You are on page 1of 10

Phỏng vấn trực tuyến Bộ trưởng Trường Đình Tuyển

Suốt 3 tiếng chiều ngày 22/3/2007, ông WTO đã trả lời gần hết nội dung của 1.000
câu hỏi mà độc giả gửi gắm và không ngại ngần nói về cuộc sống riêng tư, chia sẻ trăn
trở về thời thế. Bộ trưởng từng muốn cống hiến thêm cho đất nước thông qua việc ứng
cử đại biểu Quốc hội, nhưng lại từ bỏ ý định.
- Chào chú Trương Đình Tuyển. Cháu được biết trong năm 2007 chú sẽ nghỉ hưu, vậy
chú có những dự định gì trong cuộc sống cũng như công việc mới? (Nguyễn Quang Hiển, 34
tuổi, Hiennq.Sro@vietnamair.Com.Vn)
- Bộ trưởng Trương Đình Tuyển: Thực ra tôi từng có ý định nghiêm túc sau khi rời
ghế Bộ trưởng Thương mại sẽ tự ứng cử đại biểu Quốc hội với ý nghĩ sẽ tiếp tục đóng góp
cho đất nước. Đây không phải là mục đích gì về quyền lực mà là sự đóng góp cá nhân cho tập
thể, củng cố quyền lực tập thể. Thông qua những đóng góp này, tôi muốn tự hoàn thiện mình
hơn.
Nhưng tôi từ bỏ ý định. Có hai nguyên nhân: thứ nhất, gia đình muốn tôi về nghỉ. Thứ
hai, tôi đang do Bộ Chính trị quản lý, nếu muốn tự ứng cử phải có đơn xin phép Bộ Chính trị.
Tôi đã hỏi ý kiến hai người trong Bộ Chính trị, người thì ủng hộ người thì khuyên không nên.
Tôi đã cân nhắc và cảm thấy không thú vị lắm nên tôi sẽ tìm cách cống hiến, đóng góp theo
kiểu khác.
'Tốc độ là yếu tố quyết định'
- Khi thực hiện cam kết WTO, các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhỏ sẽ chịu sự
cạnh tranh rất lớn. Ngoài việc họ tự liên kết với nhau, Chính phủ có những chính sách cụ thể
gì để trợ giúp? (Nguyen Bac Son, 40 tuổi, Soloinlo@yahoo.Com)
- Bộ trưởng Trương Đình Tuyển: Trước hết phải có một cái nhìn tổng thể. Nền kinh tế
toàn cầu hóa, với sự gia tăng hoạt động của các tập đoàn đa quốc gia, cạnh tranh rất mạnh,
nhưng nó cũng không phủ định sự ra đời của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Bản thân tập đoàn
vẫn phải dựa vào các doanh nghiệp nhỏ. Các bạn có thể đọc cuốn "Thế giới phẳng" để thấy rõ
điều này.
Trong thời đại ngày nay, vấn đề quyết định không phải là quy mô mà là tốc độ. Trong
thời đại công nghiệp hóa, tư duy vượt trước quan trọng hơn, mà Microsoft là một ví dụ điển
hình. Quan trọng nhất là cách đi đúng, chiến lược đúng.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có Cục Doanh nghiệp vừa và nhỏ. Chúng ta cần tìm ra một
cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn và tìm thị trường.
- Trong kết quả đàm phán đã đạt được, điều gì làm ông tâm đắc nhất và những điểm
làm ông chưa hài lòng? (Nguyễn Thị Thu Hà, 28 tuổi, Ba đình, Hà Nội)
- Bộ trưởng Trương Đình Tuyển: Đàm phán gia nhập WTO khác với các đàm phán
khác. Đàm phán ASEAN, hay đàm phán tự do thương mại của ta với Nhật hiện nay đều là
song phương, có đi có lại. Nhưng đàm phán WTO là một bên xin gia nhập và một bên có
quyền cho gia nhập, vị thế khác nhau.
Tất nhiên WTO cũng muốn Việt Nam vào, vì muốn đẩy nhanh tiến trình tự do hóa, thu
hút các quốc gia vào tiến trình này. Nhưng chúng ta vẫn có những khó khăn. Cái khó là các
nước vào sau thường có nhiều đối tác phải đàm phán, cũng như Việt Nam hiện nay có quyền
đòi Nga đàm phán. Người ta thường lấy các mức đã có để đòi hỏi các nước đang đàm phán.

1
Nói chung, mức cam kết của chúng ta phù hợp với điều kiện của VN, đảm bảo chúng ta
có thể phát triển được, với điều kiện chúng ta phải cố gắng. Đây cũng là đánh giá của Bộ
chính trị và Thủ tướng.
Tuy nhiên, nếu một vài vấn đề chúng ta có cách tiếp cận phù hợp hơn thì có thể thuận
lợi hơn. Ví dụ với chứng khoán, chúng ta đã có thể chủ động hơn, mở rộng hơn. Nhưng chính
điều này cũng giúp nền kinh tế mở hơn, có thế phát triển hơn.
- Bộ trưởng có nói Việt Nam vào WTO chậm một năm cũng không sao, giống như đàn
ông lấy vợ chậm sẽ được vợ đẹp. Quan điểm của Bộ trưởng về việc vào WTO ví như đàn ông
lấy vợ có hàm ý gì? (Nguyễn Quang Vũ, 35 tuổi, Dr_dinhvu@yahoo.Com.Vn)
- Bộ trưởng Trương Đình Tuyển: Câu nói của tôi chỉ mang nghĩa ẩn dụ, để thấy rằng
chúng ta không nên vội vàng, không phải chúng ta không cần vào hay không muốn vào. Phải
làm sao chúng ta vào sớm mà vẫn cân bằng được quyền lợi và nghĩa vụ. Nhưng trước sức ép
quá lớn của các đối tác, chúng ta không nhất thiết vào ngay.
