You are on page 1of 8

TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN

– ĐẠI HỌC QUỐC GIA TPHCM


Lớp: TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH (10)
Giảng viên: Thầy NGÔ TUẤN PHƯƠNG

NỘI DUNG BÀI THUYẾT TRÌNH


NHÓM 4
Câu 4: Phân tích quan điểm của Hồ Chí Minh về công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, Đảng
viên. Trình bày nhận thức của bản thân về việc vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong xây
dựng đội ngũ công chức nhà nước ở Việt Nam trong thời kỳ hiện nay. (Chương 4_1)

Bài làm:
Tổng thế toàn bài được chia thành 2 luận điểm lớn: Một là quan điểm của Hồ Chí
Minh về công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, Đảng viên; hai là việc vận dụng tư tưởng Hồ
Chí Minh trong xây dựng đội ngũ công chức nhà nước ở Việt Nam trong thời kỳ hiện nay,
theo nhận thức của cả nhân.
Theo Hồ Chí Minh, để xây dựng tốt một đội ngũ cán bộ, Đảng viên trong điều kiện Đảng
Cộng sản Việt Nam cần quyền, Người đã có những chủ trương như sau:
1. Phải đánh giá đúng cán bộ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, cứ mỗi lần xem xét, rà soát lại đội ngũ cán bộ, một mặt
sẽ tìm thấy những nhân tài mới, mặt khác thì những người yếu kém sẽ bị lòi ra. Đánh giá
đúng cán bộ không chỉ nhằm phát hiện cái hay của họ để khuyến khích, phát huy, mà còn
nhằm thấy cái dở của họ để tìm cách giúp đỡ, khắc phục. Để đánh giá đúng cán bộ, Hồ
Chí Minh yêu cầu phải có quan điểm biện chứng. Người cho rằng, mọi sự vật, hiện tượng
đều không ngừng biến đổi, cán bộ cũng như vậy. Nếu không đánh giá đúng cán bộ và tình
hình công tác cán bộ thì không thể đề bạt, sử dụng cán bộ một cách đúng đắn được.
Những lưu ý cốt lõi như là:

(1) Phải thường xuyên đánh giá cán bộ để bố trí cán bộ phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ
cách mạng, đồng thời tạo tâm lý yên tâm cho đội ngũ cán bộ trong hoạt động thực tiễn.

(2) Đánh giá cán bộ phải khách quan, toàn diện, phải chú ý đến năng lực, phẩm chất, hiệu
quả công việc. Đặc biệt là đánh giá cán bộ phải chú trọng đến phẩm chất đạo đức. Theo
Người, việc đánh giá cán bộ cần phải dựa vào nhân dân, phát huy dân chủ và nắm bắt
được dư luận xã hội mới bảo đảm thực chất và hiệu quả.

(3) Đánh giá cán bộ phải công tâm, minh bạch, người làm công tác cán bộ cũng phải có
đầy đủ chuẩn mực đạo đức thì mới hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Người còn nhắc
nhở những người làm công tác cán bộ phải dũng cảm nhìn nhận và kiên quyết khắc phục
những hạn chế, khuyết điểm của mình.

2. Phải huấn luyện, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ một cách toàn diện.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, huấn luyện cán bộ là một khâu quan trọng trong công tác
cán bộ. Đảng phải huấn luyện, đào tạo và bồi dưỡng cán bộ một cách toàn diện để xây
dựng đội ngũ cán bộ đủ đức, đủ tài, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của cách mạng.
Người đề ra mục đích của việc huấn luyện cán bộ là phải xây dựng đội ngũ cán bộ mạnh
về phẩm chất và năng lực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng. Người yêu cầu: “Đào
tạo cán bộ không được làm qua loa, đại khái” mà “phải nuôi dạy cán bộ, như người làm
vườn vun trồng cây cối quý. Khi tư tưởng vững chắc sẽ không có khó khăn nào ngăn trở. 

