội dung này, đề tài tập trung nghiên cứu những vấn đề cụ thể
sau đây: (1) Một số vấn đề cơ bản về doanh nhân, bao gồm các quan niệm về
doanh nhân; vai trò của doanh nhân trong phát triển kinh tế - xã hội trong thời
kì đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu, rộng; các
tố chất cần có của doanh nhân; các kĩ năng mà doanh nhân phải có; các điều

1
kiện để trở thành doanh nhân. (2) Các yếu tố tác động tới sự hình thành và
phát triển các tố chất và kĩ năng của doanh nhân. (3) Các tiêu chí phân loại,
các tiêu chí và phương pháp đánh giá đội ngũ doanh nhân ở địa bàn cấp tỉnh.
(4) Kinh nghiệm phát triển đội ngũ doanh nhân của một số quốc gia và bài học
thực tiễn rút ra cho Việt Nam nói chung, Đồng Nai nói riêng.
Nội dung thứ hai: Thực trạng đội ngũ doanh nhân ở Đồng Nai hiện nay.
Trong phần này, đề tài tập trung nghiên cứu các vấn đề chủ yếu sau
đây: (1) Quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về phát triển doanh nghiệp và
doanh nhân qua các thời kì. (2) Quá trình hình thành và phát triển đội ngũ
doanh nhân Đồng Nai qua các thời kì. (3) Đánh giá chung về đội ngũ doanh
nhân Đồng Nai.
Nội dung thứ ba: Dự báo các xu hướng vận động của nền kinh tế Việt
Nam nói chung, của Đồng Nai nói riêng và những yêu cầu mới đối với doanh
nghiệp và doanh nhân ở Đồng Nai những năm tới.
Trọng tâm của nội dung này bao gồm những vấn đề sau đây: (1) Dự
báo xu hướng vận động của môi trường kinh doanh và của nền kinh tế Việt
Nam nói chung, của Đồng Nai nói riêng đến năm 2020, những thuận lợi và
khó khăn, thời cơ và thách thức đang đặt ra trước các doanh nghiệp Đồng Nai.
(2) Dự báo những yêu cầu mới đối với đội ngũ doanh nhân Đồng Nai và phát
triển đội ngũ doanh nhân Đồng Nai tới năm 2020.
Nội dung thứ tư: Đề xuất định hướng và các giải pháp, các kiến nghị
nhằm phát triển đội ngũ doanh nhân ở Đồng Nai những năm tới.
Trong nội dung này đề tài tập trung giải quyết những vấn đề chủ yếu
sau: (1) Đề xuất định hướng phát triển đội ngũ doanh nhân Đồng Nai đến
năm 2020. (2) Đề xuất các nhóm giải pháp phát triển đội ngũ doanh nhân
Đồng Nai trong những năm tới. (3) Đề xuất các kiến nghị với các cơ quan
liên quan.
2. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu: Đề tài tập trung nghiên cứu đối tượng chính là
đội ngũ doanh nhân và những vấn đề liên quan đến phát triển đội ngũ doanh
nhân trên địa bàn Đồng Nai.
Phạm vi nghiên cứu: Phạm vi nghiên cứu của đề tài được giới hạn ở
việc nghiên cứu đội ngũ doanh nhân người Việt Nam, bao gồm chủ sở hữu
doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh công ty hợp danh, chủ tịch hội
đồng thành viên, chủ tịch công ty, thành viên hội đồng quản trị, giám đốc
(tổng giám đốc) trong các doanh nghiệp của người Việt Nam trên địa bàn tỉnh
Đồng Nai với 4 hình thức tổ chức là công ty TNHH, công ti cổ phần, DNTN

2
và doanh nghiệp hợp danh, hoạt động trong các lĩnh vực công nghiệp, nông
nghiệp và dịch vụ, trong thời gian từ 1975 đến nay. Ngoài ra, các giải pháp và
kiến nghị mà đề tài dự kiến đề xuất chủ yếu thuộc phạm vi quản lí của cơ
quan quản lí nhà nước các cấp.
3. Cách tiếp cận, phương pháp nghiên cứu, kĩ thuật được sử dụng
Cách thức tiếp cận: Đề tài là một tập hợp nhiều nội dung, chịu tác
động tổng hợp, nhiều chiều với đối tượng nghiên cứu rất rộng. Do đó, đề tài
sử dụng cách tiếp cận hệ thống, triển khai theo nguyên tắc từ hệ thống chung
đến hệ thống bộ phận. Trước hết phân tích, làm rõ những vấn đề lí luận và
thực tiễn về xây dựng đội ngũ doanh nhân trong nền KTTT định hướng
XHCN ở Việt Nam. Phần này sẽ là cơ sở phân tích những vấn đề liên quan
đến đội ngũ doanh nhân ở Đồng Nai - bộ phận cấu thành của kinh tế, xã hội
Việt Nam. Cách tiếp cận này một mặt xác định rõ những vấn đề mang tính
nguyên tắc, cốt lõi của hệ thống, mặt khác loại bỏ được những ảnh hưởng
nhiều chiều gây khó khăn trong quá trình nghiên cứu.
Bên cạnh đó, đề tài sử dụng cách tiếp cận đa chiều do bản thân đội ngũ
doanh nhân Đồng Nai vừa là bộ phận cấu thành trong không gian tổ chức
quản lý kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Đồng Nai nói riêng vừa là bộ phận
cấu thành trong hệ thống kinh tế - xã hội Việt Nam nói chung, sự vận động
phát triển của nó do nhiều yếu tố quy định. Như vậy, khi nghiên cứu nội dung
đề tài, các cách tiếp cận nêu trên sẽ phát hiện và giải quyết vấn đề từ hai phía:
Nhìn nhận những vấn đề liên quan tới đội ngũ doanh nhân Đồng Nai với
những phân tích khách quan theo phân hệ của hệ thống và nhìn nhận vấn đề
trực tiếp từ kinh tế, xã hội Đồng Nai nhằm làm rõ những vấn đề cần giải
quyết, đề xuất những giải pháp và kiến nghị phù hợp.
Phương pháp nghiên cứu: Để thực hiện mục tiêu nghiên cứu đặt ra, đề
tài dựa trên cơ sở phương pháp luận duy vật biện chứng, duy vật lịch sử của
chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quán triệt quan điểm, đường
lối đổi mới của Đảng, Nhà nước, đồng thời vận dụng tổng hợp các phương
pháp nghiên cứu như:
1. Nghiên cứu định tính (nghiên cứu lí thuyết): Dựa trên những cơ sở lí
thuyết về phát triển kinh tế - xã hội nói chung, phát triển đội ngũ doanh nhân
nói riêng và thực tiễn về những vấn đề này ở một số nước trên thế giới, đặc
biệt là các nước đang phát triển, đề tài phân tích, đánh giá, dự báo các yêu cầu
mà mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đặt ra trước đội ngũ doanh nhân ở
nước ta nói chung, Đồng Nai nói riêng trong bối cảnh mới, từ đó đưa ra định
hướng và các giải pháp nhằm phát triển đội ngũ này những năm tới.

3
2. Phương pháp điều tra xã hội học: Nội dung điều tra tập trung vào 2
vấn đề chính sau đây:
- Nhận thức của xã hội, các cơ quan quản lí nhà nước và bản thân
doanh nhân về vị trí, vai trò của doanh nhân đối với công cuộc xây dựng và
phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh hiện nay.
- Những tiềm năng, thế mạnh, điểm yếu và yêu cầu đối với đội ngũ
doanh nhân Đồng Nai khi Việt Nam gia nhập WTO.
Với các nội dung trên, đề tài xây dựng 2 mẫu phiếu điều tra tương ứng.
Địa bàn điều tra: Đề tài thực hiện điều tra ở 3 địa bàn, gồm Đồng Nai,
Hà Nội và Tp Hồ Chí Minh. Trong đó chủ yếu tập trung vào lấy số liệu trên
địa bàn Đồng Nai, các địa phương khác nhằm đối chiếu so sánh.
Đối tượng điều tra: Tập trung vào 4 nhóm đối tượng chính: (1) Các chủ
doanh nghiệp, chủ hộ kinh doanh. (2) Công nhân trong các doanh nghiệp. (3)
Cán bộ thực hiện chức năng quản lí nhà nước đối với doanh nghiệp. (4) Một
số tầng lớp dân cư.
Phương pháp chọn mẫu: Việc chọn mẫu điều tra được thực hiện chủ yếu
theo nguyên tắc lấy mẫu xác suất của Krejcie và Morgan. Ngoài ra, đề tài còn sử
dụng nguyên tắc lấy mẫu ngẫu nhiên phân tầng như một nguyên tắc trợ giúp.
3. Phương pháp thống kê - so sánh: Sử dụng các số liệu thống kê để phân
tích, so sánh nhằm đưa ra kết luận về thực trạng đội ngũ doanh nhân và phát
triển đội ngũ doanh nhân ở Đồng Nai.
4. Phương pháp thảo luận nhóm tập trung: Tiến hành một số thảo luận
nhóm tập trung, đối tượng tham gia là cán bộ quản lí nhà nước của tỉnh Đồng
Nai, một số giám đốc doanh nghiệp trong tỉnh và các nhà nghiên cứu... để tìm
hiểu quan điểm, nhận thức và thực tiễn xây dựng đội ngũ doanh nhân ở Đồng
Nai. Phương pháp này cung cấp các số liệu định tính, được kết hợp chặt chẽ
với phương pháp Điều tra xã hội học. Các số liệu của 2 phương pháp này sẽ bổ
sung cho nhau.
5. Phương pháp chuyên gia: Một số hội thảo được tổ chức trong quá
trình thực hiện nhằm tìm kiếm sự thống nhất trong các phân tích, đánh giá
cũng như đề xuất các giải pháp và kiến nghị.
6. Phương pháp phỏng vấn sâu: Tiến hành một số cuộc phỏng vấn sâu
một số cán bộ chủ chốt các ban, ngành trong tỉnh, một số chuyên gia và đại
diện của Hội doanh nghiệp trẻ Đồng Nai, Phòng Thương mại và Công nghiệp
Việt Nam, Cục hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hội
doanh nghiệp trẻ Việt Nam, Câu lạc bộ doanh nghiệp Việt Nam, Ban Đổi mới
và Phát triển doanh nghiệp trung ương và một số nhà nghiên cứu.

4
7. Phương pháp dự báo: Kết hợp cả phương pháp dự báo định tính và
dự báo định lượng nhằm dự báo những yêu cầu đối với phát triển đội ngũ
doanh nhân ở Đồng Nai đến năm 2020.
Cách thức thu thập số liệu: (1) Thu thập gián tiếp hay nghiên cứu tại
bàn [Desk Study] (kế thừa các công trình nghiên cứu trước đó; tổng hợp các
nguồn số liệu thông qua các báo cáo, tổng kết của các nguồn thông tin chính
thức; tìm thông tin thông qua các phương tiện thông tin đại chúng: Báo chí,
Internet...); (2) Thu thập dữ liệu trực tiếp hay nghiên cứu thực tế [Field
Study] (phỏng vấn sâu [In-depth interview]: Đề tài tiến hành phỏng vấn sâu
một số cán bộ quản lý, điều hành thực tiễn và một số nhà nghiên cứu; thảo
luận nhóm tập trung [Focus Group Discussion]; điều tra xã hội học [Survey];
quan sát tham dự [Participatory Observation]).
Ngoài ra, để có thêm căn cứ thực tiễn phục vụ nghiên cứu và có cơ sở
so sánh, đề tài đã tổ chức khảo sát ở Hà Nội, Đà Nẵng - những địa phương là
trọng điểm kinh tế, có lực lượng doanh nhân đông đảo, có nhiều nét tương
đồng với Đồng Nai, từ đó vấn đề nghiên cứu sẽ bộc lộ rõ hơn.
4. Kết cấu của báo cáo tổng kết
Ngoài phần Mở đầu, Kết luận và Danh mục tài liệu tham khảo, các nội
dung nghiên cứu của đề tài được kết cấu thành 03 chương:
Chương 1: Những vấn đề lí luận và thực tiễn về doanh nhân và phát
triển đội ngũ doanh nhân ở địa bàn cấp tỉnh hiện nay
Chương 2: Thực trạng đội ngũ doanh nhân ở Đồng Nai hiện nay
Chương 3: Định hướng và giải pháp phát triển đội ngũ doanh nhân ở
Đồng Nai trong những năm tới

5
TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU
TRONG NƯỚC VÀ NGOÀI NƯỚC

Đội ngũ doanh nhân là lực lượng xung kích trên mặt trận phát triển kinh
tế, có vai trò đặc biệt quan trọng đối với mọi quốc gia và địa phương. Bởi vậy,
các nghiên cứu về doanh nhân và xây dựng đội ngũ doanh nhân tương đối đa
dạng và trên nhiều phương diện.
Tình hình nghiên cứu ngoài nước:
Ở ngoài nước, kể cả ở những nước có nền kinh tế thị trường phát triển như
Singapore, Mỹ, Canada, Nhật Bản..., các vấn đề về doanh nhân được các nhà
khoa học, các nhà quản lí và cả các doanh nhân quan tâm. Các nghiên cứu về
doanh nhân tương đối đa dạng về hình thức, từ tọa đàm, hội thảo, bài viết, sách
chuyên khảo đến các dự án..., và có những nội dung đáng chú ý sau đây:
- Quan niệm về doanh nhân:
Khái niệm "doanh nhân" được chính thức đề cập đến trong lí thuyết kinh
tế vào giữa thế kỉ 18 bởi nhà kinh tế học người Pháp Richard Cantillon (năm
1755) trong cuốn "Essai sur la nature de commerce en general". Cho đến nay, ở
nước ngoài có 2 nhóm quan niệm phổ biến về doanh nhân. Nhóm quan niệm thứ
nhất nhấn mạnh chức năng khởi xướng. Theo Richard Cantillon, doanh nhân gắn
liền với lợi nhuận và rủi ro. Adam Smith trong tác phẩm "Của cải của các dân
tộc" đã mở rộng khái niệm này. Theo ông, doanh nhân gắn với 3 chức năng: chủ
sở hữu, nhà quản lí và người chấp nhận rủi ro. Joseph A. Schumpeter trong tác
phẩm "Lí thuyết phát triển kinh tế" quan niệm "doanh nhân là những người kết
hợp các yếu tố đầu vào theo một cách thức sáng tạo để tạo ra giá trị cho khách
hàng với kì vọng rằng giá trị này sẽ lớn hơn chi phí các yếu tố đầu vào, vì vậy sẽ
tạo ra siêu lợi nhuận" [Joseph A. Schumpeter (1911), The theory of economic
development], tức là gắn liền với đổi mới và sáng tạo. Còn OECD trong tác
phẩm "Đẩy mạnh tinh thần kinh doanh" lại cho rằng "doanh nhân là các tác nhân
của thay đổi và tăng trưởng trong một nền kinh tế thị trường và họ có thể hành
động để thúc đẩy việc tạo ra, truyền bá và ứng dụng các ý tưởng sáng tạo... các
doanh nhân không chỉ tìm kiếm và xác định các cơ hội kinh tế, lợi nhuận tiềm
năng mà còn sẵn sàng chấp nhận rủi ro đối với các kì vọng của họ" [OECD
(1998), Fostering entrepreneurship], tức là không chỉ nhấn mạnh động cơ tìm
kiếm lợi nhuận, tinh thần sẵn sàng chịu rủi ro của doanh nhân mà còn nhấn mạnh
vai trò của doanh nhân đối với tăng trưởng và phát triển kinh tế. Nhóm quan
niệm thứ hai nhấn mạnh chức năng quản lí, tiêu biểu như Carton R.B., Hofer
C.W. và Meek M.D., cho rằng "doanh nhân là một cá nhân hay một nhóm người
xác định cơ hội, tập hợp các nguồn lực cần thiết, sáng tạo và chịu trách nhiệm

6
cao nhất về hoạt động của tổ chức... doanh nhân theo đuổi tìm kiếm các cơ hội,
tham gia vào việc thành lập ra một tổ chức với kì vọng tạo ra giá trị cho những
người tham gia" [Carton R.B., Hofer C.W. and Meek M.D., The entrepreneur
and entrepreneurship - Operational definitions of their role in society. Paper
presented at the annual International Council for small business conference,
Singapore]. Như vậy, cho đến nay giữa các nhà nghiên cứu ngoài nước vẫn chưa
tìm được sự thống nhất về quan niệm doanh nhân.
- Về các điều kiện để khởi nghiệp kinh doanh và trở thành doanh nhân
thành đạt:
Các nghiên cứu theo hướng này cho rằng, để khởi nghiệp kinh doanh phải
hội tụ đủ 4 nguồn lực cần thiết. Đó là: (1) Có đủ những tố chất cần thiết của một
doanh nhân ("4 D") (4 tố chất bắt đầu bằng chữ D trong tiếng Anh), bao gồm
Khát vọng (Desire), Động lực (Drive), Kỉ luật (Discipline) và Quyết tâm
(Determination); (2) Có đủ những kiến thức cần thiết về kinh doanh; (3) Huy
động đủ nguồn vốn cho việc mở và vận hành kinh doanh và (4) Có được những
nguồn lực hỗ trợ kinh doanh cần thiết như nguồn động viên về tinh thần cũng
như những ý tưởng và lời khuyên đối với hoạt động kinh doanh từ gia đình, bạn
bè và các doanh nhân khác...
Các yếu tố cơ bản thúc đẩy tinh thần kinh doanh chính là sự dám nghĩ,
dám làm và dám chịu thất bại của các cá nhân. Tuy nhiên, chính phủ và xã hội
cũng đóng vai trò hết sức quan trọng thông qua việc tôn vinh, khuyến khích và
tạo thuận lợi tối đa cho doanh nhân thử sức trên thương trường. Để trở thành
doanh nhân thành đạt cần có ba điều kiện. Thứ nhất, chính phủ tạo được một môi
trường khuyến khích kinh doanh và cạnh tranh bình đẳng. Chẳng hạn, để khuyến
khích kinh doanh, Chính phủ nên cho doanh nghiệp vay dựa trên ý tưởng và kế
hoạch kinh doanh thay vì dựa vào tài sản thế chấp. Chính phủ cũng không nên
tham gia trực tiếp vào hoạt động kinh doanh mà chỉ đóng vai trò hỗ trợ doanh
nghiệp. Thứ hai, xã hội tôn vinh các doanh nghiệp thành đạt và sẵn sàng tha thứ,
chấp nhận các doanh nghiệp gặp thất bại. Thứ ba, cá nhân các nhà kinh doanh sẵn
sàng chấp nhận rủi ro, dám nghĩ và dám làm để đưa các ý tưởng kinh doanh thành
hiện thực.
Các công trình này cũng nhấn mạnh rằng để có các nhà kinh doanh giỏi
cần bắt đầu ngay từ trường học. Cần đưa những nhà kinh doanh thành đạt vào
trong giáo trình của trường học để tạo tấm gương kinh doanh cho học sinh. Các
nhà kinh doanh thành đạt đến tuổi nghỉ hưu cần tiếp tục được sử dụng để hướng
dẫn các doanh nhân trẻ làm quen với hoạt động kinh doanh...
- Về nuôi dưỡng tinh thần doanh nghiệp và tính sáng tạo, về vai trò của
chính phủ trong việc phát triển đội ngũ doanh nhân:

7
Các công trình nghiên cứu theo hướng này (như Michael Melcher, Steve
Strauss, H. Geneen, A. Morita, K. Matsushita, Chung Ju Yung...) cho rằng để phát
triển đội ngũ doanh nhân thì điều quan trọng là chính phủ phải thúc đẩy phát triển
các doanh nghiệp nhỏ bằng các biện pháp như thực hiện chính sách giảm thiểu rào
cản pháp lí, loại bỏ tệ quan liêu, tạo điều kiện tiếp cận vốn dễ dàng, tạo chính sách
thuế phù hợp cũng như bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Mặt khác, để có nhiều người
dám khởi sự kinh doanh thì người dân phải có khả năng được học kĩ năng kinh
doanh. Chính phủ cần giúp họ và có nhiều cách để có thể giúp họ thực hiện điều
này. Đó là xây dựng "Vườn ươm doanh nghiệp", sử dụng Internet để thực hiện các
khóa đào tạo trực tuyến, giảng dạy kĩ năng và ý tưởng kinh doanh cho bất kì ai có
thể truy cập Internet... Để cổ vũ và thúc đẩy tinh thần doanh nghiệp chính phủ
cũng có thể làm rất nhiều điều. Ví dụ, tài trợ giải "Doanh nhân tiêu biểu trong
năm"; tạo sự ngưỡng mộ của dân chúng đối với doanh nhân thông qua việc kêu
gọi các nhà lãnh đạo doanh nghiệp giúp giải quyết các khó khăn và vướng mắc
của cư dân địa phương...
- Về kinh nghiệm thành công trong kinh doanh của các doanh nhân:
Có khá nhiều cuốn sách viết về kinh nghiệm kinh doanh của các doanh
nhân thành đạt như Jack Welch (Chủ tịch Hội đồng quản trị tập đoàn General
Electronic), Morita (chủ hãng Sony), Kunê (cựu Chủ tịch hãng Nissan), Ssuchiya
(Chủ tịch Sanyo Securities Company), Honda, Bill Gate... Những cuốn sách này
có tác động hữu ích nhất định đối với những người chuẩn bị khởi nghiệp kinh
doanh, các doanh nhân và đối với cả các nhà nghiên cứu, các nhà quản lí. Đặc
biệt, các chuyên gia kinh tế thuộc tạp chí Nihon Keizai (Nhật Bản) đã nghiên
cứu và đưa ra công thức thành công của tầng lớp doanh nhân thành đạt ở Trung
Quốc, đất nước có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam. Đó là: Phải có những
cách nhìn mới mẻ, mạnh bạo; Cẩn trọng và hiệu quả trong quản lý; Giàu có
nhưng không hoang phí; Phải có khả năng suy tính và phán đoán; Coi trọng nội
lực và những giá trị truyền thống; Quan tâm đúng mức đến giải trí ngoài công sở.
Tổng quan tình hình nghiên cứu ngoài nước cho thấy những điểm đáng
lưu ý là các nghiên cứu đều nhấn mạnh đến sự cần thiết của "những tố chất
doanh nhân" và vai trò quan trọng của nhà nước trong phát triển đội ngũ doanh
nhân. Trong đó điểm đặc biệt đáng chú ý là vai trò này được thể hiện, trước hết,
thông qua sự thúc đẩy các doanh nghiệp nhỏ phát triển.
Tình hình nghiên cứu trong nước:
Các công trình nghiên cứu trong nước liên quan đến lĩnh vực nghiên cứu
của đề tài cũng tương đối phong phú với nhiều nội dung và cách tiếp cận khác
nhau. Các kết quả nghiên cứu đạt được tập trung ở các nội dung chủ yếu sau đây:
- Quan niệm về doanh nhân:

8
Các công trình nghiên cứu cho thấy, hiện nay ở Việt Nam chưa có quan
niệm thống nhất về doanh nhân. Nhiều công trình đã đưa ra quan niệm của mình
về doanh nhân trên cơ sở tổng hợp và phân tích các quan niệm khác nhau về
doanh nhân trên thực tế và trên lí thuyết [Nguyễn Văn Thắng (2006), Phát triển đội
ngũ doanh nhân trên địa bàn quận Cầu Giấy thành phố Hà Nội, Luận văn Thạc sĩ
Kinh doanh và Quản lí, Học viện CTQG Hồ Chí Minh].
- Các tố chất và kĩ năng mà doanh nhân Việt Nam cần phải có trong giai
đoạn phát triển hiện nay:
Rất nhiều các bài viết, tọa đàm, hội thảo... đã phác họa những tố chất mà
đội ngũ doanh nhân Việt Nam cần phải có trong bối cảnh Việt Nam hội nhập
ngày càng sâu, rộng vào nền kinh tế. Chẳng hạn, các bài viết trong cuốn "Doanh
nhân Việt Nam xưa và nay" của Câu lạc bộ Doanh nhân Việt Nam (Nxb Thống
kê, Hà Nội, 2004). Tọa đàm "Phác thảo chân dung doanh nhân trẻ Việt Nam
thời nay", do Câu lạc bộ Doanh nhân 2030 tổ chức tại TP Hồ Chí Minh những
ngày gần đây với sự tham dự của các doanh nhân và các nhà nghiên cứu, đã phác
thảo phẩm chất cần có của doanh nhân trẻ Việt Nam thời nay, những điểm khác
biệt với doanh nhân các thế hệ trước, những khó khăn và những việc cần làm để
vượt qua những áp lực và thử thách trên thương trường. Những người tham dự
đã thừa nhận con đường lập nghiệp của mỗi doanh nhân đều rất gian nan và
không hề đơn giản, doanh nhân trẻ Việt Nam đang đứng trước những thách thức
không nhỏ của thời kì hội nhập, đồng thời đúc kết chín điểm căn bản mà doanh
nhân trẻ Việt Nam cần có. Đó là: (1) Đạo đức kinh doanh, (2) Ý chí kinh doanh
mạnh mẽ, đột phá, (3) Hoài bão lớn, (4) Tự tin (không tự tôn, không tự ti), (5)
Tinh thần dân tộc, (6) Kiến thức, tri thức, kỹ năng, (7) Nhiệt huyết, năng động,
nhạy bén, (8) Sức khỏe và (9) Tinh thần hòa nhập cộng đồng thế giới.
Trong nội dung bàn về các kĩ năng cần thiết của người làm kinh doanh,
các tọa đàm, bài viết... cho rằng các doanh nhân cần phải có các kĩ năng giao
tiếp, kĩ năng sử dụng các loại ngôn ngữ và thấu hiểu văn hóa, kĩ năng phát triển
doanh nghiệp và tiếp thị, kĩ năng quản lí, kĩ năng lãnh đạo.
- Về quá trình ra đời và phát triển, vị trí, vai trò của doanh nhân trong
công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, thực trạng và các giải pháp phát triển đội
ngũ doanh nhân ở nước ta:
Trong những năm qua, đã có rất nhiều bài viết, nhiều cuộc tọa đàm, hội
thảo... bàn về vấn đề này. Đáng chú ý là:
+ Hội thảo "Xây dựng đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kì công
nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước" do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt
Nam phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Học viện
Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Ban nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ tổ

9
chức tại Hà Nội ngày 12/10/2004. Đây là cuộc hội thảo quy mô lớn lần thứ hai
bàn về vấn đề xây dựng đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kì mới tính từ
khi Luật Doanh nghiệp ra đời (năm 1999). Hội thảo có sự tham dự đông đảo của
các nhà lí luận, chính trị, đại diện các hiệp hội và doanh nghiệp. Báo cáo tham
luận tại Hội thảo tập trung trao đổi những vấn đề nhằm làm sáng tỏ quá trình
hình thành và phát triển đội ngũ doanh nhân ở nước ta, vai trò và vị trị của doanh
nghiệp, doanh nhân trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; thực trạng,
điểm mạnh, điểm yếu của đội ngũ doanh nhân Việt Nam hiện nay; các giải pháp,
biện pháp nhằm phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam cả về số lượng và chất
lượng; những giải pháp để tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, tạo sự đồng
thuận xã hội phát triển doanh nghiệp, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, doanh
nhân Việt Nam...
+ Luận văn Thạc sĩ Kinh doanh và Quản lí (chuyên ngành Quản lí kinh tế)
"Phát triển đội ngũ doanh nhân trên địa bàn quận Cầu Giấy thành phố Hà Nội"
của Nguyễn Văn Thắng (bảo vệ tại Học viện CTQG Hồ Chí Minh năm 2006).
Đây là công trình nghiên cứu trực tiếp về phát triển đội ngũ doanh nhân, song nó
mới ở phạm vi luận văn thạc sĩ, có đối tượng khảo sát ở quy mô nhỏ. Công trình
này trong chừng mực nhất định đã làm rõ được quan niệm về doanh nhân, về vai
trò của doanh nhân trong phát triển kinh tế - xã hội, phân tích được thực trạng và
đề xuất được một số giải pháp phát triển đội ngũ doanh nhân trên địa bàn một
quận của TP Hà Nội.
+ Luận án Tiến sĩ kinh tế "Xây dựng và phát triển đội ngũ giám đốc doanh
nghiệp nhà nước ở Việt Nam" của Vũ Đăng Minh (bảo vệ tại Trường Đại học Bách
khoa Hà Nội năm 2004). Luận án đã luận giải những luận cứ khoa học và thực tiễn
về doanh nghiệp nhà nước, giám đốc doanh nghiệp nhà nước và những vấn đề
liên quan đến xây dựng, phát triển đội ngũ giám đốc doanh nghiệp nhà nước;
phân tích khá sâu về thực trạng đội ngũ giám đốc doanh nghiệp nhà nước ở Việt
Nam, chỉ ra những hạn chế và nguyên nhân của thực trạng; đề xuất một số giải
pháp về xây dựng tiêu chuẩn, quy trình tuyển chọn, sử dụng giám đốc doanh
nghiệp nhà nước, chế độ trách nhiệm và chế độ đãi ngộ... Tuy nhiên, công trình
này mới chỉ đề cập đến xây dựng và phát triển một bộ phận trong đội ngũ doanh
nhân Việt Nam, hơn nữa công trình cũng chưa phân tích sâu tác động của bối
cảnh Việt Nam hội nhập sâu, rộng vào nền kinh tế thế giới tới việc xây dựng và
phát triển đội ngũ giám đốc doanh nghiệp nhà nước ở nước ta.
+ Đề tài khoa học cấp bộ năm 2004 của Phân viện Hà Nội - Học viện
CTQG Hồ Chí Minh "Giám đốc doanh nghiệp tư nhân hoạt động trong kinh tế thị
trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay" do TS Nguyễn Thị Kim
Phương làm chủ nhiệm. Đề tài đã làm rõ được một số yếu tố ảnh hưởng tới nhân
cách, yêu cầu đối với nhân cách của giám đốc doanh nghiệp tư nhân trong nền

10
kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta; phân tích thực trạng đáp
ứng của đội ngũ giám đốc doanh nghiệp tư nhân trước yêu cầu phát triển mà
Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đặt ra hiện nay, đồng thời đề xuất một số giải
pháp nhằm hỗ trợ, quản lí, giáo dục, đào tạo bồi dưỡng đội ngũ giám đốc doanh
nghiệp tư nhân. Tuy nhiên, cũng như công trình trên, đề tài này mới chỉ đề cập đến
xây dựng và phát triển một bộ phận trong đội ngũ doanh nhân Việt Nam, hơn nữa
công trình cũng chưa phân tích tác động của việc Việt Nam hội nhập sâu, rộng vào
nền kinh tế thế giới tới xây dựng và phát triển đội ngũ giám đốc doanh nghiệp tư
nhân trong nước.
+ Sách tham khảo "Doanh nghiệp, doanh nhân trong cơ chế thị trường"
của Vũ Quốc Tuấn (Nxb CTQG, Hà Nội 2001). Trong công trình này, tác giả đã
đề cập đến đội ngũ doanh nhân Việt Nam trên một số phương diện như vị trí, vai
trò của doanh nhân đối với công cuộc phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta; trình
độ đào tạo, kinh nghiệm kinh doanh... với tư cách là những yếu tố quyết định
thành bại của doanh nghiệp, trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp để phát triển đội
ngũ doanh nhân Việt Nam. Tuy nhiên, công trình chưa bao quát hết được những
vấn đề liên quan đến doanh nhân, hơn nữa lại được thực hiện trong bối cảnh Luật
doanh nghiệp mới đi vào hoạt động, Việt Nam mới ở giai đoạn đầu thực hiện các
cam kết AFTA/ASEAN... nên những kết luận cần được bổ sung và cụ thể hóa
trong điều kiện phát triển mới trên cơ sở một nghiên cứu toàn diện hơn.
+ Điều tra về doanh nhân nữ do Hội liên Hiệp Phụ nữ Việt Nam thực hiện
năm 1999 trong các doanh nghiệp do những doanh nhân dưới 45 tuổi lãnh đạo;
Điều tra về doanh nhân trong các doanh nghiệp tư nhân do Chương trình phát
triển dự án Mêkông MPDF thuộc nhóm IFC/WB thực hiện năm 1999 trên 127
doanh nghiệp với hơn 400 đối tượng khác nhau; Khảo sát về doanh nhân trên địa
bàn TP Hồ Chí Minh do Sở Khoa học và Công nghệ TP Hồ Chí Minh tiến hành
năm 2004.
+ Hội nghị "Vườn ươm doanh nghiệp APEC" lần thứ 4 và Diễn đàn các
doanh nghiệp nhỏ và vừa APEC do VCCI phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư,
Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức ngày 21-22/9/2006 với sự tham gia của các
doanh nghiệp nhỏ và vừa đến từ 21 nền kinh tế APEC. Các bên tham gia đã
trao đổi kinh nghiệm từ các hoạt động kinh doanh cũng như thúc đẩy sự hình
thành và phát triển các "Vườn ươm doanh nghiệp" tại các nền kinh tế APEC.
+ Các nghiên cứu của bà Phạm Thị Thu Hằng (Giám đốc Trung tâm Hỗ
trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa VCCI) và một số nhà nghiên cứu khác về những
điều kiện, hình thức, những khó khăn và khả năng áp dụng mô hình "Vườn ươm
doanh nghiệp" ở Việt Nam.

11
+ Hội thảo "CEO trong thế giới phẳng" được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh
ngày 1/10/2006 với sự tham gia của hơn 600 đại biểu là các nhà quản lí, doanh
nghiệp và giám đốc điều hành (CEO - Chief Executive Officer) đến từ các tỉnh
thành trong cả nước. Các tham luận trong Hội thảo chủ yếu bàn về vai trò và
những yêu cầu đối với đội ngũ giám đốc điều hành chuyên nghiệp trong điều
kiện Việt Nam gia nhập WTO.
+ Hội thảo "Chiến lược quốc gia về phát triển doanh nghiệp và đội ngũ
doanh nhân Việt Nam" do VCCI tổ chức tháng 10/2006. Hội thảo bàn về tầm
quan trọng và sự cần thiết phải xây dựng Chiến lược quốc gia về phát triển
doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong bối cảnh phát triển mới.
- Những nghiên cứu riêng về tính cộng đồng và tinh thần doanh nghiệp
của doanh nhân Việt Nam:
+ Hội thảo về tính cộng đồng của doanh nhân Việt Nam do Báo Diễn đàn
doanh nghiệp, Báo Thời báo Tài chính tổ chức ngày 31/3/2005 tại Hà Nội với sự
tham gia của nhiều doanh nhân, nhà nghiên cứu và quản lí. Hội thảo đã bàn về
vai trò của tính cộng động trong kinh doanh, thực trạng và những giải pháp để
xây dựng tính cộng đồng của doanh nhân Việt Nam trước yêu cầu hội nhập kinh
tế quốc tế. Trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm của một số nước châu Á, các
chuyên gia cũng chỉ rõ các nước Nhật, Trung Quốc, Hàn Quốc thành công trong
phát triển kinh tế là do người Nhật, người Hoa và người Nam Hàn đều tìm cách
khuếch trương những điểm tích cực trong văn hoá truyền thống thành một nhân
tố quyết định sự thành công, nâng cao tính cạnh tranh của doanh nhân nước họ.
Sự thịnh vượng của các dân tộc này có được cũng bởi doanh nhân nước họ biết
đoàn kết và biết hun đúc tinh thần kinh doanh. Nếu không làm được như vậy, thì
kẻ xây, người phá, chúng ta đông mà yếu, chúng ta là chủ mà phải chịu làm đầy
tớ ngay trong ngôi nhà của mình. Sự liên kết để tạo nên sức mạnh của các doanh
nghiệp Việt Nam phải trở thành mối quan tâm của toàn xã hội.
+ Một số nghiên cứu về tinh thần doanh nghiệp, tinh thần kinh doanh (sức
mạnh tinh thần) của doanh nhân Việt Nam. Tiêu biểu là Đề tài khoa học cấp bộ
năm 2006 của Trường Đại học Thương mại Hà Nội "Phát triển tinh thần doanh
nghiệp Việt Nam trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế" do TS Hoàng Văn Hải
làm chủ nhiệm, các báo cáo của Viện nghiên cứu quản lí kinh tế trung ương như
Tinh thần kinh doanh của doanh nhân Việt Nam và chính sách, biện pháp nhằm
phát huy tinh thần kinh doanh trong sự nghiệp phát triển đất nước; Quản lí và
tinh thần kinh doanh.
- Những nghiên cứu riêng về thái độ của nhà nước và xã hội đối với doanh
nghiệp và doanh nhân:

12
Một số công trình bàn riêng về thái độ của nhà nước và xã hội đối với
doanh nghiệp và doanh nhân, như dự án Tìm hiểu thái độ của xã hội đối với thị
trường và kinh doanh do Quỹ Ford tài trợ (1999-2000), Bài học của Bác Hồ:
Ứng xử với doanh nhân của Luật gia Cao Bá Khoát (Bộ Kế hoạch và Đầu tư),
Bác Hồ với doanh nghiệp và doanh nhân Việt Nam của VCCI (Nxb CTQG, Hà
Nội 2003).
- Về phong cách doanh nhân:
Một số bài báo bàn về phong cách doanh nhân từ chuyện ăn, mặc, nói, đi
lại, sinh hoạt... Chỉ rõ, các nước có hẳn những trường chuyên đào tạo các kĩ năng
giao tiếp cho giới doanh nhân. Ở nước ta, những dịch vụ như vậy còn rất ít. Điều
đó cũng góp phần làm cho giới doanh nhân nước ngoài chuyên nghiệp hơn hẳn
so với giới doanh nhân nước ta.
Ở cấp độ địa phương với tư cách là các "phần tử" trong "hệ thống" vừa
phụ thuộc, vừa độc lập tương đối, có quan hệ tương tác và tương hỗ với toàn bộ
hệ thống về mục tiêu, môi trường, chính sách, điều kiện tự nhiên cũng như thế
mạnh đặc thù, các nghiên cứu về đội ngũ doanh nhân của các tỉnh, thành phố
trong nước mới dừng lại ở các cuộc điều tra quy mô nhỏ, những ý tưởng ban
đầu, những báo cáo tham luận trong các hội thảo, diễn đàn về doanh nghiệp,
doanh nhân, các bài viết trên phương tiện thông tin đại chúng. Hơn nữa, các
công trình nghiên cứu hoặc quá tổng quát, hoặc quá cụ thể mà chưa có công trình
nào nghiên cứu về phát triển đội ngũ doanh nhân của một tỉnh - một phân hệ con
theo phương pháp tiếp cận hệ thống. Như vậy, cho đến nay, chưa có một công
trình nào nghiên cứu một cách hệ thống, toàn diện về đội ngũ doanh nhân địa
phương và những giải pháp để phát triển đội ngũ này những năm tới, đặc biệt
trong bối cảnh Việt Nam thực hiện ngày càng đầy đủ và nhiều hơn các cam kết
quốc tế về mở cửa thị trường, trở thành thành viên WTO. Các nghiên cứu về đội
ngũ doanh nhân Đồng Nai cũng không nằm ngoài tình trạng chung đó.
Tổng quan tình hình nghiên cứu trong nước cho thấy, mặc dù có nhiều
công trình nghiên cứu như vậy, song cho tới nay ở cấp độ quốc gia cũng như ở
cấp độ địa phương chưa có một công trình nào tiến hành nghiên cứu một cách
toàn diện trên cơ sở điều tra tổng thể để có thể cung cấp cho xã hội một bức
tranh đầy đủ, rõ nét về đội ngũ doanh nhân của Việt Nam nói chung của các tỉnh,
thành trong nước nói riêng, lớp người đang đóng vai trò xung kích trong sự
nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế trên địa bàn.
Tóm lại, trước đòi hỏi mới của thực tiễn, trong bối cảnh Việt Nam hội
nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, trở thành thành viên chính thức của WTO
và đặc thù của một tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm, cần có một công trình
nghiên cứu toàn diện từ cơ sở lí luận đến phân tích thực tiễn nhằm góp phần

13
định hướng chiến lược, hoạch định chính sách cũng như những biện pháp thực
hiện cụ thể nhằm phát triển đội ngũ doanh nhân trên địa bàn, phù hợp với mục
tiêu phát triển và đặc thù của Đồng Nai. Ý tưởng về các vấn đề nghiên cứu giải
quyết vừa phải mang tính khái quát, tổng hợp, làm cơ sở cho công tác hoạch
định chính sách và chỉ đạo thực tiễn, vừa phải giải quyết những vấn đề cụ thể
như phát triển đội ngũ doanh nhân theo từng nhóm ngành, vùng, từng nhóm
doanh nghiệp... trong tình hình mới. Tổng thuật tình hình nghiên cứu cho thấy,
các công trình nghiên cứu trong và ngoài nước đã phần nào giải quyết được
những vấn đề như vị trí, vai trò của đội ngũ doanh nhân trong phát triển kinh tế
- xã hội, những nhân tố tác động tới sự hình thành và phát triển các tố chất
doanh nhân, vai trò của nhà nước đối với phát triển đội ngũ doanh nhân..., và
đây sẽ là những tài liệu tham khảo bổ ích cho việc nghiên cứu của đề tài. Tuy
nhiên, có thể khẳng định rằng hiện nay ở Đồng Nai còn thiếu vắng những công
trình nghiên cứu dài hạn, cơ bản vừa mang ý nghĩa định hướng chiến lược, vừa
giải quyết những vấn đề cụ thể mà thực tiễn đặt ra phù hợp với đặc điểm và
điều kiện đặc thù của tỉnh nhằm đạt tới mục tiêu đề ra.
Một số công trình nghiên cứu liên quan:
1. Nguyễn Văn Thắng (2006), Phát triển đội ngũ doanh nhân trên địa bàn quận Cầu
Giấy thành phố Hà Nội, Luận văn Thạc sĩ Kinh doanh và Quản lí, Học viện
CTQG Hồ Chí Minh.
2. Hoàng Văn Hải (2006), Phát triển tinh thần doanh nghiệp Việt Nam trong
điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế, Đề tài khoa học cấp bộ, Trường Đại học
Thương mại, Hà Nội.
3. Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ Việt Nam (12/2005), Báo cáo phát
triển Việt Nam 2006: Kinh doanh¸ Hà Nội.
4. VCCI (2005), Kỉ yếu hội thảo về tính cộng đồng của doanh nhân Việt Nam.
5. Nguyễn Thị Kim Phương (2004), Giám đốc doanh nghiệp tư nhân hoạt động
trong KTTT định hướng XHCN ở nước ta hiện nay, Đề tài khoa học cấp bộ,
Phân viện Hà Nội - Học viện CTQG Hồ Chí Minh, Hà Nội.
6. Vũ Đăng Minh (2004), Xây dựng và phát triển đội ngũ giám đốc doanh
nghiệp nhà nước ở Việt Nam, Luận án Tiến sĩ kinh tế, Trường Đại học Bách
khoa Hà Nội.
7. Sở Khoa học và Công nghệ TP Hồ Chí Minh (2004), Khảo sát về doanh
nhân trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.
8. Câu lạc bộ Doanh nhân Việt Nam (2004), Doanh nhân Việt Nam xưa và
nay, Nxb Thống kê.

14
9. VCCI (2004), Kỉ yếu hội thảo về ngày doanh nhân.
10. Nguyễn Minh Phong (2004), Phát triển kinh tế tư nhân ở Hà Nội, Nxb
CTQG, Hà Nội.
11. Phạm Vũ Luận (2003), Những giải pháp cơ bản nhằm tăng cường quản lí
nhà nước đối với thương nhân trong giai đoạn hiện nay ở nước ta, Đề tài
khoa học cấp bộ, Hà Nội.
12. Nguyễn Văn Thường (ch.b) (2003), Tăng trưởng kinh tế Việt Nam - Những
rào cản cần phải vượt qua, Nxb Lí luận chính trị, Hà Nội.
13. Nghiêm Xuân Đạt, Tô Xuân Dân, Vũ Trọng Lâm (ch.b) (2003), Phát triển
và quản lí các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, Nxb Khoa học - Kĩ thuật,
Hà Nội.
14. Thái Nguyễn Bạch Liên, Năm 2002 nhìn lại: Kinh tế tư nhân ở Trung Quốc,
Tạp chí Phát triển kinh tế 1/2003.
15. CIEM (8/2002), Kinh nghiệm phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ của CHLB
Đức, Hà Nội.
16. Diêu Dương, Hạ Tiểu Lâm, Khu vực kinh tế tư nhân Trung Quốc: Chính
sách, quá trình phát triển và những trở ngại trước mắt, Tạp chí Nghiên cứu
kinh tế số 287 - tháng 4/2002.
17. Nguyễn Bá Ngọc, Trần Văn Hoan (2002), Toàn cầu hóa: Cơ hội và thách
thức đối với lao động Việt Nam, Nxb Lao động - Xã hội, Hà Nội.
18. CIEM (2001), Tinh thần kinh doanh của doanh nhân Việt Nam và chính
sách, biện pháp nhằm phát huy tinh thần kinh doanh trong sự nghiệp phát
triển đất nước.
19. Vũ Quốc Tuấn (2001), Doanh nghiệp, doanh nhân trong cơ chế thị trường,
Nxb CTQG, Hà Nội.
20. CIEM (2001), Quản lí và tinh thần kinh doanh.
21. Đào Xuân Sâm (2001), Tìm hiểu thái độ của xã hội đối với thị trường và
kinh doanh, Nxb Thống kê, Hà Nội.
22. Nguyễn Cúc (2000), Đổi mới cơ chế và chính sách hỗ trợ phát triển doanh
nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam đến năm 2005, Nxb CTQG, Hà Nội.
23. Thái Quang Sa (1999), Cạnh tranh cho tương lai, Trung tâm Thông tin khoa
học - kĩ thuật hóa chất, Hà Nội.
24. Thielen D. (1999), 12 bí quyết thành công của công ti Microsoft, Nxb Thống
kê, Hà Nội.

15
25. Matsushita K. (1998), Quyết đoán trong kinh doanh, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
26. OECD (1998), Fostering entrepreneurship.
27. MPDF (1997), Khu vực tư nhân mới nổi lên và sự nghiệp công nghiệp hóa ở
Việt Nam.
28. Joseph A. Schumpeter (1911), The theory of economic development.
29. Carton R.B., Hofer C.W. and Meek M.D., The entrepreneur and
entrepreneurship - Operational definitions of their role in society. Paper
presented at the annual International Council for small business conference,
Singapore.
30. Nguyễn Văn Tám (2000), Phát triển công nghiệp nông thôn ở huyện Nhơn
Trạch tỉnh Đồng Nai theo hướng CNH, HĐH, Luận văn Thạc sĩ kinh tế, Hà
Nội.
31. Huỳnh Tấn Kiệt (2000), Giải quyết việc làm cho người lao động ở tỉnh
Đồng Nai - Thực trạng và giải pháp, Luận văn Thạc sĩ kinh tế, Hà Nội.
32. Nguyễn Công Thành (2000), Sắp xếp lại và đổi mới quản lý DNNN tỉnh
Đồng Nai, Luận văn thạc sĩ kinh tế, Hà Nội.
33. Trần Minh Phúc (2000), Đổi mới quản lý nhà nước đối với kinh tế tư nhân
trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, Luận văn thạc sĩ kinh tế, Hà Nội.
34. Phạm Văn Sáng (2002), Lộ trình tham gia khu vực mậu dịch tự do ASEAN
(AFTA) đối với những sản phẩm công nghiệp chủ yếu trên địa bàn Đồng
Nai, Đồng Nai.

16
Chương 1

NHỮNG VẤN ĐỀ LÍ LUẬN VÀ THỰC TIỄN


VỀ DOANH NHÂN VÀ PHÁT TRIỂN ĐỘI NGŨ DOANH NHÂN
Ở ĐỊA BÀN CẤP TỈNH HIỆN NAY

1.1. MỘT SỐ VẤN ĐỀ CƠ BẢN VỀ DOANH NHÂN


1.1.1. Quan niệm về doanh nhân
Nghiên cứu về doanh nhân và phát triển đội ngũ doanh nhân cần được
bắt đầu bằng việc tìm hiểu về khái niệm doanh nhân.
Khái niệm doanh nhân đã được đề cập đến trong đời sống kinh tế xã
hội và kinh tế học từ khá lâu. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có quan niệm
thống nhất về đối tượng này.
Ở ngoài nước, khái niệm "doanh nhân" được đề cập đến trong lý thuyết
kinh tế lần đầu tiên vào khoảng giữa thế kỷ 18 bởi nhà kinh tế học người Pháp
Richard Cantillon trong cuốn sách "Essai sur la nature de commerce en
general" (1755). Trong cuốn sách này, ông dùng từ doanh nhân để chỉ những
người tìm kiếm lợi nhuận thông qua những phương thức có yếu tố bất ổn
định, không chắc chắn. Sự hiện hữu của các yếu tố bất ổn định, không chắc
chắn này là do và gắn liền với sự biến động không ngừng của thị trường. Và
theo ông, lợi nhuận và phá sản sẽ cân bằng số lượng doanh nhân. Như vậy,
khái niệm doanh nhân mà Richard Cantillon đưa ra gắn liền với lợi nhuận và
rủi ro.
Adam Smith, trong cuốn "Của cải của các dân tộc" (1776), đã mở rộng
khái niệm doanh nhân với 3 chức năng: chủ sở hữu, nhà quản lý và người
chấp nhận rủi ro.
Joseph A. Schumpeter, trong cuốn "Lý thuyết phát triển kinh tế"
(1911), cho rằng doanh nhân là người kết hợp các yếu tố đầu vào theo một
cách thức sáng tạo để tạo ra giá trị cho khách hàng với kỳ vọng rằng giá trị
này sẽ lớn hơn chi phí các yếu tố đầu vào, ... doanh nhân là lực lượng tạo nên
các bước đột phá trong công nghiệp và thương mại, và nhờ đó nền kinh tế
mới tăng trưởng. Điều đó cho thấy, Joseph A. Schumpeter đặc biệt nhấn mạnh
vai trò người tổ chức hoạt động sản xuất - kinh doanh, khía cạnh sáng tạo
cũng như động cơ tìm kiếm lợi nhuận khi nói về doanh nhân, và bên cạnh đó,
ông cũng chỉ rõ vai trò quyết định của doanh nhân đối với tăng trưởng và phát
triển kinh tế.

17
Bách khoa thư Oxford về buôn bán định nghĩa: “Doanh nhân là một
người đảm nhiệm cung cấp một hàng hoá hay dịch vụ cho thị trường để thu
được lợi nhuận cá nhân, thường thì họ đầu tư vốn cá nhân vào việc kinh
doanh, chấp nhận rủi ro liên quan đến số đầu tư đó”. Người ta cho rằng những
việc khởi xướng từ một doanh nhân thường tạo ra của cải xã hội, và vì vậy
chính phủ nên tạo điều kiện môi trường để họ phấn đấu.
Theo Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), doanh nhân là các
tác nhân của thay đổi và tăng trưởng trong một nền kinh tế thị trường và họ có
thể hành động để thúc đẩy việc tạo ra, truyền bá và ứng dụng các ý tưởng sáng
tạo... Các doanh nhân không chỉ tìm kiếm và xác định các cơ hội kinh tế, lợi
nhuận tiềm năng mà còn sẵn sàng chấp nhận rủi ro đối với các kỳ vọng của họ1.
Như vậy, quan niệm của OECD về doanh nhân không chỉ nhấn mạnh vai trò
của doanh nhân đối với tăng trưởng và phát triển kinh tế, đối với những thay
đổi nói chung trong nền kinh tế mà còn nhấn mạnh động cơ tìm kiếm lợi
nhuận, tinh thần sẵn sàng chịu rủi ro.
Theo Bách khoa thư Anh ngữ Collin, “Doanh nhân là người sở hữu hay
điều hành một doanh nghiệp, họ phấn đấu làm ra lợi nhuận bằng cách chấp
nhận rủi ro và tìm ra những sáng kiến mới”.
Từ điển Merriam-Webster quan niệm doanh nhân là người tổ chức,
quản lý và chấp nhận rủi ro của doanh nghiệp.
Cuốn “Cẩm nang kinh doanh” coi doanh nhân “là nhà kinh doanh, đó là
những người tạo lập một doanh nghiệp, làm chủ sở hữu và quản lý hoạt động
kinh doanh của doanh nghiệp”.
Theo quan điểm của James L.Gibson, nhà kinh tế học Mỹ, định nghĩa
tổng quát về doanh nhân là người sáng lập và quản trị doanh nghiệp. Như vậy,
doanh nhân là người bỏ vốn vào kinh doanh, chấp nhận sự rủi ro và sống chết
với số vốn bỏ ra. Doanh nhân thường là người chủ sở hữu công ty, hay nắm
giữ một phần vốn chủ yếu trong công ty của họ.
Carton R.B., Hofer C.W. và Meek M.D., trong nghiên cứu "Doanh
nhân và tinh thần doanh nhân - khái niệm động về vai trò của chúng trong xã
hội", cho rằng doanh nhân là một cá nhân hay một nhóm người xác định cơ
hội, tập hợp các nguồn lực cần thiết, chịu trách nhiệm cao nhất về hoạt động
của tổ chức, ... doanh nhân theo đuổi, tìm kiếm các cơ hội, tham gia vào việc

1
OECD (1998), Fostering entrepreneurship.

18
thành lập ra một tổ chức với kỳ vọng tạo ra giá trị cho những người tham gia2.
Như vậy, các tác giả đã nhấn mạnh vai trò trong nội bộ doanh nghiệp, giới
hạn chủ yếu ở chức năng của một nhà quản lý khi nói về doanh nhân. Cũng
tương tự như vậy, Từ điển kinh tế học hiện đại đưa ra khái niệm "Doanh nhân
là một nhân tố tổ chức trong một quá trình sản xuất. Doanh nhân chịu trách
nhiệm về các quyết định kinh tế như sản xuất cái gì, sản xuất bao nhiêu và sản
xuất như thế nào"3.
Những dẫn chứng nêu trên cho thấy, khái niệm doanh nhân ngày càng
được mở rộng và phát triển. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn còn những quan
niệm khác nhau, thậm chí trái ngược nhau về đối tượng này. Mặc dù vậy, đại
bộ phận các quan niệm về doanh nhân mà các tác giả đưa ra đều có điểm
chung là coi doanh nhân gắn liền với động cơ lợi nhuận, tính sáng tạo và tinh
thần sẵn sàng chịu rủi ro và luôn được xem xét trong mối tương quan chặt chẽ
với khái niệm “doanh nghiệp” và “kinh doanh”. Khái niệm “doanh nghiệp”
được hiểu theo cùng một góc nhìn trên khắp thế giới, đó là một tổ chức làm
kinh doanh; còn kinh doanh thì được hiểu là tạo ra giá trị, hay nói cách khác,
là kiếm tiền bằng cách phụng sự xã hội. Bất cứ doanh nghiệp nào cũng cần có
người lãnh đạo - người có đủ tư duy và tầm nhìn, trí tuệ và tư tưởng, bản lĩnh
và sức khỏe... để có thể dẫn dắt cả tập thể thực hiện thành công sứ mệnh mà
doanh nghiệp đã đặt lên vai mình. Người lãnh đạo đó có thể là chủ sở hữu
hoặc người được chủ sở hữu thuê để điều hành doanh nghiệp. Và người lãnh
đạo đó chính là doanh nhân.
Ở Việt Nam, thuật ngữ doanh nhân mới được đưa vào sử dụng trong
đời sống kinh tế - xã hội của đất nước.
Trong những năm gần đây, đặc biệt là từ sau năm 2004, sau khi Đảng
và Nhà nước ta chọn ngày 13-10 hằng năm là Ngày doanh nhân Việt Nam, từ
doanh nhân đã được đề cập đến rất nhiều trên các diễn đàn, các phương tiện
thông tin đại chúng và trong các văn bản chính sách của Đảng và Nhà nước.
Mặc dù vậy, hiện vẫn chưa có một định nghĩa chung, thống nhất về doanh
nhân, và do vậy cách hiểu về đối tượng này cũng rất khác nhau.
Trước hết, nhiều người hiểu đơn giản rằng doanh nhân là người kinh
doanh do suy luận từ nghĩa Hán Việt của các từ cấu thành nên từ doanh nhân:

2
Carton R.B., Hofer C.W. and Meek M.D., The entrepreneur and entrepreneurship - Operational definitions
of their role in society. Paper presented at the annual International Council for small business conference,
Singapore.
3
David W. Pearce, Macmillan Dictionary of Modern Economics, Fourth Edition.

19
“doanh” có nghĩa là kinh doanh, “nhân” là người. Theo cách hiểu này, tất cả
những người kinh doanh đều là doanh nhân, kể cả những người buôn bán nhỏ
lẻ ở khu vực phi chính thức.
Từ điển tiếng Việt định nghĩa doanh nhân một cách ngắn gọn: “Doanh
nhân là người làm nghề kinh doanh”.
Theo tác giả Võ Xuân Hân4, doanh nhân là người tự đứng ra lập, tổ chức
và coi sóc một công việc làm ăn. Họ không phải là những nhân viên có chức vụ
do một công ty hay xí nghiệp thuê và trả lương. Điểm khác biệt giữa doanh
nhân và nhà quản lý doanh nghiệp đơn thuần là ở chỗ doanh nhân có vai trò
khởi xướng còn nhà quản lý thì không.
Theo tác giả Nguyễn Đức Thạc (2006), khái niệm doanh nhân nhiều
khi được thay thế bằng khái niệm nhà doanh nghiệp. Tuy nhiên, cách diễn đạt
như vậy mới thể hiện được mặt hoạt động gắn với doanh nghiệp của họ mà
chưa thể hiện được nhân cách của họ từ trong cốt lõi.
Theo tác giả Vũ Quốc Tuấn (2001), doanh nhân là người trực tiếp điều
hành các hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, họ có trách
nhiệm kinh doanh những tài sản được giao (hoặc của bản thân họ), làm ra
được nhiều lợi nhuận, đồng thời, họ cũng có quyền hạn cao nhất trong việc
điều hành các hoạt động của doanh nghiệp, đương nhiên, họ được hưởng thù
lao tương xứng với sự cống hiến của họ để ràng buộc trách nhiệm của họ với
lãi của tài sản mà họ được hưởng và kích thích động cơ làm ăn lâu dài của họ.
Quan niệm này nhấn mạnh đến công việc điều hành của doanh nhân như một
giám đốc doanh nghiệp cũng như sự gắn kết giữa thù lao mà họ được hưởng
với kết quả điều hành công việc mà họ đạt được.
Theo Từ điển bách khoa toàn thư, “doanh nhân” là người làm nghề tổ
chức sản xuất - kinh doanh, cung cấp hàng hoá, dịch vụ cho thị trường, đáp
ứng yêu cầu của người tiêu dùng. Doanh nhân xuất hiện và tồn tại trong lịch
sử loài người cùng với sản xuất hàng hoá và thị trường. Theo định nghĩa này,
cần lưu ý đến hai khía cạnh. Đó là: (1) Doanh nhân là người tổ chức sản xuất
- kinh doanh, và (2) Môi trường của doanh nhân.
Dựa theo khái niệm doanh nhân của Từ điển bách khoa toàn thư cũng
như các quan niệm về doanh nhân khác nêu trên, theo chúng tôi, ở khía cạnh
là người tổ chức sản xuất - kinh doanh, doanh nhân có thể là chủ doanh
nghiệp, có thể chỉ đơn thuần là người quản trị doanh nghiệp. Dưới giác độ là

4
Võ Xuân Hân, "Doanh nhân Việt Nam, người là ai?".

20
chủ doanh nghiệp: Họ là những người có vốn, có nghề chuyên môn, có khả
năng kinh doanh, bỏ vốn hoặc vay vốn để thành lập doanh nghiệp, tự mình
quản lý doanh nghiệp hoặc thuê người quản lý doanh nghiệp, nhưng họ phải
đứng tên và chịu trách nhiệm hoàn toàn về kết quả kinh doanh của doanh
nghiệp mình. Trong nhóm doanh nhân là chủ doanh nghiệp, tùy theo góc độ
tiếp cận, có thể phân ra các loại: i) Doanh nhân sáng lập, là người có sáng
kiến hoặc có nghề chuyên môn, đứng ra nghiên cứu thị trường, bỏ vốn hoặc
vay vốn để lập doanh nghiệp, tổ chức quản lý doanh nghiệp; ii) Doanh nhân
theo nhóm, tức là có hai hay nhiều doanh nhân cộng tác với nhau để tạo lập
doanh nghiệp và phát triển doanh nghiệp trên cơ sở góp vốn, kỹ thuật, tài
năng kinh doanh; iii) Doanh nhân đại lý đặc quyền, là những doanh nhân mua
được đặc quyền cung cấp hoặc tiêu thụ sản phẩm cho một doanh nghiệp khác
(Họ thường có ít vốn hoặc không có vốn và thậm chí không có cơ sở kinh
doanh nhưng có tài liên kết, môi giới cho các doanh nghiệp để hưởng lợi.).
Trong nhóm các doanh nhân là chủ doanh nghiệp, phổ biến là chủ doanh
nghiệp nhỏ, cực nhỏ và siêu nhỏ, họ vừa là chủ doanh nghiệp, vừa là người
trực tiếp quản lý doanh nghiệp, mà chủ yếu là các doanh nghiệp trong lĩnh
vực thương mại - dịch vụ. Họ là những người thực sự làm chủ các quan hệ
kinh tế trong các doanh nghiệp của mình, từ quan hệ sở hữu đến quan hệ điều
hành và quan hệ phân phối. Và như vậy, dưới giác độ này, nếu cơ sở kinh
doanh của chủ sở hữu được gọi là doanh nghiệp, dù là doanh nghiệp siêu nhỏ
thì họ vẫn được coi là doanh nhân.
Dưới giác độ chỉ đơn thuần là người quản trị doanh nghiệp: Mặc dù
chỉ là những người làm công tác quản trị doanh nghiệp thuê cho các chủ
doanh nghiệp, song họ được giao quyền và phải chịu trách nhiệm trong phạm
vi quyền hạn được giao về kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp,
phải nắm bắt tín hiệu của thị trường để tính toán, lượng định, đề ra chiến lược
và kế hoạch kinh doanh nhằm thu được lợi nhuận cao nhất, phải có những tác
động đối nội, đối ngoại để đưa doanh nghiệp ngày càng tăng tiến, và lợi ích
của bản thân luôn được gắn chặt với kết quả hoạt động kinh doanh của doanh
nghiệp. Trong điều kiện kinh tế thị trường, những doanh nhân thuộc nhóm
này cũng rất đa dạng. Đó là các Giám đốc (Tổng Giám đốc), Chủ tịch Hội
đồng quản trị của các doanh nghiệp nhà nước...; các Giám đốc (Tổng Giám
đốc) của các doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hóa... Họ có thể được cấp chủ
quản bổ nhiệm căn cứ vào kết quả thăm dò cán bộ, công nhân viên của doanh
nghiệp, hoặc là những người được thuê trên cơ sở thi tuyển. Đối với các

21
doanh nghiệp ngoài nhà nước như doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm
hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, doanh nghiệp có vốn đầu tư
nước ngoài, hợp tác xã... thì những người làm công tác quản trị doanh nghiệp
thuê do chủ doanh nghiệp lựa chọn hoặc do Đại hội cổ đông bầu lên. Trong
điều kiện kinh tế thị trường, người làm công tác quản trị doanh nghiệp thuê
không chỉ thuần túy làm theo lệnh của chủ sở hữu mà phải rất năng động theo
cơ chế thị trường, thực sự làm kinh doanh, gắn lợi ích của mình với kết quả
kinh doanh của doanh nghiệp mà mình phục vụ, tức là trở thành nhà kinh
doanh thực thụ - những doanh nhân.
Ở khía cạnh môi trường của doanh nhân: Môi trường cho sự ra đời của
doanh nhân là thị trường, là nơi thực hiện sự tự do kinh doanh, là nơi hoạt
động kinh doanh được tiến hành theo tín hiệu của thị trường chứ không phải
theo mệnh lệnh chỉ huy, là nơi mà những yếu tố sản xuất (sức lao động, đất
đai, tiền vốn...) được tự do lưu chuyển trên thị trường với tư cách là hàng
hóa... Nói cách khác, điều kiện lý tưởng cho sự ra đời và hoạt động của doanh
nhân là môi trường có đầy đủ các yếu tố của thị trường với cơ chế thị trường
được hình thành đồng bộ. Với những điều kiện ấy, các nhà quản trị trong các
doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế có thể phát huy được trí tuệ, tài
năng của họ, toàn tâm toàn ý khắc phục mọi khó khăn để thu về ngày càng
nhiều lợi nhuận cho doanh nghiệp, phát triển doanh nghiệp vì lợi ích của
chính họ, của doanh nghiệp cũng như của đất nước. Chính môi trường kinh tế
thị trường sẽ tạo điều kiện để các doanh nghiệp ra đời, không ngừng mở rộng
và phát triển, từ đó tạo điều kiện để hình thành và rèn luyện đội ngũ doanh
nhân.
Như vậy, về thành phần, doanh nhân là các chủ doanh nghiệp trực tiếp
kinh doanh doanh nghiệp của mình và những người được cử hoặc được thuê để
quản lý doanh nghiệp, thực hiện nhiệm vụ kinh doanh, trách nhiệm và lợi ích
của họ gắn liền với kết quả kinh doanh của doanh nghiệp, với việc tạo ra lợi
nhuận và không ngừng phát triển doanh nghiệp. Theo nghĩa đó, giám đốc xí
nghiệp quốc doanh ở Việt Nam trước đổi mới không phải là doanh nhân, vì
không có kinh doanh, không có kinh tế thị trường, vì họ là công chức, là những
người quản lý thuần túy thực hiện mệnh lệnh cấp trên, lương của họ được xếp
theo thang, bảng lương của công chức, lương của họ hầu như không liên quan
đến kết quả hoạt động của doanh nghiệp, ít ràng buộc thực sự với doanh nghiệp
về trách nhiệm và lợi ích, mà theo kiểu “đến hẹn lại lên”. Chỉ từ khi chuyển
sang kinh tế thị trường, doanh nghiệp nhà nước hoạt động theo hướng được

22
tăng quyền tự chủ gắn với trách nhiệm, gắn với thị trường, cạnh tranh bình
đẳng và hợp tác với các loại hình doanh nghiệp khác, thu nhập và vai trò của
giám đốc doanh nghiệp nhà nước được quyết định bởi kết quả sản xuất, kinh
doanh của doanh nghiệp thì họ mới trở thành doanh nhân.
Tóm lại, trên cơ sở những quan niệm nói trên về doanh nhân, theo
chúng tôi, doanh nhân là chủ doanh nghiệp trực tiếp quản lý hoạt động sản
xuất - kinh doanh của doanh nghiệp mình và những người được chủ sở hữu
doanh nghiệp thuê để quản lý doanh nghiệp, thực hiện nhiệm vụ kinh doanh,
chịu trách nhiệm về sự phát triển của doanh nghiệp, trách nhiệm và lợi ích
của họ gắn liền với kết quả kinh doanh của doanh nghiệp, với việc tạo ra lợi
nhuận và không ngừng phát triển doanh nghiệp.
Quan niệm trên đây về doanh nhân của nhóm tác giả nghiên cứu lưu ý
rằng: Đó là một quan niệm có tính chất động, rộng và mở. Điều này dựa trên
cơ sở sau: Thứ nhất, trên thế giới từ trước đến nay chưa có một khái niệm nào
là duy nhất, bao trùm các mặt, các tiêu chí đặc trưng về doanh nhân; Thứ hai,
nghiên cứu về doanh nhân không phải với mục đích tự thân mà nghiên cứu là
để phát triển đội ngũ này với tư cách lực lượng xung kích, quan trọng nhất
của nền kinh tế, nó là một đội ngũ có chủ lực, tiên phong, có thê đội dự bị …
khác nhau trên mặt trận kinh tế của mỗi quốc gia, nhưng chung nhất, họ là
những người chủ doanh nghiệp, sáng lập, điều hành doanh nghiệp, không kể
quy mô lớn hay nhỏ, với những tố chất, kỹ năng cần thiết của lĩnh vực kinh
doanh.
Quan niệm động, rộng và mở được hiểu là: trong một thời điểm và với
một không gian nào đó, không có và không thể xác định được một đội ngũ
doanh nhân với số lượng nhất định theo tiêu chí khác nhau. Nếu theo tiêu chí
chủ doanh nghiệp thì đội ngũ doanh nhân là đồng nhất với số lượng doanh
nghiệp, không phân biệt qui mô của doanh nghiệp. Song trên thực tế, doanh
nhân không nhất thiết phải là chủ doanh nghiệp, do đó đội ngũ doanh nhân
lớn hơn nhiều so với số lượng doanh nghiệp trong nền kinh tế hay trên mỗi
khu vực, mỗi địa bàn. Tương tự như cung, cầu trong kinh tế học vậy, với mỗi
hàng hóa, dịch vụ nhất định, về lý thuyết thực chứng có thể xác định được tại
một thời điểm trên một thị trường (về không gian) nhất định, có một lượng QE
hàng hóa dịch vụ với mức giá cân bằng PE. Trong khi về thực tế, không ai có
thể chỉ ra rằng vào thời điểm giờ G, tại thị trường nhất định nào đó, hàng hóa,
dịch vụ X có khối lượng cân bằng và giá cân bằng cụ thể. Người ta chỉ có thể

23
xác định “miền dao động” của khối lượng và giá cả hàng hóa, dịch vụ đó mà
thôi.
Đội ngũ doanh nhân được hiểu theo nghĩa động, rộng, mở, xét cả về
lượng và chất không phải là con số tùy tiện và không theo tiêu chí nào. Số
lượng doanh nhân trên một địa bàn (một quốc gia hay tỉnh, thành, khu vực) ở
một mức tối thiểu là bằng số chủ doanh nghiệp với tư cách chủ sở hữu, trực
tiếp quản lý và điều hành doanh nghiệp đó. Theo nghĩa rộng, mở thì đội ngũ
doanh nhân về số lượng gồm những người được xác định theo các tiêu chí (về
chất lượng) tương ứng.
1.1.2. Vị trí, vai trò của doanh nhân trong phát triển kinh tế, xã hội
VÞ trÝ, vai trß cña doanh nh©n trong ph¸t triÓn kinh tÕ, x· héi g¾n liÒn
víi vÞ trÝ, vai trß cña doanh nghiÖp trong c¸c lÜnh vùc nμy.
Trong nÒn KTTT, doanh nghiÖp cã vai trß lμ ®éng lùc ph¸t triÓn kinh tÕ;
lμ n¬i t¹o ra cña c¶i vËt chÊt, n¬i tæ chøc sö dông c¸c nguån lùc kinh tÕ, t¹o ra
viÖc lμm, sö dông nguån lùc lao ®éng, n¬i t¹o ra lîi nhuËn lμ nguån tÝch lòy cho
x· héi t¸i s¶n xuÊt më réng. G¾n liÒn víi doanh nghiÖp lμ doanh nh©n. Doanh
nh©n lμ nh÷ng c¸ nh©n h×nh thμnh nªn mét tÇng líp, mét ®éi ngò riªng biÖt, hä
g¾n liÒn cuéc sèng, sø mÖnh, vai trß, nhiÖm vô cña m×nh víi doanh nghiÖp.
Doanh nh©n vμ doanh nghiÖp lμ hai ph¹m trï song sinh. Doanh nghiÖp muèn
tån t¹i, ph¸t triÓn vμ thùc hiÖn vai trß cña m×nh, ph¶i cã ®éi ngò doanh nh©n -
nh÷ng c¸ nh©n quyÕt ®Þnh sù tån t¹i cña nã. ViÖc nghiªn cøu lμm râ vÞ trÝ, vai
trß cña doanh nh©n cã ý nghÜa to lín ®Ó nh×n râ ch©n gi¸ trÞ cña doanh nh©n,
®ång thêi cã quan ®iÓm vμ nh÷ng biÖn ph¸p ®óng ®¾n trong viÖc thóc ®Èy ph¸t
triÓn ®éi ngò nμy, huy ®éng ®−îc tμi n¨ng cña hä phôc vô cho sù nghiÖp chung
cña ®Êt n−íc, của ngành, của địa phương.
1.1.2.1. VÞ trÝ cña doanh nh©n trong ph¸t triÓn kinh tÕ, x· héi
VÞ trÝ cña doanh nh©n ph¶n ¸nh chç ®øng cña ®éi ngò nμy trong c¬ cÊu
hÖ thèng c¸c mèi t−¬ng quan víi c¸ nh©n x· héi kh¸c. Khi xem xÐt vÞ trÝ cña
doanh nh©n trong ph¸t triÓn kinh tÕ, x· héi, cÇn l−u ý ®Õn bèi c¶nh, ®iÒu kiÖn
KTTT trong ®ã doanh nh©n tån t¹i. Cã sù kh¸c biÖt rÊt lín vÒ vÞ trÝ cña doanh
nh©n trong nÒn KTTT víi nÒn kinh tÕ kÕ ho¹ch hãa tËp trung. Ngay trong c¸c
nÒn KTTT, do triÕt lý ®Þnh h−íng kh¸c nhau mμ vÞ trÝ cña doanh nh©n còng
kh¸c nhau.
Trong nÒn KTTT ®Þnh h−íng XHCN ë ViÖt Nam, vÞ trÝ cña doanh nh©n
thÓ hiÖn ë c¸c néi dung chñ yÕu sau:
Thø nhÊt, doanh nh©n lμ ng−êi lμm chñ hoÆc ®iÒu hμnh doanh
nghiÖp, phôc vô lîi Ých cña chñ doanh nghiÖp.

