You are on page 1of 401

LỜI NÓI ĐẦU

Khi Nhật Bản bắt đầu hồi sinh sau đệ nhị thế chiến, dân chúng Mỹ có cái
nhìn vô tư hơn đối với cuộc chiến, và càng ngày càng có nhiều người bắt
đầu đòi hỏi những câu chuyện xoay quanh cuộc chiến nầy được nói thẳng
ra. Nhiều quyển sách có giá trị đã được một số cựu phi công Hải Quân
Hoàng Gia viết, phản ảnh trung thực sự hiểu biết về những trận không chiến
mà các tác giả đã từng tham dự.
Nhiều người bạn đã thúc giục tôi kể lại câu chuyện về hải chiến thời ấy.
Đây không phải là một việc làm dễ dàng, bởi các thủy thủ khu trục hạm chỉ
được huấn luyện để chiến đấu mà không được huấn luyện về viết văn. Thật
vậy, quyển sách nầy không thể ra đời nếu không có sự hợp tác hết lòng của
một số đông thân hữu mà tôi không thể nào đề cập hết ra đây. Tuy nhiên tôi
có thể nói là tất cả những người có tên trong quyển sách nầy đã được tôi
đích thân phỏng vấn, hoặc đã tình nguyện cung cấp chuyện riêng của họ
cho tôi.
Tôi đặc biệt ghi ơn người bạn của tôi, Ko Nagasawa, giữ chức vụ Tổng
Tư Lịnh của Tân Hải Quân Nhật khoảng thời gian từ 1954 đến 1958, là
người không chỉ sẵn lòng cung cấp cho tôi các câu chuyện của chính ông,
mà còn chỉ thị cho Phân Bộ Lịch Sử của hải quân hợp tác với tôi.Tất cả các
sử gia của hải quân đã đóng góp rất nhiều vào quyển sách nầy bằng cách
cho phép sử dụng các kết quả tìm tòi và nghiên cứu của họ, điều khiến tôi
luôn luôn nhớ đến.
Tôi tin quyển sách nầy sẽ cung hiến một quan điểm trung thực của phía
Nhật Bản, có thể bổ túc cho nhiều quyển sách giá trị của người Mỹ đã viết
trước đây, nhưng có một điều đáng buồn là hầu hết các tài liệu liên quan
đến Nhật Bản đều thiếu chính xác. Khi viết, các tác giả người Mỹ dựa vào
các cuộc thẩm vấn những người còn sống sót hoặc cựu chiến binh, do chính
những kẻ chiến thắng thực hiện vào thời gian sơ khởi của cuộc chiếm đóng,
thành thử những chứng liệu của họ thường quá chủ quan.
Khi viết quyển sách nầy, tôi đã cố gắng tránh chủ quan càng nhiều càng
tốt, và để làm như thế, tôi phải đưa ra sự phê phán nghiệt ngã, không chỉ đối
với chính tôi, mà còn đối với những thân hữu đã giúp đỡ tôi hết lòng. Thói
quen của con người, và cũng là sự thất bại của mọi sĩ quan trong quân đội,
là thường cố che đậy mọi lỗi lầm nếu không của chính mình thì cũng của
bạn bè. Thật vậy , tôi đã thấy khổ tâm khi phải tránh sự thất bại nầy.
Sự phê phán và sự chân thật của tôi có thể gây nhiều tổn thương cho các
đồng nghiệp của tôi, và có thể cho những người đã chiến đấu chống lại tôi.
Tuy nhiên, tôi hy vọng rằng những đọc giả như thể sẽ có một cái nhìn bao
dung, và xin cố hiểu rằng thâm tâm tôi không muốn gây phiền lòng cho
riêng ai một ai.
Được sống sót sau khi chiếc tuần dương hạm Yahagi của tôi bị đánh
chìm ở Okinawa vào tháng 4 năm 1945, tôi được bổ nhiệm về trường huấn
luyện Ngư Lôi Đỉnh Kawatana gần Sasebo và Nagasaki. Chức vụ chỉ huy
mới của tôi là trông coi về công cuộc huấn luyện du kích chiến, dự phòng
chống lại các cuộc đổ bộ của người Mỹ lên lãnh thổ của Nhật Bản.
Lịnh đầu hàng của Nhật Hoàng Hirohito ngày 15 tháng 8 năm 1945 đã
đến tôi trong khi tôi đang đảm trách công việc huấn luyện một số thanh niên
Nhựt cải trang thành phụ nữ hoặc tăng ni, cũng có mục đích dự phòng chận
lại các lực lượng xâm chiếm, ở căn cứ Kawatana. Tôi đã giao nộp căn cứ
nầy cho một lực lượng đặc nhiệm thuộc hải quân Hoa Kỳ, do Đại Tá
Francis D.McCorkle chỉ huy, vào ngày 25 tháng 9 năm 1945.
Viên Đại Tá Hoa Kỳ đối xử tôi trong tư cách một người bạn hơn là một
kẻ chiến thắng, điều nầy làm tôi ngạc nhiên. Ông ta yêu cầu tôi tặng ông ta
một máy tính tốc độ của một trong những chiếc Ngư Lôi Đỉnh tự sát Shinyo
đang đậu ở quân cảng Kawatana. Tôi bắt buộc phải làm hài lòng ông ta.
Từ khi chiến tranh chấm dứt, tôi làm việc cho một công ty chuyển vận
muối. Hai đứa con gái lớn của tôi kết hôn năm 1954, chồng của chúng, một
là sĩ quan hàng hải, một là công chức. Con trai tôi, Mikito, đã vào Đại Học,
vợ tôi, Chizu, mạnh khỏe và hạnh phúc.
Đông Kinh, ngày 25 tháng 2 năm 1958
MỞ ĐẦU

1
Toàn thể Hải Quân Hoàng Gia Nhật gồm: 25 hàng không mẫu hạm, 12
Thiết giáp hạm, 18 tuần dương hạm hạng nặng, 26 tuần dương hạm hạng
nhẹ, 175 khu trục hạm và 95 tiềm thủy đỉnh.
Nhưng các khu trục hạm nhỏ bé, bất kì thời gian nào cũng không quá
130 chiếc, mới đích thực gánh mọi nặng nhọc nhất của cuộc chiến. Chúng
là con ngựa của Hải Quân hoàng gia.
Những các khu trục hạm nhỏ bé này không chỉ đơn giản được giao
nhiệm vụ của các tầu chiến mà còn phải lãnh nhiệm vụ hộ tống cho các
cuộc chuyển vận và có khi phải hộ tống hàng nhiều tháng trong cuộc chiến,
đặt biệt từ đầu năm 1943 đến giữa năm 1944, khi hầu hết các đại chiến hạm
của Nhật được “giữ gìn cẩn thận” tại một địa điểm an toàn cách xa các khu
vực chiến đấu.
Khu trục hạm Nhật đã từng tham dự rất nhiều trận hải chiến dữ dội và
đạt nhiều thắng lợi vẻ vang vào những ngày đầu của cuộc chiến. Những
chiến thắng này đã chứng minh tài điều động khu trục hạm của người Nhật
vượt trội hẳn Đồng Minh.
Tuy nhiên, từ giữa năm 1943 các khu trục hạm Nhật đã hoạt động hết
tháng này sang tháng khác mà không được bảo trì hoặc tu bổ đúng mức và
vấn đề bồi dưỡng thủy thủ cũng khiếm khuyết cho nên các tàu chiến hữu
hiệu này dần mất ưu thế trước các tàu chiến đồng loại của Đồng Minh. Hơn
nữa, công việc phát triển các trang bị khoa học của Đồng Minh đã đạt đến
mức độ đáng kinh ngạc, và họ hơn nữa đã dần dần nắm ưu thế trên không.
Tuy nhiên, các Khu Trục Hạm Nhật vẫn chiến đấu dũng cảm và ngoạn
mục cho đến tàn cuộc chiến. Tôi nghĩ những thành tích của chúng đáng
được ghi nhắc lại cho hậu thế. Mặc dầu những trận chiến của khu trục hạm
không thể so sánh được với những trận hải chiến qui mô và lừng danh
chẳng hạn như biển San Hô, Midway, Mariana hoặc Leyte Gulf có cả sự
tham gia của phi cơ và các chiến hạm chủ lực, nhưng những nổ lực và thành
công của các khu trục hạm trong các trận hải chiến hơn, đang dần dần bị
quên lãng, cũng có tầm mức giá trị đáng kể cần phải được ghi lại chi tiết.
Các hàng không mẫu hạm đã giữ vai trò đầu trong trận Trân Châu Cảng,
có thể nói một thành công, cũng như các cuộc hành quân qui mô song đã
đưa đến thảm bại hoàn toàn cho Nhật ở Midway, Marianas và Vịnh Leyte.
Các tàu chiến lớn của Nhật được Bộ Tư Lệnh Tối Cao nâng niu và “giữ
gìn” bằng mọi giá, cho dù ngay khi gặp phải những tình thế tồi tệ nhứt. Như
đại chiến hạm Musashi 72400 tấn, tiêu thụ nhiên liệu gấp 80 lần chiếc khu
trục hạm lớn, chỉ tham chiến một lần và bị đánh chìm ở vịnh Leyte mà
không có dịp may để sử dụng 9 khẩu 450 ly nhằm vào bất kì một mục tiêu
giá trị nào.
Yamato 72800 tấn chiếc tàu chị của Mushashi, chỉ tham chiến được 2
lần. Tại Leyte, chiếc tàu này bị các hàng không mẫu hạm hạng nhẹ của Hoa
Kỳ chận đứng. Và cùng năm đó trên đường tham dự nhiệm vụ tự sát ở
Okinawa, nó bị đánh chìm ở Đông Hải, cách bờ biển Nhật Bản hơn 100
dặm.
Chỉ có những khu trục hạm nhỏ của Nhật hoạt động liên tục trong suốt
cuộc chiến và trong nhiệm vụ hộ tống các đại chiến hạm. Chúng đã đánh
chìm nhiều chiến hạm, tàu ngầm, các chuyển vận hạm chuyển vận tiếp tế và
binh sỹ của địch quân.
Nhiệm vụ thích thú nhất của tôi trong Hải Quân Hoàng Gia có lẽ là
khoảng thời gian lênh đênh trên các khu trục hạm và cũng có thể nói đó là
nhiệm vụ mà tôi theo đuổi trong suốt cuộc chiến. Lúc ấy các bạn hữu trong
Hải Quân Hoàng Gia đã gọi tôi là “hạm trưởng huyền diệu” và chiếc khu
trục hạm Shigure của tôi mang biệt danh “Kiên cố”. Tôi không nghĩ rằng tôi
đáng được hưởng những lời khen ngợi nầy. Những sỹ quan thuộc 129 khu
trục hạm của Nhật bị đánh chìm, cũng giống như nhiều lực lượng hải quân
khác đã ra đi vĩnh viễn lúc tài ba của họ còn đang phát triển và nhiều người
trong số nầy vượt xa tôi. Thật ra sự sống sót của tôi chẳng qua là vấn đề
may mắn.
Giữa những kẻ sống sót như tôi, tôi tin rằng có những người tài ba bằng
hoặc hơn tôi, nhưng họ không được đề cập đến các thành tích chiến đấu của
họ, dĩ nhiên họ đã làm theo câu châm ngôn: “ Bại tướng không nên nhớ đến
các cuộc chiến đấu của mình”.
Riêng tôi, tôi quyết định “thách thức” với câu châm ngôn này, không
phải cho chính tôi, mà để những chiếc khu trục hạm và những người đã
từng chiến đấu với chúng, mà gây cho họ niềm tin thích đáng. Cho họ thấy
rằng cuộc bại trận nầy không hề gây tổn thương đến niềm tin và thành quả
họ đạt được. Nếu quyển sách này có vẻ như đã nói về cái tôi quá nhiều, xin
đọc giả hiểu một cách đơn giản là tôi chỉ muốn cố gắng thể hiện một “mẫu
người khu trục hạm của Nhật Bản”, với những việc làm thích đáng, cũng
như các lỗi lầm của hắn, ngoài ra chẳng còn hàm ý nào khác.
Quyển sách nầy không thể nào ghi lại tất cả câu chuyện của từng khu
trục hạm một. Đặt biệt, tôi đã bỏ qua không để cập đến khu trục hạm
Yukikaze, chiếc tàu đã dự tám cuộc hành quân và các trận hải chiến quan
trọng trong những ngày cuối của cuộc chiến, nhưng vẫn còn tồn tại. Bởi lẽ
theo ý kiến của tôi, các thành tích của Yukikaze trong khoảng thời gian từ
1941 đến 1944, đại tá Hải Quân Hoàng Gia Ryokichi Ranma, là người đủ tư
cách để làm việc này. Tôi hi vọng ông sẽ viết đầy đủ chi tiết về chiếc
Yukikaze qua các dữ kiện của riêng ông.

2
Vào ngày 7 tháng 4 năm 1945, tuần dương hạm hạng nhẹ Yahagi đã chịu
đựng một cuộc tấn công kéo dài 90 phút của các phóng pháo Avenger và
chiến đấu cơ Hellcat của Hoa Kỳ. Chiếc tàu đã trúng 6 thủy lôi, 12 quả bom
250 cân Anh, và nhiều loại bom khác. Hình phạt này tỏ ra quá nhiều cho
chiếc tàu dù nó đã chiến đấu dũng cảm .
Sáng sớm hôm đó, Yahagi khởi hành từ biển Nhật Bản với 8 khu trục
hạm và thiết giáp hạm khổng lồ Yamato. Mục tiêu của các chiếc tàu này là
Okinawa. Nơi đây, một cuộc tấn công tự sát sẽ được tung ra nhằm vào các
lực lượng xâm chiếm của Hoa Kỳ. Rõ ràng đây là một cuộc tấn công tự sát,
bởi các tàu chiến của Nhật chỉ mang theo đủ nhiên liệu cho lượt đi mà thôi.
Bấy giờ cách bờ biển Nhật Bản không đầy 100 dặm, địch quân đã tung
ra một cuộc tấn công dữ dội, chận đầu lực lượng đặc nhiệm Yamato và hạ
gục tuần dương hạm hạng nhẹ Yahagi.
Là hạm trưởng của Yahagi, tôi đứng trên đài chỉ huy vào lúc các lượn
sóng đã mấp mé đến chân. Cùng đứng với tôi là Phó Đô Đốc Keizo
Komura, Tư Lệnh lực lượng hộ tống. Quanh chúng tôi đầy rẩy sự hủy diệt
do cuộc tấn công của địch gây ra. Trong lòng chiếc Yahagi, xác người lẫn
lộn với các mảnh vỡ, không một vật gì còn nguyên vẹn sau cuộc không kích
như vũ bảo. Chiếc tàu nghiêng về tả mạn 30 độ và chìm nhanh chóng. Phó
Đô Đốc Komura không bị thương, riêng tôi mặc dù máu chảy xuống ướt
bàn tay trái, tôi cũng không hề có cảm giác gì gọi là bị trúng đạn.
Nhìn quanh lần cuối cùng, tôi thấy thiết giáp hạm Yamato, cách phía
trước tôi khoảng 6 km, vẫn còn chiến đấu. Hai trong số các khu trục hạm
của chúng tôi chìm. Ba chiếc khác đang bốc cháy dữ dội, hạ dần xuống
nước và sau đó mất tăm hẳn. Ba chiếc còn lại đang chạy theo hình chữ chi
một cách tuyệt vọng.
“Đi”, Phó Đô Đốc Komura nói. Tôi gật đầu. Chúng tôi tháo giày và nhảy
xuống nước. Ngay lúc đó chiếc tàu chìm xuống, cuốn chúng tôi theo tận
dưới đáy Đông Hải. Vực nước xoáy chiếc tàu chìm tạo ra đã nắm cứng lấy
chúng tôi như một bàn tay vô hình có sức mạnh khủng khiếp. Tôi vùng vẫy
một cách vô ích. Tôi ngộp thở và nuốt liên hồi. Quanh tôi tối đen như mực.
Tôi đã chết? Chưa, tôi lại cố gắng vùng vẩy. Tôi không sao nhớ được đã trãi
qua bao nhiêu phút, nhưng đó là một thời gian rất dài đối với tôi, thình lình
bàn tay có sức mạnh khủng khiếp đó buông tôi ra. Một làn ánh sáng mỏng
manh phía trên tôi, chứng tỏ tôi đang trồi lên mặt nước. Một dòng bọt từ
mũi tôi túa ra và tôi lại uống nước. Tôi đạp mạnh và vùng vẩy để bắt buộc
bóng tối nhường lối cho bầu trời xanh và ánh nắng. Tôi giật nẩy mình vì
trồi lên mặt nước một cách quá đột ngột. Choáng váng đầu óc trống rổng,
tôi chỉ biết thả trôi trên mặt nước. Nhưng tôi nghe và nhìn thấy chiếc
Yamato vẫn còn đang chiến đấu. Phi cơ của Hoa Kỳ quây quần như một bầy
muỗi phía trên và chung quanh chiếc tàu, và những trái hỏa tiển chỉ tử được
phóng ra, nhưng chiếc tàu vẫn tiếp tục chống trả. Cảnh tượng đầy phấn khởi
nầy đã giúp tôi rời khỏi con ngơ ngác. Nhưng cảnh tượng trước mắt chẳng
tồn tại lâu, vì tiếp liền đó, một cột lửa và khói trắng vĩ đại từ chiếc tàu bốc
lên, che khuất mọi vật. Riêng cuộn khói bốc cao khoảng 6000 thước. Khi
khói tan, tôi không còn thấy gì trên mặt nước nữa. Đại chiến hạm Yamato,
niềm kiêu hãnh của Hải Quân Hoàng Gia Nhật, đã biến mình vào biển cả,
điều này có nghĩa là vận mạng của Hải Quân Hoàng Gia đã cáo chung.
Tôi rùng mình. Những giọt lệ nóng dâng đầy đôi mắt và chảy xuống má
tôi. Tôi bám lấy một mảnh vụn và trôi lênh đênh một cách buồn bả.
Vận mạng của tôi cũng cáo chung. Từ đầu cuộc chiến Thái Bình Dương
cho đến nay, tôi đã thực hiện hơn 100 hải xuất và, trong khi một số bạn bè
của tôi đã vĩnh viễn ra đi, tôi luôn luôn trở về với những chiến thắng. Giờ
đây tôi mới nếm mùi cay đắng của chiến bại lần đầu tiên trong đời binh
nghiệp của tôi.
Khi tôi biết mình chẳng có bất kì dịp may sống sót nào ở hiện tại, những
hình ảnh của quá khứ bổng nhiên tràn ngập trong trí tôi.
Tôi nhớ lại cuộc thảo luận đầy sôi động trong ngày hôm qua giữa 3 vị
Đô Đốc và 10 hạm trưởng về mạng lịnh được gọi là chuyến đi cuối cùng
của hải quân Nhựt. Không ai trong chúng tôi hi vọng nhiệm vụ thành công.
Thiết giáp hạm Yamato cùng với tuần dương hạm Yahagi của tôi và 8 khu
trục hạm khác phải trực chỉ Okinawa với số nhiên liệu vừa đủ cho lượt đi.
Chúng tôi, với nhiệm vụ tự sát, sẽ tiêu diệt những gì mà chúng tôi có để
chống lại hạm đội của Hoa Kỳ ở Okinawa. Nhưng chúng tôi đã bị đánh gục
ngay trên khỏng không tới nửa đường đến mục tiêu.
Tôi thấy hình ảnh những người trong gia đình tôi một cách sống động.
Bổng nhiên khuôn mặt của tôi như bị một màng mưa mờ che phủ. Tôi ứa
nước mắt. Tôi gào to: “Vĩnh biệt Chizu. Em là một người vợ hiền, một bà
mẹ tốt của các đứa con của chúng ta. Vĩnh biệt 2 chị em Yoko và Keiko, và
Mikito, con trai của ba. Sau khi cha của các con ra đi vĩnh viễn, quê hương
của các con trở thành xứ chiến bại, các con sẽ phải chịu đựng cảnh khốn
cùng không sao nói được. Ôi! Hãy quên người cha của các con! Hãy cố nhớ
lại ba là một kẻ chiến đấu và đã làm tất cả những gì tốt nhứt mà một người
có thể làm được.”
Sau đó, tôi nghe một giọng hát cất cao. Tôi không cô độc. Tôi nhìn
quanh, nhận thấy nhiều chiến hữu khác đang lập lờ trên sóng nước. Dần dần
tiếng hát của họ họp đoàn, bất chấp các tiêu lịnh huấn luyện đã cấm chỉ họ
làm như thế. Qua tiếng hát đầy dẫy thê lương, tôi nghe như thấp thoáng bài
“Chiến sỹ ca” xưa cũ”
Nếu tôi rời xa biển cả
Tôi trở về như một xác chết nổi trôi
Nếu nhiệm vụ gọi tôi lên núi
Đồng cả xanh sẽ là áo khoác thân tôi
Và đã nguyền hiến thân phục vụ Thiên Hoàng
Tôi sẽ không chết yên bình giữa thê nhi êm ấm
Lệ tôi ngừng ứa, và tôi khép đôi mắt lại để hồi tưởng các con thơ, những
ngày còn cấp sách đến trường, những người bạn sinh viên sĩ quan của tôi,
những cuộc chiến đầy vinh quang ở biển Java, Solomon….
PHẦN MỘT
MỘT SAMURAI CHÀO ĐỜI

1
Tôi chào đời vào ngày 16 tháng 10 năm 1900, ở ngoại ô thành phố
Takamatsu, nằm trên bờ biển phía bắc đảo Shikoku, đối diện với quang
cảnh ngoạn mục của biển Nhật Bản .
Gia đình tôi thanh bạch. Tôi là con út trong số năm anh chị em. Cha mẹ
tôi cắm cúi trên mảnh đất nhỏ bé của hai người từ sáng sớm đên mờ tối.
Như hầu hết nông dân Nhật Bản, một trong những xứ có mực độ dân số cao
nhất thế giới. Huê lợi kiếm được không đủ nuôi sống gia đình, vì vậy mà
cha tôi phải thức trắng đêm để làm thêm một số nông cụ thô sơ mang đi
bán.
Hình ảnh vất vả đêm ngày của song thân tôi có lẽ là hình ảnh mà tôi
không bao giờ quên được. Hai người có rất ít hoặc không có thì giờ để chơi
đùa với anh chị em chúng tôi. Ngay khi còn bé nhỏ, hai anh trai và hai chị
gái tôi đã phải sớm tiếp tay tìm miếng sông cho gia đình.
Lúc tôi ra đời, ông nội tôi, Moichiro Hara, đã gần 70 tuổi. Ông trông
nom và chơi đùa với tôi. Hồi còn trai trẻ, ông nội tôi là một Samurai với
đầy đủ ý nghĩa, và tôi là đứa cháu chịu rất nhiều ảnh hưởng của ông.
Từ năm 1871, dân chúng Nhật được chia làm bốn thứ bậc hoặc bốn giai
cấp. Các lãnh chúa phong kiến đều thần phục Thiên Hoàng.
Trước thời gian đó, giai cấp cầm quyền là giới Samurai. Giòng họ tôi
cũng thuộc giai cấp nầy, và đã phục vụ cho lãnh chúa Takamatsu hàng
nhiều thế kỷ. Nhiệm vụ của các Samurai thời bình là quản trị các vấn đề địa
phương và đảm nhiệm công việc huấn luyện quân sự liên tục để đề phòng
khi tai biến. Ngược lại, đời sống của họ được các lãnh chúa bảo đảm. Cũng
vì vậy giới Samurai có vẽ kiêu hãnh, và sống tách rời hẳn với 3 giai cấp
khác là sĩ, nông, thương.
Với địa vị và các đặc ân, một Samurai sẽ nhận thấy khó mà thích ứng
với một nghề mới nào khác. Vì vậy, hầu hết Samurai khi từ giã nghề cũ để
chuyển saqng nghề buôn bán đều gặp thất bại hoàn toàn. Ông tôi cũng
không thoát khỏi thông lệ. Bám vào mảnh đất nhỏ bé do lãnh chúa chu cấp,
là tất cả những gì mà ông tôi có thể làm sau khi giã từ nghề cũ. Kỳ lạ làm
sao, cuộc đời tôi lại có những nét gần gũi với cuộc đời người ông hóa lẫn
nầy. Rời khỏi Hải Quân Hoàng Gia sau khi Nhật Bản đầu hàng trong cuộc
chiến thế giới thứ hai, ngoài danh nghĩa cựu đại tá hải quân ra, tôi không
còn một cái nghề nào khác.
Lực lượng Đồng Minh chiếm đóng không chỉ bãi bỏ hẳn tất cả ngân
khoảng cấp dưỡng cho các cựu sĩ quan mà còn cấm họ giữ bất kì chức vụ
công nào. Do đó, nhiều năm sau chiến tranh gia đình tôi đã phải sống đấp
đổi bằng cách cầm cố đồ đạc và làm các công việc lao động chân tay. Dù
vậy, tôi không bao giờ hối tiếc sự chọn lưa nghiệp dĩ hải quân của tôi. Ông
tôi đã dạy tôi nhiều bài học mà tôi luôn ghi ơn. Những bài học nầy giúp tôi
chiến thắng và cho phép tôi tồn tại trong chiến bại ở cuộc đại chiến đó. Lời
cáo phó của các thuộc cấp tôi trong suốt thấp hơn bất kì hạm trưởng nào
khác tương đương kinh nghiệm chiến đấu thuộc Hải Quân Hoàng Gia Nhật
Bản.
Ông nội tôi đối xử tốt với tôi lạ lùng. Vì mẹ tôi bận rộn, ông phải săn sóc
và trông nom tôi trong suốt thời thơ ấu. Khi tôi bắt đầu đi chập chững, ông
thường dẫn tôi loanh quanh cạnh các ngôi đền, dỗ dành, chơi đùa và mua
bánh cho tôi.
Khi tôi bắt đầu biết nói, ông kể cho tôi nghe các câu chuyện của giới võ
sĩ đạo không bao giờ dứt. Sau này mẹ tôi có nói lại lúc ấy ông đã hi vọng
tôi sẽ phục hồi danh vọng của dòng họ, vì theo ông, tôi là đứa trẻ thông
minh nhứt trong những đứa trẻ lên năm.
Bây giờ tôi có thể nhắm mắt nhớ lại hình ảnh ông lão đầu bạc như bông
ngồi thật thẳng, trong dáng điệu của một Samurai, mỗi sáng và mỗi chiều
trước bàn thờ của giòng họ. Bàn thờ với các bài vị của tổ tiên chúng tôi
cũng như của vị lãnh chúa vùng Takamatsu, là Vorichika Matsudaira. Nghi
lễ hàng ngày nầy không bao giờ thay đổi hoặc gián đoạn, cho đến khi ông
tôi ngã bệnh nặng.
Trước giờ phút lâm chung, với sự hiện diện của tất cả những người trong
gia đình, ông gọi tôi đến và ra dấu cho tôi lại gần. Lúc đó tôi lên sáu, song
thân đã dẫn tôi lại đứng cạnh giường bệnh, cầm đôi tay nhỏ bé của tôi đặt
lên đặt vào tay người ông. Ông quơ tay nắm lấy thanh kiếm võ sĩ đạo của
ông và đặt vào đôi tay nhỏ bé của tôi. Ông thều thào: “Tamei, thanh kiếm
này là của cháu. Hãy lắng nghe lời dặn dò cuối cùng của ông.”
Mọi người vẫn yên lặng. Giọng người sắp chết đứt quảng: “Tameichi
Hara! Cháu là cháu một người Samurai, cháu phải nhớ điều này: một
Samurai đã chọn đời sống như vậy, hắn luôn luôn phải chuẩn bị để chết.
Nhưng cháu đừng có diễn dịch sai lầm lời dạy nầy. Không bao giờ nên cố
theo đuổi chăm chăm một cái chết dễ dàng như vậy, vì việc này sẽ chống lại
tinh thần thực sự của Bushido.
Ông đã nói với cháu nhiều lần về sự toàn vẹn ở một Samurai là cố gắng
hết sức để hoàn thành các nhiệm vụ của họ. Cháu hãy cố gắng để làm như
thế. Luôn luôn ý tứ và nổ lực gấp đôi những gì tốt nhứt mà cháu đã có.”
Mặc dù lúc ấy tôi quá nhỏ để hiểu thấu đáo những gì mà ông tôi nói,
nhưng lời nói của người hấp hối đã gây ấn tượng mạnh mẽ đối với tôi,
khiến tôi nhớ rõ và không sao quên được.
Năm sau đó, tôi vào học trường mẫu giáo và đều dẫn đầu lớp trong suốt
sáu năm theo học, và tôi đã đem danh dự đầu tiên đến cho gia đình khi rời
khỏi trường nầy.
Gia đình tôi vẫn khốn khổ. Hai anh tôi, một người lớn hơn tôi 10 tuổi 1
người lớn hơn tôi 8 tuổi, đã tiếp tục phụ việc với cha mẹ tôi. Hai người anh
nầy và hai người chị của tôi, không ai học quá bậc tiểu học. Nhìn thành tích
học tập của tôi, các anh chị tôi đã thuyết phục cha tôi cho tôi tiếp tục lên
bậc trung học. Họ nói: “Chúng có sẽ cố gắng kiếm tiền cho em con ăn
học.”. Vì đó mà tôi mới có thể tiếp tục con đường học vấn. Tôi không bao
giờ quên sự hi sinh to lớn này của gia đình tôi.
Tôi phải qua một kì thi tuyển vào trung học và may mắn thay, tôi có tên
trong năm học sinh được chấm điểm đậu. Trường này làm một trong những
trường danh tiếng nhứt của Nhật Bản , chỉ thâu nhận những học sinh ưu tú.
Trải qua năm năm theo học ở đây, tôi không thể nào chiếm nổi các hạng
danh dự, nhưng tôi cũng đứng được ở mười hạng đầu trong số 150 học sinh
của lớp.
Khi qua khỏi bậc trung học, tôi phải nghĩ đến một nghề nghiệp nào đó.
Hiển nhiên tôi thích theo đuổi việc học lên cao hơn nữa. Nhưng muốn theo
học tại các trường cao đẳng và đại học, cần phải có nhiều tiền, mà gia đình
tôi thì không thể nào chịu đựng nổi. Tôi chỉ có thể tiếp tục con đường học
vấn ở các viện do Chánh phủ đài thọ tài chánh. Điều nầy lúc ấy có nghĩa là
tôi phải chọn một trường đào tạo giáo sư hoặc quân sự. Tôi có dòng máu
Samurai, tôi đã chọn một trường quân sự. Tôi không quên những lời cuối
cùng của ông nội tôi.

2
Tôi tốt nghiệp trường trung học Takamatsu và tháng 3 năm 1938. Tôi ghi
danh dự thi vào cả hai trường Hàn Lâm Viện Lục Quân ở Đông Kinh và
Hàn Lâm Viện Hải Quân ở Eta Jima, gần Hiroshima. Sở dĩ tôi ghi danh cả
hai trường vì tôi ít có hi vọng được Hải Quân tuyển chọn…
Sở thích của tôi là hải quân, nhưng nếu thất bại, Lục Quận sẽ thâu nhận
tôi, bởi vì tôi không thể chờ đợi thêm một năm nữa để tham dự kì thi tuyển
tới.
Ông nội tôi là một kị sỹ, tại sao hải quân lại hấp dẫn tôi nhiều như vậy?
Có lẽ tinh thần của tôi đã đơn giản đáp ứng truyền thống địa phương của tổ
tiên tôi. Thành phố Takamatsu và ngoại cảnh của nó có một ý nghĩa đặc biệt
cho binh chủng hải quân, vì chính nơi nầy đã khai sanh ra hải quân Nhật
Bản.
Biển Nhật Bản đã cung hiến cho nước Nhật những mà Aegean (vùng
biển nằm giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hi Lạp) đã cung hiến cho Hi Lạp.
Đời sống sơ khởi của dân chúng Nhật đều phát triển và xoay quanh biển
này, với hàng nhiều ngàn hòn đảo nhỏ đầy cảnh sắc của nó, giống như nền
văn hóa của Hy Lạp đã bắt đầu trên các bờ biển Aegean.
Trận hải chiến quan trọng đầu tiên trong lịch sử Nhật Bản xảy ra gần bờ
biển Takamatsu vào tháng giêng 1185. tháng sau đó, một lực lượng hải quân
được thành lập gồm toàn những người Takamatsu, và lực lượng nầy đã giữ
vai trò chánh trong cuộc chiến thắng ở Dan-no-ura thuộc biển Nhật Bản,
một trận đánh lớn chưa từng thấy trong lịch sử của quốc gia Nhật Bản.
Vào thế kỷ thứ XIII, khi một hạm đội Mông Cổ khổng lồ với 200.000
binh sỹ của Thành Cát Tư Hãn âm mưu đổ bộ lên Nhật Bản từ phía Bắc
Kyushu, một lần nữa, lực lượng hải quân Takamatsu đã giữ vai trò chánh
yếu trong tiêu diệt địch quân ở bờ biển Nhật Bản. Michiari Kono, một vị Đô
Đốc lừng danh của Nhật, sinh quán gần Takamatsu, là người đầu tiên leo
lên soái hạm Mông Cổ sau khi đắc thắng trong trận hải chiến khủng khiếp
vào năm 1281. tất cả các quyển lịch sử của Nhật đều có ghi lại kì tích này.
Lần đó, toàn thể hạm đội Mông Cổ bị đánh tan ở vịnh Hakata. Sau nầy, các
hạm đội Nhật còn thực hiện nhiều “hải xuất phục thù” từ biển Nhật Bản tiến
đánh lục địa Trung Hoa.
Hạm đội Nhật Bản thời trung cổ nầy đã thi hành các nhiệm vụ có tính
cách giống như xung kích quân của thời tân tiến. Khác với hạm đội Mông
Cổ vì không có ý định chiếm giữ thường trực đất Trung Hoa, nên hạm đội
Nhật không mang theo số lượng quân đông đảo. Các thủy thủ cảm tử Nhật
sẽ bất thần đổ bộ lên đất liền, đột kích chớp nhoáng các lực lượng Trung
Hoa, và rút lui ngay sau khi đốt phá. Lịch sử Trung Hoa đã cho thấy những
xung kích quân Nhật nầy đã đạt được nhiều kết quả trong các cuộc tấn công
vào duyên hải Trung Hoa ở thế kỷ thứ XVII và đã tiếp tay lật đổ nhiều triều
đại của họ, trong đó có triều đại nhà Minh nổi tiếng là cường thịnh.
Di sản hải quân của tỉnh lỵ sinh quán chắc chắn là yếu tố chính gây cảm
hứng cho sự chọn nghiệp của tôi.
Hàn Lâm Viện Hải Quân ở Eta Jima là một trong những trường có kì thi
tuyển chọn kỹ càng với điểm số cao nhất ở Nhựt. Những thanh niên nhiệt
huyết, những người thi rớt kì thi tuyển chọn đầu tiên ở trường này phải đợi
đến 1 năm sau hoặc có thể là hai năm để đợi thêm cơ hội khác để thi lại.
Nhưng gia đình của tôi thì không thể để tôi đợi thêm 1 năm sau nếu không
qua được kì thi. Vì vậy tôi cũng ghi danh vào Hàn Lâm Viện Lục Quân.
Kì thi tuyển chọn vào học viện Lục Quân chỉ được tổ chức ở các thành
phố chính trên toàn quốc. Vào tháng 4, một tháng sau khi tôi tốt nghiệp
trung học Takamatsu. Tôi đến Marugame để dự thi tuyển chọn vào Hàn
Lâm Viện Lục Quân, bài thi dễ dàng với tôi và tôi chắc rằng tôi sẽ vượt qua
với số điểm cao.
Tháng sau đó tôi đến Honshu bằng đường thủy từ thành phố Takamatsu
để dự kì thi tuyển chọn vào Hàn Lâm Viện hải quân được tổ chức ở
Hiroshima. Cùng lúc này trường trung học Takamatsu có tổ chức một
chuyến tham quan Honshu, nhưng tôi không thể tham gia được vì lí do tài
chánh.
Chuyến đi đầu tiên trong đời của một thanh niên thôn quê 18 tuổi thật sự
sôi động, một mình lên thành phố lớn Hiroshima, một thành phố lớn nhất
phía Bắc Honshu, sầm uất nhộn nhịp, các con đường sang trọng rộng rãi đã
làm tôi ngơ ngác.
Tôi ở trong một khách sạn trong có vẻ hiện đại nhất nhưng nằm xa
những khu nhộn nhịp. Kinh nghiệm thuê phòng lần đầu tiên của tôi tỏ ra
kém khôn ngoan. Ở các khách sạn của Nhật các bữa ăn của khách được
người phục vụ nữ phục vụ ngay trong phòng. Người phục vụ cho tôi
khoảng 20 tuổi, đẹp và thân thiện. Nhưng vì quá thân thiên đã làm tôi căng
thẳng.
“Anh có muốn uống chút rượu mạnh không?” cô gái hỏi.
“ Không, thưa cô. Tôi chưa đủ tuổi uống rượu và hơn nữa ngày mai tôi
phải dự thi vào Hàn Lâm Viện hải quân Eta Jima.” Tôi trả lời.
“Oooo!” cô gái trầm trồ. “ Anh chuẩn bị thi vào Hàn Lâm Viện hải quân!
Tuyệt vời! Anh sẽ trở thành một sĩ quan chói sáng! Anh sẽ quay lại khách
sạn này trong bộ quân phục hải quân chứ! Em rất muốn gặp lại anh.”
Cuộc nói chuyện này làm tôi không được thoải mái. Tôi chưa bao giờ
nói chuyện với người con gái nào từ trước đến giờ ngoài các chị tôi. Điều
đó là tôi nổi nóng khi cô gái cứ đặt ra những câu hỏi cho tôi. Khó khăn lắm
tôi mới phun ra từng từ khi trả lời cô ấy, và thở phào nhẹ nhõm khi cô quay
gót đi. Tôi mở vài quyển sách mang theo ra, tâm trạng lo âu và cố gắng học
thêm chút ít trước khi thi. Tôi lật sách tới lui hàng giờ mà vẫn không tập
trung được. Người khách phòng kế bên đang uống rượu thi với người phục
vụ. Giữa những lúc uống họ hát. Thật kinh khủng. Tôi nhận ra là mình đã
chọn sai khách sạn.
Tôi chịu thua đến nửa đêm và gọi xuống lễ tân yêu cầu họ chuẩn bị
giường ngủ cho tôi. Các khách sạn ở Nhật Bản không có giường ngủ trong
phòng. Khi khách cần nghỉ ngơi người phục vụ sẽ trãi một tấm nệm ở giữa
phòng cho khách nghỉ.
Người nữ phục vụ năng nổ lại xuất hiện để chuẩn bị giường ngủ cho tôi.
Thay vì rút lui sau khi xong việc, cô ta lại giúp tôi thay đồ và chuẩn bị quần
áo cho tôi, tôi thật sự bối rối.
Cô ta phớt lờ giọng nói cà lăm tỏ vẻ không đồng ý của tôi và bắt đâu
masage lưng cho tôi. Tôi đành nhượng bộ.
“Anh chàng trai trẻ ơi!” cô ta nói với giọng chế nhạo “Trông anh rất
căng thẳng, anh cần được massage. Nếu anh không thư giãn và thoải mái
ngày mai anh sẽ thi trượt”
“Tên em là Noriko người tỉnh Yamaguchi” cô nói tiếp. “Em đã làm việc
ở khách sạn này suốt 3 năm rồi. Thỉnh thoảng cũng gặp nhiều rắc rồi vì
không phải khách nào cũng lịch sự như anh.”
Tôi lặng im, mặc dù cô ta massage rất thoải mái nhưng lời nói của cô ta
còn gây căng thẳng cho tôi hơn.
“Em không có nhiệm vụ tối nay” cô ta thì thầm “Anh có thể giữ em lại.”.
Tiếng nói của cô gái thật trầm, nhưng đối với tôi lại vang như tiếng sấm
động. Tôi hoảng sợ. “Cô muốn nói gì?” tôi to giọng.
“Ồ! Nầy anh chàng tuổi trẻ ơi, anh đừng nên đóng trò thì hơn! Một anh
chàng đẹp trai như anh phải biết qua hàng tá gái là ít. Tốt hơn là đêm nay
anh nên giải trí để ngày mai đủ bình tỉnh mà đối phó với các bài thi.”
“Ồ! Xin cô rời đây giùm tôi,” tôi van nài. Tôi chưa bao giờ biết qua một
cô gái nào cả. Trong đời tôi, tôi cũng chưa từng nói chuyện với một cô gái
nào cả, ngoại trừ các chị tôi. Cuộc thi ngày mai tối quan trong đối với tôi.”
“Anh có vẻ nghĩ em là một con điếm,” nàng nói, giọng xúc động và giận
dữ. “Em tự nguyện ở đây với anh bởi vì em cảm thấy yêu anh khi mới gặp.
Em cũng biết theo luật của nhà trường anh sẽ bắt buộc phải từ chối các cô
gái khác trong bốn năm anh theo học ở Eta Jima. Em sẽ không tiết lộ vụ nầy
cho các đồng nghiệp của em đâu. Anh nghe đó! Tất cả các phòng kề cần
đều yên lặng. Họ ngủ hết rồi.”
Tình cảnh nầy đối với tôi thật quá lắm. Tôi thành thật van xin cô gái rời
khỏi phòng. Cuối cùng, cô ta bước ra với một cái nhìn đầy vẻ khinh thị.
Tai nạn nầy đã phá rầy giấc ngủ của tôi. Hôm sau tôi vào trường thi một
cách uể oải vì thiếu ngủ. Tôi không cảm thấy một chút tin tưởng nào vào
các bài thi mà tôi đã làm. Tôi trở về Takamatsu với sự chán nản và thất
vọng.
Khoảng mười ngày sau tôi nhận được giấy báo cho biết đã qua được kì
thì ở hàn lâm viện Lục Quân và sẽ trình diện Đông Kinh vào tháng 8.
Nhưng tôi đã đạt được ước nguyện: hải quân đã nhận tôi. Tôi la hét và nhảy
nhót vui mừng khi nhận được điện tín thông báo sau nầy.

3
Eta Jima, Annapolis (thành phố của tiểu bang Maryland, Hoa Kỳ) của
Nhật Bản là một thánh địa, một điểm hội tụ của những mộng ước cho nhiều
triệu thanh niên Nhật thời chiến. Mỗi năm, nhiều trăm thanh niên đầy nhiệt
huyết, mỗi người đều có thành tích học vấn và những giấy tời chứng nhận
tốt, đã đổ xô đến Eta Jima để tranh nhau vài chức vụ công hoặc tư. Người ta
hy vọng một thế hệ chọn lọc như thế cũng sẽ sản xuất các sĩ quan hải quân
sáng chói. Nhưng nhiều người đã tốt nghiệp từ ngôi trường huấn luyện sĩ
quan hải quân duy nhứt nầy đã không tỏ ra một cái gì gọi là sáng chói, và
một số đã hoàn toàn thất bại trong các hành động mà quốc gia đã đặt hy
vọng vào họ.
Những gì tôi nói về Hàn Lâm Viện hải quân và một hệ thống của nó
không phải nhằm để đưa ra một sự buộc tội. Tôi chỉ trình bày tất cả sự thật
để tùy nghi đọc giả phán xét.
Tôi nhập học ngày 26 tháng 8 năm 1918. ngày đó tôi vận một bộ quân
phục màu trắng với bảy nút đồng sáng chói, mang một thanh đoản kiếm
xinh xắn, giống như ông nội tôi đã mang lúc còn trẻ. Tôi đã trở thành một
Samurai thật sự.
Ba ngày sau khi tôi nhập học, hôm đó lúc tôi sắp sửa bước vào phòng
ngủ, một sinh viên năm thứ 3 đã hét lớn. “Nghiêm!” khi tôi làm theo lời
hắn, hắn nhanh nhẹn tiến đến và hỏi một cách giận dữ: “Tại sao anh không
chào tôi?”
Tôi không biết trả lời sao. Tôi có gặp hắn trước đó bao giờ đâu.
“Coi chừng!” hắn gầm lên. “Đứng cho vững và chuẩn bị. Tôi bắt đầu tẩy
sạch tánh vô lễ của anh đây.”
Hắn nắm tay và đánh vào mặt tôi hơn một chục lần. Nếu tôi không được
lưu ý trước, tôi đã đo đất với cú đấm đầu tiên của hắn. Sự đối xử nầy đã gây
cho tôi sự xúc động mảnh liệt. Với mặt mày bầm vập và rướm máu, tôi lê
bước vào phòng ngủ.
Ngày kế đó, trong bữa ăn sáng, một sinh viên huynh trưởng khám phá ra
bộ quân phục của tôi cài nút không đúng cách, và tôi lại nhận thêm một
chục cú đấm vào khuôn mặt đã sưng vù của tôi. Lần trừng phạt thứ nhì nầy
mạnh tay hơn lần đầu. Tai trái tôi trở nên điếc câm.
Khi một sinh viên vi phạm kỷ luật, tất cả các sinh viên khác trong trung
đội của anh ta phải đứng xếp hàng và lãnh mỗi người một cú đấm vào mặt.
Tất cả các sinh viên đều nếm mùi hệ thống kỷ luật độc đoán nầy, hầu như
không có lúc nào “thiếu thốn”. Mỗi ngày Chúa Nhựt, 180 sinh viên mới
nhập học phải lên võ trường để nghe “thuyết pháp” hàng bốn năm tiếng
đồng hồ liền dưới ánh nắng mặt trời. Sĩ quan quân trường và các phụ tá của
họ, tức các các sinh viên huynh trưởng, đảm trách cuộc thuyết pháp. Bài
học ngày Chúa nhựt nầy hầu hết được chấm câu bằng những cú đấm như
mưa bấc.
Sau vài tháng trui rèn theo kiểu đó, những kẻ mới đến đều trở thành
những con cừu non ngoan ngoãn. Khuôn mặt của mọi người đều mang dấu
vết tàn phá của những mà họ phải chịu đựng. Tai tôi điếc hẳn từ đó đến bây
giờ.
Một số người đã từng bị đối xử theo lối kỷ luật nghiêm khắc nầy lúc còn
ở ngoài đời, họ sẽ không lấy gì làm xúc động. Trong một số gia đình Nhật
Bản, người cha muốn trừng trị con mạnh tay cách nào cũng được. Nhiều
trường học thôn quê thầy giáo đối xử với học sinh có thể nói là tàn nhẫn.
Tôi lại khác hơn. Tôi là một đứa con hãnh diện của một gia đình
Samurai. Không ai trong gia đình muốn đánh tôi đến một roi. Trường tôi
theo học cũng không bao giờ áp dụng các phương pháp kỷ luật nghiệt ngã
như vậy.
Có lẽ vì vậy tôi có phần nào hư hỏng, và có lẽ vậy mà tôi không thích
ứng kiệp với nghiệp binh. Bất cứ kỷ luật nào ở Eta Jima đối với tôi cũng
đầy vẻ xúc phạm khiến cho tôi phải hờn giận. Ngay cả hiện tại tôi vẫn còn
nhớ lại những ngày ở Hàn Lâm Viện hải quân với dư vị chua chát.
Chắc chắn các sinh viên huynh trưởng của tôi là lũ vô tri, thích thú khi
được hành hạ kẻ khác, hả dạ khác thường lúc ra tay khủng bố những người
mới vào. Cả bây giờ tôi vẫn thấy chán ghét khi gặp lại mấy khuôn mặt nầy,
ngay cả khi chúng tôi đang chia sẽ các công việc nặng nhọc, sự khốn khổ
do chiến tranh gây ra, và có cùng sự may mắn được sống sót.
Tiếng kèn đánh thức chúng tôi vào lúc 5h30 sáng, và chúng tôi học hỏi
tập tành kéo dài đến 9h tối mà không có một phút giây nào để nghỉ ngơi.
Trong thời gian nầy, ngày Chúa nhựt vẫn phũ phàng như những ngày
thường.
Những người mới vào chấm dứt giai đoạn 1 và sinh hoạt có phần thoải
mái hơn, các hình phạt thường lệ chấm dứt theo với năm nhứt của chúng
tôi.
Cuối tuần không có sinh viên nào được phép đi ra khỏi các vùng phụ cận
của thành phố. Thường thường ngày Chúa nhựt chúng tôi phải leo núi, lội
bộ quanh đảo hoặc ngồi cú rủ trong câu lạc bộ.
Một trong những bạn đồng khóa xuất sắc nhứt của tôi là Ko Nagasawa,
quê ở miền Bắc nước Nhật. Anh ta có thể nói là một tay có nhiều đặt tính
vượt trội, và hình như hăn chẳng thèm lưu ý đến kỷ luật bịnh hoạn của Hàn
Lâm Viện. Sau mỗi lần nhận lảnh hình phạt tàn bạo bởi các huấn luyện viên
hoặc các sinh viên huynh trưởng, Ko Nagasawa vẫn pha trò một cách tỉnh
bơ, khiến tôi phải “kinh hoảng”.
Ko Nagasawa và tôi thay phiên nhau dẫn đầu 180 sinh viên. Khi ra
trường, Ko Nagasawa phục vụ xuất sắc ở lanh vực tham mưu và chỉ huy
trong suốt cuộc chiến Thái Bình Dương. Năm 1954, anh gia nhập vào tân
hải quân Nhật Bản và trở thành Thủy sư Đô Đốc vào năm 1956 (giử chức
vụ Tổng Tư Lịnh Tân Hải Quân Nhựt từ năm 1954 đến năm 1958). Những
ngày ở Eta Jima, Ko Nagasawa được tất cả bạn đồng khóa kính mến, nhưng
không một ai tiên đoán con đường hoạn lộ của anh lại tiến đến bực ấy.
Tôi biết có một số bạn tôi đã nhìn những ngày ở Hàn Lâm Viện hải quân
của họ với nhiều luyến tiếc. Nhưng riêng tôi, bởi vì “cô độc” chịu đựng
hình phạt thể xác ở đây, tôi không thể nào chia xẻ cảm nghỉ của họ.
Lúc đó, tôi thường nhận được thơ nhà mang đến những tin tức rối rắm.
Đó là những phiền muộn khác trong những ngày tôi ở Hàn Lâm Viện hải
quân. Bức thơ đầu tiên báo cho biết tin buồn người chị lớn của tôi là Uta
chết vì bệnh lao. Và bởi lẻ chị tôi đã bỏ lại hai đưa cháu thơ dại, nên gia
đình thuyết phục người chị kế của tôi là Kiyo chấp nối với người anh rể.
Kiyo viết cho tôi biết chị không đồng ý, nhưng sau đó chị bất ngờ nhượng
bộ. Vì tôi rất được chị Kiyo thương mến, nên việc nầy đã gây lo nghĩ cho
tôi rất nhiều.
Một năm sau, chị Kiyo bỏ chồng và các cháu, trở về với gia đình. Vào
lúc đó một hành động như vậy không thể chấp nhận được với một người
đàn bà Nhật có đức hạnh. Nhưng tôi không bao giờ qui tội cho chị tôi. Tôi
biết rằng chị tôi có những lý lẽ riêng mà chị ấy cho là phải.
Những biến cố như vậy, cộng thêm đời sống ép thể xác như hiện tại
khiến hầu hết ba năm học đầu tiên của tôi đắm chìm thường xuyên trong âu
sầu và chán nản. Trong năm cuối cùng, Hàn Lâm Viện có một tân chỉ huy
trưởng. Đó là Phó Đô Đốc Kantaro Suzuki, một vĩ nhân thực sự trong đời
tôi.
Phó Đô Đốc Suzuki vừa nhận chức đúng 3 ngày, ông đã triệu tập ngay
một phiên họp toàn trường. Mở đầu buổi nói chuyện, với một giọng phẩn
nộ, ông cấm chỉ tất cả những kỹ luật khắc nghiệt đã được áp dụng. Ông nói:
“ Trường nầy được thành lập để đào tạo những sỹ quan ưu tú, không phải là
chuồng nuôi súc vật.”
Từ đó, Suzuki đưa ra một loạt cải tổ, quét sạch toàn thể hệ thống cũ của
Hàn Lâm Viện. Ông tìm cách khuyến khích sáng kiến của sinh viên, vì vậy
họ rất hứng khởi trong việc học hỏi. Dĩ nhiên tất cả hình thức đối xử dã
man không còn nữa.
Do đó, tôi có cảm giác Phó Đô Đốc Suzuki sẽ còn làm được nhiều việc
hơn nữa. Nhưng chẳng may cho nhà trường Suzuki không ngồi lâu. Kích
thước ông quá lớn đối với Eta Jima và ngay cả Hải Quân Hoàng Gia. Ông
về hưu sớm để trở thành nội thần của Thiên Hoàng. Năm 1945, ông cầm
đầu Nội Các trong thời gian xảy ra cuộc đầu hàng Đồng Minh của Nhật
Bản. Sau Kantaro Suzuki, các Đô Đốc tiếp nhiệm chỉ huy Eta Jima đều tầm
thường và những cải tổ của Suzuki dần dần bị lãng quên.
Vào tháng 16 tháng 7 năm 1921, tôi ra trường với hạng 40 trong tổ số
150 sinh viên. Song thân tui vui mừng và kiêu hãnh khi biết tin nầy. Tuy
nhiên, tôi biết, đáng lẽ ra tôi phải đạt được thành quả tốt đẹp hơn.

4
Năm tôi nhập học ở Eta Jima là năm đánh dấu cuộc chiến thế giới lần
thứ nhứt chấm dứt. Trong cuộc chiến nầy Nhật Bản đứng về phe Đồng
Minh. Quốc gia không chịu đựng sự tàn phá của chiến tranh, và các thương
gia Nhật đã làm giàu vượt mức trong suốt cuộc chiến.
Đình chiến và thế giới hòa bình, nhưng nước Nhật lại lâm và cảnh xuống
dốc thảm hại. Ngay ở Eta Jima mặc dù tách biệt với thế giới bên ngoài,
nhưng do tình trạng tổng quát, sự sa sút kinh tế ở đây nhìn thấy rất rõ rệt.
Trong năm tôi ra trường, lực lượng hải quân của năm cường quốc lúc
nầy là Anh, Mỹ, Pháp, Ý và Nhật đã đi đến một thỏa hiệp qui định sức nặng
tối đa cho các tàu chiến của họ.
Khó học của tôi gồm 150 sinh viên tốt nghiệp, được phân phối thực tập
trên hai khu trục hạm Izumo và Yagumo, trọng tải 6000 tấn, chiếc tàu này là
sức mạnh chánh của Nhựt trong cuộ chiến Hoa – Nhật năm 1894 – 1895.
Bất kì loại tàu nào đã 25 tuổi đời thật khó mà hoạt động hữu hiệu. Với tuổi
đó, một tàu chiến trở thành một gánh nặng hơn là một tài sản quốc gia.
Tuy nhiên bọn trẻ chúng tôi lại không kìm hãm nổi sự thích thú của
mình. Bởi chúng tôi được biết không bao lâu nữa chúng tôi sẽ thực hiện
một chuyến đi vòng quanh thế giới. Không vật gì có thể nhận chìm được
cảm giác bềnh bồng của chúng tôi lúc ấy. Các chiếc tàu trông già nua đáng
sợ, nhưng không ai trong chúng tôi để ý đến điều nầy.
Trong vòng một tháng, hai khu trục hạm thao luyện trong các hải vực
quanh Yokosuka. Công việc cá nhân và tập thể của chúng tôi đã đỡ phần vất
vã. Nhiều người trong chúng tôi bắt đầu nhìn lại những ngày ở Eta Jima,
như nhìn lại thời gian ở mẫu giáo của họ.
Trong Hải Quân Hoàng Gia Nhựt có một câu nói cũ kỷ: “Thứ bậc của
hải quân được xếp hạng từ sỹ quan đến hạ sỹ quan, trâu bò (có nghĩa là lính
trơn) và cuối cùng là mới đến các sỹ quan mới ra lò.” Nói khác đi, đời sống
tổng quát của một sỹ quan vừa ròi khỏi Eta Jima, và nhận được công việc
sơ khởi của họ trên tàu còn khốn khổ hơn bất kì một anh lính mới nào.
Chiến hạm Nhựt khi chế tạo không bao giờ để ý đến các tiện nghi nào
dành chp chổ ngụ của các sĩ quan mới tốt nghiệp. Chổ ăn ngủ của họ và
binh sỹ trên tàu không khác gì nhau. Ban đêm nếu muốn ngủ họ phải căn
võng. Thức ăn gồm có cơm và lúa mạch, với một chút ít cá hoặc thịt.
Đời sống của các tân binh trơn hiển nhiên là khốn khổ nhưng ít ra họ
cũng có một công việc riêng để học hỏi và chăm chú vào công việc đó. Trái
lại một sĩ quan mới ra trường phải học hỏi mọi công việc trên tàu, từ công
việc đun nồi xú de cho đến công việc đo giác cự, và phải học cho chính xác.
Chúng tôi không có thời gian nào gọi là thời gian riêng của chúng tôi cả.
Sau một tháng huấn luyện liên tục theo nguyên tắc, hai chiến hạm già
nua rời Yokosuka sang Hoa Kỳ, khởi đầu chuyến viễn du thế giới. Hải quân
đã hấp dẫn nhiều thanh niên Nhựt phần lớn là do dịp may được đi đó đi đây
như thế nầy.
Khi hai chiến hạm nhổ neo, các sĩ quan mới đã mừng rỡ reo hò ầm ỉ.
Chúng tôi nghĩ là đã thoát khỏi kiếp đọa đày. Chúng tôi đã lầm lẫn biết bao.
Chúng tôi không chịu nghĩ đến các lượn sóng tàn nhẫn của Thái Bình
Dương đang chờ đón chúng tôi.
Hai ngày sau khi rời khỏi Yokosuka, tất cả chúng tôi đều nằm liệt. Ngay
cả tôi, một thanh niên có sức khỏe như voi, cũng nôn thốc nôn tháo ngay
bước đầu của chuyến viễn du.
Nửa tháng sau, chúng tôi đến Honolulu, sức khỏe của các sĩ quan mới
đều xuống dốc trầm trọng. Tôi cảm thấy muốn cúi xuống hôn mặt đất để
cảm ơn Thượng Đế. “Cá heo” tên riêng của tôi thời đi học, hình như trong
tình cảnh nầy không còn thích đáng một chút nào. Và con cá nầy chỉ bị
trừng trị trong hai tuần lễ mà sụt đến 30 cân Anh (khoảng 14 kí lô). Nhiều
người khác cũng chẳng kém gì tôi.
Phó Đô Đốc Hanroku Saito, chỉ huy chuyến đi, quyết định lưu lại Hạ uy
Di một tuần lễ. Một phần của quyết định nầy là để đáp lại sự tiếp đón nồng
nhiệt và lòng hiếu khách của dân chúng Nhựt trên đảo, nhưng phần quan
trọng hơn là để cho bọn “tân binh” chúng tôi lấy lại phong độ.
Hải cảng kế đến là San Diego, từ đó chúng tôi chuyển về hướng Nam,
xuyên qua kinh đào Panama và đến New York vào ngày 29 tháng 10 năm
1921. Cuộc họp giải trang của năm cường quốc đang diễn ra ở Hoa Thịnh
Đốn. Việc các chiếc tàu cổ lổ của chúng tôi đến Hoa Kỳ vào thời gian đặt
biệt nầy có lẽ nằm trong sự tính toán.
Trong thời gian nầy, Nhựt đã tìm cách che đậy năng lực thật sự của hải
quân. Các thiết giáp hạm Nago và Mutsu, hoàn tất vào năm 1920 và 1921,
trang bị tám trọng pháo 300 ly, được cho là có trọng lượng 32600 tấn và tốc
độ tối đa chỉ 23 hải lý. Nhưng sự thật, hai chiến hạm nầy có trọng lượng
35000 tấn và tốc độ tối đa gần 27 hải lý, vượt trội hẳn chiếc Maryland cùng
loại của Hoa Kỳ.
Nhật Bản cũng không khoe khoang về chiếc Hosho, hàng không mẫu
hạm tối tân đầu tiên trên thế giới, hoàn tất năm 1921, trọng lượng 9494 tấn,
mà cũng không tiết lộ cho thế giới biết về chiếc Shimakaze, một khu trục
hạm tuyệt hảo loại mới, được võ trang 4 khẩu 120 ly và 6 ống phóng thủy
lôi, và có thể đạt đến tốc lực tối đa 40 hải lý.
Trong khi đó Nhựt mang biểu diễn quanh duyên hải Hoa Kỳ hai đống sắt
vụn trên mặt nước, do một bọn sĩ quan vụng về mới ra trường điều khiển.
Khi chúng tôi đến Nữu Ước, hầu hết dân chúng ở đây đều đón tiếp
chúng tôi niềm nở. Chẳng hạn như trong một buổi dạo cảnh, tôi và ba người
bạn ghé vào thương xá Wanamarker, một người Mỹ rất vui vẻ và lịch sự, có
lẽ là giám đốc, mời chúng tôi chụp chung một tấm ảnh. Rất tiếc là tôi không
nhớ tên ông ta.
Trong bốn anh em chúng tôi chụp chung trong ảnh nầy, chỉ có Matao
Machida, sau nầy là Đại tá, đứng ở góc trái và tôi là còn sống sót. Machida
trở thành một sỹ quan kỹ thuật, đặt biệt trong lãnh vực quang học. Hiện tại
Machida sống ở Đông Kinh, một trong những ủy viên quản trị của công ty
máy ảnh Canon. Ông cũng là người chế loại máy ảnh và các thấu kính cực
vi nổi tiếng đương đại.
Từ Nữu Ước chúng tôi băng qua Đại Tây Dương. Chúng tôi chọn hải
trình nầy, gian nan hơn Thái Bình Dương, bởi lúc ấy chúng tôi đã làm quen
với biển cả. Chúng tôi thăm viếng Anh và nước Pháp, trước khi xuyên
ngang Địa Trung Hải và Ấn Độ Dương, hướng về quê nhà. Chúng tôi trở về
Nhựt ngày 9 tháng 5 năm 1922 sau thời gian gần 7 tháng vắng mặt.
Thời gian đó, kết quả Hội Nghị Hoa Thịnh Đốn được công bố. Hải Quân
Hoàng Gia Nhựt không hài lòng với kết quả nầy, và đưa đến một số sỹ quan
cao cấp xin từ nhiệm.
Thỏa hiệp giải trang đạt được ở Hoa Thịnh Đốn vào năm 1921 chỉ cho
phép Nhựt duy trì tổng số trọng lượng của toàn thể tàu chiến là 315.000 tấn,
Pháp 175.000 tấn, Ý Đại Lợi 81.000 tấn, nhưng trái lại Anh và Mỹ tổng số
lên đến 525.000 tấn cho mỗi xứ. Sức mạnh của hàng không mẫu hạm giới
hạn cho Nhật tổng số 81.000 tấn, 60.000 tấn cho Pháp và Ý, và đến 135.000
tấn cho Anh và Mỹ. Nhưng riêng khu trục hạm và thiết giáp hạm, thỏa hiệp
đã đặt ra kích thước và giới hạn cho mỗi chiếc là 10.000 tấn nhưng không
giới hạn số lượng.
Thỏa hiệp đã khiến nhiều sĩ quan hải quân Nhựt rơi nước mắt. Thiết giáp
hạm Tosa, trọng lượng 39.900 tấn hạ thủy năm 1921, phải phá bỏ, và chiếc
tàu em của nó là Kaga được biến cải thành một hàng không mẫu hạm. Tuần
dương hạm Akagi và thiết giáp hạm Amagi, cùng trọng lượng 34.363 tấn
cũng được biến cải thành hai hàng không mẫu hạm. Nhưng trong thời gian
xúc tiến việc biến cải nầy, chiếc Amagi bị trận động đất năm 1923 chôn vùi.
Bộ Tư Lịnh Tối Cao Nhựt cũng bắt buộc bãi bỏ các đồ án của bốn thiết giáp
hạm, mỗi chiếc 47.500 tấn. Các đồ án nầy hoàn tất năm 1921 sau nhiều
tháng nổ lực to tát của một số kỹ thuật gia.
Hải quân Nhật đã nhìn hội nghị Hoa Thịnh Đốn có tánh cách thuần túy
chính trị, mà qua kết quả đã cho thấy Nhật đại bại trên lãnh vực nầy. Một số
dân chúng nhớ lại sự chế tài của luật di trú bài Nhật ở California vào năm
1913, việc nầy khiến cho mối liên kết giữa Nhật và các cường quốc Anglo
Saxon rạn nứt sau Đệ Nhứt Thế Chiến. Dân chúng Nhật cũng nhớ lại tổ
chức Liên Minh Quốc Gia đã bị Hoa Kỳ tẩy chay, sau khi liên minh nầy
được hình thành và do chính Hoa Kỳ điều khiển.
Qua tình trạng tinh thần nầy, Nhật đã bắt đầu xem Hoa Kỳ như là một
“kẻ thù ngấm ngầm”. Các sỹ quan trẻ, và các sỹ quan mới ra trường như tôi,
không có một thẩm quyền nào để đo lường đúng mức sự xét đoán nầy,
nhưng trên phương diện lý thuyết, các sỹ quan cao cấp của chúng tôi đã
“khua động” bên tai chúng tôi hàng ngày.
Sau chuyến viễn du không lâu, tất cả sĩ quan thuộc khóa của tôi chánh
thức mang cấp bậc Thiếu úy hải quân. Tôi và bốn sĩ quan được bổ nhiệm
phục vụ trên tuần dương hạm Kusaga. Trong vai trò mới, chúng tôi lập tức
đối diện với nhiều vấn đề cần phải quan tâm, chớ không phải riêng “kẻ thù
ngấm ngầm” mà thôi.
Tôi không mấy phấn khởi với nhiệm vụ mới. Tôi nhớ câu châm ngôn
Nhật Bản: “Ít ra bạn phải trải qua mười năm mới mong trở thành một thủy
thủ lành nghề”. Kasuga không già nua hơn Izumo hoặc Yagumo, nhưng
chiếc tàu nầy cũng từng chứng kiến trận chiến Nga – Nhật vào năm 1904 –
1905. Tôi tự nhủ: “Anh vẫn còn là một tay mơ. Đừng mơ ước một chiến
hạm tối tân như Nagato. Hãy kiên nhẫn! Kể từ khi anh bước chân vào Eta
Jima, tính ra chỉ mới sáu năm mà thôi.”
Tôi trình diện Kasuga vào tháng 5năm 1922. Chiếc tàu được phái sang
Nga Sô. Chúng tôi lại thực hiện một chuyến viễn du nữa. Tuy nhiên lần đi
nầy không phải có tánh cách huấn luyện đơn thuần. Nhiệm vụ của Kasuga
là bảo vệ cư dân Nhật ở Tây Bá Lợi Á lúc bấy giờ đang gặp khốn đốn do
cuộc cách mạng hậu chiến của Nga Sô gây ra. Năm 1920, nhiều trăm người
Nhật đã bị loạn quân Nga Sô tàn sát ở Nikolaievsk. Hai năm sau đó, Tây Bá
Lọi Á vẫn còn trong tình trạng hổn loạn.
Từ khi hạm đội Nga Sô bị Nhật Bản tiêu diệt vào năm 1904 – 1905,
người Nga không có loại tàu chiến nào chống lại nổi chúng tôi. Vì vậy,
chiếc Kasuga của chúng tôi không phải bắn một phát súng nào cả, và kinh
nghiệm mà tôi nhận được cũng không hơn gì khi tôi ở trên chiếc Yagumo.
Chuyến đi vào các hải vực phía Bắc là chuyến đi vào trong sương mù
dầy đặc đầu tiên của tôi. Vào tháng sáu, chúng tôi đổ bộ lên Vladivostok,
hải cảng của Tây Bá Lợi Á nổi tiếng với nhiều ngọn đồi dốc thẳng khiến tôi
gợi nhớ đến Nagasaki của Nhật Bản. Cuộc nội chiến của Nga đã gây cho
dân chúng ở đây nghèo đói. Những gì tôi thấy ở Vladivostok trái ngược hẳn
những gì tôi thấy ở Nữu Ước và các thành phố hải cảng thịnh vượng của
các quốc gia chiến thắng khác. Điều này khiến cho tôi suy nghĩ rằng một
quốc gia không bao giờ nên để cho bại trận. Lúc đó tôi không bao giờ tưởng
tượng Nhật Bản cũng sẽ chịu chung số phận của dân Bạch Nga trong vòng
không đầy 23 năm sau đó.
Sau Vladivostok, chúng tôi viếng thăm Odomari, hải cảng cực Nam của
Sakhalin do Nga nhượng cho Nhật Bản sau cuộc chiến 1904 – 1905. Lúc đó
không ai có thể tưởng tượng hải cải uể oải tồi tàn nầy sẽ được người Nga
thâu hồi vào năm 1945 và biến thành căn cứ hải quân quan trọng Korsakov
ngày nay.
Bộ Tư Lịnh Tối Cao Hải Quân Hoàng Gia không sử dụng các loại tàu
tân tiến và chạy nhanh trong cuộc hành quân không có đối thủ ở Tây Bá Lợi
Á nầy. Nhưng các sĩ quan có khả năng về chánh trị được chọn để cầm đầu
cuộc hành quân, bởi vì lúc đó giữa Nga và Nhật không xảy ra chiến tranh,
và cuộc hành quân liên quan đến nhiều vấn đề tế nhị.
Hạm trường Kasuga là Đại Tá Mitsumasa Yonai, một nhân vật vĩ đại thứ
hai mà tôi được phục vụ dưới quyền. Như Đô Đốc Suzuki, người đã đưa ra
nhiều nhát chổi cải cách ở Eta Jima, Yonai là vị chỉ huy mà tôi kính nể cao
độ nhứt. Nhưng giữa hai nhân vật nầy có nhiều điểm khác nhau rõ rệt. Đô
Đốc Suzuki thích nói thẳng vào mặt, mạnh bạo và ồn ào, còn Yonai ít nói.
Dù tuổi đã gần tứ tuần, ông vẫn còn đẹp trai và hấp dẫn. Suốt sáu tháng
phục vụ trên chiếc Kasuga, tôi không bao giờ thấy ông rầy mắng một sĩ
quan nào. Tuy nhiên tinh thần phục vụ của thủy thủ đoàn rất cao. Ai ai cũng
nể phục ông, và xem ông như là một trong những người lãnh đạo tài giỏi
nhứt của Hải Quân Hoàng Gia Nhật Bản.
Đại tá Yonai và Đô Đốc Suzuki chỉ có một điểm giống nhau: không
dung túng các phương pháo kỷ luật tàn nhẫn. Hành vi mẫu mực của Yonai
đã quá đủ để ông chỉ huy mà không cần phải áp dụng phương pháp kỷ luật
nào khác.
Các sĩ quan trẻ tuổi chúng tôi thoạt đầu đã kinh ngạc khi thấy vị chỉ huy
trưởng gần gũi với chúng tôi trong suốt những giờ nghỉ ngơi. Ông ưa thách
chúng tôi thay phiên nhau vật lộn với ông. Sau những năm tập tành ở Eta
Jima nhu đạo của chúng tôi đã thuộc vào hạng khá nên thoạt đầu chúng tôi
có hơi rụt rè, chỉ sợ quá mạnh tay với “sếp”. Nhưng chúng tôi sớm sáng
mắt, không một ai trong chúng tôi quăng nổi ông xuống đất. Ông đứng bất
động như một hòn đá tảng, và không hề phản công, những bước tiến của
chúng tôi dù ác liệt đến đâu cũng đều dội ngược ra hết.
Trong chuyến đi nầy tôi được tha dự một bữa tiệc đầu tiên trong cuộc
đời tôi tại một nhà hàng trên bờ biển. Chủ nhân bữa tiệc nầy là viên thị
trưởng và cũng là chỉ huy trưởng hải quân địa phương. Nhiều Geisa xinh
đẹp, mặc Kimono đủ màu sắc, hòa đàn, ca múa và rót sake cho khách và
chủ. Họ ăn nói khôn khéo và duyên dáng khiến buổi tiệc thêm phần sống
động. Các vũ nữ xinh đẹp nầy đã làm cho tôi hoa cả mắt.
Trong các tiệc tùng của người Nhật thường có một trò vui gọi là
“kampai” (uống cạn). Người nầy đứng dậy tiến đến một người khác với ly
sake để mời uống. Người được mời tiếp lấy ly rượu và uống cạn, đoạn rửa
ly bằng nước lạnh và rót rượu mới lại. Nếu người nào từ chối ly rượu mời
nầy có nghĩa là người đó tự nhận mình đã say.
Tôi thấy vừa chủ vừa khách có hơn bốn năm chục người lần lượt kampai
với Đại Tá Yonai, và ông không từ chối một ai hết. Khi hầu hết thực khách
đều ngã nghiêng, nếu không nói là bò càng dưới đất, Yonai vẫn ngồi thẳng
đứng như một Samurai thực sự. Khả năng mọi mặt của ông không thể nào
lường được, giống như khả năng nhu đạo của ông.
Trước khi được bổ nhiệm chỉ huy Kasuga, Yonai giữ chức vụ tùy viên
hải quân tòa đại sứ Nhựt ở Mạc Tư Khoa và ông đã từng uống rượu Vodka
với người Nga. Yonai cũng nói tiếng Nga sành sỏi.
Cuối một bữa tiệc như thế, tôi hết sức nể phục khi nhìn thấy Yonai ngồi
chẳng khác một thanh sắt, trong khi những người khác múa rối. Các geisa
thường bu quanh Yonai và cố mang hết tài nghệ ra để gây chú ý và làm hài
lòng ông hạm trưởng nghiêm nghị và đẹp trai. Nhưng ông hạm trưởng nầy
không bao giờ “dây dưa” với một cô nào cả.
Thật kém may mắn cho nước Nhựt khi một người như Yonai chỉ phục vụ
một vài chuyến đi trên tàu. Hải Quân Hoàng Gia thường hay chỉ định các
chức vụ trên bờ, trong các tổng Hành Dinh, cho những sĩ quan có khả năng,
và do đó những sĩ quan tài ba lại thường thiếu kinh nghiệm hải hành.
Đô Đốc Suzuki xin về hưu trước khi cuộc chiến Thái Bình Dương bùng
nổ, ông không chịu đưa ra một tiếng nói nào liên quan đến chiến thuật,
chiến lược và chánh sách của hải quân. Yonai đã lên tiếng chống đối chiến
tranh, nhưng ông không thể nào đương đầu nổi với tập thể đông đảo các sĩ
quan Lục Quân bài ngoại quá khích, và vì vậy ý kiến của ông chẳng được ai
để ý đến.
Bấy giờ có một câu chuyên gây nhiều bàn tán ở Nhựt. Đó là câu chuyên
Đô Đốc Yamamoto, Tổng Tư Lịnh Hạm Đội Hổn Hợp, muốn nhường chức
vụ lại cho Yonai để rảnh tay điều động lực lượng tấn công Trân Châu Cảng.
Yonai từ chối. Nhưng tôi tin rằng Yonai có thể làm được mọi việc, cũng như
ông có thể làm hay hơn Yamamoto trong chức vụ có tánh cách quyết định
đó.
Chuyến đi của tôi trên tuần dương hạm Kusaga kết thúc vào ngày 30
tháng 3 năm 1923, sau khi tôi xin theo học tại một trường đào tạo chuyên
viên. Tôi ý thức rằng nếu muốn trở thành một sĩ quan như Yonai, tôi phải
học hỏi nhiều hơn nữa. Từ tháng 4 đến tháng 12, tôi theo học khóa huấn
luyện về thủy lôi và pháo thuật ở Yokosuka.
Trong lúc tôi đang theo học, Nhật Bản bị nhiều cơn động đất tàn phá
nặng nề. Trận động đất xảy ra trong vùng phụ cận Đông Kinh và Yokohama
vào ngày 1 tháng 9 năm 1923 khiến cho 2 nơi nầy bị tàn phá gấp bội các
cuộc hỏa hoạn gây ra. Sự thiệt hại cũng nặng nề hơn các cuộc oanh tạc của
Hoa Kỳ trên hai thành phố nầy trong thời đệ nhị thế chiến. Thiết quân luật
kéo dài một tháng trong khu vực được ban hành, và tôi được cắt đặt nhiệm
vụ bất ngờ để duy trì việc thi hành lịnh nầy.
Một ấn tượng khó quên đối với tôi trong thời gian bi thảm đó: sự giúp đỡ
mau lệ của Hoa Kỳ cho hai thành phố Nhật bị tàn phá nầy. Các tàu chiến
Hoa Kỳ đã đổ xô đến bờ biển Đông Kinh với nhiều loại tiếp tế thiết yếu.
Hành động đầy thiện chí nầy khiến lý thuyết chống lại “kẻ thù ngấm ngầm”
mà tôi nhận được đã bị lung lay.
Trong năm cuối cùng tôi ở Eta Jima có nhiều quyết định về vấn đề định
nghiệp sĩ quan. Trong thập niên 1920 sự nghiệp của sĩ quan hải quân Nhựt
theo các phương thức như sau: các sĩ quan được bổ nhiệm về Tổng Hành
Dinh là những người có học bạ đặc sắc nhứt tại các trường chuyên viên
hoặc Hàn Lâm Viện, và họ sẽ được nhận vào học tiếp ở trường Cao Đẳng
Tham Mưu. Yonai và Yamamoto thuộc vào nhóm nầy. Các sĩ quan đồng
hạng nhì trong các trường Chuyên viên hoặc Hàn Lâm Viện sẽ được bổ
nhiệm phục vụ trên các thiết giáp hạm và tuần dương hạm, nhưng thường
họ không được theo học thêm ở trường Cao Đẳng Tham Mưu. Các sĩ quan
đồng hạng ba được bổ nhiệm về các khu trục hạm, và được huấn luyện
thêm về loại tàu nầy. Các sĩ quan đồng hạng năm se trở thành phi công (hải
quân) sau khi tình nguyện theo học ở trường huấn luyện phi công. Cuối
cùng là các sĩ quan được xếp hạng thường sẽ được bổ nhiệm phục vụ trên
các hổ trợ hạm và ngoài sự tốt nghiệp ở Eta Jima ra, họ se không được theo
học một trường đào tạo chuyên viên nào khác.
Vấn đề huấn luyện phi công, chỉ rút từ các sĩ quan hải quân tốt nghiêp
hàng năm, bấy giờ được xem là một vấn đề có vẻ vô lý. Mười lăm năm sau
vấn đề nầy có nhiều thay đổi đáng lưu ý khi nghề bay hấp dẫn cả đến những
sĩ quan đứng đầu các khóa huấn luyện. Nhưng việc thay đổi đã quá trể, và
vì vậy có thể giải thích tại sao Nhật Bản đã thất bại trong việc điều chỉnh từ
ưu thế thiết giáp hạm sang ưu thế hàng không mẫu hạm, bởi lẽ các sĩ quan
ưu tú đều dồn về Bộ Tư Lịnh Tối Cao, và mặc dù họ chỉ biết về thiết giáp
hạm, nhưng tiếng nói của họ lại có tánh cách quyết định đối với binh chủng
hải quân. Tiếng nói của các sĩ quan không quân chuyên nghiệp không được
nghe đến vào thời gian ấy.
Chẳng hạn người cầm đầu Không Lực hải quân Nhựt trong cuộc chiến
thế giới thứ hai là phó Đô Đốc Takijiro Onishi đã không đậu được kì thi vào
trường Cao Đẳng Tham Mưu, giống như tôi, và cũng vì vậy mà tôi được chỉ
định phục vụ trên các khu trục hạm. Nhưng có điều phải nhìn nhận là các sĩ
quan xuất sắc chưa hẳn là những người chiến đấu giỏi.
Hồ sơ học vấn của tôi ở Yokosuka kém cõi, việc nầy hoàn toàn do lỗi
của tôi. Ngoài sự thõa mãn, sau thời gian chịu đựng kham khổ ở Eta Jima
và các nhiệm vụ kế tiếp, có lẽ còn do sự ganh đua đầy trẻ con với Đại Tá
Yonai (sau nầy là Đô Đốc), tôi tập tành nhậu nhẹt. Nhưng tôi uống quá
nhiều và thường chếnh choáng khi bước vào lớp học. Điều nầy chắc chắn
phải lảnh điểm xấu.
Khi rời khỏi trường tôi được chỉ định phục vụ trên mặt biển trở lại. Tôi
than van khi biết nhiệm sở của tôi là chiếc Hatsuyuki, một khu trục hạm cổ
lộ hạng ba, đã hai mươi tuổi thọ, và trọng lượng chỉ có 381 tấn. Hatsuyuki ở
thời đại tân tiến nầy chỉ có thể là một khu trục hộ tống hạm hoặc một tàu
săn tiềm thủy đỉnh hơn là khu trục hạm chiến đấu. Nhưng chiếc tàu nầy có
thể đạt đến tốc độ 29 hải lý, so với 18 hải lý của Kasuga. Tốc độ của nó đã
mê hoặc tôi. Đó là chiếc tàu nhanh nhất mà tôi được phục vụ kể từ ngày ra
trường. Hơn nữa, nhiệm vụ mới nầy, tôi còn được thêm một chuyến viễn du
nhỏ nữa: Hatsuyuki đậu ở hải cảng Arthur, hải cảnh hải quân nằm ở cực
Nam Mãn Châu, để bảo về kiều dân Nhật sinh sống ở Mãn Châu và Hoa
Bắc. Trong một năm, chúng tôi chạy vòng quanh bán đảo Kwantung, và
buông neo hết Yingko đến Tientsin.
Thời gian nầy đời sống trên tàu của tôi có nhiều thay đổi lớn. Là một
thiếu úy, và là một trong những sĩ quan chỉ huy chiếc tàu, tôi được giao điều
động 60 thủy thủ. Đời sống trên chiếc tàu chiến nhỏ như thế không phải
luôn dễ thở. Sự ăn uống tồi tệ. Thủy thủ đoàn không bao giờ được tắm rửa
cho thỏa thích, và ngay cả đến nước rửa mặt chúng tôi cũng thiếu, vì vậy
mà không ai lưu tâm đến việc cạo râu. Gặp phải các mặt biển thường có
mưa giông, chiếc tàu không lúc nào nằm yên, và có lúc chúng tôi phải chạy
nhanh nhiều giờ để chống chọi lại thời tiết. Tuy nhiên, thủy thủ đoàn giống
như một đại gia đình ai ai cũng nhẵn mặt nhau. Kỷ luật gò bó không còn
cần thiết nữa. Tôi bắt đầu cảm thấy như được ở nhà và thích thú với nhiệm
vụ. Tôi hài lòng bởi quyết định chọn nghiệp của tôi ở hiện tại.
Tháng 12 năm 1924, tôi được thăng cấp Trung úy và thuyên chuyển đến
chiếc Sanae, một khu trục hạm trọng lượng khoảng 1000 tấn. Công việc của
tôi trên chiếc tàu nầy cũng không khác gì trên chiếc Hatsuyuki, và suốt một
năm, chúng tôi chạy quanh Mãn Châu và Hoa Bắc.
Tháng 12 năm 1925, tôi được bổ nhiệm về chiếc Amatsukaze, một khu
trục hạm hàng đầu, trọng lượng 1300 tấn, một sự bổ nhiệm mà tôi đã thèm
thuồng từ lâu. Đây là chiếc tàu chiến đấu đầu tiên tôi được đặt chân lên
trong 7 năm kể từ khi tôi vào Eta Jima. Amatsukaze đạt tốc lực tối đa đến
37.5 hải lý. Tôi không còn là một tay mơ nũa, tôi đã trở thành một sĩ quan
hải quân thực sự. Đó là vinh dự phi thường và thành đạt to tát.
Những năm sau nầy tôi mới nhận thấy mình đã sai lầm biết bao.