3. Phải sử dụng và bố trí đúng cán bộ.

Hồ Chí Minh từng nhắc nhở chúng ta rằng: “Dùng cán bộ không đúng tài năng của họ,
cũng là một thất bại”. Đi đôi với việc sử dụng đúng tài năng của cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí
Minh yêu cầu người lãnh đạo, quản lý các cấp phải biết trọng dụng nhân tài, nếu không sẽ
làm “thui chột” nhân tài. Người căn dặn: phải biết chăm lo phát hiện nhân tài, phải biết
đào tạo, bồi dưỡng nhân tài và phải biết sử dụng nhân tài một cách hợp lý. Theo Chủ tịch
Hồ Chí Minh, để sử dụng và bố trí đúng cán bộ, phát huy hết năng lực, sở trường của cán
bộ cần thực hiện tốt các việc đó là:

(1) Phải làm tốt khâu phát hiện và lựa chọn cán bộ

Trong tuyển chọn cán bộ, Người cho rằng không thiên tư, thiên vị, không phân biệt người
trong hay người ngoài Đảng mà lựa chọn những người thật sự có đức, có tài. Theo Chủ
tịch Hồ Chí Minh, phải tìm cho được những người tiêu biểu như: Những người tỏ ra trung
thành và hăng hái trong công việc, trong lúc đấu tranh; Những người liên lạc mật thiết với
dân chúng, hiểu biết dân chúng, luôn luôn chú ý tới lợi ích của dân chúng. Như thế thì dân
mới tin cậy cán bộ và nhận cán bộ đó là người lãnh đạo của họ; Những người có thể phụ
trách và giải quyết các vấn đề, trong những hoàn cảnh khó khăn.

(2) Phải khéo dùng cán bộ

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Khéo dùng cán bộ là phải khéo nâng cao chỗ tốt,
khéo sửa chữa chỗ xấu cho họ. Khéo dùng cán bộ còn có nghĩa là phải tin tưởng vào cán
bộ, tạo điều kiện, cơ hội để khuyến khích họ phát huy dân chủ và tinh thần trách nhiệm
của mình. Khéo dùng cán bộ còn thể hiện ở chỗ biết kết hợp hài hòa giữa thế hệ cán bộ đi
trước và cán bộ kế cận. Những cán bộ đi trước có nhiều kinh nghiệm về lãnh đạo, được
rèn luyện thử thách nhiều trong thực tế. Còn cán bộ trẻ là những người hăng hái, nhiệt
huyết, nhạy cảm với cái mới và chịu khó học tập nên nhanh tiến bộ.
(3) Quan tâm về cất nhắc, đề bạt cán bộ

Người chỉ rõ: “Cất nhắc cán bộ không nên làm như giã gạo”. Nghĩa là từ trước khi cất
nhắc không xem xét kỹ, khi cất nhắc rồi không giúp đỡ họ, khi họ sai lầm thì đẩy họ
xuống, chờ lúc họ làm khá lại cất nhắc lên. Một cán bộ bị “nhấc lên”, “thả xuống” ba lần
như thế thì “hỏng cả đời”. Người luôn đề cao công tác kiểm tra cán bộ, nhưng phải đúng
người, đúng việc, phải thiết thực và công tâm. Kiểm tra cán bộ không phải là “bới lông
tìm vết”, “đào chuyện cũ ra làm án mới”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt nhấn mạnh tới
tính tự giác của cán bộ trước sai lầm, khuyết điểm. Nhưng người cũng rất dứt khoát trong
việc xem xét, xử phạt những cán bộ có sai lầm, khuyết điểm. Người cho rằng: “Nếu nhất
nhất không xử phạt thì sẽ mất cả kỷ luật,… Vì vậy, hoàn toàn không dùng xử phạt là hoàn
toàn không đúng. Mà chút gì cũng dùng đến xử phạt cũng không đúng”.

4. Phải kiên quyết chống các biểu hiện tiêu cực trong công tác cán bộ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao phát huy dân chủ trong công tác cán bộ. Người từng
phê phán công khai trước Hội nghị: “Có những đồng chí còn giữ thói “một người làm
quan cả họ được nhờ”, đem bà con, bạn hữu đặt vào chức này việc kia, làm được hay
không, mặc kệ”. Người chỉ ra thói xấu trong công tác cán bộ đó là: Ham dùng những kẻ
khéo nịnh hót mà ghét những người chính trực. Đó là những là kẻ cơ hội, nếu không tỉnh
táo đề phòng thì những kẻ này sẽ tìm cách chui vào nắm giữ những chức vụ trong Đảng,
chính quyền và các đoàn thể, gây tác hại rất lớn. Người phê phán những cán bộ lãnh đạo:
Ham dùng những người tính tình hợp với mình và không dùng những người không hợp
với mình, bất kể người đó có năng lực ra sao.