Không suy nghĩ chắc chắn, nếu cứ ham đặt chỉ tiêu tháng nào lấy vợ thì có lẽ không lấy
được cô vợ như ý. Vào WTO cũng vậy.
- Khi VN gia nhập WTO, lợi ích chỉ thuộc về một bộ phận cá nhân biết nắm lấy thờ i cơ,
còn với những người dân nghèo, việc gia nhập WTO không thể làm họ giàu lên được. Như
vậy xã hội càng bị phân hóa. Nhà nước có biện pháp gì để giúp những người dân nghèo khi
hội nhập WTO? (Huy Hiếu, hieunh85@gmail.Com)
Bộ trưởng Trương Đình Tuyển: Không phải lợi ích gia nhập WTO chỉ thuộc về một
bộ phận cá nhân. Chưa có một nền kinh tế nào kém đi khi gia nhập WTO cả. Một số nước vào
WTO rồi vẫn nghèo nhưng do một số nguyên nhân khác, như một số nước châu Phi xung đột
sắc tộc, do thể chế nhà nước... Vào WTO bản chất là nền kinh tế được hội nhập, phát huy
được tiềm năng của đất nước và thu hút được vốn, tạo nhiều công ăn việc làm hơn.
Chúng ta vẫn nói nội lực là quyết định, ngoại nhập là quan trọng nhưng phải gắn kết
mới giữa nội lực và ngoại lực. Câu hỏi này không thể trả lời một cách đứt đoạn được, mà phải
nhìn nhận một cách tổng thể.
Cũng có một số vấn đề như phân phối lợi ích không đồng đều. Trên thế giới và trong
một nước đều có những đối tượng, tầng lớp dân cư được hưởng nhiều và có bộ phận hưởng ít.
Vì vậy, cùng việc đưa nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường, cần chú ý đến an sinh xã
hội cho những vùng nghèo. Nhà nước đang nỗ lực làm điều này.
- VN đã bắt đầu giảm thuế theo cam kết với WTO, nhưng đến nay hầu hết mặt hàng
chưa giảm giá, hoặc giảm không đáng kể. Xin Bộ trưởng giải thích về việc này? (Vũ Việt Hà,
35 tuổi, Ha_hadong@gmail.Com)
- Bộ trưởng Trương Đình Tuyển: Mức giảm thuế theo cam kết của chúng ta không
lớn, chỉ khoảng vài phần trăm, và dồn vào khoảng vài nghìn dòng thuế, lại giảm theo lộ trình.
Bên cạnh đó, bản thân giá là tổ hợp của nhiều yếu tố, như giá thế giới, giá các mặt hàng
khác, giá xăng dầu... Giá có hai quy luật rất không tốt: Thứ nhất là tái sản xuất sức lao động.
Mức giá tăng thì người lao động cũng tăng giá để đảm bảo thu nhập. Quy luật thứ hai là lan
tỏa sóng, theo phong trào, chúng ta phải tăng cường kiểm tra kiểm soát, hoàn thiện thể chế để
hạn chế tăng giá. Chính sách thương mại tốt là kích thích được sản xuất và bảo vệ người tiêu
dùng.

2
- Việt Nam đã gia nhập WTO mà giá ôtô vẫn cao hơn so với các nước trong khu vực.
Xin Bộ trưởng cho biết đến bao giờ người Việt Nam mới mua được xe giá rẻ? Chúc Bộ
trưởng luôn luôn mạnh khoẻ. (Đào Đức Hùng, 29 tuổi, Duchung@quangninhport.com.vn)
- Bộ trưởng Trương Đình Tuyển: Chúng ta có cam kết giảm thuế ôtô nhưng mức cam
kết còn thấp, từ 100% xuống còn 50% và giảm có lộ trình. Nghĩ đến người dân là đúng,
nhưng còn phải nghĩ tới sản xuất trong nước, đội ngũ công nhân, người lao động, ngân sách
Nhà nước... Ôtô là một ngành công nghiệp thu hút nhiều lao động đóng góp lớn cho Nhà
nước. Do vậy phải cân nhắc vừa bảo vệ lợi ích người tiêu dùng, môi trường, cơ sở hạ tầng
đường xá giao thông và sản xuất trong nước.
Theo tôi, cần phải có cái nhìn tổng thể, ở các nước cũng vậy, họ không cấm nhưng hạn
chế đăng ký, quy định một năm được phép đưa vào lưu thông bao nhiêu xe... Tôi không chủ
trương hạn chế ôtô nhưng cái gì cũng vậy cần phải bàn kỹ, Nhà nước có chính sách điều chỉnh
thuế theo lộ trình cũng có lý do riêng xuất phát từ thực tế, điều kiện của VN.
- Các tập đoàn bán lẻ hùng mạnh trên thế giới đã có mặt ở Việt Nam, nhất là ở các
thành phố lớn. Bộ trưởng nghĩ gì vế hệ thống thương mại nội địa Việt Nam và có cách nào để
phát triển thương mại nội địa? (Lại Khắc Chiến, 29 tuổi, Thanh Hóa)
- Bộ trưởng Trương Đình Tuyển: Đây là trách nhiệm của tôi, Bộ trưởng Thương mại.
Nhiều năm tôi đã suy nghĩ về hệ thống này. Nhưng cái khó của Bộ Thương mại là không thể
ra lệnh được. Cái đáng sợ không phải là bao nhiêu hãng vào, mà là vào kiểu gì. Họ vào theo
chuỗi sẽ tạo ra sức cạnh tranh ghê gớm.
Các nước khác cũng rất quan tâm đến việc này. Ai nắm phân phối sẽ nắm sản xuất.