5
Danh hiệu các chiến hạm đối với đọc giả ngoại quốc chắc có âm thanh
xa lạ. Trong suốt cuộc chiến Thái Bình Dương có nhiều người Tây phương
gọi một chiếc tàu Nhật là “Maru”. Tuy nhiên, phải lưu ý rằng tất cả chiến
hạm hoặc tàu bè khác của Chánh Phủ Nhật không kèm chữ Maru ở cuối
danh hiệu. Chữ Maru lúc đó chỉ được các tàu hàng hoặc tàu đánh cá Nhật
sử dụng mà thôi.
Maru nghĩa đen là vòng tròn, tròn trịa hoặc bầu bỉnh. Dân Nhựt thời
trung cổ thường dùng chữ Maru để đặt tên cho con trai của họ lúc nhỏ.
Chẳng hạn như Hideyoshi Toyotomi, chiến tướng lừng danh thế kỷ thứ
XVI, thường được so sánh với Nã Phá Luân, có tên ấu thời là Hiyoshi
Maru, chữ Maru ở đây có nghĩa là “cậu bé hoàn hảo (hoặc đầy may mắn) và
rạng rỡ như mặ trời”. Và tên ấu thời của Yoshitsune Minamoto, danh tướng
thế kỷ XII, là Ushiwaka Maru , có nghĩa là “khỏe mạnh như một con bò
con”.
Dân Nhựt, theo lối nhân cách hóa, đã thêm chữ Maru phía sau danh hiệu
con tàu của họ. Từ 100 năm qua, chữ Maru không còn sử dụng kèm với
danh hiệu của tàu bè Chánh Phủ nữa. Chiến hạm Nhật, cũng như nhiều
quốc gia khác, đã được phân ra từng loại để đặt tên. Do đó, một người nếu
quen với hệ thống nầy chỉ cần nghe qua cái tên có thể biết ngay đó là thiết
giáp hạm, tuần dương hạm, khu trục hạm, v.v…
Các thiết giáp hạm Nhựt thường lấy tên của các tỉnh lỵ cổ hoặc núi non.
Thiết giáp hạm danh tiếng Yamato mang tên Nara, tỉnh lỵ và cũng là kinh
thành cổ nhứt ở miền Trung Honshu. Nara xưa kia còn được sử dụng để chỉ
toàn thể nước Nhựt. Và việc đặt tên chiếc Yamato cho thấy Hải Quân
Hoàng Gia kiêu hãnh về sự đồ sộ của chiếc tàu nầy là dường nào. Tàu em
Yamato là thiết giáp hạm Musashi, mang tên tỉnh lỵ phía Bắc Đông Kinh.
Nhưng đặt biệt các thiết giáp hạm Haruna, Kirishima, Kongo Hiei lại mang
tên các ngọn núi. Bởi nguyên thủy các chiếc tàu nầy là tuần dương hạm
được biến cải thành thiết giáp hạm vào năm 1930, và chúng vẫn giữ y tên
cũ .
Các tuần dương hạm nặng thường mang tên núi và các tuần dương hạm
nhẹ mang tên sông ngòi. Các hàng không mẫu hạm có những tên thích hợp
với “nghề bay”. Hàng không mẫu hạm Hosho, được đóng năm 1921, có
nghĩa là Phi Phượng. Hiryu và Soryu, tham dự cuộc tấn công Trân Châu
Cảng, có thể dịch là “Phi Long” và “Thanh Long”. Riêng 2 hàng không
mẫu hạm mang tên Kaga và Akagi, cùng bị đánh đắm với 2 con rồng ở
Midway vào tháng 6 năm 1942, mang tên một tỉnh lỵ và núi. Điều nầy dễ
hiểu bởi chiếc đầu là một thiết giáp hạm và chiếc sau là tuần dương hạm
biến cải thành hàng không mẫu hạm.
Tiềm thủy đỉnh và tàu săn tiềm thủy đỉnh cho đánh số với các mẫu tự
phía trước. Những tiềm thủy đỉnh lớn mẫu tự đặt ở đầu con số là “I” và
những tiềm thủy đỉnh nhỏ là “RO”. Tất cả tàu săn tiềm thủy đỉnh đều đặt ở
đầu con số bằng hai mẫu tự “SC”.
Các khu trục hạm mang tên khí tượng học chẳng hạn như Hatsuyuki
(Tuyết đầu mùa), Fubuki (Bão tuyết), Shimakaze (Gió hải đảo),
Amatsukaze (Thiên Phong), Akitsuki (Thu nguyệt), Fuyutsuki (Đông
Nguyệt) hoặc Yugumo (Tà vân). Các khu trục hạm nhẹ mang tên các loại
cây, trái và hoa, chẳng hạn như Sanae (Hạt lúa), Sakura (Anh đào) hoặc
Kaba (Mộc phong).
Khi một chiến hạm Nhật bị phế thải một tàu mới thay thế thường mang
tên chiếc tàu cũ, không hề thêm bất kì con số nào có ý nghĩa như “II” chẳng
hạn. Thành thử tôi phục trên hai chiếc tàu khác nhau, nhưng cùng mang tên
Amatsukaze.
Nhiệm vụ của tôi trên chiếc Amatsukaze cũ là nhiệm vụ ngay ở quê
hương lần đầu tiên của tôi. Khu trục hạm nầy, đậu ở Kure, cách Eta Jima
không xa mấy. Sau nhiều tháng lênh đênh trên mặt biển, đời sống đất liền
hoàn toàn xa lạ đối với tôi. Khi tôi đi dạo trên các đường phố náo nhiệt của
tỉnh lỵ nầy, các thủy thủ đều chào kính tôi đúng điệu. Trên tàu hoặc tại các
căn cứ hải quân, việc chào kính nầy không có gì khác thường, nhưng ở đây
lại gây cho tôi một cảm giác kì quái trong bộ quân phục với mắt nhìn những
người mặc thường phục.
Bảy năm sống khắc khổ dưới kỷ luật sắt và huấn luyện liên tục, tôi ít có
dịp may hưởng thụ và xa hoa. Bấy giờ tôi đã 26 tuổi, và là hoa tiêu trưởng
của một khu trục hạm tân tiến. Lương tháng của tôi là 75 yên thời đó là một
số tiền khá lớn. Ở Kure thình lình tôi bừng tỉnh, cho nơi đây là dịp may
hưởng thụ đầu tiên.
Một đêm thứ bảy, tôi và 2 trung úy khác quyết định đến một hộp đêm.
Chúng tôi gọi 3 geisha, mỗi giờ phải trả mỗi cô một yên. Họ hát và nhảy
với chúng tôi. Rượu sake không ngớt tràn ly cùng với những câu nói duyên
dáng khiến chúng tôi mòn mỏi, và thời gian trôi qua nhanh chóng.
Mười giờ đêm, cuộc vui chấm dứt, chúng tôi phải trở về tàu. Khi chúng
tôi sắp đứng dậy, một trong ba cô geisha khẻ nói với tôi: “ Trung úy, đêm
mai trở lại đây một mình và gọi em. Tên em là Utamaru. Nhớ nghe không.”.
Cô geisha nhỏ bé nầy trẻ nhất và đẹp nhứt trong ba cô. Tôi nhìn vào đôi mắt
khẩn cầu của nàng và gật đầu.
Đêm sau tôi trở lại hộp đêm một mình và gọi nàng. Nàng hát hay và vũ
giỏi, nhưng sự ngây thơ của cô geisha nầy mới là phương diện mê hoặc tôi
nhiều nhứt. Nàng mới 18 tuổi và vô nghê một năm. Tôi nói: “Vào tuổi của
em, anh bước chân vào Eta Jima. Em biết Eta Jima không?”
“Biết chớ anh! Em biết rõ lắm, vì quê em ở NomiJima mà.”
Nàng có một nụ cười đáng yêu. Tôi cảm thấy những gì mà nàng dành
cho tôi vượt xa hơn nghề nghiệp của nàng.
Thình lình tôi nhớ lại sự ngù ngờ của tôi trong khách sạn ở Hiroshima,
khi tôi đến đây để thi vào Eta Jima. Cô hầu ở khách sạn đó có vẻ quá đàn áp
đối với bất kì một cậu trai 18 tuổi nào.
Hiện tại tình thế đã đổi ngược. Tôi đã nốc nhiều cốc sake và bắt đầu
chếnh choáng. Tôi có 24 giờ phép và nàng kéo dài đêm đó với tôi.
Một số người ngoại quốc không hiểu rõ nghề nghiệp của một geisha. Họ
không phải là một loại gái giang hồ. Công việc của họ là đem lại màu sắc
và gây vui vẽ cho các buổi tiệc tùng, dạ hội… nếu họ dan díu với một người
khách nào đó thì chỉ là chuyện riêng tư của họ. Hộp đêm nầy một đến tôi
phải tiêu khoảng 10 yên, kể cả tiền thù lao cho mấy cô geisha.
Hai ngày sau tôi trở lại. Lần đầu tiên nếm mùi yêu đương, tôi si nặng cô
gái, và chỉ trong 2 tuần tôi đã tiêu hết cả số lương hàng tháng.
Nàng biết và chận tôi: “Anh đừng nên đốt tiền như vậy. Tại sao anh
không mướn một căn phòng rẽ tiền để em có thể lui tới thăm anh ở đó, như
vậy có phải anh khỏi sạch túi không?”
Tôi đã theo lời khuyên của nàng vào tháng kế, khi chiếc khu trục hạm
của tôi trở lại Kure sau chuyến đi thường lệ. Sau khi mướn một căn phòng,
tôi trở lại hộp đêm để tìm và báo cho nàng biết “ tôi đã thiết lập xong căn cứ
trên bờ”. Tôi quá chủ quan cho rằng nàng có thể đến ở hẳn tại cứ địa của
tôi.
Tôi không biết rằng Utamaru, theo thông lệ, đã nhận được trước một số
tiền của người chủ hộp đêm lúc bắt đầu nhận việc, và số tiền nầy nàng đã
gởi về cho người cha nghèo khổ và năm đứa em của nàng. Vì vậy, nếu
muốn thôi việc nàng phải hoàn lại số tiền ứng trước, nhưng các geisha mỗi
mùa đều phải mua sắm nhiều chiếc áo Kimono đắc tiền nên hiếm khi lo
dành dụm được tiền để hoàn lại cho chủ.
Tôi đã kinh ngạc và vui mừng khi Utamaru đến phòng tôi ngay buổi
chiều đó. Thật là thích thú khi chỉ có một mình tôi với nàng. Mọi thức đối
với lúc ấy đều bỏ đi. Thật vậy, ngay cả sự hi sinh to tát của nàng đã đến đây
với tôi, tôi cũng không biết đến. Tôi chỉ nghĩ nàng phải chịu thiệt thòi một
buổi chiều, nên tôi trao nàng năm yên để đền bù lại, và tôi cho như vậy là
khá hào phóng. Sự thật người chủ của nàng đã đòi hỏi một số tiền đặt biệt
một khi nàng đến hành nghề nơi khác, vì mỗi lần như vậy khách hàng phải
trả một số tiền gấp đôi, nghĩa là mỗi giờ đến hai yên. Nàng không muốn cho
tôi biết việc nầy, và nàng đã lấy tiền túi trả khoảng tiền sai biệt cho người
chủ. Và nàng càng tiếp tục hẹn hò với tôi, tiền dành dụm của nàng càng tiêu
tán, và trở thành mang công mắc nợ.
Tôi vẫn u mê trước tình cảnh bối rối của nàng, và chính tôi cũng phải
gặp sự bối rối riêng. Mỗi tháng tiền lương của tôi xài hết sạch chẳng còn lấy
một đồng. Nhưng tôi còn trẻ và đang yêu, tôi chỉ biết chạy đuổi theo thú vui
của đời sống, tôi chấp nhận việc nầy. Dè xẽn làm sao đối với tuổi trẻ.
Một buổi chiều, vào tháng 9 năm 1926, khi tôi sắp sửa lên bờ thì có lịnh
chuyển đến cho biết vị hạm trưởng muốn gặp tôi. Tôi đến trình diện ông
ngay chổ ở của ông trên tàu. Chỉ một mình ông, và ông đang đi tới đi lui
một cách bồn chồn. Cái nhìn gay gắt của ông khiến tôi phát ớn.
“Trung úy Hara đó hả? Ngồi đi! Tôi có vài việc riêng muốn thảo luận
với anh”
Giọng của ông rất xa lạ, và ông như đang cố kìm hãm nổi bực tức. Tôi tự
hỏi không hiểu ông ta muốn thảo luận việc gì?
“Anh đã từng phục vụ đủ thời gian để biết rằng trên các khu trục hạm,
không giống như những chiếc tàu lớn hơn, chúng ta sống như trong một gia
đình. Với tư cách người chỉ huy của anh, tôi phải biết công việc riêng tư của
anh và có bổn phận khuyên bảo anh.”
“Dạ thưa Đại tá, Đại tá nói đúng.”
“Tốt… hừ , tôi thật cũng không muốn xen vào đời sống riêng tư của anh
làm gì. Anh còn trẻ, độc thân và có quyền hưởng các thú vui của tuổi trẻ.
Nhưng anh có cảm giác rằng anh đã được hưởng một cách thái quá hay
không?”
“Thưa…?”
“Tôi biết cô bạn anh. Tôi không phàn nàn việc anh dan díu với một
geisha. Phải, đó là người tình, nhưng đã đến lúc anh phải chấm dứt sự gần
gũi với cô gái nầy. Như vậy cũng quá nhiều rồi. Hiện anh bao nhiêu tuổi?”
“Trong tháng nầy tôi đúng 26 tuổi, thưa Đại Tá.”
“Tại sao anh không cưới vợ và định nơi chốn cho rồi? Anh đầy đủ mọi
phương diện. Hồ sơ của anh tốt. Có cả ngàn gia đình muốn anh trở thành
chàng rễ.”
“Có thể như vậy, thưa Đại Tá. Nhưng tôi nghĩ cuộc sống của một sĩ quan
trẻ chưa thật sự thích nghi với việc lập gia đình. Tôi hoàn toàn chưa nghĩ
đến việc lấy vợ.”
“Hmmmm…. Và vì vậy anh đang sống với một geisha?”
“Đúng như vậy, thưa Đại Tá.”
“Anh là một thằng ngu! Tôi không thể ngờ rằng anh lại suy nghĩ ngu
như thế. Hải quân hoàng gia không bao giờ dung thứ cho việc một sĩ quan
hải quân lại chung sống với một geisha. Anh có điên không? Anh bị loạn trí
à.?”
“Thứ lỗi cho tôi, thưa Đại Tá. Nhưng tôi biết Utamaru là một geisha
không có nổi tiếng. Nếu việc chung sống như vậy với cô ấy gây ra cảnh
chướng tai, tôi sẽ xin được cưới cô ấy.”
“Hải Quân Hoàng Gia sẽ không bao giờ chấp nhận đâu! Anh không thấy
rằng mình đang tự hủy hoại sự nghiệp ư? Tôi đang giữ một lá thơ phàn nàn
từ đồng nghiệp của cô ta. Anh không nhận ra rằng cô gái của anh đã phải
mắc nợ đến 2000 yên vì đến chung sống với anh sao? Thay đổi cách sống
hoặc chấm dứt sự nghiệp của anh trong hải quân đi. Tôi thấy phát bực khi
nói chuyện nầy với anh. Cút ra đi.”
Tôi bước ra ngay lập tức. Chán nản và tuyệt vọng, tôi lê từng bước chân
nặng nhọc mò mẫm về chổ vừa đi vừa suy nghĩ cách giải quyết vấn đề nầy.
Cuối cùng, tôi liều mạng viết thơ cho các anh để giúp đở và xin ý kiến.
Đêm đó, tôi viết thơ cho cả hai anh tôi. Shigeru, một nhân viên của công ty
đường sắt Nam Mãn Châu và Sakutaro đang làm việc ở Kobe trong một
công ty vận chuyển muối.
Họ hồi âm ngay lập tức, với những lời khuyên răn và khiển trách nặng
nề như hạm trưởng của tôi. Tuy nhiên, họ là những người anh tốt, họ gởi
kèm theo vài trăm yên nhằm giúp tôi chi trả cho cuộc sống bợm nhậu đáng
xấu hổ của tôi. Cuối thơ họ không quên răn đe tôi nếu không từ bỏ cuộc
sống phóng túng nầy họ sẽ từ tôi.
Việc khó khăn nhất để kết thúc vấn đề nầy đó là lần gặp gỡ cuối cùng
với Utamaru. Tuy nhiên, cô ấy rất bình tĩnh khi nghe tôi giải thích và cuối
buổi hẹn nàng nói: “Em chưa bao giờ nghĩ đến thậm chí trong cả giấc mơ
của mình là trở thành cô dâu bên cạnh một sĩ quan hải quân như anh cả. Em
đã làm theo sự khao khát của mình, và em sẽ tự mình gánh trả những món
nợ của em. Những tháng vừa qua bên cạnh anh là khoảng thời gian hạnh
phúc nhất trong đời em.”
“Đừng lo lắng cho em. Gần đây em có nghe tin tức của dì em từ Hoa Kỳ.
Dì đã lập gia đình với một di dân Nhật thành đạt và ngõ ý muốn đưa em
sang sống chung. Em đang có kế hoạch chấp nhận sự bảo lãnh của dì.”
“Anh phải lập gia đình và trời thành một sĩ quan thành đạt. Tập trung
học tập và hãy quên em đi.”
Utamaru là một cô gái tốt. Tên thật của nàng là Harako Takai. Từ đó tôi
không còn nghe tin tức gì của nàng nữa. Nhưng tôi hi vọng nàng được sống
hạnh phúc ở Hoa Kỳ.

6
Ngày 1 tháng 12 năm 1926, tôi được thăng cấp Chuẩn úy và phải học
thêm một khóa nâng cao ở trường đào tạo Chuyên Viên nằm ở Yokosuka.
Suốt một năm theo học khóa nâng cao chuyên viên khu trục hạm ở đây.
Khóa học nầy dành cho những người được tiến cử để được đào tạo thành
hạm trưởng các khu trục hạm trong tương lai.
Yokosuka nằm cách Kure 300 dặm đường chim bay, khung cảnh và
không khí đã làm tôi thay đổi. Ở đây, tôi có thể quên dần buổi chia tay đầy
bi thảm với Utamaru. Các môn học mới mà tôi đang theo đuổi đã lấp đầy tất
cả nổi phiền muộn riêng tư. Ngoài ra lúc ấy sự căng thẳng ở Trung Hoa
cang lúc càng gia tăng khiến tôi bận tâm theo dõi.
Hoa Lục vào những ngày nầy đang xảy ra cuộc tranh chấp giữa hai tay
chiến tướng quan trọng. Tưởng Giới Thạch ở phía Nam và Chang Tso Lin ở
phía Bắc. Đầu năm 1927, lực lượng của Tưởng tỏ ra trên chân của Chang,
và đã chiếm giữ Nam Kinh vào ngày 24 tháng 3. Lực lượng của Tưởng tạo
một ra sai lầm quan trọng, là khi chiếm Nam Kinh đã phóng tay cướp phá,
tràn cả vào các lãnh sự quán và gây khó dễ cho các quốc gia Nhựt, Anh, Mỹ
và Pháp.
Ba tàu chiến Hoa Kỳ đã nã trọng pháo vào Nam Kinh. Hải quân Nhựt đổ
bộ một lực lượng đặc nhiệm lên Nam Kinh để bảo vệ kiều dân Nhựt. Những
sự việc nầy đã khiến Tưởng Giới Thạch phải ngỏ lời xin lỗi các quốc gia
vừa nói và qui tội cho Cộng Sản.
Tháng 5 năm 1927, Nhật Bản đổ bộ các đơn vị bộ binh lên bán đảo
Shantung ở Hoa Bắc nhằm ngăn chặn các biến cố khác. Tuy nhiên hành
động nầy càng đẩy mạnh các phong trào bài Nhựt ở Trung Hoa.
Đối với quí vị đọc giả hiện tại chắc chắn sẽ cho rằng việc đổ bộ vừa rồi
là hành động vụng về. Tuy nhiên sự thật Trung Hoa lúc ấy là một xứ sở đã
rách nát bởi các cuộc nội chiến, hai chánh phủ, và không có uy quyền tối
thượng. Quyền trú quân của Nhật Bản được thừa nhận từ khi cuộc chiến
Nga – Nhựt năm 1904 – 1905 kết thúc. Người Nhựt vẫn thường có những
hành động khiêu khích người Trung Hoa, và cả hai chánh phủ Trung Hoa
đều khuyến khích các cuộc biểu tình bài Nhựt.
Vào mùa xuân năm 1927, hội nghị giải trang lần thứ hai được mở ra ở
Geneva. Nhật Bản đã cứng rắn đòi hỏi tổng số trọng lượng các chiến hạm
phải gia tăng cao hơn giới hạn 60% so với Anh và 70% so với Hoa Kỳ, do
hội nghị lần thứ nhất đưa ra. Hai cường quốc hải quân hàng đầu bác bỏ đòi
hỏi nầy, và hội nghi đổ vỡ. Năm cường quốc phải dàn xếp trên căn bản thỏa
hiệp năm 1921.
Những biến cố thế giới nầy đã thúc đẩy mạnh mẽ sự cố gắng làm việc và
học hỏi của tôi. Vào thời gian tôi nhận được sự bổ nhiệm mới, các khu trục
hạm và tuần dương hạm được nâng lên địa vị quan trọng chưa bao giờ thấy
trong thời Đệ Nhứt Thế Chiến.
Sau khi tốt nghiệp trường Chuyên Viên, tôi được chỉ định phục vụ trên
tàu, với tư cách sĩ quan thủy lôi trưởng của khu trục hạm Susuki (Đồng cỏ).
Tôi đã giữ nhiệm vụ nầy trên hai năm, lâu hơn bất kì nhiệm vụ nào mà tôi
từng giữ trước đây. Chiếc tàu hoạt động trong hải phận Trung Hoa, hầu hết
ở Hoa Bắc và đảo Đài Loan, thường buông neo ở Tsingtao, hải cảng then
chốt của bán đảo Shantung, và bán đảo nầy cũng chính là mồi lửa của các
cuộc xung đột Nhựt – Hoa ở hiện tại.
Khu trục hạm của tôi đến Keelung, Đài Loan vào ngày 1 tháng 4 năm
1928 vừa lúc tôi nghe tin Tưởng Giới Thạch đang bắt đầu xua quân hướng
về Shantung. Tin tức nầy khiến các tàu phải trực chỉ Tsingtao. Nhưng ở đây
tình hình có vẻ êm dịu, vì vậy ngày 15 tháng 4, chúng tôi quay lại
Pescadore.
Biển cố Tsinan đầy nhục nhã xảy ra hai tuần sau đó. Đạo quân miền Bắc
của Chang Tso Lin, bắt đầu dở trò cướp phá ở Tsinan, thủ phủ của
Shantung, nhưng đã bị thảm bại không lâu sau đó khi họ Tưởng tiến đánh
và chiếm giữ thủ phủ nầy vào ngày 1 tháng 5. Nhưng quân của họ Tưởng
vẫn tiếp tục cướp phá, giống như họ đã làm vào hai năm trước đây Nam
Kinh. Mười bốn kiều dân Nhựt bị sát hại và hơn hai mươi người khác mất
tích, và tất cả 114 ngôi nhà của người Nhựt đều bị cướp bóc và thiêu hủy
hoàn toàn.
Lục Quân Nhựt được rút từ Mãn Châu và Triều Tiên để đưa đến nơi xảy
ra biến cố và đã vãn hồi trật tự. Tuy nhiên chánh sách “cây roi lớn” nầy chỉ
khiến cho người Trung Hoa phẩn nộ thêm, và gieo mầm móng cho cuộc
xâm chiếm qui mô của Nhựt xảy ra sau nầy.
Cuối năm 1928, tôi ở Kobe và gặp người anh là Sakutano. Anh đã thúc
giục tôi lập gia đình. Tôi cười to và nói: “ Em đã từng mang tiếng xấu rồi,
bây giờ anh có chắc là em tu chỉnh chưa?”
Sakutano, từ trước đến nay vẫn là một người anh hiền của tôi, đáp một
cách nghiêm trang: “Để anh tìm một số ứng cử viên cho em”. Tôi nói anh
cứ tiến hành nhưng tôi nghĩ chắc anh chẳng có chút may mắn nào.
Khoảng một tháng sau, tôi nhận được thơ của anh kèm theo một tấm ảnh
với lời ghi chú ngắn, theo đó “người trong ảnh” xứng để trở thành “phu
nhân” của tôi.
Cô Chizu Asayama, 22 tuổi, là con nuôi một chủ xưởng chế tạo vật dụng
bằng da lớn nhứt của Nhật Bản. Trong thơ cho biết bà mẹ nuôi của nàng
muốn có một người rễ là sĩ quan hải quân, bởi lẽ bà ta muốn sống gần con,
và dĩ nhiên một sĩ quan hải quân thì ít khi định cư một nơi nào.
Dưới mắt tôi người trong ảnh quả có nhan sắc. Nàng tốt nghiệp trường
Nữ Cao Đẳng nổi danh Ochanomizu. Một cô con gái gia đình giàu có, anh
tôi viết, tất nhiên “trâm cài lược giắt” và quan trọng hơn hết là của hồi môn,
gồm có “năm căn nhàn rộng lớn đang cho mướn ở Kamakura,” một thành
phố bờ biển của giới thượng lưu gần Yokosuka.
Cả câu chuyện đối với tôi đầy bất ngờ. Tại sao một cô gái đủ điều kiện
như vậy lại ưng thuận làm vợ của tôi? Nàng sẽ chọn một sĩ quan ưu tú, để
hi vọng trở thành “Đô Đốc phu nhân” tương lai hơn không? Gia đình nàng
chắc chắn đã thuê thám tử tư điều tra quá khứ của tôi và họ đã biết tất cả. Vì
vậy, tôi nghi ngờ nàng có những khuyết điểm gì đó, không thích hợp với
các tay thanh niên khác.
Tôi trao thơ cho hạ sĩ quan tùy viên thân cận của tôi và hỏi ý kiến của
anh ta. Viên hạ sĩ quan đã đáp một cách nghiêm trang: “Đại úy, anh của tôi
là một cảnh sát điều tra, nếu đại úy muốn, tôi sẽ nhờ anh ấy điều tra giùm
cho.”
Tôi đồng ý. Một tháng sau, người anh của hắn cung cấp đầy đủ hồ sơ
cho tôi, theo đó: “Cô Asayama chẳng phương diện nào đáng chê hết.”
Tôi gặp nàng lần đầu vào tháng 3 năm 1929. Cuộc gặp gỡ quan trọng
nầy kéo dài khoảng một tiếng đồng hồ với sự hiện diện của quyến thuộc hai
bên. Ngày sau đó, tôi trả lời ưng thuận với gia đình nàng, và nàng cũng vậy.
Hôn lễ được sắp xếp theo nghi thức cổ truyền của Nhật Bản. Người ở Tây
phương sẽ lấy làm lạ khi thấy một vấn đề quan trọng như vậy lại được
quyết định chỉ sau một cuộc gặp gỡ. Nhưng phải nói rằng cuộc các hôn
nhân được sắp xếp theo lối nầy đã chứng tỏ thành công hơn những cuộc
hôn nhân thường cho là có sự tìm hiểu trước ở các nước khác.
Cuộc gặp gỡ giữa những đôi trai gái thường diễn ra sau khi cả hai gia
đình đã có sự thỏa thuận trước, vì vậy mà ít khi xảy ra việc từ chối cuộc hôn
nhân, trừ phi một khám phá ra khuyết điểm nào đó đã bị che đậy.
Hôn lễ cử hành tại đền thờ Shinto ở Đông Kinh vào ngày 25 tháng 5
năm 1929, trong khi chiếc khu trục hạm của tôi buông neo ở Yokosuka. Tôi
được cấp hai ngày phép. Ngay sau hôn lễ chúng tôi đi hưởng một ngày
trăng mật ở suối nước nóng Atami cách Tây Nam Đông Kinh khoảng 50
dặm. Ngày hôm sau tôi trở về tàu một mình. Cô vợ mới của tôi xuống xe
lửa ở Oiso, một thành phố bờ biển khác nằm nữa Atami và Yokosuka, nơi
gia đình nàng đang sinh sống. Tôi đã sống một đời sống hôn nhân lạ lùng vì
kể từ đó trong nhiều tháng tôi mới gặp gỡ vợ tôi một lần.
Sáu tháng sau đó, tôi được thuyên chuyển đến Akikaze (Thu Phong),
một khu trục hạm 1.500 tấn. Lần nầy tôi vẫn giữ chức vụ cũ, sĩ quan thủy
lôi trưởng, đúng một năm.
Tháng 4 năm 1930, Anh quốc và Hoa Kỳ tiến đến một thỏa hiệp giải
trang mới ở Luân Đôn, đặt định giới hạn trọng lượng của các tàu hổ trợ.
Các loại tàu khác vẫn duy trì giới hạn của thỏa hiệp năm 1921. Kết quả hội
nghị mới nầy khiến cho các sĩ quan hải quân Nhựt nổi nóng. Như vậy, tổng
số trọng lượng của tuần dương hạm hạng nặng chỉ bằng 62% so với Hoa
Kỳ. Riêng tổng số trọng lượng của tiềm thủy đỉnh, theo thỏa ước, hai quốc
gia đều bằng nhau.
Lúc bấy giờ khó mà giải thích tại sao các kết quả nầy đã không làm hài
lòng hải quân Nhật Bản. Nhật Bản đã cố đòi hỏi gia tăng số trọng lượng các
tuần dương hạm hạng nặng ít nhất 70% so với Hoa Kỳ. Nhưng sự đồng đều
về tiềm thủy đỉnh theo thỏa ước đã không được giữ đúng, bởi vì lúc đó tổng
số trọng lượng của loại tầu nầy của Nhật Bản đã là 77.900 tấn so với 52.700
tấn của Hoa Kỳ.
Tất cả những lời bàn tán nầy đã chứng tỏ sự ngây ngô sau đó, khi khả
năng sản xuất tàu chiến của Hoa Kỳ đến mức độ đè bẹp hẳn Nhật Bản trong
cuộc chiến Thái Bình Dương. Nhưng vào năm 1930, các sĩ quan hải quân
Nhựt đã lưu tâm về việc nầy. Họ nhấn mạnh Nhật Bản đã bị áp lực quá dễ
dàng của Hoa Kỳ ở Luân Đôn. Bấy giờ họ xem Hoa Kỳ không chỉ là một kẻ
thù ngấm ngầm mà còn là một kẻ thù ra mặt. Kể từ đó về sau, tất cả những
cuộc động binh đều đặt trên mặt lý thuyết nhằm vào “kẻ thù giả định” là
Hoa Kỳ.
Vào ngày 8 tháng 11 năm 1930, vợ tôi sanh đứa con gái đầu lòng, được
đặt tên là Yoko. Bốn tuần sau đó tôi được chỉ định giữ chức vụ sĩ quan
Thủy lôi trưởng trên khu trục hạm Fubuki (Bão tuyết). Suốt một năm phục
vụ trên chiếc tầu nầy, tôi đã kết bạn với một người trong đời tôi không bao
giờ quên được. Đó là vị chỉ huy trưởng của tôi, Đại Tá Chuichi Nagumo.
Nagumo là một huấn luyện viên của trường Chuyên Viên Yokosuka. Sau
đó ông đi du học một năm ở Hoa Kỳ và vừa mới về nước. Ông là một trong
những chuyên viên khu trục hạm tài ba nhứt trong Hải Quân Hoàng Gia.
Kiến thức tôi được mở mang khá nhiều trong một năm gần gũi ông.
Nagumo khuyến khích tôi chuyên cần học hỏi bằng cách cho tôi mượn khá
nhiều sách vở ông mang về từ Hoa Kỳ. Ông rất mến tôi, và ông nói thế nào
tôi cũng sẽ được theo học trường Cao Đẳng Tham Mưu.
Lúc đó tôi không bao giờ tưởng tượng Nagumo, sau nầy là phó Đô Đốc,
sẽ chỉ huy lực lượng đặc nhiệm vĩ đại của Nhật Bản tham dự vào cuộc tấn
công Trân Châu Cảng. Nhưng tiếp theo đó, trận đại bại Midway xảy ra, và
Nagumo trở thành đề tài của mọi loại chỉ trích. Tuy nhiên trong ký ức của
tôi, ông vẫn là một sĩ quan tài ba và nhiệt tâm, và là một nhân vật vĩ đại.

7
Mặc dù hàng ngày được Nagumo khuyến khích và quan tâm đến, tôi đã
rớt kì thi tuyển vào Trường Cao Đẳng Tham Mưu. Thay vào đó, vào tháng
9 năm 1932, tôi được chỉ định làm một huấn luyện viên. Nhiệm vụ nầy gây
cho tôi sự bối rối, nhưng sự chỉ định như vậy ít thấy xảy ra trong Hải Quân
Hoàng Gia. Tôi được chọn vào nhiệm vụ nầy có nghĩa là tôi từ bỏ hẳn hi
vọng trở thành một sĩ quan tham mưu để trở thành một chuyên viên hẳn.
Trong thời gian ba năm sau khi kết hôn, tôi ráo riết theo đuổi một dự án
riêng… Biết rõ dự án có vẻ liều lĩnh, tôi không hề thảo luận chi tiết với bất
kì người nào. Tôi cũng hiểu nếu các đồng nghiệp của tôi biết được công tác
tôi đang làm, chắc chắn tôi sẽ gặp sự chế nhạo.
Đại tá Nagumo khuyến khích tôi chuẩn bị thi vào trường Cao Đẳng
Tham Mưu. Tôi đọc mọi sách giới thiệu cũng như các bài bình luận về khả
năng di động tính của hải quân Hoa Kỳ do chính ông viết trong thời gian đi
du học. Nhưng tâm trí tôi để đâu đâu. Tôi biết các dự án riêng của tôi có
tầm quan trọng nên tôi không thể phân tâm để học hỏi những vấn đề khác.
Do đó dù được ngay cả Nagumo đích thân yểm trợ, kì thi vào trường Cao
Đẳng Tham Mưu vẫn vuột khỏi tay tôi.
Dự án của tôi hoàn thành vào giữa năm 1932. Dự án nầy liên quan đến
hàng trăm bài toán phức tạp. Tóm lại, tôi đã sử dụng toán học để chứng
minh những sai lầm của các lý thuyết về thủy lôi được Nhựt áp dụng xưa
nay, và tôi đưa ra một lý thuyết chỉ nam mới.
Một lý thuyết mới thật khó xen và để tìm chổ đứng trong một tổ chức
quân đội. Hầu hết các sĩ quan được huấn luyện theo các lý thuyết quân sự
cũ đều bảo thủ và phản ứng không thuận lợi đối với những sáng kiến mới
mẽ. Nhưng rất may là lý thuyết mới của tôi không hề gặp sự chống đối quan
trọng nào, và đã trở thành lý thuyết học tập về thủy lôi chánh thức của Hải
Quân Hoàng Gia. Đương nhiên lý thuyết cũ được bãi bỏ. Và kết quả, tôi
được bổ nhiệm về trường Cao Đẳng Tham Mưu để giảng dạy về lý thuyết
mới nầy.
Mặc dù tôi hoàn thành nhiều lý thuyết khác trong thời Đệ Nhị Thế
Chiến, nhưng có lẽ lý thuyết về thủy lôi là lý thuyết sở đắc nhứt của tôi.
Giải thích rành mạch về lý thuyết nầy không phải dễ dàng, vì trong ấy tôi đã
sử dụng nhiều bài toán liên quan đến đại số, hình học, lượng giác và vị tích
để áp dụng chính xác vào thực hành. Tuy nhiên tôi có thể nói phớt qua: năm
1932, sau khi tốt nghiệp trường Chuyên Viên Yokosuka, tôi lại được bổ
nhiệm phục vụ trên khu trục hạm, và giữ chức vụ thủy lôi trưởng như
thường khi. Tôi đã được học hỏi và huấn luyện tỉ mỉ về vấn đề phóng thủy
lôi. Có thể nói hầy hết ba năm qua quyển chỉ nam ứng dụng thủy lôi cũ của
hải quân là Thánh kinh của tôi. Mỗi tuần chiếc khu trục hạm của tôi đều ra
khơi để thực tập phóng thủy lôi. Để tiết kiệm, các thủy lôi diễn tập đều
không có đầu đạn, và mục tiêu giả có khoảng trống phía dưới để thủy lôi
chạy xuyên qua. Sau ba năm huấn luyện lí thuyết và thực hành liên tục, tôi
bắt đầu nghi ngờ lý thuyết cũ, và hiếm khi tôi bắn trúng mục tiêu.
Phản ứng đầu tiên khi bắn hụt là tôi tự thóa mạ tôi, và tôi càng cố gắng
học hỏi hơn nữa. Tôi luyện tập thuần thục đến nổi tôi chỉ cần liếc qua ống
dòm là có thể cho biết được khoảng cách mục tiêu bao xa, và tốc độ di động
của mục tiêu đó như thế nào. Sau khi kiểm chứng lại bằng các dụng cụ
chuyên môn, tôi nhận thấy tôi đã xác định mục tiêu rất đúng nhưng phóng
vẫn trật. Do đó, tôi bắt đầu ngờ vực lý thuyết cũ của hải quân.
Theo lý thuyết cũ, một chiếc khu trục hạm, thường có chiều dài khoảng
90 thước, chạy với tốc độ 30 hải lý hoặc hơn, tiến sát đến tàu địch, khai hỏa
mọi loại súng và cuối cùng dứt điểm bằng các quả thủy lôi. Một khu trục
hạm Nhựt chỉ mang 16 thủy lôi. Từ 2 ống phóng phía trước và phía sau, “8
con cá” vọt ra cách nhau mỗi con hai giây. Tám quả khác được đưa vào tái
nạp vào hai ống phải mất khoảng mười phút. Các loại súng nhỏ của một
khu trục hạm không có hỏa lực quyết định như những thiết giáp hạm, thành
thử nếu loạt thủy lôi đầu vô hiệu, vận mạng của một khu trục hạm như cáo
chung. Nó dễ dàng bị đánh chìm trong khoảng 10 phút cần thiết để nạp lại
thủy lôi.
Vì đó mà trong khi thực tập, chiếc khu trục hạm của tôi kể như bị “đánh
chìm” nhiều lần, giữa lúc tôi đứng bó tay và nghiến răng trên đài chỉ huy
sau khi nhìn thấy các “con cá” của tôi lạc mất mục tiêu. Tôi quan sát nhận
thấy tài phóng thủy lôi của các khu trục hạm khác cũng không hơn gì tôi.
Tôi đi đến kết luạn là phóng thủy lôi thẳng vào mục tiêu ít có hi vọng trúng,
và như vậy có nghĩa là lý thuyết cũ đã sai lầm.
Theo lý thuyết cũ, tám trái thủy lôi được phóng thẳng sẽ trãi rộng 1 góc
20 độ. Sau khi phân tách cẩn thận tất cả các yếu tố quan hệ, tôi kết luận
rằng với góc 20 độ như vậy mục tiêu sẽ được phóng trúng nếu chiếc khu
trục hạm của tôi chạy nhanh 30 hải lý theo một đường lượn cong, giống như
một hyperbole, và thủy lôi được phóng ra ở ngay đỉng của đường lượn cong
đó vào một mục tiêu cách xa 2000 thước, và sau khi phóng thủy lôi xong,
chiếc tàu sẽ giảm tốc độ xuống còn 20 hải lý. Qua nhiều tuần lễ diễn tập, tôi
cũng khám phá ra chiếc tàu đối nghịch đủ thời gian để lảng tránh trước khi
tàu của tôi sẵn sàng để khai hỏa. Và tôi cũng khám phá nhiều yếu tố cần
thiết cho việc định lại các phương thức khác, bao gồm khoảng trống 2 giây
của tám trái thủy lôi được phóng ra.
Công việc nghiên cứu nầy khiến tôi mở rộng tầm mắt, và mỗi khám phá
mới đều được tôi áp dụng ngay vào thực hành, và đạt được mức độ chính
xác gần như cố định. Tôi nổi danh, và được như xem là sĩ quan phóng thủy
lôi chính xác nhất của toàn thể binh chủng hải quân. Vào thời gian nầy tôi
phục vụ dưới quyền của Đại Tá Nagumo. Có lẽ thành tích nầy đã khiến ông
thích tôi, và cũng vì vậy mà lý thuyết của tôi được hải quân chấp nhận và
năm 1932.
Chỉ trong vòng một năm sau khi lý thuyết của tôi được học hỏi, kỹ thuật
phóng thủy lôi của quân Nhựt đã đạt đến mức độ chính xác vượt bực.
Năm 1933, Đề Đốc Kaneji Kishimoto và Đại Tá Toshihide Asakuma
thuộc Học Viện thủy lôi Kure trình bày một loại thủy lôi được phóng đi
bằng sức ép của Oxygen thay vì không khí. Việc phát triển nầy rất quan
trọng đối với chiến pháp Thủy Lôi của Nhật. Ưu thế của loại thủy lôi mới
nầy, vượt trội tất cả mọi loại thủy lôi của các quốc gia khác, qua bảng so
sánh sau đây:
NHẬT BẢN (thủy lôi 61 cm), loại có tốc độ 49 hải lý: tầm xa 22 cây số,
đầu đạn 500 kí lô; loại có tốc độ 36 hải lý, tầm xa 40 cây số, đầu đạn 500 kí
lô.
HOA KỲ (thủy lôi 53 cm), loại có tốc độ 46 hải lý, tầm xa 4 cây số, đầu
đạn 300 kí lô; loại có tốc độ 32 hải lý, tầm xa 8 cây số, đầu đạn 300 kg
ANH ( thủy lôi 53 cm) loại có tốc độ 36 hải lý, tầm xa 3 cây số, đầu đạn
320 kí lô; loại có tốc độ 30 hải lý, tầm xa 10 cây số, đầu đạn 329 kí lô.
Như vậy, thủy lôi Nhựt ngoài khả năng vừa nhanh vừa có tầm xa hơn các
loại thủy lôi tốt nhứt của Hoa Kỳ và Anh Quốc, còn có thêm những tiến bộ
to tát khác. Các loại thủy lôi thông thường khi phóng ra sẽ tạo thành một
vệt dài màu trắng nổi trên mặt nước, khiến cho một chiếc tàu chạy nhanh
cũng có thể phát hiện và lẫn tránh dễ dàng. Nhưng một trái thủy lôi đẩy
bằng sức ép Oxygen khi chạy đến mục tiêu sẽ không thấy dấu vết gì trên
mặt nước cả (Loại thủy lôi nầy Nhựt giữ bí mật tuyệt đối đến sau chiến
tranh, hải quân Hoa Kỳ mới học hỏi được đầy đủ các đặc tính của nó).
Lý thuyết của tôi cùng với việc phát minh loại thủy lôi mới đã nâng cao
tinh thần của thủy thủ khu trục hạm. Và khi khu trục hạm nhanh chóng
thành trở thành “báu vật” của hạm đội Nhựt, các kiểu tàu mới đóng đều đều
vào thời gian đó. Các sĩ quan khu trục hạm không mấy lưu tâm đến một số
thiệt thòi của Nhựt qua thỏa hiệp giải trang cuối cùng. Họ biết khu trục hạm
của Nhựt đang nắm ưu thế to tát và tiên đoán loại tàu này sẽ giữ vai trò
quan trong trong cuộc chiến sắp đến.
Họ đã thiếu cân nhắc về sự phát triển kỳ diệu của các loại vũ khí điện tử
và khả năng không quân vượt bức của Hoa Kỳ. Hai lãnh vực nầy là yếu tố
quyết định dứt khoát kết quả của Đệ Nhị Thế Chiến.
Dù thiếu cân nhắc như vậy, nhưng không thể nói chúng tôi đã tự mãn.
Hơn bao giờ hết chúng tôi cố gắng huấn luyện để gia tăng sự thành thục với
loại thủy lôi mới. Nhật lịnh huấn luyện của chúng tôi là chỉ phóng loại thủy
lôi có tầm xa nầy khi nào đã tiến sát vào 500 thước cách mục tiêu. Mọi sĩ
quan cũng được lịnh tìm cách thâu hôi thủy lôi, cho dù trong các buổi thực
tập không có gắn đầu đạn.
Chúng tôi đã thi hành triệt để sau nầy, bởi giá một thủy lôi không đầu
đạn lúc đó là 5000 yên (2500 Mỹ kim). Hơn nữa, chúng tôi không thể để
loại thủy lôi mới nầy rơi vào tay địch quân, vì như vậy bí mật của nó sẽ bị
khám phá. Thỉnh thoảng toàn thể hạm đội phải dàn hàng ngang lướt qua
một khu vực rộng lớn của đại dương trong nhiều giờ để chỉ thâu hồi một
trái thủy lôi phóng lạc xa khỏi mục tiêu. Vào những ngày có bảo, chúng tôi
đình chỉ tất cả các buổi diễn tập, nhưng sau nầy tôi đã đánh chìm ba khu
trục hạm Hoa Kỳ bằng cách áp dụng phương pháp đó.
Trong suốt cuộc chiến, hướng tiến đến của các chiến hạm địch không thể
nào định trước được. Theo lịnh, các khu trục hạm Nhựt phải tiến thẳng vào
mục tiêu, khai hỏa cận và đổi hướng nhanh chóng. Nhưng một khu trục
hạm có tốc độ cao không thể nào giảm tốc độ một cách mau lẹ để tranh khỏi
đụng chạm và ai cũng đoán biết những đụng chạm giữa đại dương gây chết
người là thường. Hơn nữa tiến sát vào địch quân trong vòng 500 thước có
nghĩa là đưa đầu vào họng súng của họ.
Trong các buổi diễn tập, chúng tôi thường phóng thủy lôi cách mục tiên
2000 thước. Và khi đối đầu thực sự với tàu chiến địch, khoảng cách trung
bình để phóng thủy lôi có thể từ 4000 đến 5000 thước, một khoảng cách mà
các thủy lôi Hoa Kỳ vẫn còn ngoài tầm.
Tôi được thăng cấp thiếu tá vào ngày 15 tháng 11 năm 1933. Tôi đã có
hai gái, và nhìn lại 12 năm đã trôi qua, kể khi tôi rời Hàn Lâm Viện hải
quân, tôi cảm thấy đã trở thành một sĩ quan hải quân đầy đủ lông cánh, và
là một trong những sĩ quan trẻ tuổi nhứt trong Hải Quân Hoàng Gia, vượt
hẳn những bạn đồng khóa của tôi, ngay cả những người đã tốt nghiệp
trường Cao Đẳng Tham Mưu.

8
Giai đoạn từ năm 1931 đến 1937, nước Nhật đã gặp phải hàng loạt xáo
trộn trong nội bộ và ngoại bộ đáng lưu ý. Những xáo trộn này lúc bấy giờ
được xem có hại hơn là có lợi và đưa đến hậu quả lớn nhứt là cuộc chiến
Thái Bình Dương.
Trong suốt giai đoạn nầy tôi đã không đo lường đúng mức có phải những
xáo trộn là bước sơ khởi gây ra chiến tranh hay không, bởi vì tôi đang bận
tâm với công việc nghiên cứu riêng và nhiệm vụ trên tàu của tôi. Nhưng
nhìn lại một dọc biến cố quan trọng của những năm nầy cho thấy Nhật Bản
đang vội vã đi trên con đường thẳng đến chiến tranh.
Vào ngày 18 tháng 9 năm 1931, quân đội Nhựt đụng độ với quân đội của
Chang Hsueh Liang gần Mukden, Mãn Châu. Ngọn lửa chiến tranh lan rộng
nhanh chóng trên khắp lãnh thổ xứ nầy. Lực lượng Nhựt tiêu diệt các lực
lượng đối kháng của Trung Hoa và thiết lập một đế chế bù nhìn ở đây.
Ngày 15 tháng 5 năm 1932, một nhóm sĩ quan bộ binh và hải quân Nhựt
ùa vào văn phòng của Thủ Tướng Nhựt Tsuyoshi Inukai và sát hại vị thủ
tướng bảo thủ nầy.
Tháng 3 năm 1933, Nhật Bản rút khỏi Liên Minh các quốc gia, sau khi
tổ chức nầy lên tiếng tố cáo Nhựt xâm lăng Mãn Châu.
Tháng 12 năm 1934, Nhựt lưu ý Hoa Kỳ và Anh Quốc là Nhựt xem như
thỏa hiệp giải trang hải quân không còn giá trị nữa.
Tháng 8 năm 1935, trung tá Saburo Aizawa, một tay cực hữu cuồng tín,
đột nhập văn phòng Đại Tướng Tetsuzan Nagata, Giám Đốc Văn Phòng
Quân Sự của Bộ Chiến Tranh Nhựt, và dùng gươm đâm chết ông nầy.
Vào ngày 26 tháng 2 năm 1936, các sĩ quan cuộc tín thuộc Đệ Nhứt Sư
Đoàn âm mưu đảo chánh. Chia ra là nhiều tốp nhỏ, họ tràn vào nhàm một
chánh trị gia cao cấp Nhựt và sát hại 4 người. Biến cố nầy được xem là biến
cố nội bộ dẽ dội nhứt của Nhựt, nhưng chỉ gây rối loạn quốc gia một thời
gian ngắn.
Với cấp bậc Thiếu Tá, lần đầu tiên tôi được bổ nhiệm vào chức Hạm
Trưởng của một khu trục hạm vào ngày 1 tháng 11 năm 1934. Hai năm,
1934 và 1935, tôi còn giữ thêm một nhiệm vụ trong một tòa án quân sự hải
quân với tư cách dự thẩm, do đó tôi đã thâu thập được một số kiến thức về
luật pháp.
Âm mưu đảo chánh năm 1936 gây cho tôi sự xúc động mạnh mẽ. Khu
trục hạm của tôi, chiếc Nagatsuki, được sáp nhập Hạm Đội Hổn Hợp, và lúc
ấy hoạt động quanh phía Nam Kyushu. Thiên hoàng Hirohito ra lịnh hạm
đội tiến sát vào Vịnh Đông Kinh. Một cuộc đảo chánh đang hình thành và
ngày ra lịnh cho hải quân và Lục quân đập tan nhóm người âm mưu, tức các
sĩ quan của Đệ Nhứt Sư Đoàn. Thật may, nhóm phản loạn đã đầu hàng
trước khi chúng tôi nổ súng. Nhưng tình thế đen tối nầy đã gây cho tôi sự
chán nản. Tôi không thể sống tách rời với tình thế và chuyên tâm và các
công việc nghiên cứu riêng như mong muốn.
Cái gọi là “Nạn Trung Hoa” bắt đầu vào ngày 7 tháng 7 năm 1937, ở cầu
Marco Polo, gần Peiping. Quân đội Nhựt đã dập tắt những rắc rối xảy ra tại
các vùng phụ cận của thành phố nầy, nhưng phong trào bài Nhựt của Trung
Hoa dâng cao dữ dội, gây hổn loạn tại nhiều nơi khác.
Vào ngày 23 tháng 8 cùng năm, tôi nhận lể rửa tôi theo Thần đạo trong
một buổi lễ ít người tham dự nhứt từ trước đến nay. Trong tháng đó, nhiều
nhóm quân vô kỷ luật thuộc lực lượng của họ Tưởng bắt đầu “tấn công” các
kiều dân Nhựt ở Thượng Hải. Lực lượng phòng thủ của Nhựt ở thành phố
nầy có khoảng một sư đoàn Thủy Quân Lục Chiến (gồm toàn binh sỹ hải
quân được huấn luyện cho các cuộc hành quân trên bộ). Sư đoàn Thủy
Quân Lục Chiến Nhựt đã can thiệp và chống trả mạnh mẽ các nhóm quân
Trung Hoa quá đông đảo nầy. Tuy nhiên quân Nhựt dần thất thế, và họ yêu
cầu phái một hải đội gồm 4 chiếc khu trục hạm để đưa quân tăng viện từ
Nagoya đến Thượng Hải.
Một trong bốn khu trục hạm nầy là một loại tàu mới nhứt, chiếc Amagiri
(Trời Sương Mù). Và mặc dù lúc ấy tôi được thừa nhận là chuyên viên thủy
lôi giỏi nhứt của Nhựt, tôi vẫn được chỉ định làm Hạm Trưởng của chiếc tàu
nầy. Đó là một nhiệm vụ gây cho tôi sự thích thú và kinh ngạc to tát.
Amagiri nặng 2370 tấn, được võ trang tận răng, đã chở 300 binh sỹ Nhựt
ngồi chen chút như cá mòi, cùng với ba khu trục hạm khác âm thầm rời
khỏi Nagoya, một thương cảng lớn của Nhựt, vào lúc nửa đêm, vượt 1000
dậm đường biển với tốc độ 20 hải lý đến Thượng Hải hai ngày sau đó.
Nương bóng đêm, chúng tôi lẻn vào cảng Thượng Hải, và tàu của tôi
lặng lẽ đến đậu dưới một chân cầu xe lửa ở Woosung. Nhanh nhẹn, binh sỹ
trong tàu đổ bộ dưới dạ cầu. Nhưng bất ngờ, hàng loạt đại liên từ phía trên
bắn dãi xuống chúng tôi. Sáu pháo khẩu 122 ly của Amagiri đáp trả dữ dội,
nhưng chỉ có tánh cách phỏng chừng, vì chẳng thấy bóng dáng địch quân ở
đâu. Cũng may là địch quân, hiển nhiên là du kích hoặc ủng hộ viên của
quân đội Trung Hoa, đã nhắm không trúng mục tiêu, nên không ai trong
chúng tôi bị trúng đạn. Tôi ra lịnh chiếc tàu chạy ra xa khỏi chân cầu khi
thấy binh sỹ của chúng tôi đổ bộ hết lên bờ, và đang bắt đầu thi hành nhiệm
vụ của họ.
Chúng tôi thất bại trong việc tạo ra yếu tố “bất ngờ”, nhưng cuộc đổ
quân vẫn xem là thành công. Bốn khu trục hạm tiếp tục chở các cánh quân
khác thuộc Đệ Tam Sư Đoàn ở Nagoya. Thêm hai sư đoàn bộ binh nữa
được đưa chuyển từ Kyushu đến Thượng Hải. Các nổ lực nầy đã lật ngược
tình thế, quân Trung Hoa bị đánh tan và bị đẩy lui ra khỏi Thượng Hải.
Nếu các lực lượng Nhựt ngừng ở đây, tai họa tiếp liền sau đó đã không
xảy ra. Nhưng lúc ấy Bộ Tư Lịnh Tối Cao Nhựt đã không nắm vững quyền
chỉ huy, nên các lực lượng Nhựt vẫn tiến xa hơn về phía Tây và đánh chiếm
Nam Kinh vào tháng 12 năm 1937. Trái hẳn với hi vọng của các sĩ quan bộ
binh, Tưởng Giới Thạch vẫn không đầu hàng khi kinh thành nầy thất thủ.
Ông ta chỉ triệt binh về Hán Khẩu, kế đó là Trùng Khánh, và đề kháng liên
tục hơn 8 năm.
Trong khi bộ binh Nhựt tiến về Nam Kinh, hải đội của tôi giũ nhiệm vụ
phong tỏa duyên hải Trung Hoa. Công việc này tỏ ra không hợp lý, vì lúc
đó các tàu chiến của chúng tôi đi lại dọc ngang trong các hải phận nầy mà
không gặp sự chống đối nào. Mỗi tuần hai lần, chúng tôi chận và khám xét
các tàu buôn. Nếu tìm thấy các tàu nầy mang hàng lậu, chúng tôi cho các
thủy thủ rời khỏi tàu và ban một vài quả trọng pháo là xong. Như tôi đã nói,
công việc nầy không làm một ai phấn khởi.
Vào tháng 11, tôi đưa chiếc Amagiri về Nhựt, và tháng kế đó, tôi được
bổ nhiệm làm Hạm Trưởng chiếc Yamagumo, một khu trục hạm tối tân
khác. Sau khi bàn giao, tôi và chiếc Yamagumo trở lại hải phận Trung Hoa
và tiếp tục công việc phong tỏa như cũ. Trong khi chiến tranh diễn tiến liên
tục trên đất liền, tôi vẫn thi hành nhiệm vụ hàng ngày một cách nhàm chán
và theo dõi tình hình thế giới trong sự lo âu.
Hiệp ước Munich mở ra vào tháng 8 năm 1938. Quyền lực của Hitler
đang gia tăng tại Âu Châu. Tháng 11, tôi được thăng cấp Trung Tá, nhưng
nhiệm vụ nhàm chán của tôi ở Trung Hoa vẫn phải tiếp tục cho đến cuối
tháng 3 năm 1939. Sau đó, tàu của tôi được lịnh đến căn cứ hải quân Nhựt ở
Chinhae, Nam Triều Tiên, để tái huấn luyện.
Đệ Nhị Thế Chiến bùng nổ ở Âu Châu vào ngày 3 tháng 9 năm 1939.
Hai tháng sau đó, tôi được chỉ định vào một nhiệm vụ trên đất liền. Tôi
trình diện yếu cứ hải quân ở Maizuru, và công việc của tôi nơi đây là huấn
luyện các hoạt động chiến đấu cho các thuyền trưởng thương thuyền. Công
việc nầy hiển nhiên là nhằm để chuẩn bị đối phó các “biến cố bất ngờ” có
thể xảy ra, và không có nghĩa Hải Quân Hoàng Gia Nhựt lúc ấy đã sẵn sàng
chuẩn bị tấn công Trân Châu Cảng. Các tàu hàng được huấn luyện chẳng
qua là để đáp ứng với cuộc chiến đang phát triển ở Châu Âu.
Ba nội các Nhựt đổ chỉ trong vòng năm 1939, chứng tỏ những khủng
hoảng chính trị của Nhựt đến lúc trầm trọng. Vào tháng Giêng năm 1940,
một nội các mới ra đời cầm đầu bởi thượng cấp cũ đáng kính trọng của tôi.
Đó là Đô Đốc Mitsumasa Yonai. Đô đốc Yonai hiểu rõ Nhật Bản sẽ dấn
thân vào cuộc chiến lập tức nếu liên minh với các cường quốc Trục. Ông đã
cố gắng hết sức chống đổi thỏa ước Tam Phương.
Các tay quá khích thuộc Lục Quân Nhựt tin tưởng Trục sẽ chiến thắng,
và chiến tranh sẽ sớm chấm dứt, lúc đó chỉ có Đức và Ý chi nhau tất cả
“chiến lợi phẩm”. Khi họ nhận thấy không thể thuyết phục Yonai liên kết
với phe Trục, họ quyết định quấy rối Nội Các của ông và kết quả Bộ
Trưởng chiến tranh rút lui. Theo hiến pháp cũ, Bộ Trưởng chiến tranh Nhựt
phải là một quân nhân Lục Quân, và khi tướng Shunroku Hata từ chức vào
giữa năm 1940, không tướng lãnh nào chấp nhận tham gia Nội Các của
Yonai, chẳng khác nào hòn đá ngăn chặn con đường dẫn đến cuộc chiến
Thái Bình Dương đã bị dẹp sang một bên. Trùng hợp với biến cố nầy, năm
đó Franklin D Roosevelt tái đắc cử Tổng Thống Hoa Kỳ nhiệm kỳ thứ ba.
Không lâu sau, Hoa Kỳ và các cường quốc Đồng Minh khác bắt đầu gây áp
lực với Nhật Bản. Những áp lực nầy nhắm vào các nhà lãnh đạo quân sự, đã
điều khiển quốc gia từ khi Nội Các của Yonai sụp đổ, nhưng không có hiệu
quả.
Nội Các kế đó, dưới quyền lãnh đạo của Hoàng Thân Fumimaro
Konoye, ký thỏa ước Tam Phương với Đức và Ý vào tháng 9 năm 1940.
Trong một năm, Konoye đã cố gắng chống chọi với các tay quân phiệt Nhựt
và các áp lực kinh tế của Đồng Minh, nhưng cố gắng nầy vẫn không đi đến
đâu, nên vào tháng 10 năm 1941 ông rút lui.
PHẦN HAI
TỪ TRÂN CHÂU CẢNG ĐẾN
GUADALCANAL

1
Ngày 9 tháng 11 năm 1941 là một ngày mà tôi không thể nào quên được.
Ngày đó, có khoảng 200 tàu chiến của Hạm Đội Hổn Hợp Nhựt qui tụ về
Vịnh Hiroshima. Toàn thể Hạm Đội Hổn Hợp tập trung vào một nơi như thế
được xem là hiện tượng bất thường.
Tôi là Hạm Trưởng của khu trục hạm Amatsukaze (Thiên Phong) một
trong bốn chiếc tàu cùng loại vừa được chỉ định gia nhập vào Hải đội 6,
Phân đội 2 khu trục hạm Đệ Nhị Hạm Đội.
Hôm đó, một sáng mùa thu êm đềm, các tàu chiến buông neo bất động
trên mặt Vịnh. Mặt nước trong suốt như gương, phản chiếu dãy núi xanh rì
ở chân trời xa xa. Lũ hải âu bay lượn quanh quẩn trên các chiếc tàu. Mọi vật
đều êm ả và bình lặng.
Lúc 9 giờ sáng, một hồi còi hiệu rút lên từ soái hạm Nagato, khiến muôn
mắt hướng về phía nó. Tín hiệu bằng cờ cho biết: “ Tất cả chiến hạm
W.Y.Z.”. Ám hiệu nầy là một ám hiệu bất thường, có nghĩa: “ Tất cả sĩ quan
chủ huy đến trình diện soái hạm.”. Hoạt động nhộn nhịp trên mỗi chiếc tàu
xảy ra. Vài phút sau đó, trên một chiếc ca nô, tôi đến trình diện Nagato.
Trên sân tàu rộng lớn của soái hạm, hàng trăm sĩ quan đã đứng đầy, già trẻ
lẩn lộn.
Giữa những người hiện diện, tôi nhận thấy các thượng cấp của tôi: Đề
Đốc Raizo Tanaka, Tư Lịnh phân đội 2 khu trục hạm, và phó Đô Đốc
Nobutake Kondo, Tư Lịnh Đệ Nhứt Hạm Đội. Mọi người đều có dáng vẻ
nghiêm trọng. Mặc dù trong tiết thu mát mẻ, không khi vẫn như ngột ngạt
oi bức.
Lúc 9 giờ 30, ba tiếng chuông reo vang, tất cả thủy thủ đều biến dạng,
chỉ còn các Hạm Trưởng có cấp bậc Trung Tá trở lên. Sự bất thường nầy
cũng khiến cho sự căng thẳng gia tăng.
Trung tá Hajime Yamaguchi, một trong những tùy viên của tổng Tư Lịnh
Hạm Đội Hổn Hợp, đứng gần một cái bực cao, nói lớn:
“Xin quí vị lưu ý! Tổng Tư Lịnh đến.”
Tất cả chúng tôi đều đứng thẳng và im phăng phắc khi Đô Đốc Isoroku
Yamamoto bước lên sàn tàu. Khi ông tiến đến cái bực, trong khung cảnh
lặng yên, tiếng bước chân của ông vang lên rất rõ. Đô đốc Yamamoto chào
đáp lễ chúng tôi và bắt đầu lên tiếng:
“Tôi rất hân hoan gặp gỡ tất cả quí vị ở đây. Hạm đội hổn hợp của chúng
ta đã hoàn tất mọi chuẩn bị để sẵn sàng lâm chiến. Trong thời gian chờ đợi,
chúng ta sẽ tiếp tục trui rèn trên căn bản đó.
“Tình hình gần đây cho thấy có thể bắt buộc Nhật Bản phải ra tay chống
lại Anh, Mỹ, Úc và Hòa Lan, hơn là để cho cuộc phong tỏa kinh tế của họ
bóp nghẹt chúng ta.”
Sự khủng hoảng đã đến mức độ trầm trọng hơn bao giờ hết trong lịch sử
của chúng ta, điều nầy đã nhìn thấy rõ ràng. Một khi quốc gia quyết định
lâm chiến chống lại Đồng Minh, bổn phận của chúng ta, Hạm Đội Hổn
Hợp, là bảo vệ quốc gia và đánh bại kẻ thù. Nhiệm vụ nầy có thể đạt được
thành quả, nếu mỗi cá nhân trong quí vị dốc hết nổ lực của mình.”
Yamamoto nó thật vắn tắt, và qua một giọng thật trầm, nhưng chẳng
khác nào tiếng sấm động. Mọi sĩ quan choáng váng. Tôi cảm thấy như bị
chôn chân.
Khi ngừng nói, Đô Đốc Yamamoto nghiến chặt hai hàm răng lại và nhìn
quanh, như có tìm đôi mắt của từng người một. Ông có vẻ hòa dịu hơn khi
ông chậm rãi rời khỏi bục.
Phó Đô Đốc Matome Ugaki, Tham Mưu Trưởng của Yamamoto lên
tiếng kế đó. Ông đưa ra một phân tách về tình hình, các hậu quả do việc
phong tỏa tàu bè đi lại của Đồng Minh. Nhật Bản đang lâm vào cảnh thiếu
hụt dầu hỏa, quặng sắt, cao su, kẻm, nikel và đất thiết phàn, vì gặp phải
khủng hoảng về vấn đề cung cấp. Ông cho biết, theo quả quyết của Bộ Tư
Lịnh Tối Cao, Nhựt sẽ sụp đổ trong vòng một hoặc hai năm nữa nếu tình
thế hiện tại vẫn tiếp tục. Ông nói rằng Bộ Tư Lịnh Tối Cao đã tiến đến
quyết định cuối cùng là đưa ra một chiến lược trả đủa, nhằm chống lại sự
bóp nghẹt của Đồng Minh.
“Có thể cuộc hội họp của tất cả các sĩ quan thuộc Hạm Đội Hổn Hợp
nầy…” tới đây Ugaki hơi ngần ngừ, và sau đó tiếp “… là cuộc họp cuối
cùng trong khung cảnh như thế nầy…”
“Kể từ bây giờ chúng ta sẽ đảm nhiệm một công việc khó khăn nhứt.
Đây không phải là sự cố gắng tập tành thông thường, mà là sự nghỉ ngơi
thích hợp cho binh sĩ của các ông, và các ông phải luôn luôn theo dõi công
việc nầy. Không được để tiêu hao một người nào vì làm việc quá mức. Mỗi
người chúng ta phải sẵn sàng… luôn luôn sẵn sàng, ngay cả đối với cái chết
nữa.”
Một nỗi yên lặng bao trùm lấp khi Ugaki dứt lời. Trung tá Yamaguchi
tuyên bố buổi họp chấm dứt, và Đô Đốc Yamamoto bắt đầu cuộc họp riêng
với Bộ Tham Mưu của ông.
Tôi vẫn đứng bất động, những câu nói cảu Yamamoto và Ugaki vẫn còn
âm vang trong tai tôi. Tôi phải chờ ca nô mang tôi trở lại chiếc Amatsukaze.
Thình lình tôi như lâm vào trạng thái hôn mê và dần dần bước hướng về
khoảng giữa của chiếc soái hạm. Tôi nhứt quyết đến gặp riêng Ugaki.
Khi tôi đang bước, một vị đô đốc xuất hiện và tôi đưa tay chào như máy.
Đó là ông bạn tốt của tôi. Phó Đô Đốc Chuichi Nagumo, Tư Lịnh Đệ Nhứt
Không Hạm Đội. Ông chào đáp lể và cười khi gọi tên tôi. Chúng tôi trao
đổi một vài câu. Khi ông bước đi, đôi vai rộng của ông như nghiêng về phía
trước, trạng thái nầy khiến tôi nghĩ ra nụ cười của ông vừa rồi là một nụ
cười gượng gạo. Tôi kinh ngạc. Nagumo từ trước đến nay là một người vồn
vã, gặp bạn cũ là ông nhảy xô với những cử chỉ, lời nói thật thân thiết và ồn
ào.
Trạng thái kì lạ của ông Phó Đô Đốc hăng hái nầy đã khiến tôi hoang
mang khi bước xuống cầu thang hẹp, tiến về phía phòng của Phó Đô Đốc
Ugaki.
Tôi gõ của và bước vào sau tiếng nói rổn rang cho phép của Ugaki
Tôi hỏi thẳng:
“Thưa đô đốc, Đô Đốc có thể dành cho tôi một vài phút không?”
“Được Hara,” ông đáp. “Hãy ngồi đi.”
Tôi ngần ngừ, và sau một giây yên lặng, tôi tiếp “Thưa đô đốc, hành vi
của tôi có thể khiến Đô Đốc cho là tôi quá vô lễ, nhưng khi đến gặp đô đốc,
tôi đã đắn đo cân nhắc. Tôi hi vọng Đô Đốc sẽ hiểu biết cho tôi.
Tôi cũng hi vọng đô đốc không xem tôi như là một kẻ chống đối hoặc
nhút nhát trước… những mạng lịnh cương quyết đã được ban ra…”
“Tôi hiểu anh, Hara. Đừng rào đón nữa. Hãy nói thẳng những gì anh
muốn nói. Có phải anh muốn thảo luận với tôi về cuộc chiến sắp được hải
quân Nhựt phát động chống lại Đồng Minh không?”
“Dạ đúng, thưa Đô Đốc. Tôi chỉ là một chuyên viên khu trục hạm, kiến
thức hạn hẹp, và chắc chắn tôi không đủ tư cách thảo luận một quyết định
đã được thượng cấp đưa ra. Xin đô đốc tha thứ những lời thẳng thắn của tôi,
nhưng thực sự tôi hoàn toàn bi quan trước tình thế sắp xảy ra. Chúng ta có
thể tránh né cuộc chiến toàn diện bằng cách chọn một lối khác hơn là tấn
công vào Phi Luật Tân? Và nếu nói là vì nguồn tài nguyên mà chúng ta bắt
buộc phải chọn hành động tấn công, chúng ta nhắm cả vào Hòa Lan có
thích đáng hay không?”
Ugaki cười gượng gạo, giống như Nagumo. Sau đó ông hắn giọng nói:
“tôi nói anh nghe Hara. Ý kiến của anh được chia xẻ bởi một số sĩ quan cấp
cao khác, nhưng tất cả đều bị gạt ra ngoài. Quyết định đã được đưa ra. Một
việc mà tôi cần nhấn mạnh: chúng ta tạo ra quyết định chỉ để chuẩn bị đối
phó với tình thế tệ nhứt mà thôi. Như anh biết, đô đốc Kichisaburo Nomura,
đại sứ của chúng ta ở Hoa Thịnh Đốn đang cố gắng mở các cuộc đàm phán
để dàn xếp lần cuối cùng. Nhà ngoại giao chuyên nghiệp Saburo Kurusu
cũng sẽ sang Hoa Kỳ giữ nhiệm vụ cố vấn đặc biệt cho Nomura, và cả hai
sẽ nổ lực gấp đội trong cuộc đàm phán nầy. Chúng ta không gây chiến
tranh, nhưng nếu không còn cách nào để chọn, chúng ta phải đánh, và phải
đánh nhanh và mạnh. Đó là giải pháp cuối cùng mà Bộ Tư Lịnh Tối Cao đã
chọn.”
Tôi ngồi bất động, biết rằng không còn gì để thảo luận vấn đề nầy thêm
nữa. Tôi kiếu từ, và Ugaki nói: “Anh hãy cẩn trọng. Anh là sĩ quan khu trục
hạm tài ba nhứt của hải quân. Chúng tôi sẽ tùy thuộc vào anh. Mong gặp lại
anh, Hara.”
Cuộc gặp gỡ đó là cuộc gặp gỡ cuối cùng giữa tôi và Ugaki. Ông sống
sót khi 2 oanh tạc cơ hai máy Betty chở Yamamoto và Bộ Tham Mưu bị
một số chiến đấu cơ P38 của Hoa Kỳ tấn công vào tháng 4 năm 1943. Cuộc
tấn công xảy ra gần Bougainville, ở Solomon. Cả hai oanh tạc cơ đều bị bắn
rơi, và Yamamoto thiệt mạng. Nhưng Ugaki sống sót cho đến gần ngày cuối
cùng của cuộc chiến và tử trận khi hướng dẫn các oanh tạc cơ tự sát tấn
công Okinawa (có thể Hara đã nhầm, Đô Đốc Ugaki đã dẫn đầu một nhóm
các phi công không chấp nhận lệnh đầu hàng và tất cả đều hướng ra biển
trên máy bay của mình và không ai có thể biết đoàn phi cơ nầy đã bay đi
đâu….). Đó là cuộc tấn công Kamikaze cuối cùng trong cuộc chiến Thái
Bình Dương.
Cho đến hiện tại, tôi vẫn không hiểu có phải Ugaki nằm trong nhóm
người chống đối phương thức tấn công Trân Châu Cảng hay không. Tuy
nhiên, tôi luôn luôn có cảm giác ông và Nagumo chống đối. Yamamoto đã
chứng tỏ sự cương quyết qua việc lựa chọn phương thức nầy, nhưng bên
trong ông có vẻ như chống đối khi xét đoán: “Hải quân chỉ đủ sức chiến đấu
hai năm.”. Yamamoto cũng từng ngõ ý mong muốn các nhà ngoại giao
Nhựt sẽ tìm kiếm một nền hòa bình danh dự trước khi thảm kịch xảy ra.
Sau khi hội kiến Ugaki, tôi trở lại sân tàu, vẫn trong trạng thái bàng
hoàng. Các sĩ quan trẻ con đứng quanh quẩn bên nhau, và tôi nghe một
Thiếu tá lên giọng khoác lác: “Những người khu trục hạm chúng ta phải đi
tiên phong và đánh cho địch quân manh giáp không còn. Có thể cả cuộc
chiến sẽ dựa vào sự chiến đấu của chúng ta.”
Tôi gục gặc đầu và tự nhũ: “Hắn nói vậy mà đúng” Tôi trở về
Amatsukaze, vào phòng riêng và quơ lấy cuốn sách Tôn Tử binh pháp trên
giá sách. Đây là quyển sách chứa đựng triết lý và chiến lược của Trung Hoa
thời cổ, được xem là Thánh Kinh của các nhà quân sự Đông phương hơn
2500 năm nay.
“Nghệ thuật lãnh đạo cuộc chiến là một vấn đề sống còn của quốc gia,
một con đường đưa đến sự hủy diệt hay tồn tại. Vì thế, nghệ thuật nầy đòi
hỏi phải được nghiên cứu một cách tỉ mỉ mọi khía cạnh của nó.”
Chương thứ ba của quyển sách đã kết luận:
“Khi chiến tranh phát khởi, điều quan trọng duy nhứt đối với ta là phải
bảo toàn quốc gia hơn là đánh bại một quốc gia khác. Bảo vệ đơn vị của
mình quan trọng hơn là khắc phục đơn vị của địch quân. Một chỉ huy trăm
trận trăm thắng chưa hẳn là một vị chỉ huy giỏi. Một vị chỉ huy vĩ đại thật
sự là một vị chỉ huy chiến thắng địch quân mà không cần phải dụng binh.
“Anh không cần phải kinh sợ dầu phải có đánh hàng trăm trận, nếu anh
tri bỉ, tri kỷ. Nếu anh biết rõ mình mà không biết rõ địch quân, thì có ngày
anh phải trả giá mọi chiến công mà anh gặt hái được. Nếu anh không biết
mình và cũng không biết người chắc chắn anh sẽ đánh đâu thua đó.”
Các lời khuyên nầy cũng chẳng làm tôi vơi bớt nỗi phiền muộn. Tôi cho
rằng quyển sách có vẻ triết lý thái quá và quăng sang một bên. “Cái túi
khôn” nầy chỉ có thể thích hợp cho một vị vua hoặc một vị Tổng tư lịnh,
nhưng vô bổ được một sĩ quan cấp bậc nhỏ nhoi như tôi. Niềm bi quan
trong tôi vẫn không ngớt.
Trong khi theo dõi các biến cố đang xảy ra, tôi càng thêm thất vọng, xem
như cuộc chiến đã được các nhà lãnh đạo quân sự quyết định rồi. Cuộc họp
lịch sử trên soái hạm Nagato trùng hợp với sự từ chức của Thủ tướng
Konoye và toàn thể Nội Các của ông. Người kế nhiệm ông là tướng Hideki
Tojo. Tôi hiểu rằng sự thay đổi ngay vào thời gian đầy khủng hoảng nầy là
một điềm xấu báo trước.
Trãi qua nhiều ngày, tôi dò dẫm tìm đường lối chuẩn bị bản thân sẵn
sàng đón nhận cuộc chiến toàn diện. Sau binh thơ Tôn Tử, tôi tìm hiểu đọc
nhiều binh pháp của Hải Quân Hoàng Gia, nhưng cũng chẳng có quyển nào
soi đường cho tôi. Tôi tự hỏi: “Tôi đã biết năng lực của địch và năng lực
của chính tôi chưa?”.
Tôi được cho là một sĩ quan khu trục hạm tài ba nhứt. Tôi luôn luôn
chiến thắng trong các buổi diễn tập “kẻ thù” luôn luôn bị “dứt điểm” với
những trái thủy lôi chính xác của tôi. Thông thường, tôi chỉ cần sử dụng
phân nữa trong tổng số tám trái thủy lôi trang bị đầu phóng là mục tiêu đã
được thanh toán. Điều nầy đã chứng tỏ năng lực của tôi, nhưng còn năng
lực của kẻ thù?
Tôi chỉ hiểu mù mờ. Nếu các giới hạn qui định của hội nghị giải trang
Luân Đôn vẫn còn hiệu lực, việc nầy đáng nghi ngờ sau khi Nhật Bản xé bỏ
thỏa hiệp năm 1934, tính ra nếu lực lượng hải quân của Hoa Kỳ và Anh
Quốc phối hợp thì cứ 10 của họ chống lại 3 hoặc 3.5 của Nhật Bản. Như
vậy có nghĩa là tôi phải đánh chìm ít nhứt 4 tàu chiến của địch mới mong
duy trì một lần sống sót. Nếu mỗi sĩ quan Hạm Trưởng Hải Quân Hoàng
Gia Nhựt đều làm được như thế, chúng tôi có thể ngang ngửa với địch quân.
Nhưng đây chỉ là ảo tưởng. Như Phó Đô Đốc Nagumo từng nói với tôi
nhiều lần rằng tiềm năng kỹ nghệ đáng sợ của Hoa Kỳ là một yếu tố bất lợi
không thể đo lường đối với Nhật Bản. Tất cả những vấn đề nầy khiến tôi
đắm chìm vào sự u ám và bi quan.
Nỗi dằn vặt kéo dài thêm nhiều ngày nữa cho đến cuối cùng tôi mới trở
lại thân phận thực sự của tôi: tôi là một quân nhân, không phải một sĩ quan
cao cấp, điều nầy có ý nghĩa dứt khoát rằng nhiệm vụ của tôi phải chuẩn bị
chiến đấu để bảo toàn binh sỹ và giữ gìn khu trục hạm của tôi. Tôi không
thể cho phép tôi chui đầu vào guồng chỉ rối của cuộc chiến sắp xảy ra, mà
phải sẵn sàng chiến đấu với tất cả năng lực trong vài trò giới hạn của tôi.
Có vẻ lạ lùng khi tôi nói rằng vào lúc ấy, năm 1941, chính quyển tự
truyện cổ “Go Rin Sho” của Masashi Miyamoto viết cách đây 3 thế kỷ là
quyển sách đã soi sáng mọi thắc mắc và phục hồi sự trầm tĩnh của tôi. Nội
dung quyển sách chứa đựng lời tự thuật của một kiếm khách phi thường, đã
chiến thắng 66 trận quyết đấu, và sau đó trở thành nhà văn kiêm triết gia vĩ
đại nhứt của Nhật Bản.
So với binh thơ Tôn Tử, quyển tự truyện của Miyamoto hoàn toàn khó
hiểu. Nếu dịch nguyên văn quyển sách nầy, chắc đọc giả Tây Phương cũng
khó mà lãnh hội nổi. Miyamoto sanh năm 1584 và sống trong một thời đại
đầy loạn lạc. Vào thời đó một kiếm sĩ mới xuất thân muốn gây tên tuổi hẳn
phải thách đấu những kiếm sĩ đã từng nổi danh khác so tài. Cuộc so tài nầy
không phải là một môn thể thao đơn giản, mà cả hai tay kiếm đều đấu với
nhau chí mạng. Kiếm của họ thường làm bằng thép hoặc gỗ. Đối với một
cao thủ về kiếm thuật, thanh kiếm gỗ trong tay họ hữu hiệu không khác mấy
so với kiếm thép.
Chiến thắng 66 lần liên tiếp của Miyamoto, một kỉ lục chưa từng thấy,
được ông kể lại tỉ mỉ trong quyển tự truyện nầy. Ông đã đánh bại các đối
thủ qua yếu quyết : “Xoay sở tùy theo tình thế, không để bị trói buộc vào
bất kì công thức hoặc nguyên tắc nào.”Bí quyết này chỉ có những cao thủ
thượng thừa mới dám áp dụng trong các cuộc so tài thí thân, vì chỉ sơ sẩy
một đường tơ là có thể mất mạng ngay.
Quyển truyện nầy đã thức tỉnh tôi, nó đã giải đáp tất cả những gì mà tôi
đang dò dẫm. Xoay sở tùy theo tình thế có thể giúp tôi vượt qua sức mạnh
ưu việt của Đồng Minh. Hiện tại, tôi có thể tin rằng tôi đã tạo được những
thành tích rực rỡ và tồn tại sau cuộc chiến Thái Bình Dương, là do tôi đã áp
dụng bí quyết của Miyamoto.