5. Phải bảo đảm tính kế thừa và phát triển.

Phải kết hợp giữa cán bộ lớn tuổi và cán bộ trẻ, lớp cán bộ cũ và cán bộ mới, tạo nguồn
cán bộ kế cận để bảo đảm sự chuyển giao công việc, phải bồi dưỡng cán bộ cách mạng
cho đời sau. Người cho rằng “Cán bộ tốt, việc gì cũng xong”.

Ngoài những chủ trương mà Người đã đề ra, Người cũng không quên xây dựng một hệ
thống các yếu tố phẩm chất cá nhân mà đội ngũ cán bộ, Đảng viên cần phải có:

1. Phải tuyệt đối trung thành với Đảng.

Cán bộ, Đảng viên phải tuyệt đối trung thành với Đảng, suốt đời phấn đấu cho lợi ích của
cách mạng. Vì mục tiêu lí tưởng của Đảng, đặt lợi ích của Đảng lên trên hết, lên trước hết,
vì lợi ích của Đảng tức là lợi ích của dân tộc, của Tổ quốc. Vô luận lúc nào, vô luận việc
gì, Đảng viên và cán bộ phải đặt lợi ích của Đảng ra trước, lợi ích của cá nhân lại sau.
Nếu gặp khi lợi ích chung của Đảng mâu thuẫn với lợi ích riêng của cá nhân, thì phải kiên
quyết hy sinh lợi ích của cá nhân cho lợi ích của Đảng. Khi cần đến tính mệnh của mình
cũng phải vui lòng hy sinh cho Đảng.
2. Phải là những người nghiêm chỉnh thực hiện cương lĩnh, đường lối, quan
điểm, chủ trương, nghị quyết, của Đảng và các nguyên tắc xây dựng Đảng.

3. Phải luôn tu dưỡng, rèn luyện, trau dồi đạo đức cách mạng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao đạo đức của người cán bộ cách mạng. Người cho rằng,
cán bộ chỉ có giác ngộ chính trị chưa đủ, mà còn phải thấm nhuần, tu dưỡng đạo đức cách
mạng. Người từng viết: “Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài
giỏi đến mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân. Vì muốn giải phóng cho dân tộc, giải
phóng cho loài người là một công việc to tát mà tự mình không có đạo đức, không có căn
bản, tự mình hủ hóa, xấu xa thì còn làm nổi việc gì?”
Theo Người, đạo đức cách mạng của người cán bộ phải được thường xuyên rèn dũa,
giống như “ngọc càng mài càng sáng”, thể hiện rõ trong công tác và trong sinh hoạt
thường ngày. Đó là:

- Trung với nước, hiếu với dân. Theo đó, người cán bộ cách mạng phải thể hiện
trung thành, tận tụy, cống hiến vì lợi ích của Tổ quốc; phải vì lợi ích của nhân dân,
mưu cầu hạn phúc cho nhân dân. Người khuyên cán bộ, Đảng viên phải gắn bó với
dân, thương dân, lấy trí tuệ ở dân, học hỏi dân. Mỗi cán bộ, Đảng viên phải xác
định mình là công bộc của dân: “Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì
hại đến dân, ta phải hết sức tránh”.
- Có tình thương yêu con người, tình thương đồng bào, đồng chí, vì tình thương yêu
con người là một trong những phẩm chất đạo đức cao đẹp. Người đòi hỏi mỗi cán
bộ, Đảng viên của Đảng phải trở thành những tấm gương có sức cảm hóa, phải
luôn yêu thương con người, yêu thương đồng bào, đồng chí mình; phải bao dung,
độ lượng, kể cả đối với những người trót lầm đường lạc lối nhằm đánh thức lương
tri, đánh thức phần thiện trong con người của họ.
- Phải “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”. Đó là đạo đức, là phẩm chất trung
tâm của người cán bộ cách mạng. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, Cần - là cần cù,
chịu khó; kiệm - là tiết kiệm của công, không lãng phí; liêm - là không tham ô,
sống trong sạch; chính - phải luôn ngay thẳng, chính trực; chí công vô tư - là sự
rạch ròi giữa việc công và việc tư, phải đặt lợi ích chung lên trên lợi ích cá nhân
- Phải có tinh thần trách nhiệm trước công việc. Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nhắc
nhở các cán bộ của Đảng, dù ở bất kỳ cương vị nào, làm công tác gì, gặp hoàn
cảnh nào, đều phải có tinh thần trách nhiệm. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, người có
tinh thần trách nhiệm là khi Đảng, Chính phủ hoặc cấp trên giao cho việc gì, bất kỳ
to hay nhỏ, khó hay dễ, thì cũng đem cả tinh thần và sức lực làm cho đến nơi đến
chốn, vượt mọi khó khăn, làm cho thành công; luôn nắm vững chính sách, đi đúng
đường lối quần chúng và làm tròn nhiệm vụ.