Chúng ta có hàng triệu hộ sống nhờ bán lẻ, nhưng chúng ta cũng không nên dựa vào Nhà
nước, mà phải nhanh chóng hình thành hệ thống phân phối của mình.
Tôi cũng vui mừng thấy rằng dưới sức cạnh tranh, nhiều hệ thống của chúng ta cũng đã
chuyển hướng hoạt động, như Coopmart, Phú Thái, G7 Mart, điều này đáng được khuyến
khích.
Gần đây Chính phủ đã phê chuẩn đề án do Bộ Thương mại trình lên nhằm xây dựng hệ
thống phân phối trong nước và định hướng cho các hộ kinh doanh, những người còn tồn tại
lâu trong thời gian tới.
- Giả sử ông vẫn còn đủ sức khỏe và tuổi đời để làm Bộ trưởng Nông nghiệp, để người
nông dân không bị tổn thương trước tác động của WTO, ông sẽ đưa ra kế sách gì, và tổ chức
thực hiện thế nào cho hiệu quả? (Nguyễn Ngọc Quỳnh, 38 tuổi, Ngocquynhven@yahoo.Com)
- Bộ trưởng Trương Đình Tuyển: Nói một điều không có cơ hội để làm sẽ không tạo
ra được niềm tin. Khi phải làm, chúng ta sẽ suy nghĩ kỹ càng và tâm huyết hơn nhiều.
Tôi là người rất quan tâm đến sự phát triển của nông thôn. Thứ nhất vì tôi, cũng như
nhiều cán bộ lãnh đạo nhà nước khác, đều từ nông dân mà ra. Chúng tôi hiểu đời sống của
người nông dân và hiểu rằng họ đóng góp nhiều cho xã hội. Thứ hai, tôi có 2 năm rưỡi làm Bí
thư tỉnh ủy Nghệ An, một tỉnh nông nghiệp, và từng gắn bó với các xã, huyện. Thứ ba, trong
cam kết WTO, đây là tầng lớp nhạy cảm, nên trong các phiên họp xây dựng văn kiện trình Đại
hội X của Đảng, tôi là một trong những người tham gia tích cực.
Tôi nghĩ nếu mình còn trẻ, và được Đảng phân công, tôi sẵn sàng nhận nhiệm vụ. Dĩ
nhiên, không phải dễ dàng để làm việc này trên cơ sở một nền sản xuất nhỏ và hạn chế về
công nghệ.

3
- Bác suy nghĩ gì về trách nhiệm của các cơ quan chức năng khi phần lớn người dân
Việt Nam có thu nhập thấp lại phải dùng các mặt hàng có giá bán cao gấp 2 đến 2,5 lần các
nước? (Hà Chung, 25 tuổi, Hà Nội)
- Bộ trưởng Trương Đình Tuyển: Nói như vậy chưa thật đầy đủ. Có một số mặt hàng
thì quả thật giá cao, như ôtô... Nhưng nhiều mặt hàng lại rất thấp. Tôi được biết, rất nhiều cán
bộ ngoại giao ở VN sau khi kết thúc nhiệm kỳ họ cảm thấy tiếc, tiếc vì sống ở VN an toàn, ổn
định, thể chế chính trị tốt nhưng có một nguyên nhân khác là chi phí của VN rẻ, thậm chí là
quá rẻ. Có thể nhìn thấy rất rõ là nếu sang các nước mua một chiếc áo giá tới vài chục USD
đến vài trăm USD nhưng ở VN 17.000 đồng cũng mua được một cái áo...
Tất nhiên cũng có một số vấn đề chúng ta cần phải giải quyết như dịch vụ y tế, giáo
dục... chi phí cao nhưng không đủ đáp ứng được nhu cầu của người dân. Chưa kể một số lĩnh
vực ngành nghề lợi dụng vị thế độc quyền để bán sản phẩm với giá cao. Những vấn đề này
quả là cần phải nhìn nhận và xem xét kỹ.
- Tôi đang làm việc với đối tác Mỹ. Ông đã tham gia và chỉ đạo nhiều phiên đàm phán
với Mỹ và đã thành công, xin ông chia sẻ kinh nghiệm này? (Dphoa_74, 33 tuổi, Vinh Tuy -
Hai Ba Trung - Ha Noi)
- Bộ trưởng Trương Đình Tuyển: Mỹ là đối tác thương mại rất lớn. Họ nói công khai
trong phiên đàm phán đa phương mà chẳng sợ các nước tự ái. Họ luôn giữ vai trò chủ đạo
trong các cuộc đàm phán vì tiềm lực kinh tế của họ mạnh và họ quen thói áp đặt. Họ là siêu
cường quốc, tuy nhiên đó là họ. Còn VN, chúng ta cũng có quyền riêng, đòi hỏi của họ vô lý
chúng ta phản đối, còn cái gì có lý thì chấp nhận. VN đã từ chối rất nhiều đòi hỏi, chẳng hạn
họ đòi phải cho tư nhân lập nhà xuất bản, chúng tôi đã nói thẳng nếu ông đòi hỏi lần hai
chúng tôi hủy ngay cuộc đàm phán. Rồi họ đòi thành lập công ty xăng dầu, áp đặt quota sau
khi VN vào WTO..., VN bác bỏ điều này. Nguyên lý đàm phán là các nước có quyền đòi hỏi,
Mỹ cũng vậy nhưng cái gì chúng ta chấp nhận được thì chúng ta làm.
Đàm phán với Mỹ là khó khăn nhất nhưng họ khá sòng phẳng, khi họ thấy những khước
từ của VN hợp lý họ chấp nhận, thậm chí họ còn thuyết phục các nước khác chấp nhận điều
này. Mỹ là đối tác đòi hỏi nhiều, khó tính nhưng sòng phẳng.