2
• Cuộc hành quân “Giai đoạn I” được ban lịnh vào ngày 7 tháng 11 năm
1941.
Hạm Đội Hổn Hợp nhanh chóng phân tán trong vòng trật tự. Khu trục
hạm của tôi, với ba chiếc khác thuộc hải đội 6 lặng lẽ tiến vào quân cảng
hải quân Kure. Nhưng tôi không biết các thành phần chính thuộc Đệ Nhất
và Đệ Nhị Hạm Đội chạy về hướng Bắc, tụ họp ở Hitokappu Wan (Vịnh
Tanaka) ở Kurite. Các thành phần nầy họp thành một lực lượng Đặc Nhiệm
Nhật Bản (Lực Lượng Đặc Nhiệm có nghĩa là một lực lượng hải quân bao
gồm chiến hạm mọi loại, hàng không mẫu hạm và thủy binh hoặc Thủy
Quân Lục Chiến), một lực lượng vĩ đại nhứt chưa từng thấy bao giờ.
Các chiếc tàu của chúng tôi phải trãi qua một cuộc kiểm soát cẩn thận ở
Kure. Những gì lặt vặt không cần thiết và những thủy thủ bịnh hoạn đều
được lịnh mang lên bờ. Số thủy thủ khiếm khuyết nầy lập tức được thay thế.
Chỉ có những sĩ quan chỉ huy mới biết rõ cuộc hành quân đang phát triển,
riêng thủy thủ đoàn chỉ biết họ sẽ thực hiện một hải xuất huấn luyện ở Nam
Thái Bình Dương.
Bộ Tư Lịnh Tối Cao bãi bỏ mọi đặc ân, đình chỉ tất cả phép tắc. Tôi đã
được nghỉ phép lần cuối cùng hồi tháng 9, và tôi đã đáp chuyến xe lửa tốc
hành 16 tiếng đồng hồ từ Kure về gia đình tôi ở Kamakura, một thành phố
bờ biển gần Yokosuka. Nhưng chuyến đi dài dằng dặc đầy mệt mỏi đã được
đền bù. Hai đứa con gái của tôi nhảy nhót chào đón ngày tôi về, hớn hở bên
hai chị là Mikito, đứa con trai hai tuổi vừa biết nói của tôi. Tôi chỉ lưu lại
nhà một ngày tròn. Đám con trẻ đã buồn bả khi tôi ra đi, chính tôi cũng
buồn bã không kém gì chúng. Tôi ghì ghặt từng đứa một và nó: “Ba của các
con sẽ sớm trở về”. Hy vọng gặp lại con trước khi “hành quân” đã không
còn may mắn nào nữa.
• Cuộc Hành Quân “Giai đoạn II” được ban lịnh vào ngày 21 tháng 11
năm 194.
Ngày kế đó, toàn thể Lực Lượng Đặc Nhiệm của Phó Đô Đốc Chuichi
Nagumo đã tập trung đầy đủ trong Vịnh dầy đặc sương mù Ekorofu ở quần
đảo Kurile. Vào ngày 23 tháng 11, tám khu trục hạm của hai Hải đội 16 và
24 âm thầm thoát ra khỏi cảng Kure và hướng mũi về eo biển Terashima.
Bốn ngày liên tiếp, các giàn phóng thủy lôi và mọi loại vũ khí khác trên tàu
chúng tôi đều trong tư thế sẵn sàng. Các bác sỹ bận rộn săn sóc, khám sức
khỏe và chích thuốc cho thủy thủ đoàn.
Hai Hải đội của chúng tôi lại di chuyển khỏi eo biển Terashima và trực
chỉ ra Thái Bình Dương vào lúc 6 giờ chiều ngày 26 tháng 11. Cùng thời
gian nầy Lực Lượng Đặc Nhiệm của Nagumo cũng rời khỏi Vịnh Tankan
và nhắm hướng Hạ Uy Di. Điểm đến của chúng tôi là Palau, một trong các
hòn đảo Nam Hải thuộc quyền của Nhật Bản. Tất cả các sĩ quan chỉ huy đều
được thông báo cho biết việc thành lập một Lực Lượng Đặc Nhiệm nhỏ ở
Palau để tấn công đảo Mindano thuộc Phi Luật Tân, cùng lúc với cuộc tấn
công Trân Châu Cảng.
Trên hải trình 2.000 dậm khởi từ Terashima, các công điện chuyển đi
bằng vô tuyến của chúng tôi đều bị đình chỉ, kể cả Lực Lượng Đặc Nhiệm
của Nagumo, nhưng các nhận viên nhận tin vẫn tiếp tục hoạt động. Khi các
chiếc tàu của chúng tôi rời khỏi hải phận của Nhật Bản, chúng tôi nghe
được một tin tức loan đi trên đài phát thanh: “Báo chí cho biết ngày 26
tháng 11, Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Cordell Hull đã trao một công hàm cho hai
vị Đại Sứ Nhật Kichisaburo Nomura và Saburo Kurusu. Theo sự hiểu biết,
hình như Hoa Kỳ quyết định duy trì các cuộc hòa đàm.”
Vào ngày 28 tháng 11, chúng tôi nhận được một công điện từ Bộ Chỉ
Huy địa phương chuyển đi: “Hai tiềm thủy đỉnh không rõ quốc tịch, nhưng
có thể là của Hoa Kỳ, được ghi nhận di chuyển về hướng Bắc, thuộc hải
phận phía Đông Đài Loan.”
Cuộc “Hành quân giai đoạn II” đã giao quyền cho các sĩ quan chỉ huy
đưa ra các hành động đối nghịch chỉ khi nào xét ra tối cần thiết. Qua máy
liên lạc nội bộ trên tàu, tôi truyền lịnh cho các sĩ quan phụ trách máy Sonar
(dụng cụ khám phá tiềm thủy đỉnh): “Lưu ý! Lưu ý! Theo báo các các tàu
ngầm địch có thể đang hoạt động gần đây.”
Tiếng đáp lại thật điềm tỉnh của một tay nghề nghiệp: “Tất cả sona đều
thích hợp. Nếu phát hiện điều gì sẽ thông báo ngay.”
Ngày 1 tháng 12, truyền tin của chúng tôi bắt được công điện nầy: “Sáu
chiến hạm thuộc lực lượng Hải Quân Anh, bao gồm thiết giáp hạm “Prince
of Wales” hiện đang trên đường sang Viễn Đông.”
Tất cả không khí căng thẳng đều chấm dứt khi hòn đảo Palau xanh rì nhô
ra chân trời. Cùng ngày, lúc 1 giờ trưa, chúng tôi chạy vô hải cảng của hòn
đảo nầy. Chỉ trong vòng năm ngày, khí hậu mùa Đông đã chuyển sang khí
hậu mùa Xuân đối với chúng tôi. Bóng dừa rợp mát trên bãi biển là nơi trú
ẩn đầy yên tỉnh và thoải mái. Nhưng tôi không hưởng cảnh nầy được lâu.
Không khí ở hải cảng Palau căng thẳng. Nhiều tàu lớn chạy vào buông neo,
trong số đó có cả những chiếc tàu chuyển vận. Các cuộc tập dượt của thủy
thủ trên những chiếc tàu nầy vẫn tiếp tục. Bóng dáng của cuộc chiến tranh
đã xuất hiện trong tầm tay.
Đứng trên đài chỉ huy, ý nghĩ đầu tiên của tôi là đặt các điểm canh gác
trên bờ, tuy nhiên sau đó tôi nhận thấy việc làm nầy vô ích, và tôi ra lịnh thả
lỏng thủy thủ đoàn. Mọi người cũng được nhận chỉ thị tắm rửa sạch sẽ, lần
đầu tiên chúng tôi có dịp tắm rửa kể từ ngày rời khỏi Kure một tuần trước
đây. Lợi dụng dịp nầy, tôi cũng mang một số sĩ quan của tôi đi xem địa hình
địa vật của hải cảng, và luôn tiện đi lang thang cho dản gân dản cốt. Chúng
tôi cũng dùng xuống nhỏ ngao du đây đó, cả ngày lẫn đêm.
Buổi chiều ngày hôm sau, 2 tháng 12, chúng tôi nhận được một công
điện “lịch sử” từ Tổng hành dinh Hạm Đội Hổn Hợp: “Niitaka Yama
Nobore I.208”.
Câu tiếng Nhựt nầy có nghĩa đen: “Leo lên núi Nitaka (ngọn núi cao
nhứt ở Đài Loan) I208”. Tôi đọc ngấu nghiến công điện nầy và cảm thấy
hồi họp nhu lúc sắp dỡ xem các tài liệu đóng dấu tối mật. Nghĩa bóng của
câu nầy: “ Cuộc chiến chống Đồng Minh sẽ được phát động vào ngày 8
tháng 12.”
Ngay sau đó, tất cả các Hạm Trưởng được lịnh của Đề Đốc Raizo
Tanaka, tập họp quanh ông để lãnh các chỉ thị tấn công Davao. Trong lời
nói vắn tắt, Tanaka, thường lập đi lập lại câu: “Các anh phải nhớ rằng cuộc
hòa đàm vẫn còn tiếp tục ở Hoa Thịnh Đốn. Chúng ta phải chuẩn bị để nhận
một công điện đình chỉ toàn thể cuộc hành quân không biết gởi đến vào lúc
nào, nếu cuộc hòa đàm đạt được kết quả. Sau đó, chúng ta chỉ còn một việc
để làm: quay tàu trở về Nhật Bản.”
Tôi lên tiếng: “ Thưa Đề Đốc, ở đây, Palau chỉ cách phía Đông căn cứ
then chốt Davao của Hoa Kỳ 500 dậm, và chỉ cách Đông Nam căn cứ hải
quân quan trọng khác của họ là Guam 700 dậm. Với khoảng cách khá gần
như vậy, một số tàu chiến của chúng ta tụ họp ở đây, thì thế nào Hoa Kỳ
cũng phái các tiềm thủy đỉnh của họ theo dõi chúng ta. Chúng ta hành động
như thế nào, nếu chúng ta chạm mặt với các tàu ngầm nầy.?”
Tanaka đáp: “Chúng ta buộc phải đánh, đánh chìm, cho dù giai đoạn II
của cuộc Hành Quân chỉ cho phép chúng ta đưa ra các hành động thù
nghịch khi nào gặp trường hợp tối cần thiết.”
Cuộc họp chấm dứt, các Hạm Trưởng lặng lẽ trở về tàu của họ. Nhưng
không khí lặng lẽ nầy khó mà duy trì được trong tình trạng hiện tại. Sự hiểu
biết về năng lực chiến đấu của Đồng Minh khiến tôi vẫn bi quan, và tôi
cũng nhận thấy kế hoạch được đưa ra hình như có vẻ gì không thật.
Tôi chờ đợi, có thể làm mong mõi, cuộc hành quân nầy cuối cùng sẽ
được lịnh chấm dứt. Một câu trong binh thơ Tôn Tử lảng vảng trong trí tôi:
“Một vị chỉ huy vỉ đại thật sự là vị chỉ huy chiến thắng địch quân mà không
phải dụng binh.”. Tôi không ngờ rằng Bộ Tư Lịnh Tối Cao Nhật đã xem
công hàm ngoại trưởng Hull trao ngày 1 tháng 12 có tánh cách như tối hậu
thơ đòi hỏi Nhật đầu hàng trước khi chiến đấu, và vì vậy Bộ Tư Lịnh Tối
Cao đã quyết định khai chiến với Hoa Kỳ.”
Suốt 3 ngày, từ 3 đến 5 tháng 12, chúng tôi tập dượt ráo riết trong vòng
hải cảng, và cuối cùng các chiến hạm đều được xem xét lại tỉ mỉ, tất cả
những gì không cần thiết được mang lên bờ.
Lúc 1 giờ 30 khuya 6 tháng 12, sáu khu trục hạm của chúng tôi và một
tuần dương hạm rời khỏi hải cảng rộng lớn Palau. Chúng tôi được giao phó
nhiệm vụ “tẩy sạch” tiềm thủy đỉnh của địch quân để dọn đường cho một
hàng không mẫu hạm và hai tuần dương hạm hạng nặng đến Mindanao.
Nhiều chuyển vận hạm vẫn nằm chở trong hải cảng Palau để tham dự vào
các thành phần tấn công khác nhằm vào Phi Luật Tân và quần đảo East
Indie (một nhóm đảo nhỏ ở Thái Bình Dương) thuộc Hòa Lan.
Với đội hình hàng dọc, chúng tôi rời khỏi hải cảng Palau, hướng về phái
Tây một đỗi và sau đó đổi sang đội hình “cài răng lược” lướt ngang mặt
biển với các máy dò tìm tàu lặn. Không có dấu vết đáng lưu ý, cho đến 4h
chiều ngày đầu tiên, sĩ quan sonar mới báo động:
“Hình như có một tiềm thủy đỉnh ở 60 độ hữu mạn, cách 2500 thước.”
Tôi cho chiếc tàu hướng đến mục tiêu và ra lịnh: “Chuẩn bị phóng chất
nổ ngầm!” Đồng thời, chiếc tàu của tôi rít một hòi còi dài và các cây cờ ám
hiệu ABX (có nghĩa là “chúng tôi tấn công với chất nổ ngầm”, được kéo
lên, để lưu ý các chiến hạm bạn biết hoạt động của chúng tôi.
Sĩ quan sonar lại báo cáo: “Mười độ tả mạn, cách 2000 thước. Âm thanh
bắt được chắc chắn là của tiềm thủy đỉnh”.
Tôi điều chỉnh hướng tiến của Amatsukaze, và gia tăng tốc độ lên 12 hải
lý. Nhìn quanh, tôi thấy tất cả các thuộc cấp đều sẵn sàng và họ chỉ chờ chỉ
thị của tôi là hành động. Sĩ quan sonar tiếp tục báo cáo các giác độ và
khoảng cách khi chúng tôi dần đến mục tiêu. Tôi bị căng thẳng và nổi hứng
thú của một tên thợ săn bò sát lại con mồi. Khi chiếc tàu tiến đến khoảng
cách vừa vặn để tấn công, tôi biết giây phút quyết định đã đến. Tôi la to:
“Gia tăng tốc độ 21 hải lý”. Chất nổ ngầm chỉ có thể được thả sau khi một
chiếc khu trục hạm gia tăng tốc độ, vì nếu không làm như vậy thì chính chất
nổ được thả xuống sẽ hủy diệt chiếc tàu. Nhưng ngay giây phút cuối cùng
để ban lịnh “dứt điểm”, miệng tôi bỗng nhiên cứng lại. Thay vào đó, tôi la
to: “Đình chỉ thả chất nổ! Đình chỉ thả chất nổ!”.
Đó là một trong những quyết định quan trọng nhứt mà tôi đã đưa trong
suốt cuộc chiến. Hành động của tôi vào lúc đó chắc khó ai hiểu được, và
người ta sẽ nghĩ là tôi đã cải lịnh trên.
Quyết định của tôi căn cứ trên những lý lẽ sau đây: Không 0 giờ (tức giờ
tấn công) được đặt ra vào ngày 8 tháng 12, nghĩa là còn 2 ngày nữa. Chiếc
tàu ngầm chưa tỏ dấu hiệu nào gọi là thù địch. Ngay cả khi nhận được báo
cáo khám phá tàu ngầm, tư tưởng của tôi đã xung đột dữ dội. Tôi xem hòa
bình là trọng, vì vậy ý nghĩ đầu tiên thoáng qua đầu tôi, là với hành động
hiện tại của tôi có thể khiến cơ hội tiến đến hòa bình đổ vỡ. Hơn nữa, thái
độ của tôi lúc đó là sự cân nhắc có tánh cách chiến thuật. Tấn công mục tiêu
ngầm không phải đạt được kết quả dễ dàng, đặt biệt khi mục tiêu đã có sự
đề phòng trước. Nếu mục tiêu thoát khỏi cuộc tấn công, kết quả sẽ hoàn
toàn trái ngược. Nói một cách khác, nếu chiếc tàu ngầm không bị hủy diệt,
nó sẽ thông báo về bản doanh và mọi tàu chiến của Hoa Kỳ sẽ được báo
động để tung ra một cuộc phản công. Khi một người đã có sự lưỡng lự
trước một quyết định như thế, như tôi đã từng rút kinh nghiệm qua các buổi
diễn tập, chắc chắn người đó sẽ không bao giờ bắn trúng mục tiêu. Vì vậy,
tôi đã ra lịnh đình chỉ ngay cuộc tấn công.
Lúc ấy từ tuần dương hạm Jintsu 5950 tấn, Đề Đốc Raizo Tanaka đang
theo dõi tôi. Ông không hề hỏi tôi về hành vi kỳ dị của tôi ngày hôm đó. Có
lẽ ông đã hiểu và chia xẻ cảm nghĩ của tôi.
Sau khi chấm dứt cuộc săn đuổi chiếc tàu ngầm, khu trục hạm của tôi
quay về nhập bọn với các chiến hạm khác. Lúc đó hàng không mẫu hạm
Ryuji, với hai tuần dương hạm hạng nặng và hai khu trục hạm, rời khỏi
Palau đến kết hợp với chúng tôi. Lực Lượng Đặc Nhiệm gồm 12 chiến hạm
bây giờ di chuyển theo đội hình hàng dọc, với tốc độ 18 hải lý trực chỉ về
phía Tây. Chúng tôi đã sớm ra ngoài đại dương bao la, đất liền đã biến mất
khỏi tầm mắt và ngoài chúng tôi không còn bóng dáng chiếc tàu nào khác
nữa. Từng đoàn cá heo hết lượt nầy đến lượt khác đuổi theo tàu chúng tôi,
nhưng ngoài các sinh vật nầy, trước mắt chúng tôi chỉ có trời và nước.
Tôi ra lịnh tập hợp thủy thủ đoàn trên sàn tàu và cho họ biết nơi đến và
nhiệm vụ của họ. Tất cả đều không có một phản ứng nào khi nghe tin nầy
khiến tôi kinh ngạc. Hiển nhiên là họ đã đoán biết chuyến đi sau khi được
huấn luyện đặc biệt.
Sĩ quan và thủy thủ trở lại phận sự của họ. Tôi ngồi trên đài chỉ huy
chăm chú nhìn Davao và ngoại cảnh của nó trên bản đồ. Chiếc tàu lặng
trang và đại dương im lìm. Đêm tối dần và tất cả đều yên bình. Đoàn tàu
lướt đi âm thầm, đèn đuốc đều được lịnh tắt hết.
“Thưa Hạm Trưởng, có một công điện…”
Tôi xoay người sang một thủy thủ chạy việc. Thủy thủ Takeo Murata 18
tuổi, phục vụ trên tàu chỉ một tháng nay. Anh ta là một trong những người
đã thay thế các thủy thủ đau yếu. Murata chào tôi và đứng nghiêm.
Tôi nói: “Cám ơn Murata” và mở mảnh giấy anh ta vừa trao. Tôi cảm
thấy phấn chấn khi nghĩ mảnh giấy nầy sẽ chứa đựng phản lịnh của cuộc
hành quân đang diễn tiến. Nhưng đó chỉ là một tin tức tình báo.
“Một tàu chở thủy phi cơ cùng một lớp với loại tàu Bristol và một khu
trục hạm Hoa Kỳ bỏ neo ở hải cảng Davao lúc 6 giờ chiều ngày 6 tháng
12.”
Tôi thở dài và tiếp tục nhìn đại dương đen thẩm.
“Thưa Hạm Trưởng, một công điện…” Murata lại xuất hiện, mồ hôi nhỏ
giọt trên khuôn mặt non chẹt của anh ta. Anh ta phải chạy từ phòng truyền
tin lên đây. Một gã được việc! Tôi bổng nghe buồn bã, không ngờ gã con nít
nầy lại đang chia sẽ vận mạng của cuộc chiến với những người đáng cha
anh.
Nội dung công điện: “Không có tàu nào của địch quân được phát hiện ở
Legaspi lúc 7 giờ tối ngày 6 tháng 12.” Hai công điện kế tiếp là mẫu tin báo
chí: “Hai vị Đại Sứ Nomura và Kurusu đã trao cho Ngoại Trưởng Hull và
Tổng Thống Roosevelt một đề nghị được xem là cuối cùng…” và Phát
Ngôn Viên của Bộ Ngoại Giao Nhựt hôm nay cho biết tàu chở hành khách
Tatsuta Maru, đã rời Yokohama tuần rồi để đến Los Angeles, vừa được chỉ
thị ghé thăm viếng Mễ Tây Cơ. Hiện tại tàu này đã sắp xếp ngày đến Los
Angeles là ngày 14 tháng 2, và sẽ rời khỏi nơi đây vào ngày 16 tháng 2 để
đến Manzanillo vào ngày 19…”
Chắc chắn không có chứng cớ nào cho thấy cuộc chiến đang chuyển
động qua các diễn biến vừa nới. Nhưng có ai ngờ rằng chiếc tàu Tatsuta
Maru sẽ được lịnh quay về Nhật Bản 30 tiếng đồng hồ sau đó?
Ngày hôm sau, 7 tháng 12, vẫn là một ngày yên tĩnh như thường lệ. Chỉ
có mạch máu của tôi là bị căng thẳng do các công điện như loại đã nhận
được vào đêm trước. Đêm thứ hai trên đại dương, kim đồng hồ của tôi chỉ
đúng nửa đêm, và ngày ló dạng, nhưng không có một lịnh phản hành quân
nào được gởi đến. Chúng tôi vẫn còn cách xa tuyến xuất phát cuộc tấn
công, cách phía Đông mũi San Augustin 50 dậm và phía Đông Davao 100
dậm.
Tôi bổng nghe mệt mõi sau hai ngày và hai đêm ngồi trên đài chỉ huy,
nên sau khi giao quyền chỉ huy cho Đại úy Toshio Kayama, hoa tiêu trưởng
trẻ tuổi nhưng đầy đủ khả năng của tôi, tôi đã thiếp ngủ trên ghế ngồi.
Những hạt nước giá lạnh đã đánh thức tôi dậy khi đoàn tàu của chúng tôi
chạy vào vùng mưa bảo mù mịt trên đại dương đen thẩm. Lúc ấy là 3 giờ 30
sáng của ngày D, tức ngày 8 tháng 12 năm 1941. Ngủ thiếp trong giờ khắc
quan trọng thế này quả là ngu ngốc biết bao! Tôi tự rủa thầm và gọi phòng
truyền tin mang lên cho tôi các công điện mới. Không có công điện nào hết.
Cơn mưa bão lướt qua, và cơn buồn ngủ của tôi lại kéo đến. Tôi lấy làm tức
giận, vì như thế làm sao tôi còn đủ sáng suốt để theo dõi cuộc chiến trên đà
bùng nổ.
Vào bình minh, khoảng 5 giờ sáng, hai mươi oanh tạc cơ hạng nhẹ và
chiến đấu cơ cất cánh từ hàng không mẫu hạm Ryujo. Bây giờ chúng tôi đã
ở ngay tuyến xuất phát cuộc tấn công, nghĩa là cách phía Đông mũi San
Augustin 50 dậm và phía Đông Davao 100 dậm. Hình ảnh của các phi cơ
Nhật đã khiến tôi tỉnh táo và phấn khởi. Bao nhiêu cảm giác thiếu nồng
nhiệt của tôi đối với cuộc chiến sắp xảy ra, bây giờ, đứng trên đài chỉ huy
của khu trục hạm Amatsukaze, tôi thấy đã tan biến, và tôi cương quyết dứt
khoát thi hành các mạng lịnh được đưa ra.
Sau khi các phi cơ của Ryujo xuất phát, các khu trục hạm Hayashio,
Kuroshio và Oyashio rời bỏ đội hình di chuyển cũ, gia tăng tốc độ lên 30
hải lý, chạy hướng về phía trước để tham dự một cuộc tấn công phối hợp
nhằm vào các lực lượng Hoa Kỳ ở Luzon. Tám chiếc còn lại, một chiếc rẽ
về phía Đông, một chiếc rẽ về phía Tây, cách 1500 thước, và giữ đội hình
bất thường nầy để chờ đợi các phi cơ của hàng không mẫu hạm Ryujo trở
về.
Ryujo là hàng không mẫu hạm duy nhứt sử dụng trong cuộc hành quân
Phi Luật Tân. Nguyên trước đó tàu nầy được dự định phối hợp với 2 hàng
không mẫu hạm biến cải khác vào cuộc tấn công Luzon, nhưng vì khả năng
chở phi cơ của chúng quá giới hạn, thành thử cuối cùng có quyết định sử
dụng phi cơ ở phi trường Formosa cho cuộc tấn công nầy. Do đó, Ryujo đến
Palau và hai hàng không mẫu hạm kém khả năng hơn quay về trở về Nhật.
Ánh nắng mặt trời lúc ẩn lúc hiện trên đại dương. Gió đứng hẳn. Chúng
tôi ướt đẩm mồ hôi sau bốn tiếng rưởi đồng hồ chạy tới chạy lui trên biển.
Mười chính chiếc phi cơ trở về hàng không mẫu hạm Ryujo lúc 9 giờ 30.
Chiếc thứ 20, một oanh tạc cơ, bị trục trặc máy móc và đâm chúi xuống
biển. Sau đó, chúng tôi nghe tin phi hành đoàn của chiếc phi cơ nầy đã
được khu trục hạm Kuroshio cứu thoát.
Cuộc tấn công Davao của lực lượng đặc nhiệm hoàn toàn thất bại. Phi cơ
và khu trục của chúng tôi đã chui đầu vào cái túi rỗng. Hai tàu chiến của
Hoa Kỳ, bỏ neo tại hải cảng theo báo cáo, đã biến mất trước khi lực lượng
của chúng tôi đến. Chỉ có hai thủy phi cơ của Hoa Kỳ bỏ lại trên bãi biển và
bị máy bay của chúng tôi xạ kích hủy diệt. Sau đó, máy bay của chúng tôi
quần trên không phận Davao hơn hai tiếng đồng hồ, nhưng không gặp một
phi cơ của Hoa Kỳ nào cất cánh từ phi trường này hoặc bất kì phi trường
khác để nghinh chiến. Đó là một cuộc hành quân kì quái nhất.
Thái độ của lực lượng Hoa Kỳ ở Davao ngày hôm đó vẫn còn nằm trong
vòng bí ẩn. Dù thái độ của lực lượng Hoa Kỳ như thế nào, ít ra họ cũng
phải báo cáo cho Tổng Hành Dinh của họ biết về cuộc tấn công mạnh mẻ
của chúng tôi. Nhưng Tổng hành dinh của Hoa Kỳ ở Manila đã tọa thủ bàng
quang, và ngay cả cuộc tấn công phi trường Clark ròng rã suốt bốn tiếng
đồng hồ của các phi cơ Nhật xuất phát từ Formosa, tiếp liền sau cuộc tấn
công Davao của chúng tôi, họ cũng chẳng cho bất kì một máy bay nào của
họ cất cánh để chống trả lại.
Sự thiếu chuẩn bị của Không Lực Hoa Kỳ ở phi trường Clark vẫn còn
nằm trong vòng bí mật. Như Louis Morton viết trong cuốn The Fall of
Philippines (Phi Luật Tân thất thủ): “ Tất cả các lực lượng Hoa Kỳ ở Phi
Luật Tân đều biết cuộc tấn công Trân Châu Cảng nhiều tiếng đồng hồ trước
đó khi các oanh tạc cơ Nhật xuất hiện trên không phận Luzon. Cuộc tấn
công Davao là dấu hiệu cho thấy Nhật quyết ý đập tan các hải đảo có căn cứ
không quân quan trọng của Hoa Kỳ tọa lạc, và cuộc tấn công Luzon ngay
buổi sáng cùng ngày cho thấy rõ quyết ý nầy của Nhật.
Theo lời của Đại Tá Campbell, phi trường Clark đã nhận được tin phi cơ
Nhật sẽ đến trước khi xảy ra cuộc tấn công. Đại tá Euband lại nói rằng việc
biết trước nầy không hề có. Một số sĩ quan khác lại cho biết các hệ thống
liên lạc đều gián đoạn trong suốt thời gian nguy cấp nầy. Qua những chi tiết
trái ngược do các nhân chứng cung cấp, vấn đề trên vẫn còn nằm trong
vùng tăm tối…”.
Tám năm sau biến cố, tướng Arnold đã viết rằng: “ ông chưa bao giờ
nhận được câu chuyện thật ở Phi Luật Tân. Nhưng các kết quả của cuộc tấn
công ai ai cũng đồng ý: 18 trong tổng số 35 chiếc B17, oanh tạc cơ chiến
đấu tối tân của Hoa Kỳ vào thời đó bị hủy diệt, 35 chiếc P40, 3 chiếc P35,
khoảng 30 phi cơ quan sát mọi loại và nhiều oanh tạc cơ hạng nhẹ cũng bị
thiệt mất.” Như vậy, “sau một ngày của cuộc chiến” Morton viết, “với năng
lực bị cắt hết phân nữa, Không Lực Viễn Đông của Hoa Kỳ không còn được
xem là một lực lượng chiến đấu hữu hiệu nữa.”. Thiệt hại của Nhật Bản: 7
chiến đấu cơ.
Tuần dương hạm Jintsu và khu trục hạm Hatsukaze và chiếc tàu của tôi
rời lực lượng đặc nhiệm để hướng đến cửa vịnh Davao kết hợp với bốn khu
trục hạm vừa trở về sau chuyến đi không kết quả. Tất cả các tàu gặp nhau
vào lúc 2 giờ. Tôi đã sửng sốt khi nghe đài phát thanh công bố kết quả vượt
mức của hai cuộc tấn công ở Trân Châu Cảng và phi trường Clark. Không
thể nào ngờ được đó là sự thật hoàn toàn.
Tuy nhiên, tôi tỉnh táo ngay do sự xuất hiện của một oanh tạc cơ B24.
Chiếc phi cơ bay cao khoảng 30.000 bộ và hình như đã phát hiện các chiếc
tàu của chúng tôi. Đề đốc Tanaka quyết định thi hành kế nghi binh trước khi
kết hợp với hàng không mẫu hạm Ryujo, nhằm đủ ngăn ngừa oanh tạc cơ
Hoa Kỳ khám phá ra sự hiện diện của hàng không mẫu hạm nầy. Chúng tôi
đổi hướng 180 độ và chay với tốc độ 18 hải lý một giờ, sau đó đổi hướng 90
độ và gia tăng tốc lực lên 21 hải lý, trước khi xoay trở lại 60 độ để gặp gỡ
Ryujo.
Chiếc B24 vẫn bay trên đầu, nhưng không có ý định tấn công, và cuối
cùng chiếc phi cơ mất dấu các tàu của chúng tôi trước khi chúng tôi hướng
về vị trí sơ khởi. Chiếc oanh tạc cơ nầy là một bí ẩn khác đối với chúng tôi.
Không sao biết được nó xuất phát từ đâu và định làm gì?
Vào lúc chúng tôi trở lại phía Đông San Augustin 50 dậm, tôi và Hạm
Trưởng khu trục hạm Hatsukaze nhận được lịnh mới. Theo đó, chúng tôi
chay đến Legaspi để kết hợp với tuần dương hạm Nachi và Myoko luc đó
đang di chuyển phía trước chúng tôi. Hàng không mẫu hạm Ryujo và hai
khu trục hạm hộ tống đã hướng về Palau, và soái hạm Jintsu của đề đốc
Tanaka cùng bốn chiếc khu trục hạm chạy tiếp sau.
Tôi ở trong hải phận Legaspi một tuần lễ với nhiệm vụ tuần tiểu và
chống lại các tàu ngầm cũng các tàu trên mặt bieetn mang quân tăng viện
của Hoa Kỳ. Không thấy gì hết, nhiệm vụ thật đáng chán, nhưng tất cả
chúng tôi đều biết sự giữ gìn khu vực hậu phương nầy rất quan yếu, có tánh
cách hổ trợ cho cuộc hành quân đổ bộ chánh của Nhựt ở Luzon.
Trong khi thi hành nhiệm vụ nầy, khoảng thời gian 24 tiếng đồng hồ bắt
đầu từ 5 giờ 10 chiều ngày 9 tháng 12, thích thú duy nhứt của tôi là hiệu
thính viên theo dõi một công điện đánh đi từ tiềm thủy đỉnh I65 báo cáo
việc phát hiện hai chiến hạm Anh Quốc đáng hướng mũi về đoàn tàu
chuyển quân đổ bộ của Nhựt đến Mã Lai Á. Sau đó, truyền tin của tôi
chuyển đến các báo cáo tin tức về cuộc tấn công của Nhựt chống lại thiết
giáp hạm Prince of Wales và tuần dương hạm Repulse của Anh. Mồ hôi đổ
như tắm khi tôi đọc hết công điện này sang công điện khác liên quan đến
cuộc tấn công cách tàu của tôi 1.000 dậm nầy.
Thoạt đầu cuộc tấn công đã gây cho tôi cảm giác phức tạp. Đó là cảm
giác lẫn lộn kính nể và cảm phục mức độ dàn trận nhanh chóng của hải
quân Anh, đồng thời tôi bổng thấy hăng hái chiến đấu và mong muốn thử
sức ngay với kẻ thù. Nhưng ý nghĩ tham dự vào trận đánh diễn ra chỉ có
tánh cách ước muốn thuần túy, vì tôi không thể nào rời bỏ nhiệm vụ riêng ở
đây.
Khi các báo cáo sơ khởi của cuộc tấn công vào các tàu chiến Anh được
gởi đi, tôi đã quan tâm rất nhiều. Lúc đó Nhựt chỉ có một khu trục hạm và
hai thiết giáp hạm trong hải phận Mã Lai Á. Đó là hai chiếc Haruna và
Kirishima, cả hai đều 27.500 tấn. Được đóng năm 1912 và 1913, đó là hai
chiến hạm nhiều tuổi nhứt còn hoạt động trong Hải Quân Hoàng Gia. Tôi
đã nghĩ hai chiếc tàu nầy không thể chịu đựng nổi bất kì một va chạm nhỏ
nào với thiết giáp hạm Prince of Wales “không thể chìm” và Repulse “võ
trang tận răng” của Anh Quốc.
Trận bão “công điện” từ vùng phụ cận Mã Lai Á thổi đến hổn loạn. Đề
Đốc Shintaro Hashimoto (Tư Lịnh phân đội 3 khu trục hạm) báo cáo rằng
các chiến hạm của ông gặp khó khăn khi chạm trán sơ khởi với các chiến
hạm Anh. Tiềm thủy đỉnh I62 lúc 4 giờ 30 sáng qua báo cáo thứ 10 cho biết
đã mất dấu hai chiến hạm Anh vì gặp phải mưa bão dữ dội. Sau đó, liên lạc
vô tuyến dẫm chân lên nhau, và các hệ thống truyền thanh cũng nghe không
rõ.
Điều đáng lấy làm lạ là lúc ấy không có một chiến hạm nào của Hoa Kỳ
xuất trận để chống lại chúng tôi ở Phi Luật Tân. Hiện thời chỉ có hải quân
Anh quần thảo với chúng tôi trên tất cả các hải phận trong khu vực. Bầu trời
bổng nhiên quang đang vào lúc 2 giờ trưa, và chúng tôi bắt được công điện
nầy: “Không có phi cơ hộ nào được nhìn thấy bay trên các tàu chiến Anh.”.
Sau đó thêm nhiều công điện dồn dập cho biết diễn tiến của cuộc tấn công:
“Không đoàn 22 (Nhựt) oanh tạc thiết giáp hạm địch lúc 2 giờ 20.”
“Thiết giáp hạm địch bị trúng thủy lôi do phi cơ thả xuống lúc 2 giờ 30.”
“Thủy lôi của phi cơ trúng trực tiếp vào tuần dương hạm địch lúc 2 giờ
4, và hiện chiếc tàu này nghiêng hẳn về tả mạn.”
“Một trong năm khu trục hạm địch bốc cháy.”
“Một thiết giáp hạm địch nổ tung và chìm lúc 2 giờ 50.”
Bây giờ tôi ngơ ngác, không tin những gì đã xảy ra. Phi cơ Nhựt đã đánh
chìm hai chiếc Prince of Wales và Repulse!
Tôi không bao giờ tin tưởng thành công của cuộc tấn công Trân Châu
Cảng là do khả năng hoàn toàn của không quân, bởi vì lúc ấy địch quân bị
đánh trong lúc bất ngờ. Trong tư cách một chuyên viên khu trục hạm, cái
nhìn của tôi quá hạn hẹp. Nhưng bây giờ tôi thật sự xúc động qua chiến
thắng mà tôi đang theo dõi. Tôi không ngờ khả năng của phi cơ Nhựt đã đạt
đến mức ấy.
Nhưng sự cố chấp của tôi vẫn không thay đổi, ngay cả sau trận đánh
ngoạn mục Mã Lai Á, với niềm tin bị lung lay chút ít của tôi. Tôi tin rằng
hoạt động của phi cơ thường bị vấn đề thời tiết gây trở ngại, các tàu chiến
vẫn phải giữ vai trò then chốt, bất chấp mọi thời tiết. Vì đó, trong khi tôi bắt
buộc phải tin phi cơ đã đóng một vai trò quan trọng trong chiến tranh, tôi
vẫn bướng bỉnh cho rằng các khu trục hạm mới thực sự giải quyết các trận
đánh trên mặt biển.
Sự bướng bỉnh nầy có thể là một thái độ tốt, vì nó gây cho tôi niềm tin
đặt vào các khu trục hạm, khiến tôi càng thêm cố gắng “ghi điểm chiến
thắng” trong cuộc chiến Thái Bình Dương, và vẫn còn sống sót sau nhiều
trận đánh dữ dội nhứt.

3
Vào ngày 15 tháng 2, Bộ Tư Lịnh Tối Cao Nhựt hài lòng về diễn tiến êm
đẹp của cuộc hành quân đổ bộ ở Luzon, và xét thấy không cần thiết phải
duy trì các cuộc tuần tiểu ở hải phận Legaspi nữa nên đã ra lịnh cho các tàu
của chúng tôi trở về Palau. Một cuộc phản công của Hoa Kỳ ở Phi Luật Tân
đã bị chặn đứng vào thời gian đó. Trong khi lấy nhiên liệu ở Palau, chúng
tôi được lịnh hộ tống các tàu chuyển vận đổ bộ lên Davao.
Bảy giờ sáng ngày 17 tháng 12, một đoàn tàu chia ra làm 3 nhóm chuyển
vận một trung đoàn bộ binh rời khỏi Palau. Bảy khu trục hạm và hai tuần
tiểu đỉnh nhỏ giữ nhiệm vụ hộ tống. Trong chiếc tuần dương hạm Jintsu, Đề
đốc Tanaka chỉ huy cuộc hành quân.
Bốn mươi lăm phút sau khi rời khỏi Palau, lúc đang đứng trên đài chỉ
huy, nhân viên sonar của tôi báo cáo phát hiện một chiếc tiềm thủy đỉnh
cách 2000 thước ở 90 độ hữu mạn. Sự phát hiện nầy giống như những gì đã
xảy ra vào “Ngày X”. Bây giờ thì không còn sự lượng lự nào nữa. Chúng
tôi tiến đến cách mục tiêu 1000 thước, gia tăng tốc độ lên 21 hải lý, thải
xuống 6 trái thủy lôi nổ ngầm, đoan xoay hướng 230 độ và thả thêm sáu trái
nữa. Các thủy lôi bùng nổ cách tàu 30 thước. Chúng tôi quan sát mặt nước,
không có chứng cớ nào cho thấy cuộc tấn công của chúng tôi có hiệu quả.
Tôi cho khu trục hạm của tôi chạy lên phải của nhóm tàu chuyển vận thứ
hai và giữ vị trí hộ tống như cũ. Đoàn tàu chạy với tốc độ 10 hải lý theo
hình chữ chi.
Vào lúc 1 giờ trưa cùng ngày, khu trục hạm Kuroshio chạy ở phía phải
của nhóm thứ nhứt báo cáo: “Phát hiện tiềm thủy đỉnh địch quân. Phối hợp
với phi cơ tuần thám, chúng tôi đã tấn công chiếc tàu với thủy lôi nổ ngầm.
Một khoảng dầu rộng lớn nổi lên mặt nước. Chúng tôi xem như tiềm thủy
đỉnh đã bị đánh chìm.”
Công điện nầy đã gây sự “đố kỵ” cho chúng tôi trên chiếc Amatsukaze.
Tôi lặng lẽ trao công điện cho các sĩ quan của tôi xem. Họ kêu lên một cách
thất vọng. Trước bình minh ngày 20 tháng 12, đoàn tàu tiến vô Vịnh Davao
mà không gặp sự ngăn chặn của phi cơ hoặc chiến hạm nào của địch quân.
Một cuộc hành quân đổ bộ không phải mới mẻ đối với tôi. Cách năm năm
trước đây tôi đã từng nếm mùi hỏa lực của địch quân ở Thượng Hải. Trong
cuộc hành quân ở Davao nầy, chúng tôi được lịnh không nổ súng, trừ phi bị
thách thức. Chúng tôi muốn chiếm Davao mà khỏi phải đụng chạm và càng
ít sự hủy diệt càng tốt. Hai nhóm tàu đã đổ quân một cách thành công.
Các tàu hộ tống chạy chầm chậm trong vòng hải cảng yên tỉnh và hiền
hòa. Từ chiếc Amatsukaze, một trung đội của chúng tôi xuống một chiếc
cano, đảm trách nhiệm vụ giải giới và bắt giữ tất cả các tàu buôn nhỏ đang
đậu trong hải cảng. Nhưng khoảng vài phút sau, 200 địch quân thình lình
xuất hiện trên bến tàu và xả súng bắn vào trung đội của chúng tôi đang đi
trên chiếc ca nô. Một số thủy thủ bị trúng đạn.
Tôi hét: “ Các pháo khẩu tả mạn khai hỏa”. Câu này giống như tôi đã hét
trong cuộc đổ bộ Thượng Hải. Một sự lập lại đần độn mà chính tôi phải rủa
thầm.
Sáu khẩu trọng pháo 122 ly xoay nòng và khai hỏa. Không một quả đạn
nào trúng ngay vào địch quân chỉ cách 2000 thước, nhưng họ vẫn phân tán
và bỏ chạy. Chúng tôi bắn đuổi theo cho đến khi không còn thấy bóng dáng
một địch quan nào.
“Ngừng bắn!” tôi ra lịnh. Nhưng một quả đạn đã bay ra khỏi nồng súng
và một chiếc tàu dầu đậu cách bờ 50 thước bị trúng đạn bùng cháy.
Diễn biến cuộc hành quân nầy khác xa sư hy vọng của tôi. Tôi đã lâp lại
một số lỗi lầm vụng về. Tôi không còn làm một chuyên viên khu trục hạm
hàng đầu nữa, nhưng là một gã thấp trí và ngu dốt.
Lúc đó, chiếc ca nô trở về với một xác chết. Ngày hôm sau, tôi thi hành
đủ lễ tống táng cho Trung Sỹ Tsuneo Horie, thủy thủ đầu tiên của tôi ngã
xuống trong cuộc chiến. Chiếc tàu dầu cháy suốt ba ngày ba đêm.
Sau cuộc đổ bộ, chúng tôi bận rộn suốt cả tuần với công việc giải thoát
các cư dân trong Nhựt khu vực. Rất may là chỉ có một vài người Nhựt đã bị
tập trung ngay khi bắt đầu cuộc chiến.
Không lâu trước đó, các báo cáo thương vong trên một số khu trục hạm
khác đã đến chúng tôi. Các khu trục hạm nầy tham dự hành quân ở đảo
Wake, tỏ ra còn tồi tệ hơn những gì chúng tôi đã làm ở Davao. Vào ngày 11
tháng 12, khu trục hạm Kisaragi bị các phi cơ của hải quân Hoa Kỳ đóng ở
Wake đánh chìm. Cùng ngày, khu trục hạm Hayate, một đồng đội cảu
Kisaragi, cũng bị các pháo đội phòng duyên của Hoa Kỳ triệt hạ. Làm sao
mà hai chiếc tàu này lại vụng về như vậy.
(Chiếc Kisaragi, 1400 tấn đóng năm 1924 đã tham dự vào Lực Lượng
Đặc Nhiệm tấn công Trân Châu Cảng, bị bốn chiến đấu cơ F4F Wildcat từ
đảo Wake tấn công bằng bơm 50kg, một trong bốn quả thả trúng sườn phần
nằm chìm dưới nước và nổ tung bên dưới tàu và chìm cấp kì, trước đó vài
giờ chiếc Hayate, một khu trục hạm 1400 tấn đóng cùng thời với Kisaragi
nhưng không cùng lớp, bị các khẩu pháo phòng duyên 127 ly của Hoa Kỳ
trên đảo Wake bắn hạ, Hayate trúng 2 phát và chìm với 168 thủy thủ đoàn.)
Nhưng tôi biết còn nhiều chiến hạm khác vụng về hơn khu trục hạm
Shinonome chạm phải một trái mìn và chìm ở Miri, Borneo. Báo cáo không
thể xác định loại mìn mà chiếc tàu nầy chạm phải là của Nhựt hay của Hòa
Lan.
Vào ngày 24 tháng 12, tôi muốn nổi khùng khi nghe tin khu trục hạm
Sagiri bị một tiềm thủy đỉnh tấn công bằng thủy lôi và cũng chìm gần
Borneo. Đúng là một con mèo bị một con chuột nuốt. Sau đó chúng tôi biết
được chiếc tiềm thủy đỉnh đạt được chiến công này là chiếc K16 của Hòa
Lan.
(Hai khu trục hạm Shinonome và Sagiri cùng lớp Fubuki, trọng tải 2000
tấn, chiếc Shinonome chạm phải mìn và chím với tất cả thủy thủ đoàn.
Chiếc Sagiri bị trúng thủy lôi từ tiềm thủy đỉnh KXVI của Hòa Lan và chìm
với 121 người thuộc tiềm thủy đỉnh đoàn, 120 người sống sót được khu trục
hạm “đàn chị” Shirakumo cứu thoát).
Nhưng tin khu trục hạm Kuroshio thuộc phân đội của tôi đã thành công
trong việc đánh chìm một tiềm thủy đỉnh của địch quân đã gây phấn khởi và
gở thể diện cho chúng tôi phần nào. Nhưng ngày 23 tháng 12, chiếc tàu nầy
đã “ngủ quên” và bị một chiếc phi cơ xuất hiện thình lình tấn công. Rõ ràng
Kuroshio không tin là có phi cơ Đồng Minh hoạt động quanh quẩn khu vực.
Chiếc phi cơ, một pháo đài B17, xà xuống dội một loạt bom, và một trong
những trái bom đã trung ngay chiếc tàu gây nhiều thương vong.
Câu chuyện nầy không được tiết lộ ra ngoài, nó đã bị chôn vùi hẳn giữa
những chiến công ngoạn mục của Nhật Bản được quảng bá rộng rãi vào
thời gian ấy. Nghe được các tin tức nầy tôi càng thêm rầu rĩ. Người thường
nói chiến tranh là một loạt những sai lầm, nhưng những sai lầm của Nhật
Bản không thể nào chấp nhận được. Những thiệt hại như thế đã khiến tôi
giận dữ tột độ, và tên Hạm Trưởng do dự, đắn đo một tháng trước đây
không còn trong tôi nữa. Tôi trở thành một người mới, hung tợn và dứt
khoát.
Sự sai lầm của chúng tôi cứ tiếp tục trong suốt tháng ngày đầu của cuộc
chiến. Một việc xảy ra vào ngày 4 tháng 1 năm 1942 khiến tôi điên tiết. Vào
ngày đó, 14 chiến hạm quan trọng, bao gồm hầu hết lực lượng trên biển của
Nhật nằm trong khu vực, đậu ở hải cảng nhỏ Malalag trên bờ Tây Vịnh
Davao. Hải khẩu thật nhỏ hẹp và Đề Đốc Tư Lịnh đã ra lịnh đóng lại bằng
một màn lưới chống tiềm thủy đỉnh.
Lúc đang dùng bữa trưa, tôi nghe tiếng la của thủy thủ canh gác: “Phi cơ
tấn công!”. Chúng tôi nhìn lên trời và thấy 9 oanh tạc cơ 4 máy đang bay
trên cao độ 30.000 bộ. Chúng tôi biết đây là loại B17, các pháo đài bay, bởi
thời gian đó Nhật chỉ có loại “tàu bay” Kawanishi bốn máy.
Sĩ quan và thủy thủ chạy ùa vào vị trí chiến đấu. Nhưng mà chay vào vị
trí chiến đấu để làm gì? Chúng tôi bó tay trước hải hải khẩu nhỏ bé đã bị
đóng kín. Chúng tôi không thể làm gì khác hơn là đứng nhìn. Các khẩu
súng của chúng tôi không thể nào chạm tới các pháo đài bay đó, và lúc đó
cũng không có chiến đấu cơ nào của Nhật cất cánh nghinh chiến.
Tôi khoanh tay nhìn những quả bom được trút xuống. Rất may là các
oanh tạc cơ Hoa Kỳ, hiển nhiên là mới đến Java, không mang theo bom
hạng nặng và nhắm mục tiêu không chính xác. Một quả bom 250 cân Anh
trúng thẳng vào tháp súng thứ hai của tuần dương hạm Myoko đậu chính
giữa hải cảng, gây cho hơn 20 người chết và 40 người khác bị thương.
Mảnh của quả bom này văng qua chiếc tàu chở thủy phi cơ Chitose đậu
cách đó 500 thước và phá hủy 5 phi cơ trên sàn tàu. Không một phi cơ nào
của Nhật cất cánh để truy đuổi các oanh tạc cơ địch.
Khu trục hạm Amatsukaze của tôi đậu cạnh bãi biển và không thể nhấc
một tấc nào để tránh các quả bom rơi xuống. Chúng tôi đã thoát được nhờ
may mắn. Tôi chưa bao giờ cảm thấy buồn rầu hơn ngày hôm đó, khi dõi
theo tuần dương hạm Myoko, một đồng đội của tôi từ ngày X (tức ngày
phát động cuộc hành quân), “khập khểnh” rời khỏi Vịnh Davao trên đường
trở về Nhật để sửa chửa.
Chúng tôi không thể nào chấp nhận được loại ngu xuẩn nầy.
(Tuần Dương Hạm hạng nặng Myoko, trọng tải 13.300 tấn, dài 204 m và
có thể đạt tốc độ 36 hải lý (67km/h), đóng tháng 10 năm 1924 và hoàn tất
vào tháng 7 năm 1931, trang bị 10 pháo khẩu 203 ly, hỏa lực mạnh nhất của
một tuần dương hạm vào thời đó, đây là chiếc đầu tiên của class nầy, ba
chiếc được hoàn tất sau đó là Nachi, Ashigara và Haguro. Chiến hạm nầy
tham gia tất cả các trận đánh lớn trên Thái Bình Dương và sống sót sau
cuộc chiến. Ngày 21 tháng 9 năm 1945, Myoko đầu hàng quân Anh ở
Singapore và đến ngày 7 tháng 6 năm 1946 nó bị quân Anh đánh đắm hủy
tàu ở eo biển Malacca.
Số phận của tàu chở thủy phi cơ Chitose, nguyên là một tàu chở thủy phi
cơ được hạ thủy vào năm 1936, nó được cải biến thành một tàu sân bay
hạng nhẹ vào năm 1943. Nó bị đánh đắm trong Trận chiến vịnh Leyte vào
ngày 25 tháng 10 năm 1944 khi tham gia chiến dịch Sho ichi Go, Chitose
nằm trong lực lượng “chim mồi” do Đô Đốc Ozawa chỉ huy, Chitose bị
đánh chìm bởi ngư lôi trong đợt tấn công thứ nhất của Lực lượng Đặc
nhiệm TF 38 do máy bay cất cánh từ tàu sân bay Essex ngoài khơi mũi
Engano. Ngoài ra còn một chiếc tàu nữa cũng mang tên Chitose nhưng là
tuần dương hạm. )
Tin nầy thật đáng buồn. Vợ tôi thuộc gia đình lương thiện, tôi chắc nàng
không quen với “cái loại” nầy. Để giải buồn tôi uống liên tiếp nhiều ly sa
kê.
Có một gói hàng do người bạn thâm niên nhứt của tôi hiện sống ở Osaka
gởi đến. Trong đó là một cái áo lót với 1.000 mảnh vãi đủ màu sắt được
khâu lại bằng tay. Theo cổ tục, cái áo lót nầy đối với người Nhựt chẳng
khác nào lá bùa hộ mạng chống được vũ khí của kẻ thù. Trong thơ, bà vợ
của bạn tôi cho biết bà ta đã đứng ở một góc phố để nài nĩ 999 người đàn bà
khác mỗi người cho một mãnh vải. Cảm kích tôi mặc ngay chiếc áo lót vào
mình cho dù tôi không tin tưởng cổ tục dị đoan nầy.

4
Vào tháng Giêng năm 1942, tôi tham dự cuộc đổ bộ East Indie (một
nhóm đảo thuộc Hòa Lan), để hổ trợ cho các cuộc hành quân đổ bộ ở
Menado và Kendari. Cả hai cuộc đổ bộ đều không gặp chống đối quan
trọng nào của hải quân phòng thủ địa phương, nhưng khả năng không yểm
nghèo nàn của chúng tôi là một điềm xấu báo trước tương lai, hải quân Nhật
không đủ phi cơ để bao che các cuộc đổ bộ, và chúng tôi nhận thấy một số
phi cơ được lái bởi những tay mơ. Không được huấn luyện đúng mức,
những phi công kém khả năng nầy thường báo cáo chiếc “tầu ma”. Oanh tạc
mấy con cá voi mà họ tưởng lầm là tiềm thủy đỉnh, và còn bắn rơi cả vận tải
cơ bạn trong lúc xảy ra các cuộc không chiến hổn loạn.
Tôi lại gặp thêm một vố không hài lòng nữa trong việc săn đuổi một
tiềm thủy đỉnh. Vào đêm 31 tháng Giêng, trong khi hộ tống đoàn tàu
chuyển vận quân đổ bộ lên đảo Ambon ở vịnh Bill, với đèn pha, toi phát
hiện dấu vết một tàu ngầm xuất hiện trên biển. Ba quả đạn nổ ngầm được
thả xuống nhưng không trunsng, và chiếc tàu ngầm cao bay xa chạy.
Tiếc rẽ, tôi báo hiệu sự thất bại của chúng tôi cho các chiến hạm khác,
cho biết chiếc tàu ngầm có thể chưa bị tổn hại, và vì đó, không chừng nó sẽ
quay trở lại. Mồ hôi tôi tươm suốt hai tiếng đồng hồ. Tôi lo ngại tiềm thủy
đỉnh địch sẽ chọn mục tiên dễ dàng nhất là các chuyển vận hạm chở quân
nặng nề chậm chạp để tấn công. Chúng tôi tăng cường thêm máy sonar để
theo dõi, nhưng không còn phát hiện dấu vết của chiếc tàu lặn đâu nữa. Tuy
vậy sự bồn chồn lo lắng của tôi cho đến 1 giờ khuya mới hết, tức là lúc
đoàn tàu của chúng tôi đã đến điểm đổ bộ.
Cuộc đổ bộ bắt đầu vào lúc 1 giờ 20 khuya ngày 1 tháng 2, và không hề
có bất kì một cuộc pháo kích nào của các chiến hạm Nhật để dọn đường
trước đó. Việc nầy không theo đúng sự sắp xếp. Sau khi chúng tôi tấn công
chiếc tàu ngầm thì thế nào địch quân cũng biết và đã báo động toàn thể. Tôi
nghĩ trong tình trạng đó, nếu cuộc đổ bộ không được dọn đường trước là
một việc vô lý.
Tuy nhiên, không có lịnh pháo kích nào được soái hạm ban ra. Sau đó
Đề Đốc Tanaka có giải thích với tôi sỡ dĩ ông bỏ qua không dọn đường cho
cuộc đổ bộ là vì ông đo lường sự yếu kém của địch quân, cho dù họ có
chuẩn bị trước đi nữa, Tanaka cũng cho biết một lí do khác đó là việc “tiết
kiệm đạn càng nhiều càng tốt”. Lý do nầy chắc khiến người Mỹ buồn cười,
nhưng đó là một sự thật không thể chối cải. Trong việc theo đuổi cuộc chiến
vĩ đại đó, hai chữ “tiết kiệm” luôn luôn được nhắc nhở bên tai chúng tôi.
Lúc ấy chúng tôi đã lấy làm “khó hiểu” khi biết Hoa Kỳ đã dội bom xối xả
và pháo kích như mưa để dọn đường cho các cuộc đổ quân của họ.
Các xạ thủ hải quân được huấn luyện tác xạ với các quả đạn pháo thông
thường. Loại đạn tầm hướng, như Hoa Kỳ đã sử dụng, chúng tôi hoàn toàn
không có, và việc nầy cũng là lý do không chính xác của chúng tôi trong
khi tấn công tiềm thủy đỉnh.
Lực lượng đổ bộ, như tôi dự liệu, đã bị hỏa lực từ đất liền của địch quân
chận đứng ngay trên bãi biển. Trung tá hải quân Konosuke Ieki, chỉ huy
cuộc đổ bộ, đã báo cáo vào lúc 2 giờ khuya: “chúng tôi bị chận đứng hẳn và
cuộc đổ bộ khó xúc tiến.” Nhưng ông không yêu cầu oanh kích dọn đường.
Trên đài chỉ huy của chiếc Amatsukaze, tôi lồng lộn với nổi bực tức.
Tình thế tồi tệ mọi phương diện. Cuối cùng, lúc 3 giờ 20, lực lượng đổ bộ
cho biết đầu cầu đã được thiết lập an toàn. Nhưng lại thêm rắc rối đang chờ
họ phía trước. Lúc 5 giờ sáng: “ Hỏa lực địch quân từ các công sự kiên cố
chụp lên hai bên cạnh sườn chúng tôi.”
Và liền ngay đó, báo cáo cho biết Trung Tá Ieki đã đền nợ nước. Thật
đáng buồn cười. Tại sao ông lại chết như vậy? Một cuộc oanh kích và hỏa
lực yểm trợ sơ khởi của các tàu chiến sẽ tiết kiệm được đời sống của ông ta
và nhiều người khác nữa. Ngu dốt! Ngu dốt!
Tiếp theo sau tin buồn này là lịnh của Đô Đốc Raizo Tanaka: “ Tất cả
các tàu hộ tống tiến vào bờ để nhặt thương vong.”. Amatsukaze “lãnh
được” 30 xác chết và 90 người bị thương. Trong khi cuộc chiến đấu trên bộ
không có lối thoát. Hiện thời chiến hạm không thể nào khai hỏa vì tình
trạng hổn đấu của đôi bên. Cuối cùng, vào sáng hôm sau, thủy phi cơ từ
chiếc Chitose được thả xuống và cất cánh đến tấn công các công sự kiên cố
của địch. Không có một chiến đấu cơ hoặc oanh tạc cơ nào của các hàng
không mẫu hạm Hiryu và Soryu xuất hiện. Tôi không thể nào hiểu nổi tại
sao lại có sự khiếm khuyết phối hợp hành động như vây.
Các thủy phi cơ cất cánh mỗi lần 6 chiếc, do các phi công giỏi lái, đã tấn
công chính xác các vị trí đặt súng của địch quân. Sau đó, thủy phi cơ của
chúng tôi nghinh chiến với các oanh tạc cơ của địch quân bay đến từ East
Indie và bắn hạ được hai chiếc. Nhựt không thiệt hại chiếc nào. Hai trăm
quân phòng thủ Úc Đại Lợi – Hòa Lan, đã đầu hàng vào buổi chiều đầu tiên
của cuộc đổ bộ, tức ngày 1 tháng 2 năm 1942, và tất cả đều bị bắt làm tù
binh. Quân phòng thủ bị bắt cho biết họ có gài 70 quả thủy lôi tại hải cảng
chánh ở phía Bắc của đảo Ambon. Suốt một tuần, các trục lôi hạm của
chúng tôi đã lãnh nhiệm vụ vớt những quả thủy lôi nầy. Ba chiếc đã chạm
phải thủy lôi và chìm chung với toàn thể thủy thủ đoàn.
Hai ngày sau cuộc đầu hàng, một chuyển vận hạm Nhựt chạy gần hải
khẩu đã báo hiệu: “Tàu đang bị tấn công bằng thủy lôi từ hướng biển”.
Nhưng rất may là không có trái thủy lôi nào trúng mục tiên, dù vậy chúng
tôi vẫn náo động, và khu trục hạm của tôi được phái đi lập tức. Tôi đoán các
trái thủy lôi có lẽ do chiếc tiềm thủy đỉnh đã thoát khỏi tay tôi ba ngày trước
đây phóng ra. Tôi quyết tìm cho ra và đánh chìm chiếc tàu nầy.
Năm tiếng đồng hồ, Amatsukaze đã lướt trên mặt biển với tốc độ 11 hải
lý. Nếu tàu chạy nhanh hơn, các máy sonar của chúng tôi sẽ vô hiệu, nhưng
chạy chậm như thế nầy thì lại là miếng mồi ngon đối với tiềm thủy đỉnh,
cho dù một chiếc khu trục hạm được võ trang mọi loại vũ khí chống tàu
ngầm hữu hiệu nhứt. Tôi nghĩ đó là lí do khu trục hạm Sagiri bị một tiềm
thủy đỉnh đánh chìm gần Borneo vào tháng 12 vừa qua.
Nhưng một khi chạy chậm chạp để theo dấu đối thủ, một khu trục hạm
luôn luôn đề phòng. Vì vậy, nếu bất kì một tiềm thủy đỉnh nào bị hấp dẫn
bởi tốc độ đầy quyến rũ của Amatsukaze tôi sẵn sàng tiếp đón. Nhưng
chúng tôi không tìm thấy dấu vết nào cho đến khi giờ thứ năm chậm chạp
trôi qua, tình thế bổng nhiên sôi động bất ngờ.
Lúc 9 giờ 31 tôi, một nhân viên sonar mừng quýnh la lên: “Tàu ngầm!
Cách 2.400 thước, ở 10 độ tả mạn.”
Tôi ra lịnh: “Mọi người vào vị trí chiến đấu! Chuẩn bị thủy lôi nổ ngầm!
Tám trái! Độ sâu 50 thước.”
Sĩ quan sonar nói một câu có ca có kệ theo nghề nghiệp: “ Tiềm Thủy
Đỉnh địch cách 1.800 thước, 40 độ tả mạn.”
Hướng tiến của Amatsukaze được điều chỉnh theo gốc độ mới. Lúc 9 giờ
53, sĩ quan sonar kêu lên đầy thất vọng: “Mất dấu chiếc tàu”
Tin nầy gây nên một sự yên lặng kỳ lạ. Tôi đoán ngay là chiếc tiềm thủy
đỉnh đã biến vào một góc mù, và hai chiếc tàu đã cùng chạy một hướng.
Trong thời gian nầy, các máy dò tàu ngầm của người Nhựt hoạt động
dựa trên nguyên tắc phát hiện ra các luồng sóng âm thanh và tính ra khoảng
cách của mục tiêu qua các luồng sóng dội lại. Phương cách nầy không đủ
bén nhạy để bắt tiếng động do các máy móc tàu ngầm tạo ra.
Trong đầu tôi lúc ấy tràn ngập các bài toán về trắc giác và khoảng cách.
Tôi ngẩm nghĩ: “Chiếc tàu ngầm bây giờ phải ở 180 độ, di chuyển 9 hải lý,
cách 1.000 thước và sâu khoảng 30 thước.”. Tôi ra lịnh gia tăng tốc độ của
Amatsukaze lên 21 hải lý và liếc nhìn đồng hồ đeo tay. Tôi vẻ ngay đường
cong di chuyển của hai chiếc tàu trong trí. Lúc 9 giờ 68 phút, 8 trái thủy lôi
nổ ngầm được phóng ra khi tôi tin chiếc tiềm thủy đỉnh đang nằm ngay phía
dưới.
Chiếc Amatsukaze giảm tốc độ và xoay lại, và một loạt thủy lôi khác
được thả xuống. Trong đêm tối, mùi dầu diesel bổng bốc lên nồng nặc,
nhưng chúng tôi không thể nhìn thấy một vật gì cả.
Mùi dầu bốc lên mạnh mẽ hơn. Chúng tôi biết rõ chiến thuật xông hương
của các tiềm thủy đỉnh khi bị tấn công. Trong khi lẩn tránh, các tàu nầy
thường xả dầu ra, nhằm đánh lừa những kẻ săn đuổi ngở rằng chúng đã bị
đánh chìm. Suốt hai tiếng đồng hồ, chúng tôi quần nát khu vực, nhưng
chẳng tìm thấy dấu vết nào.
Bốn ngày trôi qua, không hề có một tin tức nào khác về chiếc tàu nầy.
Hiển nhiên là tôi đã ghi được một “điểm thẳng”. Tôi nhận thấy có rất ít thực
tế trong cuộc chiến gây được sự phấn khởi. Tôi đã học hỏi khác nhiều trong
cuộc hành quân Ambon.
Vào ngày 9 tháng 2, trong nhiệm vụ hộ tống chuyển vận hạm Kirishima
Maru và di tản một số thương vong của các trận đánh Ambon, tôi trở lại
Davao, chuyến đi êm ả.
Davao hoàn toàn yên tỉnh. Những cuộc xung đột ở Phi Luật Tân hiện tại
giới hạn ở bán đảo Bataan, và đảo Corregidor. Các mặt trận khác kéo xa về
hướng Nam. Hơn một tháng, Davao chẳng thấy bóng dáng phi cơ địch nào.
Hàng đống thơ từ của gia đình đang chờ đợi chúng tôi. Trong số cũng có
nhiều kiện hàng và những “món quà êm ái” của một số thân thuộc và bạn bè
dân sự ở quê hương gởi đến.
Khi về đến Davao, lần đầu tiên trong suốt 20 ngày, tôi được tắm rữa một
bữa thỏa thích. Khi một khu trục hạm đang thi hành nhiệm vụ, kể cả Hạm
Trưởng cũng không dám xài phí nước nôi. Sau khi ra lịnh cho thủy thủ tự
do tắm rửa, tôi trở vào cabin nằm một cách thoải mái. Gian hàng trên tàu
cũng được mở cửa để bán rượu, kẹo và vật dụng linh tinh khác cho thủy
thủ. Thủy thủ được chỉ được phép mua và uống rượu mạn trên tàu với sự
ưng thuận của hạm trưởng.
Cho dù phòng ngủ của tôi nhỏ bé, nhưng vẫn là chổ tốt nhứt trên tàu.
Gian phòng rộng không đầy 4 thước vuông trám đầy một cái giường ngủ,
một bàn tròn nhỏ, một bàn rửa mặt, một tủ quần áo, một ghế bành và một
ghế đẩu. Trên bàn đặt một tấm ảnh toàn thể gia đình tôi.
Murata, một thủy thủ trẻ đến giao thơ cho tôi kèm theo nhiều gói hàng
nhỏ khác. Tôi hỏi: “Anh có nhận được thơ không, Murata?”. “Dạ có, thưa
hạm trưởng.” Hắn hớn hở chào tôi và quay bước.
Tôi xem một lá thơ do vợ tôi gởi đề ngày 4 tháng giêng. Nàng cho tôi
biết các con và nàng vẫn vui mạnh. Tuy nhiên, câu tái bút nàng báo cho tôi
một tin khá phiền “Hôm kia, em dẫn các con lên Đông Kinh để thăm bà
con, khi em trở về nhà ở Kamakura thì thấy cửa đóng, và người tớ gái đã
biến mất với một số đồ đạc có giá trị của chúng ta.”
Thơ của người anh báo một tin buồn khác. Con trai trưởng của anh tôi,
Shigeyoshi Hashimoto, 25 tuổi, một sĩ quan phục vụ trong Sư Đoàn 4 Bộ
Binh, đã chết vì bịnh lao vào tháng 12. Đứa cháu nầy đã được tôi đặt nhiều
hi vọng. Tôi nhắm mắt và cầu nguyện cho linh hồn của nó. Xúc động sâu
xa, tôi không xem thơ nữa, sau khi uống thêm vài ly rượu, tôi thả bước lên
đài chỉ huy. Hôm nay là một ngày đẹp trời.
Hải cảng đẹp mắt dưới ánh nắng rực rở của miền nhiệt đới. Viên sĩ quan
đang ngồi nhìn lên bờ biển mơ màng. Hắn đứng dậy chào tôi. Tôi nói: “Hảy
bảo cho mọi người biết tôi “xả tàu” ngày mai. Thủy thủ sẽ lên bờ mỗi nhóm
3 người và được ba giờ tự do.”
Đôi mắt viên Đại úy ánh lên nổi thích thú và lập tức loan truyền tin vui
nầy. Suốt 50 ngày qua, không một ai trong số 300 thủy thủ của tôi được lên
bờ, thành thử lịnh của tôi đã được đón nhận một cách ồn ào.
Tôi trở về cabin và mở một lá thơ khác. Bức thơ nầy đến từ Kure, nhưng
tên người ngoài phong bì hoàn toàn xa lạ đối với tôi. Thơ viết: “Tôi là
Hinaniku, một trong những vũ nữ hành nghề tại hộp đêm mà trước chiến
tranh ông thường lui tới.” Tôi kêu trời. Tôi, một người cha của ba đứa trẻ,
chắc chắn không bao giờ liệu trước một bức thơ tình của một vũ nữ như thế
nầy. Bức thơ tràn ngập những lời lẽ yêu thương tầm thường, chỉ có câu kết
thúc đáng lưu ý: “Bà chủ hộp đêm luôn luôn nhắc với tôi về việc ông, vì ra
đi bất thình lình, nên đã quên thanh toán khoảng tiền thiếu. Lúc nào thấy
thuận tiện, xin ông gởi trả số tiền nầy, chúng tôi rất lấy làm hân hạnh.” Dĩ
nhiên câu nầy khiến tôi đỏ mặt. Tôi chán tôi vô cùng. Bổng nhiên tôi muốn
say, và tôi hạ gục thêm một chai sa kê nữa.
Gói hàng cuối cùng từ Hiroshima gởi đến, tôi đoán biết là một “món quà
êm ái” do chữ viết non nót của người gởi. Học sinh Nhật Bản thường gởi
những món quà nhỏ và một vài giòng chữ cho các quân nhân ở tiền tuyến
mà chúng chưa hề quen biết. Món quà của tôi gồm một bức ảnh chụp thắng
cảnh ở Hiroshima, một bức họa do chính tay người gởi vẻ, một số phong bì
và giấy viết thơ, và kèm theo mấy dòng chữ: “Em là một nữ sinh 9 tuổi ở
Hiroshima. Tất cả chúng em ở đây đều chăm học. Vì lợi ích của tổ quốc,
chúng em thành tâm cầu chúc ông sẽ cố gắng chiến đấu.”
Đây là bức thơ duy nhất gây cho tôi sự xúc động thật sưh. Tôi thôi uống
rượu và bắt đầu viết thơ trả lời cho cô bé không quen biết ở Hiroshima: “
Cô bé thân mến của tôi. Tôi cảm ơn em rất nhiều về món quà mà em đã gởi
tới cho tôi. Tôi là hạm trưởng của một khu trục hạm. Tôi hân hoan và sung
sướng nhận lời cầu chúc của em.”
Ngày hôm sau tôi lên bờ cùng với nhóm thủy thủ được tự do ba tiếng
đồng hồ đầu tiên. Thật dễ chịu khi nhìn thấy phố xá Davao không bị chiến
tranh tàn phá. Thủy thủ của tôi vầy đoàn với những thủy thủ của các tàu
khác đang buông neo trong hải cảng. Các bà nội trợ Nhật trong thành phố
đã lập ra nhiều địa điểm tiếp đãi binh sĩ đồng hương với hàng chữ: “Xin tự
tiện dùng trà và café. Quà mọn của những người đồng hương với các bạn.”
Người Phi Luật Tân cũng dạo chơi nhàn nhã trên các đường phố. Trai
thanh gái lịch ăn mặc chải chuốc đi lại dập dìu. Tuy nhiên, tôi đã chú ý và
ngạc nhiên khi thấy tất cả đều đi chân không. Trên đường phố Nhật Bản
không người nào đi chân không cả, dù giàu hay nghèo ai ai cũng mang giày
hoặc guốc. Cảnh trước mắt lạ lùng đối với tôi.
Các rạp hát đều chiếu mấy cuốn phim mới nhứt của người Mỹ. Tôi chú ý
hàng chữ trên tấm biển treo trước một vài căn nhà dọc theo đường phố:
“Trung Tâm giải trí của quân đội Nhật Bản ”. Nhiều thủy thủ và binh sĩ
đứng nối đuôi phía dưới những căn nhà nầy. Đây là những ổ điếm của
người Nhựt, Triều Tiên và Okinawa đã di chuyển theo chân quân đội Nhật,
Tôi nhận thấy đám đông đang xếp hàng có vẽ hơi khó chịu, hiển nhiên là
do sự hiện diện của tôi. Tôi nói với viên Đại Úy đi cùng với tôi: “Cứ tự tiện
ở đây. Tôi phải đến Tổng Hành Dinh. Trưa tôi sẽ gặp lại anh. Hãy thận
trọng, mấy ông sếp lớn của chúng ta đang có mặt ở bến tàu.”
“Dạ, dạ thưa Trung Tá,” Viên Đại úy mỉm cười.
Khi tôi bỏ đi, nhóm lính phía sau la to một cách vui vẻ: “Hoan hô! Hạm
trưởng của chúng ta muôn năm!.”