24
Nh− ®· lμm râ ë trªn, doanh nh©n tr−íc hÕt lμ chñ doanh nghiÖp, trùc tiÕp
së h÷u vμ ®iÒu hμnh doanh nghiÖp. §©y lμ m« h×nh doanh nh©n truyÒn thèng cña
x· héi t− b¶n ®· ®−îc thõa nhËn réng r·i trong c¸c nÒn KTTT hiÖn ®¹i.
Trong x· héi hiÖn ®¹i, doanh nh©n còng cã thÓ lμ ng−êi ®i lμm thuª
hoÆc do Nhμ n−íc tuyÓn dông vμo chøc vô ®iÒu hμnh DNNN. Trong tr−êng
hîp nμy, mÆc dï kh«ng ph¶i lμ chñ doanh nghiÖp nh−ng doanh nh©n cã quyÒn
h¹n rÊt lín trong ®iÒu hμnh doanh nghiÖp vμ ®−îc tr¶ c«ng rÊt cao nh»m thùc
hiÖn c¸c môc tiªu kinh doanh cña doanh nghiÖp, trong ®ã cã môc tiªu lîi
nhuËn.
XÐt ®Õn cïng, dï ë nhãm nμo th× doanh nh©n còng ®Òu phôc vô tr−íc
hÕt cho lîi Ých cña chñ doanh nghiÖp. Ngay ®èi víi c¸c DNNN víi chñ së h÷u
lμ Nhμ n−íc, nÕu cã mét ph¸p nh©n ®¹i diÖn chñ së h÷u râ rμng th× doanh
nh©n lμ gi¸m ®èc DNNN lu«n phôc vô cho lîi Ých cña «ng chñ lμ chñ së h÷u
vèn doanh nghiÖp. ChØ cã m« h×nh DNNN kh«ng râ chñ së h÷u hoÆc c¬ chÕ
gi¸m s¸t yÕu kÐm míi cã nh÷ng doanh nh©n - gi¸m ®èc lîi dông sù s¬ hë c¬
chÕ ®Ó trôc lîi c¸ nh©n, kh«ng phôc vô cho lîi Ých cña Nhμ n−íc mμ nh©n
danh nhμ n−íc chØ chó t©m phôc vô lîi Ých c¸ nh©n.
Trong nÒn KTTT ®−îc tæ chøc theo kiÓu truyÒn thèng, cã sù ®èi lËp
mang tÝnh ®èi kh¸ng gi÷a t− b¶n vμ lao ®éng, gi÷a giíi chñ vμ giíi thî, víi vÞ
trÝ lμ chñ doanh nghiÖp hoÆc ng−êi lμm thuª phôc vô cho lîi Ých cña chñ
doanh nghiÖp, doanh nh©n lμ ng−êi ngμy cμng lμm cho m©u thuÉn ®èi kh¸ng
thªm gay g¾t, lμm cho m« h×nh x· héi theo kiÓu TBCN cæ ®iÓn tõng b−íc dÇn
tiÕn tíi sôp ®æ th«ng qua c¸ch m¹ng x· héi.
Trong nÒn KTTT hiÖn ®¹i, chÝnh doanh nh©n kh«ng nh÷ng kh«ng lμm
cho m©u thuÉn x· héi thªm ®èi kh¸ng mμ l¹i lμm hßa dÞu m©u thuÉn ®èi
kh¸ng gi÷a chñ vμ thî. Bëi lÏ, trong ®iÒu kiÖn nÒn KTTT hiÖn ®¹i, c¸c doanh
nghiÖp lu«n ph¶i c¹nh tranh nhau, c¸c mÑo thuËt qu¶n trÞ vμ kinh doanh ®−îc
sö dông tμi t×nh. ChÝnh c¸c doanh nh©n lμ ng−êi cã tμi n¨ng ¸p dông c¸c mÑo
thuËt qu¶n trÞ vμ kinh doanh ®Ó võa n©ng cao n¨ng lùc c¹nh tranh cña doanh
nghiÖp, võa xö lý quan hÖ lîi Ých néi bé doanh nghiÖp sao cho gi÷a giíi chñ vμ
giíi thî, gi÷a chñ doanh nghiÖp vμ ng−êi lμm thuª trë nªn céng sinh lîi Ých
víi nhau. ChØ ë c¸c doanh nghiÖp tæ chøc theo m« h×nh t− b¶n truyÒn thèng
míi cã sù ®èi lËp lîi Ých; cßn ë c¸c doanh nghiÖp tiªn tiÕn, vÒ c¬ b¶n, quan hÖ
céng ®ång m¹nh h¬n. ë ®©y, doanh nh©n kh«ng cßn lμ ng−êi chØ biÕt b¶o vÖ
vμ phôc vô lîi Ých cña chñ n÷a mμ lμ ng−êi ®øng mòi chÞu sμo cho sù ph¸t
triÓn bÒn v÷ng cña doanh nghiÖp.

25
Dï trong m« h×nh nμo ®i ch¨ng n÷a, doanh nh©n lμ ng−êi trùc tiÕp ®iÒu
hμnh doanh nghiÖp, lμ ng−êi ®øng ë thang bËc cao cÊp cña doanh nghiÖp, ho¹t
®éng phôc vô cho lîi Ých cña chñ doanh nghiÖp vμ sù ph¸t triÓn bÒn v÷ng cña
doanh nghiÖp.
Thø hai, doanh nh©n lμ ng−êi tiªn phong, dÉn d¾t hμnh vi trong
doanh nghiÖp.
§iÒu nμy d−êng nh− ®èi lËp víi quan ®iÓm vÒ vÞ trÝ, vai trß tiªn phong
cña giai cÊp c«ng nh©n - nh÷ng ng−êi lμm thuª trong doanh nghiÖp. Tuy
nhiªn, râ rμng lμ trong nÒn KTTT, doanh nh©n lμ ng−êi l·nh ®¹o cao cÊp,
ng−êi ®Þnh h×nh vμ dÉn d¾t v¨n hãa doanh nghiÖp.
Doanh nh©n tr−íc hÕt lμ ng−êi l·nh ®¹o doanh nghiÖp. Doanh nh©n cßn
cã c¬ héi tiÕp cËn nhiÒu th«ng tin, tiÕp xóc nhiÒu víi c¸c kh¸ch hμng vμ ®i l¹i
nhiÒu. Doanh nh©n lμ ng−êi ®Þnh h×nh nªn v¨n hãa doanh nghiÖp - mét trong
nh÷ng yÕu tè quyÕt ®Þnh n¨ng lùc c¹nh tranh cña doanh nghiÖp. Khi ®· ®Þnh
h×nh nªn v¨n hãa doanh nghiÖp, doanh nh©n lμ ng−êi khÝch lÖ, ®éng viªn,
truyÒn c¶m høng lμm viÖc cho cÊp d−íi; h−íng dÉn, l«i cuèn mäi ng−êi trong
hμnh vi øng xö, thùc thi v¨n hãa doanh nghiÖp. Doanh nghiÖp nμo cã v¨n hãa
m¹nh, tiÕn bé, doanh nh©n th−êng cã uy tÝn cao, g−¬ng mÉu trong hμnh vi øng
xö nh− mét cÊu thμnh cña v¨n hãa, l«i cuèn mäi ng−êi trong doanh nghiÖp
lμm theo.
Nh− chóng ta ®· biÕt, trong kinh doanh hiÖn ®¹i cã nhiÒu kiÓu v¨n hãa
doanh nghiÖp. ViÖc doanh nghiÖp chän kiÓu v¨n hãa nμo lμ do ®Æc ®iÓm cña
doanh nghiÖp, do triÕt lý kinh doanh cña chñ doanh nghiÖp, do chiÕn l−îc
c¹nh tranh cña gi¸m ®èc. Mçi mét kiÓu v¨n hãa ®Òu ®ßi hái ph¶i cã ng−êi
l·nh ®¹o ®iÒu hμnh doanh nghiÖp - doanh nh©n - lμ ng−êi thÝch øng víi kiÓu
v¨n hãa ®ã; h¬n n÷a, ®ßi hái doanh nh©n ph¶i lμ ng−êi biÕt ph¸t huy, thùc thi
v¨n hãa ®ã trong doanh nghiÖp. Do vËy, xÐt vÒ vÞ trÝ tiªn phong, doanh nh©n
ph¶i lμ ng−êi tiªn phong vÒ v¨n hãa, dÉn d¾t ®−îc mäi ng−êi trong hμnh vi
øng xö, thùc thi ®−îc v¨n hãa doanh nghiÖp ®· lùa chän, b¶o ®¶m søc c¹nh
tranh dμi h¹n cho doanh nghiÖp.
Thø ba, doanh nh©n thμnh ®¹t lμ tÊm g−¬ng trong thùc thi ®¹o ®øc
doanh nh©n.
Doanh nh©n lμ ®éi ngò l·nh ®¹o, ®iÒu hμnh doanh nghiÖp, thuéc tÇng
líp bËc cao cña x· héi c¶ vÒ tμi n¨ng, sø mÖnh. T−¬ng xøng víi tμi n¨ng vμ sø
mÖnh ®ã, doanh nh©n ph¶i cã ®¹o ®øc c¸ nh©n vμ ®¹o ®øc nghÒ nghiÖp t−¬ng
xøng.
Trong ®éi ngò doanh nh©n, cã nh÷ng doanh nh©n thμnh ®¹t. §èi víi

26
nhãm thμnh ®¹t nμy, ®¹o ®øc nghÒ nghiÖp vμ c¸ nh©n l¹i cμng cã ý nghÜa. Cã
ng−êi kh¸i qu¸t r»ng, doanh nh©n lμ cã tμi kinh doanh (kiÕm tiÒn giái) vμ g¾n
víi cã tμi lμ ph¶i cã t©m (lμm tõ thiÖn vμ gi¶i quyÕt ph©n phèi thu nhËp theo
ch÷ T©m cña ®¹o ®øc)5.
Trong nÒn KTTT, kh«ng ph¶i tÊt c¶ mäi doanh nh©n giμu cã, thμnh ®¹t
®Òu cã t©m theo ®óng nghÜa cña nã. §iÒu ®ã do tÝnh c¸ch, ®¹o ®øc gèc cña hä
quy ®Þnh. Tuy nhiªn, trong mét nÒn KTTT b×nh th−êng lu«n cã xu h−íng h×nh
thμnh ®éi ngò doanh nh©n thμnh ®¹t, nh÷ng tØ phó, triÖu phó ®Ønh cao. NÒn kinh
tÕ m¹nh ch¾c ch¾n ph¶i cã c¸c doanh nghiÖp m¹nh vμ kÌm theo ®ã lμ c¸c doanh
nh©n triÖu phó, tØ phó. Mét x· héi ch−a cã nhiÒu tØ phó, triÖu phó th× ch−a thÓ
nãi x· héi ®ã cã nÒn kinh tÕ m¹nh. Song, khi ®· h×nh thμnh nhãm doanh nh©n tØ
phó, triÖu phó th× sø mÖnh cña nhãm nμy lμ hä ph¶i lμ ng−êi thÓ hiÖn ®¹o ®øc
c¸ nh©n t−¬ng xøng víi vinh danh x· héi. H×nh ¶nh cña Bill Gate, Warren
Buffet vμ nhiÒu tØ phó trªn thÕ giíi cho thÊy hä cã v¨n hãa cao, ®¹o ®øc g−¬ng
mÉu, lèi sèng lμnh m¹nh - hä thùc sù cã t©m theo c¸ch hiÓu ¸ Đ«ng. Thu nhËp
vμ tμi s¶n tÝch lòy ®−îc hä chi dïng chñ yÕu cho c¸c môc tiªu x· héi, chØ dμnh
cho cuéc sèng c¸ nh©n vμ di chóc cho con ch¸u mét phÇn nhá. H¬n thÕ n÷a, hä
lμ ng−êi biÕt chia sÎ lîi Ých, ph©n phèi thu nhËp trong qu¸ tr×nh ph¸t triÓn kinh
doanh, ph¸t triÓn doanh nghiÖp, t¹o kÝch thÝch vμ c¶m høng cho nh÷ng céng sù,
nh÷ng ng−êi lμm c«ng trong doanh nghiÖp6.
Cã thÓ khái qu¸t r»ng, mét x· héi KTTT lμnh m¹nh, ph¶i cã nh÷ng
doanh nh©n thμnh ®¹t, nhãm nμy thùc sù lμ ng−êi quyÕt ®Þnh trong ph©n phèi
thu nhËp, lμ tÊm g−¬ng vÒ ®¹o ®øc doanh nh©n, ®ãng gãp to lín cho viÖc thùc
hiÖn c¸c môc tiªu x· héi. Nhãm doanh nh©n thμnh ®¹t ®Þnh h−íng ®¹o ®øc cho
toμn bé ®éi ngò doanh nh©n.
1.1.2.2. Vai trß cña doanh nh©n
Nãi ®Õn vai trß cña doanh nh©n lμ nãi ®Õn nh÷ng c«ng viÖc mang tÝnh
chøc n¨ng cña hä trong x· héi. Cã thÓ xem xÐt vai trß cña doanh nh©n trong
nÒn KTTT th«ng qua vai trß cña doanh nghiÖp, d−íi 3 gãc ®é: kinh tÕ, x· héi,
chÝnh trÞ. Nh− vËy, cã thÓ xem xÐt vai trß cña doanh nh©n d−íi 3 gãc ®é t−¬ng
®èi riªng biÖt: vai trß kinh tÕ, vai trß x· héi, vai trß chÝnh trÞ. C¸ch tiÕp cËn
nh− vËy cho chóng ta nh×n nhËn râ h¬n vÞ trÝ cña doanh nh©n trong x· héi,
®ång thêi cã quan ®iÓm toμn diÖn vμ hÖ thèng vÒ vai trß ®éi ngò ®Æc biÖt nμy.
Thø nhÊt, vai trß kinh tÕ cña doanh nh©n.
5
NguyÔn TrÇn B¹t (2006), Tr¹ng th¸i cña doanh nh©n, Doanh nh©n 23-1-2006.
6
Trong sè nh÷ng ng−êi céng t¸c víi Bill Gate trong C«ng ty Microsoft tõ ngμy ®Çu thμnh lËp, ®· cã trªn 20
ng−êi trë thμnh tû phó vμ ®Õn nay phÇn lín trong sè hä vÉn lμm viÖc cho Microsoft.

27
§©y lμ gãc ®é chñ ®¹o trong ®¸nh gi¸ vai trß cña doanh nh©n. Bëi lÏ,
doanh nh©n g¾n liÒn víi doanh nghiÖp, lμ ng−êi ®iÒu hμnh doanh nghiÖp - mét
tæ chøc kinh tÕ cña x· héi, t¹o ra søc m¹nh kinh tÕ cña x· héi, quèc gia, ®ang
cïng ®Êt n−íc héi nhËp ngμy cμng s©u, réng vμo nÒn kinh tÕ thÕ giíi. Ở góc độ
này, nhìn một cách tổng quát, doanh nhân như là một trong những động lực
thúc đẩy doanh nghiệp lớn mạnh, kinh tế, xã hội phát triển, là lực lượng "xung
trận" trong hội nhập kinh tế quốc tế. Vai trß kinh tÕ cña doanh nh©n cã thÓ
®−îc xem xÐt ë c¸c néi dung c¬ b¶n sau:
a) Vai trß cña doanh nh©n trong qu¸ tr×nh ®¸p øng yªu cÇu thÞ tr−êng:
Doanh nh©n lμ chñ thÓ cña bªn cung hμng hãa, lμ chñ thÓ bªn cÇu ®èi víi
thÞ tr−êng c¸c yÕu tè s¶n xuÊt, t¹o nªn c©n ®èi cung - cÇu cña nÒn KTTT.
Lý thuyÕt cña nÒn KTTT cã néi dung träng t©m vμ cèt lâi lμ quan hÖ
cung - cÇu víi bªn cung (ng−êi b¸n) vμ bªn cÇu (ng−êi mua). Sù cä x¸t 2 lùc
l−îng nμy trªn thÞ tr−êng t¹o nªn c©n b»ng cung - cÇu ë c¸c thÞ tr−êng riªng
biÖt; c¸c c©n b»ng c¸c thÞ tr−êng riªng biÖt t¹o nªn c©n b»ng chung cña nÒn
kinh tÕ. Doanh nh©n lμ ng−êi ®iÒu hμnh doanh nghiÖp, lμ ng−êi ra quyÕt ®Þnh
cña doanh nghiÖp, do ®ã lμ chñ thÓ ra quyÕt ®Þnh cña bªn cung hμng hãa, ®ång
thêi lμ bªn cÇu c¸c yÕu tè s¶n xuÊt (xem s¬ ®å bªn d−íi).
H×nh sè 1.1

ThÞ tr−êng
hμng ho¸
Cung CÇu

Doanh nghiÖp Ng−êi tiªu


(doanh nh©n dïng së h÷u
®¹i diÖn) c¸c yÕu tè s¶n
xuÊt

CÇu ThÞ tr−êng Cung


c¸c yÕu tè
s¶n xuÊt

Trªn thùc tÕ cña kinh doanh hiÖn ®¹i, nhiÒu doanh nh©n kh«ng chØ kinh
doanh theo quan niÖm lý thuyÕt nªu trªn mμ hä cßn tËn dông c¶ c¸c c¬ héi
kinh doanh trªn c¬ së ®øng vÒ phÝa cÇu hμng hãa vμ phÝa cung yÕu tè s¶n xuÊt.
C¸c doanh nghiÖp m«i giíi, t− vÊn tiªu dïng võa cã chøc n¨ng nèi dμi c¸nh
tay cung øng hμng hãa cña c¸c doanh nghiÖp s¶n xuÊt, võa cã chøc n¨ng ®¹i

28
diÖn cho ng−êi tiªu dïng trong cuéc ch¬i cung - cÇu víi bªn cung. Trªn thÞ
tr−êng yÕu tè s¶n xuÊt, nhiÒu doanh nh©n ®· chän lÜnh vùc kinh doanh cña
m×nh lμ cung øng nguån lùc nh− m«i giíi, cung øng lao ®éng, mua b¸n bÊt
®éng s¶n, kinh doanh v¨n phßng ®Þa èc, cung øng dÞch vô tÝn dông - cho vay
vèn.
Trong cuéc cä x¸t cung - cÇu, vÒ mÆt nguyªn lý, c¶ 2 bªn ®Òu b×nh ®¼ng
víi nhau vμ kÕt côc cuéc ch¬i lμ t¹o nªn c©n b»ng cung - cÇu víi gi¸ c¶ vμ s¶n
l−îng c©n b»ng, tháa m·n c©n b»ng thÆng d− s¶n xuÊt vμ thÆng d− tiªu dïng
(tr¹ng th¸i hai bªn ®Òu th¾ng: Win - Win). Tuy nhiªn, xÐt vÒ vai trß kinh tÕ,
doanh nh©n lμ ng−êi t¹o lËp thÞ tr−êng (market maker) râ rÖt. MÆc dï trong nÒn
KTTT s¶n xuÊt ph¶i dùa trªn nhu cÇu, ph¶i ®¸p øng nhu cÇu thÞ tr−êng nh−ng
chÝnh doanh nh©n lμ ng−êi biÕt ph©n tÝch nhu cÇu, ®Þnh h−íng nhu cÇu..., tõ ®ã
cã c¸c quyÕt ®Þnh s¶n xuÊt phï hîp. VÒ phÝa cung, doanh nh©n lμ ng−êi s¸ng t¹o,
®éc ®¸o trong s¶n xuÊt hμng hãa, c¶i tiÕn mÉu m·, kiÓu d¸ng, mÇu s¾c, t×m ra
c¸ch thøc s¶n xuÊt (c«ng nghÖ) rÎ h¬n ®Ó ®¸p øng nhu cÇu lu«n biÕn ®éng vμ
ph¸t triÓn cña x· héi.
Trªn thÞ tr−êng yÕu tè s¶n xuÊt, vai trß t¹o lËp thÞ tr−êng cña doanh
nh©n còng thÓ hiÖn rÊt râ nÐt. NÕu kh«ng cã sù can thiÖp cña nhμ n−íc, chÝnh
doanh nh©n lμ ng−êi chñ ®éng vμ quyÕt ®Þnh trong c©n b»ng gi¸ vμ l−îng trªn
c¸c thÞ tr−êng lao ®éng, ®Êt ®ai vμ vèn.
ViÖc doanh nh©n cã vai trß t¹o lËp thÞ tr−êng trong c©n b»ng cung cÇu
buéc nhμ n−íc (chÝnh phñ) ph¶i cã nh÷ng biÖn ph¸p can thiÖp b»ng luËt ph¸p
theo h−íng b¶o vÖ lîi Ých cña x· héi nh− khuyÕn khÝch c¹nh tranh - chèng ®éc
quyÒn, ban hμnh gi¸ tèi thiÓu vÒ l−¬ng, vÒ l·i suÊt vèn, khuyÕn khÝch vμ n©ng
cao vai trß cña hiÖp héi ng−êi tiªu dïng, cña c«ng ®oμn trong cuéc ch¬i cung -
cÇu cña thÞ tr−êng. Bªn c¹nh c¸c biÖn ph¸p ph¸p lý, x· héi cßn t¹o nªn d− luËn
vμ thËm chÝ g©y ¸p lùc vÒ mÆt ®¹o ®øc ®Ó c¸c doanh nghiÖp vμ doanh nh©n
ph¸t huy ®¹o ®øc kinh doanh, chèng c¸c xu h−íng l¹m dông quyÒn lùc cña
ng−êi t¹o lËp thÞ tr−êng... Bμn vÒ vai trß nμy, häc gi¶ Frank H. Knight cho
r»ng, doanh nh©n cã vai trß lμ ng−êi chñ ®éng t¹o lËp xu h−íng ph¸t triÓn cña
nhu cÇu thÞ tr−êng t−¬ng lai, nh− vËy doanh nh©n lμ ng−êi ®Þnh h−íng kiÕn t¹o
thÞ tr−êng. Khi thùc hiÖn vai trß kiÕn t¹o thÞ tr−êng t−¬ng lai, doanh nh©n ph¶i
®èi mÆt víi t×nh tr¹ng th«ng tin kh«ng ®Çy ®ñ, ®èi mÆt víi rñi ro. ChÝnh phÈm
chÊt tù tin, s¸ng t¹o, kh¶ n¨ng chÊp nhËn rñi ro ®· cho phÐp doanh nh©n chñ
®éng thùc hiÖn vai trß nμy.
Josepth A. Schumpeter l¹i cho r»ng, chÝnh kh¶ n¨ng chÊp nhËn rñi ro vμ
n¨ng lùc s¸ng t¹o cña doanh nh©n ®· gióp hä thùc hiÖn vai trß dÉn d¾t thÞ

29
tr−êng. Theo Schumpeter, kh«ng gièng víi s¸ng t¹o cña nhμ khoa häc, nhμ
ph¸t minh lμ nh÷ng ng−êi s¸ng t¹o c¸i míi, ãc s¸ng t¹o cña doanh nh©n lμ ë
chç hä biÕt c¸ch øng dông c¸c s¸ng chÕ vÒ mÆt tæ chøc s¶n xuÊt sao cho chi
phÝ ®ñ thÊp ë møc ®¸p øng nhu cÇu cña thÞ tr−êng vÒ gi¸ thμnh. Nh− vËy,
doanh nh©n lμ ng−êi ®Þnh h−íng c¸c c«ng nghÖ s¶n xuÊt míi vμ sö dông c¸c
vËt liÖu míi. NhiÒu ph¸t minh, s¸ng chÕ nghiªn cøu bëi c¸c nhμ khoa häc nÕu
kh«ng ®−îc ¸p dông bëi doanh nh©n sÏ chØ lμ c¸c tËp hå s¬ hay vËt mÉu chÕt
trong phßng thÝ nghiÖm. ChÝnh doanh nh©n ®Þnh h−íng ®−îc thÞ tr−êng vμ
gióp cho c¸c ph¸t minh ®i vμo cuéc sèng. Do vËy, phÇn th−ëng cho ãc s¸ng
t¹o vμ tÝnh m¹o hiÓm cña doanh nh©n cã thÓ rÊt lín - tïy theo møc ®é s¸ng t¹o
vμ rñi ro cña doanh nh©n.
Fiedrich A. Hayek - mét nhμ lý thuyÕt hiÖn ®¹i vÒ KTTT - ph©n tÝch: Vai
trß cña doanh nh©n trong cuéc ch¬i thÞ tr−êng cÇn ®−îc xem xÐt trong khu«n
khæ kinh tÕ häc hiÖn ®¹i - v−ît qua c¸ch thøc ph©n tÝch cña kinh tÕ häc cæ ®iÓn
vμ t©n cæ ®iÓn. Khi ra quyÕt ®Þnh s¶n xuÊt, doanh nh©n kh«ng ph¶i chØ dùa vμo
th«ng tin gi¸ c¶ cña thÞ tr−êng (nh− ph¸i t©n cæ ®iÓn lËp luËn); anh ta ph¶i thu
thËp rÊt nhiÒu lo¹i th«ng tin vÒ thÞ tr−êng t−¬ng lai ®Ó cã quan ®iÓm cña riªng
m×nh vÒ thÞ tr−êng t−¬ng lai - c¬ së chñ yÕu ®Ó ra quyÕt ®Þnh s¶n xuÊt. Nh− vËy,
doanh nh©n kh«ng ph¶i lμ ng−êi thô ®éng ph¶n øng tr−íc th«ng tin gi¸ c¶ thÞ
tr−êng ®Ó ra quyÕt ®Þnh cung hμng hãa mμ anh ta lμ ng−êi chñ ®éng thu thËp,
ph©n tÝch th«ng tin, sau khi h×nh thμnh quan ®iÓm riªng cña m×nh vÒ thÞ tr−êng
t−¬ng lai míi ®i ®Õn quyÕt ®Þnh s¶n xuÊt.
b) Vai trß cña doanh nh©n trong tæ chøc sö dông c¸c nguån lùc s¶n xuÊt:
Theo lý thuyÕt KTTT, doanh nghiÖp lμ n¬i tæ chøc sö dông c¸c yÕu tè
nguån lùc s¶n xuÊt vμ doanh nh©n lμ ng−êi quyÕt ®Þnh viÖc tæ chøc nμy. Trong
mèi quan hÖ gi÷a nguån lùc vμ doanh nh©n th× doanh nh©n lμ ng−êi chñ ®éng,
tÝch cùc trong tæ chøc sö dông nguån lùc. Vai trß chñ ®éng, tÝch cùc trong tæ
chøc sö dông nguån lùc thÓ hiÖn ë c¶ hai cÊp ®é: cÊp ®é doanh nghiÖp vμ cÊp
®é nÒn kinh tÕ.
ë cÊp ®é doanh nghiÖp, theo Harvey Leibestein, doanh nh©n cã vai trß
c¶i thiÖn hiÖu qu¶ s½n cã cña doanh nghiÖp trong sö dông c¸c nguån lùc.
Leibestein gi¶i thÝch: do c¹nh tranh nhau, c¸c doanh nghiÖp lu«n cã môc tiªu
n©ng cao hiÖu qu¶ sö dông nguån lùc, trong khi ®ã doanh nghiÖp lu«n ph¶i ®èi
mÆt víi vÊn ®Ò nan gi¶i lμ t×nh tr¹ng kÐm hiÖu qu¶ trong sö dông nguån lùc.
VÊn ®Ò lμ ë chç, khi sö dông nguån nh©n lùc, chÝnh nh÷ng ng−êi lμm c«ng ¨n
l−¬ng (ng−êi lao ®éng trong doanh nghiÖp) lμ ng−êi quyÕt ®Þnh møc ®é quan
t©m, lßng nhiÖt t×nh, tinh thÇn tr¸ch nhiÖm cña hä víi c«ng viÖc. Ng−êi lao

30
®éng lμ nh÷ng c¸ nh©n ®éc lËp vμ hä cã thÓ (vμ cã quyÒn) theo ®uæi c¸c môc
tiªu riªng, nhiÒu khi kh«ng ®ång h−íng, thËm chÝ m©u thuÉn víi môc tiªu cña
chñ doanh nghiÖp. Sù kh«ng ®ång t×nh, m©u thuÉn vÒ môc tiªu, ®éng lùc gi÷a
ng−êi lao ®éng vμ chñ doanh nghiÖp lμm suy yÕu n¨ng lùc c¹nh tranh cña
doanh nghiÖp vμ vÒ l©u dμi sÏ lμm suy tho¸i, tan r· doanh nghiÖp. ChÝnh doanh
nh©n lμ ng−êi chñ ®éng t×m kiÕm c¸c gi¶i ph¸p gi¶i quyÕt t×nh tr¹ng nan gi¶i
nμy.
ë cÊp ®é nÒn kinh tÕ, doanh nh©n lμ ng−êi chñ ®éng vμ tÝch cùc trong qu¸
tr×nh t¸i c¬ cÊu, t¸i ph©n bæ c¸c nguån lùc cña x· héi ®Ó nÒn kinh tÕ ngμy cμng cã
hiÖu qu¶ h¬n vμ n¨ng lùc c¹nh tranh cao h¬n. ViÖc t¸i c¬ cÊu, t¸i ph©n bæ c¸c nguån
lùc cña x· héi ®Ó ®¹t møc hiÖu qu¶ cao h¬n chÝnh lμ vai trß cña thÞ tr−êng nãi chung.
Tuy nhiªn, còng lμ c¬ thÕ thÞ tr−êng nh−ng cã nh÷ng quèc gia cã sù ph¸t triÓn hiÖu
qu¶ h¬n h¼n c¸c quèc gia kh¸c. YÕu tè quyÕt ®Þnh ë ®©y kh«ng ph¶i lμ ë b¶n th©n c¬
chÕ thÞ tr−êng (kh«ng ph¶i quèc gia nμo cã thÞ tr−êng nhiÒu h¬n, triÖt ®Ó h¬n th× cã
hiÖu qu¶ nhiÒu h¬n). Cuéc khñng ho¶ng tμi chÝnh hiÖn nay ë Mü vμ nhiÒu n¬i trªn
thÕ giíi còng chøng minh cho lËp luËn nμy - mét lËp luËn cèt lâi cña ph¸i t©n cæ
®iÓn vμ ®Ønh cao lμ thuyÕt Regan (Reganomics). YÕu tè quyÕt ®Þnh ë ®©y còng
kh«ng h¼n chØ lμ vai trß cña nhμ n−íc m¹nh hay yÕu, giái hay kh«ng giái. YÕu tè
quyÕt ®Þnh ë ®©y chÝnh lμ vai trß cña ®éi ngò doanh nh©n.
c) Vai trß cña doanh nh©n trong qu¸ tr×nh vËn ®éng, ph¸t triÓn cña thÞ tr−êng:
Tinh thÇn, kh¶ n¨ng s¸ng t¹o céng víi tinh thÇn chÊp nhËn rñi ro cña
doanh nh©n gióp cho doanh nh©n cã kh¶ n¨ng sèng sãt vμ ph¸t triÓn trong
c¹nh tranh. Tuy nhiªn, xÐt vÒ khÝa c¹nh c©n b»ng thÞ tr−êng th× chÝnh tinh thÇn
s¸ng t¹o vμ chÊp nhËn rñi ro cña doanh nh©n l¹i g¾n cho doanh nh©n vai trß
ph¸ vì c©n b»ng vμ t¹o lËp c©n b»ng míi cña thÞ tr−êng. Thùc vËy, viÖc ¸p
dông liªn tôc c¸c s¸ng kiÕn tæ chøc s¶n xuÊt, sö dông vËt liÖu míi, khai th¸c
thÞ tr−êng míi cã quy luËt tÝch tô sù biÕn ®æi vÒ l−îng dÉn ®Õn biÕn ®æi vÒ
chÊt. §Õn mét thêi ®iÓm nμo ®ã, sù c©n b»ng thÞ tr−êng cò sÏ bÞ ph¸ vì vμ
h×nh thμnh nªn c©n b»ng míi. Ta thÊy, trong sù vËn ®éng cña thÞ tr−êng, hμng
lo¹t ngμnh nghÒ hoÆc hμng lo¹t doanh nghiÖp bÞ lo¹i khái thÞ tr−êng vμ hμng
lo¹t ngμnh hoÆc doanh nghiÖp míi l¹i cã thÓ xuÊt hiÖn tham gia thÞ tr−êng.
Trong cuéc ch¬i cã tÝnh may rñi ®ã cña thÞ tr−êng, sù ®æ vì, ph¸ s¶n, th¸o lui
cña mét ngμnh hoÆc doanh nghiÖp chØ lμ sù ®æ vì mang tÝnh s¸ng t¹o, t¹o
mÇm cho mét ngμnh hoÆc doanh nghiÖp kh¸c h×nh thμnh. Trong cuéc ch¬i
nμy, vai trß cña doanh nh©n nh− nh÷ng ng−êi trùc tiÕp tham gia, võa ph¸ vì
c©n b»ng cò võa t¹o lËp c©n b»ng míi, lμ vai trß tÝch cùc, mang tÝnh tiÕn bé.
d) Vai trò của doanh nhân trong hội nhập kinh tế quốc tế:

31
Đại hội lần thứ VI của Đảng đã tạo bước ngoặt quan trọng trong nhận thức
và quan điểm về hội nhập kinh tế quốc tế. Tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của
nước ta được đẩy mạnh và có những bước đột phá lớn từ Đại hội lần thứ VII của
Đảng (1991).
Hiện nay, nước ta đã hội nhập sâu hơn và đầy đủ hơn vào nền kinh tế
thế giới, vào thể chế kinh tế toàn cầu với việc chính thức trở thành thành viên
của WTO. Hội nhập kinh tế quốc tế là sự nghiệp của toàn dân, trong tiến trình
đó, doanh nghiệp và doanh nhân là chủ thể thực hiện hội nhập, là động lực
quan trọng và then chốt, có vai trò quan trọng góp phần thực hiện có hiệu quả
các cam kết của Việt Nam với các nước, các tổ chức quốc tế về thương mại,
đầu tư, dịch vụ và các lĩnh vực khác, qua đó góp phần nâng cao vị thế của đất
nước trên chính trường và thương trường quốc tế.
Thø hai, vai trß x· héi cña doanh nh©n.
Trong lý thuyÕt kinh tÕ cæ ®iÓn, Ýt khi ng−êi ta bμn ®Õn vai trß x· héi cña
doanh nh©n mμ hÇu nh− chØ bμn vÒ vai trß kinh tÕ. Kinh tÕ häc cæ ®iÓn ®· gi¶
®Þnh doanh nghiÖp chØ nh− nh÷ng tæ chøc kinh tÕ cã môc tiªu lîi nhuËn vμ
doanh nh©n nh− nh÷ng «ng chñ chØ biÕt ch¹y theo lîi Ých kinh tÕ cña giíi chñ.
Ngμy nay, trªn thùc tÕ, ngμy cμng xuÊt hiÖn nhiÒu doanh nh©n, nhÊt lμ
nhãm doanh nh©n thμnh ®¹t thùc hiÖn rÊt nhiÒu chøc n¨ng vμ c«ng viÖc mang
tÝnh x· héi, ®Þnh h×nh xu h−íng hμnh vi cho céng ®ång doanh nh©n nãi chung,
cho phÐp chóng ta cã thÓ kh¼ng ®Þnh vai trß x· héi cña doanh nh©n. Trong d−
luËn x· héi, h×nh ¶nh ®iÓn h×nh cña doanh nh©n kh¸t khao lîi nhuËn, ra søc
bãc lét c«ng nh©n, tËn dông x· héi b»ng mäi thñ ®o¹n (vi ph¹m quyÒn cña
ng−êi lao ®éng, bãc lét trÎ em, tr¶ l−¬ng rÎ m¹t, hèi lé chÝnh quyÒn, c©u kÕt
víi x· héi ®en, vi ph¹m quy ®Þnh m«i tr−êng, bÊt chÊp d− luËn x· héi...) dÇn
dÇn ®−îc thay thÕ bëi h×nh ¶nh doanh nh©n ®iÓn h×nh biÕt kiÕm tiÒn giái
nh−ng lμm c¸c c«ng t¸c x· héi còng giái vμ thùc hiÖn c¸c môc tiªu x· héi
còng giái (lμm tõ thiÖn, chi cho c¸c môc ®Ých x· héi...).
Cã thÓ kh¸i qu¸t vai trß x· héi cña doanh nh©n ë 3 néi dung sau:
a) Gi¶i quyÕt viÖc lμm, t¹o c©n b»ng trªn thÞ tr−êng lao ®éng, gãp phÇn
gi÷ æn ®Þnh x· héi:
Vai trß nμy doanh nh©n g¾n liÒn víi vai trß cña doanh nghiÖp. Doanh
nghiÖp cã vai trß chÝnh trong gi¶i quyÕt viÖc lμm, nhÊt lμ ®èi víi c¸c x· héi
®ang ph¸t triÓn, thÊt nghiÖp nhiÒu. §èi víi c¸c nÒn kinh tÕ ®· ph¸t triÓn cao,
t×nh tr¹ng thÊt nghiÖp c¬ cÊu vÉn ë møc ®¸ng lo ng¹i. C¸c xu h−íng di d©n
quèc tÕ vμ chuyÓn dÞch ®Çu t− trùc tiÕp ®· gãp phÇn to lín trong gi¶i quyÕt
viÖc lμm theo h−íng t¸i ph©n bæ nguån lùc ®Çu t− vμ nguån lùc lao ®éng mét

32
c¸ch hîp lý, hiÖu qu¶ nhÊt. Tuy nhiªn, xÐt ®Õn cïng, ë c¶ hai nhãm quèc gia
(giμu vμ nghÌo), vai trß cña c¸c doanh nghiÖp, doanh nh©n trong gi¶i quyÕt
viÖc lμm lμ kh«ng thÓ phñ nhËn. Thùc hiÖn vai trß nμy, doanh nh©n lμ ng−êi
chñ chèt ra c¸c quyÕt ®Þnh vÒ chiÕn l−îc kinh doanh, lùa chän c«ng nghÖ, sè
l−îng nh©n c«ng vμ c¬ cÊu nh©n lùc sö dông.
b) Doanh nh©n tÝch cùc tham gia c¸c ho¹t ®éng tõ thiÖn, gãp phÇn cïng
Nhμ n−íc gióp ®ì c¸c nhãm x· héi chÞu thiÖt thßi:
ViÖc doanh nh©n tÝch cùc lμm tõ thiÖn kh«ng chØ là hiÖn t−îng mμ ®· trë
thμnh phong trμo, thμnh ho¹t ®éng th−êng xuyªn. ë ®©y cã 3 lý do ®Ó doanh nh©n
lμm tõ thiÖn. Thø nhÊt, doanh nh©n lμ nh÷ng ng−êi cã thu nhËp cao, tÝch lòy ®−îc
nhiÒu tμi s¶n, thuéc nhãm trªn cña giíi ng−êi giμu; trong khi ®ã, trong x· héi
KTTT tån t¹i mét tÇng líp nh÷ng ng−êi gÆp khã kh¨n vÒ tμi chÝnh, chÞu thiÖt thßi
trong qu¸ tr×nh ph¸t triÓn mμ c¬ chÕ an sinh x· héi kh«ng gi¶i quyÕt ®−îc triÖt ®Ó.
Tù c¸i t©m cña doanh nh©n dÉn d¾t hä ®i ®Õn c¸c quyÕt ®Þnh tõ thiÖn. §ã lμ mét
phong c¸ch thÓ hiÖn ch÷ t©m cña ng−êi thμnh ®¹t vμ may m¾n, còng lμ hμnh vi biÕt
¬n x· héi ®· cho hä sù thμnh ®¹t vÒ tμi chÝnh, lμ ph−¬ng c¸ch gi¶i táa t©m lý, thÓ
hiÖn quyÒn lùc khi ®· tÝch lòy ®−îc l−îng tμi s¶n nhÊt ®Þnh. Thø hai, lμm tõ thiÖn
kÕt hîp víi truyÒn th«ng lμ ph−¬ng c¸ch ®Ó doanh nh©n tuyªn truyÒn, qu¶ng c¸o,
®¸nh bãng tªn tuæi cña m×nh vμ cña doanh nghiÖp. §iÒu nμy thÓ hiÖn rÊt râ ë chç
khi nμo ho¹t ®éng tõ thiÖn g¾n liÒn víi qu¶ng c¸o, tuyªn truyÒn trªn ph−¬ng tiÖn
th«ng tin ®¹i chóng th× quy m« vμ møc ®é tõ thiÖn ë møc cao râ rÖt. ë ®©y, doanh
nh©n lμm tõ thiÖn nh− mét viÖc lμm ®Ó ®¸nh ®æi lÊy thanh danh, uy tÝn, qu¶ng b¸
th−¬ng hiÖu c¸ nh©n vμ doanh nghiÖp. Tuy vËy, víi ®éng c¬ nμy, doanh nh©n vÉn
cã vai trß ®ãng gãp mét nguån tμi chÝnh ®¸ng kÓ gi¶i quyÕt c¸c vÊn ®Ò x· héi. Thø
ba, doanh nh©n thùc sù cã nhu cÇu sö dông tμi s¶n, tiÒn b¹c cña m×nh cho c¸c môc
tiªu phi lîi nhuËn. Tr−íc ®©y, nhiÒu doanh nh©n do ch−a cã ®Þnh h−íng tiªu dïng
tμi s¶n, th−êng chØ biÕt di chóc l¹i cho hËu thÕ sö dông tμi s¶n m×nh sau khi chÕt
nh− thÕ nμo. Gièng nh− A. Nobel ®· dμnh phÇn lín tμi s¶n cña m×nh lËp nªn gi¶i
th−ëng Nobel nèi tiÕng, nhiÒu doanh nh©n ®· hiÕn tÆng phÇn lín tμi s¶n cho nhμ
thê, cho chÝnh quyÒn, lËp c¸c quü tõ thiÖn hoÆc ®ãng gãp vμo c¸c quü tõ thiÖn phi
lîi nhuËn. Ngμy nay, theo g−¬ng Bill Gate, nhiÒu doanh nh©n cã xu h−íng sö dông
tμi s¶n khæng lå cña m×nh ngay tõ lóc cßn sèng, cßn kháe m¹nh.
Møc ®é vμ quy m« ®ãng gãp cña doanh nh©n trong c¸c ho¹t ®éng tõ thiÖn,
phi lîi nhuËn rÊt kh¸c nhau. §iÒu nμy tïy thuéc vμo quy m« tμi s¶n tÝch lòy, vμo
nh©n c¸ch, c¸ tÝnh vμ ®Æc ®iÓm gia ®×nh cña tõng doanh nh©n. MÆt kh¸c, cßn tïy
thuéc vμo c¬ chÕ cña x· héi vμ ý thøc, d− luËn x· héi ®èi víi viÖc nμy. Tuy nhiªn,
xu h−íng chung lμ phong trμo doanh nh©n lμm tõ thiÖn cã chiÒu h−íng t¨ng lªn

33
vμ møc ®é lμm tõ thiÖn ngμy cμng cao. Ýt cã con sè thèng kª ®¸nh gi¸ quy m«
tuyÖt ®èi cña giíi doanh nh©n lμm tõ thiÖn nh−ng ch¾c ch¾n ®ã lμ con sè ®¸ng
kÓ. Th«ng qua lμm tõ thiÖn, doanh nh©n ®· cïng Nhμ n−íc gióp ®ì nh÷ng ng−êi
yÕu thÕ nhÊt, thiÖt thßi nhÊt, gãp phÇn lμm gi¶m xung ®ét x· héi, ®ãng gãp hoμn
thiÖn hÖ thèng an sinh x· héi.
c) Vai trß t¹o lËp vμ ph¸t triÓn v¨n hãa doanh nghiÖp, x©y dùng c¸c tæ
chøc x· héi víi c¸c gi¸ trÞ tiªn tiÕn:
Doanh nghiÖp kh«ng nh÷ng chØ lμ mét ®¬n vÞ kinh tÕ mμ cßn lμ mét tÕ
bμo x· héi. Trong nÒn KTTT hiÖn ®¹i, c¸c doanh nh©n cμng coi träng tÝnh chÊt
tÕ bμo x· héi cña doanh nghiÖp. Trong tÕ bμo x· héi doanh nghiÖp, doanh
nh©n lμ ng−êi kiÕn t¹o, ph¸t triÓn c¸c gi¸ trÞ cèt lâi cña v¨n hãa doanh nghiÖp.
V¨n hãa doanh nghiÖp ph¶i lμ v¨n hãa tiªn tiÕn, ph¸t huy c¸c yÕu tè m¹nh cña
v¨n hãa d©n téc. Nãi c¸ch kh¸c, v¨n hãa doanh nghiÖp hiÖn ®¹i th−êng lμ v¨n
hãa tiªn tiÕn, ®Þnh h−íng cho ph¸t triÓn v¨n hãa cña x· héi. Ngay tõ thÕ kû 18,
¤-oen ®· thÝ ®iÓm thùc hμnh m« h×nh tæ chøc mét doanh nghiÖp - x· héi thu
nhá víi −íc m¬ lμ x©y dùng m« h×nh lý t−ëng cho x· héi loμi ng−êi víi c¸c
nguyªn t¾c c«ng b»ng, b×nh ®¼ng, b¸c ¸i. Ngμy nay, cμng ngμy cμng cã nhiÒu
doanh nh©n thùc hμnh x©y dùng m« h×nh doanh nghiÖp víi c¸c gi¸ trÞ, v¨n hãa
tiªn tiÕn, thu hót ®−îc ng−êi lao ®éng coi doanh nghiÖp nh− ng«i nhμ cña
m×nh, thu phôc lßng trung thμnh cña hä, t¹o m«i tr−êng lμnh m¹nh, s¸ng t¹o
cho ng−êi lao ®éng lμm viÖc víi n¨ng suÊt cao.
Thø ba, vai trß chÝnh trÞ cña doanh nh©n.
Vai trß chÝnh trÞ cña doanh nh©n thÓ hiÖn ë hai néi dung chÝnh: a)
doanh nh©n gióp søc cïng víi chÝnh phñ t¹o nªn søc m¹nh quèc gia, gi÷ æn
®Þnh vμ bÒn v÷ng cho thÓ chÕ chÝnh trÞ; b) h×nh thμnh ®éi ngò doanh nh©n nh−
mét bé phËn cÊu thμnh kh«ng thÓ thiÕu trong c¬ cÊu x· héi hiÖn ®¹i, mét lùc
l−îng chÝnh trÞ cã søc m¹nh trong x· héi.
a) Cïng víi chÝnh phñ, nhμ n−íc gi÷ æn ®Þnh vμ tÝnh bÒn v÷ng cho thÓ
chÕ chÝnh trÞ:
Ngμy nay, ®èi víi ng−êi ®øng ®Çu chÝnh phñ, nhμ n−íc, vai trß cña
doanh nghiÖp, doanh nh©n trong viÖc thÓ hiÖn søc m¹nh quèc gia, gi÷ v÷ng thÓ
chÕ chÝnh trÞ cμng ngμy cμng trë nªn râ rμng vμ cÊp thiÕt. C¸c nguyªn thñ quèc
gia khi giao l−u ®èi ngo¹i hoÆc muèn triÓn khai c¸c chiÕn l−îc, kÕ ho¹ch cña
m×nh ®Òu ph¶i sö dông c¸c doanh nh©n, doanh nghiÖp nh− mét lùc l−îng nßng
cèt. §éi ngò doanh nh©n ®−îc chän läc ®i theo c¸c vÞ l·nh ®¹o trong th¨m
viÕng ngo¹i giao th−êng ®¹i diÖn cho c¸c ngμnh träng ®iÓm thùc hiÖn c¸c ý ®å
chÝnh trÞ vμ ®éi ngò nμy hËu thuÉn cho c¸c nhμ chÝnh trÞ trong ®μm ph¸n,

34
qu¶ng b¸ h×nh ¶nh, ký kÕt c¸c v¨n kiÖn chiÕn l−îc hoÆc hiÖp −íc ®èi ngo¹i.
Ngay trong viÖc triÓn khai c¸c chiÕn l−îc kinh tÕ trong n−íc, ®éi ngò doanh
nh©n lμ ®éi ngò tiªn phong, t¹o khëi ®Çu cho c¸c kÕ ho¹ch träng ®iÓm. ë ®©y,
vai trß cña doanh nh©n thÓ hiÖn rÊt râ, hä cÇn sù hç trî, t¹o m«i tr−êng cña
Nhμ n−íc, nh−ng ng−îc l¹i, chÝnh hä l¹i gãp phÇn ®¾c lùc cho nhμ n−íc thùc
hiÖn c¸c kÕ ho¹ch ph¸t triÓn kinh tÕ, nh− James Gibson nhμ kinh tÕ häc MÜ
tõng ®¸nh gi¸ vμ kh¼ng ®Þnh: c¸c doanh nh©n lμ mét lùc l−îng quan träng
nhÊt trong nÒn kinh tÕ. Qua ®ã ®éi ngò c¸c doanh nh©n gãp phÇn gi÷ ®−îc æn
®Þnh x· héi, b¶o vÖ thÓ chÕ chÝnh trÞ.
b) Doanh nh©n h×nh thμnh mét ®éi ngò, mét tÇng líp cã tiÕng nãi ngμy
cμng cã träng l−îng trong c¬ cÊu x· héi.
Trong lý luËn kinh tÕ cæ ®iÓn, nhÊt lμ trong lý luËn kinh tÕ cña C. M¸c
vμ c¸c hËu duÖ cña «ng (ph¸i b¶o thñ), doanh nh©n chÝnh lμ c¸c nhμ t− b¶n vμ
c¸c nhμ qu¶n trÞ lμm thuª bËc cao trung thμnh víi chñ. Hä t¹o thμnh giai cÊp
t− s¶n cã vÞ trÝ thèng trÞ x· héi vμ ®èi lËp lîi Ých víi sè ®«ng lμ giai cÊp c«ng
nh©n.
Ngμy nay, lý luËn vÒ KTTT kh«ng xÐt l¸t c¾t c¬ cÊu giai cÊp theo kiÓu
truyÒn thèng lμ l¸t c¾t chÝnh ®Ó nh×n nhËn cÊu tróc vμ ®éng lùc ph¸t triÓn x·
héi. C¬ cÊu nhãm lîi Ých trë nªn ®−îc coi träng vμ c¸ch tiÕp cËn nμy kh«ng
nh÷ng gióp lý gi¶i b¶n chÊt cña x· héi mμ cßn lý gi¶i ®−îc ®éng lùc vμ xu
h−íng ph¸t triÓn cña x· héi hiÖn ®¹i.
C¸c doanh nh©n lμ nh÷ng ng−êi −u tó vÒ n¨ng lùc, nh©n c¸ch, cã nhiÒu
tμi s¶n vμ søc ¶nh h−ëng cao h¬n c¸c nhãm x· héi kh¸c. §éi ngò doanh nh©n
h×nh thμnh mét tÇng líp cã nh÷ng ®Æc ®iÓm x· héi riªng, cã vÞ thÕ riªng, cã
c¸c quan t©m vμ ®éng lùc hμnh vi riªng. Trong c¬ cÊu x· héi hiÖn ®¹i, doanh
nh©n th−êng ®−îc coi lμ giíi chñ gãp phÇn t¹o nªn c¬ cÊu ba bªn: giíi chñ -
giíi lμm c«ng - nhμ n−íc. Trong quan hÖ ba bªn nμy, doanh nh©n - giíi chñ
kh«ng ph¶i lμ giai cÊp ®èi lËp lîi Ých víi c«ng nh©n mμ lμ giíi cã quan hÖ
céng t¸c víi vai trß hç trî nhau.
Trong cÊu tróc cña x· héi KTTT hiÖn ®¹i, tÇng líp doanh nghiÖp víi t−
c¸ch lμ mét nhãm, mét tÇng líp x· héi, kh«ng bÞ mÊt ®i hoÆc trë thμnh giai cÊp
ph¶n ®éng, mμ hä cã vai trß chÝnh trÞ nh− mét tÇng líp tinh hoa trong lμm kinh
tÕ, kinh doanh, trong viÖc t¹o viÖc lμm cho x· héi, do vËy hä cã uy tÝn ngμy
cμng cao, cã tiÕng nãi cμng ngμy cμng cã träng l−îng trong c¬ cÊu x· héi, nhiÒu
khi hä trë thμnh mét lùc l−îng chÝnh trÞ cã søc m¹nh ®¸ng kÓ. ë nhiÒu n−íc
ph¸t triÓn, c¸c ®¶ng ph¸i chÝnh trÞ th−êng ph¶i dùa trªn søc m¹nh kinh tÕ vμ sù
quyªn gãp tμi chÝnh cña doanh nghiÖp, doanh nh©n ®Ó tranh cö trong c¸c chiÕn

35
dÞch bÇu cö. Khi muèn nãi lªn tiÕng nãi hoÆc thÓ hiÖn quyÒn lùc chÝnh trÞ cña
m×nh, giíi doanh nh©n còng lμ giíi cã tiÕng nãi nÆng ký buéc c¸c thÓ chÕ chÝnh
trÞ ph¶i ®Ó ý vμ c©n nh¾c. NhiÒu nhμ chÝnh trÞ tr−íc khi trë thμnh næi tiÕng vμ cã
quyÒn lùc ®· tõng lμ doanh nh©n thμnh ®¹t.
ë ViÖt Nam, søc m¹nh chÝnh trÞ cña giíi doanh nh©n ch−a ®−îc c«ng
khai thõa nhËn vμ trªn thùc tÕ còng ch−a thÓ hiÖn râ nÐt trªn bÒ næi cña hÖ
thèng chÝnh trÞ. Tuy nhiªn, ngμy cμng nhiÒu doanh nh©n tham gia vμo c¬ cÊu
quyÒn lùc chÝnh trÞ nh− héi ®ång nh©n d©n, Quèc héi, c¸c hiÖp héi... §¶ng céng
s¶n ViÖt Nam còng ®· chÝnh thøc kh«ng cÊm ®¶ng viªn cña m×nh lμm kinh tÕ t−
nh©n vμ ngμy cμng cã nhiÒu doanh nh©n lμ ®¶ng viªn. Xu h−íng nμy tÊt yÕu dÉn
®Õn viÖc kh¼ng ®Þnh quyÒn lùc chÝnh trÞ cña doanh nh©n trong t−¬ng lai. NhiÒu
ng−êi lo ng¹i xu h−íng nμy sÏ dÉn ®Õn nh÷ng hËu qu¶ vÒ chÝnh trÞ nh− diÔn
biÕn hßa b×nh, sù tha hãa cña chÝnh quyÒn, mÊt vai trß l·nh ®¹o cña §¶ng céng
s¶n ViÖt Nam. Theo chóng t«i, xu h−íng kh¼ng ®Þnh quyÒn lùc chÝnh trÞ cña
doanh nh©n lμ xu h−íng mang tÝnh tÊt yÕu vμ tiÕn bé. Doanh nh©n cã vai trß
kinh tÕ rÊt to lín vμ ®· ®−îc §¶ng vμ Nhμ n−íc thõa nhËn, thËm chÝ t«n vinh.
ViÖc hä cã vai trß chÝnh trÞ trong c¬ cÊu x· héi, c¬ cÊu quyÒn lùc chÝnh trÞ cμng
chøng tá thiÖn chÝ vμ ®−êng lèi d©n chñ, cëi më cña §¶ng vμ Nhμ n−íc ta. H¬n
n÷a, doanh nh©n sÏ cã ®ãng gãp tÝch cùc cho sù ph¸t triÓn cña hÖ thèng chÝnh
trÞ nãi riªng vμ toμn bé x· héi nãi chung.
1.1.3. Các tố chất cần có của doanh nhân
Nền KTTT là nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường. Ở đó sản
xuất cái gì, sản xuất như thế nào và sản xuất cho ai đều được quyết định thông
qua thị trường. Cơ chế thị trường là tổng hoà các nhân tố, các quan hệ cơ bản
vận động dưới sự chi phối của các quy luật thị trường trong môi trường cạnh
tranh, nhằm mục tiêu lợi nhuận. Nhân tố cơ bản của cơ chế thị trường là cung
- cầu và giá cả thị trường. Cơ chế thị trường đã đặt người tiêu dùng ở vị trí
hàng đầu và nhà doanh nghiệp (doanh nhân) là nhân vật trung tâm trong hoạt
động thị trường. Nhà doanh nghiệp (doanh nhân) là một nhân tố sống động
của cơ chế thị trường. Doanh nhân không đứng ngoài cơ chế thị trường.
Không có doanh nhân thì không có cơ chế thị trường.
Doanh nhân là đội ngũ lãnh đạo, điều hành doanh nghiệp, thuộc tầng
lớp bậc cao của xã hội cả về tài năng, sứ mệnh. Tương xứng với tài năng và
sứ mệnh đó, doanh nhân phải có đạo đức cá nhân và đạo đức nghề nghiệp
tương xứng. Giống như các nghề khác, người có thứ bậc cao trong nghề
nghiệp cần có đạo đức nghề nghiệp và đạo đức cá nhân tương xứng. Ví dụ
người thầy bậc cao là các giáo sư, nhà giáo nhân dân chắc chắn phải là người

36
có đạo đức nghề nghiệp và đạo đức cá nhân tương xứng với danh hiệu cao
quý về nghề nghiệp. Hoặc các nghề thủ công kỹ nghệ có đội ngũ nghệ nhân
đòi hỏi người mang danh hiệu phải có đạo đức tương xứng. Doanh nhân chính
là đội ngũ bậc cao trong nghề kinh doanh cũng đòi hỏi đạo đức cá nhân và
đạo đức nghề nghiệp của doanh nhân.
Có người khái quát rằng, doanh nhân là có tài kinh doanh (kiếm tiền
giỏi) và gắn với có tài là phải có tâm (làm từ thiện và giải quyết phân phối thu
nhập theo chữ Tâm của đạo đức)7.
Doanh nhân là người tạo lập thị trường nên doanh nhân nào chỉ biết chạy
theo thị trường, làm những gì mọi người đã biết chắc chắn sẽ đi đến thất bại, bị
loại khỏi cuộc chơi. Trong khi đó, doanh nhân nào có óc sáng tạo, tiên đoán thị
trường, có năng lực định hướng, dẫn dắt thị trường sẽ gặt hái thành công và trở
nên có uy tín, có quyền lực thị trường.
Trong cơ chế thị trường, để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ và những
mục tiêu cơ bản trong sản xuất kinh doanh, đòi hỏi các doanh nhân phải là một
nhà kinh doanh có kiến thức sâu rộng về công nghệ sản xuất, về kinh tế, tổ
chức, về pháp luật và nghệ thuật kinh doanh. Muốn thành công trong sản xuất,
kinh doanh, theo chúng tôi, doanh nhân cần có các tố chất sau đây:
Thứ nhất, điều cơ bản đầu tiên phải có là tính cần cù, chịu khó, giữ
nguyên tắc, nhân hậu và liêm khiết… Chỉ có như vậy mới nâng cao được uy
tín của doanh nhân. Uy tín của doanh nhân được hình thành và vun đắp trong
hoạt động thực tiễn sản xuất, kinh doanh, nó là kết quả tổng hợp của nhiều
yếu tố: cách ứng xử, đạo đức, lối sống, quan hệ con người, cách giải quyết
công việc… Uy tín của doanh nhân là tài sản vô hình vô giá, nó tạo lợi thế
trong cạnh tranh. Khi một doanh nhân có uy tín thì mọi ý kiến, mệnh lệnh, chỉ
thị… của ông ta sẽ được cấp dưới tin tưởng, đem hết nhiệt tình và khả năng
để thực thi nhiệm vụ.
Thứ hai, phải vừa có kiến thức chuyên sâu, vừa có kiến thức toàn diện.
Kinh doanh là lĩnh vực đầy rủi ro và mạo hiểm, nếu thiếu kiến thức sẽ có thể
dẫn đến hành động liều lĩnh, mù quáng để rồi đi đến chỗ phá sản, hoặc đưa sự
nghiệp kinh doanh vào con đường cụt. Do đó, doanh nhân phải là người hiểu
biết rộng, thông thạo nghiệp vụ, chuyên môn một cách khái quát, “nhà kinh
doanh = giỏi chuyên môn + hiểu rộng”. Đồng thời, biết cách sử dụng những
người thông minh, có khả năng hơn mình trong hoạt động sản xuất kinh

7
Nguyễn Trần Bạt (2006), Trạng thái của doanh nhân, Doanh nhân 23-1-2006.

37
doanh và có ý thức đào tạo cán bộ trong công tác chuyên môn, nghiệp vụ.
Doanh nhân không phải là người giỏi nhất trên tất cả lĩnh vực tài chính, kinh
tế, luật pháp, công nghệ, tổ chức… Vì thế, điều quan trọng là doanh nhân phải
biết thu hút và sử dụng các chuyên gia, những người có tài trên các lĩnh vực đó.
Thứ ba, có nhạy cảm trong kinh doanh. Nhạy cảm trong kinh doanh là
khả năng cảm nhận tương đối chính xác một cơ hội kinh doanh về một, một
số, hoặc tất cả các mặt như lợi nhuận, chiếm lĩnh thị trường, tạo thị trường
mới, phương thức tiếp thị mới,.. Một cơ hội kinh doanh thực sự là cơ hội có
thể tạo ra cho doanh nhân một hay một số ưu thế nào đó để họ có thể cạnh
tranh với những doanh nghiệp khác. Những cơ hội có thể là những phát triển
mới về phương thức cung cấp dịch vụ, cải tiến sản phẩm, giảm giá,..
Những cơ hội mà doanh nhân có thể nắm bắt được xuất phát từ những
thông tin thị trường. Việc nắm bắt nhanh chóng và chính xác các thông tin về
kỹ thuật mới, thị trường mới và nhu cầu mới sẽ giúp doanh nghiệp thành công
trong kinh doanh. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây là thông tin này còn ở dưới
dạng thông tin chưa đầy đủ và đòi hỏi các doanh nhân một khả năng cảm
nhận tốt, một đức tính sáng tạo và khả năng chấp nhận mạo hiểm.
Ngoài việc nhạy cảm về các thông tin thị trường, một doanh nhân thành
đạt đòi hỏi phải có khả năng cảm nhận về những rủi ro để có chiến lược đối
phó. Nếu không có năng lực này, doanh nhân khó có thể tránh được những
thiệt hại về vật chất lẫn tinh thần cho cá nhân và cho doanh nghiệp.
Thứ tư, có lòng say mê kinh doanh. Lòng say mê kinh doanh là hứng
thú đối với những hoạt động kinh doanh; đó là những tâm tư, tình cảm kích
thích con người tham gia kinh doanh. Lòng say mê kinh doanh còn được hiểu
theo một cách dân dã, nôm na là có "máu" kinh doanh. Doanh nhân là người
xác định nghề nghiêp cuộc đời là hoạt động kinh doanh. Vì thế ngay cả khi
chưa trở thành doanh nhân, những người này luôn tìm hiểu, lắng nghe, trao
đổi về các hoạt động kinh doanh nói chung hay một lãnh vực kinh doanh nói
riêng. Ở họ, thời gian và sức lực được tập trung vào hoạt động kinh doanh. Họ
cảm thấy niềm vui và sự thỏa mãn khi hoạt động kinh doanh.
Thứ năm, có đầu óc kinh doanh. Có “máu” hay lòng say mê không thôi,
chưa đủ. Nhà kinh doanh phải có đầu óc kinh doanh. Người có đầu óc kinh
doanh trước hết là người luôn hướng suy nghĩ của mình về hoạt động kinh
doanh, luôn tìm hiểu ý nghĩa của các hiện tượng, xem xét các vấn đề trên khía
cạnh kinh doanh. Không quá lời khi nói rằng trong cùng một cuộc nói chuyện
phiếm, nhiều người nghe thông tin từ người khác như việc giải trí, có người

38
nghe tai này qua tai khác, có người nghe vì lịch sự nhưng chẳng để tâm, nhà
kinh doanh nghe thông tin dưới giác độ kinh tế, phát hiện ra ngay những
thông tin rời rạc ấy mang lại cho mình cơ hội đầu tư nào?.
Lòng say mê kinh doanh là tình cảm đối với hoạt động kinh doanh,
ngược lại, đặc tính có đầu óc kinh doanh thể hiện thông qua việc suy nghĩ và
giải quyết các vấn đề dựa trên lý trí có tính toán lợi ích, cân nhắc thiệt hơn
một cách thận trọng và nhanh chóng. Họ thường không bỏ lỡ cơ hội kinh
doanh khi nó vừa xuất hiện hay chưa bộc lộ rõ. Họ thường không mắc những
sai lầm mang tính "hiển nhiên" trong kinh doanh.
Yếu tố đầu óc kinh doanh tạo nên sự khác biệt giữa doanh nhân và
người khác. Nhờ yếu tố này mà các doanh nhân nhận thức các vấn đề kinh
doanh một cách nhanh chóng và sâu sắc. Ðây cũng là cơ sở mà lòng tự tin,
tính chấp nhận rủi ro, tính độc lập tự chủ của doanh nhân được bộc lộ một
cách có hiệu quả.
Thứ sáu, phải là người rất nhạy bén, biết người biết ta, biết cách lãnh
đạo, có tính quyết đoán và dám chịu trách nhiệm. Điều này đòi hỏi nhà kinh
doanh phải hết sức tỉnh táo nhanh nhạy, nắm lấy thời cơ, đồng thời phải có
tinh thần kiên quyết thực hiện mục tiêu đã định, biết nghệ thuật lãnh đạo và
có tài tổ chức quản lý. Điều đó, đòi hỏi doanh nhân phải có quan hệ rộng rãi
với công nhân, viên chức và người lao động trong doanh nghiệp, phải hiểu
biết họ và bổ nhiệm họ vào những vị trí thích hợp. Doanh nhân với tư cách
người dẫn dắt cộng đồng, người quản lý, nhà lãnh đạo là người xác định mục
tiêu và biết đạt mục tiêu thông qua cộng sự và cộng đồng dưới quyền. Đồng
thời, phải biết phân tích, dự báo các khả năng có thể xảy ra trong quá trình
kinh doanh. Và phải có quan hệ ngoại giao rộng mở và đúng đắn.
Thứ bẩy, dám chấp nhận rủi ro, mạo hiểm nhưng tự tin. Nhà tỷ phú
người Nhật Konosuke Matsushita đã nói ý: Nếu ta tin vào những nguyên tắc
vững chắc đến mức ta sẵn sàng biến chúng thành một bộ phận của con người
ta thì không có vấn đề khó khăn nào mà ta không thể đương đầu và vượt qua.
Cứ nghĩ tới thành công rồi ta sẽ mặc nhiên tạo ra những hoàn cảnh và những
cuộc vận động dẫn tới thành công. Doanh nhân hay chủ doanh nghiệp thường
là người làm chủ và chịu trách nhiệm trước mọi thành công hay thất bại của
doanh nghiệp. Vai trò này không cho phép họ dựa dẫm vào bất cứ ai, ngay cả
những người thân cận hay những cố vấn của mình. Ðiều này đòi hỏi Doanh
nhân phải thể hiện tính độc lập trong suy nghĩ, sự dũng cảm và lòng kiên
quyết trước các vấn đề đặt ra. Trong kinh doanh, sự thành công hay thất bại bị

39
ảnh hưởng nhiều từ các yếu tố bên ngoài. Vì vậy, họ phải hành động nhanh
chóng, chớp lấy thời cơ và đặc biệt là không do dự.
Thứ tám, phải là người có tinh thần sáng tạo, nhưng thực tế, thích ứng
với môi trường, hoàn cảnh, luôn luôn tôn trọng quy luật khách quan, tôn
trọng và chấp hành tốt các pháp luật của Nhà nước. Trong cơ chế thị trường
và hội nhập kinh tế quốc tế, cạnh tranh ngày càng gay gắt, có nhiều rủi ro
trong kinh doanh… đòi hỏi nhà doanh nghiệp phải năng động hơn, am hiểu
thời thế, biết đưa ra những quyết định kinh doanh kịp thời, xử lý tình huống
thông minh, khoa học. Điều đó khác hẳn với sự võ đoán, áp đặt ý chí chủ
quan, gió chiều nào che chiều ấy. Điều đó cũng khác với "luồn lách", kinh
doanh "chụp giật", càng khác xa với các hoạt động phi pháp; đầu cơ; làm
hàng giả, hàng nhái nhãn, mác, kinh doanh trái phép, trốn lậu thuế…
Thứ chín, phải là người có trách nhiệm quốc gia, có tinh thần dân tộc
và chủ động, tích cực, sáng tạo trong tổ chức sử dụng nguồn lực. Vai trò chủ
động, tích cực của doanh nhân trong tái phân bổ nguồn lực quốc gia lại càng
đặt ra những yêu cầu nặng nề đối với doanh nhân và đội ngũ doanh nhân nói
chung. Doanh nhân phải là người có trách nhiệm quốc gia, có tinh thần dân
tộc để không những khẳng định năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp mà còn
biết đặt doanh nghiệp của mình trong lợi ích quốc gia, góp phần tích cực
trong tạo lập, khẳng định năng lực cạnh tranh của ngành và năng lực cạnh
tranh quốc gia. Vai trò chủ động, tích cực, sáng tạo trong tổ chức sử dụng
nguồn lực đặt ra những yêu cầu khắt khe đối với doanh nhân. Doanh nhân
không những phải là nhà tổ chức với óc sáng tạo, năng động mà còn là người
lãnh đạo, biết lắng nghe cấp dưới, biết sáng tạo và khẳng định các giá trị và
văn hóa của doanh nghiệp, làm yếu tố cơ bản gắn kết và lôi cuốn người lao
động giỏi cống hiến cho doanh nghiệp.
Tóm lại: Doanh nhân phải là những người có đức, có tài, có gan làm
giàu cho đất nước và cho bản thân, có trí thông minh sáng tạo. Họ phải biết
tìm tòi học hỏi kinh nghiệm của các doanh nhân trong nước và thế giới.
Doanh nhân Việt Nam phải phấn đấu vươn lên để đạt được các tố chất nói
trên, đồng thời phải nhanh chóng vươn lên đạt tầm cỡ doanh nhân thế giới. Để
đứng vững trên thương trường, doanh nhân phải luôn luôn sáng tạo, đổi mới
trong công việc kinh doanh, có bản lĩnh vững vàng và quyết tâm cao độ…
Doanh nhân cần phải luôn phấn đấu, rèn luyện cả đức, tài để trở thành doanh
nhân thực thụ.