Có nhiều nước cũng đòi hỏi một số vấn đề mang tính tiên quyết nhưng VN thuyết phục
để đạt được mục tiêu hai bên cùng có lợi. Thực tế nếu VN không vào WTO, thì VN thiệt thòi
nhưng đổi lại các nước cũng chẳng được lợi gì, cũng chẳng mất gì. Vào WTO, VN đạt được
quyền lợi và phải thực hiện nghĩa vụ, ngược lại các nước cũng được lợi và cũng phải thực
hiện nghĩa vụ, các nước cũng rất muốn VN vào.
'Không nên hoảng hốt về TTCK'
- Thưa Bộ trưởng, khi Việt Nam gia nhập WTO thì các nhà đầu tư chứng khoán cần chú
ý gì? (Truong Hoang Anh Tuan, 27 tuổi, 131 nguyen du, q1)
- Bộ trưởng Trương Đình Tuyển: Câu chuyện về thị trường chứng khoán trong vài
tháng gần đây rất nóng bỏng, và nhiều người băn khoăn.
Có 2 luồng ý kiến về việc này. Thứ nhất, Nhà nước cần can thiệp, như Thái Lan đã làm.
Một luồng ý kiến khác là Nhà nước không nên can thiệp.
Cá nhân tôi, với tư cách một người làm kinh tế, cho rằng, trong giai đoạn hiện nay, Nhà
nước chưa nên can thiệp, hiện tượng tăng giảm đã từng xảy ra ở nhiều nước có nền chứng
khoán mới vận hành.

4
Nhưng như vậy không có nghĩa không làm gì. Thứ nhất, phải hoàn thiện các tiêu chuẩn
cho các hoạt đông tài chính và thị trường chứng khoán, một cách thận trọng chứ không phải
cứng nhắc. Thứ hai, tăng cường công khai và minh bạch. Các nhà đầu tư đặc biết quan tâm
đến việc này. Thứ ba, tăng nguồn cung thông qua việc đưa nhiều công ty đang bán cổ phần
trên thị trường OTC lên thị trường công khai. Như Marx đã nói, khi cung cầu cân đối, giá trị
sẽ về đúng chỗ.
Đồng thời, nhà đầu tư không nên chạy theo phong trào, phải tìm hiểu kỹ về công ty.
- Ông nghĩ gì khi thị trường chứng khoán Việt Nam đang như một quả bong bóng, đặc
biệt là thị trường OTC? (Tùng Lâm, 35 tuổi, Inchoen, Korea, tunglam108@yahoo.Com)
- Bộ trưởng Trương Đình Tuyển: Hiện tượng thị trường nóng, cổ phiếu lên cao rồi
xuống tuy không xuống đến mức sụp đổ, nhưng cũng phải nhìn nhận. Thực tế hiện tượng này
đã từng xảy ra ở nhiều nước trên thế giới.
Chưa nên hoảng hốt về điều này, tuy nhiên cần phải hành động, nhà đầu tư cần cân nhắc
tính toán, tìm hiểu kỹ, không nên chạy theo phong trào. Đặc điểm của nền kinh tế nào cũng
vậy, trong giai đoạn đầu phát triển bao giờ tính tự phát cũng cao. Có một câu rất kinh điển
rằng: "Tất yếu của nền kinh tế là nó tự vạch đường đi cho mình". Tuy nhiên, để nó tự vạch
đường phải có thời gian phải qua hoạt động thực tiễn và Nhà nước phải có định hướng.
- Kính thưa Bộ trưởng, Việt Nam đã thu thuế những nhà đầu tư chứng khoán chưa ạ?
(Nguyen Du, 32 tuổi, Am Zopfbach 3 / ZH / Thụy Sĩ.)
- Bộ trưởng Trương Đình Tuyển: Về nguyên tắc, các doanh nghiệp kinh doanh chứng
khoán phải nộp thuế. Nhà nước đang thất thu khoản này, cũng như một số mảng khác như thu
thuế thu nhập của các ca sĩ. Đây là một quá trình, chúng ta sẽ qua từng bước, có lộ trình, và
làm thông qua tài khoản. Đây cũng là yếu tố để tăng cường công bằng xã hội.
'Tôi và anh Dâu hợp tác tốt trong công việc'
- Kính thưa Bộ trưởng, việc nguyên thứ trưởng Mai Văn Dâu đứng trước vành móng
ngựa, phủ nhận sạch trơn việc tham nhũng, nhận hối lộ, làm dư luận vô cùng thất vọng, ít
nhất là ở góc độ bản lĩnh của một con người trước công việc của mình. Khi ông ta còn là
thuộc cấp của ông, quan hệ của ông và ông Dâu thế nào? (Tuan Dang Minh, 38 tuổi,
Dangminhtuan999@yahoo.Com.Vn)
- Bộ trưởng Trương Đình Tuyển: Vụ án đang được xử, chúng ta theo dõi quá trình xét
xử và sẽ tự rút ra kết luận, đánh giá riêng. Đối với một con người, trung thực là quan trọng
nhất, đặc biệt trung thực với chính mình. Nếu anh Dâu có tội, anh nên nhận. Nếu đúng là anh
không có tội, anh có thể tự bào chữa, và phải tìm đủ lý lẽ để bào chữa.
Trước đây, khi anh Dâu còn làm ở Bộ Thương mại, trong công việc, chúng tôi hợp tác
tốt trên tinh thần đồng chí.
- Chào Bộ trưởng. Sau vụ mua bán hạn ngạch, Bộ Trưởng có những kế hoạch gì trong
tương lai để củng cố lại danh tiếng cho Bộ Thương mại? (Hoang Nhu Hue, 27 tuổi, Vinh Yen)
- Bộ trưởng Trương Đình Tuyển: Vụ tiêu cực quota dệt may là một điều không tốt cho
Bộ Thương mại và tôi đã nói trước Quốc hội, tôi nhận trách nhiệm cá nhân và cũng đã kiểm
điểm trước Bộ chính trị. Và không đợi khi Thủ tướng yêu cầu, ngay sau khi sự việc xảy ra,
chúng tôi đã kiểm điểm.