5
Vào ngày 27 và 28 tháng 2 năm 1942, tôi tham dự trận đánh ở biển Java.
Đây là một trong vài trận hải chiến quan trọng hồi đệ nhị thế chiến, được
xem là vang danh, nhưng không hề có một chiến đấu cơ nào tham chiến. Vì
vậy, trận hải chiến nầy đáng được mô tả và phân tích đầy đủ.
Đã có nhiều quyển sách của các tác giả Đồng Minh cũng Nhật Bản viết
về câu chuyện nầy. Hầu hết các quyển sách của Đồng Minh được viết gấp
rút ngay sau khi chiến tranh kết thúc, nên các tác giả hình như đã vượt quá
giới hạn của chứng liệu lịch sử và sự khách quan. Còn về phía Nhật Bản
cũng chẳng hơn gì, các quyển sách được viết ra đều gây cảm giác không
trung thực và chính xác. Nhưng một phần khác là do các chỉ huy trưởng bại
trận và thối chí, họ không đủ can đảm cung cấp những chi tiết khách quan
của các trận đánh mà họ đã tham gia.
Hầu hết các sĩ quan chỉ huy chiến hạm Đồng Minh tham dự cuộc hải
chiến ở biển Java đều đã chết trận, vì vậy khó thể thâu thập được tất cả chi
tiêu bên phía Đồng Minh.
Đề đốc Takeo Takagi, Tư Lịnh Nhựt trong cuộc hải chiến nầy, đã thiệt
mạng ở Saipan vào năm 1944. Hai sĩ quan trong bộ tham mưu ông còn sống
sót, đó là Tham Mưu Trưởng của ông, Đại Tá Nagasawa, hiện là Thủy Sư
Đô Đốc, Tổng Tư Lịnh Tân Hải Quân Nhật Bản, và phụ tá của Nagasawa là
Thiếu Tá Kotaro Ishikawa từng là sĩ quan tình báo của Takagi. Trước khi
viết chương nầy tôi đã đến gặp và thảo luận khá lâu với hai nhân vật nầy
cũng như một số người còn sống sót có liên quan đến trận đánh ở biển Java.
Trong trận đánh nầy, thoạt đầu lực lượng Đồng Minh bao gồm ba tuần
dương hạm hạng nặng, hai tuần dương hạm hạng nhẹ và 11 khu trục hạm cố
gắng bao vây và tiêu diệt 41 chuyển vận hạm chạy chậm chạp vì chở cả một
sư đoàn bộ binh, và các tàu hộ tống của Nhựt, gồm 10 khu trục hạm và 2
tuần dương hạm hạng nhẹ. Ngoài ra Nhựt còn có hai tuần dương hạm hạng
nặng được cắt đặt trong cuộc chuyển vận nầy, nhưng cả hai chỉ lẻo đẻo cách
phía sau 150 dậm.
Với tất cả lợi thế và lực lượng vượt trội, nhưng Đồng Minh không đánh
chìm được một chiếc tàu nào của Nhựt. Theo ý kiến của tôi thì tinh thần là
yếu tố thực sự quyết định cuộc đụng độ nầy, và có thể lấy yếu tố nầy để so
sánh với cuộc đụng độ ở Vịnh Leyte vào tháng 10 năm 1944 sau nầy, Tư
Lịnh Phó Đô Đốc Takeo Kurita, đã đóng một vai trò giống hệt như vai trò
mà Hạm Đội của Đề Đốc Hòa Lan K.W.F.M Dorman đã đóng trong trận
đánh ở biển Java.
Ở vịnh Leyte, Phó Đô Đốc Kurita đã dồn hẳn bốn hàng không mẫu hạm
của Đồng Minh vào rọ và ông chỉ còn giơ tay đấm xuống nữa là xong.
Nhưng chỉ vì một chút ngần ngừ, ông đã mất dịp may bằng vàng. Đó là
những gì mà hạm đội Đồng Minh đã vấp phải ở Java.
Kurita đến Leyte với sự quyết tâm, nhưng đồng thời ông cũng ý thức là
ông không hề có một cơ may nào chiến thắng trước lực lượng ưu việt của
địch quân. Đó là nguyên nhân gây ra sự ngần ngừ khi ông giơ cú đấm để
giáng xuống.
Vào tháng 2 năm 1942, một không khí tuyệt vọng bao trùm các sĩ quan
Đồng Minh ở Surabaya. Họ thấy có ít hoặc không có dịp may tồn tại. Mười
lăm tàu chiến thuộc Hạm Đội Đồng Minh vô đây vá víu lại các vết thương,
và tất cả đều biết số phận thực sự được định đoạt trong vòng một tuần lễ,
khi quả đấm cuối cùng của Nhựt giáng xuống.
Các vị chỉ huy Đồng Minh nhớ lại cuộc tấn công Trân Châu Cảng và hai
chiếc Prince of Wales và Repulse bị đánh chìm hai tháng trước đó. Thoạt
đầu họ không tin những gì mà họ nghe được. Nhưng sự thật vẫn là sự thật.
Tân Gia Ba rơi vào tay Nhật và cuộc xâm chiếm toàn thể lãnh thổ Phi Luật
Tân chỉ còn ngày một ngày hai. Lực lượng Nhật Bản cuồn cuộn lướt về
phía Nam. Đồng Minh bỏ hết tiền đồn nầy đến tiền đồn khác.
Họ biết Lực Lượng Đặc Nhiệm hùng hậu của Hải Quân Hoàng Gia, dưới
quyền của Phó Đô Đốc Chuichi Nagumo, đã di chuyển đến các hải phận
Nam Thái Bình Dương. Trước mặt họ lực lượng nầy chẳng khác nào một
siêu hạm đội khổng lồ. Họ không có cách nào để biết sứ mạng thực sự của
Nagumo, và có tất cả đến bao nhiêu hàng không mẫu hạm dưới quyền của
ông ta, cũng mù tịt. Phần lớn sự bối rối lan tràn trong hàng ngủ sĩ quan địch
quan có lẻ do việc không thể đoán được phi cơ Nhật Bản đã xuất phát từ
các hàng không mẫu hạm hay là các sân bay trên đất liền.
Những cuộc không tập ồ ạt ở Phi Luật Tân, xảy ra vài giờ sau cuộc tấn
công Trân Châu Cảng, được địch quân tin tưởng đã xuất phát từ hàng không
mẫu hạm. Sự thật, phi cơ Nhật cất cánh từ Formosa. Một loạt oanh tạc trên
đảo Java là do phi cơ ở các sân bay Jolo, Balikpapan và Kendari, nhưng các
sĩ quan Đồng Minh ở Surabaya lại cho rằng những phi cơ nầy xuất phát từ
các hàng không mẫu hạm ở Java.
Vào ngày 1 tháng 12, một lực lượng đặc nhiệm nhỏ của Hoa Kỳ đã tấn
công đảo Marshall. Từ Truk, lực lượng đặc nhiệm của Nagumo cấp tốc
vượt 1.500 dậm hướng về Marshall. Đồng Minh nghe tin nầy đã cho rằng
con đường tấn công vào lãnh thổ Nhật đã quang đãng, vì vậy bốn tuần
dương hạm và bảy khu trục hạm của họ tiến đến Balikpapan, hy vọng gây
“sửng sốt” cho Nhật Bản.
Thời gian nầy Nhật Bản không ngủ quên. Vào ngày 4 tháng 2, từ
Formosa, 69 oanh tạc cơ và chiến đấu cơ Nhựt cất cánh chận đường và
nhào xuống xâu xé các chiếm hạm Đồng Minh ở Kendary. Các chiến hạm
nầy lê lết trở về Surabaya. Đồng Minh choáng váng và tin rằng những phi
cơ tấn công xuất phát từ các hàng không mẫu hạm Nhựt. Biến cố nầy là một
thảm kịch đối với họ.
Một biến cố khác, khó thể xảy ra đối với xét đoán của Tổng Hành Dinh
Surabaya, nhưng vẫn xảy ra trên đầu họ. Vào ngày 19 tháng 2, tin tức tình
báo của Đồng Minh cho biết Lực Lượng Đặc Nhiệm của Nagumo đang tiến
về Marshall, bổng nhiên xoay hướng về Úc Đại Lợi. Nhưng sáng hôm đó,
Nagumo đã tung 188 oanh tạc cơ và chiến đấu cơ tấn công hải cảng Darwin
ồ ạt.
Vào buổi trưa cùng ngày, 23 chiến đấu cơ Nhựt gầm thét trên không
phận Surabaya và bắn rơi 40 chiến đấu cơ của Đồng Minh, hầu hết là loại
P36, trong một trận không chiến ngắn ngủi. Cho dù nhân viên tình báo nằm
vùng của Đồng Minh ở Balikpapan đã báo cáo chính xác rằng các phi cơ
hải quân Nhựt đã vượt 450 dậm từ các sân bay ở Formosa đến Surabaya, sĩ
quan Đồng Minh ở đây vẫn không tin. Họ luôn luôn cho rằng các phi cơ đã
cất cánh từ các hàng không mẫu hạm.
Buổi chiều cùng ngày, một số oanh tạc cơ Nhật lại cất cánh từ Kendary
bay đến dội bom một phi trường bí mật của địch quân ở Djombang, gần
Surabaya, hủy diệt hàng chục oanh tạc cơ và chiến đấu cơ P40, những con
trâu cổ của Hoa Kỳ, và chiến đấu cơ Hurricane của Anh.
Các phi cơ chiến đấu của Nhựt đã nhanh chóng gặt hái được sự “ngưỡng
mộ và kính nể” của địch quân. Khi phi cơ Nhựt đã ra tay thì không nạn
nhân nào thoát khỏi, và ngay cả các chiến hạm “kiêu hãnh nhứt” của người
Anh. Và, như các chiến hạm Anh, số phận của các tàu ở Surabaya không
biết được định đoạt lúc nào.
Rút kinh nghiệm nầy, các sĩ quan chỉ huy ở Surabaya đã đắn đo trên các
tin tức tình báo mới nhứt của họ vào ngày 20 tháng 2, cho biết hai đoàn tàu
chuyển vận khổng lồ của Nhựt đang hướng về Java. Sự thật, vào ngày 19
tháng 2, 41 chuyển vận hạm với 20 hộ tống hạm Nhựt rời Jolo tiến đến
Surabaya. Hai ngày trước đó, một đoàn tàu khác gồm 56 chuyển vận hạm
với 15 hộ tống hạm rời vịnh Cam Ranh, Việt Nam, trực chỉ Tây Java.
Như vậy, Bộ Tư Lịnh Tối Cao Đồng Minh ở Surabaya đang trong cơn
hấp hối. Nếu các chiến hạm Đồng Minh xuất phát tấn công một trong hai
đoàn tàu nầy thì họ có thể đạt kết quả. Nhưng họ không thể nào còn đủ khả
năng để ngăn chặn đoàn tàu còn lại. Tuy nhiên, yếu tố rắc rối nhứt đối với
họ là làm cách nào để đoán đúng sức mạnh của Lực Lượng Đặc Nhiệm
Nagumo. Với hạm đội Đồng Minh không có sự bao che của không quân,
Nagumo có thể vung búa đập xuống bất cứ lúc nào. Đồng thời, phi cơ Nhựt
cũng có thể đến và đi như chổ không người.
Nhưng vào ngày 17 tháng 2, tại Bộ Tư Lịnh Tối Cao, Đô Đốc Isoruku
Yamamoto, Tổng Tư Lịnh Hạm Đội Hổn Hợp Hoàng Gia, đã mở một phiên
họp với Bộ Tham Mưu của ông trên soái hạm Nagato, đậu ở Hashirajima,
gần Kure, miền Trung nước Nhựt. Kết quả phiên họp nầy, Yamamoto đã ra
lịnh cho Nagumo xoay hướng và tiến về hải cảng Darwin, không truy đuổi
lực lượng nhỏ bé của Hoa Kỳ nữa. Ông nói: “chúng ta phải giữ các mỏ dầu
và các nguồn tài nguyên khác ở quần đảo East Indie (các hòn đảo thuộc
Hòa Lan đã bị Nhựt chiếm giữ). Việc nầy ưu tiên hơn việc theo đuổi các lực
lượng nhỏ bé của Hoa Kỳ.
Chắc chắn kế hoạch hành quân Midway đã nằm sẵn trong trí của
Yamamoto vào lúc ấy. Bộ Tham Mưu của ông đã nghiên cứu tất cả các dữ
kiện tình báo và phúc trình lên ông, Yamamoto kết luận rằng hạm đội của
Đồng Minh ở Surabaya “không đe dọa trầm trọng” các hoạt động của Nhựt.
Và ông ra lệnh cho hai đoàn tàu mỗi đoàn chuyển vận một sư đoàn bộ binh
ngừng lại. Yamamoto chủ trương: “Hành quân đổ bộ không đòi hỏi phải có
sự trợ của một lực lượng đặc nhiệm quan trọng.”. Do đó, vào ngày 19 tháng
, Nagumo đã vượt thủy trình 220 dậm tiến về phía Bắc hải cảng Darwin.
Vào ngày 20 tháng 2, Yamamoto lại mở một phiên họp tham mưu khác,
và đưa đến quyết định: Hạm Đội Đồng Minh “hoàn toàn mất tinh thần” và
“không hy vọng tạo được một hành động quan trọng nào”. Yamamoto bải
bỏ hẳn kế hoạch sử dụng phi cơ ở sân bay trên đất liền để làm cây dù bao
che cho những cuộc chuyển vận của Nhựt mà ông đã từng đưa ra trước đây.
Nagumo lại được lịnh đến Ấn Độ Dương để “nhận chìm chiến hạm của
Đồng Minh từ Surabaya thoát ra.”
Sự khinh thường đối thủ nầy ít nhứt cũng đã khiến cho đoàn tàu chuyển
vận, với khu trục hạm của tôi nằm trong thành phần hộ tống, lâm vào tình
cảnh ngặt nghèo.
Đoàn tàu 41 chiếc chia làm 2 nhóm, mỗi nhóm cách nhau 2.000 thước,
và mỗi chiếc cách nhau 600 thước di chuyển với tốc độ 10 hải lý theo hình
chữ chi. Cách 3.000 thước phía trước hai đoàn tàu là bốn khu trục hạm
giăng hàng ngang. Cách nhau 3.000 thước phía sau, cũng giăng hàng ngang
là ba khu trục hạm. Kế đến là tuần dương hạm Naka, cũng là soái hạm,
được hộ vệ bởi hai tuần tiểu đỉnh. Hai khu trục hạm chạy ở tả mạn và hữu
mạn, canh chừng khoảng giữa hai đoàn tàu vận chuyển dài dằng dặt nầy.
Một nhóm tàu hộ tống khác, thuộc phân đội 2 khu trục hạm, bao gồm
bốn chiếc, trong đó có chiếc Amatsukaze của tôi, cầm đầu là soái hạm
Jintsu của đề đốc Raizo Tanaka. Tất cả di chuyển ở phía tả, tách biệt hẳn
đoàn tàu chuyển vận. Nhóm khu trục hạm nầy trước đó đã tham dự vào
cuộc hành quân đổ bộ ở đảo Timor, kế cuộc hành quân Ambon, và sau đó
ngày 25 tháng Giêng, đã kết hợp với đoàn chuyển vận nầy ở Macassar.
Ngoài số tàu hộ tống vừa nói, còn hai tuần dương hạm hạng nặng Nachi và
Haguro, nhưng cả hai chạy lẻo đẻo cách 290 dậm phía sau chúng tôi.
Đoàn tàu dai 20 dậm là một hình ảnh đẹp mắt, nhưng có một việc thấy rõ
là đội hình của đoàn tàu không mấy chính xác. Điều nầy dễ hiểu, vì thủy
thủ của các tàu chuyển vận không được huấn luyện đầy đủ. Nhiều chiếc tàu
còn nhả từng bụm khói, một việc cấm kị trong lúc di chuyển. Nhiều chiếc
khác còn sử dụng cả vô tuyến để chuyển những tin tức, thay vì dùng cờ
hoặc đèn, và thỉnh thoảng lại còn vi phạm lệnh cấm bật đèn đêm.
Tuy nhiên đều lo lắng hơn hết là việc các tuần dương hạm hạng nặng lẻo
đẻo xa ở phía sau, khó thể can thiệp kịp thời trong trường hợp địch quân tấn
công mạnh mẻ, vì chỉ có chiến hạm nầy mới đủ sức để đương đầu.
Thời tiết tốt đẹp, ban ngày nắng chói chang, và ban đêm trăng sáng vằng
vặc trên mặt biển đến nỗi có thể dùng mắt thường theo dõi đoàn tàu chuyển
đang di chuyển. Các phi cơ thám thính của Nhật, phát hiện 5 tiềm thủy đỉnh
của Đồng Minh, nhưng các chiếc tàu nầy không tìm cách tấn công chúng
tôi.
Sáng ngày 16, mặt biển phía Nam Borneo yên tỉnh. Tôi thức dậy sau một
giấc ngủ ngắn hồi đêm, và chăm chú đọc báo cáo mới nhứt. Các phi cơ
thám thính và các cơ quan tình báo của chúng tôi cho biết một bãi thủy lôi
được địch quân thiết lập dọc theo bờ biển Surabaya, rất nguy hiểm cho các
tàu chở khẳm. Tin tức cũng cho biết: “Một số oanh tạc cơ B17 và chiến đấu
cơ của Đồng Minh vẫn tiếp tục được đưa đến Malang và nhiều nơi khác.”
Tình hình cho thấy sự lạc quan của chúng tôi không có gì làm vững
chắc. Lúc 8 giờ cùng ngày, một thủy phi cơ loại PBY Catalina thình lình rời
khỏi các đám mây từ hướng Đông và đâm bổ về phía tàu của tôi.
“Phi cơ địch lao đến! Khai hỏa!” Tôi la lên.
Một khẩu đại liên phòng không nhả đạn ngay khi chiếc PBY thả một trái
bom, nhưng quá sớm, và trái bom chỉ tạo một cột nước cao khoảng 500
thước phía trước tàu của chúng tôi. Chiếc phi cơ đảo cánh, gia tăng tốc lực
và biến mất trong mây. Diễn biến nhanh đến nỗi chúng tôi không đủ thời
giờ để hồi hợp.
Cuộc tấn công ít thấy xảy ra, và có vẽ vội vã bắt tôi phải suy nghĩ. Nếu
chiếc phi cơ nầy chỉ có nhiệm vụ thám thính, như nó thường được sử dụng,
thì nó không ngu dại gì xuất đầu lộ diện, và nhứt là lại nhắm thả bom vào
một chiếc khu trục hạm thay vì chọn một tàu chuyển vận dễ đạt được kết
quả hơn. Như dù thế nào, cuộc tấn công chớp nhoáng nầy cho thấy địch
quân đã biết sự có mặt của chúng tôi.
Không lâu sau, chúng tôi phát hiện một chiếc tàu lớn sơn màu trắng ở
cánh trái của đoàn tàu. Dùng ống viễn kính lớn, tôi nhận thấy đó là một tàu
bịnh viên khoảng 4.000 tấn.
Chúng tôi trương cờ ra lịnh cho chiếc tàu dừng lại để khám xét. Qua ống
viễn kính, tôi nhìn thấy một người đàn ông lớn tuổi đứng trên sân tàu, có lẽ
là thuyền trưởng của tàu bịnh viện, đang vội vã mặc đồng phục. Đôi tay ông
ta run rẩy và dáng điệu bồn chồn. Khi tàu của tôi đến gần, tôi mới biết đó là
một tàu bịnh viện của Hòa Lan mang tên Optennote.
Đại úy Goro Iwabuchi cùng sáu sĩ quan khác nhảy xuống một chiếc
xuồng và bơi đến leo lên chiếc Optennote. Một giờ sau họ quay lại báo cáo
trên tàu có 15 bác sỹ và y tá cùng với thủy thủ đoàn. Tôi xin chỉ thị, và Đề
đốc Tanaka đáp: “Ngay cả một tàu bịnh viện cũng đáng nghi ngờ trong khu
vực nầy. Mang chiếc tàu lại phía sau nhập chung với những tàu tiếp liệu của
chúng ta.”
Tôi phải bỏ cả buổi sáng để đi kèm chiếc tàu nầy. Sau khi cẩn thận trao
nó cho vị chỉ huy Hải Đội tiếp liệu, tôi gia tăng tốc độ 26 hải lý, quày lại
với nhiệm vụ hộ tống vào lúc 2 giờ 15. Một vài chiến đấu cơ Nhựt cất cánh
từ Balikpapan bay che trên tàu chuyển vận cho đến 7 giờ chiều. Mặt biển
bổng nhiên trở lạnh. Tôi rít một hơi thuốc và hỏi viên hoa tiêu của tôi khi
nào mặt trời lặn. Trung úy Toshio Koyama cho biết mặt trời sẽ lặn lúc 7 giờ
48.
Tôi quăng điếu thuốc vì nghe có tiếng súng cao xạ nổ vang. Tuần dương
hạm Jintsu đang khai hỏa. Tôi ra lịnh: “Vào vị thế chiến đấu! Không kích!”
Nhìn lên, tôi thấy hai oanh tạc cơ B17 bay trong mây, cao độ khoảng 4.000
thước. “Khai hỏa” Tôi hét lớn.
Các khẩu cao xạ 12,7 ly xoay nồng lên 75 độ, và khai hỏa, nhưng đạn
không thể chạm tới các oanh tạc cơ địch. Những loại súng nhỏ hoàn toàn vô
hiệu, nhưng tiếng nổ rền vang của chúng cũng làm cho phi cơ địch khiếp
đảm. Các oanh tạc cơ nầy chắc đến từ Java, đã thả 6 trái bom 500 cân Anh,
bốn trái rới cách hữu mạn chiếc Amatsukaze của tôi khoảng 1.500 thước, và
hai trái chỉ cách tả mạn khu trục hạm Hatsukaze 500 thước. Thả tệ như thế
là cùng.
Các oanh tạc cơ chỉ nhắm tấn công vào chiến hạm thay vì tàu chuyển
vận, điều nầy chứng tỏ chúng chỉ quyết ăn thua đủ với các khu trục hạm của
chúng tôi. Có lẽ các phi cơ nầy đã dành phần các tàu chuyển vận cho hạm
đội của chúng. Đó là một việc đáng lưu tâm.
Buổi sáng ngày hôm sau, 27 tháng 2, hoàn toàn yên tỉnh. Đoàn tàu vẫn
tiến bước. Nhưng vào lúc 11 giờ 50, ngay khi mọi người sửa soan dùng bửa
trưa, bốn trái bom bất ngờ rơi xuống. Những cột nước khổng lồ mọc lên
phía trước mũi khu trục hạm Yukikaze khoảng 200 thước và cách chiếc tàu
của tôi khoảng 300 thước.
Ngày hôm qua. Chúng tôi đã thấy các oanh tạc cơ trước khi chúng tấn
công, nhưng hôm nay thì chúng tôi hoàn toàn không hay biết gì cả. Tôi
khám phá quá trễ hai chiếc B.17 đang bay đúng trên đầu tôi ở cao độ 4.000
thước. Các pháo đài bay đã thành công trong yếu tố gây kinh ngạc cho
chúng tôi, nhưng vì quá vụng về nên chúng đã làm hỏng cả cơ hội.
Một lần nữa oanh tạc cơ chỉ nhắm vào các tàu chiến, và điều nầy khiến
tôi suy nghĩ. Tại sao chúng không dội bom tàu chuyển vận. Chỉ cần một quả
bom 500 cân Anh là có thể đánh đắm một chuyển vận hạm dễ dàng và gây
rối loạn cho cả đoàn tàu. Hiện tại, những năm sau chiến tranh, tôi vẫn tin đó
là một lỗi lầm to tát của Đồng Minh.
Nhật Bản cũng vấp phải những lỗi lầm to tát trong việc tung ra cuộc
hành quân nầy mà không có sự bao che hữu hiệu của không quân cho các
lực lượng trên biển. Nhưng lỗi lầm nầy không gây ra thiệt hại đáng kể bởi
chiến thuật của phi cơ Đồng Minh không hiệu quả và thiếu khôn ngoan.
Mười hai phút sau cuộc oanh tạc của B17, đoàn tàu xoay 90 độ tiến đến
Surabaya và ct chỉ còn cách hòn đảo nầy 60 dậm. Từ đầu chúng tôi đã tiến
thẳng về hướng Tây, có tánh cách nghi binh. Không lâu sau, một phi cơ
thám thính Nhựt xuất phát từ Balikpapan đã báo cáo: “Năm tuần dương
hạm và sáu khu trục hạm của địch quân đã rời Surabaya 63 dậm, hướng 310
độ, vào lúc 12 giờ trưa. Hiện thời lực lượng nầy xoay hướng 80 độ, với tốc
độ 12 hải lý.”
Chiếc Nachi 12.374 tấn, một trong hai tuần dương hạm hạng nặng theo
phía sau chúng tôi, lập tức cho thủy phi cơ thám thính bay đến để theo dõi
nhóm tàu của địch quân. Một việc đáng kinh ngạc theo báo cáo của phi cơ,
nhóm tàu nầy đã tiến gần và hiển nhiên nhắm vào đoàn chuyển vận hạm của
chúng tôi. Có phải địch quân mưu định tấn công? Chúng tôi chờ đợi báo
cáo của phi cơ thám thính.
Hai giờ dài dằng dặc trôi qua. Lúc 2 giờ 5, phi cơ của Nachi báo cáo một
hạm đội gồm 5 tuần dương hạm và 10 khu trục hạm (thay vì 6 như báo cáo
đầu tiên) đang tiếp tục hướng đến. Kể cả hai tuần dương hạm của chúng tôi
ở phía sau, lực lượng của địch quân vẫn còn trên chân chúng tôi. Đề đốc
Takagi ra lịnh cho đoàn tàu xoay về hướng Bắc. Cơn nóng miền nhiệt đới
vẫn không gây cho tôi cảm giác nào. Mồ hôi lạnh chảy ướt đẩm lưng tôi.
Nếu địch quân gia tăng đà tiến, họ có thể dễ dàng xé đoàn tàu của chúng tôi
ra từng mảnh và nhận chìm các chuyển vận hạm, chẳng khác nào những
con bồ câu bằng đất. Tôi cảm thấy nao núng. Nhưng tôi tự hỏi tại sao hạm
đội địch lại không tiến đến nhanh hơn. Lúc 3 giờ 10, phi cơ thám thính gởi
về một báo cáo đáng ngạc nhiên: “Hạm đội địch xoay hướng trở về
Surabaya.”
Đề đốc Takagi đứng trên đài chỉ huy của soái hạm Nachi đã cười to:
“Chẳng là tàu chiến địch rời khỏi Surabaya để tránh bị các cuộc không tập
của chúng ta dọn sạch. Địch quân không còn lòng dạ nào mưu đánh chúng
ta. Kế hoạch và thời biểu của chúng ta vẫn tiếp tục. Đoàn tàu xoay đầu về
hướng Nam.”
Lúc 4 giờ 30 chiều, một báo cáo gây kinh ngạc khác của phi cơ thám
thính: “Tàu địch lại xoay về hướng cũ, đội hình phân tán trước đó bây giờ
nhập chung làm một, gia tăng tốc độ và chay về hướng 20 độ.” Mười phút
sau lại một báo cáo khác: “Tốc độ của tàu địch là 22 hải lý, hướng thẳng về
đoàn tàu chúng ta.”
Ý định của địch quân không còn ngờ vực gì nữa. Tôi xem hải đồ và nhận
thấy tàu địch còn cách chúng tôi 60 dậm. Nếu cả hai bên chạy với tốc độ 20
hải lý thì trong một giờ rưỡi chúng ta sẽ gặp nhau.
Takagi, thình lình gắt gỏng và giận dữ, đã ra lịnh cho đoàn tàu chuyển
hướng một lần nữa. Ông cũng ra lịnh hai tuần dương hạm phía sau tung các
phi cơ thám thính lên, và các chiến hạm hộ tống dàn thành đội hình chiến
đấu. Đồng thời hai tuần dương hạm Nachi và Haguro gia tăng tốc độ để bắt
kịp đoàn tàu đi trước.
Hải đội 4 khu trục hạm chúng tôi lập tức kết hợp thành một nhóm và
chạy theo đội hình hàng dọc, dẩn đầu là tuần dương hạm Jintsu. Các chuyển
vận hạm cũng đổi hướng, chạy theo đội hình cánh quạt, nhưng vẫn với tốc
độ chậm chạp. Hầu hết các chuyển vận hạm nầy là tàu buôn bị trưng dụng
và thủy thủ đoàn không được huấn luyện nên nhìn cách lối di chuyển lộn
xộn của họ mà bực mình. Nhiều chiếc tỏ ra ngơ ngác trước các lịnh lạc thay
đi đổi lại, và không thể thi hành một cách nhanh chóng được.
Nhưng đáng giận hơn cả là việc hai tuần dương hạm Nachi và Haguro
đến chậm, vì chạy cách hàng trăm dậm phía sau. Mỗi chiếc tàu nầy võ trang
mạnh mẽ gấp mười chiếc khu trục hạm. Nếu không có chúng, tôi thấy
không có cách nào chống chọi lại lực lượng hùng hậu của địch quân. Nếu
tàu địch gia tăng vận tốc 30 hải lý, chúng sẽ đến trong nháy mắt. Nếu việc
nầy xảy ra chúng tôi sẽ làm gì?
Vào 5 giờ chiều, tình trạng lộn xộn giảm bớt khi các tàu chuyển vận đã
kết hợp thành đội hình và được các tuần tiểu đỉnh và ngư lôi đỉnh hộ tống.
Phía sau hải đội của tôi, 4 khu trục hạm khác cũng lập thành đội hình chiến
đấu. Một hải đội khác, gồm tuần dương hạm Naka và 7 khu trục hạm, được
dàn ở phía sau. Các tàu chiến Nhựt hiện tại chạy với tốc độ 24 hải lý và sẵn
sàng chiến đấu. Tôi nhìn về phía chân trời, không thấy bóng dáng hai tuần
dương hạm hạng năng của chúng tôi ló dạng. Tôi bực tức rủa thầm.
“Tàu địch” tiếng la của chuẩn úy Shigaru Iwata, trưởng canh trên đài chỉ
huy. Nhìn theo hướng anh ta chỉ, tôi thấy nhiều cột buồm nhô lên ở phía
Nam, và trong nháy mắt mọi người đều nhìn thấy rõ rệt.
Qua hình dáng cột buồm nầy, tôi biết đó là loại tuần dương hạm De
Ruyter của Hòa Lan. “De Ruyter cách xa 28.000 thước. Nó đang tiến nhanh
đến chúng ta.” Iwata nói một câu có vần có điệu theo nghề nghiệp.
Tôi xoay nhìn lại phía sau. Nachi và Haguro vẫn biệt tăm, chỉ có các tàu
chuyển vận chạy như rùa bò. Tôi ra lịnh: “Xạ thủ và nhân viên thủy lôi sẵn
sàng. Mục tiêu của chúng ta là chiếc tuần dương hạm dẫn đầu đoàn tàu
địch.”
Mọi tiến động trên khu trục hạm của tôi thình lình im bặt. Chúng tôi
đang đâu mặt với trận hải chiến qua trọng đầu tiên của chúng tôi. Tiếng của
Iwata phá vở sự im lặng: “Hạm Trưởng, nhìn kìa! Nachi và Haguro!”. Tôi
xoay lại và nhìn thấy bóng dáng được trông đợi mỏi mòn hiện lên ở chân
trời phía Đông. Cả hai tuần dương hạm đều ở cách đây thật xa, nhưng có
thể chưa muộn. Tốt. Tôi gật đầu. Lúc ấy là 5 giờ 30 chiều.
Các chiến hạm địch thình lình xoay về hướng Tây và bắt đầu chạy song
song với chúng tôi. Đây là một biến cố khó giải đoán khác. Địch quân chắc
chắn đã nhìn thấy đoàn tàu của chúng tôi, nhưng tại sao không dám thẳng
vào? Qua hướng tiến trước đó, các chiến hạm địch có thể chọn lựa các mục
tiêu một cách rộng rãi hơn trong khi chỉ nhận hỏa lực một cách giới hạn của
chúng tôi.
(Lực lượng của Đồng Minh bao gồm hổn hợp các tàu của Hoa Kỳ, Anh,
Hòa Lan và Úc: hai tuần dương hạm hạng nặng Exeter của Anh và Houston
của Hoa Kỳ, 3 tuần dương hạm hạng nhẹ De Ruyter và Java của Hòa Lan,
Perth của Úc và 9 khu trục hạm, 3 của Anh Electra, Encounter và Jupiter, 2
của Hòa Lan Kortenaer, Witte de With và 4 của Hoa Kỳ cac chiếc Alden,
John D Edwards, John D Ford và Paul Jones
Đoàn chuyển vận hạm của Nhật Bản được hộ tống bởi một lực lượng
gồm: 2 tuần dương hạm hạng nặng Nachi và Haguro, 2 tuần dương hạm
hạng nhẹ Naka và Jintsu, 14 khu trục hạm Yudachi, Samidara, Murasame,
Harusame, Minegumo, Asagumo, Yukikaze, Tokitsukaze, Amatsukaze,
Hatsukaze, Yamakaze, Sazanami và Ushio)
Với sự chuyển hướng vừa nói, địch quân cho phép chúng tôi mua thời
gian. Lúc ấy khoảng cách giữa hai lực lượng là 36.000 thước. Khi nhìn thấy
hiện tượng nầy đề đốc Takagi vui mừng: “Bây giờ các chiến hạm của chúng
ta có thể tóm lấy các chiến hạm của địch quân.” Lúc 5 giờ 46, lịnh chiến
đấu của Takagi được ban ra: “Triển khai thành ba hàng dọc, tiến về hướng
170 độ (tức hướng Nam).”
Một phút sau đó, tuần dương hạm Naka khai hỏa vào địch quân với
khoảng cách 22.000 thước, quá xa đối với các trọng pháo 140 ly. Chứng tỏ
sự bối rối, Takagi thay đổi lịnh nhanh chóng: “Giữ hướng song song với
địch.”. Tuần dương hạm Jintsu và các khu trục hạm cùng nhóm được lịnh
tách ra và di chuyển dọc theo lực lượng chánh về hướng Tây, cách khoảng
10.000 thước. Các pháo khẩu 140 ly của Jintsu khai hỏa vào chiếc De
Ruyter khi còn cách mục tiêu 18.000 thước. Phí đạn vô ích. Bốn khu trục
hạm có vẻ nôn nóng, và vẩn với khoảng cách đó các khẩu 127 ly của chúng
lên tiếng, nhưng cũng vô hiệu. Các trọng pháo 200 ly của Nachi và Haguro
xuất trận, trong khoảng cách 25.000 thước, nhưng chẳng hơn gì các đàn em.
Nhóm chiến hạm của Đồng Minh lại chạy lãng ra xa về hướng Tây Nam,
gia tăng khoảng cách với các chiến hạm của chúng tôi. Trọng pháo địch
quân bây giờ mới lên tiếng, nhưng chúng cũng không có khả năng hơn
trọng pháo của chúng tôi. Lúc 6 giờ 05, đề đốc Shoji Nishimura, tư lịnh
Phân đội 4 khu trục hạm, có vẻ như không còn kiên nhẫn trước cuộc đấu
súng vô bổ giữa đôi bên.
Tuần dương hạm Naka, soái hạm của Nishimura và 7 khu trục hạm khác
của ông cùng phóng một lượt 43 quả thủy lôi vào các chiến hạm địch, với
khoảng cách độ chừng 15.000 thước.
Các thủy lôi oxygen vũ khí kiêu hành của Hải Quân Hoàng Gia, có thể
hướng về mục tiêu cách xa 40.000 thước với tốc độ 36 hải lý. Nhưng với
khoảng cách xa như thế, loại thủy lôi khó thể hy vọng trúng các mục tiêu di
động. Những thủy lôi của Nishimura bổng nhiên nổ tung khi lướt đi một vài
ngàn thước. Không thể giải thích được tại sao chúng lại nổ? Có tể là do trục
trặc kỹ thuật, hoặc một số nầy va chạm vào một số khác gây ra tiếng nổ dây
chuyền. Lại hoang phí thêm. Nhưng ít ra tầm xa và tốc độ của những trái
thủy lôi loại mới đã này cũng đã gây kinh ngạc cho các sĩ quan Đồng Minh,
khiến cho tinh thần của họ sút giảm trầm trọng.
Sau các đợt tấn công thủy lôi của chúng tôi, các chiến hạm Đồng Minh
xoay hướng về Nam. Vào lúc 6 giờ 27, tám phi cơ Đồng Minh xuất hiện, ở
độ cao 20 dậm, hướng về phía các chuyển vận hạm của chúng tôi. Nhưng
12 chiến đấu cơ của Nhật, được chúng tôi gọi từ khi các chiến hạm tách rời
khỏi đoàn tàu chuyển vận, cất cánh từ phi trường Balikpapan và đến kịp lúc
để chận đầu tám oanh tạc cơ địch. Cả 8 oanh tạc cơ đều bị chiến đấu cơ
Nhật bắn hạ mà không kịp thả một trái bom nào.
Trời u ám, chỉ thỉnh thoảng một vài tia nắng xuyên qua các đám mây.
Hoàng hôn đến thật nhanh, và mặt trời khuất dạng hẳn vào lúc 7 giờ 50.
Vào lúc 6 giờ 33, đề đốc Takagi quyết định phải tiết kiệm đạn dược và ông
cũng đoán có thể địch quân lợi dụng đêm tối để tẩu thoát nếu trận chiến cứ
tiếp tục trong tình trạng nầy. Ông ra lịnh cho tất cả chiến hạm của ông “tiến
sát và đánh dàn mặt với địch quân”.
Hạm đội của địch quân lại xoay về phía tả và bây giờ chạy theo hướng
chánh Tây. Chiến hạm Nhật cũng xoay về hướng Tây, với các trọng pháo
bắn không ngừng nghỉ. Bốn phút sau, tuần dương hạm Exeter của Anh phát
hỏa, gây hổn loạn trong hàng ngủ địch quân. Các chiến hạm Đồng Minh bị
màn khói dày đặt che khuất hẳn. (Sau này chúng tôi biết được một quả 200
ly của tuần dương hạm Nachi hoặc Haguro đã trúng hầm chứa đạn của
chiếc Exeter). Exeter ở vị trí thứ hai trong đoàn tàu của Đồng Minh giảm
hẳn tốc độ, và chậm chạp lê thân ra khỏi nhóm tàu bạn, hiển nhiên là để
tránh va cham với tuần dương hạm Houston của Hoa Kỳ đang chạy phía
sau nó.
Một hiện tượng đã gây ngạc nhiên là khi chiếc Houston xoay mũi về
phía trái, tất cả các chiến hạm khác của địch cũng làm theo, nhưng soái hạm
De Ruyter vẫn tiếp tục chạy thẳng về phía trước. Một vài phút sau, chiếc De
Ruyter mới biết là đã chạy đơn độc nên quay lại, và lúc xả hết tốc lực để kết
hợp với các tàu bạn, chiếc tàu nầy đã đụng phải một khu trục hạm.
Diễn biến bất ngờ nầy gây rối loạn hàng ngủ địch quân, và cho phép
chúng tôi tiến đến gần hơn. Tám khu trục hạm Nhật, trong đó có tàu của tôi,
đổ xô về phía nhóm tàu Đồng Minh với tốc độ 30 hải lý. Địch quân tổ chức
lại hàng ngủ, bỏ mặc chiếc Exeter chạy khập khểnh ở phía sau, tất cả các
miệng súng đều khai hỏa về phía chúng tôi.
Còn cách hạm đội 7.000 thước, khu trục hạm Tokitsukaze, chạy phía
trước Amatsukaze một chút, đã lãnh một quả đại bác. Khói trắng từ chiếc
Tokitsukaze bốc lên bao phủ hoàn toàn chiếc Amatsukaze của tôi. Đạn rơi
chung quanh như mưa, những cột nước mọc lên mọi phía, nhưng không quả
nào trúng tàu của tôi. Tôi nghiến răng và ra lịnh hướng thẳng Amatsukaze
vào tầm súng địch quân. Tôi phải tiến sát hơn, vì như vậy mới mong các
quả thủy lôi của tôi hữu hiệu.
Hạm đội địch lúc đó vẫn chạy hướng Tây Bắc, tức đâm thẳng vào chúng
tôi. Đây là hành động có tánh cách tấn công đâu tiên trong ngày của địch
quân. Bây giờ tôi chỉ còn cách mục tiêu 6.000 thước, tay vịn trên chấn song
đài chỉ huy, mồ hôi ướt đẩm mặt tôi. Chưa được, hay thêm nữa, phải cách
mục tiêu ít nhứt 5.000 thước. Tàu của tôi lúc ấy đã áp sát tầm súng của địch
quân và không biết chìm lúc nào.
Lúc 7 giờ 27 tối, đề đốc Raizo Tanaka ra lịnh chiếc tuần dương hạm
Jintsu của ông phóng tám thủy lôi. Khi các con cá của Jintsu thoát ra khỏi
ống, tôi đã cố gắng lắm mới không ra lịnh khai hỏa. Một quả đạn địch nổ
gần đã chạt nước khắp mặt tôi. Tôi cảm thấy hoàn toàn bất an, ngay cả hiện
tại tôi vẫn còn mang cảm giác nầy. Sự bất an không giống thái độ hèn nhát,
nhưng giống như giòng máu lạnh trong tôi tự nhiên tan loãng dưới hỏa lực
của các tàu chiến địch quân.
Tôi nhìn thấy 16 thủy lôi của hai khu trục hạm Yukikaze và Tokitsukaze
lướt trên mặt nước. Tôi bị kích thích và hét to: “Thủy lôi! phóng!” Bốn khu
trục hạm khác cũng bắt chước theo Amatsukaze. Tôi đã tính toán nhiều điều
kiện chính xác của thủy lôi và nhận thấy ở 6.000 thước rất khó trúng một
trăm phần trăm, nhưng theo tôi chỉ sai chạy dưới 5 phần trăm là cùng, nghĩa
là 72 trái thủy lôi chỉ có khoảng 3 quả ra ngoài mục tiêu. Nhưng tính toán
nầy của tôi đã sai lầm biết bao.
Hạm đội địch đã nhanh nhẹn xoay về hướng Tây, và tôi nhận thấy ít ra
hết phân nữa số thủy lôi do tàu của tôi phóng ra đã xuyên qua khoảng trống
mà các chiến hạm địch lướt qua. Các quả còn lại đến mục tiêu, nhưng chỉ
có một quả hữu hiệu. Quả nầy trúng khu trục hạm Kortenaer của Hòa Lan.
Chiếc tàu chìm cấp kỳ. Như vậy cứ 64 quả thủy lôi của chúng tôi chỉ có một
quả chính xác. Phóng tệ như thế là cùng. Chiến thuật tránh né của tàu địch
quả tuyệt vời.
Tuần dương hạm Naka và 7 khu trục hạm của đề đốc Shoji Nishimura
hiện đã đến và đồng loạt phóng 64 quả thủy lôi. Hạm đội địch lại xoay
hướng 90 độ về phía Bắc, qua một lối di động kì dị và không đúng qui tắc,
nhưng khiến cho tất cả 64 thủy lôi đều lạc hướng. Bây giờ địch quân lại
xoay thêm 90 độ nữa và cả hạm đội của họ đều ẩn trong một màn khói nhân
tạo dày đặt. Chiến pháp nầy của địch không hề nghe nói đến trong Hải
Quân Hoàng Gia Nhựt. Tôi đứng bất động và sửng sờ.
Một quả trọng pháo của địch trúng khu trục hạm Asagumo khiến 5 thủy
thủ thiệt mạng và 19 người bị thương, chiếc tàu nầy bị loại khỏi vòng chiến
một thời gian.
Sau khi phóng thủy lôi, Phân đội 2 của chúng tôi và Phân đội 4 của đề
đốc Nishimura, mỗi phân đội tẻ ra mỗi hướng, chạy theo hình vòng cung.
Khoảng cách giữa chúng tôi và địch quân nới rộng. Tuy nhiên hành vi của
Đồng Minh đêm nay đã gây khó hiểu cho chúng tôi. Sau khi đã xoay hẳn
360 độ, tàu địch bây giờ gia tăng tốc độ và chạy dưới sự bao che của các
màn khói nhân tạo dày đặt, nhưng sau đó lại xoay thêm hai lần 90 độ nữa và
chạy thẳng về phía Bắc. Ý định của hạm đội Đồng Minh không thể nào
đoán nổi. Có lẽ họ vẫn còn mưu định tấn công đoàn tàu chuyển vận của
Nhật Bản.
Hai tuần dương hạm Nachi và Haguro, lẻo đẻo phía sau hai phân đội khu
trục hạm, nhìn thấy hạm đội địch nên đã xoay lại. Khoảng 8 giờ tối, hai
tuần dương hạm Nhựt đã phóng 16 thủy lôi vào mục tiêu cách 16.000
thước. Khoảng cách nầy quá xa. Hạm đội Đồng Minh lại xoay 360 độ khiến
các quả thủy lôi nầy đều vô hiệu và xã hết tốc lực chạy về hướng Nam, tức
hướng Surabaya.
Hai tuần dương hạm Nhựt không truy đuổi. Lúc ấy có một loạt 12 tiếng
nổ phát ra ở hướng Nam. Các sĩ quan tham mưu trên hai tuần dương hạm
không thể đoán được lý do, và họ độ chừng tiềm thủy đỉnh địch đang tấn
công các khu trục hạm Nhựt. Sau đó có sự xác nhận những tiếng nổ nầy là
do các thủy lôi của hai tuần dương hạm phóng ra đã lướt 40 cây số về
hướng Nam và chạm vào bờ biển. Trong bóng đêm, chúng tôi có thể thấy
những ánh đèn ở Surabaya, cách xa 30 dậm.
Lúc 8 giờ 30 tối, Takagi ra lịnh cho tất cả chiến hạm Nhựt ngừng cuộc
truy đuổi và qui tụ về gần đoàn tàu chuyển vận. Trận chiến vừa qua thật sự
cả hai phía đều vấp phải nhiều lỗi lầm. Hầu hết những người ở Phân đội 2
đều tỏ vẻ bực tức lịnh ngừng truy đuổi của Takagi. Còn tàu của tôi không
được ra tay nhiều bằng các tàu khác nên tôi cũng cảm thấy tiếc rẽ đã mất
dịp may tham dự vào một cuộc truy đuổi sôi động và quần thảo với địch
quân một lần nữa.
Khi Takagi thấy tất cả các khu trục hạm Nhựt quay mủi về hướng Bắc,
ông ra lịnh cho hai chiếc Nachi và Haguro ngừng lại để mang hai chiếc thủy
phi cơ quan sát đã cất cánh từ đầu trận đánh lên tàu. Takagi đã suýt chết vì
quyết định nầy, may mà địch quân vụng về nên mạng ông còn tồn tại. Việc
mang 2 thủy phi cơ lên tàu là cả một công việc đầy gian nan. Sau nầy trong
cuộc chiến, nhiều chiến hạm Nhựt chỉ sử dụng phi cơ thám thính một lần
rồi bỏ hẳn, không trục chúng lên tàu nữa. Tuy nhiên, đó là thời gian Nhật
Bản đang chiến thắng, các vị Tư Lịnh không nhẩn nại trong việc thâu hồi
loại phi cơ nầy. Hiện tại, sơ khởi của cuộc chiến, Takagi hoàn toàn đúng khi
đưa ra lịnh vừa rồi. Tuy nhiên ông hoàn toàn sai khi nghĩ rằng hạm đội
Đồng Minh đã chạy thẳng về Surabaya rồi.
Lúc 20 giờ 50, khi chiếc Nachi đang trục chiếc phi cơ cuối cùng, trong
số năm chiếc do tàu nầy thả lên, có tin báo: “Hải đội 3 thiết giáp hạm đến!”
Trung tá Ishikawa nhìn qua ống viễn kính đã nói to: “Các chiến hạm có ba
cột buồm. Phải, hình như chiếc Haruna và Kirishima.”
“Làm sao hai chiếc tàu nầy ở đây được? Hai ngày trước chúng ở Ấn Độ
Dương…” sĩ quan tin tức đứng trên đài chỉ huy của tuần dương hạm Nachi
tỏ vẻ ngờ vực.
Ba mươi phút sau, Trung Tá Ishikawa hét to: “Trời hại rồi! Nhiều tàu
chiến địch! Bốn chiếc trong số đang hướng thẳng đến chúng ta. Chỉ còn
12.000 thước nữa thôi.”
Náo động khắp nơi trên tàu. Hai tuần dương hạm lúc nầy đang nằm như
hai cái xác chết, thủy thủ đoàn lại chưa sẵn sàng trong vị trí chiến đấu, làm
sao xoay sở đây? Tàu địch đang tiến đến và bắn hàng loạt trái chiếu sáng
lên trời. Đề đốc Takagi bậm môi đến rướm máu. Ông ta đang hấp hối.
“Thâu hồi phi cơ nhanh lên!” ông ra lịnh. “Tất cả sẵn sàng chiến đấu”.
Một phút, hai phút, ba phút. Thật ớn xương sống.
“Phi cơ bị kẹt rồi!” Một nhân viên cần trục la to.
Takagi hét: “Nổ máy, lùi hẳn về phía sau.”
Động cơ Nachi đã chạy lại, và bắt đầu chậm chậm lùi về phía sau với
chiếc phi cơ còn đang treo lủng lẳng trên dây cáp ở bên cạnh. Các tuần
dương hạm địch khai hỏa và đạn rơi xuống chung quanh chiếc tàu của
chúng tôi. Takagi ra lịnh phản pháo khi hai chiếc Nachi và Haguro đã đạt
được tốc độ 18 hải lý, tốc độ chiến đấu tối thiểu. Cả hai chiếc tàu cùng khai
hỏa, cấp bách đến nổi không kịp sử dụng đèn rọi tìm địch. Cuộc đấu súng
tiếp tục ở khoảng cách chừng 12.000 thước và cả hai bên đều phí đạn vô
ích. Sau 10 phút. Nachi và Haguro không còn nhín thấy dạng các địch thủ
đâu nữa. Náo loạn đã vượt qua.
Nhưng một nổi lo âu khác lại đến. Takagi nói: “Chiến hạm địch có thể
hướng về đoàn tàu chuyển vận của chúng ta.” Hai tuần dương hạm Nhựt lại
được phái đi tìm kiếm các chiếc tầu đã gây kinh hoàng cho chúng tôi 20
phút trước đây. Takagi ra lịnh cho tuần dương hạm Jintsu của Đề Đốc
Tanaka chạy cách đó khoảng 5.000 thước, cho thủy phi cơ bay lên, để tiếp
tay với Nachi và Haguro. Đề đốc Tanaka nhanh chóng đáp ứng lịnh của
Takagi.
Lúc 21 giờ 45, phi cơ của Jintsu báo cáo: “Một nhóm tàu địch gồm 4
tuần dương hạm và 2 khu trục hạm đang trực chỉ về phía Nam.” Tin nầy đã
khiến cho các sĩ quan trên hai chiếc Nachi và Haguro thở phào nhẹ nhõm.
Trong cuộc đối đầu vừa qua, hai tuần dương hạm của chúng tôi đã phản
pháo khi vừa xoay xong 90 độ nữa. Đồng Minh không còn hy vọng gặp lại
chúng tôi trong tình trạng bối rối nầy lần thứ hai, nên họ đã đi thẳng về phía
Nam. Họ đã để mất một dịp may bằng vàng. Nếu họ quyết tâm chắc chắn
hai chiếc Nachi và Haguro đã bị xóa tên, và họ có thể làm cỏ đoàn chuyển
vận hạm như cua mất càng của chúng tôi.
Tóm lại, trận đánh vừa qua lực lượng hải quân Đồng Minh đã chịu đựng
thiệt hại nặng nề: tuần dương hạm Exeter của Anh bốc cháy và lê thân về
Surabaya. Ba khu trục hạm bị đánh chìm hẳn. Sáu chiếc tàu nầy lại có quyết
định dũng cảm tiến về phía Bắc, mưu đánh đoàn tàu chuyển vận của Nhựt
một lần nữa, như đã thấy, không may là chúng đã để mất cơ hội thuận lợi
nhất. Trên đường rút chạy về hướng Nam, khu trục hạm Jupiter của Anh
trong nhóm đã đụng phải một quả thủy lôi của Đồng Minh và chìm cấp kỳ.
Nhưng năm chiếc tàu còn lại vẫn chưa chịu rút lui hẳn. Chúng đã quay trở
lại, chạy thẳng về hướng Bắc, lẻo đẻo dòm ngó đoàn tàu của chúng tôi,
thoạt ẩn thoạt hiện dưới ánh hỏa châu do phi cơ thám thính của tuần dương
hạm Jintsu thả xuống.
Trăng sáng nhưng thỉnh thoảng vẫn bị các đám mây che khuất. Năm
chiến hạm Đồng Minh đưa ra cố gắng cuối cùng, chạy xuyên qua bóng tối
và từng khoảng sáng của ánh hỏa châu soi trên mặt biển, hướng về phía
chúng tôi.
Các chiến hạm Nhựt cũng chỉnh đốn hàng ngủ và sẵn sàng dạ chiến. Tất
cả đều hăng hái chuẩn bị đánh trận quyết định. Hai tuần dương hạm hạng
nặng Nachi và Haguro luôn luôn canh chừng ở hướng Bắc và theo sự hướng
dẫn của phi cơ thám thính. Quá nửa đêm ngày 8 tháng 2 Nachi phát hiện
năm tàu địch đang hướng thẳng về phía Bắc. Cả hai chiếc Nachi và Haguro
lập tức đuổi theo, song song với năm chiếc tàu của Đồng Minh và sau đó
chạy chậm lại để tìm cơ hội tấn công. Tiết kiệm nhiên liệu và đạn dược là
vấn đề quan tâm hàng đầu của các chiến hạm Nhựt, do đó hỏa lực của
chúng tôi giới hạn và chỉ bắn khi nào cần thiết.
Lúc 0 giờ 53, Nachi đã phóng 8 thủy lôi và Haguro 1 quả vào các tàu
địch chạy ở 60 độ tả mạn, khoảng cách 40.000 thước. Lúc đó mưa mù bổng
che phủ mặt đại dương, chiến hạm Nhựt hy vọng tàu địch không thấy thủy
lôi để né tránh. Lúc 1 giờ 6 phút, ánh sáng bùng lên trong đêm tối và một
cột lửa bốc cao ở hướng Đông Nam. Một thủy lôi đã trúng tuần dương hạm
Java. Bốn phút sau, một tiếng nổ khác phát ra cùng hướng, và chiếc soái
hạm De Ruyter của địch quân bùng cháy như một cây đuốc. Thủy thủ trên
hai chiếc Nachi và Haguro reo hò vang dậy. Họ ôm nhau nhảy múa.
Đề đốc Takagi lạnh lùng nói: “Cuộc chiến đã chấm dứt.” Hai tuần dương
hạm Nachi và Haguro xả hết tốc lực chạy về hướng Đông Bắc xuyên qua
các vùng mưa luồng trên đại dương. Không gặp chiến hạm nào của địch
quân, cả hai chiếc tiến sát đến hai chiến hạm đang bốc cháy. Takagi nói:
“Đừng phí đạn với hai chiếc tàu nầy. Để chúng tự hủy lấy!” Cuộc truy lùng
chấm dứt lúc 5 giờ 30.
Nghi vấn xảy ra trong ngày là sự di chuyển của tuần dương hạm
Houston của Hoa Kỳ và Perth của Úc đại Lợi. Cuộc tìm kiếm vô hiệu quả
của Tanaka xa về phía Bắc có thể là lầm lẫn cuối cùng của Nhật Bản trên
mặt trận Thái Bình Dương. Khi hai chiếc Java và De Ruyter bốc cháy, cả
hai chiếc tàu nầy đã bỏ đi lập tức về hướng Đông Nam, dọc theo bờ biển,
nghĩa là không trở về hướng xuất phát cuộc tấn công. Đó là điều kỳ lạ.
Sau 90 phút giữa đêm ngày 01 tháng 3, khu trục hạm Fubuki đã phát
hiện hai chiếc tàu mà họ không rõ xuất xứ chạy cách 10.000 thước phía
Đông đảo Babi, gần vịnh Banten, và xa trận đánh biển Java vừa xảy ra 500
hải lý. Trung Tá Yasuo Yamashita, hạm trưởng của Fubuki không hiểu hai
chiếc tàu bí mật nầy định làm gì nên ông đã cho quay tàu lại và lẻo đẻo theo
cách phía sau 8.000 thước. Đó là hai chiếc Houston và Perth. Nhưng có
điều khó hiểu là tại sao hai tàu nầy di chuyển trên một hải trình kéo dài 24
giờ mà không bị phi cơ thám thính bay suốt ngày của Nhựt nhìn thấy?
Sau trận đánh biển Java, Houston và Perth còn rất ít đạn dược, và sau khi
vượt 500 dậm nữa, với tốc độ 26 hải lý, nhiên liệu cũng gần cạn. Trên
đường đến một căn cứ tiếp tế, hai chiếc tàu địch đã kinh ngạc khi nhận thấy
đoàn tàu chuyển vận thứ hai gồm 56 chiếc của Nhựt tụ hợp ở vịnh Banten
và đang chuẩn bị đổ bộ. Không sợ sệt, cả hai đã khai hỏa vào đám tàu
chuyển vận nầy, lúc ấy vào khoảng hơn nữa đêm.
Khu trục hạm Harukaze của Nhựt đã vội vàng tung một màn khói bao
che. Cùng lúc ấy, khu trục hạm Fubuki vừa chạy đến, đã phóng 9 quả thủy
lôi. Mười hai chiến hạm của đề đốc Akisaburi Hara rối loạn, cho dù trước
đó Fubuki đã gọi vô tuyến báo cho các chiến hạm nầy biết có “hai chiếc tàu
bí mật đang tiến vào Vịnh”, nhưng ở đây vẫn không chuẩn bị tiếp chiến, rõ
ràng họ khinh thường hai tàu chiến đơn độc của Đồng Minh. Sau nầy, một
số hạm trưởng cho biết họ dành cả thời giờ để tránh né đạn và thủy lôi của
tàu bạn.
Tuy nhiên trong vòng một giờ, cả hai chiếc tàu Đồng Minh đều bị đánh
chìm. Ba chuyển vận hạm của Nhựt thiệt hại trầm trọng và chiếc tàu chỉ huy
của đoàn chuyển vận bị đánh chìm, khiến đại tướng Lục Quân Hitoshi
Imamura bị văng ra ngoài, nhưng sau đó ông đã bơi được vào bờ biển.
Thương vong của Nhật tương đối nhẹ.
Một ủy ban điều tra đã nghiên cứu cuộc loạn đấu nầy, nhưng không đưa
ra kết luận tại sao các chuyển vận hạm Nhựt bị thiệt hại. Có nhiều ý kiến
cho rằng chúng bị thủy lôi do chiếc Fubuki phóng ra ở khoảng cách 7.000
thước.
Trong khi đoàn tàu chuyển vận hoàn tất cuộc đổ bộ thành công ở
Surabaya, hai tuần dương hạm Nachi và Haguro đụng địch. Vào buổi trưa
cùng ngày, cả hai đã phát hiện ba tàu chiến khác của địch quân gần đảo
Bawean và đang hướng mũi về Bắc. Nachi và Haguro, được hai tuần dương
hạm Ashigara và Myoko trợ lực, đã đánh chìm cả ba chiếc tàu trong vòng
hai giờ, từ 13 giờ 30 đến 15 giờ 30, gồm một tuần dương hạm và một khu
trục hạm của Anh, và một khu trục hạm của Hoa Kỳ. Đồng thời, phi cơ
thuộc Lực Lượng Đặc Nhiệm của Phó Đô Đốc Nagumo cũng đã đánh chìm
4 khu trục hạm Hoa Kỳ trong tổng số 8 chiếc thoát ra từ eo biển Bali để
chạy về hướng Nam.
Sau khi hoàn tất cuộc đổ bộ, kiểm điểm lại đoàn tàu chuyển vận của
Takagi không thiệt mất một chiếc nào. Ông đã hoàn thành sứ mạng của ông.
Tóm lại, trận hải chiến Java phần thắng lợi ngã về Nhật Bản.
Tuy nhiên, “một loạt sai lầm” của Takagi trong trận đánh nầy đã bị chỉ
trích dữ dội. Việc hoang phí đạn dược và khai hỏa ở khoảng cách 28.000
thước của ông lúc trận đánh vừa phát khởi, là bị đả kích nhiều nhất. Khi
trận đánh kết thúc, chiếc Nachi chẳng hạn, 10 khẩu 200 ly của nó chỉ còn
mỗi khẩu 7 quả đạn. Soái hạm Jintsu của Tanaka lúc đó đã cạn nhiên liệu và
hầu như thả trôi trên mặt biển. Sĩ quan pháo binh có vẽ khinh thị Takagi khi
nói: “Ông ta là một sĩ quan tiềm thủy đỉnh, làm sao ông ta biết sử dụng
trọng pháo”.
Takagi và phụ tá của ông là Nagasawa đã bác bỏ các lời tố cáo. Nhưng
không lâu sau đó, ông được chuyển đến chỉ huy một hạm đội tiềm thủy
đỉnh, còn Nagasawa trở về Đông Kinh và được bổ nhiệm vào một chức vụ
bàn giấy.
Trận hải chiến Java đã dạy cho tôi nhiều bài học. Sau trận nầy, cũng là
trận đánh lớn đầu tiên của chiếc Amatsukaze, chúng tôi đứng bên ngoài các
trận đụng độ chánh yếu trên Thái Bình Dương. Trận đánh nầy còn có ý
nghĩa hơn hàng ngàn buổi diễn tập mà tôi từng tham dự trước đây.
Trận đánh này diễn ra ở eo biển Sunda, hai chiến hạm của Đồng Minh
trong nổ lực dũng cảm tấn công các tàu chuyển vận của Nhật Bản và bị lực
lượng hộ tống Nhật đánh chìm.
Lực lượng hộ tống bao gồm 2 tuần dương hạm hạng nặng Mogami và
Chikuma do Đô Đốc Takeo Kurita chỉ huy và tuần dương hạm hạng nhẹ
Natori và các khu trục hạm Harukaze, Hatakaze, Asakaze, Fubuki,
Hatsuyuki, Shirayuki, Shirakumo, and Murakumo do Đề Đốc Kenzaburo
Hara chỉ huy.
Thiệt hại của Nhật là 1 chuyển vận hạm và một tàu dầu do hỏa lực bạn
bắn trúng.
Hai tuần dương hạm bị đánh chìm của Đồng Minh chỉ có 696 thủy thủ
thiệt mạng.

6
Trưa ngày 28 tháng 2, Đề đốc Raizo Tanaka ra lịnh cho khu trục hạm
của tôi đến Bandjermasin để tái nhận nhiên liệu, khi ông tin chắc rằng tất cả
chiến hạm đối nghịch trên hải phận gần Surabaya đã được dọn sạch. Tôi
được chỉ định hộ tống chiếc tàu bịnh viện Hòa Lan mà chúng tôi đã chận
bắt trước khi trận đánh Java mở màn, đến một căn cứ Nhật Bản gần nhứt ở
Borneo.
“Khi trở về, tàu của anh phải chở dầu đến mức tối đa,” Tanaka dặn “bởi
vì các chiếc khác sẽ lấy dầu từ tàu của anh” Phân đội của tôi đã xuất phát từ
Timor để tham dự vào cuộc hành quân nên tiêu thụ quá nhiều nhiên liệu và
hiện thời thiếu hụt trầm trọng.
Chiếc Amatsukaze của tôi chỉ còn đủ nhiên liệu đến Bandjermasin với
tốc độ tiện tặn 18 hải lý. Tanaka biết các tàu khác không có khả năng để
hoàn tất nhiệm vụ nầy.
Ngang qua đảo Bawean, chúng tôi nhìn thấy cả trăm người đang vùng
vẫy trên mặt nước. Tiến gần hơn, chúng tôi biết đó là thủy thủ đoàn của
những chiến hạm Đồng Minh bị Nhựt đánh chìm giữa đêm hôm qua. Một
rừng tay cầu cứu giơ lên và tiếng kêu vang dậy: “Nước! Nước!”.
Tình cảnh đáng thương tâm. Tôi không thù hằn những đối thủ đã ngã
ngựa, nhưng tôi có thể làm gì, khi mà chiếc tàu của tôi chỉ có thể chở bốn
năm chục người là cùng. Tôi không thể chỉ cứu phân nửa số người sống sót
nầy. Vả lại tàu của tôi cần phải chạy nhanh để lấy nhiên liệu, hơn nữa nếu
tôi ngường lại có thể tạo cơ hội cho tiềm thủy đỉnh tấn công.
Tôi chỉ đành biết vẩy tay, và nhắm mắt trước những kẻ sắp chết đuối.
Tôi ra lịnh gởi một công điện về Đề Đốc Tanaka: “Hơn 100 địch quân sống
sót đang trôi dạt cách đảo Bawean 60 dậm, hướng 270 độ, khẩn nổ lực tiếp
cứu.”
Hoa tiêu cẩn thận lái chiếc tàu vượt qua những nhóm người ở dưới nước.
Một trong những đại úy của tôi rành tiếng Anh đã la thật to: “Cố gắng! Cố
gắng! Một tàu cứu hộ sẽ đến ngay.”
Sau khi nhận nhiên liệu ở Bandjermasin, chúng tôi trở về Surabaya vào
ngày 1 tháng 3. Ngang qua Bawean, tôi nhìn quanh, nhưng không còn thấy
bóng dáng một thủy thủ sống sót nào của Đồng Minh trên mặt nước. Ngày
hôm qua chúng tôi không nghe một hoạt động tiếp cứu nào trong khu vực
nầy. Trái tim tôi bổng nhiên chùn xuống.
Trên hải trình tiếp tục trở về Surabaya, chúng tôi phát hiện một tiềm thủy
đỉnh địch quá trể, lúc tàu chúng tôi đã vượt qua khoảng cách quá xa. Tôi bỏ
quyết định quày lại để tấn công. Chúng tôi kết hợp với Phân đội của Tanaka
vào ngày hôm đó, và đến 20 giờ 30, tất cả các chiến hạm hoàn tất việc tái
tiếp nhận nhiên liệu. Tuần dương hạm Jintsu và bốn khu trục hạm phối hợp,
mở ngay một cuộc săn tiềm thủy đỉnh địch quân mà chiếc Amatsukaze đã
phát hiện. Đêm hôm đó, trời u ám, tầm quan sát bị giới hạn, nhưng mặt biển
lặng sóng nên chúng tôi hy vọng có thể khám phá ra các mục tiêu dễ dàng.
Một cuộc săn đuổi tiềm thủy đỉnh không có ra đa là một trò chơi đầy
kiên nhẫn đối với các chiến hạm Nhật. Mọi khám phá đều tùy thuộc cả vào
đôi mắt thường của quan sát viên và dụng cụ sonar không mấy hiệu quả của
chúng tôi. Năm chiếc tàu chạy với tốc độ 18 hải lý theo hình chữ chi, nhưng
suốt 6 giờ vẫn không tìm thấy một dấu vết nào. Mọi người tỏ vẽ chán nản
và mệt mõi.
Sáng sớm ngày 2 tháng 3, bổng quan sát viên Migita la to: “Một điểm
đen, 40 độ tả mạn. Hình như một tiềm thủy đỉnh!” mọi người trên đài chỉ
huy đều dõi mắt nhìn. Tôi dùng ống nhòm, nhưng vẫn không thấy gì trên
mặt biển đầy sương mù lúc ấy. Migita lại nói: “Điểm đen bây giờ giống như
một mảnh rác.” Mọi người thất vọng. Riêng tôi, hiện tại qua ống nhòm đã
nhìn thấy điểm đen giống như mảnh vở của một chiếc xuồng. Chán nản mệt
mỏi lại ùa đến qua các phát hiện ấy.
Lúc 8 giờ 40, quan sát viên hữu mạn Bumichi Ikeda kêu lên: “không biết
vật gì, hướng 30 độ… có thể là một tiềm thủy đỉnh.” Tất cả các cặp mắt đều
mở bét ra để nhìn. Ikeda lại la: “Đúng là tiềm thủy đỉnh.”
Đôi mắt sắc bén của Iwata, quan sát viên có thể nhìn xa 20.000 thước
trên mặt biển, gấp đôi các quan sát viên khác, nhìn chăm chú về phía trước,
xoay lại nói một cách khoan khoái: “Tiềm Thủy Đỉnh không còn nghi ngờ
gì nữa.”
Tôi bước đến ông nhắm của khẩu đại bác 127 ly và quan sát. Một chiếc
tiềm thủy đỉnh không sai, ở xa khoảng 6.000 thước. Tôi ra lịnh: “Tốc lực
chiến đấu số 2 (26 hải lý), 50 độ phải. Mọi người vào vị trí chiến đấu. Xạ
thủ sẵn sàng hành động. Bật đèn dò tìm tàu địch! Chuẩn bị thủy lôi nổ
ngầm!.”
Hoạt động nhộn nhịp và chiếc tàu gia tăng tốc độ. Khu trục hạm
Hatsukaze cho biết là đang theo sau chúng tôi. Tôi ra lịnh bật “đèn xanh”
(tức tốc độ 26 hải lý)
Iwata bây giờ la lên: “Tiềm thủy đỉnh trồi lên mặt nước xa 3.500 thước.”
Đại úy Akino trên đài kiểm soát hỏa lực nói lớn: “Các pháo khẩu sẵn
sàng khai hỏa, thưa hạm trưởng.”
Tôi đáp: “ Chúng ta sẽ khai hỏa khi mục tiêu còn cách 2.500 thước, 60
độ hữu mạn.” Tiềm thủy đỉnh địch nổi hẳn trên mặt biển. Sáu khẩu 127 ly
và đèn rọi tìm tàu địch của chúng tôi xoay một góc 60 độ.
Amatsukaze vẫn tiếp tục chạy thẳng đến mục tiêu và khi còn cách 2.700
thước chiếc tàu quanh trái, xoay tất cả họng súng vào tiềm thủy đỉnh địch
quân. Một phút sau, hai trọng pháo khai hỏa, và các trọng pháo kế tiếp.
Chiếc tiềm thủy đỉnh trúng hai quả đạn trực tiếp, bừng cháy, chìm thật
nhanh và biến mất giữa các lượn sóng nước trước khi chúng tôi chạy đến.
Chúng tôi thả thêm 2 khối chất nổ ngầm cho chắc ăn trước khi rời mục tiêu.
Các sonar của chúng tôi không phát hiện được dấu vết nào khác ngoài vết
dầu nổi lên mặt nước.
(Đây là tiềm thủy đỉnh Perch (SS.176) chưa bị hủy diệt trong cuộc tấn
công nầy. Perch xuất hiện lại vào sang ngày 3 tháng 8 (tức ngày hôm sau
cuộc tấn công của Amatsukaze), lần nầy nó đụng đầu với hai khu trục hạm
Nhựt và mới bị loại khỏi vòng chiến thực sự).
Hai giờ sau chúng tôi quay lại khu vực, vì chỉ một vài sĩ quan và thủy
thủ đứng phía trên nhìn thấy chiếc tiềm thủy đỉnh bốc cháy, nên còn nhiều
người khác tỏ vẻ nghi ngờ. Dầu vẫn tiếp tục trồi lên ở khoảng nước mà tiềm
thủy đỉnh đã chìm. Bây giờ toàn thể thủy thủ đoàn mới thực sự tin tưởng.
Đêm kế đó chúng tôi tiếp tục cuộc săn đuổi, mặc dù thời tiết quá xấu và
mưa lớn liên miên khiến mọi dụng cụ quan sát đều vô dụng.
Khoảng 20 giờ 30 đêm đó, tôi nhìn thấy một đốm sáng mong manh cách
nhiều ngàn thước trước mũi chiếc Amatsukaze. Đóm sáng chỉ lóe lên một
lần rồi tắt ngấm, giống như một diêm quẹt. Phải, có lẽ một người đã quẹt
diêm để hút thuốc trên sân tàu. Tôi ước lượng ánh sáng lóe lên ở khoảng
cách 4.000 thước chánh Bắc, tức hướng tiến của Amatsukaze.
Tôi cho tàu gia tăng tốc lực chạy thẳng đến mục tiêu. Đó là một chiếc
tiềm thủy đỉnh địch nổi lên mặt nước và đang di chuyển khá mau về phía
Đông. Amatsukaze gia tăng tốc lực lên 26 hải lý và đảo về phía trái để chạy
song song với chiếc tiềm thủy đỉnh ở khoảng cách 2.300 thước. Qua ánh
đèn rọi, chúng tôi thấy tàu địch có kích thước trung bình.
Khẩu đội thứ nhứt khai hỏa, nhưng không trúng mục tiêu. Ngay lập tức
tôi nhìn thấy hai làn trắng xóa vạch trên mặt nước vượt cách mũi chiếc
Amatsukaze một vài thước. “thủy lôi !” Một thủy thủ la lên.
Xương sống tôi ớn lạnh. Nổi sợ hải của tôi biến mất một vài giây sau đó
khi hai quả đạn của khẩu đội thứ hai trúng mục tiêu. Và hai quả đạn của
khẩu đội thứ ba biến chiếc tiềm thủy đỉnh thành ngọn lửa, và ngọn lửa nầy
từ từ biến mất trong làn sóng.
Chúng tôi rời khỏi khu vực vào lúc 23 giờ 45 sau khi các máy sô na của
chúng tôi không khám phá được dấu vết nào chứng tỏ mục tiêu còn tồn tại.
Ngày hôm sau thời tiết trong sáng, và đêm đến chúng tôi trở lại khu vực
cũ. Nơi đây, chúng tôi chú ý đến một vệt dầu nổi trên mặt nước, giống như
khói tuôn ra từ một miệng núi lửa ngầm dưới biển. Thủy thủ đoàn được gọi
ra để nhìn thấy kết quả của việc làm đồng đội của họ. Không lộ hẳn sự thích
thú như đêm trước, nhưng mọi người đều tỏ vẻ hài lòng. Thừa dịp thủy thủ
đoàn tụ hợp trên sân tàu, tôi nói với họ: “Các bạn đã nhìn thấy sức mạnh
của việc phối hợp đã đưa đến kết quả tốt đẹp như thế nào. Các bạn làm tròn
bổn phận, tôi rất hài lòng. Từ khi khởi đầu cuộc chiến, chúng ta đã trãi qua
nhiều tháng quây quần bên nhau mà không mất mát một người nào. Chúng
ta hãy hy vọng sẽ luôn luôn được sự may mắn nầy. Các bạn đã làm tròn
nhiệm vụ trong những ngày đã qua, nhưng tôi chắc chắn các bạn sẽ làm tốt
hơn trong những ngày sắp tới.”
“Hãy nhìn dòng dầu nổi lên mặt nước kia! Nó phát ra từ một chiếc tiềm
thủy đỉnh địch và cũng là chiếc mồ khổng lồ chon hơn 100 người. Những
người nầy chết chỉ vì sự dại dột của một đồng đội, hắn ta đã hút thuốc trong
đên tối lúc chiếc tàu nổi lên mặt nước. Tôi đã nhìn thấy que diêm lóe sáng
và hậu quả xảy ra.”
“Thủy thủ địch được huấn luyện kỷ, nhân viên thủy lôi của họ tài ba, nên
mặc dù chúng ta chiến thắng nhưng chiến thắng đó rất chật vật. Nếu không
vì một thủy thủ của chiếc tiềm thủy đỉnh dại dột, chiếc Amatsukaze nầy sẽ
là mồ chôn 250 người chúng ta. Chiến tranh là như vậy. Từ đó, tôi tin rằng
mỗi người trong các bạn đã rút tỉa được một bài học.”
“Các bạn cũng nên biết tôi là một tay nghiện thuốc là nặng từ hai mươi
năm nay. Nhưng đêm vừa rồi, khi chúng ta đánh chìm chiếc tiềm thủy đỉnh
nầy, tôi đã bỏ hút. Tôi làm như vậy không phải để các bạn bắt chước theo
tôi nhưng để mỗi lần nhớ đến tôi, các bạn sẽ nhớ đến câu chuyên mà tôi vừa
nói. Trong tư cách hạm trưởng của các bạn, tôi có trách nhiệm đối với mạng
sống của các bạn, và vì vậy tôi phải nêu gương trước.”
“Bây giờ chúng ta hãy dành một phút mặc niệm cho những người đã
chết. Mặc dù họ là kẻ thù, họ đã chết cho xứ sở của họ, và vì vậy đáng cho
chúng ta dành cho họ phút giây ngắn ngủi nầy.”
Sau khi mặc niệm, tôi gọi Ikeda, quan sát viên đã phát hiện chiếc tiềm
thủy đỉnh vào ngày 2 tháng 3, móc túi thưởng cho anh ta 10 yên (khoảng
2.500 VN theo thời giá), kèm theo một gói tặng phẩm và 10 ngày phép đặt
biệt. Buổi họp chấm dứt với lời hoan hô của mọi người dành cho Ikeda.
Vào ngày 6 tháng 3, Amatsukaze và Hatsukaze trở về Bandjermasin để
tái nhận nhiên liệu, đạn dược và đồ tiếp tế. Trong lúc ở đây, tôi đến viếng
chiếc tàu bịnh viện Hòa Lan để dò hỏi tin tức số thủy thủ địch mà chúng tôi
gặp trôi nổi gần đảo Bawean một tuần trước đây.
Tôi hêt sức vui mừng khi biết được hầu hết số người nầy đã được giải
cứu, và hiện có mặt trên chiếc tàu bịnh viện, cùng với 1.000 tù binh khác.
Nhìn đám đông dồn chung trêm một chiếc tàu nhỏ bé, tôi nhớ lại những
ngày còn là sinh viên sĩ quan và chuyến huấn luyện ở Mỹ Châu và Âu
Châu. Trong nhóm tù binh nầy chắc có một số tôi đã từng gặp. Hoàn cảnh
hiện tại của họ thật đáng buồn, và tôi thầm nhủ là không bao giờ nên để rơi
vào tay địch quân.
Những ngày còn lại của tháng 3, không có gì đáng nói. Vào ngày cuối
cùng của tháng nầy, khu trục hạm Amatsukaze tham dự vào cuộc chiếm đảo
Christmas, cách Java khoảng 200 dậm. Hòn đảo lẻ loi nầy không chỉ là một
địa điểm chiến lược mà còn có nhiều quặng sắt. Cuộc hành quân nầy suông
sẽ nhứt so với các cuộc hành quân khác mà tôi từng tham dự trước đây.
Cuộc đổ bộ được hơn một chục oanh tạc cơ, hai tuần dương hạm, bốn khu
trục hạm Nhựt oanh tạc và pháo kích dọn đường. Bảy giờ sáng hôm đó, hơn
100 quân phòng thủ người Anh đã đầu hàng ngay trước khi cuộc đổ bộ
hoàn tất, tất cả bị bắt làm tù binh và trở thành phu khuân vác các tài nguyên
của hòn đảo xuống bến tàu.
Có một việc cần nói vào ngày thứ hai của cuộc hành quân êm đẹp nầy.
Lúc 8 giờ 05 phút tôi nhìn thấy một làn nước sủi bọt giống như mũi tên lao
đến tuần dương hạm Naka, soái hạm của chúng tôi. Đó là một trái thủy lôi
được phóng ở khoảng cách không hơn 700 thước và một góc 50 độ phía
hữu mạn của chiếc Naka. Soái hạm vội xoay hướng nhưng không kịp. Thủy
lôi trúng giữa thân tàu và phá vở một lổ hỏng 5 thước, nhưng không có thủy
thủ nào thiệt mạng. Đó là một phép lạ.
Bốn khu trục hạm Nhựt và tuần tiểu đỉnh xông ra và thả xuống nước
nhiều khối chất nổ ngầm để hủy diệt chiếc tiềm thủy đỉnh địch vừa phóng
thủy lôi, nhưng nó đã cao bay xa chạy (Sau nầy chúng tôi biết đó là chiếc
Seawolf của Hoa Kỳ đã liều lĩnh len lỏi vượt qua mũi súng của bốn khu trục
hạm Nhựt để mưu đánh chìm cho được soái hạm Naka).
Mặc dù 800 tấn nước tràn vào, nhưng chiếc Naka vẫn không chìm vì
đóng chặt các ô riêng rẻ trong tàu kịp thời. Được 7 khu trục hạm hộ tống,
soái hạm lê lết trở về Nhựt để sửa chửa lại mất nhiều tuần lễ. Đó là cái giả
phải trả cho tánh tự mãn. Tất cả chúng tôi đều chia sẽ lỗi lầm nầy, và riêng
tôi lại học được một bài học nữa.
(Tuần Dương Hạm Naka là chiếc cuối cùng của class tuần dương hạm
nhẹ Sendai, lớp nầy gồm 3 chiếc: Sendai, Jintsu và Naka, trọng tải 5195 tấn,
đóng năm 1922 hoàn tất trang bị và sử dụng vào tháng 10 năm 1925. Lớp
tuần dương hạm Sendai thường được dùng làm soái hạm cho các phân đội
khu trục hạm. Trang bị 7 pháo khẩu 140 mm, 4 ống phóng thủy lôi, tốc độ
chạy tối đa gần 36 hải lý, và mang theo được một thủy phi cơ thám thính.
Chiếc tuần dương hạm nầy tuy già nua nhưng tham dự hầu như các cuộc
hành quân lớn từ khi bắt đầu cuộc chiến Thái Bình Dương cho đến năm
1944, Naka bị đánh chìm gần quân cảng Truk do các oanh tạc cơ SB2C
Helldiver và máy bay phóng thủy lôi Avenger từ hai hàng không mẫu hạm
Bunker Hill và Cowpens không tập Truck vào ngày 2 tháng 2 năm 1944,
210 người sống sót trong đó có hạm trưởng cuối cùng của Naka, Đại Tá
Yoshimasa Sutezawa).
PHẦN BA
CHUYẾN XE LỬA TỐC HÀNH ĐÔNG KINH

1
Cuộc đổ bộ đảo Christmas đánh dấu sự kết thúc giai đoạn đầu tiên các
cuộc hành của Nhật Bản ở Đông Nam Á. Mặt trận Thái Bình Dương cũng
lắng dịu hơn một tháng sau ngày đổ bộ.
Vào ngày 3 tháng 4, chúng tôi được lịnh rời bỏ nhiệm vụ hộ tống soái
hạm Naka gần Surabaya và kết hợp với hạm đội ở biển Java. Ngày kế,
chúng tôi đến Batavia và trưa đó lên đường đến Macassar. Nơi đây chúng
tôi lưu lại năm ngày để kiểm soát lại máy móc và vũ khí. Thành phố nầy
nhộn nhịp, cửa hàng buôn bán tấp nập với mọi loại nhu yếu phẩm khó tìm
thấy ở Nhựt trước đây.
Đa số dân chúng Nhựt đều tin tưởng Nhật Bản se tự tìm kiếm một nền
hòa bình vào mùa xuân năm 1942, thay vì cho đợi các điều kiện hòa binh
do Đồng Minh đưa ra sau khi chúng tôi vẫy những lá cờ trắng. Nhưng
những tháng đầu năm 1942 trôi qua, và Chánh Phủ Nhật không hề mưu tìm
một nền hòa bình nào hết. Thật vậy, các chính trị gia và các nhà lãnh đạo
quân sự Nhựt đều khăng khăng tin tưởng việc chiếm đóng Đông Nam Á trở
thành vĩnh viễn, với nguồn tài nguyên vô tận của khu vực vĩ đại nầy, Nhật
Bản sẽ không thể nào bị đánh bại.
Từ Macassar chúng tôi chạy đến Surabaya, và cuối cùng vào ngày 17
tháng 4, chúng tôi được lịnh quay về Nhật Bản. Mọi người đều hớn hở,
những thủy thủ bị động viên mơ mộng được giải ngủ. Họ cũng hy vọng
chiến tranh chấm dứt. Nhiều sĩ quan có thể không nhìn thấy các viễn cảnh
màu hồng nầy, nhưng được dịp trở về quê hương đã khiến họ vui mừng
không kém gì binh sỹ.
Chúng tôi rời khỏi Surabaya để trở về Macassar, và ngày hôm sau chúng
tôi kết hợp với một nhóm khu trục hạm hộ tống một đoàn tàu chuyển vận
đồng, dầu hỏa và thực phẩm về Nhựt. Chuyến đi bình thường nhưng đầy
hân hoan. Khi tiến vào hải phận của xứ sở, và nhìn thấy bóng dáng các hòn
đảo Nhật Bản thấp thoáng ở chân trời, mọi người đều nhảy nhót vui mừng.
Ngày 2 tháng 5, Amatsukaze và các khu trục hạm khác lặng lẽ chạy vào hải
cảng Kure. Biển Nhật Bản với nhiều trăm hòn đảo lấm tấm là một quang
cảnh chào đón đầy êm ả. Lũ hải âu dậy tiếng như chào mừng ngày chúng
tôi trở về.
Nhật Bản không giống những xứ nóng khác. Vùng biển ở phía Nam như
một rừng hoa rực rỡ dưới ánh nắng nung nấu và vạn vật đều óng ả. Trở về
quê hương, tất cả màu sắc có vẻ dịu dàng, ve vuốt. Chúng tôi mất dịp ngắm
mùa hoa anh đào nở vào đầu tháng 4, nhưng những lá non xanh mướt trên
cành đối với chúng tôi chẳng khác nào những nụ hoa.
Ngày hôm sau, tôi ra lịnh mở rộng quầy hàng trên tàu, và mọi người
muốn mua sắm bao nhiêu tùy ý. Đại úy Noro Iwabuchi, phụ tá của tôi, lên
bờ để sắp xếp một bữa tiệc cho thủy thủ đoàn. Sau khi đặt 240 phần ăn ở
nhà hàng Morisawa. Iwabuchi báo cáo với tôi rằng: “Nhà hàng cho biết là
không chắc cung cấp đầy đủ phần ăn cho tất cả chúng tôi, bởi nhiều chiếc
tàu bạn cũng mở tiệc tại các nhà hàng trong thành phố khiến thực phẩm trở
nên khan hiếm, nhưng bù lại nhà hàng có rất nhiều rượu ngon.”
Khi bữa tiệc nầy được thông báo, thủy thủ đoàn Amatsukaze đều nhảy
nhót vui mừng. Chỉ mười thủy thủ đoàn kém may mằn vì phải ở lại tàu đảm
trách việc canh gác, tât cả số còn lại lên bờ vào lúc 17 giờ. Thành phố Kure
phồn thịnh đầy dẫy thủy thủ, các nẽo đường hầu như bị họ dẫm nát.
Để hổ trợ nhà hàng, chúng tôi mang theo nhiều đồ ăn hộp. Chỉ có năm
geisha phục dịch cho cả bữa tiệc hơn 200 người của chúng tôi, nên họ phải
chật vật lắm mới cung phụng thức ăn và uống đầy đủ. Một vài cô geisha
trong số nầy cũng đem vui vẻ thêm cho bữa tiệc qua các màn ca múa của
họ. Rượu uống tự do làm bừng chí thực khách, nhiều thủy thủ của tôi nhảy
ra tiếp tay bưng dọn với năm cô geisha, và họ còn ca múa nữa.
Tôi được mỗi thuộc cấp mời một ly rượu. Tôi không từ chối một ai. Tôi
không biết mình đã uống bao nhiêu ly sake từ đầu cho đến khi bữa tiệc
chấm dứt vào lúc nữa đêm, nhưng tôi cảm thấy còn đứng vững.
Ngày hôm sau, mỗi thủy thủ được cấp từ ba đến sáu ngày phép. Đi phép
đợt ba, tôi đáp chuyến xe lửa đêm để về nhà. Tim tôi đập rộn ràng khi xe
lửa tiến vào thành phố Kamakura vào sáng ngày 4 tháng 5. Những rặng
thông bao phủ thành phố cổ 800 năm nầy đang thì thầm trong gió biển.
Vợ tôi và ba con ra chờ đón tôi ở sân ga. Tất cả đều hân hoan thấy tôi trở
về. Nhà tôi chỉ cách ga xe lửa 20 phút đi bộ, nhưng tôi cảm thấy lần trở về
nầy là lần trở về vinh quang, và tôi gọi ngay một chiếc taxi.
Vào nhà, tôi mở ngay gói quà mà tôi đã mua từ miền Nam. Nhưng sô cô
la làm cho các con tôi hớn hở vì ở đây hiếm khi có loại nầy. Buổi chiều
hôm đó, ông bạn láng giềng lâu năm của chúng tôi là Tanzan Ishibashi sang
thăm. Chúng tôi nhận lời mời dùng cơm tối với ông. Ishibashi là chủ nhiệm
kiêm Chủ Bút Tạp Chí Toyo Keizai. Theo tôi, ông là một người thông thái
và khôn khéo hiếm có, nhưng tôi không bao giờ tưởng tượng có một ngày
ông cầm đầu Nội Các Nhật Bản.
Bữa cơm hoàn toàn vui vẽ. Sau đó, tôi với ông ngồi nhấm nháp sake. Là
một kinh tế gia, ông muốn nghe tình hình ở Đông Nam Á. Ông hỏi: “ hải
quân của chúng ta có đủ khả năng kiểm soát khu vực rộng lớn nầy và bảo
vệ nguồn tài nguyên phong phú ở đó, để cung ứng cho các cơ xưởng kỹ
nghệ Nhật Bản hay không?”
Với một người nhìn xa hiểu rộng như ông, tôi không thể che đậy sự thật
được. Tôi đáp: “chúng ta đã đạt được một số chiến thắng, việc nầy đơn giản
là địch quân đã không biết yếu điểm của chúng ta. Cũng như tôi, chức ông
biết khả năng sản xuất vô tận của Đồng Minh. Không có một chổ nào dành
cho sự lạc quan của Nhật Bản trong cuộc chiến nầy.”. Ông chú ý những gì
tôi thành thật trình bày. Chế độ kiểm duyệt hiện thời khiến ông không hiểu
biết những sự thật của cuộc chiến nầy.
Vào năm 1956, ngay trước khi trở thành Thủ Tướng, cuốn sách viết về
kinh nghiệm trong cuộc chiến của tôi ấn hành ở Nhựt đã được ông đề tựa
với những lời khen tặng mà tôi nghĩ không xứng đáng nhận lãnh. Trong đó
ông viết rằng cuộc đàm đạo buổi chiều vào năm 1942 đã khiến ông xem tôi
như là một sĩ quan hải quân phi thường.
Sáu ngày phép trôi qua nhanh chóng. Có lịnh gọi tôi trở về tàu lập tức,
để chờ đợi nhận sự bổ nhiệm mới không biết vào lúc nào. Để kéo dài thời
gian gần gũi với gia đình, tôi mang tất cả đi theo tôi đến Kure vào ngày 10
tháng 5. Các con tôi tỏ ra thích thú vì được đi xa lần đầu tiên, nhứt là khi
chúng tôi vào ngụ trong một khách sạn. Sắp xếp công việc xong xuôi,
chúng tôi đi dạo phố hoặc leo núi.
Các bửa ăn ở câu lạc bộ sĩ quan thuộc căn cứ hải quân Kure đã làm cho
cả gia đình tôi hài lòng, vì ở đây có những món ăn không thể tìm thấy trong
thành phố, và nhiều năm sau nầy các con tôi vẫn còn nhắc nhở, đặt biệt vào
những ngày thiếu thốn khi Nhật Bản đầu hàng.
Tôi về Kure được 4 ngày thì có lịnh thuyên chuyển hầu hết các thủy thủ
đoàn của tôi. Tất cả các sĩ quan cùng phân nữa hạ sĩ quan và binh sỹ rời
khỏi chiếc Amatsukaze. Mỗi ngày, các sĩ quan và binh sỹ đầy kinh nghiệm
của tôi lần lượt lên đường sang các tàu mới, nhường tàu cũ cho các sĩ quan
vừa ra trường và binh sỹ tân tuyển. Những cuộc hoán chuyển nầy thường
xảy ra trong hải quân.
Tôi không hiểu Bộ Tư Lịnh Tối Cao đã nghĩ như thế nào khi cho thi
hành việc nầy. Thủy thủ đoàn đã được huấn luyện thuần thục của tôi bị chia
manh xẻ mún, thật là một điều đáng tiếc. Các hạm trưởng khác cũng cảm
thấy như tôi. Phải mất ít nhất hai tháng mới mong khép những tay lính mới
nầy vào qui cũ, những kẻ chưa hề biết làm việc tập thể là gì. Và những gì sẽ
xảy ra nếu ngay bây giờ họ được giao phó nhiệm vụ chiến đấu?
Khi kế hoạch hành quân Midway được tiết lộ vào ngày 20 tháng 5, tôi
nghĩ Bộ Tư Lịnh Tối Cao đã mất hẳn khôn ngoan. Tin tức gây ngạc nhiên
nầy, tôi đã được đề đốc Raizo Tanaka cho biết riêng ở căn cứ hải quân
Kure. Tôi lấp bấp hỏi: “Thưa Đề Đốc, như vậy nghĩa là sao? Chúng tôi sẽ
tham dự hành quân với thủy thủ đoàn nầy à?”
Tanaka có vẻ chán nản: “Hừ…! Tôi mong chuyện nầy không có thật.”
Phân đội của Tanaka, gồm một tuần dương hạm và sáu khu trục hạm,
lặng lẽ rời Kure vào ngày 21 tháng 5. Với tốc độ 20 hải lý, chúng tôi hướng
về Saipan, nơi đây những “lịnh đặt biệt” đang chờ đợi chúng tôi. Ngày kế
đó, tôi nghe tiếng la hét giận dữ và tiếng vật gì đó va chạm nên tôi bước lên
sân tàu để xem. Tôi thấy Đại úy Kazue Shimizu, tân sĩ quan pháo thuật,
đang to tiếng với một thủy thủ có lẽ đã phạm phải lầm lỗi, và sau đó
Shimizu cung tay thoi anh nầy. Tôi tức giận hỏi: “ Gì đó?.”
Shimizu xoay lại tôi, đôi mắt vẫn còn hằn học: “Thưa Trung Tá, tên nầy
thấy tôi không chào. Tôi trị nó.”
Tôi hỏi tên thủy thủ: “Đúng như vậy không?”
“Đúng, thưa Trung Tá.” Hắn ấp úng đáp. Mặt hắn sưng phù vì nhận lãnh
cái thoi vừa rồi.
Tôi hơi xúc động khi thấy thủy thủ nầy là Ikeda, quan sát viên được ban
thưởng vì đã khám phá ra chiếc tiềm thủy đỉnh địch gần Surabaya. Tôi
mạnh mẻ cảnh cáo anh ta và yêu cầu Shimizu theo vào phòng riêng của tôi.
Hắn thoáng ngơ ngác nhưng vẫn im lặng đi theo tôi. Sau đó, tôi đóng cửa
phòng và mời Shimizu ngồi trên chiếc ghế đẫu.
Tôi rất bực cảnh vừa rồi, nhưng tôi đã cố dằn xuống. Tôi nói:
“Shimizu, anh có thể hút thuốc, đây là câu chuyện giữa một người và
một người, không phải giữa hạm trưởng và sĩ quan pháo thuật.
Tôi không muốn chỉ trích anh hoặc bảo vệ người lầm lỗi. Nhưng tôi phải
trình bày rõ với anh là tôi không chủ trương duy trì kỷ luật bằng hình phạt
thể xác. Tôi không hiểu phương pháp chỉ huy của hạm trưởng trước đây của
anh như thế nào, nhưng tôi tin rằng một thủy thủ khu trục hạm phải hoàn
toàn duy trì việc làm có tánh cách đồng đội. Đó là lối chiến đấu hữu hiệu
nhứt. Tất cả 250 người trên chiếc tàu nầy phải làm việc như một người. Tất
cả phải chung lưng đấu cật trong tình chiến hữu và sự hòa thuận”
Shimizu chăm chú lắng nghe, hình như hắn không hài lòng nhưng không
nói ra.
“Duy trì việc làm đồng đội tốt và một trật tự thích đáng không phải dễ
dàng. Nhưng tôi đã từng làm được mà không cần phải áp dụng hình phạt
thân xác. Việc khó, nhưng phải làm cho được. Nếu thấy khó khăn, lần sau
gặp trường hợp vừa rồi hãy báo cáo cho tôi biết để tôi quyết định.”
Shimizu im lặng nhìn xuống. Tôi nhấn chuông và yêu cầu ba sĩ quan
cầm đầu ba ngành khác đến gặp tôi. Tất cả đều là người mới. Đại úy Shigeo
Fujisawa, cơ khí trưởng, Trung úy Masatoshi Miyoshi, sĩ quan thủy lôi
trưởng, và Đại úy Kinjuro Matsumoto, hoa tiêu trưởng, đến phòng tôi
nhanh chóng. Mặt cả ba có vẻ khẩn trương, dĩ nhiên là do lịnh gọi bất thình
lình của tôi. Tôi nói ngay: “Tôi vừa thấy Shimizu đánh một thủy thủ một
cách ngang nhiên. Đây là lần đầu và cũng là lần cuối, tôi không muốn cảnh
nầy tái diễn trên chiếc Amatsukaze. Tôi không cho phép đánh đập thủy thủ
đoàn của tôi. Đó là lịnh cho quí vị.”
Tất cả rút lui, và lưỡi tôi như có vị chua chát. Tôi cảm thấy bực bội vô
tả. Với một thủy thủ đoàn vá víu thế nầy, tôi làm sao đủ thời giờ khép họ
vào qui cũ để tham dự một cuộc hành quân quan trọng sắp xảy ra? Tôi nhớ
lại những kinh nghiệm đã trải qua ở Eta Jima những năm trước đây, và tôi
vẫn không thể quên được những tên bịnh hoạn được trao quyền tự do đánh
đập tôi.
Đánh đập người như đánh đập súc vật trên một chiếc khu trục hạm
không khác nào tước đoạt sáng kiến của thuộc hạ. Trên một khu trục hạm,
mỗi người đều phải đâu lưng làm việc, vì chỉ như vậy mới có thể đòi hỏi
một thủy thủ khu trục hạm tận dụng năng lực của mình, thường thường gấp
đôi, trong các cuộc hành quân.
Tôi quyết định dành nhiều thời giờ đích thân theo dõi công việc trên tàu.
Tôi luôn luôn nghe la hét giận dữ, nhưng không thấy sĩ quan nào đánh đập
thuộc cấp nữa.
Chuyến đi dài 1.400 dậm hoàn toàn yên tỉnh, và sáng ngày 25 tháng 5
chúng tôi đến Saipan. Mười sáu tàu chuyển vận khởi hành từ Truk chất đầy
3.000 binh sỹ bộ binh và 2.800 thủy thủ cũng đã đến. Trong hải cảng nầy
còn có hơn chục chiếc tàu săn tiềm thủy đỉnh, tuần tiểu đỉnh, trục lôi hạm
và tàu chở dầu. Ngày hôm sau, trong một cuộc hợp chiến thuật gồm các vị
hạm trưởng, cuộc hành quân Midway được chánh thức công bố. Lịnh hành
quân chi tiết được trao cho mỗi sĩ quan. Theo đó, chiếc Amatsukaze lãnh
nhiệm vụ hộ tống lực lượng đổ bộ Midway.
Kế hoạch hành quân Midway có hiệu lực kể từ ngày 26 tháng 5 năm
1942. Ngày kế đó, Lực Lượng Đặc Nhiệm của Phó Đô Đốc Nagumo rời
khỏi biển Nhật Bản trực chỉ đến Midway.
Từ Saipan, lực lượng đổ bộ được các khu trục hạm hộ tống lên đường
vào ngày 28 tháng 5. Độ chừng tiềm thủy đỉnh địch thế nào cũng theo dõi,
chúng tôi giả vờ chạy về hướng Tây, sau đó quay sang hướng Nam. Đồng
thời với cuộc khởi hành của chúng tôi, phân đội của Đề Đốc Takeo Kurita,
gồm ba tuần dương hạm và hai khu trục hạm cũng rời khỏi đảo Guam.
Thành phần chánh của Hạm Đội Hổn Hợp do chiếc siêu thiết giáp hạm
tối tân Yamato, soái hạm của Đô Đốc Yamamoto, dẫn đầu rời khỏi biển
Nhật Bản vào ngày 29 tháng 5. Ngày trước đó là ngày kỉ niệm thứ 37 cuộc
chiến thắng hạm đọi Nga Sô ở eo biển Tsushima vào năm 1905 của Nhật
Bản. Một điềm lành báo trước, nhưng qua linh tính, tôi cảm thấy có một cái
gì sai lầm trong cuộc hành quân nầy và tim tôi như chùng xuống.
Sáu ngày nồi tiếp trôi qua đều đặn. Khoảng 6 giờ sáng ngày 3 tháng 6,
một thủy phi cơ địch xuất hiện vài dậm phía trước đoàn tàu chốc lát rồi biến
mất. Nhưng chắc chắn chiếc phi cơ nầy đã ghi nhận đoàn tàu của chúng tôi
đang hướng về Midway, lúc đó chỉ còn cách phía Đông Nam hòn đảo nầy
600 dậm.
Vào xế trưa, nhiều phi cơ địch bay đến từ phía Nam. Soái hạm Jintsu của
Tanaka khai hỏa. Phi cơ địch tránh ra xa, chờ khi tiếng súng dứt chúng quay
lại. Jintsu vẫn khai hỏa, nhưng không trúng, và cuối cùng những phi cơ nầy
bay mất dạng. Vì không được sự bao che của không quân, nên đoàn tàu của
chúng tôi có vẻ nao núng. Nhá nhem tối phi cơ địch quày lại, và lần nầy bay
xà thấp nên chúng tôi có thể nhận ra đó là 9 chiếc pháo đài bay B.17.
Tất cả các khu trục hạm đều khai hỏa. Không một phi cơ địch nào trúng
đạn, và trước khi bay đi, các oanh tạc cơ 4 máy thả nhiều trái bom, rớt nổ
cách chúng tôi 1.000 thước. Quá nữa đêm, bốn oanh tạc cơ địch lại xuất
hiện và thả nhiều trái thủy lôi. Một trong những trái thủy lôi trúng ngay
chiếc tàu chở dầu Akebono Maru, gây cho 11 người thiệt mạng và 13 người
khác bị thương. Nhưng chiếc tàu không chìm vì khu vô nước được ngăn lại
kịp thời, và có thể di chuyển theo đoàn tàu chuyển vận chạy chậm chạp.
Chúng tôi hiểu rõ đang phải đối đầu với một địch quân đã chuẩn bị sẵn
sàng, nhưng các cố gắng ngăn chặn trước đoàn tàu của chúng tôi như vậy
được xem là yếu kém và vụng về. Lực Lượng Đặc Nhiệm của Nagumo có
thể nghiền nát địch quân với các quả đấm ngàn cân của nó.
Bình minh ngày 5 tháng 6, thời tiết u ám, mây giăng kín bầu trời, nhưng
đứng gió. Đứng trên đài chỉ huy của chiếc Amatsukaze, mí mắt tôi nặng trĩu
sau một đêm không ngủ. Với thời tiết nầy, nếu phi cơ địch thình lình từ
trong các đám mây bay thấp xuất đầu lộ diện tấn công, thật khó cho chúng
tôi chống đỡ. Tôi thức tỉnh qua tiếng nói từ phòng truyền tin phát ra: “Trung
Tá, Lực Lượng Đặc Nhiệm chánh của chúng tôi gởi đi nhiều công điện
khẩn cấp.”
“Mang tất cả lên đây cho tôi.” Tôi ra lịnh.
Vài giây sau, tôi nhìn chăm chú vào một mãnh giấy, tim tôi như ngừng
đập. Công điện gởi đi của hàng không mẫu hạm Kaga: “chúng tôi bị bốc
cháy.”
Những công điện kế tiếp báo cáo các cuộc tấn công có hiệu quả của địch
quân vào hai hàng không mẫu hạm Soryu và Akagi, soái hạm của Phó Đô
Đốc Nagumo. Sân tàu của ba hàng không mẫu hạm bốc cháy cùng một lúc!
Tôi đang đọc những gì đây? Có phải tôi nằm mơ không? Tôi lắc đầu.
Không, tôi hoàn toàn tỉnh táo. Tôi kêu trời và trao công điện cho các sĩ quan
của tôi. Tay Đại úy Shimizu run rẩy khi lướt mắt trên các giòng chữ. Mặt
Đại Úy Matsumoto xanh như tàu lá, trung úy Miyoshi có vẻ nghi ngờ.
Tôi nhìn quanh, đoàn tàu của chúng tôi đang lướt theo hình chữ chi. Tôi
chắc các hạm trưởng và sĩ quan trên mấy chiếc tàu khác đã đọc những tin
tức gây xúc động nầy. Dù choáng váng, chúng tôi vẫn phải tiếp tục kế
hoạch đã sắp xếp, vì chúng tôi không hề nhận được lịnh thối lui.
Tin tức tiếp tục đến, và trong chúng tôi không còn ai nghi ngờ về sự thật
đã xảy ra. Lực Lượng Đặc Nhiệm của Nagumo đã bị cắt nát ra từng mảnh.
Nhưng chúng tôi đang muốn gì đây? Cơn buồn rầu của tôi vì sự mất mát ba
hàng không mẫu hạm biến thành cơn thịnh nộ. Chúng tôi sẽ rơi vào bẩy nhu
lực lượng chánh của chúng tôi?
Cuối cùng lịnh hành quân mang số 154 đến lúc 9 giờ 20 sáng, chỉ thị
đoàn tàu chuyển vận của chúng tôi “tạm thời quay mũi về hướng Tây Bắc”
và “tất cả các chiến hạm tấn công địch quân từ hướng Tây Bắc Midway.”.
Các hộ tống hạm nhỏ và 16 chuyển vận hạm xoay chầm chậm theo đội
hình, và chạy thẳng về hướng Bắc. Sáu khu trục hạm và một tuần dương
hạm thuộc phân đội của chúng tôi gia tăng tốc độ lên 30 hải lý, trực chỉ
Midway.
Cho dù hôm nay trời đứng gió, với tốc độ hiện thời, chiếc Amatsukaze
lướt sóng ào ạt, tạo một màn mưa và bọt nước che mờ đài chỉ huy. Bây giờ
tôi không còn cảm thấy lưỡng lự nữa. Lúc 10 giờ 10, lịnh hành quân 156
công bố “hoãn lại” kế hoạch chiếm đóng đảo Midway, và chỉ thị cho chúng
tôi tiến sát vào bờ biển để pháo kích san bằng hòn đảo nầy.
Chúng tôi vẫn còn cách Midway 300 dậm, còn 10 tiếng đồng hồ nữa
chúng tôi mới đến mục tiêu. Hình như đó là một thời gian khá dài, đủ để
địch quân kịp thời chuẩn bị. Chúng tôi tiếp tục tiến tới, và vẫn tiếp tục nhận
được các tin tức không mấy lạc quan. Lúc 14 giờ 30 ngày 4 tháng 6, báo
cáo của chiếc Hiryu, hàng không mẫu hạm cuối cùng còn hoạt động của
Nagumo, cho biết: “chúng tôi bị oanh tạc và bốc cháy.” Và lúc 16 giờ 15,
Đô Đốc Isoruku Yamamoto ban ra lịnh thứ ba trong ngày, chỉ thị thành phần
còn lại thuộc lực lượng của Nagumo tấn công địch quân vào ngay đêm đó.
Lịnh nầy không những không đề cập đến sự mất mát tất cả các hàng không
mẫu hạm của Nagumo, nhưng còn nhấn mạnh rằng “ hiện thời hạm đội địch
đã bị tiêu diệt và tàn quân đang rút về phía Đông.”
Cho dù với sự hiểu biết hạn hẹp của tôi về các biến cố trong trận đánh
nầy, tôi cũng thấy lịnh của Yamamoto vừa ban ra có vẻ khó hiểu. Tôi nghĩ
là ông đã mất sự sáng suốt. Nhưng ngay sau đó tôi hiểu ra, sở dĩ Yamamoto
đã ban lịnh nầy đó chỉ là vì ông đang cố gắng ngăn chận sự sụp đổ tinh thần
của các lực lượng dưới quyền của ông.
Lúc 21 giờ 30, Nagumo gọi vô tuyến báo cáo một tin tức khiến cho các
lịnh đánh lừa của Yamamoto trở thành mỉa mai: “lực lượng của địch quân
bao gồm 5 hàng không mẫu hạm, 6 tuần dương hạm và 15 khu trục hạm
đang di chuyển về hướng Tây. Chúng tôi đang hộ tống chiếc Hiryu rút lui
về hướng Tây Bắc.” Hai giờ sau đó, Yamamoto đưa ra một lịnh nữa, và ông
vẫn chủ tâm tấn công địch quân. Lịnh nầy đến tay tôi khi toi đang nhìn thấy
một chiếc tàu đang bốc cháy dữ dội, cách chiếc Amatsukaze khoảng 5.000
thước về phía Tây.
Tôi xem lại hải đồ và xác định chiếc tàu đang bốc cháy là hàng không
mẫu hạm Akagi. Tôi nhớ lại quang cảnh một chiến hạm địch bốc cháy ở
Java. Bây giờ đây là soái hạm của chúng tôi. Trái ngược biết bao. Trong
trận hải chiến ở biển Java, cả hai, Nhật Bản và Đồng Minh đều vấp phải lổi
lầm, nhưng ở Midway chỉ có một mình Nhật Bản lổi lầm mà thôi.
Trước nửa đêm không lâu, chúng tôi nhận được lịnh chấm dứt cuộc hành
quân Midway, và chỉ thị chúng tôi sáp nhập vào lực lượng chánh của
Yamamoto.
(Trận hải chiến Midway Nhật Bản bị đánh chìm 4 trong tổng số 6 hàng
không mẫu hạm lớn nhất và hiện đại nhất của Hạm Đội Hổn Hợp các chiếc
Akagi, Kaga, Soryu và Hiryu và một tuần dương hạm hạng nặng Chikuma.
Chiếc Kaga tiền thân là một thiết giáp hạm cùng nhưng vì các hiệp ước
với Đồng Minh trong thập niên 20 nên được biến cải thành một hàng không
mẫu hạm trọng tải 38.000 tấn, thủy thủ đoàn 2016 người. Về trang bị nó
vẫn giữ được một phần võ trang của thiết giáp hạm gồm 10 khẩu đại bác
200 ly, 8 khẩu 127 ly và 22 khẩu phòng không 25 ly, nó có thể đạt tốc độ tối
đa 29 hải lý, mang được tối đa 90 máy bay gồm 18 Zero, 37 Val và 37 Kate
số lượng máy bay có thể thay đổi tùy theo các cuộc hành quân.
Hàng Không Mẫu Hạm Akagi, soái hạm của Phó Đô Đốc Chuichi
Nagumo trong suốt các cuộc hành quân của Lực Lượng Đặc Nhiệm từ Trân
Châu Cảng đến Midway, tiền thân là một kiểu thiết giáp tuần dương hạm
lớp Amagi nhưng cũng vì hiệp ước với Đồng Minh nên cả hai được biến cải
thành hàng không mẫu hạm nhưng chiếc Amagi bị động đất chôn vùi năm
1923. Chiếc Akagi hoàn tất vào năm 1935 như là một hàng không mẫu hạm
hiện đại của Nhật Bản lúc đó, trọng tải 37.000 tấn, thủy thủ đoàn 2.000
người, võ trang giống như chiếc Kaga và cũng mang được tối đa 90 máy
bay.
Hàng không mẫu hạm Soryu, đây là kiểu tàu trọng tải lớn được thiết kế
đúng với tính năng của một hàng không mẫu hạm hiện đại, nó chỉ nặng
20.000 tấn quá bé nhỏ so với 2 chiếc Kaga và Akagi nhưng đây là hàng
không mẫu hạm chạy nhanh, năm 1935 nó được trình làng và được xem là
hàng không mẫu hạm chạy nhanh nhất thế giới lúc đó, nó đạt tốc độ đến 35
hải lý, thủy thủ đoàn 1100 người, võ trang gồm 12 khẩu 127 ly dùng để
phòng không lẫn tự vệ chống tàu bé như khu trục hạm chẳng hạn, 26 khẩu
phòng không 25 ly và 15 khẩu đại liên 13 ly phòng không, mang theo 57
máy bay nhưng có thể mang tối đa đến 80 chiếc.
Hàng không mẫu hạm Hiryu, chiếc tàu đàn em của Soryu, được cải tiến
trên kiểu Soryu, trọng tải 20.000 tấn, nó cũng có những tính năng như
Soryu nhưng trang bị đến 31 khẩu phòng không 25 ly và vẫn như Soryu nó
cũng mang theo 57 đến 80 máy bay gồm Zero, Val hoặc Kate.
Nhật Bản cũng lên kế hoạch đóng tiếp 6 chiếc hàng không mẫu hạm
thuộc lớp Soryu nhưng không hoàn tất được chiếc nào, ngoại trừ chiếc
Unryu bị tàu ngầm Redfish đánh chìm trên chuyến hải trình đầu tiên của nó
từ Manila về Kure vào ngày 12 tháng 9 năm 1944, vì lúc đó Hoa Kỳ đã tấn
công vào Luzon mà công việc hoàn tất Unryu vẫn chưa xong. Unryu chìm
mang theo hạm trưởngĐại Tá Kaname Konishi và 1318 sĩ quan và thủy thủ
đoàn. Chỉ có 146 người được khu trục hạm hộ tống Shigure cứu sống, lúc
nầy Hara đã hết làm hạm trưởng của chiếc Shigure. Các chiếc khác không
hoàn tất được là Amagi (khác với Amagi đã bị động đất chôn năm 1923),
Katsuragi, Kasagi, Aso, Ikoma vẫn còn nằm trên xưởng và bị phá bỏ vào
năm 1946, trừ chiếc Katsuragi hoàn tất tháng 8 năm 1944 và nhận nhiệm vụ
tháng 10 năm 1944 nó chở một số oanh tạc cơ B7A và B6N thực hiện
nhiệm vụ Kamikaze và sau đó được dùng như là một tàu vận tải lớn để chở
binh sỹ vì Nhật Bản đã mất hẳn ưu thế trên biển, sống sót sau chiến tranh và
bị phá bỏ ngày 22 tháng 12 năm 1946, chiếc Karuma thì bị hủy bỏ từ năm
1943. Trong suốt cuộc Nhật Bản chỉ hạ thủy được thêm một mẫu hạm hạng
nặng và tối tân nhất thế giới lúc đó, chiếc Taiho nhưng cũng bị đánh chỉ chỉ
bởi 1 phát thủy lôi ở trận Leyte do thủy thủ đoàn quá thiếu kinh nghiệm
điều khiển. Và một con quái vật trên biển nữa nhưng cũng chưa hoàn tất,
siêu mẫu hạm Shinano, biến cải từ lớp thiết giáp hạm Yamato, Shinano
được đóng ở Đài Loan nhưng tình hình bất lợi cho Nhật Bản nên nó được di
dời về Nhật Bản để hoàn tất tiếp trên đường về thì bị tàu ngầm Archer-Fish
của Hoa Kỳ đánh chìm ngày 28 tháng 11 năm 1944. Chiếc Shinano, trọng
tải 70.000 tấn mang được tối đa 140 máy bay, trang bị cả rừng phòng không
16 khẩu 127 ly, 145 khẩu 25 ly và 12 ống rocket 127 ly. Tiếc là nó chưa có
cơ hội chứng tỏ.
Tuần dương hạm Chikuma, 14.000 tấn, đây là một trong hai chiếc thuộc
lớp Mogami, tuần dương hạm hạng nặng hiện đại nhất của hải quân Nhật
Bản, nó đạt tốc độ 37 hải lý, trang bị 10 trọng pháo 203 ly trong 5 tháp
súng, 8 khẩu 127 ly, 8 dàn 25 ly và 4 dàn 13 ly phòng không và 12 ống
phóng thủy lôi 610 ly. Bị các oanh tạc cơ SBD của Hoa Kỳ đánh chìm trong
trận Midway, Chikuma trúng trực tiếp 6 bom 750 cân Anh, chỉ có 240
người được các khu trục hạm cứu sống gồm có cả hạm trưởng Đại Tá
Shakao Sakiyama bị thương nặng và thiệt mạng 3 ngày sau đó trong tổng số
850 thủy thủ đoàn.
Bốn hàng không mẫu hạm Nhật chìm trong trận Midway mang theo 250
máy bay và 400 phi công đầy kinh nghiệm của Nhật Bản qua các trận đánh
không hải chiến lớn ở Thái Bình Dương, và hơn 2.000 thủy thủ được tôi
luyện trong các chiến dịch lớn trước đó. Thiệt hại nầy không thể bù đắp
được.
Về phía Mỹ, chỉ mất một hàng không mẫu hạm và một khu trục hạm
cùng 175 phi cơ. Hàng không mẫu hạm Yorktown đóng năm 1934 và hoàn
tất năm 1937, 25.000 tấn, chở được 90 máy bay các loại, tốc độ 33 hải lý,
thủy thủ đoàn 2217 người. Hàng không mẫu hạm Yorktown đã bị thương
trong trận hải chiến ở biển San Hô và đưa về Trân Châu Cảng sửa chửa cấp
tốc trong ba ngày và quay lại tham chiến ở Midway, đây là một điều bất ngờ
dành cho người Nhựt.
Khu trục hạm Hammann, hạ thủy năm 1938, đây là lớp khu trục hạm
mới của Mỹ, trọng tải 2.200 tấn, trang bị 4 khẩu 127 ly, tốc độ 35 hải lý,
thủy thủ đoàn 192 người. Khu trục hạm Hammann tham dự hầu hết các trận
đánh lớn ở Thái Bình Dương và bị đánh chìm ở Midway bởi các thủy lôi do
tàu ngầm I.168 phóng đi, một trong những trái thủy lôi đó đã kết thúc luôn
chiếc Yorktown đang hấp hối sau cuộc oanh tạc của Nhật Bản và đã di
chuyển hết thủy thủ đoàn sang các tàu khác. Trận Midway Mỹ chỉ thiệt mất
307 người trên các chiến hạm, bao gồm cả phi công.)
Trận đánh Midway là điểm xoay chiều giòng thủy triều của cuộc chiến
Thái Bình Dương chảy xuôi về phía Đồng Minh. Nagumo bị đánh tơi tả ở
Midway, điều nầy ai cũng công nhận, nhưng không có nghĩa là toàn hải
quân Nhật Bản sụp đổ. Hạm Đội Hổn Hợp của Yamamoto chưa hề hấn gì,
và Nhựt vẫn còn ít nhất bốn hàng không mẫu hạm, đủ sức đương đầu trên
phương diện nầy với hải quân Hoa Kỳ.
Những gì sụp đổ thật sự cho Hải Quân Hoàng Gia theo xét đoán của tôi,
chính là một loạt sai lầm về chiến thuật và chiến lược do Yamamoto đưa ra
sau trận Midway, và qua những cuộc hành quân được Nhựt phát động khi
Hoa Kỳ đổ bộ lên Guadalcanal vào đầu tháng 8 năm 1942.
Sau khi bắt buộc kết thúc cuộc hành quân Midway, Yamamoto đưa Hạm
Đội Hổn Hợp của ông đến Truk và sau đó trở về xứ. Khi Hoa Kỳ tiến đánh
Guadalcanal, lực lượng chánh của hạm đội Yamamoto đang buông neo gần
Kure ở bờ biển Nhật Bản, cách mặt trận 2.700 dậm. Trong suốt các cuộc
hành quân có tánh cách quyết định quanh Guadalcanal, Yamamoto đã tung
hết đơn vị nhỏ nầy đền đơn vị nhỏ khác. Chiến lược của ông có vẻ không
mấy sáng suốt. Chiến lược nầy đã phát triển như thế nào?
Tôi lại kết hợp với đoàn tàu chuyển vận vào ngày 10 tháng 6 tại hải vực
phía Bắc đảo Midway 600 dậm, trong nhiệm vụ hộ tống đoàn tàu nầy đến
Truk. Ngày 15, chúng tôi hoàn tất nhiệm vụ. Hai ngày sau đó, tất cả chiến
hạm trở về Nhật Bản. Chúng tôi đến Yokosuka vào ngày 21 và ba ngày sau
di chuyển đến Kure. Mọi người không được phép nói về trận Midway. Các
chi tiết thật sự của trận đánh nầy được giữ “Tối mật” ngay đối với các sĩ
quan chỉ huy. Một thông cáo chung của Tổng Hành Dinh Quân Lực Hoàng
Gia Nhựt được đưa ra, đã thêu dệt quá mức con số thiệt hại của Hoa Kỳ,
nhưng không đá động gì đến những mất mát của Nhựt, và thông cáo còn
nhấn mạnh rằng trận đánh kết thúc trong sự thắng lợi của Nhật Bản.
Hạm đội hổn hợp đã trở về biển Nhật Bản nhưng không phải để tu bổ.
Bởi vì, phải công nhận Lực Lượng Đặc Nhiệm của Nagumo đã mang những
vết thương trầm trọng, nhưng các đơn vị quan trọng khác vẫn còn nguyên
vẹn. Yamamoto muốn rèn luyện lại tinh thần binh sỹ của ông, sau khi họ đã
nhận một cú đấm choáng váng mặt mày vào tháng trước đó.
Yamamoto và Bộ Tư Lịnh Tối Cao hải quân ở Đông Kinh không hề có
chút hồ nghi nào về việc người Mỹ sẽ tung ra một cuộc tấn công quan
trọng, nhắm vào Guadalcanal trong vòng hai tháng sau trận đánh Midway.
Họ tin rằng Hoa Kỳ nếu có muốn tấn công thì sớm nhứt cũng phải giữa năm
1943 họ mới đủ sức.
Từ ngày 28 tháng 6 cho đến ngày 5 tháng 8, tôi lãnh nhiệm vụ giữ an
ninh cho các tàu buôn Nhựt trong khu vực vịnh Đông Kinh. Công việc nầy
dễ dàng, và nhờ đó tôi có dịp huấn luyện thủy thủ đoàn mới của tôi.
Việc rút Hạm Đội Hổn Hợp của Yamamoto về hải phận Nhật Bản ở thời
gian nầy, quả thật là một sai lầm quá mức. Hầu hết các lực lượng của Hạm
Đội nầy bị cầm chân ở Truk. Tuy nhiên chiến lược của Yamamoto không
phải hoàn toàn dở. Hầu hết 104 khu trục hạm của ông có thời giờ nghỉ ngơi
và tái huấn luyện. Đây là vấn đề tối cần thiết, bởi vì tất cả những khu trục
hạm nầy sẽ tham dự vào hàng loạt các trận đánh dữ dội và đẩm máu kéo dài
thêm hai năm nữa. Trong các trận đánh nầy, khu trục hạm đã nắm vai trò
tiên phong lần đầu tiên, và có thể cũng là lần cuối cùng trong lịch sử.
Một sai lầm to tát khác là việc xé lực lượng khu trục hạm ra từng mảnh
nhỏ để sử dụng ở quần đảo Salomon, và thường thường không có sự hổ trợ
của các phi cơ hoặc các chiến hạm lớn hơn.
Dù vậy, các khu trục hạm nầy vẫn chiến đấu dũng mãnh trước các địch
thủ vượt trội. Thêm vào nhiệm vụ chiến đấu, khu trục hạm còn lãnh nhiệm
vụ chuyển vận binh sĩ. Những khu trục hạm được xưng tặng là “Chuyến xe
lửa tốc hành Đông Kinh” thực sự là những con ngựa hùng hục kéo xe trên
Nam Thái Bình Dương, và cũng vì vậy mà sự hao mòn không sao tránh
khỏi. Từ khi cuộc hành quân Guadalcanal của Hoa Kỳ phát khởi vào ngày 7
tháng 8 năm 1942, cho đến trận “Dunkirk” của Nhật Bản (tức trận đánh
quyết định trên hòn đảo nầy) vào ngày 7 tháng 12 năm 1943, 12 khu trục
hạm Nhựt đã bị địch quân đánh chìm.
Riêng các cuộc hành quân liên tục ở hải phận quần đảo Solomon từ
tháng 3 đến tháng 11 năm 1943, tôi có tham dự trong tư cách hạm trưởng
khu trục hạm Shigure, con số mất mát của loại tàu này cao hơn 6 tháng
trước đó, vì địch quân càng lúc càng nắm ưu thế trên không và ra da của họ
cũng được cải tiến. Chiếc Shigure của tôi là “Chuyến Xe Lửa Tốc Hành
Đông Kinh” duy nhứt còn tồn tại mà không mất một thủy thủ nào qua các
trận đánh ở hải phận nầy. Ba mươi khu trục hạm khác đều bị loại khỏi vòng
chiến.
Các chiến hữu hải quân của tôi đã gọi chiếc Shigure (Xuân Vũ) là “Khu
Trục Hạm Ma Quái” hoặc “Khu Trục Hạm Kiến Cố” và tôi có biệt danh
“Hạm Trưởng Huyền Diệu”. Đây có lẽ là giai đoạn thực sự vẻ vang nhất
trong đời binh nghiệp của tôi.