40
1.1.4. Các yếu tố tác động đến sự hình thành và phát triển các tố chất và
kỹ năng của doanh nhân
Nhiều yếu tố tác động tới sự hình thành và phát triển các tố chất và kỹ năng
của doanh nhân. Từ lý thuyết và thực tiễn có thể khái quát các yếu tố gồm:
Một, Các yếu tố về xã hội, tâm lý
Một xã hội với tâm lý tôn trọng, vinh danh đội ngũ doanh nhân sẽ là
môi trường lành mạnh thúc đẩy sự ra đời, phát triển các doanh nhân. Mặt
khác, môi trường xã hội tâm lý đó luôn là động lực khích lệ doanh nhân vươn
lên trở thành nhà kinh doanh tài năng, có phẩm chất, kỹ năng đáp ứng đòi hỏi
của kinh doanh hiện đại, hiệu quả.
Điều đó có thể thấy rất rõ về mặt thực tiễn, đó là các nhà kinh doanh
thành đạt, có các tố chất đặc trưng, kỹ năng thành thạo trong kinh doanh đều
xuất hiện trong nền kinh tế thị trường, có môi trường xã hội và tâm lý trọng
thị đối với doanh nhân.
Hai, Có môi trường cạnh tranh lành mạnh. Cạnh tranh, một mặt đòi
hỏi, thúc đẩy doanh nhân phải không ngừng vươn lên, không ngừng rèn luyện
để có đuợc tố chất, kỹ năng tiêu biểu cho doanh nhân, mặt khác, cạnh tranh là
môi trường chọn lọc để phát triển đội ngũ doanh nhân có tố chất, kỹ năng cần
thiết, phù hợp với hoạt động kinh doanh của thị trường.
Ba, Môi trường pháp lý, thể chế, chính sách phát triển kinh tế của mỗi
quốc gia. Nó tạo điều kiện cho sự phát triển doanh nhân, mở đường dẫn dắt,
định hướng sự phát triển đội ngũ doanh nhân, đồng thời đòi hỏi họ phải có tố
chất, kỹ năng cần thiết của doanh nhân. Như ở Việt Nam, môi trường thể chế
cũ thời mệnh lệnh hành chính, tập trung, quan liêu, bao cấp không cần và
không có đội ngũ doanh nhân đúng nghĩa. Chuyển sang kinh tế thị trường với
môi trường thị trường, cạnh tranh và kinh doanh, không những cần mà còn có
điều kiện cho sự ra đời của đội ngũ doanh nhân với những tố chất, kỹ năng,
phẩm chất phù hợp với đòi hỏi của thị trường.
Bốn, Mở cửa, hội nhập, toàn cầu hoá kinh tế là một trong số nhân tố
tác động tới sự hình thành, sự phát triển các tố chất, kỹ năng của doanh nhân
nói chung, doanh nhân Việt Nam nói riêng.
Mở cửa, hội nhập vừa là đòi hỏi, vừa là tiền đề cho sự hình thành, phát
triển tố chất, kỹ năng của doanh nhân. Đó là sự thay đổi căn bản phương thức
kinh doanh, chuyển sang kinh doanh trong nền kinh tế hiện đại với phương
thức quản trị hiện đại, khai thác và sử dụng công nghệ hiện đại trong kinh
doanh, đã và đang đòi hỏi ở đội ngũ doanh nhân những tố chất và kỹ năng

41
mới, như đạo đức kinh doanh chân chính, năng lực xử lý tình huống phải
nhanh nhạy, tháo vát, kỹ năng sử dụng nhân lực có trình độ cao và các chuyên
gia giỏi phục vụ mục tiêu kinh doanh, kỹ năng giao tiếp với các nhà kinh
doanh quốc tế,...
Năm, Truyền thống kinh doanh của một dân tộc, một quốc gia. Một
quốc gia có truyền thống kinh doanh lâu đời, kinh nghiệm tích luỹ sẽ là yếu tố
quí báu, giúp hình thành, phát triển các tố chất, kỹ năng đội ngũ doanh nhân.
Thực tế cho thấy, ở những quốc gia phát triển, có bề dày kinh doanh, uy
tín và thương hiệu nổi tiếng về hàng hoá, sản phẩm thường có đội ngũ, các
doanh nhân thành đạt, tiếng tăm lẫy lừng thế giới, chẳng hạn các doanh nhân
Nhật Bản, Hoa Kỳ, Pháp...
Điều này, nói lên rằng doanh nhân Việt Nam muốn phát triển về lượng,
muốn nâng cao về chất, có những tố chất, kỹ năng tương xứng như các doanh
nhân ở các quốc gia phát triển thì không thể một sớm một chiều, mà phải là một
quá trình tích luỹ kinh nghiệm lâu dài, kế thừa và phát triển qua nhiều thế hệ.
Ngoài những yếu tố chủ yếu trên, còn có thể có nhiều yếu tố khác cả về
kinh tế, kỹ thuật công nghệ, cơ sở hạ tầng, môi trường văn hoá,...tác động tới sự
hình thành và phát triển các tố chất và kỹ năng cần thiết của đội ngũ doanh nhân.
Ở Việt Nam, để có đội ngũ doanh nhân với các tố chất và kỹ năng cần
thiết, phù hợp với cơ chế thị trường, còn phải giải quyết nhiều vấn đề, từ kinh
tế, chính trị, xã hội, đến kỹ thuật công nghệ, môi trường pháp lý, tâm lý, văn
hoá,...mới có thể có được đội ngũ doanh nhân xứng tầm đất nước, sánh vai
được với các doanh nhân khu vực và thế giới.
1.2. CÁC TIÊU CHÍ, TIÊU CHUẨN PHÂN LOẠI VÀ PHƯƠNG PHÁP
ĐÁNH GIÁ ĐỘI NGŨ DOANH NHÂN VIỆT NAM
1.2.1. Các tiêu chí và tiêu chuẩn phân loại doanh nhân
Ai có thể trở thành một doanh nhân? Không có một câu trả lời đúng
nào cho câu hỏi duy nhất này. Một doanh nhân thành đạt có thể xuất hiện ở
bất kỳ độ tuổi, mức độ thu nhập, giới tính và chủng tộc nào. Họ khác nhau về
học vấn và kinh nghiệm. Theo phương pháp tiếp cận đa chiều, thực tế cho
thấy, cũng như các tố chất cần thiết đối với doanh nhân, hầu hết các doanh
nhân thành đạt đều có những phẩm chất cá nhân nhất định, đó là tính sáng
tạo; tính chăm chỉ; lòng quyết tâm; tính linh hoạt; khả năng lãnh đạo; lòng say
mê; tính tự tin; sự thông minh.
- Tính sáng tạo: là tia lửa tạo ra sự phát triển đối với các sản phẩm và
dịch vụ mới hoặc đưa tới các phương thức kinh doanh. Đây chính là động lực

42
của sự cải tiến và đổi mới. Nó khiến người ta không ngừng học tập, suy nghĩ
sáng tạo ngoài những gì đã được tạo ra.
- Tính chăm chỉ: là điều khiến nhà doanh nhân làm việc cần mẫn, 12
giờ/ngày hoặc nhiều hơn, thậm chí làm việc cả 7 ngày trong tuần, đặc biệt là
từ khi khởi đầu đến khi hết sức lực của một ngày làm việc. Việc lập kế hoạch
và các ý tưởng phải được tập trung cao độ nhằm đạt kết quả. Sự chăm chỉ
khiến người ta đạt được điều này.
- Lòng quyết tâm: là mong muốn khát khao mạnh mẽ để đạt được thành
công. Nó bao gồm sự kiên trì và khả năng đứng vững để vượt qua những lúc
sóng gió. Nó khiến các nhà doanh nhân có thể gọi cuộc điện thoại thứ mười
sau khi đã gọi chín cuộc điện thoại trước đó mà không có kết quả gì. Đối với
một doanh nhân đích thực, tiền không phải là động lực. Sự thành công mới
chính là động lực, tiền là phần thưởng mà thôi.
- Tính linh hoạt: là khả năng chuyển biến nhanh thích ứng với sự thay
đổi nhu cầu của thị trường. Nó là khả năng giữ cho những mơ ước không bị
trở nên viển vông trong khi luôn ghi nhớ những thực tiễn trên thị trường. Có
một câu chuyện về một nhà doanh nhân khởi nghiệp bằng một cửa hiệu rất
sang trọng chỉ để bán bánh ngọt Pháp. Nhưng khách hàng cũng muốn mua cả
bánh xốp nữa. Để tránh việc số khách hàng này rời bỏ cửa hàng mình, nhà
doanh nhân này đã thay đổi cách nhìn của mình bằng cách đáp ứng luôn cả
nhu cầu về bánh xốp của khách hàng, níu kéo lượng khách hàng này.
- Khả năng lãnh đạo: là khả năng tạo ra những quy tắc và thiết lập
những mục tiêu. Nó cũng chính là khả năng đảm bảo rằng những quy tắc
được tuân thủ và các mục tiêu sẽ đạt được thông qua cộng đồng dưới quyền.
- Lòng say mê: là điều khiến cho nhà doanh nhân khởi đầu và giữ họ ở
đó. Lòng say mê tạo cho các doanh nhân khả năng thuyết phục người khác tin
vào những gì họ diễn đạt. Nó không thể thay thế cho việc lập kế hoạch, nhưng
nó giúp họ tập trung và khiến người khác chú ý đến kế hoạch mà doanh nhân
đó đề ra.
- Tính tự tin: có được từ kế hoạch chu đáo, điều đó giúp loại trừ được
những rủi ro không lường trước. Tính tự tin có được từ sự tinh thông chuyên
môn. Tự tin giúp nhà doanh nhân có được khả năng lắng nghe mà không bị
dao động một cách dễ dàng hoặc cảm thấy sợ hãi.
- Sự thông minh: thường được hiểu gồm cả tư duy logíc kết hợp với
hiểu biết hoặc kinh nghiệm trong một lĩnh vực hoặc nỗ lực kinh doanh có liên
quan. Tư duy lôgíc đem lại cho người ta một bản năng tốt, còn hiểu biết và

43
kinh nghiệm đem lại sự tinh thông nghề nghiệp. Nhiều người có trí thông
minh nhưng chính họ cũng không nhận ra. Một người thành công trong quản
lý ngân sách gia đình thường có kỹ năng tài chính và kỹ năng tổ chức. Kinh
nghiệm trong cuộc sống, trong lao động và trong giáo dục là các yếu tố cấu
thành nên “sự thông minh”.
Bất kỳ một nhà doanh nhân nào cũng đều có các phẩm chất nêu trên
theo mỗi mức độ khác nhau. Nhưng điều gì xảy ra nếu một người được coi là
doanh nhân lại thiếu một hoặc một số trong các phẩm chất này? Nhiều kỹ
năng có thể có được do học hành. Hoặc doanh nhân có thể thuê những người
có các phẩm chất mà chính họ đang thiếu. Từ đó có thể thấy, doanh nhân bao
gồm nhiều loại với những đặc điểm, yêu cầu, kĩ năng... khác nhau, vì vậy cần
phân loại để xây dựng, đào tạo, phát triển đúng "sở trường, sở đoản", từ đó
nâng cao hiệu quả kinh doanh.
Ở các nền kinh tế phát triển, hoạt động đánh giá xếp hạng luôn được
giới doanh nhân, doanh nghiệp, công chúng tiêu dùng quan tâm đặc biệt. Tiêu
chí để phân loại và đánh giá doanh nhân ở nước ta có thể dựa trên tiêu chí
định lượng và định tính để xác định. Tùy theo tiêu chí, mục đích phân loại, đội
ngũ doanh nhân có thể được phân chia theo tính chất và biểu hiện kết quả hoạt
động kinh doanh của họ như: ngành nghề, lĩnh vực hoạt động; quy mô sản xuất
- kinh doanh; giới tính, tuổi tác; vốn điều lệ; thị phần; nộp ngân sách nhà nước
hằng năm; số lượng người lao động; chính sách trả lương, đãi ngộ, giáo dục -
đào tạo, quan hệ với người lao động, thương hiệu của doanh nghiệp, thực hiện
trách nhiệm xã hội, hoạt động tình nghĩa, mức độ ảnh hưởng của doanh nhân
đối với xã hội... Chúng ta có thể phối hợp các tiêu chí trên để nhận diện doanh
nhân.
Tiêu chí định tính được xây dựng dựa trên các phẩm chất cơ bản của
các doanh nhân. Các tiêu chí này có ưu thế là phản ánh đúng bản chất của vấn
đề nhưng trên thực tế thường khó xác định. Do đó, chúng chỉ được sử dụng để
tham khảo, kiểm chứng mà ít được sử dụng để phân loại doanh nhân.
Tiêu chí định lượng được xây dựng dựa trên các chỉ tiêu như số lượng
lao động, tổng giá trị tài sản (hay tổng vốn), doanh thu hoặc lợi nhuận của
doanh nghiệp. Số lao động có thể là số lao động trung bình trong danh sách
hoặc số lao động thường xuyên thực tế của doanh nghiệp. Tài sản hoặc vốn có
thể bao gồm tổng giá trị tài sản (hay vốn) cố định hoặc giá trị tài sản (hay
vốn) còn lại của doanh nghiệp. Các tiêu chí định lượng đóng vai trò hết sức
quan trọng trong việc phân loại và đánh giá doanh nhân.

44
Ở Việt Nam, cho đến nay vẫn chưa có một văn bản pháp quy chính
thức nào quy định về tiêu chí phân loại và đánh giá doanh nhân. Do đó, mỗi
một tổ chức đưa ra một quan niệm khác nhau về doanh nhân nhằm định
hướng mục tiêu và đối tượng hỗ trợ hoạt động của tổ chức mình.
Các tiêu chí thường được sử dụng để phân loại và đánh giá doanh nhân
đó là tiêu chí lao động bình quân hàng năm và vốn đăng ký kinh doanh. Tuy
nhiên việc dùng hai tiêu chí này còn quá chung chung. Lao động bình quân ở
đây cần làm rõ là lao động thường xuyên, hay bao gồm cả lao động thời vụ;
gồm những lao động thực tế của doanh nghiệp hay chỉ gồm những lao động
ký hợp đồng và có đóng bảo hiểm? Theo chúng tôi nên sử dụng chỉ tiêu lao
động nên dựa vào số lao động làm việc thường xuyên hay số lao động làm
việc từ 1 năm trở lên.
Yếu tố vốn đăng ký cũng cần xem xét. Thực tế cho thấy số vốn đăng ký
của các doanh nghiệp khi thành lập doanh nghiệp khác xa so với số vốn
thực tế đưa vào kinh doanh. Số lượng lao động của các doanh nghiệp thay
đổi hàng năm tuỳ thuộc vào kết quả kinh doanh của từng doanh nghiệp. Trong
khi đó, vốn đăng ký của các doanh nghiệp là cố định khi đăng ký kinh doanh
và thực tế số doanh nghiệp thay đổi vốn đăng ký là không nhiều và không
thường xuyên. Do đó, nên lấy chỉ tiêu doanh số để đánh giá thực trạng hoạt
động kinh doanh của các doanh nghiệp. Chỉ tiêu doanh số hàng năm của các
doanh nghiệp sẽ phản ánh chính xác hơn quy mô của doanh nghiệp trong từng
giai đoạn thay vì tiêu chí vốn đăng ký. Việc sử dụng cả hai tiêu chí lao động
và vốn/doanh thu sẽ khuyến khích các doanh nhân vừa sử dụng nhiều lao
động lại vừa tập trung tích tụ vốn để phát triển.
Tuy nhiên, nếu chỉ dựa trên những chỉ tiêu để đánh giá như: doanh thu,
tài sản, tốc độ tăng trưởng, lợi nhuận và số lao động thì vẫn gặp nhiều hạn chế
như: tài sản của các doanh nghiệp Nhà nước rất khó xác định và thường
không tính đủ (vấn đề về sở hữu đất đai, vấn đề cấp phát vốn của Nhà nước,
vấn đề công nợ của các doanh nghiệp nhà nước…) hoặc sự mất cân bằng giữa
lao động trong các ngành như dệt - may và tài chính - ngân hàng… Đồng thời
cả sự hạn chế về hệ thống cơ sở dữ liệu, sự không thống nhất trong mô hình
quản lý hạch toán của các tổng công ty Nhà nước và các đơn vị thành viên.
Bên cạnh đó, nền kinh tế của Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển đổi, do
vậy sẽ gây khó khăn cho việc xác định mô hình sở hữu cũng như tổng hợp dữ
liệu. Về tổng thể, vẫn có thể đưa ra bức tranh tổng quát về phân loại và đánh
giá doanh nhân tuy nhiên kết quả đưa ra sẽ có nhiều sai lệch.

45
GÇn ®©y, Ng©n hμng ch©u ¸ cã ®−a ra 10 tiªu chÝ vÒ doanh nh©n ch©u
¸. C¸c tiªu chÝ nμy lμ rÊt cÇn thiÕt, chóng ta cã thÓ tham kh¶o ®Ó x©y dùng c¸c
ch−¬ng tr×nh ®μo t¹o vμ ®¸nh gi¸ ®éi ngò doanh nh©n ë n−íc ta. TÊt nhiªn, thÞ
tr−êng vÉn lμ n¬i sμng läc vμ ®¸nh gi¸ ®óng ®¾n nhÊt nh÷ng doanh nh©n thùc
sù cã ®øc, cã tμi vμ møc ®é ®ãng gãp c«ng søc, tiÒn cña cho céng ®ång x· héi,
®Êt n−íc.
Qua nghiªn cøu, phï hîp víi chiÕn l−îc quèc gia vÒ ph¸t triÓn hÖ thèng
doanh nghiÖp ViÖt Nam nh− §¹i héi X cña §¶ng ®· x¸c ®Þnh, theo chóng t«i,
cÇn sím x©y dùng tiªu chÝ, tiªu chuÈn vÒ ®éi ngò doanh nh©n n−íc ta nãi
chung cho c¸c lo¹i h×nh doanh nghiÖp (trõ doanh nghiÖp n−íc ngoμi së h÷u
100% vèn hoÆc 51% vèn trë lªn).
Trong ng¾n h¹n hoÆc tr−íc m¾t, ph©n lo¹i doanh nh©n g¾n víi doanh
nghiÖp theo c¸c tiªu chÝ víi tiªu chuÈn sau:
¾ Theo ngμnh, nghÒ, lÜnh vùc: Víi tiªu chÝ nμy, nhμ n−íc cã thÓ cã chÝnh
s¸ch khuyÕn khÝch doanh nh©n, thμnh lËp doanh nghiÖp thuéc lÜnh vùc ngμnh,
nghÒ mμ nhμ n−íc cÇn ph¸t triÓn, nh− c¸c doanh nghiÖp thu hót nhiÒu lao
®éng, gi¶m tØ lÖ thÊt nghiÖp trong nÒn kinh tÕ, hoÆc doanh nghiÖp khai th¸c lîi
thÕ n«ng, l©m, thuû s¶n cña ®Êt n−íc,...Phï hîp víi xu thÕ ph¸t triÓn dÞch vô,
nhμ n−íc t¹o c¬ héi vμ cã chÝnh s¸ch khuyÕn khÝch doanh nh©n ph¸t triÓn c¸c
doanh nghiÖp cung cÊp dÞch vô cho nÒn kinh tÕ, cho ®êi sèng x· héi, cho gi¸o
dôc, y tÕ,...
¾ Theo quy m« doanh nghiÖp: ë n−íc ta hiÖn nay, nhÊt lμ c¸c ®Þa ph−¬ng
tØnh, thμnh phè, ph¸t triÓn doanh nghiÖp võa vμ nhá lμ phï hîp víi xu h−íng
phæ biÕn cña c¸c nÒn kinh tÕ trªn thÕ giíi. Lo¹i h×nh nμy võa phï hîp víi n¨ng
lùc qu¶n lý cña ®éi ngò doanh nh©n míi h×nh thμnh ë n−íc ta theo yªu cÇu
cña kinh tÕ thÞ tr−êng, võa thu hót nhiÒu lao ®éng trong ®iÒu kiÖn lùc l−îng
lao ®éng ViÖt Nam lín vÒ sè l−îng, nh−ng chÊt l−îng ch−a cao. Cïng víi sù
ph¸t triÓn doanh nghiÖp võa vμ nhá, mét sè doanh nghiÖp lín cña ®Êt n−íc víi
nh÷ng doanh nh©n tiªu biÓu, cã n¨ng lùc qu¶n trÞ, ®iÒu hμnh sÏ lμ ®Çu tμu dÉn
d¾t ®éi ngò doanh nh©n n−íc ta ph¸t triÓn, ®i lªn.
¾ Theo tr×nh ®é c«ng nghÖ s¶n xuÊt: Trong nÒn kinh tÕ thÞ tr−êng ViÖt
Nam, sÏ cã nh÷ng doanh nghiÖp ®¹t tr×nh ®é s¶n xuÊt tù ®éng ho¸, c¬ khÝ ho¸,
b¸n c¬ khÝ ho¸, còng cã doanh nghiÖp s¶n xuÊt ë tr×nh ®é thñ c«ng. T−¬ng
øng víi tr×nh ®é ph¸t triÓn cña doanh nghiÖp lμ ®éi ngò doanh nh©n ®iÒu hμnh
doanh nghiÖp ®ã. Theo tiªu chÝ nμy, víi møc ®é vμ tiªu chuÈn c«ng nghÖ mμ
doanh nghiÖp ®¹t ®−îc, sÏ cã ®éi ngò doanh nh©n ph¶n ¸nh ®−îc tr×nh ®é cña
nÒn kinh tÕ.

46
Theo tr×nh ®é c«ng nghÖ s¶n xuÊt, víi c«ng nghÖ míi, hiÖn ®¹i sÏ cã
s¶n phÈm míi, kh¶ n¨ng ph¸t triÓn thÞ tr−êng kh«ng chØ trong n−íc mμ cßn
chiÕm lÜnh thÞ tr−êng thÕ giíi th«ng qua xuÊt khÈu s¶n phÈm. Nh÷ng doanh
nh©n cña doanh nghiÖp cã c«ng nghÖ hiÖn ®¹i, cã kh¶ n¨ng vμ tr×nh ®é qu¶n
trÞ hiÖn ®¹i ph¶n ¶nh xu h−íng ph¸t triÓn cña mçi quèc gia trªn thÞ tr−êng thÕ
giíi. V× vËy tr×nh ®é c«ng nghÖ cña hÖ thèng doanh nghiÖp thùc sù lμ mét
trong sè tiªu chÝ ph©n lo¹i, ®¸nh gi¸ vÒ doanh nh©n.
Ngoμi tiªu chÝ, tiªu chuÈn thuéc gãc ®é tæ chøc doanh nghiÖp, mét sè
kÕt qu¶ ho¹t ®éng s¶n xuÊt kinh doanh cña doanh nghiÖp ®−îc coi lμ tiªu chÝ,
tiªu chuÈn quan träng trong ph©n lo¹i, trong ®¸nh gi¸ ®éi ngò doanh nh©n cña
n−íc ta. §ã lμ:
¾ Lîi nhuËn cña doanh nghiÖp: lμ mét trong tiªu chÝ ®o l−êng n¨ng lùc
mçi doanh nh©n. Mét sè doanh nh©n thμnh ®¹t, næi tiÕng thÕ giíi ®· cho r»ng
Gi¸m ®èc: ng−êi lμm ra lîi nhuËn. TÊt c¶ sÏ trë nªn v« nghÜa nÕu gi¸m
®èc_nhμ doanh nh©n_sö dông c¸c nguån lùc cña x· héi l¹i kh«ng lμm ra lîi
nhuËn, v× lîi nhuËn lμ tiÒn ®Ò tån t¹i vμ ph¸t triÓn cña doanh nghiÖp, lîi nhuËn
®èi víi doanh nghiÖp quan träng nh− kh«ng khÝ ®èi víi con ng−êi.
Tuú theo lÜnh vùc ngμnh, nghÒ, qui m« vμ tr×nh ®é, tiªu chuÈn vÒ møc
lîi nhuËn cña doanh nghiÖp còng cÇn cã quy ®Þnh cho phï hîp. §iÒu nμy
kh«ng ph¶i lμ vÊn ®Ò míi mÎ ®èi víi doanh nghiÖp, ®iÓm míi lμ ë chç tiÕp cËn
lîi nhuËn theo quan ®iÓm kinh tÕ thÞ tr−êng thùc sù, ®Æt doanh nghiÖp, doanh
nh©n tr−íc yªu cÇu cña kinh tÕ thÞ tr−êng më cöa víi thÕ giíi. Tiªu chuÈn vÒ
møc lîi nhuËn cña doanh nghiÖp ®o l−êng n¨ng lùc, tr×nh ®é qu¶n lý s¶n xuÊt
kinh doanh cña mét doanh nh©n cßn ®−îc nh×n nhËn c¶ ë tiªu chuÈn suÊt sinh
lêi trªn tõng ®¬n vÞ vèn (vèn cè ®Þnh, vèn l−u ®éng, tæng vèn, vèn chñ së h÷u)
vμ møc t¨ng tr−ëng vèn cña doanh nghiÖp. Doanh nh©n giái kh«ng chØ ë lμm
ra lîi nhuËn mμ cßn ë kh¶ n¨ng t¨ng tr−ëng cña lîi nhuËn, t¨ng tr−ëng vèn
cña doanh nghiÖp. Mét doanh nh©n ®¶m b¶o møc t¨ng tr−ëng vèn cña doanh
nghiÖp víi tiªu chuÈn ®¹t 10%/n¨m ch¾c ch¾n ®−îc coi träng h¬n doanh nh©n
kh¸c cïng ngμnh nghÒ, lÜnh vùc, cïng quy m«, tr×nh ®é c«ng nghÖ chØ ®¹t
5%/n¨m.
¾ Nép ng©n s¸ch nhμ n−íc: lμ mét tiªu chÝ ®èi víi mét doanh nh©n thμnh
®¹t, mét nghÜa vô ®èi víi nhμ n−íc, ®èi víi x· héi. Bëi nhμ n−íc, x· héi ®·
cung cÊp, ®¶m b¶o, t¹o tiÒn ®Ò cho doanh nghiÖp, doanh nh©n.
Tuú theo lo¹i h×nh doanh nghiÖp, tÝnh chÊt, ®Æc ®iÓm, ngμnh, nghÒ vμ
qui m« ho¹t ®éng s¶n xuÊt kinh doanh mμ doanh nghiÖp cã møc ®ãng gãp
ng©n s¸ch t−¬ng øng. Mçi doanh nh©n ®iÒu hμnh doanh nghiÖp ý thøc ®−îc

47
tr¸ch nhiÖm vμ nghÜa vô cña m×nh tr−íc nhμ n−íc c¸c cÊp, tr−íc céng ®ång
mμ hoμn thμnh nghÜa vô nép ng©n s¸ch nhμ n−íc. V× vËy cÇn coi ®©y lμ mét
tiªu chÝ, mét tiªu chuÈn xÕp lo¹i, ®¸nh gi¸ doanh nh©n ë n−íc ta hiÖn nay.
Nép ng©n s¸ch nhμ n−íc còng kh«ng ph¶i lμ ®iÒu xa l¹, míi mÎ ®èi víi c¸c
nhμ kinh doanh nãi chung, ë n−íc ta nãi riªng. Song cÇn cã c¸ch tiÕp cËn,
nh×n nhËn mét c¸ch hiÖu qu¶, tÝch cùc h¬n trong viÖc khai th¸c nguån lùc x·
héi. CÇn tÝnh tíi tiªu chuÈn nép ng©n s¸ch trªn mçi ®¬n vÞ vèn sö dông_Vèn
®ã tõ ng©n s¸ch nhμ n−íc cÊp, tõ tÝn dông nhμ n−íc hay vèn tõ thÞ tr−êng tμi
chÝnh. Tõ ®ã x¸c lËp sù c«ng b»ng, b×nh ®¼ng vμ sù ®ãng gãp tÝch cùc cho
ng©n s¸ch nhμ n−íc cña c¸c doanh nh©n trong nÒn kinh tÕ n−íc ta hiÖn nay vμ
còng tõ ®ã nhμ n−íc cã nguån thu tÝch cùc, hiÖu qu¶ cho ng©n s¸ch nhμ n−íc.
¾ Thu nhËp cña lao ®éng vμ thu hót lao ®éng: lμ mét trong nh÷ng tiªu chÝ
vÒ sù ph¸t triÓn cña doanh nghiÖp vμ n¨ng lùc cña mét doanh nh©n trong nÒn
kinh tÕ thÞ tr−êng. Mét doanh nh©n cã kh¶ n¨ng ®iÒu hμnh doanh nghiÖp tr−íc
c¬ chÕ thÞ tr−êng, nhiÒu ¸p lùc bëi c¹nh tranh quyÕt liÖt, bëi sù tån t¹i, ph¸t
triÓn doanh nghiÖp, vÉn ®¶m b¶o thu nhËp æn ®Þnh cho lao ®éng, thu hót ®−îc
ngμy cμng nhiÒu lao ®éng, ch¾c ch¾n sÏ ®−îc ®¸nh gi¸ lμ mét doanh nh©n tμi
n¨ng, cã tr×nh dé cao.
Trong ®iÒu kiÖn n−íc ta hiÖn nay, thu nhËp lao ®éng vμ thu hót lao ®éng
vμo ho¹t ®éng s¶n xuÊt kinh doanh, cÇn vμ cã thÓ coi lμ mét tiªu chuÈn ®¸nh
gi¸ sù thμnh ®¹t cña mçi doanh nh©n.
¾ B¶o vÖ m«i tr−êng: B¶o vÖ m«i tr−êng, theo nghÜa réng ®· vμ ®ang lμ
vÊn ®Ò v« cïng bøc xóc cã tÝnh toμn cÇu, v× vËy còng vμ cÇn ph¶i coi lμ mét
tiªu chÝ ph©n lo¹i, ®¸nh gi¸ vÒ mçi doanh nh©n. Tiªu chuÈn cÇn ®Æt ra ë ®©y
lμ: Kh«ng cã vi ph¹m ph¸p luËt vÒ b¶o vÖ m«i tr−êng.
Lîi nhuËn ®èi víi doanh nghiÖp lμ v« cïng quan träng, gièng nh−
kh«ng khÝ ®èi víi con ng−êi. Song con ng−êi sèng kh«ng ph¶i chØ ®Ó thë, do
vËy, mçi doanh nghiÖp cÇn ®−îc lËp ra, d−íi sù dÉn d¾t ®iÒu hμnh cña c¸c
doanh nh©n kh«ng ph¶i chØ ®Ó kiÕm lîi nhuËn, mμ cßn lμ m«i tr−êng sinh th¸Ý,
v¨n ho¸, truyÒn thèng d©n téc, lμ nh÷ng ho¹t ®éng ®ãng gãp tõ thiÖn, nh©n
®¹o, gióp ®ì céng ®ång khi gÆp thiªn tai.
Nh÷ng tiªu chÝ, tiªu chuÈn trªn ®©y ®èi víi c¸c doanh nghiÖp cã môc
tiªu m−u cÇu lîi nhuËn trong ho¹t ®éng s¶n xuÊt kinh doanh ®ßi hái mçi
doanh nh©n ®iÒu hμnh doanh nghiÖp cÇn ph¶i coi träng. Tuy vËy, trong nÒn
kinh tÕ thÞ tr−êng ViÖt Nam hiÖn nay, cßn kh«ng Ýt doanh nghiÖp c«ng ho¹t
®éng v× môc tiªu c«ng Ých, phi lîi nhuËn. §¸nh gi¸ ®éi ngò doanh nh©n trong
c¸c doanh nghiÖp c«ng nμy ®−îc xem xÐt ë gãc ®é sè l−îng, chÊt l−îng s¶n

48
phÈm, dÞch vô c«ng cung øng cho thÞ tr−êng, cho x· héi vμ hiÖu qu¶ chÝnh trÞ,
x· héi cña c¸c doanh nghiÖp c«ng Ých ®ã.
Trªn thùc tÕ, c¸c tiªu chÝ víi tiªu chuÈn t−¬ng øng trªn ®©y t¹o thμnh
mét chØnh thÓ, qua ®ã cã thÓ ph©n lo¹i, ®¸nh gi¸ ®−îc mét c¸ch tæng qu¸t vÒ
®éi ngò doanh nh©n.
1.2.2 Ph−¬ng ph¸p ®¸nh gi¸ doanh nh©n
Tr−íc hÕt cÇn kh¼ng ®Þnh, viÖc ®¸nh gi¸ ®éi ngò doanh nh©n lμ vÊn ®Ò
phøc t¹p, bëi ®©y lμ vÊn ®Ò ®¸nh gi¸ vÒ con ng−êi. H¬n n÷a, ®èi víi ViÖt Nam,
®éi ngò doanh nh©n ®ang lμ lÜnh vùc cßn nhiÒu “nh¹y c¶m” gi÷a vinh danh vμ
kú thÞ, thóc ®Èy vμ c¶n trë ph¸t triÓn, tèt, xÊu, ®óng sai,...
Nh−ng tõ thùc tiÔn nh÷ng n¨m qua, cÇn vμ ®ßi hái chóng ta ph¶i cã
quan ®iÓm, cã ph−¬ng ph¸p ®¸nh gi¸ vÒ ®éi ngò doanh nh©n n−íc ta, t¹o c¬
héi cho ®éi ngò nμy kh«ng chØ ph¸t triÓn vÒ sè l−îng mμ cßn ph¸t triÓn vÒ chÊt
l−îng, cã ®ãng gãp ngμy cμng lín cho nÒn kinh tÕ, cho sù ph¸t triÓn cña ®Êt
n−íc.
Râ rμng lμ, nh÷ng n¨m qua sè l−îng doanh nghiÖp trong nÒn kinh tÕ
n−íc ta t¨ng lªn rÊt nhiÒu vμ cïng víi c¸c doanh nghiÖp ra ®êi lμ ®éi ngò
doanh nh©n ViÖt Nam nãi chung, trªn ®Þa bμn mçi tØnh thμnh nãi riªng còng
t¨ng lªn m¹nh mÏ vμ ®ãng gãp rÊt to lín vμo sù ph¸t triÓn kinh tÕ, x· héi n−íc
nhμ. Thμnh qu¶ ®ã lμ nh÷ng tiÒn ®Ò, gîi më cho c¸c nhμ nghiªn cøu, c¸c c¬
quan qu¶n lý vÒ ph−¬ng ph¸p luËn nh×n nhËn, ®¸nh gi¸ ®éi ngò doanh nh©n
®Êt ViÖt mét c¸ch ®óng ®¾n, thiÕt thùc.
Tõ lý luËn vμ tõ thùc tÕ, cã thÓ nªu lªn ph−¬ng ph¸p luËn ®¸nh gi¸ ®éi
ngò doanh nh©n ë n−íc ta nãi chung, trªn mçi ®Þa bμn nãi riªng nh− sau:
¾ §¸nh gi¸ vÒ ®Þnh tÝnh: Nh− ®¸nh gi¸ vÒ n¨ng lùc, phÈm chÊt cña doanh
nh©n.
Mét lo¹t tiªu chÝ cã thÓ ®−îc ®¸nh gi¸ vÒ ®Þnh tÝnh nh−: Kh¶ n¨ng ®iÒu
hμnh, qu¶n trÞ doanh nghiÖp; n¨ng lùc lμm viÖc víi céng ®ång trong doanh
nghiÖp, víi chÝnh quyÒn së t¹i, víi c¬ quan h÷u quan; n¨ng lùc s¸ng t¹o cña
doanh nh©n; ý thøc tr−íc ph¸p luËt vμ ®¹o lý x· héi cña doanh nh©n nh−: t«n
träng luËt liªn quan tíi ho¹t ®éng s¶n xuÊt kinh doanh, b¶o vÖ m«i tr−êng, gi÷
g×n b¶n s¾c v¨n ho¸ trong kinh doanh; phÈm chÊt ®¹o ®øc, lèi sèng lμnh
m¹nh,...
Ph−¬ng ph¸p ®¸nh gi¸ vÒ mÆt ®Þnh tÝnh ®èi víi doanh nh©n th−êng
th«ng qua ®iÒu tra x· héi häc b»ng phiÕu hái, b»ng pháng vÊn chuyªn gia,
b»ng kh¶o s¸t mÉu thùc nghiÖm;

49
§iÒu ®ã ®ßi hái chóng ta cÇn vμ ph¶i hoμn thiÖn kh«ng chØ vÒ tiªu chÝ,
tiªu chuÈn mμ c¶ vÒ ph−¬ng ph¸p ®¸nh gi¸ ®éi ngò doanh nh©n cña n−íc ta
trong ®iÒu kiÖn míi hiÖn nay vμ kh«ng ph¶i tÊt c¶ c¸c tiªu chÝ ®¸nh gi¸ vÒ
®Þnh tÝnh l¹i kh«ng ®−îc l−îng ho¸. NghÜa lμ mét sè tiªu chÝ, tuy ®Þnh tÝnh
nh−ng cã thÓ ®Þnh l−îng ®−îc, nh− n¨ng lùc s¸ng t¹o cã thÓ ®o ®−îc b»ng
l−îng s¶n phÈm míi ®−a ra thÞ tr−êng; ý thøc t«n träng luËt ph¸p cã thÓ ®−îc
ph¶n ¸nh qua sè vi ph¹m qui ®Þnh liªn quan tíi s¶n xuÊt kinh doanh cña doanh
nghiÖp mμ doanh nh©n ®ã ®iÒu hμnh.
¾ §¸nh gi¸ vÒ ®Þnh l−îng:
Th«ng qua tiªu chÝ, tiªu chuÈn mang tÝnh ®Þnh l−îng ®Ó ®¸nh gi¸, ph©n
lo¹i, xÕp h¹ng doanh nh©n. HiÖn nay ë n−íc ta, ®©y lμ mét trong nh÷ng
ph−ơng ph¸p vμ tiªu chÝ quan träng ®Ó ph©n lo¹i doanh nh©n.
§¸nh gi¸ ®Þnh l−îng qua tiªu chÝ lîi nhuËn, qui m« doanh sè, qui m«
lao déng, qui m« vèn, hiÖu qu¶ kinh doanh, ... Ph−¬ng ph¸p ®¸nh gi¸ ®Þnh
l−îng vμ vÊn ®Ò quen thuéc, ®èi víi chóng ta th−êng th«ng qua sö dông c¸c
ph−¬ng ph¸p to¸n, ph©n tÝch ®Þnh l−îng, ...
§iÒu cÇn chó ý ë chç, kh«ng ph¶i c¸c tiªu chÝ ®Þnh l−îng ®Òu trùc tiÕp
®¸nh gi¸ vÒ mét doanh nh©n hoÆc vÒ ®éi ngò doanh nh©n. Mét sè tiªu chÝ
®¸nh gi¸ doanh nh©n cã tÝnh ®Þnh l−îng ph¶i gi¸n tiÕp th«ng qua tiªu chÝ ®Þnh
l−îng vÒ kÕt qu¶ ho¹t ®éng s¶n xuÊt kinh doanh vμ ®ãng gãp cña doanh
nghiÖp trªn c¸c mÆt kh¸c nhau cña ®êi sèng kinh tÕ, x· héi; §¸nh gi¸ ®Þnh
l−îng vÒ mét tiªu chÝ cÇn ph¶i x¸c ®Þnh tiªu chuÈn tèt, xÊu, hiÖu qu¶ cao hay
thÊp,...Ch¼ng h¹n ®¸nh gi¸ ®Þnh l−îng qua tiªu chÝ lîi nhuËn (tæng lîi nhuËn,
lîi nhuËn rßng) ph¶i ®¹t tiªu chuÈn t¹o ra mét ®ång lîi nhuËn tõ bao nhiªu
®ång vèn vμ vèn ®ã tõ ng©n s¸ch nhμ n−íc cÊp hay tõ thÞ tr−êng vèn (c¶ ng¾n
vμ dμi h¹n). Tiªu chuÈn ®ã còng ph¶i ®¶m b¶o phï hîp víi tõng lo¹i doanh
nghiÖp thuéc tõng lÜnh vùc ngμnh nghÒ kh¸c nhau.
Khi ®¸nh gi¸ theo tiªu chÝ ®Þnh tÝnh hay ®Þnh l−îng víi c¸c ph−¬ng
ph¸p kh¸c nhau cÇn thÊy râ: gi÷a c¸c tiªu chÝ víi tiªu chuÈn t−¬ng øng cã mèi
quan hÖ t¸c ®éng qua l¹i lÉn nhau. SÏ lμ kh«ng ®Çy ®ñ, kh«ng chuÈn x¸c nÕu
xem xÐt, ®¸nh gi¸ theo mét tiªu chÝ, tiªu chuÈn nμo ®ã biÖt lËp, t¸ch rêi. §iÒu
®ã lμm chóng ta nh×n nhËn mÐo mã vÒ ®éi ngò doanh nh©n, nhÊt lμ ®éi ngò
doanh nh©n ®ang trong qu¸ tr×nh h×nh thμnh vμ ph¸t triÓn nh− n−íc ta hiÖn
nay.
Nh− vËy, tõ nh÷ng vÊn ®Ò c¬ b¶n vÒ doanh nh©n, cã thÓ nãi: gi÷a doanh
nh©n vμ doanh nghiÖp cã quan hÖ chÆt chÏ. Bøc tranh vÒ hÖ thèng doanh
nghiÖp vμ kÕt qu¶ ho¹t ®éng cña chóng ®ång thêi lμ bøc tranh, lμ g−¬ng ph¶n

50
chiÕu râ nhÊt vÒ h×nh ¶nh ®éi ngò doanh nh©n cña mét nÒn kinh tÕ. Quy m« sè
l−îng, chÊt l−îng hÖ thèng doanh nghiÖp cho thÊy quy m« sè l−îng, chÊt
l−îng ®éi ngò doanh nh©n. Ph¸t triÓn ®éi ngò doanh nh©n ph¶i trªn c¬ së ph¸t
triÓn c¸c doanh nghiÖp cña nÒn kinh tÕ. Cã thÓ_trong mét sè tr−êng hîp_cã
doanh nh©n mμ kh«ng cã doanh nghiÖp, nh−ng kh«ng thÓ cã mét doanh
nghiÖp, mét hÖ thèng doanh nghiÖp ho¹t ®éng hiÖu qu¶, uy tÝn, chÊt l−îng mμ
l¹i thiÕu nh÷ng doanh nh©n cã th−¬ng hiÖu, uy tÝn.
Do ®ã muèn ph¸t triÓn ®éi ngò doanh nh©n, cÇn vμ ph¶i t¹o ®iÒu kiÖn
kh«ng chØ cho chÝnh c¸c doanh nh©n vμ nh÷ng ng−êi muèn trë thμnh thμnh
viªn ®éi ngò doanh nh©n mμ cßn ph¶i t¹o m«i tr−êng, ®iÒu kiÖn tèt nhÊt cho
sù ph¸t triÓn c¸c doanh nghiÖp_vâ ®−êng cña doanh nh©n thùc thô.
1.2.3 Phát triển đội ngũ doanh nhân trong nền kinh tế thị trường
Mỗi doanh nhân đều có ước vọng trở thành người giàu có, sung túc. Do
đó khao khát làm giàu như một tất yếu về đạo lý, tâm lý, ... Mỗi người muốn
trở thành doanh nhân – những người giàu có nhờ năng lực kinh doanh, năng
lực làm chủ, điều hành doanh nghiệp – là ý chí, là khao khát của họ, nhưng
không phải cứ làm kinh doanh, cứ làm chủ doanh nghiệp đều trở thành doanh
nhân thực thụ, nhất là doanh nhân tầm cỡ, tiếng tăm, được xã hội tôn vinh.
Thực tế, trên lĩnh vực kinh doanh, ở các quốc gia kinh tế thị trường
xuất hiện một số doanh nhân thực thụ, nổi tiếng mà không qua đào tạo. Tuy
vậy, những người thành đạt này không nhiều. Phần lớn doanh nhân tầm cỡ,
nổi tiếng, có tài năng trong điều hành kinh doanh, nhất là trong công ty lớn,
siêu lớn đều được đào tạo bài bản, căn cơ và trưởng thành trong môi trường
kinh doanh thực sự của kinh tế thị trường.
Một quốc gia giàu có, phát triển mạnh mẽ, ngoài đường lối, chiến lược
điều hành kinh tế vĩ mô đúng đắn, hữu hiệu, cần có hệ thống doanh nghiệp
hùng mạnh với đội ngũ doanh nhân có chất lượng, uy tín, tài giỏi. Như vậy,
cần và phát triển đội ngũ doanh nhân là đòi hỏi và có tính tất yếu trong quá
trình trở thành quốc gia thịnh vượng hiện nay.
Phát triển đội ngũ doanh nhân phụ thuộc vào các nhóm yếu tố cơ bản từ
hai phía:
Một là, phía những người muốn lập nghiệp kinh doanh, muốn trở thành
doanh nhân. Trong điều kiện như Việt Nam hiện nay, đây là mong muốn của
nhiều người, đặc biệt là của giới trẻ, có học vấn, được đào tạo từ các ngành,
lĩnh vực khác nhau. Nhưng phần đông trong số họ thiếu tri thức, kiến thức

51
kinh doanh, nhất là tri thức kinh doanh hiện đại trong kinh tế thị trường mở
cửa và hội nhập ngày càng sâu, rộng.
Hai là, từ phía nhà nước với tư cách chủ thể quản lý lớn nhất, cao nhất,
có quyền lực nhất trong việc tạo điều kiện, môi trường cho sự ra đời, tồn tại,
vận động, phát triển của hệ thống doanh nghiệp và doanh nhân.
Ở nước ta, các nhóm yếu tố từ hai phía trên vừa có tính độc lập tương
đối, vừa phụ thuộc chi phối, tác động lẫn nhau trong quá trình phát triển
doanh nghiệp, doanh nhân. Chưa có quy định, dẫn dắt của nhà nuớc, vẫn có
đội ngũ doanh nhân của một nền kinh tế thị trường, nhưng sự hình thành đội
ngũ này có tính tự phát, chậm, nhỏ bé, hiệu quả đóng góp phát triển kinh tế -
xã hội thấp. Nếu được nhà nước định hướng, tạo cơ hội, đội ngũ doanh nhân
sẽ phát triển nhanh, hiệu quả, thiết thực và chắc chắn sẽ có đóng góp to lớn
hơn cho nền kinh tế, nhất là đội ngũ doanh nhân tương lai từ khu vực dân
doanh.
Từ phân tích các khía cạnh lý luận, từ thực tiễn các nước có kinh tế thị
trường phát triển, có kinh tế chuyển đổi như nước ta và tổng hợp các ý kiến
qua khảo sát thực tế về doanh nhân trên cả 3 miền Bắc, Trung , Nam, để phát
triển đội ngũ doanh nhân ở Việt Nam nói chung, mỗi địa bàn tỉnh, thành nói
riêng, chúng tôi cho rằng, cần phải:
- Phải tiếp tục đổi mới quan niệm, nhận thức về doanh nhân trong điều
kiện kinh tế thị trường Việt Nam, đây là đội ngũ thuộc lực lượng xung kích
trên mặt trận kinh tế, có vị trí, vai trò to lớn, quan trọng trong phát triển kinh
tế, xã hội, khoa học, công nghệ của một nước, một địa phương.
- Cần xây dựng chiến lược, chương trình, đề án về phát triển đội ngũ
doanh nhân ở tầm quốc gia và địa phương. Trong đó, mục tiêu, số lượng, cơ
cấu, yêu cầu chất lượng, kỹ năng, phẩm chất, ... cho từng thời kỳ, từng vùng,
khu vực để đào tạo, sử dụng phù hợp với mục tiêu, chiến lược kinh tế - xã hội
của đất nước, của khu vực, của tỉnh thành sao cho khai thác tốt nhất tiềm năng
và lợi thế sẵn có phục vụ cho phát triển.
- Tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, cải cách thủ tục hành chính tạo
thuận lợi cho sự ra đời, vận động, phát triển có hiệu quả của hệ thống doanh
nghiệp và đội ngũ doanh nhân nước ta cũng như trên mỗi địa bàn tỉnh, thành.
- Tiếp tục mở rộng hơn nữa hợp tác quốc tế trong sản xuất kinh doanh,
trong phát triển doanh nghiệp và xây dựng đội ngũ doanh nhân Việt Nam có
tầm khu vực, quốc tế và giữ bản sắc doanh nhân đất Việt.

52
Đó là một đòi hỏi bức xúc, có tính tất yếu. Doanh nghiệp, doanh nhân
Việt Nam ngày càng phải đối mặt, hợp tác, cạnh tranh với các doanh nghiệp,
doanh nhân nước ngoài nhiều hơn trong nền kinh tế có tính toàn cầu hơn.
1.3. KINH NGHIỆM VỀ PHÁT TRIỂN DOANH NHÂN VÀ BÀI HỌC
VẬN DỤNG
1.3.1. Một số kinh nghiệm bình chọn vinh danh doanh nhân
* Trong khuôn khổ Diễn đàn doanh nghiệp thủ đô các nước ASEAN,
Ban tổ chức Diễn đàn đã trao Giải thưởng doanh nhân ASEAN 2007 cho 40
doanh nhân nhằm tôn vinh những người có nhiều đóng góp cho sự phát triển
kinh tế của các nước trong khu vực và góp phần thúc đẩy hợp tác kinh tế
trong cộng đồng ASEAN. Để lựa chọn ra các doanh nhân tiêu biểu, Diễn đàn
Doanh nghiệp Thủ đô các nước ASEAN (ACBF) đã đưa ra các tiêu chí trao
danh hiệu Cúp Vàng Doanh nhân ASEAN như sau:
Những doanh nhân là chủ tịch hội đồng quản trị, tổng giám đốc, giám
đốc các doanh nghiệp ở các quốc gia trong khu vực ASEAN và toàn thế giới,
không phân biệt thành phần kinh tế.
Nhóm tiêu chí đánh giá thành tích của doanh nghiệp do doanh nhân
lãnh đạo hay làm chủ, trong 3 năm liên tục. Trong đó có các tiêu chí chính
như: Doanh thu hàng năm tăng từ 15% trở lên so với năm trước. Nếu là
DNNVV doanh thu hàng năm phải tăng trên 25%...; Sáng tạo và trách nhiệm
xã hội; Phát triển nhân sự; Chiến lược phát triển và hợp tác kinh tế trong khối.
Nhóm tiêu chí đánh giá doanh nhân: Giữ chức vụ lãnh đạo doanh
nghiệp từ 3 năm trở lên. Doanh nhân còn phải năng động sáng tạo và có trách
nhiệm trong công tác điều hành, lãnh đạo doanh nghiệp... Không những vậy,
doanh nhân còn phải được Chính phủ nước sở tại khen thưởng hoặc công
nhận thành tích trong điều hành doanh nghiệp và tạo ra uy tín cao và tầm ảnh
hưởng lớn trong cộng đồng doanh nghiệp ASEAN.
* Giải thưởng Doanh Nhân Việt là giải thưởng dành cho các nhà doanh
nghiệp Việt Nam có thành tích trong việc ứng dụng khoa học kỹ thuật và các
tiến bộ mới vào sản xuất kinh doanh, mang lại những sản phẩm – dịch vụ có
khả năng cạnh tranh trên thị trường, xây dựng thành công thương hiệu của
doanh nghiệp đóng góp quan trọng trong việc xây dựng đất nước và hội nhập
quốc tế.
Mục đích của giải thưởng là tôn vinh những doanh nhân có công đóng
góp thiết thực và hiệu quả trong công cuộc xây dựng đất nước; Khuyến khích,
động viên giới doanh nhân và các doanh nghiệp xây dựng thương hiệu và tạo

53
ra các sản phẩm hàng hoá, dịch vụ có khả năng cạnh tranh trên thị trường
trong nước và quốc tế, hội nhập quốc tế; Tôn vinh các thương hiệu, sản phẩm
tiêu biểu của Việt Nam trong hội nhập quốc tế, qua đó xây dựng uy tín hàng
hoá, dịch vụ, thương hiệu Việt trên thị trường trong nước và quốc tế; Hình
thành một danh hiệu và biểu tượng chung cho doanh nhân; Đề cao các giá trị
Việt, cổ động lòng tự hào dân tộc, nâng cao nhận thức cho giới doanh nhân và
các doanh nghiệp trong hội nhập kinh tế quốc tế.
Đối tượng được xét tặng Giải thưởng Doanh nhân Việt là các Doanh
nhân đạt các tiêu chí sau: Ứng dụng thành công khoa học và kỹ thuật trong
kinh doanh sản xuất; Ứng dụng các quy trình quản lý quốc tế vào sản xuất; Có
thương hiệu và sản phẩm hàng hoá, dịch vụ danh tiếng trên thị trường; Bảo vệ
tốt môi trường và Thương Hiệu Xanh phát triển bền vững; Có ý thức và hảo
tâm chia sẻ làm công tác xã hội.
* Danh hiệu “Doanh nhân trẻ tiêu biểu tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu” là giải
thưởng do Ủy Ban Hội doanh nghiệp trẻ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu ban hành
nhằm mục đích: Tôn vinh những Doanh nhân tiêu biểu có thành tích xuất sắc
trong hoạt động xây dựng và phát triển tổ chức Hội, sản xuất kinh doanh,
tham gia công tác xã hội và phát triển cộng đồng; Nhân rộng các gương điển
hình, tiêu biểu để kịp thời động viên và khuyến khích các Doanh nghiệp trẻ
tích cực tham gia phát triển kinh tế xã hội góp phần vào công cuộc xây dựng,
đổi mới và phát triển chung của Tỉnh; Tạo sự quan tâm của các cấp, các
ngành đối với lực lượng Doanh nghiệp trẻ trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng
Tàu. Trong đó, tiêu chí bình xét được quy định như sau:
Đối với công tác xây dựng phát triển tổ chức Hội, tham gia công tác xã
hội và phát triển cộng đồng: Tích cực tham gia các hoạt động do Ủy Ban Hội
DNT hoặc các Chi hội tổ chức; có những đóng góp thiết thực trong việc xây
dựng tổ chức Hội doanh nghiệp trẻ ngày càng vững mạnh, có tinh thần đoàn
kết, tương thân hỗ trợ lẫn nhau trong hoạt động cũng như trong phát triển sản
xuất kinh doanh; Hoàn thành tốt nhiệm vụ được phân công, tổ chức và điều
hành công việc của mình đạt hiệu quả cao đáp ứng yêu cầu của Ủy ban hội đề
ra. Tích cực tham gia các hoạt động phong trào thanh thiếu niên do tổ chức
Đoàn - Hội các cấp tổ chức và phát động đồng thời làm tốt công tác xã hội,
phát triển cộng đồng.
Đối với thành tích Doanh nghiệp do Doanh nhân lãnh đạo hay làm chủ
trên 1 năm liên tục: Doanh thu, lợi nhuận của Doanh nghiệp năm sau tăng hơn
năm trước; Doanh thu hàng năm tăng từ 10% trở lên so với năm trước (nếu là

54
doanh nghiệp nhỏ và vừa doanh thu hàng năm phải tăng trên 20%); Đầu tư
đổi mới công nghệ tạo ra sản phẩm dịch vụ mới; Đầu tư công nghệ, trang thiết
bị, bảo vệ môi trường làm việc và môi trường sinh thái; Thực hiện tốt trách
nhiệm của Doanh nghiệp đối với Nhà nước (Thực hiện đúng việc đăng ký
kinh doanh, kê khai, báo cáo tài chính, quyết toán thuế); Có chế độ tiền lương,
bảo hiểm, hợp đồng lao động đúng theo quy định hiện hành, ưu tiên tuyển
dụng và đào tạo tay nghề cho lao động tại địa phương.
Tiêu chí liên quan đến Doanh nhân: Giữ chức vụ lãnh đạo Doanh
nghiệp trên 1 năm; Năng động sáng tạo trong công việc quản lý và điều hành
doanh nghiệp; Bản thân luôn dám nghĩ, dám làm, chịu trách nhiệm, có phát
minh sáng kiến, cải tiến kỹ thuật hoặc ứng dụng công nghệ mới mang lại hiệu
quả kinh tế cao; Chủ động công tác đào tạo, bồi dưỡng năng lực quản lý cho
bản thân và cán bộ công nhân viên, có chú ý đến công tác đào tạo cán bộ kế
cận, cán bộ làm công tác khoa học kỹ thuật; Chủ động đầu tư thiết bị mới cho
doanh nghiệp; Có uy tín và ảnh hưởng tích cực trong doanh nghiệp; Làm tốt
chính sách xã hội đối với người lao động; Chấp hành tốt chủ trương chính
sách của Đảng, pháp luật của Nhà Nước, nội quy, quy chế cơ quan, công ty và
nơi cư trú; Đã được khen thưởng ở mức giấy khen trở lên.
* Phân loại, xếp hạng các doanh nghiệp là một điều cần thiết và là nhu
cầu thực tế của xã hội. Một xã hội càng nhiều thông tin thì càng cần những
bảng xếp hạng, những giải thưởng uy tín... Tuy nhiên, điều đáng tiếc là ở Việt
Nam đang "nở rộ" quá nhiều giải thưởng mà không ít trong số đó có vấn đề;
trong khi đó dịch vụ đánh giá, xếp hạng lại chưa phát triển. Vì thế, việc đánh
giá và tôn vinh các doanh nhân đang có nhiều hạn chế, thậm chí đang có
những dấu hiệu "chệch hướng". Theo TS. Phạm Thị Thu Hằng, Viện trưởng
Viện Phát triển Doanh nghiệp thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt
Nam: chúng ta phải thừa nhận một xã hội có nhiều loại giải thưởng. Ngay cả
giải thưởng dành cho doanh nghiệp cũng phải có nhiều như: giải dành cho cá
nhân lãnh đạo doanh nghiệp, giải thưởng dành cho sản phẩm... Và như vậy,
mỗi giải thưởng chính là sự đánh giá của công chúng đối với doanh nghiệp
một cách toàn diện hay trên một lĩnh vực nào đó. Sự thừa nhận đó mạng lại
cho giải thưởng giá trị và điều này giống như một thứ để doanh nghiệp xây
dựng thương hiệu.
Vì vậy, đối với mỗi giải thưởng thì bao giờ cũng phải có tiêu chí với
tiêu chuẩn xác đáng, thiết thực, hiệu quả và được ban đánh giá thật chính xác.
Tiêu chí phải được xây dựng khoa học và chuyên sâu, ban giám khảo bình

55
chọn phải đảm bảo tính khách quan và độc lập. Bản thân những người tham gia
bình chọn là có uy tín và luôn là người thể hiện sự độc lập trong đánh giá. Ví dụ,
Giải thưởng các doanh nghiệp châu Á, khi tham gia các doanh nghiệp sẽ được
một công ty đánh giá có uy tín trên thế giới là Earn & Young đánh giá. Hội đồng
bình chọn sẽ dựa vào đánh giá độc lập dựa trên nhiều tiêu chí mà họ đặt ra.
Việc đánh giá phân loại doanh nhân không hề dễ một chút nào. Khi
đánh giá doanh nhân, trước hết, các doanh nhân phải ở trên một mặt bằng,
trong một điều kiện chung và cơ quan đánh giá phải làm việc rất khoa học. Ví
dụ, nếu xếp loại doanh nhân theo tiêu chí tăng trưởng sẽ khác, tiêu chí lao
động sẽ khác và xét trên tiêu chí sáng tạo sẽ khác... Như vậy, rõ ràng việc xây
dựng các tiêu chí đánh giá, đưa ra các tiêu chí, mẫu để tiến hành thu thập các
thông tin cũng không hề dễ dàng chút nào trong hoàn cảnh Việt Nam.
1.3.2 Kinh nghiệm hỗ trợ doanh nghiệp và phát triển đội ngũ doanh nhân
của một số quốc gia
a. Chính sách của Singapore
Singapore là quốc gia nhỏ bé nhưng có số lượng doanh nghiệp, doanh
nhân khá đông đảo do thu hút được nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước. Đó
là do lợi thế và chính sách của chính phủ Singapore
- Hệ thống giao thông tốt, kết nối nhiều phương tiện khác nhau từ hàng
không tới đường bộ, đường thủy.
- Chính phủ luôn xem trọng vai trò của doanh nghiệp và nhà đầu tư, có
chính sách cởi mở và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nhân trong nước
và nước ngoài đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh.
- Hệ thống luật pháp và an ninh đảm bảo cho các DN và nhà đầu tư.
Nghiên cứu kinh nghiệm từ Singapore – một quốc đảo; kinh nghiệm của
một số quốc gia có đội ngũ doanh nhân đông đảo, tiếng tăm như Mỹ, Nhật, Đức,
Pháp, ... nhưng quá trình phát triển rất lâu dài và khác Việt Nam khá xa về nhiều
mặt; Hàn Quốc có sự phát triển nhanh cả về số lượng, chất lượng các doanh
nghiệp cũng như đôị ngũ doanh nhân song cũng khá khác biệt về thể chế chính
trị, xã hội.
Vì vậy, nghiên cứu kinh nghiệm của Trung Quốc, tuy qui mô quốc gia quá
lớn, nhưng tương đồng về đường lối phát triển, cùng đi theo con đường xã hội chủ
nghĩa, đặc biệt cũng là quốc giá đang chuyển đổi, sẽ rất phù hợp với Việt Nam.
b. Chính sách của Trung Quốc trong phát triển doanh nghiệp, doanh nhân
Trung Quốc hỗ trợ doanh nghiệp - đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ
theo hướng tiếp cận thị trường, từ đó đội ngũ doanh nhân phát triển rất mạnh.

56
Sự phát triển của doanh nhân Trung Quốc:
Đến năm 2007, Trung Quốc có 800.000 triệu phú đôla, 106 tỉ phú đôla.
Đây là tốc độ tăng tới chóng mặt về số người giàu có do kinh doanh, nhanh hơn
hẳn phương Tây. Riêng năm 2007, chỉ liệt kê những người giàu có với gia sản trị
giá hơn 100 triệu đôla cũng đến 800 người ( chỉ sau 8 năm – năm 1999, số người
sở hữư trên 6 triệu đôla cũng chỉ ở con số 50 người), trong số 800 người này, số
trẻ tuổi thành đạt trong kinh doanh, thường dưới 50 tuổi – đa số cỡ 47 tuổi – tăng
rất nhanh, đặc biệt giàu lên từ hai bàn tay trắng, không do tham nhũng.
Nhìn tổng thể, số doanh nhân giàu có tăng nhanh ở Trung Quốc do yếu tố
cơ bản là: chính sách đổi mới của Trung Quốc và giới doanh nghiệp, doanh nhân
có nhiều cơ hội thuận lợi trong tiếp cận thị trường. Một cách cụ thể có thể thấy:
Thứ nhất là từ những đổi mới của Chính phủ, vai trò hỗ trợ của các tổ
chức tài chính và hoạt động tích cực của cộng đồng doanh nghiệp, các
DNVVN đã có sự phát triển mạnh mẽ. Việc đổi mới thể hiện trên các khía
cạnh tiếp cận thị trường; chính sách tài trợ và việc cải thiện cơ chế giám sát,
quản lý của các cơ quan Chính phủ.
- Tiếp cận thị trường: Tiếp cận mới được định rõ từ những vấn đề tiếp nhận
nguồn vốn phi công hữu (non-public) trong các lĩnh vực sản xuất kinh doanh và
dịch vụ. Trên cơ sở này, nhà nước đã có những quy định tạo điều kiện thuận lợi để
đưa nguồn vốn non-public vào các hoạt động kinh doanh, đã có những điều chỉnh
cần thiết nhằm hình thành những mô hình phát triển công nghiệp mới với vai trò
chủ đạo của khu vực công trong phát triển các lĩnh vực khác trong nền kinh tế.
Tiếp cận mới với những nới lỏng thị trường trong xây dựng và vận hành ngành
đường sắt, vận chuyển hành khách, hàng hoá, sản xuất thiết bị, đầu máy, toa xe…
và các ngành kinh doanh khác đã mở ra những thay đổi trong đầu tư, phát triển
nhiều chuyên ngành kinh tế kỹ thuật.
- Về chính sách hỗ trợ quốc gia, theo chiến lược phát triển hướng ra
bên ngoài (going out), Trung Quốc đã công bố những giải pháp phát triển bảo
hiểm sản phẩm mới, đưa ra những mô hình hỗ trợ phù hợp cho SMEs. Để
thúc đẩy phát triển khu vực ngoài nhà nước về công nghiệp công nghệ cao và
các doanh nghiệp đầu tư mạo hiểm, cơ quan quản lý ngoại hối (State
Administration of Foreign Echange) đã đơn giản hoá những thủ tục liên quan
đến kiểm tra ngoại hối và đầu tư liên tục thông qua các công ty hoạt động
theo mục đích đặc biệt tại Trung Quốc.
- Đối với nhiệm vụ quản lý và giám sát, để đơn giản hóa thủ tục đăng
ký, kiểm tra, đồng thời cải thiện việc quản lý; tổ chức quản lý nhà nước về

57
công nghiệp và thương mại đã áp dụng những quy định mới cho khu vực kinh
tế ngoài nhà nước. Cơ quan quản lý lao động quốc gia đã ban hành chương
trình thúc đẩy an toàn lao động trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước hướng
tới đảm bảo hiệu quả thể chế và cơ chế giám sát an toàn cho tương lai.
Việc hướng dẫn các SMEs thực hiện chiến lược cạnh tranh bằng chất
lượng, cải thiện chất lượng sản phẩm và khai thác tối đa lợi thế của phòng
kiểm tra chất lượng trong doanh nghiệp đã được cơ quan Giám sát, Kiểm tra
và Kiểm định quy định cụ thể trong quy chế "Khuyến khích, hỗ trợ và hướng
dẫn các SMEs và doanh nghiệp tư nhân thực hiện chiến lược cạnh tranh bằng
chất lượng".
Cùng với những cải thiện của cơ quan quản lý và giám sát, cơ quan
chức năng tổng hợp như thống kê, phát triển và cải cách nhà nước đã cải tiến
hệ thống thống kê phù hợp cho việc giám sát, phân tích hoạt động kinh tế và
tổ chức sản xuất; ngành tài chính đã tăng quy mô vốn hỗ trợ phát triển, xây
dựng hệ thống hỗ trợ dịch vụ và nâng cao trình độ công nghệ cho các SMEs.
Thứ hai là sự chuyển biến trong cung cấp vốn
Ngân hàng Phát triển Trung Quốc (CDB) - cơ quan chịu trách nhiệm hỗ
trợ phát triển SMEs - đã đi đầu và tạo gương sáng cho việc thúc đẩy thành lập
hệ thống vận hành bền vững trong hỗ trợ cho vay trung, dài hạn với mức độ
rủi ro và chi phí quản lý có thể kiểm soát được. Các CDB đã hỗ trợ cho nhiều
doanh nghiệp vừa và nhỏ thông qua mô hình cho vay mới và một hệ thống
bảo lãnh tín dụng. Ngoài ra, CDB đã hợp tác với Ngân hàng thế giới (WB) và
các ngân hàng thương mại khác để thực hiện việc cho các doanh nghiệp siêu
nhỏ vay theo tiêu chí lượng tiền bỏ qua yêu cầu bảo lãnh.
Trong khuôn khổ cơ chế vay vốn của DNVVN, CDB chịu trách nhiệm
cung cấp vốn; chính quyền địa phương có nhiệm vụ điều phối tín dụng, cấp
khoản vay và hỗ trợ về quản lý; các công ty bảo lãnh cung cấp bảo lãnh, tổ
chức giám sát dân chủ và những đơn vị tài chính vừa và nhỏ thực hiện chức
năng thanh toán. Những yếu tố cơ bản này đã tạo ra nền tảng của một hiệp hội
để mở rộng hoạt động cho vay đến nhiều cơ sở.
Bảo lãnh tín dụng: Từ những mô hình cho vay đa dạng, các nhà quản lý
nhận thấy có thể hình thành mô hình cho vay trực tiếp dựa trên quan hệ của
người đi vay, cho vay và các doanh nghiệp. Ba nền tảng quản lý, cho vay và
bảo lãnh là những nhân tố quan trọng để tạo thành công. Hệ thống bảo lãnh
đảm bảo chức năng giải ngân những khoản vay mềm cho những bên tham gia
góp vốn vào công ty bảo lãnh và cung cấp bảo lãnh cho các công ty có nhu

58
cầu. Theo mô hình này, các khoản vay mềm cho vay để thu hút các nhà góp
vốn ban đầu, các quỹ của Chính phủ và xã hội nhằm tăng cường năng lực bảo
lãnh của các công ty. Với cơ chế này, một đơn vị vay mềm có thể thu hút
thêm ít nhất một đơn vị khác; từ đó, năng lực bảo lãnh của công ty có thể tăng
lên hàng chục lần. Trên nguyên tắc chia sẻ rủi ro giữa công ty bảo lãnh và
ngân hàng cho vay, khi bị thua lỗ, CDB và các công ty bảo lãnh cùng chia sẻ
rủi ro, các ngân hàng cho vay cùng chia sẻ trong một phạm vi nhất định. Theo
cách làm này, CDB đã giải ngân được trên 3 tỷ nhân dân tệ hỗ trợ cho 10 tổ
chức bảo lãnh.
Sự phát triển nhanh chóng dựa trên những chính sách mới đã đưa
SMEs Trung Quốc trở thành nguồn lực quan trọng đối với tăng trưởng kinh
tế, thúc đẩy mở rộng thị trường, tạo việc làm và tăng cường ổn định xã hội.
Thành công phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ của Trung Quốc xuất phát từ
đường lối chung và sự chỉ đạo thống nhất của Chính phủ, trong đó có phần
quan trọng của những đổi mới trong chính sách tài trợ gần đây. Những kinh
nghiệm rút ra từ thành công của Trung Quốc có thể là tư liệu tham khảo có
ích trong tìm kiếm con đường phát triển nhanh nhất doanh nghiệp ngoài nhà
nước trong bối cảnh hội nhập ở nước ta.
Bên cạnh chính sách hỗ trợ các DNVVN, Trung Quốc còn có một kế
hoạch hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp lớn vươn ra thị trường thế giới.
Dù không can thiệp vào các công việc thường ngày của doanh nghiệp
thì Chính phủ Trung Quốc vẫn có nhiều ảnh hưởng. Ủy ban Quản lý và Giám
sát tài sản (SASAC) là siêu tổng công ty nhà nước nắm giữ cổ phần trong gần
200 công ty lớn. Ủy ban này theo dõi sát sao kết quả kinh doanh của các đại
công ty này thông qua các chỉ số như lợi nhuận trên vốn, lợi nhuận gộp, tăng
trưởng doanh thu, với cơ chế chặt chẽ. Đôi khi SASAC còn tham gia trực tiếp
vào vấn đề quản lý của các doanh nghiệp mà họ góp vốn. Vào tháng 11/2004,
SASAC đã luân chuyển cán bộ chủ chốt của các công ty viễn thông vốn là đối
thủ cạnh tranh của nhau gồm China Telecom, China Unicom, China Mobile
mà không đưa ra bất kỳ lời giải thích nào. Wei Liucheng, nguyên Chủ tịch
CNOOC, đã được bổ nhiệm làm Chủ tịch tỉnh Hải Nam vào tháng 10/2004.
Rõ ràng sự kiểm soát của nhà nước đã mang lại lợi thế cho các doanh
nghiệp nói trên tại thị trường nội địa. Khi Trung Quốc bắt đầu thúc đẩy phát
triển kinh tế thị trường vào đầu thập kỷ 1990, các doanh nghiệp nhà nước
trong các lĩnh vực kinh doanh quan trọng đã được lựa chọn làm đầu tàu để
phát triển kinh tế quốc dân. Họ nhận được nhiều ưu đãi như được thầu các

59
hợp đồng lớn, bảo hộ về thuế, được thuê đất rẻ và hưởng những điều kiện tín
dụng dễ dàng từ các ngân hàng quốc doanh, được ưu đãi khi bán cổ phiếu.
Một lợi thế lớn khác là Chính phủ Trung Quốc đã định hướng các đối tác liên
doanh nước ngoài trong hợp tác phải đảm bảo rằng các công ty hàng đầu của
Trung Quốc tiếp cận được các công nghệ mới và bí quyết quản lý.
Tuy nhiên, trên trường quốc tế, những mối quan hệ chặt chẽ giữa chính
phủ và những công ty xuyên quốc gia Trung Quốc đã bắt đầu bị cho là bất lợi.
Mối quan hệ này cùng sự tiếp cận dễ dàng của các công ty Trung Quốc đối
với nguồn vốn từ ngân hàng quốc doanh đang gây hại cho những dự án kinh
doanh quốc tế của các công ty này.
CNOOC chẳng hạn, nhìn chung được đánh giá là một công ty được
quản lý tốt và có cổ phiếu được niêm yết trên thị trường chứng khoán Hồng
Kông từ năm 2001. Tuy nhiên, để ngăn không cho công ty này mua lại
Unocal, các nghị sĩ Mỹ đã tập trung soi xét vấn đề sở hữu quốc doanh và việc
tiếp cận tín dụng với chi phí thấp của CNOOC.
Năm ngoái, số lượng máy thu hình của Công ty Sichuan Changhong
Electric (tỉnh Tứ Xuyên) xuất sang Mỹ đã giảm mạnh xuống gần bằng không,
sau khi bị áp thuế chống phá giá ở mức 25%. Lý do chính là sở hữu quốc
doanh. Theo phía Mỹ, điều này đã tạo ra sự cạnh tranh không công bằng đối
với các đối thủ tư nhân nên Sichuan Changhong Electric phải bị đánh thuế
chống phá giá.
Dù được chính phủ ưu đãi, các công ty quốc doanh Trung Quốc chưa
phát triển đến mức trở thành các công ty mạnh tầm cỡ thế giới. Trước đây,
chính phủ Hàn Quốc và Nhật đã khép kín thị trường để chăm sóc cho các đại
công ty của họ lớn mạnh; Trung Quốc nay lại đi theo xu hướng mở cửa thị
trường để khuyến khích cạnh tranh.
Những điều trên cho thấy các công ty Trung Quốc thường triển khai
hoạt động kinh doanh tại nước ngoài với vị thế yếu ớt. Và không phải lúc nào
các kinh nghiệm tại thị trường nội địa cũng ứng dụng được trên thị trường
quốc tế. Đó là lý do khiến Lenovo đòi IBM tiếp tục để lại các nhà quản lý cấp
cao để hỗ trợ sau khi Lenovo mua lại bộ phận sản xuất máy tính cá nhân của
IBM. Công ty Tư vấn McKinsey & Co cho rằng, trong vòng năm năm tới,
Trung Quốc sẽ cần đến 75.000 nhà quản lý có kinh nghiệm quốc tế. Hiện nay,
nước này chỉ có khoảng 5.000 chuyên gia như vậy.
Hơn thế nữa, khi phân tích kỹ hơn, có thể thấy nhiều công ty trong số
các công ty xuyên quốc gia Trung Quốc đội ngũ doanh nhân vẫn mang phong

60
cách quản lý tương tự như các công ty mẹ là doanh nghiệp quốc doanh. Tổng
giám đốc China Netcom đã gặp nhiều khó khăn trong việc quản lý 100.000
nhân viên và dung hòa lợi ích của các cổ đông và bốn công ty quốc doanh
chiếm cổ phần chi phối China Netcom. Ông cho biết: “Tôi đã học được kỹ
năng làm thế nào để tồn tại trong một doanh nghiệp lớn của nhà nước, có
nghĩa là 50% thời gian dành cho kinh doanh và 50% cho quan hệ để tìm sự
cân bằng về mặt chính trị”. Theo ông, nếu các công ty này tập trung 100%
vào kinh doanh, kết quả có thể sẽ khả quan hơn.
c. Chính sách hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực trong các doanh nghiệp của
một số quốc gia
Tại Singapore, chính phủ đặc biệt coi trọng việc khuyến khích chính
các doanh nghiệp chủ động tổ chức đào tạo cho người lao động. Chính phủ
trợ cấp tài chính và cung cấp miễn phí cơ sở hạ tầng cho các DN tham gia đào
tạo nghề. Các DN cũng đóng góp vào Quĩ Phát triển kỹ năng Singapore để
khuyến khích vật chất đối với người lao động tham gia học nghề và tổ chức
các khóa đào tạo nghề. Đến nay quĩ đã huy động được 1,5 tỉ SGD cho mục
đích này từ các DN.
Tại Thượng Hải (Trung Quốc), Chính phủ mở thầu để thu hút các nhà
cung ứng lao động tư nhân tham gia cung cấp dịch vụ đào tạo nghề thông qua
cạnh tranh. Để được trợ cấp, các nhà cung ứng đào tạo tư nhân phải đạt các
tiêu chuẩn về chuyên môn do chính phủ qui định và giám sát. Ngoài ra, các
khóa học phải đạt tỉ lệ đỗ ít nhất 90% và tỉ lệ có việc làm ít nhất 60% sau khi
tốt nghiệp. Cách làm này buộc các nhà cung ứng phải phối hợp chặt chẽ với
các DN để nắm bắt đầu ra cho lao động trước khi mở lớp đào tạo nghề cho
các học viên.
Nhật Bản lại chọn thực hiện mô hình xây dựng quan hệ đối tác đào tạo
mang tính chiến lược giữa các DN cùng ngành nghề với chính phủ để tiết
kiệm chi phí và tăng hiệu quả sử dụng cơ sở, thiết bị chung do chính phủ cung
cấp. Với sự hỗ trợ của Bộ Lao động Nhật Bản và chính quyền địa phương,
các trường đại học máy tính được mở ra ở khắp nơi với sự liên kết các DN có
cùng lĩnh vực như IBM Japan, Fujitsu, Kobe Steel, Nippon Steel, Kansai
Electric Power, Sony and Mitsubishi Electric.
Để tiết kiệm chi phí, đặc biệt cho các DN nhỏ và vừa, Hàn Quốc tiến
hành đào tạo nghề theo cụm các DN nằm chung một khu vực địa lý. Tại Khu
công nghiệp điện tử Kumi gồm 150 DN vừa và nhỏ về điện tử, Trường cơ khí

61
Keum Oh và Trường điện tử Kumi đảm trách đào tạo nghề cho các lao động
của các công ty này.
Cách làm này giúp các DN vừa và nhỏ với ngân sách đào tạo hạn chế
vẫn có thể đạt được mục tiêu đào tạo và đào tạo lại các nhân viên của mình.
Đồng thời, tư duy của các DN nên thay đổi. Khi tuyển dụng lao động, cần nhớ
một triết lý rất đơn giản: tiền nào của nấy.
Khi mua một chiếc ô tô của người Nhật, cũng chính là mua tay nghề, sự
tận tâm và cẩn thận của người thợ Nhật Bản, thể hiện trong từng chi tiết của
động cơ. Có tư duy và sự đãi ngộ phù hợp, DN mới khuyến khích người lao
động sản xuất các sản phẩm có chất lượng cao.
Ngoài kỹ năng chuyên môn, các nước đều rất chú trọng trang bị kỹ
năng cơ bản cho người lao động. Có các tên gọi khác nhau ở từng nước như
kỹ năng chủ chốt (Anh), kỹ năng thiết yếu (Singapore), kỹ năng cơ bản (EU),
kỹ năng cơ sở (Thổ Nhĩ Kỳ) nhưng nội dung chính vẫn là trang bị cho lao
động các kỹ năng cơ bản nhất để thích ứng và chủ động trong môi trường lao
động luôn thay đổi: kỹ năng tìm việc làm, kỹ năng đọc, viết, sử dụng máy
tính, kỹ năng giao tiếp và lắng nghe, năng lực giải quyết vấn đề, hiệu quả cá
nhân (lòng tự trọng, kỷ luật, hoàn thiện bản thân), đàm phán, hiệu quả tổ chức
và kỹ năng lãnh đạo – kỹ năng của một doanh nhân.
d. Thúc đẩy doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm xã hội
Khái niệm trách nhiệm xã hội và văn hoá kinh doanh là rất rộng. Ở Việt
Nam, nhiều doanh nhân còn mù mờ về vấn đề này, và các hoạt động từ thiện
– xã hội đôi khi là tự phát. Tuy nhiên, ở các nước phát triển, đặc biệt là
phương Tây, khái niệm trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp – doanh nhân
được hiểu và quy định rất rõ ràng.
Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp được thể hiện bằng các bộ quy
tắc ứng xử cụ thể, ràng buộc doanh nghiệp trong quá trình sản xuất kinh
doanh, không được làm ảnh hưởng đến lợi ích xã hội, bảo vệ người lao động
như không được sử dụng lao động trẻ em, lao động cưỡng bức, bảo đảm an
toàn vệ sinh lao động, sử dụng nguồn nguyên liệu hợp pháp, bền vững.
Bên cạnh đó, cơ chế kiểm tra, giám sát thực thi trách nhiệm xã hội cũng
được xây dựng và hoạt động hiệu quả.
1.3.3 Bài học thực tiễn rút ra cho Việt Nam và các địa bàn tỉnh thành
- Chính phủ cần tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nhân hình thành,
xây dựng và phát triển doanh nghiệp. Trong đó, chú trọng: (1) xây dựng cơ sở hạ

62
tầng hòan thiện, đồng nhất, thuận lợi về giao thông, điện, nước; (2) Hoàn thiện
hệ thống luật pháp và đơn giản hóa thủ tục hành chính.
- Luôn coi trọng lực lượng thuộc đội ngũ doanh nhân trong quá trình phát
triển kinh tế đất nước.
- Hỗ trợ đào tạo doanh nhân những kiến thức cần thiết như: kiến thức kinh
doanh, kiến thức quản trị doanh nghiệp, kiến thức pháp luật trong và ngoài nước;
Hỗ trợ và tạo điều kiện cho doanh nhân – doanh nghiệp trong xây dựng và tiến
hành chiến lược đào tạo nguồn nhân lực và trong tiếp cận vốn.
- Từ kinh nghiệm của Trung Quốc, vấn đề vai trò và sự can thiệp hiệu
quả, hợp lý của nhà nước đối với các doanh nghiệp lớn có vốn của nhà nước cần
được xem xét thoả đáng. Sự định hướng, mở đường của nhà nước các cấp, hỗ trợ
thiết thực của chính quyền địa phương và các cơ quan, hiệp hội, tổ chức xã hội
hữu quan đối với doanh nghiệp, doanh nhân.
- Hoàn thiện các tiêu chuẩn về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp –
doanh nhân, đồng thời có biện pháp tuyên truyền, và cơ chế giám sát, xử lý phù
hợp.
- Khuyến khích thúc đẩy làm giàu thông qua chính sách đổi mới kinh tế,
đổi mới cơ chế quản lý, phát triển ngành nghề mới. Điều đó giúp thu hút những
người có ý chí làm giàu khởi nghiệp kinh doanh, vừa làm giàu cho mình, vừa thu
hút lao động, giải quyết việc làm, vừa có đóng góp cho ngân sách nhà nước. Đó
chính là con đường hình thành và phát triển đội ngũ doanh nhân của mỗi quốc
gia, trong đó, Việt Nam cần và có thể áp dụng.