5
Bộ Thương mại đã tách hẳn Ban dệt may và tăng cường tính công khai. Thật ra từ trước
đó, đã có công khai, nhưng khối lượng công việc quá lớn, lại ít nhân lực, nên cập nhật thông
tin lên mạng chưa tốt.
Đến nay, các doanh nghiệp Mỹ đều nói với tôi: Việt Nam là nước phân phối quota tốt
nhất. Điều này có được nhờ sự cố gắng của cán bộ Bộ Thương mại.
'Thu nhập của công chức là vấn đề cần xem xét'
- Chúng ta luôn nói tới kinh tế phát triển nhanh và bền vững. Nhưng cháu thấy các vụ
tiêu cực lớn liên tục được phanh phui, đặc biệt là sự liên quan của các quan chức lớn. Vậy
nền kinh tế của chúng ta có thể phát triển nhanh được bao nhiêu năm nữa ạ? (Nguyễn Danh
Hưng, 25 tuổi, Hải Dương)
- Bộ trưởng Trương Đình Tuyển: Trong các hội nghị quốc tế đặc biệt là trong thời
gian gần đây đề tài chống tham nhũng luôn được đề cập. Điều này cho thấy tham nhũng
không chỉ là bệnh của một nước, mà của nhiều nước trên thế giới. Nói như vậy không phải cố
biện minh. Nhiều nước đang căng mình để chống. Có nước những vụ tham nhũng phanh phui
lên đến tỷ USD. Ở VN những vụ như vậy chưa thấy.
Bản chất của tham nhũng không chỉ là phạm trù đạo đức mà còn thuộc phạm trù tăng
trưởng, nếu có tham nhũng thì không thể tăng trưởng được. Muốn tăng trưởng bền vững thì
phải chống tham nhũng. Chúng ta sẽ có cách đẩy lùi nó, phải xây dựng cơ chế công khai minh
bạch, đây là tiền đề để chống tham nhũng. Thu nhập của công chức cũng là một vấn đề cần
xem xét. Không thể đổ lỗi cho đói nghèo mà sinh tham nhũng, nhưng nếu để cho họ đói cũng
sẽ sinh ra tính ăn trộm vặt, và đây là tiền đề cho tham nhũng lớn. Cha ông ta từng tổng kết:
"Đói cho sạch, rách cho thơm", đây là tiêu chuẩn đạo đức không thể thấy đói mà làm liều.
Nhưng nếu để cho người ta đói sinh tính ăn vặt, vặt được một lần sẽ tiếp lần hai và rồi lần ba
và sinh ra cái lớn.
- Ông nghĩ gì về việc một Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư mới đây xin "từ quan"
để làm doanh nhân và nhận được rất nhiều lời mời chào từ các tập đoàn quốc tế? Liệu đây có
là xu hướng khi VN gia nhập sâu với thế giới và thị trường lao động sẽ hình thành? (Lan
Hương, 29 tuổi, TP HCM)
- Bộ trưởng Trương Đình Tuyển: Chúng ta đã có một thời gian dài vận hành theo nền
kinh tế tập trung, tạo thành thói quen dựa dẫm vào Nhà nước. Nhưng đang có những thay đổi
lớn, đặc biệt là ở lớp trẻ, họ rất bản lĩnh. Nhiều khi họ không làm Nhà nước không phải chỉ vì
lương thấp, mà vì công việc không như họ mong đợi. Tôi không biết đồng chí này xin nghỉ về
việc gì, có thể vì muốn có lương tốt hơn để lo cho gia đình, đó cũng là một việc tốt.
Hay cũng có thể đó là do không đồng ý với cách lãnh đạo của cấp trên. Dù sao, đây là
một nét mới và là việc tốt.
Ở VN, có một số Bộ trưởng, công chức từ chức rồi không biết làm gì, vì họ được đào
tạo để quản lý. Đó không phải là lỗi của họ.
Nhưng ở nước ngoài thì khác. Ông Zoellick trước làm Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ, hiện
làm giám đốc một công ty chứng khoán, vì chính khác nước ngoài vốn là những doanh nhân,
hay bà Susan Schwab giảng dạy tại các đại học.
Bộ trưởng của chúng ta không phải không có trình độ, mà là họ không phù hợp và tuổi
đã cao không thể thử sức ở các lĩnh vực mới. Có thể khi nghỉ hưu tôi sẽ tham gia một phần
vào làm báo.

6
- Cháu muốn hỏi một câu hơi riêng tư, thu nhập của gia đình bác hiện nay là bao nhiêu
và so với nhu cầu chi tiêu thì thế nào? Cám ơn bác. (Thái Khánh Phong, 29 tuổi,
Chcuoi@yahoo.Com)
- Bộ trưởng Trương Đình Tuyển: Lương của tôi theo chế độ của Bộ trưởng: lương tối
thiểu 450.000 đồng nhân với khoảng hơn 10 lần, cộng thêm chế độ có người phục vụ.
Gia đình tôi chi tiêu đơn giản, con tôi đều đã đi làm, tôi không phải nuôi ai. Con tôi một
cháu làm Nhà nước, một cháu làm doanh nghiệp nên thu nhập khá hơn. Tôi là người sống rất
đơn giản, không hay nhậu nhẹt vì sợ mất thời gian. Tôi có một số bạn bè cùng quê, nhưng bạn
bè cũng không hay tụ tập vì không có nhiều thời gian.
Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận, thu nhập của công chức còn hạn hẹp. Lương của cán
bộ công chức khó khăn, chi phí cho một đứa trẻ, thậm chí sơ sinh hiện giờ rất tốn kém. Với
lương công chức như thế này nhiều công chức giỏi sẽ ra ngoài công ty để làm. Nhiều công
chức trẻ vào Bộ Thương mại, tiếp cận với thông tin vĩ mô, các suất học, khi học xong họ ra đi
và tôi cũng không thể ngăn cản họ. Đây là một sức ép lớn với tôi.
- Thưa Bộ Trưởng có người đặt vấn đề: Bộ Công Nghiệp thì lo việc sản xuất còn Bộ
Thương Mại lo việc mua bán. Từ đó phát sinh vấn đề giữa sản xuất và tiêu thụ có lúc chưa
đồng bộ. Có ý kiến cho rằng nên nhập hai Bộ này thành một. Theo ý của Bộ trưởng như thế
nào? (Nguyen Van Qui, 48 tuổi, 67 le loi-phuong 1-tp my tho-tg)
- Bộ trưởng Trương Đình Tuyển: Bản thân cách tổ chức nhà nước là một khoa học,
nhiều nước có ngành học về nguyên lý tổ chức. Mô hình Bộ Thương mại và Công nghiệp trên
thế giới cũng có. Tất nhiên, khi tồn tại độc lập, không vì thế hai Bộ xung đột nhau, vì các Bộ
phải làm nên sức mạnh chung của nền kinh tế.
Cá nhân tôi cho rằng mô hình tổ chức Bộ Công thương là hợp lý. Không phải do tôi sắp
nghỉ hưu, thiếu trách nhiệm mà nói như vậy, mà từ khi tôi còn làm ở Nghệ An, tôi đã đề xuất
ý kiến này. Không phải nhìn riêng Bộ Công thương, mà nhìn trong tổng thể bộ máy Chính
phủ. Chúng ta có thể theo hình thức Bộ máy đa ngành.
- Nếu như ai đó nói với chú rằng, muốn thành công trong lĩnh vực kinh tế hoặc chính trị
thì phải "luồn lách", chú sẽ nói thế nào với người đó? (Phan Thuý Hằng, 34 tuổi, BIDV)
- Bộ trưởng Trương Đình Tuyển: Có thể trong cuộc sống cũng có chuyện nọ chuyện
kia. Không chỉ có VN mà nhiều nước khác cũng có hiện tượng này. Theo tôi ở môi trường nào
cũng vậy luôn phải tạo ra một ê-kíp làm việc tốt cùng có khát vọng cùng mục tiêu. Chỉ có
điều không để ê-kíp này tạo thành những lỗ hổng.
Tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ thành Bộ trưởng, chưa bao giờ nghĩ từ một anh thợ cơ
khí lại lên được Bộ trưởng. Tôi tin vào sự lựa chọn của Nhà nước.
Nguyên nhân lựa chọn cán bộ không đúng theo tôi có nhiều. Lựa chọn đúng nhưng khi
bước sang vị trí mới lại không đáp ứng được, hoặc sau một thời gian bị tha hóa. Con người
khác với loài vật. Con người là tổng hợp các mối quan hệ. Với con vật, yếu tố di truyền quyết
định còn con người là tổng hòa các mối quan hệ xã hội, chịu tác động của xã hội.
Trong định hướng tranh cử tới đây cho phép được tự tranh cử cũng là một điều tốt và tôi
nghĩ đây là cách tranh cử dân chủ.
- Có câu “Dễ vạn lần không dân cũng chịu. Khó trăm lần dân liệu cũng xong”. Nhưng
thực tế người dân và doanh nghiệp hiện vẫn gặp khó khăn khi đến cơ quan công quyền. Ông
nghĩ sao? (Dai Hk. Dang Cong, 30 tuổi, Daidc@techcombank.Com.Vn)

7
- Bộ trưởng Trương Đình Tuyển: Đây là một câu nói rất đúng. Chúng ta đang trong
quá trình cải cách hành chính. Thực tế là thủ tục hành chính của chúng ta còn nặng nề. Trong
chương trình hành động của Chính phủ, đây là một bước đột phá. Nhưng quan trọng là cách
làm, Thủ tướng cũng đã nhắc nhở việc này rất quyết liệt. Quan trọng là cách làm đồng bộ và
tổng thể, chúng ta vẫn chưa đồng bộ, nên hiệu quả chưa như mong muốn và làm tăng chi phí
giao dịch, mất thời gian.
'Vợ tôi không can thiệp vào công việc của chồng'
- Thưa Bộ trưởng, thời gian qua, thông tin đại chúng đã viết rất nhiều về ông nhưng
không thấy viết về gia đình ông. Vậy ông có thể cho biết đôi chút về gia đình được không?
Ông sắp về hưu, vậy ông có thấy mãn nguyện với những gì mình đã làm được? (Huong Xuan
Nguyen, 33 tuổi, Huongnx@mail.Ru)
- Bộ trưởng Trương Đình Tuyển: Gia đình tôi không có gì đặc biệt. Giống như đại bộ
phận các gia đình VN, tôi có vợ và hai con gái. Cháu nào cũng học hành đến nơi đến chốn. Cô
con gái đang làm công ty hóa dầu, cháu khác học trường Đại học Bách khoa - khoa toán tin.
Con gái tôi cũng biết định hướng cho nghề nghiệp và vận dụng rất tốt kiến thức đã học trong
trường vào công việc.
Khát vọng ai cũng có nhưng vấn đề là khát vọng ấy có chính đáng hay không. Bao giờ
cũng vậy làm nhiều việc thì dễ sai lầm hơn nhưng tôi nghĩ là tỷ lệ sai của tôi cũng không
nhiều. Điều quan trọng nhất với tôi là dù ở bất cứ cương vị nào, từ cấp thấp cho đến khi làm
Bộ trưởng, tôi đều rất tâm huyết với công việc. Có lẽ những khuyết điểm thường xuất phát từ
chính tâm huyết mà ra, nhưng tôi vẫn luôn tìm cách sáng tạo trong phạm vi cho phép.