2
Trung Hoa có câu tục ngữ: “Một con sư tử dồn hết sức mạnh để tấn công
một con thỏ.” Hải quân Hoa Kỳ không khác nào con sư tử trong câu tục ngữ
nầy, khi nó cố xé Guadalcanal và Tulagi vào bình minh ngày 7 tháng 8 năm
1942. Điều mỉa mai là phi trường Nhựt ở Tulagi vừa thiết lập xong ngày
trước đó. Lực lượng phòng thủ của Nhựt trên đảo Tulagi ngoài 800 binh sĩ
hải quân, được trang bị một vài pháo khẩu và một số đại liên, ở đây chỉ có 9
thủy phi cơ chiến đấu và 12 thủy phi cơ quan sát không võ trang.
Lực lượng Hoa Kỳ đã làm cỏ quân phòng thủ Nhựt ở Tulagi trong vòng
hai tiếng đồng hồ, và chỉ với một tiểu đoàn quân của họ, quân Nhựt ở
Guadalcanal cũng nhanh chóng chịu chung số phận. Lúc đó “Con Sư Tử”
Nhật Bản tức Hạm Đội Hổn Hợp đang ngủ kỷ trên biển Nhật Bản cách hòn
đảo nầy 2.700 dậm. Nhưng Yamamoto có một “con chó giữ nhà” nằm ở
Rabaul. Đó là Đệ Bát Hạm Đội của Phó Đô Đốc Gunichi Mikawa.
Lực lượng của Mikawa, bao gồm 5 tuần dương hạm hạng nặng, 3 tuần
dương hạm hạng nhẹ và một khu trục hạm, rời khỏi Rabaul lúc 15 giờ ngày
7 tháng 8, và tấn công lực lượng của Hoa Kỳ vào giữa đêm 8 tháng 8. Các
chiến hạm của Mikawa đã đánh chìm 4 tuần dương hạm hạng nặng và gây
thiệt hại nặng nề cho một tuần dương hạm và hai khu trục hạm của Hoa Kỳ
và Úc Đại Lợi trong một trận đánh kéo dài 30 phút. Mikawa chỉ thiệt mất
tuần dương hạm Kabo (bị tiềm thủy đỉnh S44 của Hoa Kỳ đánh chìm hai
ngày sau đó, khi các chiến hạm của ông đang di chuyển gần Kavieng).
Mikawa đã đạt được một trong những chiến thắng trên mặt biển vang lừng
nhất của cuộc chiến. Tuy nhiên, ông đã sai lầm khi bỏ qua không tìm cách
tấn công các đoàn tàu tiếp tế cho Guadalcanal của Hoa Kỳ. Sau chiến tranh,
sự sai lầm nầy của Mikawa vẫn còn bị cả hai phía Đồng Minh và Nhật Bản
bàn tán chê bai. Tuy nhiên theo tôi, Mikawa đã làm tròn nhiệm vụ “giữ
nhà” của ông, và Yamamoto chính là người phải chịu trách nhiệm phần lớn
lỗi lầm nầy, vì ông đã trói chân Hạm Đội Hổn Hợp của ông trong hải phận
Nhật Bản.
Khi cuộc xâm chiếm của Hoa Kỳ được báo cáo về Nhựt, hai tai của
“Con Sư Tử” bị quào, nhưng nó chưa chịu thức dậy. Thiên Hoàng Hirohito,
đang nghỉ hè tại dinh thự mùa hè của Ngài ở Nikko, nghe được tin nầy đã
lập tức chuẩn bị trở về Đông Kinh, nhưng Đô Đốc Osami Nagano, Tổng
Tham Mưu Trưởng Hải Quân, địch thân đến Nikko để bệ kiến.
Nagano giải thích với Thiên Hoàng: “Tâu bệ hạ, chuyện nầy không đáng
để bệ hạ lưu tâm.” Và ông cho biết, theo tin tức “tình báo” của Tùy Viên
quân sự Nhựt ở Mạc Tư Khoa gởi về, chỉ có 2.000 địch quân Guadalcanal.
Nhiệm vụ của nhóm quân nầy là phá hủy các sân bay và sau đó đã rút lui
khỏi đảo.
Tôi không biết có bao nhiêu loại báo cáo ngu xuẩn như thể đã được cung
cấp. Nhưng dù cho có nhận được các báo cáo ngu xuẩn, các sĩ quan cao cấp
cũng phải đánh giá bằng cách đối chiếu các nguồn tin tình báo khác mới
phải. Cuối cùng, vào ngày 10 tháng 8, ba ngày sau khi cuộc hành quân được
phát động, Bộ Tư Lịnh Tối Cao Hoàng Gia Nhựt mới ra lịnh cho 5.800
quân từng tham dự trận đánh Midway, đang nằm chờ ở Truk, tiến về
Guadalcanal.
“Con sư tử” Yamamoto lại khép đôi mắt ngủ tiếp sau khi nghe tin cuộc
“chiến thắng phi thường” của Mikawa, và nó chỉ từ từ mở mắt ra sau khi
biết được lịnh của Bộ Tư Lịnh Tối Cao. Ngày kế đó, 11 tháng 8, Đệ Nhị
Hạm Đội của phó Đô Đốc Nobutake Kondo tách rời Hạm Đội Hổn Hợp, di
chuyển 2.700 dậm đến Guadalcanal. Lực lượng của Phó Đô Đốc Chuichi
Nagumo nằm lại, với lí do những phi công trên hàng không mẫu hạm mới
của ông chưa sẵn sàng tham chiến, nhưng với sự thúc giục ông đã gấp rút
chuẩn bị để ra đi với lực lượng chánh của Yamamoto vào ngày 16 tháng 8.
Vào thời gian nầy các lực lượng của Hoa Kỳ đã đổ bộ lên Guadalcanal.
Qua các thay đổi vào phút chót, chiếc Amatsukaze của tôi được đặt dưới
quyền sử dụng của Nagumo, người bạn cũ của tôi. Amatsukaze và 14 khu
trục hạm gia nhập phân đội 10, quanh tuần dương hạm Nagara (trở thành
soái hạm của Nagumo từ khi chiếc Akagi bị đánh chìm ở Midway). Phân
đội do một chuyên viên khu trục hạm chỉ huy, Đề Đốc Susumu Kimura.
Với vận tốc 18 đến 20 hải lý, chúng tôi tiến về phía Nam. Tất cả các khu
trục hạm nầy đều có vận tốc tối đa 33 hải lý, nhưng nếu vận tốc càng cao
mức độ tiêu thụ nhiên liệu của chúng càng nhiều. Theo chương trình, chúng
tôi sẽ đến Truk vào ngày 20 tháng 8, nghĩa là trên hải trình dài 2.000 dậm
trong vòng 5 ngày. Sau đó chúng tôi sẽ tiếp tục tiến đến Guadalcanal.
Nửa đường đến Truk, chúng tôi nghe tin Nhật Bản đã mắc một lỗi lầm
khác ở Guadalcanal. Vào đêm 18 tháng 8, sáu khu trục hạm Nhựt đã đổ 800
khinh binh lên bờ biển phía Đông Guadalcanal. Những lúc đó không có một
ai trong Bộ Tư Lịnh Tối Cao biết được việc người Mỹ đã đổ 20.000 Thủy
Quân Lục Chiến với trang bị tối tân của họ lên hòn đảo nầy rồi. Lực lượng
Nhựt sau khi đổ bộ đã tiến như vũ bảo xuyên qua rừng rậm, và chỉ sụp bẩy
của địch quân hai ngày sau đó. Kết quả, hơn phân nữa lực lượng nầy bị tiêu
diệt, thành phần còn lại bỏ chạy tán loạn.
Tin tức nầy đưa đến làm nao núng Yamamoto. Ông lập tức đình chỉ kế
hoạch tiến đến Truk và ra lịnh cho hạm đội chỉa mủi thẳng về Guadalcanal.
Nhưng hành động nầy đã quá trể. Và Bộ Tư Lịnh Lục Quân Nhựt lúc đó
còn nói chuyện hoang đường khi cho rằng hàng ngủ địch đang lung lay vì
tinh thần xâm lăng của họ.
Sau khi trung đoàn thứ nhứt dưới quyền của Đại Tá bộ binh Kiyanao
Ichiki bị đánh tan, Lục quân quyết định tung thêm một trung đoàn nữa. Lực
lượng nầy, dưới quyền chỉ huy của Trung Tướng Seiken Kawaguchi, cũng
bị đánh tan. Như vậy mà Lục Quân vẫn còn chần chừ rất lâu trước khi tung
hẳn một sư đoàn lên hòn đảo nầy.
Tánh tự phụ của Yamamoto hoàn toàn biến mất vào ngày 20 tháng 8.
Sáng ngày nầy, một phi cơ quan sát bay cách phía Tây Bougainville 500
dậm đã phát hiện một lực lượng đặc nhiệm của địch quân, gồm có ít nhất
một hàng không mẫu hạm và hai khu trục hạm, chạy hướng về phía Bắc với
vận tốc 14 hải lý.
Việc các lực lượng Nhựt ghé lại Truk đã được Yamamoto bải bỏ, nhưng
lúc ấy tất cả các chiến hạm của ông đều gần cạn nhiên liệu, và phải tái tiếp
nhận từ các tàu chở dầu ngay trên mặt biển trước khi di chuyển tiếp. Lấy
nhiên liệu trên mặt biển là một việc làm khó khăn và dễ gây sự đụng chạm,
và đặt biệt rất nguy hiểm trong thời chiến. Cả hai tàu chở dầu và tàu chiến
phải chạy thật chậm, khoảng 6 hải lý và phải tung nhiều khu trục hạm để
bảo vệ, đề phòng tiềm thủy đỉnh hoặc phi cơ địch tấn công vào mục tiêu
gần như chết đứng. Chúng tôi thực hiện việc tiếp nhiên liệu nầy kéo dài đến
4 giờ sáng ngày 23, ngày lúc chúng tôi tiến vào hải vực cách phía Bắc
Guadalcanal 400 dậm.
Hai tàu chuyển vận mang 1.500 binh sỹ khác dưới quyền Đại Tá Ichiki,
chạy phía trước chúng tôi 50 dậm với sự hộ tống của 1 tuần dương hạm và
6 khu trục hạm thuộc phân đội 2 khu trục hạm. Theo kế hoạch, phân nữa
lực lượng của Ichiki sẽ tấn công Guadalcanal và phân nữa còn lại sẽ tiếp
liền theo sau đó, sau khi lực lượng trước đã đổ bộ xong. Thêm vào đó, các
đơn vị tăng viện thuộc Lữ Đoàn của Tướng Kawaguchi được chuyển vận từ
Truk đến.
Vào ngày 23 tháng 8, Phân đội 2 khu trục hạm báo cáo rằng các chiến
hạm thuộc Phân đội bị phi cơ thám thính của địch phát hiện. Do đó,
Yamamoto phải tìm cách đối phó. Một giải quyết hợp lý nhứt là tạm đình
chỉ cuộc đổ bộ theo thời gian sắp xếp, để nhường hành động quyết định cho
hải quân. Tuy nhiên, Yamamoto vẫn ra lịnh cho Phân đội 2 khu trục hạm
tiếp tục chuyển trung đoàn của Ichiki đến mục tiêu đúng theo kế hoạch,
nhưng ông không đưa ra một lịnh nào cho đoàn tàu chuyển vận Lữ Đoàn
của Kawaguchi. Yamamoto quyết định hạ gục lực lượng đặc nhiệm nhỏ của
Hoa Kỳ, sau đó sẽ tiếp tục cuộc hành quân đổ bộ theo ngày giờ đã định.
Có những điểm trong quyết định của Yamamoto cần phải giải thích, và
nếu giải thích theo sự việc xảy ra vào lúc đó thì không bao giờ lượng định
được gánh nặng của người đưa ra quyết định nầy. Từ cuộc chiến tranh Hoa
– Nhựt, vấn đề Lục Quân khởi xướng kế hoạch và Hải Quân tiếp tay thi
hành đã trở thành truyền thống. Thoạt đầu, theo ý kiến của Lục Quân trong
cuộc hành quân Guadalcanal là đổ bộ một tiểu đoàn, sau đó là một trung
đoàn và kế nữa là một lữ đoàn. Vì vậy, dù biết là sai lầm, nhưng nếu hải
quân yêu cầu sửa đổi lại ý kiến nầy tức là phá bỏ truyền thống.
Tuy nhiên, Yamamoto biết được sức mạnh của địch quân trên đảo
Guadalcanal, ông sẽ không ngần ngại phá bỏ truyền thống, nhưng không
hiểu sao tình hình thực sự đã không đến được tay ông. Quan tâm ưu tiên
của ông lúc ấy là làm cách nào lực lượng bộ binh thiếp lập một đầu cầu ở
bờ biển phía Đông Guadalcanal, việc nầy hình như chỉ là vấn đề thời gian,
và tìm hết cách giữ cho được đầu cầu đó.
Yamamoto đã vội vã thành lập một lực lượng để đánh lừa địch quân, bao
gồm hàng không mẫu hạm nhỏ nhất của Hạm Đội Hổn Hợp chiếc Ryujo
10.150 tấn, tuần dương hạm hạng nặng Tone và hai khu trục hạm
Amatsukaze và Tokitsukaze. Bốn chiếc tàu nầy do Đề Đốc Chuichi Hara
chỉ huy, giả vờ tấn công Guadalcanal và ngăn lực lượng đặc nhiệm của Hoa
Kỳ tiến Bougainville. Lực lượng đặc nhiệm của Nagumo với thành phần
chủ chốt là hai hàng không mẫu hạm 40.000 tấn (Shokaku và Zuikaku)
được chỉ thị xoay về hướng Đông – Nam, và tấn công vào cạnh sườn các
chiến hạm địch truy đuổi lực lượng chim mồi của Đề Đốc Hara.
Chúng tôi xuất quân vào 2 giờ sáng ngày 24 dẫn đầu với tuần dương
hạm hạng nặng Tone, một chiếc tàu thoạt nhìn giống một con quái vật với 8
khẩu 203 ly chỉa mũi tua tủa. Theo sau là hàng không mẫu hạm Ryujo,
được Amatsukaze hộ vệ bên phải và Tokitsukaze hộ vệ bên trái. Chúng tôi
hướng về Guadalcanal với tốc độ 26 hải lý.
Nhiệm vụ không phải dễ dàng và nhiệm vụ quan trọng thực sự đầu tiên
của tôi trong cuộc chiến. Tôi đứng trên đài chỉ huy với đầu óc căng thẳng.
Đề Đốc Hara, ở soái hạm Tone, là một trong những Tư Lịnh tài ba nhứt của
hải quân. Tôi biết ông từ những ngày còn học ở Hàn Lâm Viện hải quân.
Lúc đó ông là một huấn luyện viên và tôi đã nể phục sự hiểu biết của ông.
Trong trận Trân Châu Cảng, Hara chỉ huy một hải đội hàng không mẫu hạm
thuộc Lực Lượng Đặc Nhiệm của Nagumo.
Điều đáng quan tâm hơn hết là chiếc Ryujo. Nhìn chiếc hàng không mẫu
hạm 10 tuổi nầy tôi thấy bất an. Các phi công tài ba không bao giờ được bổ
nhiệm phục vụ trên một chiếc tàu già nua, và sau khi được nhìn khả năng
của các hàng không mẫu hạm trận Midway, chiếc Ryujo đối với tôi thật
đáng bi quan. Tôi xem “con chim mồi” nầy chắc không sống sót nổi qua
phát đạn đầu tiên.
Lúc 7 giờ 13, khi bình minh tỏa rộng trên Nam Thái Bình Dương, kẻ thù
đầu tiên chúng tôi nhìn thấy là một chiếc thủy phi cơ, nó đã bay theo sau
chúng tôi nhiều dậm nhưng cuối cùng bỏ đi, chứng tỏ nó đã đếm xong lực
lượng của chúng tôi. Theo kế hoạch, chúng tôi tiếp tục tiến về phía trước và
trong vòng 4 tiếng đồng hồ không thấy phi cơ nào khác của địch quân xuất
hiện. Biển lặng như tờ. Thời tiết rất thích hợp cho phi cơ tấn công, nhắc tôi
nhớ lại trận đánh ở Midway. Một ngày bất lợi biết bao, tôi thầm nghĩ.
Lúc 11 giờ, chúng tôi cách phía Bắc Guadalcanal 200 dậm.
Ryujo tung lên 6 oanh tạc cơ và 15 chiến đấu cơ hướng đến hòn đảo theo
kế hoạch. Khi chiếc Ryujo xoay về hướng Tây, tiến đến điểm hẹn với các
phi cơ nầy, tàu của tôi chạy song song theo phía tả mạn của nó, cách 1.000
thước. Tôi biết 21 phi cơ vùa cất cánh chưa đủ con số mà hàng không mẫu
hạm Ryujo chuyên chở, và tôi tự hỏi tại sao lại không cho chín chiến đấu cơ
còn lại bay lên để bao che chúng tôi. Nhìn các đám mây dày đặc, tôi độ
chừng thế nào phi cơ địch cũng phóng ra những cú đấm chết người giống
như ở Midway. Càng nghĩ tôi càng bồn chồn.
Một giờ trôi qua, vẫn không một phi cơ nào của chúng tôi trở về. Tôi
không hiểu tại sao, và điều nầy khiến tôi càng thêm bồn chồn. Lúc 12 giờ
30, từ phòng truyền tin gọi tên tôi: “ Thưa Trung tá, một phi cơ của Ryujo
gởi báo cáo về cho biết cuộc oanh tạc Guadalcanal thành công.” Tôi nhẹ
nhõm, nhưng tự hỏi với chừng ấy phi cơ thì làm sao thành công được. Tôi
ăn trưa ngay trên đài chỉ huy. Vừa ăn xong, tôi nghe một trong số thủy thủ
quan sát la lên: “Một phi cơ, hình nhừ của địch, hướng 30 độ tả mạn.”
Xuyên qua ống dòm, tôi nhìn thấy một phi cơ ẩn hiện trong các đám mây.
Cờ báo động được kéo lên, còi tàu rít vang, và các khẩu cao xạ chuẩn bị
sẵn sàng. Khi chiếc phi cơ đến gần, chúng tôi nhận ra đó là một pháo đài
bay B17, giống mấy “người bạn cũ” của chúng tôi ở Davao. Tôi nhìn về
phía hàng không mẫu hạm Ryujo, không thấy động tỉnh gì hết, tôi nghĩ viên
hạm trưởng chắc đang nằm ngủ.
Để báo động Ryujo, tôi ra lịnh khai hỏa, mặc dầu phi cơ địch còn nằm
ngoài tầm súng cao xạ. Tone và Tokitsukaze lập tức đáp ứng. Cuối cùng, hai
chiến đấu cơ cất cánh từ Ryujo. Phi cơ địch trở hướng và biến mất trong
đám mây khi hai chiến đấu cơ bay đến. Hai phi cơ Nhựt bay lộn về và quần
trên hàng không mẫu hạm.
Tôi hết tin tưởng. Nếu phi cơ địch ồ ạt bay đến, thì Ryujo, với tình trạng
vừa qua, sẽ không làm sao chống đỡ nổi. Tôi thảo một công điện và gọi sĩ
quan truyền tin của tôi: “Gởi lập tức công điện nầy cho Ryujo bằng hiệu
kỳ.”
Một nhân viên truyền tin chạy lên sân tàu và vẩy các lá cờ: “Trung tá
Tameichi Hara, hạm trưởng Amatsukaze, gởi Trung tá Kishi, hạm phó
Ryujo: biết là quá đáng, nhưng tôi bắt buộc phải gởi sự lưu ý nầy đến Trung
Tá. Phi của Trung Tá đã thiếu hẳn sự chuận bị. Tại sao lại có vấn đề nầy?”
Công điện có vẻ thô lổ và chắc chắn không làm hài long người nhận. Tôi
không biết có một sĩ quan nào khác đã làm như tôi hay không. Tôi gởi công
điện nầy chi Kishi dựa vào việc chúng tôi cùng xuất thân ở Eta Jima. Kishi
không chịu trách nhiệm các cuộc hành quân trên không, nhưng ý định của
tôi là muốn thức tỉnh viên hạm trưởng của Ryujo và phi công có trách
nhiệm.
Vừa tự hỏi Kishi sẽ có phản ứng như thế nào, tôi vừa nhìn đăm đăm
chiếc Ryujo, và thấy cờ hiệu trả lời: “Kishi gởi Trung Tá Hara: rất tán thành
vấn đề đã lưu ý. Chúng tôi sẽ cải thiện và ghi nhận sự hợp tác của ông.”
Ryujo lập tức hành động. 7 chiến đấu cơ được đưa lên sàn tàu và mọi chong
chóng đều xoay để sẵn sàng cất cánh. Nhưng đã quá trể. Lúc đó các quan
sát viên của tôi la lên: “nhiều phi cơ địch bay đến.”
Khi chiếc Ryujo xoay theo hướng gió để các phi cơ cất cánh thì các oanh
tạc cơ Hoa Kỳ chúi xuống tấn công. Tôi nhìn Ryujo lo lắng. Các hàng
không mẫu hạm khác của Nhựt có thể dọn dẹp phi cơ trên sàn tàu chỉ trong
một vài phút, nhưng chiếc Ryujo không đủ khả năng làm như vậy.
Tôi phải lo nhiệm vụ của tôi. Tàu của tôi, cũng như tuần dương hạm
Tone và khu trục hạm Tokitsukaze chạy xa khỏi Ryujo 5.000 thước để
chống với các phi cơ địch đang bay đến. Ryujo gọi vô tuyến cho 21 phi cơ
tấn công Guadalcanal ra lịnh cho chúng bay đến phi trường Buka nằm giữa
Guadalcanal và Rabaul, thay vì trở về hàng không mẫu hạm. Tại sao không
gọi về một số để đương đầu với phi cơ địch?
Tôi không đủ thời giờ để suy nghĩ. Các oanh tạc cơ và chiến đấu cơ địch
đang xà xuống Ryujo, các phi cơ nầy xuất phát từ hàng không mẫu hạm
Saratoga (CV3) của Hoa Kỳ. Có trên hai mươi chiếc oanh tạc cơ xoay tròn
quanh hàng không mẫu hạm và nhiều chiến đấu cơ xà thấp xuống nước
trước rừng hỏa lực phòng không của chúng tôi. Mười hai súng cao xạ của
Ryujo đồng loạt khai hỏa nhưng không trúng một chiếc phi cơ nào.
Hai hoặc ba trái bom đã trúng phía sau và sân bay của hàng không mẫu
hạm. Những cột lửa rực đỏ bốc lên đồng thời với những tiếng nổ vang dội.
Nhiều trái bom khác lại trúng thẳng, chiếc tàu bị che phủ bởi những cột
nước và màn khói đen dày đặc. Bồn chứa xăng của Ryujo bốc cháy. Nó
đang chìm hoặc đã chìm?
Các phi cơ địch bây giờ bỏ Ryujo xoay sang tấn công các chiến hạm
khác của chúng tôi. Tất cả súng đều khai hỏa khi phi cơ xà thấp. Khu trục
hạm của tôi gia tăng tốc độ 33 hải lý và chạy theo hình chữ chi rất nhặt,
khiến nước biển tung như xối lên đầu tôi trên đài chỉ huy. Chiếc
Amatsukaze chịu đựng 30 phút tấn công, nhưng rất may các trái bom đều
tránh né nó.
Tôi thở phào khi phi cơ địch bay đi. Tôi xoay sang nhìn chiếc Ryujo.
Khói đen bắt đầu tan loảng và chiếc tàu hiện ra lờ mờ. Xuyên qua ống dòm,
tôi thấy Ryujo đã chết, hoàn toàn bất động, và đang từ từ sụm xuống. Nó
nghiêng hẳn về hữu mạn, không còn là một hàng không mẫu hạm nữa, đó là
một chiếc lò khổng lồ có nhiều miệng, và tất cả đều phựt lửa đỏ rực.
Soái hạm Tone báo hiệu: “Các khu trục hạm tiến đến Ryujo để tiếp cứu.”
Tàu của tôi lập tức chạy về phía hàng không mẫu hạm đang chìm, nhưng
ngưng lại ngay khi thấy ba chiếc phi cơ thình lình nhô ra khỏi các đám mây.
Khi chúng bay đến gần, mới biết đó là 3 chiến đấu cơ Nhựt trở về. Chúng
bay quân trên chiếc tàu chìm, như để chào vĩnh biệt. Một phi cơ đáp xuống
biển gần tàu của tôi, và hai chiếc kia gần Tokitsukaze. Cả ba phi công đều
được cứu thoát, nhưng các phi cơ thì đành bó tay.
Công việc tiếp cứu đã mất nhiều thời giờ, tôi tưởng chiếc Ryujo đã biến
mất trên mặt đại dương rồi. Nhưng thật kì lạ, mặc dù có nhiều lổ hỏng,
chiếc tàu vẫn nổi và ngay cả các miệng lửa cũng hạ xuống.
Chúng tôi lại tiến đền chiếc Ryujo, nhưng rồi phải ngưng nửa chừng.
Lần nầy 2 chiếc B.17 xuất hiện. Hai khu trục hạm và tuần dương hạm Tone
gia tăng tốc độ chạy theo hình chữ chi và tất cả cao xạ đều khai hỏa vào hai
oanh tạc cơ địch. Nhưng hai phi cơ nầy chỉ tấn công qua loa, hoặc chúng
không quen tấn công các mục tiêu di động nhanh trên biển. Tất cả các trái
bom thả xuống đều không trúng đích.
Khi các oanh tạc cơ bay đi, sương mù bổng trùm lấp mặt biển. Chúng tôi
bắt tay vào công việc tiếp cứu. Nhờ trời chiếc Ryujo vẫn chưa chìm, nhưng
hoàn toàn bất động. Có lẽ chúng tôi phải kéo nó về Truk để sửa chữa. Lửa
cháy xém khắp nơi, tất cả vũ khí và vật dụng khác đều bị thiêu hủy. Xác
chết rãi rác khắp nơi trên tàu. Chiếc tàu nghiêng về hữu mạn khoảng 40 độ,
và có thể chìm bất cứ lúc nào.
Một nhân viên giải cứu gởi tín hiệu bằng cờ: “chúng tôi bỏ chiếc tàu sắp
chìm. Các tàu khác hãy đến tiếp tay giải cứu thủy thủ đoàn.” Lúc ấy tàu của
tôi chay đến bên tả mạn còn nổi của chiếc Ryujo. Nếu chiếc tàu chìm, việc
nầy không biết xảy ra lúc nào, chiếc Amatsukaze có thể bị lôi cuốn và chôn
vùi theo với nó. Không thể chần chờ được nữa, tôi quyết định bắt tay vào
việc lập tức.
Đại dương lúc đó đang yên tỉnh, nhưng thỉnh thoảng các luồng sóng dài
bổ đến, khiến cột cờ của chiếc Ryujo chao đi chao lại, có khi chạm cả vào
đài chỉ huy của khu trục hạm nhỏ bé của tôi. Mồ hôi lạnh ướt đẩm lưng tôi.
Hàng chục thủy thủ khỏe mạnh dung sào dài để chống đở cột cờ của chiếc
Ryujo. Khi chiếc cầu được bắt nối người bị thương được di tản trước, kể đó
là những xác chết và tài liệu quan trọng còn sót lại. Cuộc tiếp cứu nhanh
chóng và gọn ghẻ. Hơn 300 người sống sót được đưa sang chiếc
Amatsukaze.
Độ nghiêng của Ryujo thình lình gia tăng. Bây giờ nó đang chìm “Chấm
dứt di tản” tôi la lên. Một sĩ quan đứng phía bên kia cầu gật đầu và đáp:
“Đúng, thưa Trung tá! Phải chấm dứt ngay. Nguy hiểm lắm rồi.”
Máy của Amatsukaze vẫn chạy đều, nó lập tức dang ra xa chiếc Ryujo,
và không đầy 350 thước, chúng tôi nhìn lại thấy hàng không mẫu hạm đã
biến mất trong làn sóng. Sức chìm của chiếc tàu đã tạo ra một vực nước
xoáy khổng lồ, ghì chặt lấy chiếc Amatsukaze và cuốn chạy như một mảnh
rác. Nhưng rất may là vực nước đó không đủ sức nhận chìm tàu của tôi. Tôi
còn đang thở muốn đứt hơi thì một giọng nói thật nhỏ phía sau lưng tôi :
“Trung tá Hara. Tôi … tôi không biết nói gì để cảm ơn ông…”
Tôi bổng thấy buồn cho vị sĩ quan nầy, ông ta không phải là một chuyên
viên hàng không mẫu hạm, và tôi thấy tức giận Đô Đốc Yamamoto đã chọn
một người như thế nầy để thi hành kế hoạch “chim mồi” của ông. “Ông
không cần phải cảm ơn tôi, Đại tá Kato,” tôi nói. “Xem ông không được
khỏe! ông có bị thương không?”
“Không, Hara, tôi không bị một vết trầy nào cả. nhưng … nhiều thuộc
cấp của tôi đã chết, và cả chiếc tàu!.” Ông ta đưa tay ôm lấy mặt, khóc nức
nở như một đứa trẻ. Tôi sợ ông ta có hành động nông nổi nên lên tiếng gọi:
“Y ta, mau lên dìu Đại tá Kato vào ca bin của tôi.”
Kato phản đối: “Ồ! Không, Hara! Hãy để tôi ở chung với thủy thủ của
tôi, nếu việc nầy không làm ngăn trở nhiệm vụ của ông.”
Tôi để ông ta làm theo ý thích. Trên tàu của tôi lúc ấy không có chổ nào
là không có thủy thủ của chiếc Ryujo. Tôi xúc động khi nhìn vị Đại tá già lê
bước về phía cầu thang để rời khỏi đài chỉ huy. Tôi gọi: “Đại tá Kato, xin
chờ một chút. Tôi muốn hỏi người bạn thân của tôi là Kashi, phụ tá Đại tá,
hắn ta có được bình yên không?”
Kato xoay lại, không thốt nên lời nào, khuôn mặt của ông ta đau khổ tột
cùng. Tôi hiểu và gật đầu. Kato cúi đầu và bước xuống cầu thang.
Tôi đứng lặng. Anh bạn tôi của tôi đã chết. Kashi, một chuyên viên hàng
không đã gặt hái được nhiều thành tích sáng chói. Anh ta từng đỡ tay cho
viên hạm trưởng ngù ngờ nầy biết bao. Tôi lắc đầu. Tôi còn nhiều việc phải
làm, đau buồn hãy chờ sau khi nhiệm vụ hoàn tất.
Tàu của tôi kết hợp với khu trục hạm Tokitsukaze và soái hạm Tone, và
tôi vui mừng khi thấy hai chiếc tàu nầy, như chiếc Amatsukaze của tôi,
không bị tổn hại gì cả. Cả hai cũng đang bận rộn cứu vớt một số thủy thủ
của Ryujo đã nhảy xuống biển để thoát thân. Trong lúc đó, 14 phi cơ của
hàng không mẫu hạm trở về sau nhiệm vụ ở Guadalcanal và đang bay quần
trên trời. Bảy chiếc, trong số có một chiếc duy nhứt trang bị hệ thống liên
lạc bị địch quân bắn rơi, thành thử các chiếc còn lại không nhận được lịnh
đáp xuống Buka. Số còn lại nầy bây giờ bắt buộc phải đáp xuông biển, các
chiến hạm cứu vớt hết phi hành đoàn nhưng tất cả các phi cơ đều vùi sâu
dưới đáy biển.
Ba chiến hạm còn lại của chúng tôi được lịnh Phó Đô Đốc Nagumo chạy
về hướng Tây để kết hợp với lực lượng chánh của ông. Ngày nầy, 24 tháng
8 năm 1942, mặt trận trên các đảo phía Đông Salomn vẫn còn tiếp diễn. Sau
khi vượt 50 dậm về điểm hẹn, chúng tôi nhìn thấy một số chiến hạm Nhựt
tất cả đều mở đèn chạy chầm chậm về phía Nam. Các chiến hạm nầy đang
tìm kiếm một số phi công bắt buộc phải hạ cánh trên mặt biển.
(Hàng Không Mẫu Hạm Ryujo, theo thiết kế ban đầu là một tàu chở thủy
phi cơ nhưng sau đó sửa đổi thành một hàng không mẫu hạm nhẹ trọng tải
dưới 10.000 tấn tuân theo các điều khoản của Hiệp Ước năm 1922 của Nhật
và Đồng Minh. Nó được đóng năm 1922 và hoàn tất trang bị vào năm 1931,
trọng tải tối đa có thể lên đến 13.000 tấn nhưng thông thường nó chỉ mang
đến 10.600 tấn. Nó được mang ra sử dụng trong cuộc chiến Hoa Nhật năm
vào năm 1937 với nhiệm vụ yểm trợ cho Lục Quân, lúc nầy nó trang bị 12
chiến đấu cơ Nakajima A4N và 17 oanh tạc cơ Aichi D1A cả hai loại đều là
phi cơ hai lớp cảnh cổ lổ. Năm 1940 nó được tái trang bị các phi cơ và sửa
chửa nâng cấp để mang được tối đa 37 phi cơ hiện đại. Khi đệ nhị thế chiến
bắt đầu Ryujo hoạt động ở Philippine cung cấp cây dù không quân cho các
đoàn chuyện vận đổ bộ lên Davao. Và sau đó nó hoạt động suốt từ
Philippine cho đến tận vịnh Bengal. Tháng sáu năm 1942, Ryujo tham gia
cuộc hành quân Midway nhưng trong thành phần lực lượng tấn công quần
đảo Aleutian, trong suốt cuộc hành quân này một chiến đấu cơ A6M Zero
do hạ sỹ Tadahito Koga lái đã rơi xuống quần đảo nầy, Koga thiệt mạng
nhưng chiếc Zero còn nguyên vẹn, đây là chiếc Zero đầu tiên lọt vào tay
của Đồng Minh, nhờ vào đó mà Đồng Minh cho ra đời một loạt chiến đấu
cơ mới để chọi lại chiếc chiến đấu cơ đáng sợ nầy. Ngày 24 tháng 8 năm
1942, Ryujo tham dự trận đánh ở Guadalcanal trong thành phần dụ địch và
bị các oanh tạc cơ SBD và Avenger của hàng không mẫu hạm Saratoga
đánh chìm, trong số 924 thủy thủ đoàn chỉ có 127 người thiệt mạng số còn
lại được cứu sống.
Hàng không mẫu hạm Sarotoga của Hoa Kỳ, cùng loại với chiếc
Lexington đã bị chìm ở trận San Hô, trọng tải 38.500 tấn chở được 90 phi
cơ các loại, thủy thủ đoàn 2.200 sĩ quan và binh sỹ, chiếc nầy cũng là một
thiết giáp tuần dương hạm biến cải thành hàng không mẫu hạm nên vẫn còn
mang theo những khẩu đại bác lớn 8 khẩu 200 ly, và trang bị các loại phòng
không từ 76 ly đến 12,7 ly. Nó đã tham chiến suốt từ đầu đệ nhị thế chiến
cho đến hết chiến tranh, có thể nói đây là hàng không mẫu hạm lì đòn nhất
của Hoa Kỳ trong cuộc chiến Thái Bình Dương. Nó bị đánh chìm ngày 25
tháng 7 năm 1946 bởi cuộc thử bom A của Mĩ, chung số phận với nhiều tàu
chiến khác như Prinz Eugen của Đức và Nagato của Nhựt).
Đêm tối như bưng. Nhiều giờ trôi qua, tiếng bom và tiếng súng không
còn nghe vọng đến.
Tôi bắt đầu cảm thấy rã rời trong suốt một ngày một đêm chiến đấu
không ngừng nghỉ. Tôi định đi nằm thì sĩ quan truyền tin của tôi cho biết
hàng không mẫu hạm Shokaku (tức soái hạm của Nagumo) gởi một công
điện đến Amatsukaze: “Phó Đô Đốc Nagumo chỉ thị cho Trung tá Hara giải
cứu hai phi công của hàng không mẫu hạm Zuikaku bắt buộc phải đáp
xuống biển. Thi hành lập tức tại vị trí KIN.21.”
Tôi vội vã trả lời: “Trung tá Hara gởi Đô Đốc Nagumo. Amatsukaze sẽ
tiến ngay đến KIN.21 và giải cứu các phi công của Zuikaku.”
Quay sang hải đồ, tôi ghi tọa độ được cho là KIN.21 cách 98 dậm chánh
Bắc vị trị hiện thời của tôi, và tọa độ nầy nằm sâu trong khu vực của lực
lượng đặc nhiệm địch 60 dậm. Sở dĩ tôi biết được khu vực của địch quân là
do tin tức đưa đén vào lúc chiếc Ryujo đang chìm. Nhưng lịnh là lịnh, và
nhiệm vụ quá cấp bách không thể chần chờ. Cơn buồn ngủ tiêu tan, tôi triệu
tập ngay bộ tham mưu để bàn thảo.
Chúng tôi không thể nào dám để cho một sai lầm nhỏ nào xảy ra trong
nhiệm vụ nầy. Tôi không dám chắc tọa độ được cho có chánh xác hay
không, nhưng nếu co một sai chạy nào thì công việc giải cứu của chúng tôi
vô hy vọng.
Phó Đô Đốc Nagumo đã đặt biệt chọn tôi thi hành nhiệm vụ nầy, tôi biết
ông đã đặt nhiều hi vọng vào tôi. Tôi quyết định không để ông thất vọng.
Chúng tôi đang hút đầu vào miệng cọp, nhưng thuộc cấp của tôi lại tỏ ra
thích thú và hăng hái khiến tôi cũng phấn khởi.
Chạy với tốc độ 24 hải lý, bốn tiếng đồng hồ sau chúng tôi có mặt trên
khu vực phỏng định. Tôi ra lịnh chiếc tàu giảm tốc độ xuống chỉ còn 6 hải
lý. Khi thiếu úy Hideo Shoji báo cáo chúng tôi đang ở ngay trên vị trí đã
được cho, tôi gọi tất cả thủy thủ nào không bận việc lên boong tàu để quan
sát, và tôi tuyên bố là ai phát hiện hai viên phi công trước tiên, người đó sẽ
được thưởng. Mọi người hưởng ứng nồng nhiệt.
Tôi nghĩ nếu hai phi công Nhựt rơi xuống khu vực nầy thì phi công địch
cũng có thể rơi xuống, và họ cũng đang được đồng bọn tìm kiếm. Do đó, dù
trời tối đen như mực, tôi cũng không cho sử dụng đèn rọi, vì khu trục hạm
lúc đó chỉ chạy có 6 hải lý một giờ, tiềm thủy đỉnh địch có thể phát hiện ánh
đèn và tấn công chúng tôi.
Sau hơn một giờ tìm kiếm vô vọng, tôi lo ngại thiếu nhiên liệu. Hơn nữa,
Amatsukaze của tôi đã tiêu thụ quá nhiều nhiên liệu trong nhiệm vụ chim
mồi vừa qua và cần phải dự trữ để quay về Rabaul cách xa đây 500 dậm. Để
cho công tác mau lẹ, tôi ra lịnh bật đèn rọi nhỏ. Vài phút sau, một thủy thủ
bổng la lên: “Một vật nổi ở hữu mạn, giống như một cái chai.” Tôi nghiêng
mình ra ngoài đài chỉ huy và nhìn thấy cái chai loáng thoáng qua ánh đèn,
tôi nói: “Đúng rồi, họ ở gần đây chứ không xa!” tôi cho bật đèn hiệu tên
chiếc tàu của hai viên phi công: “Zuikaku! Zuikaku!”
Nửa giờ trôi qua, bình minh sắp đến, và lúc hy vọng sắp tan, tôi bổng
thấy một đóm sáng thật nhỏ chợt lóe lên ở phía trái chiếc tàu cách khoảng
2.000 thước. Đóm sáng lại lóe lên một lần nữa rồi tắt hẳn, nhưng tôi đã xác
định được vị trí. Chiếc tàu tiến thẳng đến, và tôi cho thả một chiếc xuồng
xuống khi nhìn thấy hai người đang bám vào một cái phao. Thiếu úy Hideo
Shoji cầm đầu xuồng giải cứu. Khi chiếc xuồng còn cách cái phao 50 thước,
anh ta báo cáo rằng hai người đeo cái phao nầy giống người Mỹ.
Tôi quan sát bằng ống dòm và thấy đúng như lời Shoji, nhưng tôi ra lịnh:
“người gì cũng mặc, hãy cứu cái đã.”
Tôi nao núng, nếu đây là hai người Mỹ thì công cuộc tìm kiếm của phe
họ cũng quanh quẩn đâu đây. Nhưng tôi đã quyết tâm thi hành nhiệm vụ,
cho dù kéo dài đến bình minh đi nữa. Khi xuồng cấp cứu vớt hai người dưới
nước lên và báo cáo cho biết đây là hai phi công mà chúng tôi tìm kiếm,
bấy giờ tôi mới thở phào nhẹ nhỏm.
Sau khi tất cả lên tàu, chúng tôi hướng về phía Bắc với tốc độ 24 hải lý,
và tôi thoải mái lần đầu tiên sau nhiều giờ căng thẳng. Công cuộc giải cứu
hoàn toàn thành công.
Mặt khác, cuộc hành quân chim mồi của chúng tôi dù gặp vận xấu ở
phút cuối cùng, nhưng chưa hẳn là một thất bại. Sự hi sinh của Ryujo đã
đánh lạc hướng địch quân, không chú tâm vào lực lượng chánh của Nhật
Bản, và cho phép Phó Đô Đốc Nagumo tập trung đầy đủ sức mạnh không
quân của ông để chống lại hàng không mẫu hạm Enterprise của Hoa Kỳ.
Nhưng chiếc Enterprise chỉ bị hư hại, nó được sửa chửa và hoạt động lại
trong vòng hai tháng, trong khi đó hàng không mẫu hạm Ryujo bị đánh
chìm hẳn. Nếu có thất bại là thất bại ở điểm nầy.
Mặt khác, các phi thuộc hải quân Hoa Kỳ đã oanh tạc các tàu chuyển
vận trung đoàn của Đại tá Ichiki và gây hư hại cho tuần dương hạm Jintsu,
soái hạm của phân đội khu trục hạm hộ tống. Sáu khu trục hạm Nhựt tiến
sát vào Guadalcanal và pháo kích dữ dội lên đảo nầy suốt đêm, nhưng sáng
hôm sau các oanh tạc cơ B.17 của Hoa Kỳ bay đến và gây xáo trộn cho các
chiến hạm Nhựt nhiều tiếng đồng hồ. Đoàn tàu chuyển vận thoát được đến
Bougainville, nhưng khu trục hạm Mutsuki và tàu chuyển vận Kinryu Maru
bị đánh chìm. Trong lúc đó, đoàn tàu chuyển quân của tướng Kawaguchi
nhận thấy kho đi suông sẽ nên đã quay về Truk.
Vì vậy, toàn thể cuộc phản công lần thứ nhì của Nhựt ở quần đảo
Solomon kết thúc với sự thất bại trên cả hai phương diện chiến thuật và
chiến lược. Và việc nầy đã chứng minh quyết định của Yamamoto là sai
lầm.
Hai ngày sau cuộc hành quân, Bộ Tư Lịnh Tối Cao Hoàng Gia đưa ra
một thông cáo chung. Theo đó, trận đánh kéo dài từ 23 đến 25 tháng 8,
Nhật Bản đã gây thiệt hại nặng nề cho địch quân, với một hàng không mẫu
hạm lớn và một hàng không mẫu hạm trung, cùng với một thiết giáp hạm
của Hoa Kỳ. Phía Nhựt chỉ bị đánh chìm một khu trục hạm và một hàng
không mẫu hạm nhỏ hư hại nặng.
Về phía Hoa Kỳ, một công bố cho biết các phi cơ của họ đánh chìm một
hàng không mẫu hạm, gây thiệt hại cho một tuần dương hạm và một khu
trục hạm Nhựt. Công bố cũng nói đến việc hàng không mẫu hạm Enterprise
bị hư hại, nhưng bù lại phi cơ của hải quân Hoa Kỳ cũng đã đánh chìm một
thiết giáp hạm và hai khu trục hạm nhỏ của Nhựt.
Chiếc Ryujo đã chìm ngay trước mắt tôi, nhưng không còn chiếc tàu nào
khác thuộc lực lượng chim mồi của chúng tôi bị đánh chìm, ngay cả một vết
đạn cũng không. Có lẽ phi công Hoa Kỳ đã báo cáo lầm chiếc tàu chuyển
vận Kinryu Maru thành ra một thiết giáp hạm và khu trục hạm Mutsuki
thành ra một tuần dương hạm.
Từ đó trở về sau tôi không còn tin vào các công bố liên quân đến cuộc
chiến, kể cả hai phía Nhật Bản và Đồng Minh.
Khi khu trục hạm Amatsukaze kết hợp với lực lượng đặc nhiệm của
Nagumo, ngày 25 tháng 8, tôi nhận được một mạng lịnh mới đầy thích thú,
gởi đến từ hàng không mẫu hạm Shokaku.
“Đô Đốc Nagumo thành thật ngọi khen Trung Tá Hara đã hoàn thành
nhiệm vụ một cách hoàn hảo, và chỉ thị cho ông di chuyển lập tức đến Truk
để đưa những người được giải cứu lên bờ.”
Một lần nữa, Amatsukaze lại tách rời khỏi lực lượng đặc nhiệm và đơn
thân độc mã đến Truk. Ngày hôm sau, chúng tôi tiến vào hòn đảo san hô
nầy.

3
Lưu Bang đánh Đông dẹp Bắc và khai sáng triều đại nhà Hán vào năm
102 (trước Thiên Chúa Giáng Sinh). Sau khi lên ngôi, một hôm Lưu Bang
hỏi nguyên soái của ông là Hàn Tín: “Nhà ngươi nghĩ sức trẫm có thể cầm
được bao nhiêu quân?” Hàn Tín đáp: “Theo hạ thần nghĩ, bệ hạ chỉ có thể
điều động một đạo quân vài ba chục ngàn người mà thôi.” Lưu Bang hỏi:
“Còn sức của nhà ngươi thì sao?” Hàn Tín đáp: “Nhiều quân chừng nào hạ
thần càng điều động hữu hiệu nhiều chừng nầy.” Lưu Bang cười: “Vậy tạo
sao trẫm làm Hoàng Đế còn nhà ngươi chỉ là một vị tướng dưới trướng?”
Hàn Tín đáp: “Đó là do mạng trời, bệ hạ sanh ra là để chỉ huy những người
chỉ huy.”
Lưu Bang là một trong những vị vua vĩ đại nhứt, còn Hàn Tín là một
trong những vị tướng tài ba và nổi tiếng nhứt lịch sử Trung Hoa. Trong thời
đệ nhị thế chiến nhiều vị Đô Đốc cũng tài ba và gây được tiếng tăm như
thế. Đô Đốc Isoroky Yamamoto của Nhựt là một. Ông là nhân vật tài ba,
nhưng tôi nhận thấy tiếng tăm của ông có vẽ phóng đại hơn là những gì mà
ông đáng được hưởng thực sự. Tôi không có ý so sánh ông với Lưu Bang,
nhưng với sự kính trọng khả năng có thật của họ, tôi bắt buộc phải so sánh.
Mặc dù cuộc chiến Thái Bình Dương, Nhựt bại trận một cách đau
thương, quốc gia vẫn xem Yamamoto như là một vị anh hùng. Sau chiến
tranh, biết bao nhiêu chỉ trích nhắm vào các nhà lãnh đạo Hải Quân và Lục
Quân Nhựt, nhưng riêng Yamamoto không hè được đá động tới. Nếu những
nhận xét của tôi về Yamamoto có vẻ nghiêm khắc, thì chẳng qua tôi chỉ
nhận xét theo công tâm. Đây có lẽ là lần đầu tiên một quân nhân Nhựt viết
ra sự thật tất cả những gì mà người khác đã tránh né.
Đối với tôi, Đô Đốc Yamamoto là một người sanh ra để chỉ huy những
người chỉ huy, và trên phương diện nầy sự kính trọng phải được dành cho
ông. Nhưng ông, như Lưu Bang, không có khả năng điều động hàng mấy
ngàn chiếc tàu và hàng mấy trăm ngàn thủy thủ dưới tay một cách hữu hiệu.
Chọn ông để cầm đầu Hạm Đội Hổn Hợp, nghĩa là cầm đầu toàn thể lực
lượng tham chiến của Nhựt trên mặt trận Thái Bình Dương, đó là một sự
lựa chọn bi thảm.
Nhiều đồng nghiệp của tôi đều tin rằng Yamamoto là một vị Bộ Trưởng
Hải Quân lý tưởng nhứt, và có nhiều cuộc vận động trong hàng ngũ sĩ quan
Hải Quân Nhựt để đưa ông lên chức vụ nầy. Và theo ý kiến họ, Đô Đốc
Mitsumasa Yonai mới xứng hợp với chức vụ Tổng Tư Lịnh Hạm Đội Hổn
Hợp. Nhưng cuộc vận động nầy thất bại, vì Mitsumasa Yonai, một nhân vật
chống đối chiến tranh mạnh mẽ, đã từ chối. Ông đã nói: “Tôi không phải là
một Đô Đốc chiến đấu, do đó tôi sẽ gây “nguy hại” cho những gì mà Lục
Quân đang theo đuổi. Hơn nữa, nếu một người cứng đầu như Yamamoto mà
trở thành Bộ Trưởng Hải Quân, không sớm thì muộn ông ta sẽ bị Bộ binh
cuồng tín sát hại.”
Lục Quân Nhựt là binh chủng gây rắc rối nhiều nhứt. Khi chiến tranh bắt
đầu, Nội Các Nhựt dưới quyền lãnh đạo của Đại Tướng Hedeki Tojo, Bộ
Trưởng Hải Quân là Đô Đốc Shigetaro Shimada chỉ là một anh hề của Tojo.
Tổng Tham Mưu Trưởng Hải Quân, Đô Đốc Osami Nagano, lại không đủ
mạnh để chống đối các kế hoạch của Lục Quân. Nếu muốn chỉ trích những
gì mà Yamamoto đã làm hoặc không làm, các yếu tố vừa nêu cần phải được
xét đến, vì các yếu tố nầy đã bó tay ông phần nào.
Trong suốt cuộc đời binh nghiệp, Yamamoto nổi tiếng là một tay “đỏ
đen” vào hàng siêu đẳng. Bất cứ trò chơi nào, ông cũng đều vượt trội, nhứt
là đánh xì phé. Quyết định tấn công Trân Châu Cảng là một ván bài vĩ đại
nhứt của ông, gây tối tăm mặt mủi cho một đối thủ tiền rừng bạc biển. Tuy
nhiên có một điều lạ, là khác với một tay đỏ đen thật sự, Yamamoto không
bao giờ lập lại “canh bạc xã láng Trân Châu Cảng” một lần nào nữa. Các
bài học ở biển San Hô cũng không được ông mang ra áp dụng lại ở trận
Midway, trận đánh mà Yamamoto đã hành động một cách sai lầm, là chia
lực lượng của ông ra nhiều mục tiêu nhỏ mà không dồn hết nổ lực vào mục
tiêu quyết định. Sau nầy, Yamamoto lại cứ mãi bận tâm với vấn đề bảo toàn
lực lượng.
Khu trục hạm Amatsukaze, chở đầy những người còn sống sót, lặng lẽ
tiến vào hải cảng Truk vào ngày 25 tháng 8 năm 1942. Tôi chắc chắn sẽ
nhận được lịnh trở lại nhiệm vụ ngay khi đổ xong người. Nhưng, không
một ai trong chúng tôi ngờ rằng Amatsukaze phải đậu ở Truk một tháng
trời, trong lúc trận chiến nằm trong giai đoạn ác liệt nhứt. Ở đây, tôi đã thâu
thập được nhiều chi tiết về trận hải chiến ở biển San Hô ngày 7 và 8 tháng 5
trước đây, tức là trong thời gian tôi đi phép.
Trận hải chiến nầy bùng nổ là do hậu quả kế hoạch đổ bộ của Nhựt nhằm
chiếm giữ hải cảng Moresby, một cứ điểm then chốt của Đồng Minh nằm
trên bờ biển phía Nam New Guinea. Trận đánh đã làm Nhựt chìm một hàng
không mẫu hạm hạng nhẹ Shoho, và hai hàng không mẫu hạm hạng nặng là
Shokaku và Zuikaku bị hư hại đến nỗi không thể tham dự và trận đánh ở
Midway xảy ra một tháng sau đó. Qua công bố, Hải Quân Hoàng Gia không
đề cập đến sự thiệt hại của Nhựt, chỉ cho biết là Nhựt đã đạt được chiến
thắng qua việc đánh chìm được ba hàng không mẫu hạm địch trong trận
đánh nầy. Nhưng mất mát thật sự của địch quân gồm có: hàng không mẫu
hạm Lexington CV2 36.000 tấn, hàng không mẫu hạm Yorktown bị thiệt
hại nhẹ, tàu dầu Neosho và khu trục hạm Soins bị đánh chìm. Mặc dầu các
công bố đều nói đến hai tiếng chiến thắng, nhưng rõ ràng Nhựt đang bắt đầu
thoái bộ.
Một tháng sau, Nhựt bị đánh tơi bời ở Midway, thiệt mất các hàng không
mẫu hạm Akagi, Kaga, Hiryu và Soryu cùng với tuần dương hạm hạng
nặng Mikuma, và với sự tham chiến của hàng không mẫu hạm Yorktown
của Hoa Kỳ (hư hại trong trận đánh biển San Hô được sữa chữa lại) đã
khiến cho Nhật Bản ngẩn ngơ, nhưng cuối cùng nó cùng với khu trục hạm
Hammann bị Nhựt đánh chìm trong trận nầy.
Vào thàng 7, Bộ Tư Lịnh Tối Cao Nhật Bản lại vấp thêm một lỗi lầm
nữa qua cuộc đổ bộ một sư đoàn bộ binh vào Buna, nằm ở bờ biển Đông
Papua. Sư đoàn nầy sau khi đổ bộ đã vượt qua dãy nũi Owen Stanley, mưu
tấn công hải cảng Moresby. Nhưng con số binh sĩ thiệt mạng do núi non,
rừng rậm hiểm trở và khí hậu độc địa gây ra dọc lộ trình di chuyển nhiều
hơn là do địch quân gây ra.
Một việc có ý nghĩa là Đồng Minh đã đổ bộ lên đảo Guadalcanal vào
ngày 7 tháng 8, đúng ngày lực lượng Nhựt sa lầy ở Papua. Yamamoto đã
đánh giá một cách sai lầm các cuộc hành quân ở Papua và Guadalcanal. Hồi
ở Midway ông đã phân chia lực lượng của ông để tấn công cùng một lượt
vào các hòn đảo vô giá trị Aleutian, ở Guadalcanal ông cũng chia jai lực
lượng, một tấn công hòn đảo nầy và một vào bán đảo Papua. Các cuộc tấn
công phân tán đã không kết quả mà còn đưa đến hậu quả tàn khốc.
Vào đêm 24 tháng 8. trong lúc chiếc Amatsukaze đang giải cứu hai phi
công, 7 khu trục hạm Nhựt đã đột kích Guadalcanal một cách gần như phí
công. Vào hai ngày kế, các phi cơ Nhựt lại tấn công hòn đảo nầy, nhưng
cũng không đạt được kết quả là bao. Trong khi đó thành phần chánh của
Hạm Đội Hổn Hợp dàn quanh các đảo Solomon, nhưng lại không nhắm vào
một mục đích nào hết. Sự do dự của Yamamoto hiển nhiên ai cũng thấy.
Bốn ngày sau đó, đoàn tàu vận chuyển quân của Đại tá Ichiki một lần
nữa cố gắng tiến về Guadalcanal.
Hai mươi khu trục hạm hộ tống đoàn tầu nầy bị phi cơ Đồng Minh tấn
công, đánh chìm chiếc Asagiri và gây thiệt hại nặng cho ba khu trục hạm
khác là Shirakumo, Yugiri, Amagiri. Yamamoto chần chờ khá lâu mới tung
30 chiến đấu cơ và 30 oanh tạc cơ của hai hàng không mẫu hạm Shokaku
và Zuikaku để yểm trợ đoàn tàu bị tấn công. Nhưng khi các phi cơ nầy đến
nơi thì đoàn tàu đã xuôi hướng trở về quần đảo Shortland. Trong khi đó,
tiền quân thuộc trung đoàn của Ichiki, nằm kẹt cứng ở một góc đảo
Guadalcanal đã lên tiếng kêu cứu. Do đó, sáng ngày 29 tháng 8, binh sĩ lại
được đưa xuống 6 khu trục hạm để lên đường tăng viện. Lực lượng 1.000
người nầy đã đổ bộ thành công lên mũi Taivu, nằm giữa bờ biển phía Bắc
Guadalcanal, ngay trong đêm.
Lữ đoàn của Trung tướng Seiken Kawaguchi, thoạt đầu dự định đổ bộ
lên Papua, đã khởi hành từ Truk để tăng cường thêm cho cánh quân của
Ichiki. Trên đường, Lữ đoàn ghé Bougainville, và ngày 30, tiểu đoàn đầu
tiên thuộc Lữ đoàn nầy được 3 khu trục hạm vận chuyển đến đảo
Guadalcanal. Tiếp theo đó, vào ngày 31. tám khu trục hạm khác đã vận
chuyển thêm 1.200 quân nữa. Và vào ngày 1 tháng 9, đơn vị thứ ba của Lữ
đoàn xuống 4 khu trục hạm và sau đó đổ bộ lên phía Nam hòn đảo. Ngày
kế, 20 chiến đấu cơ và 18 oanh tạc cơ Nhựt tấn công Guadalcanal. Cuộc đổ
bộ của toàn thể Lữ đoàn Kawaguchi hoàn tất và ngày 4 và 7 tháng 9.
Trong suốt giai đoạn xảy ra các hoạt động tăng viện nầy, chiếc
Amatsukaze của tôi nằm bất động ở Truk, nhưng tôi cũng hình dung được
mọi diễn tiến. Tôi biết lực lượng được các khu trục hạm đổ lên bờ chỉ có
thể mang các vũ khí nhẹ, và điều nầy khiến cho tôi lo ngại. Bởi vì, cho dù
lực lượng Nhựt đông đảo đi nữa, ho cũng không thể nào chịu đựng nổi
trước sức đề kháng của lực lượng Hoa Kỳ, được trang bị vũ khí nặng, đã
nằm sẵn trên đảo.
Truk hoàn toàn yên tỉnh, sau khi đoàn tàu chở lữ đoàn của Kawaguchi ra
đi. Mặt nước hải cảng lặng như tờ. Khung cảnh bình an làm tiêu tan cơn
mệt mõi của thủy thủ đoàn Amatsukaze.
Quanh hòn đảo san hô nầy đầy dẫy mọi loại hải sản. Mỗi ngày thuyền
chài đều mang cá tươi về. Đó là một cơ hội tốt để đổi món ăn cho những kẻ
quanh năm chỉ biết đồ hộp như chúng tôi.
Trong lúc đó, thành phần chánh của Hạm Đội Hổn Hợp chấm dứt mười
ngày “lang thang” vô ích và tiến vào hải cảng Truk ngày 5 tháng 9. Hải
cảng rộng lớn nầy bổng nhiên hẹp lại khi 50 chiến hạm, với thiết giáp hạm
Yamato, 69.100 tấn dẫn đầu lần lượt ùa vào.
Suốt ba ngày liền thay phiên trên các soái hạm đơn vị, toàn thể hạm
trưởng và sĩ quan chỉ huy hội họp để bàn thảo các chi tiết chiến thuật. Cuộc
họp cuối cùng mở ra trên soái hạm Yamato, dưới sự chủ tọa của Yamamoto.
Các cuộc bàn thảo sơ khởi trước đó đều xoay quanh các phương cách đối
phó với những vấn đề không quan trọng. Không thấy ai đề cập đến những
khiếm khuyết đã gặp phải trong các cuộc hành quân trước đây. Sự thật, nếu
ai mang các vấn đề nầy ra bàn thảo thì không tránh khỏi đụng chạm đến
thượng cấp. Do đó, các cuộc bàn thảo sơ khởi không đi đến đâu.
Chủ tọa buổi họp cuối cùng nầy, Đô Đốc Yamamoto ngồi im lặng nghe,
và sau cùng để kết thúc buổi họp, ông lên tiếng cảnh cáo sự khinh thường
khả năng chiến đấu của Hoa Kỳ và đưa ra chỉ thị đơn giản:
— Phải che đậy hành tung của các hàng không mẫu hạm Nhựt
— Ưu tiên tận dụng sức mạnh không lực để chống lại địch quân
Tôi trở về tàu với tâm hồn trống rỗng, cảm thấy các buổi họp hoàn toàn
vô bổ. Gặp Đại úy Shimizu, thấy mặt ông bí xị tôi hỏi: “Gặp rắc rối gì rồi,
phải không?”
“Chúng tôi vừa để xẩy một con cá. Ba ngày nay, hạm đội siêu đẳng của
chúng ta đã làm lũ cá quanh hòn đảo san hô nầy khiếp đảm.”
Vào ngày 9 tháng 9, Hạm Đội Hổn Hợp rời khỏi Truk, và khu trục hạm
Amatsukaze gia nhập trở lại lực lượng đặc nhiệm Nagumo. Theo kế hoạch,
chúng tôi sẽ tiến công xả láng Guadalcanal vào ngày 12 tháng 9, đồng lúc
với cuộc tấn công của tướng Kawaguchi trên bộ. Tuy nhiên, chúng tôi phải
nằm chờ qua đêm 12 để đợi tin tức dứt khoát xem có phải các phi trường ở
Guadalcanal hiện nằm trong tay quân Nhựt hay không. Ngày kế đó, chúng
tôi lại tiếp tục kiên nhẫn chờ đợi, cho đến quá nửa đêm, Tổng Hành Dinh
Hải Quân ở Rabaul gọi vô tuyến báo tin: “Theo các phi cơ thám thính, các
phi trường ở Guadalcanal dường như nằm trong tay các lực lượng của
chúng ta.”
Sáng sớm ngày hôm sau, bảy phi cơ thám thính của chúng tôi trở về với
đầy đủ các báo cáo trái ngược hẳn với tin tức của Rabaul. Cuối cùng, vào
ngày 15, công điện mong đợi cũng đã đến tay chúng tôi, do Kawaguchi gởi.
Theo đó lực lượng của ông đã gặp sức chống cự dũng mãnh của địch quân,
chịu đựng thiệt hại nặng nề, và bắt buộc phải bỏ rơi các phi trường.
Buổi chiều cùng ngày, phi cơ tuần thám và các tiềm thủy đỉnh của chúng
tôi báo cáo một lực lượng đặc nhiệm hùng hậu của địch quân, gồm nhiều
hàng không mẫu hạm và thiết giáp hạm, ở cách Đông Nam Guadalcanal
260 dậm. Thiếu tá Takaichi Kinashi, hạm trưởng của tiềm thủy đỉnh I.19,
qua một “công điện vui vẻ đầu tiên” trong tuần lễ đầy đen tối nầy, cho biết
tàu của ông đã phóng thủy lôi đánh chìm hàng không mẫu hạm Wasp của
Hoa Kỳ. (Wasp bị trúng 3 trái thủy lôi của I.19 vào ngày 16 tháng 9, hư hại
trầm trọng, nên sau khi di tản thủy thủ đoàn, chiếc tàu được khu trục hạm
Lansdowne của Hoa Kỳ ban thêm nhiều phát thủy lôi “ân huệ” để nhận
chìm hẳn).
Lực lượng của chúng tôi chuẩn bị sẵn sàng và nôn nóng chờ đợi thử sức
với hạm đội của địch quân. Nhưng sau một tuần chạy lang thang, tất cả
chiến hạm Nhựt đều gần cạn nhiên liệu. Chúng tôi phải lấy thêm nhiên liệu
từ các tàu chở dầu ở một hải vực cách phía Bắc Guadalcanal 200 dậm.
Công việc nầy đã mất hết ba ngày, vì vậy hi vọng đụng độ với địch quân
của chúng tôi tiêu tan.
Trong lúc đó, Đô Đốc Yamamoto cuối cùng cũng quyết định cần phải có
một sư đoàn đầy đủ quân số để tăng viện cho các lực lượng Nhựt bị kẹt ở
Guadalcanal. Do đó, sau khi tiêu thụ một số nhiên liệu khổng lồ mà không
thâu hoạch được một lợi lộc gì cả, Hạm Đội Hổn Hợp quay trở lại Truk để
chờ đợi quân.
Cũng trong thời gian nầy, Yamamoto ra lịnh cho Đề Đốc Kakuji Kakuta,
hiện đang đảm trách về việc huấn luyện 3 hàng không mẫu hạm mới trong
hải phận Nhựt, đem các tàu của ông đến Truk càng sớm càng tốt.
Yamamoto cũng quyết định ngưng các cuộc hành quân để chờ đợi Đệ Nhị
Hạm Đội của Kakuta. Cho mãi đến ngày 9 tháng 10, hạm đội nầy mới đến
được Truk. Do đó, sau khi địch quân đổ bộ lên Guadalcanal, Nhật Bản mất
hai tháng tròn mới chuẩn bị được một lực lượng phản công đầy đủ.
(Hàng Không Mẫu Hạm Hiyo và Junyo, cả hai chiếc đều biến cải từ tàu
vận tải lớn vào năm 1940, sau khi hoàn tất trang bị và thử nghiệm nó được
đưa sang tham gia chiến dịch ở Guadalcanal, chiếc Hiyo hư máy phải về
Nhật sửa chữa và hoạt động động lại vào đầu năm 1943, chiếc nầy bị đánh
chìm trong trận Leyte, nó thuộc hạm đội “chim mồi” của Đô Đốc Ozawa.
Junyo thì may mắn hơn, tham gia trận đánh Santa Cruz sau Guadalcanal và
các chiến dịch lớn khác, và ngoạn mục nhất là sống sót qua trận Leyte trong
khi các mẫu hạm hiện đại nhất Taiho và hai mẫu hạm vinh quang Zuikaku
và Shokaku cùng các tiểu mẫu hạm khác đều bị đánh chìm. Cả hai chiếc
Hiyo và Junyo đều được trang bị pháo khẩu 130 ly để tự về và hơn 80 khẩu
phòng không 25 ly, sang năm 1944 nó còn được trang bị các dàn rocket 130
ly và có khả năng mang theo 53 máy bay các loại, thông thường là 12 Zero,
18 Val và 18 Kate. Hàng không mẫu hạm Zuiho, đây là mẫu hạm nhẹ cùng
loại với chiếc Shoho bị đánh chìm ở trận hải chiến biển San Hô, 14.200 tấn,
nguyên thủy là một tàu dầu hạ thủy năm 1934 đến năm 1940 được sửa đổi
thành một tàu chở tiềm thủy đỉnh tốc độ cao, nhưng sau đó vì mục đích xây
dựng lực lượng hàng không mẫu hạm quan trọng hơn nên nó được chuyển
đổi một lần nữa thành mẫu hạm hộ tống hạng nhẹ mang được 30 máy bay,
trang bị súng 130 ly và 56 khẩu phòng không 25 ly. Zuiho tham chiến ở các
chiến dịch tấn công Phi Luật Tân và cuộc hành quân Midway nhưng không
đụng độ với Mỹ nhiệm vụ của Zuiho là hộ tống. Tháng 10 năm 1942, Zuiho
tham gia trận đánh Santa Cruz và bị trúng bom từ các oanh tạc cơ SBD, sức
nổ phá tan gần như đường băng sân bay và nó bị loại khỏi vòng chiến, tuy
nhiên sau khi sửa chưa tháng 1 năm 1943 Zuiho quay lại Guadalcanal một
lần nữa kết hợp với Zuikaku và Junyo tấn công Guadalcanal. Sau chiến dịch
ở Guadalcanal, Zuiho bị đánh chìm trong trận đánh ở vịnh Leyte.)