63
Chương 2
THỰC TRẠNG ĐỘI NGŨ DOANH NHÂN Ở ĐỒNG NAI HIỆN NAY

2.1 NHỮNG YẾU TỐ TÁC ĐỘNG ĐẾN SỰ PHÁT TRIỂN CỦA DOANH
NGHIỆP VÀ DOANH NHÂN ĐỒNG NAI
Để có thể thấy rõ quá trình hình thành, phát triển và nét đặc thù của
doanh nhân Đồng Nai, cần và phải xem xét một cách toàn diện – càng đầy dủ
càng tốt – các điều kiện chi phối, tác động tới hệ thống doanh nghiệp và đội
ngũ doanh nhân trên địa bàn.
2.1.1 Yếu tố tự nhiên
2.1.1.1. Vị trí địa lý
Tỉnh Đồng Nai thuộc Đông Nam Bộ, nằm trong vùng kinh tế trọng
điểm phía Nam, diện tích tự nhiên 5.894 km2 (bằng 1,76% diện tích tự nhiên
cả nước và 25,5% diện tích tự nhiên vùng Đông Nam Bộ), có 11 đơn vị hành
chính, với thành phố Biên Hoà, thị xã Long Khánh và 9 huyện.
Về ranh giới hành chính, Đồng Nai nằm ở trung tâm, là một cực tăng
trưởng của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam giáp các tỉnh Bà Rịa- Vũng
Tàu, Bình Thuận, Lâm Đồng, Bình Phước, Bình Dương và Thành phố Hồ Chí
Minh (chỉ cách thành phố 25 km). Đồng Nai có hệ thống giao thông thuỷ, bộ,
đường sắt nối liền với các địa phương khác trong cả nước, có sân bay quân sự
Biên Hòa, sân bay quốc tế Bình Sơn; Bên cạnh đó có hệ thống cảng nhóm 5
dọc sông Thị Vải, sông Lòng Tàu, sông Đồng Nai, kèm theo là hệ thống dịch
vụ, thương mại, tài chính, kho vận.
Có thể nói, Đồng Nai là địa bàn trọng yếu về kinh tế, chính trị và quốc
phòng an ninh, có vị trí quan trọng trong sự phát triển của vùng kinh tế trọng
điểm phía Nam, gắn kết vùng Đông Nam Bộ với Tây Nguyên.
2.1.1.2. Điều kiện địa hình, khí hậu
Địa hình của tỉnh chủ yếu là đất đồi cao, kết cấu đất có độ nền tốt,
thuận lợi cho xây dựng kiên cố.
Đồng Nai thuộc vùng có khí hậu cận xích đạo, chia thành hai mùa: mùa
khô từ tháng 12 đến tháng 4 hàng năm và mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10.
Lượng mưa tương đối cao, nhiệt độ bình quân 25-260C. Đây là vùng khá ổn
định về khí hậu, ít phải chịu thiên tai, thuận lợi cho phát triển sản xuất và kinh
doanh, nhất là phát triển hệ thống doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực, ngành
nghề.
2.1.1.3. Tài nguyên thiên nhiên

64
- Tài nguyên đất
Gồm 10 nhóm đất chính. Trong đó, đất xám thuận lợi cho phát triển
CN, NN và XD chiếm 40% diện tự nhiên toàn tỉnh; Đất đen thích hợp cây
trồng cây lâu năm chiếm 22,43%. Đất đỏ thích hợp phát triển cây công nghiệp
dài ngày, ăn quả. Tóm lại, quỹ đất của tỉnh vừa thích hợp cho sản xuất nông
nghiệp, tạo vùng chuyên canh, vừa có lợi cho phát triển xây dựng và công
nghiệp.
- Tài nguyên rừng: Diện tích đất rừng hiện có 178.216 ha, chiếm tới
30,36% diện tích tự nhiên, với 154.874 ha có rừng, chủ yếu là rừng tự nhiên
(110.117 ha)
- Tài nguyên nước và khoáng sản
Đồng Nai có nguồn nước mặt dồi dào do mạng lưới sông suối khá dày,
trung bình 0.5 – 1.2 km2, với sông Đồng Nai, sông La Ngà; bên cạnh đó là trữ
lượng nước ngầm khoảng 3 triệu m3/ngày. Lượng nước đủ cung cấp cho sản
xuất và sinh hoạt.
Tài nguyên khoảng sản khá phong phú, đặc biệt là khoáng sản nhằm
cung cấp làm vật liệu xây dựng như đá granite, đá xây dựng, đất sét, puzơlan,
cát rơi, …
Nằm ở trung tâm Đông Nam bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam,
Đồng Nai đã tận dụng được những lợi thế so sánh của vùng và của tỉnh về vị trí
địa lý, hệ thống giao thông, nguồn tài nguyên đất thuận lợi cho việc xây dựng hạ
tầng kỹ thuật và nguồn nước dồi dào. Được sự quan tâm chỉ đạo của Đảng và
Chính phủ trong công cuộc đổi mới, đã đạt được những thành tựu đáng kể, nhất là
trong giai đoạn từ năm 1996 đến nay, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung
của toàn vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và của cả nước.
2.1.2 Yếu tố kinh tế - xã hội
2.1.2.1. Tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Đồng Nai
a. Thực trạng phát triển kinh tế Đồng Nai giai đoạn 1996-2007
Thời kỳ 1996-2005, GDP của tỉnh Đồng Nai liên tục giữ được tốc độ
tăng trưởng kinh tế cao, tăng bình quân 12,4%/năm. Trong đó, thời kỳ 1996-
2000, tốc độ tăng trưởng bình quân là 12%/năm; thời kỳ 2001-2005 tốc độ
tương ứng 12,8%/năm, gần gấp 2 lần mức tăng chung cả nước; thời kỳ 2005 –
2007, chỉ tiêu này đạt hơn 20%/năm.
Năm 2005, qui mô GDP theo giá hiện hành là 30.000 tỷ đồng (tương
đương 1,9 tỷ USD), GDP bình quân đầu người là 12,7 triệu đồng (tương
đương 806 USD); Đến năm 2007, chỉ tiêu này đã đạt là 42.832 tỷ đồng và hơn

65
19 triệu đồng/người (tương đương hơn 1.100 USD). Quy mô GDP theo giá
hiện hành năm 2008 là 53.855 tỷ đồng, tương đương 3,26 tỷ USD. GDP bình
quân đầu người theo giá thực tế là 21,716 triệu đồng, tương đương 1.316
USD, tăng 19,1% so với năm 2007. Kinh tế phát triển góp phần nâng cao mức
sống dân cư của tỉnh, tác động mạnh mẽ vào quá trình chuyển dịch cơ cấu
kinh tế và nâng cao vị thế của Đồng Nai trong sự phát triển chung của vùng
kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước.
Kinh tế của tỉnh giai đọan 1996-2007 không những tăng trưởng với tốc
độ khá cao mà còn tạo ra sự chuyển dịch cơ cấu mạnh mẽ, từ một tỉnh có cơ
cấu kinh tế nông nghiệp khá lớn, chuyển sang một nền kinh tế công nghiệp
chiếm tỷ trọng cao.
Bảng 2.1: Cơ cấu kinh tế tỉnh Đồng Nai qua các năm
Đơn vị: %
Cơ cấu tổng sản phẩm trên địa bàn Tăng trưởng bình quân tổng
(giá thực tế) sản phẩm trên địa bàn
(%) (giá so sánh) - (%/năm)
1995 2005 2007 2008 2003 - 2007 2005 -2007
Công nghiệp 38,7 57,01 57,7 57,9 16,84 16,92
Dịch vụ 29,5 28,03 30,2 31,5 13,46 14,6
Nông nghiệp 31,8 14,96 12,1 10,6 5,09 5,13
Nguồn: Niên giám thống kê tỉnh 2007 và Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh
năm 2008; phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện kế hoạch 2009 – UBND tỉnh Đồng Nai
Trên địa bàn tỉnh đã hình thành cơ cấu kinh tế mới công nghiệp - dịch
vụ - nông nghiệp, làm thay đổi về chất những điều kiện phát triển kinh tế-xã
hội những năm tiếp theo. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế đã nâng cao đáng kể
hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tình hình phát triển cụ thể một số
ngành kinh tế chủ yếu của tỉnh những năm qua như sau:
Công nghiệp và xây dựng
Tốc độ tăng trưởng công nghiệp của tỉnh mang tính đột phá cao; ngay
trong điều kiện bị tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế trong khu vực
nhưng tốc độ tăng trưởng công nghiệp bình quân giai đoạn 1996-2000 vẫn đạt
20,3%/năm; giai đoạn 2001-2005 và giai đoạn 2005-2007 đạt tương ứng
16%/năm và 16,92%/năm. Ước thực hiện giá trị sản xuất công nghiệp năm
2008 là 76.327 tỷ đồng, đạt 97,7% kế hoạch, tăng 21,3% so cùng kỳ.
Đáng lưu ý là sự tăng trưởng đột phá của doanh nghiệp có vốn đầu tư
nước ngoài vào Đồng Nai. Khu vực này đã tăng từ 0% (năm 1990) lên chiếm
tỷ trọng 47,7% (năm 1996) và đạt khoảng 63% giá trị sản lượng công nghiệp
năm 2005, góp phần nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm công

66
nghiệp, với nhiều sản phẩm có hàm lượng chất xám cao, chủ động mở rộng
thị trường tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài nước; góp phần đẩy kim ngạch
xuất khẩu của tỉnh vượt lên đạt 3.187,6 triệu USD vào năm 2005. Ước giá trị
sản xuất ngành công nghiệp năm 2008 của khu vực này là 54.931 tỷ đồng, đạt
98% kế hoạch, tăng 24,1% so cùng kỳ.
Trong cơ cấu ngành công nghiệp của tỉnh Đồng Nai phải kể đến một
số ngành có vai trò quan trọng, đóng góp lớn vào phát triển kinh tế và xuất
khẩu của tỉnh. Đó là: ngành công nghiệp chế biến nông sản thực phẩm; ngành
công nghiệp cơ khí; ngành công nghiệp dệt may và giày dép. Bên cạnh đó,
những ngành công nghiệp đang phát triển khá mạnh và có nhiều tiềm năng để
phát triển hơn nữa như: công nghiệp hoá chất và plastic, công nghiệp sản xuất
và chế biến gỗ; công nghiệp giấy; công nghiệp điện và điện tử.
Nông nghiệp và nông thôn.
Nông nghiệp Đồng Nai phát triển khá toàn diện, giá trị sản lượng bình
quân hàng năm giai đoạn 1996-2000 tăng 4,0%/năm, giai đoạn 2001-2005 và
đạt 4,6%/năm. Chăn nuôi tăng trưởng nhanh về cả quy mô và tốc độ. Giai
đoạn 1996-2000 tăng trưởng bình quân 9,8%/năm. Tỷ trọng chăn nuôi trong
giá trị sản xuất nông nghiệp đã tăng dần từ 18,1% năm 1995 lên 23% năm
2000, 15,5% năm 2005, cao hơn tỷ trọng chung của cả nước.
Ngành thuỷ sản đã được quan tâm đầu tư từ khâu giống, thức ăn, đến
bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản nên đã dần đi vào sản xuất ổn định. Với khoảng
31.000 ha mặt nước có khả năng nuôi trồng và khai thác thuỷ sản; sản lượng
đạt gần 30 ngàn tấn năm 2005.
Ước thực hiện giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2008
là 7.083,9 tỷ đồng (giá cố định 1994), tăng 6% so với thực hiện năm 2007.
Trong đó: Giá trị sản xuất nông nghiệp là 6.515,5 tỷ đồng, tăng 6% (trồng trọt
tăng 3,2%; chăn nuôi tăng 13,1%; dịch vụ nông nghiệp tăng 3%); giá trị sản
xuất lâm nghiệp là 81,7 tỷ đồng bằng so cùng kỳ; giá trị sản xuất thủy sản là
486,7 tỷ đồng, tăng 6,6% so cùng kỳ.
Thương mại và dịch vụ
Từ khi chuyển sang cơ chế thị trường, hoạt động thương mại trên địa
bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến về tổ chức, phương thức hoạt động và lực
lượng tham gia thị trường, hoạt động thương mại không chỉ do các doanh
nghiệp thương mại đảm trách mà còn có các doanh nghiệp sản xuất tham gia.
Biểu đồ 2.1: GDP DỊCH VỤ TỈNH ĐỒNG NAI QUA CÁC NĂM
Đơn vị: triệu đồng

67
50000000

40000000

30000000
GDP dịch vụ
20000000 GDP toàn tỉnh

10000000

0
2001 2005 2007

Nguồn: Niên giám thống kê Đồng Nai 2007

Năm 2005 trên địa bàn tỉnh có 1.241 doanh nghiệp thương mại, trong
đó có 2 doanh nghiệp nhà nước trung ương, 13 doanh nghiệp nhà nước địa
phương, 15 HTX; doanh nghiệp ngoài quốc doanh có 1.194, bao gồm 26 công
ty cổ phần, 388 công ty trách nhiệm hữu hạn, 780 doanh nghiệp tư nhân,
72.500 hộ kinh doanh cá thể. Đáng lưu ý là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước
ngoài bắt đầu hoạt động tại thị trường Đồng Nai từ năm 1998 mới chỉ có 1
doanh nghiệp, thì đến năm 2005 trên thị trường tỉnh Đồng Nai đã có 17 doanh
nghiệp thương mại đăng ký hoạt động kinh doanh
+ Hoạt động xuất nhập khẩu
- Kim ngạch xuất khẩu giai đoạn 1996-2000 tăng 47,7%/năm, giai
đoạn 2001-2005 tăng 14,71%/năm, giai đoạn 2005 – 2007 tăng 15,89 %/năm.
Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 1996-2005 là 30,1%/năm. So với năm
1995, kim ngạch xuất khẩu năm 2005 bằng khoảng 13,95 lần, năm 2007 bằng
24 lần (kim ngạch xuất khẩu năm 1995 là 228,35 triệu USD; năm 2005 đạt
trên 3.186 triệu USD và năm 2007 là khoảng 5.474 triệu USD). Giá trị xuất
khẩu tính bình quân đầu người năm 2003 đạt khoảng gần 900 USD/người,
bằng 3,6 lần so với mức bình quân chung của cả nước. Năm 2005 đạt gần
1.429 USD/ người và năm 2007 là 2.399 USD/người. So với các tỉnh vùng
trọng điểm kinh tế phía Nam, Đồng Nai đứng thứ tư về kim ngạch xuất khẩu
năm 2007, sau TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và tỉnh Bình
Dương.
- Kim ngạch xuất khẩu doanh nghiệp địa phương, tốc độ tăng bình
quân 5 năm (2001-2005) đạt 11,75%. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là
nông sản (tiêu, cà phê, hạt điều nhân, mật ong, ..) và hàng công nghiệp chế
biến (may mặc, giày dép, gốm - thủ công mỹ nghệ, hàng mộc tinh chế ...).
- Về cơ cấu kim ngạch xuất khẩu phân theo các thành phần kinh tế: tỷ

68
trọng kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ngày
càng tăng và chiếm giá trị gần như tuyệt đối trong tổng kim ngạch xuất khẩu
(năm 1995 là 55,67%; năm 2005 là 91,28%) do số lượng dự án của nước
ngoài đầu tư vào địa bàn ngày càng tăng, cụ thể nếu như tính đến cuối năm
1995 cả tỉnh chỉ có 115 dự án do nước ngoài đầu tư, với tổng vốn đầu tư
3.370 triệu USD thì đến cuối năm 2005 toàn tỉnh có 707 dự án với tổng vốn
đăng ký là 8.049 triệu USD.
- Cơ cấu mặt hàng xuất khẩu chuyển dịch theo hướng tăng giá trị hàng
công nghiệp, đặc biệt là hàng công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao; giảm
giá trị hàng nông, lâm sản.
Nếu chỉ tính riêng các doanh nghiệp địa phương, kim ngạch xuất khẩu
của nhóm hàng công nghiệp đã tăng từ 43,98% năm 1995 lên 52,79% năm
2000 và đến năm 2005 là khoảng 67%; tỷ trọng của nhóm hàng nông sản
giảm từ 54,79% năm 1996 xuống còn 46,74% năm 2000 và chỉ còn khoảng
33% vào năm 2005, kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng lâm sản chiếm tỷ
trọng không đáng kể (không đến 1%) và ngày càng giảm.
Nếu tính chung trên toàn địa bàn tỉnh đến năm 2007, tỷ trọng xuất
khẩu của nhóm hàng công nghiệp chiếm 92% tổng kim ngạch, trong đó chủ
yếu là hàng công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp, còn lại là hàng nông,
lâm, thủy sản và chủ yếu do các doanh nghiệp trung ương, địa phương thực
hiện.
- Các dịch vụ ngân hàng, tài chính, bưu chính viễn thông, các dịch vụ
phụ trợ khác, … cũng phát triển khá nhanh, phục vụ kịp thời cho sự tăng
trưởng nhanh của nền kinh tế, cũng như nhu cầu dân cư, thể hiện một phần
qua tình hình phát triển ngân hàng và viễn thông trên địa bàn tỉnh trong năm
2008 như sau:
+ Số máy điện thoại phát triển: ước điện thoại cố định tháng 12/2008 là
9.048 máy; lũy kế 12 tháng là 70.000 máy. Điện thoại di động tháng 12/2008
là 20.000 máy; lũy kế 12 tháng là 388.455 máy; Thuê bao Internet phát triển
tháng 12/2008 (ADSL) là 1.500 thuê bao; lũy kế 12 tháng là 21.124 thuê bao,
vượt 14,2% kế hoạch.
+ Hoạt động dịch vụ ngân hàng trên địa bàn ngày càng phát triển tạo
điều kiện thuận lợi cho khách hàng đến giao dịch. Đến nay có trên 340.000 tài
khoản tiền gửi thanh toán của các tổ chức kinh tế và cá nhân, 33 ngân hàng
trên địa bàn tham gia thanh toán bù trừ điện tử. Thẻ ATM – thẻ tín dụng: Ước
tổng số thẻ phát hành đến tháng 12/2008 trên 407.000 thẻ, 170 máy ATM.

69
Về phát triển các Khu công nghiệp, cụm công nghiệp:
Có thể nói, phát triển khu, cụm công nghiệp là một điểm đặc trưng của
kinh tế tỉnh Đồng Nai. Tổng cộng đến hết tháng 12/2008, trên địa bàn tỉnh
Đồng Nai đã có 29 KCN được phép hoạt động với diện tích là 9.076 ha; diện
tích cho thuê 5.452 ha, trong đó đã cho thuê 3.557 ha, tỷ lệ lấp đầy đạt 65,2%
(chưa tính diện tích của 2 KCN mới thành lập là KCN Giang Điền và KCN
Dầu Giây).
- Về cụm công nghiệp: Đến nay, tỉnh đã quy hoạch 43 cụm công nghiệp,
với tổng diện tích là 2.123 ha; trong đó có 24 cụm công nghiệp được phê
duyệt chi tiết và 19 cụm công nghiệp đang lập quy hoạch. Có 2 cụm CN đầu
tư hoàn thiện hạ tầng theo quy hoạch là cụm CN Vật liệu xây dựng Hố Nai 3
và cụm CN Bình Sơn; các cụm CN còn lại đang trong quá trình lập các thủ
tục đầu tư hạ tầng theo quy định. Có 15/43 cụm CN có doanh nghiệp đầu tư
hạ tầng.
Về giao thông
Đồng Nai đã có bước tiến nhanh trong đầu tư phát triển và nâng cấp
hệ thống giao thông, nhất là giao thông đường bộ. Trong 5 tuyến quốc lộ trên
địa bàn tỉnh thì quốc lộ 1, quốc lộ 51, quốc lộ 1K, quốc lộ 20 đã được nâng
cấp mở rộng và đảm bảo lưu thông khá thuận lợi. Hệ thống đường bộ trong
tỉnh phát triển đã tác động tích cực đến phát triển mở rộng giao lưu hàng hóa
giữa các vùng thành thị với nông thôn, giữa công nghiệp với nông nghiệp.
Phương tiện vận tải đường bộ cũng tăng nhanh cả số lượng và chất lượng, tốc
độ tăng bình quân 6,2%/năm.
Hệ thống cảng biển, cảng sông tại Đồng Nai đã được quy hoạch và
xây dựng tương đối nhanh, bao gồm:
- Trên sông Đồng Nai: cảng Đồng Nai, cảng Công ty Xăng dầu Đồng
Nai, cảng SCT GAS-VN.
- Trên sông Nhà Bè-Lòng Tàu: cảng gỗ mảnh Phú Đông, cảng Xăng
Dầu Phước Khánh, cảng Viko Wochimex.
- Trên sông Thị Vải: cảng Phước Khánh, cảng Gò Dầu A, cảng Gò Dầu
B, cảng Superphosphate Long Thành, cảng UniqueGas.
Sản lượng hàng hoá thông qua các cảng biển hiện nay đạt trên 3 triệu
tấn/năm. Riêng sản lượng hàng hoá thông qua 3 cảng: Long Bình Tân, Cảng
Gò Dầu A, B là 1.500.000 tấn/năm.
Quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đến nay Đồng Nai đã hình thành
tương đối rõ nét 2 vùng lãnh thổ nam và bắc quốc lộ 1A:
a) Vùng nam quốc lộ 1A (vùng I): Gồm thành phố Biên Hòa và các

70
huyện Vĩnh Cửu, Long Thành, Nhơn Trạch, một phần huyện Xuân lộc và
huyện Thống nhất (phía nam quốc lộ 1); diện tích tự nhiên khoảng 320.000
ha; với dân số trung bình năm 2000 là 863 ngàn người. Đây là một vùng có
lợi thế phát triển nhanh về công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ; đã hình
thành các khu công nghiệp tập trung dọc tuyến quốc lộ 1, quốc lộ 51 và vùng
cây cao su, cà phê, điều. Sau khi xây dựng xong tuyến đường cao tốc Dầu
Giây-Quận 9 thành phố Hồ Chí Minh sẽ tạo thêm khả năng mới cho phát triển
công, thương nghiệp, du lịch và dịch vụ tại vùng I.
b) Vùng Bắc quốc lộ 1A (vùng II): gồm các huyện Tân Phú, Định Quán,
Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, thị xã Long Khánh. Với diện tích tự nhiên là 269.474 ha.
Dân số trung bình năm 2000 là 1.179 ngàn người. Đây là vùng có lợi thế phát
triển về nông lâm nghiệp và thủy sản (hồ Trị An) và công nghiệp chế biến gắn
với vùng nguyên liệu; đã hình thành các vùng chuyên canh cây công nghiệp
như: đậu nành, mía, bông vải, thuốc lá, cao su, cà phê, điều, cây ăn trái.
Phát triển công nghiệp chế biến nông lâm sản gắn với vùng nguyên liệu
như chế biến hạt điều, sơ chế cà phê, bắp, đậu nành ... chế biến các loại tre, lồ
ô, mây thành hàng thủ công xuất khẩu ... là những khả năng lớn của vùng II.
b. Yếu tố xã hội
Đồng Nai có 11 đơn vị hành chính, gồm thành phố Biên Hoà - trung
tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh (cách trung tâm thành phố Hồ Chí
Minh 30km về phía đông bắc theo quốc lộ 1A), thị xã Long Khánh và 9
huyện: Tân Phú, Định Quán, Xuân Lộc, Nhơn Trạch, Long Thành, Vĩnh Cửu,
Thống Nhất, Trảng Bom và Cẩm Mỹ.
Dân số tỉnh tăng từ 2.080.068 người năm 2001 lên 2.214.380 người vào
năm 2005; và năm 2007 là 2.281.705 người, trong đó thành thị chiếm 31,42%,
nông thôn: 68,58%; số người trong độ tuổi lao động chiếm 72,73%. Giai đoạn
1996-2005, dân số toàn tỉnh tăng bình quân 1,82%/năm; trong đó giai đoạn 2001-
2005 tăng 1,66%/ năm, thời kỳ này dân số tỉnh tăng cơ học cao.
Trong tương lai, cùng với sự phát triển kinh tế và đô thị hoá, tỷ lệ dân
số toàn tỉnh sẽ được khống chế, nhưng tỷ lệ dân số thành thị sẽ tăng nhanh, có
khả năng đạt tới 50% vào năm 2010 (tức khoảng trên 1,25 triệu người) và sẽ
đưa Đồng Nai thành một trong số ít tỉnh có tỷ lệ dân đô thị cao trong cả nước.
Đây là một trong những điều kiện thuận lợi phát triển hoạt động kinh doanh,
sản xuất và dịch vụ trên địa bàn trong những năm tới.

71
Biểu đồ 2.2: DÂN SỐ TỈNH ĐỒNG NAI
2300000
2281705
2250000
2200000 2214380

2150000
Đơn vị: người
2100000
2080068
2050000
2000000
1950000
2001 2005 2007

Trong những năm qua, cùng với tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao, đời
sống nhân dân được cải thiện tương đối nhanh: năm 1995, tỷ lệ hộ có mức
sống trung bình trở lên là 50,09%, đến năm 1999 là 68,75%, trong đó hộ giàu
chiếm 5,21%, hộ khá chiếm 20%, hộ trung bình chiếm 43,54%; và năm 2001-
2002 nâng lên 76,25%, trong đó hộ giàu chiếm 8,59%, hộ khá chiếm 31,75%,
hộ trung bình chiếm 35,91%; năm 2003 là 87,4%, trong đó: hộ giàu chiếm
13,40%, hộ khá chiếm 46,59%, hộ trung bình chiếm 27,41%.
Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn quốc gia giai đoạn 2001-2005) đã giảm từ
12,6% năm 2000 xuống 0,89% năm 2005. Tỷ lệ thất nghiệp ở đô thị giảm từ
4,5% năm 2001 xuống còn 3% năm 2005; tỷ lệ sử dụng thời gian lao động ở
nông thôn tăng từ 76% năm 2001 lên 84% năm 2005.
Thu nhập bình quân một người/tháng tăng từ 678,31 nghìn đồng năm
2004 lên 721,91 nghìn đồng năm 2005 và đạt hơn 1 triệu đồng năm 2007. Tốc
độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2005 – 2007 đạt tới 14%/năm. Thu nhập
của người dân tỉnh Đồng Nai cũng thể hiện rõ tính chất nền kinh tế công
nghiệp phát triển, đó là thu nhập chủ yếu từ tiền công, tiền lương và các
khoản thu phi nông nghiệp, chiếm tới 70,62% tổng thu nhập (năm 2007).
Mức chi tiêu chung trong sinh hoạt, đời sống của dân cư Đồng Nai tăng
theo hướng tích cực, đó là số lượng tăng song tỷ trọng chi tiêu so thu nhập
bình quân giảm và tỷ trọng chi tiêu cho đời sống trong chi tiêu bình quân
giảm. Năm 2000 chi tiêu cho đời sống bình quân một người/tháng đạt 365,3
nghìn đồng, năm 2005 tăng 42,74% so với 2000 đạt 521,42 nghìn đồng và
đến năm 2007 đạt 690,12 nghìn đồng. Tỷ trọng tương ứng giữa chi tiêu bình
quân và thu nhập bình quân qua các năm 2005 và 2007 tương ứng là: 72,2%
và 68,8%. Các khoản chi tiêu cho đời sống giảm dần về tỷ trọng so với tổng
thu nhập. Năm 1999 chiếm 73,6%, năm 2001 chiếm 71,27%, năm 2005 chiếm
khoảng 59% và đến năm 2007, cũng chiếm khoảng 60%. Điều này chứng tỏ

72
đời sống dân cư Đồng Nai từng bước được cải thiện, thu nhập tăng, tỷ trọng
chi tiêu cho đời sống giảm và tích lũy từ nội bộ dân cư không ngừng tăng lên.
Như vậy, so với cả nước và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, mức
thu nhập bình quân và mức chi tiêu bình quân tháng của dân cư Đồng Nai đạt
ở mức khá cao và tăng trưởng theo hướng tích cực. Vì vậy, trên phương diện
thị trường, điều đó phản ánh mức độ gia tăng nhanh và qui mô của nhu cầu có
khả năng thanh toán trên thị trường Đồng Nai so với tình hình phát triển
chung trên phạm vi cả nước và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đồng
thời, điều đó cũng tác động tích cực đến sự gia tăng của các nguồn cung ứng
trên thị trường Đồng Nai cả từ bên trong và bên ngoài.
Bên cạnh đó, cùng với quá trình hoàn thiện và đổi mới chung của các
nước, Đồng Nai đã thực hiện chính sách phát triển doanh nghiệp – doanh
nhân với chủ trương “chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp” đã tác động
tích cực đến thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
2.1.2.2 Tình hình phát triển kinh tế - xã hội vùng Đông Nam bộ, vùng kinh
tế trọng điểm phía Nam, vùng Đồng bằng sông Cửu Long
a. Vùng Đông Nam Bộ
Vùng Đông Nam bộ gồm thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình
Dương, Bình Phước, Bà Rịa-Vũng Tàu, Ninh Thuận, Bình Thuận, Lâm Đồng;
có diện tích 45.000 km2, chiếm 13,6% diện tích cả nước; dân số năm 2000 của
vùng Đông Nam bộ là 12.066,8 ngàn người, chiếm 15,5% dân số cả nước,
năm 2005 là 13.454 ngàn người (16,19% dân số cả nước) và năm 2007 .
Đông Nam bộ là vùng tập trung dân cư lớn có mức thu nhập bình
quân cao, là nơi tập trung nhiều ngành sản xuất, nên có nhu cầu tiêu dùng
hàng cao cấp, hàng nông sản thực phẩm nhiều và đây còn là thị trường có nhu
cầu lớn về hàng hóa, tư liệu sản xuất khá đa dạng và phong phú.
Trong những năm tới Đông Nam bộ vẫn sẽ là vùng phát triển năng
động nhất của cả nước. Giai đoạn 2001-2005, tốc độ tăng trưởng của vùng
Đông Nam bộ đạt 10,78%/năm; GDP đạt 148.584 tỷ đồng vào năm 2005,
trong đó GDP (giá so sánh 1994) nông nghiệp-thủy sản chiếm 4,8%; công
nghiệp chiếm 59,6%; dịch vụ 35,6%. Dự báo giai đoạn 2006-2010 tốc độ tăng
trưởng là 9,52%; GDP đạt 234.149 tỷ đồng vào năm 2010, trong đó GDP
nông, lâm, thủy sản chiếm 3,7%; GDP công nghiệp 63,2% và GDP dịch vụ
33,1%.
Vùng Đông Nam bộ với hạt nhân là tam giác kinh tế trọng điểm phía
Nam bao gồm: thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Bà Rịa-Vũng Tàu có

73
dân số chỉ chiếm 11,4% dân số cả nước nhưng có nhiều chỉ tiêu phát triển
kinh tế chiếm tỷ trọng cao so với các vùng kinh tế và cả nước.
b) Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam
Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam gồm thành phố Hồ Chí Minh,
Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa-Vũng Tàu, Tây Ninh, Long An
và Tiền Giang; có dân số năm 2001 là 13.824,4 ngàn người, chiếm 17,57%
dân số cả nước, năm 2005 là 15.400,1 ngàn người, chiếm 18,53% dân số cả
nước, và năm 2007 là 16.045,2 ngàn người, chiếm 18,8% dân số cả nước.
Tổng sản phẩm của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam năm 2001
chiếm 39,35% so với cả nước, năm 2005 đạt 45,89% và năm 2007 đạt
46,35%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa xã hội của Vùng kinh tế trọng điểm phía
Nam năm 2001 chiếm 38,51% so với cả nước, năm 2005 đạt 35,72% và năm
2007 đạt 36,84%.
Kim ngạch xuất nhập khẩu của của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam năm
2001 chiếm 59,52% so với cả nước, đến năm 2005 đạt 59,77% so với cả nước
Giai đoạn 2001-2005, tốc độ tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm
phía Nam đạt 10,89%/năm (cả nước khoảng 7,5%); GDP đạt 142.114 tỷ đồng,
trong đó công nghiệp - xây dựng chiếm 61,3%, dịch vụ chiếm 35,3% và nông
- lâm - thủy sản chiếm 3,4%. Giai đoạn 2006-2010, dự kiến tốc độ tăng
trưởng đạt 9,6%/năm; GDP đạt 224.698 tỷ đồng, trong đó nông-lâm-thủy sản
chiếm 2,6%; công nghiệp-xây dựng chiếm 64,7%; dịch vụ chiếm 32,72%.
Với các mục tiêu trên, vùng Đông Nam bộ và vùng kinh tế trọng điểm
phía Nam sẽ là vùng có tốc độ phát triển kinh tế - thương mại nhanh nhất
trong cả nước, là đầu tàu lôi kéo, hỗ trợ các vùng khác cùng phát triển. Tại
đây sẽ tiếp tục có các trung tâm công nghiệp, khoa học, dịch vụ (thương mại,
viễn thông, tài chính, ngân hàng)… với các ngành có thế mạnh như điện tử,
cơ khí, vật liệu xây dựng…, các ngành công nghiệp nhẹ (may mặc, giày dép,
hàng nhựa…), công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm, thủy sản…
c. Vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)
Vùng ĐBSCL nằm ở cực Nam của Tổ quốc, là vùng châu thổ lớn nhất
nước ta, có diện tích tự nhiên 39.369,4 km2, bằng 11,9% diện tích cả nước.
Dân số năm 2000 có 16.344,7 ngàn người, chiếm 21,05%dân số cả nước, mật
độ dân số là 415 người/km2 bằng 1,8 lần mật độ dân số trung bình cả nước,
đến năm 2005 có 17.267,6 ngàn người, chiếm 20,77% dân số cả nước, mật độ
dân số là 435 người/km2 bằng 1,7 lần mật độ dân số trung bình cả nước.
ĐBSCL đã và đang phát triển thành vùng lương thực-thực phẩm, thủy

74
hải sản và trái cây các loại lớn nhất cả nước, trên cơ sở lựa chọn cơ cấu cây
trồng, cơ cấu mùa vụ thích hợp với điều kiện tự nhiên của vùng.
Tốc độ tăng trưởn kinh tế vùng ĐBSCL giai đoạn 2001-2005 đạt
7,36%/năm. GDP đạt 79.708 tỷ đồng vào năm 2005, trong đó công nghiệp-
xây dựng chiếm 24%, dịch vụ chiếm 40,8% và nông-lâm-thủy sản chiếm
35,2%. Dự kiến giai đoạn 2006-2010 tốc độ tăng trưởng đạt 7,57%/năm, GDP
đạt 114.806 tỷ đồng vào năm 2010, trong đó công nghiệp-xây dựng chiếm
28,5%, dịch vụ 41,7% và nông-lâm-thủy sản chiếm 29,8%.
Như vậy, Đồng Nai không chỉ là tỉnh thuộc Vùng kinh tế trọng điểm
phía Nam mà còn nằm ở vị trí trung tâm của các vùng kinh tế phát triển sôi
động nhất cả nước, các doanh nghiệp – doanh nhân Đồng Nai có điều kiện để
tham gia kinh doanh, có nhiều cơ hội và thị trường để phát triển sản xuất và
giao thương. Qua đó, họ có thể tích luỹ nhiều kinh nghiệm kinh doanh, bản
lĩnh thương trường để đứng vững, duy trì và phát triển doanh nghiệp.
2.1.3 Quan điểm của Đảng và Nhà nước về phát triển doanh nghiệp và
doanh nhân
2.1.3.1. Thời kì trước Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (tháng 12/1986)
Ngay từ ngày mới thành lập, Đảng ta chủ trương đánh đổ ách áp bức của
thực dân, phong kiến, giành độc lập tự do cho nhân dân, xây dựng một nền
kinh tế độc lập, tự chủ, phồn vinh, khuyến khích mở mang công nghiệp, lôi kéo
mọi tầng lớp nhân dân, kể cả phú nông, tư sản và tư sản bậc trung vào sự
nghiệp phát triển kinh tế nước nhà, thể hiện trong Chánh cương vắn tắt: "Thâu
hết sản nghiệp lớn (như công nghiệp, vận tải, ngân hàng, v.v.) của tư bản đế
quốc chủ nghĩa Pháp để giao cho Chính phủ công nông binh quản lý... Mở
mang công nghiệp và nông nghiệp".
Trong Chương trình tóm tắt của Đảng cũng nêu: "Đảng lôi kéo tiểu tư
sản, trí thức và trung nông về phía giai cấp vô sản, Đảng tập hợp hoặc lôi kéo
phú nông, tư sản và tư bản bậc trung". Tới thời kỳ mặt trận dân chủ (1936-
1939), Đảng vẫn tiếp tục chính sách thu hút các nhà doanh nghiệp - "Đối với
tư sản dân tộc, Đảng phải có thái độ khéo léo, mềm dẻo. Phải hết sức lôi kéo
họ và giữ họ ở trong Mặt trận" .Quan điểm, đường lối mềm dẻo, đoàn kết dân
tộc đó vẫn tiếp tục được nhất quán và vận dụng sau khi Đảng ta giành được
quyền lãnh đạo đất nước sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Chỉ sau hơn
một tháng kể từ ngày Tuyên ngôn độc lập được phát đi, ngày 13 tháng 10 năm
1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho các nhà công thương, trong đó có
đoạn viết: "Trong lúc các giới khác ra sức hoạt động để giành lấy hoàn toàn

75
nền độc lập thì giới công thương phải hoạt động để xây dựng một nền tài
chính vững vàng và thịnh vượng... Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng tức là sự
kinh doanh của các nhà công nghiệp, thương nghiệp thịnh vượng". Hiến pháp
nước Việt Nam dân chủ cộng hòa năm 1946, trong điều 6 và 7 đã ghi: "Tất cả
công dân Việt Nam đều ngang quyền về mọi phương diện: chính trị, kinh tế,
văn hóa, đều bình đẳng trước pháp luật, đều được tham gia chính quyền và
công cuộc kiến quốc tùy theo tài năng và đức hạnh của mình", đó là cơ sở
pháp lý để các nhà kinh doanh yên tâm hoạt động kinh doanh.
Trong suốt chín năm kháng chiến chống thực dân Pháp, các doanh nhân
đã đem công sức phát triển sản xuất, kinh doanh phục vụ kháng chiến và đời
sống dân sinh. Sau chiến tranh và những năm đầu khôi phục kinh tế, đường lối
của Đảng và Nhà nước đối với doanh nhân vẫn chưa có gì thay đổi lớn. Tuy
nhiên, do yêu cầu xây dựng miền Bắc vững mạnh, làm hậu thuẫn cho miền
Nam đấu tranh giải phóng dân tộc, lại được các nước XHCN, chủ yếu là Liên
Xô và Trung Quốc viện trợ, Đảng và Nhà nước ta đã coi trọng phát triển các xí
nghiệp quốc doanh, xây dựng các HTX, bước đầu hình thành nền kinh tế
XHCN gồm hai bộ phận: quốc doanh và tập thể. Nghị quyết Hội nghị Trung
ương 7, khóa II (từ ngày 3 đến 12/3/1955) nêu: "Tǎng cường từng bước bộ
phận kinh tế quốc doanh (trước hết là mậu dịch quốc doanh) và bắt đầu xây
dựng bộ phận kinh tế HTX (trước hết là HTX cung tiêu ở nông thôn và HTX
tiêu thụ ở thành thị). Bắt đầu xây dựng nông trường quốc doanh để thí nghiệm
và làm kiểu mẫu cho nông dân". Nghị quyết Trung ương 8, khóa II (tháng
8/1955) nhấn mạnh: "Về công thương nghiệp, đi đôi với việc khôi phục, phải
phát triển công thương nghiệp quốc doanh và phải điều chỉnh công thương
nghiệp tư doanh; dựa vào sức lực của nhân dân ta là chính, đồng thời sử dụng
hợp lý viện trợ của các nước bạn…”. Thực tế, sau khi miền Bắc vừa được giải
phóng, nhiệm vụ trọng tâm của Đảng là lãnh đạo khôi phục kinh tế, cải cách
ruộng đất, đấu tranh thống nhất đất nước, việc cải tạo công thương nghiệp tư
doanh chưa được đặt ra một cách cấp thiết. Chỉ đến kế hoạch 3 năm (1958-
1960) về phát triển và cải tạo nền kinh tế quốc dân và tới Đại hội III của Đảng
thì quan điểm đối với công thương nghiệp tư bản tư doanh và các nhà kinh
doanh trong lực lượng kinh tế này mới rõ nét: "Phát triển và cải tạo kinh tế,
làm cho sản xuất ngày càng nâng cao; làm cho thành phần kinh tế XHCN
không ngừng củng cố và tǎng cường, các thành phần kinh tế tư bản tư doanh
và sản xuất cá thể được cải tạo theo CNXH, dần dần biến nền kinh tế quốc dân
thành một nền kinh tế XHCN thuần nhất, dựa trên chế độ sở hữu của toàn dân

76
và của tập thể và dựa trên những quan hệ sản xuất mới, sức sản xuất được
nâng cao mà cải thiện từng bước đời sống vật chất và vǎn hoá của nhân dân,
nhất là nhân dân lao động; đó là nhiệm vụ chủ yếu nhất, nhiệm vụ cơ bản của
chuyên chính vô sản".
Riêng đối với các nhà kinh doanh của giai cấp tư sản, Đảng đưa ra quan
điểm: "Nội dung việc cải tạo công nghiệp tư bản tư doanh là một cuộc đấu
tranh giai cấp, nhằm dần dần biến kinh tế TBCN thành kinh tế XHCN, biến
người tư sản thành người lao động. Cần giáo dục và đấu tranh đúng mức để
thực hiện tốt việc cải tạo, nhưng cần chiếu cố thích đáng đến lợi ích kinh tế
của họ, cho họ hưởng một phần lãi vừa phải để duy trì sinh hoạt bình thường.
Tới Đại hội III của Đảng, đường lối công nghiệp hóa XHCN đã được tuyên
bố một cách dứt khoát và rõ ràng, trong đó, nhiệm vụ phát triển kinh tế
XHCN bao gồm phát triển công thương nghiệp quốc doanh và hợp tác hóa
nông nghiệp đi đôi với cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh: "Chúng ta
chủ trương dùng phương pháp hòa bình để cải tạo công thương nghiệp tư bản
chủ nghĩa tư doanh theo CNXH, thông qua các hình thức của CNTB nhà
nước, từ bậc thấp như gia công, đặt hàng, kinh tiêu, đại lý... tiến lên bậc cao là
xí nghiệp công tư hợp doanh; ngoài ra, còn dùng hình thức xí nghiệp hợp tác.
Trong quá trình cải tạo, chúng ta phải kết hợp các biện pháp kinh tế, hành
chính và giáo dục, kết hợp cải tạo kinh tế với cải tạo tư tưởng, dần dần xoá bỏ
quan hệ sản xuất TBCN, làm cho những người tư sản trở thành những người
lao động dưới chế độ mới". Như vậy, trong nền kinh tế chỉ còn lại các xí
nghiệp công nghiệp và thương nghiệp quốc doanh, các xí nghiệp công tư hợp
doanh, các HTX nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, các HTX mua bán mà
những người quản lý đều do Nhà nước sắp đặt, không còn các ông chủ xí
nghiệp, không còn các nhà kinh doanh thực thụ, và do đó phạm trù doanh
nhân không còn được chấp nhận trên thực tế.
Tuy nhiên, trước những khó khăn về kinh tế - xã hội, đặc biệt là vào
những năm cuối thập niên 70 của thế kỷ trước, Đảng đã hé mở những quan
điểm đổi mới kinh tế. Tại Hội nghị Trung ương 6 khóa IV (tháng 9/1979),
Đảng đã đưa ra chủ trương cho sản xuất bung ra, thừa nhận nền kinh tế
nhiều thành phần, thừa nhận lợi ích kinh tế và khuyến khích vật chất là động
lực quan trọng để phát triển kinh tế, nhờ đó đã giải quyết được phần nào tình
trạng hàng tiêu dùng đang hết sức khan hiếm và cởi trói cho doanh nhân thuộc
các thành phần kinh tế. Tuy nhiên, đây cũng chỉ mới là các giải pháp tình thế,
chưa phải là quan điểm cơ bản và nhất quán.

77
Tóm lại, trong giai đoạn những năm đầu sau khi nắm được chính quyền,
trước Đại hội VI của Đảng (tháng 12/1986), Đảng ta thừa nhận nền kinh tế nhiều
thành phần, khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển sản xuất - kinh
doanh, tôn trọng các nhà doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế. Vào cuối
thập niên 60 của thế kỷ XX, Đảng ta chủ trương đẩy mạnh công nghiệp hóa
XHCN, đẩy mạnh phát triển kinh tế quốc doanh và tập thể đi đôi với cải tạo
XHCN đối với nông nghiệp, công nghiệp, triệt để xóa bỏ thương nghiệp tư bản
tư doanh để hình thành các xí nghiệp thuần khiết XHCN dưới sự quản lý của
Nhà nước thông qua các cán bộ quản lý do Nhà nước bố trí, sắp đặt, tuân thủ kế
hoạch do Nhà nước giao, từ đó không còn khái niệm kinh doanh và doanh
nhân thực thụ.
2.1.3.2. Thời kì sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (tháng 12/1986)
Đại hội VI của Đảng đánh dấu công cuộc đổi mới toàn diện đất nước,
trong đó, đổi mới kinh tế là trọng tâm. Qua hơn hai mươi năm đổi mới, nền kinh
tế nước ta khởi sắc, tăng trưởng cao và liên tục nhiều năm, tạo đà và điều kiện để
hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, trong đó, sự phát triển các loại hình doanh
nghiệp, cùng với nó là các doanh nhân thuộc các thành phần kinh tế có ý nghĩa
nổi bật. Thành tựu to lớn ấy do nhiều nguyên nhân, song sự đổi mới quan điểm
của Đảng về kinh tế nói chung, về phát triển doanh nghiệp và doanh nhân thuộc
các thành phần kinh tế nói riêng có ý nghĩa quyết định.
Quan điểm của Đảng về đổi mới kinh tế đã trải qua nhiều giai đoạn, từng
bước được hoàn thiện và rõ ràng hơn. Song trong quá trình đó, quan điểm cơ
bản và nhất quán của Đảng là xóa bỏ cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp,
chuyển sang phát triển nền KTTT định hướng XHCN. Chính từ quan điểm cơ
bản đó mà các quy luật của KTTT như quy luật cung cầu, quy luật giá trị, quy
luật cạnh tranh... và các phạm trù kinh tế như kinh doanh, làm giàu, chủ doanh
nghiệp, doanh nhân từng bước được chấp nhận.
Đại hội VI đã đưa ra quan điểm về nền kinh tế nhiều thành phần gồm
hai bộ phận: XHCN (quốc doanh và tập thể), các thành phần kinh tế khác, bao
gồm kinh tế tiểu sản xuất hàng hóa, kinh tế tư bản tư nhân, kinh tế tư bản nhà
nước, kinh tế tự nhiên, tự cung tự cấp; chấp nhận sự tồn tại của kinh tế tiểu
sản xuất hàng hóa và kinh tế tư bản tư nhân. Quan điểm về cải tạo XHCN
cũng có những điểm đổi mới: "Quá trình cải tạo XHCN phải có bước đi và
hình thức thích hợp... lực lượng sản xuất bị kìm hãm không chỉ trong trường
hợp quan hệ sản xuất lạc hậu, mà cả khi quan hệ sản xuất phát triển không
đồng bộ, có những yếu tố đi quá xa so với trình độ phát triển của lực lượng

78
sản xuất. Tình hình thực tế của nước ta đòi hỏi phải coi trọng những hình
thức kinh tế trung gian, quá độ từ thấp lên cao, từ quy mô nhỏ lên quy mô
lớn". Đại hội VI cũng đưa ra quan điểm hợp tác, liên doanh liên kết, quyền tự
do kinh doanh hợp pháp, nguyên tắc bình đẳng của các thành phần kinh tế,
quyền hưởng thụ lợi ích hợp pháp trong kinh doanh. "Những người làm ra
của cải và những việc có ích cho xã hội, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ, chấp
hành nghiêm chỉnh pháp luật và chính sách đều được tôn trọng, được quyền
hưởng thu nhập tương xứng với kết quả lao động, kinh doanh hợp pháp của
họ.". Đây là bước đầu của công cuộc đổi mới kinh tế, tuy còn có chỗ chưa
phù hợp với cơ chế thị trường nhưng các quan điểm của Đại hội VI đã mở
đường cho sự phát triển các loại hình doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh
tế, đảm bảo quyền tự do kinh doanh và bình đẳng trước pháp luật, quyền thu
nhập chính đáng trong kinh doanh, cho phép những người có vốn, có kỹ thuật,
có kiến thức quản lý ra kinh doanh và như vậy là đã mở đường cho doanh
nhân phục hồi và phát triển. Cũng chính nhờ đổi mới cơ chế quản lý kinh tế,
đã tạo điều kiện cho các doanh nhân được tự chủ hạch toán kinh doanh, sử
dụng các phương pháp kinh tế, biết tính toán thiệt hơn và năng động hơn.
Những quan điểm dựa trên đổi mới tư duy về phát triển doanh nghiệp
thuộc các thành phần kinh tế và phát triển đội ngũ doanh nhân từ sau Đại hội
VI của Đảng ngày càng được cụ thể hóa và nhà nước hóa, thể hiện qua hàng
loạt văn bàn: Quyết định 217/HĐBT ngày 14/11/1987 nhằm mục tiêu áp dụng
cơ chế thị trường đối với các xí nghiệp này (sau này gọi là DNNN), đảm bảo
quyền tự chủ kinh doanh của chúng; Nghị định 50/HĐBT ngày 23/3/1988 "về
việc ban hành điều lệ xí nghiệp công nghiệp quốc doanh"; Nghị định
98/HĐBT ngày 2/6/1988 ban hành quy định "về quyền làm chủ tập thể tại xí
nghiệp" và Luật Doanh nghiệp nhà nước năm 1995 nhằm xác lập quyền tự
chủ kinh doanh của DNNN. Từ đó, xuất hiện nhiều nhà kinh doanh trong khu
vực nhà nước năng động, có tâm, có tầm, đạt hiệu quả cao. Tiếp tục quan
điểm của Đại hội VI về phát triển kinh tế nhiều thành phần, Đại hội VII khẳng
định thêm: "Kinh tế tư nhân được phát triển, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất,
theo sự quản lý hướng dẫn của Nhà nước". Cương lĩnh Xây dựng đất nước
trong thời kỳ quá độ lên CNXH được thông qua tại Đại hội VII của Đảng đã
nhấn mạnh yêu cầu phải phát triển mạnh các doanh nghiệp thuộc các thành
phần kinh tế, trong đó đã xác định rằng, "Kinh tế tư bản tư nhân được phát
triển không hạn chế về quy mô và địa bàn hoạt động trong những ngành nghề
mà pháp luật không cấm... Nhà nước thực hiện nhất quán chính sách kinh tế

79
nhiều thành phần, không phân biệt đối xử, không tước đoạt tài sản hợp pháp,
không gò ép tập thể hóa tư liệu sản xuất, không áp đặt hình thức kinh doanh,
khuyến khích các hoạt động có lợi cho quốc kế dân sinh. Các doanh nghiệp
thuộc các thành phần kinh tế hoạt động trong nền KTTT được tự chủ, liên kết
và cạnh tranh với nhau. Cương lĩnh nêu rõ: "Các hình thức sở hữu hỗn hợp và
đan kết với nhau hình thành các tổ chức kinh tế đa dạng. Các tổ chức kinh tế
tự chủ và liên kết, hợp tác và cạnh tranh trong sản xuất và kinh doanh".
Sự phát triển các loại hình doanh nghiệp, cùng với nó là sự phục hồi, ra
đời và phát triển đội ngũ doanh nhân luôn luôn gắn liền với chính sách kinh tế
nhiều thành phần. Từ Đại hội VII đến Đại hội X của Đảng đều nhất quán
quan điểm phát triển nền kinh tế nhiều thành phần. Quan điểm này ngày càng
sáng tỏ hơn; đường lối, chính sách ngày càng cụ thể, thông thoáng, cởi mở
hơn. Hội nghị Trung ương 4 khóa VIII, Đại hội IX, Hội nghị Trung ương 9
khóa IX, Đại hội X của Đảng trên cơ sở nhất quán chính sách phát triển kinh
tế nhiều thành phần, đặc biệt là kinh tế tư nhân, đã đưa ra đường lối và nhiều
chủ trương phù hợp, tạo niềm tin và sự an tâm cho các nhà doanh nghiệp, nhất
là các doanh nhân tư nhân. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2001-2010
được thông qua tại Đại hội IX của Đảng đã xác định: "Đổi mới và hoàn thiện
khung pháp lý, tháo gỡ mọi trở ngại về cơ chế, chính sách và thủ tục hành
chính để huy động tối đa mọi nguồn lực, tạo sức bật mới cho phát triển sản
xuất, kinh doanh của mọi thành phần kinh tế với các hình thức sở hữu khác
nhau". Đặc biệt, tại Hội nghị Trung ương 5 khóa IX, một chuyên đề về kinh
tế tư nhân đã được Trung ương Đảng bàn thảo và đề ra quan điểm nhất quán,
rõ ràng về phát triển kinh tế tư nhân, coi kinh tế tư nhân là bộ phận hợp thành
quan trọng của nền kinh tế, phát triển kinh tế tư nhân là vấn đề chiến lược lâu
dài trong phát triển nền KTTT định hướng XHCN và thuật ngữ doanh nhân,
nhà doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp được nói một cách chính thức trong
văn kiện của Đảng.
Có thể nói, hơn hai mươi năm đổi mới toàn diện đất nước mà trọng tâm
là đổi mới kinh tế, với quan điểm nhất quán phát triển nền kinh tế nhiều thành
phần đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế phát
triển một cách đa dạng, năng động, kinh doanh bình đẳng theo pháp luật. Hội
nghị Trung ương 6 khóa X đã khẳng định lại một cách nhất quán chính sách
phát triển các doanh nghiệp trong nền kinh tế nhiều thành phần: "Tiếp tục
hoàn thiện thể chế về sở hữu trong nền KTTT định hướng XHCN theo hướng
khẳng định sự tồn tại khách quan, lâu dài và khuyến khích sự phát triển đa

80
dạng các hình thức sở hữu, các loại hình doanh nghiệp, bảo đảm các quyền
và lợi ích hợp pháp của các chủ sở hữu khác nhau trong nền kinh tế; xây
dựng, hoàn thiện luật pháp về sở hữu đối với các loại tài sản mới, như trí tuệ,
cổ phiếu, trái phiếu, tài nguyên nước, khoáng sản..." .
Sự phát triển nền kinh tế nhiều thành phần hoạt động theo cơ chế thị
trường cũng làm thay đổi quan niệm về doanh nghiệp. Trước đây, người ta
thường quan niệm doanh nghiệp là tổ chức kinh tế thuộc các ngành nông,
công, thương nghiệp. Khi đổi mới, sắp xếp lại DNNN thì dịch vụ công thuộc
"sân chơi" của loại doanh nghiệp này. Tuy nhiên, ngày càng thấy rõ là các
doanh nghiệp ngoài nhà nước (thuộc khu vực tư nhân) cũng có quyền và có
điều kiện cung cấp các dịch vụ công. Hội nghị Trung ương 5 khóa IX chỉ rõ
rằng, sự phát triển kinh tế tư nhân góp phần thực hiện xã hội hóa y tế, văn
hóa, giáo dục và từ đó, Hội nghị lần thứ chín Ban chấp hành Trung ương
khóa IX đề ra: "Thu hút các thành phần kinh tế khác (ngoài nhà nước) đầu tư
mạnh vào hoạt động công ích và dịch vụ công, vào nhiều ngành, lĩnh vực sản
xuất và dịch vụ của nền kinh tế mà khu vực doanh nghiệp nhà nước đang
chiếm tỷ trọng lớn và tham gia nhiều hơn trong đầu tư phát triển hạ tầng kinh
tế, xã hội và các lĩnh vực văn hóa, xã hội". Điều đó cũng có nghĩa rằng, các
đơn vị dịch vụ công như nhà trường, bệnh viện, các đơn vị hoạt động văn hóa,
thể thao... cũng là các doanh nghiệp và những người quản lý các đơn vị đó
cũng là các nhà kinh doanh, hay là các doanh nhân, và trên thực tế đã có
nhiều doanh nhân đứng ra thành lập trường học, bệnh viện, các hãng phim,
các đoàn nghệ thuật, lập đội bóng đá chuyên nghiệp, hoặc có nhiều nhà trí
thức có uy tín đã tham gia đứng tên vào các doanh nghiệp hợp danh. Gần đây,
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 39/2008/QÐ-TTg, ngày 14
tháng 3 năm 2008, kèm theo Quy chế đấu thầu, đặt hàng, giao nhiệm vụ cung
cấp dịch vụ sự nghiệp công - các hoạt động thuộc trách nhiệm của Nhà nước
phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân và cộng đồng, mà sử dụng NSNN.
Theo đó, các tổ chức trong nước và nước ngoài, cá nhân, nếu hội đủ các điều
kiện, có thể tham gia cung cấp một số dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN.
Điều đó đã tạo điều kiện cho các doanh nhân thuộc khu vực ngoài nhà nước
được tham gia hoạt động dịch vụ công mà trước đây chỉ có doanh nhân trong
khối nhà nước mới có quyền hoạt động, tạo sự bình đẳng cho các doanh nhân
thuộc các thành phần kinh tế.
Cùng với Nghị quyết Đại hội VII, Hiến pháp năm 1992 cũng đã xác nhận
(Điều 15): Nhà nước phát triển nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần theo cơ

81
chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, theo định hướng XHCN. Cơ cấu
kinh tế nhiều thành phần với các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh đa
dạng dựa trên chế độ sở hữu toàn dân, sở hữu tập thể, sở hữu tư nhân, trong đó
sở hữu toàn dân và sở hữu tập thể là nền tảng. Sự thừa nhận tồn tại nền kinh tế
nhiều thành phần, trong đó kể cả kinh tế tư bản tư nhân là những quan điểm đổi
mới phù hợp với thực tế khách quan và đã được hiến pháp hóa. Điều 21, 22, 23
của Hiến pháp đã quy định cụ thể hơn: Kinh tế cá thể, kinh tế tư bản tư nhân
được chọn hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh, được thành lập doanh
nghiệp không bị hạn chế về quy mô hoạt động trong những ngành, nghề có lợi
cho quốc kế dân sinh. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuộc mọi thành phần
kinh tế phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ đối với Nhà nước, đều bình đẳng
trước pháp luật, vốn và tài sản hợp pháp được Nhà nước bảo hộ. Doanh nghiệp
thuộc mọi thành phần kinh tế được liên doanh, liên kết với cá nhân, tổ chức
kinh tế trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật. Tài sản hợp pháp của
cá nhân, tổ chức không bị quốc hữu hoá. Năm 2000, Quốc Hội đã thông qua
Luật Doanh nghiệp thay thế cho Luật Công ty và Luật Doanh nghiệp tư nhân
được ban hành từ năm 1990, đã tạo nên một luồng sinh khí mới thúc đẩy sự ra
đời và phát triển các loại hình doanh nghiệp, bao gồm Công ty TNHH, Công ty
cổ phần, Công ty hợp danh, DNTN. Tuy nhiên, vẫn còn hai cơ chế quản lý đối
với DNNN và doanh nghiệp ngoài nhà nước. Quan điểm bình đẳng giữa các
doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế và nhất thể hóa cơ chế quản lý nhà
nước đối với các loại hình doanh nghiệp đã được luật hóa bằng Luật Doanh
nghiệp năm 2005 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2006. Cùng với sự ra đời
của Luật Doanh nghiệp năm 2005, các luật có liên quan đến hoạt động kinh
doanh của các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế cũng được ban hành
như Luật Đầu tư chung cho cả đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài, Luật
Thuế, Luật Thương mại... nhằm đảm bảo sự bình đẳng về mặt pháp luật và sự
thống nhất về quản lý đối với doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế.
Tuy còn nhiều việc phải bàn và còn nhiều vướng mắc trong điều hành
cụ thể, nhưng những quan điểm đổi mới về doanh nghiệp đã có tác dụng động
viên, khuyến khích các nhà kinh doanh thuộc các thành phần kinh tế, kể cả
những người còn mặc cảm "tư bản tư nhân", mạnh dạn ra kinh doanh và ngày
càng đông, yên tâm, phấn khởi, để thực hiện mục đích ích nước, lợi nhà.
Nói đến doanh nghiệp không thể không nói tới những người đứng đầu,
quản trị, quản lý doanh nghiệp - các doanh nhân. Đó có thể là Chủ tịch Hội
đồng quản trị, Giám đốc Công ty hoặc Tổng Giám đốc các Tổng công ty nhà

82
nước, là các chủ doanh nghiệp tư nhân, Chủ tịch Hội đồng quản trị của các
Công ty TNHH, Công ty cổ phần, hoặc có thể là những người được thuê quản
lý doanh nghiệp ... Như đã phân tích ở trên, thời kỳ trước đổi mới, trong nền
kinh tế chỉ có những người quản lý do Nhà nước sắp đặt, không còn các ông
chủ xí nghiệp, không còn các nhà kinh doanh thực thụ, và do đó phạm trù
doanh nhân không còn được chấp nhận trên thực tế. Nhưng khi thực hiện
công cuộc đổi mới, phát triển nền kinh tế nhiều thành phần theo hướng dân
chủ, tự chủ kinh doanh thì cũng đồng thời xuất hiện các ông chủ doanh
nghiệp, các nhà kinh doanh độc lập, hoạt động theo pháp luật. Tuy nhiên,
trong suốt hai mươi năm, từ Đại hội VI (Đại hội khởi xướng đổi mới) cho đến
trước Đại hội X, vấn đề đảng viên làm kinh tế tư nhân vẫn chưa được giải
quyết dứt điểm. Điều đó đã tác động và ảnh hưởng không nhỏ tới sự ra đời và
phát triển doanh nhân. Đến Đại hội X, với việc Đảng chính thức cho phép
đảng viên được làm kinh tế tư nhân không giới hạn về quy mô, đặc biệt là
việc Hội nghị Trung ương 3 khóa X đã ban hành quy định tương đối cụ thể về
đảng viên làm kinh tế tư nhân, các doanh nhân đang hoạt động trong khu vực
kinh tế tư nhân cũng như trong toàn bộ nền kinh tế nói chung được củng cố
thêm niềm tin và có thêm sinh khí để hoạt động.
Từ 1990 đến nay, việc ban hành Luật Công ty và Luật Doanh nghiệp tư
nhân (ngày 21 tháng 12 năm 1990) đã mở đường cho các doanh nghiệp tư
nhân ra đời và cùng với đó là sự hồi sinh, phát triển của đội ngũ doanh nhân
Việt Nam. Tuy về mặt lý luận, quan điểm và chính sách còn nhiều điều phải
làm sáng rõ, song doanh nhân cũng dần được công nhận là một tầng lớp xã
hội. Theo đề nghị của VCCI, Chính phủ quyết định chọn ngày 13/10 (ngày
Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho giới công thương vào năm 1945) làm ngày
Doanh nhân Việt Nam, nhằm tôn vinh các doanh nhân đã có công lớn trong
hoạt động kinh doanh, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội. Đồng
thời chỉ rõ, phải "đặc biệt coi trọng xây dựng một đội ngũ... những nhà kinh
doanh có tài", vấn đề đào tạo và xây dựng đội ngũ doanh nhân được đặt ra
như một yêu cầu cấp thiết. Điều đó chứng tỏ rằng, Nhà nước ta đã nhận thức
đúng vai trò của doanh nhân trong phát triển nền KTTT, hội nhập kinh tế
quốc tế và đẩy mạnh sự nghiệp CNH, HĐH đất nước.
Sau hơn 20 năm đổi mới, nền kinh tế nước ta đã chuyển từ thể chế kinh
tế kế hoạch hóa tập trung quan liêu, bao cấp sang xây dựng thể chế KTTT định
hướng XHCN. Cơ cấu kinh tế nhiều thành phần được hồi phục và phát triển,
trong nền kinh tế tồn tại nhiều hình thức sở hữu, nhiều hình thức tổ chức kinh

83
tế đan xen và hình thành một hệ thống doanh nghiệp cùng hợp tác và cạnh
tranh trên thị trường, cùng thúc đẩy nhau phát triển. Nhờ những quan điểm đổi
mới của Đảng và Nhà nước về kinh tế nói chung, về doanh nghiệp, doanh nhân
nói riêng cùng các cơ chế, chính sách khá phù hợp, doanh nghiệp và doanh
nhân Việt Nam được tự chủ kinh doanh, cạnh tranh lành mạnh để phát triển.
Doanh nhân được thừa nhận và được tôn vinh nhờ những đóng góp to lớn vào
phát triển kinh tế - xã hội trong nước và hội nhập kinh tế quốc tế.
Tuy nhiên, lý luận về KTTT định hướng XHCN còn nhiều vấn đề chưa
được làm rõ cùng với hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách chưa đầy đủ,
đồng bộ và thống nhất nên sự phát triển của doanh nghiệp và doanh nhân ở
nước ta còn gặp nhiều cản trở, chưa phát huy hết tiềm năng to lớn vốn có của
nó. Cho đến nay, các vấn đề làm chủ và làm thuê, bóc lột và bị bóc lột, giàu
và nghèo... là những vấn đề vốn không dung hợp với đường lối đi lên CNXH
mà hơn nửa thế kỷ qua Đảng ta theo đuổi và kiên định nhưng cũng là những
vấn đề gắn liền với KTTT, với sự tồn tại của các thành phần kinh tế, song lại
chưa được làm rõ trong nền KTTT định hướng XHCN. Chính vì thế, vấn đề
vướng mắc nhất đối với xây dựng đội ngũ doanh nhân nước ta hiện nay là sự
phân biệt đối xử giữa doanh nhân thuộc khu vực nhà nước với doanh nhân
thuộc các thành phần kinh tế khác, như Hội nghị Trung ương 6 khóa X đã
nêu: "Doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác còn bị phân biệt đối
xử". Do vậy, tiếp tục đổi mới tư duy trên cơ sở tăng cường nghiên cứu lý luận
và tổng kết thực tiễn để xác định rõ quan điểm đối với doanh nhân nước ta
trong nền KTTT định hướng XHCN là vấn đề có ý nghĩa cấp bách nhằm tạo
sự bình đẳng thực sự trong hoạt động kinh doanh cho doanh nhân thuộc mọi
thành phần kinh tế, từ đó tạo sự đồng thuận cao trong xã hội, phát huy tối đa
tiềm năng và lợi thế của doanh nghiệp và doanh nhân thuộc mọi thành phần
kinh tế vì sự phồn vinh của đất nước và hạnh phúc của nhân dân.
2.1.4 Đánh giá chung
2.1.4.1. Những điều kiện thuận lợi cho phát triển Doanh nghiệp và doanh nhân
ở Đồng Nai
Vị trí địa lý tạo cho Đồng Nai vị thế trung tâm của nhiều vùng kinh tế
quan trọng, có tốc độ phát triển nhanh so cả nước như: vùng kinh tế trọng
điểm phía Nam, vùng Đông Nam Bộ, ... . Đây là điều kiện thuận lợi cho phát
triển các ngành sản xuất và dịch vụ.

84
Điều kiện tự nhiên thuận lợi với khí hậu ôn hoà, đất đai rắn chắc, nhiều
tài nguyên khoáng sản, ... phù hợp cho phát triển sản xuất sản phẩm – hàng
hoá đa dạng, cũng như giảm chi phí trong xây dựng công trình.
Dân số đông, dân cư đô thị chiếm tỷ trọng lớn và ngày càng tăng, mức
sống dân cư tăng khá, nhân dân cần cù, nhanh nhạy với thời cuộc, tham gia
vào thương trường từ sớm, tích luỹ được kinh nghiệm kinh doanh tạo nhu cầu
tiêu dùng ngày càng tăng, là điều kiện tốt để phát triển đội ngũ doanh nhân.
Các ngành kinh tế phát triển nhanh, chuyển dịch theo hướng tích cực,
đặc biệt là các ngành công nghiệp; hệ thống cơ sở hạ tầng khá hoàn chỉnh và
được chú trọng đầu tư là điều kiện căn bản để phát triển hệ thống doanh
nghiệp và đội ngũ doanh nhân.
Quan điểm ngày càng rộng mở của Đảng và Nhà nước về phát triển
doanh nghiệp, doanh nhân và chính sách hỗ trợ của chính quyền tỉnh với
doanh nghiệp và doanh nhân ngày càng cụ thể và thiết thực.
Nền kinh tế - xã hội phát triển và ổn định, điều kiện sống ở mức khá
trong thời gian dài, chính sách hỗ trợ là những thuận lợi cần thiết cho phát
triển doanh nghiệp – doanh nhân trên địa bàn tỉnh.
2.1.3.2. Những khó khăn cho phát triển doanh nghiệp và doanh nhân
Nằm trong vùng kinh tế phát triển là một thuận lợi đồng thời cũng là
thách thức đối với doanh nhân Đồng Nai vì sẽ có sự cạnh tranh gay gắt giữa
các doanh nghiệp trong tỉnh, các tỉnh lân cận và doanh nghiệp nước ngoài.
Dân số cơ học tăng nhanh, chủ yếu là do lao động từ các tỉnh đổ về làm
việc tại các khu công nghiệp trong tỉnh. Điều này sẽ tạo sức ép lên các doanh
nghiệp về các vấn đề xã hội như nhà ở, chính sách an sinh, lương – thưởng.
Tình trạng đình công và mất an ninh trật tự xã hội đã và sẽ tiếp tục ảnh hưởng
phần nào đến sự phát triển doanh nghiệp – doanh nhân tại Đồng Nai.
Tóm lại, những điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội của Đồng Nai có
những điểm đặc thù mà ít thấy ở các địa phương khác. Sự tổng hóa các đặc
điểm đó đã quy định và đòi hỏi doanh nhân Đồng Nai muốn tồn tại và phát
triển thì phải thích ứng. Doanh nhân nào tới địa bàn Đồng Nai sản xuất kinh
doanh cũng phải thích ứng với điều kiện đặc thù đó.
2.2. QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN ĐỘI NGŨ DOANH
NHÂN ĐỒNG NAI
Thời gian qua, với những điều kiện khá thuận lợi cho phát triển kinh tế,
với truyền thống kinh doanh, đội ngũ doanh nhân Đồng Nai đã có những
bước tiến mạnh mẽ và chắc chắn cả về lượng và chất. Số lượng doanh nhân,

85
chủ doanh nghiệp tại Đồng Nai tăng đều qua các năm, trong đó giai đoạn
2002 – 2007, tốc độ tăng bình quân của tổng số doanh nhân là 19,88%/năm,
của số chủ doanh nghiệp là 22,27%. Tốc độ tăng này là chưa cao so cả nước,
tuy nhiên, giai đoạn 2006, 2007 đã tăng khá. Thành phần kinh tế của đội ngũ
doanh nhân đa dạng, tham gia nhiều ngành nghề với quy mô doanh nghiệp về
lao động, về vốn, về doanh thu ngay càng lớn hơn. Trong đó, tình hình cụ thể
theo từng chỉ tiêu như sau:
2.2.1 Phân loại doanh nhân theo thành phần kinh tế
Từ bảng 2.2. có thể thấy: Số lượng doanh nhân thuộc các doanh nghiệp
nhà nước giảm dần từ 809 người năm 2001 xuống 740 người năm 2003 và
630 người năm 2005, tới năm 2007 còn khoảng 610 người. Số lượng chủ
doanh nghiệp cũng giảm tương ứng từ 99 người năm 2001 xuống còn 83
người năm 2007. Tốc độ giảm bình quân năm tương ứng là 4,6%/năm và
2,9% năm giai đoạn 2002 – 2007. Trong đó số doanh nhân và chủ doanh
nghiệp thuộc doanh nghiệp nhà nước trung ương giảm mạnh hơn, tương ứng
10,91%/năm và 4,18%/năm.
Trong khi đó, cùng với xu hướng tăng của cả nước, số lượng doanh
nhân và chủ doanh nghiệp thuộc các doanh nghiệp ngoài nhà nước tăng mạnh,
đạt tương ứng bình quân 24,47%/năm và 24,56%/năm giai đoạn 2002 – 2007.
Trong đó, số lượng doanh nhân thuộc công ty tư nhân và công ty TNHH tăng
mạnh nhất, đạt tương ứng 25,79%/năm và 26,09%/năm. Số doanh nhân thuộc
Công ty CP cũng tăng khá đạt 24,33%/năm, trong khi số doanh nhân thuộc
doanh nghiệp tập thể chỉ tăng 3,64%/năm.
Ngược lại, tốc độ tăng bình quân số chủ doanh nghiệp thuộc công ty cổ
phần và công ty TNHH lại nhanh nhất, đạt tới 43,86%/năm và 43,54%/năm,
trong khi số chủ doanh nghiệp tư nhân và tập thể chỉ tăng 14,62%/năm và
9,93%/năm. Điều này là do quy mô của các công ty TNHH và cổ phần còn
nhỏ bé, nên tuy tăng rất nhanh về số lượng chủ doanh nghiệp (tức là số DN
mới) nhưng số cán bộ quản lý còn ít, dẫn đến tốc độ tăng số lượng doanh
nhân không quá nhanh.
Về cơ cấu doanh nhân Đồng Nai qua các năm (xem bảng 2.3) có thể
thấy, tương tự về số tuyệt đối, tỷ trọng doanh nhân thuộc doanh nghiệp ngoài
nhà nước luôn chiếm đa số và liên tục tăng từ 74,72% trong tổng số doanh
nhân năm 2001 lên 83,66% (năm 2003) và 93,58% (năm 2007). Trong khi, tỷ
trọng doanh nhân thuộc doanh nghiệp Nhà nước giảm mạnh.

