You are on page 1of 5

Đề 10

Phần I. ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)


Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:
“Một cô giáo ở Quảng Bình đã trừng phạt học sinh bằng cách ra lệnh cho cả lớp mỗi người tát
bạn 10 cái, ai tát nhẹ sẽ bị bạn tát lại. Sự đau đớn thật không thể nào tả nổi, nhất là khi nhà
trường và chính quyền xin gia đình không làm to chuyện vì ảnh hưởng đến thành tích. Nhiều bài
bình luận chĩa mũi dùi vào vấn nạn bạo lực. Tuy nhiên, tôi cho rằng đó không phải là gốc của
vấn đề. Bạo lực, từ khía cạnh tâm lý, nhìn chung, đều xuất phát từ sợ hãi.(...)
Trong lời trần tình, cô giáo sợ lớp mình bị xếp hạng cuối. Nhà trường sợ mất thi đua. Chính
quyền địa phương sợ bêu tiếng xấu. Và những đứa trẻ phải tát bạn, chúng làm điều đó cũng vì
sợ hãi: sợ bị lạc loài, sợ bị coi là cá biệt,nỗi khát khao được trở thành một con cừu ngoan
ngoãn. Và trên nhất, là sợ cô giáo.
Ngoài nỗi sợ, ngoài tâm lý số đông, còn lý do gì khác lý giải cả lớp đều nghe theo lời cô giáo ở
tình huống này? Có chăng tình huống một bộ phận các em thấy nó "vô lý" mà "khước từ" yêu
cầu của cô giáo? Trong tình huống này, tư duy độc lập và khả năng phản biện cá nhân đã vắng
bóng hoàn toàn. Chừng nào còn quan niệm trẻ nào chăm chăm nghe ba mẹ, thầy cô mới là
ngoan; lối học truyền thụ một chiều còn duy trì thì không thể có tư duy cá nhân và tính phản
biện đã vắng bóng hoàn toàn.(...)
Bạo lực không phải là vấn đề đau đớn nhất ở đây. Đó phải là sự sợ hãi. Cách giải quyết không
phải là thủ tiêu sự sợ hãi, mà là xác định lại đối tượng của nó. Sợ hãi uy quyền một cách u mê
có thể khiến ta thoái hoá, tàn nhẫn với bản thân và đồng loại. Nhưng sự sợ hãi vì đi ngựợc lại lẽ
phải sẽ khiến ta cất lên tiếng nói phản kháng, góp phần làm cuộc sống của chính mình và xã hội
tốt đẹp hơn...”
(Trích “Những cái tát” - Nguyễn Phương Mai, dẫn theo Vn Express, thứ Hai, 26/11/2018)
Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản.
Câu 2. Theo tác giả, nguyên nhân nào khiến cho những đứa trẻ phải tát bạn?
Câu 3. Phát hiện và phân tích hiệu quả tu từ trong các câu văn sau: Ngoài nỗi sợ, ngoài tâm lý
sổ đông, còn lý do gì khác lý giải cả lớp đều nghe theo lời cô giáo ở tình huống này? Có chăng
tình huống một bộ phận các em thấy nó "vô lý" mà "khước từ" yêu cầu của cô giáo? Trong tình
huống này, tư duy độc lập và khả năng phản biện cá nhân đã vắng bóng hoàn toàn.
Câu 4. Anh/chị có đồng tình với quan điểm: Sợ hãi uy quyền một cách u mê có thể khiến ta
thoái hoá, tàn nhẫn với bản thân và đồng loại không? Vì sao?
Phần II. LÀM VĂN (7.0 điểm)
Câu 1. (2.0 điểm)
Từ nội dung đoạn trích ở phần văn bản Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200
chữ) trình bày suy nghĩ về những giải pháp để giải tỏa tâm lý sợ hãi, góp phần làm cho cuộc
sống của chính mình và xã hội tốt đẹp hơn.
Câu 2. (5.0 điểm)
Trong tùy bút “Người lái đò Sông Đà", khi miêu tả hình tượng ông lái đò, nhà văn Nguyễn
Tuân viết:
“Ông lái đã nắm chắc binh pháp của thần sông thần đá. Ông đã thuộc quy luật phục kích của lũ
đá nơi ải nước hiểm trở này. Vòng đầu vừa rồi, nó mở ra năm cửa trận, có bốn cửa tử một cửa
sinh, cửa sinh nằm lập lờ phía tả ngạn sông. Vòng thứ hai này tăng thêm nhiều cửa tử để đánh
lừa con thuyền vào, và cửa sinh lại bố trí lệch qua phía bờ hữu ngạn. Cưỡi lên thác Sông Đà,
phải cưỡi đến cùng như là cưỡi hổ. Dòng thác hùm beo đang hồng hộc tế mạnh trên sông đá.
Nắm chặt lấy được cái bờm sóng đúng luồng rồi, ông đò ghì cương lái, bám chắc lấy luồng
nước đúng mà phóng nhanh vào cửa sinh, mà lái miết một đường chéo về phía cửa đá ấy”.
Trong một đoạn khác, tác giả viết:
“Thế là hết thác. Dòng sông vặn mình vào một cái bến cát có hang lạnh. Sóng thác xèo xèo tan
trong trí nhớ. Sông nước lại thanh bình. Đêm ấy nhà đò đốt lửa trong hang đá, nướng ống cơm
lam và toàn bàn tán về cá anh vũ cá dầm xanh, về những cái hầm cá hang cá mùa khô nổ
những tiếng to như mìn bộc phá rồi cá túa ra tràn đầy ruộng. Cũng chả thấy ai bàn thêm một
lời nào về cuộc chiến thắng vừa qua nơi cửa ải nước đủ tướng dữ quân tợn vừa rồi. Cuộc sống
của họ là ngày nào cũng chiến đấu với Sông Đà dữ dội, ngày nào cũng giành lấy cái sống từ tay
những cái thác, nên nó cũng không có gì là hồi hộp đáng nhớ… Họ nghĩ thế, lúc ngừng chèo”.
(Theo Ngữ văn 12, Tập 1, NXB Giáo dục, 2020, trang189-190)
Cảm nhận của anh/chị về vẻ đẹp hình tượng người lái đò trong hai đoạn trích trên. Từ đó
làm nổi bật nét độc đáo trong phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân.