4. Phải có mối liên hệ mật thiết với nhân dân.

Phải làm đầy tớ thật trung thành cho nhân dân, coi trọng và phát huy quyền làm chủ của
nhân dân; tiên phong, gương mẫu, chịu khổ trước nhân dân và vui sau nhân dân. “Đảng
viên đi trước, làng nước theo sau”.
5. Phải luôn luôn chịu trách nhiệm, năng động, sáng tạo.

Không bao giờ thụ động, không bao giờ lười biếng mà phải là những người “thắng không
kiêu bại không nản”. Luôn luôn có tinh thần sáng tạo, hăng hái, nêu cao trách nhiệm, dám
chịu trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân.

6. Phải là những người luôn luôn phòng và chống các tiêu cực.

Trong việc phòng và chống các tiêu cực, phải đặc biệt phòng và chống tham ô, lãng phí,
quan liêu, mà Hồ Chí Minh cho đó là giặc nội xâm, là những kẻ địch bên trong. “Mỗi kẻ
địch bên trong là một bạn đồng minh của kẻ địch bên ngoài. Địch bên ngoài không đáng
sợ. Địch bên trong đáng sợ hơn, vì nó phá hoại từ trong phá ra”. Kiên quyết không để bất
cứ con sâu mọt nào làm ảnh hưởng tới cả rừng cây xanh tốt.
Vào năm 1950, Hồ Chí Minh đã bác đơn xin tha tội chết của Trần Dụ Châu - Cục trưởng
Cục Quân nhu – đang chịu án tử hình vì tội “Biển thủ công quỹ, nhận hối lộ, phá hoại
công cuộc kháng chiến”.  Bác từng nói “nếu phải giết đi một con sâu mà cứu được cả
rừng cây thì việc đó là cần thiết, hơn nữa còn là một việc làm nhân đạo”.

Nói tóm lại, Người luôn đánh giá cao vai trò của đội ngũ cán bộ, Đảng viên: "Công việc
thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém". Người ví cán bộ như "cái dây
chuyền của bộ máy. Nếu dây chuyền không tốt, không chạy thì động cơ dù tốt, dù chạy
toàn bộ máy cũng tê liệt". Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Người thường hay
giải thích: "Đảng mạnh là do chi bộ tốt. Chi bộ tốt là do các Đảng viên đều tốt".

Theo đó, em nhận thức được quy trình xây dựng đội ngũ công chức nhà nước cũng
phảivận dụng tích cực tư tưởng Hồ Chí Minh trong xây. Cụ thể như sau:

1. Nhận thức đầy đủ, sâu sắc, toàn diện vị trí, vai trò của đội ngũ cán bộ và công
tác cán bộ theo tư tưởng Hồ Chí Minh.

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta phải vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác –
Lênin kết hợp cùng tư tưởng Hồ Chí Minh để nhận thức về cán bộ và công tác cán bộ
ngày càng rõ hơn. Trên thực tế, nhận thức ở một bộ phận cán bộ Đảng viên về vai trò
và vị trí của cán bộ còn hạn chế, bất cập. Ở Hội nghị Trung ương lần thứ 7 - khóa XII
về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, Đảng đã chỉ rõ: “Nhận thức và ý thức
trách nhiệm của một số cấp ủy, tổ chức Đảng, lãnh đạo cơ quan, đơn vị và cán bộ,
Đảng viên, nhất là người đứng đầu, về cán bộ và công tác cán bộ chưa thật sự đầy đủ,
sâu sắc, toàn diện”. Nghị quyết đã xác định rõ hơn vị trí, vai trò của cán bộ và công tác
cán bộ: “Cán bộ là nhân dân tố quyết định sự thành bại của cách mạng; công tác cán
bộ là khâu “then chốt” của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Xây dựng
đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược phải là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, là
công việc hệ trọng của Đảng. Phải được tiến hành thường xuyên, thận trọng, khoa học,
chặt chẽ và hiệu quả. Đầu tư xây dựng đội ngũ cán bộ là đầu tư cho phát triển lâu dài,
bền vững”. Quan điểm đúng đắn này cần được nhận thức đầy đủ hơn nữa ở mọi cấp,
mọi ngành, mọi tổ chức và toàn thể cán bộ, Đảng viên.

2. Vận dụng và thực hiện tốt hơn các khâu của công tác cán bộ theo tư tưởng Hồ
Chí Minh.

Một là, coi trọng khâu tuyển chọn cán bộ.


Đây là khâu đầu tiên và rất quan trọng, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Khâu chọn
giống, nếu giống tốt ắt cây sẽ tốt”. Đồng thời Người đã đưa ra các tiêu chí để lựa chọn cán
bộ: Những người đã tỏ ra rất trung thành và hăng hái trong công việc, trong lúc đấu tranh.
Những người liên lạc mật thiết với dân chúng, hiểu biết việc dân chúng. Những người có
thể phụ trách giải quyết các vấn đề trong những hoàn cảnh khó khăn. Ai sợ phụ trách và
không có sáng kiến thì không phải người lãnh đạo. Người lãnh đạo đúng đắn cần phải:
Khi thất bại không hoang mang, khi thắng lợi không kiêu ngạo. Khi thi hành các nghị
quyết phải kiên quyết, gan góc, không sợ khó khăn. Và đặc biệt là những người luôn giữ
đúng kỷ luật.
Lấy đó làm kim chỉ nam, các hệ thống văn bản liên quan đến lựa chọn cán bộ hiện nay đã
tương đối đầy đủ, toàn diện và rõ ràng. Vấn đề đặt ra là cần căn cứ vào các quy định, quy
chế, quy trình của Trung ương, các cấp ủy, tổ chức Đảng để cụ thể hóa tiêu chí lựa chọn
cán bộ cho phù hợp với các cấp trong tình hình mới.

Hai là, coi trọng và đổi mới việc đào tạo, huấn luyện cán bộ.
Đảng ta luôn coi trọng đào tạo, huấn luyện cán bộ. Tuy nhiên, “Công tác đào tạo, bồi
dưỡng cán bộ chậm đổi mới, chưa kết hợp chặt chẽ giữa lý luận và thực tiễn, chưa gắn với
quy hoạch và theo chức năng”. Vì vậy, Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 7 - khóa
XII đã chủ trương về xây dựng Chương trình quốc gia về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đặc
biệt là ngoại ngữ. Gắn quy hoạch với đào tạo, bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh và
đẩy mạnh thực hiện luân chuyển cán bộ, lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị để rèn
luyện qua thực tiễn ở các lĩnh vực, địa bàn khác nhau.

Ba là, đánh giá cán bộ phải khách quan, có tiêu chí rõ ràng.
Đánh giá cán bộ là việc rất hệ trọng. Đánh giá đúng sẽ là cơ sở để bố trí, sử dụng đúng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ, khi xem xét, đánh giá cán bộ phải thực sự khách quan, phải
hiểu cán bộ. Đánh giá chính xác cán bộ là việc khó, phức tạp. Người căn dặn: “Trong thế
giới, cái gì cũng biến hóa. Tư tưởng của người cũng biến hóa. Vì vậy cách xem xét cán
bộ, quyết không nên chấp nhất, vì nó cũng phải biến hóa...”. Đồng thời, Người chỉ rõ:
Xem xét cán bộ, không chỉ xem ngoài mặt mà còn phải xem tính chất của họ. Không chỉ
xem một việc, một lúc mà phải xem toàn bộ cả lịch sử, tất cả công việc của họ”. Theo đó,
để đánh giá đúng cán bộ, phải căn cứ theo các tiêu chí và kết quả thực tiễn công tác của
cán bộ. Trên cơ sở bộ khung tiêu chí, cần có những quy định cụ thể hóa đối với từng loại
cán bộ ở các cấp, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong đánh giá cán bộ.