86
Biểu đồ 2.3 : Cơ cấu doanh nhân Đồng Nai phân theo
thành phần kinh tế của doanh nghiệp

100 Doanh nhân thuộc DN Nhà nước


90
80 Doanh nhân thuộc DN ngoài nhà
nước
70
60 Doanh nhân thuộc DN tập thể

50
Doanh nhân thuộc Cty TNHH
40
30 Doanh nhân thuộc Cty Cổ phần
20
10 Doanh nhân thuộc DN tư nhân
0
2001 2003 2005 2007

Trong các doanh nhân thuộc doanh nghiệp ngoài nhà nước thì chiếm đa
số là doanh nhân thuộc Doanh nghiệp tư nhân và Công ty TNHH, tới năm
2007 chiếm tương ứng 44,74% và 39,47%, đồng thời tăng mạnh tỷ trọng qua
các năm. Tiếp theo đó là số lượng doanh nhân thuộc các công ty cổ phần và
thấp nhất, giảm dần là tỷ trọng doanh nhân thuộc doanh nghiệp tập thể, chỉ
còn 2,52% năm 2007. Cơ cấu chủ doanh nghiệp tại Đồng Nai các năm qua
cũng có xu hướng tương tự.
2.2.2 Phân loại doanh nhân theo ngành
Bảng 2.4 cho thấy, số lượng doanh nhân ngành tài chính tín dụng, hoạt
động phục vụ cá nhân và cộng đồng, hoạt động khoa học và công nghệ, ngành
khác, sản xuất phân phối điện, khí đốt và nước có tỷ trọng thấp nhất, dưới 1%,
và giảm dần, riêng ngành hoạt dộng khoa học công nghệ năm 2006 đã tăng
lên hơn 1%. Điều này là do các ngành này đều có lợi nhuận thấp hoặc vốn đầu
tư lớn. Riêng ngành tài chính, tín dụng chưa thu hút được doanh nhân đầu tư
cho thấy còn thiếu các điều kiện phát triển ngành tại Đồng Nai.
Chỉ có ba ngành có tỷ trọng số lượng doanh nhân chiếm trên 10%, đó là
ngành CN chế biến, ngành thương nghiệp, sửa chữa xe có động cơ và sửa
chữa đồ dùng gia đình, xây dựng. Trong đó, chỉ một ngành có xu hướng tăng
tỷ trọng là ngành xây dựng, hai ngành còn lại giảm nhẹ. Số lượng doanh nhân

87
ngành Công nghiệp chế biến và ngành thương nghiệp ... vẫn lớn nhất, chiếm
tỷ trọng tương ứng 43,79% và 25,76% (tổng số doanh nhân), 32% và 37,66%
(tổng số chủ doanh nghiệp) năm 2006. Điều này là do số lượng doanh nghiệp
ngành công nghiệp chế biến của tỉnh khá nhiều, đồng thời đây là ngành thâm
dụng lao động, quy mô lao động lớn nên số lượng doanh nhân làm quản lý tại
các doanh nghiệp này cũng lớn hơn so với các ngành khác.
Các ngành còn lại đều có tỷ trọng khoảng dưới 10%. Trong đó, hai
ngành vận tải kho bãi và khách sạn nhà hàng có xu hướng tăng. Ngành nông
nghiệp là ngành thu hút nhiều lao động, song số lượng chủ doanh nghiệp chỉ
có 49 người, chiếm chưa đến 1,4% tổng số chủ doanh nghiệp (năm 2006), tỷ
trọng số doanh nhân trong ngành này cũng có xu hướng giảm.
Biểu đồ 2.4 Cơ cấu doanh nhân Đồng Nai phân theo ngành kinh tế

100 NN,LN và thuỷ sản

49.61 CN khai thác mỏ


48 46.61 43.79

CN chế biến
27.08 26 25.79 25.76

SX và phân phối điện, khí đốt,


13.52 nước
12.14
10 10.5
Xây dựng
7.35

Vận tải, kho bãi, TT liên lạc

Thương nghiệp, sửa chữa xe có


động cơ, sửa chữa đồ dùng gia
đình
Khách sạn và nhà hàng

1
0.87 Kinh doanh TS và dịch vụ tư vấn
2001 2003 2005 2006

0.47 Tài chính, tín dụng

0.26 Hoạt động phục vụ cá nhân và


cộng đồng
0.19
HĐ khoa học và công nghệ, ngành
khác
0.1

Bảng 2.4 và 2.5 cho thấy, về tốc độ tăng số lượng doanh nhân và chủ

88
doanh nghiệp bình quân năm giai đoạn 2002 - 2006 thì các ngành Xây dựng,
ngành vận tải kho bãi; ngành kinh doanh tài sản và dịch vụ tư vấn; khách sạn
nhà hàng và hoạt động khoa học công nghệ, ngành khác tăng nhanh nhất,
khoảng 30% - 50%/năm.
Ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản tuy số chủ doanh nghiệp
tăng (bình quân 0,84%/năm) song số doanh nhân lại giảm (0,4%), điều này
chứng tỏ mặc dù ngành đòi hỏi nhiều lao động nhưng lại ít về số lượng cán bộ
quản lý. Hai ngành tài chính tín dụng và hoạt động phục vụ cá nhân và cộng
đồng đều có tốc độ giảm bình quân năm khoảng trên 2%.
Các ngành còn lại đều có tốc độ tăng bình quân năm ở cả số chủ doanh
nghiệp và số doanh nhân khoảng trên dưới 20%/năm.
2.2.3 Một số chỉ tiêu về tình hình phát triển doanh nhân trên địa bàn
- Số lượng doanh nhân, chủ doanh nghiệp
Số lượng doanh nhân cũng như chủ doanh nghiệp của Đồng Nai tăng
khá qua các năm, từ chưa tới 1 chủ doanh nghiệp/1.000 dân năm 2001, 2003
đã đạt trên 1 chủ doanh nghiệp (năm 2005) và xấp xỉ 2 chủ doanh
nghiệp/1.000 dân năm 2007.
Tuy nhiên do đây là tỉnh có dân số đông thứ hai trong vùng Đông Nam
Bộ, nên tính bình quân thì số chủ doanh nghiệp/1.000 dân của tỉnh là thấp so
với cả vùng, và các tỉnh thành phố như TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương; xấp xỉ
bằng với mức chung của cả nước.
Về số dân/1 chủ doanh nghiệp, chỉ tiêu này của Đồng Nai là khá cao so
với vùng Đông Nam Bộ và một số tỉnh lân cận. Tỉnh Bình Dương và vùng
Đông Nam Bộ cứ khoảng hơn 300 người dân thì có 1 chủ doanh nghiệp,
thành phố Hồ Chí Minh là 189 dân/1 chủ doanh nghiệp thì ở Đồng Nai trung
bình 797 dân có 1 chủ doanh nghiệp (năm 2005) và 452 dân có 1 chủ doanh
nghiệp (năm 2007).
Những chỉ tiêu này thể hiện sự phát triển doanh nhân ở Đồng Nai, tính
về số lượng, vẫn thấp hơn nhiều so với tiềm năng của tỉnh.
Bảng 2.6: Số lượng doanh nhân, chủ doanh nghiệp/1.000 dân
Năm
Địa phương 2001 2003 2005 2007
Đồng Nai
Dân số (1.000 người) 2.080.068 2142.7 2214.38 2281.705
Số Chủ doanh nghiệp 1271 1707 2333 4460
Số Chủ doanh nghiệp (tính cả DN FDI) 1485 2013 2820 5044
Số doanh nhân 3200 4491 6030 9500

89
Số chủ doanh nghiệp/1.000 dân 0.56 0.8 1.05 1.95
Số Chủ doanh nghiệp (tính cả DN
FDI)/1.000 dân 0.65 0.94 1.27 2.21
Số doanh nhân/1.000 dân 1,40 2,09 2,72 4,16
Số dân/ 1 chủ doanh nghiệp 1.535 1.033 797 452
Vùng Đông Nam Bộ
Dân số (1.000 người) 12361.7 12881.5 13491.7 14193.2
Số Chủ doanh nghiệp 17529 24317 40792
Số chủ doanh nghiệp/1.000 dân 1,42 1,89 3,02
Số dân/ 1 chủ doanh nghiệp 705 530 330
Thành phố Hồ Chí Minh
Dân số (1.000 người) 5378.1 5554.8 5911.6 6347
Số Chủ doanh nghiệp 11550 17370 31292
Số chủ doanh nghiệp/1.000 dân 2,15 3,13 5,30
Số dân/ 1 chủ doanh nghiệp 465 320 189
Tỉnh Bình Dương
Dân số (1.000 người) 768.1 851.1 923.4 1022.7
Số Chủ doanh nghiệp 1493 1963 2918
Số chủ doanh nghiệp/1.000 dân 1,94 2,30 3,16 0
Số dân/ 1 chủ doanh nghiệp 514 433 316
Cả nước
Dân số (1.000 người) 78685.8 80902.4 83106.3 85154.9
Số Chủ doanh nghiệp 51680 72012 112950
Số chủ doanh nghiệp/1.000 dân 0,65 0,89 1,36 0
Số dân/ 1 chủ doanh nghiêp 1.522 1.123 735 > 300
Nguồn: Niên giám thống kê cả nước, Niên giám thống kê Đồng Nai 2007, tính toán của Nhóm
nghiên cứu
- Số lượng doanh nhân, chủ doanh nghiệp phân theo từng địa bàn
Số chủ doanh nghiệp của tỉnh tập trung chủ yếu và ngày càng tăng ở
thành phố Biên Hòa. Số lượng chủ doanh nghiệp ở thành phố này tăng từ 821
người năm 2001 lên 2105 người năm 2006, chiếm tới gần 60% tổng số chủ
doanh nghiệp toàn tỉnh. Ngoài ra, các chủ doanh nghiệp còn tập trung nhiều ở
huyện Trảng Bom, huyện Long Thành và Thị xã Long Khánh.
Về mật độ chủ doanh nghiệp so với dân số thì năm 2006, tính chung
toàn tỉnh cứ 1.000 dân sẽ 1,55 chủ doanh nghiệp, trong đó, mật độ là thành
phố Biên Hoà với gần 4 chủ doanh nghiệp trên 1.000 dân. Tiếp đó là các
huyện Nhơn Trạch, Trảng Bom, Long Thành và TX. Long Khánh với từ 1,07
đến 1,67 DN/1.000 dân. Các huyện còn lại đều có dưới 1 chủ doanh
nghiệp/1.000 dân.

90
Bảng 2.7: Chủ doanh nghiệp Đồng Nai phân theo địa bàn
2006
Năm Số chủ Dân số Số chủ doanh
2001 2003 2004 2005
doanhnghiệp (1.000 nghiệp/1.000
Địa bàn (người) người) người
Tổng số 1485 2013 2400 2776 3537 2281,705 1.55
TP. Biên Hoà 821 1165 1410 1607 2105 559,338 3.76
TX.Long 78 95 106 113 149 144,226
1.03
Khánh
H. Vĩnh Cửu 72 89 93 92 103 110,855 0.93
H. Tân Phú 31 38 43 47 57 168,821 0.34
H. Định Quán 49 53 55 62 63 220,821 0.28
H. Xuân Lộc 65 70 76 82 84 218,753 0.38
H. Trảng Bom 134 173 211 245 318 197,510 1.61
H. Thống Nhất 54 59 65 69 68 157,637 0.43
H. Long Thành 123 176 207 285 341 217,057 1.57
H. Nhơn Trạch 41 73 110 148 218 130,215 1.67
H. Cẫm Mỹ 17 22 24 26 31 156,472 0.20
Nguồn: Niên giám thống kê Đồng Nai 2007.
Số lượng doanh nhân trung bình/huyện, thị tăng nhanh, từ khoảng 291
doanh nhân năm 2001, lên 500 doanh nhân năm 2004 và trên 850 doanh nhân
năm 2007.
2.2.4 Phân loại doanh nhân theo độ tuổi, giới, dân tộc
Về dân tộc, doanh nhân Đồng Nai chủ yếu là người Kinh. Điều này là
dễ hiểu, vì người Kinh chiếm đại đa số dân tộc ở Đồng Nai.
Thống kê trong 604 doanh nghiệp mới đăng ký kinh doanh tại Đồng
Nai từ 1/1/2009 đến 23/4/2009 thì chỉ có: 14 chủ doanh nghiệp là người Hoa;
01 chủ doanh nghiệp là người dân tộc Chăm; 01 chủ doanh nghiệp là dân tộc
Nùng, còn lại là dân tộc Kinh, chiếm tới 97,68 % 8
Về giới, chủ doanh nghiệp ở Đồng Nai phần lớn là nam giới, chiếm tới
hơn 70% số chủ doanh nghiệp. Tỷ lệ này tương đương với cả nước, trong
tổng số 3000.000 doanh nghiệp, có khoảng 25% doanh nghiệp do doanh nhân
nữ lãnh đạo.
Theo thống kê trong 604 doanh nghiệp mới đăng ký kinh doanh tại
Đồng Nai từ 1/1/2009 đến 23/4/2009 thì: 71,69 % giám đốc DN là nam, 28,31
% giám đốc DN là nữ; Tỷ trọng chủ DN là nữ trong các DN tư nhân cao nhất,
chiếm 42,86% số chủ DN tư nhân; tương ứng với Công ty Cổ phần là: 21,62
%; Công ty TNHH là 23,24 % và Công ty TNHH 1 thành viên là 23,84%

8
Tổng hợp và phân tích từ số liệu thống kê của Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh Đồng Nai

91
Biểu đồ 2.5: Cơ cấu chủ DN theo giới tính và thành phần
kinh tế của doanh nghiệp

120
100
21.62 23.24 23.84
80 42.86 Nữ
60 Nam
40 78.38 76.76 76.16
57.24
20
0
DN tư Công ty Cty Cty
nhân CP TNHH TNHH 1
thành
viên

Nguồn: Thống kê 604 doanh nghiệp mới ĐKKD tại Đồng Nai từ 1/1 - 23/4/2009 -
Số liệu từ Sở Kế hoạch và Đầu tư Đồng Nai
Như vậy, có thể thấy, số chủ doanh nghiệp, cũng như số cán bộ quản lý
cấp cao là nữ ngày càng tăng, đặc biệt trong khối doanh nghiệp tư nhân, là do
trình độ học vấn, kinh nghiệm trong kinh doanh, tính cách cũng như tinh thần
cần cù, ham học hỏi, kiên trì của nữ giới đang ngày càng phát huy trong hoạt
động trên thương trường.
Về độ tuổi, tuổi của doanh nhân Việt Nam khá trẻ, khoảng 70% doanh
nhân ở độ tuổi dưới 45 (đối với nữ doanh nhân, tỷ lệ đó là 62%, với DN quốc
doanh là 20 – 25%). Theo số lượng khảo sát của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiến
hành trên 40.000 doanh nghiệp vào giữa năm 2005, số doanh nhân từ độ tuổi
30 – 40 chiếm 25,7%; từ 41 – 50 chiếm 31,7%, có nghĩa là số doanh nhân độ
tuổi từ 30 – 50 chiếm khoảng 57,4%.
Tương ứng xu hướng chung của cả nước, độ tuổi của doanh nhân Đồng
Nai chủ yếu từ 30 – 40 tuổi và 41- 50 tuổi.
Bảng 2.8: Thống kê số chủ doanh nghiệp tại Đồng Nai theo tuổi và giới
tính (của các DN mới ĐKKD từ 1/1/2009 - 23/4/2009)
Độ tuổi dưới 30 – 40 41-50 Trên 50
Tổng
Giới 30 tuổi tuổi tuổi tuổi
Nam 115 175 95 48 433
Nữ 48 58 53 12 171
Tổng 163 233 148 60 604
Nguồn: Tổng hợp và phân tích từ số liệu thống kê của Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh Đồng Nai
Bảng trên cho thấy, chiếm tỷ trọng lớn nhất là các chủ doanh nghiệp
trong độ tuổi 31-40, đạt tới 38,58%, còn lại tương ứng là độ tuổi 30 trở

92
xuống: 26,99%, 41-50 tuổi: 24,5% và trên 50 tuổi chỉ chiếm: 9,93%. Như
vậy, có thể thấy, phân bố độ tuổi của chủ doanh nghiệp tỉnh Đồng Nai là khá
lý tưởng trong hiện tại. Đại đa số chủ doanh nghiệp (63,08%) ở độ tuổi từ 30-
50, đây là độ tuổi sung sức và chín chắn trong suy nghĩ, hành động, thể hiện
phần nào yếu tố đảm bảo sự ổn định, chắc chắn của môi trường kinh doanh
nói chung và doanh nghiệp tỉnh Đồng Nai nói riêng
Biểu đồ 2.6: Cơ cấu độ tuổi chủ doanh nghiệp Đồng Nai

trên 50 tuổi,
9.93%
dưới 30 tuổi,
26.99%

41-50 tuổi,
24.50%

30 - 40 tuổi,
38.58%

Nguồn: Thống kê 604 doanh nghiệp mới ĐKKD tại Đồng Nai từ 1/1 - 23/4/2009 -
Số liệu từ Sở Kế hoạch và Đầu tư Đồng Nai
Trong các độ tuổi thì số lượng nữ giới làm chủ doanh nghiệp đều chiếm
tỷ trọng ít hơn nhiều so với nam giới. Tuy nhiên, ở độ tuổi 41-50, tỷ trọng nữ
giới khá cao, chiếm tới 35,81% tổng số chủ doanh nghiệp, ở các độ tuổi còn
lại chiếm tương ứng khoảng 20 - 29%.
Nhìn chung, ở cả hai giới, số chủ doanh nghiệp ở Đồng Nai chủ yếu có
độ tuổi khá trẻ, từ 40 tuổi trở xuống, chiếm tới hơn 60% tổng số chủ doanh
nghiệp mỗi giới. Tuy nhiên, với giới nữ, số chủ doanh nghiệp ở tuổi 41 - 50
lại chiếm tỷ trọng lớn nhất, tới 30,99% trong tổng số chủ doang nghiệp là nữ.
Như vậy, có thể nhận thấy, giới trẻ ở Đồng Nai đã có ý thức lập nghiệp
bằng con đường kinh doanh, đồng thời có tinh thần liên kết, hỗ trợ lẫn nhau
thể hiện qua việc hình thành Hội Doanh nghiệp trẻ Đồng Nai năm 2003 với số
thành viên ngày càng tăng. Bên cạnh đó, số chủ doanh nghiệp nữ tăng khá.
2.2.5 Phân loại doanh nhân theo trình độ học vấn, kiến thức khoa học –
công nghệ
Chất lượng của đội ngũ doanh nhân trước hết thể hiện ở trình độ học
vấn của doanh nhân. Tuy nhiên, trình độ học vấn và kiến thức, kỹ năng kinh

93
doanh của doanh nhân Đồng Nai chưa cao, đặc biệt là ở các doanh nghiệp
ngoài quốc doanh.
Đến cuối năm 2003, qua điều tra thực trạng cán bộ quản lý của doanh
nghiệp công nghiệp vừa và nhỏ (là loại hình doanh nghiệp chiếm tỷ trọng đa số
trong tổng số DN của Đồng Nai) cho kết quả như sau: bình quân có 1,5 cán bộ
quản lý trình độ đại học, 1,2 cán bộ trình độ trung cấp/1 DN; trong đó, 1 DN nhà
nước bình quân có 4 cán bộ quản lý trình độ đại học, 6 cán bộ trình độ trung cấp,
1 DN ngoài quốc doanh chỉ có 0,7 cán bộ đại học và 0,5 cán bộ trung cấp, DN có
vốn đầu tư nước ngoài trung bình có 8,1 cán bộ quản lý trình độ đại học và 6,5
cán bộ trình độ trung cấp/1 DN.
Bảng 2.9: Cán bộ quản lý của DNCN V&N Đồng Nai phân theo trình độ
năm 2003
Phân theo thành Tổng số Trong đó
phần KT Lao động quản lý Đại học Trung cấp CNKT
Tổng số 1840 702 548 338
DN nhà nước 155 28 31 31
Ngoài QD 851 270 208 102
DN ĐTNN 834 404 309 205
Nguồn: Cục Thống kê Đồng Nai
Suy rộng từ điều tra trên, có thể nhận thấy thực trạng trình độ học vấn của
cán bộ quản lý trong các doanh nghiệp của Đồng Nai là: trình độ của doanh nhân
trong các DN vừa và nhỏ ngoài quốc doanh thấp nhất, trong khi đây lại là lực
lượng doanh nghiệp đông đảo nhất, cán bộ quản lý trong DN nhà nước có trình
độ khá hơn, tuy nhiên, so với DN đầu tư nước ngoài thì vẫn rất thấp. Điều này
thể hiện cơ chế đãi ngộ, thu hút và sử dụng cán bộ quản lý có trình độ, cũng như
chế độ đào tạo cán bộ của các DN trong nước còn thấp, thiếu và chưa hợp lý.
Trình độ chuyên môn của cán bộ, đặc biệt là cán bộ quản lý, chủ doanh
nghiệp thấp dẫn đến trình độ quản lý sản xuất kinh doanh của DN ngoài quốc
doanh sẽ thấp, thể hiện ở việc vi phạm chế độ báo cáo thống kê khá phổ biến.
Bên cạnh đó, số doanh nhân, chủ doanh nghiệp được đào tạo một cách bài
bản về kiến thức quản trị kinh doanh và kiến thức kinh tế còn thấp. Vì vậy, các
chương trình trợ giúp của Nhà nước cần hướng mạnh về việc đào tạo mảng kiến
thức này cho doanh nhân. Mặt khác, ý thức chủ động tham gia học tập bổ sung
kiến thức cho bản thân và đào tạo, đào tạo lại cho cán bộ, công nhân viên tại
doanh nghiệp của mình của doanh nhân Đồng Nai còn chưa cao.
Tình trạng này cũng là xu hướng chung của trình độ doanh nhân cả nước.
Năm 2007, trong khu vực kinh doanh cả nước, trí thức chỉ chiếm khoảng 7%

94
(tức là khoảng 200.000 người). Trong số đó, nhìn chung không phải là những trí
thức hàng đầu, trong khi ở các nước phát triển, khoảng 90% doanh nhân thành
đạt là những giáo sư, tiến sĩ uy tín.
Qua các cuộc điều tra cho thấy, trình độ doanh nhân Việt Nam đã trải qua
đại học là cao so với khu vực.
Cuộc điều tra về tinh thần kinh doanh do Viện Nghiên cứu Qủan lý kinh
tế trung ương phối hợp với tổ chức JICA (Nhật Bản) tiến hành năm 2000 trong
khuôn khổ dự án Ishikawa, đối với 481 doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư
nhân cho thấy, tỷ lệ doanh nhân trải qua đào tại đại học và chuyên môn đạt
80,5%, một tỷ lệ cao so với các nước Đông Nam á.
Kết quả báo cáo điều tra đối với 63.000 doanh nghiệp tư nhân trên cả
nước do Bộ Kế hoạch đầu tư công bố cho thấy 43% chủ doanh nghiệp có trình
độ từ cấp III trở xuống.
Theo số liệu của Tổng cục thống lê, qua điều tra 1.012 doanh nghiệp
xuất khẩu vừa và nhỏ, tính đến hết tháng 12/2007 cho thấy 89% giám đốc có
trình độ đại học
Tuy nhiên, chỉ có 0,6% doanh nhân trong cuộc điều tra của dự án
Ishikawa có bằng Thạc sĩ và 0,8% có bằng Tiến sĩ.
Không chỉ trình độ doanh nhân chưa cao mà trình độ công nghệ của các
doanh nghiệp tại Đồng Nai cũng chỉ ở mức trung bình. Cuộc khảo sát cuả Sở
Khoa học và Công nghệ Đồng Nai năm 2004 nhằm đánh giá trình độ công
nghệ của các doang nghiệp Đồng Nai thông qua các chỉ số thành phần là: chỉ
số kỹ thuật (T); chỉ số về con người (H); chỉ số thông tin (I); chỉ số tổ chức
(0) và đóng góp của công nghệ (TCC) cho kết quả cụ thể như sau:
Bảng 2.10: Các chỉ số công nghệ của doanh nghiệp Đồng Nai
phân theo nhóm ngành
Chỉ số
TCC T H I O
Ngành
Nông, lâm nghiệp và thuỷ sản 0,6289 0,7083 0,4664 0,7316 0,7469
Khai thác mỏ 0,6049 0,7209 0,4128 0,6906 0,6989
Công nghiệp chế biến thực phẩm 0,7054 0,8385 0,5698 0,7055 0,7547
Dệt may 0,6632 0,7912 0,5054 0,7595 0,6803
Giấy, in, xuất bản 0,6254 0,7332 0,4965 0,6622 0,6662
Hoá chất 0,7031 0,8389 0,5517 0,7515 0,7342
Thuỷ tinh, gốm, sứ, VLXD 0,6278 0,7446 0,4666 0,6998 0,6963
Cơ khí 0,6974 0,7743 0,5585 0,7699 0,7659
Điện tử 0,7332 0,8573 0,5584 0,8235 0,784

95
Sản xuất đồ gỗ 0,5904 0,654 0,4754 0,6418 0,6544
Xây dựng 0,6416 0,7938 0,4555 0,6811 0,7158
Điện, nước 0,6789 0,7793 0,566 0,7395 0,6829
Ngành khác 0,6738 0,8353 0,4968 0,7471 0,7209
Tính chung toàn tỉnh 0,6833 0,8022 0,5331 0,7459 0,7262
Nguồn: Kết quả điều tra 543 doanh nghiệp của Sở KH và CN Đồng Nai năm 2004.
Qua bảng kết quả trên có thể thấy, trên quy mô doanh nghiệp toàn tỉnh,
chỉ số kỹ thuật (T) được coi là thành phần có giá trị cao nhất trong 5 chỉ số về
công nghệ, đạt 0,8022. Trong khi đó, thấp nhất là chỉ số về yếu tố con người
(H), chỉ đạt giá trị 0,5331. Cao hơn một chút là chỉ số về đóng góp của công
nghệ (TCC) và tiếp theo đó lần lượt là chỉ số về tổ chức (0) và thông tin (I).
Xu hướng là ở đa số các ngành chỉ số về con người đều thấp, thấp nhất
là ngành khai thác mỏ, dệt may và xây dựng.
Ngành có chỉ số kỹ thuật cao gồm: hoá chất (0,8389), điện tử (0,8573),
dệt may (0,7912), công nghiệp chế biến thực phẩm (0,8385) và thấp nhất là
sản xuất đồ gỗ ( 0,654).
Doanh nghiệp có trình độ thông tin cao là ở các ngành: điện tử
(o,8235), điện nước (0,7395); nông – lâm nghiệp, thủy sản (0,7316).
Các doanh nghiệp trong các ngành có đóng góp của công nghệ cao
gồm: điện tử (0,7332), hoá chất (0,7031), chế biến thực phẩm (0,7054).
Như vậy, có thể thấy, yếu tố về kỹ thuật, thông tin và tổ chức trong các
doanh nghiệp đạt khá, trong khi đó chỉ số về con người thấp. Điều này cho
thấy trình độ công nghệ của nhân sự trong doanh nghiệp tại Đồng Nai nói
chung còn thấp và cũng đúng với đội ngũ doanh nhân Đồng Nai hiện nay.
Về trình độ công nghệ của DN Đồng Nai phân theo thành phần kinh tế,
theo số liệu năm 2004:
- Các DN nhà nước có quy mô nhỏ, vốn ít, công nghệ lạc hậu, đặc biệt
là DNNN trong lĩnh vực nông nghiệp (chỉ có 16,7% DNNN trung ương và
4,3% DNNN địa phương có công nghệ tiên tiến)
- Thành phần kinh tế tư nhân chỉ có 1,4% số cơ sở đạt trình độ công
nghệ tiên tiến. Bên cạnh đó, khả năng đổi mới công nghệ của các DN tư nhân
đã bị hạn chế về vốn tự có, khả năng tiếp cận nguồn vốn, những ưu đãi về
thuế trong đầu tư lại bị hạn chế.
2.2.6 Doanh nhân Đồng Nai và văn hoá kinh doanh, ý thức tuân thủ pháp luật
Cung cách làm ăn, ý thức tuân thủ pháp luật, văn hoá kinh doanh của
doanh nhân là một mặt thể hiện chất lượng của đội ngũ doanh nhân.
- Ý thức tuân thủ pháp luật

96
Có thể nói, bên cạnh số lượng doanh nhân đông đảo, có đạo đức kinh
doanh, tuân thủ pháp luật, ở Đồng Nai vẫn tồn tại những người thiếu ý thức
tuân thủ pháp luật.
Theo Chi cục thuế thành phố Biên Hoà (Đồng Nai), 6 tháng cuối năm
2007, đã có tới hơn 60 chủ doanh nghiệp gồm công ty trách nhiệm hữu hạn
(TNHH), công ty cổ phần, DN tư nhân đóng trên địa bàn TP. Biên Hoà bỏ
trốn mang theo những cuốn hoá đơn giá trị gia tăng (GTGT) đã đăng ký với
Chi cục thuế nhằm sử dụng hoá đơn GTGT để thực hiện các hành vi bán hoá
đơn mà không có hàng hoá hoặc sử dụng hoá đơn khống để kiếm lợi nhuận.
Thủ đoạn phổ biến của các chủ DN nói trên là sau khi bỏ ra vài trăm
triệu đồng để làm thủ tục thành lập DN rồi đứng ra thuê địa điểm kinh doanh,
thuê người ở các địa phương khác ngoài tỉnh làm chủ DN, kế toán viên, sau
đó sử dụng hoá đơn GTGT khống nhằm mục đích khấu trừ thuế, hoàn thuế
thanh toán tiền của ngân hàng nhà nước, khi bị phát hiện thì bỏ trốn.
Bà Lê Thu Thuỷ, phó Chi cục trưởng Chi cục thuế Biên Hoà cho biết:
Lợi dụng thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh được sửa đổi tạo
sự thông thoáng cho các DN làm ăn chính đáng, các đối tượng xấu đã tranh
thủ thành lập "DN ma" để đăng ký mã số thuế và mua hoá đơn GTGT và chỉ
cần xuất khống 1 hoá đơn GTGT là đã kiếm được từ 20 đến 50% số tiền thuế.
Sở dĩ có tình trạng trên là do việc quy định cấp bán hoá đơn GTGT chưa quy
định cụ thể việc phối hợp đối chiếu hàng tháng, hàng quý của các phòng, tổ
quản lý ấn chỉ với phòng, đội quản lý DN về tình hình cấp bán và sử dụng hoá
đơn cho các DN; công tác xác minh xử lý hoá đơn đối với DN còn nhiều sơ
hở về quy định thời gian, tạo kẽ hở cho các "DN ma" tồn tại. Bà Lê Thu Thuỷ
kiến nghị với Sở Kế hoạch đầu tư - cơ quan cấp phép nên điều tra sơ khởi như
địa điểm kinh doanh, quy mô của DN kinh doanh có phù hợp với vốn đăng ký
hay không sau đó mới cấp giấy phép và định kỳ kiểm tra tình hình hoạt động
kinh doanh. Chi cục Thuế TP. Biên Hoà đang rất cần sự hỗ trợ cung cấp
thông tin liên ngành thuế với các cơ quan đăng ký kinh doanh, ngành công an,
ngân hàng để cùng phối hợp chặt chẽ trong việc chống gian lận thuế.
Được biết, hiện Chi cục Thuế TP. Biên Hoà đang quản lý thu thuế ở
hơn 2.400 DN và hàng năm những DN này đã đóng góp cho ngân sách hơn
100 tỷ đồng, chiếm khoảng 50% trong tổng thu các DN ngoài quốc doanh.

97
Bảng 2.11: Thống kê vi phạm của doanh nghiệp Đồng Nai qua các năm
Đơn vị: vụ
Năm
2005 2006 2007 9 tháng 2008
Loại vi phạm
Kinh doanh không giấy CNKD 710 589 431 415
Kinh doanh sai nội dung 296 209 77 54
Vi phạm đăng ký kinh doanh 172 222 122 120
Vi phạm về niêm yết giá 408 401 324 411
Tổng số 1586 1421 954 1000
Nguồn: Sở Công Thương Đồng Nai
Qua bảng trên cho thấy, tổng số vụ vi phạm của doanh nghiệp Đồng
Nai đã giảm dần qua các năm. Trong đó, số vụ vi phạm về kinh doanh không
giấy phép hoặc sai nội dung cũng như vi phạm đăng ký kinh doanh giảm dần.
Tuy nhiên, riêng vi phạm về niêm yết giá vẫn tăng đáng kể.
Bên cạnh đó, các hành vi vi phạm luật bảo vệ môi trường của doanh
nghiệp tại Đồng Nai mà nổi bật là vụ Vedan, phần nào cho thấy trách nhiệm
xã hội, đạo đức kinh doanh của một bộ phận doanh nhân Đồng Nai suy giảm.
Thàng 3/2009, Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai tiến hành tổng
kiểm tra công tác bảo vệ môi trường các doanh nghiệp trên địa bàn và đã phát
hiện 76 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Đây là số lượng doanh
nghiệp bị phát hiện vi phạm luật bảo vệ môi trường lớn nhất từ trước đến nay
tại địa phương. Vi phạm của các doanh nghiệp bị phát hiện chủ yếu là xả
nước thải ra môi trường không đạt tiêu chuẩn, trong đó có những chỉ tiêu vượt
mức cho phép đến hàng chục ngàn lần.
Tại Xí nghiệp ắc quy Đồng Nai, phát hiện chỉ tiêu chì vượt tiêu chuẩn
128 lần, sắt vượt 8 lần, coliform vượt 80 lần so với tiêu chuẩn cho phép.Tại
Xí nghiệp may công nghiệp Đồng Nai – Công ty cổ phần tổng hợp gỗ Tân
Mai, chỉ tiêu như nhu cầu oxy sinh hóa (BOD5) vượt tiêu chuẩn 54 lần, nhu
cầu oxy hóa học (COD) vượt tiêu chuẩn trên 352 lần, tổng chất rắn lơ lửng
trong nước (TSS) vượt 156 lần, coliform vượt đến 14.333 lần so với tiêu
chuẩn cho phép. Tại Công ty Cổ phần Vinacafe Biên Hòa, chỉ tiêu BOD5
vượt 31,4 lần, COD vượt 88,9 lần, coliform vượt trên 36.000 lần so với chỉ
tiêu cho phép. Công ty TNHH MTV chế tạo động cơ Vinappro, phát hiện chỉ
tiêu COD, BOD, TSS vượt trên 2 lần cho phép, trong đó chỉ tiêu coliform
vượt tới trên 63.000 lần so với tiêu chuẩn cho phép. Tại Công ty chế biến
XNK nông sản thực phẩm Đồng Nai – Donafood, các chỉ tiêu về môi trường

98
BOD5 vượt 72,8 lần, COD vượt trên 118 lần, TSS trên 87 lần, coliform vượt
trên 14.000 lần so với tiêu chuẩn cho phép...
Trước những vi phạm Luật Bảo vệ môi trường nghiêm trọng trên,
UBND tỉnh Đồng Nai đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính, buộc thực
hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, yêu cầu lắp đặt
các thiết bị đo lưu lượng và quan trắc môi trường. 76 doanh nghiệp trên cũng
sẽ được UBND tỉnh Đồng Nai công bố trên các phương tiện thông tin đại
chúng, buộc cam kết thực hiện khắc phục tình trạng ô nhiễm theo thời hạn từ
3- 6 tháng, nếu quá thời hạn trên sẽ đình chỉ hoạt động. Ngoài 76 doanh
nghiệp vi phạm trên, UBND tỉnh Đồng Nai cũng đề xuất Bộ Tài nguyên và
Môi trường xử lý 20 doanh nghiệp khác đóng trên địa bàn vì đã gây ô nhiễm
nghiêm trọng môi trường.
- Văn hoá kinh doanh
Những năm gần đây, ngày càng có nhiều doanh nghiệp, doanh nhân
Đồng Nai mở rộng giao thương trong và ngoài nước. Tuy nhiên, không phải
doanh nghiệp và nhà kinh doanh nào cũng coi trọng yếu tố văn hóa trong quá
trình sản xuất kinh doanh, phân phối sản phẩm. Điều này nghĩa là chưa có
nhiều doanh nhân Đồng Nai biết khai thác văn hóa phục vụ cho hoạt động
kinh doanh, đồng thời đề cao “văn hóa kinh doanh” của doanh nghiệp mình.
Thêm vào đó, cung cách ứng xử trong kinh doanh cũng chưa thật sự
văn minh, còn có hiện tượng gian lận, bán hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất
lượng. Ở các chợ còn phổ biến hành vi phản văn hóa như nói thách, lừa gạt
khách lạ, co kéo, đe dọa, o ép người mua ... Những điều này gần như không
hề thấy ở các chợ của Thái Lan và nhiều nước khác trong khu vực. Đây chính
là mặt hạn chế khiến cho các chợ (kể cả ở thành phố Biên Hòa) mất dần tính
hấp dẫn so với hệ thống siêu thị.
Những năm qua, các doanh nghiệp Đồng Nai thành công như Vina
caphe Biên Hòa, Bitis, may Đồng Tiến, Dona Food, Bibica ... đều nỗ lực làm
cho hàng hóa của mình đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của con người,
trên cơ sở hiểu biết và tôn trọng những yếu tố văn hóa như phong tục tập
quán, khẩu vị, thị hiếu thẩm mỹ, thói quen tiêu dùng ... của khách hàng. Một
số chợ ở Biên Hòa như Tân Mai, Tân Phong ... đã xây dựng mô hình chợ văn
hóa và bước đầu thu được kết quả tốt.
2.2.7 Đóng góp của doanh nhân vào kinh tế - xã hội tỉnh Đồng Nai
Chất lượng của doanh nhân thể hiện ở năng lực nội tại của doanh
nghiệp: năng suất lao động, hiệu quả kinh doanh và năng lực cạnh tranh.

99
Doanh nhân Đồng Nai bên cạnh sự tăng trưởng ấn tượng về số lượng, những
phẩm chất về trình độ học vấn, khoa học công nghệ và ý thức tuân thủ pháp
luật, văn hoá kinh doanh, ... thì thể hiện rõ ràng nhất về khả năng quản trị
doanh nghiệp, khả năng kinh doanh, ý thức xã hội của đội ngũ doanh nhân là
qua sự phát triển của doanh nghiệp, từ quy mô, kết quả kinh doanh đến hoạt
động từ thiện, xã hội.
2.2.7.1 Quy mô và kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp
a. Quy mô doanh nghiệp
+ Quy mô vốn
Cũng giống xu hướng chung của vùng Đông Nam Bộ và cả nước, số
lượng các doanh nghiệp có vốn nhỏ dưới 0,5 tỷ giảm dần, tốc độ giảm bình
quân giai đoạn 2004 – 2006 là 11,41%. Tuy nhiên, trong khi số lượng doanh
nghiệp có vốn từ 0,5 đến dưới 1 tỷ của Đồng Nai có xu hướng giảm nhẹ (bình
quân giảm 2,8%/năm giai đoạn 2004 – 2006) thì số lượng của cả nước và
vùng Đông Nam Bộ lại tăng khá nhanh (tương ứng 18,96% và 14,1%/năm).
Số lượng các doanh nghiệp theo phân loại quy mô nguồn vốn tương
ứng còn lại đều có tốc độ tăng khá giai đoạn 2004 – 2006, trong đó, tăng
nhanh nhất là số doanh nghiệp có vốn từ 1 đến dưới 5 tỷ đồng và doanh
nghiệp có vốn trên 500 tỷ đồng (tăng bình quân tương ứng là 45,24%/năm và
32,64%/năm). Xu hướng này cũng tương đương với xu hướng tăng số lượng
doanh nghiệp của cả nước và vùng Đông Nam Bộ.
Bảng 2.12: Số doanh nghiệp chia theo quy mô vốn
Chia theo quy mô nguồn vốn (tỷ đồng)
0.5 - 1- 5 - 10 - 50 - 200 -
Tổng dưới dưới dưới dưới dưới dưới dưới Trên
số DN 0.5 tỷ 1 5 10 50 200 500 500
Cả nước
2003 72012 18790 12954 24737 5496 6648 2491 586 310
2004 91755 23187 16191 32739 7303 8269 2904 759 403
2005 113352 26883 20547 41970 9275 10024 3302 895 506
2006 131318 15908 21809 64137 12487 11502 3835 1009 631
2007
Đông Nam Bộ
2003 24317 6623 3925 7472 2060 2758 1043 279 157
2004 31866 8176 5247 10640 2731 3431 1259 353 209
2005 41193 9867 7355 14005 3570 4277 1463 403 253
2006 48445 4215 5830 25106 5956 4833 1729 455 321
2007
Đồng Nai

100
2003 2013 476 343 580 159 226 153 52 24
2004 2436 497 390 799 195 284 170 65 36
2005 2820 506 440 978 223 364 193 72 44
2006 3537 331 315 1777 309 416 249 84 56
2007 5044
Nguồn: Thực trạng DN qua kết quả điều tra năm 2004, 2005, 2006
NXB Thống kê H.2007; NGTK cả nước 2007, NGTK Đ ồng Nai 2007
Về tỷ trọng số lượng doanh nghiệp phân theo nguồn vốn, có thể nhận
thấy, số lượng doanh nghiệp có vốn từ 1 đến dưới 5 tỷ là phổ biến nhất, và tỷ
trọng tăng dần, chiếm từ 28,81% tổng số doanh nghiệp (năm 2003) lên
50,24% tổng số doanh nghiệp (năm 2006).
Số doanh nghiệp chiếm tỷ trọng thấp nhất là số doanh nghiệp có vốn từ
200 – 500 tỷ và trên 500 tỷ, chiếm tương ứng 2,37% và 1,58% tổng số doanh
nghiệp năm 2006. Tuy nhiên, tỷ trọng DN có vốn trên 500 tỷ tăng dần.
Bên cạnh đó, tỷ trọng doanh nghiệp có vốn ít, dưới 0,5 tỷ và từ 0,5 tỷ
đến dưới 1 tỷ cũng chiếm tỷ trọng không nhỏ, tương ứng 9,36% và 8,91%
tổng số DN năm 2006, song tỷ trọng của cả hai loại này giảm dần qua các năm.
Bảng 2.13: Cơ cấu doanh nghiệp chia theo vốn
Chia theo quy mô vốn (tỷ đồng)
5– 10 – 50 – 200 -
Tổng dưới 0.5 - 1- dưới dưới dưới dưới Trên
số 0.5 tỷ dưới 1 dưới 5 10 50 200 500 500
Cả nước
2003 100 26.09% 17.99% 34.35% 7.63% 9.23% 3.46% 0.81% 0.43%
2004 100 25.27% 17.65% 35.68% 7.96% 9.01% 3.16% 0.83% 0.44%
2005 100 23.72% 18.13% 37.03% 8.18% 8.84% 2.91% 0.79% 0.45%
2006 100 12.11% 16.61% 48.84% 9.51% 8.76% 2.92% 0.77% 0.48%
2007
Đông Nam Bộ
2003 100 27.24% 16.14% 30.73% 8.47% 11.34% 4.29% 1.15% 0.65%
2004 100 25.66% 16.47% 33.39% 8.57% 10.77% 3.95% 1.11% 0.66%
2005 100 23.95% 17.85% 34.00% 8.67% 10.38% 3.55% 0.98% 0.61%
2006 100 8.70% 12.03% 51.82% 12.29% 9.98% 3.57% 0.94% 0.66%
2007
Đồng Nai
2003 100 23.65% 17.04% 28.81% 7.90% 11.23% 7.60% 2.58% 1.19%
2004 100 20.40% 16.01% 32.80% 8.00% 11.66% 6.98% 2.67% 1.48%
2005 100 17.94% 15.60% 34.68% 7.91% 12.91% 6.84% 2.55% 1.56%
2006 100 9.36% 8.91% 50.24% 8.74% 11.76% 7.04% 2.37% 1.58%
2007 100

101
Nguồn: Thực trạng DN qua kết quả điều tra năm 2004, 2005, 2006; NXB Thống kê H.2007
; NGTK cả nước 2007, NGTK Đồng Nai 2007
+ Giá trị tài sản cố định của DN đang hoạt động
Tổng giá trị tài sản TSCĐ của các DN Đồng Nai tăng dần qua các năm,
bình quân giai đoạn 2002 – 2006 tăng 20,3%/năm.
Trong đó, phân theo thành phần thì tỷ trọng giá trị TSCĐ của DN nhà
nước giảm dần, từ 11,99% năm 2001 xuống 10,57% năm 2006. Tỷ trọng
TSCĐ của DN ngoài nhà nước tăng khá, tương ứng từ 7.05% lên 13,22%. DN
có VĐT nước ngoài tuy chiếm tỷ trọng lớn, song lại giảm dần, từ 80,96%
xuống còn 76,21%.
Trong thành phần DN ngoài nhà nước thì tỷ trọng giá trị TSCĐ của
Công ty TNHH tư nhân là lớn nhất và ngày càng tăng. Công ty cổ phần không
có vốn nhà nước tuy tỷ trọng thấp nhưng tăng dần và đến năm 2006 đã có tỷ
trọng lớn thứ 2 trong các thành phần DN ngoài nhà nước.
Phân theo ngành thì giá trị TSCĐ của DN trong ngành công nghiệp chế
biến luôn chiếm đa số, tới khoảng hơn 90%. Trong các ngành còn lại thì DN
ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản; ngành thương nghiệp, sửa chữa xe có
động cơ, sửa chữa đồ dùng gia đình đều có giá trị TSCĐ khá lớn, tuy nhiên
ngành thương nghiệp có xu hướng tăng dần.
Bảng 2.14: Lao động, vốn, TSCĐ bình quân/1 doanh nghiệp
Số LĐ TSCĐ và ĐT dài
bq Vốn bq 1 DN hạn bq 1DN
1 DN (tỷ đồng) (triệu đồng)
Cả nước
2003 72 24 125
2004 63 24 129
2005 55 24 153
2006 51
Đông Nam Bộ
2003 81 23 123
2004 71 24 142
2005 61 23 148
2006 56
Đồng Nai
2003 139 34 120
2004 134 38 144
2005 133 39 147
2006 120 38
Nguồn: Thực trạng DN qua kết quả điều tra năm 2004,
2005, 2006 NXB Thống kê H.2007

102
+ Quy mô lao động
Doanh nghiệp Đồng Nai có quy mô nhỏ, chủ yếu là các doanh nghiệp
có từ 199 lao động trở xuống và chiếm tỷ trọng ngày càng tăng từ 87,33%
năm 2003 lên 91,07% tổng số DN năm 2006. Trong đó, 1145 DN có từ 5-9
lao động chiếm tới 32,37% và 996 DN có 10 – 49 lao động chiếm 28,16%.
Năm 2006, DN quy mô lao động lớn có số lượng ít, chỉ chiếm khoảng
1,8 đến 2,3% tổng số doanh nghiệp. Riêng DN có trên 5000 lao động chỉ có
10 doanh nghiệp chiếm có 0,28%.
Tuy nhiên, đây cũng là xu hướng chung của cả nước. Hơn thế nữa, so
sánh về tỷ trọng DN có số lượng lao động lớn (hơn 5.000 lao động) thì tỷ
trọng ở Đồng Nai là cao hơn so với cả nước và vùng Đông Nam Bộ (đạt
0,28% so với tương ứng 0,06% và 0,08% năm 2006).
Bảng 2.15: Số doanh nghiệp đang hoạt động tại thời điểm 31/12
phân theo quy mô lao động
số Chia theo quy mô lao động (người)

bq 10 50
Tổng số / 1 Dưới 5 đến đến đến 200- 300- 500- 1000- trên
DN DN 5 9 49 199 299 499 999 4999 5000
Cả nước
2003 72012 72 13091 20438 25220 8531 1407 1403 1181 684 57
2004 91755 63 17977 26459 32443 9809 1535 1510 1203 764 56
2005 113352 55 23396 34759 39017 10940 1626 1554 1188 802 70
2006 131318 51 16834 57980 39365 11677 1737 1525 1258 861 81
2007
Đông Nam Bộ
2003 24317 81 5106 6936 7397 3084 546 489 449 280 30
2004 31866 71 7014 9204 10015 3613 608 579 482 324 27
2005 41193 61 10323 12313 12271 4104 678 638 484 348 34
2006 48445 56 6907 22964 12027 4271 691 619 548 379 39
2007
Đồng Nai
2003 2013 139 376 456 589 337 75 65 73 35 7
2004 2436 134 412 616 740 398 80 71 63 48 8
2005 2820 133 524 701 873 439 73 71 71 59 9
2006 3537 120 608 1145 996 472 82 85 75 64 10
2007 5044
Nguồn: Thực trạng DN qua kết quả điều tra năm 2004, 2005, 2006
NXB Thống kê H.2007; NGTK cả nước 2007, NGTK Đồng Nai 2007

103
Số lao động bình quân trên một doanh nghiệp của Đồng Nai đạt cao so
cả nước và vùng Đông Nam Bộ, tuy nhiên có xu hướng giảm dần.
Bảng 2.16: Lao động bình quân/1 Doanh nghiệp phân theo ngành
Năm
2001 2003 2004 2005 2006 2007
Ngành
Trên toàn tỉnh 129 139 136 134 120
Trong đó, theo từng ngành
NN, LN và thủy sản 410 426 435 449 374
CN khai thác mỏ 79 48 43 53 45
CN chế biến 264 312 321 321 306
SX và phân phối điện, khí đốt, nước 148 52 143 161 68
Xây dựng 78 86 59 60 42
Vận tải, kho bãi, TT liên lạc 60 50 40 32 33
Thương nghiệp, sửa chữa xe có
12 15 14 15 13
động cơ, sửa chữa đồ dùng gia đình
Khách sạn và Nhà hàng 66 35 30 25 19
Kinh doanh TS và dịch vụ tư vấn 32 41 50 52 49
Tài chính, tín dụng 13 16 22 22 19
Hoạt động phục vụ cá nhân và cộng
87 60 54 500 226
đồng
HĐ Khoa học và công nghệ, các
114 108 54 25 29
ngành khác
Nguồn: Niên giám thống kê Đồng Nai 2007
Qua bảng trên có thể thấy, các doanh nghiệp trong ngành nông, lâm
nghiệp và thủy sản và công nghiệp chế biến có số lao động bình quân lớn
nhất. Đây là hai ngành thâm dụng lao động nhất trong các ngành tại Đồng
Nai. Những ngành còn lại có số lao động bình quân thấp, trong đó, chỉ tiêu
này ở doanh nghiệp ngành thương nghiệp, sửa chữa xe có động cơ; sửa chữa
đồ dùng gia đình là thấp nhất.
- Bên cạnh đó, có thể nhận thấy, tỷ trọng lao động nữ trong các doanh
nghiệp ở Đồng Nai là cao so cả nước, so với vùng Đông Nam Bộ và có xu
hướng tăng dần. Nếu năm 2000, tỷ trọng lao động nữ chỉ là 50,51% thì đến năm
2006 đã chiếm tới 57,91% tổng số lao động trong các doanh nghiệp của tỉnh.
Bảng 2.17: Tỷ trọng lao động nữ trong các doanh nghiệp tính đến 31/12
Đơn vị: %
Năm
2000 2002 2003 2004 2005 2006
Địa phương
Cả nước 42.72 36.35 43.19 43.23 42.98 43.76

104
Đông Nam Bộ 49.75 50.47 51.58 51.24 50.38 51.10
Đồng Nai 50.52 54.91 55.8 56.61 55.98 57.91
Nguồn: Tính toán từ số liệu Niên giám thống kê cả nước 2007
- Về kết quả kinh doanh
Qua bảng 2.18 có thể thấy, các doanh nghiệp ở Đồng Nai có kết quả
hoạt động là khá tốt so với các doanh nghiệp trong vùng Đông Nam Bộ cũng
như cả nước.
Số doanh nghiệp bị lỗ tuy chiếm tỷ trọng không nhỏ trong tổng số
doanh nghiệp toàn tỉnh song số lỗ bình quân/1 doanh nghiệp là thấp.
Tỷ trọng các doanh nghiệp có lãi giảm, tuy nhiên vẫn tương đương so
với vùng và cả nước, hơn thế nữa mức lãi bình quân/1 doanh nghiệp là khá
cao so cả nước và ở mức trung bình khá so với vùng Đông Nam Bộ.
Mặt khác cũng cần nhìn nhận một thực tế rằng, Đồng Nai là tỉnh thu
hút nhiều FDI, có hệ thống các khu công nghiệp phát triển, do đó, các doanh
nghiệp có lãi lớn thường là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, trong khi
số lượng lớn các doanh nghiệp Việt Nam do quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu,
trình độ quản trị và kinh doanh còn kém nên có lãi ít, thậm chí thua lỗ.
Bảng 2.18: Một số chỉ tiêu phản ánh hiệu quả kinh doanh của DN
So với tổng số Tỷ Tỷ suất LN
DN có lãi DN lỗ
DN (%) lệ (%)
DT
nộp
Lỗ thuần
Lãi Số NS trên
Số Tổng Số Tổng bq Số /1 LĐ Trên
bq 1 DN so vốn
DN lãi DN lỗ 1 DN lỗ (tr. đ) DT
DN lãi DT SXKD
DN
(%)
Cả nước
2003 50492 89054 1764 16751 -10852 -648 70.12 23.26 281 7.56 4.535 5.368
2004 61687 121601 1971 22716 -16687 -735 67.23 24.76 303 7.34 4.854 5.995
2005 70935 136996 1931 31005 -18345 -592 62.58 27.35 356 7.14 4.421 5.337
2006
Đông Nam Bộ
2003 14835 57302 3863 8665 -5956 -687 61.01 35.63 341 8.6 9.252 7.614
2004 18609 79010 4246 12173 -7528 -618 58.4 38.2 338 9.85 9.394 9.306
2005 20747 83423 4021 16393 -11737 -716 50.37 39.8 390 9.13 7.637 7.277
2006
Đồng Nai
-
2003 1514 4816 3181 424 -865 2040 75.21 21.06 285 6.24 5.711 4.94
-
2004 1824 6763 3708 494 -1156 2340 74.88 20.28 326 6.16 6.089 5.275
-
2005 1921 6112 3182 791 -2001 2530 68.12 28.05 351 5.01 3.742 3.133
2006

105
Nguồn: Thực trạng DN qua kết quả điều tra năm 2004, 2005, 2006
NXB Thống kê H.2007
Sản xuất công nghiệp, nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn này phát
triển mạnh, đặc biệt phát triển của ngành công nghiệp đã tác động lớn đến
hoạt động xuất khẩu, trong đó tình hình đầu tư mới có ý nghĩa rất quan trọng
trong việc gia tăng giá trị sản lượng công nghiệp trên địa bàn, nhiều doanh
nghiệp FDI có tỷ lệ xuất khẩu đạt 100% như các doanh nghiệp sản xuất hàng
điện tử, linh kiện máy tính, giày dép, may mặc, sản phẩm gỗ...
Các doanh nghiệp có vốn đầu tư trong nước cũng rất quan tâm đến việc
đầu tư đổi mới công nghệ, tuy vốn đầu tư không lớn so với các DN FDI
nhưng sản xuất của khối doanh nghiệp này cũng đã có những chuyển biến tích
cực, sản phẩm của doanh nghiệp bước đầu đã được xuất khẩu ra thị trường
nước ngoài và ngày càng phát triển ổn định như: Công ty May Đồng Tiến,
Công ty Donafoods, Nhà máy Cà phê Biên Hòa, Công ty TNHH Bình Tiên
Đồng Nai... Sản xuất nông nghiệp chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa,
đưa chăn nuôi thành ngành sản xuất chính và trong nội bộ ngành trồng trọt có
sự chuyển dịch theo hướng giảm các loại cây lương thực, tăng nhanh các
nông sản hàng hóa và hàng hóa xuất khẩu có giá trị cao như: cà phê, hạt tiêu,
hạt điều, cao su, cây ăn quả....
Chuẩn bị hội nhập, đã có 65% doanh nghiệp trẻ Đồng Nai mạnh dạn
đầu tư công nghệ mới vào các lĩnh vực công nghệ thông tin trong quản trị
kinh doanh và công nghệ mới trong sản xuất như: Ô tô Trường Hải, Thanh
Bình, Donafoods, May Đồng Nai, Gốm Đồng Tâm, Công ty TNHH Huy
Hoàng… Nhiều doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư trang thiết bị
công nghệ, mở rộng thị phần, mở rộng ngành nghề sản xuất kinh doanh. Điển
hình là Công ty Ô tô Trường Hải đầu tư công nghệ lắp ráp và sản xuất hiện
đại tại khu kinh tế mở Chu Lai. Công ty Thanh Bình thành lập công ty cổ
phần xây dựng nhà xưởng theo mô hình mới cho thuê. Để có sản phẩm phù
hợp với thị trường Châu Âu, Doanh nghiệp tư nhân Gốm Đồng Tâm đầu tư
dây chuyền nung gốm theo công nghệ hiện đại. Công ty Donafood mở rộng
xây dựng nhiều nhà máy trong tỉnh và đưa vào hoạt động nhà máy chế biến
hạt điều ở tỉnh Thái Bình.
Vừa qua, trong số 150 thương hiệu, sản phẩm của 149 doanh nghiệp
được trao giải thưởng Sao vàng đất Việt năm 2006, Đồng Nai và Đà Nẵng
đồng hạng 3 (đứng sau TP.HCM, Hà Nội) với 7 doanh nghiệp đoạt giải. Đó
là: công ty May Đồng Nai, Ôtô Trường Hải, công ty TNHH Thanh Bình, công

106
ty Giấy Tân Mai, công ty Cổ phần bao bì Sovi, công ty Cổ phần Hòa Việt và
Vinacafe Biên Hòa. Vinh quang này khẳng định những nỗ lực và sự tự tin của
doanh nhân Đồng Nai trong thời kỳ gia nhập WTO.
Nhận xét chung về quy mô cũng như kết quả hoạt động của doanh
nghiệp Đồng Nai như sau:
- Số lượng lao động bình quân/1 doanh nghiệp của Đồng Nai lớn so với
Vùng Đông Nam Bộ và cả nước. Mặc dù chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và
nhỏ, song số lượng doanh nghiệp có quy mô lao động lớn đến rất lớn trên địa
bàn tỉnh nhiều hơn so vùng Đông Nam Bộ và cả nước.
Doanh nghiệp có số lao động bình quân lớn nhất ở các ngành Nông,
lâm nghiệp, thủy sản và Công nghiệp chế biến; thấp nhất ở ngành thương
nghiệp, sửa chữa xe có động cơ, sửa chữa đồ dùng gia đình. Trong các doanh
nghiệp, lao động nữ chiếm tỷ trọng lớn so với lao động nam giới.
- Quy mô vốn bình quân/doanh nghiệp cũng lớn hơn so cả nước và
Vùng, số lượng vốn tăng dần. Doanh nghiệp có vốn từ 1-5 tỷ phổ biến nhất, tỷ
trọng tăng. Doanh nghiệp có vốn dưới 1 tỷ giảm tỷ trọng trong khi doanh
nghiệp có vốn lớn, từ 200 tỷ trở lên có tỷ trọng tăng
- Sự ra đời của các doanh nghiệp dân doanh đã huy động được các
nguồn vốn vào sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, cải thiện đời sống cho
người lao động, tăng nguồn thu cho ngân sách, góp phần chuyển dịch cơ cấu
kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Nhiều doanh nghiệp mới ra
đời, hình thành nên các công ty hoạt động đa ngành, đa nghề, đa lĩnh vực với
quy mô ngày càng lớn. Tuy nhiên về kết quả kinh doanh của doanh nghiệp
Đồng Nai không cao so Vùng và cả nước.
Với quy mô doanh nghiệp như trên, với kết quả kinh doanh khả quan,
đội ngũ doanh nhân Đồng Nai với kinh nghiệm ngày càng dày dặn, đã biết tận
dụng những lợi thế của tỉnh nhà để chèo lái hệ thống doanh nghiệp của tỉnh
vượt qua nhiều khó khăn, phát triển ổn định, đóng góp ngày càng nhiều và có
vai trò ngày càng quan trọng đối với nền kinh tế - xã hội của tỉnh, thể hiện qua
các mặt chủ yếu sau:
Thứ nhất, Đóng góp của các doanh nghiệp do đội ngũ doanh nhân dẫn
dắt vào ngân sách nhà nước tỉnh Đồng Nai tăng khá, chiếm tỷ trọng cao:
Bảng 2.19: Đóng góp vào NSNN của các doanh nghiệp tỉnh Đồng Nai
Đơn vị: tỷ đồng
Năm 2003 2005 2007 Tổng thu
Theo thành phần 2003 - 2007

107
Thu từ DNNN trung ương 441.440 643.910 569.883 2.805.398
Thu từ DN địa phương 422.288 704.561 870.452 3.410.547
Thu từ DN có VĐT nước ngoài 763.363 1.402.119 2.035.029 7.098.511
Thu từ khu vực ngoài QD 398.613 588.459 1.012.807 3.259.258
- DN thành lập theo luật DN, 398.613 268.512 618.933 1.917.680
luật HTX
- Cá nhân sản xuất, kinh doanh 0 319.947 393.874 1.341.578
HH, DV
Tổng thu ngân sách toàn tỉnh 5.368.377 8.880.774 12.196.385 44.128.397
Nguồn: Quyết toán thu ngân sách nhà nước các năm 2003 – 2007, Sở Tài chính Đồng Nai
Tốc độ tăng ngân sách tỉnh từ các hoạt động SXKD của các loại doanh
nghiệp, các cá nhân sản xuất kinh doanh hàng hoá, dịch vụ (kể cả doanh nghiệp có
vốn đầu tư nước ngoài) năm 2005 so năm 2003 bằng 165,43%; 2007 so với năm
2005 bằng 137,34%. Không kể đóng góp ngân sách từ doanh nghiệp có vốn đầu
tư nước ngoài thì tốc độ tương ứng của các loại hình doanh nghiệp trên địa bàn là
162,4% và 135,87%. Hoạt động kinh doanh và đóng góp của các doanh nghiệp
trên địa bàn tỉnh do đội ngũ doanh nhân thuộc các loại hình doanh nghiệp ở tỉnh
(không kể DNNN trung ương và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài), cho
thấy: đóng góp ngân sách năm 2005 so năm 2003 đạt 164,2%, năm 2007 so năm
2005 đạt 140,33%.
Nếu so mức đóng góp từ các loại doanh nghiệp trên địa bàn (không kể DN
nhà nước TW và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) thì:
Bảng 2.20: Đóng góp vào NSNN từ các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng
Nai (không kể DNNN trung ương và DN có VĐT nước ngoài)
Năm
2003 2005 2007 2003 - 2007
Chỉ tiêu
Thu từ các DN trên địa bàn 4.163.574 6.834.745 9.591.473 34.224.488
(tỷ đồng)
Tổng thu (tỷ đồng) 5.368.377 8.880.774 12.16.385 44.128.397
Tỷ trọng trong tổng thu (%) 77,56 76,16 78,64 77,56
Nguồn: Tính toán nhóm nghiên cứu từ số quyết toán thu NSNN vào năm 2003 – 2007 – Sở Tài
chính Đồng Nai
Như vậy, chỉ các loại hình doanh nghiệp này với đội ngũ doanh nhân của
chúng đã tạo ra từ 76,96% đến 78,64% thu ngân sách nhà nước tỉnh.
Thứ hai, Các doanh nghiệp Đồng Nai ổn định và ngày càng lớn mạnh đã
tạo nhiều việc làm cho lao động trong tỉnh, đồng thời thu hút lao động từ các tỉnh
khác. Mặc dù đội ngũ doanh nhân Việt Nam nói chung và Đồng Nai nói riêng
chưa có nhiều kinh nghiệm so với các nước phát triển ( vì mới có điều kiện hình

108
thành và phát triển chính thức từ khi ra đời Luật Công ty và Luật doanh nghiệp tư
nhân năm 1990 và Luật doanh nghiệp 1999, hiệu lực năm 2000) song đã tạo được
nhiều việc làm, đặc biệt là doanh nhân trong khu vực tư nhân.
Tính chung cả nước, trong khi đội ngũ doanh nhân khu vực kinh tế nhà
nước chỉ giải quyết được 5% số việc làm của lao động cả nước, thì doanh nhân
khu vực trong khu vực tư nhân đã tạo được khoảng 90% số việc làm tăng thêm.
Lao động làm việc trong các doanh nghiệp của Đồng Nai ngày càng
tăng, cùng với sự gia tăng về số lượng và quy mô doanh nghiệp.
Năm 2001 là 191.529 lao động, tới năm 2005 là 374.007 lao động và
đến năm 2006 đã là 423.921 lao động (tăng 2,25 lần trong 5 năm). Tuy nhiên,
chiếm đa số vẫn là lao động tại các doanh nghiệp FDI (năm 2001 chiếm
52,47%; năm 2005 là 64,38% và năm 2006 là 65,69%). Như vậy, các doanh
nghiệp trong nước tại Đồng Nai mới chỉ tạo ra chưa đến 35% việc làm cho lao
động. Đó là do quy mô của các doanh nghiệp trong nước nói chung, ở Đồng
Nai nói riêng còn khá nhỏ.
Thứ ba, Thu nhập của người lao động tăng khá:
Không chỉ tạo ra số lượng việc làm lớn, doanh nh ân Đồng Nai còn chú
trọng tăng thu nhập cho người lao động trong doanh nghiệp của mình. Thu
nhập bình quân đầu người/tháng của tỉnh thuộc mức cao và tăng dần từ
678,31 nghìn đồng năm 2004 lên 867,62 nghìn đồng năm 2006 và sơ bộ năm
2007 đạt 1005, 05 nghìn đồng (tăng gần 2 lần trong 3 năm). Trong đó, thu
nhập từ tiền lương, tiền công tăng khá: tương ứng qua các năm từ 221,74
nghìn đồng lên 381,2 nghìn đồng và 468,76 nghìn đồng. Do đó, mức sống dân
cư của tỉnh cao so với các tỉnh trong vùng và cả nước. Mặt khác, sự đóng góp
của doanh nghiệp vào ngân sách nhà nước (như đã chỉ ra ở trên) là phần quan
trọng để phát triển các lĩnh vực xã hội như y tế, giáo dục.
Những đóng góp của doanh nhân Đồng Nai là phần quan trọng để tăng
trưởng kinh tế tỉnh thời gian qua nhanh và ổn định:
Năm 2007, kinh tế Đồng Nai tăng trưởng ổn định, công nghiệp – dịch
vụ tăng nhanh, nên đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt. Tốc độ tăng
trưởng kinh tế năm 2007 đạt 15,1%.
Giá trị SX Công nghiệp năm 2007 tăng 22,41% so năm 2006, chiếm
57,7% trong tổng GDP. Ngành nông nghiệp tăng 5,55% so năm 2006, chiếm
12,1% trong cơ cấu GDP. Ngành dịch vụ tăng 28% so năm 2005, chiếm
30,2% trong cơ cấu GDP toàn tỉnh.
GDP đầu người theo giá so sánh năm 2007 đạt 10.501 triệu đồng/năm,

109
tương đương 954,6 USD; theo giá thực tế là 17,771 triệu đồng, tương đương
1.103 USD, tăng 14,1% so năm 2006.
Số hộ đã có điện sử dụng trên địa bàn tỉnh năm 2007 đạt 97% tổng số
hộ toàn tỉnh.
2.2.7.2 Hoạt động xã hội – từ thiện
Mặc dù để tạo ra lợi nhuận, duy trì, phát triển công ty là một công việc
vất vả, đòi hỏi nhiều tâm sức, công sức của doanh nhân song doanh nhân
Đồng Nai luôn quan tâm và không ngần ngại tham gia, hỗ trợ công tác xã hội
– từ thiện. Trong đó có một số doanh nhân điển hình như:
Công ty may Đồng Tiến: Với quan điểm của Tổng giám đốc Công ty
là: “Không có công nhân, không có doanh nghiệp”, và “điều quan trọng nhất
quyết định năng suất chính là tinh thần làm việc của người lao động chứ
không phải là việc họ tăng ca hay làm thêm giờ”, Đồng Tiến đã đề ra nhiều
chính sách quan tâm, cải thiện điều kiện làm việc, đời sống công nhân. Trong
năm 2006, dù Đồng Tiến giảm giờ làm 30 phút/ngày, không tăng ca, không
làm ngày Chủ nhật, nhưng doanh thu và năng suất vẫn tăng lên 35%, lương
tăng 31% so với năm 2005. Đồng Tiến luôn có những chính sách chăm lo,
quan tâm đến đời sống của công nhân để họ cảm thấy công ty trở thành một
mái nhà thật sự và họ đều là những người có vai trò quan trọng quyết định sự
thành bại của công ty. 16 năm qua, Đồng Tiến đã thực hiện tốt quỹ tương trợ
bằng việc toàn công ty đóng góp 1 ngày lương/tháng để trích 50% giải quyết
những khó khăn, hoạn nạn cho người nghèo trong công ty. 50% còn lại dành
cho công tác từ thiện xã hội của công ty .
Ông Lê Văn Kiểm, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty
Cổ phần Đầu tư và Kinh doanh Golf Long Thành, tỉnh Đồng Nai:
Trong thời gian qua, ông và gia đình cùng Công ty đã tài trợ xây dựng
480 căn nhà tình thương, 340 căn nhà tình nghĩa, nhận phụng dưỡng một số
Mẹ Việt Nam anh hùng ở Đồng Nai, Quảng Ngãi, Thành phố Hồ Chí
Minh…quy tập nhiều mộ liệt sĩ, giúp đỡ các nạn nhân chất độc da cam, tài trợ
mổ mắt cho gần 7.000 người nghèo bị mù, xây dựng bia tưởng niệm anh hùng
liệt sĩ tại các khu di tích cách mạng, hỗ trợ Quỹ khuyến học... với tổng số tiền
hơn 100 tỉ đồng. Ngoài ra, trong 2 năm 2007 và 2008, thông qua Giải Golf
doanh nhân làm từ thiện ông Kiểm đã vận động đuợc gần 200 tỉ đồng giúp đỡ
người nghèo trong cả nước.
Chính vì những thành tích và những đóng góp có ý nghĩa đó, ông Lê
Văn Kiểm đã được Nhà nước tặng thưởng Danh hiệu Anh hùng Lao động thời

110
kỳ đổi mới.
Hội DN trẻ Đồng Nai
Thành lập từ tháng 6/2003, Hội doanh nghiệp trẻ tỉnh Đồng Nai đã phát
triển lên 150 thành viên. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có khoảng hơn
3.000 doanh nghiệp trẻ. Bên cạnh việc hỗ trợ doanh nghiệp trẻ liên kết phát
triển kinh doanh, vấn đề “Văn hoá doanh nghiệp và văn hoá doanh nhân”
được Hội doanh nghiệp chú trọng như nền tảng cho sự phát triển và tồn tại.
Hội đã phát động các hội viên tham gia hoạt động công tác xã hội, phấn đấu
100% doanh nghiệp hội viên thực hiện tốt các chính sách đối với người lao
động, phương pháp tổ chức nâng cao hiệu quả trong sản xuất kinh doanh. Dù
mới thành lập, số hội viên không nhiều, nhưng với sự tích cực của các hội
viên nòng cốt đã giúp Hội duy trì hoạt động tốt. Đó là Trần Bá Dương, TGĐ
Cty ô tô Trường Hải; Phạm Đức Bình, Chủ tịch HĐQT Cty Cổ phần Thanh
Bình, Quang Vĩnh Thuận, GĐ Cty TNHH Kỹ thuật Điện; Phan Hồ Nhựt, GĐ
DNTN Gốm Đồng Tâm; Đinh Ngọc Tú, GĐ Cty Đinh Thuận; Bùi Quang
Trung, Trại nấm Công Thành.
Chỉ riêng 2 chương trình Tình nguyện phát triển cộng đồng, Hội Doanh
nghiệp trẻ Đồng Nai đã kêu gọi các hội viên tích cực hưởng ứng các chương
trình công tác xã hội như: Tham gia xây hơn 100 căn nhà tình nghĩa, 300 căn
nhà tình thương, trong đó đặc biệt là dự án “làng nhà tình thương cho người
dân tộc” tại huyện Tân Phú; các chương trình Ngày vì người nghèo, “Ủng hộ
thiên tai, bão lụt”; ủng hộ “Quỹ vì người nghèo”. Tổng số tiền chi cho các
hoạt động kể trên là 8 tỷ đồng; ủng hộ 100.000.000 đồng cho đồng bào
miền Trung bị ảnh hưởng cơn bão số 6 năm 2006
Doanh nghiệp Công ty Cổ Phần May Đồng Nai triển khai mở rộng sản
xuất, xây dựng xí nghiệp tại huyện Định Quán, giải quyết công ăn việc làm
cho hơn 1.000 lao động vùng sâu, vùng xa.
- Hội Doanh Nghiệp tỉnh Đồng Nai tham gia tài trợ tài trợ 100.000.000
đồng cho chương trình "1.000 xe đạp cho học sinh vùng sâu, vùng xa" do
Tỉnh đoàn tổ chức.
- Bàn giao 30 căn nhà tình thương cho đồng bào dân tộc tại huyện Tân
Phú.
Thành quả trong kinh doanh và thực hiện trách nhiệm xã hội của đội
ngũ doanh nhân Đồng Nai thời gian qua đã được xã hội và nhà nước ghi nhận,
thể hiện qua những giải thưởng đạt được. Ông Trần Bá Dương - Chủ tịch
HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Ô tô Trường Hải; ông Quách Văn

111
Đức - Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Tín Nghĩa; bà Chu thị
Thư - Chủ tịch HĐQT Công ty Sonadezi và ông Vũ Ngọc Thuần - Tổng Giám
đốc Công ty May Đồng Tiến là 4 doanh nhân tỉnh Đồng Nai được tôn vinh
“Doanh nhân tiêu biểu Việt Nam 2006”.
2.3- ĐÁNH GIÁ CHUNG VỀ ĐỘI NGŨ DOANH NHÂN ĐỒNG NAI
Nếu như ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ khác trên thế giới, đội ngũ
doanh nhân đã được hình thành từ hàng thế kỷ nay, thì ở Việt Nam nói chung,
ở Đồng Nai nói riêng, đội ngũ này còn rất trẻ, xét cả về quá trình hình thành
và phát triển. Là “con đẻ" của đường lối đổi mới, được thúc đẩy mạnh mẽ bởi
chủ trương của Đảng và Nhà nước Việt Nam về thực hiện nhất quán chính
sách phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, trực tiếp là chính sách khuyến
khích phát triển kinh tế tư nhân rộng rãi trong các ngành nghề sản xuất, kinh
doanh, đội ngũ doanh nhân Đồng Nai là sản phẩm tất yếu, bộ phận hữu cơ và
có vai trò ngày càng quan trọng trong nền kinh tế của tỉnh nói riêng, nền
KTTT định hướng XHCN ở Việt Nam nói chung, đồng thời cũng là một trong
những lực lượng chính yếu trong quá trình hội nhập rộng và sâu hơn của nền
kinh tế Đồng Nai cũng như cả nước vào thị trường khu vực và toàn cầu9. Đội
ngũ doanh nhân Đồng Nai có những mặt mạnh và hạn chế chủ yếu sau đây:
2.3.1. Những mặt mạnh
Thứ nhất, đội ngũ doanh nhân Đồng Nai mang đầy đủ phẩm chất tốt
đẹp của người Việt Nam nói chung, người dân Nam bộ nói riêng, giàu lòng
yêu nước, tự tôn dân tộc, có khát vọng làm giàu, mong muốn góp phần phát
triển và đưa đất nước thoát khỏi sự tụt hậu.
Đội ngũ doanh nhân ở Đồng Nai ra đời và phát triển gắn liền với công
cuộc đổi mới và phát triển nền KTTT của đất nước. Trước đổi mới, trong cả
nước cũng như ở Đồng Nai không thực sự có doanh nghiệp và doanh nhân,
mặc dù có tồn tại các xí nghiệp quốc doanh và các cơ sở sản xuất, buôn bán
nhỏ của lớp người được gọi chung là tiểu thương, tiểu chủ. Công cuộc đổi
mới mở ra thời vận mới cho các doanh nghiệp quốc doanh và nhất là doanh
nghiệp dân doanh, cho sự ra đời của đội ngũ doanh nhân Đồng Nai.Trong quá
trình đổi mới, lớp doanh nhân Đồng Nai ngày nay sẵn có lòng yêu nước, gắn
bó cuộc sống với vận mệnh và tương lai của đất nước, của dân tộc, của cộng
đồng xã hội, kế thừa được những phẩm chất tốt đẹp của người Việt Nam nói
chung, người dân Nam bộ nói riêng, như tính năng động, sáng tạo, cần cù,

9
Phạm Ngọc Quang,Đinh Quang Ty, Góp phần nhận diện cơ cấu xã hội ở nước ta qua 20 năm đổi mới, Tạp chí Triết học, số 3/2006.