-----Hết rồi lè ^3^, GOOD LUCK-----


Đáp án
Phần I. ĐỌC HIỂU
Câu 1. Phương thức biểu đạt: Nghị luận/phương thức nghị luận (0.5 điểm)
Câu 2. Theo tác giả, nguyên nhân khiến những đứa trẻ phải tát bạn là vì: sợ hãi, sợ bị lạc loài, sợ
bị coi là cá biệt, nỗi khát khao được trở thành một con cừu ngoan ngoãn. Và trên nhất là sợ cô
giáo. (0.5 điểm)
Câu 3. Biện pháp tu từ: Câu hỏi tu từ /lặp cú pháp có câu hỏi tu từ (0.25 điểm)
Hiệu quả: Thể hiện sự trăn trở, day dứt của người viết về một hệ quả giáo dục: thủ tiêu tư duy
độc lập và khả năng phản biện của cá nhân học sinh... (0.75 điểm)
Câu 4. HS lí giải: Sợ hãi uy quyền một cách u mê có thế khiến ta thoái hoá, tàn nhẫn với bản
thân và đồng loại. (1.0 điểm)
Có thể theo hướng làm rõ, đồng tình hoặc phản đối ý kiến nêu trên nhưng cần thuyết phục có
cơ sở và không lệch chuẩn đạo đức, văn hóa, thẩm mĩ, pháp luật của xã hội hiện nay.
Phần II. LÀM VĂN
Câu 1. Viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về những giải pháp để giải tỏa
tâm lý sợ hãi, góp phần làm cho cuộc sống của chính mình và xã hội tốt đẹp hơn.
a. Đảm bảo cấu trúc đoạn văn nghị luận 200 chữ
Có đủ các phần mở đoạn, phát triển đoạn, kết đoạn. Mở đoạn nêu được vấn đề, phát
triển đoạn triển khai được vấn đề, kết đoạn kết luận được vấn đề. ( Nếu HS viết từ 2
đoạn trở lên thì không cho điểm cấu trúc) (0.25 điểm)
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận về một vấn đề xã hội: những giải pháp để giải tỏa
tâm lí sợ hãi, góp phần làm cho cuộc sống của chính mình và xã hội tốt đẹp hơn. (0.25
điểm)
c. Triển khai vấn đề: (1.0 điểm) Thí sinh có thể lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để
triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng cần làm rõ vấn đề sự sợ hãi trong nhà
trường, trong tâm lí HS. Tập trung vào việc đề xuất những giải pháp để giải tỏa tâm lí sợ
hãi, góp phần làm cho cuộc sống của chính mình và xã hội tốt đẹp hơn.Cụ thể:
- Xác định rõ nguồn gốc nỗi sợ hãi
- Đối mặt để vượt qua nỗi sợ:
+ Cần tạo cho mình sự tự tin vào bản thân khi bắt đầu thực hiện công việc mà
trước đó ta rất lo sợ khi đối mặt.
+ Cần phải có lòng dũng cảm để đối diện với nỗi lo sợ tiềm tàng trong tâm thức.
- Phê phán những người nhụt chí, thiếu mạnh mẽ, cam chịu, bạc nhược, đồng loã
với cái xấu;
- Rút ra bài học nhận thức và hành động cho bản thân:
+ Nhận thức: thấy được ý nghĩa quan trọng của việc chiến thắng nỗ sợ hãi
+ Hành động: học tập và rèn luyện, nhất là học kĩ năng sống, tạo cho mình bản lĩng vững vàng
để vượt qua nỗi sợ hãi.
d. Sáng tạo: Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị
luận. (0.25 điểm)
e. Chính tả, dùng từ, đặt câu: Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu. (Sai từ 2 lỗi trở
lên sẽ không tính điểm này) (0.25 điểm)
Câu 2. Cảm nhận của anh/chị về vẻ đẹp của hình tượng người lái đò trong hai đoạn trích trên.
Từ đó làm nổi bật nét độc đáo trong phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân. (5.0 điểm)
a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận: Mở bài giới thiệu được vấn đề, thân bài triển khai được
vấn đề, kết bài kết luận được vấn đề. (0.25 điểm)
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Vẻ đẹp hình tượng người lái đò trong hai đoạn trích
trên. Từ đó làm nổi bật nét độc đáo trong phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân. (0.5
điểm)
c. Triển khai vấn đề nghị luận: (2.5 điểm) Vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt
chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng. Cơ bản đảm bảo các ý sau:
 Giới thiệu tác giả, tác phẩm: (0.5 điểm)
- Nguyễn Tuân là nhà văn lớn, một nghệ sĩ tài hoa, uyên bác, có cá tính độc đáo và suốt đời đi
tìm cái đẹp. Ông có một vị trí quan trọng và đóng góp không nhỏ đối với nền văn học Việt Nam
hiện đại.
- “Người lái đò Sông Đà” được Nguyễn Tuân sáng tác sau những chuyến đi thực tế gian khổ và
hào hứng tới miền Tây Bắc xa xôi, rộng lớn. Bài tùy bút được in trong tập “Sông Đà” (1960). Là
tác phẩm tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật của nhà văn.