Bốn là, bố trí, sử dụng cán bộ cho đúng, cho khéo.


Bố trí, sử dụng cán bộ là một khâu có ý nghĩa quyết định trong công tác cán bộ. Chủ tịch
Hồ Chí Minh đã nêu nhiều luận điểm về bố trí, sử dụng cán bộ rất ngắn gọn, rõ ràng,
chính xác, dễ nhớ, dễ thực hiện. Người chỉ rõ phải bố trí “người nào việc nấy”, “phải bố
trí cán bộ một cách cho đúng”, “phải khéo dùng cán bộ”. Để triển khai các nhiệm vụ, giải
pháp đòi hỏi cấp ủy, tổ chức Đảng các cấp phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn. Phải tiếp tục
cụ thể hóa đối với từng cấp, từng loại cán bộ theo từng giai đoạn cho phù hợp.

Năm là, thực hiện tốt chính sách cán bộ.


Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, cần có chính sách cán bộ đúng, phù hợp. Người căn dặn:
“Thương yêu là giúp họ học tập thêm, tiến bộ thêm. Là giúp họ giải quyết những vấn đề
khó khăn sinh hoạt ngày thường. Khi ốm đau được chăm nom, gia đình họ khỏi thiếu
thống.v.v… Thương yêu là luôn chú ý đến công tác của họ, kiểm soát họ. Hễ thấy khuyết
điểm thì giúp đỡ họ sửa chữa ngay, để vun trồng cái thói có gan phụ trách, có gan làm
việc của họ”. Đối với những cán bộ phạm sai lầm, khuyết điểm, Chủ tịch Hồ Chí Minh
cũng căn dặn cần có tính nhân văn: “… phải giải thích rõ ràng, làm cho họ tự trông thấy,
tự nhận rõ sai lầm đó, làm cho họ vui lòng sửa đổi, chứ không phải bị cưỡng bức mà sửa
đổi”.

Để thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trên, yêu cầu cấp ủy, tổ chức Đảng các cấp, nhất là
người đứng đầu phải xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể để thực hiện phù hợp với từng
loại cán bộ, ở từng cấp, từng ngành.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ và công tác cán bộ rất bao quát, toàn diện. Người là tấm
gương mẫu mực về phẩm chất của cán bộ và công tác cán bộ. Tư tưởng và tấm gương của
Chủ tịch Hồ Chí Minh có tính lý luận và thực tiễn vô cùng quý giá. Do đó, ta phải nhận
thức một cách đầy đủ, sâu sắc, toàn diện vai trò; đồng thời tiếp tục vận dụng, phát triển
sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng đội ngũ cán bộ. Từ đó giúp nước ta phát triển
hơn, hòa nhập quốc tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Vậy nên, trong Di chúc,
Người luôn nhắc nhở : “ Mỗi Đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách
mạng, thật sự cần-kiệm-liêm-chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch,
phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ trung thành của nhân dân…Đoàn viên
và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó
khăn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo
họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “ hồng” vừa “ chuyên”.

Sau hơn 20 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 3 - khóa VIII về
Chiến lược cán bộ, đội ngũ cán bộ các cấp có bước trưởng thành, phát triển về nhiều mặt.
Chất lượng ngày càng được nâng lên, từng bước đáp ứng yêu cầu thời kỳ đẩy mạnh công
nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước: “Sự trưởng thành, lớn mạnh và phát triển của đội ngũ
cán bộ 20 năm qua là nhân tố then chốt, quyết định làm nên những thành tựu, có ý nghĩa
lịch sử của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Song, những khuyết điểm,
yếu kém của một bộ phận không nhỏ cán bộ và những hạn chế, bất cập trong công tác cán
bộ cũng là một nguyên nhân chủ yếu làm cho cho đất nước phát triển không tương xứng
với tiềm năng, thế mạnh và mong muốn của chúng ta, làm suy giảm niềm tin của nhân
dân đối với Đảng và Nhà nước”.

You might also like