4
Một nhà quân sự tài ba của Trung Hoa đã viết: “Một chiến thuật gia
khôn khéo có thể ví như một con rắn: đầu bị đánh thì đuôi sẽ dậy, còn đuôi
bị đánh thì đầu sẽ dậy. Còn nếu bị đánh ở giữa thì đầu và đuôi của nó đều
dậy.”
Tháng 10 năm 1942, Hạm Đội Hổn Hợp của Đô Đốc Yamamoto lần đầu
tiên áp dụng “xà trận” nầy. Đầu của con rắn là Lực Lượng Đặc Nhiệm của
Nagumo, thân con rắn là phân đội riêng của Yamamoto, và đuôi của con rắn
là các chiến hạm mới đến, dưới quyền chỉ huy của Đề Đốc Kakuta.
Hàm răng sắt của Nagumo là hai hàng không mẫu hạm Zuikaku và
Shokaku (29.800 tấn mỗi chiếc và tổng số trang bị và chuyên chở lên đến
40.000 tấn). Đây là hai hàng không mẫu hạm tối tân nhất của Nhựt Bản thời
ấy, gồm toàn thủy thủ đoàn và phi công chọn lọc. Thêm vào đó còn các
hàng không mẫu hạm biến bải Hiyo, Junyo (mỗi chiếc 27.500 tấn) và Zuiho
(13.100 tấn) của Đề Đốc Kakuta. Các chiếc tàu sau gồm thủy thủ đoàn và
phi công mới huấn luyện, nhưng dưới bàn tay trui rèn của Kakuta, sự thiếu
kinh nghiệm của họ cũng được bù đắp phần nào. Kakuta là một vị Đề Đốc
trẻ tuổi nhứt dưới quyền của Yamamoto, và là một tay chiến đấu chưa hề
biết lùi bước. Ông đến Truk với ý định phục thù cho hàng không mẫu hạm
Ryujo, chiếc tàu mà ông từng chỉ huy trước đây. Theo Kakuta, Ryujo sở dĩ
bị đánh chìm trong trận hải chiến ở Đông Solomon là do sự cẩu thả của giới
chỉ huy cao cấp của Hải Quân Nhựt. Ông cũng tỏ ra tức tối cuộc đại bại ở
Midway. Lúc đó ông đang bận chỉ huy lực lượng 2 xung kích tấn công các
đảo Aleutian, nên không rảnh tay để nhảy vào tham chiến. Trong trường
hợp nầy ông không khác nào cái đuôi con rắn bị kéo đi quá xa, nên không
thể nào quật được khi cái đầu của nó bị đánh.
Vào tháng 9 năm 1942, Bộ Tư Lịnh Tối Cao Hoàng Gia ở Đông Kinh ý
thức được tình thế nghiêm trọng nên đã cho phép Yamamoto tập trung nổ
lực vào cuộc hành quân Guadalcanal và “bỏ rơi” cuộc hành quân ở Palau.
Do đó, ông có cơ hội trở thành “một chiến thuật khôn khéo” như lời của
nhà quân sự tài ba Trung Hoa, nhưng ông không thực sự tự do để khai thác
đầy đủ cơ hội nầy. Lục Quân vẫn giữ các quyết định tối hậu.
Lục Quân đã chuyrn sư đoàn 2 Bộ Binh của họ đóng ở Java đến Rabaul
và đòi hỏi “một cuộc hành quân phối hợp Hải Lục ở Guadalcanal”. “Hành
quân phối hợp Hải Lục” có nghĩa là lục quân cung cấp binh sĩ và vũ khí,
còn hải quân chỉ có nhiệm vụ chuyển vận và yểm trợ mà thôi. Lục quân có
trong tay phân nửa tổng số phi cơ chiến đấu của Nhật Bản, nhưng họ không
cung cấp một chiếc nào cho cuộc hành quân nầy. Như vậy, ý niệm về một
cuộc “hành quân phối hợp” của Nhựt khác xa của Hoa Kỳ.
Khi cuộc hành quân đổ bộ Guadalcanal được chuẩn bị, các chiến hạm
được mang danh là “Chuyến xe lửa tốc hành Đông Kinh”(tức các khu trục
hạm) lãnh nhiệm vụ chuyên chở sư đoàn 2 Bộ Binh. Đây là các khu trục
hạm thuộc Đệ Bát Hạm Đội của Đề Đốc Gunichi Mikawa ở Rabaul.
Lực Lượng Đặc Nhiệm của Đề Đốc Kakuji Kakuta rời khỏi Truk vào
ngày trước đó để bắn phá đảo Ndeni, thuộc nhóm phía Bắc Satan Cruz, vì
chúng tôi cho rằng các thủy phi cơ của Hoa Kỳ hiện đóng tại đây. Nhưng
trước khi chúng tôi đến địch quân đã rút đi hết. Chúng tôi quay lại phía Bắc
quần đảo Solomon vào ngày 15 tháng 10, để kết hợp với lực lượng đặc
nhiệm Nagumo đã rời Truk ngày 11.
Các “chuyến xe lửa tốc hành Đông Kinh” của Đề Đốc Mikawa, qua tám
chuyến chuyên chở vào những ngày từ 2 đến 11 tháng 10, đã đổ 10.000
binh sĩ của Sư Đoàn 2 lên Guadalcanal một cách suông sẽ và thành công
đến nỗi gây kinh ngạc cho Đồng Minh.
Trong thời gian nầy chỉ có một cuộc đụng độ nhỏ vào ngày 11 giữa hải
đội 6 tuần dương hạm của Đề Đốc Aritomo Goto và Lực Lượng Đặc Nhiệm
64 của Đề Đốc Hoa Kỳ Norman Scott. Nhóm chiến hạm hộ tống bị lực
lượng của Scott phục kích ở eo biển nằm giữa Savo và nhóm đảo
Guadalcanal, và trận đánh nầy thường gọi là trận đánh Cape Esperance. Lực
lượng Hoa Kỳ gồm 4 tuần dương hạm và 5 khu trục hạm trong khi Nhựt chỉ
có 3 tuần dương hạm và 2 khu trục hạm. Cuộc quần thảo dữ dội kết thúc với
hai chiến hạm Nhạt là Furutaka bị đánh chìm và tuần dương hạm Aoba bị
hư hại nặng, phía Hoa Kỳ có khu trục hạm Duncan chìm, khu trục hạm
Farenholt và hai tuần dương hạm Salt Lake City và Boise hư hại nặng. Sự
thiệt hại to tát của Nhật Bản trong trận đánh nầy là cái chết của Đề Đốc
Goto, nhưng cũng có cái lợi là đuổi sạch tàu chiến của Hoa Kỳ trong hải
vực nầy. Do đó, phó Đô Đốc Takeo Kurita có thể đưa hai thiết giáp hạm
Kongo và Haruna của ông tiến sát vào bờ biển Guadalcanal vào đêm 13
thán 10 để mở các cuộc pháo kích và cánh sườn của địch quân.
Đây là bước đầu phế bỏ chánh sách “cất giữ” thiết giáp hạm do
Yamamoto chủ trương trước đây. Trong các cuộc hành quân đã qua, ông
luôn luôn từ chối đưa các thiết giáp hạm đến gần các khu vực chiến đấu. Và
trong cuộc hành quân nầy, Yamamoto cũng tận dụng không yểm, phát xuất
từ một phi trường ở Bougainville, cho thấy là bài quyết định đã được ông
đánh xuống.
Lúc 23 giờ ngày 13 tháng 10, hai thiết giáp hạm, mỗi chiếc 27.500 tấn,
tiến vào cách bờ biển trong vòng một dậm, với vận tốc trung bình 18 hải lý,
và cả 16 khẩu trọng pháo đồng loạt nả 918 trái đạn và phi trường của địch
quân. Phi trường bốc cháy suốt 24 tiếng đồng hồ. Trước màn ngoạn mục
nầy, tất cả binh sĩ đã đổ bộ lên Guadalcanal đều phấn khởi và thúc giục
Yamamoto “trình diễn” một lần nữa. Yamamoto đồng ý, và đêm sau hai
tuần dương hạm Chokai và Kinugasa của Đề Đốc Mikawa chạy dọc theo bờ
biển, dập phi trường địch thêm 753 trái đại pháo nữa.
(Thiết Giáp Hạm Kongo và Haruna cùng lớp, trọng tải 27.500 tấn, hạ
thủy năm 1915, lớp thiết giáp hạm nầy gồm 4 chiếc Kongo, Hiei, Haruna và
Kirishima, nguyên thủy được xem là thiết giáp tuần dương hạm, trang bị 8
đại pháo 350 ly, 16 đại pháo 150 ly và nhiều loại vũ khí khác, nó đạt tốc độ
30 hải lý (sau khi cải tiến lại trong thập niên 30), thủy thủ đoàn 1437 người,
cả 4 chiếc đều bị đánh chìm trong cuộc chiến Thái Bình Dương. Hiei và
Kirishima bị đánh chìm ở Guadalcanal, Kongo mất trong trận Leyte còn
Haruna sau khi đào thoát được về quân cảng Kure và buông neo trốn trong
quân cảng cũng không thoát các phi cơ của Lực Lượng Đặc Nhiệm 58 của
Hoa Kỳ, nó bị đánh chìm vào ngày 28 tháng 7 năm 1945, chưa đầy một
tháng sau Nhật đầu hàng).
Trong các ngày nầy hải quân đảm trách những công việc nhẹ nhàng, và
chỉ có một nhiệm vụ được xem là quan trọng, đó là nhiệm vụ tải võ khí
nặng để trang bị cho quân đổ bộ. Trong khi đó, lực lượng của Hoa Kỳ đã
bắt đầu phản công. Vào ngày 15 tháng 10, phi cơ Hoa Kỳ đã đánh chìm
hoặc gây hư hại cho 6 tàu chuyển vận của Nhật Bản. Và sáng sớm ngày 17,
hai khu trục hạm Hoa Kỳ đã pháo kích cháy nhiều tàu tiếp tế của Nhựt, và
buổi trưa cùng ngày, 7 oanh tạc cơ trở lại “dọn dẹp” thêm một lần nữa.
Vì thiếu phương tiện cơ động để nhanh chóng chuyển đồ tiếp tế từ tàu
lên bờ cất dấu tại những nơi an toàn, Nhật Bản đã phải chịu đựng sự thiệt
hại nặng nề. Chúng tôi chỉ biết nhìn ngọn lửa bốc cao mà lắc đầu.
Các chiến hạm Hoa Kỳ sau khi hoàn tất nhiệm vụ đã rút lui và bị phát
hiện cách phía Nam Guadalcanal 110 dậm, nhưng lực lượng Kakuta lại nằm
cách phía Bắc hòn đảo 200 dậm, thành thử không thể nào truy đuổi được.
Khi Yamamoto tăng cường trong khu vực, địch quân đã hành động đúng
theo Tôn Tử binh pháp:
“Khi đương đầu với một lực lượng địch quân mạnh mẽ, phải chờ lúc tinh
thần của lực lượng đó suy vi mà đánh… một lực lượng vừa phất cờ giống
trống ra quân bao giờ cũng hăng hái, chúng ta nên tránh né. Lực lượng nầy
sẽ mệt mõi và biếng nhác hẳn khi trên đường trở về điểm xuất phát, đây là
lúc nên đánh.”
Hai lực lượng đặc nhiệm hải quân Nhựt đã ở trên hải vực phía Nam quần
đảo Solomon hơn một tuần lễ mà không hề đụng một trận nào có thể gọi là
dữ dội với địch quân, thành thử đã bắt đầu uể oải, tinh thần hăng hái trước
đó tan biến dần.
Đồng thời, đến ngày 20 tháng 10, chúng tôi cũng đã hết kiên nhẫn trong
việc chờ đợi các lực lượng đổ bộ ở Guadalcanal mở một cuộc tấn công toàn
diện. Sư đoàn 2 Bộ binh, hiện có mặt trên đảo Guadalcanal, chính là sư
đoàn chiếm đóng Nam Kinh trong cuộc chiến tranh Hoa Nhựt trước đây, và
gây nhiều tai tiếng không tốt cho Nhật Bản qua các hành động dã man và
hãm hiếp của họ trong thành phố nầy. Mới đây, sư đoàn nầy cũng đã đánh
chiếm Java một cách dễ dàng. Nhưng ở Guadalcanal sư đoàn đành phải bó
tay một cách không ngờ trước khí hậu độc địa và địa thế hốc búa trên hòn
đảo. Hiện tại, với hơn phân nửa trang bị vừa mới đưa đến đã bị chiến hạm
và phi cơ của Hoa Kỳ thêu rụi, sư đoàn đang chiến đấu trong tình cảnh nguy
ngập thực sự.
Nhưng mặc dù tình thế của bộ binh nguy ngập như vậy cuộc phản công
dự định vào ngày 20 tháng 10 lại đình hoãn trong lúc hải quân đã thấy chán
nãn vì bị chôn chân một chổ. Và không may hơn nữa, hàng không mẫu hạm
Hiyo, soái hạm của Đề Đốc Kakuta, bị trục trặc máy móc vào ngày 22
tháng 10, sửa chửa cách nào cũng không được. Hàng không mẫu hạm nầy
nguyên thủy sử dụng kiểu máy móc của một chiếc tàu vận tải, vì vậy trước
đó nó cũng không đầy đủ khả năng của một hàng không mẫu hạm. Kakuta
đã dời bộ chỉ huy sang hàng không mẫu hạm Junyo và ra lịnh cho chiếc
Hiyo trở về Truk. Trên hải trình trở về chiếc Hiyo không thể nào chay nổi
quá 6 hải lý một giờ.
Một cuộc tấn công dữ dội đang được Hoa Kỳ sắp xếp nhằm vào hải quân
Nhựt hơn là nhắm vào các lực lượng Nhựt đã đổ bộ lên đảo Guadalcanal.
Hiện thời Lực Lượng Đặc Nhiệm của Kakuta chỉ còn một hàng không mẫu
hạm. Chiếc Zuiho được chuyển đến cho lực lượng đặc nhiệm của Nagumo
trước đó. Như vậy khúc đuôi của “con rắn” đã mất hết hai phần ba sức
mạnh. Các lực lượng hăng hái và khỏe mạnh của Hoa Kỳ đang trong tư thế
sẵn sàng khai chiến.

5
Quá trưa ngày 24 tháng 10, Phó Đô Đốc Chuichi Nagumo ngồi trầm
ngâm trong cabin trên hàng không mẫu hạm Shokaku.
Sau cuộc chiến ở Midway, ông trở nên cằn cổi. Tóc ông đã ngã sang màu
muối tiêu, mặt mày hốc hác và luôn luôn cau có. Ông liếc nhìn hai mảnh
giấy trên bàn. Ông đã đọc hàng trăm lần để cố gắng hiểu ý nghĩa của những
dòng chữ chứa đựng trong hai mảnh giấy nầy. Một mảnh để ngày 20 tháng
10 cho biết hải quân Hoa Kỳ đang chuẩn bị một trận đánh Hải Không hổn
hợp quan trọng ở Nam Thái Bình Dương. Nagumo tự hỏi không hiểu có
đúng hay không, hay là một tin tức đánh lừa?
Mảnh giấy thứ hai là con số những chiến hạm của địch quân được phi cơ
thám thính của Nagumo phát hiện trong thời gian lực lượng của ông có mặt
trong khu vực, theo đó từ 12 đến 24 tháng 10, hàng không mẫu hạm của
địch quân vắng bóng, ngoại trừ hai chiếc liên hiệp vào ngày 13. Thiết Giáp
Hạm của địch cũng ít ỏi, hai ba chiếc và nhiều nhứt là 5 chiếc vào ngày 24.
Con số tuần dương hạm nhiều hơn, nhưng nhiều nhứt là 8 chiếc vào ngày
16. Riêng khu trục hạm của địch có con số đáng kể, 15 chiếc vào ngày 16
và 19 chiếc vào ngày 24.”
“Như vậy các hàng không mẫu hạm địch vắng bóng trong khu vực suốt
một tuần lễ.” Nagumo lẩm nhẩm. “Sự vắng mặt nầy có ý nghĩa gì?”
Ông đứng dậy đi qua đi lại trong phòng. Ông chợt dừng lại và mỉm cười.
Ông nghĩ đến lời khuyên của Tôn Tử: “Một lực lượng địch quân hăng hái
nên né tránh, hãy chờ cho lực lượng nầy chán nãn và trễ biếng rồi sẽ đánh.”
Một tiếng gõ cửa, và một trong những sĩ quan tham mưu của Nagumo bước
vào.
Đó là Trung tá Toshitane Takada. Sau khi chào, ông ta lên tiếng: “Thưa
Đô Đốc, truyền tin báo cáo là thình lình họ đã bắt được một số công điện
dồn dập, mà họ không hiểu nghĩa, nhưng rõ ràng đó là những công điện trao
đổi giữa tiềm thủy đỉnh và phi cơ của địch quân lai vãng đâu đây.”
Nagumo gật đầu: “Tốt! Hãy gọi Tham Mưu Trưởng Kusaka lập tức.”
Đề Đốc Ryunosuke Kusaka, một người hăng hái và nặng kí ba chân bốn
cẳng từ phòng chỉ huy chạy đến.
Nagumo hỏi: “Vấn đề tiếp tế xăng nhớt cho tàu bè chúng ta như thế
nào?”
Kusaka đáp: “Thưa Đô Đốc, tất cả đang nhận từ các tàu chở dầu.”
Nagumo gật đầu: “Tốt! Báo cho tất cả hạm trưởng biết họ sắp sửa nhận
một nhiệm vụ quan trọng. Các chiếc tàu đã lấy dầu xong thì phải trở về đội
ngũ ngay.”
Cũng khoảng thời gian nầy, trên hàng không mẫu hạm Junyo, Đề Đốc
Kakuji Kakuta, đang nghe tin tức của đài phát thanh Hạ Uy Di. Theo đó,
một trận đánh Không Hải quan trọng sắp xảy ra gần Salomon được xác
nhận của xướng ngôn viên địch. Kakuta cũng đã xem qua hai mảnh báo cáo
giống như của Nagumo. Kakuta khịt mủi và day lại sĩ quan không quân của
ông, Thiếu tá Masatake Okumiya: “Tốt! Masatake, anh nói gì?”
Viên sĩ quan thông minh và hoạt bát, đôi mắt long lanh trên khuôn mặt
bị nám đen do một tai nạn rớt phi cơ gây ra trước đây, hắng giọng và nói
một cách nhỏ nhẹ: “Thưa Đề Đốc, ngày 27 tháng 10 là ngày của hải quân
Hoa Kỳ.”
Kakuta, một tay chiến đấu không biết mệt, nhảy dựng lên và cất tiếng
cười to: “Tuyệt diệu, tuyệt diệu. Hay chuẩn bị gấp mấy món quà Ngày hải
quân hậu hỉ cho mấy tên Yank tự phụ nầy.”
Trên soái hạm Shokaku, Nagumo vẫn hội hợp với Kusaka. “Thế trận của
chúng ta hiện tại đã dàn như thế nào?” Nagumo hỏi. Kusaka đáp: “Hai thiết
giáp hạm Hiei và Kirishima, tuần dương hạm Chikuasa và 7 khu trục hạm
của Đô Đốc Kiki Abe, cách phía trước chúng ta 60 đến 80 dậm tức hướng
Nam. Tuần dương hạm Tone và khu trục hạm Terutsuki của Đề Đốc
Chuichi Hara ở hướng Đông cách đây 200 dậm. Lực lượng của Đề Đốc
Kakuta cách 300 dậm hướng Tây.”
“Có tin tức gì về các hàng không mẫu hạm địch không?”
“Dạ không!”
Một khoảng im lặng ngắn ngủi được Nagumo phá vở với một câu nói có
hơi lưỡng lự và nghĩ ngợi: “Ở Midway, địch quân đã chọn lựa thời gian để
đánh chúng ta. Hiện tại chắc họ cũng làm như vậy, những mục tiêu mà họ
nhắm vào chúng ta đã rõ như ban ngày, nhưng chúng ta vẫn đui mù.”
Trung tá Takada, một sĩ quan tham mưu, lên tiếng: “Xin lỗi, thưa Đô
Đốc, tôi có thể mạn phép đề nghị gởi một công điện cho Yamato (tức soái
hạm của Yamamoto lúc đó ở Truk) để xin các chỉ thị?”
Nagumo im lặng. Kusaka nhắm mắt một lát, sau đó mở bừng ra nói:
“Phải, Takada, hãy chuyển một công điện như sau: Kusaka, Tham Mưu
Trưởng Đệ Nhứt Không Hạm Đội gởi Phó Đô Đốc Matome Ugaki, Tham
Mưu Trưởng Hạm Đội Hổn Hợp. Tôi xin mạn phép đề nghị ngừng bước
tiến về phía Nam của chúng ta cho đến khi nào chúng ta nhận được tin tức
dứt khoát cho biết Lục Quân đã chiếm giữ các phi trường ở Guadalcanal.
Hình như chúng ta càng lúc càng chui đầu vào rọ nếu chúng ta cứ tiếp tục
dấn bước thêm.”
Nagumo chăm chú lắng nghe và gật đầu để chứng tỏ sự đồng ý của ông.
Công điện được gởi đi và ca bin chìm trong nổi lặng im trĩu nặng. Nagumo
và bộ tham mưu quyết định bất động để chờ hồi đáp.
Khu trục hạm Amatsukaze lúc đó đang chạy cách tả mạn soái hạm
Shokaku của Nagumo 2.000 thước. Tàu của tôi, một tuần dương hạm và 9
khu trục hạm là nhóm chiến hạm bao quanh chiếc Shokaku và hai hàng
không mẫu hạm Zuikaku và Zuiho thuộc Hải Đội 1 Hàng Không Mẫu Hạm.
Nagumo và Kusaka cùng học hỏi được một bài học cay đắng và đắc giá ở
Midway, nên cả hai không dám khinh suất trong thời gian nầy.
Vừa bước qua nửa đêm, phúc đáp đến từ Truk: “Ugaki gởi Kusaka: lực
lượng của ông tiếp tục tiến nhanh về phía địch quân. Các lịnh hành quân
vẫn duy trì.”
Kusaka bậm môi. Takada kêu trời. Nagumo khịt mủi, và sau đó nói một
cách trầm tỉnh: “Được, ra lịnh cho các hàng không mẫu hạm lấy thêm nhiên
liệu.”
Ba hàng không mẫu hạm chạy chầm chậm để lấy nhiên liêu trong bóng
đêm. Bình minh ngày 25 tháng 10, mọi việc đang xúc tiến đều đặn thì một
báo cáo bay đến ca bin của Nagumo làm đảo lộn tất cả. Nagumo lúc đó còn
đang ngủ.
Mọi người đều bàng hoàng, và hiểu là chúng tôi đã thoát bẩy của địch
quân chỉ trong đường tơ kẻ tóc. Nếu chúng tôi tiếp tục tiến về hướng Nam
ma không xoay hai lần để chạy về hướng Bắc, lực lượng Hoa Kỳ có thể
đánh tập hậu chúng tôi, và chúng tôi sẽ rước thêm thảm bại nhục nhã.
Trên đài chỉ huy của soái hạm Shokaku, Phó Đô Đốc Nagumo mỉm cười
lần đầu tiên sau nhiều giờ lo âu. Ông ra lịnh cho phi cơ cất cánh. Mọi người
đã học được bài học ở Midway, nếu vì ngần ngừ một chút thì thảm họa có
thể xảy ra. Hai hàng không mẫu hạm Shokaku và Zuikaku tung 40 oanh tạc
cơ và 27 chiến đấu cơ lên trong vòng 15 phút. Sự nhậm lẹ nầy trái ngược
hẳn với sự chậm chạp như rùa của chiếc Ryujo cách hai tháng trước đây
cũng trong khu vực nầy.
Hai phi cơ tuần thám của Hoa Kỳ bổng xuất hiện, bay vượt qua đầu
chúng tôi và bỏ vài trái bom xuống ngay hàng không mẫu hạm Zuiho. Một
trái bom nổ tung trên sân bay và phát hỏa. Ngọn lửa được dập tắt ngay,
nhưng sân bay của Zuiho bị thiệt hại nặng.
Hạm trưởng của Zuiho cho biết phi cơ của ông vẫn còn cất cánh được
nhưng không thể trở về. Sau khi cho cất cánh tất cả chiến đấu cơ, Nagumo
ra lịnh cho chiếc Zuiho rút lui.
Những chất dẫn hỏa trên sân tàu của tất cả chiến hạm được lịnh dọn dẹp,
và mọi thùng đựng nước để chửa cháy đều mở nắp. Địch quân đã biết vị trí
của lực lượng chúng tôi và ồ ạt xuất hiện không biết lúc nào.
Một làn sóng tấn công thứ nhì của Nhật Bản, bao gồm 16 chiến đấu cơ,
được tung ra vào lúc 6 giờ sáng. Hiện tại, tất cả hàng không mẫu hạm
không còn được một chiếc phi cơ nào bao che. Chúng tôi phải ra tay trước,
đánh phủ đầu địch quân.
Trong lúc đó, trên hàng không mẫu hạm Junyo, Đề Đốc Kakuta đã tỏ vẽ
tức tối khi biết địch quân còn cách ông đến 300 dậm. Ông ra lịnh cho các
chiến hạm của ông xả hết tốc lực về hướng Đông Nam. Chiếc Junyo, một
hàng không mẫu hạm biến cải, đã chạy với tốc độ 26 hải lý thay vì 20 hải lý
như thường khi bức xa 3 khu trục hạm hộ tống chạy phía sau. Đây là lần
đầu tiên các thủy thủ khu trục hạm nhìn thấy soái hạm chậm chạp nầy rời
bỏ họ khá xa như vậy, cho đến cả tiếng đồng hồ sau họ mới đuổi theo kịp.
Mục tiêu cách 330 dậm không phải quá xa. Kakuta có thể xử dụng phi cơ
quày lai Shokaku hay Zuikaku để chỉ huy. Nhưng ông muốn mặt đối mặt
với quân địch.
Lúc 7 giờ 14 phut, Kakuta tung 29 phi cơ làm ba đợt để tấn công địch
quân. Sau đó, các phi cơ báo cáo: “Nhìn thấy hàng không mẫu hạm địch…
tất cả phi cơ đều nhào xuống.” Bốn mươi oanh tạc cơ và các phi cơ trang bị
thủy lôi đã tập trung bom vào hàng không mẫu hạm Hornet của Hoa Kỳ,
kéo dài 10 phút. Nhiều trái bom đã trúng thẳng mục tiêu.
Tôi đã tạm quên các tin tức đầy phấn khởi nầy, khi một oanh tạc cơ quay
trở về và cố đáp trên chiếc Shokaku, nhưng vì hỏng máy nên chiếc phi cơ
đã chúc xuống biển, phía sau hàng không mẫu hạm. Khu trục hạm
Amatsukaze chạy đến vớt phi công. Trong khi công việc đang xúc tiến, phi
cơ địch bay đến. Báo động toàn thể, và tất cả mọi người đều xoay sang
chiến đấu. Tôi liếc nhìn nhận thấy khoảng một chục oanh tạc cơ địch thoát
ra khỏi mây, bay thấp ở độ cao 2.000 thước. Tôi tiếp tục công việc giải cứu
phi công lâm nạn, vì tin rằng phi cơ địch sẽ chọn hàng không mẫu hạm
Shokaku để tấn công hơn là chiếc tàu bé nhỏ của tôi.
Trong khi Amatsukaze quay lại, với hai phi công được giải cứu, tất cả
chiến hạm khác của Nhật đều khai hỏa vào nhóm phi cơ địch đang bay đến.
Cùng lúc sáu chiến đấu cơ của chúng tôi lập tức cất cánh. Amatsukaze nhảy
ngay vào vòng chiến. Hành động phản công nhanh nhẹn của Nhựt khác xa
hai tháng trước đây khi hàng không mẫu hạm Ryujo chịu đựng cuộc không
kích biết bao.
Hai phi cơ trang bị thủy lôi địch trúng đạn của chiến đấu cơ Nhựt, bốc
khói và nổ tung. Một chiến đấu cơ của chúng tôi đâm thẳng vào một oanh
tạc cơ địch gây ra một tiếng nổ kinh hồn, và cả hai tan ra từng mãnh. Hai
oanh tạc cơ khác của địch trúng đạn cao xạ, đâm đầu xuống biển. Một việc
lạ lùng là chúng tôi không nhìn thấy một chiến đấu cơ nào của địch quân.
Tôi tự hỏi tại sao địch quân lại không cho loại phi cơ hộ tống nầy bay theo?
Con số phi cơ địch giảm xuống nhanh dần. Hỏa lực phòng không của
chiến hạm Nhựt tạo một màn lửa dầy đặt trên không. Có thể xem như chúng
tôi đẩy lui cuộc tấn coogn với sự thiệt hại ít ỏi. Amatsukaze chạy theo hình
chữ chi với vận tốc 33 hải lý để chiến đấu, nhưng luôn luôn dòm chừng
chiếc soái hạm Shokaku, vì nó cần được bảo vệ tối đa.
Tôi nhìn thấy hai oanh tạc cơ chui xuyên qua màn hỏa lực của chiếc
Shokaku và đâm thẳng vào chiếc tàu nầy từ một độ cao khoảng 7.000
thước, nhưng cuối cùng nó bổng bay vượt lên và biến mất trong mây. Cùng
lúc hai hoặc bốn vệt sáng trắng giống như các làn chớp, rơi xuống khoảng
giữa chiếc soái hạm, trúng một nơi gần đài chỉ huy và bùng cháy. Khói lan
tỏa ra mọi phía, bao phủ toàn thể sàn tàu. Vào giây phút cuối cùng của cuộc
tấn công, soái hạm Nhựt lãnh 4 trái bom.
Shokaku xoay hướng, vẫn chạy với tốc độ 30 hải lý, hiển nhiên máy móc
của nó không hề hấn gì, và bắt đầu rút lui với hai khu trục hạm hộ tống.
Trước khi rời khu vực, Nagumo chỉ thị cho tôi bảo vệ Zuikaku, hàng không
mẫu hạm duy nhứt còn hoạt động của ông. (Còn hàng không mẫu hạm
Junyo, nằm trong lực lượng tiền phương của Kondo, nhưng không nằm
dưới quyền chỉ huy của Nagumo).
Tôi vẫn còn ngơ ngác, không hiểu tại sao Shokaku, với các phi công tài
ba và thủy thủ đoàn kinh nghiệm, lại tỏ ra yếu kém như vậy? Việc chiếc
Ryujo bị đánh chìm không làm tôi ngạc nhiên mấy, vì kinh nghiệm chiến
đấu nghèo nàn của nó, nhưng chiếc Shokaku bị loại ra khỏi vòng chiến mới
gây xúc động thật sự cho tôi. Tuy nhiên, tôi không có thời giờ để nghĩ vẫn
vơ.
Làn sóng tấn công của phi cơ địch đã chấm dứt, nhưng các làn sóng khác
sẽ ào đến không biết lúc nào để tấn công hàng không mẫu hạm duy nhứt
còn lại. Hơn nữa, chiếc Zuikaku phải nhận tất cả các phi cơ của ba hàng
không mẫu hạm khác đang hoạt động trở về. Dĩ nhiên, có một số phi cơ bắt
buộc phải đáp xuống biển vì một mình chiếc Zuikaku không đủ chổ chứa.
Khu trục hạm Amatsukaze xả hết tốc lực chạy lại gần chiếc Zuikaku.
Một giờ trôi qua, không thấy cuộc tấn công nào mới của địch quân.
Các phi cơ của hàng không mẫu hạm Zuikaku trở về từng nhóm nhỏ.
Theo báo cáo của các phi công chúng tôi mới biết tại sao oanh tạc cơ địch
không có chiến đấu cơ bay theo bảo vệ. Phi xuất đầu tiên của Nhựt bao gồm
40 oanh tạc cơ và 27 chiến đấu cơ đã đụng đầu với nhóm phi cơ tấn công
thứ nhứt của địch quân trên không. Một sự đụng độ ít thấy xảy ra trước đây.
Phân nữa con số phi cơ Nhựt mở ngay một cuộc không chiến dữ dội với phi
cơ địch trên Thái Bình Dương. Tám chiến đấu cơ địch bị bắn rơi, nhưng
chúng đã cầm chân được các phi cơ Nhựt để cho oanh tạc cơ thoát đi và tấn
công, loại soái hạm Shokaku ra khỏi vòng chiến. Đồng thời, nửa nhóm phi
cơ Nhựt còn lại vẫn tiếp tục bay đến tấn công mục tiêu là hàng không mẫu
hạm Hornet của Hoa Kỳ. Nhưng lực lượng tấn đã giảm đi sức mạnh nên
gặp nhiều khó khăn. Kết quả 7 oanh tạc cơ Nhựt bị bắn hạ nhưng cũng gây
thiệt hại nặng cho chiếc Hornet. Địch quân đã bỏ rơi hàng không mẫu hạm
nầy sau đó.
Như vậy, nhóm 27 oanh tạc cơ và chiến đấu cơ của hàng không mẫu hạm
Hornet đã tấn công đơn vị tiền phương của chúng tôi, còn nhóm phi cơ ít
hơn của hàng không mẫu hạm Enterprise tấn công soái hạm Shokaku. Tại
sao nhóm phi cơ lớn hơn lại chọn mục tiêu là các tuần dương hạm đi đầu
thay vì hai hàng không mẫu hạm của chúng tôi, cho đến bây giờ tôi cũng
không thể đoán ra. Các tuần dương hạm tiền phương lúc đó đang chạy cách
120 dậm phía trước chúng tôi, thay vì 60 dậm như trước đây. Việc nầy là do
hai lần đổi hướng của Nagumo. Trong cuộc oanh kích chỉ có tuần dương
hạm Chikurma bị tổn hại do 7 trái bom gây ra, và được hai khu trục hạm hộ
tống về Truk. Cuộc taasnc ông của các phi cơ địch thất bại đã làm cho thế
cờ lật ngược. Trong khi chiếc Hornet bị bỏ rơi, chiếc Enterprise bị các đợt
phi cơ mới tung lên của Nhựt tấn công vũ bảo nên Đề Đốc Kinkaid đã ra
lịnh cho tất cả lực lượng của ông rút lui.
Sau cuộc tấn công, năm khu trục hạm, bao gồm chiếc của tôi, chạy
quanh hàng không mẫu hạm Zuikaku để giải cứu các phi công đâm đầu
xuống biển. Amatsukaze vớt được hai phi công oanh tạc cơ. Kế đó, một
oanh tạc cơ trang bị thủy lôi hạ cánh xuống sân tàu nhưng không thể ngừng
lại được nên đã chạy vượt ra phi đạo và đâm đầu xuống biển. Chiếc tàu của
tôi chạy nhanh đến giải cứu nhưng không kịp, cả phi công và phi cơ đều
chìm sâu dưới đáy biển.
Một chiến đấu cơ khác đâm đầu xuống biển, song song với Amatsukaze.
Tôi ra lịnh xả hết tốc lực chạy đến và ngừng lại để giải thoát phi công trước
khi chiếc phi cơ chìm xuống. Phi công nầy bị thương nặng, khi chúng tôi
mang lên tàu, hắn chỉ kêu được một tiếng “Mẹ” nho nhỏ, rồi trút hơi thở
cuối cùng. Hôm đó, chúng tôi giải cứu được tất cả 13 phi công, 3 người đã
chết ngay khi mang lên tàu.
Hai hàng không mẫu hạm còn lại hoạt động manh mẽ. Trước trưa ngày
hôm đó, hai chiếc Junyo và Zuikaku phối hợp, đã tung ra một làn sóng tấn
công thứ nhì với 15 phi cơ vào lúc 11 giờ 6 phút. Năm phút sau, Zuikaku lại
cho cất cánh thêm 13 phi cơ nữa. Chiếc Junyo của Đề Đốc Kakuta vẫn giữ
hướng đâm thẳng về phía địch quân và cho cất cánh tất cả phi cơ còn lại.
Nhưng không phải mọi vị tư lịnh Nhựt đều “dữ dội” như Kakuta. Phó
Đô Đốc Nobutake Kondo, Phụ tá Tổng Tư Lịnh Hạm Đội Hổn Hợp nắm
trong tay một lực lượng bao gồm hai thiết giáp hạm Kongo và Haruna, với
hàng chục khu trục hạm và tuần dương hạm bao quanh, một lực lượng có
thể đè bẹp địch quân dễ dàng như vậy mà ông lại nhút nhác không đưa ra
một hành động ngoạn mục nào.
Một kẻ rụt rè khác là Đề Đốc Koki Abe, chỉ huy một đơn vị tiền vệ gồm
hai thiết giáp hạm và năm kht, đã chân trước chân sau rời khu vực chiến
đấu với soái hạm Chikuma và hai khu trục hạm hộ tống. Ông nầy quả là
một người quá cẩn thận.
Vào buổi trưa, khi mạng lịnh đưa đến từ Truk bắt chúng tôi săn đuổi và
tiêu diệt địch quân đang tháo chạy, thì đã quá trể. Dù cho các chiến hạm của
Kondo xả hết tốc lực cũng không thể nào nuốt trôi khoảng cách 300 dậm
giữa ông và địch quân.
Trong đêm, hai khu trục hạm Makigumo và Akigumo tiến đến hknh
Hornet. Hai chiến hạm Hoa Kỳ lảng vảng gần chiếc hàng không mẫu hạm
bất động nầy đã quay đầu bỏ chạy. Hai khu trục hạm Nhựt thiêu rụi “mục
tiêu” với 4 trái thủy lôi.
Trên khu trục hạm Arashi, Nagumo đã trở lại khu vực vào sáng sớm
ngày 27 tháng 10. Lửa bốc cháy trên hàng không mẫu hạm Shokaku đã
được dập tắt ngay trưa hôm đó. Nagumo chuyển soái kỳ của ông từ chiếc
Arashi sang chiếc Zuikaku. Nhiều phi cơ của hàng không mẫu hạm Zuikaku
và Junyo cất cánh tìm tung tích địch quân tháo lui, nhưng không thấy bóng
dáng nào trong vòng bán kính 300 dậm. Lúc 6 giờ 30 ngày 27 tháng 10,
Nagumo ra lịnh chấm dứt các hoạt động nầy. Tất cả chiến hạm tụ hội suốt
ngày, và sau đó quay mủi trở về Truk.
Tổng kết trận đánh vừa qua, được mệnh danh là trận Santa Cruz, phía
Nhựt hư hại 6 chiến hạm mọi loại trong đó có hàng không mẫu hạm
Shokaku, và mất 66 phi cơ. Phía Hoa Kỳ chìm hàng không mẫu hạm Hornet
và hư hại năm chiến hạm mọi loại và mất 74 phi cơ.
Vì vậy, nếu so sánh con số, có thể nói Nhật Bản đã chiến thắng. Địch
quân bước vào trận đánh với các lợi thế tâm lý và chiến thuật, nhưng đã
phải trả một giá khác cao. Địch quân dọn chiến trường với thời gian và
không gian do họ chọn lựa. Nhưng họ đã phải kinh ngạc. Họ không ngờ đầu
và đuôi “con rắn Nhật Bản” đã biết ứng biến và rất mềm dẽo, trái ngược
hẳn trận Midway và kết quả gậy ông đập lưng ông.
Mặc dù qua sự so sánh thiệt hại, Nhựt xem như đã chiến thắng, nhưng
địch quân thật sụ đã nắm phần thắng về mặt chiến lược. Khi trận đánh nầy
kết thúc, Hoa Kỳ có được một khoảng thời gian quí giá cho phép họ tăng
cường lực lượng và chuẩn bị hành động kế tiếp. Sự chiến thắng chiến lược
của địch quân phải qui trách nhiệm cho lực lượng trung ương của Nagumo,
dưới quyền chỉ huy của Đề Đốc Kondo, đã thiếu tinh thần diệt địch. Nếu
lực lượng của Kondo tận lực như đầu đuôi đã làm, lực lượng địch quân có
thể bị tiêu diệt hoàn toàn.
6
Niềm vui chiến thắng Santa Cruz không kéo dài được bao lâu. Mạng
lệnh đang chờ đợi Đô đốc Nagumo ở Truk. Ngày 2 tháng 11, ông rời khỏi
chức vụ Tư lệnh Đệ Tam Hạm Đội, tức Lực Lượng Đặc Nhiệm, và trở về
Nhật đảm nhiệm chức vụ mới, Chỉ huy trưởng Căn cứ Hải quân Sasebo.
Nghe tin việc thuyên chuyển này, tôi đã đến gặp ông, nhưng không biết
nên ngỏ lời chia vui hay chia buồn với ông. Trước mặt tôi, Nagumo chỉ là
một ông già tiều tụy. Hình như trong vòng sáu tháng qua, ông đã già thêm
20 tuổi. Khi thấy tôi, ông thoáng cười: “ Hân hạnh được gặp anh, Hara.
Những việc anh làm khiến tôi kiêu hãnh.”
Tôi đỏ mặt vì lời khen tặng này, và sau một vài giây yên lặng đầy bối
rối, tôi lên tiếng: “Thưa Đô đốc, tôi thấy Đô đốc dường như không được
khỏe?”
“Ồ! Bệnh cúm sơ sài thôi.” Ông mau mắn đáp. “Trở về quê nhà ít hôm
sẽ khỏi ngay, và tôi sẽ sớm trở lại đây để chiến đấu với anh.”
“Dạ đúng, thưa Đô đốc, khí hậy ở Sasebo sẽ khiến Đô đốc mau bình
phục. Đô đốc xứng đáng được nghỉ ngơi một thời gian, vì Đô đốc đã liên
tục một năm ngoài mặt trận rồi. So sánh với nhiệm vụ của Đô đốc, nhiệm
vụ của tôi không khác nào kẻ đi ngao du một cách nhàn nhã trên mặt biển.”
“Nhưng từ đây anh không còn nhàn nhã nữa đâu, ngoại trừ chiếc Junyo,
tất cả hàng không mẫu hạm sẽ về Nhật để tu bổ. Và trong các trận đánh vừa
qua, chúng ta đã thiệt mất một số phi công giỏi, các phi công mới chắc còn
lâu mới thích hợp được với nhiệm vụ của họ.”
“Xin lỗi Đô đốc, như vậy là các hàng không mẫu hạm Shokaku,
Zuikaku, Zuihu và Hiyo, tất cả sẽ vượt 2500 dặm để trở về quê hương, và
chỉ còn lại một mình chiếc Junyo yểm trợ về mặt trên không cho chúng tôi
hay sao?”
“Phải, Hara. Các chiến hạm của chúng ta chỉ bị thiệt hại nhỏ trong trận
Santa Cruz, nhưng chúng ta đã mất một số phi công kinh nghiệm và những
người chỉ huy tài giỏi về ngành bay. Đối với chúng ta , trận đánh vừa qua
Nhật đã chiến thắng trên phương diện chiến thuật, nhưng trên phương diện
chiến lược lại là một thất bại to tát. Như anh đã biết, tôi đặc biệt nghiên cứu
tiềm năng chiến tranh của Hoa Kỳ trong suốt thời gian tôi du học bên ấy.
Đoán biết khả năng kỹ nghệ của địch vượt bậc, trong mọi trận đánh chúng
ta phải hạ gục họ ngay mà không để cho bị thiệt hại. Nhưng không may,
trong trận đánh vừa qua, chúng ta đã không làm được như vậy.”
Người thay thế Nagumo là Phó đô đốc Jisaburo Ozawa, một chuyên viên
khu trục hạm đáng chú ý, nhưng tài năng trong tư cách một Tư lệnh Lực
Lượng Đặc Nhiệm của ông thì không ai biết ra sao. Tin tức của việc thay
đổi này gây nhiều cảm giác lẫn lộn. Chúng tôi biết sức khỏe của Nagumo
yếu kém, không thích hợp với nhiệm vụ chiến đấu. Mọi người hy vọng tân
tư lệnh sẽ tạo ra “phép lạ” và dẫn dắt chúng tôi đến các chiến thắng vĩ đại.
Kế đó, tôi đến viếng thăm Kakuta để chúc mừng ông vừa được tân
thăng. Vị tân Phó Đô đốc này luôn luôn hăng hái, nhưng xem ra ông có vẻ
nao núng khi chúng tôi thảo luận về việc lực lượng của ông chỉ còn lại một
hàng không mẫu hạm duy nhất hoạt động ở Tây Nam Thái Bình Dương.
Tôi cũng ghé tạt qua Tổng Hành dinh Hạm Đội Hỗn Hợp của Đô đốc
Yamamoto và nhận thấy không khí ở đây có vẻ căng thẳng. Từ khi sư đoàn
2 Bộ Binh thảm bại, Lục quân yêu cầu Đô đốc Yamamoto cung cấp đầy đủ
các phương tiện chuyển vận. Ông chỉ biết làm theo các yêu cầu này mà
không được bàn ra tán vào.
Yamamoto biết tất cả các đơn vị của ông đều quá mỏi mệt sau trận đánh
Santa Cruz. Nhưng ông bắt buộc phải đưa các đơn vị này ra đại dương một
lần nữa, và lần này hầu như không được bao che về mặt trên không.
Yamamoto đã có lý khi cho rằng trong trận Santa Cruz địch mất mát bao
nhiêu thì ông cũng kiệt quệ bấy nhiêu. Khoảng đầu tháng 11 hình như nhận
xét này có vẻ không mấy đúng khi 20 khu trục hạm Nhật thành công trong
việc đổ bộ toàn thể Sư đoàn 38 vào những ngày 2,7,8 và 10 mà không gặp
bất kỳ sự ngăn trở nào của địch quân. Nhưng hải quân Hoa Kỳ, giống như
trước đây, đang chờ đợi đúng lúc để ra tay. Chiến hạm Hoa Kỳ trở lại, và
một loạt chạm trán đẫm máu đã xảy ra cạnh hải phận Guadalcanal vào
những ngày 12 đấn 15 tháng 11.
Tôi tham dự ngay trận đầu của loạt hải chiến này, và nhận thấy sự tiên
đoán của Nagumo hoàn toàn đúng. Đây là trận đánh dữ dội hơn bất kỳ trận
đánh nào tôi đã từng biết qua trước đây. Chiếc Amatsukaze của tôi đã
phóng ngư lôi đánh chìm tuần dương hạm Juneau và khu trục hạm Barton,
đồng thời gậy thiệt hại nặng nề cho soái hạm San Francisco của Đề đốc Hoa
Kỳ Daniel T.Callaghan. Hai quả đại pháo của tuần dương hạm Helena đã
đốn ngã 43 người trong số thủy thủ đoàn của tôi trong lúc tôi đứng chung
với họ mà không xây xát gì cả. Tôi còn sống trong trận này chỉ nhờ vào sự
may mắn.
Đây là một trong những trận hải chiến kỳ dị nhất của lịch sử hiện đại,
hầu như là một cuộc loạn đả giữa 14 chiến hạm Nhật Bản và 13 chiến hạm
Hoa Kỳ. Trong trận này, Nhật mất một thiết giáp hạm và hai khu trục hạm,
phía Hoa Kỳ chỉ còn tồn tại 3 khu trục hạm và một tuần dương hạm không
mấy nguyên vẹn. Một số sĩ quan chỉ huy của Hoa Kỳ thiệt mạng. Có thể nói
đây là một trong những cuộc bại trận tồi tệ nhất của Hoa Kỳ trên mặt trận
thái Bình Dương. Tuy nhiên, Nhật Bản cũng không được hài lòng trọn vẹn
với những chiến tích đạt được. Vị tư lệnh Nhật, chỉ huy trận đánh này, bị
đưa ra tòa án và bị cách chức về tội làm “ô danh cấp lãnh đạo.”
Giống như một cuộn chỉ rối. Người ta không thể nào biết được các chi
tiết thật sự liên quan đến trận đánh. Sau đây tôi cố gắng vẽ lại trận đánh này
một cách vô tư, xác thực và đầy đủ bao nhiêu hay bấy nhiêu. Đề đốc Kobi
Abe, một chuyên viện khu trục, và một tay có kinh nghiệm chiến đấu, đã
chỉ huy 14 chiến hạm Nhật tham dự vào trận đánh này. Ông nổi tiếng là
người rất thận trọng, vì vậy mà ông thường bị chỉ trích là rụt rè, nhút nhát.
Trong trận Santa Cruz, Abe chỉ đơn vị tiền phương và đã kháng cự hữu hiệu
trước các cuộc không kích của Hoa Kỳ, nhưng khi địch quân rút lui ông
không chịu truy đuổi đến cùng.
Đề đốc Abe tỏ vẻ nồng nhiệt khi nhận lệnh của Yamamoto cầm đầu phận
đội 14 chiến hạm mở các cuộc pháo kích dọn đường lên Guadalcanal, như
Kurita đã làm một tháng trước đó. Abe không tin là người Mỹ ngu dại đến
nỗi cho Nhật áp dụng cùng một phương thức tấn công đã từng được sử
dụng.
Tình trạng sức khỏe củng Abe sa sút, nhất là sau trận đánh gần đảo Savo
vào ngày 11 tháng 10, đưa đến cái chết của người bạn cố tri của ông, Đề
đốc Aritomo Goto. Trước khi trút những hơi thở cuối cùng, Goto có những
lời trối trăng cho thấy ông bị giết chết bởi hỏa lực bạn, và cho rằng hành
động can đảm của ông là ngu dại. Đó là một cái chết đầy tăm tối. Abe buồn
bã khi nghe việc này, và ông quyết định không dẫm lên dấu chân của Goto.
Abe có lý khi cho rằng cuộc đổ bộ êm thắm của Sư đoàn 38 chỉ là một sự
êm thắm giả tạo. Tình hình này giống như trước khi xảy ra trận đánh Santa
Cruz. Và tâm trạng của ông là đón chờ những gì tồi tệ nhất xảy ra.
Vào ngày 9 tháng 11, chiếc Amatsukaze của tôi nằm trong một nhóm 8
khu trục hạm cùng với tuần dương hạm hạng nhẹ Nagara rời khỏi Truk, và
sáng sớm ngày 12 chúng tôi kết hợp với hai thiết giáp hạm và thêm ba khu
trục hạm của Đề đốc Abe gần đảo Shortland.
Lúc 8h30 cùng ngày, khi còn các phía Bắc mục tiêu 300 dặm, chúng tôi
bị một pháo đài bay B-17 phát hiện. Hàng không mẫu hạm Junyo của Phó
Đô đốc Kakuta cho các phi cơ cất cánh để chống lại chiếc B-17 này, nhưng
nó đã lẩn tránh mất dạng mà không hề thả một trái bom nào. Nhưng chắc
chắn chiếc B-17 đã thu thập đầy đủ những gì cần biết về hoạt động của
chúng tôi. Cuộc tiếp xúc quá sớm này càng khiến cho tính thận trọng cố
hữu của Abe gia tăng hơn nữa, và nhất là ông lại nhận được những báo cáo
về các nỗ lực tăng viện thành công của địch quân vào hai ngày 11,12 tháng
11.
Lúc 13h30 bỗng nhiên Abe ra lệnh thay đổi hẳn đội hình di chuyển. Từ
đầu chúng tôi di chuyển một hàng dọc, bây giờ chuyển thành đội hình xen
kẽ như sau: Năm khu trục hạm trải rộng ra thành hình vòng cung, chạy cách
phía trước tuần dương hạm Nagara 8000m. Kể từ chiếc Nagara, sáu khu
trục hạm khác trải phân nửa đội hình cánh quạt, mỗi chiếc cách nhau
2000m. Hai thiết giáp hạm Hiei ( soái hạm) và Kirishima chạy phía sau
chiếc Nagara, mỗi chiếc cách nhau 2000m.
Đội hình vững chãi này hoàn tất vào lúc 14h, khi chúng tôi chỉ còn cách
Guadalcanal trong vòng 200 dặm. Tôi nghĩ, mục đích cũa đội hình này là
nhằm ngăn ngừa tiềm thủy đĩnh hoặc phi cơ địch tấn công bất thần trên
đường tiến đến mục tiêu của chúng tôi. Tôi không bao giờ tưởng tượng Abe
vì sự quá cẩn trọng này mà phải lâm vào cảnh bối rối trong suốt cuộc hành
quân. Còn bối rối hơn một cuộc tấn công bất thần của địch quân.
Trong khi chúng tôi vẫn tiến về phía Nam với tốc độ 20 hải lý, soái hạm
Hiei cho một trinh sát cơ cất cánh. Một giờ trôi qua, phi cơ của chúng tôi
không gửi báo cáo về mà cũng không có một chiếc phi cơ nào của địch xuất
hiện. Thời tiết thình lình u ám. Những đám mây dày đặc tụ đến nhanh
chóng và một cơn mưa bão dữ dội trút xuống, che mờ mọi vật cho đến nỗi
không nhìn thấy cả những chiếc tàu chạy gần nhau nhất. Trên chiếc
Amatsukaze, chúng tôi bồn chồn mong đợi lệnh cho các chiến hạm chạy
chậm lại, và thay đổi một đội hình ít phức tạp hơn. Nhưng không có một
lệnh nào như vậy được ban ra.
Đối với Abe, cơn mưa bão hiện tại là một thiên ân. Ông biết rằng được
ẩn trong cơn mưa bão này, phận đội của ông không còn sợ các cuộc tấn
công của địch từ ba mặt trên không, trên mặt biển và dưới biển. Khi các sĩ
quan của Abe khuyên ông nên cho các chiến hạm giảm tốc độ, ông đã gạt
đi: “Chúng ta phải duy trì tốc độ này để tiến đến mục tiêu đúng lúc.”
Mưa bão trên các vùng biển nhiệt đới thường giới hạn trong một khu vực
nhỏ và hiếm khi kéo dài hơn một vài phút. Nhưng cơn mưa bão này đã làm
chúng tôi kinh ngạc, vì nó có vẻ kéo dài triền miên. Chúng tôi tiếp tục với
vận tốc 18 hải lý. Hai giờ trôi qua, mưa vẫn đổ xuống như thác.
Mặc dù nước mưa thấm ướt chư chuột lột, thân thể và mặt mày chúng tôi
rướm ướt mồ hôi. Trong thời bình, không có vị tư lệnh lực lượng hải quân
nào dám cho các chiến hạm của ông ta chạy xuyên qua cơn mưa bão mù
mịt, với tốc độ cao và một đội hình phức tạp, bởi lẽ thời gian này chưa có
dụng cụ nào để di chuyển an toàn trong tình trạng như vậy. Nhưng chúng
tôi đã di chuyển suốt bảy tiếng đồng hồ trong tình trạng đui mù này mà
không xảy ra tai nạn nào. Điều đó đã chứng tỏ tài đi biển của các thủy thủ
Nhật bản, cũng như vào sự lão luyện cao độ đã tránh được tình trạng bắn
lầm giữa các chiến hạm chúng tôi, trong trận đánh hỗn loạn sắp xảy ra. Một
số tin tức của Hoa Kỳ liên quan đến trận đánh đã cho rằng chiến hạm Nhật
khai hỏa vào nhau, điều này hoàn toàn sai.
Trên đài chỉ huy của chiếc Hiei, Abe có vẻ khoái trá. Ông nói với các sĩ
quan ướt như chuột lột của ông đang đứng xung quanh: “Cơn mưa bão trời
giúp này đang di chuyển cùng một tốc độ và cùng một hướng với chúng ta.”
Báo cáo đầu tiên của phi cơ thám thính: “Phát hiện hơn một chục chiến
hạm địch quân gần đảo Lunga.”
Abe cười: “Nếu Trời tiếp tục chạy song song với chúng ta như thế này,
chúng ta sẽ khỏi phải bận rộn với các chiến hạm đó.”
Phân đội tiếp tục tiến. Nhiều giờ nữa trôi qua, nhưng mưa bão không
ngừng mà có phần dữ dội hơn. Trong suốt những năm trong đời binh nghiệp
của tôi, tôi chưa từng thấy cơn mưa bão nào như vậy. Nó dần chúng tôi mệt
nhừ. Các sĩ quan của tôi đều tỏ vẻ bực bội. Thiếu úy Shoji nói: “Hết chịu
nổi rồi. Trận mưa này đang giết tôi. Tôi muốn điên lên. Chúng ta chống lại
bọn Mỹ còn tốt hơn là chống với cơn mưa này.”
Lúc 22h, chúng tôi đã tiến đến gần mục tiêu, với điều kiện là chúng tôi
di chuyển chính xác. Trên soái hạm Hiei, Abe đang cắm cúi trên hải đồ.
Từng là một chuyên viên khu trục hạm, ông biết rõ khả năng từng hạm
trưởng một của ông, và ông cũng biết rõ Đề đốc Susumu Kimura ở trên
chiếc Nagara là một trong những chuyên viên hàng hải ưu tú nhất của Nhật
Bản.
Đồn quan sát của Lục quân ở Guadalcanal vừa gửi Abe một công điện:
“Ở đây hiện giờ thời tiết rất xấu.” Phí cơ thám thính của Hiei, sau báo cáo ở
Lunga, đã bay thẳng về Bougainville, vì không thể đáp xuống chiếc tàu mẹ
đang chạy trong mưa bão. Đề đốc Abe biết rằng một cuộc pháo kích của các
tàu chiến không thể chính xác trong tình trạng như thế này, ông quyết định
thoát khỏi cơn bão ở mạn phía Nam. Sau đó, Hiei truyền lệnh qua siêu tần
số: “tất cả các chiến hạm sẵn sàng để đổi hướng 180 độ cùng một lúc.” Như
vậy có nghĩa là chúng tôi quay lưng về phía mục tiêu.
Tôi đáp lập tức: “Amatsukaze gửi Hiei, đã sẵn sàng để đổi hướng 180
độ.” Thông thường, khoảng cách liên lạc để đổi hướng đội hình phải mất 30
giây, như vậy mới chuẩn bị kịp để tránh sự va chạm.
Tôi bồn chồn nhìn đồng hồ. Một phút trôi qua. Lệnh đổi hướng vẫn chưa
đến. Một phút ba mươi giây, vẫn im lặng. Tôi chạy vào phòng truyền tin
hỏi: “Có lệnh chưa?”
“Chưa, thưa Đại tá. Các khu trục hạm đi đầu là Yudachi và Harusame
cũng chưa được lệnh.”
Ba phút trôi qua, phòng truyền tin báo cáo: “Thưa Đại tá, Hiei đang dùng
tần số trung bình để liên lạc với yadachi và Harusame.”
Tôi kêu lên: “Sao lại có chuyện đó? Hiei điên rồi à?” Bởi vì sử dụng tần
số trung bình có thể bị địch quân chặn bắt dễ dàng. Như vậy lợi thế của
chúng tôi nhờ cơn mưa bão đã bị Hiei phá tan rồi.”
Lúc 22h, hiệu thính viên báo cáo: “Lệnh đổi hướng 180 độ cho tất cả
chiến hạm.”
Tôi ra lệnh: “Xoay 180 độ.” Khu trục hạm của tôi thi hành một cách gọn
gàng. Tôi nhìn quanh một vòng, chỉ sợ các tàu đụng chạm. Không có việc
gì xảy ra. Sự đổi hướng kỳ dị trong một đội hình phức tạp như vậy mà êm
thấm mới là chuyện khác thường.
Lệnh kế của soái hạm Hiei: “Tốc độ của tất cả chiến hạm giảm xuống
còn 12 hải lý.” Abe không bao giờ làm việc cầu may. Qua nhiều năm kinh
nghiệm, ông biết đội hình trước đó, chạy như đui mù, sẽ không còn giữ
đúng nữa. Abe cho xoay 180 độ là hữu lý. Và đội hình hiện giờ chắc chắn
đã phân tán. Tôi đã nhìn thấy, ngay cả trước khi có lệnh giảm tốc độ, đội
hình vòng cung của năm khu trục hạm, chạy phía trước tuần dương hạm
Nagara 8000m, đã phải xoay hẳn một vòng tròn thay vì 180 độ, để quay
lưng về phía Guadalcanal. Vì vậy, năm chiếc tàu này bị vỡ làm hai nhóm,
một nhóm hai chiếc và một nhóm ba chiếc. Và do đó, đội hình của toàn thể
đoàn tàu gia tăng thêm một phần nữa. Yếu tố bất ngờ này lại có một giá trị
quan trọng đối với trận đánh sắp xảy ra.
Mưa bão chấm dứt lúc 22h40, hơn 30 phút kể từ khi chúng tôi bắt đầu
xoay hướng. Abe lại ra lệnh xoay thêm 180 độ nữa, tức xoay mũi các chiến
hạm trở lại phía hòn đảo. Tôi độ chừng Abe bây giờ sẽ thành lập một đội
hình duy nhất. Đội hình phức tạp chỉ thuận lợi để chống lại các cuộc tấn
công của loại ngư lôi đĩnh nhỏ, nhưng nếu gặp phải một cuộc tấn công quy
mô, chúng tôi sẽ lâm vào cảnh rối loạn ngay.
Abe, với tính cẩn thận cố hữu của ông, vẫn cương quyết giữ lại đội hình
cũ. Và đây là lần đầu tiên tôi nghi ngờ sự khôn khéo của ông. Lúc chiến đấu
mà nghi ngờ khả năng của cấp chỉ huy là không tốt. Nhưng tôi không thể
nào cho rằng việc giữ đội hình cũ là thích hợp một khi soái hạm Hiei đã
dùng tần số vô tuyến trung bình để liên lạc. Địch quân chắc chắn đã định
được ví trí của chúng tôi và sẵn sàng đánh.
“Đảo nhỏ, 60 độ tả mạn.” Tiếng la của một quan sát viên chấm dứt dòng
tư tưởng của tôi. Sau đó, nhiều tiếng la cùng lúc: “Dãy núi cao án trước
mặt.”
Tôi quay sang trái, nhìn thấy hình dáng đen sậm của đảo Savo thấp
thoáng trong bóng đêm. Phía trước tàu của tôi là dãy núi Guadalcanal cao
chớn chở, đỉnh như lẩn khuất trong mây. Tôi có linh tính cuộc đụng độ sắp
xảy ra. Tôi thấy kích động và hít một hơi dài không khí êm mát của đêm.
Tôi ra lệnh: “Chuẩn bị trọng pháo và ngư lôi tấn công ở hữu mạn. Tầm súng
3000m. góc phóng ngư lôi 15 độ.”
Im lặng trở lại trên tàu của tôi sau khi mọi người đã vào vị trí chiến đấu.
Trên soái hạm, Abe đang cắm cúi với các báo cáo. Thủy phi cơ quan sát cất
cánh từ Bougainville cho biết mưa vừa dứt ở Guadalcanal và không còn
thấy một chiến hạm nào của địch gần đảo Lunga. Năm mươi phút sau khi
chúng tôi xoay hướng lần thứ hai, phân đội chỉ còn cách bờ biển
Guadalcanal 12 dặm. Abe vẫn chưa quyết định, chỉ ta lệnh một cách uể oải”
“Hiei và Kirishima chuẩn bị loại đạn số 3 cho các pháo khẩu chính.” Đây là
loại đạn lửa, nặng một tấn, mang một khối lượng chất nổ mạnh hàng trăm
trái bom.
Lúc 23h42, tuần dương hạm Yudachi báo cáo: “Nhìn thấy địch quân.”
Abe hét: “Địch quân ở phía nào, và bao xa? Còn vị trí Yudachi ở đâu?”
Abe chấm dứt cơn thịnh nộ khi quan sát viên của Hiei đứng trên tháp cao
la to: “Bốn điểm đen phía trước…. Nhìn giống như các chiến hạm, ở 5 độ
hữu mạn. Khoảng cách 8.000m…. nhưng không chắc. Nhìn không rõ.”
Abe xụ mặt: “Yadachi ở chếch về bên phải chúng ta 10.000m. Hỏi lại
các quan sát viên xem các điểm đen khoảng cách bao xa.”
Trung tá Masakane Suzuki, Tham mưu trưởng của Abe bước ra và lớn
tiếng hỏi: “Có đúng 8.000m không? Phải xác định.”
“Có lẽ 9.000m thưa Trung tá.”
Abe, hình như xao xuyến, giọng nói ấp úng: “Ra lệnh cho các pháo thủ ở
Hiei và Kirishima thay tất cả loại đạn lửa bằng đạn xuyên phá giáp và xoay
các pháo khẩu về phía trước.” Abe ngồi yên trên ghế, ông đang phân vân.
Đáng lẽ ông phải lệnh cho hai thiết giáp hạm xoay mũi chạy lùi về phía sau
trong hki thay loại đạn khác, nhưng ông cân nhắc, và cuối cùng không đưa
ra lệnh này.
Trên sàn tàu của hai thiết giáp hạm bỗng nhiên hoang vắng. Hầu hết mọi
người đều phải bỏ vị trí chiến đấu để tiếp tay mang loại đạn xuyên phá giáp
được chứa từ hầm sâu lên thay thế loại đạn lửa. Trong khi đó loại đạn vĩ đại
này vẫn còn chất đống như núi trên sàn tàu. Như vậy, ở tầm 9.000m, chiếc
tàu sẽ bị bắn trúng dễ dàng, và sẽ trở thành một que diêm khổng lồ.
Các sĩ quan truyền tin của Hiei bận rộn liền tay. Tần số trung bình và
ngắn đều được tận dụng để loan báo diễn tiến của địch quân. Vấn đề an
ninh truyền tin không còn được lưu ý nữa.
Các quan sát viên của tôi vẫn chưa thể nhìn thấy một chiếc tàu nào của
địch quân nên tỏ vẻ sốt ruột. Tôi nói lớn: “Không thấy thì có sao đâu, chúng
ta đã chuẩn bị đầy đủ rồi, chỉ chờ địch quân đến trong khoảng cách dưới
3.000m là ra tay.”
Một việc lạ lùng là đã 8 phút trôi qua nhưng địch quân không bắn một
quả đạn nào. Theo phi cơ quan sát, tốc độ di chuyển của địch quân là 40 hải
lý, như vậy có nghĩa là mỗi một phút hai lực lượng tiến gần nhau 1.200m.
Trên hai chiếc Hiei và Kirishima, mọi người đã vào các vị trí trở lại. Tất cả
các loại đạn lửa đã được di chuyển hết, và các pháo khẩu sẵn sàng khai hỏa
với loại đạn xuyên phá giáp.
Tại sao địch quân cứu thoát chúng tôi khỏi cảnh bi thảm bằng cách dành
cho chúng tôi 8 phút để hai thiết giáp hạm hoàn thành việc thay thế đạn?
Không làm sao giải thích được, dù tôi đã đọc nhiều tài liệu sau chiến tranh
của Hoa Kỳ ghi lại trận đánh này. Không còn ai đủ thẩm quyền để dọ hỏi,
bởi vì hầu hết sĩ quan cao cấp thuộc lực lượng đặc nhiệm Hoa Kỳ tham dự
trận đánh đều thiệt mạng trong khi thi hành nhiệm vụ. Tất cả những giả
thuyết mà tôi được xem qua đều căn cứ trên từng câu chuyện rời rạc, và
thường trái ngược nhau, do những người còn sống sót kể lại. Tuy nhiên,
theo sự tìm hiểu riêng của tôi, địch quân sở dĩ không khai hỏa trong suốt 8
phút khủng hoảng của chúng tôi là do thế trận đã dàn ra không thích hợp, và
do vấn đề chỉ huy phức tạp của họ.
Vào lúc 23h41, khi khu trục hạm Yudachi báo cáo đã phát hiện địch
quân, lực lượng địch đang tiến đến trong đội hình hàng dọc duy nhất, nhằm
chống lại đội hình phân tán của chúng tôi. Với đội hình như vậy, chỉ có
chiếc tàu dẫn đầu của địch quân mới có thể khai hỏa được mà thôi. Nhưng
điều khó có thể giải thích được là tại sao những chiếc tàu khác không rẽ về
phía phải để xoay tất cả các họng súng của họ về hướng chúng tôi? Tại sao
họ không chọn phương thế khác, chẳng hạn như tiến từ bờ biển ra để đánh
vào hữu mạn chúng tôi? Những câu hỏi này vẫn luôn luôn ám ảnh tôi.
Trong trận đánh này cũng còn nhiều điều bất thường khác. Một trong
những điều này là hoạt động cũa khu trục hạm Yudachi, hạm trưởng là
Trung tá Hiyoshi Kikkawa, một người bạn rất thân của tôi. Sau trận đánh,
kikkawa đã giải thích với tôi:
“Lỗi lầm của tôi là quá cẩn thận. Tôi đã từng tham dự trận đánh ở biển
Bali tháng Hai trước đó. Trong trận này, chiếc khu trục hạm Mitsushio của
tôi bị trúng ngư lôi vào cạnh sườn và thiệt hại khá nặng, giữa lúc tôi đang
điều khiển hỏa lực của chiếc tàu ngắm vào mục tiêu ở hướng khác. Đây là
một bài học đắt giá cho tôi.”
“Vào ngày 12 tháng 11, chiếc Yudachi của tôi cùng với chiếc Harusame
đang đi tìm ba khu trục hạm khác cùng nhóm thất lạc. Trong cuộc tìm kiếm
này, chúng tôi không bao giờ ngờ rằng đội hình phức tạp trước đây đã xoay
hai lần 180 độ, khiến cho ba chiếc tàu cùng nhóm với chúng tôi đã tụt lại
phía sau, thay vì ở vị trí tiền đội như khởi thủy.”
“Tôi đã kinh ngạc khi nhìn thấy một khu trục hạm địch từ bóng tối nhô
ra thình lình, và đang chuẩn bị đánh vào cạnh sườn chiếc Yudachi. Thảm
họa Bali chợt hiện trong đầu tôi. Tôi không thể nào chống trả kịp thời, vì
hỏa lực không nằm trọng tình trạng sẵn sàng. Tôi quyết định quay tàu bỏ
chạy và thông báo về soái hạm, nhưng không thể nào định vị trí tàu địch,
bởi vì tôi không biết chính tàu tôi hiện đang ở đâu.”
“Tôi chạy được được một vài phút thì tàu địch khai hỏa. Tôi lâm vào
tình cảnh bối rối và hổ thẹn, vì lúc đó thủy thủ đoàn đã giận sôi lên, lý do là
tôi không cho họ thử sức với địch quân. Tôi quyết định quay tàu lại và
hướng thẳng tới đoàn tàu của địch quân. Và từ đó, Yudachi đã dũng cảm
chiến đấu cho đến khi bị đánh chìm.” ( chỉ một mình Kikkawa thoát chết )
“Trong thời gian Yudachi đơn độc đối đầu với địch quân, chiếc
Harusame cùng đi chung đã trở về kết hợp với tuần dương hạm Nagara.”
Kikkawa tiếp, “Hiển nhiên là chiếc tàu này lạc dấu chúng tôi trong đêm tối,
vì lúc đó chiếc Yudachi đã chạy với tốc lực tối đa 35 hải lý.”
Không chỉ có các đơn vị tiền phương tan vỡ đội hình mà cả thành phần
chính cũng không tránh khỏi. Bảy tiếng đồng hồ chạy như đui mù, và qua
hai lần xoay hướng 180 độ, cho dù đội hình nào đi nữa cũng phải tan vỡ
huống chi là đội hình phức tạp của Abe.
Lúc 23h50, soái hạm Hiei sử dụng đèn rọi và nhận thấy tuần dương hạm
Nagara chạy cách phía trước không đầy 2.000m. Chiếc tuần dương hạm này
tiếp tục chạy khoảng 5.000m nữa rồi đổi hướng sang trái để chạy phía trước
khu trục hạm Yukikaze và kế đó khoảng 2.000m là chiếc Amatsukaze của
tôi. Và khi đèn rọi của soái hạm Hiei phát hiện tuần dương hạm Atlanta của
Hoa Kỳ, cách xa chừng 5.000m, tàu địch lập tức khai hỏa, nhưng vì nhắm
vội vã nên tất cả 12 quả đạn 125mm rớt nổ cách soái hạm đến 2.000m.
Ba mươi giây sau khi vung về tả mạn, soái hạm Hiei khai hỏa một lượ
tám khẩu 250mm. Với mục tiêu ở tầm 5.000m, loại đại pháo này bắn không
thể trật. Tất cả các quả đạn 1 tấn được bắn ra đều trúng chiếc Atlanta. Đề
đốc Hoa Kỳ Norman Scott và tất cả sĩ quan đứng trên đài chỉ huy đều chết
tức khắc. Như vậy là Abe đã phục thù cho người bạn thân của ông, Đề đốc
Goto. Đây là một trong những cuộc pháo kích hạm-hạm chính xác nhất của
toàn thể mặt trận Thái Bình Dương.
Nhưng Hiei đã phải trả một giá rất cao cho việc sử dụng đèn rọi của
mình. Bốn khu trục hạm chạy phía trước tuần dương hạm Atlanta đã tập
trung vào soái hạm Nhật ở các khoảng cách từ một vài trăm mét đến 2.000
mét. Khu trục hạm Cushing dẫn đầu đã rót nhiều loạt đạn đại pháo và mưa
đạn đại liên vào đài chỉ huy của Abe. Tuy nhiên, pháo thủ của địch quân
quá tệ khiến tất cả đạn của họ đều vung vẩy chung quanh chiếc Amatsukaze
của tôi, Quang cảnh này được lặp đi lặp lại nhiều lần, và tôi như kẻ đứng
trước những tấm màn lửa. Cũng may, không có viên đạn nào trúng chiếc tàu
của tôi.
Tiếp theo đó, khu trục hạm Cushing đã phóng 6 quả ngư lôi vào soái
hạm Hiei, nhưng không quả nào trúng đích. Tôi hét lớn: “Xả hết tốc lực,
xoay về phía trái, rời khỏi địa ngục này ngay lập tức.”
Chiếc Amatsuzake tách rời khỏi soái hạm Hiei nhanh chóng, kế đó là
khu trục hạm Yukikaze, và cả hai chạy vượt qua tuần dương hạm Nagara.
Tôi nhìn thấy một số chiến hạm địch như hồn ma bóng quế chập chờn dọc
theo bờ biển Guadalcanal ở phía phải. Tôi ra lệnh: “Xoay hẳn về phía phải,
tốc độ chiến đấu.”
Tôi quyết định tung một cú chớp nhoáng vào địch quân trước khi tiến
đến khu vực chiến đấu. Nhưng hình bóng chập chờn của các chiến hạm địch
biến mất. Tôi mở bét mắt nhìn đăm đăm phía trước mặt. Ba khu trục hạm
Nhật thình lình từ cạnh sườn phía phải của soái hạm Hiei chạy ra án ngang
tầm súng chiếc tàu của tôi.
Ý định của tôi hết hy vọng tiếp tục, tôi quay nhìn chiếc Hiei. Nó đang
bốc cháy. Khu trục hạm Laffey của Hoa Kỳ đã lập được thành tích này. Ba
khu trục hạm của chúng tôi chạy về phía trái, hiển nhiên là để bao che mặt
sau của chiếc Hiei. Đó là ba khu trục hạm Akatsuki, Inazuma và Ikazuchi,
mới hơn những chiếc tàu khác và nhanh hơn chiếc Amatsuzake của tôi. Tôi
cho tàu chạy theo sau ba chiếc tàu bạn này.
Bấy ngờ hai trái chiếu sáng vượt lên không và tỏa rộng phía trước. Sau
đó, tôi biết được hai quả pháo sáng đó do tuần dương hạm Nagara của Đề
đốc Kimura phóng lên.
Năm hoặc sáu chiến hạm địch chạy theo đội hình hàng dọc lộ hẳn trên
đại dương. Chiếc tàu địch gần nhất, chạy song song với chiếc tàu của tôi,
cách 5.000m. Tim tôi đập rộn rã. Đây là dịp may để chứng minh lý thuyết
phóng ngư lôi của tôi. Mặc dù được Hải Quân Hoàng Gia chấp nhận, nhưng
lý thuyết này vẫn chưa được chứng minh bằng hành động cụ thể với một
mục tiêu thật sự.
Đại úy Masathshi Miyoshi, sĩ quan ngư lôi trưởng của tôi, không còn
kiên nhẫn được nữa: “Cho mấy con cá thoát ra, thưa Trung tá.”
“Bắt đầu đây,” tôi đáp và ra lệnh: “Mục tiêu di động 30 độ mạn phải.
Giác độ khai hỏa điều chỉnh 15 độ. Xoay tàu về phía phải, tiến sát mục tiêu
và tạo ngay một đường lượn cong.” ( hyperbole)
Lệnh của tôi lập tức được thi hành. Cả hai chiếc tàu cùng tiến đến có vận
tốc chung lên đến 69 hải lý, nên khoảngca1ch thâu hẹp trong nháy mắt. Đại
úy Miyoshi liếc nhìn tôi lo ngại, tôi tảng lờ đi. Điều lấy làm lạ là địch quân
không khai hỏa. Nhưng nếu họ có khai hỏa đi chăng nữa thì cũng không thể
nào trúng được chiếc tàu đang chạy theo hình vòng cung của tôi, cho dù
khoảng cách giữa đôi bên chỉ 3.000m. “Ngư lôi, chuẩn bị……. Phóng!” Tôi
hét lên.
Tám con cá lớn vọt ra và lướt đến mục tiêu. Tôi hồi hộp theo dõi. Lúc đó
là 23h54 phút. Trên đài chỉ huy, từng luồng gió quất mạnh như những cái
tát, và chiếc tàu chạy nhanh tung đầy bọt nước lên mình chúng tôi. Khi
chiếc tàu xoay về phía trái và giảm tốc độ, hai quả pháo sáng nữa được bắn
lên trời, soi rõ hình dáng bốn khu trục hạm chạy hàng dọc của địch quân.
Khoảng cách giữa tàu chúng tôi với tàu địch đâu chừng vài trăm mét. Ngay
lúc ấy, khu trục hạm Yudachi xuất hiện, các họng súng đều rực lửa, đâm
ngang vào phần trước của đoàn tàu Hoa Kỳ. Chiếc tàu địch, bị Yudachi
chạy đâm thẳng vào là chiếc Aaron Yard, đã xoay như chớp để tránh né.
Chiếc tàu thứ hai, Barton, giảm ngay tốc độ vị sợ đụng chạm với chiếc
Aaron Yard. Ngay lúc đó, hai phút sau khi các ngư lôi của chúng tôi được
phóng ra, hai cột lửa bắn cao lên trên không. Chiếc Barton bị trúng ngư lôi.
Diễn biến nhanh chóng đến nỗi mắt tôi được nhìn nhưng vẫn hồ nghi. Chiếc
Barton bị cắt ra làm hai, biến dạng vào làn nước trong chớp mắt.
Tôi thở phào,. Một cuộc hủy diệt thật ngoạn mục. Thủy thủ đoàn của tôi
reo hò ầm ĩ, nhưng tôi không để ý đến. Mục tiêu bị hạ đối với tôi là chuyện
hiển nhiên. Cảm giác của riêng tôi là sự hài lòng hơn là vui mừng ồn ào.
Đây là lần đầu tiên lý thuyết phóng ngư lôi của tôi mới được thực hiện ngay
trong cuộc chiến, và bây giờ không còn một chút ngờ vực nào về sự chính
xác của nó nữa.
Các trái sáng rơi thấp dần và tắt hẳn, Trong màn đêm vừa phủ lại, chiếc
Amatsukaze chấm dứt hình vòng cung và xoay mũi chạy trở về hướng Tây.
Tôi nhìn thấy chiếc Hiei chập chờn trong lửa đỏ. Tàu của tôi tiến thẳng đến.
Một vài phút sau, tôi phát hiện những tia sáng thoạt ẩn thoạt hiện trong đêm
tối, ở mạn trái của chiếc tàu. Những tia sáng này, là do ánh lửa phản chiếu
vào một chiếc tàu sơn bóng với bốn cột. Nhất định là tàu địch, có thể là một
tuần dương hạm.
Tôi ra lệnh: “Ngư lôi, sẵn sàng! Mục tiêu 70 độ mạn trái.”
“Ngư lôi sẵn sàng! Thưa Trung tá.” Đại úy Miyoshi đáp lại, như một anh
học trò trả lời với thầy giáo, trong giọng nói không còn dấu hiệu nào cho
thấy anh ta mất tin tưởng như trước đó.
“Xong rồi thì chờ đó. Mục tiêu đang di động phía trước. Dễ ăn… dễ ăn
hơn mục tiêu vừa rồi. Miyoshi, lần này chỉ cần bốn trái thôi, tám trái sẽ phí
đi. Chú ý! Chú ý… Phóng!”
Trong khoảng lặng yên như tờ, bốn con cá thoát ra khỏi ống vào lúc
23h59. Ba phút, và bốn mươi giây sau, một cột lửa đỏ ối vĩ đại từ mục tiêu
vượt lên nền trời. Nạn nhân là tuần dương hạm Juneau của Hoa Kỳ, từng
đấu súng với chiếc Yudachi. Thủy thủ đoàn của tôi cất tiếng reo hò vang
dậy.
Đại úy Shimizu, sĩ quan pháo thuật, muốn pháo kích nhồi lên mục tiêu
để dứt điểm luôn. Tôi nói: “Thôi, Simizu, hãy để cho ông bạn Yudachi của
chúng ta làm việc này. Đừng có bồn chồn. Chúng ta còn nhiều mục tiêu
khác nữa. Trọng pháo của chúng ta lên tiếng chẳng khác nào chỉ điểm vị trí
của chúng ta cho địch quân.”
Amatsukaze chạy thẳng về phía trước. Trong lúc đó, các cuộc quần thảo
dữ dội đang tiếp diễn tại những nơi khác. Sau này, hạm trưởng của Hiei,
Trung tá Hideo Sekino có kể lại với tôi các chi tiết liên quan đến cuộc chiến
đấu của soái hạm này. Theo đó, khu trục hạm Cushing, sau khi tấn công
Hiei, đã nhận lãnh hỏa lực phục thù của khu trục hạm Terutsuki. Chiếc
Terutsuki tiến lên từ mạn trái của chiếc Hiei, rọi đèn pha thẳng vào chiếc
Cushing, và dứt điểm mục tiêu bằng một loạt đại pháo trực xạ.
Khu trục hạm thứ nhì của Hoa Kỳ là chiếc Laffey, hầu như cận chiến với
soái hạm Hiei. Hai chiếc tàu chạm vào nhau và ngay khi lướt ra, chiếc
Laffey đã rót một loạt đại liên vào cột chính của chiếc Hiei, gần đài chỉ huy.
Đại tá Suzuki chết tức khắc và nhiều người khác bị thương, trong đó có đề
đốc Abe. Các khẩu đại pháo của Hiei và ngư lôi của Terutsuki đẩy chiếc
Laffey ra xa, và nhận chìm ngay trong vài phút.
Khu trục hạm Sterett, chạy kế chiếc Laffey, phóng một loạt ngư lôi vào
soái hạm Hiei, nhưng không trúng, và khu trục hạm O’Bannon tiếp liền
ngay sau đó, rót một loạt đại pháo vào Hiei, nhiều trái trúng đích. Hệ thống
liên lạc trên soái hạm bị cắt đứt hẳn, và chiếc tàu bắt đầu rời khỏi khu vực
chiến đấu. Lúc đó, vào khoảng nửa đêm, trận chiến trở thành loạn đấu. Khu
trục hạm Akatsuki từ trước vẫn cách 2.000m mạn phải của Hiei, sau khi
soái hạm rút lui, đã lướt tới và giáng cho tuần dương hạm Atlanta nhiều trái
ngư lôi. Chiếc Akatsuki lại xoay ngang đấu súng với soái hạm San
Francisco và một khu trục hạm khác của Hoa Kỳ. Kết quả, khu trục hạm
Nhật bị cả hai hỏa lực tập trung chôn vùi xuống đáy biển toàn thể thủy thủ
đoàn. Chiếc San Francisco vẫn còn đang bắn bồi thêm vào mục tiêu thì thiết
giáp hạm Kirishima xông tới với các trọng pháo 250mm và hạ gục ngay
chiếc soái hạm này. Sau đó, chiếc Kirishima tuân lệnh của Abe đã vội vã rời
khỏi khu vực chiến đấu.
Trung tá Kikkawa, hạm trưởng của Yudachi, đã thuật lại các hoạt động
của ông trong đêm đó.
“Khi chúng tôi quay lại và đâm vào nhóm tàu địch quân, tôi thấy một
khu trục hạm địch chạy ngay lại tàu của tôi. Không có thời gian để ngắm
ngư lôi, và trong lúc hai bên đang đấu súng, tôi cho chiếc tàu đảo mạnh về
bên phải cố ý làm sai lạc hướng ngắm của địch quân. Sau khi chạy được
một vài phút, tôi lại thấy tuần dương hạm Juneau của Hoa kỳ ở mạn phải,
chạy song song với tàu của tôi, tôi ra lệnh phóng tám quả ngư lôi, nhưng
không trúng. Tuần dương hạm địch nã trọng pháo dữ dội vào chiếc
Yudachi. Tôi đáp trả ngay, nhưng chỉ với các loại súng nhỏ. Hỏa lực đôi bên
chênh lệch rõ ràng, tôi kể như tiêu đời rồi. Một khu trục hạm đấu súng với
một tuần dương hạm là liều mạng. Nhưng, thật bất ngờ, tuần dương hạm
địch bốc lửa, các khẩu trọng pháo đều im tiếng. Chiếc Yudachi tạo một màn
khói và thoát chạy ra khỏi khu vực chiến đấu. Ngư lôi của khu trục hạm
Amatsukaze đã cứu chúng tôi."
Khi Akatsuki bị đánh chìm, hai khu trục hạm chạy phía sau chiếc tàu này
đã tiến lên tấn công hai chiếc San Francisco và Portland. Chiếc Portland
đang đấu súng với hai chiếc khu trục hạm Nhật – Inazuma và Ikazuchi – thì
Yudachi tiến đến từ phía trái tàu địch. Kikkawa nói: “Hara, chúng tôi đã bắt
chước chiến thuật của anh, phóng ngay tám trái ngư lôi vào tuần dương
hạm địch đang mắc bận chiến đấu với hai khu trục hạm bạn. Portland bốc
cháy, tất cả ngư lôi của tôi đều trúng đích. Nhưng sự vui mừng của chúng
tôi chấm dứt ngay khi những trái đạn địch rơi vãi xuống. Chúng tôi trở
thành nạn nhận của chiến thuật đánh chớp nhoáng mà chúng tôi vừa sử
dụng, và bây giờ chỉ còn mỗi mình tôi sống sót, thật là một điều đáng hổ
thẹn. Chính khu trục hạm Aaron Ward của Hoa kỳ lập được thành tích này."
Trong khoảng thời gian đó, chiếc Amatsukaze của tôi di chuyển về phía
Tây bắc, hướng đến soái hạm đã bị loại khỏi vòng chiến. Quang cảnh trước
mặt yên tĩnh lạ lùng, nhưng phía xa xa chúng tôi thấy những tia lửa xẹt lên
trời như pháo bông. Đó là một cuộc đụng độ, nhưng khó có thể biết là giữa
lực lượng nào với lực lượng nào. Tôi không lưu ý, và quyết định sẽ tìm soái
hạm Hiei, với sàn tàu bị cháy, nó sẽ dễ nhận ra trong đêm tối. Tôi hỏi phòng
truyền tin xem có công điện nào quan trọng hay không? Một nhân viên
truyền tin đáp: “Dạ không, thưa hạm trưởng, nhưng chúng tôi cũng không
còn nghe tiếng của Hiei nữa. Hệ thống liên lạc của nó chắc đã tê liệt rồi.”
Tôi nhìn xuống đồng hồ, 0h13, xa về hướng Tây là một khối lửa đỏ rực,
chứng tỏ một chiếc tàu đang bốc cháy. Đó là khu trục hạm Yudachi. Lúc ấy,
một chiếc tàu to lớn bỗng nhiên nhô qua bóng tối, ngay phía trước chiếc
Amatsukaze. Tôi hét to Đại úy Kijuro Matsumoto, hoa tiêu trưởng, xoay
mạnh tay lái về phía bên phải. Tất cả những người hiện diện trên đài chỉ
huy đều chết đứng khi hai chiếc tàu xáp lại gần hơn. Đúng khi một sự va
chạm không thể nào tránh khỏi, chiếc Amatsukaze lách sang phải, và thoát
nạn trong đường tơ kẽ tóc.
Tôi tự hỏi đây là loại tàu gì? Cả hai chiếc đã xáp gần với nhau đến nỗi
tôi không thể nào nhìn trọn hình dung của chiếc tàu lạ, nhưng rõ ràng đây là
chiếc tàu không người. Nó không có tháp pháo nào, nhưng không phải là
một chiếc tàu buôn. Hình dáng chiếc tàu có vẻ quen thuộc nhưng tôi không
thể nào nhận ra. Tôi biết mọi loại tàu, bây giờ trong bóng tối, tôi độ chừng
đây là loại tàu vận chuyển tiếp tế nên không có tháp pháo. Sau đó tôi biết
sai lầm, nhưng dù thế nào, chiếc tàu này chắc chắn là tàu địch. Tôi la to:
“Xạ thủ! Nhân viên ngư lôi! Sẵn sàng bên mạn trái.”
Khi Đại úy Miyoshi đáp đã sẵn sàng tôi bỗng nhiên lưỡng lự. Tôi phải rõ
lai lịch chắc chắn của chiếc tàu để khỏi bắn lầm vào tàu bạn. Tôi ra lệnh rọi
đèn. Không còn sợ lầm nữa. Đây là một tuần dương hạm địch. Tôi ra lệnh
khai hỏa mọi loại vũ khí.
Bốn quả ngư lôi được phóng ra, và sáu khẩu 120mm đồng loạt khai hỏa
lần đầu trong trận đánh này. Tất cả đạn đều trúng vào mục tiêu. Tiếng nổ
đinh tai nhức óc. Nhưng thật đáng kinh ngạc là tàu địch không hề có một
phản ứng nào.
Hai mươi giây sau khi chúng tôi khai hỏa, chúng tôi phát hiện bốn tiếng
động rõ rệt dưới nước. Tôi nín thở, tiên đoán những tiếng nổ dữ dội sẽ xảy
ra. Nhưng 20 giây nữa trôi qua, không có một tiếng nổ nào hết. Và khi thấy
chiếc tàu lạ vẫn đung đưa qua lại, tôi biết là mình đã quên lãng một cách
khờ khạo. Tất cả ngư lôi của Nhật Bản đều có một bộ phận an toàn, nếu
phóng vào mục tiêu trong vòng 500m ngư lôi không thể nào nổ được. Mục
tiêu hiện tại không hơn 500m. tôi tự rủa thầm. Trong lúc bối rối, tôi đã ra
lệnh sử dụng ngư lôi một cách hoang phí
Sai lầm này thường kéo theo sai lầm khác. Trong lúc tức giận, tôi quên
ra lệnh tắt đèn rọi tìm địch. Kikkawa đã từng nói với tôi là đèn rọi thường
hấp dẫn cặp mắt địch quân. Tôi đã quên mất bài học này. Chiếc tàu địch
vung sang bên trái, dĩ nhiên là để tránh khỏi đụng vào chiếc tàu của tôi,
nhưng lối di chuyển của nó có vẻ bất thường.
Trong khi đó, hỏa lực của chúng tôi vẫn tiếp tục rót ngay vào mục tiêu.
Chiếc tàu ma quái nghiêng qua ngả lại. Khói và lửa bắt đầu bao trùm toàn
thể chiếc tàu này. Chúng tôi nhận ra đây là chiếc San Francisco, mà chúng
tôi đã từng chạm mặt ngay sau khi Đề đốc Callaghan và bộ tham mưu của
ông, cũng như thủy thủ đoàn, bị các chiến hạm khác của Nhật tiêu diệt gọn.
Các pháo tháp của chiếc tàu này sở dĩ biến mất là do các trọng pháo 250mm
của thiết giáp hạm Kirishima thổi bay đi.
Bất ngờ, ngay lúc đó, nhiều quả đạn rơi xuống quanh chiếc tàu của tôi.
Tôi nghĩ là những người đã chết trên chiếc San Francisco sống lại để ra tay
phục hận. Một vài quả đạn trúng Atmasukaze. Tôi hét lớn: “Các xạ thủ giữ
yên vi trí. Hạ gục chiếc tàu ma quái ngay lập tức.” Tôi đã sôi máu. Súng của
chúng tôi tiếp tục mưa đạn vào tàu địch. Nhưng đó là sai lầm thứ ba của tôi.
Hiển nhiên các quả đại pháo rót xuống chúng tôi không phải từ chiếc
San Francisco. Một tiếng kêu xé tai đến nổi át cả tiếng súng nổ dữ dội. Đó
là tiếng kêu của Chuẩn úy Shigeru Iwata, đứng ở tháp quan sát ngay phía
trên đài chỉ huy: “Hạm trưởng, một tuần dương hạm khác ở 70 độ mạn trái
đang bắn lén chúng ta.”
Tôi xoay nhìn về hướng Iwata vừa nói, quả thật, có một tuần dương hạm
khác. Tôi lạnh toát cả thân thể, nhưng sau cùng vẫn la được: “Tắt đèn,
ngưng bắn, tạo màn khói!” Tôi chưa nói hết câu, một loạt đạn thứ ba từ tàu
địch bay đến. (Sau đó tôi nhận ra đó là chiếc Helena của Hoa Kỳ). Hai quả
đạn nổ gần, đẩy tôi ngã chồm về phía trước, suýt chút nữa bay ra khỏi đài
chỉ huy. Tôi gượng dậy được, nhưng đầu óc tối tăm mất nhiều giây. Tôi sờ
nắn khắp toàn thân, nhưng không tìm thấy thương tích nào.
Nhìn quanh, tôi yên dạ khi thấy các sĩ quan của tôi đều không sao cả,
Nhưng còn những người khác?
Tôi nhìn ra ngoài. Iwata nằm sóng soài trên tàu. Tôi la lên: “Iwata,
Iwata, anh sao vậy?” Hắn bất động, máu đấm ướt mặt mày. Một mảnh đạn
trúng vào sọ, và Iwata chết tức khắc. Một quả đạn đã rơi ngay vào tháp
quan sát của Iwata. “Shimizu, Shimizu! Anh có sao không?” Tôi gọi qua
máy liên lạc nội bộ. Không có tiếng đáp lại. Tôi lại gọi to: “Phòng truyền
tin! Nghe không?” Nhưng cũng hoàn toàn yên lặng.
Một quả đạn khác đã trúng ngay phòng truyền tin, tất cả nhân viên đều
thiệt mạng. Chiếc tàu còn xoay về phía phải và đang bắt đầu quay vòng
tròn. Tôi hét: “Matsumoto, bẻ tay lái lại!”
Tiếng đáp: “Thưa Trung tá, tay lái đã liệt rồi!”
Khói bốc lên từ dưới đài chỉ huy, hiển nhiên là phòng truyền tin. Đạn
địch lại bay đến. Helene quyết trấn nước chúng tôi. “Phản pháo đi!” Tôi kêu
to.
Một pháo thủ chạy lên đài chỉ huy, máu thấm ướt một bên vai. “Thưa
Trung tá, các pháo tháp của ta bị loại rồi. Các hệ thống thủy lực của ta cũng
bất động.”
Một nhân viên liên lạc của phòng máy chạy đến: “Cơ quan bánh lái
không còn sử dụng được nữa. Hệ thống thủy lực đã hỏng.”
Tôi hỏi: “Đại úy Shimizu có sao không? Máy móc như thế nào?”
“Đại úy Shimizu đang lo sửa chữa những bộ phận hư hỏng của chiếc tàu.
Máy móc không sao cả!”
Tôi nói với Đại úy Matsuto: “Anh xuống phòng máy kiểm soát và cứ
mỗi ba phút báo cáo cho tôi biết.”
Chiếc Amatsukaze đã xoay trọn một vòng trên mặt biển và lại bắt đầu
vòng thứ hai. Pháo kích của chiếc Helene vẫn như mưa xuống quanh chúng
tôi, nhưng chỉ một vài quả đạn trúng đích. Hỏa lực địch ngày càng gia tăng,
nhưng thủy thủ đoàn của tôi đang mắc bận tâm với những phần hư hại của
chiếc tàu, các pháo khẩu của chúng tôi đều im tiếng, và không còn quả ngư
lôi nào để phóng. Nếu tàu địch tiến sát, chúng tôi sẽ không khác nào con bò
đực đứng trước lò sát sinh.
Di chuyển của Amatsukaze càng lúc càng thiếu chính xác, và toàn thể
chiếc tàu bao bọc trong màn khói mù mịt khi nó bắt đầu xoay vòng thứ hai.
Cuối cùng, cơn mưa đạn chấm dứt và chiếc tàu địch dần lãng ra xa. Nhưng
chắc nó chưa chịu bỏ con mồi dễ dàng như vậy đâu.
Một liên lạc viên viên của Matsumoto chuyển một báo cáo: “Hệ thống
thủy lực hoàn toàn không sử dụng được nữa. Chúng ta sẽ phải dùng sức
người để bẻ lái chiếc tàu. Xin chỉ thị!”
“Được rồi, nói với ông ta cho ngừng tàu lại để cắt đặt thủy thủ làm công
việc này ngay lập tức.”
Đại úy Miyoshi, hoa tiêu trưởng, nhăn nhó hỏi tôi: “Chúng ta ngừng ở
đây, thưa Trung tá? Ngừng ngay trước mũi súng của địch quân?”
“Chắc chắn như vậy rồi! Chúng ta ngừng tàu trước khi đánh nữa.”
Một giọng nói vang to qua hệ thống liên lạc nội bộ, đó là giọng nói của
Matsumoto: “Thưa Hạm trưởng, chúng tôi đã sữa chữa được một vài nơi hư
hại do đạn địch gây ra.”
“Tốt, Matsumoto. Hãy ngừng tàu lại, và cắt đặt người lo bẻ lái chiếc
tàu.”
Khi chiếc tàu từ từ đứng lại, súng của địch cũng im tiếng hẳn. Hiển
nhiên là tàu địch đã bỏ đi, có lẽ nghĩ rằng sự trừng phạt dành cho chiếc
Amatsukaze như vậy là quá đủ.
Tôi không thể nhìn thấy tàu địch chạy về hướng nào, vì quanh tôi khói
che dày đặc. Nhưng tôi không ngờ lúc đó chiếc Helena gặp nhiều bối rối
hơn chúng tôi. Ba khu trục hạm Nhật bất thần xuất hiện. Đó là ba chiếc
Asagumo, Murasame và Samidare – thuộc đơn vị tiền phương với hai chiếc
Yudachi và Harusame. Cũng do đội hình rắc rối của Abe, cả ba chạy rơi lại
phía sau trước khi trận đánh bắt đầu, và di chuyển lang thang để cuối cùng
nhảy vào vòng chiến khi trận đánh sắp tàn.
Tuần dương hạm Helena đã sửng sốt khi thấy ba chiến hạm Nhật xuất
hiện. Trước khi nhận ra lai lịch ba chiếc tàu, Helena bị đánh phủ đầu. Khu
trục hạm Murasame phóng nhiều quả ngư lôi trúng đích, nhưng kỳ lạ thay,
cả mấy giờ sau tuần dương hạm này mới chịu chìm.
Asagumo, đồng đội của Murasame, xoay các họng súng về phía một
chiến hạm khác của địch đang tiến đến từ hướng Tây. Đó là khu trục hạm
Monssen, sở dĩ chúng tôi biết được lý lịch là do ám hiệu bằng đèn của chiếc
tàu này. Monssen tưởng ba chiến hạm Nhật là cùng bọn. Ám hiệu bằng đèn
của Monssen không khác nào một hành động tự sát, giống như đèn rọi của
chiếc Amatsukaze đã kêu gọi chiếc Helena tìm đến. Nhiều quả đại pháo rơi
ngay vào chiếc Monssen, và tiếp liền theo Agasumo đã dứt điểm mục tiêu
bằng mấy trái ngư lôi. Chiếc tàu địch chạy phía sau Monssen là tuần dương
hạm Fletcher không còn lòng dạ nào đối đầu với khu trục hạm Samidare,
nên đã quay đầu bỏ chạy.
Chiếc Sterrett, một trong những khu trục hạm còn sống sót của địch quân
cho rằng chính nó đã đánh chìm một khu trục hạm Nhật trong trận đánh này
bằng hai quả ngư lôi. Nhưng thật ra đây là một thành tích tưởng tượng, khu
trục hạm Akatsuki đã bị đánh chìm từ trước, còn chiếc Yudachi lúc đó vẫn
còn đang bốc cháy cách nhiều dặm ở phía Tây. Hiển nhiên là Sterrett đã
đánh chìm lầm một chiếc tàu bạn, hoặc giả nạn nhân của nó là chiếc San
Francisco đã nổi trôi bềnh bồng sau khi bị hỏa lục và ngư lôi Nhật vùi dập.
Một số giả thuyết của Hoa Kỳ cho rằng chính súng của Nhật bắn vào các
chiến hạm nhật lúc trận chiến gần kết thúc. Sau khi phối kiểm với tất cả các
đồng đội tham dự trận đánh, và xem xét các vết hư hại của một số khu trục
hạm, tôi có thể đoán quyết các giả thuyết này đều không đúng. Trái lại,
nhiều đồng đội của tôi đã thuật lại rằng chính các chiến hạm Hoa Kỳ đã đấu
súng với nhau trong trận đánh này.
Sau khi guồng và bánh lái của Amatsukaze không còn sử dụng được
nữa, vì hệ thống thủy lực hỏng, chúng tôi bắt đầu sử dụng nhân lực. Cũng
may, máy móc của chiếc tàu còn chạy tốt, chúng tôi gia tăng tốc độ lện 20
hải lý. Dùng tay điều khiển guồng lái với một chiếc tàu 2.500 tấn là cả một
vấn đề. Số thủy thủ đảm trách công việc này đã tháo mồ hôi hột. Chiếc tàu
chạy như người say rượu, hết xỉa bên này lại đâm sang bên kia. Sau một vài
phút nhìn tình trạng xảy ra, tôi biết phải làm cái gì rồi. Tôi ra lệnh:
“Matsumoto, tôi sẽ chỉ huy. Việc này đòi hỏi kinh nghiệm. Bây giờ tôi đứng
ở đài chỉ huy để đưa ra các lệnh điều khiển cho anh, anh chuyển đến cho
thủy thủ phía dưới guồng lái.”
Mười thủy thủ đang điều khiển guồng lái mình ướt đẫm mồ hôi, chứng
tỏ công việc rất nặng nhọc. Nhưng công việc của tôi lúc ấy trên đài chỉ huy
cũng không phải dễ dàng. Tôi luôn phải hét thật to hướng đi của chiếc tàu
cho Matsumoto nghe, đến nỗi giọng khàn hẳn và mồ đổ xuống mặt tôi như
tắm. Chiếc tàu vẫn còn chạy xiên xẹo, nhưng có phần giảm đi chút ít.
Lúc 3h chiều, Đại úy Miyoshi cho biết tất cả lửa cháy do địch gây ra trên
tàu đều đã được dập tắt. Một vài phút sau, tôi nhìn thấy soái hạm Hiei ở
mạn trái.
Lửa không cháy nữa nhưng chiếc tàu hoàn toàn bất động. Không có một
chiến hạm Nhật nào hiện diện xung quanh nó để lo việc tiếp cứu. Nghĩ đến
các đồng đội trên chiếc tàu bất hạnh này, tôi cảm thấy đau buồn, nhưng tôi
bó tay, vì chính chiến tàu của tôi đang lâm vào tình trạng tiến thoái lưỡng
nan. Việc duy nhất tôi phải làm là cố giữa cho chiếc Atmasukaze chạy đúng
về hướng Bắc. Công việc này không phải dễ dàng đối với hải trình nhỏ hẹo
xuyên qua eo biển Indispensable. Tập trung hết hơi sức, tôi hét lớn qua ống
nói tiếp tục điều khiển chiếc tàu tiếp tục di chuyển. Khi ánh sáng đầu ngày
vừa lóe lên, thiếu úy shoji la to: “Ba phi cơ địch đang bay đến!”
Tôi ra lệnh: “Miyoshi, nắm quyền chỉ huy các pháo khẩu. Hãy ráng hết
sức anh.”
Sĩ quan ngư lôi xuống đài chỉ huy, và không lâu sau báo cáo: “Không
còn khẩu cao xạ nào xoay nòng được, riêng khẩu số 4 chỉ có thể xoay theo
hướng lên xuống mà thôi.”
Khẩu súng duy nhất còn sử dụng được này đã khai hỏa nhanh chóng khi
các phi cơ địch bay đến gần. Ba phi cơ đã ước lượng tốc độ Atmasukaze
quá cao, thành thử những quả bom thả chận đầu đã rơi xuống một khoảng
cách khá xa. Trái bom gần nhất đã rơi xuống cách chúng tôi 300m. các phi
cơ địch chỉ lướt qua một lần rồi bay thẳng về hướng Guadalcanal. Có thể
phi cơ địch sẽ bay đến nữa, nhưng chúng tôi chỉ còn biết chịu đựng, và
không còn việc gì khác hơn để làm là cố giữ cho chiếc tàu chạy thẳng về
phía trước.
Hình như may mắn đã bỏ chúng tôi đi mất rồi. Thiếu úy Shoji lại báo
cáo: “Nhìn thấy một chiếc tàu địch cách 9.000m ở trước mặt, chạy thẳng về
phía chúng ta. Phải làm gì đây, thưa Hạm trưởng?”
Thay vì đáp lời Shoji, tôi gọi qua ống nói: “Matsumoto, một chiếc tàu
không rõ của ai, nhìn thấy ở phía trước. Hãy gia tăng tốc lực tối đa. Nếu nó
là chiến hạm địch, chúng ta không còn biết làm gì hơn là húc mạnh vào nó.”
Shoji chạy lo sắp sếp thủy thủ đoàn để sẵn sàng với hành động liều mạng
này. Tôi lại liếc về phía tàu địch. Nó đang tiến sát chúng tôi với tốc độ hơn
30 hải lý có dư. Sau chừng một phút nghẹt thở, tôi đã thở khì như trút được
gánh nặng, và cho người chạy đi gọi Shoji. “ Đó` là một khu trục hạm
Nhật… Phải, chiếc Yukikaze, không còn lầm lẫn gì nữa.”
Shoji vừa đi vừa nhảy nhót vui mừng. Còn cách khoảng 3.000m, một
nhân viên truyền tin của Yukikaze đã vẫy tín hiệu bằng cờ, nhìn thấy rất rõ
dưới ánh nắng ban mai: “Gửi Atmasukaze lời chào nồng nhiệt nhất. Chúng
tôi đang chạy đến để đi kèm chiếc Hiei. Các bạn có cần chúng tôi giúp đỡ gì
không?”
Nhân viên truyền tin lập tức chuyển lời đáp của tôi: “Cám ơn các bạn.
Đừng lo lắng cho tôi, hãy chạy về phía trước hết tốc lực. Phi cơ đã phát
hiện chúng tôi, và cũng rất có thể chiếc Hiei đã bị phát hiện. Nên chuẩn bị
sẵ sàng để chống trả. Chúc bạn may mắn.”
Chúng tôi vượt ngang phía trái của chiếc Yukikaze ở khoảng cách
1.000m. Những thủy thủ đứng trên boong trao nhau lời chào hỏi. Mặc dù
hai chiếc tàu đã cùng chạy trên một hải trình dài dằng dặc, nhưng đây là lần
đầu tiên, kể từ sáng hôm qua, cả hai mới gặp nhau.
Yukikaze chạy ở ngay phía trước Amatsukaze trong đội hình phức tạp
của Đề đốc Abe, nhưng cả hai không thể nhìn thấy nhau, vì di chuyển trong
mưa bão. Trong trận đánh, Yukikaze và tuần dương hạm Nagara là hai chiếc
tàu đầu tiên rút lui ra khỏi khu vực chiến đấu. Yukikaze không bị trúng một
phát đạn nào.
Lời cảnh báo tôi vừa nói với Yukikaze chứng tỏ đã đúng. Hàng chục
oanh tạc cơ Hoa Kỳ đã bay đến cấu xé chiếc Hiei. Đề đốc Abe ra lệnh tự
đánh đắm tàu trước khi bỏ soái hạm để thoát sang khu trục hạm Yukikaze
vừa mới đến. Lệnh phá hủy tàu này đã có cái giá trách nhiệm mà Abe và đại
tá Masao Nishida, Hạm trưởng của Hiei, phải trả một vài ngày sau đó.
Sau khi vượt ngang chiếc Yukikaze, chiếc tàu của tôi chạy với tốc độ 20
hải lý như trước. Chúng tôi thoát ra khỏi eo biển nguy hiểm và chạy vào
một hải vực bao la. Nỗi sợ gặp đá ngầm và san hô của chúng tôi không còn
nữa, nhưng nỗi lo sợ khác lại hiện đến. Đối với một chiến hạm què quặt
chạy giữa ánh sáng ban ngày thật bất lợi, nhất là trong một khu vực đầy dẫy
tàu ngầm địch như thế này.
Trang bị sonar trên các khu trục hạm Nhật như đã nói, không mấy hữu
hiệu. Khi một khu trục hạm chạy đến tốc độ 20 hải lý hoặc cao hơn, sonar
này hầu như mất hẳn sự nhạy cảm. Hiện tại sonar của Amatsukaze bất động
hoàn toàn. Tôi ra lệnh: “Matsumoto, tốt hơn là cứ mỗi giờ anh nên thay đổi
toán thủy thủ bẻ lái. Chúng ta cần những cánh tay khỏe mạnh trong trường
hợp cần thay hướng con tàu gấp rút. Tiềm thủy địch có thể xuất hiện bất cứ
lúc nào.”
Nhưng cũng lạ, 12 giờ trôi qua mà vẫn không xảy ra một cuộc tấn công
nào. Khi biết rằng chiếc tàu đã tiến vào khu vực an toàn, tôi bỗng nhiên
thấy mình như kiệt lực. Kỹ thuật hải hành chính xác đã đưa chúng tôi đến
một địa điểm cách phía Bắc Guadalcanal khoảng 250 dặm, nơi mà hạm đội
của Phó Đô đốc Takeo Kurita đang chuẩn bị để ra khơi vào đêm hôm đó.
Khi tàu của chúng tôi tiến đến gần, tôi nhìn thấy khu trục hạm Terutsuki,
thuộc hạm đội của Đề đốc Abe. Nhân viên truyền tin của chúng tôi gửi một
công điện yêu cầu chiếc Terutsuki cho biết qua tình hình tổng quát.
Chúng tôi nhận ngay một công điện hồi đáp: “Mừng đón Amatsukaze trở
về với những lời nồng nhiệt nhất của chúng tôi. Anh đã bị báo cáo mất tích
một vài giờ trước đây, nhưng một số chúng tôi vẫn hy vọng anh trở về. Hạm
đội của chúng ta chiến đấu hữu hiệu. Chỉ hai chiếc Hiei và Yudachi bị đánh
chìm. Không ai nghe tin tức của chiếc Akatsuki. Xem như nó đã mất tích.
Marusame và Ikazuchi trúng nhiều quả trọng pháo, nhưng không ai thiệt
mạng. Chào mừng anh một lần nữa. Anh đã làm một việc đáng kinh ngạc,
khiến cho chúng tôi hãnh diện.”
Sự lựa chọn Kondo để đặt vào nhiệm vụ, chứng tỏ Đô đốc Yamamoto đã
sai lầm. Tôi vẫn không hiểu tại sao Đô đốc Yamamoto lại nghĩ quá cao về
Kondo, mặc dù ông ấy đã có nhiều hành vi nhút nhát trong hai trận hải
chiến gần đây. Lần này, lực lượng của Kondo gồm có ba thiết giáp hạm , hai
tuần dương hạm nhẹ và chín khu trục hạm, đối đầu với một lực lượng địch
yếu kém rõ rệt, dưới quyền của Đề đốc Willis Augustus Lee, chỉ có hai thiết
giáp hạm và bốn khu trục hạm. Mặc dù nắm lợi thế về số đông, Kondo đã
để cho địch quân đánh chìm thiết giáp hạm Kirishima và một khu trục hạm,
trong khi Lee chỉ mất ba khu trục hạm.
Hai tuần dương hạm của Kondo vẫn chưa chạm địch, nhưng ông đã ra
lệnh cho cả hai rút lui, và ngay cả sự cố gắng truy đuổi địch quân ông cũng
không hề nghĩ đến.
Trong vòng bốn tháng, đây là lần thứ ba Kondo đã có hành vi không
mấy nhiệt tình như thế.
Đô đốc Yamamoto đã nổi giận trước sự thất bại của Aba, nhưng đối với
Kondo ông lại tỏ ra rộng lượng lạ lùng. Nhiều sĩ quan của Kondo đã lấy
làm hổ thẹn dùm cho ông cũng như cho chính họ. Họ tránh đề cập đến trận
đánh, Kondo là một mẫu người lịch sự theo phong cách của nhười Anh.
Ông tỏ ra nhân ái và rộng lượng với tất cả thuộc cấp, và ông cũng là một vị
Đô đốc có kiến thức uyên bác. Đối với tôi, ông là một người tốt và tôi luôn
kính nể ông. Nhưng tôi phải nói rằng Yamamoto đã vấp phải một sai lầm to
tát nhất, đó là việc ông đã đánh giá quá cao khả năng chiến đấu của Kondo.
Kondo có thể là một vị chỉ huy giỏi ở Hàn Lâm Viện Hải Quân, nhưng ông
không thể là một vị chỉ huy thích hợp ở một đơn vị chiến đấu.
Khi chúng tôi tiến sát chiếc Terutsuki, hầu hết thủy thủ đoàn của chiếc
tàu này đã ra đứng cạnh lan can và vẫy tay reo hò chào mừng một lần nữa.
Nhiều chiếc tàu khác cũng làm như Terutsuki. Nhưng tôi không cảm thấy
vui vẻ hoàn toàn. Những lỗi lầm đã vấp phải khiến tôi trĩu nặng.
Chiếc Amatsukaze chạy vòng vào bên trong đội hình đã sắp xếp của các
chiến hạm dưới quyền Phó Đô đốc Kurita. Soái hạm của ông, tức thiết giáp
hạm 27.500 tấn Kongo, giống như một pháo đài nổi. Nhân viên truyền tin
của soái hạm gửi chúng tôi một công điện: “Phó Đô đốc Kurita gửi trung tá
Hara: “Tôi xin kính chào cuộc trở về can đảm của anh, và xin thông báo
cho anh biết tôi đã ra lệnh sắp xếp khu trục hạm của anh vào chuyến ra khơi
hiện tại. Có mặt anh trong lần hải xuất này là niềm hãnh diện cho chúng
tôi.”
Cộng điện này đã làm tôi ngạc nhiên. Tôi gửi ngay một công điện hồi
đáp: “Trung tá Hara gửi Phó Đô đốc Kurita: Không xứng đáng nhận những
lời khen cũa Phó Đô đốc. Chuyến về què quặt của tôi với sự thiệt mất 43
thủy thủ, bao gồm sĩ quan pháo thuật. Chúng tôi cần phải sửa chữa. Hiện tại
chúng tôi đang phải điều khiển guồng lái bằng sức người.”
Công điện kế tiếp của soái hạm đã đến vài phút sau đó: “Phó Đô đốc
Kurita ra lệnh cho anh quay về Truk lập tức, Những lời khen tặng của Phó
Đô đốc không thay đổi. Chúc anh thượng lộ bình an và gặp nhiều may mắn.
Mong gặp lại.”
Hình ảnh của soái hạm nhạt nhòa trong dòng lệ khi tôi đọc xong những
lời ưu ái này. Tôi cố dằn xúc động để ra lệnh: “Matsumoto, xoay hướng
phải. Chúng ta trở về Truk.”
Matsumoto đáp: “Tuân lệnh, thưa Trung tá. Nhưng dường như trung tá
mệt mỏi. Tại sao trung tá không đi nghỉ? Trung tá đã hò hét 15 giờ ròng rã
rồi, bây giờ tôi nhận thấy không cần thiết điều khiển con tàu bằng phương
pháp vừa rồi nữa.”
“Cám ơn Matsumoto. Anh nói phải, vậy anh hãy thay tôi.” Tôi ngồi
xuống, đây là lần đầu tiên trong 24 giờ qua, nhưng chỉ được một vài phút
tôi vùng dậy khỏi ghế. Tôi đã quên khuấy một việc, “Miyoshi Shoji! Chúng
mình phải cử hành lễ hải táng cho những người chết trước khi trời tối.”
Bốn mươi ba cái xác được mang lên sàn tàu. Mỗi xác chết đều được
đồng đội tắm rửa bằng nước nóng và dùng vải bọc lại. Nước, được xem là
quí giá trước đây không hề hạn chế trong buổi lễ này. Những cái xác bọc
vải có kèm theo vật nặng được thả xuống biển, trong lúc các thủy thủ thổi
kèn đồng tấu bài vĩnh biệt và những người khác đứng chào đưa tiễn.
Một cuộc hải táng luôn buồn bã. Tôi đã tham dự không biết bao nhiêu
buổi lễ như thế này, nhưng không lần nào cảm thấy buồn như lần này. Cuối
cùng, khi Miyohi và Shoji buông chiếc chăn với các xác của Đại úy Kazue
Shimizu, sĩ quan pháo thuật xuống biển, tôi đã khóc thành tiếng. Shimizu,
một tay cứng đầu thường hay cãi lý, nhưng anh ta là một người tốt, một sĩ
quan giỏi. Nếu tôi nghe theo ý kiến của Shimizu thì tôi sẽ không vấp phải
nhiều lỗi lầm cho đến nỗi phải trả bằng mạng sống của anh ta.
Kế đó, Miyoshi và Shoji bước đến cái xác của Chuẩn úy Itawa và cẩn
thận nâng lên. Iwata, sĩ quan quan sát đã phát hiện tuần dương hạm Helena
kịp thời khiến chiếc tàu của chúng tôi thoát khỏi bị tiêu diệt.
Tôi bước xuống đài chỉ huy. Thủy thủ nhìn tôi chăm chú. Đây là lần đầu
tiên tôi rời khỏi đài chỉ huy từ khi bắt đầu cuộc hành quân vừa qua. Tôi nói:
“Iwata, bạn của tôi. Cái chết của bạn sẽ thức tỉnh tôi, để tôi thận trọng hơn!”
Tôi cởi chiếc áo khoác và đắp lên xác chết. ”Iwata, vĩnh biệt, anh hãy an
nghỉ.” Lệ dâng đầy mắt tôi lúc đứng nghiêm và chào người quá cố. Tôi lê
gót nặng nhọc lên đài chỉ huy. Nhiều thủy thủ bật khóc như trẻ con, nhiều
người khác đưa tay bưng mặt.
Tôi ngước nhìn vầng kim ô to lớn và đỏ ối dần khuất, tôi đã nguyện với
lòng không vấp vải những lỗi lầm như vừa qua nữa. Khi buổi lễ hải táng
chấm dứt, đêm đã xuống hoàn toàn.
Chiếc Amatsukaze chạy vòng quanh khu vực hải táng một lần, trong lúc
toàn thể thủy thủ còn lại cúi đầu cầu nguyện lần cuối cùng cho những người
bạn ra đi vĩnh viễn. Sau đó chiếc tàu quay mũi về hướng Bắc.
Matsumoto, nguyên là một sinh viên xuất thân từ trường Hàng Hải
Thương Mại, đã thích ứng với công việc điều khiển guồng lái chiếc tàu
bằng tay rất mau lẹ. Chiếc tàu tiếp tục chạy về phía trước với một tốc độ tối
thiểu, và 24 giờ sau, ngày 14 tháng 11, Amatsukaze buông neo trong hải
cảng Truk, hòn đảo san hô yên tĩnh. Ở đây, tôi nghe tin tiềm thủy đĩnh I.26
của Nhật đã phóng ngư lôi đánh chìm một tuần dương hạm chạy lẻ loi của
Hoa Kỳ. Tuy nhiên, nhiều năm sau này tôi mới được biết đó là tuần dương
hạm Juneau, từng bị chiếc Amatsukaze bắn phá gây hư hại nặng nề trước
khi bị hạ hẳn.
Trận đánh kết thúc, phần thắng lơi nghiêng về phía Nhật Bản, nhưng chỉ
là thắng lợi thuần túy chiến thuật. Thắng lợi chiến lược đã nghiêng về phía
địch quân, vì lực lượng của Abe bị ngăn chặn, phải bỏ rơi cuộc pháo kích
vào các phi trường ở Guadalcanal như đã định. Chín chiến hạm Hoa Kỳ đã
bị đánh chìm, nhưng không gây thất lợi hẳn cho địch quân, và việc này càng
làm cho họ lưu tâm đến hòn đảo hơn nữa.
Ở Truk, Đô đốc Yamamoto đã nổi giận khi nghe tin nhiệm vụ của Abe
thất bại. Hiei là thiết giáp hạm đầu tiên của Nhật chìm trong cuộc chiến.
Điều này đã khiến cho Yamamoto nổi khùng, cho dù là trước đây ông luôn
luôn được tiếng là rộng lượng và khoan dung với lỗi lầm của thuộc cấp.
Bộ Tư Lệnh Tối Cao ở Tokyo cũng tỏ ra giận dữ. Cơn giận dữ của các vị
Đô đốc đầu não đã biến thành cơn thịnh nộ khi nghe họ nghe thêm tin sự
thất bại của Phó Đô đốc Nobutake, tiếp liền sau sự thất bại của Abe. Một ủy
ban gồm nhiều vị Đô đốc được thành lập để điều hành một tòa án xét xử kín
nội vụ. Abe và Đại tá Nishida, hạm trưởng của thiết giáp hạm Hiei được gọi
ra chấp cung. Cả hai đều không đưa ra lời bênh vực nào về những hành vi
hoặc lỗi lầm của họ. Tòa án phán xét cho hai sĩ quan “về hưu” vì đã có
những hành vi “bất xứng”, được hưởng trợ cấp hưu bổng, nhưng không
được giữ bất cứ chức vụ công nào.
Vào đêm 13 tháng 11, phân đội gồm ba tuần dương hạm và bốn khu trục
hạm của Đề đốc Shoji Nishiruma tiến sát bờ biển Guadalcanal, và mở
những cuộc pháo kích vào các phi trường trên đảo. Nhưng vào sáng hôm
sau, phi cơ Hoa Kỳ vẫn cất cánh được từ các phi trường này. Chứng tỏ cuộc
pháo kích của Nishimura vô hiệu. Các phi cơ trên đảo phối hợp với các phi
cơ của hàng không mẫu hạm Enterprise đến xâu xé một đoàn tàu chuyển
vận 11 chiếc của Nhật, gây thiệt hại và đánh chìm đến 7 chiếc. Phi cơ địch
cũng đánh chìm tuần dương hạm Kinugasa và gây hư hại nặng cho ba khu
trục hạm thuộc lực lượng hộ tống.
Phó Đô đốc Kondo, phụ tá Tổng Tư Lệnh Hạm Đội Hỗn Hợp, được lệnh
thay thế Kiruta cầm đầu cuộc hải xuất kế vào đêm 14 tháng 11. Hai tuần
dương hạm 13.000 tấn Atago và Takao, dưới quyền chỉ huy trực tiếp của
Kondo, thình lình được gia nhập vào hạm đội của Cựu Đề đốc Abe ( Cựu
Đề đốc? Cay đắng quá - Heo ý kiến chút ), hạm đội này đã thiệt mất một
thiết giáp hạm Hiei và ba khu trục hạm trong trận đánh vừa qua.