112
chịu khó... Nhìn chung, đa số họ tôn trọng luật pháp, thực hiện nghiêm túc các
quy định của Nhà nước, sống có trách nhiệm, có tinh thần tự tôn dân tộc.
Phần lớn đều có khát vọng xây dựng thương hiệu sản phẩm của mình trở
thành một thương hiệu mạnh, không thua kém các bạn hàng và đối thủ nước
ngoài, có tính cạnh tranh cao không chỉ trong tỉnh, trong nước, trong khu vực,
mà còn vươn xa hơn nữa.
Thứ hai, đại bộ phận doanh nhân Đồng Nai có tuổi đời khá trẻ, được
đào tạo tuy chưa nhiều, chưa bài bản, song được rèn luyện trong quá trình
đổi mới, một số người được đào tạo chuyên môn ở nước ngoài.
Đây là một ưu thế nổi trội của đội ngũ doanh nhân Đồng Nai trong thời
kỳ đổi mới. Tuổi đời trẻ đã tác động tích cực nhiều tới tính năng động, ý chí
dám chấp nhận rủi ro, thách thức, khả năng học hỏi và sức làm việc của doanh
nhân. Kết quả nghiên cứu đã cho thấy: lớp doanh nhân trẻ tuối ở Đồng Nai
giàu lòng yêu nước, có ý chí kinh doanh, bước đầu đã được đào tạo về kiến
thức quản lý và khoa học - công nghệ, thực sự là những doanh nhân - trí thức
trẻ tuổi, lực lượng chủ lực của tỉnh trong công cuộc phát triển kinh tế và hội
nhập kinh tế quốc tế ngày nay.
Thứ ba, đa số doanh nhân Đồng Nai rất bản lĩnh, có ý chí lập nghiệp,
làm giàu, dám chấp nhận rủi ro, thách thức.
Trong điều kiện ở nước ta, cơ chế thị trường còn nhiều khiếm khuyết,
hệ thống hỗ trợ doanh nghiệp chưa phát triển, doanh nghiệp dân doanh còn bị
phân biệt đối xử và phải cạnh tranh không cân sức với các DNNN và doanh
nghiệp nước ngoài, nhiều doanh nhân Đồng Nai đã vươn lên và thành công
trong quá trình vật lộn để khởi nghiệp thành công mặc dù vốn liếng ban đầu
tích cóp nhỏ nhoi, từ mô hình kinh tế gia đình, với những kiến thức sơ đẳng
về quản trị doanh nghiệp, về marketing và kinh nghiệm thương trường non
nớt song lại có ý chí làm giàu, dám đối mặt với thách thức, trải qua nhiều năm
tháng bền bỉ lao động cật lực, vượt qua những trận "cuồng phong" trên
thương trường và không ít người đã từng phải nếm chịu những rủi ro, thất bại.
Chính ý chí dám đối đầu, vượt qua thách thức đã tạo nên một đội ngũ doanh
nhân ở Đồng Nai ngày càng lớn mạnh.
Thứ tư, đa số doanh nhân Đồng Nai làm việc rất cần cù, năng động
chịu khó học hỏi và vươn tới cái mới.
Cách làm việc của họ rất năng động, linh hoạt, họ có thể làm nhiều việc
khác nhau ở nhiều nơi, trong nhiều môi trường khác nhau, luôn cố gắng và có
khả năng thích ứng với mọi điều kiện, mọi hoàn cảnh khó khăn. Họ cũng rất

113
chịu khó học tập với ý chí quyết tâm nâng cao trình độ, kỹ năng quản lý, kinh
doanh và có khả năng tiếp thu tốt.
Thứ năm, đại bộ phận doanh nhân Đồng Nai là những người sống
nhân bản, có ý thức trách nhiệm cao với cộng đồng.
Đa số doanh nhân Đồng Nai có ý thức trách nhiệm cao đối với doanh
nghiệp, với những người cùng làm việc với mình, họ nhận thức rõ những
quyết định của họ không chỉ ảnh hưởng đến bản thân, mà còn ảnh hưởng lớn
đến cuộc sống của hàng ngàn người lao động làm việc trong doanh nghiệp
cũng như của gia đình họ. Do đó, phần lớn doanh nhân Đồng Nai đối xử tốt,
chia sẻ lợi ích với người lao động và hầu như trong các doanh nghiệp do
doanh nhân Đồng Nai làm chủ rất ít khi xảy ra tranh chấp. Đa số doanh nhân
Đồng Nai cũng có ý thức tốt với cộng đồng xã hội, thường xuyên đóng góp,
tham gia các hoạt động nghĩa cử, từ thiện.
Thứ sáu, đa số doanh nhân Đồng Nai là những người sống có văn hoá,
giữ gìn những truyền thống, giá trị tốt đẹp của gia đình, xã hội và dân tộc.
Đa số doanh nhân Đồng Nai là những người có nếp sống lành mạnh,
trung thực; gắn bó và có trách nhiệm cao với gia đình, cha mẹ, coi trọng quan
hệ bạn bè, họ hàng, chăm lo đóng góp xây dựng quê hương; có lòng tự trọng,
chú ý giữ gìn danh tiếng của gia đình, thanh danh của doanh nhân. Trong
quan hệ kinh doanh quốc tế, họ có ý thức tự tôn dân tộc, cố gắng để làm rạng
danh non sông đất nước. Các doanh nhân Đồng Nai cũng rất coi trọng học
vấn, quan tâm đầu tư cho giáo dục, đào tạo để nâng cao trình độ, mở rộng
kiến thức cho bản thân, con cái cũng như những người cộng sự. Họ biết quý
trọng hiền tài, đạo đức, ghét những thói hư tật xấu trong kinh doanh cũng như
trong xã hội và cuộc sống đời thường.
2.3.2. Những hạn chế
Bên cạnh những mặt mạnh nói trên, đội ngũ doanh nhân Đồng Nai
cũng có một số hạn chế sau đây:
Thứ nhất, điểm yếu nhất của nhiều doanh nhân Đồng Nai hiện nay là
thiếu một tri thức toàn diện, kinh nghiệm thương trường chưa nhiều, kỹ năng
quản trị kinh doanh còn yếu, còn thiếu hiểu biết về luật pháp, đặc biệt là luật
pháp quốc tế...
Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến cung cách làm ăn, chiến lược kinh
doanh, tác phong cũng như khả năng tiếp cận khoa học - công nghệ tiên tiến
của mỗi doanh nghiệp. Một số doanh nhân Đồng Nai có trình độ học vấn hạn
chế, kỹ năng kinh doanh thấp. Đó là lỗ hổng rất lớn, hạn chế khả năng và tầm

114
nhìn của doanh nhân Đồng Nai trong thế giới kinh doanh hiện đại ngày nay,
và do đó giảm hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Với trình độ thấp, các
chủ doanh nghiệp – các doanh nhân sẽ gặp khó khăn và cần nhiều thời gian để
tiếp cận và hiểu được các công cụ quản lý hiện đại.
Thiếu đội ngũ doanh nhân giỏi cũng là trở ngại không nhỏ cho tỉnh
Đồng Nai cũng như cả nước trên con đường phát triển trong bối cảnh hội
nhập ngày càng sâu, rộng vào nền kinh tế thế giới, nhất là khu vực phát triển
cao.
Thứ hai, một bộ phận doanh nhân Đồng Nai chưa có tinh thần doanh
nghiệp cao; bên cạnh đó, vẫn còn một bộ phận doanh nhân thuộc khu vực tư
nhân chưa thực sự tin tưởng vào chính sách lâu dài của Nhà nước đối với khu
vực kinh tế này.
Một bộ phận doanh nhân Đồng Nai chưa có tinh thần doanh nghiệp
cao, còn mang tâm lý ỷ lại, trông chờ ở sự bảo hộ của Nhà nước, sự hỗ trợ của
các nguồn lực bên ngoài doanh nghiệp. Đặc biệt, trong đội ngũ doanh nhân
Đồng Nai vẫn còn một bộ phận doanh nhân thuộc khu vực tư nhân chưa thực
sự tin tưởng vào chính sách lâu dài của Nhà nước đối với khu vực kinh tế này
nên chưa yên tâm, thiếu quyết chí vươn lên, chưa mạnh dạn đầu tư, mở mang
sự nghiệp kinh doanh.
Ngày nay, trong thời đại toàn cầu hoá, cạnh tranh thị trường ngày càng
gay gắt và với sự phát triển như vũ bão của khoa học, công nghệ và thị trường
thế giới, sự do dự, chậm thễ, thụ động, thiếu tinh thần quyết đấu của doanh
nhân sẽ làm gia tăng nguy cơ mất thị trường, lỡ thời vận phát triển, là một
trong những nguyên nhân quan trọng đẩy nền kinh tế của tỉnh cũng như cả
nước tụt hậu xa hơn so với các nước khác trong khu vực và trên thế giới.
Ba là, doanh nhân Đồng Nai còn thiếu tầm nhìn chiến lược và thiếu
tính cộng đồng.
Doanh nhân Đồng Nai cũng như doanh nhân Việt Nam nói chung thiếu
nghiên cứu sâu về thị trường, tầm nhìn không dài hạn, chưa chú trọng đào tạo
lao động tay nghề cao... Thêm vào đó, doanh nhân Đồng Nai thường hay thay
đổi mục tiêu. Trong khi doanh nhân ở các nước trên thế giới thường dành
khoảng 90% thời gian để nghiên cứu thị trường, khoa học - công nghệ, phát
triển thương hiệu, khoảng 10% thời gian cho việc điều chỉnh mục tiêu thì
doanh nhân Đồng Nai "vừa làm, vừa chạy", khiến mục tiêu thay đổi khá
nhiều. Bên cạnh đó, tinh thần tôn trọng cam kết của doanh nhân Đồng Nai
còn yếu, thường phá vỡ cam kết mỗi khi lợi nhuận biến đổi, làm nản lòng các

115
đối tác kinh doanh, nhất là đối tác quốc tế. Nói cách khác, đó là tâm lý “ăn
xổi ở thì”, thường nhìn thấy cái lợi trước mắt thay vì tập trung đầu tư cho
những chiến lược kinh doanh lâu dài. Trong điều kiện đó, cùng với tình trạng
thiếu tri thức toàn diện, kinh nghiệm thương trường chưa nhiều, kỹ năng quản
trị kinh doanh còn yếu, lại thiếu hiểu biết về luật pháp, đặc biệt là luật pháp
quốc tế..., doanh nhân Đồng Nai sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc chèo lái
doanh nghiệp trong bối cảnh nước ta hội nhập ngày càng sâu, rộng vào nền
kinh tế thế giới khi đại bộ phận các doanh nghiệp mà họ điều hành có quy mô
nhỏ và vừa, trình độ công nghệ thấp...
Ngoài ra, sự liên kết, hợp tác của các doanh nhân Đồng Nai cũng như
doanh nhân Việt Nam nói chung về cơ bản vẫn ở trạng thái manh mún, chưa
có chiến lược cụ thể, hoạt động theo kiểu "mạnh ai nấy làm", lợi ích của
doanh nghiệp, doanh nhân này chưa được gắn kết chặt chẽ với lợi ích của
doanh nghiệp, doanh nhân kia, do đó chưa tạo được sự đồng thuận, chia sẻ
trên thương trường cũng như chưa tạo nên sức mạnh tổng hợp. Tình trạng
"đơn thương độc mã", ít chịu liên kết với nhau sẽ làm cho doanh nhân Đồng
Nai gặp nhiều bất lợi ngay trên thị trường nội địa khi tại thị trường này, các
doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài, các công ty liên doanh, các tập
đoàn lớn trên thế giới đã và đang tận dụng tối đa việc liên kết với nhau và liên
kết với các doanh nghiệp của Việt Nam, lợi dụng thương hiệu và hình ảnh của
doanh nghiệp Việt Nam để chiếm lĩnh thị phần ngay trên "sân nhà" của chính
các doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam.
Bốn là, vẫn còn một bộ phận doanh nhân thiếu trách nhiệm, thiếu đạo
đức, văn hoá trong kinh doanh và trong cuộc sống.
Đại bộ phận doanh nhân Đồng Nai là những người sống có văn hoá,
giữ gìn những truyền thống, giá trị tốt đẹp của gia đình, xã hội và dân tộc.
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một bộ phận doanh nhân thiếu trách nhiệm,
thiếu đạo đức, thiếu văn hóa trong kinh doanh và trong cuộc sống nên có
những hành vi xấu làm phương hại đến lợi ích của doanh nghiệp, của xã hội
và của cộng đồng doanh nghiệp...
Năm là, trình độ doanh nhân thấp, trong khi phải quản lý những doanh
nghiệp có tiềm lực còn thấp về vốn, về nguồn nhân lực, về khả năng tiếp cận
tài chính, trong một môi trường kinh doanh ngày càng cạnh tranh khốc liệt.
2.3.3 Nguyên nhân
Mặt tích cực

116
Thứ nhất, đội ngũ doanh nhân Đồng Nai, trước hết là cộng đồng người
Việt Nam vẫn có truyền thống nhân bản tốt đẹp, cần cù, do đó giữ được bản
chất dân tộc trong lĩnh vực kinh doanh trên thương trường dù có cạnh tranh
gay gắt.
Thứ hai, phát triển khá nhanh về số lượng nhờ đường lối đổi mới, phát
triển kinh tế thị trường, mở nhiều cơ hội cho sự phát triển doanh nghiệp,
doanh nhân, nhất là ở một tỉnh năng động như Đồng Nai.
Thứ ba, đội ngũ doanh nhân Đồng Nai có sự năng động thích ứng
nhanh, nhất là đội ngũ chủ doanh nghiệp người Việt Nam không thuộc khối
doanh nghiệp nhà nước. Điều này thể hiện ở chỗ: cùng quy định chung và
điều kiện tương tự, số doanh nghiệp và doanh nhân Đồng Nai có sự tăng
trường hơn các vùng, tỉnh trong khu vực.
Thứ tư, vị trí địa lý, điều kiện kinh tế - xã hội Đồng Nai là một trong
những xúc tác thúc đẩy sự phát triển nhanh các doanh nghiệp và doanh nhân.
Mặt hạn chế
Thứ nhất là quy mô vốn, quy mô lao động của phần lớn doanh nghiệp
của Đồng Nai là quá nhỏ, các doanh nhân buộc phải thu hồi vốn nhanh nên
thường chạy theo các quyết định mang tính lợi ích nhất thời mà chưa tính đến
định hướng phát triển lâu dài. Do quy mô, tiềm lực của phần lớn doanh
nghiệp, doanh nhân Đồng Nai còn nhỏ bé nên không đủ năng lực tài chính để
sử dụng các dịch vụ tư vấn tài chính chuyên nghiệp.
Trong khi đó, nhiều doanh nhân tự bằng lòng, ỷ lại nên thiếu ý thức
liên tục bổ sung kiến thức, liên tục học hỏi để có những kiến thức kinh doanh,
quản trị, kiến thức về luật pháp. Do vậy, với tốc độ hội nhập kinh tế quốc tế
hiện nay, các doanh nhân – doanh nghiệp đó ngày càng tụt lùi, không phát
triển được.
Thứ hai, những tính cách, quan niệm ứng xử chưa phù hợp của một số
doanh nhân trong kinh doanh nói riêng và cuộc sống nói chung chưa được
nhìn nhận và sửa đổi một cách tích cực từ đó dẫn đến những hạn chế cho phát
triển doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân.
Cạnh tranh không lành mạnh, thiếu tính liên kết trong khi các doanh
nghiệp phần lớn là quy mô nhỏ, từ đó làm giảm tính cạnh tranh của các doanh
nghiệp Việt Nam và uy tín đội ngũ doanh nhân nước ta nói chung, ở Đồng
Nai nói riêng.
Thứ ba, mặc dù số lượng doanh nghiệp ngoài nhà nước chiếm đa số,
đóng góp rất lớn vào nền kinh tế tỉnh Đồng Nai song vẫn có sự phân biệt đối

117
xử giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân trong các thủ tục
hành chính, trong tiếp cận nguồn vốn, thủ tục đất đai, ... Điều này gây khó
khăn cho sự phát triển của doanh nghiệp trên địa bàn.
Thứ tư, nguyên nhân cơ bản của hạn chế trong trình độ doanh nhân là
hệ thống giáo dục – đào tạo ở nước ta nói chung, ở Đồng Nai nói riêng chưa
phát triển ngang tầm thời đại, trong kinh doanh thiếu những doanh nhân lớn,
có trình độ chuyên môn sâu, rộng, có khả năng cạnh tranh. Bên cạnh đó, hệ
thống pháp luật kinh doanh nước ta đã được thiết lập nhưng chưa hoàn thiện
để có thể điều chỉnh và hỗ trợ một cách tích cực việc hình thành thói quen
kinh doanh hiện đại nói chung, trên mỗi địa bàn tỉnh, thành cụ thể nói riêng.

118
Chương 3
ĐỊNH HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN
ĐỘI NGŨ DOANH NHÂN Ở ĐỒNG NAI TRONG NHỮNG NĂM TỚI

3.1. DỰ BÁO NHỮNG CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC ĐỐI VỚI DOANH


NGHIỆP VÀ DOANH NHÂN ĐỒNG NAI TRONG BỐI CẢNH VIỆT
NAM ĐẨY MẠNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ THỊ TRƯỜNG VÀ HỘI
NHẬP KINH TẾ QUỐC TẾ

3.1.1. Những thời cơ dành cho đội ngũ doanh nhân Đồng Nai
3.1.1.1 Thời cơ đến từ trong nước
Thứ nhất, Đảng và Nhà nước ta đã khẳng định về mặt chính trị và pháp
lý cũng như các chương trình hỗ trợ đối với doanh nghiệp nói chung, doanh
nhân nói riêng bằng những nghị quyết, các bộ luật có liên quan, các nghị định
của Chính phủ, các quyết định, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ. Trong các
chủ trương chính sách đó, có thể nói việc hình thành Luật Doanh nghiệp là
yếu tố quan trọng nhất để phát triển đội ngũ doanh nhân và thành lập các
doanh nghiệp ở nước ta. Kể từ khi có hiệu lực, bộ Luật này đã phát huy hiệu
quả một cách nhanh chóng và được đội ngũ doanh nhân và các nhà đầu tư đón
nhận một cách hồ hởi. Điều này đã khẳng định rằng, khi chính sách của Nhà
nước ban hành phù hợp xu thế phát triển của xã hội, phù hợp với yêu cầu của
các nhà đầu tư, của cộng đồng doanh nhân thì nó sẽ phát huy tác dụng một
cách mạnh mẽ trong việc huy động mọi nguồn lực trong xã hội, phát huy sáng
kiến và trí tuệ của nhân dân cho việc phát triển kinh tế.
Thứ hai, Nhà nước đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách và giải pháp
lớn, phù hợp nhằm phát huy đến mức cao nhất hiệu quả hoạt động sản xuất
kinh doanh, sức cạnh tranh cũng như tiềm năng của đội ngũ doanh nhân. Có
thể thấy rõ môi trường kinh doanh đang dần được cải thiện và ngày càng
chuyển động tích cực, một số yếu tố quan trọng liên quan đến sự tồn tại và
phát triển của doanh nghiệp như nguồn vốn, thuế, đất đai, nguồn nhân lực…
đã nhận được sự quan tâm hỗ trợ từ phía Nhà nước. Thực tế cho thấy rằng,
việc các doanh nghiệp nói chung và doanh nhân nói riêng ngày càng phát
triển, hoạt động kinh doanh có hiệu quả thì ngoài sự phát huy nội lực, chủ

119
động và tự tin đi lên của từng doanh nhân là sự ra đời tương đối kịp thời các
cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển của Nhà nước. Điều này có thể khẳng
định sự lớn mạnh của doanh nhân là do có sự quản lý vĩ mô nền kinh tế một
cách đúng đắn, đồng bộ, chặt chẽ và phù hợp.
Thứ ba, Đồng Nai nằm trong địa bàn kinh tế trọng điểm phía Nam là
trọng điểm đầu tư của Chính phủ. Trung tâm của Đồng Nai là Thành phố
Biên Hoà, cách TP. Hồ Chí Minh 30 km về phía Tây - một trung tâm kinh tế,
khoa học kỹ thuật, văn hoá giáo dục lớn nhất cả nước. Với dân số trên 5 triệu
người của TP.Hồ Chí Minh có thu nhập bình quân cao nhất nước cùng với
dân số trên 2,2 triệu người của Đồng Nai là thị trường tiêu thụ rộng lớn và
nguồn cung cấp lao động có chất lượng cao, dồi dào cho các doanh nghiệp
trên địa bàn. Đồng Nai có hệ thống giao thông rất thuận tiện cho việc đi lại,
với các quốc lộ 1, 51, 20 có tổng chiều dài 244,5 km đã và đang được mở
rộng nâng cấp theo tiêu chuẩn đường cấp I, II đồng bằng (Quốc lộ 1, 51), cấp
III đồng bằng (Quốc lộ 20) có nhiều tuyến đường liên tỉnh, tuyến đường sắt
Bắc - Nam và hệ thống các cảng ở Đồng Nai cùng với cảng ở TP. Hồ Chí
Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu và sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất....đáp ứng tốt cho
nhu cầu giao thương của doanh nghiệp trên địa bàn.
Thứ tư, tình hình an ninh, chính trị của Đồng Nai nói riêng và cả nước
nói chung ổn định. Quốc phòng - an ninh được bảo đảm vững chắc, trật tự an
toàn xã hội được tăng cường. Trong quá trình phát triển kinh tế, Đồng Nai đã
luôn thể hiện sự năng động, sáng tạo, tận dụng được những lợi thế so sánh của
vùng và của tỉnh về vị trí địa lý, hệ thống giao thông, nguồn tài nguyên đất
thuận lợi cho việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Theo kết quả Báo cáo PCI năm
2008, Đồng Nai là 1 trong 6 tỉnh có cơ sở hạ tầng tốt nhất; là tỉnh có nhiều
khu công nghiệp nhất (29 khu); là 1 trong 4 tỉnh có chính sách phát triển khu
công nghiệp tốt nhất. Nhờ đó, tỉnh đã đạt được những thành tích đáng kể
trong phát triển kinh tế và là một trong những địa phương đi đầu trong cả
nước về tốc độ tăng trưởng. Hầu hết các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của Đồng
Nai đều cao hơn mức trung bình cao của cả nước, sánh ngang với những địa
phương có tốc độ tăng trưởng cao và nhiều thuận lợi hơn như Hà Nội và
thành phố Hồ Chí Minh. Năm 2008, GDP bình quân đầu người đạt mức cao
hơn gấp 1,3 lần so với bình quân chung của cả nước. Cơ cấu kinh tế chuyển
dịch mạnh theo hướng công nghiệp hoá, lĩnh vực dịch vụ phát triển khá nhanh

120
so với các năm trước, nông nghiệp tiếp tục phát triển theo mục tiêu đề ra.
Lĩnh vực phát triển xã hội có nhiều chuyển biến, đời sống vật chất và tinh
thần của nhân dân được nâng lên cơ bản. Kết cấu hạ tầng được nâng cấp và
mở rộng từng bước đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội, trong đó
có quan tâm đến kết cấu hạ tầng nông thôn.
Thứ năm, cải cách hành chính bước đầu thu được kết quả tích cực, vai
trò quản lý Nhà nước được củng cố và ngày càng phát huy hiệu quả trên các
lĩnh vực kinh tế, xã hội. Môi trường kinh doanh tích cực được cải thiện và
điều hành linh hoạt nhờ đó tiềm năng, thế mạnh về vị trí, đất đai và lao động
được khai thác có hiệu quả; thu hút đầu tư tăng cao. Lĩnh vực nông nghiệp,
nông thôn được sự quan tâm chỉ đạo của Đảng bộ tỉnh, đến nay đã được thủ
tướng Chính phủ cho phép thành lập khu công nông nghiệp và khu nông
nghiệp ứng dụng kỹ thuật cao. Tỉnh cũng đang triển khai lập hồ sơ khu ứng
dụng công nghệ sinh học. Công tác cải cách hành chính cũng đạt được những
kết quả đáng kể góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước. Vai trò quản
lý Nhà nước được củng cố và ngày càng phát huy hiệu quả trên các lĩnh vực
kinh tế, xã hội. Đặc biệt, Đồng Nai đã thực hiện cải cách hành chính theo cơ
chế “một cửa”, “một cửa liên thông” và thực hiện ISO trong các cơ quan hành
chính sự nghiệp.
Thứ sáu, với hàng loạt các biện pháp cải cách được Đồng Nai triển
khai, môi trường kinh doanh trên địa bàn trong những năm gần đây đã có
nhiều cải thiện quan trọng theo hướng mở rộng quyền tự do kinh doanh của
người dân trên nguyên tắc doanh nghiệp và người dân được tự do kinh doanh
tất cả những lĩnh vực mà luật pháp không cấm, khuyến khích người dân làm
ăn, kinh doanh làm giàu cho mình, cho Tỉnh và cho đất nước, khuyến khích
mọi doanh nghiệp tham gia các ngành có sản phẩm xuất khẩu, chú trọng hỗ
trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa... Theo kết quả xếp hạng năng lực cạnh tranh
cấp tỉnh năm 2008, Đồng Nai có nhiều chỉ số được xếp cao. Chẳng hạn như:
Tính minh bạch đứng thứ 16/64; Chi phí thời gian để thực hiện các quy định
của Nhà nước đứng thứ 4/64; Chi phí không chính thức đứng thứ 8/64; Tính
năng động và tiên phong của chính quyền tỉnh đứng thứ 28/64; Chính sách

121
phát triển khu vực kinh tế tư nhân đứng thứ 10/64; Đào tạo lao động đứng thứ
9/6410.
Chính trong môi trường đó, doanh nhân đã nhanh chóng phát triển cả
về số lượng và chất lượng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế và phát
triển xã hội của Đồng Nai trên các mặt: tạo công ăn việc làm, tăng vốn đầu tư
phát triển, mở rộng xuất khẩu, thúc đẩy tăng trưởng các ngành kinh tế công
nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, thúc đẩy phát triển các thị trường, đổi mới kinh
tế và hành chính... Như vậy, ngoài chính sách chung của Nhà nước, thì sự tác
động của các cấp chính quyền địa phương Đồng Nai đã góp phần hỗ trợ, thúc
đẩy các doanh nhân phát triển, đóng góp quan trọng vào việc phát triển kinh
tế - xã hội của tỉnh. Điều này khẳng định rằng, để doanh nhân phát triển thì
ngoài cơ chế chính sách vĩ mô hợp lý cũng cần phải có sự quan tâm của các
cấp chính quyền địa phương, các tổ chức cùng với nỗ lực tự thân thì doanh
nhân mới tồn tại và ngày càng phát triển vững chắc.
Kết quả khảo sát do nhóm tác giả thực hiện đề tài cũng cho thấy, nhìn
chung các doanh nghiệp Việt Nam đang được Đảng và Nhà nước ta tạo mọi
điều kiện để phát triển. Các chính sách của Đảng và Nhà nước ta nhằm phát
triển Doanh nghiệp là rất nhiều, phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam hiện
nay đang có được sự quan tâm và ưu tiên của Đảng và Nhà nước. Đặc biệt ở
đội ngũ Doanh nhân Việt Nam, nhà nước và nhân dân ta không còn quan
niệm họ là những “con buôn” hay coi họ là “con phe” nữa. Trong các thuận
lợi người trả lời đánh giá chủ yếu tập trung ở các nội dung như: Thuận lợi
được nhiều người đánh giá nhất là: Pháp luật hiện hành, có 17,3% người trả
lời thừa nhận; Thuận lợi thứ hai là: Cơ chế, chính sách của Đảng và Nhà
nước hiện nay đối với DN có 14,9% người trả lời cho rằng các Doanh nghiệp
Việt Nam đang có được thuận lời này; Thuận lợi thứ ba là: Chính sách của
địa phương nơi doanh nghiệp đóng, có 13,2% ý kiến đồng ý.
3.1.1.2 Thời cơ đến từ quá trình hội nhập
Thứ nhất, sau 2 năm Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Tổ
chức Thương mại Thế giới (WTO) tạo điều kiện thuận lợi cho Đồng Nai mở
rộng thị trường xuất khẩu, nhiều mặt hàng xuất khẩu của tỉnh đã thâm nhập
vào thị trường lớn như Châu Âu (chiếm khoảng 75%), Châu Mỹ (khoảng

10
VNCI (2008), Dữ liệu chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2008 của Việt Nam, Hà Nội.

122
20%) còn lại là Châu Á và Châu Phi. Thị trường các nước mở rộng dần cho
các sản phẩm của Đồng Nai, tạo cơ hội cho doanh nghiệp trên địa bàn phát
triển sản xuất, kinh doanh các sản phẩm của mình trên các thị trường khu vực
và quốc tế. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh thị trường trong nước
còn hạn hẹp do tình trạng nước nghèo, mức thu nhập và khả năng tiêu dùng
còn thấp, các doanh nghiệp rất thiếu thị trường "đầu ra". Các quan hệ thương
mại và đầu tư rộng mở cũng tạo cho doanh nhân trên địa bàn cơ hội có các
đối tác làm ăn, cơ hội học hỏi kinh nghiệm quản lý, tiếp thu công nghệ, đào
tạo nguồn nhân lực cho mình và trưởng thành dần qua hợp tác và cạnh tranh.
Khi nước ta tham gia WTO, các cơ hội này lại càng mở rộng, những rào cản
dần được dỡ bỏ, các doanh nhân sẽ có vị trí bình đẳng, không bị phân biệt đối
xử trên thị trường các nước. Họ sẽ có quyền không chỉ xuất nhập khẩu, tiếp
nhận đầu tư, mà còn mở rộng nhiều phương thức hợp tác khác và đầu tư ra
các thị trường nước ngoài, khai thác tối đa những lợi thế cạnh tranh của mình
và tận dụng sự phân công lao động quốc tế, tham gia mạng lưới kinh doanh và
chuỗi giá trị toàn cầu theo cách có lợi nhất cho mình. Tham gia WTO cũng
thúc đẩy Đồng Nai cải thiện mạnh mẽ môi trường pháp lý, chính sách cho
kinh doanh, tạo thuận lợi cho cạnh tranh và phát triển của mọi doanh nghiệp.
Thứ hai, hội nhập quốc tế tạo cơ hội cho đội ngũ doanh nhân Đồng Nai
mở rộng quan hệ làm ăn, chấp nhận cạnh tranh, nâng cao chất lượng quản lý
và sản xuất, tiếp thu khoa học công nghệ mới, nâng cao hiệu quả hoạt động.
Hội nhập kinh tế quốc tế góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh và tính hiệu
quả trong nền kinh tế, đồng thời tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng cho
các doanh nhân ở nước ta. Hội nhập kinh tế quốc tế sẽ tạo cơ hội lớn cho các
doanh nhân Đồng Nai tiếp cận thị trường toàn cầu với hơn 6 tỷ dân thay vì
một thị trường hơn 80 triệu dân. Hội nhập kinh tế quốc tế cho phép các doanh
nhân có khả năng thâm nhập nhanh hơn vào thị trường thế giới, tạo ra một thị
trường rộng lớn cho các doanh nhân phát triển. Trên một thị trường mở, nếu
như mảng thị trường lớn dễ thuộc về các doanh nghiệp lớn thì cũng luôn tồn
tại cùng lúc những đoạn thị trường ngách của những nhóm khách hàng nhỏ
hình thành do sự khác biệt về sức mua, thói quen, tập quán và văn hoá tiêu
dùng, cũng như một loạt các yếu tố khác gắn với đặc trưng nhu cầu của từng
cá nhân khách hàng. Những thị trường ngách này luôn là mục tiêu tìm kiếm

123
và là điểm đến phù hợp với điều kiện của các doanh nhân tại các nước đang
phát triển như Việt Nam nói chung, doanh nhân Đồng Nai nói riêng.
Thứ ba, hội nhập quốc tế không chỉ mở rộng thị trường xuất khẩu mà
còn làm tăng số lượng hàng xuất khẩu ra các nước. Do tham gia các thể chế
kinh tế quốc tế với những cam kết và thoả thuận giữa các bên nên Việt Nam
có thể được hưởng một số ưu đãi, tạo điều kiện cho hàng hoá của doanh
nghiệp có mức giá cạnh tranh được với hàng hoá tương tự của các nước khác.
Vì vậy, có thể khẳng định, đồng thời với việc mở rộng không gian thương
mại, mở rộng thị trường xuất khẩu, mức thuế nhập khẩu thấp cũng sẽ giúp
doanh nhân Đồng Nai có cơ hội thúc đẩy sự thâm nhập hàng hoá của doanh
nghiệp mình vào thị trường các nước trên thế giới. Ngoài ra, doanh nghiệp
Đồng Nai có thể tận dụng cơ hội từ những quy định của WTO về ưu đãi cho
các nước đang phát triển để tăng lượng xuất khẩu, chẳng hạn, các mặt hàng sơ
chế khi xuất khẩu sang các nước phát triển sẽ được hưởng mức thuế đánh vào
hàng nhập khẩu thấp, hoặc không có thuế, hoặc hưởng chế độ của hệ thống ưu
đãi thuế quan phổ cập (GSP)... Khi tham gia WTO, doanh nghiệp Đồng Nai
cũng được hưởng lợi từ quy chế miễn trừ quy định cấm trợ cấp xuất khẩu đối
với các nước đang phát triển có thu nhập dưới 1.000 USD/người/năm.
Thứ tư, trong quá trình hội nhập đội ngũ doanh nhân Đồng Nai còn có
khả năng tiếp cận, học tập những kinh nghiệm và kỹ năng quản lý tiên tiến
của thế giới. Thông qua quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, các doanh nghiệp
có thể tiếp cận nhanh chóng công nghệ, kỹ thuật tiên tiến hiện đại thông qua
con đường chuyển giao công nghệ, rút ngắn những bước tìm kiếm, giảm chi
phí trong công tác nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng,... thông qua
nhiều con đường như liên doanh, liên kết, thu hút vốn đầu tư nước ngoài...,
qua đó giúp nâng cao năng suất lao động, cải tiến chiến lược sản phẩm, bảo
vệ thị trường nội địa và chủ động tham gia thị trường quốc tế.
3.1.2. Những thách thức đối với đội ngũ doanh nhân Đồng Nai
3.1.2.1 Những thách thức từ bên trong
Thứ nhất, cơ chế, chính sách của nhà nước đối với doanh nghiệp nói
chung và doanh nhân nói riêng còn nhiều bất cập. Năng lực của bộ máy quản
lý nhà nước vẫn là khâu yếu, chậm thay đổi, thể hiện trên các mặt như: nhận
thức nói chung chuyển biến không đồng đều giữa Trung ương và địa phương,
giữa các cơ quan cùng cấp có liên quan, và chậm hơn so với những thay đổi

124
của các văn bản quy phạm pháp luật và các chính sách có liên quan đến doanh
nghiệp và doanh nhân. Hệ thống luật pháp và chính sách của nước ta còn
những nhược điểm: thiếu minh bạch, thiếu nhất quán, thiếu ổn định, khó tiên
liệu; tổ chức thực thi lại kém. Hệ thống hành chính còn kém hiệu quả, với tình
trạng can thiệp hành chính vào hoạt động của doanh nghiệp phổ biến và kéo
dài. Sự yếu kém, nhũng nhiễu của không ít công chức đã làm vô hiệu hóa
những chính sách tốt và cam kết cải cách của Nhà nước. Nhiều vướng mắc
của doanh nghiệp trong lĩnh vực thanh tra, kiểm tra, thuế, phí, hải quan, đất
đai... kéo dài đã lâu nhưng rất chậm được giải quyết. Điều này nói lên tính
khoa học, chuyên môn và chuyên nghiệp theo cơ chế thị trường của các cơ
quan quản lý nhà nước còn thấp, dẫn đến việc hỗ trợ và phát triển các doanh
nhân còn nhiều hạn chế. Dù năng động, chính quyền tỉnh Đồng Nai, các
doanh nghiệp, doanh nhân trên địa bàn không thể không chịu tác động, hạn
chế nói trên.
Thứ hai, chi phí kinh doanh còn khá cao so với các nước trong khu vực,
khiến cho doanh nhân khó có thể giảm giá thành để nâng cao năng lực cạnh
tranh. Đồng thời chi phí cao cũng hạn chế khả năng sinh lời, làm giảm động
lực và nguồn lực trong kinh doanh, cản trở nhiều người đi vào hoạt động
thương trường hoặc tích lũy thêm vốn cho đầu tư mới. So với các nước trong
khu vực, chi phí kinh doanh ở nước ta cao về nhiều mặt. Các dịch vụ hạ tầng
như đất đai, nhà xưởng, điện, thông tin liên lạc, giao thông vận tải... đều có
mức giá cao, chất lượng dịch vụ lại thấp, khiến cho chi phí thực tế đối với
doanh nghiệp càng lớn. Chi phí vốn cao về lãi suất, khi tiếp cận lại khó vay
vốn trung hạn, dài hạn nên thêm đắt đỏ cho các doanh nghiệp cần vốn để đầu
tư. Chi phí hành chính, chi cho các dịch vụ cần thiết, nhiều khoản chi không
được tính vào giá thành để trừ thuế... càng làm tăng chi phí thực tế của doanh
nghiệp. Việc gia nhập thị trường tuy đã được cải thiện nhiều nhưng vẫn còn
đòi hỏi doanh nhân khi thành lập doanh nghiệp phải tốn kém nhiều chi phí và
thời gian. Do vậy, vẫn còn có khó khăn cho nhiều người, nhiều vùng khi
muốn lập thêm doanh nghiệp mới. Hiện nay, ngoài khâu đăng ký kinh doanh
là nhanh chóng và ít tốn kém nhất, các doanh nghiệp mới ra đời còn phải qua
3 khâu (khắc dấu, đăng ký mã số thuế, mua hóa đơn) trước khi có thể bắt đầu
hoạt động, với tổng thời gian 50 - 60 ngày và chi phí khoảng 3 - 5 triệu đồng,
tương đương với 49% thu nhập bình quân đầu người trong 1 năm ở nước ta.

125
Ngoài ra, quyền kinh doanh của doanh nhân trong một số lĩnh vực cũng còn
bị hạn chế, hoặc do các quy định về điều kiện kinh doanh hoặc do quy hoạch
ngành, vùng ở một số nơi, hoặc do các rào cản thực tế khác.
Thứ ba, với xu thế phát triển rất nhanh và rất đa dạng, thì hành lang
pháp lý và môi trường kinh doanh như trong thời gian vừa qua chưa đáp ứng
được nhu cầu của doanh nhân trên địa bàn phát triển. Về vấn đề tiếp cận các
nguồn vốn, đây là vấn đề có ý nghĩa quyết định, tuy nhiên các doanh nhân
ngoài quốc doanh còn gặp nhiều khó khăn, nhất là các khoản vay trung và dài
hạn từ các ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng. Các doanh nhân
đang hoạt động kinh doanh có hiệu quả với mong muốn mở rộng sản xuất
kinh doanh đều gặp tình trạng thiếu đất để làm mặt bằng. Việc mua đất đai để
làm mặt bằng thường ngoài khả năng của doanh nhân; việc xin cấp đất hoặc
thuê đất thường bị cản trở do hồ sơ, thủ tục khá phức tạp; còn để vào các khu
cụm công nghiệp do có những quy định riêng mà không phải doanh nhân nào
cũng đáp ứng được, đồng thời cũng không có đủ kinh phí di dời trong điều
kiện hạn hẹp về nguồn vốn.
Bảng 3.1: Kết quả xếp hạng PCI năm 2008 ở Đồng Nai
Stt Tên chỉ số thành phần Đồng Nhỏ Trung Lớn
Nai nhất vị nhất
1 Chi phí gia nhập thị trường 8,18 6,31 8,26 9,36
2 Tiếp cận đất đai 6,45 4,73 6,68 8,05
3 Tính minh bạch và trách nhiệm 6,80 2,99 6,32 7,92
4 Chi phí về thời gian và việc thực hiện
6,27 2,85 5,38 6,52
các quy định của nhà nước
5 Chi phí không chính thức 7,20 5,70 6,65 8,30
6 Ưu đãi đối với doanh nghiệp nhà nước 7,09 5,99 7,53 8,77
7 Tính năng động và tiên phong của lãnh
5,89 2,32 5,57 8,45
đạo tỉnh
8 Chính sách phát triển khu vực kinh tế tư
4,67 1,40 3,35 6,35
nhân
9 Đào tạo lao động 6,02 1,84 4,25 8,40
10 Thiết chế pháp lý 3,81 2,50 4,66 6,70

126
Nguồn: VNCI (2008), Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2008 của Việt Nam
Trong 10 chỉ số thành phần, không có chỉ số nào thuộc loại nhỏ nhất,
cũng như lớn nhất. Tuy vậy, có 6 chỉ số thành phần cao hơn mức trung vị -
Đó là các chỉ số thứ 3,4,5,7,8,9. Còn 4 chỉ số thành phần thấp hơn mức trung
vị - đó là các chỉ số 1,2,6,10. Tóm lại, xếp hạng PCI nói chung thì Đồng Nai
thuộc loại khá, thể hiện sự vươn lên của Đồng Nai trước thách thức chung.
Thứ tư, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh do phòng Thương mại Công
nghiệp Việt Nam công bố năm 2005, Đồng Nai xếp hạng thứ 6, năm 2006 xếp
hạng thứ 5 nhưng đến năm 2007 xuống hạng thứ 16, năm 2008 đứng thứ 1511.
Chỉ số năng lực cạnh tranh của Đồng Nai giảm là do nhiều nguyên nhân.
Trong đó, có những nguyên nhân do hạn chế về chính sách phát triển nhân
lực, cung cấp thông tin chưa kịp thời, công tác giải toả mặt bằng chậm, thời
gian thanh tra kiểm tra kê khai thuế còn kéo dài… Vì thế cần phải tập trung
nâng cao chất lượng công tác quản lý điều hành của địa phương, cần tập trung
cải thiện hơn như là cải cách hành chính, triển khai thực hiện ISO hành chính
công, cung cấp đầy đủ thông tin cho doanh nghiệp, quan tâm giải phóng và
bàn giao mặt bằng đối với các dự án mới, tập trung phát triển nguồn nhân lực
mà đặc biệt là mở rộng dạy nghề cho người lao động.
Biểu đồ 3.1: So sánh chỉ số PCI 2008 của Đồng Nai
với các tỉnh trong vùng

11
VNCI (2006-2008), Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2006-2008 của Việt Nam, Hà Nội.

127
Nguồn: VNCI (2008), Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2008 của Việt Nam
Thứ năm, chuyển dịch cơ cấu sản phẩm trong nội bộ các ngành theo
hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa còn tương đối chậm. Cơ sở hạ tầng vùng
kinh tế trọng điểm phía Nam đang quá tải, chưa theo kịp phát triển kinh tế,
đặc biệt là hệ thống giao thông chưa được đầu tư tương xứng. Theo Báo cáo
PCI năm 2008, tỷ lệ đường rải nhựa ở Bà Rịa Vũng Tàu tương đối cao (83%),
trong khi ở 4 tỉnh hình thành nên vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là Bình
Dương (64%), thành phố Hồ Chí Minh (56%), Đồng Nai (52%), Long An
(29%) lại được xếp ở mức trung bình hoặc thấp hơn. Tỷ lệ đường rải nhựa của
Bà Rịa Vũng Tàu và Đồng Nai tụt giảm trong khi dân số của 2 tỉnh này tăng
trên mức trung bình nên đã góp phần làm cho tình trạng ùn tắc giao thông, tai
nạn giao thông thường xảy ra làm bức xúc xã hội. Tình trạng ô nhiễm môi
trường cũng là những thách thức lớn ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội
và phát triển bền vững của tỉnh, điển hình nhất là vụ Vê Đan. Sự nghiệp phát
triển văn hóa - xã hội đạt nhiều kết quả tiến bộ, song chưa tương xứng với
nhịp độ phát triển kinh tế của Đồng Nai.
Thứ sáu, thách thức từ bản thân đội ngũ doanh nhân trên địa bàn
Đội ngũ doanh nhân Đồng Nai đa phần có trình độ học vấn chưa cao,
còn thiếu kiến thức kinh doanh quốc tế, kỹ năng ngoại ngữ và công nghệ,
chưa chủ động tiếp xúc với thị trường nước ngoài, bên cạnh đó lại chưa chủ
động đổi mới bản thân dẫn đến thiếu tự tin, chậm trễ trong phát hiện và tiếp
cận những cơ hội kinh doanh, hợp tác, tiếp xúc với các doanh nhân, các nền
kinh tế phát triển hơn.
Hơn thế nữa, năng lực cạnh tranh của doanh nhân, doanh nghiệp Đồng
Nai còn yếu. Phần lớn các doanh nghiệp trên địa bàn là các doanh nghiệp có
quy mô vừa và nhỏ, lại tham gia thị trường quốc tế muộn. Những doanh
nghiệp lớn chủ yếu là các doanh nghiệp nhà nước, vốn vẫn quen với sự bảo
hộ của Nhà nước, nay phải dần tập đứng độc lập bằng chính năng lực của
mình. Nguồn vốn của các doanh nghiệp rất hạn chế trong khi phải trải rộng
phạm vi kinh doanh cả trong và ngoài nước nên khó có khả năng đầu tư quy
trình công nghệ hiện đại để tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao, cạnh tranh
được với các sản phẩm ngoại có tiêu chuẩn chất lượng quốc tế. Trình độ quản
lý và kinh nghiệm hoạt động trên thị trường quốc tế của các doanh nhân Đồng
Nai còn yếu. Chính vì vậy các doanh nhân đang đứng trước nguy cơ không

128
theo kịp yêu cầu cạnh tranh trong bối cảnh mở cửa thị trường, hội nhập vào
nền kinh tế thế giới. Quy mô nhỏ, nguồn vốn hạn chế, trình độ quản lý còn
yếu đồng thời là những yếu tố gây khó khăn cho việc tập hợp và duy trì đội
ngũ nhân lực của doanh nghiệp có chất lượng nhằm thực hiện chiến lược phát
triển kinh doanh lâu dài của các doanh nhân Đồng Nai.
Mặt khác, doanh nhân Đồng Nai lại thiếu các nguồn lực cần thiết cũng
như thiếu sự liên kết để nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển doanh
nghiệp. Các doanh nhân trên địa bàn, nhất là doanh nhân thuộc khu vực kinh
tế ngoài nhà nước nhìn chung đều thiếu những nguồn lực cơ bản cần thiết cho
doanh nghiệp của họ như: nguồn vốn, đất đai, công nghệ, kỹ năng quản lý,
nhân lực có chất lượng, thị trường, thông tin... và cả mối quan hệ với các đối
tác quan trọng.
Trong số các doanh nghiệp của Đồng Nai có tới 95% thuộc quy mô nhỏ
và vừa (theo tiêu chí hiện nay: có dưới 300 lao động và/hoặc dưới 10 tỉ đồng
vốn), trong đó khoảng 50% thuộc quy mô nhỏ hoặc cực nhỏ (dưới 100 lao
động và/hoặc dưới 5 tỉ đồng vốn). Cái yếu của doanh nghiệp Đồng Nai thể
hiện rõ nhất ở năng suất lao động, hiệu quả kinh doanh và năng lực cạnh tranh
nhìn chung còn thấp so với các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) và
doanh nghiệp các nước xung quanh. Do đó, doanh nhân vừa rất khó đương
đầu với cạnh tranh ngày càng khốc liệt trên thị trường trong nước và quốc tế,
vừa dễ bị tổn thương trước những biến động thị trường. Phần lớn đội ngũ
doanh nhân ở Đồng Nai ra đời sau khi Luật Doanh nghiệp 1999 được thi
hành, nên họ còn rất thiếu kinh nghiệm thương trường, chưa đủ thời gian để
trưởng thành, trong khi đã phải đối phó với áp lực cạnh tranh ngày càng
mạnh.
Bản thân doanh nhân Đồng Nai không thể có đủ nguồn lực để phát
triển doanh nghiệp, lại gặp khó khăn rất lớn trong việc tiếp cận với các nguồn
lực có sẵn ở bên ngoài doanh nghiệp, kể cả những nguồn đã được Nhà nước
cam kết hỗ trợ, ưu đãi hoặc giành quyền bình đẳng khi tiếp cận. Tình trạng
thiếu nguồn lực bị kéo dài đã hạn chế rất lớn sự phát triển của doanh nhân.
Cho đến nay, số doanh nhân trưởng thành, đạt quy mô kinh tế hiệu quả còn
chiếm tỷ lệ thấp. Ngay trong số doanh nhân đã trưởng thành cũng còn không
ít người đang lúng túng về chiến lược và nguồn lực để tiếp tục phát triển trong
thời gian tới.

129
Bên cạnh đó, doanh nhân trên địa bàn chưa thiết lập được sự liên kết
giữa các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế với nhau trong từng
ngành, giữa các ngành liên quan, hoặc trong từng vùng để tạo thế mạnh của
tính hệ thống và hiệu quả của sự phối hợp. Từng doanh nhân mới chỉ dựa vào
sức mình là chính, chưa khai thác, sử dụng được sức mạnh của sự liên kết vốn
rất cần thiết, nhất là đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Thực tế đây cũng là
vấn đề chung của các doanh nhân ở nước ta, với những mạng lưới kinh doanh
chưa được hình thành đầy đủ, thiếu những doanh nghiệp thật mạnh có khả
năng làm trụ cột, đầu đàn tạo sự liên kết, hợp tác vững chắc để nhân thêm sức
mạnh trong cạnh tranh quốc tế.
3.1.2.2 Những thách thức từ bên ngoài
Thứ nhất, nền kinh tế thế giới lại đang đứng trước nhiều khó khăn và
thách thức. Theo các nhà nghiên cứu, đây là cuộc khủng hoảng kinh tế nặng
nhất kể từ sau đại chiến thế giới lần thứ hai. Giới phân tích dự đoán, năm
2009 tăng trưởng kinh tế thế giới giảm xuống còn 0,5%. Hàng loạt ngành sản
xuất kinh doanh bị đình đốn; hoạt động kinh doanh của nhiều tập đoàn kinh tế
hàng đầu bị đình trệ. Sự giảm sút của ngành sản xuất ô tô, sự tụt dốc của thị
trường chứng khoán và thị trường bất động sản diễn ra trầm trọng ở các nước
có nền kinh tế phát triển. Xuất nhập khẩu bị suy giảm nặng nề. Cuộc khủng
khoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu đã có những ảnh hưởng rất lớn
đến nền kinh tế của các nước, trong đó có Việt Nam. Cuối năm 2008, khi lạm
phát từng bước được khống chế, cũng là lúc nền kinh tế xuất hiện dấu hiệu
suy giảm. Nếu như năm 2008 đã đầy khó khăn thách thức, thì năm 2009 còn
được đánh giá là một năm khó khăn hơn nhiều đối với nền kinh tế Việt Nam.
Bởi với tư cách là một nền kinh tế hội nhập, Việt Nam không thể tránh khỏi
những tác động của vòng xoáy suy giảm kinh tế toàn cầu, nhất là khi kinh tế
Việt Nam lại phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu và đầu tư trực tiếp nước
ngoài. Đồng Nai và đội ngũ doanh nhân của tỉnh cũng chịu tác động chung
đó. Thị trường tiêu thụ của Đồng Nai giảm, xuất khẩu giảm, nhiều doanh
nghiệp phải thu hẹp sản xuất. Trong đó, các doanh nghiệp chế biến đồ gỗ xuất
khẩu sang thị trường Mỹ giảm từ 20 đến 40%. Hàng may mặc xuất khẩu sang
EU giảm 15 - 20% và qua Mỹ giảm 20 - 30%. Sản lượng hàng giày da xuất
khẩu, chủ yếu là của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài giảm 15 -
25% và thiết bị điện tử, viễn thông giảm khoảng 40%. Riêng quý I năm 2009,

130
theo ước thống kê của Sở Tài chính Đồng Nai, có hơn 60 doanh nghiệp FDI
tại Đồng Nai chịu ảnh hưởng của khủng hoảng toàn cầu phải thu hẹp sản xuất,
giảm lao động.
Thứ hai, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới suy thoái như hiện nay,
Việt Nam khó có thể tránh khỏi sự tác động của sự suy thoái này. Theo dự
báo của một số tổ chức quốc tế thì tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ
dao động từ 6,5% (mức cao nhất – theo dự báo của Ngân hàng Thế giới) đến
mức 4,1% (mức thấp nhất – theo dự báo của Deutsche Bank). Ở mức trung
bình, theo dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân Hàng Phát triển
châu Á (ADB) thì do suy thoái kinh tế thế giới tốc độ tăng trưởng của Việt
Nam trong năm 2009 sẽ chỉ còn 5%. Tốc độ tăng trưởng GDP ở mức 5% ở
các nước khác thì có thể không bị coi là thấp, nhưng với Việt Nam, một nền
kinh tế có tiềm năng tăng trưởng 9-10%, và tốc độ tăng trưởng trung bình
trong thời gian dài là khoảng 7,5-8%, thì việc tốc độ tăng trưởng GDP đạt 5%
trong năm 2009 là rất đáng lo ngại. Trong bối cảnh đó chắc chắn sẽ ảnh
hưởng tới tình hình kinh tế - xã hội Đồng Nai, suy thoái kinh tế sẽ ảnh hưởng
không thuận lợi đến tốc độ tăng trưởng kinh tế, làm gia tăng thất nghiệp, tác
động tiêu cực tới xoá đói giảm nghèo, nhất là đến công tác an sinh xã hội và
đời sống nhân dân cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh
nghiệp trên địa bàn.
Thứ ba, môi trường kinh doanh quốc tế chứa đựng nhiều điều kiện
không thuận lợi cho các nước đang phát triển như nước ta. Sự bất công, bất
bình đẳng không những không giảm mà còn có chiều hướng tăng lên trên
nhiều lĩnh vực. Các nước lớn, các công ty đa quốc gia nắm quyền chi phối thị
trường đã luôn tìm cách lái thị trường thế giới theo hướng có lợi cho họ.
Trong khi các nước đang phát triển luôn luôn gặp sức ép đòi phải mở cửa thị
trường, thì trong thực tế các rào cản thuế và phi thuế, các hàng rào kỹ thuật lại
ngày càng được các nước phát triển dựng lên nhiều hơn, gây trở ngại cho xuất
khẩu của các nước đang phát triển. Doanh nhân nước ta thậm chí còn phải
chịu sự phân biệt đối xử từ những thủ tục như chứng minh năng lực sản xuất,
kiểm tra tại doanh nghiệp... do một số nước bạn hàng tạo thêm. Trong điều
kiện như vậy, khoảng cách với bạn hàng, sự hạn chế của doanh nhân do thiếu
thông tin, hiểu biết, kinh nghiệm, kỹ năng, phương tiện trong kinh doanh
quốc tế càng đẩy chúng ta vào thế khó khăn hơn. Trong tiến trình hội nhập

131
quốc tế hiện nay, chúng ta còn đang bị sức ép rất lớn về thời gian. Nước ta
cần hội nhập sớm, nhưng doanh nghiệp ta lại có quá ít thời gian để chuẩn bị.
Chúng ta phải chấp nhận cạnh tranh toàn cầu ngay từ bây giờ, trong khi năng
lực cạnh tranh của chúng ta còn thấp và phải mất nhiều thời gian, công sức để
cải thiện. Chúng ta phải cố gắng để theo kịp trình độ phát triển ở một số nước
khác, nhưng do thế giới bên ngoài thay đổi nhanh, nên tốc độ và chất lượng
thay đổi của chúng ta khó theo kịp họ. Dù tốc độ tăng trưởng GDP, tăng
trưởng xuất khẩu của nước ta hiện nay có khá cao, thì với hàm lượng tăng nhỏ
hơn, năng suất lao động thấp hơn nhiều nước khác, trên thực tế chúng ta vẫn
đang tụt lại xa hơn sau họ. Thực tế đó còn khiến chúng ta kém khả năng ứng
phó với các biến động của thị trường và dễ bị tổn thương hơn...
Thứ tư, trong quá trình hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu, Việt Nam
phải tuân thủ các luật chơi chung của kinh tế thế giới đang trong quá trình
toàn cầu hóa, đó là giảm thuế, cắt giảm hàng rào phi thuế quan, bỏ trợ cấp,
mở cửa thị trường dịch vụ… Mục tiêu để vươn ra thị trường toàn cầu đồng
nghĩa nước ta phải mở cửa thị trường cho các nước tham gia. Điều này thực
sự là một thách thức lớn đối với các doanh nhân. Năng lực cạnh tranh của
doanh nhân còn hạn chế ở rất nhiều mặt về năng lực tài chính, nguồn lực lao
động, về khả năng quản lý, trình độ công nghệ, khả năng tiếp cận thị trường,
khả năng truyền thông, phân phối, …. Tình trạng này không chỉ xảy ra với
những doanh nhân ở Đồng Nai mà là tình trạng chung của doanh nhân ở nước
ta đang rơi vào tình trạng lúng túng, khó khăn trước bối cảnh hội nhập khi
phải đối mặt với sự cạnh tranh của các công ty đa quốc gia, công ty xuyên
quốc gia với tiềm lực hùng mạnh về tài chính, công nghệ và năng lực cạnh
tranh cao ngay trên thị trường trong nước.
Thứ năm, sản phẩm của các doanh nghiệp trên địa bàn sẽ phải cạnh
tranh khốc liệt với hàng hóa cùng loại của các nước trong khu vực có cùng
điều kiện như Việt Nam, như đối với hàng dệt may và da giầy của Trung
Quốc, sản phẩm gạo của Thái Lan và Pakixtan, hàng thuỷ sản của Inđônêxia
và Thái Lan… Hàng hóa của những nước này hiện đang có lợi thế hơn hàng
hóa của Việt Nam trên thị trường thế giới nhờ các hàng hóa của họ đã có
thương hiệu, một số hàng hóa có chất lượng tốt hơn, giá thành rẻ hơn và mẫu
mã chủng loại phong phú hơn. Còn hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam phần
lớn là hàng hóa chế biến thô như các sản phẩm nông sản, thuỷ sản... Hàng

132
may mặc xuất khẩu của Việt Nam phần lớn là hàng gia công cho các hãng,
các tập đoàn dệt may của các nước nhập khẩu. Những khó khăn đối với hàng
hóa xuất khẩu của Việt Nam khi tham gia vào thị trường thế giới đòi hỏi các
doanh nhân phải có những chiến lược phát triển kinh doanh, chiếm lĩnh thị
trường và phát triển thương hiệu trong thời gian tới. Hơn thế nữa, những tiến
bộ khoa học kĩ thuật, của khoa học quản lý, của công nghệ thông tin, của
ngành tài chính đang và sẽ đặt ra những sức ép rất lớn lên đội ngũ doanh nhân
còn mỏng và trình độ đào tạo thấp như hiện nay. Thiếu những kiến thức cơ
bản về ngoại ngữ, về khoa học hiện đại, về quản lý đang là điểm yếu cố hữu
khiến cho những sự đe dọa đến từ bên ngoài trở nên lớn hơn bao giờ hết đối
với doanh nhân ở nước ta nói chung và Đồng Nai nói riêng.
Bảng 3.2: Những thuận lợi và khó khăn, thách thức đối với doanh nhân
Thuận Vừa thuận Khó
Stt Nội dung lợi lợi vừa khăn Tổng
khó khăn
1 Cơ chế, chính sách của Đảng và SL 125 575 140 840
Nhà nước Tỷ lệ 14.9% 68.5% 16.7% 100.0%
2 Chính sách của địa phương SL 111 535 194 840
Tỷ lệ 13.2% 63.7% 23.1% 100.0%
3 Pháp luật hiện hành SL 145 544 151 840
Tỷ lệ 17.3% 64.8% 18.0% 100.0%
4 Khả năng huy động vốn SL 92 366 382 840
Tỷ lệ 11.0% 43.6% 45.5% 100.0%
5 Thủ tục thuê, mua đất đai SL 110 346 384 840
Tỷ lệ 13.1% 41.2% 45.7% 100.0%
6 Thị trường mua nguyên liệu SL 112 529 199 840
Tỷ lệ 13.3% 63.0% 23.7% 100.0%
7 Thị trường tiêu thụ sản phẩm SL 81 524 235 840
Tỷ lệ 9.6% 62.4% 28.0% 100.0%
8 Cạnh tranh của các doanh nhân SL 60 524 256 840
trong nước Tỷ lệ 7.1% 62.4% 30.5% 100.0%
9 Cạnh tranh của các doanh nhân SL 29 338 473 840
ngoài nước Tỷ lệ 3.5% 40.2% 56.3% 100.0%
10 Sự hợp tác, liên kết của các SL 63 504 273 840
doanh nhân trong nước Tỷ lệ 7.5% 60.0% 32.5% 100.0%
11 Sự hợp tác, liên kết với các SL 39 418 383 840
doanh nhân ngoài nước. Tỷ lệ 4.6% 49.8% 45.6% 100.0%
12 Việc đảm bảo số lượng nguồn SL 103 417 320 840
nhân lực Tỷ lệ 12.3% 49.6% 38.1% 100.0%
13 Việc đảm bảo chất lượng nguồn SL 52 377 411 840

133
Thuận Vừa thuận Khó
Stt Nội dung lợi lợi vừa khăn Tổng
khó khăn
nhân lực Tỷ lệ 6.2% 44.9% 48.9% 100.0%
14 Việc thu hút người tài SL 107 361 372 840
Tỷ lệ 12.7% 43.0% 44.3% 100.0%

Nguồn: Báo cáo kết quả điều tra do nhóm tác giả đề tài thực hiện
Trong các nội dung và các mặt, các khía cạnh của cùng một nội dung
trên đây, tỉ lệ đánh giá khó khăn luôn cao hơn thuận lợi. Trong đó một số nội
dung có tỷ lệ đánh giá khó khăn cao hơn rất nhiều so với mức độ thuận lợi,
như nội dung thứ 4;5;8;9;10;11;13;14. Nói chung, hệ thống doanh nghiệp
Việt Nam, đội ngũ doanh nhân nước ta cũng như của tỉnh Đồng Nai đang phải
đối đầu với nhiều khó khăn trong quá trình phát triển.
3.2. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN ĐỘI NGŨ DOANH NHÂN ĐỒNG
NAI ĐẾN NĂM 2020
3.2.1. Quan điểm phát triển doanh nhân
Quan điểm của Chính phủ về phát triển doanh nhân nằm trong quan
điểm chung về phát triển kinh tế đất nước: đó là tiếp tục thực hiện chính sách
phát triển kinh tế nhiều thành phần, tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh
nghiệp và công dân đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh. Nhà nước thực hiện
các chính sách khuyến khích phát triển kinh tế tập thể, kinh tế cá thể, tiểu chủ
và tư nhân; hình thành đồng bộ các yếu tố thị trường, tăng cường hiệu lực của
các công cụ, chính sách kinh tế vĩ mô nhằm trợ giúp cho các doanh nghiệp
phát triển. Trong Báo cáo chính trị tại Đại hội Đảng lần thứ X đã xác định:
“Thực hiện Chiến lược quốc gia về phát triển doanh nghiệp, xây dựng một hệ
thống doanh nghiệp Việt Nam có sức cạnh tranh cao, có thương hiệu uy tín”12
và đồng thời chỉ rõ: “Phát huy tính năng động của doanh nghiệp thuộc mọi
thành phần kinh tế trong hội nhập kinh tế quốc tế. Từng doanh nghiệp phải
khẩn trương đổi mới từ tư duy đến phong cách quản lý, đổi mới thiết bị, công
nghệ, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, giảm chi phí để tăng sức cạnh
tranh”13.
Từ tư tưởng chỉ đạo đó, Chính phủ với tư cách cơ quan hành chính nhà
nước cao nhất coi phát triển doanh nghiệp, trong đó có đội ngũ doanh nhân là
một nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội ở nước ta.
12
ĐCSVN (2006), Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ X, tr.84, Nxb CTQG, Hà Nội.
13
(nt), trang 205 - 206

134
Phát triển đội ngũ doanh nhân sẽ góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh
tế xã hội, tạo việc làm, tăng thu nhập và giải quyết vấn đề lao động, phúc lợi
xã hội cho nhân dân, từ đó góp phần vào sự ổn định chính trị xã hội của đất
nước, của từng địa bàn tỉnh, thành phố, trong đó có địa bàn kinh tế trọng điểm
phía Nam và địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Theo đó, quan điểm phát triển đội ngũ doanh nhân Đồng Nai như sau:
- Coi trọng và có chiến lược phát triển đội ngũ doanh nhân của tỉnh.
- Phát triển đội ngũ doanh nhân gắn với phát triển hệ thống doanh nghiệp
đặt trong quan hệ với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, của vùng.
- Từng bước nâng cao và hoàn thiện chất lượng đội ngũ doanh nhân phù
hợp yêu cầu mới.
Quan điểm trên đây làm cơ sở định hướng cho quá trình xây dựng, phát
triển đội ngũ doanh nhân ở Đồng Nai. Quá trình đó cần phải đặt trong mối
quan hệ biện chứng với sự phát triển các nguồn lực khác và mục tiêu phát
triển đội ngũ doanh nhân, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Vì
vậy, Đồng Nai cần phải có chiến lược xây dựng đội ngũ doanh nhân trên địa
bàn có tinh thần yêu nước, có trình độ chuyên môn cao, kinh nghiệm kinh
doanh thành thạo; không ngừng đổi mới sáng tạo, mạnh dạn vận dụng các
thành tựu của khoa học và công nghệ, của khoa học tổ chức và quản lý tiên
tiến để góp phần phát triển kinh tế Đồng Nai tương xứng với vai trò cực tăng
trưởng kinh tế của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Một trong những vai trò quan trọng của các cơ quan chính quyền Đồng
Nai trong thời gian tới là đề ra các chính sách phát triển doanh nhân sao cho
phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh và lộ trình
hội nhập kinh tế quốc tế. Để làm được điều đó, các nhà hoạch định chính sách
cũng cần nhận thức rõ vai trò quan trọng của các doanh nhân đối với phát
triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, từ đó có các chính sách giúp doanh nhân
phát huy các vai trò của mình đóng góp cho tăng trưởng và phát triển kinh tế.
Chính sách khuyến khích phát triển doanh nhân trên địa bàn Đồng Nai
cần phải tạo được môi trường thuận lợi cho các doanh nhân phát triển. Có như
vậy đội ngũ doanh nhân mới thực sự yên tâm đầu tư vốn vào sản xuất, kinh
doanh, đầu tư chiều sâu, đổi mới công nghệ và hoạch định chiến lược phát
triển lâu dài qua đó mới khắc phục được tâm lý làm ăn tạm thời theo kiểu
chụp giật, đánh quả, làm cho nền kinh tế phát triển thiếu cân đối.