 Cảm nhận vẻ đẹp hình tượng ông đò qua hai đoạn trích (2.0 điểm)
* Vẻ đẹp tài trí, dũng cảm:
- Người lái đò là người giàu kinh nghiệm và xử lí linh hoạt trước con sông hung bạo. Ông nắm
chắc binh pháp của thần sông, nắm rõ quy luật phục kích của lũ đá nơi ải nước hiểm trở này.
- Người lái đò có quyết tâm cao, hành động dứt khoát, chuẩn xác. Cảnh vượt thác cho ta thấy
vẻ đẹp của một người chỉ huy tài hoa, trí dũng.
* Vẻ đẹp tài hoa,nghệ sỹ:
- Chất nghệ sĩ, tài hoa của ông đò được thể hiện qua sự khéo léo khi điều khiển con thuyền
vượt qua mọi cạm bẫy của Sông Đà.
- Chất nghệ sĩ, tài hoa của ông đò còn được thể hiện: sau khi vượt thác, người lái đò trở về với
cuộc sống đời thường với phong thái ung dung, bình dị, chân thật và đức tính tính khiêm
nhường: không bàn thêm về chiến thắng, tất cả đều chỉ là sống với nghề lên thác xuống ghềnh
hàng ngày vì một điều đơn giản “không có gì là hồi hộp đáng nhớ”.
( đốt lửa trong hang đá, nướng ống cơm lam, không bàn chuyện vượt thác vừa qua…)
*Nghệ thuật:
- Nghệ thuật miêu tả, khắc họa nhân vật kết hợp với khả năng quan sát, liên tưởng, tưởng
tượng phong phú.
- Nhịp văn nhanh, gấp gáp, dồn dập phù hợp với không khí giao tranh quyết liệt.
- Sử dụng bút pháp tương phản: Tác giả khắc họa được sự đối kháng giữa hai lực lượng: một
bên là thiên nhiên – thác đá Sông Đà hung bạo, dữ dội, một bên là con người – ông lái đò thông
minh dũng cảm, kiên cường, tài hoa, nghệ sĩ.
* Đánh giá chung:
- Nhà văn xây dựng hình tượng người lao động vô danh bình dị, thầm lặng. Cái đẹp bắt nguồn
từ trong lao động và phục vụ cho cuộc đời. Ông lái đò là sự kết hợp giữa con người công dân và
chất nghệ sĩ. Vẻ đẹp người lao động chính là “thứ vàng mười đã qua thử lửa”.
- Nguyễn Tuân nêu lên quan niệm: “Người anh hùng không chỉ có trong chiến đấu mà có trong
cuộc sống lao động đời thường” và bộc lộ tình yêu đất nước, niềm tự hào, hứng khởi và gắn bó
tha thiết với non sông Việt.

 Nét độc đáo trong phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân: (1.0 điểm)
- Nguyễn Tuân luôn tiếp cận sự vật, sự việc ở phương diện thẩm mĩ, tiếp cận con người ở
phương diện tài hoa, nghệ sĩ.
- Chất tài hoa, uyên bác của Nguyễn Tuân: Dựng người, dựng cảnh độc đáo, liên tưởng phong
phú, đầy ấn tượng, kiến thức sâu rộng nhiều lĩnh vực.
- Kho từ ngữ phong phú, đa dạng, đầy cá tính, giàu chất tạo hình, hoàn toàn phù hợp với đối
tượng.
d. Chính tả, ngữ pháp: Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt (0.25 điểm)
e. Sáng tạo: Có cách diễn đạt mới mẻ, thể hiện suy nghĩ và cảm nhận sâu sắc về vấn đề
nghị luận. (0.5 điểm)

You might also like