7
Ở Truk, khu trục hạm Amatsukaze đậu cặp kè với chiếc tàu sửa chữa
Akaski. Viên kỹ sư trưởng lên ngay chiếc tàu của tôi để xem xét các nơi bị
hư hỏng. Tôi đã cho rằng sự hư hại của chiếc tàu không có gì đáng kể, và
nó có thể trở lại với đồng đội chỉ trong vòng một tuần lễ hoặc mười ngày là
cùng.
Viên kỹ sư cười và nói: “ Trung tá Hara, hầu hết các hạm trưởng đều
xem thường sự hư hại của chiếc tàu do họ chỉ huy, và khi lâm chiến họ đã
bắt những chiếc tàu làm những việc không thể nào làm nổi ngay cả với một
chuyến đi thông thường. Tôi biết ông rõ từng đường tơ kẽ tóc của chiếc tàu
này. Hãy đi một vòng xem, và ông hãy giải thích cho tôi xem những điểm
nào gọi là tốt đẹp của chiếc tàu?”
Thật vậy, Amatsukaze không khác nào đứa con của tôi. Đầu năm 1940,
tôi đã xem xét tỉ mỉ chiếc tàu trước khi nó được hạ thủy, và ròng rã sáu
thánh sau đó, tôi đã trông coi việc trang bị cho chiếc tàu. Có thể nói đây là
khu trục hạm đẹp nhất vào thời đó. Chiến hạm 2.500 tấn này tôi biết từng
đường tơ kẽ tóc, đúng như lời viên kỹ sư đã nói.
Viên kỹ sư và tôi đã bỏ ra một ngày để xem xét qua các chỗ hư hại của
Amatsukaze. Sự lạc quan của tôi đã tan biến ngay sau cuộc xem xét này.
Toàn thể vỏ tàu, chúng tôi đếm được tất cả 32 lỗ thủng với đường kính rộng
cả tấc. Thêm vào đó, có năm lỗ thủng nhỏ hơn, do mảnh đạn gây ra. Còn
các lỗ thủng nhỏ thì vô số, sau khi đếm đến con số 40, tôi đã ngưng không
đếm nữa. Quả thật, chiếc tuần dương hạm Hoa Kỳ đã làm được việc. Viên
kỹ sư đã nói đúng. Amatsukaze hiện giờ chỉ là một đống sắt nổi, không còn
giá trị của một chiếc khu trục hạm nữa.
Sau khi đi một vòng xong, chúng tôi bước vào phòng,. Tôi đã buông rơi
tấm thân xuống ghế, chán nản và buồn hiu. Viên kỹ sư an ủi: “Tôi thành
thật chúc mừng tài điều khiển tàu tài giỏi của Trung tá. Mang được chiếc
tàu này trở về, đầy đủ như vậy, Trung tá đã làm một việc giống như có phép
lạ, nhưng tôi chắc phép lạ này không xảy ra lần thứ hai.”
Tôi công nhận lời nói của viên kỹ sư, nhưng trong lúc chán nản tôi chỉ
ngồi lặng yên. Hắn ta nói tiếp: “Chắc Trung tá biết, chúng tôi không thể tập
trung tất cả thời gian vào chiếc Amatsukaze. Nhiều chiếc tàu khác cũng cần
phải sửa chữa. Ước chừng phải mất một tháng, tôi sẽ làm chiếc tàu của
Trung tá đủ sức chạy về Nhật. Ở đó sẽ có đủ phương tiện sửa chữa, và hy
vọng trong vòng một tháng chiếc tàu này sẽ đủ khả năng phục hồi như cũ.”
“Nhưng tôi từng nghe địch quân có thể sửa chữa chiến hạm hư hại nhiều
hơn của họ không mất quá 60 ngày. Tại sao chúng ta không làm được như
vậy?”
Tôi biết câu giải đáp sẽ liên quan đến khả năng kỹ thuật của địch quân,
nó vượt trội hơn Nhật Bản, và tôi cũng hiểu ngay câu hỏi của tôi sẽ gây
phiền phức như thế nào. Một khoảng im lặng nặng trĩu, cuối cùng tôi lên
tiếng: “Xin ông hãy làm những việc ông cho là thích hợp. Tôi sẽ ở đây với
chiếc tàu. Thủy thủ của tôi sẽ tiếp tay với nhân viên của ông trong việc sửa
chữa, nếu xét thấy có thể.”
Viên kỹ sư lại ngỏ lời tán tụng tôi thêm một lần nữa, rồi mới chịu cáo từ.
Tôi dẹp bỏ sự lo nghĩ, đứng dậy ra khỏi phòng, và đi qua đi lại trên sàn tàu.
Nhìn lại những lỗ thủng không đếm xuể do đạn đại liên gây ra, tôi nghĩ
cũng may mà chúng tôi chỉ thiệt hại có 43 nhân mạng.
Công việc sửa chữa chiếc tàu bắt đầu vào sáng hôm sau. Tuần lễ kế đó,
tôi phải bận rộn đón một số khách viếng thăm đến từ thiết giáp hạm Yamato
và một số chiến hạm khác buông neo ở hải cảng Truk.
Tôi có nhiệm vụ giải thích với họ về “phép lạ” mà chiếc Amatsukaze đã
được hưởng. Ai ai cũng cho rằng chiếc tàu còn tồn tại là một việc phi
thường. Nhiều khách viếng ngỏ lời khen tặng tôi, nhưng không ai hỏi ý kiến
tôi làm sao để tránh nếu họ gặp một số phận như vậy trong tương lai. Và
cũng không một sĩ quan nào thuộc bộ tham mưu của Hạm Đội Hỗn Hợp khi
đến viếng thăm chiếc tàu mang đầy thương tích của tôi ngỏ lời hỏi han ý
kiến, hoặc yêu cầu tôi đưa ra những lời khuyên. Sự khiếm khuyết đáng chú
ý này kéo dài một tuần, khiến tôi bắt đầu nghi ngờ khả năng của những
người này. Tôi đã băn khoăn lo nghĩ rằng họ – những người đã góp tay vào
việc sắp xếp kế hoạch hành quân – họ thấy không cần thiết rút tỉa những
kinh nghiệm của trận đánh vừa qua. Dĩ nhiên, điều này cho thấy họ tắc
trách trong nhiệm vụ, và gây cho tôi sự âu lo về những kế hoạch mà họ sẽ
đặt ra trong tương lai.
Tại Truk, tôi nhận được hai lá thư gửi từ Nhật Bản. Trong một lá thư đề
ngày 13 tháng 11, vợ tôi sau khi nói sơ qua về tình trạng của gia đình đã
chấm dứt với câu sau đây:
“Đêm hôm qua thằng nhỏ Mikito bỗng nhiên thức giấc và hét lớn. Thoạt
đầu em nghĩ là con bị bệnh, nhưng khi gạn hỏi, thì nó nói cho biết đã mơ
thấy anh đang gặp nguy hiểm. Nó còn nói anh đã nhìn nó với khuôn mặt
xanh xao và sợ hãi. Em tự hỏi không biết đêm qua anh ở đâu và đang làm
gì? Báo chí hàng ngày đều loan tin nhiều trận đánh dữ dội xảy ra ở phía
Nam. Em lo cho anh vô cùng.”
Theo đề ngày của bức thư, đêm đứa con tôi nằm mơ là đêm 12 rạng sáng
ngày 13 tháng 11. Đó là đêm tôi lâm vào tình trạng hiểm nguy thật sự. Mặt
tôi xanh xao, và chắc chắn là sợ hãi, khi tàu của tôi bị chiếc tuần dương
hạm địch dập pháo liên hồi. Làm sao đứa bé này lại thấy được hình ảnh của
cha nó?
Bức thư thứ hai là của mẹ tôi, lúc ấy đã 82 tuổi. Cuối thư, mẹ viết:
“Mỗi sáng và mỗi đêm mẹ đều quỳ trước bàn thờ để cầu nguyện tổ tiên
và Đức Phật từ bi phù hộ cho con. Hãy bảo trọng lấy thân để trở về với
mẹ.”
Đọc thư này, mắt tôi đầy lệ, Tôi nghĩ đến gia đình của những thuộc cấp
đã ra đi vĩnh viễn. Tôi bật khóc thành tiếng. Tôi phải viết thư phân ưu gửi
cho 43 gia đình của những người đã chết trước khi hồi âm cho mẹ và vợ tôi.
Tám giờ đồng hồ ròng rã trước khi tôi chấm dứt lá thư cuối cùng. Mặt trời
đã lặn, tôi bước ra sàn tàu. Xa xa một chiếc xuồng máy chạy về
Amatsukaze. Một kẻ tò mò lại đến nữa đây, nhưng dù sao cũng phải tiếp
đón lịch sự. Tôi bước đến thành tàu khi chiếc xuồng cập vào. Người khách
đã la to vui mừng khi vừa đặt chân lên cầu thang. Tôi nhận ra Trung tá
Yasumi Toyama, Tham mưu trưởng phân đội 2 khu trục hạm của Đề đốc
Rajio Tanaka, hiện trú đóng ở Rabaul. Trước kia tôi thuộc phân đội này nên
tôi chơi thân với Toyama. Hắn ta đến Truk tham dự các phiên họp chiến
thuật mở ra trên soái hạm Yamato của Đô đốc Yamamoto.
Vừa thấy tôi, Toyama hỏi ngay: “Anh coi bộ bị bệnh? Sao vậy? Bị
thương à?”
“Không, không trầy một mảnh da nào hết. Nhưng tôi muốn kiệt sức. Bất
kỳ người nào có chiếc tàu bị dập tơi tả như thế này đều cảm thấy như tôi.”
“Không, Hara, làm sao mà anh lại cảm thấy như vậy được! Anh đã làm
một việc kinh khủng. Từ xa, tôi nhìn thấy chiếc Amatsukaze có hề hấn gì
đâu. Tôi biết anh là sĩ quan ngư lôi ACE của Hải quân, nhưng tôi không
ngờ tài lái tàu của anh đạt đến mức như vậy. Nếu gặp hạm trưởng khác thì
chiếc tàu này tiêu rồi.”
“Tôi không đồng ý với anh, Toyama. Đúng ra chúng tôi đã gặp may
mắn. Anh xem đây, các vết đạn không đếm xuể này đã tránh né máy móc và
bồn chứa nhiên liệu của chiếc tàu. Thôi, anh hãy nói cho tôi biết tình trạng
của phân đội như thế nào đi.”
“À,” hắn kêu lên. “Hiện tại chúng tôi trở thành một đoàn tàu chuyển vận
hàng hóa hơn là một phân đội chiến đấu. Chúng tôi chuyển hàng đến hòn
đảo chết tiệt đó (tức Guadalcanal), và lệnh được cấp trên ban xuống cho
chúng tôi là bỏ chạy tốt hơn chiến đấu. Thật, cái lệnh không ra gì. Lệnh này
có vẻ hồ nghi khả năng chiến đấu trong bất kỳ hoàn cảnh nào của bọn khu
trục hạm chúng ta. Đồ tiếp liệu chở đến Guadalcanal cao như núi trên sàn
tàu, khiến cho đạn dược của mỗi chiếc tàu đều bị cắt giảm phân nửa. Hàng
hóa được xếp vào thùng kín và buộc dính chùm với nhau, tàu chở đến gần
hòn đảo rồi xô đại xuống biển và quay đầu bỏ chạy. Các thùng này sẽ trôi
nổi trên mặt nước, cho đến khi binh sĩ trên đảo của chúng ta bơi ra để kéo
vào. Đó là một công việc chán không thể tả. Bây giờ tôi muốn nghe anh kể
lại trận đánh mà anh đã tham dự và luôn tiện tôi được học hỏi thêm kinh
nghiệm của anh. Hãy nói tất cả cho tôi nghe đi.”
Đó là một yêu cầu thông minh mà tôi được nghe lần đầu trong suốt tuần
lễ qua.
Tôi phấn khởi kể lại từng chi tiết trận đánh vừa qua. Tôi vạch ra những
thất bại của chúng tôi lẫn của địch quân, và phân tích thật tỉ mỉ. Để kết luận,
tôi nói: “Dù cho thi hành bất cứ nhiệm vụ nào, chúng ta cũng phải luôn luôn
sẵn sàng để chiến đấu. Tôi nghĩ thật sai lầm nếu xem thường việc sẵn sàng
chiến đấu. Cẩn thận bao giờ cũng cần thiết, nhưng cẩn thận thái quá thì sẽ
trở thành nhút nhát. Xin anh hãy khuyên Đề đốc Tanaka không nên vấp phải
những lỗi lầm “cẩn thận thái quá” này một lần nữa.(*)
(*) Ý của lời khuyên trên dịch hơi rối rắm. Theo Heo thì có lẽ Hara
muốn nói đến sự cố gắng tránh né chiến đấu với hạm đội Mỹ của Abe. Và
đội hình phức tạp để đề phòng tàu ngầm với các tàu nhỏ phóng lôi của Mỹ,
đội hình đã rối loạn khi không gặp tàu ngầm hay tàu phóng lôi mà gặp
chính hạm đội Mỹ.
Toyama rời khỏi tàu của tôi và leo lên phi cơ bay trở về Rabaul. Chuyến
đến Truk vội vã, và những điều Toyama đã nói về các phương pháp tiếp tế
khác thường của chúng tôi chứng tỏ rằng địch đã nắm ưu thế trên không
phận Guadalcanal. Ngay cả khu trục hạm cũng trở thành tàu chở hàng hóa,
cho thấy lực lượng Nhật trên đảo đã thiếu thốn tiếp liệu các loại đến mức độ
trầm trọng. Hai món tiếp tế mà họ kêu cứu hàng ngày chính là thực phẩm
và thuốc men.
Đề đốc Tanaka đã được giao phó nhiệm vụ cứu đói nhóm quân Nhật sa
lầy ở Guadalcanal. Trong nhiệm vụ này, hàng đêm mỗi khu trục hạm đều
mang hơn 100 thùng tiếp liệu chạy vào bờ cách bờ biển Guadalcanal từ 200
đến 300 mét để thả xuống. Sau đó, binh sĩ Nhật lớp bơi xuồng, lớp lội từ
trong đảo ra kéo các thùng tiếp liệu vào bờ, và mang chôn dấu trong rừng
rậm để thánh phi cơ địch phá hủy.
Tám khu trục hạm của Tanaka rời khỏi Rabaul vào ngày 27 tháng 11,
trực chỉ hướng Nam, đến quần đảo Shortland. Chuyến đi phải lén lút.
Nương bóng đêm ngày 29, phân đội lại rời khỏi Shortland vào lúc 22h45,
để đi tiếp đoạn hải trình còn lại của nhiệm vụ. Bằng mọi cách, phân đội giả
vờ di chuyển đến hòn đảo Ramos. Sau đó sáng ngày 30 tháng 11, tám khu
trục hạm trong đội hình hàng dọc xoay mũi về hướng chính Nam, trực chỉ
Guadalcanal.
Một trinh sát cơ của địch quân đã bắt gặp phân đội vào lúc 8h sáng. Đề
đốc Tanaka biết rằng hoạt động lén lút của ông đã bị khám phá. Không lâu
sau đó, một trạm quan sát Nhật trên đảo Guadalcanal báo cho Tanaka biết
khoảng một chục khu trục hạm địch rời khỏi mũi Lunga. Cùng lúc, các trạm
quan sát khác đã xác nhận lực lượng địch vừa nói đã chạy quanh hòn đảo.
Lúc 15h, Tanaka ban chỉ thị cho phân đội của ông: “Chúng ta có thể
chạm trán với một lực lượng địch trong đêm nay. Mặc dù nhiệm vụ của
chúng ta là đồ tiếp liệu, nhưng nếu cần đánh thì cũng sẵn sàng để đánh. Nếu
cuộc đụng độ xảy ra, chúng ta phải dốc tâm chiến đấu và tiêu diệt địch.”
Lúc 21h, Phân đội tiến đến điểm hẹn ở Tassafanga. Tất cả chiến hạm đều
giảm tốc độ xuống còn 12 hải lý, chạy theo đội hình hàng dọc, với chiếc
Takanami dẫn đầu cách khoảng 3.000m, và mạn trái chiếc tàu này là soái
hạm Naganami. Đây là một đội hình có tính cách co giãn của khu trục hạm,
có nhiều lợi thế hơn đội hình hàng đôi quá cẩn trọng mà Đề đốc Abe đã sử
dụng trong đêm 11 rạng ngày 12 tháng 11 trước đây.
Lực lượng Hoa Kỳ đối mặt với lực lượng của Tanaka được đặt dưới
quyền của Đề đốc Carleton H. Wright, đã sử dụng đội hình giống như của
Callaghan Scott. Đó là đội hình hàng dọc duy nhất với 4 khu trục hạm giữ
nhiệm vụ tiền vệ, kế đó là 5 tuần dương hạm và cuối cùng là 2 khu trục
hạm. Dẫn đầu toàn thể đội hình này là khu trục hạm Fletcher, có trang bị
radar tối tân, (Hai tuần trước đây, trong cuộc bại trận của Callaghan, chiếc
Fletcher nhờ chạy ở phần đuôi của đội hình nên không bị thiệt hại.)
So sánh hai lực lượng, phía Đề đốc Wright vượt trội hẳn Đề đốc Tanaka.
Ngoài sự chênh lệch về quân số, các khu trục hạm của Tanaka đều chất đầy
tiếp liệu và do đó, đạn dược mang theo của các chiến hạm này cũng giảm
còn phân nửa. Thêm vào số đạn dược bị cắt giảm, mỗi khu trục hạm của
Tanaka chỉ trang bị 8 quả ngư lôi thay vì 16 quả đúng như cấp số.
Sau khi được trinh sát cơ báo cáo, Phân đội của Đề đốc Wright rời khỏi
Esititu Santo thật sớm để đón đầu các khu trục hạm của Tanaka. Cho đến
21h606 cùng ngày, radar của soái hạm Mineapolis đã khám phá lực lượng
Nhật từ khoảng cách 25km. Mười phút sau đó, trên màn ảnh radar của
Fletcher cũng hiện lên một mục tiêu cách 7km phía trước, hơi chếch về phía
mạn trái và khu trục hạm này đã chuẩn bị phóng ngư lôi. Nhưng, một vài
phút quý báu đã trôi qua, trước khi Fletcher, cũng như hai khu trục hạm
Perkins và Drayton, được lệnh khai hỏa. Vì vậy, hai mươi quả ngư lôi do
các tàu này phóng đi không có quả nào chạm mục tiêu.
Trong khi đó, Đề đốc Tanaka bận túi bụi bên các hải đồ để định vị các
tàu chiến của ông. Khi điểm “đổ hàng” của ông chỉ còn cách 5.000m. tàu
tuần thám Takanami báo cáo: “Tàu địch ở hướng 100 độ. Hình như là ba
khu trục hạm.”
Báo cáo xong, Takanami phóng ngay 8 quả ngư lôi vào các mục tiêu này,
đồng thời khai hỏa tất cả các pháo khẩu. Đây là hành động tự ý của
Takanami, không chờ đợi lệnh khai hỏa của thượng cấp.
Cho đến khi 5 tuần dương hạm Hoa Kỳ đồng loạt bắn trả khu trục hạm
Takanami, Đề đốc Tanaka mới biết sự hiện diện của địch quân quá gần, ông
ra lệnh khẩn cấp: “Tạm ngưng xúc tiến nhiệm vụ chính! Tất cả khu trục
hạm chuẩn bị chiến đấu.”
Một phút sau đó, lúc 21h22 phút, Tanaka ban lệnh khác: “Mọi chiến hạm
xả hết tốc lực chiến đấu.”
Các xạ thủ Hoa Kỳ hình như chỉ nhắm vào một chiếc Takanami, và kết
quả, khu trục hạm này bị trúng đạn nhiều nhất. Nhiều quả đại pháo trực xạ
đã làm cho chiếc tàu bốc cháy dữ dội và sau đó chìm lỉm, mang theo toàn
bộ thủy thủ đoàn 211 người.
Lúc Takanami bốc cháy, khói và lửa trở thành một bức màn che, Tanaka
ra lệnh các chiến hạm còn lại của ông xoay 180 độ, để chạy song song cùng
hướng với nhóm tàu của địch quân. Sau đó, ông ra lệnh gia tăng tốc độ để
tiến sát vào địch quân, và soái hạm Naganami vung sang mạn trái sau khi
đã phóng một loạt 8 quả ngư lôi vào tuần dương hạm Minneapolis dẫn đầu.
Sáu khu trục hạm khác của Nhật cũng bắt chước theo Nagami. Loạt ngư lôi
của chúng tôi đều nhắm vào cạnh tàu của địch quân, nên chính xác hơn lối
phóng thẳng vào phía trước như chiếc Fletcher và các đồng đội đã làm.
Điều này kông có gì đáng ngạc nhiên khi các ngư lôi của địch đều sai đích.
Hơn nữa, phóng ở một góc độ khó trúng như vậy, tàu địch lại còn thiếu sự
ước định chính xác qua nhiều yếu tố liên quan, điều này cho thấy xạ thủ
địch khọng được huấn luyện kỹ thuật phóng ngư lôi hữu hiệu.
Trái lại, hai trong số các ngư lôi của chiếc Naganami đã trúng ngay tuần
dương hạm Minneapolis, khiến chiếc soái hạm dẫn đầu này bốc cháy, và
hầu như đứng chựng lại. Tuần dương hạm New Orleans, chạy ở hàng kế,
khi né tránh đụng chạm với Minneapolis, đã lãnh ở mũi một quả ngư lôi của
chiếc Mikinami. Sức nổ đã thổi bay cả tháp pháo số 2 của chiếc tàu này.
Tuần dương hạm Pensacola, chạy sau chiếc New Orleans, trong khi cố
tránh né đụng chạm cũng lãnh một quả ngư lôi ngay bồn chứa nhiên liệu và
biến thành cây đuốc. Tuần dương hạm hạng nhẹ Honolulu, chạy sau chiếc
Pensacola. May mắn hơn đã nhanh chân xoay sang trái ngay khi chiến hạm
Nhật bắt đầu phóng ngư lôi, và khi nhìn thấy đồng bọn bốc cháy, chiếc tàu
này lại xoay sang phải, chạy theo hình chữ chi về phía Tây Bắc để tránh
tầm trọng pháo của Nhật.
Northhampton, tuần dương hạm cuối cùng còn lại của địch quân, từ đầu
trận đánh đã tỏ ra ít hoạt động, sau khi thấy ba đồng đội bị bao phủ trong
lửa đỏ, chiếc tàu này định quay đầu chạy theo chiếc Honolulu, nhưng khi
thấy các chiến hạm Nhật xoay về hướng Tây, nó cũng xoay theo và khai
hỏa với các trọng pháo 200mm. Các quả đạn được bắn vội vã nên không có
quả nào trúng đích.
Chiến hạm Nhật phóng hai quả ngư lôi vào mạn trái của Northhampton,
gây hai tiếng nổ dữ dội. Tàu địch bốc cháy và chìm cấp kỳ.
Phân đội của Tanaka vung về phía Tây bắc và xả hết tốc lực, vừa chạy
vừa phóng ngư lôi, bỏ mặc cho địch quân gấu ó với nhau ở phía sau.
Honolulu, tuần dương hạm duy nhất của địch không bị hư hại, đã lầm hai
khu trục hạm hậu vệ Lamson và Lardner của Hoa Kỳ là chiến hạm Nhật nên
khai hỏa bắn đuổi, bắt buộc hai chiếc tàu này phải xoay hướng và bỏ chạy.
Cách Guadalcanal khoảng 50 dặm, soái hạm Naganami chạy chầm
chậm. Và Đề đốc Tanaka kiểm điểm lại lực lượng của ông. Ngoài khu trục
hạm Takanami bị đánh chìm, trong 7 khu trục hạm còn lại không có chiếc
nào bị mang thương tích, cũng không có thủy thủ nào thiệt mạng. Nhật đã
gây thiệt hại nhiều cho địch quân mà chỉ trá giá bằng một chiếc khu trục
hạm, nhưng Đề đốc Tanaka không cảm thấy vui vẻ. Chiếc Takanami bị
đánh chìm đã khiến ông rầu rĩ và ngồi trầm ngâm trên suốt hải trình rút lui.
Ông muốn trở lại khu vực chiến đấu để giải cứu những thủy thủ của chiếc
tàu chìm còn sống sót và tái chiến với địch quân. Nhưng sau khi kiểm điểm,
bốn trong số 7 khu trục hạm Nhật không còn một quả ngư lôi nào. Ba chiếc
kia, một chiếc mới chỉ phóng phân nửa, và hai chiếc khác vì nằm ở một góc
độ không thuận lợi nên không phóng được quả nào, do đó số ngư lôi mang
theo vẫn còn nguyên vẹn. Tính ra, trong trận đánh vừa qua, các chiến hạm
Nhật đã phóng ra 44 quả ngư lôi. Trong tình trạng đó, Tanaka đã nghĩ rằng
lực lượng của ông không có hy vọng thắng lợi một khi tái chiến với lực
lượng của địch quân. Vì vậy, vào lúc 22h30, ông cho lệnh rút lui về Rabaul.
Quyết định này khiến Bộ Tư Lệnh Tối Cao không hài lòng, cho dù
Tanaka nêu ra chiến công của ông là đã đánh chìm một thiết giáp hạm và
hai tuần dương hạm, còn gây thiệt hại nặng cho bốn tuần dương hạm khác
của địch quân mà chỉ thiệt hại có một khu trục hạm. Nhưng thật sự, thượng
cấp của Tanaka không cần biết đến những chiến công này, họ không hài
lòng bởi vì Tanaka đã thất bại trong việc đổ tiếp liệu cho lực lượng Nhật ở
Guadalcanal.
Sự không hài lòng này trở thành xác thực khi Tanaka bị thuyên chuyển
sang Singapore sau trận đánh này không lâu, và sau đó ông lại phải khăn
gói sang Miến Điện. Qua hai lần thuyên chuyển, tài năng của ông đã được
sử dụng một cách hoang phí, nhưng nhờ vậy mà ông xa hẳn mặt trận, và
chắc chắn cũng do đó mà mạng ông được cứu sống.
Từ đó cho đến cuối cuộc chiến, Tanaka không bao giờ được giao phó
nhiệm vụ chỉ huy trên mặt biển nữa. Mười lăm năm sau trận đánh
Tassafaronga, tôi đến thăm viếng Tanaka tại nông trại của ông gần
Yamaguchi. Khi thảo luận về trận đánh này, ông đã nói với tôi: “Tôi có
nghe một số chuyên viên Hải quân Hoa Kỳ đã khen ngợi tài chỉ huy của tôi
trong trận đánh đó. Nhưng tôi nghĩ tôi không đáng nhận vinh dự như vậy.
Phải nói nhờ vào tài năng và ý chí của thuộc cấp đã giúp tôi đạt được thắng
lợi đó.”
“Nói như vậy, không phải là tôi từ chối danh dự mà tôi có quyền hưởng
nhằm trốn tránh sự chỉ trích. Tôi chấp nhận sự chỉ trích chính yếu do các sĩ
quan đồng liêu đưa ra. Tôi phải chịu trách nhiệm trong việc không đưa tiếp
liệu đến nơi đến chốn theo đúng kế hoạch. Đáng lẽ tôi phải quay lại để hoàn
thành nhiệm vụ, nhưng tôi phải bỏ rơi. Việc này không có gì khó hiểu, bởi
vì lúc ấy tôi không nắm trong tay tin tức chính xác về sức mạnh của địch
quân. Tôi cứ đinh ninh đội hình của Đề đốc Wright sẽ giống như đội hình
của hai Đề đốc Callaghan và Scott trong trận đụng độ với Đề đốc Abe hai
tuần lễ trước đó. Có nghĩa là đội hình của địch quân gồm có bốn khu trục
hạm đi đầu và bốn tuần dương hạm tiếp theo sau. Khi trận đánh xảy ra, bảy
khu trục hạm Nhật chất đầy các thùng tiếp liệu, và đạn dược bị cắt giảm
phân nửa, đã phải lâm chiến với tám khu trục hạm địch, đó là điều tôi
không bao giờ nghĩ đến. Tôi chỉ nghĩ lực lượng lâm chiến thật sự của chúng
ta là một tuần dương hạm và bốn khu trục hạm mà thôi.”
Khi nói về khu trục hạm Tanakami, đôi mắt Tanaka đầy lệ: “Trong trận
đánh đó, sở dĩ chúng ta đánh bại Đề đốc Wright là nhờ chiếc Takanami. Nó
đã nhận lãnh tất cả sự trừng phạt của địch quân trong những phút giây đầu
của trận đánh và đã làm cái mộc che đỡ cho chúng ta. Vậy mà chúng ta phủi
tay bỏ đi, không giải cứu thủy thủ đoàn của chiếc tàu này.”
Tuy nhiên, Đề đốc Tanaka chắc đã cảm thấy sự nỗ lực vượt bậc của ông
ở Tassafaronga, khi ông đọc qua những nhận xét vô tư sau đây của sử gia
Hải quân Hoa Kỳ, đề đốc Samuel Eliot Morison, về trận đánh này: “Trận
đánh Tassafaronga luôn luôn gợi sự an ủi rằng địch quân đã đánh bại các
bạn là những kẻ tài giỏi thật sự, và Đề đốc Tanaka tài giỏi hơn những kẻ tài
giỏi. Ngoài chiếc soái hạm Jintsu, các khu trục hạm lâm chiến của ông đều
chất đầy hàng hóa cồng kềnh, vậy mà ông đã đánh chìm một tuần dương
hạm của Hoa Kỳ và loại ba chiếc khác khỏi vòng chiến gần một năm. Trong
khi ông chỉ thiệt mất một khu trục hạm. Qua nhiều trận đánh xảy ra trong
cuộc chiến, phía hoa Kỳ gặp nhiều lỗi lầm mà địch quân đã tránh khỏi. Ở
Tassafaronga, mặc dù có ít bối rối lúc đầu, nhưng Đề đốc Tanak không
phạm một lỗi lầm nào cả.”
Trước khi Đề đốc Tanaka bị thuyên chuyển sang Singapore, ông vẫn tiếp
tục chỉ huy nhiều công tác chuyển vận đến Guadalcanal. Vào ngày 3 tháng
12, ông điều động một lực lượng gồm bốn tuần dương hạm và 11 khu trục
hạm chuyển 1.500 thùng tiếp liệu đến Guadalcanal. Nhiệm vụ thành công
mỹ mãn. Trong thời gian này, Tanaka chuẩn bị để đương đầu với một trận
Tassafaronga thứ hai, nhưng phía Hoa Kỳ lại không sẵn sàng. Cuộc chiến
thắng phi thường của Tanaka đã khiến Hải quân Hoa Kỳ choáng váng.
Không hề có một cuộc đụng độ nào trên mặt biển, chỉ một số phi cơ địch
bay đến quấy rầy nhóm tàu chuyển vận và bỏ vài trái bom gây hư hại nhẹ
cho một khu trục hạm. Nhưng các cuộc chuyển vận này gặp phải một sự
thất bại đầy chua chát: Lực lượng Nhật trên đảo chỉ vớt được vỏn vẹn 500
thùng tiếp liệu trong số 1.500 được thả xuống biển.
Bốn đêm sau đó, Tanaka quay lại hòn đảo với 11 khu trục hạm. Sự lặp đi
lặp lại một phương thức trong chiến tranh trước sau gì cũng vấp một vố
nặng. Chuyến đi này, hai khu trục hạm của Tanaka bị các phi cơ Hoa Kỳ cất
cánh từ phi trường Henderson hủy diệt. Cùng đêm, Tanaka đã đối đầu với
một loại địch thủ mới, các ngư lôi đĩnh. Tám chiếc PT nhỏ bé và nhanh như
cắt này đã quấy phá lực lượng của ông đến nỗi ông phải bãi bỏ cuộc chuyển
vận và các khu trục hạm phải quay về căn cứ.
Vào đêm 11 tháng 12, Tanaka lại cố gắng lên đường một lần nữa với 9
khu trục hạm. Lần này ông đã đổ 1.200 thùng tiếp liệu một cách thành
công. Sau đó, phi cơ đến tấn công, nhưng vô hiệu, và đến phiên các PT
nhảy vào vòng chiến, soái hạm Teruzuki lãnh hai quả ngư lôi và bốc cháy.
Thủy thủ đoàn cố gắng cứu chiếc tàu nhưng bó tay khi ngọn lửa bắt qua
hầm chứa bom chìm. Tanaka bị thương, ông chuyển soái kỳ cho người khác
và trở về Rabaul. Tanaka rất buồn khi nghe tin 1.200 thùng tiếp liệu được
tàu ông thả xuống chỉ có 220 thùng đến tay binh sĩ Nhật trên hòn đảo.
Tanaka vào nằm trong bệnh viện Rabaul. Nơi đây, ông đã viết một thỉnh
nguyện thư yêu cầu Bộ Tư Lệnh Tối Cao triệt thoái các lực lượng Nhật trên
đảo Guadalcanal. Đáp lời yêu cầu này là lệnh bổ nhiệm ông sang
Singapore. Lời yêu cầu của Tanaka bị bác bỏ một cách thẳng tay thật sự là
một sự nhầm lẫn, vì ai cũng thấy hòn đảo này không còn hy vọng giữ lâu
dài hơn nữa. Các tiềm thủy đĩnh và khu trục hạm đều được trưng dụng để
vận chuyển hàng tiếp liệu, nhưng cho dù cả hai loại tàu này đã nỗ lực và
phối hợp chặt chẽ cách mấy đi nữa, tiếp liệu đến tay 20.000 binh sĩ trên đảo
chỉ có tính cách cầm hơi.
Suốt quãng thời gian sôi động này, tôi nằm ru rú ở Truk. Tôi cảm thấy
buồn cho Tanaka, nhưng không biết làm cách nào để giúp ông. Không còn
chiếc khu trục hạm mới nào để tôi chuyển sang chỉ huy, vì vậy tôi chỉ còn
biết ngắm nhìn những bàn tay khéo léo đang vá lại các lổ thủng do đạn
xuyên phá thiết giáp của tuần dương hạm Helena chạm trổ trên chiếc khu
trục hạm của tôi.
Sau khi tạm băng bó các vết thương, Amatsukaze rời khỏi hải cảng Truk
vào ngày 15 tháng 12 để về Nhật, và nơi đây chiếc tàu có thể hy vọng được
sửa chữa hoàn hảo hơn. Khi chạy ngang qua đảo Saipan, tôi nhìn thấy
khoảng 10 phi cơ Nhật trên không. Tôi tự hỏi, không hiểu những phi cơ này
sẽ phản ứng như thế nào khi nhìn thấy chúng tôi. Nhưng đã thất vọng, tất cả
đều bay lướt qua, ngay cả đến việc tìm hiểu lý lịch của con tàu cũng không
có. Sự hờ hững này, có thể cho là như vậy, trong khi Nhật mất sạch quần
đảo Salomon, chứng tỏ tình trạng suy đồi tinh thần trầm trọng trong hàng
ngũ chúng tôi.
Tuy nhiên, tôi hầu như quên hẳn cuộc chiến khi tàu của chúng tôi chạy
vào hải cảng Kure. Bầy hải âu bay lượn trước mũi tàu như chào đón, trong
lúc chúng tôi mải mê ngắm nhìn quang cảnh lặng lẽ của hải cảng thân yêu
và an bình này. Quang cảnh khác xa hải vực đẫm máu quanh quần đảo
Salomon. Có thể nào lại có những nơi trái ngược hẳn nhau trong cùng một
khoảnh trời nhỏ bé đến mức đó.
Khi đưa chiếc Amatsukaze vào ụ sửa chữa và sắp xếp mọi công việc
khác, tôi về nghỉ phép tại nhà một tuần lễ.
Tôi bước chân vào nhà ở Kamakura vào ngày 27 tháng 12. Sống quây
quần vui vẻ với gia đình, tôi thấy sao một tuần lễ trôi qua nhanh hơn chớp
mắt. Kamakura là một trong những thành phố đẹp nhất của Nhật Bản. Thật
là thích thú cho tôi khi cùng với các con thăm lại những phong cảnh ngoạn
mục quen thuộc trước đây. Chúng tôi lang thang trong thành phố hết chỗ
này đến chỗ nọ, nhất là leo lên những ngọn đồi bao quanh thành phố này,
hoặc đi vẩn vơ dưới ngàn tiếng thông reo trong làn gió hiu hiu của Thái
Bình Dương. Tôi thật như sống trong mơ, và may mắn cho tôi hơn nữa,
những ngày nghỉ phép này lại rơi vào dịp Tết Nguyên Đán.
Mặc dù vui thú với gia đình, tôi không thể nào quên hẳn chiến tranh
được. Một hôm gia đình chúng tôi dự định thực hiện một buổi dạo chơi và
ăn cơm ngoài trời, nhưng vợ tôi lại không đi được. Nàng phải đến tham dự
một buổi họp gồm các bà nội trợ quanh xóm để thảo luận về việc đóng góp
cho quân đội các vật dụng làm bếp bằng đồng và sắt. Cha con chúng tôi vẫn
thực hiện buổi ăn cơm ngoài trời và dạo chơi trên các đồi thông. Khi chúng
tôi về, vợ tôi vẫn chưa có mặt ở nhà. Con gái của tôi nói: “Ba đừng có nóng
ruột. Dạo này mẹ cứ phải đi hội họp lằng nhằng như vậy luôn. Ba nên nhớ
bây giờ là thời chiến mà.”
Buổi chiều hôm đó, ông bạn cũ là Trung tá Ko Nagasawa từ Tokyo gọi
điện thoại cho tôi. Nasagawa hiện đang phục vụ ở Phòng nhân viên. Hắn ta
nói: “Hãy bình tĩnh, đây chỉ là một cú điện thoại không chính thức. Đêm
mai, một nhóm bạn đồng khóa tụ họp tham dự một buổi Bonenkai (tiệc Tân
niên). Chúng tôi chọn Isogo ở Yokohama để làm nơi họp mặt. Đó là một
tiệm ăn tuyệt hảo, nằm giữa Tokyo và Yokosuka. Nơi này gần nhà anh, nên
chúng tôi kể chắc như anh có mặt đêm mai.
Chiều tối hôm sau chúng tôi đến địa điểm họp bạn. Tôi được Nasagawa
và Trung tá Enpei Kanooka đón tiếp. Kanooka là tùy viên liên lạc Hải quân
của Thủ tướng _Đại tướng Hideki Tojo. Tôi ngạc nhiên khi thấy Kanooka
đã xếp chức vụ bận rộn và quan trọng của anh lại để tham dự vào một cuộc
họp không chính thức. Ở một nơi xa xôi như thế này. Ngồi kế anh ta, tôi
hỏi: “Những rắc rối xảy ra ở phía Nam trong những ngày gần đây có lẽ làm
nhiệm vụ của anh trở nên bù đầu?”
Kanooka nhăn nhó đáp: “Không, Hara, tôi hoàn toàn không bận rộn gì
hết. Đó là sự thật. Trong vòng năm tháng qua, tướng Tojo không hỏi đến tôi
lấy một lời. Hình như ông ta không xem các hoạt động của Hải quân vào
đâu. Trong thời gian này, nhiệm vụ của tôi là hằng đêm đến tham dự các
tiệc tùng khoản đãi quốc khách. Tôi không thích nhậu nhẹt. Tôi cảm thấy bị
phiền nhiễu đến chết được, và sự nhàm chán cũng đang giết lần mòn tôi.
Hara, tôi thấy tửu lượng của anh cũng có hạng lắm, xem ra anh có thể thay
thế chức vụ của tôi được.”
Giọng nói nhỏ nhẹ thường khi của của Kanooka bỗng nhiên cất cao một
cách đáng chú ý trong câu nói sau cùng này. Trong lúc đó, Nasagawa yên
lặng ngồi nghe với một gương mặt thật bình thản. (Không lâu sau đó,
Kanooka được lệnh rời khỏi Tokyo để nhận chức vụ Hạm trưởng tuần
dương hạm Nachi. Hiển nhiên là Nasagawa, phục vụ ở Phòng nhân viên, có
nhúng tay giúp vào vụ bổ nhiệm này.)
Cuộc họp đã diễn ra trong bầu không khí lặng lẽ và nghiêm trang, khác
với các buổi họp mặt đầy ồn ào của chúng tôi lúc còn trẻ. Có khoảng 20
người thuộc khóa chúng tôi tụ họp trong đêm hôm đó, đều mang cấp bậc
Trung tá và Thiếu tá, hầu như chỉ bàn những chuyện quanh quẩn về cuộc
chiến. Khi được yêu cầu mô tả tình thế tại cuộc chiến quần đảo Solomon,
tôi nói:
“Tôi không hiểu các bạn, những người ở đây, đã nhìn sự việc như thế
nào, nhưng riêng tôi có thể nói các đảo ở Salomon là địc ngục ở tuyền
tuyến.Cùng là những tay chuyên nghiệp cả, tôi chắc các bạn đều biết rõ, căn
cứ trên sự phán xét của mình về những công bố chính thức có vẻ ghê gớm
của Tổng Hành Dinh ở Tokyo. Thật ra, chúng ta đã gặt hái được một số
chiến thắng chiến thuật, nhưng về phương diện chiến lược, chúng ta hoàn
toàn thất bại. Các khu trục hạm và tiềm thủy đĩnh của chúng ta ở quần đảo
Solomon hiện tại được sử dụng vào công việc chuyển vận. Nhưng công
việc này cũng không đạt được kết quả là bao.”
Tất cả những người hiện diện đều chăm chú nghe tôi thuật lại các trận
đánh mà tôi đã tham dự. Tôi thấy rất cần thiết để trình bày sự thật, nhưng có
một số người khác nhắc nhở tôi rằng đây là một buổi họp mặt để nhậu nhẹt,
không nên nói đến chuyện công việc hay dính dáng đến nghề nghiệp.
Do đó, thay vào câu chuyện của tôi là một vài câu pha trò có tính cách
chọc cười. Có người còn kể ra sự dan díu của hắn với một cô vũ nữ ở
Sasebo. Nhưng tất cả đều không gây được không khí vui tươi, bởi vì mọi
người trong chúng tôi đều đoán trược được viễn cảnh đen tối của tương lai.
Thật sự, tôi muốn cho họ biết những gì mà tôi từng trải qua ở miền Nam,
các phản ứng và ý kiến riêng của tôi như thế nào. Tôi biết rằng một buổi
họp mặt ăn uống như thế này không thích hợp để mang các vấn đề thời sự
ra để nói, nhưng ngoài dịp này thì chắc khó có dịp khác. Tôi đã thất vọng
khi thấy các bạn đồng khóa của tôi chỉ toàn là một bọn yếm thế, buông xuôi
với số phận.
Rượu rót cũng khá nhiều, nhưng không ai say. Buổi họp mặt tan sớm.
Bên ngoài trời đêm đầy sao. Những lời chào từ giã được thốt lên một cách
yếu ớt. “Mong gặp lại anh.” Câu này nằm trên đầu môi mọi người, nhưng
không có vẻ gì gọi là xác tín. Những kẻ hội tụ về đây đêm đó chỉ một vài
người còn sống sót sau chiến tranh.
Tojo có thể không để tâm đến viên sĩ quan liên lạc hải quân nhỏ nhoi của
ông, nhưng đối với các đại diện bề thế thuộc Bộ Tư Lệnh Hải Quân thì ông
không thể nào không để tâm được. Hàng ngày các sĩ quan cao cấp của Lục
Quân và Hải Quân vẫn mở ra các phiên họp mật về chiến lược ở Tokyo. Để
kết thúc, một loạt các phiên họp cuối cùng mở ra vào ngày 31 tháng 12 ở
Hoàng Cung dưới sự chủ tọa của Nhật Hoàng Hirohito, và đưa đến quyết
định nhất trí triệt thoái toàn thể lực lượng Nhật trên đảo Guadalcanal.
Những ngày sống hạnh phúc bên gia đình của tôi đã trôi qua nhanh
chóng. Tôi trở lại Kure vào ngày 7 tháng Giêng. Ba ngày sau đó, tôi nhận
được lệnh rời khỏi chức vụ Hạm trưởng khu trục hạm Amatsukaze để nhận
nhiệm vụ mới ở Căn cứ Hải Quân Yokosuka. Nhiệm sở này chỉ cách nhà tôi
một vài dặm. Tôi lại được sống êm ấm với gia đình. Nhưng không lâu sau
đó tôi ngã bệnh. Theo bác sĩ, chứng bệnh của tôi là do những tháng ngày
phục vụ không ngừng nghỉ trên mặt biển nên đã kiệt lực. Tôi phải nằm bẹp
trên giường suốt hai tuần lễ. Trong thời gian này, vào ngày 25 tháng 12, tôi
lại nhận được lệnh khác, chỉ định tôi giữ chức Chỉ huy trưởng Hải đội 19
Khu trục hạm, và theo lệnh, tôi phải nhận ngay bốn chiếc tàu loại mới nhất
để ra khơi hai ngày sau đó. Tôi gọi điện thoại báo cho Nasagawa biết tôi
không thể nhận nhiệm vụ vì tình trạng đau ốm hiện thời. Thông cảm, và để
an ủi, Nasagawa bảo đảm rằng sẽ còn nhiều chức vụ quan trọng khác dành
cho tôi một khi đã bình phục.
Thời gian dưỡng bệnh đối với tôi dài thăm thẳm. Khi chiến đấu, tôi chưa
bao giờ thấy mệt mỏi. Trên biển, chỉ một vài giờ chợp mắt là tôi thấy khỏe
khoắn ngay. Bây giờ, tôi mới hiểu những ngày phục vụ trên mặt biển đã làm
cho tôi kiệt sức như thế nào, và tôi cũng hiểu tại sao dáng vẻ của Phó Đô
đốc Nagumo lại sa sút như vậy , khi tôi gặp ông ở Truk vào tháng 11 vừa
qua.
Cuối tháng 2, tôi bình phục hẳn. Tôi gọi điện thoại cho Nasagawa, yêu
cầu được bổ nhiệm. Lời đáp có vẻ mù mờ của hắn ta làm tôi lo ngại. Hải
quân đã quên khuấy tôi mất rồi. Tôi gọi hàng ngày, nhưng không nhận được
phúc đáp nào gây phấn khởi. Sự chờ đợi này kéo dài cho đến tháng 3,
Nasagawa mới báo cho tôi biết tôi được chỉ định giữ chức vụ Chỉ huy
trưởng Hải đội 27 Khu trục hạm.
Tôi kêu lên sửng sốt: “Cái gì? Tại sao lại Hải đội 27?”
“Đừng có nóng, Hara, nghe tôi nói đây. Tôi biết Hải đội 27 tồi tệ, nhưng
sự chỉ định này chứng tỏ Hải quân đã đặt tin tưởng hoàn toàn vào anh.
Thượng cấp cảm thấy chỉ một vị chỉ huy đầy đủ khả năng và kinh nghiệm
như anh mới mong uốn nắn Hải đội này thành một đơn vị chiến đấu thật
sự.”
Phản ứng của tôi là sự xúc động. Thật sự, tôi không hề bối rối. Nghĩ cho
cùng, khi một sĩ quan lần đầu tiên được chỉ định chỉ huy 4 chiến hạm, hắn
phải xem đó là một vinh dự, còn loại tàu gì mà hắn sẽ được giao không
thành vấn đề. Tôi cũng không còn tiếc rẻ đã bỏ mất dịp may trong lần bổ
nhiệm trước đó.
Hải đội 27 bao gồm 4 khu trục hạm già nua, mỗi chiếc 1.700 tấn, tốc độ
tối đa là 30 hải lý. Thủy thủ đoàn của các khu trục hạm này, đứng hạng nhì
đúng nghĩa, chính là mục tiêu chế nhạo của thủy thủ đoàn thuộc các chiến
hạm khác. Nhiệm vụ trước mắt đối với tôi chẳng phải ngon ăn.
Tôi trả lời Nasagawa: “Anh đừng hiểu lầm tôi. Tôi vui lòng nhận nhiệm
vụ và sẽ tận lực làm mọi cách cho Hải đội trở thành đơn vị tốt nhất của Đệ
Nhị Hạm Đội. Được bổ nhiệm vào chức vụ này, tôi lấy làm vinh hạnh. Tôi
trình diện ở đâu và khi nào?”
“Tôi rất vui mừng khi nghe anh nói như vậy. Ba khu trục hạm của anh
đang đậu ở Truk, còn chiếc soái hạm Shigure (Mưa Thu) đang chờ anh ở
Sasebo. Bao giờ anh có thể đi được?”
“Có phương tiện lúc nào thì tôi đi lúc đó.”
“Tốt. Anh sẽ có một chỗ dự phòng trên chuyến xe lửa tốc hành rời nhà
ga Tokyo vào lúc 13h30 phút ngày mai.”
Tôi đến Sasebo vào ngày 9 tháng 3, và lập tức leo lên soái hạm Shigure
quan sát một vòng. Thoạt nhìn thủy thủ đoàn, tôi hiểu ngay là tôi đang bước
vào một công việc nặng nhọc thật sự. Tôi nhớ lại những kinh nghiệm khó
khăn qua việc huấn luyện thủy thủ đoàn của chiếc Amatsukaze trong thời
gian có cuộc hành quân Midway. Thủy thủ đoàn của Shigure giống như một
bọn vô kỷ luật chưa từng biết qua một chút kinh nghiệm đi biển là gì.
Nhưng tôi đã nhìn sự vụng về và ngu dốt của họ với nhiều cảm giác lẫn lộn.
Tôi tin là có thể huấn luyện họ trở thành những thủy thủ chiến đấu. Tóm lại,
tôi không thấy chán nản, vì tôi nghĩ tình trạng này cũng giống như tình
trạng trên chiếc Amatsukaze sáu tháng trước mà thôi.
Tôi đã từng làm việc trên nhiều chiếc khu trục hạm mới hơn, tôi nhận
thấy chiếc Shigure hoàn toàn yếu kém. Chiếc tàu này già nua một cách đáng
thương, và có lẽ nó không thể nào đạt tốc độ tối đa 33 hải lý. Đó là điều tồi
tệ nhất. Tốc độ tối đa của các khu trục hạm mới nhất ít lắm cũng phải 38 hải
lý, và chiếc Amatsukaze dày dạn chiến trận của tôi, hiện đã hoạt động trở
lại, cũng chạy được 34 hải lý.
Nhưng tôi đã gạt ngang những suy nghĩ vơ vẩn này, và hy vọng của tôi
là chiếc Shigure có thể sẽ chứng tỏ giá trị của nó trong lúc chiến đấu, cho
dù nó có nhiều khuyết điểm trong lần làm quen đầu tiên này. Nhưng ngay
cả cao vọng đi nữa, lúc ấy tôi cũng không bao giờ dám mơ mộng chiếc
Shigure đã chứng tỏ giá trị đến mức được mang biệt danh “Kiên cố”, và với
tiếng tăm vang dội, có thể nói Shigure là khu trục hạm được biết đến nhiều
nhất trong cuộc chiến Thái Bình Dương.
Sau khi hộ tống 2 cuộc chuyển vận, Shigure rời Sasebo đến Truk để kết
hợp với 3 khu trục hạm khác thuộc quyền chỉ huy của tôi. Khi tiến vào hòn
đảo san hô to lớn này, tôi cảm thấy cảnh vật không có gì thay đổi trong thời
gian tôi vắng mặt.Chiếc tàu sửa chữa cũ kỹ Akashi vẫn đang hoạt động rộn
rịp, và vẫn đậu ngay chỗ mà nó đã đậu bốn tháng trước đây. Khi chiếc
Amatsukaze lếch thếch từ quần đảo Solomon chạy về.
Nhưng tôi đã lầm. Truk quả thật không thay đổi, nhưng tình hình của
cuộc chiến ở phía Nam đã chịu đựng những thay đổi nghiêm trọng trong
giai đoạn bốn tháng ngắn ngủi, như tôi đã biết được ngay sau đó.
Tàu vừa buông neo, tôi đến trình diện Phó Đô đốc Nobutake Kondo trên
chiếc Atago, soái hạm của Đệ Nhị Hạm Đội. Bước vào cabin của ông, tôi
xúc động khi nhìn thấy dáng vẻ tiều tụy của vị tư lệnh này, nhân vật luôn
luôn được giới hải quân nhắc nhở đến tài ba đức độ. Sự xúc động của tôi ở
hiện tại không kém lần tôi gặp Nagumo năm tháng trước đây. Kondo ra dấu
cho tôi ngồi xuống ghế. Giọng nói của ông khàn khàn, nhỏ và chậm chậm
như hụt hơi: “Hara, tôi hoàn toàn đồng ý với thượng cấp về việc chỉ định
anh vào nhiệm vụ mới này. Đó là một nhiệm vụ khó khăn. Anh hãy thận
trọng, tôi chỉ có thể nói với anh như vậy. Hãy thận trọng nhiều chừng nào
hay từng ấy.”
Chắc chắn không bao giờ tôi hy vọng được vị Phó Đô đốc chỉ huy của
tôi tiếp đón bằng những câu nói như vậy. Câu nói của ông khiến tôi bỡ ngỡ
đến nỗi không biết đáp lại như thế nào.
Ông tiếp tục nói, với dáng vẻ mệt nhọc: “Mặc dù anh là chỉ huy trưởng
hải đội, nhưng vì chúng tôi thiếu tàu, nên ba trong số bốn khu trục hạm của
anh được đặt dưới quyền sử dụng của các chỉ huy trưởng khác. Nếu anh
nhận nhiệm vụ sớm hơn vài tháng, hải đội dưới quyền anh sẽ đủ cấp số.”
Ông dừng lại và thoáng nghĩ ngợi. Tôi ngồi lặng yên một cách bồn chồn.
Sau đó, ông tiếp: “Hara, dù sao đi nữa anh cũng nên kiên nhẫn. Tôi dự định
lưu anh ở đây ít nhất ba tháng, như vậy anh có thể tìm hiểu và huấn luyện
các thuộc cấp của anh, và luôn tiện chính anh cũng sẽ thích ứng với tình
hình biến đổi nhanh chóng của cuộc chiến.”
Kondo là một nhân vật đáng chú ý, và đối với tôi, ông là một vị chỉ huy
kỳ diệu. Do đó, trong các trang trước của quyển sách này tôi đã phải miễn
cưỡng đưa ra sự chỉ trích khả năng chiến đấu của ông. Tuy nhiên, qua lần
tiếp xúc trực tiếp này, tôi đã kinh ngạc và choáng voáng khi rời khỏi ca bin
của ông.
Theo đề nghị của Kondo, tôi đã nghiên cứu các hồ sơ trên soái hạm của
ông, liên quan đến cuộc chiến trong vòng 5 tháng qua. Biến cố nổi bật nhất
là cuộc triệt thoái khỏi Guadalcanal. Ở ngôi nhà Kamakura, trong thời gian
tôi bình phục, tôi có nghe các công bố trên đài phát thanh về một cuộc chiến
thắng hoàn toàn và ngoạn mục. Bộ Tư Lệnh Tối Cao Hoàng Gia đã tránh sử
dụng hai tiếng “rút lui” và thay vào đó là ba chữ “xoay hướng tiến”, nhưng
xoay hướng tiến như thế nào thì không thấy bản công bố đề cập đến.
Theo quyết định của phiên họp cuối cùng ở Hoàng Cung vào ngày 31
tháng 12, ngày 4 tháng Giêng năm 1943, Bộ Tư Lệnh Tối Cao Hoàng Gia
ban lệnh triệt thoái toàn bộ lực lượng Nhật khỏi Guadalcanal, và công cuộc
triệt thoái bắt đầu vào hạ tuần tháng Giêng. Các kế hoạch được thảo ra tuần
tự và kín đáo khi tìm mọi cách đánh lừa bề ngoài để địch quân lầm tưởng
Nhật quyết tâm bám lấy hòn đảo.
Tình báo Hoa Kỳ đã từng tỏ ra hữu hiệu trong việc khám phá ra các kế
hoạch trận đánh Midway của Nhật Bản, nhưng hoàn toàn không hay biết gì
về kế hoạch triệt thoái khỏi Guadalcanal. Một kế hoạch được duy trì bí mật
đến tận cùng như thế, đối với tôi chẳng khác nào những phép lạ của cuộc
chiến. Càng phi thường hơn nữa, nếu người ta biết rằng vào thời gian này
toàn thể các vùng phụ cận Guadalcanal địch quân đã nắm ưu thế tuyệt đối
về mặt trên không.
Vào ngay giữa tháng Giêng, hoạt động của không quân Nhật gia tăng
mạnh mẽ trong khu vực. Vào ngày 30, một lực lượng đặc nhiệm gồm hai
hàng không mẫu hạm, hai thiết giáp hạm và cả chục chiến hạm khác rời
khỏi Truk trực chỉ Guadalcanal. Cuộc di chuyển này có tính cách nghi binh,
nhằm gây sự chú ý của Hải quân Hoa Kỳ. Trong khi trước đó, suốt buổi
chiều ngày 28, 300 binh sĩ đã đổ bộ lên đảo Russell, nằm ở phía chính Tây
của Guadalcanal.
Không cần nói cũng hiểu lực lượng Nhật trên đảo Guadalcanal cũng nức
lòng với các tin tức về cuộc rút lui đang được sắp xếp như thế nào. Thời
gian trước đó, họ đã chiến đấu với sự quyết tâm đáng kinh ngạc cũng như
không bao giờ lùi bước trong nỗ lực đẩy lui các lực lượng tăng viện của
địch quân. Tóm lại, trong tình cảnh tuyệt vọng và đáng thương hại, họ đã
chiến đấu dũng mãnh cho đến ngày rời đảo.
Vào các đêm 1, 4 và 7 tháng 2, 22 khu trục hạm Nhật đã chạy vào các
bãi biển quanh hòn đảo để chở 12.198 binh sĩ Lục quân và 833 binh sĩ Hải
quân. Thủy thủ đoàn của các khu trục hạm đã kinh hãi khi nhìn thấy nhóm
quân này. Nhiều ngày qua họ đã không ăn uống gì hết, thân thể suy nhược
cho đến nỗi ngay cả sự vui mừng khi được giải cứu họ cũng không đủ sức
biểu tỏ.
Cuộc triệt thoái đã thành công vượt bậc. Chỉ có khu trục hạm Makigumo
bị đánh chìm và ba chiếc khác hư hại. Cuộc triệt thoái này cĩng đánh dấu sự
kết thúc của một cuộc hành quân kéo dài 6 tháng, với 16.800 binh sĩ Nhật
vùi thân trong rừng rậm nhiệt đới cùng với hàng chục chiến hạm bị vùi sâu
dưới đáy biển, mang theo nhiều ngàn thủy thủ, quanh hòn đảo hóc búa này.
Nhiều bản phúc trình liên quan đến cuộc hành quân đều đưa đến 1 kết luận
thật sự: Nhật Bản đã bị đánh bại ở Guadalcanal.
Kế đó, tôi xoay sang tìm hiểu các cuộc hành quân ở New Guinea, và
nhận thấy hầu hết đang sa lấy. Lục quân cố gắng điều động một sư đoàn ở
Buna, nằm trên bờ biển phía đông Papua, xuyên qua rặng núi Owen Stanley
để tiến đến hải cảng Moresby. Hầu hết binh sĩ đã bỏ thây trong rừng núi.
Trong khi Hải quân gặp nhiều rắc rối quanh hòn đảo Guadalcanal, lực
lượng viễn chinh của Lục quân thiếu thốn lương thực đến nỗi chết đói ở
Papua. Trong lúc địch quân tiến như vũ bão qua các vùng rừng rậm Papua ở
New Guinea, quân Nhật tuần tự rút lui khỏi Gona ngày 9 tháng 12 năm
1942, Buna ngày 14, Madang và Wewak bốn ngày sau đó.
Tuy nhiên, trận hải chiến Bismarck đã gây xúc động cho tôi hơn là hàng
loạt các khu vực bị bỏ rơi này. Chiến bại Bismarck của Nhật là một chiến
bại hầu như không thể nào tin được.
Hai phi trường chính của Nhật là Lae và Salamana, ở phía Đông New
Guinea, được giao cho Lục quân vào ngày 15 tháng 11. Lục quân quyết
định tăng cường hai phi trường này bằng cách chuyển 1 lực lượng ở Rabaul
đến. Lực lượng này được đưa xuống 8 tàu chuyển vận, với 8 khu trục hạm
hộ tống, khởi hành vào ngày 28 tháng 2.
Vị chỉ huy đoàn tàu chuyển vận, Đề đốc Masatomi Kimura, đã trù tính
yêu cầu không quân bao che đoàn tàu của ông. Nhưng trước khi việc này
được thực hiện, liên tiếp hai ngày 2 và 3 tháng Ba, hơn 100 phi cơ địch ào
đến tấn công đoàn tàu chuyển vận giữa thanh thiên bạch nhật.
Kết quả, tất cả các chuyển vận hạm và 4 trong số các khu trục hạm hộ
tống bị đánh chìm. Vào ngày thứ hai của cuộc không kích, 26 phi cơ Hải
quân Hoàng Gia Nhật bay đến để bao che cho đoàn tàu chuyển vận, nhưng
vì bay quá cao nên không kịp ngăn chặn các phi cơ sà thấp của địch. Hơn
3.500 binh sĩ bị chôn vùi dưới đáy biển trong trận đánh này.
Một cuộc đại bại chưa từng thấy. Nó hoàn toàn trái hẳn cuộc triệt thoái
thành công ở Guadalcanal. Bây giờ tôi có thể hiểu tại sao Phó Đô đốc
Kondo mang dáng vẻ tiều tụy như vậy khi tiếp tôi.
Ngay lúc tôi còn suy nghĩ xem tại sao một việc như vậy có thể xảy ra,
Đề đốc Kan Takama bước vào phòng tài liệu. Vì muốn tìm hiểu thêm, tôi
yêu cầu ông giải thích rõ hơn về cuộc bại trận khủng khiếp ở biển
Bismarck. Ông nói: “Cuộc hành quân chuyển vận được thi hành với tất cả
sự thận trọng đúng mức, nhưng sự bao che của không quân hoàn toàn
khiếm khuyết. Ở Guadalcanal, kế hoạch của chúng ta thích đáng, cuộc triệt
thoái được giữ bí mật từ đầu đến cuối, địch quân không thể nào đánh hơi
được. Sự thành công ngoạn mục của cuộc triệt thoái này có lẽ đã khiến cho
các nhà lãnh đạo Lục quân nghĩ rằng họ có thể liều lĩnh thực hiện một cuộc
chuyển quân mà không cần phải có sự chuẩn bị và yểm trợ đầy đủ. Một
điều chắc chắn nhất đưa đến thảm bại: Lục quân không cung cấp cái ô
không quân thích đáng cho đoàn tàu chuyển vận trên biển Bismarck.”
Đề đốc Takama rời khỏi phòng tài liệu. Tôi tiếp tục đọc các hồ sơ ghi lại
những biến cố quan trọng khác. Vào ngày 5 tháng 3, hai khu trục hạm là
Minegumo và Murasame bị đánh chìm ở Vịnh Kula mà không bắn được
phát đạn nào hết. Địch quân đã sử dụng hỏa lực có radar điều khiển để hạ
hai chiếc tàu này.
Tôi rời khỏi soái hạm Atago với tâm tư trĩu nặng. Khi đặt chân lên bờ,tôi
mới nhận thấy có biết bao nhiêu đổi thay đã xảy ra trong vòng 5 tháng qua.
Trong Câu Lạc Bộ Sĩ Quan , tôi gặp Đại tá Tomiji Koyanagi, Tham mưu
trưởng của Phó Đô đốc Kurita. Chúng tôi ngồi chung bàn. Thảm kịch biển
Bismarck vẫn còn lảng vảng trong tâm trí tôi, và không do dự, tôi hỏi ý kiến
của Konayagi về cuộc đại bại này.
Ông ta nói: “Đề đốc Kimura đã thuật lại là các oanh tạc cơ đã sử dụng
phương pháp oanh tạc mới để tấn công đoàn tàu chuyển vận của ông. Theo
đó, các oanh tạc cơ khổng lồ đã lướt tới như làn sóng rồi thả bom xuống
mặt nước, và mấy quả bom này sẽ nhảy đến đâm vào cạnh sườn của các
chiến hạm. Những phương thức tránh né cổ điển của các chiến hạm Nhật
đều tỏ ra không còn hữu hiệu với chiến pháp được mệnh danh là 'oanh tạc
nhảy' này nữa. Ban đầu Kimura nghĩ rằng địch đã sử dụng một loại ngư lôi
trang bị cho phi cơ để thực hiện phương pháp oanh tạc mới này. Lối thả
bom từ trên cao xuống các chiến hạm đang di động trên mặt biển không đạt
kết quả mấy, do đó địch quân đã phát triển phương pháp oanh tạc mới này
cốt ý đương đầu với các nỗ lực tránh né xưa nay của chúng ta. Hiện tại
chúng tôi đang lo nghĩ, không biết làm cách nào để chống lại phương pháp
oanh tạc nhảy. Anh có ý kiến gì không?”...
Ngày hôm nay bao nhiêu chuyện dồn dập đầy kinh ngạc khiến tôi phải
vắt hết tim óc ra để suy nghĩ. Tôi cảm thấy như một tên học trò ngày đầu
tiên bước chân vào trường.
Tôi quay lại chiếc Shigure với cơn đau đầu như búa bổ. Sau khi sắp xếp
cho thủy thủ lên bờ, tôi rã rời bước vào cabin, và ròng rã 24 tiếng đồng hồ,
không lúc nào ngừng nghĩ tìm các câu giải đáp cho các vấn đề mới mẻ vừa
nổi lên trong cuộc chiến. Cuối cùng, tôi gạt tất cả sang một bên, vì nhận
thấy vấn đề này quá xa vời nếu so sánh với vấn đề trước mắt: Một thủy thủ
đoàn chưa được huấn luyện để chiến đấu của tôi. Tôi phải bắt đầu từ căn
bản. Sau ngày thủy thủ đoàn được cho lên bờ rong chơi, tôi bắt đầu huấn
luyện họ liên tục trong hải vực quanh Truk. Tôi đã biết ơn Phó Đô đốc
Kondo, nhận thấy ông quá cao kiến khi dành một khoảng thời gian cho tôi
thực hiện việc này. Bởi vì cũng cần ít ra khoảng ba tháng mới khép thủy thủ
đoàn vụng về của tôi vào quy củ.
Theo kế hoạch huấn luyện, tháng đầu tiên tôi kiên nhẫn chỉ họ các căn
bản đi tàu, và nếu điều chỉ dạy nào xét thấy họ không lĩnh hội được, tôi đích
thân chứng minh và điều khiển cuộc tập dượt, nhiều khi lập đi lập lại hàng
chục lần. Thoạt đầu họ có vẻ chán nản nhưng dần dần ham thích và hăng
hái thi hành các mệnh lệnh tôi đưa ra. Họ không đến nỗi tồi tệ như tôi
tưởng. Nhưng trong suốt thời gian huấn luyện này, tôi thường hay bị ám ảnh
về tình hình thật sự của cuộc chiến, qua các hồ sơ mà tôi đã được xem trên
soái hạm Atago.
Một tháng trôi qua, tôi bắt đầu cảm thấy gặp phải một vấn đề không thể
nào hiểu nổi. Do kinh nghiệm thu thập được trong các trận đánh của năm
qua, tôi nhận thấy có nhiều hành động đã được lặp đi lặp lại với cùng một
phương thức. Khi một chiến thuật được áp dụng thành công thì y như là nó
sẽ được Hải quân Hoàng Gia áp dụng lại, không thay đổi một chút nào, và
kết quả thường là thảm họa.
Cuộc pháo kích dữ dội vào Guadalcanal vào tháng 10 năm rồi, do hai
thiết giáp hạm Kongo và Haruna của Phó Đô đốc Kurita thực hiện là một
thành công lớn. Một tháng sau đó, Đề đốc Abe được lệnh tái sử dụng
phương pháp tấn công này với hai thiết giáp hạm Hiei và Kirishima. Nhưng
với lần ăn quen này, Hải quân không những chạm được một quả đạn nào
vào hòn đảo mà còn khiến cho thiệt mất cả hai tàu chiến.
Với thảm họa biển Bismarck vào tháng hai, 12 trong số 16 chiến hạm
của Đề đốc bị đánh chìm, làm tan hẳn cố gắng chuyển quân tăng viện đến
Lea và Salamaua của ông. Kế hoạch chuyển quân này rõ ràng giống hệt như
kế hoạch chuyển quân thành công đến Buna trước đó. Nhưng sự lặp lại này
được xem là không biết suy xét, và thời gian sáu tháng sau cuộc chuyển
quân đến Buna, sức mạnh không quân địch trong khu vực đã gia tăng.
Đề đốc Tanaka đã thực hiện một loạt cuộc hành quân vận chuyển đến
Guadalcanal vào hai tháng 11 và 12 năm 1942. Sau đó, một nhóm khu trục
hạm khác được các sĩ quan thiếu khả năng cầm đầu, đã cố gắng lặp lại hành
động của Tanaka, nhưng chỉ đưa đến các thảm bại, như cuộc thảm bại Vịnh
Kula ngày 5 tháng 3 chẳng hạn.
Khăng khăng như vậy là ngu dốt. Qua các sự việc vừa nói, có vẻ như