135
Các doanh nhân Đồng Nai tuy được đánh giá là có tính năng động
nhưng nhìn chung vẫn còn thiếu kinh nghiệm thương trường, tâm lý làm ăn
nhỏ lẻ còn phổ biến, chưa chú ý nhiều đến chiến lược kinh doanh lâu dài.
Trong bối cảnh đó, nếu Đồng Nai có chính sách khuyến khích phát triển
doanh nhân sẽ tạo điều kiện cho một đội ngũ doanh nhân ra đời, tạo điều kiện
về yếu tố con người cho các giai đoạn phát triển kinh tế tiếp theo. Bên cạnh
đó, phát triển doanh nhân Đồng Nai sẽ khuyến khích và tăng cường cạnh
tranh ngay trên thị trường trong nước, làm cho nền kinh tế của tỉnh năng động
hơn. Điều đó đòi hỏi doanh nhân Đồng Nai phải vươn lên không ngừng bằng
chất lượng và hiệu quả kinh doanh để nâng cao sức cạnh tranh của mình trên
thị trường thế giới.
Phát triển đội ngũ doanh nhân vừa góp phần thu hút thêm lao động,
giảm sức ép về việc làm, tăng thêm thu nhập để cải thiện đời sống cho người
lao động, vừa góp phần sử dụng tốt hơn nguồn lực sẵn có của nền kinh tế là
lao động, tạo tiền đề tích lũy cho các giai đoạn phát triển sau. Ngoài ra, phát
triển doanh nhân tạo ra cơ hội cho các nhà đầu tư tự huy động vốn vào kinh
doanh. Đây cũng là biện pháp góp phần làm tăng tỷ lệ tích lũy của nền kinh tế
để đạt được mục tiêu tăng trưởng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.
Do đó, chiến lược phát triển doanh nhân có thể coi là một bộ phận quan trọng
trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Đồng Nai. Trong thời gian tới,
Đồng Nai cần tập trung phát triển mạnh về số lượng các doanh nhân dựa trên
nền tảng khuyến khích mọi người dân thành lập doanh nghiệp và khuyến
khích các hộ kinh doanh cá thể chuyển sang hoạt động dưới dạng công ty theo
Luật Doanh nghiệp năm 2005. Song song với việc phát triển mạnh về số
lượng là tăng cường hiệu lực của hệ thống luật pháp kinh doanh; xây dựng hệ
thống cơ quan hỗ trợ doanh nhân thông qua việc xã hội hoá hoạt động hỗ trợ
và phát triển doanh nghiệp nhằm giúp các doanh nghiệp nâng cao năng lực
cạnh tranh, đầu tư chiều sâu, kinh doanh lành mạnh, có hiệu quả và minh
bạch hơn.
3.2.2. Phương hướng phát triển doanh nhân
Văn kiện Đại hội Đảng Cộng sản toàn quốc lần thứ X đã chỉ rõ: Đối với
doanh nhân, tạo mọi điều kiện để phát huy tiềm năng và vai trò tích cực trong
phát triển sản xuất kinh doanh. Vì vậy, việc Đồng Nai xây dựng đội ngũ cán
bộ quản lý doanh nghiệp, lực lượng doanh nhân có tinh thần yêu nước, có

136
trình độ chuyên môn cao, kinh nghiệm kinh doanh thành thạo là yêu cầu cấp
thiết trong bối cảnh hiện nay. Theo đó, phướng hướng phát triển đội ngũ
doanh nhân trên địa bàn Đồng Nai trong thời gian tới cần tập trung vào một
số nội dung sau:
Một là, xây dựng chiến lược phát triển đội ngũ doanh nhân phù hợp với
mục tiêu xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN của nước ta và
mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Đồng Nai, do đó nó phải được đặt
trong mối quan hệ với việc phát triển đồng bộ thể chế, môi trường và các
nguồn lực khác. Chỉ có thể phát triển đội ngũ doanh nhân khi những điều kiện
cơ bản đảm bảo cho nó phát triển được phát huy, vì vậy quá trình phát triển
đội ngũ doanh nhân phải gắn liền với việc xây dựng hoàn thiện thể chế kinh tế
thị trường định hướng XHCN, môi trường để phát triển doanh nhân, phát triển
đồng bộ các nguồn nhân lực và khoa học và công nghệ. Phát triển đội ngũ
doanh nhân Đồng Nai cần đặt ở tầm chiến lược và phải gắn bó với các mục
tiêu trên đây bởi những lý do về lý luận cũng như từ thực tế sau:
- Thứ nhất, như đã trình bày trong chương 1, không thể có một hệ
thống doanh nghiệp kinh doanh có tầm cở, hiệu quả uy tín, thương hiệu cao
mà lại thiếu đội ngũ doanh nhân tương ứng. Muốn có đội ngũ doanh nhân này
và phù hợp với chiến lược quốc gia về phát triển hệ thống doanh nghiệp Việt
Nam, mỗi ngành, mỗi địa phương nói chung, với Đồng Nai nói riêng cần và
phải có chiến lược phát triển đội ngũ doanh nhân.
- Thứ hai, cần có chương trình đào tạo bài bản, hiện đại, thiết thực cho
đội ngũ doanh nhân tương lai của địa bàn Đồng Nai. Trở thành nhà kinh
doanh giàu có là ước vọng ham muốn của nghiều người, song không phải mọi
người làm kinh doanh, làm chủ doanh nghiệp đều trở thành giàu có, thành
doanh nhân, nhất là doanh nhân thành đạt. Bởi đây là lĩnh vực chứa đựng
nhiều rủi ro, cay đắng, khắc nghiệt. Vì vậy, họ cần được đào tạo cơ bản, hiện
đại phù hợp với xu hướng phát triển kinh doanh hiện nay.
- Thứ ba, phát triển đội ngũ doanh nhân không phải là một mục tiêu tự
thân, mà là để phát triển KT-XH, nâng cao đời sống dân sinh, trong đó có
chính đội ngũ doanh nhân – được coi là những người giàu có. Vì vậy, chiến
lược phát triển đội ngũ doanh nhân phải là một bộ phận của chiến lược phát
triển KT-XH không những của quốc gia, của ngành mà còn là của mỗi tỉnh,

137
thành được đặt trong quan hệ chặt chẽ với mục tiêu phát triển KT-XH tương
ứng.
Hai là, xây dựng, phát triển đội ngũ doanh nhân là một nhiệm vụ cơ
bản quan trọng trong việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Quá trình
đó vừa phải chú trọng đến phát triển số lượng nhưng đồng thời phải gắn liền
với từng bước nâng cao chất lượng doanh nhân để xây dựng một đội ngũ
doanh nhân có tinh thần yêu nước, mang đầy đủ bản sắc văn hoá doanh nhân
Việt Nam, vừa có đức vừa có tài, vừa có tầm nhìn sâu, rộng trong kinh tế mở
cửa, hội nhập ngày càng toàn diện và triệt để hơn với kinh tế thế giới.
Ba là, phát triển đội ngũ doanh nhân Đồng Nai phải gắn liền với việc
xây dựng văn hóa doanh nhân, văn hoá doanh nghiệp đã có truyền thống
thành phố công nghiệp Biên Hòa và sẽ có trong tương lai, vì đó là cơ sở để
doanh nhân tồn tại, phát triển bền vững và nâng cao vị thế. Phát triển đội ngũ
doanh nhân Đồng Nai trong thời gian tới phải gắn liền với việc xây dựng bảo
vệ và phát triển thương hiệu, tạo lập những thương hiệu nổi tiếng. Vì đó là cơ
sở cho sự tồn tại, phát triển của doanh nhân, đồng thời qua đó để quảng bá sự
phát triển nền kinh tế và đội ngũ doanh nhân Đồng Nai ra thế giới. Đây là yếu
tố hết sức quan trọng cho sự thành công trong quá trình hội nhập kinh tế quốc
tế của Đồng Nai.
Bốn là, phát triển đội ngũ doanh nhân Đồng Nai cần phải gắn liền với
quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn và vùng kinh tế trọng điểm
phía Nam, hai quá trình đó phải đặt trong mối quan hệ tác động biện chứng
với nhau. Đội ngũ doanh nhân phải được xác định là nguồn lực cơ bản, quan
trọng đảm bảo cho việc thực hiện các mục tiêu đó và mỗi bước đi của quá
trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế phải là những bước thúc đẩy đội ngũ doanh
nhân phát triển. Nhiệm vụ phát triển đội ngũ doanh nhân trong thời gian tới
của tỉnh phải đặt trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng: dịch vụ -
công nghiệp - nông nghiệp, vì vậy định hướng phát triển doanh nhân phải đáp
ứng theo yêu cầu đó. Đồng Nai cần tập trung phát triển đội ngũ doanh nhân
trong lĩnh vực dịch vụ được xác định theo các nhóm ngành dịch vụ có tính đột
phá như: tài chính, tín dụng, ngân hàng, bảo hiểm, thương mại, vận tải, kho
bãi, dịch vụ cảng, bưu chính - viễn thông; kinh doanh tài sản, bất động sản;
dịch vụ tư vấn, khoa học - công nghệ; du lịch; y tế và giáo dục đào tạo chất
lượng cao. Trong công nghiệp chú trọng phát triển đội ngũ doanh nhân ở

138
nhóm ngành có hàm lượng khoa học - công nghệ cao, có gía trị gia tăng lớn
như: cơ khí chế tạo, điện tử - viễn thông - tin học, chế biến lương thực thực
phẩm...
Năm là, phát triển đội ngũ doanh nhân là trách nhiệm của các cấp ủy
Đảng, chính quyền, đoàn thể và cả cộng đồng trên địa bàn. Doanh nhân là chủ
thể kinh tế trung tâm của nền kinh tế hiện nay, sự phát triển của họ chịu sự tác
động của nhiều yếu tố trong đó sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính
quyền, đoàn thể và cả cộng đồng là điều kiện cơ bản quan trọng cho phát triển
doanh nhân.
Sáu là, xây dựng, phát triển đội ngũ doanh nhân cả về số lượng và chất
lượng, có tinh thần yêu nước, có tinh thần cộng đồng quốc gia dân tộc, có
trình độ chuyên môn cao, kinh nghiệm kinh doanh thành thạo; không ngừng
đổi mới sáng tạo, kinh doanh có văn hoá, làm chủ trong quá trình hội nhập
quốc tế. Đó là đội ngũ doanh nhân đáp ứng yêu cầu thời kỳ đẩy mạnh công
nghiệp hoá, hiện đại hoá phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN, góp
phần quan trọng vào mục tiêu xây dựng thành công CNXH.
Bẩy là, thời gian tới tập trung phát triển nhanh số lượng doanh nhân,
chú trọng đến xây dựng cơ cấu các chủ doanh nghiệp, nhà quản trị trung cấp
và các nhà quản trị cao cấp nhằm đáp ứng yêu cầu thực hiện chiến lược quốc
gia về phát triển doanh nghiệp, xây dựng các tập đoàn kinh tế mạnh và việc
mở rộng ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh. Gắn liền với yêu cầu phát triển
nhanh về số lượng phải quan tâm đúng mức đến việc xây dựng một đội ngũ
doanh nhân có đầy đủ cả tài lẫn đức, đó là đội ngũ doanh nhân phải vừa có
năng lực kinh doanh thành thạo, mang tính chuyên nghiệp cao, luôn đổi mới
sáng tạo, làm chủ trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, kinh doanh có văn
hoá và có trách nhiệm với cộng đồng xã hội. Định hướng đó nhằm tạo ra một
đội ngũ doanh nhân là lực lượng xung kích trong việc thực hiện mục tiêu phát
triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
3.2.3. Mục tiêu phát triển doanh nhân
Thực tế cho thấy các doanh nhân hoạt động với hiệu quả cao nhờ sự
linh hoạt trong việc thích nghi với những điều kiện thị trường và công nghệ,
tạo ra được nhiều công ăn, việc làm, góp phần hữu hiệu vào công cuộc xóa
đói giảm nghèo. Do đó, mục tiêu phát triển doanh nhân trên địa bàn Đồng Nai
cần phải được phát triển theo phương châm tích cực nhưng vững chắc, xuất

139
phát từ nhu cầu thực tiễn, đạt hiệu quả thiết thực, trước tiên phải đạt mục đích
kinh tế để tạo sự ổn định và phát triển. Đồng thời phải đảm bảo mục tiêu xã
hội góp phần tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo trật tự, an toàn xã
hội. Phát triển doanh nhân trên địa bàn Đồng Nai cần phải gắn với mục tiêu
phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, của vùng kinh tế trọng điểm phía
Nam, khuyến khích phát triển doanh nhân trong các doanh nghiệp công
nghiệp, dịch vụ; khuyến khích phát triển doanh nhân lập những doanh nghiệp
ở vùng sâu, vùng xa, vùng có những điều kiện kinh tế - xã hội đang còn khó
khăn góp phần khai thác nguồn lực tại chỗ, xoá đói giảm nghèo.
Để phát triển doanh nhân Đồng Nai trong thời gian tới, về định tính có
thể đề ra một số mục tiêu như sau: Tăng cường cơ sở vật chất, tạo điều kiện
thuận lợi, cho doanh nhân trên địa bàn, có chính sách để giải quyết tốt các vấn
đề về đất đai, mặt bằng, nhà xưởng, tiền vốn, tiêu thụ sản phẩm, đào tạo
nguồn nhân lực, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, tham gia chủ động hội
nhập kinh tế khu vực và thế giới. Tăng thêm số lượng doanh nhân, mở rộng
và phát triển những doanh nghiệp hiện có; đổi mới công nghệ sản xuất và
quản lý, nâng cao năng lực cạnh tranh trong nước và quốc tế, hình thành được
một số doanh nghiệp có khả năng cạnh tranh cao, từng bước tham gia các tập
đoàn kinh tế mạnh do kinh tế nhà nước làm nồng cốt. Ưu tiên phát triển các
doanh nhân trong các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp, khuyến khích
tham gia những dịch vụ có giá trị cao, từng bước mở rộng đầu tư ra khỏi địa
phương, khu vực. Không ngừng nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền
địa phương, các tầng lớp dân cư về vai trò quan trọng của doanh nhân trong
phát triển kinh tế trên địa bàn.
Về định lượng: Để góp phần xây dựng Đồng Nai trở thành trung tâm
công nghiệp, dịch vụ lớn và hiện đại của khu vực phía Nam; phấn đấu đến
năm 2015 trở thành tỉnh cơ bản công nghiệp hóa - hiện đại hóa, năm 2020
thành tỉnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa; Đồng Nai cần phải có đội ngũ
doanh nhân phát triển phù hợp. Theo thống kê, đến hết năm 2007, Đồng Nai
đã có khoảng 4.500 doanh nghiệp (không tính doanh nghiệp FDI), với dân số
gần 2,3 triệu người, tương ứng gần 452 người dân có một doanh nghiệp. Như
vậy số lượng doanh nghiệp so với dân số trên địa bàn Đồng Nai vẫn còn rất
khiêm tốn, do đó trong thời gian tới Đồng Nai cần phải có thêm nhiều doanh

140
nghiệp được thành lập và đi vào hoạt động, điều đó đồng nghĩa với việc phải
phát triển đội ngũ doanh nhân trên địa bàn của tỉnh.
Có thể tham khảo số liệu về doanh nghiệp, doanh nhân ở một số quốc
gia và vùng lãnh thổ sau đây, coi như gợi ý đối với Đồng Nai trong quá trình
phát triển chung của tỉnh. Cộng hoà Pháp cỡ 60 triệu dân với 2,5 triệu doanh
nhân (chiếm 4,16% dân số). Đài Loan với số dân 22 triệu, số doanh nhân tới
1,2 triệu (chiếm 5,45% dân số). Ở một số quốc gia phát triển như Anh, Đức,
Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc, Singapore, tỷ lệ doanh nhân thường chiếm 10 –
20% dân số. Trung Quốc, trung bình 200 người dân có một doanh nghiệp,
trong khi Singapore là 4 người, Mỹ là 10 người, Úc là 21 người. Ở nước ta,
năm 2009 với gần 86 triệu dân và khoảng 350 nghìn doanh nghiệp đăng ký thì
gần 250 người có 1 doanh nghiệp. Đến 2010 với dự báo 88 triệu người dân và
mục tiêu 500.000 doanh nghiệp thì chỉ tiêu này sẽ là 176 người dân có 1
doanh nghiệp.14
Theo ước tính, quy mô dân số Đồng Nai đến năm 2010 khoảng 2,5
triệu người, năm 2015 khoảng 2,7 triệu người và khoảng 3,8 triệu người vào
năm 202015. Như vậy, để phấn đấu đạt mức 300 người dân có một doanh
nghiệp (mức bình quân của vùng Đông Nam Bộ hiện nay) thì đến năm 2010
phải có khoảng 8.400 doanh nghiệp và năm 2020 phải có khoảng 12.700
doanh nghiệp (gấp 2,5 lần so năm 2007). Giả sử các doanh nghiệp đang hoạt
động trên địa bàn không bị phá sản, giải thể để đến năm 2020 cứ 300 người
dân có một doanh nghiệp thì Đồng Nai phải có thêm khoảng 7.700 doanh
nghiệp nữa. Nếu tính bình quân cứ mỗi doanh nghiệp có 2 doanh nhân (Chủ
tịch Hội đồng quản trị và Giám đốc) thì đến năm 2010 Đồng Nai có 16.800
doanh nhân, đến năm 2020 có khoảng 25.400 doanh nhân. Nếu so với những
thống kê trên đây tại các quốc gia thì số doanh nhân dự báo trong tương lai
của Đồng Nai là rất lớn so với một tỉnh thành. Ở đây chưa bàn về vấn đề cơ
cấu, chất lượng doanh nhân. Đây thực sự là nhiệm vụ khó khăn và nặng nề
đối với Đồng Nai, vì vậy đòi hỏi phải có giải pháp tổng thể phát triển đội ngũ
doanh nhân trên địa bàn Đồng Nai ở cả góc độ vĩ mô và vi mô.

14
http://www.cpv.org.vn
15
Quy hoạch thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050

141
3.3 CÁC GIẢI PHÁP CHỦ YẾU PHÁT TRIỂN ĐỘI NGŨ DOANH
NHÂN Ở ĐỒNG NAI
Để có thêm cơ sở khoa học đề xuất các giải pháp phát triển đội ngũ
doanh nhân, nhóm tác giả thực hiện đề tài đã đưa ra bảng câu hỏi nhằm tìm
hiểu ý kiến của người trả lời về các giải pháp cần thiết nhằm mục tiêu phát
triển đội ngũ doanh nhân trong giai đoạn hiện nay. Căn cứ các đối tượng trả
lời, sau khi tính toán, chúng tôi xếp thứ tự quan trọng theo thang điểm trung
bình của các giải pháp người trả lời đánh giá cao và kết quả đánh giá đó được
chúng tôi coi là một trong các căn cứ để đưa ra một số kiến nghị phù hợp của
đề tài nhằm hiện thực hoá mục tiêu nghiên cứu của đề tài.
Bảng 3.3: Những giải pháp cần thiết để phát triển đội ngũ doanh nhân

Cần Tương Không Điểm Thứ tự


Stt Các giải pháp thiết đối cần cần trung quan
thiết thiết bình trọng
1 Tiếp tục cải cách hành chính, hoàn SL 803 36 1
Tỷ lệ 95.6 4.3 .1 2.95 1
thiện cơ chế chính sách để khuyến
%
khích phát triển sản xuất kinh doanh
2 Xây dựng hành lang pháp lý thuận SL 784 55 1
Tỷ lệ 93.3 6.5 .1 2.93 2
lợi cho hoạt động sản xuất kinh
%
doanh
3 Tạo lập môi trường thuận lợi để SL 772 66 2
Tỷ lệ 91.9 7.9 .2 2.92 3
doanh nghiệp hội nhập kinh tế quốc
%
tế
4 Có cơ chế chính sách thúc đẩy phát SL 693 145 2
Tỷ lệ 82.5 17.3 .2 2.82 5
triển thị trường vốn cho các doanh
%
nghiệp
5 Tăng cường liên kết hợp tác giữa các SL 574 256 10
Tỷ lệ 68.3 30.5 1.2 2.67 7
doanh nhân
%
6 Phát triển hệ thống đào tạo và bồi SL 688 147 5
Tỷ lệ 81.9 17.5 .6 2.81 6
dưỡng đội ngũ doanh nhân cả về bề
%
rộng và chiều sâu
7 Bồi dưỡng cho đội ngũ doanh nhân SL 704 128 8
Tỷ lệ 83.8 15.2 1.0 2.83 4
các kiến thức hiện đại về quản trị
%
kinh doanh
8 Tạo lập văn hoá doanh nghiệp và SL 524 308 8
Tỷ lệ 62.4 36.7 1.0 2.61 9
doanh nhân cho các doanh nghiệp,
%
doanh nhân
9 Tuyên truyền, giáo dục, khích lệ và SL 516 309 15
Tỷ lệ 61.4 36.8 1.8 2.60 10

142
Cần Tương Không Điểm Thứ tự
Stt Các giải pháp thiết đối cần cần trung quan
thiết thiết bình trọng
tôn vinh các doanh nhân đóng góp %
nhiều cho đất nước.
10 Tổ chức hệ thống thông tin về doanh SL 495 333 12
Tỷ lệ 58.9 39.6 1.4 2.58 11
nghiệp và doanh nhân.
%
11 Thành lập các tổ chức xã hội – ngành SL 398 413 29
Tỷ lệ 47.4 49.2 3.5 2.44 13
nghề của doanh nhân (câu lạc bộ
%
doanh nhân, hiệp hội DN, hiệp hội
ngành nghề…)
12 Tăng cường công tác tuyền truyền SL 419 377 44
Tỷ lệ 49.9 44.9 5.2 2.45 12
nhằm tiếp thay đổi nhận thức của xã
%
hội đối với doanh nhân
13 Nâng cao chất lượng giáo dục đào SL 572 253 15 2.66 8
tạo, nâng cao dân trí và thể lực của
dân cư
Nguồn: Báo cáo kết quả điều tra do nhóm tác giả đề tài thực hiện
Qua kết quả khảo sát cho thấy, nhìn chung các giải pháp đều được
người trả lời đánh giá lựa chọn ở mức rất cao (Điểm trung bình > 2,50/ thang
điểm 3). Với kết quả này, người trả lời đã đánh giá khá cao những giải pháp
được đưa ra khảo sát. Qua đó, chúng tôi đã sắp xếp các giải pháp theo thứ tự
quan trọng bằng phương pháp tính điểm trung bình từ kết quả ý kiến của
người trả lời. Sau đây là nhóm các giải pháp được đánh giá quan trọng nhất có
liên quan đến giải pháp về cơ chế, chính sách đối với các doanh nghiệp, liên
quan đến tạo lập vốn thức đẩy sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và pháp
luật hiện hành ở Việt Nam. Theo chúng tôi, đây là những giải pháp được
nhiều người cho rằng nó rất quan trọng vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến sự tồn
tại và phát triển của các doanh nhân.
Giải pháp được người trả lời lựa chọn (xếp thứ nhất) là: Tiếp tục cải
cách hành chính, hoàn thiện cơ chế chính sách để khuyến khích phát triển sản
xuất kinh doanh; có 803 ý kiến/840 người tham gia trả lời (chiếm 95,6%) cho
rằng đó là giải pháp cần thiết để phát triển đội ngũ doanh nhân; Giải pháp
được người trả lời đánh giá, lựa chọn cao thứ hai là: Xây dựng hành lang
pháp lý thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh; có 784 ý kiến/840
người tham gia trả lời (chiếm 93,3%); Giải pháp được đánh giá cao thứ ba là:
Tạo lập môi trường thuận lợi để doanh nghiệp hội nhập kinh tế quốc tế; có

143
772 ý kiến/840 người tham gia trả lời (chiếm 91,9%) cho là cần thiết để phát
triển đội ngũ doanh nhân; Giải pháp được người trả lời đánh giá cao thứ tư là:
Bồi dưỡng cho đội ngũ doanh nhân các kiến thức hiện đại về quản trị kinh
doanh (Pháp luật, tài chính - tiền tệ, thị trường, tiếp thị, thương mại quốc tế…
) có 704 ý kiến/840 người tham gia trả lời (chiếm 83,8%) đồng ý với giải
pháp này; Giải pháp xếp thứ năm là: Có cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển
thị trường vốn cho các doanh nghiệp; với 693 ý kiến/840 người tham gia trả
lời (chiếm 82,5%) đánh giá là cần thiết. Như vậy, nhóm giải pháp được người
trả lời lựa chọn đồng ý là cần thiết để phát triển đội ngũ doanh nhân hiện nay
được xếp ở vị trí cao từ 1 – 5 trong số 13 giải pháp chúng tôi nêu ra có liên
quan đến các cơ chế, chính sách, tạo hành trang pháp lý ổn định cho các
doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân hoạt động, là những giải pháp cần thiết
hướng tới tạo điều kiện, môi trường xã hội nhằm hạn chế những rào cản,
những khó khăn vướng mắc về cơ chế, chính sấch, pháp luật đã và đang ảnh
hưởng không nhỏ đến sự phát triển của các doanh nghiệp và đội ngũ doanh
nhân ở nước ta trong giai đoạn hiện nay
Nhóm các giải pháp được người trả lời đánh giá lựa chọn cao thứ hai là
nhóm giải pháp về đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ doanh
nhân, là sự liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp, là xây dựng văn hoá
doanh nghiệp, tạo dựng niềm tin, thái độ của xã hội đối với đội ngũ doanh
nhân nhằm tôn vinh doanh nhân, coi là là những người có nhiều đóng góp
quan trọng cho nền kinh tế của đất nước. Cụ thể, các giải pháp đó là: Phát
triển hệ thống đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ doanh nhân cả về bề rộng và
chiều sâu; giải pháp này được xếp ở vị trí thứ 6, có 688 ý kiến (chiếm 81,9%)
số người trả lời lựa chọn. Giải pháp được xếp ở vị trí thứ 7 là: Tăng cường
liên kết hợp tác giữa các doanh nghiệp; có 574 ý kiến (chiếm 68,3%) số
người tham gia trả lời. Giải pháp được đánh giá ở vị trí thứ 8 là: Nâng cao
chất lượng giáo dục đào tạo, nâng cao dân trí và thể lực của dân cư; có 572 ý
kiến lựa chọn (chiếm 68,1%) và Giải pháp được xếp ở vị trí thứ 9 là: Tạo lập
văn hoá doanh nghiệp và doanh nhân cho các doanh nghiệp, doanh nhân; có
524 ý kiến cho là cần thiết để phát triển đội ngũ danh nhân hiện nay (chiếm
62,4%) số người tham gia trả lời.
Nhóm các giải pháp được người trả lời đánh giá thấp hơn hai nhóm giải
pháp trên là nhóm giải pháp liên quan đến việc tăng cường Thông tin, truyền

144
thông, tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức của nhân dân về doanh nhân
nhằm tôn vinh đội ngũ doanh nhân vì những đóng góp của họ đối với xã hội.
Hoặc giải pháp về việc thành lập các tổ chức xã hội – ngành nghề của doanh
nhân (câu lạc bộ doanh nhân, hiệp hội doanh nhân, hiệp hội ngành nghề…) là
những giải pháp được người trả lời cho rằng tương đối cần thiết để phát triển
đội ngũ doanh nhân ở nước ta hiện nay.
So sánh sự khác nhau khi đánh giá, lựa chọn những giải pháp nhằm
phát triển đội ngũ doanh nhân trong giai đoạn hiện nay của người trả lời thuộc
các vị trí công tác khác nhau trong doanh nghiệp như: Giám đốc; Phó giám
đốc; Trưởng phòng và Nhân viên, khác. Kết quả trả lời cho chúng ta thấy:
Người trả lời khá thống nhất khi đánh giá, lựa chọn các giải pháp phát triển
đội ngũ doanh nhân. Tuy nhiên, qua kết quả trả lời, một số giải pháp được xếp
ở vị trí cao trong nhóm giải pháp thứ nhất, thì chúng tôi nhận thấy Giám đốc
doanh nghiệp đánh giá, lựa chọn mức độ cần thiết cao hơn các Phó giám đốc,
Trưởng phòng và Nhân viên. Cụ thể là giải pháp: Tiếp tục cải cách hành
chính, hoàn thiện cơ chế chính sách để khuyến khích phát triển sản xuất kinh
doanh; có 97,7% Giám đốc lựa chọn ở mức độ cần thiết, tỷ lệ này cao hơn so
với 93,7% Phó giám đốc lựa chọn; và tỷ lệ này được thể hiện ở 96,3% Trưởng
phòng và 95,4% Nhân viên đánh giá, lựa chọn. Giải pháp: Xây dựng hành
lang pháp lý thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh; Tỷ lệ Giám đốc
lựa chọn ở mức độ cần thiết là 95,4%; so với Phó giám đốc là 92,8%; Trưởng
phòng là 94,4%; Nhân viên là 92,7%. Giải pháp: Tạo lập môi trường thuận
lợi để doanh nghiệp hội nhập kinh tế quốc tế; có 95,4% Giám đốc; 94,6% Phó
giám đốc; 88,8% Trưởng phòng và 91,7% Nhân viên đánh giá, lựa chọn. Giải
pháp: Bồi dưỡng cho đội ngũ doanh nhân các kiến thức hiện đại về quản trị
kinh doanh (Pháp luật, tài chính - tiền tệ, thị trường, tiếp thị, thương mại
quốc tế…) tỷ lệ Giám đốc doanh nghiệp đánh giá, lựa chọn là (78,2%); tỷ lệ
Phó giám đốc đánh giá, lựa chọn là (89,2%); Trưởng phòng (88,8%) và Nhân
viên là 81,9%. Và giải pháp thứ năm chúng tôi so sánh ở đây là giải pháp Có
cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển thị trường vốn cho các doanh nghiệp, tỷ
lệ Giám đốc doanh nghiệp đánh giá lựa chọn là (92,0%) cao hơn hẳn so với tỷ
lệ (85,8%) Phó giám đốc Doanh nghiệp đánh giá lựa chọn; tỷ lệ (82,0%)
Trưởng phòng và (80,2%) nhân viên cho là những giải pháp cần thiết để phát
triển đội ngũ doanh nhân.

145
Qua kết quả khảo sát về sự quan trọng của các giải pháp được tính
thang điểm trung bình cộng từ cao đến thấp, chúng tôi đã xếp được thành 3
nhóm giải pháp. Cụ thể như sau: Nhóm giải pháp được người trả lời đánh giá,
lựa chọn ở mức độ quan trọng nhất có liên quan đến giải pháp về cơ chế,
chính sách đối với các doanh nghiệp, liên quan đến tạo lập vốn thúc đẩy sản
xuất kinh doanh của doanh nghiệp và pháp luật hiện hành. Đây là những giải
pháp có ảnh hưởng trực tiếp đến sự tồn tại và phát triển của các dnanh nghiệp.
Nhóm giải pháp được đánh giá, lựa chọn ở mức độ cao thứ hai: Nhóm giải
pháp về đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ doanh nhân, là sự
liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp, là xây dựng văn hoá doanh nghiệp,
tạo dựng niềm tin, thái độ của xã hội đối với đội ngũ doanh nhân nhằm tôn
vinh doanh nhân vì những đóng góp lớn lao của họ. Nhóm các giải pháp được
người trả lời đánh giá thấp hơn hai nhóm giải pháp trên là nhóm giải pháp liên
quan đến việc tăng cường Thông tin, truyền thông, tuyên truyền nhằm thay
đổi nhận thức của nhân dân về doanh nhân, giải pháp về việc Thành lập các tổ
chức xã hội – ngành nghề của doanh nhân (câu lạc bộ doanh nhân, hiệp hội
DN, hiệp hội ngành nghề…) là những giải pháp được người trả lời cho rằng
tương đối cần thiết để phát triển đội ngũ doanh nhân ở nước ta hiện nay.
So sánh đánh giá, lựa chọn của người trả lời được phân chia theo từng
đối tượng khác nhau như giới tính, lĩnh vực công tác; vị trí công việc phân
công trong doanh nghiệp, chúng tôi nhận thấy ý kiến trả lời về các giải pháp
nhằm nâng cao chất lượng và phát triển đội ngũ doanh nhân là khá thống
nhất. Tuy nhiên, vẫn có sự chênh lệch nhau trong đánh giá, lựa chọn về một
số giải pháp của các đối tượng khác nhau như: Giám đốc doanh nghiệp, Phó
giám đốc doanh nghiệp; Trưởng phòng, nhân viên.
Từ dự báo những cơ hội và thách thức, định hướng phát triển đội ngũ
doanh nhân Đồng Nai đến năm 2020; từ kết quả điều tra khảo sát, trên cơ sở
lý luận, thực tiễn và những khía cạnh liên quan ở nước ta, đặc thù của khu
vực, của địa bàn tỉnh, chúng tôi đề xuất các giải pháp chủ yếu nhằm phát triển
đội ngũ doanh nhân trên địa Đồng Nai như sau:
3.3.1. Đổi mới tư duy quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp và doanh
nhân
Thực chất của giải pháp này là các cơ quan quản lý nhà nước, công
chức, viên chức của bộ máy công quyền phải thay đổi căn bản nhận thức về

146
doanh nghiệp, về đội ngũ doanh nhân trong cơ chế thị trường. Doanh nghiệp
và nhà kinh doanh trong tiến hành sản xuất kinh doanh còn gặp nhiều khó
khăn trở ngại như thời gian làm các thủ tục gia nhập thị trường còn dài, khó
khăn hạn chế về quyền kinh doanh, về pháp lý và hành chính. Hệ thống cơ
quan hành chính hoạt động kém hiệu quả, với tình trạng can thiệp hành chính
quá sâu vào hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Nguyên nhân
chính dẫn đến tình trạng này là do tư duy quản lý nhà nước chưa theo kịp sự
phát triển của doanh nghiệp và sự năng động, nhanh nhạy của các doanh
nhân.
Vì vậy, cần có sự đổi mới tư duy quản lý theo hướng chuyển ngay từ
cách nghĩ quản lý được đến đâu mở đến đó, sang quản lý phải theo kịp sự
phát triển. Nhà nước không thể làm tất cả được, không thể duy trì mãi cách
dắt tay, chỉ việc mà phải đặt niềm tin vào doanh nghiệp và tinh thần kinh
doanh của họ, bởi họ là những người biết rõ nhất cơ hội kinh doanh, chấp
nhận dấn thân vào rủi ro và huy động nguồn lực. Nhà nước cũng cần phải giữ
đúng vị trí, vai trò của người quản lý để đảm bảo duy trì trật tự, kỷ cương hoạt
động kinh doanh nhằm làm cho cộng đồng doanh nghiệp ngày càng mạnh lên,
phát triển tốt hơn. Nói cách khác, QLNN bao gồm cả việc xử lý vi phạm pháp
luật, nhưng cần coi đó là việc làm bắt buộc, chứ không phải là để đối phó với
các nhà đầu tư, cản trở các hoạt động đầu tư và kinh doanh của các doanh
nhân. Chừng nào chưa có được nhận thức đúng về QLNN trong xu thế toàn
cầu hoá, đang đặt ra cho mỗi quốc gia thách thức lớn về năng lực cạnh tranh
và cơ hội lớn về tìm kiếm nguồn lực bên ngoài, thì chừng đó cuộc cải cách
nền hành chính quốc gia, mặc dù đã có chương trình dài hạn đến năm 2010
vẫn khó có thể thành công.
Đối với các doanh nhân, những ưu đãi về thuế, về tiền thuê đất, về thời
hạn của dự án vẫn rất quan trọng, nhưng điều quan trọng hơn mà họ cần ở
chính quyền đó là sự đảm bảo cho họ một môi trường đầu tư – kinh doanh
lành mạnh, bình đẳng. Khi họ gặp khó khăn thì cần hỗ trợ, tìm mọi cách đơn
giản hóa thủ tục hành chính và đặc biệt ít phiền hà nhất. Bộ máy QLNN cần
có nhận thức đúng “doanh nhân là chủ thể của doanh nghiệp, là người có
quyền nhất và quan tâm nhất đến hiệu quả đầu tư”. Nhà nước hỗ trợ, hướng
dẫn và thực hiện các thủ tục hành chính thuận lợi nhất, với thời hạn ngắn nhất
để nhà doanh nghiệp – doanh nhân - có thể sớm triển khai được hoạt động

147
kinh doanh như mong muốn.
Mặt khác, Nhà nước cần tin vào thị trường, vào hàng triệu người tiêu
dùng thông thái luôn dõi theo, phán quyết sự ra đời, tồn tại và phát triển hoặc
phá sản của các doanh nghiệp, sự thành công hay thất bại của doanh nhân trên
thương trường. Nhà nước cần huy động các đối tượng khác trong xã hội tham
gia vào quá trình giám sát hoạt động kinh doanh của các doanh nhân. Chẳng
hạn như kiểm tra, giám sát trong chính nội bộ doanh nghiệp, sự kiểm tra giám
sát từ các chủ nợ, từ người tiêu dùng, hiệp hội người tiêu dùng, từ các đối thủ
cạnh tranh, từ các hiệp hội ngành nghề, từ xã hội và công luận,... Tất cả các
bên liên quan đến doanh nghiệp và người điều hành doanh nghiệp đều có
quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ giám sát hoạt động của doanh nhân. Nhà
nước chỉ là một thành tố cấu thành trong việc kiểm tra, giám sát doanh
nghiệp, doanh nhân.
Do đó, Nhà nước có thể uỷ nhiệm cho các hiệp hội doanh nghiệp, các
tổ chức xã hội khác nói chung, của địa bàn tỉnh nói riêng thực hiện một phần
chức năng giám sát của mình. Kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới cho
thấy, các tổ chức này thực hiện có hiệu quả một số hoạt động giám sát vốn
trước đây là của Nhà nước. Trong quá trình giám sát, các tổ chức này không
chỉ sử dụng các quy phạm pháp luật mà cả các quy tắc đạo đức, nghề nghiệp.
Ngoài ra, để bảo đảm tính công khai, minh bạch của môi trường kinh doanh,
Nhà nước phải tạo điều kiện để các thành tố của thị trường như ngân hàng,
bảo hiểm... hoạt động tự chủ, độc lập, các chế định như kiểm toán, điều tra
doanh nghiệp... được phát huy tác dụng. Nhà nước cần thay đổi phương thức
giám sát theo hướng thu hẹp chức năng giám sát trực tiếp và nâng cao vai trò
tổ chức vận hành của hệ thống giám sát. Ngoài việc xây dựng các quy định
khoa học hơn về tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan thanh
tra, kiểm tra, Nhà nước cần phải xây dựng cơ chế, chính sách theo hướng cụ
thể, minh bạch; tạo lập môi trường thuận lợi cho các chủ thể khác cùng tham
gia giám sát. Nhà nước có thể xem xét để chuyển giao một số quyền giám sát
của mình cho các hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề hoặc các tổ
chức xã hội nghề nghiệp khác. Bên cạnh đó, Nhà nước cần sử dụng phổ biến
các công cụ của thị trường như kiểm toán, giám định, kiểm định, tư vấn, các
bộ tiêu chuẩn doanh nghiệp, tiêu chuẩn sản phẩm...; tổ chức và khuyến khích
tổ chức các hình thức thi đua, khen thưởng trong cộng đồng doanh nghiệp đối

148
với các sản phẩm, dịch vụ chất lượng cao; tạo lập môi trường kinh doanh bền
vững, an toàn, minh bạch, công khai, khuyến khích các doanh nhân năng
động, sáng tạo trên cơ sở gắn liền với đạo đức kinh doanh của các doanh nhân
nói chung, tại địa bàn tỉnh thành nói riêng.
Tuy nhiên, Nhà nước phải là nhân tố trung tâm trong quá trình giám sát
hoạt động kinh doanh của doanh nhân, có vai trò quan trọng trong việc bảo
đảm lợi ích chung của toàn xã hội. Nhà nước vẫn giữ vai trò giám sát trực tiếp
hoạt động của các doanh nhân trong một số lĩnh vực nhất định, nhưng quan
trọng hơn, Nhà nước phải là chủ thể trung tâm thiết kế, tạo điều kiện và thực
hiện giám sát quá trình giám sát của các chủ thể khác đối với doanh nghiệp,
doanh nhân. Như vậy, vai trò của Nhà nước là xây dựng và bảo đảm sự toàn
vẹn, thống nhất cơ chế giám sát đối với doanh nghiệp và doanh nhân. Để bảo
vệ lợi ích chung của toàn xã hội hoặc vì mục đích an ninh quốc phòng, có
những ngành nghề nhất định buộc Nhà nước phải giữ vai trò giám sát trực
tiếp. Song, cần phải xác định đúng ngành nghề nào cần thiết phải có sự giám
sát đặc biệt của Nhà nước; và cần có cơ chế để giảm thiểu những phiền hà cho
đội ngũ doanh nhân, hạn chế sự lạm quyền từ sự giám sát đó.
Những phân tích trên vừa với nhà nước nói chung, vừa với nhà nước
cấp địa phương nói riêng. Vì vậy, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan
QLNN các cấp trong việc xây dựng, ban hành các quy chế hoạt động kiểm
tra, giám sát đối với doanh nghiệp và doanh nhân.
3.3.2. Xây dựng, hoàn thiện và cụ thể hoá quy định pháp lý tạo điều kiện
thuận lợi cho hoạt động điều hành của các doanh nhân
Mặc dù hệ thống pháp luật của ta hiện nay tương đối hoàn chỉnh và đầy
đủ nhưng vẫn còn nhiều bất cập, tạo tâm lý không ổn định trong việc định
hướng đầu tư của giới doanh nhân. Chúng ta không cầu toàn, nhất là với một
đất nước đang trong quá trình chuyển sang nền kinh tế thị trường, nhưng điều
quan trọng là phải có cái nhìn và hướng giải quyết tích cực, từ nhiều phía.
Một mặt chúng ta đòi hỏi đội ngũ doanh nhân phải vươn lên mạnh mẽ về mọi
mặt để góp phần vào sự nghiệp CNH, HĐH đất nước; song mặt khác, Đảng
và Nhà nước cần phải hết sức cởi mở với doanh nhân, trước hết là về mặt cơ
chế, chính sách và pháp luật. Một trong những mục tiêu quan trọng của cải
cách hành chính là ở góc độ đối với doanh nghiệp trong nền kinh tế chuyển
quản lý nhà nước theo kiểu mệnh lệnh hành chính tập trung, trực tiếp như

149
trước đây sang phục vụ, lấy mục tiêu phục vụ doanh nghiệp và doanh nhân là
chính. Cũng như đối với các ngành và lĩnh vực khác, việc ban hành luật, các
văn bản pháp quy, … thuộc chức năng, thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ,
cơ quan nhà nước cấp Trung ương. Nhưng việc thực thi được thực hiện ở các
địa phương, các ngành cụ thể. Vì vậy, phải có sự phân cấp, phối hợp giữa
trung ương với địa phương trong việc bổ sung, hoàn thiện quy định pháp lý
đối với hoạt động của doanh nghiệp, của các doanh nhân
Theo chúng tôi, Nhà nước Trung ương cần tiếp tục hoàn chỉnh, bổ sung
hệ thống pháp luật đối với doanh nghiệp và hoạt động của doanh nhân theo
hướng sau:
- Lập kế hoạch xây dựng mới, sửa đổi, bổ sung các luật, các văn bản
dưới luật, trong đó chi tiết về dự kiến loại văn bản ban hành hoặc sửa đổi, bổ
sung; thời gian ban hành, thời gian văn bản có hiệu lực; hướng sửa đổi, bổ
sung hoặc ban hành mới; đối tượng phạm vi điều chỉnh cho phù hợp với tình
hình mới và xu thế hội nhập, như sửa đổi Bộ luật Dân sự, Luật Đất đai,…,
ban hành Luật Công nghệ cao,… Kế hoạch này phải được phổ biến công khai
để các đối tượng chịu ảnh hưởng là các doanh nghiệp và các nhà quản lý của
chúng có thể tiên liệu được, để họ có thời gian lập kế hoạch điều chỉnh hoạt
động cho phù hợp.
- Trong quá trình xây dựng chính sách, pháp luật cần có sự tham gia
rộng rãi của tất cả các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan, các nhà khoa
học, các nhà nghiên cứu và đặc biệt là sự tham gia của các doanh nghiệp, các
hiệp hội doanh nghiệp, doanh nhân là đối tượng tác động của văn bản, chính
sách đó.
- Công khai các chính sách, quy định mới và tiến hành đánh giá một
cách trung thực, khách quan, khoa học tác động của các chính sách đó tới
doanh nghiệp, tới nền kinh tế và tới kỳ vọng của đội ngũ doanh nhân để có
hướng điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện phù hợp hơn.
- Khắc phục tình trạng can thiệp quá sâu vào quản lý sản xuất kinh
doanh của doanh nghiệp hoặc buông lỏng quản lý nhà nước đối với doanh
nghiệp. Đẩy nhanh tiến độ xóa bỏ chế độ bộ chủ quản, cấp hành chính chủ
quản, và tiếp tục hoàn thiện các văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động
của doanh nhân, doanh nghiệp, tránh sự chồng chéo giữa các bộ, ngành gây
phiền hà cho hoạt động kinh doanh của doanh nhân. Các văn bản hướng dẫn

150
phải đồng bộ từ khâu đăng ký kinh doanh cho đến hoạt động sau cấp phép,
thanh kiểm tra.
- Việc tạo lập hành lang pháp lý phải đầy đủ, đồng bộ, nhất quán, đồng
thời quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước. Tôn trọng
quyền và trách nhiệm của doanh nhân. Quy định trách nhiệm đền bù những
thiệt hại cho các doanh nhân do cơ quan nhà nước hoặc cán bộ công chức
quản lý nhà nước gây ra.
Đối với chính quyền tỉnh, thành nói chung, cũng như với Đồng Nai nói
riêng:
- Khi các văn bản pháp luật của Nhà nước Trung ương đã có hiệu lực thì
chính quyền địa phương cần triển khai kịp thời và có những hướng dẫn,
những quy định cụ thể vừa phù hợp với quy định pháp luật vừa phù hợp với
tình hình của địa phương. Khắc phục triệt để tình trạng những văn bản quyết
định trái pháp luật như thời gian vừa qua đã hạn chế phần nào hoạt động sản
xuất kinh doanh của doanh nhân.
- Để đơn giản hoá các thủ tục gia nhập thị trường, các cơ quan quản lý
nhà nước địa phương chủ động phối hợp với các tổ chức phi chính phủ khác
(như VCCI, các hiệp hội ngành nghề) và có sự tham gia của đại biểu cho giới
doanh nhân tiếp tục rà soát, đánh giá lại các hồ sơ, trình tự, thủ tục, chi phí và
điều kiện gia nhập thị trường đối với doanh nghiệp, bao gồm đăng ký kinh
doanh, khắc dấu, mã số thuế, mua hoá đơn; đánh giá lại hồ sơ, trình tự, thủ
tục, điều kiện và thẩm quyền cấp một số giấy phép kinh doanh được dư luận
xã hội cho là bất hợp lý; tập hợp để loại bỏ các văn bản trái với Luật doanh
nghiệp và Nghị định hướng dẫn thi hành luật do các bộ, ngành và cấp chính
quyền địa phương ban hành.
3.3.3. Đẩy mạnh cải cách hành chính theo hướng phục vụ doanh nhân
Hệ thống pháp luật của Nhà nước hiện đã được quy định tương đối rõ
ràng nhưng việc triển khai thực hiện trong bộ máy chính quyền ở một số nơi,
một số chỗ vẫn chưa được tốt. Điều này đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới
việc gia nhập thị trường và quá trình điều hành quản lý của doanh nhân. Tính
công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan Nhà nước vẫn chưa đáp
ứng yêu cầu nắm bắt thông tin, thực hiện quyền và nghĩa vụ của doanh
nghiệp. Doanh nghiệp vẫn phải bỏ ra nhiều thời gian hơn so với quy định để
làm các thủ tục hành chính, đặc biệt vấn đề chi phí không chính thức của

151
doanh nghiệp trong quan hệ với cơ quan nhà nước đã đẩy chi phí của doanh
nghiệp lên cao, ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động của doanh nghiệp, hạn
chế, kìm hãm năng động sáng tạo của doanh nhân.
Trong bản Báo cáo Môi trường Kinh doanh 2009 khu vực Đông Á -
Thái Bình Dương của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố ngày 10/9/2008,
mặc dù có thể còn có một số điểm còn chưa thống nhất trong ý kiến của các
chuyên gia, nhưng có một điểm làm chúng ta phải suy nghĩ - đó là trong việc
tiến hành các cải cách hành chính làm cho hoạt động kinh doanh được thuận
lợi hơn thì chúng ta đã thực hiện chậm hơn so với các nước trong khu vực.
Một trong những thách thức lớn của chúng ta trong thời gian tới là tiếp tục
đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế
để giúp doanh nghiệp cạnh tranh hiệu quả trên thị trường quốc tế.
Như vậy, cải cách hành chính nhất là trong lĩnh vực kinh doanh vẫn
đang là đòi hỏi cần thiết và cấp bách, nhưng làm sao để những cải cách đó
không chỉ dừng lại ở những chủ trương, nguyên tắc, quy định trên giấy tờ văn
bản mà nó phải thực sự đi vào cuộc sống và mang lại những hiệu quả thiết
thực. Các dịch vụ hành chính mà các cơ quan chức năng thực hiện chính sách
là những dịch vụ công mà mỗi người dân và các doanh nghiệp đóng thuế để
các cơ quan chức năng thực hiện. Khi được cung cấp các dịch vụ này không
có nghĩa là doanh nghiệp đi xin các cơ quan chức năng mà đó là nhiệm vụ của
các cơ quan chức năng phải thực hiện. Do đó, cần thay đổi quan điểm của các
cơ quan chức năng này trong việc cung cấp dịch vụ hành chính cho người dân
nói chung và các doanh nghiệp, doanh nhân nói riêng. Muốn vậy cần đẩy
mạnh cải cách hành chính cho phù hợp với sự phát triển kinh tế. Đơn giản hóa
các thủ tục hành chính và thay đổi thái độ phục vụ của các nhân viên chính
quyền các cấp nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và doanh nhân khi
làm việc với các cơ quan chức năng của nhà nước.
Đồng Nai là một tỉnh mà tính tiên phong, năng động của chính quyền
được xếp hạng 28/64 và chính sách phát triển KTTN xếp thứ 10/64, vì vậy
trong việc phát triển doanh nghiệp, vai trò của các chính quyền địa phương là
rất quan trọng. Ngoài yếu tố tự thân của doanh nghiệp, sự ra đời, tồn tại, hiệu
quả kinh doanh, tình hình chấp hành pháp luật của doanh nghiệp còn phụ
thuộc chủ yếu vào sự quản lý và hỗ trợ của chính quyền địa phương. Ngược
lại, kinh tế địa phương có giàu mạnh hay không tùy thuộc trước hết vào số

152
lượng và chất lượng kinh doanh của các doanh nghiệp cũng như sự nỗ lực,
nhanh nhạy, sáng tạo của đội ngũ doanh nhân trên địa bàn. Điều này đòi hỏi
chính quyền địa phương quan tâm đúng mức, có sự chỉ đạo thường xuyên và
sâu sát đối với sự ra đời và hoạt động của các doanh nghiệp. Địa phương cần
vận dụng các chủ trương, chính sách của TW, cụ thể hóa trong khung pháp
luật chung cho phù hợp với đặc điểm địa phương; hỗ trợ, khuyến khích và tạo
mọi điều kiện thuận lợi cho việc tham gia kinh doanh và kinh doanh có hiệu
quả của các doanh nghiệp, các doanh nhân.
Để thực hiện điều đó, các cơ quan Nhà nước cấp tỉnh cần cải cách hành
chính hướng vào việc tạo thuận lợi cho các hoạt động đầu tư, kinh doanh của
doanh nghiệp và doanh nhân. Nhanh chóng rà soát và kiến nghị bãi bỏ các
giấy phép kinh doanh không cần thiết, những quy định trái pháp luật. Kiên
quyết chỉ đạo việc thực hiện tốt chủ trương "một dấu, một cửa", thực hiện
đúng tiến độ chương trình cải cách hành chính quốc gia 2000 - 2010. Đẩy
mạnh việc xây dựng văn hóa công sở, coi đây là một điều kiện hết sức quan
trọng nhằm phát triển văn hóa kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp, góp phần
tạo dựng truyền thống kinh doanh của doanh nhân Việt Nam nói chung, trên
địa bàn Đồng Nai nói riêng. Đặc biệt, các thủ tục hành chính cần được thiết
kế theo hướng để khi doanh nghiệp, doanh nhân thực hiện với thời gian ngắn
nhất và chi phí thấp nhất chứ không phải là theo cơ chế ''xin-cho''.
Với Đồng Nai, cũng cần phải nhấn mạnh thêm, chủ trương, nguyên tắc,
thủ tục hành chính mới nhưng tư tưởng của đội ngũ cán bộ công chức mà đổi
mới không kịp thời thì thủ tục dù có hay, có tốt đến đâu cũng không thể phát
huy tác dụng và đem lại hiệu quả như mong muốn. Trên thực tế, có những
vấn đề đã quy định cụ thể, thủ tục thông thoáng nhưng do nhận thức, thói
quen nuối tiếc cơ chế xin - cho của một bộ phận cán bộ, công chức hành
chính nên việc triển khai thực hiện vẫn gặp khó khăn và ách tắc. Do đó, cần
phải tạo được sự chuyển biến thực sự về tư duy và nhận thức của cán bộ, công
chức hành chính. Quan tâm giáo dục nâng cao trình độ chuyên môn, ý thức
tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước; để họ thấy
được vị trí, vai trò, tầm quan trọng của doanh nhân; giáo dục nâng cao văn
hoá ứng xử, giao tiếp trong công sở của cán bộ, công chức, viên chức Nhà
nước trên địa bàn tỉnh.

153
Đồng thời cần phải lành mạnh hoá bộ máy quản lý nhà nước. Việc lành
mạnh hoá bộ máy trước hết phải làm trong sạch đội ngũ cán bộ, công chức, vì
hiệu lực quản lý nhà nước phụ thuộc vào nhiều yếu tố, song yếu tố quyết định
là con người trong bộ máy. Yêu cầu phải xây dựng một đội ngũ cán bộ không
những giỏi về chuyên môn mà quan trọng là có phẩm chất chính trị, đạo đức
trong sáng mới có thể hoàn thành được nhiệm vụ.
Quy định rõ ràng và cụ thể trách nhiệm, quyền hạn của từng bộ phận
trong cơ quan Nhà nước, từng chức vụ và vị trí công tác, mối liên hệ công
việc giữa các cơ quan, bộ phận, chức vụ, vị trí công tác với nhau và với doanh
nghiệp, với người dân. Thực hiện thường xuyên việc giao lưu đối thoại giữa
cơ quan Nhà nước, các ngành liên quan với các doanh nhân để tháo gỡ những
khó khăn vướng mắc trong sản xuất kinh doanh; Nâng cao chất lượng các
cuộc đối thoại và hướng tới định chế hoá về mặt pháp luật việc đối thoại trao
đổi giữa doanh nhân với cơ quan Nhà nước, như mô hình “chính quyền đồng
hành cùng doanh nghiệp” của tỉnh nhà.
Thực tế cũng cho thấy, muốn phát triển được nhiều doanh nghiệp chính
là thái độ “thân thiện” của chính quyền địa phương, đó là việc sửa đổi các thủ
tục hành chính phức tạp, giảm phiền hà cho doanh nghiệp, trực tiếp giải quyết
khó khăn cho doanh nghiệp, định kỳ tổ chức các cuộc đối thoại giữa cơ quan
chức năng (thuế, hải quan, nhà đất, quản lý thị trường, cảnh sát kinh tế) với
các doanh nhân điều hành doanh nghiệp. Cùng một mặt bằng thể chế như
nhau, những địa phương có tốc độ phát triển nhanh là do có nhiều doanh
nghiệp được thành lập và hoạt động có hiệu quả, mà nguyên nhân chính là ở
đó, chính quyền đã thực sự là "chính quyền thân thiện" với doanh nghiệp.
Không phải chỉ những thuận lợi về vị trí địa lý, về giao thông, đường sá đã
thu hút các doanh nhân mở mang doanh nghiệp, mà chính là việc cải tiến thủ
tục hành chính, giảm thiểu các chi phí, thời gian đi lại của nhà đầu tư, tính
minh bạch, công khai của các thủ tục hành chính... đã là nhân tố chủ yếu hấp
dẫn, thu hút doanh nhân vào địa phương làm kinh doanh. Cần lưu ý rằng, xây
dựng và phát triển đội ngũ doanh nhân là một hoạt động lâu dài, phải kiên
nhẫn, biết chờ đợi; những địa phương chỉ muốn thu lợi sớm hơn thời gian đều
bị thất bại vì đã không đủ kiên nhẫn hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khó
khăn trong giai đoạn đầu để chờ ngày hái quả.
3.3.4. Đa dạng hóa mô hình hỗ trợ và đào tạo, bồi dưỡng doanh nhân

154
Thực trạng phổ biến ở nước ta là các chủ doanh nghiệp, giám đốc điều
hành doanh nghiệp và nhiều doanh nhân đa phần không được đào tạo chính
quy kiến thức về quản trị doanh nghiệp, quản trị kinh doanh, những mảng
kiến thức cơ bản liên quan đến quản lý, điều hành hoạt động của doanh
nghiệp. Ngay cả các doanh nhân có trình độ học vấn từ cao đẳng và đại học
trở lên thì cũng rất ít người được đào tạo kiến thức về quản trị doanh nghiệp
một cách bài bản. Việc điều hành doanh nghiệp của nhiều doanh nhân chủ
yếu là dựa trên kinh nghiệm. Do đó, các doanh nhân cần được hỗ trợ và cung
cấp các khóa đào tạo, hội thảo, chương trình ngắn hạn… nhằm nâng cao hiệu
quả hoạt động sản xuất kinh doanh trong các doanh nghiệp.
Với tư cách quản lý là một nghề đòi hỏi các doanh nhân nói chung và
giám đốc nói riêng phải có những kiến thức hiểu biết và những kỹ năng nhất
định về nghề nghiệp của mình. Yêu cầu này trở thành bắt buộc trong điều
kiện kinh doanh hiện nay. Trên thực tế biện pháp này có thể được thực hiện
bằng nhiều hình thức hoặc nhiều cách khác nhau. Ở đây chúng tôi xin nêu
một số hướng thực hiện chính như sau:
- Thành lập Trung tâm hỗ trợ và phát triển doanh nhân trên địa bàn. Để
phù hợp với đặc thù Đồng Nai, một tỉnh công nghiệp có nhiều doanh nghiệp,
nhiều hãng, nhiều công ty nước ngoài, nhiều nhà kinh doanh nước ngoài điều
hành các doanh nghiệp FDI, theo chúng tôi Đồng Nai cần xem xét, rà soát lại
các trung tâm đào tạo trên địa bàn, từ đó thành lập “Trung tâm hỗ trợ và phát
triển doanh nhân Đồng Nai”. Điều này khá thiết thực, hiệu quả, tác động tích
cực cơ bản và dài hạn đối với Đồng Nai, vì: (i) dân số tăng nhanh về quy mô
và chất lượng; (ii) kinh tế phát triển, thu nhập tăng cao; (iii) số lượng doanh
nghiệp tăng mạnh hàng năm và cả tương lai; (iv) như nhiều địa phương khác,
ước vọng làm giàu và cơ hội làm giàu khá thuận lợi; (v) tận dụng đội ngũ
doanh nhân người nước ngoài hoạt động trên địa bàn khu vực, mời tham gia
giảng dạy, tư vấn cho Trung tâm phát triển doanh nhân với mọi đối tuợng
thuộc đội ngũ doanh nhân trên địa bàn.
Trung tâm có vai trò trợ giúp cho doanh nhân trong hoạt động sản xuất
kinh doanh, cũng như bảo vệ quyền và lợi ích của các doanh nhân. Với sự ra
đời của Trung tâm hỗ trợ và phát triển doanh nhân, các hoạt động hỗ trợ của
Trung tâm sẽ đến với từng doanh nhân Đồng Nai cụ thể trên nhiều lĩnh vực
như: hỗ trợ về khởi sự doanh nghiệp, hỗ trợ về thị trường, hỗ trợ về công

155
nghệ, tư vấn xây dựng dự án, dịch vụ tìm kiếm các nguồn vốn tín dụng trong
và ngoài nước cho các dự án phát triển. Đồng thời Trung tâm cũng là nơi tổng
hợp, thống kê, phân tích, đánh giá hiệu quả hoạt động sản xuất – kinh doanh
của các doanh nhân trên địa bàn, từ đó tham mưu cho Đồng Nai đưa ra những
chủ trương, chính sách phát triển doanh nhân một cách hợp lý hơn. Như vậy,
Trung tâm này không những là chỗ dựa, là người bạn đồng hành cùng doanh
nhân, mà còn là cầu nối quan trọng giữa các doanh nhân trên địa bàn với các
cấp chính quyền ở Đồng Nai.
Để quá trình hoạt động của Trung tâm hỗ trợ và phát triển doanh nhân
Đồng Nai có hiệu quả, ngoài nỗ lực của Trung tâm, vấn đề cần quan tâm
trước hết là chính quyền địa phương nên tôn trọng tiếng nói của doanh nhân,
cùng với Trung tâm tổ chức những cuộc đối thoại thẳng thắn về những vấn đề
liên quan đến sản xuất kinh doanh, giải quyết những vấn đề xuất phát từ thực
tế cuộc sống, tạo thuận lợi đến mức cao nhất cho doanh nghiệp phát triển sản
xuất kinh doanh, đồng thời vẫn phải đảm bảo được sự quản lý cần thiết của
Nhà nước. Trong quá trình ban hành các quy định liên quan đến quản lý
doanh nghiệp trên địa bàn, Đồng Nai nên cho phép Trung tâm cùng với các
cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn xem xét, lấy ý kiến của cộng đồng
doanh nhân nhằm bảo đảm tính khả thi sau khi ban hành. Đồng thời Đồng Nai
cũng nên từng bước chuyển giao một số chức năng và một số dịch vụ công
của các cơ quan quản lý nhà nước đang thừa hành cho Trung tâm, những việc
mà Trung tâm có thể làm được và làm tốt để các cơ quan quản lý nhà nước
tập trung vào hoạch định chính sách và kiểm tra, giám sát.
Từ những điều trên, số lượng doanh nhân Đồng Nai sẽ tăng lên cả về số
lượng và cơ cấu thuộc ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh. Song về chất lượng
lại phụ thuộc vào đào tạo. Lập Trung tâm sẽ giúp doanh nhân tương lai phát
triển tốt hơn, có hiệu quả hơn, giảm thiểu phải trả giá đắt hơn vì những rủi ro,
mạo hiểm thiếu căn cú do năng lực trình độ yếu kém.
Cùng với chiến lược phát triển doanh nhân của tỉnh, Trung tâm sẽ hình
thành chương trình đào tạo, hỗ trợ, tư vấn kiến thức thông tin và tri thức kinh
doanh hiện đại phù hợp với điều kiện mới, phù hợp với ngành nghề trên địa
bàn Đồng Nai, nhờ đó doanh nhân Đồng Nai có cơ hội thành đạt, phát triển
hiệu quả hơn.

156
Trung tâm cần được chính quyền tỉnh quyết định, hỗ trợ các điều kiện
hoạt động ban đầu và nên giao cho một sở nắm được nhiều nhất thông tin và
doanh nghiệp, về con người trực tiếp quản lý. Trung tâm này có ý nghĩa
không chỉ với Đồng Nai mà còn với cả vùng và tỉnh lân cận.
- Thành lập vườn ươm doanh nhân. Đồng Nai là một tỉnh công nghiệp,
lại đông dân nên việc có nhiều doanh nhân và thành lập nhiều doanh nghiệp là
tất yếu, nằm trong chiến lược phát triển của tỉnh. Đồng Nai có nhiều thuận lợi
để xây dựng và phát triển vườn ươm doanh nhân. Đồng Nai là vùng kinh tế
trọng điểm đứng thứ 3 cả nước về thu hút đâu tư cho nên cũng là nơi thu hút
nguồn nhân lực lớn, hơn nữa Đồng Nai nằm cạnh thành phố Hồ Chí Minh nên
sự phát triển về tư duy trên thị trường là tương đối tốt, đặc biệt nhiều con em
Đồng Nai đang sinh sống ở nước ngoài vì thế nguồn tài chính của Việt Kiều
lớn, cộng với một thế mạnh nữa là có mặt bằng thuận lợi và có nguồn nông
sản, thực phẩm lớn. Mặt khác, chính quyền Đồng Nai luôn có sự quan tâm,
đồng hành cùng doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp
làm ăn phát triển, nâng cao năng lực và vị thế trên thương trường quốc tế.
Tuy nhiên, việc nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam vừa là cơ
hội vừa là thách thức cho Đồng Nai về năng lực cạnh tranh, về nguồn nhân
lực. Đồng Nai còn thiếu nguồn nhân lực trình độ cao do bị thu hút về thành
phố Hồ Chí Minh, lực lượng công nhân kỹ thuật chưa nhiều… Thực tế, trong
những năm gần đây, tốc độ hình thành các doanh nghiệp ở Đồng Nai là rất
mạnh, nhưng cũng có không ít doanh nghiệp bị giải thể. Các doanh nhân ở
Đồng Nai thành công và đứng vững chưa nhiều, vì thế cần có chính sách hỗ
trợ cho họ nhất là khi nước ta đã gia nhập WTO, để có đủ sức cạnh tranh với
các doanh nghiệp nước ngoài. Vì vậy, Đồng Nai cần và có thể phải thành lập
một vườn ươm doanh nhân. Vườn ươm doanh nhân sẽ là nơi hỗ trợ cho các
doanh nhân trẻ mong muốn và mới bước vào lĩnh vực kinh doanh. Vườn ươm
doanh nhân sẽ hoạt động theo mô hình doanh nghiệp hoạt động phi lợi nhuận,
mục đích cuối cùng là hỗ trợ cho các doanh nhân trẻ thành công trong kinh
doanh. Để thành lập được vườn ươm doanh nhân cần phải có chính sách hỗ
trợ của Nhà nước. Theo ông Đỗ Nam Trung, Giám đốc dự án vườn ươm
doanh nghiệp công nghệ Phú Thọ thuộc Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí
Minh cho biết: các doanh nghiệp xuất thân từ vườn ươm, sau 5 năm số doanh

157
nghiệp còn tồn tại và hoạt động hiệu quả là 80%, trong khi đó các doanh
nghiệp không xuất thân từ vườn ươm sau 5 năm chỉ còn tồn tại là 20%.
- Tranh thủ sự hỗ trợ phát triển doanh nhân từ các tổ chức quốc tế.
Chẳng hạn như: Chương trình Khởi sự và Tăng cường khả năng kinh doanh
(SIYB) do Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và Phòng Thương mại và Công
nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp thực hiện; Chương trình Hỗ trợ Khu vực
kinh tế Tư nhân Việt Nam (VPSSP) là Chương trình hợp tác giữa Chính phủ
Việt Nam với Liên minh Châu Âu, được thực hiện bởi Cục Phát triển doanh
nhân (ASMED) thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhằm đơn giản hoá và tăng
cường môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp ở cấp tỉnh…
Các chương trình, dự án của các tổ chức quốc tế nêu trên đã phần nào
hỗ trợ cho doanh nhân trên địa bàn đào tạo nguồn nhân lực, tăng cường khả
năng quản trị doanh nghiệp, tiếp cận với thiết bị công nghệ tiên tiến, hiện đại.
Đặc biệt là, doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận với các nguồn tài chính từ bên
ngoài để mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh trong điều kiện đang gặp
khó khăn, hạn chế về nguồn vốn. Tuy nhiên, sự hỗ trợ giúp đỡ của các tổ chức
quốc tế đối với các doanh nhân ở Đồng Nai nhìn chung còn nhiều hạn chế,
chẳng hạn như: số lượng các chương trình, dự án hỗ trợ của các tổ chức còn
rất nhỏ so với số lượng doanh nghiệp trong vùng. Do đó, Đồng Nai cần quan
tâm đến sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế; có chính sách thu hút sự trợ giúp,
đặc biệt là hỗ trợ kinh phí đối ứng cho các chương trình, dự án, tạo mọi điều
kiện thuận lợi cho các tổ chức quốc tế thực hiện các hoạt động hỗ trợ cho các
doanh nhân và doanh nghiệp trên địa bàn.
- Khuyến khích mở nhiều lớp đào tạo, bồi dưỡng và cập nhật kiến thức
hiện đại về quản trị kinh doanh cho giám đốc doanh nghiệp trên địa bàn theo
các mô hình, như:
+ Mô hình "Liên kết giữa các trường đại học trong nước với các doanh
nghiệp". Theo mô hình này các doanh nghiệp là người đặt hàng, nêu yêu cầu
và lựa chọn các chuyên đề trong chương trình bồi dưỡng. Thời gian học và
hình thức tổ chức học do doanh nghiệp quyết định. Trường đại học trong mô
hình này có trách nhiệm đáp ứng các yêu cầu của doanh nghiệp với chất
lượng cao nhất. Mô hình này tạo cho doanh nghiệp quyền chủ động rất cao
trong việc bổ sung kiến thức cần của mình. Mô hình này đã áp dụng ở nhiều
doanh nghiệp và nên triển khai mạnh mẽ hơn.