- Thưa chú, người ta vẫn nói: "Đằng sau sự thành đạt của đàn ông bao giờ cũng có bàn
tay của một người phụ nữ", vậy theo chú thì người phụ nữ ấy sẽ phải như thế nào? (Lê Mỹ
Kim, 24 tuổi, Đống Đa - Ha Nội).
- Bộ trưởng Trương Đình Tuyển: Người phụ nữ ấy ở đâu thì tôi không biết, nhưng tôi
thấy rất rõ bà xã tôi là người có rất nhiều điểm thú vị. Bà ấy chưa bao giờ can thiệp vào công
việc của chồng, chỉ trao đổi thông tin góp ý và luôn ủng hộ tôi trong công việc. Thậm chí bà
ấy còn không biết cả tôi làm việc ở đâu, và công việc chính là gì. Bà ấy sống giản dị, tiết
kiệm, rất lo cho sức khỏe của chồng. Bà ấy cũng làm kỹ sư cơ khí và đã nghỉ hưu rồi. Bà ấy
luôn ủng hộ chồng và thậm chí bằng lòng với những gì mình có, tôi nghĩ bà ấy là người thiệt
thòi.
Tôi lập gia đình không quá sớm, cũng không quá muộn. Tôi lựa chọn vợ theo tiêu chuẩn
đánh giá trí tuệ và phẩm chất. Tất nhiên tôi gặp nhiều người, nhưng bà xã là cơ duyên và tôi
thấy hài lòng.
- Bác nghĩ như thế nào khi mọi người xem bác là nhân vật nổi tiếng trong năm 2006?
(Nguyễn Văn Sơn, 23 tuổi, Yên Hoà - Yên Sơn - Đô Lương - Nghệ An)
- Bộ trưởng Trương Đình Tuyển: Tôi là người rất quyết đoán và rất nhanh chóng tìm
ra hướng giải quyết và giải pháp cho những vấn đề gặp phải, vậy mà khi được bình chọn là
nhân vật của năm 2006, vẫn bị lúng túng.
Rất nhiều người tiêu biểu, nhưng tôn trọng khán giả nên tôi đến nhận giải thưởng, tôi
coi đây là sự quý mến của bộ phận người dân với mình hơn là mình nổi tiếng. Điều này chứng
tỏ VN gia nhập WTO trong bối cảnh được sự đồng thuận cao. Đây không phải là phản ứng tức
thời mà là sự cố gắng nỗ lực suốt 20 năm qua.

8
Khi gặp Chủ tịch phòng Thương mại Mỹ, tôi đã nói rằng thị trường chứng khoán đang
rất sôi động, thông qua thị trường chứng khoán, người dân VN đã có ý thức kinh doanh và
muốn không thất bại họ phải tính toán phải tìm hiểu thông tin... Tôi rất muốn người nông dân
cũng có được ý thức này.
- Theo quan sát tôi thấy Bộ trưởng rất hay hút thuốc lá, vậy thuốc lá giúp cho ông trong
công việc? (Lại Khắc Chiến, 29 tuổi, Thanh Hóa)
- Bộ trưởng Trương Đình Tuyển: Thực ra người hay hút thuốc lá mà nói là giúp cho
công việc thì chỉ là cách ngụy biện. Lãnh đạo Nhà nước có rất nhiều đồng chí đang hút hoặc
đã bỏ. Với tôi khi gặp một vấn đề nào đó cần phải đăm chiêu suy nghĩ, thuốc lá làm tôi sảng
khoái, minh mẫn hơn. Tôi hút thuốc từ rất bé nhưng vừa rồi tôi bị ốm nên đã bỏ rồi.
- Kính thưa Bộ trưởng, vẻ bề ngoài của Bộ trưỏng rất chân quê, vẻ bề ngoài đó có ảnh
hưởng đến vấn đề đối ngoại của Bộ trưởng không ạ? Câu nói tốt gỗ hơn tốt nước sơn có ý
nghĩa đối với Bộ trưởng không ? (Đỗ An Thắng, 39 tuổi, Số 18 Trần Hưng Đạo - Hồng Bàng
- Hải Phòng)
- Bộ trưởng Trương Đình Tuyển: Tất nhiên nếu đẹp trai, ăn mặc chững chạc, thời
trang là rất tốt.
Với tôi có ba cái đẹp: Đẹp trí tuệ, đẹp tâm hồn và hình thức. Mỗi người có thể có tiêu
chuẩn lựa chọn khác nhau, tôi nhìn người khác và chính mình theo thứ tự này. Đẹp hai cái đầu
và có cả hình thức thì càng tốt. Hình thức là cha mẹ sinh ra. Tất nhiên có thể thay đổi được
hình thức. Nhưng tôi là người thích tự do, cũng thích đi dép hơn đi giày. Tất nhiên, khi đối
ngoại, tôi cũng phải đảm bảo hình thức chỉn chu. Nếu có được cả ba thì tốt, nếu phải chọn thì
nên chọn hai cái đầu.
- Được biết Bộ trưởng rất yêu thơ, hay đọc thơ và cũng sáng tác. Xin hỏi bộ trưởng:
Người làm kinh tế, làm quản lý mà lại có tâm hồn thi sĩ thì có ảnh hưởng gì đến công tác
quản lý, điều hành? (Lý Tuấn, 40 tuổi, P.206 A 6 Giảng Võ, Hà Nội)
- Bộ trưởng Trương Đình Tuyển: Đúng là tôi rất yêu thơ, đây là điều tốt. Thơ hay
không phải ai cũng làm được. Nguyễn Huy Thiệp từng nói với tôi rất muốn làm thơ dù anh đã
là nhà văn giỏi. Làm thơ hay theo tôi cực khó, tôi cũng chưa làm được điều này. Nhưng tôi
yêu thơ, thỉnh thoảng làm thơ nhưng cũng không mất nhiều thời gian. Tôi chỉ làm thơ khi xúc
cảm mạnh mẽ.