158
+ Mô hình "Liên kết đào tạo và bồi dưỡng giữa các trường đại học hoặc
các trung tâm đào tạo nổi tiếng trên thế giới với các trường đại học trong nước
phục vụ nhu cầu của các doanh nghiệp". Đây là mô hình đào tạo có thể giúp
các doanh nghiệp và các doanh nhân tiếp cận chuyển giao với các công nghệ,
phong cách và kiến thức kinh doanh mới và hiện đại một cách nhanh chóng
và hiệu quả cao. Đặc biệt trong mô hình này có thể giúp các doanh nghiệp và
doanh nhân Việt Nam nói chung, tại mỗi địa phương nói riêng, trong đó có
Đồng Nai khai thác được các kinh nghiệm, rút ra các bài học bổ ích cho công
việc thực tế của mình.
+ Mô hình "Liên kết giữa trung tâm hoặc tổ chức đào tạo nước ngoài
với doanh nghiệp Việt Nam".
- Cử cán bộ của doanh nghiệp đi tham quan hoặc tham gia các lớp bồi
dưỡng ngắn hạn ở nước ngoài.
Để các mô hình này có thể triển khai được trên thực tế đòi hỏi các
doanh nghiệp cần phải hình thành và phát triển thêm quỹ đào tạo. Việc chi
cho các công việc liên quan đến đào tạo phải được nhận thức như là một hình
thức đầu tư nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả sản xuất kinh doanh của
doanh nghiệp. Chỉ với cách tiếp cận này các doanh nghiệp mới có thể phát
triển mạnh được qũy đào tạo và, từ đó, công việc đào tạo mới trở thành là một
công việc thường xuyên và có chất lượng cao.
3.3.5. Tạo lập văn hoá kinh doanh cho các doanh nghiệp và doanh nhân
Thế kỷ 21 sẽ là kỷ nguyên của hội nhập kinh tế quốc tế và cạnh tranh trở
thành động lực chính thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp cũng như
các nền kinh tế. Hội nhập kinh tế quốc tế tạo ra những cơ hội tiếp cận thị
trường thế giới rộng lớn nhưng cũng buộc các doanh nghiệp phải đối mặt với
một môi trường nhiều rủi ro hơn và cạnh tranh gay gắt hơn. Khi đó mục tiêu
của các doanh nghiệp sẽ là đạt được những lợi thế cạnh tranh trên cơ sở khả
năng đổi mới và thích ứng nhanh chóng với môi trường kinh doanh và giành
được phần thắng trong cạnh tranh. Văn hoá doanh nghiệp sẽ đóng vai trò then
chốt trong việc giúp cho doanh nghiệp đạt được mục tiêu.
Tuy nhiên thực tế cho thấy, doanh nhân nhìn chung còn rất “bỡ ngỡ” với
các tiêu chuẩn cho hội nhập như: Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp; An
toàn vệ sinh lao động; Hệ thống quản lý môi trường; Phong cách làm việc
chuyên nghiệp và tính sáng tạo, sẵn sàng hợp tác. Trong khi đó, khi dạy làm

159
kinh doanh trên thương trường, doanh nhân các nước thường được học môn
đầu tiên là Đạo đức trong kinh doanh. Qua đó, xác định rõ rằng một doanh
nhân đích thực là một doanh nhân sáng tạo, đóng góp cho xã hội, không gây
hại cho xã hội mà làm lợi cho bản thân mình trên cơ sở làm lợi cho xã hội.
Bên cạnh đó, cần một hệ thống khuôn khổ pháp lý đầy đủ, rõ ràng nhằm thúc
đẩy doanh nhân tham gia hoạt động xã hội và một cơ chế kiểm tra kiểm soát
hữu hiệu sự thực thi đạo đức của doanh nhân.
Như vậy, khi hội nhập, văn hoá, cách cư xử của một doanh nhân, doanh
nghiệp với xã hội, cộng đồng sẽ thay đổi, mọi nhân viên thuộc doanh nghiệp
cũng phải thay đổi để thích nghi với quy trình kinh doanh mới, được chuẩn
hoá. Nhất là khi đã vào WTO, doanh nghiệp cần vượt qua chính mình để
thành thạo “luật chơi mới”, sẵn sàng liên kết với đối tác đáng tin cậy để đôi
bên cùng có lợi thay vì chỉ nghĩ đến quyền lợi của bản thân. Nếu không sớm
hình thành một nền văn hoá doanh nhân, doanh nghiệp phù hợp, chúng ta
không thể giải quyết được bài toán liên kết, không thể có được cơ chế phối
hợp hiệu quả để tạo nên những tập đoàn kinh tế lớn, nâng cao sức cạnh tranh
của nền kinh tế. Người Việt chúng ta thường chỉ mạnh, chỉ thật sự đoàn kết
trong thời khắc khó khăn. Ðây chính là thời điểm cần phải làm cho mọi doanh
nhân, doanh nghiệp và lớn hơn là toàn thể cộng đồng ý thức được điều này.
Văn hóa doanh nhân trước hết là biết cạnh tranh theo pháp luật, biết đầu
tư vào nguồn nhân lực, khoa học - công nghệ để vươn lên, vừa thu được lợi
nhuận, vừa đem lại lợi ích cho khách hàng. Văn hóa doanh nhân cũng là tuân
thủ pháp luật của nước mình và cũng phải tuân thủ các cam kết của WTO.
Hơn thế nữa, kinh doanh với các nền văn hóa khác nhau, doanh nhân Đồng
Nai cũng phải hiểu các nền văn hóa khác.
Để có được một nền văn hóa doanh nhân, doanh nhân phải xây dựng
mối quan hệ ứng xử tốt đẹp giữa các thành viên trong cộng đồng – là yếu tố
nền tảng để đạt tới sự thống nhất trong công việc kinh doanh. Các doanh nhân
cần giúp đỡ tương trợ nhau trong lúc khó khăn, cùng nhau quan tâm đến lợi
ích chung của khối doanh nghiệp. Đồng thời, phải xây dựng mối giao lưu cởi
mở, rộng rãi và tin cậy với các đối tác bên ngoài như quan hệ với Nhà nước,
quan hệ giữa doanh nhân với khách hàng, với các đối tác cạnh tranh… Trong
kinh doanh hiện đại, xây dựng nền văn hóa doanh nhân cần gắn với việc tổ
chức các hoạt động phong trào như đi thăm quan, nghỉ mát, vui chơi, văn

160
nghệ thể thao… để tạo không khí thoải mái cho các doanh nhân. Văn hóa
doanh nhân không phải là cái bất biến mà nó cần phải được thay đổi theo yêu
cầu của bộ máy tổ chức quản lý, phục vụ cho việc thực hiện mục tiêu của
doanh nhân. Nó phải được xây dựng dựa trên nền tảng là truyền thống và bản
sắc văn hóa dân tộc Việt Nam. Nền văn hóa của doanh nhân phải được sử
dụng như một yếu tố nâng cao khả năng thích nghi và năng lực cạnh tranh của
doanh nhân Đồng Nai nói riêng, doanh nhân Việt Nam nói chung.
Văn hóa kinh doanh đó là văn hóa được hình thành và phát triển trong
hoạt động kinh doanh bao gồm văn hóa thương nhân, văn hóa thương trường
và văn hóa trong doanh nhân. Trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, xây
dựng văn hóa kinh doanh là đòi hỏi tất yếu, nó chỉ có thể được xây dựng trên
cơ sở cạnh tranh lành mạnh, tôn trọng pháp luật, đặt chữ tín lên hàng đầu.
Nâng cao tầm văn hóa kinh doanh của các doanh nhân, hình thành văn
hóa kinh doanh trong các doanh nhân, đòi hỏi mỗi doanh nhân phải kinh
doanh có hiệu quả, có năng lực cạnh tranh cao, tôn trọng luật pháp, bảo đảm
nghĩa vụ đối với Nhà nước, đoàn kết gắn bó trong mỗi doanh nhân, gắn bó
doanh nhân với cộng đồng và xã hội.
Do đó, việc xây dựng văn hoá kinh doanh của doanh nhân, doanh nghiệp
Đồng Nai cần phải thực hiện trên các mặt sau đây:
Một là, xây dựng văn hoá kinh doanh của doanh nhân, doanh nghiệp
trước hết là văn hoá ứng xử trong doanh nghiệp phải phù hợp với đặc trưng
văn hoá của Đồng Nai, giữ gìn và phát huy, phát triển bản sắc Việt Nam.
Trong quan hệ lao động, văn hoá doanh nhân, doanh nghiệp không chỉ
dừng lại việc thi hành đúng pháp luật như trả lương, thưởng theo sức cống
hiến, thực hiện bảo hiểm xã hội... mà còn bao gồm bộ phận rất quan trọng là
xây dựng môi trường quan hệ giữa con người trong sản xuất kinh doanh dựa
nguyên tắc nhân ái, bình đẳng. Không ai hiểu và nắm chắc chiều sâu, bản sắc
văn hoá người dân Đồng Nai bằng chính cộng đồng người Đồng Nai, trong đó
có đội ngũ doanh nhân trên địa bàn. Họ là những người vừa phải khai thác,
phát huy đặc trưng, lợi thế cộng đồng, vừa phải kết hợp việc gìn giữ, phát huy
bản sắc văn hoá Việt Nam trong hoạt động kinh doanh trên thương trường, cả
trong và ngoài nước. Điều đó đòi hỏi phải tạo một môi trường sản xuất kinh
doanh khuyến khích sự sáng tạo, cổ vũ sự tiến bộ và đảm bảo sự phát triển tất
cả mọi người lao động. Thực hiện sự bình đẳng trên cơ sở phát huy tối đa mọi

161
năng lực của từng con người trong doanh nghiệp. Bình đẳng ở đây là sự bình
đẳng trong cơ hội học tập, cống hiến, thăng tiến và phát triển, nó trái với chủ
nghĩa bình quân, cào bằng lẫn lộn giữa người tài và người yếu kém. Sự bình
đẳng còn được thể hiện trong kỷ luật và trách nhiệm của mọi người trong kinh
doanh, một doanh nghiệp muốn phát triển, đi liền với khuyến khích đổi mới,
sáng tạo là phải có trật tự kỷ cương, chế độ trách nhiệm và chế tài nghiêm
minh, có như vậy môi trường đó mới thực sự là văn hoá kinh doanh.
Hai là, trong quan hệ kinh doanh, văn hoá doanh nghiệp, doanh nhân
phải bao gồm việc xây dựng chữ "tín" đối với đối tác và khách hàng. Xây
dựng chữ "tín" phải được đặt trọng tâm trong toàn bộ hoạt động kinh doanh,
trong đàm phán với đối tác, trong văn hoá kinh doanh đòi hỏi phải tìm được
và chấp nhận điểm dung hoà về lợi ích cho phép cả hai bên cùng có lợi và
công bằng, không được dùng các thủ đoạn chèn ép đối tác.
Chữ “tín” trong quan hệ kinh tế yêu cầu phải có thói quen bắt buộc giao
hàng đúng hẹn đúng hợp đồng, đúng chất lượng sản phẩm, quảng cáo phải
đúng sự thật, hướng dẫn khách hàng tiêu dùng đạt được lợi ích tối đa. Đó là
những phẩm chất quan trọng, thể hiện năng lực tổ chức của doanh nhân và đó
chính là yếu tố văn hoá.
Để xây dựng văn hóa doanh nhân, doanh nghiệp theo yêu cầu chữ "tín",
cần phải xây dựng hệ thống thông tin minh bạch, công khai và cần đến các thể
chế kiểm tra, kiểm toán độc lập, trung thực, qua các hệ thống các công ty có
năng lực chuyên môn như công ty giám sát, kiểm toán để đánh giá, thay mặt
khách hàng xác nhận chất lượng sản phẩm. Trong mọi trường hợp sự trung
thực và chữ tín cần được giữ gìn, không vì cái lợi nhỏ trước mắt mà làm ảnh
hưởng đến tiếng tăm của doanh nghiệp cũng như bộ mặt của cả nước.
Những người làm ăn chân chính việc giữ chữ tín với khách hàng là tiêu
chuẩn hàng đầu người ta phải đặt ra. Ngày nay không những thông tin của
khách hàng có rất nhiều, mà sự cạnh tranh của người bán còn nhiều hơn gấp
bội, chỉ cần một sự thất tín với khách hàng có thể dẫn tới những hậu quả khôn
lường, người xưa đã nói “một lần mất tín - vạn lần mất tin”, đó là việc mà mỗi
doanh nghiệp và doanh nhân luôn phải chú ý.
Ba là, văn hoá doanh nhân, doanh nghiệp còn được thể hiện ở việc kinh
doanh trong khuôn khổ pháp luật và thực hiện đúng pháp luật. Mục đích của
kinh doanh là mưu tìm lợi nhuận, việc mưu tìm này chỉ thực sự là hành vi có

162
văn hoá khi nó được đặt trong khuôn khổ pháp luật và chỉ trong khuôn khổ ấy
mới đảm bảo việc kinh doanh lâu bền.
Ý thức tôn trọng pháp luật trong văn hoá kinh doanh là một tiêu chuẩn
bắt buộc doanh nghiệp nào cũng phải có. Mỗi một doanh nghiệp có ý thức
làm việc theo pháp luật sẽ tạo nên hoạt động kinh tế đồng bộ trong cả nước.
Khi biết tôn trọng pháp luật, các doanh nghiệp làm ăn với nhau trước hết là
trên cơ sở luật pháp sau đó mới là bạn hàng với những mối quan hệ làm ăn,
chữ tín… Có như vậy hoạt động kinh tế sẽ trở nên thông thoáng, không ách
tắc, trì trệ làm khó dễ cho nhau và đồng thời là sự phát triển kinh tế chung của
cả nước. Việc tôn trọng pháp luật như việc thực hiện những nghĩa vụ thuế đối
với nhà nước, kinh doanh đúng theo luật pháp không vi phạm luật (như buôn
lậu, trốn thuế, kinh doanh không đúng mặt hàng đăng ký vv…) không những
tạo ra một môi trường kinh doanh lành mạnh mà còn tạo ra sự tăng trưởng
kinh tế chung cho cả nước.
Đó là những đòi hỏi từ phía các doanh nghiệp và doanh nhân. Tuy
nhiên, không thể đòi hỏi các doanh nhân phải tôn trọng pháp luật khi một môi
trường luật pháp còn bất cập, thiếu đồng bộ, thiếu nhất quán và thực thi pháp
luật chưa nghiêm minh. Do đó về phía chính quyền các cấp cũng cần phải có
những nỗ lực lớn. Đối với công chức lập pháp, phải hiểu biết và cập nhật
những tình hình mới nhất, những vấn đề nảy sinh để đề ra những bộ luật phù
hợp với môi trường mới. Về phía các nhà hành pháp phải có một bộ máy công
quyền vừa có trình độ nghiệp vụ cao, có sự hiểu biết và có văn hoá để tạo môi
trường cho hoạt động của doanh nghiệp. Tránh gây phiền hà, sách nhiễu,
tham nhũng và cản trở sự phát triển của doanh nghiệp. Cơ chế không nghiêm
túc và thông thoáng sẽ dẫn đến đủ các loại tệ nạn làm ô nhiễm môi trường
kinh doanh và cản trở sự phát triển của đất nước, của mỗi địa phương và
Đồng Nai không phải là ngoại lệ.
Để đạt được điều đó ngoài việc tuyên truyền giáo dục nâng cao ý thức
pháp luật trong kinh doanh thì phải xây dựng hệ thống pháp luật thực sự khoa
học, chuẩn mực đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi thực tế đời sống kinh tế. Hệ
thống pháp luật đó vừa rõ ràng cụ thể dễ hiểu đối với tất cả doanh nhân, tránh
tình trạng chung chung nhưng phải bao quát hết mọi khía cạnh của hoạt động
kinh doanh từng lĩnh vực và hạn chế tối đa sự sơ hở để các doanh nhân lách
luật. Pháp luật phải được xây dựng dựa trên nguyên tắc là doanh nhân, nhà

163
nước cùng tham gia và phải điều hoà được quyền, nghĩa vụ lợi ích của đôi
bên, tránh tình trạng đưa thuận lợi về phía cơ quan quản lý nhà nước còn đẩy
khó khăn sang doanh nghiệp, doanh nhân.
Bốn là, văn hoá doanh nhân chỉ được xây dựng dựa trên một nền tảng
tri thức nhất định. Vì vậy, việc xây dựng văn hoá doanh nhân, doanh nghiệp
cần phải gắn liền với giải pháp đào tạo nâng cao trình độ, tri thức kinh doanh
của doanh nhân. Chỉ có trên nền tảng tri thức doanh nhân ngày càng được
nâng cao thì mới có thể xây dựng văn hoá doanh nhân, doanh nghiệp đúng
nghĩa phù hợp với văn hoá dân tộc và thời đại. Môn đầu tiên các trường kinh
tế nước ngoài dạy làm doanh nhân là học đạo đức kinh doanh (Ethics of
business). Điều này nghĩa là khi một người làm gì gây hại cho cộng đồng, cho
xã hội nhằm thu lợi thì người đó không phải là doanh nhân. Một doanh nhân
đích thực là một doanh nhân sáng tạo, làm lợi cho bản thân mình trên cơ sở
làm lợi cho xã hội. Do vậy, trước hết, cần xây dựng và phát triển môn học này
trong các chương trình đạo tạo doanh nhân.
Bên cạnh đó, trong thời đại toàn cầu hoá và nối mạng toàn cầu hiện nay
không thể nói là doanh nhân mà không có trình độ hay chỉ cần có năng khiếu
kinh doanh nữa. Cũng không là lúc các vị doanh nhân sắm cho mình một bộ
máy vi tính hiện đại như là một đồ trang sức cho văn phòng giám đốc nữa.
Thời buổi thông tin mạng hiện nay đòi hỏi doanh nghiệp phải nắm được
những thông tin kịp thời nhất để đề ra những quyết định sản xuất và kinh
doanh cho doanh nghiệp mình. Thương trường thực sự là chiến trường khi
cuộc cạnh tranh ngày càng khốc liệt hơn. Hoạt động kinh doanh không còn bó
hẹp trong không gian một tỉnh, một khu vực hay một nước, mà cần phải vươn
xa ra ngoài cả biên giới. Muốn như vậy người lãnh đạo doanh nghiệp không
chỉ cần có học vấn chuyên môn, mà còn cần tới sự hiểu biết sâu rộng về nhiều
lĩnh vực khác nhau, về ngoại ngữ, về các công cụ, phương tiện hiện đại phục
vụ hoạt động kinh doanh.
Một thời gian người Nhật đánh bại người Mỹ trong lĩnh vực sản xuất ô
tô không chỉ vì giá rẻ, xe tốt và tiện lợi mà còn ở chỗ người Nhật nắm được
thị hiếu về màu sắc của người Mỹ. Như vậy, vấn đề là sự hiểu biết về văn
hoá, tâm lý, phong tục, tập quán của các nhà kinh doanh đối với khu vực dân
cư khác nhau. Muốn vậy họ phải có trình độ học vấn và sự hiểu biết nhất định
nơi họ sẽ tiến hành kinh doanh. “Nhập gia tuỳ tục”, người ta đến một nơi khác

164
hiểu biết phong tục, tập quán, lối sống, tâm lý thị hiếu của địa phương đó, thì
việc làm ăn trở nên thuận lợi, ấy là chưa kể nắm được ngôn ngữ của họ để
nghe được, nói được và hiểu được tất cả những nguyện vọng thắc mắc của
khách hàng thì lợi thế còn lớn hơn. Mặt khác, ngoại ngữ sẽ giúp người doanh
nhân có thể trực tiếp trao đổi, trực tiếp lắng nghe, tranh luận và chia sẻ cùng
khách hàng, có như vậy những ý tưởng, những sáng kiến được xuất hiện
nhanh nhất từ những cuộc trao đổi trực tiếp ấy. Cũng như vậy, với một trình
độ hiểu biết ngoại ngữ tốt, doanh nhân có thể trực tiếp tìm hiểu lề lối, pháp
luật cũng như tất cả các vấn đề đặt ra trong hoạt động kinh doanh của đối tác.
Điều này sẽ tránh được nhiều rủi ro không đáng có.
Năm là, các giá trị văn hoá phải giúp cho doanh nghiệp tạo dựng một
khả năng thích ứng tốt với những thay đổi của môi trường kinh doanh. Khả
năng thích ứng của mỗi doanh nghiệp phụ thuộc trước hết vào khả năng sáng
tạo và đổi mới - bao gồm việc chủ động thay đổi và liên tục cải tiến hoặc áp
dụng các phương pháp để thực hiện công việc, phản ứng nhanh chóng với đối
thủ cạnh tranh và loại trừ những cản trở đối với sự đổi mới. Học hỏi lẫn nhau
và học hỏi từ bên ngoài cũng tạo ra khả năng thích ứng của tổ chức. Sự biến
động của môi trường kinh doanh, công nghệ và phương pháp thực hiện công
việc là rất nhanh, đa dạng và phức tạp, do đó học hỏi sẽ giúp cho doanh
nghiệp duy trì được khả năng đổi mới. Muốn vậy, bên trong mỗi doanh
nghiệp, các thành viên phải coi học tập là một mục tiêu quan trọng hàng ngày,
tinh thần chấp nhận rủi ro được khuyến khích, kiến thức thông tin được chia
sẻ rộng rãi. Bên cạnh đó, các hoạt động của doanh nghiệp, trong đó có hoạt
động đổi mới, phải luôn hướng theo khách hàng. Lợi ích của khách hàng luôn
được tính đến trong các quyết định của doanh nghiệp. Tất cả các thành viên,
từ lãnh đạo cấp cao cho đến người công nhân sản xuất, phải thấu hiểu nhu cầu
của khách hàng. Để làm được điều đó, doanh nghiệp phải có một cơ chế
khuyến khích tất cả các thành viên trong doanh nghiệp có sự tiếp xúc trực tiếp
với khách hàng. Đó là cơ sở quan trọng để đảm bảo cho doanh nghiệp có thể
bám sát và phản ứng nhanh chóng với sự thay đổi nhu cầu khách hàng.
Sự kết hợp các yếu tố trên sẽ tạo ra một văn hoá kinh doanh- một năng
lực tổ chức vượt trội - để giúp cho doanh nghiệp, doanh nhân vượt lên trên
các đối thủ trên đường đua đầy rẫy những khó khăn, thách thức.

165
3.3.6. Tuyên truyền, giáo dục, khích lệ và tôn vinh các doanh nhân đóng
góp nhiều cho đất nước
Có thể nói, thái độ kỳ thị doanh nhân, ganh tỵ người giàu có là một
trong những cản trở lớn nhất trong quá trình phát triển đội ngũ doanh nhân
Việt Nam nói chung, ở địa phương nói riêng. Tư tưởng sắp xếp vị trí xã hội
theo kiểu " sĩ - nông - công - thương" đã ăn sâu vào tâm trí và tương đối phổ
biến trong nếp nghĩ của nhiều người. Bên cạnh nếp nghĩ truyền thống coi
thường của xã hội, doanh nhân Việt Nam còn bị ảnh hưởng bởi cách nhìn
nặng nề của cơ chế tập trung bao cấp tồn tại trong một thời gian rất dài ở
nước ta, hình ảnh của doanh nhân trong xã hội thường không đẹp và nghề
kinh doanh chưa được trân trọng. Thái độ kỳ thị và nếp nghĩ đó vừa không
phù hợp, vừa rất mâu thuẫn với bản tính, đặc trưng nhanh nhạy, năng động,
tháo vát trong hoạt động kinh tế của người dân Nam Bộ nói chung, người dân
Đồng Nai nói riêng.
Để khắc phục trở ngại trên, theo chúng tôi, cần có sự điều chỉnh lại thái
độ của xã hội đối với tầng lớp doanh nhân bằng các biện pháp sau:
Trước hết, thay đổi cách nhìn của xã hội về doanh nhân bằng hệ thống
thông tin đại chúng, coi đại đa số doanh nhân là tốt là chân chính, số xấu chỉ
là ít. Hình ảnh các giám đốc doanh nghiệp trong quan niệm xã hội một thời,
thể hiện trên phim ảnh truyền hình thường đồng nghĩa với việc tiêu tiền và
tham nhũng, phải được thay thế bằng những sự tôn vinh của xã hội tương
xứng với những đóng góp to lớn của họ. Mặt khác cũng cần tạo ra sự phê
phán đúng mức của xã hội đối với những hành vi tiêu cực của doanh nhân
trên các kênh thông tin đại chúng để qua đó sàng lọc doanh nhân, tạo ra đội
ngũ doanh nhân đích thực, góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh của họ, của đất
nước, của mỗi địa phương với truyền thống nổi bật và bản sắc cuả dân tộc.
Hai là, cần phải đổi mới nhận thức xã hội về khu vực kinh tế tư nhân và
vấn đề bóc lột. Mặc dù thời gian gần đây Đảng ta thực hịên nhiều chủ trương
chính sách để khuyến khích sự phát triển khu vực kinh tế tư nhân, tuy vậy
nhận thức của xã hội đối với khu vực kinh tế tư nhân còn chuyển biến chậm.
Điều này một mặt, do ảnh hưởng quá nặng nề về quan niệm kinh tế tư nhân
trong thời bao cấp, vì nó đồng nghĩa với phạm trù bóc lột, tự phát theo con
đường tư bản chủ nghĩa. Mặt khác, trong thực tế hoạt động kinh tế tư nhân
hiện nay cũng còn bộc lộ nhiều tồn tại, đó là nguyên nhân cơ bản làm chậm

166
thay đổi nhận thức về khu vực kinh tế tư nhân. Những năm gần đây, ở nước ta
nói chung, một tỉnh nhiều tiềm năng như Đồng Nai nói riêng, khu vực kinh tế
tư nhân phát triển mạnh, đóng góp nhiều mặt cho địa phương. Song sẽ có sự
phát triển và đóng góp nhiều, hiệu quả hơn nếu các doanh nghiệp tư nhân, các
doanh nhân khu vực này có nhiều điều kiện thuận lợi hơn. Điều đó phụ thuộc
vào chính quyền trên địa bàn. Do đó trong cách nghĩ của chính quyền và dư
luận xã hội cần phải thay đổi tư duy theo hướng tạo thuận lợi cho các doanh
nghiệp, các doanh nhân khu vực tư nhân.
Chỉ trên cơ sở thay đổi quan niệm xã hội theo hướng tích cực nói trên
mới có thể có các giải pháp căn bản thúc đẩy nhanh sự phát triển của doanh
nhân. Sự thay đổi đó chỉ thực hiện được khi chúng ta có những chính sách
đồng bộ, tạo ra bình đẳng thực sự đối với mọi thành phần kinh tế.
Ba là, cần có sự đánh giá công bằng đối với doanh nhân. Ai cũng cần có
sự công bằng, doanh nhân cũng vậy. Công bằng với doanh nhân trước hết là
thái độ đối xử công bằng của Nhà nước, của các cơ quan bảo vệ pháp luật,
của các nhà báo và của toàn xã hội khi đánh giá đúng – sai, cái hay và chưa
hay. Một việc làm của một doanh nhân có thể được đánh giá khác nhau,
nhưng yếu tố cốt lõi nhất, có tính bản chất nhất là doanh nhân đó có làm lợi
cho dân, cho nước không? Hành lang pháp lý có lúc quá mênh mông, có lúc
lại quá chật hẹp và thường đi sau đòi hỏi của cuộc sống. Trong bối cảnh đó,
doanh nhân “va đập” với hành lang pháp lý là chuyện dễ xảy ra. Nếu như sự
“va đập” đó mà hiệu quả cuối cùng là vì dân giàu nước mạnh thì doanh nhân
đó cần phải được tôn vinh. Còn nếu lúc nào “cũng đúng”, nhưng đóng góp rất
ít cho xã hội thì cái đúng của doanh nhân đó như không. Đồng thời, cần phải
khẳng định giá trị của doanh nhân trong giai đoạn xây dựng đất nước hiện
nay. Trước đây trong sự nghiệp chiến đấu bảo vệ độc lập dân tộc, thống nhất
đất nước nếu vai trò của các quân đoàn, binh đoàn bộ đội, vai trò của các
tướng lĩnh quyết định thắng lợi trên chiến trường, thì ngày nay trong xây
dựng kinh tế vai trò của các doanh nghiệp (các tập đoàn kinh tế), vai trò của
doanh nhân quyết định chiến thắng trên các thương trường... Do vậy, cần
chuyển đổi các giá trị đạo đức cho phù hợp: nếu trước đây tinh thần yêu nước
thể hiện ở giá trị đạo đức cao cả là phấn đấu cho độc lập tự do của dân tộc
(Không có gì quý hơn độc lập tự do) thì ngày nay tinh thần yêu nước phải thể
hiện ở quyết tâm chấn hưng đất nước, phấn đấu vì mục tiêu “dân giàu, nước

167
mạnh” đó là một giá trị đạo đức cao đẹp – Doanh nhân phải là người nêu cao
giá trị đạo đức mới và là nhân vật tiêu biểu cho giá trị đó.
Bốn là, tuyên truyền khơi dậy tinh thần doanh nghiệp (hay nhà doanh
nghiệp), nâng cao nhận thức của xã hội đối với doanh nghiệp, doanh nhân.
Tinh thần doanh nghiệp được hiểu là ý chí tiến thủ của nhà doanh nghiệp,
không bằng lòng với cái hiện tại đã có mà là xông xáo tìm kiếm nắm bắt cho
được các cơ hội do công nghệ và thị trường mang lại. Người có tinh thần
doanh nghiệp biết nhìn xa trông rộng, biết có những bất trắc, rủi ro, nhưng
không chùn bước, vẫn quyết đoán và đi tới hành động đầu tư, sản xuất.
Có thể thấy, tinh thần doanh nghiệp bao gồm một số nhân tố sau đây:
Nỗ lực tìm kiếm công nghệ và thị trường mới; Tích cực đầu tư, có "tinh thần
mạo hiểm", chấp nhận rủi ro; Có ý chí mưu tìm lợi nhuận chứ không phải
mưu tìm đặc lợi. Đây là yếu tố quan trọng tạo nên tinh thần doanh nghiệp,
hơn nữa, nó còn nói lên tính chất cao thượng trong hoạt động kinh doanh;
Đạo đức trong kinh doanh, tức là nhà kinh doanh có bản lĩnh, tự trọng và có
lý tưởng không bao giờ hành động trái ngược với đạo đức.
Trong lịch sử dân tộc, nhất là trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, giải
phóng miền Nam, “miền Đông gian lao mà anh dũng”, trọng nghĩa khí, kiên
cường, có ý chí vươn lên. Đồng Nai là một tỉnh tiêu biểu của miền Đông, do
đó cần và đủ điều kiện vật chất, tinh thần, ý chí, chính quyền và đội ngũ
doanh nhân trên địa bàn phát huy truyền thống trong lĩnh vực kinh doanh,
phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.
Ở Đồng Nai, “chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp”, nhưng dưới
góc độ phát triển doanh nhân, cần có những biện pháp tích cực tuyên truyền,
giáo dục giá trị, vai trò xã hội của người doanh nhân trong thời kỳ công
nghiệp hoá, hiện đại hoá tỉnh nhà để thu hút ngày càng nhiều người, nhất là
giới trẻ, định hướng lập nghiệp bằng con đường kinh doanh. Xây dựng các
chương trình tuyên truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng của
Trung ương và địa phương, biểu dương các cá nhân tiêu biểu, tích cực trong
công tác hỗ trợ khởi sự và phát triển doanh nghiệp.
Cần tăng cường đối thoại, gặp gỡ giữa các cấp chính quyền địa phương
với các hiệp hội, câu lạc bộ doanh nghiệp, các tổ chức quần chúng, tổ chức
các đợt tham quan, khảo sát, học hỏi kinh nghiệm làm ăn, điển hình tốt về
khởi nghiệp cho các hộ nông dân, các chủ trang trại, người buôn bán nhỏ có

168
tiềm năng. Xây dựng các chương trình phổ biến ý chí kinh doanh ngay từ
trong nhà trường, kể cả ở trường phổ thông trên địa bàn tỉnh.
Năm là, thực hiện thường xuyên các chương trình tôn vinh doanh nhân
tiêu biểu, doanh nhân giỏi cùng với chương trình quốc gia. Một mặt để thay
đổi nhận thức xã hội về doanh nhân, mặt khác động viên, khuyến khích doanh
nhân nỗ lực làm giàu cho mình, cho địa phương và cho đất nước. Mỗi một
giai đoạn lịch sử đều có những nhân vật trung tâm để xã hội nhìn nhận, tôn
vinh và noi theo, trong chiến tranh nhân vật đó là người lính, trong giai đoạn
phát triển kinh tế và hội nhập đó là những doanh nhân.
Nhìn lại một chút lịch sử của đội ngũ doanh nhân, từ lúc cụm từ doanh
nhân chưa có chỗ trong từ điển tiếng Việt đến lúc được nhắc tới trên báo chí,
rồi có một ngày doanh nhân Việt Nam chính thức được tôn vinh. Đó là sự ghi
nhận, động viên vô giá với đội ngũ doanh nhân Việt Nam. Các nghị quyết của
Đảng và Nhà nước cũng đã đề cập nhiều tới DN, doanh nhân. Nhưng vẫn cần
phải có sự thống nhất cao hơn nữa trong nhận thức xã hội về vị trí, vai trò của
doanh nhân, về quan điểm, chủ trương chính sách và những biện pháp xây
dựng đội ngũ doanh nhân Việt Nam nói chung, trên mỗi tỉnh thành, trong đó
có Đồng Nai nói riêng phù hợp với tình hình mới để tiếp tục củng cố lòng tin
và định hướng của cộng đồng doanh nhân Việt Nam trong các nỗ lực làm giàu
cho mình và cho đất nước.
Hiện nay, xã hội ta đã bắt đầu thực hiện sự tôn vinh doanh nhân qua các
chương trình như: ngày doanh nhân Việt Nam, các giải thưởng cho các doanh
nhân tiêu biểu như "Sao vàng đất Việt", giải "Sao đỏ", giải thưởng “Hàng
Việt nam chất lượng cao”. Ở nước ngoài, đã diễn ra buổi “Diễn đàn thế giới
của doanh nhân Việt Nam” tại Pháp vào ngày 14 và 15/11/2008 với 250 đại
biểu là doanh nhân Việt Nam đang sinh sống, làm việc ở châu Âu, Hoa Kỳ,
Canada và Việt Nam tham dự,... Tuy vậy, sự tôn vinh đó vẫn còn mang tính
chất phong trào và mới ở cấp độ tổ chức xã hội, quần chúng, nó chưa thực sự
đủ sức mạnh lôi cuốn xã hội và doanh nhân. Để cho sự tôn vinh đó trở thành
động lực thúc đẩy sự phát triển doanh nhân, cần được thực hiện dưới nhiều
hình thức đa dạng, phong phú ở nhiều cấp độ khác nhau và cần có chương
trình cấp quốc gia để tôn vinh những doanh nhân giỏi có nhiều đóng góp cho
sự phát triển kinh tế nhà nước.

169
Thứ sáu, tuyên truyền động viên đội ngũ doanh nhân chủ động, tự
giác, tích cực tham gia các hoạt động xã hội từ thiện, các hoạt động xã hội
khác. Bên cạnh các hoạt động kinh doanh thuần tuý, các doanh nhân với tư
cách là những người có tiềm lực về vật chất trong xã hội, cần có trách nhiệm
đóng góp vào các hoạt động chung. Trách nhiệm của doanh nghiệp đối với xã
hội đang ngày càng trở nên quan trọng và góp phần không nhỏ tạo nên thương
hiệu. Doanh nhân, doanh nghiệp được coi là đội quân chủ lực đưa dân tộc,
đưa nước ta, cũng như mỗi tỉnh, thành phát triển nhanh, bền vững về kinh tế
vừa giải quyết tốt các vấn đề xã hội. Bên cạnh các khía cạnh luật pháp như
không gây ra tác hại với môi trường sinh thái, quan tâm đến người lao động
về mặt vật chất và tinh thần, sản phẩm có chất lượng tốt không gây tổn hại
sức khoẻ người tiêu dùng… doanh nghiệp còn phải dành một phần lợi nhuận
của mình đóng góp cho các hoạt động trợ giúp cộng đồng. Thực hiện đúng và
đầy đủ những điều này, một yếu tố quan trọng với nhà doanh nghiệp là phải
có đầy đủ kiến thức chuyên môn, đầy đủ kiến thức về sản phẩm - dịch vụ do
chính họ cung cấp hoặc làm ra và chịu trách nhiệm trước pháp luật về sản
phẩm - dịch vụ đó.
Doanh nhân phải đóng thuế đầy đủ và minh bạch, đồng thời tuỳ theo
khả năng của mình mà tích cực tham gia các hoạt động xã hội từ thiện. Hoạt
động này diễn ra theo kế hoạch dài hạn với những mục tiêu cụ thể chắc chắn
sẽ tạo được hiệu quả và hiệu ứng dây chuyền trong xã hội. Cũng nên hiểu
rằng đó cũng là cách đầu tư dài hạn, bởi lẽ một xã hội phát triển ổn định và
phồn vinh, có trình độ tổ chức và văn hoá cao, sẽ là điều kiện cần thiết để
hoạt động kinh doanh thuận lợi và nâng cao vị thế của doanh nhân trong cách
nhìn, quan điểm sống của xã hội.
Khi thành lập một doanh nghiệp, những người sáng lập đã đặt lên vai
mình trọng trách đối với xã hội: trách nhiệm với khách hàng, nhân viên, đối
tác, với môi trường và cộng đồng dân cư chung quanh… Tư tưởng và quan
điểm này sẽ phải thể hiện rõ qua các hoạt động, từ hoạch định chiến lược, văn
hoá công ty, xây dựng thương hiệu cho đến liên kết, cạnh tranh, chất lượng
sản phẩm, dịch vụ khách hàng, hậu mãi… Để có được niềm đam mê kinh
doanh thực sự, để doanh nghiệp phát triển bền vững thì phải có động lực lớn,
một động lực thăng hoa thành giá trị lớn vượt lên trên những lợi nhuận đơn
thuần. Một doanh nghiệp mạnh phải là doanh nghiệp do nhu cầu xã hội và vì

170
xã hội, từ xã hội mới thấy được nhu cầu, rồi đáp ứng nhu cầu và tạo ra nhu
cầu mới cho xã hội. Đây là điều mà mỗi doanh nhân chân chính cần phải nhận
ra và coi đó như kim chỉ nam của mình. Các doanh nhân phải tập trung lãnh
đạo doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, nâng cao đời sống vật chất tinh thần
cho công nhân, tạo nhiều sản phẩm đạt chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu đời
sống của nhân dân. Vì vậy, đẩy mạnh sản xuất, giải quyết việc làm, nâng cao
đời sống vật chất, tinh thần của các tầng lớp nhân dân là con đường để xây
dựng, củng cố niềm tin, tình cảm đối với hình ảnh doanh nhân, là thước đo
tính đúng đắn của các giải pháp, cũng chính là thước đo tài - đức của doanh
nhân.
3.3.7. Nâng cao chất lượng các chương trình hỗ trợ, tư vấn cung cấp
thông tin, xúc tiến thương mại cho doanh nhân
Ðể tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp tiếp cận các thông tin
chính thức từ các cơ quan Chính phủ và các cơ quan liên quan, trong thời gian
qua Đồng Nai đã tổ chức nhiều cuộc gặp gỡ giữa các doanh nghiệp trên địa
bàn với các cơ quan chính quyền địa phương nhằm trao đổi thông tin, đối
thoại về những vấn đề doanh nghiệp quan tâm, đồng thời chia sẻ thông tin từ
chính cộng đồng doanh nghiệp đã được tổ chức, góp phần cung cấp những
thông tin chính xác, kịp thời cho doanh nghiệp để định hướng kinh doanh.
Tuy nhiên, thiếu thông tin, đặc biệt là những thông tin có tính dự báo,
phục vụ cho hoạt động kinh doanh vẫn đang là một khó khăn lớn nhất của
doanh nghiệp hiện nay. Vì vậy, các cơ quan chức năng của Đồng Nai cần tăng
cường các hoạt động nghiên cứu, dự báo và phổ biến kịp thời, công khai các
thông tin kinh tế đến các doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp. Ðây cũng
chính là cơ sở để doanh nghiệp có thể nâng cao chất lượng xây dựng và điều
hành chiến lược đầu tư, kinh doanh của mình.
Việc hỗ trợ này không chỉ giúp các doanh nhân ra quyết định đúng mà
còn giúp các doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, thực hiện các phương án
kinh doanh hiệu quả hơn. Mặt khác, việc nghiên cứu thị trường thế giới là một
việc rất phức tạp đối với các doanh nghiệp bởi giới hạn về trình độ, khả năng
ngoại ngữ, nguồn tài chính eo hẹp… Nếu như trước đây, chúng ta thường tập
trung vào các yếu tố liên quan tới các hàng rào thuế quan và phi thuế quan, thị
hiếu người tiêu dùng thì hiện nay các vấn đề mới, thay đổi nhanh như tỷ giá,
sức mua của đồng tiền nội tại, thu nhập người dân, khả năng người tiêu dùng

171
sử dụng các mặt hàng thay thế, vai trò của các nhà bán buôn, bán lẻ... là
những yếu tố quan trọng mà doanh nghiệp phải luôn tính đến.
Trong bối cảnh đó, Đồng Nai cần phải phát triển mạnh hệ thống thông
tin với quốc gia bằng chi phí từ ngân sách nhà nước với nhiều hình thức khai
thác thông tin khác nhau để cung cấp cho doanh nghiệp và các doanh nhân.
Tại các nước đang phát triển, nghiên cứu thị trường thế giới là việc phức tạp
đối với các cơ quan chính phủ bởi hầu hết họ chưa quen và chưa hề được
chuẩn bị cho công việc này. Doanh nghiệp, doanh nhân rất khó khăn để tìm
hiểu thông tin thế giới, cũng như thực hiện những hoạt động tiếp thị và cạnh
tranh ra bên ngoài. Sự giới hạn về trình độ, khả năng ngoại ngữ, nguồn vốn là
những trở ngại chính. Mặt khác trong điều kiện hội nhập quốc tế mà phần lớn
các doanh nghiệp ở địa phương đang còn nhiều hạn chế về tài chính, năng lực
kinh doanh, kinh nghiệm quốc tế thì việc doanh nhân nắm bắt thông tin thị
trường trong nước, quốc tế sẽ gặp nhiều khó khăn, khó có điều kiện để tiếp
cận nếu như không có sự hỗ trợ từ phía nhà nước và các tổ chức khác. Vì vậy,
các hoạt động hỗ trợ của chính quyền tỉnh Đồng Nai và cơ quan chức năng
trên địa bàn tỉnh cần phải được chuyên nghiệp hoá theo yêu cầu sau:
- Tăng cường hỗ trợ cung cấp thông tin cho doanh nhân bằng việc khẩn
trương ứng dụng công nghệ thông tin trong hệ thống quản lý nhà nước, xây
dựng phát triển mạng lưới cung cấp thông tin nhằm cung cấp đầy đủ, kịp thời
thông tin về pháp lý, các văn bản pháp luật và thủ tục hành chính liên quan tới
thành lập, thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh, chuyển đổi doanh nghiệp,
thủ tục giải thể, phá sản; cung cấp thông tin về cơ hội đầu tư và các điều kiện
thực hiện sản xuất kinh doanh như hỗ trợ doanh nhân trong việc lựa chọn hình
thức đầu tư và địa bàn đầu tư, tiếp cận các nguồn công nghệ tiên tiến, cung
cấp các thông tin về tình hình diễn biến thị trường...
- Tổ chức tốt công tác nghiên cứu và dự báo kinh tế - xã hội, nghiên
cứu và dự báo thị trường. Trong điều kiện hội nhập và cạnh tranh gay gắt,
công tác nghiên cứu và dự báo kinh tế - xã hội, dự báo thị trường là một đòi
hỏi cấp thiết nhằm giúp các doanh nhân định hướng được chiến lược kinh
doanh của mình cho phù hợp với những biến động của nền kinh tế. Do đó,
Nhà nước cần đầu tư và quan tâm hơn nữa tới các cơ quan nghiên cứu và dự
báo về kinh tế – xã hội, về thị trường; làm cầu nối giữa các trung tâm nghiên
cứu với doanh nhân để những thông tin khoa học thực sự quan trọng đến được

172
với đông đảo cộng đồng doanh nhân, trở thành cơ sở cho những quyết sách
đúng đắn và kịp thời của doanh nhân.
- Hỗ trợ doanh nhân xúc tiến thương mại thông qua việc tổ chức hội
thảo, hội chợ triển lãm, giới thiệu hàng hóa… nhằm tạo điều kiện cho doanh
nhân có điều kiện tiếp cận thị trường trong và ngoài nước.
+ Tăng cường hỗ trợ doanh nhân phát triển thương hiệu thông qua
Chương trình quốc gia tổng thể về nâng cao khả năng cạnh tranh cho thương
hiệu Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế, đặc biệt là tại thị trường
xuất khẩu trọng điểm. Mặt khác, tăng cường hỗ trợ doanh nhân quảng bá
thương hiệu Việt Nam ra thị trường nước ngoài để người tiêu dùng biết đến
các thương hiệu Việt Nam nhiều hơn nhằm nâng cao giá trị và sức cạnh tranh
của thương hiệu Việt Nam trên thị trường quốc tế; hỗ trợ doanh nhân đăng ký
thương hiệu ở nước ngoài; hỗ trợ doanh nhân bảo hộ thương hiệu trên thị
trường quốc tế; tăng cường hỗ trợ thông tin, đào tạo, dịch vụ tư vấn cho
doanh nhân trong việc xây dựng và quảng bá nhãn hiệu hàng hóa và thương
hiệu doanh nhân.
+ Hỗ trợ khởi nghiệp là một hoạt động có ý nghĩa vô cùng quan trọng
đối với doanh nhân. Song, hoạt động này hiện nay mới chỉ là bước đầu, chủ
yếu tập trung ở khâu tuyên truyền phổ biến về chủ trương, chính sách, luật
doanh nghiệp, các luật liên quan và hướng dẫn các thủ tục cần thiết, cách thức
thành lập doanh nghiệp.
Để nâng cao chất lượng hoạt động hỗ trợ này ngoài những vấn đề thực
tế đang tiến hành trên đây thì điều quan trọng là phải chú trọng đi sâu vào
chất lượng của sự hỗ trợ. Nhà nước, các hiệp hội của doanh nhân cần tổ chức
các khoá đào tạo, hướng dẫn về các thủ tục khởi sự doanh nghiệp, đào tạo
kiến thức cơ bản về quản trị kinh doanh.
Để chương trình thực hiện có hiệu quả cần phải có sự hỗ trợ về phương
tiện, kinh phí hoạt động và cần thiết phải huy động sự tham gia rộng rãi của
các hiệp hội doanh nhân, các tổ chức xã hội, các tổ chức tư vấn, các phương
tiện thông tin đại chúng vào hoạt động hỗ trợ khởi sự doanh nghiệp.
+ Đối với hoạt động tư vấn, cung cấp thông tin, xúc tiến thương mại,
đây là những dịch vụ vô cùng cần thiết đối với doanh nhân. Kinh nghiệm
quốc tế về vấn đề này cho thấy hoạt động hỗ trợ này mạnh và chất lượng cao

173
sẽ là yếu tố rất quan trọng giúp doanh nhân có các quyết định sáng suốt, chính
xác các hoạt động kinh doanh.
Hoạt động hỗ trợ này ở nước ta nói chung Đồng Nai nói riêng chỉ mới
ở giai đoạn bắt đầu, còn thiếu kinh nghiệm và tính chuyên nghiệp, do đó hiệu
quả còn rất thấp, chưa thực sự đủ uy tín để thu hút mọi doanh nhân tham gia.
Để nâng cao chất lượng hoạt động tư vấn, cung cấp thông tin, xúc tiến thương
mại hỗ trợ sự hình thành, phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả
kinh doanh của doanh nhân cần thực hiện theo hướng sau:
Ở tầm vĩ mô của nhà nước, những hoạt động hỗ trợ này phải được xây
dựng thành chương trình quốc gia, thực hiện thường xuyên nằm trong chiến
lược quốc gia về phát triển doanh nghiệp, doanh nhân. Nội dung chương trình
phải xác định rõ mục tiêu, nội dung hỗ trợ, nguồn kinh phí, cơ chế thực hiện,
đối tượng thụ hưởng, cơ chế giám sát và tiêu chuẩn đánh giá.
Đối với Đồng Nai cần có cơ chế để xúc tiến nhanh sự hình thành các
trung tâm tư vấn, cung cấp thông tin, xúc tiến thương mại hỗ trợ doanh nhân.
Các trung tâm dịch vụ hỗ trợ này phải thường xuyên giúp doanh nhân cập
nhập cung cấp các thông tin cần thiết về thị trường, đầu tư, khoa học công
nghệ... Thực hiện thường xuyên việc tổ chức các triển lãm, hội chợ với quy
mô lớn tạo điều kiện cho doanh nhân tham gia, qua đó họ có thể tiếp cận về
đối tác, giá cả, mẫu mã, công nghệ từ đó thúc đẩy hoạt động kinh doanh.
3.3.8. Nâng cao vai trò, năng lực và chất lượng hoạt động của hiệp hội
theo hướng chuyên nghiệp hoá trong việc hỗ trợ doanh nhân
Trong điều kiện hội nhập, các biện pháp hành chính của Chính phủ sẽ
khó có thể thực hiện trực tiếp nhằm yểm trợ cho doanh nghiệp. Nhưng những
biện pháp hỗ trợ gián tiếp thông qua hiệp hội doanh nghiệp, đặc biệt là việc
liên kết tự nguyện của doanh nghiệp sẽ là cơ chế phù hợp với các quy định
của WTO. Do vậy, Đồng Nai cần phải sắp xếp và củng cố lại hiệp hội doanh
nghiệp trên địa bàn, bảo đảm hiệp hội doanh nghiệp hoạt động một cách thiết
thực và hiệu quả.
Hiệp hội doanh nhân như đã có ở nhiều quốc gia hoặc có tính khu vực,
quốc tế là cầu nối rất quan trọng giữa doanh nhân và chính quyền, thông qua
tổ chức này sẽ hỗ trợ doanh nhân trong việc nắm bắt các thông tin về pháp
luật, chính sách của nhà nước và các vấn đề khác liên quan đến hoạt động của
doanh nhân. Đồng thời thông qua hiệp hội để doanh nhân đề đạt các nguyện

174
vọng, những đóng góp giúp nhà nước bổ sung kịp thời các chính sách, văn
bản pháp quy và giải quyết các vướng mắc của doanh nghiệp tạo điều kiện
cho doanh nhân phát triển tốt hơn. Hiện tại hoạt động của câu lạc bộ doanh
nhân, hiệp hội doanh nhân nói chung còn nhiều hạn chế, chưa thể hiện được
tính chuyên nghiệp cao còn nhiều vướng mắc trong cơ chế, kinh phí hoạt
động, năng lực tổ chức quản lý, cũng như sự hỗ trợ từ phía nhà nước, cho nên
sự hỗ trợ của tổ chức này đối với doanh nhân hiệu quả chưa tương xứng với
vai trò của nó.
Phát triển đội ngũ doanh nhân ở nước ta nói chung, Đồng Nai nói riêng
không thể thiếu vai trò của các hiệp hội doanh nghiệp và các hiệp hội ngành
nghề. Đội ngũ doanh nhân sẽ chỉ có sức mạnh khi được liên kết với nhau theo
từng ngành nghề, tạo thành sức mạnh tổng hợp trên thương trường. Vai trò
của các hiệp hội thể hiện đậm nét ở chỗ liên kết từng doanh nhân lại với nhau
thành một sự thống nhất nhằm nâng cao tính cạnh tranh của các doanh
nghiệp. Do đó, Việt Nam cần xây dựng và nâng cao hiệu quả hoạt động của
mạng lưới hiệp hội, các tổ chức tư vấn và trợ giúp doanh nhân. Với tư cách là
hiệp hội của các hiệp hội, là người đại diện cho giới sử dụng lao động, là một
tổ chức quốc gia có bề dầy về kinh nghiệm và mạng lưới hỗ trợ doanh nhân,
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cần thể hiện được vai trò của
mình trong việc hỗ trợ và liên kết các doanh nhân.
Trong điều kiện kinh tế thị trường, vai trò của các hiệp hội ngày càng
được thể hiện rõ nét và ảnh hưởng to lớn đến định hướng và quá trình hoạt
động của các doanh nghiệp và doanh nhân. Các hiệp hội doanh nghiệp không
còn chỉ giữ vai trò cầu nối, xúc tiến mà còn hỗ trợ đắc lực cho các doanh
nghiệp về định hướng và quá trình hoạt động của các doanh nghiệp, về một
loạt các lĩnh vực như tư vấn, cung cấp thông tin, tổ chức diễn đàn, cung cấp
các dịch vụ đào tạo, các dịch vụ hỗ trợ, tham gia đàm phán, bảo vệ quyền và
lợi ích của các doanh nghiệp... Chính vì vậy cần chú trọng nâng cao vai trò và
khả năng hoạt động hỗ trợ doanh nhân của các hiệp hội doanh nghiệp. Trong
giai đoạn vừa qua, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và các hiệp
hội khác đã làm khá tốt vai trò này, trở thành người đại diện cho cộng đồng
các doanh nghiệp để phản ảnh những tâm tư, nguyện vọng của giới doanh
nghiệp đến các cơ quan của Chính phủ. Để từ đó, Chính phủ sẽ có những

175
chính sách phát triển doanh nhân có hiệu quả hơn, góp phần xây dựng môi
trường kinh doanh lành mạnh hơn cho các doanh nhân.
Trong nền kinh tế thị trường, mạng lưới các tổ chức hỗ trợ doanh nhân
là rất quan trọng vì nó có thể khai thác và phát huy mọi tiềm lực trong và
ngoài nước giúp doanh nhân phát triển. Để phát huy vai trò của hiệp hội
doanh nhân trong thời gian tới cần phải:
- Kiện toàn tổ chức bộ máy theo hướng chuyên nghiệp, xây dựng chiến
lược, kế hoạch và nội dung hoạt động của hiệp hội nhằm nâng cao chất lượng
hỗ trợ doanh nhân, doanh nghiệp trong điều kiện mới.
- Hướng dẫn thông tin tuyên truyền kịp thời các chính sách văn bản
pháp luật đến doanh nhân. Thường xuyên tập hợp các kiến nghị của doanh
nhân, tổng hợp và đề đạt các kiến nghị đó đến các cơ quan quản lý nhà nước
để giải quyết những vướng mắc của doanh nghiệp.
- Mở rộng và nâng cao chất lượng các dịch vụ hỗ trợ kinh doanh cho
doanh nhân. Đa dạng hoá các hình thức trao đổi kinh nghiệm và tìm kiếm cơ
hội kinh doanh, thực hiện tốt việc làm cầu nối cho các hội viên liên kết, liên
doanh với nhau để nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả kinh doanh của
từng doanh nghiệp. Tham gia tích cực cùng với các cơ quan nhà nước tạo ra
môi trường cạnh tranh lành mạnh, chống lại các hiện tượng tiêu cực, vi phạm
pháp luật gian lận thương mại trong phạm vi quốc gia và quốc tế.
Đẩy mạnh và tạo điều kiện cho các hiệp hội tham gia trực tiếp và có
hiệu quả hơn vào quá trình hoạch định chính sách, pháp luật kinh tế có liên
quan đến từng ngành nghề và cộng đồng doanh nghiệp. Các hiệp hội là người
đại diện cho các doanh nghiệp và doanh nhân, tiếng nói của họ là tiếng nói, là
nguyện vọng của các doanh nghiệp và doanh nhân. Việc xây dựng và ban
hành các văn bản pháp luật của các cơ quan chức năng cần tham khảo và lắng
nghe ý kiến của các doanh nghiệp và doanh nhân thông qua các hiệp hội.
Nghiên cứu mở rộng việc Chính phủ ủy quyền cho các hiệp hội thực
hiện một số hoạt động tác nghiệp ít tác động điều hành vĩ mô nhằm xã hội hóa
những hoạt động mà Chính phủ không cần nắm giữ như thực hiện các chương
trình xúc tiến thương mại khu vực, quốc gia, tham gia đàm phán các hiệp định
thương mại song phương và đa phương với các nước và các tổ chức quốc tế,
đào tạo các doanh nhân bằng nguồn vốn hỗ trợ của Chính phủ.

176
3.3.9. Gắn đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo với phát triển
đội ngũ doanh nhân
Đây là giải pháp mang tính quốc gia, song Đồng Nai có thể và lựa chọn
cho mình những nội dung thiết thực, phù hợp nhằm phát triển đội ngũ doanh
nhân trong tương lai.
Nội dung giáo dục từ các trường phổ thông, cao đẳng, trung học, dạy
nghề và nội dung chương trình đào tạo chưa thể hiện chưa rõ mục tiêu. Do đó,
sản phẩm của nền giáo dục và đào tạo nước nhà là một đội ngũ lao động với
chất lượng thấp, trình độ chuyên môn và khả năng thích ứng của người đã
được đào tạo còn rất hạn chế. Theo một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới,
chất lượng lao động Việt Nam chỉ đạt 32/100 điểm. Trong khi đó, những
nước có chất lượng lao động dưới 35 điểm sẽ có nguy cơ mất sức cạnh tranh
trên thị trường toàn cầu. Với lực lượng lao động có chất lượng như vậy thì
Việt Nam khó có thể có được đội ngũ doanh nhân đông đảo, giỏi kinh doanh
và có văn hoá. Việc có được đội ngũ doanh nhân trong điều kiện như vậy với
nước ta nói chung, với địa phương nói riêng sẽ còn là chuyện lâu dài.
Chúng tôi không có tham vọng, cũng không đủ tri thức, kiến thức
chuyên sâu bàn về giáo dục – đào tạo nói chung ở nước ta. Ở đây, chỉ xin xem
xét một cách rất khái quát góc độ giáo dục – đào tạo với việc hình thành và
phát triển đội ngũ doanh nhân.
Để xây dựng và phát triển đội ngũ doanh nhân, một trong các mục tiêu
giáo dục – đào tạo phải là những yếu tố cấu thành nên tố chất, năng lực và
văn hoá doanh nhân. Đó là “tâm - tài - trí - dũng”.
Con người hoạt động trong mỗi lĩnh vực chuyên môn khác nhau đều
cần có tâm, tài, tức là phải có lòng đam mê, nhiệt huyết, phải có tâm nghề
nghiệp. Tương tự, có tài, tức là phải có trình độ chuyên môn giỏi, thành thạo
về lĩnh vực, về nghề nghiệp đang theo đuổi. Doanh nghiệp – người làm nghề
kinh doanh, sống và làm việc, tồn tại và phát triển luôn gắn với cộng đồng
người, cộng đồng trong doanh nghiệp và cộng đồng khách hàng càng cần có
tâm, có tài. Song trên thương trường nên có tâm, tài là cần nhưng chưa đủ, mà
còn phải có trí, có dũng để sáng tạo, thích ứng, vượt qua khó khăn, thách thức
của cạnh tranh khốc liệt. Chính vì vậy, dự báo trước tính chất và mức độ cạnh
tranh trong kinh doanh ở thế kỷ XXI, nên ngay từ những năm 80 của thế kỷ
XX, các nhà kinh doanh của Nhật Bản trong tương lai được đào tạo với 5 tiêu

177
chuẩn rất cao:
- Chuyên môn thành thạo
- Khả năng sáng tạo độc lập cao
- Luôn can đảm, dũng cảm trên thương trường
- Am hiểu quốc tế sâu, rộng
- Thông thạo ngoại ngữ.
Với thế giới đang đổi thay rất mạnh mẽ cả về quy mô, cả về các lĩnh
vực, việc đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục – đào tạo là cần và cấp
thiết. Ở nước ta hiện nay, xây dựng và phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng
tâm. Đội ngũ doanh nhân – như đã được chỉ ra và được thừa nhận – là đội
quân xung kích quan trọng nhất trên mặt trận kinh tế. Để xây dựng và phát
triển kinh tế trong điều kiện mới, nước ta cần và phải có đội ngũ nhân lực có
chất lượng cao, trong đó có đội ngũ doanh nhân. Vì vậy, trong đổi mới, nâng
cao chất lượng giao dục đào tạo để phát triển nguồn nhân lực có chất lượng,
thì ngoài mục tiêu chung của ngành giáo dục – đào tạo và mục tiêu quan trọng
khác, phải gắn và thể hiện rõ mục tiêu xây dựng, phát triển đội ngũ doanh
nhân nước ta.
Theo đó, các trường trung học chuyên nghiệp, đại học, cao đẳng, nhất
là liên quan tới doanh nghiệp, kinh doanh, pháp luật, nhân lực, … ở các
trường thuộc khối kinh tế, ngoài việc cung cấp cho người học các kiến thức
chuyên môn, thiết thực, các kiến thức cơ bản về kinh tế,... cần tăng cường
cung cấp cho người học các kiến thức hiện đại về quản lý, về kinh doanh,
quản trị doanh nghiệp.
Việc tiếp cận với những môn học mới, kiến thức hiện đại đó giúp cho
người học ý thức được triết lý kinh doanh “vì lợi ích của người khác, của xã
hội là cách lựa chọn vì mình khôn ngoan nhất”. Có thể coi đấy là hành trang
cần có, thiết thực của mỗi doanh nhân.

178
KẾT LUẬN

Phù hợp với thực hiện “Chiến lược quốc gia về phát triển doanh
nghiệp” đã được xác định tại Đại hội X của Đảng, cần và phải có đội ngũ các
nhà quản lý, điều hành các doanh nghiệp – một đội ngũ doanh nhân tương
ứng. Tuy vậy, ở nước ta hiện nay nói chung, những điạ bàn tỉnh, thành có
nhiều doanh nghiệp nói riêng, những vấn đề về doanh nhân, từ quan niệm,
nhận thức, vị trí, vai trò, kỹ năng, tiêu chí phân loại, đánh giá về họ đến thực
trạng và xu hướng vận động, phát triển đội ngũ này cần được tiếp tục nghiên
cứu đầy đủ hơn, góp phần xây dựng một đội ngũ doanh nhân có đủ kỹ năng,
trình độ, bản lĩnh điều hành một cách hiệu quả hệ thống doanh nghiệp Việt
Nam phù hợp với điều kiện mới.
Đồng Nai là địa bàn nhiều tiềm năng, là một tỉnh công nghịêp, sớm
phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp với hệ thống đông đảo các
doanh nghiệp. Các doanh nghiệp trên địa bàn đã có đóng góp to lớn trong quá
trình phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh. Các doanh nghiệp ở Đồng Nai chắc
chắn sẽ có đóng góp to lớn, hữu hiệu hơn nếu có một đội ngũ doanh nhân có
chất lượng. Đề tài: “Đội ngũ doanh nhân Đồng Nai – Thực trạng và giải pháp
phát triển” được lựa chọn, nghiên cứu với hy vọng đóng góp vào công cuộc
xây dựng đội ngũ doanh nhân của Đồng Nai một cách thiết thực, hiệu quả.
Phù hợp với đối tượng và phạm vi nghiên cứu, đề tài đã cố gắng bám
sát và thực hiện được các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra, đó là:
- Đã phân tích và làm rõ thêm mặt lý luận về doanh nhân trên các góc độ:
o Quan niệm về doanh nhân, các tố chất cần thiết của doanh nhân;
o Vị trí, vai trò của doanh nhân;
o Tiêu chí, tiêu chuẩn phân loại, đánh giá doanh nhân
o Về phát triển doanh nhân
- Khái quát kinh nghiệm phát triển doanh nhân và rút ra bài học vận
dụng đối với địa phương nói chung, Đồng Nai nói riêng.
- Phân tích, đánh giá thực trạng đội ngũ doanh nhân ở Đồng Nai:
o Về cơ cấu theo các loại hình doanh nghiệp, giới tính, địa bàn...
o Đánh giá mặt mạnh, yếu và nguyên nhân chủ yếu.
- Đề xuất phương hướng và các nhóm giải pháp nhằm phát triển đội ngũ
doanh nhân ở Đồng Nai đến năm 2020.

179
Đề tài đã phân tích và làm rõ tính hệ thống, tính nhất quán giữa các đề
xuất được đưa ra, đảm bảo tính thiết thực của giải pháp. Ở nước ta nói chung,
với các địa phương nói riêng, để có được bức tranh đúng đắn, rõ nét, đầy đủ
về đội ngũ doanh nhân, cần có nhận thức chung với các tiêu chí, tiêu chuẩn và
phương pháp đánh giá, xếp loại doanh nhân một cách có cơ sở khoa học, có
tính pháp lý cao, có tác động hữu hiệu tới phát triển kinh tế - xã hội.
Ở nước ta cũng như ở mỗi địa bàn tỉnh, thành, trong đó có tỉnh Đồng
Nai, vấn đề doanh nhân còn khá mới mẻ lại chưa được nghiên cứu một cách
hệ thống, cơ bản. Hơn nữa chưa có tư liệu, số liệu thống kê có tính pháp lý, vì
vậy đề tài khó tránh những khiếm khuyết, thiếu sót.
Tuy vậy, với tư cách đề tài khoa học, việc đề xuất các giải pháp và kiến
nghị (có bản kiến nghị kèm theo) cho vấn đề nghiên cứu đã được đưa ra và đã
cố gắng luận giải như những định hướng, những ý tưởng, gợi mở có cơ sở và
căn cứ xác đáng. Việc ứng dụng và triển khai ý tưởng, gợi mở đó cần phải có
đề án tương ứng, với không gian, thời gian, biện pháp, tổ chức một cách cụ
thể.

180
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

Tài liệu tiếng Việt:


1. Morits A. (1990), Chế tạo tại Nhật Bản, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (11/2003), Báo cáo đánh giá tình hình thi hành
Luật doanh nghiệp, Hội nghị Chính phủ tổng kết 4 năm thi hành Luật
doanh nghiệp, Hà Nội.
3. Bộ kế hoạch và đầu tư (MPI), cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA),
Trung tâm hỗ trợ kĩ thuật DNNVV tại Hà Nội (TAC-HN) (2006), Kết
quả khảo sát doanh nghiệp năm 2005 tại 30 tỉnh, thành phố phía Bắc,
Nxb Bưu điện, Hà Nội.
4. Câu lạc bộ Doanh nhân Việt Nam (2004), Doanh nhân Việt Nam xưa và
nay, Nxb Thống kê.
5. CIEM (2001), Tinh thần kinh doanh của doanh nhân Việt Nam và chính
sách, biện pháp nhằm phát huy tinh thần kinh doanh trong sự nghiệp
phát triển đất nước.
6. CIEM (2001), Quản lí và tinh thần kinh doanh.
7. CIEM (8/2002), Kinh nghiệm phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ của
CHLB Đức, Hà Nội.
8. CIEM-GTZ (2006), 6 năm thi hành Luật doanh nghiệp - Những vấn đề
nổi bật và bài học kinh nghiệm, Hà Nội.
9. CIEM-UNDP (2005), Báo cáo kết quả khảo sát về đổi mới công nghệ
tại các doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam, Hà Nội.
10. Chung Ju Yung (2004), Không bao giờ thất bại, tất cả là thử thách,
Nxb Trẻ, TP Hồ Chí Minh.
11. Nguyễn Cúc (2000), Đổi mới cơ chế và chính sách hỗ trợ phát triển doanh
nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam đến năm 2005, Nxb CTQG, Hà Nội.

181
12. Tô Xuân Dân, Vũ Trọng Lâm (ch.b) (2003), Cơ chế chính sách đặc thù
phát triển thủ đô Hà Nội - Một số định hướng cơ bản, Nxb Khoa học -
Kĩ thuật, Hà Nội.
13. Trần Quốc Dân (2008), Doanh nghiệp, doanh nhân và văn hóa, Nxb
CTQG, Hà Nội.
14. Diêu Dương, Hạ Tiểu Lâm, Khu vực kinh tế tư nhân Trung Quốc:
Chính sách, quá trình phát triển và những trở ngại trước mắt, Tạp chí
Nghiên cứu kinh tế số 287 - tháng 4/2002.
15. Thielen D. (1999), 12 bí quyết thành công của công ti Microsoft, Nxb
Thống kê, Hà Nội.
16. Lê Đăng Doanh, Nguyễn Thị Kim Dung (1998), Nâng cao năng lực
cạnh tranh và bảo hộ sản xuất trong nước, Nxb Lao động, Hà Nội.
17. Vũ Tiến Dũng (2009), Tầng lớp doanh nhân Việt Nam trong kết cấu xã
hội – giai cấp thời kỳ đổi mới, Luận án tiến sĩ triết học.
18. Nghiêm Xuân Đạt, Tô Xuân Dân, Vũ Trọng Lâm (ch.b) (2003), Phát
triển và quản lí các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, Nxb Khoa học -
Kĩ thuật, Hà Nội.
19. Nghiêm Xuân Đạt, Nguyễn Minh Phong (ch.b) (2002), Hà Nội trong
quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, Nxb CTQG, Hà Nội.
20. Trần Bạch Đằng, Vấn đề bóc lột của kinh tế tư bản tư nhân và đảng
viên làm kinh tế hiện nay, Tạp chí Phát triển kinh tế 3/2003.
21. Đảng Cộng sản Việt Nam (1987), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc
lần thứ VI, Nxb Sự Thật, Hà Nội.
22. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, khóa II - Nghị quyết
Trung ương về Nhiệm vụ kế hoạch 3 năm (1958-1960) về phát triển và
cải tạo kinh tế quốc dân.
23. Đảng Lao động Việt Nam (1960), Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn
quốc lần thứ III.
24. Đảng Cộng sản Việt Nam (1987), Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc
lần thứ VI, Nxb Sự Thật, Hà Nội.
25. Đảng Cộng sản Việt Nam (1982), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc
lần thứ V, tập I, Nxb Sự Thật, Hà Nội.

182
26. Đảng Cộng sản Việt Nam (1991), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc
lần thứ VII - Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên
chủ nghĩa xã hội, Nxb Sự Thật, Hà Nội.
27. Đảng Cộng sản Việt Nam (1991), Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc
lần thứ VII - Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội đến năm
2000, Nxb Sự Thật, Hà Nội.
28. Đảng Cộng sản Việt Nam (2001), Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc
lần thứ IX, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
29. Đảng Cộng sản Việt Nam (2002), Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban
Chấp hành Trung ương khóa IX, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
30. Đảng Cộng sản Việt Nam (2004), Văn kiện Hội nghị lần thứ chín Ban
Chấp hành Trung ương khóa IX, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
31. Đảng Cộng sản Việt Nam (2006), Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc
lần thứ X, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
32. Đảng Cộng sản Việt Nam (2007), Văn kiện Hội nghị lần thứ ba Ban
Chấp hành Trung ương khóa X, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
33. Đảng Cộng sản Việt Nam (2008), Văn kiện Hội nghị lần thứ sáu Ban
Chấp hành Trung ương khóa X: "Về tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế
thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa", Báo Điện tử Đảng Cộng sản
Việt Nam, ngày 21/12/2008.
34. Nguyễn Chí Định (2001), Chuyển dịch cơ cấu kinh tế công nghiệp trong
quá trình CNH, HĐH ở Đồng Nai, Luận án Tiến sĩ kinh tế, Hà Nội.
35. Đồng Nai 10 năm xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội (1975-1985).
36. Đồng Nai 20 năm xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội (1975-1995).
37. Đồng Nai 25 năm xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội (1975-2000).
38. Trần Văn Giàu (1980), Giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc Việt
Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
39. Nguyễn Thu Hà (2002), Buôn bán cũng cần có đầu óc chính trị, Báo
Thương mại số 12, 13,14Hoàng Văn Hải (2006), Phát triển tinh thần
doanh nghiệp Việt Nam trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế, Đề tài
khoa học cấp bộ, Trường Đại học Thương mại, Hà Nội.
40. Hoàng Văn Hải (2001), Đổi mới công tác hoạch định chiến lược kinh
doanh của các DNNN trong giai đoạn hiện nay ở nước ta, Luận án Tiến
sĩ kinh tế, Hà Nội.

183
41. Trịnh Thị Mai Hoa (2006), Kinh tế tư nhân Việt Nam trong tiến trình
hội nhập, Nxb Thế giới, Hà Nội.
42. Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ Việt Nam (12/2005), Báo cáo
phát triển Việt Nam 2006: Kinh doanh¸ Hà Nội.
43. Hồ Chí Minh (1980), Tuyển tập, tập 1, Nxb Sự thật, Hà Nội.
44. Trần Hữu Huỳnh (2003), “Xây dựng hệ thống giám sát doanh nghiệp”,
Nghiên cứu Lập pháp, số tháng 1-2003.
45. IFC, MPI, WB (2008), Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam, tháng
12/2008.
46. Matsushita K. (1998), Quyết đoán trong kinh doanh, Nxb
Giáo dục, Hà Nội.
47. Kim Woo Choong (1995), Bạn muốn thành công trong cuộc sống, Nxb
Thống kê, Hà Nội.
48. Huỳnh Tấn Kiệt (2000), Giải quyết việc làm cho người lao động ở tỉnh
Đồng Nai - Thực trạng và giải pháp, Luận văn Thạc sĩ kinh tế, Hà Nội.
49. Vũ Trọng Lâm (2005), Những giải pháp chủ yếu nâng cao sức cạnh
tranh của doanh nghiệp Hà Nội (Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Thành
phố), Hà Nội.
50. Phạm Vũ Luận (2003), Những giải pháp cơ bản nhằm tăng cường quản
lí nhà nước đối với thương nhân trong giai đoạn hiện nay ở nước ta, Đề
tài khoa học cấp bộ, Hà Nội.
51. Phạm Vũ Luận (2004), Quản trị doanh nghiệp thương mại, Nxb Thống kê.
52. Thái Nguyễn Bạch Liên, Năm 2002 nhìn lại: Kinh tế tư nhân ở Trung
Quốc, Tạp chí Phát triển kinh tế 1/2003.
53. Vũ Đăng Minh (2004), Xây dựng và phát triển đội ngũ giám đốc doanh
nghiệp nhà nước ở Việt Nam, Luận án Tiến sĩ kinh tế, Trường Đại học
Bách khoa Hà Nội.
54. Hammer M. và Champy J (1999), Tái lập công ti, Nxb TP Hồ Chí Minh.
55. MPDF (1997), Khu vực tư nhân mới nổi lên và sự nghiệp công nghiệp
hóa ở Việt Nam.
56. Porter M (1996), Chiến lược cạnh tranh, Nxb Khoa học Kĩ thuật, Hà Nội.
57. Nguyễn Đình Nam (2001), Một số ý kiến về phát triển nền kinh tế nhiều
thành phần, Tạp chí Kinh tế và phát triển số 46.
58. Nhà xuất bản Trẻ (2006), Tư duy lại tương lai, Nxb Trẻ, TP Hồ Chí Minh.

184
59. Nguyễn Văn Nghệ (2001), Những xu hướng cơ bản trong quá trình hình
thành và phát triển thị trường vật tư nông nghiệp ở các tỉnh miền Đông
Nam bộ hiện nay, Luận văn Thạc sĩ kinh tế, Hà Nội.
60. Nguyễn Bá Ngọc, Trần Văn Hoan (2002), Toàn cầu hóa: Cơ hội và
thách thức đối với lao động Việt Nam, Nxb Lao động - Xã hội, Hà Nội.
61. Tô Phán (2005), Công bằng với doanh nhân, Báo Lao Động.
62. Nguyễn Minh Phong (2004), Phát triển kinh tế tư nhân ở Hà Nội, Nxb
CTQG, Hà Nội.
63. Nguyễn Thị Kim Phương (2004), Giám đốc doanh nghiệp tư nhân hoạt
động trong KTTT định hướng XHCN ở nước ta hiện nay, Đề tài khoa
học cấp bộ, Phân viện Hà Nội - Học viện CTQG Hồ Chí Minh, Hà Nội.
64. Trần Minh Phúc (2000), Đổi mới quản lý nhà nước đối với kinh tế tư
nhân trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, Luận văn thạc sĩ kinh tế, Hà Nội.
65. Phạm Ngọc Quang – Đinh Quang Ty (2006), Góp phần nhận diện cơ
cấu xã hội ở nước ta qua 20 năm đổi mới, Tạp chí Triết học, số 3/2006.
66. Võ Minh Quang (2004), Xây dựng mô hình xóa đói giảm nghèo bền
vững vùng dân tộc thiểu số của tỉnh Đồng Nai, Đồng Nai.
67. Dương Trung Quốc (10/2004), Tôi là nhà buôn, Hội thảo "Xây dựng
đội ngũ doanh nhân trong thời kì CNH, HĐH đất nước" do VCCI, Mặt
trận Tổ quốc Việt Nam, Học viện CTQG Hồ Chí Minh tổ chức 10/2004.
68. Thái Quang Sa (1999), Cạnh tranh cho tương lai, Trung tâm Thông tin
khoa học - kĩ thuật hóa chất, Hà Nội.
69. Trương Tấn Sang (2003), Phát huy những thành tựu, tiếp tục đổi mới,
phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, Báo Doanh nghiệp số
43, tháng 10/2003.
70. Phạm Văn Sáng (2002), Lộ trình tham gia khu vực mậu dịch tự do
ASEAN (AFTA) đối với những sản phẩm công nghiệp chủ yếu trên địa
bàn Đồng Nai, Đồng Nai.
71. Phạm Văn Sáng (2003), Phát triển công nghiệp phục vụ nông nghiệp,
nông thôn tỉnh Đồng Nai, Luận án tiến sỹ kinh tế, Hà Nội.
72. Đào Xuân Sâm (2001), Tìm hiểu thái độ của xã hội đối với thị trường
và kinh doanh, Nxb Thống kê, Hà Nội.
73. Sở Khoa học và Công nghệ TP Hồ Chí Minh (2004), Khảo sát về doanh
nhân trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Nguyễn Văn Thường (ch.b) (2003),

185
Tăng trưởng kinh tế Việt Nam - Những rào cản cần phải vượt qua, Nxb
Lí luận chính trị, Hà Nội.
74. Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đồng Nai, Viện Quản lý kinh tế Học
viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh (2005), Việt Nam gia nhập WTO:
tác động tới nền kinh tế Đồng Nai và những giải pháp để thích ứng với
quá trình hội nhập, Nxb LLCT, Hà Nội.
75. Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đồng Nai, Viện Quản lý kinh tế Học
viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh (2005), Xây dựng lộ trình CNH –
HDDH nền kinh tế Đồng Nai đến năm 2020, Ncb LLCT, Hà Nội.
76. Nguyễn Văn Tám (2000), Phát triển công nghiệp nông thôn ở huyện
Nhơn Trạch tỉnh Đồng Nai theo hướng CNH, HĐH, Luận văn Thạc sĩ
kinh tế, Hà Nội.
77. Nguyễn Công Thành (2000), Sắp xếp lại và đổi mới quản lý DNNN tỉnh
Đồng Nai, Luận văn thạc sĩ kinh tế, Hà Nội.
78. Nguyễn Văn Thắng (2006), Phát triển đội ngũ doanh nhân trên địa bàn
quận Cầu Giấy thành phố Hà Nội, Luận văn Thạc sĩ Kinh doanh và
Quản lí, Học viện CTQG Hồ Chí Minh.
79. Tia sáng - Bộ Khoa học và công nghệ, ngày 19/02/2008.
80. Tổng cục Thống kê (2005), Thực trạng doanh nghiệp qua kết quả điều
tra năm 2002, 2003, 2004, Nxb Thống kê, Hà Nội.
81. Vũ Quốc Tuấn (2001), Doanh nghiệp, doanh nhân trong cơ chế thị
trường, Nxb CTQG, Hà Nội.
82. Trung tâm Thông tin và tư vấn doanh nghiệp (2007), Doanh nghiệp tư
nhân làm thế nào để thoát khỏi mô hình "gia đình trị", Nxb Lao động -
xã hội, Hà Nội.
83. Thực trạng doanh nghiệp qua kết quả điều tra năm 2004, 2005, 2006,
Nxb Thống kê, Hà Nội.
84. UBND TP Biên Hòa (1997), Tổng hợp kết quả điều tra xã hội học về
lao động việc làm trên địa bàn thành phố Biên Hòa, Đồng Nai.
85. VCCI (2004), Kỉ yếu hội thảo về ngày doanh nhân.
86. VCCI (2005), Kỉ yếu hội thảo về tính cộng đồng của doanh
nhân Việt Nam.
87. VCCI (2003), Bác Hồ với doanh nghiệp và doanh nhân Việt Nam, Nxb
CTQG, Hà Nội.

186
88. VCCI (2008), Doanh nghiệp Việt Nam 2007, Nxb CTQG, Hà Nội.
89. Viện Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh (2005), Doanh nhân Việt Nam
trên địa bàn TPHCM – Hiện trạng và giải pháp phát triển (Đề tài
nghiên cứu khoa học cấp Thành phố).
90. Viện Khoa học Nông nghiệp miền Nam (2002), Dự án "Xây dựng mô
hình phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng công nghiệp hóa,
hiện đại hóa nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế hệ thống sản xuất nông
nghiệp tại huyện Xuân Lộc tỉnh Đồng Nai", TP Hồ Chí Minh.
91. VNCI (2008), Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2008 của Việt
Nam, Hà Nội.
92. VNCI (2008), Dữ liệu chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2008
của Việt Nam, Hà Nội.
93. Hồ Văn Vĩnh, Nguyễn Quốc Thái (ch.b) (2005), Mô hình phát triển hợp
tác xã nông nghiệp ở Việt Nam, Nxb Nông nghiệp, Hà Nội.
94. Vietbao.vn ngày 13/10/2005.
95. VnExpress ngày 23/01/2007.
96. Vietnamese Daily ngày 22/01/2006.
97. http://www.cpv.org.vn, Văn kiện Đảng, Toàn tập, tập 2.
98. http://www.dddn.com.vn
99. http://www.thanhnien.com
100. http://www.tbktsg.com.vn
101. http://www.vneconomy.com
102. http://forum.mquiz.net
103. http://www.doanhnhanviet.org.vn
104. http://www.dantri.com.vn
105. http://kinhdoanh.com.vn
106. http://saovangdatviet.dddn.com.vn
107. http://www.dongnai.gov.vn
108. http://www.dost-dongnai.gov.vn
109. http://www.baodongnai.com.vn
110. http://irv.moi.gov.vn

Tài liệu tiếng nước ngoài:

187
111. Adam Smith (1978), An inquiry into the nature and causes of
the wealth of nation.
112. OECD (1998), Fostering entrepreneurship.
113. David McClelland (1961), The achieving Society, Princeton
University Press.
114. Joseph A. Schumpeter (1911), The theory of economic development.
115. Carton R.B., Hofer C.W. and Meek M.D., The entrepreneur and
entrepreneurship - Operational definitions of their role in society.
Paper presented at the annual International Council for small business
conference, Singapore.

188

You might also like