Tôi vốn là kỹ sư cơ khí, lại là cơ khí chính xác. Nhưng cuộc sống lại không chính xác
như vậy, nếu áp công việc của một thợ cơ khí vào công việc thì đôi lúc sẽ tạo ra những sai sót.
Tôi làm thơ là để làm mềm bớt cái khô của công việc và làm cuộc sống thêm thăng hoa.
- Tôi rất thích 2 câu thơ của Bộ trưởng: "Sao em lỡ nhốt mình trong hư vô, kinh kệ /
Mắt mồ côi, anh lạc lối đi về". Xin Bộ trưởng cho biết thêm về xuất xứ và hoàn cảnh mà Bộ
trưởng viết bài thơ này. Có phải là một mối tình bí mật của Bộ trưởng không? (Nam Cường,
45 tuổi, Phúc Yên)
- Bộ trưởng Trương Đình Tuyển: Bài thơ này tôi làm cho vui thôi chứ không liên quan
đến một người nào cả. Không dính dáng đến quan hệ cá nhân, tôi chỉ quan sát nhìn thấy và
viết, tôi nhớ cảnh chứ không nhớ người nữa. Đúng là, nhiều người cũng khen bài thơ này của
tôi nhưng quả thật, tôi tự thấy mình chưa viết được bài thơ nào hay cả.
- Kính chào Bộ trưởng. Cháu muốn biết hiện sức khỏe của bác thế nào khi hằng ngày
phải xử lý nhiều công việc đến thế và… vì qua ảnh trông bác gầy quá. Kính chúc bác khỏe và
vui vẻ. (Cháu Xứ Nghệ, Cao Thị Hương, 30 tuổi, Phòng Khách hàng Doanh nghiệp,
VIBBank, chi nhánh Vinh)

9
- Bộ trưởng Trương Đình Tuyển: Cám ơn cháu, sau một trận ốm, sức khỏe của tôi có
kém đi, nhưng không ảnh hưởng gì đến khả năng tư duy và điều hành.
- Thưa Bộ trưởng, thần tượng của ông là ai? (Hoàng Thị Quỳnh Hoa, 26 tuổi, Hà Nội)
- Bộ trưởng Trương Đình Tuyển: Một người như Bác Hồ thì cả nước coi là thần tượng
rồi, tôi cũng nằm trong số những người này. Ngoài ra, tôi cũng rất kính trọng nhiều lãnh tụ
trên thế giới, nhiều đồng chí lãnh đạo các phong trào cách mạng, bao nhiêu đồng chí dám hy
sinh cho đất nước cho sự nghiệp giải phóng dân tộc tôi đều kính trọng, biết ơn. Trong đó có
rất nhiều đồng chí tư duy sắc sảo như đồng chí Lê Duẩn, Trường Chinh... đều rất tài năng và
rất đáng trân trọng.
Nhưng thần tượng theo kiểu các fan hâm mộ ca sĩ, cầu thủ bóng đá... tôi không có. Còn
những vị lãnh tụ tài ba, giỏi giang và có phẩm chất tôi rất kính trọng và coi đó là tấm gương
để học tập.
- Cảm ơn Bộ trưởng đã trả lời thẳng thắn các câu hỏi của độc giả. Ông sắp về hưu, vậy
theo ông người sẽ đảm nhiệm vị trí Bộ trưởng Thương mại cần tiêu chí gì? Chúc ông và gia
đình mạnh khỏe, an khang, thịnh vượng (Lan Hương, 29 tuổi, TP HCM)
- Bộ trưởng Trương Đình Tuyển: Người đó phải đạt tiêu chí của Bộ trưởng nhiều hơn
là tiêu chí của Bộ trưởng thương mại. Bộ trưởng Quốc phòng vốn dĩ không phải là ông tướng,
Bộ trưởng Y tế cũng không hẳn là bác sĩ, các nước đều có những trường hợp này. Tất nhiên,
nếu có nghề nghiệp, chuyên môn chuyên sâu thì khi nắm cương vị cao sẽ có cách nhìn nhận
và tư duy tốt hơn. Song không nhất thiết phải thế. Điều kiện cần là phải có phẩm chất đạo
đức, sau đó mới tính đến điều kiện đủ có năng lực, tư duy, biết xây dựng chính sách và phát
hiện các vấn đề lớn. Chúng ta thường nói vừa hồng vừa chuyên, điều này không sai, nhưng
nói thế chưa đủ. Phải sàng lọc những người có phẩm chất tốt dựa trên điều kiện cần này mới
tuyển tiếp đến trình độ chuyên môn.
Tôi rất thích giao lưu với độc giả nhưng tôi rất ghét qua các phương tiện để nhằm mục
đích quảng bá hình ảnh. Trong đàm phán WTO cũng vậy, tôi làm trách nhiệm của một Bộ
trưởng nhưng đằng sau đó là công lao của rất nhiều anh em. Tôi không coi chức tước là cái gì
ghê gớm cả mà cái quan trọng là anh làm được cái gì, cái ấy tác động như thế nào đến xã hội
và người dân. Tôi luôn luôn tâm niệm điều này. Tôi đã từng được giới thiệu vào các chức vụ
cao hơn bây giờ nhưng tôi đã từ chối vì tôi hiểu rất rõ về mình.
Rất cảm ơn buổi giao lưu của VnExpress, cảm ơn độc giả của báo đã tham gia cuộc giao
lưu này.
Theo VnExpress

10

You might also like