Hải Quân Hoàng Gia cho rằng địch quân là những kẻ luôn luôn bị đánh lừa
trước trò chơi của chúng tôi. Và qua các sự việc vừa nói, bắt tôi nhớ lại
những dòng được ghi trong quyển truyện ký của Mishashi Miyamoto, một
kiếm khách siêu việt mà tôi từng đề cập đến:
“Trong khi chiến đấu mà lặp lại một phương thức từng được sử dụng quả
là một điều tệ hại, và còn tệ hại hơn nữa nếu lặp lại lần thứ ba. Khi mà một
cố gắng thất bại, có thể cố gắng lần thứ hai. Nhưng nếu cố gắng này thất bại
nữa, phải lập tức đổi thay phương thức, và cứ tiếp tục thay đổi như thế. Khi
đối thủ nghĩ cao, mình đánh thấp, khi đối thủ nghĩ thấp, mình sẽ đánh cao.
Đó là bí quyết của kiếm thuật.”
Tôi có ấn tượng lời khuyên này có thể ứng dụng cho tình thế hiện tại của
chúng tôi. Tôi quyết định chuyển các ý kiến của tôi lên Đô đốc Isoroku
Yamamoto.
Tôi không thể nào tự tiện bước vào văn phòng của Tổng Tư Lệnh Hạm
Đội Hỗn Hợp và trực tiếp trình bày các ý kiến này với ông. Do đó, vào ngày
24 tháng 4 năm 1943, tôi đến soái hạm Mushashi để giải thích các ý kiến
của tôi với Tham mưu trưởng của Yamamoto là Phó Đô đốc Matome Ugaki.
Chỉ có một chuẩn úy đó tiếp tôi tại cầu thang của chiếc thiết giáp hạm
khổng lồ này. Đây là một việc khác thường, không đúng nghi lễ đón tiếp
một vị chỉ huy trưởng Hải đội, Khi tôi cho biết muốn gặp Phó Đô đốc
Ugaki, viên chuẩn úy nhìn tôi trừng trừng, đôi mắt có vẻ đờ đẫn. Im lặng
hồi lâu, hắn yêu cầu tôi theo hắn. Chúng tôi đi qua nhiều đường lối quanh
co và lên xuống các cầu thang trong chiếc soái hạm khổng lồ. Tôi không
gặp các sĩ quan nào hết, còn các thủy thủ thì hình như có vẻ ngơ ngác và
chán nản.
Khi chúng tôi đến căn phòng bên ngoài đề hàng chữ “Tổng Tư Lệnh”,
viên chuẩn úy mở cửa và nhường lối cho tôi bước vào. Trong căn phòng
vừa đủ sáng, mùi nhang đốt xông ra ngào ngạt, và chính giũa căn phòng
này, trên một chiếc bàn rộng lớn có trải thảm, 7 chiếc hòm được xếp thành
hàng. Tôi xoay sang viên chuẩn úy dọ hỏi. Hắn cúi đầu và đáp thật nhỏ:
“Ngày Chủ Nhật vừa qua, từ Rabaul, Đô đốc Yamamoto và Bộ tham mưu
của ông sử dụng hai chiếc oanh tạc cơ để bay đi miền Nam. Khi hai chiếc
phi cơ đến gần không phận Buin thì bị các chiến đấu cơ P-38 của Hoa Kỳ
đột kích và bắn rơi. Các chiến đấu cơ này chắc chắn cất cánh từ phi trường
Guadalcanal. Bảy chiếc hòm này đựng thi hài của Tổng Tư Lệnh và sáu
người khác trong số các sĩ quan tham mưu của ông. Phó Đô đốc Ugaki và
những người khác bị thương trầm trọng.”
Một việc không thể nào tưởng tượng được, nhưng sự thật vẫn là sự thật.
Mắt tôi đã thấy và tai tôi đã nghe. Lệ dâng đầy đôi mắt khi tôi cúi đầu cầu
nguyện cho sự yên nghỉ của những người đã chết.
PHẦN BỐN
NHỮNG ĐỐI THỦ VƯỢT TRỘI
Tôi được thăng cấp Đại tá vào ngày 1 tháng 5 năm 1943. Hạm trưởng
của Shigure, Thiếu tá Kimio Yamagami, tổ chức buổi tiệc mừng tôi được
tân thăng. Và tôi là khách danh dự của buổi tiệc này. Sĩ quan chật ních
phòng, chúc tụng tôi nồng nhiệt và thi nhau mời tôi uống rượu sake. Sau hai
tuần rượu, Thiếu tá Yamagami lên tiếng với vẻ lưỡng lự: “Suốt 40 ngày
ròng rã khổ nhọc, toàn thể thủy thủ đoàn đã làm việc không phút nào nghỉ
ngơi. Tôi thấy rằng nên để họ được xả hơi một chút. Tối nay trên tàu sửa
chữa Akashi có một buổi chiếu phim, kính thưa Đại tá, Đại tá nghĩ rằng tôi
có nên cho phép họ đi xem hay không?”
Từ chối lời đề nghị hợp lý này thật khó cho tôi, nhưng tôi giải thích:
“Tôi biết chúng ta đang phải chịu đựng một thời gian gò bó. Ở trên tàu bảy
ngày một tuần tuy quá nhiều nhưng rất cần thiết. Các anh đừng nghĩ rằng
tôi nghiêm khắc với các anh. Tình thế đòi hỏi chúng ta không được nghỉ
ngơi một phút nào cả. Tôi mong các anh hiểu cho.”
Yaganami đúng là một con người trầm lặng, ông ta không nói gì thêm.
Nhưng Đại úy Toshio Doi, sĩ quan ngư lôi trưởng lên tiếng: “Kính thưa Đại
tá, tôi nghĩ thủy thủ đoàn khó có thể làm việc hữu hiệu nếu họ không được
một phút nghỉ ngơi, giải trí nào. Tôi nghĩ họ cần có những giây phút thoải
mái.”
Tôi đáp: “Việc gò bó này có vẻ sai lầm thật đấy, nhưng cũng nên biết
rằng toàn thể thủy thủ đoàn của chúng ta chưa lần nào ra trận, nơi mà chỉ
vấp phải một sai lầm nhỏ thôi, cũng đủ gây ra sự mất còn của chiếc tàu, của
thủy thủ đoàn và của chính sinh mạng chúng ta. Các thủy thủ sẽ nghĩ rằng
tôi quá nghiêm khắc và chắc họ sẽ oán trách tôi, nhưng tôi mong rằng các
anh, những vị sĩ quan của họ, hiểu rằng tôi phải áp dụng một cuộc sống gò
bó như vậy, bởi vì thà chịu đựng sự khổ nhọc trong thời gian tập luyện còn
hơn là phải thiệt mạng với địch quân.”
Bầu không khí nặng nề chợt phá tan khi Đại úy Hiroshi Kayanuma, cơ
khí trưởng, lên tiếng: “Thưa quý vị, tôi đồng ý những gì mà Đại tá Hara vừa
nói. Trong những tháng vừa qua, rất nhiều khu trục hạm của chúng ta bị
đánh chìm, và chính Đại tá Hara đã chứng kiến tận mắt cảnh tượng đó.
Chúng ta rất may mắn được chỉ huy bởi một người đã có nhiều kinh nghiệm
quý báu. Chúng ta phải biết lợi dụng tài năng và kinh nghiệm này của Đại
tá Hara, để áp dụng cho chính bản thân mình. Ai chưa biết rõ Đại tá Hara ở
hiện tại thì tôi mong rằng trong những ngày sắp tới sẽ hài lòng để nhìn thấy
sự lỗi lạc của ông.”
Thiếu tá Yamagami cùng với các sĩ quan nâng ly mời tôi tuần rượu chót.
Sau buổi tiệc, tôi nói với Thiếu tá Yamagami: “Tôi cảm thấy có lỗi với
Thiếu tá về việc tôi đã nghiêm khắc thái quá đối với thuộc cấp của Thiếu tá.
Đúng ra, một vị chỉ huy trưởng hải đội phải trao toàn quyền điều khiển
chiếc tàu cho hạm trưởng. Tôi không biết giải thích làm sao để mọi người
hiểu rằng tôi buộc lòng phải nắm trong tay việc điều khiển chiếc Shigure.
Tôi nhìn nhận tinh thần hợp tác của Thiếu tá và hy vọng rằng một ngày nào
đó Thiếu tá sẽ hiểu.”
Thiếu tá Yamagami gật đầu một cách khiêm tốn. Giả sử ông ta là một
người ương ngạnh và bướng bỉnh thì với tư cách hạm trưởng của Shigure,
ông ta sẽ gây ra cho tôi không biết bao nhiêu là nỗi bực bội. May mắn thay,
ông ta đã chứng tỏ là một cộng sự viên rất đắc lực và biết tuân lệnh.
Sau sáu tuần huấn luyện khổ nhọc, Shigure được chỉ định vào công tác
phòng duyên ở Truk. Công tác này bao gồm việc bảo vệ những chuyển vận
hạm ra vào hải cảng và ngăn ngừa tiềm thủy đĩnh của địch quân len lỏi tấn
công. Công tác nhẹ nhàng này không hề làm cản trở chương trình huấn
luyện của chúng tôi.
Trong khi đó, tình hình chung của cuộc chiến không mấy sáng sủa đối
với Nhật Bản. Sau khi triệt thoái khỏi Guadalcanal, lực lượng Nhật rút về
trú đóng tại một chuỗi đảo khác nằm ở phía trên quần đảo Solomon. Nhưng
khả năng tấn công của địch càng lúc càng mạnh mẽ và nhanh chóng hơn
khả năng phòng thủ của Nhật Bản.
Đô đốc Mineichi Koga, kế nhiệm Đo đốc Yamamoto trong chức vụ Tổng
Tư Lệnh Hạm Đội Hỗn Hợp vẫn tiếp tục theo đuổi chiến thuật của vị tiền
nhiệm. Ông đã áp dụng chiến thuật tấn công lẻ tẻ, bằng cách phân tán các
tuần dương hạm và khu trục hạm ra từng nhóm nhỏ. Chiến thuật “tiêu hao”
này được tung ra cả ngày lẫn đêm, đã gặt hái được một số chiến thắng nhỏ,
nhưng vẫn không xoay nổi dòng thủy triều của cuộc chiến.
Cùng với việc triệt thoái ra khỏi vùng Guadalcanal, những lực lượng tinh
nhuệ của Nhật đóng tại quần đảo Solomon rút về New Georgia. Tại đây,
Nhật có những căn cứ trên hòn đảo chính Munda và các đảo phụ cận
Kolombangara. Trong khu vực này, Nhật có khoảng chừng 10.500 quân.
Ngày 30 tháng 6 năm 1943, lực lượng Hải Quân Hoa Kỳ đã chĩa một mũi
dùi vào khu vực này, qua các cuộc đổ bộ lên phía Bắc hai đảo Rendova và
Vangunu. Các cuộc đổ bộ này là mối đe dọa trầm trọng cho những căn cứ
của Nhật Bản trong khu vực, do đó Đô đốc Koga đã phải ra lệnh tăng cường
đến mức tối đa cho các đạo quân trú phòng. Các khu trục hạm của chúng tôi
được chỉ định vào công việc chuyển quân tăng cường này. Những chiến
hạm vừa chở đầy người và đồ tiếp liệu, vừa phải đối đầu với địch quân vượt
trội trong những trận đánh dữ dội xảy ra vào những ngày 4,6,12 và 19 tháng
7. Tưởng rằng với sự cách biệt rõ rệt giữa lực lượng hai bên, phần thất bại
sẽ nghiêng về phía chúng tôi. Nhưng trái lại, những chiến hạm nhỏ bé
nhưng can đảm này đã gặt hái được những thành tích lớn. Đặc biệt nhất là
chiến công sáng chói của 5 khu trục hạm tại Vịnh Kula vào đêm 12 tháng 7.
Trong cuộc quần thảo tại Vịnh Kula, lực lượng Nhật gồm có tuần dương
hạm hạng nhẹ Jintsu và các khu trục hạm Yukikaze ( đồng đội cũ của tôi) ,
Hamakaze, Mikazuki, Ayanami và Yugure chống lại với một lực lượng địch
gồm đến 3 tuần dương hạm hạng nhẹ, hai của Hoa Kỳ và 1 của New
Zealand, và 10 khu trục hạm. Trận chiến bắt đầu lúc nửa đêm, khi tuần
dương hạm Jintsu đáp nhầm lại tín hiệu cho một tàu Hoa Kỳ và bị đánh
chìm ngay lập tức bởi một hỏa lực tập trung mãnh liệt.
Trận chiến tiếp diễn, tuần dương hạm Leander của Hoa Kỳ bị chiến hạm
Nhật phóng ngư lôi loại ra khỏi vòng chiến. Lực lượng Đồng Minh vấp phải
một sai lầm khi chia lực lượng ra làm hai nhóm vào lúc ấy. Một trong hai
nhóm đã thất bại nặng khi lâm chiến với các khu trục hạm Nhật. Năm khu
trục hạm Nhật đã lướt sóng tung hoành giữa nhóm tàu thứ hai này của địch
quân, và đã loại ra khỏi vòng chiến hai tuần dương hạm St Louis và
Honolulu, đồng thời đánh chìm khu trục hạm Gwim. Trong cơn hỗn loạn
của trận chiến, hai khu trục hạm của Hoa Kỳ là Woodworth và Buchanan va
chạm nhau. Các chiến hạm Nhật quay mũi về căn cứ, tuy bị thiệt hại, nhưng
là thiệt hại trong chiến thắng.
Đối với Nhật, việc mất mát tuần dương hạm Jintsu, so với sự thiệt hại
mà khu trục hạm Yukikaze và các đồng đội gây ra cho ba tuần dương hạm
và 3 khu trục hạm Đồng Minh, có vẻ đắt giá hơn nhiều.
Tại Truk tôi cảm thấy có một chút ganh tị khi nghe được chiến công của
khu trục hạm Yukikaze. Chiếc Yukikaze cùng hạ thủy một lượt với chiếc
Amatsukaze của tôi hồi cuối năm 1942, nhưng nó chưa đạt được một chiến
công hiển hách nào trước đó, chỉ được thành tích là chiến hạm duy nhất còn
tồn tại trong trận hải chiến Bismarck mà không hề mang một thương tích
nào. Nhờ trận hải chiến tại Vịnh Kula chiếc Yukikaze trở thành một trong
những khu trục hạm nổi tiếng. Tôi định tâm cho chiếc Shigure của tôi ganh
đua chiến công với chiếc Yukikaze khi chúng tôi được lệnh di chuyển đến
Rabaul vào ngày 20 tháng 7.
Tôi rất sung sướng nhận được lệnh di chuyển. Từ trước đến sau, tôi chỉ
là một Chỉ huy trưởng Hải đội trên danh nghĩa, vì tất cả các chiến hạm của
tôi đều phân phối cho các bộ chỉ huy khác, ngoại trừ chiếc Shigure. Hai
trong số khu trục hạm của tôi là chiếc Yugure và Ariake bây giờ đang ở
Rabaul. Do đó khi nghĩ đến ba chiến hạm dưới quyền tôi sẽ gặp nhau, tự
nhiên tôi thấy phấn khởi. Tôi cũng biết được chiếc Yugure vừa trở về từ
trận đánh vinh quang ở Vịnh Kula với nhiều thành tích đáng kể. Với kinh
nghiệm đã qua, chiếc tàu này sẽ là một tài sản quý giá của Hải đội.
Toàn thể thủy thủ đoàn Shigure đều chia sẻ cảm giác này với tôi, và tinh
thần của họ lên cao khi nghe tin những thành tích mà chiếc Yugure đã gặt
hái được.
Chịu đựng sự huấn luyện gian khổ trong suốt bốn tháng trời ròng rã, tất
cả mọi người đều mệt mỏi, nhưng trước viễn tượng sẽ được dịp thử sức với
địch quân ngoài mặt trận, nỗi mệt mỏi này đã tan biến.
Chất đầy những bộ phận phi cơ mà Rabaul rất cần đến, chiếc Shigure
hướng về phía Nam với tốc độ đều đặn 18 hải lý. Tôi không thể nào tưởng
tượng được rằng chỉ qua bốn tháng huấn luyện, đã làm biến đổi một thủy
thủ đoàn thiếu tinh thần, làm việc rời rạc trước đây, trở thành một thủy thủ
đoàn làm việc hăng say, có tinh thần đồng đội cao độ. Trong suốt thời kỳ
huấn luyện, tôi tiết kiệm những lời khen thưởng, nhưng họ cũng đã thi hành
bổn phận một cách tốt đẹp. Kinh nghiệm thực tế đã dạy cho tôi hiểu rằng
hành động thật sự sẽ giúp cho ta hiểu biết nhiều hơn là hàng ngàn lần thao
dượt. Có lẽ tôi cần phải tiết kiệm lời khen thưởng cho đến lúc nào họ thật
sự chịu đựng được một cách can đảm trước khói lửa, và tôi cũng hy vọng
nhờ vào những thử thách cam go, sự yếu kém của họ sẽ được điền khuyết.
Bây giờ tôi thèm khát được chiến đấu. Khu trục hạm Yukikaze đã thành
công, Shigure cũng sẽ thành công.
Đoạn hải trình đến Rabaul không có gì xảy ra, và chúng tôi cập bến vào
ngày 23 tháng 7. Tôi lập tức trình diện Tổng hành dinh ở đây. Một sĩ quan
tham mưu đã lặng lẽ trao tôi một bản tin. Tôi xem vội vã và chết điếng
người. Bản tin cho biết hai khu trục hạm Yugure và Kiyonami đã bị đánh
chìm tại phía Nam Choiseul vào ngày 20. Hai chiếc tàu này nằm trong
thành phần các khu trục hạm có nhiệm vụ vận chuyển đồ tiếp tế đến
Kolombangara, bị gián đoạn một tuần lễ trước đó và đang được cố gắng
thực hiện lại. Toàn thể thủy thủ đoàn mất tích, gồm 228 người của chiếc
Yugure và 240 người của chiếc Kiyonami. Như vậy, tính ra địch quân đã
phục thù được tổn thất của họ tại Vinh Kula trong vòng có một tuần lễ.
Ngay sau khi chiếc Shigure đổ hàng xong xuôi, tôi báo cho thủy thủ
đoàn biết câu chuyện đã xảy ra cho hai chiếc khu trục hạm bất hạnh trên.
Toàn thể thủy thủ lắng nghe một cách im lặng, và theo tôi ghi nhận, họ đã
bắt đầu cảm thấy tất cả những gì mà họ đã phải chịu đựng trong lúc tập
dượt không phải là vô ích.
Hải đội 27 Khu trục hạm vẫn còn đặt dưới quyền chỉ huy của tôi, dầu chỉ
trên danh nghĩa. Nhưng khu trục hạm Ariake cùng với hai chiếc khác trở về
vào ngày 21, sau khi thành công trong nhiệm vụ chuyển vận đến
Kolombangara kế tiếp chuyến đi thất bại của Yugure và Kiyonami. Cả ba đã
chọn hải trình Vịnh Vella để di chuyển thay vì Vịnh Kula. Lực lượng hùng
hậu của địch, gồm 4 tuần dương hạm và 3 khu trục hạm, vẫn còn lảng vảng
tại Vịnh Kula, nhưng không sao phát giác được tung tích của 3 khu trục
hạm Nhật, cho mãi đến khi chúng tiến được vào mặt này và ra đi ở mặt kia
của đảo Kolombangara.
Rabaul, căn cứ tiếp liệu cho tất cả lực lượng Nhật Bản trấn đóng trên
quần đảo Solomon và New Guinea, là địa điểm đã xảy ra những trận đánh
khốc liệt nhất vào mùa hè 1943. Khu trục hạm Shigure được phép tạm nghỉ
xả hơi, nhưng tất cả thủy thủ đoàn luôn luôn nằm trong tình trạng ứng chiến
trong suốt 6 ngày, và sau đó được lệnh cùng 3 chiến hạm khác, thuộc Phân
đội 4 Khu trục hạm, lãnh nhiệm vụ chuyển vận đồ tiếp tế đến
Kolombangara lần nữa.
Chúng tôi bắt buộc phải sử dụng hải trình xuyên qua Vịnh Vella mà cách
đây 10 ngày chiếc Ariake đã di chuyển. Hải trình này rất “an toàn” như
Tổng hành dinh Rabaul đã cho chúng tôi biết.
Tuy nhiên chúng tôi phải dè dặt bởi vì, theo như nhận xét của riêng tôi,
việc lặp lại thường xuyên một phương thức đã từng được sử dụng thường
rước lấy thảm họa. Chúng tôi không tin được các tuần dương hạm và khu
trục hạm của địch quân có thể lại phí phạm một cách vô ích thời gian và
nhiên liệu tại Vịnh Kula. Thảm kịch đã xảy đến cho hai chiếc Yugure và
Kiyonami có lẽ là một bằng chứng khá đủ để không cho phép chúng tôi
xem thường khả năng của đối phương một cách khờ khạo như thế.
Ngày 1 tháng 8, chúng tôi rời hải cảng Rabaul ra khơi theo đội hình hàng
dọc. Chiếc Amagiri lãnh nhiệm vụ hướng dẫn và thám báo nên không chở
theo gì cả. Ba khu trục hạm theo sau, Hagikaze, Arashi và Shigure, đều chất
đầy người và hàng hóa. Tổng số lên đến 900 binh sĩ và 120 tấn tiếp liệu.
Chuyến ra khơi thực sự lần đầu tiên trong năm này, tôi cảm thấy âu lo.
Trong thời gian tôi vắng mặt, các hải vực thuộc miền trung Solomon này là
nơi nhận chìm rất nhiều khu trục hạm nổi tiếng của Nhật. Ba khu trục hạm
Kagero, Huroshio và Oyashio, từng tạo những chiến công oanh liệt ngoài
khơi đảo Savo cho Đề đốc Tanaka, đã bị phi cơ địch và mìn nhận chìm vào
ngày 8 tháng 5 năm 1943. Nagatsuki, chiếc tàu đã cùng tham chiến với tôi
tại biển Java, và chiếc Niizuki đã vùi sâu trong hải vực này hồi tháng 7.
Hatsuyuki, người hùng của trận Savo vào tháng 10 năm 1942, đã nổ tan xác
và chìm sâu xuống biển cả mênh mông gần Bougainville vào ngày 17 tháng
7 năm 1943.
Mải suy nghĩ về những chuyện đã xảy ra mà tôi quên rằng mình đang
đứng trên đài chỉ huy của chiếc Shigure. Nhìn đại dương bao la và đen thẫm
trước mặt, tôi tự hỏi không biết bao nhiêu chiếc, và chiếc nào trong số 4
khu trục hạm do tôi chỉ huy, có thể vượt thoát được cơn sóng gió sẽ xảy đến
trong lần ra khơi này? Khi đêm xuống hẳn, tôi cảm thấy nhẹ người. Với
màn đêm đen như mực này, hy vọng phần lợi thế sẽ nghiêng về phía chúng
tôi.
Chúng tôi tiến vào eo biển Blackett. Đoạn nằm giữa Kolombangara và
ba đảo nhỏ hơn, đến tận phía Tây Nam của eo biển này rất hẹp, đầy dẫy đá
san hô và nhiều chỗ rất nông kéo dài cả Km. Tôi ra lệnh cho tàu tắt máy
trước khi đến điểm hẹn. Ba chiếc tàu chở đầy nghẹt hàng hóa và binh sĩ
lặng lẽ lướt tới.
Hàng chục chiếc tàu nhỏ từ trong bờ chạy nhanh ra để nhận hàng và
người. Công việc diễn ra chỉ trong vòng 20 phút, tất cả hàng tiếp tế và binh
sĩ đều được chuyển đi. Chúng tôi nhẹ hẳn người khi nhận được đèn hiệu
của chiếc Hagikaze: “Quay trở về.”
Khu trục hạm Amagiri đã thoát chạy trước dẫn đường trong khi 3 chiếc
khác còn lo cho máy chạy lại. Trong vòng 5 phút, chúng tôi rời khỏi điểm
đổ hàng, chạy ngược trở lại đoạn hải trình nguy hiểm, đầy dẫy chướng ngại
vật của eo biển Blackett. Tôi đã lưu ý đài chỉ huy và các quan sát viên của
chiếc Shigure phải cẩn thận. Trong khu vực này địch quân đã giăng một
mạng lưới tình báo rất chặt chẽ, có thể họ đã biết được những hoạt động của
chúng tôi. Họ có thể xuất hiện để tấn công chúng tôi, tại bất cứ khoảng nào
thuộc vùng đá ngầm của eo biển Blackett này.
Di chuyển hơn 10 phút, chúng tôi bắt đầu cho tàu chạy 30 hải lý một giờ
để lướt nhanh qua đoạn hải trình nguy hiểm, mà ngay cả trong thời bình
cũng không có một chiếc nào dám di chuyển ban đêm với tốc độ quá 12 hải
lý một giờ, dầu mở sáng tất cả các đèn. Dĩ nhiên, hiện thời chúng tôi phải di
chuyển âm thầm. Khí trời ban đêm thật oi bức, nhưng mồ hôi lạnh lại lấm
tấm trên trán của mọi người. Chúng tôi di chuyển qua Arundel, Wana-Wana
và đến ngang Gizo thì bắt kịp khu trục hạm Amagiri. Chúng tôi tiếp tục di
chuyển theo đội hình hàng dọc, mỗi chiếc cách nhau 600m. Mắt tôi, nhìn rất
rõ trong đêm tối, chợt nhìn thấy một vật nhỏ màu đen đang di chuyển khá
nhanh trên mặt biển, ở mạn trái con tàu. Vật màu đen này di chuyển về
hướng chiếc Ammagiri, đang chạy phía trước chiếc Shigure chừng 1.500m.
Chưa xác định rõ vật đen đó là gì, nhưng tôi tự nói với mình “tàu địch
mò đến”, và cố trấn áp hồi hộp.
Vật đen mờ dần trong đêm tối, và biến mất hẳn. Không một tiếng nổ,
không một ánh đèn, không một tiếng súng nào. Thật là kỳ quái. Ngay lúc
đó, hoạt động trên Amagari có vẻ rộn ràng, và từ chiếc tàu này, một tín hiệu
bằng đèn được gửi đi: “Gặp các ngư lôi đĩnh địch. Một chiếc bị đụng và
chìm.”
Súng trên hai khu trục hạm Hagikaze và Arashi bắt đầu khai hỏa. Tôi
nhận thấy hàng loạt đạn như mưa tuôn ra từ tả mạn của hai chiếc tàu này.
Hai ngư lôi đĩnh địch bốc cháy dữ dội, soi sáng cả quang cảnh xung quanh
hai khu trục hạm Arashi và Hagikaze. Tôi cũng ra lệnh cho chiếc Shigure
khai hỏa. Toàn thể thủy thủ đoàn nãy giờ vẫn kìm súng, bắt đầu ra tay thật
chính xác. Hai ngư lôi đĩnh địch bốc cháy dữ dội hơn, và dần dần biến mất
trong dòng nước đen ngòm. (Thật ra, đây chỉ là hai phần của chiếc PT-109
bị Amagari đụng và cắt rời ra.)
Những tiếng cười hân hoan vang lên trên các khu trục hạm Nhật, lúc
chúng tôi tiếp tục xả hết tốc lực trên đoạn hải trình còn lại để trở về căn cứ.
Cảm thông được niềm vui của mọi người, nhưng tôi không thể hòa mình
cùng với họ, vì đầu óc của tôi vẫn còn lảng vảng hình ảnh của chiếc PT-109
lúc tàu tôi lướt ngang qua.
Chiếc tàu này đã làm tôi nhớ đến chiếc Terutsuki bị đánh chìm vào tháng
12 năm 1942, bởi các trái ngư lôi do hai ngư lôi đĩnh địch có trọng tải 50
tấn phóng ra. Có lẽ chúng tôi cũng chịu chung số phận với chiếc khu trục
hạm Terutsuki đêm nay, nếu địch quân nhận ra chúng tôi và phản ứng trước
một vài phút sớm hơn.
Chúng tôi giảm tốc độ lại khi ra khỏi Vịnh Vella, và sau đó trở về căn cứ
Rabaul an toàn. Thủy thủ đoàn của chúng tôi vẫn còn phấn khởi với chiến
công vừa qua, nhưng tôi thì rất dè dặt và lo ngại. Sự lo ngại thật sự đã đến
với tôi, khi tôi đến trình diện tại tổng hành dinh và nhận một tin tức chính
thức.
“Khu trục hạm Mitkazuki (thuộc Hải đội 30 Khu trục hạm) và Ariake
(thuộc Hải đội 27 Khu trục hạm) trong lúc thi hành sứ mạng chuyển vận
đến Tuluvu, New Britain. Đã mắc cạn gần mũi Gloucester vào ngày 27
tháng 7, và hôm sau cả hai đã bị các oanh tạc cơ B-25 oanh kích hủy diệt
hoàn toàn, nhưng chỉ có 7 thủy thủ thiệt mạng.”
Tôi buồn bã quay trở về khu trục hạm Shigure. Một lần nữa, tôi lại trở
thành vị hải đội trưởng chỉ có một khu trục hạm dưới tay. Tai biến dồn dập
biết bao. Không đầy một tháng, năm chiến hạm đã từng tạo nên những
chiến công lẫy lừng chỉ còn lại hai chiếc.
Hai chiếc Mikazuki và Ariake vụng về, đần độn đến bậc nào mà cho đến
nỗi phải bị mắc cạn? Mệt mỏi và mất tinh thần, đêm đó tôi đã nốc cạn rất
nhiều chai sake, Thiếu tá Yamagachi đã cùng tôi đối ẩm để chia sẻ nỗi đau
buồn cùng cực với tôi. Nhưng ông ta chỉ lưu lại một giờ đồng hồ, và sau đó
tôi độc ẩm suốt đêm.
Hai ngày sau, lúc sáng sớm ngày 4 tháng 8, Đại tá Kaju Sugiura, chỉ huy
trưởng Hải đội 4 Khu trục hạm, đạt giấy mời Yamagachi và tôi đến soái
hạm của ông để dự một phiên họp.
Đó là một buổi sáng đầy nắng. Chúng tôi dùng ca nô chạy đến khu trục
hạm Hagikaze. Bàn ghế của buổi họp đặt trên sàn tàu, phía trên căng một
tấm vải nhỏ để che nắng.
Hai chúng tôi đến muộn hơn hết. Các hạm trưởng và sĩ quan thuộc các
khu trục hạm khác có mặt trên tàu tiếp đón chúng tôi một cách thân mật.
Đại tá Sugiura, huynh trưởng của tôi ở Eta Jima và đã tốt nghiệp Trường
Tham Mưu Cao Cấp, sau khi chào hỏi mọi người, ông bắt đầu ngay phiên
họp, Ông nói: “Thưa toàn thể quý vị, tôi rất vui mừng thông báo cùng quý
vị rõ, chúng ta đã thành công mỹ mãn trong sứ mạng chuyển vận đến căn
cứ Kolombangara vừa qua. Sự thành công này sở dĩ đạt được là nhờ sự
cộng tác chặt chẽ của quý vị. Bộ Tư Lệnh Tối Cao Lục quân và Hải quân
rất hài lòng, và nhờ tôi chuyển đến quý vị lời khen nồng nhiệt nhất. Đồng
thời, thượng cấp ra lệnh tiếp tục công tác chuyển vận vào ngày mốt. Khu
trục hạm Kawakaze sẽ thay thế khu trục hạm Amagari bị móp ở mũi vì
chạm phải ngư lôi đĩnh của địch quân. Tôi yêu cầu quý vị cho biết ý kiến,
và điều cần đề nghị tôi cũng rất mong quý vị nêu ra.
Nhìn chung quanh bàn họp, tôi nhận thấy toàn thể các hạm trưởng thuộc
quyền Sugiura lắng nghe một cách bình thản. Không một ai đứng lên phát
biểu ý kiến nhằm chống lại Đại tá Sugiura. Trong buổi họp, tôi là người duy
nhất mang cùng một cấp bậc Đại tá, và cũng là một Hải đội trưởng, dù chỉ
một chiếc, như Sugiura, nên tôi đứng dậy và lên tiếng:
“Thưa Đại tá, tôi hiểu Đại tá muốn nói gì khi bảo rằng chúng ta cần phải
tiếp tục thi hành sứ mạng của chúng ta. Điều đó, thưa Đại tá, có phải Đại tá
muốn nói rằng chúng ta cần phải thi hành công tác theo cùng một hải trình
mà chúng ta đã sử dụng trong chuyến vừa qua?”
“Đúng vậy, thưa Đại tá Hara. Chúng ta cũng sẽ đi ngang qua Vịnh Vella
và eo biển Blackett. Chúng ta xuống hàng tại căn cứ Kolombangara vào lúc
23h30 ngày mốt, y như lần trước chúng ta đã thực hiện.”
“Xin lỗi Đại tá, tôi nghĩ rằng lặp lại một phương thức mà chúng ta đã sử
dụng là một hành động không mấy khôn khéo. Chúng ta đã sử dụng hải
trình ngang qua Vịnh Vvella hai lần rồi. Tôi tự hỏi chúng ta không thể sử
dụng một hải trình khác được sao? Riêng eo biển Blackett đã là hải trình
không an toàn, vì nó đầy dẫy đá ngầm và có những khoảng rất nông, đó là
chưa nói đến chuyện phải qua eo biển Gizo như thế nào trước khi vào được
Blackett mà không bị địch quân phát giác?”
“Thưa Đại tá Hara, tôi đồng ý quan điểm của Đại tá, nhưng tôi đã lỡ ban
theo chỉ thị của thượng cấp. Do đó, việc thay đổi hải trình theo như Đại tá
vừa nói, sẽ đưa đến việc thay đổi toàn bộ hệ thống liên quan đến công tác
mà chúng ta đảm nhận, nhất là về phương diện liên lạc. Như Đại tá đã rõ,
hệ thống liên lạc của Lục quân chúng ta vô cùng yếu kém. Nếu eo biển
Blackett bất lợi đối với chúng ta thì nó cũng nguy hiểm đối với địch quân.
Các ngư lôi đĩnh của địch có thể chạm vào đá ngầm trước khi chúng đương
đầu với chúng ta.”
Ba hạm trưởng của Đại tá Sugiura gật đầu nhè nhẹ, tỏ ra họ đồng ý
những điều mà vị chỉ huy của họ vừa phát biểu. Những phản đề nghị của tôi
rõ ràng đều bị tất cả mọi người có mặt trong buổi họp chống đối, ngoại trừ
Yamagami. Tôi cảm thấy hơi choáng váng. Bên tai tôi lại văng vẳng những
câu trong quyển tự truyện của Musashi Miyamoto”
“Lập lại một phương thức đã từng sử dụng quả là tệ hại, và còn tệ hại
hơn nữa nếu lặp lại lần thứ ba……. Khi đối phương nghĩ mình đánh cao,
mình đánh thấp. Khi đối thủ nghĩ thấp, mình sẽ đánh cao. Đó là bí quyết
của kiếm thuật.”
Đại tá Sugiura không phải là người xa lạ gì với tôi. Chúng tôi đã là bạn
nhau từ nhiều năm nay. Ông được thượng cấp tín nhiệm và có nhiều biệt
nhãn đối với ông. Có nhiều dấu hiệu cho thấy ông sẽ được thăng cấp Đề
đốc. Một người có tương lai như vậy thì khi nào lại dám cãi lại mệnh lệnh
của cấp trên đưa xuống.
Đại tá Sugiura phá tan sự im lặng và tiếp tục lên tiếng một cách rất hòa
hoãn:
“Đại tá Hara, nếu Đại tá bằng lòng thì tôi sẵn sàng giao nhiệm vụ thám
báo cho chiếc Shigure. Như vậy Đại tá sẽ được rảnh tay và khỏi phải lo lắng
về vấn đề chuyển vận nặng nhọc. Nhiệm vụ này trước đây do chiếc Amagiri
đảm trách và hiện được chiếc Kawakaze thay thế, nhưng thủy thủ đoàn của
chiếc tàu này lại thiếu kinh nghiệm. Tôi mong rằng với tài khéo léo và kinh
nghiệm sẵn có của Đại tá, Đại tá sẽ hoàn tất công tác một cách tốt đẹp trong
nhiệm vụ thám báo.”
Đây lại là một lời đề nghị chứng tỏ sự khôn khéo của Đại tá Sugiura.
Ông ta muốn đẩy tôi, kẻ duy nhất chống đối lệnh hành quân, vào thế không
thể từ chối trước một trách nhiệm quan trọng như vậy trong cuộc hành quân
này.
Tất cả mọi người đều nhìn về tôi chờ xem sự phản ứng. Tôi trả lời một
cách chân thành: “Tôi cảm ơn sự lưu tâm của Đại tá đối với tôi, nhưng rất
tiếc tôi không thể nào chấp nhận sự đề nghị của Đại tá.”
Tất cả những người tham dự trong buổi họp đều ngạc nhiên. Các hạm
trưởng có mặt đều áy náy lúc nghe tôi trả lời như vậy. Tôi tiếp tục: “Khu
trục hạm Shigure, một chiếc tàu chậm chạp, cũ kỹ, nhiều tuổi nhất trong số
4 khu trục hạm tham dự cuộc hành quân này. Bộ máy 42.000 mã lực của
Shigure đã đến thời kỳ phải sửa chữa, do đó tôi sợ nó không đạt nổi tốc độ
30 hải lý. Giao nhiệm vụ thám báo cho nó thật không thích hợp chút nào.
Tôi đề nghị nên giao nhiệm vụ này cho Trung tá Koshichi Sugioka, hạm
trưởng khu trục hạm Arashi. Chiếc tàu của ông còn mới, và với dàn máy
52,000 mã lực, nó có thể đạt đến tốc độ 35 hải lý dễ dàng.”
Trong lúc bầu không khí im lặng bao trùm buổi họp, Sugiora vẫn ngồi
lặng lẽ và đôi mắt của ông ngó lặng chỗ khác. Cuối cùng, nột cách trầm
tĩnh, Đại tá Sugiora đã phá tan bầu không khi im lặng với ý kiến nhân
nhượng:
“Được rồi, thưa toàn thể quý vị, soái hạm Hagikaze sẽ đi đầu và lãnh
nhiệm vụ thám báo. Tuy nhiên vẫn phải chia sẽ gánh nặng trong nhiệm vụ
chở binh sĩ và đồ tiếp liệu. Ba chiếc Arashi, Kawakaze và Shigure theo sau,
chiếc nọ cách chiếc kia 500m. Bằng lòng chưa, thưa Đại tá Hara?”
Tôi bằng lòng với sự xếp đặt này, vì nhận thấy Đại tá Sugiura chiều lòng
tôi như vậy đã là quá mức. Buổi họp chuyển sang bàn cãi những vấn đề
khác thuộc về chuyên môn.
Theo kế hoạch, chúng tôi sẽ rời khỏi Rabaul vào sáng sớm để có thể đến
được vùng luôn luôn nằm dưới mắt của trinh sát cơ địch xuất phát từ căn cứ
Russells khi đêm xuống. Đại tá Sugiura cho biết rằng tầm hoạt động của phi
cơ Hoa Kỳ tại căn cứ này là 300 dặm.
Tin tức của Đại tá Sugiura có lẽ đúng trước đây một tuần, nhưng chúng
tôi không thể nào cứ cho rằng bây giờ những chiến đấu cơ địch không thể
xuất phát từ căn cứ tiền phương của chúng ở Rendova. Căn cứ này bắt đầu
hoạt động từ tháng 7. Ngoài ra, lực lượng chúng tôi còn có thể bị các tiềm
thủy đĩnh địch phát giác. Tuy nhiên, điều này không đáng quan tâm mấy.
Cuộc họp này kéo dài 2 giờ. Tôi giữ thái độ im lặng và lo âu khi rời buổi
họp về Shigure. Yamagari nói với tôi:
“Thưa Đại tá, tôi rất lấy làm khâm phục sự can đảm của Đại tá, qua
những ý kiến mà Đại tá đã phát biểu trong buổi họp. Nhưng tôi e rằng tất cả
những sĩ quan thuộc hải đội 4 sẽ không bao giờ lưu tâm đến quan điểm của
Đại tá.”
“Đây không phải chỉ là vấn đề can đảm mà tôi phải phát biểu trong buổi
họp, như ý nghĩ của mọi người. Nhưng chính vì mạng sống của nhiều người
mà tôi phải nói lên những điều đó. Cuộc hành quân thật ra rất vô lý, nhưng
bây giờ tôi chỉ biết làm một việc đơn giản là cầu nguyện cho chúng ta được
nhiều may mắn trong sứ mạng mà cấp trên giao phó.”
Tôi luôn nghĩ đến buổi họp vừa qua với nỗi buồn sâu xa. Tôi sẽ không
bao giờ khuất phục trước chính sách điên rồ của giới chỉ huy tối cao. Giả sử
mà quan điểm của tôi được họ lưu ý đến thì hàng ngàn mạng người sẽ được
cứu sống ở cuộc hành quân đang phát động và những cuộc hành quân sắp
được phát động sau này.
Tuy nhiên, tập đoàn chỉ huy tối cao của binh chủng Hải quân có khi nào
lại chú ý đến quan điểm của tôi. Sau đó, tôi biết được những lời chống đối
rất hữu ích của tôi trong cuộc họp kể trên còn tạo nên rất nhiều chỉ trích
trong giới sĩ quan tại căn cứ Rabaul.
Vào 3h sáng ngày 6 tháng 8, chúng tôi rời căn cứ Rabaul tiến về hướng
Nam. Mặt biển lặng sóng, bầu trời nhiều mây, thỉnh thoảng những cơn mưa
luồng chợt đến, và xen vào đó là ánh nắng chiếu loáng thoáng từng khoảnh
trên đại dương.
Lúc 14h30, chúng tôi di chuyển ngang qua đảo Boka. Một trinh sát cơ
địch xuất hiện, nhưng rồi mất hút trong mây. Truyền tin của tôi cho biết vừa
chặn bắt được một công điện được mã hóa. Có lẽ đây là công điện của phi
cơ địch báo cáo hướng tiến của chúng tôi về bộ chỉ huy. Thật ra, cuộc hành
quân này không làm cho địch quân phải ngạc nhiên.
Tôi tiếp tục theo dõi soái hạm Hagikaze, để xem Đại tá Sugiura đối phó
với tình hình như thế nào. Tôi rất buồn lòng khi thấy chúng tôi vẫn tiếp tục
đi theo một lộ trình, và với tốc độ như cũ, dầu rằng địch quân đã phát hiện
chúng tôi. Tôi nghiến chặt răng và thi hành nhiệm vụ.
Lúc 19h, chúng tôi tiến vào eo biển Bougainville, xoay hướng 140 độ và
gia tăng tốc độ lên 30 hải lý. Hai giờ hai mươi phút sau đó, chúng tôi tiến
thẳng vào mặt Đông Bắc của đảo Vella Lavelle. Chiếc Shigure rơi về phía
sau, chứng tỏ nó không đủ sức chạy mãi với tốc lực 30 hải lý. Sĩ quan hoa
tiêu là Trung úy Toshiro Tsukihara báo cáo với tôi: “Thưa Đại tá, chúng ta ở
mãi tuốt đằng sau chiếc Kawakaze đến 1000m, Làm thế nào gia tăng tốc độ
để giữ khoảng cách 500m?”
“Không,” tôi lớn tiếng, “như thế này được rồi. Thật là điên khùng để giữ
khoảng cách 500m. Đừng bắt máy chạy nhanh hơn nữa.”
Căn cứ Kolombangara hiện ra thấp thoáng ở mạn phải chiếc Shigure, với
ngọn núi cao ngút bao phủ toàn mây đen. Ở mạn trái, tôi không nhìn thấy gì
cả ngoài một màu đen kịt mà từ đó địch quân có thể xuất đầu lộ diện bất cứ
lúc nào. Tôi cảm thấy hơi nao núng.
Tôi lớn tiếng ra lệnh: :”Sẵn sàng chiến đấu. Tất cả trọng pháo và ngư lôi
nhắm về mạn trái, đặt súng ở tầm 3.000m, ngư lôi ở tầm sâu 2m, giác độ
20. Tăng cường gấp đôi các vị trí quan sát.”
Mười phút năng nề trôi qua, tôi vẫn nhìn chăm chú về mạn trái xem coi
có dấu hiệu hoặc chuyển động nào của địch quân hay không. Tầm nhìn của
tôi không xa hơn 2.000m. Sự căng thẳng trên tàu chợt bị xé tan khi tiếng
nói từ phòng kiểm soát vang lên qua ống liên lạc nội bộ. Đó là tiếng nói của
Đại úy Doi hỏi tôi xem tất cả những ống phóng ngư lôi có phải di chuyển
hết từ mạn phải sang mạn trái theo lệnh hay không?
Tôi la lên: “Không”.
Và tiếp đó tôi giải thích rõ hơn: “Không di chuyển Doi, ở mạn phải nhìn
rất rõ, chúng ta có thể nhìn thấy cả những lớp san hô của đảo Vella Lavella.
Nhưng ở mạn trái, chúng ta không thể nào nhìn xa quá 2.000m, chúng ta
không biết địch quân ở đâu mà mò. Hãy cứ giữ vị trí các ngư lôi như cũ và
riêng hướng tả mạn, sẵn sàng phóng bất cứ lúc nào.”
Tiếng nói của tôi chưa kịp dứt, quan sát viên Yamashita la lên: “Những
làn sóng trắng! Những vật đen xuất hiện!... Rất nhiều chiếc tàu đang tiến về
phía chúng ta!”
Lập tức, tôi ra lệnh cho tàu xoay hẳn về phía phải, đồng thời ra lệnh
phóng ngư lôi vào các mục tiêu ở mạn trái. Bây giờ thì những vệt sóng
trắng đã hiện rõ trên mặt đại dương. Tôi cảm thấy hơi nao núng, liếc nhìn
về phía ba khu trục hạm dẫn đầu. Cả ba đang tiếp tục tiến về phía trước,
như không để ý gì những chiến hạm địch đang đâm thẳng đến.
Tôi chửi thề! Shigure của tôi vẫn còn lẽo đẽo tận mãi phía sau, cách
chiếc Kawakaze đến 1500m. Khoảng 45 giây sau lệnh đổi hướng, Shigure
vung sang mạn phải, ngay khi những quả ngư lôi được phóng ra và lướt
nhanh trên mặt nước. Lúc đó là 21h45. Khi sắp ra lệnh phóng thêm 8 quả
ngư lôi nữa, tôi chợt thấy nhiều quả ngư lôi xé nước chạy về phía chúng tôi.
Quả ngư lôi gần nhất chỉ cách tàu chúng tôi 800m. Tôi ra lệnh cho chiếc tàu
xoay cấp tốc về phía phải. Ngay lúc đó, tôi nhìn thấy một cột lửa bốc lên từ
khoảng giữa khu trục hạm Arashi, và 2 cột lửa khác từ khu trục hạm
Kawakaze. Riêng chiếc tàu dẫn đầu Hagikaze ở mãi tít đằng xa và chạy
cùng hàng với hai chiếc tàu phát hỏa, nên tôi không hiểu được tình trạng nó
ra sao.
Lúc quay nhìn xuống mặt nước, tôi nín thở. Ba quả ngư lôi lướt thẳng
đến trước mũi Shigure, lúc chiếc tàu vừa quay về mạn phải. Tôi gần như
muốn quỵ xuống, nhưng đã kịp nắm chặt vào tay vịn của đài chỉ huy. Quả
ngư lôi đầu chỉ cách mũi tàu khoảng 20m, quả kế gần hơn, và quả thứ ba
chắc chắn trúng chiếc tàu. Tuy nhiên, nó không trúng, hoặc nếu có trúng thì
chỉ phớt nhẹ vào vỏ tàu lúc chiếc tàu đang xoay hướng nhanh chóng. Tôi
mơ hồ nghe một tiếng động nhẹ phát ra từ phía sau chiếc tàu, nhưng không
đoán ra là tiếng động gì. Nhìn chung quanh, một lần nữa tôi phát hiện nhiều
quả ngư lôi đang lướt ngang phía trước mũi chiếc Shigure, cách chừng 30m
hay xa hơn chút ít, lúc nó vừa xoay vòng tròn để tránh né một cách tuyệt
vọng.
Tôi ra lệnh cho chiếc tàu xoay ngược: “Bẻ lái sang trái, nửa vòng!”
Khi một khu trục hạm đang chạy với tốc lực 30 hải lý một giờ, muốn
guồng lái đáp ứng với tay lái phải mất một phút. Tôi nhìn quanh đầy lo
ngại. May mắn thay, tôi không còn nhìn thấy quả ngư lôi nào nữa. Lúc này
tôi mới có dịp nhìn đồng hồ. Bây giờ là 21h47. Hai phút ngắn ngủi vừa trôi
qua là hai phút nghẹt thở nhất trong cuộc đời tôi.
Quan sát viên Yamashita thông báo một cách hân hoan là một trong số
những quả ngư lôi do chúng tôi phóng đi đã nổ giữa đám tàu của địch quân.
Đây là loạt khai hỏa đúng vào lúc mà toàn thể thủy thủ và sĩ quan thuộc khu
trục hạm Shigure đang lo lắng không biết lúc nào chiếc tàu thân yêu của
mình bị trúng ngư lôi địch.Tuy nhiên, niềm vui này không dài lâu khi chúng
tôi nhận thấy hình như không một chiến hạm nào của địch bị trúng ngư lôi
của chúng tôi.
Sau đó, mọi người đoan chắc rằng sở dĩ quả ngư lôi phát nổ vì chạm
phải sóng mạnh do tàu địch gây ra, bởi lẽ loại ngư lôi Oxygen rất bén nhạy.
Đêm đó, địch quân đã tránh né loại ngư lôi tối tân của Nhật một cách tài
tình. Tôi đinh chắc thế nào một số ngư lôi mà chúng tôi phóng ra cũng
trúng đích, nhưng các khu trục hạm địch đã kịp thời quay 90 độ hướng về
phía Đông thật đúng lúc để lẩn tránh.
Lực lượng Hải quân Hoa Kỳ đang hoạt động gần Bougainville này là lực
lượng đặc nhiệm 312 do Trung tá Frederick Moosbrugger chỉ huy, bao gồm
Hải đội 12 Khu trục hạm với các chiếc Dunlap, Craven và Maury, cùng Hải
đội 15 Khu trục hạm với các chiếc Lang, Sterrett và Stack.
Tôi liên lạc với phòng truyền tin hỏi xem có tin tức gì của các khu trục
hạm Nhật khác hay không. Tôi được trả lời ngay: “Tin nhận được cho biết
khu trục hạm Arashi và Kawakaze đã trúng ngư lôi địch. Không biết tin tức
gì về khu trục hạm Hagikaze.”
Sau khi ra lệnh phải cố giữ liên lạc thường xuyên với các tàu bạn, tôi cho
Shigure phun một màn khói để che dấu hoạt động của chúng tôi. Tôi phân
vân không biết phải làm gì nữa đây. Trong lúc đó, chiếc Shigure đang chạy
thẳng về hướng Tây bắc, rời khỏi khu vực chiến đấu. Kiểm điểm lại tình
hình, tôi nhận thấy địch quân đã mở một cuộc phục kích chúng tôi rất thần
tình, và vào lúc ấy chiếc Shigure ở vào một tình thế bất lợi thấy rõ. Tôi nhớ
lại cái đêm ở Guadalcanal trước đây, một mình chiếc khu trục hạm của tôi
đương đầu với cả một đoàn tàu địch, và đã đánh chìm khu trục hạm Barton.
Bây giờ thì tình thế đã đổi khác. Địch quân đã tiến thẳng vào tàu tôi và
không phải một mình chiếc tàu tôi chống trả địch quân. Xét đoán hướng
tiến của các ngư lôi địch, tôi nhận thấy các chiến hạm địch đã khai hỏa
trong sự phối hợp chặt chẽ. Hai khu trục hạm Arashi và Kawakaze bị trúng
đạn đã gây sửng sốt cho tôi. Trước đây, tôi chưa bao giờ thấy chiến hạm nào
của địch quân phóng ngư lôi tài tình như vậy. Ngẫu nhiên, tôi đã khám phá
ra kỹ thuật phóng ngư lôi của địch quân.
Đêm nay, lực lượng Hải quân Hoa Kỳ đã nắm được đầy đủ lợi thế. Tôi
không thể nào tháo chạy, bỏ mặc các tàu bạn, cho dù tôi biết không thể nào
chống chọi lại với một lực lượng địch quân vượt trội như vậy. Khu trục hạm
Hagikaze biệt tăm, chỉ mong rằng may ra nó vẫn còn nổi được trên mặt
biển. Tôi ra lệnh chuẩn bị lại các dàn ngư lôi, và cho thủy thủ đoàn biết
Shigure sẽ quay lại để đánh tiếp. Đúng 21h51, chúng tôi quay tàu lại. Một
phút sau đó, một màn hỏa lực giăng cách phía trước chúng tôi khoảng 3
dặm. Những ánh đèn pha và đèn rọi tìm địch rực sáng cả bầu trời. Địch
quân đang pháo kích các khu trục hạm đã thấm đòn của chúng tôi.
Trong lúc chiếc Shigure tiến về phía trước, nơi đang xảy ra cuộc pháo
kích, tôi gọi phòng truyền tin hỏi xem có liên lạc được với các khu trục hạm
hay không và đồng thời ra lệnh cho mọi người sẵn sàng tham chiến, nhưng
không một ai lên tiếng. Ngay lúc đó, tôi nhận ra hướng tiến của chiếc
Shigure không được chính xác. Tôi nhớ chực lại tiếng động khác lạ mà tôi
đã nghe trước đó. Mãi đến 4 tháng sau, khi chiếc Shigure vào ụ nổi để sửa
chữa, tôi mới hiểu nguyên do gây ra tiếng động này. Gần buồng máy của
chiếc tàu có một lỗ thủng khoảng chừng 2 tấc: một quả ngư lôi Mỹ đã chọc
thủng, nhưng không nổ, và dính luôn vào đó.
Trên đài chỉ huy, tôi đang sống trong một trạng thái cực kỳ lo lắng. Với
số lượng 250 binh sĩ và nhiều tấn dụng cụ chất lên boong tàu, làm sao chiếc
Shigure có thể đơn thân độc mã chống trả với một kẻ thù vượt trội còn
nguyên vẹn? Tại Guadalcanal, tôi đã vấp phải 3 lỗi lầm khiến cho 43 thủy
thủ thiệt mạng. Không biết tôi sẽ phạm thêm bao nhiêu lỗi lầm trong tình
cảnh này? Và sẽ có bao nhiêu người thiệt mạng vì những lỗi lầm đó?
Shigure vẫn tiếp tục tiến tới khu vực chiến đấu. Hỏa lực của địch thình
lình ngưng hẳn vào lúc 22h10. Khu vực chìm khuất trong bóng tối. Dường
như cả ba khu trục hạm đã biến mình vào lòng đại dương rồi. Kẻ chiến
thắng chắc chắn đang nằm chờ trong bóng tối để bất thần nhảy ra vồ lấy
chiếc Shigure. Ngay sau khi cố tạo lần liên lạc cuối cùng với các khu trục
hạm bạn nhưng không được trả lời, tôi ra lệnh rút lui vào lúc 22h15. Đây là
một quyết định rất đau lòng, nhưng không có sự chọn lựa nào tốt hơn.
Tôi thông báo về căn cứ Rabaul rằng chúng tôi đã rút khỏi địa điểm xảy
ra trận chiến và yêu cầu ở đây cho chỉ thị. Tổng hành dinh trả lời tức khắc:
“Quay về căn cứ. Yêu cầu lực lượng ở Kolombangara tìm cách tiếp cứu
những người còn sống sót.”
Như vậy là trận đánh đã kết thúc và địch quân đã chiến thắng vẻ vang.
Ba khu trục hạm Nhật bị đánh chìm, 700 thủy thủ và 820 binh sĩ bộ binh có
mặt trên 3 chiếc tàu này chỉ còn sống sót 310 người, trong số đó có Đại tá
Sugiura. Hơn 30 giờ sau khi tàu chìm, ông ta trôi dạt vào bờ và đi lạc trong
rừng rậm suốt một tuần lễ trước khi được toán tìm kiếm giải cứu.
Vào ngày 20 tháng 8, tôi rất đau lòng và hổ thẹn khi thấy Sugiura trở về
căn cứ Rabaul trong một thân xác gầy yếu. Những người sống sót đã thuật
lại cảnh tượng khủng khiếp của trận đánh mà họ đã tham dự. Hai quả ngư
lôi đã trúng vào chiếc Hagikaze, hệ thống liên lạc của chiếc tàu này bị cắt
đứt ngay lập tức. Chiếc Arashi lĩnh 3 quả ngư lôi và chiếc Kawakaze lĩnh
hai quả. Đó là một trong những thành tích phóng ngư lôi chính xác nhất của
người Mỹ trong lịch sử các trận hải chiến.
Quả ngư lôi thứ tám của địch quân trúng vào phòng máy của khu trục
hạm Shigure. Cũng nhờ vào sự may mắn chứ không thì nó cũng chịu chung
số phận với 3 khu trục hạm bạn thuộc Hải đội 4 Khu trục hạm. Trận chiến
kể trên chứng tỏ lực lượng Hải quân Hoa Kỳ đã tiến bộ rất mau lẹ trên mọi
phương diện, gây kinh ngạc cho tất cả chuyên viên của Nhật Bản, những
người từ trước đến nay tỏ ra xem thường sự hữu hiệu của ngư lôi địch quân.
Không cần phải đợi mãi đến sau khi chiến tranh chấm dứt , được đọc
những bài viết về trận đánh này, tôi mới hiểu tại sao địch quân đã chiến
thắng. Tất cả khu trục hạm của chúng tôi đã chui vào cái bẫy được địch
quân khéo léo giăng ra, lợi dụng vào địa thế của dãy núi Kolombanga.
Hoa Kỳ đã biết được chúng tôi sẽ lên đường vào sáng sớm và đã theo
dõi chúng tôi suốt ngày hôm đó. Sáu khu trục hạm của họ đã rời khỏi căn
cứ Tulagi lúc 9h30. Các khu trục hạm này đã được trinh sát cơ thông báo
đầy đủ diễn tiến hoạt động của chúng tôi. Địch quân biết chúng tôi hướng
về Vịnh Vella. Từ Vịnh họ đã thấy chúng tôi trên màn hình radar ở khoảng
cách đến 10 dặm. Lúc đó chiến hạm địch bèn chia thành hai nhóm, mỗi
nhóm 3 chiếc. Ba chiếc Dunlap, Craven và Maury có nhiệm vụ ra tay trước,
còn 3 chiến hạm khác chờ đợi để khi nào cần sẽ tiếp tay đồng bọn dứt điểm
mục tiêu. Nhưng 3 chiếc tàu trước đã phóng ngư lôi một cách rất chính xác
nên nhóm thứ nhì không cần phải hành động.
Chiến thắng của Hoa Kỳ có lẽ sẽ được trọn vẹn hơn nếu họ tiếp tục truy
đuổi chiếc Shigure. Nhưng vì màn khói đen do chúng tôi tạo ra khá hữu
hiệu, đến nỗi khiến cho địch quân tưởng lầm chiếc Shigure đã trúng ngư lôi
và chìm rồi. Sau chiến thắng này của Hoa Kỳ, Bộ Tư Lệnh Tối Cao Nhật
không bao giờ còn dám sử dụng ngõ Vịnh Vella để tiến đến căn cứ
Kolombangara nữa.
Khu trục hạm Shigure trở về căn cứ Rabaul vào đêm 7 tháng 8. Lúc đó
Tổng hành Dinh ở đây rất náo động.
Chiến bại của chúng tôi tại Munda vào ngày 4, và tiếp liền sự thảm bại
không ai ngờ tại Vịnh Vella đã làm mọi người xúc động. Từ Munda xuyên
qua eo biển Blankett nhỏ hẹp là khu vực phòng ngự chính của Nhật Bản
bảo vệ quần đảo Solomon và căn cứ Kolombangara. Tôi có thể hiểu được
tại sao các khu trục hạm của địch quân đụng đầu với chúng tôi ở Vella đã
quyết đánh tan chúng tôi. Họ không muốn chúng tôi sử dụng hải trình này
nữa, và họ đã thành công.
Phó Đô đốc Tomoshige Samejima, Tư lệnh Đệ Bát Hạm Đội đã tiếp đón
chúng tôi với khuôn mặt dầu dầu, nhưng ông đá động gì đến công tác vừa
qua của tôi. Ông tỏ ra hối hận đã đưa các khu trục hạm của Hải đội 4 Khu
trục hạm vào bẫy, vì đã điên rồ lặp đi lặp lại lần thứ hai một chiến thuật đã
được sử dụng.
Lúc tôi quay trở về thì 250 bộ binh và đồ đạc của họ đã chuyển hết lên
bờ. Hầu hết số binh sĩ này đều đau ốm trầm trọng sau 40 giờ chen chúc
nhau ở dưới hầm tàu. Họ la lên vui mừng khi được đặt chân xuống đất liền.
Họ biết vừa thoát khỏi tay tử thần trong đường tơ kẻ tóc, nên trước khi ra đi
tất cả đều cung kính chào giã biệt chiếc Shigure và thủy thủ đoàn. Điều này
khiến tôi nghĩ rằng quyết định mà tôi đã chọn lựa là một quyết định đúng.
Tôi cho các thủy thủ được nghỉ ngơi qua hết ngày hôm sau, và cho phép
họ lên bờ mỗi lần một phần ba tổng số thủy thủ đoàn. Đây là lần nghỉ ngơi
thật sự và đầu tiên của họ. Khi nhìn thấy Trung sĩ Yamashita, quan sát viên
đã phát hiện tàu địch, trong nhóm thủy thủ đầu tiên được phép lên bờ, tôi
gọi anh ta vào phòng. Tôi trao anh ta chiếc đồng hồ đeo tay bằng bạc của
tôi và nói: “Anh đã làm được một việc lớn. Tôi muốn anh nhận cái này. Nó
không đáng giá bao nhiêu, tôi đã mua nó cách đây 20 năm tại thương xá
Wanamaker ở thành phố NewYork.”
Trung sĩ Yamashita từ chối: “Thưa Đại tá, tôi không dám nhận một vật
có nhiều ý nghĩa đặc biệt đối với Đại tá. Tôi chỉ làm nhiệm vụ của mình
thôi. Nếu hành động của tôi được khen thưởng thì tôi mong rằng sự khen
thưởng đó phải do Bộ Tư Lệnh Tối Cao.”
“Nhận chiếc đồng hồ này và đừng bàn cãi gì thêm nữa Yamashita. Bộ Tư
Lệnh Tối Cao sẽ không bao giờ cho anh cái gì đâu. Ngay cả quả ngư lôi của
chúng ta đã trúng tàu địch mà họ còn không tin, bởi lẽ việc này chỉ có anh
là nhân chứng duy nhất mà thôi.”
“Ồ, thưa Đại tá, họ không tin là sai. Tôi thấy quả ngư lôi đã trúng ngay
khi tàu địch vừa tiến đến chúng ta. Trong suốt đời tôi, tôi chưa hề biết nói
láo, và tôi sẽ đánh vào mặt kẻ nào cho tôi là nói láo.”
“Nào lại đây, Yamashita. Bây giờ anh biết phải làm gì. Quên chuyện đó
đi. Hãy lên bờ và vui chơi thỏa thích.”
Tôi nhét chiếc đồng hồ vào trong túi Yamashita. Anh ta hơi bối rối một
chút, nhưng sau đó nở một nụ cười trên môi, và cáo từ.
Tôi buông mình xuống ghế. Một công việc khó khăn đang chờ tôi. Tôi
phải viết một bản báo cáo với đầy đủ chi tiết về trận hải chiến tại Vịnh
Vella. Tôi muốn viết một cách ngay thẳng đồng thời tôi muốn bênh vực cho
các đồng nghiệp tôi. Tôi phải mất nhiều giờ mới viết xong bản báo cáo.
Tôi bước ra boong tàu để nghỉ xả hơi. Toán thủy thủ lên bờ đầu tiên đang
lần lượt trở về. Tôi thấy trung sĩ Yamashita đứng riêng rẽ, quần áo nhàu nát,
mặt sưng vù và đôi mắt bầm tím. Tôi gọi Yamashita hỏi xem chuyện gì đã
xảy ra. Anh ta ấp úng nói: “Thưa Đại tá, Không có gì cả. Tôi trượt chân và
té nhào xuống đất.”
“Anh đã nói với tôi sáng nay rằng anh không hề nói dối, vậy thì anh
đừng làm tôi giận .”
“Xin lỗi Đại tá, đây là lần đầu tiên tôi nói dối. Tôi gây lộn với một vài
người ở trên bờ, nhưng không ai đánh tôi cả.”
“Anh vào phòng tôi ngay, tôi muốn biết chuyện gì đã xảy ra.”
Gã trẻ tuổi lòng đầy tự phụ này bước theo tôi như một con cừu non. Vào
phòng, tôi yêu cầu anh ta giải thích đầy đủ chuyện vừa xảy ra.”
“Thưa Đại tá, tôi uống đâu được vài ly và có lẽ đã chuếch choáng nên tôi
khoe chiếc đồng hồ mà Đại tá vừa thưởng tôi. Lúc đó, có mấy thằng chó đẻ
bảo rằng chiếc khu trục hạm Shigure đã rút lui một cách nhục nhã và hành
động này làm mất thể diện cho binh chủng Hải quân. Lại có thằng vào hùa
nói rằng Hải đội 27 Khu trục hạm gồm toàn một lũ biếng nhác không làm
nên trò trống gì cả. Lúc đó tôi giận run người và tôi đã dần chúng một trận
nên thân. Đồ quân đẻ hoang.”
“Thật tội cho anh, Yamashita. Anh không nghĩ những gì mà chiếc khu
trục hạm Shigure đã làm là sai lầm sao?”
“Không, thưa Đại tá. Tôi luôn luôn tin rằng những quyết định của Đại tá
là hoàn toàn đúng. Đó chính là lý do tại sao mấy thằng chó đẻ đó đã làm tôi
điên tiết lên.”
“Anh phải lờ đi, đừng để ý gì đến họ cả. Nhiệm vụ của chúng ta đến đây
là đánh kẻ thù chứ không phải đánh người cùng quê hương xứ sở với chúng
ta. Đừng bận tâm đến việc này nữa. Hay lo săn sóc vết thương của anh đi.
Lần sau anh sẽ hiểu biết hơn.”
Kể từ sau trận đánh ở Vịnh Vella, bầu không khí trên khu trục hạm
Shigure hoàn toàn thay đổi. Sau đêm đó, tinh thần của thủy thủ đoàn lên
cao, họ tỏ ra kiêu hãnh và đoàn kết. Trên mọi khuôn mặt không còn thấy
những nét khờ khạo và ngu đần nữa. Họ đã chứng tỏ rằng họ có đầy đủ sự
can đảm và tin tưởng để sẵn sàng tham dự trận đánh khác. Và trận đánh này
xảy ra không lâu sau đó.
Người Mỹ tiếp tục bước tiến của họ. Họ thực hiện một cuộc hành quân
đổ bộ mới vào ngày 15 tháng 8 tại Biloa, nằm gần cực Nam Vịnh Vella.
Cuộc đổ bộ mới này xảy ra cùng với cuộc đổ bộ khác tại Munda trước đó
đã tạo thành một gọng kềm xiết chặt 12.000 quân trú phòng của chúng tôi ở
Kolombangara. Bộ Tư Lệnh Tối Cao Nhật đã phản ứng bằng cách tung toàn
bộ không lực vào vùng Biloa, đồng thời tăng cường lực lượng trên bộ tại
Horaniu, trên Vịnh Vella Lavella, để phản công bất kỳ cuộc đổ bộ mới nào
của quân địch.
Vào sáng sớm ngày 16 tháng 8. Yamagami và tôi tham dự một phiên họp
trên khu trục hạm Sazanami, dưới quyền chủ tọa của Tư Lệnh Hải đội 3
Khu trục hạm, Đề đốc Matsuji Ijuin. Trong phiên họp này, Ijuin tuyên bố sẽ
đích thân chỉ huy cuộc hành quân Horaniu.
Đề đốc Ijuin nói: “Khi được lệnh chỉ huy cuộc hành quân này, tôi đã van
nài Bộ Tư Lệnh Hải quân hãy đình chỉ sử dụng các khu trục hạm vào công
tác chuyển vận. Theo đó, các khu trục hạm của chúng ta chỉ sử dụng đơn
thuần vào nhiệm vụ hộ tống mà thôi. Lực lượng hộ tống kể từ một năm nay
không bao giờ dưới 8 khu trục hạm, nhưng hiện tại chúng ta phải chấp nhận
sử dụng 4 chiếc, bởi vì những cuộc đụng độ trong những tháng vừa qua đã
khiến cho con số hao hụt gia tăng quá cao. Nhưng tôi đã hài lòng với 4 khu
trục hạm xuất sắc này, vì tôi biết rằng khả năng chiến đấu của chúng tương
đương với khả năng chiến đấu của 8 khu trục hạm.”
“Ijuin yêu cầu tôi kết thúc phần họp bằng cách trình bày sơ lược các diễn
biến xảy ra tại Vịnh Vella. Ông và các sĩ quan khác ngồi nghe chăm chú.
Khi tôi dứt lời, ông ta tiếp:
“Tôi sẽ hết sức lưu ý những nhận xét của Đại tá Hara vừa nêu ra, và tôi
cũng mong toàn thể quý vị hiện diện ở đây hãy học hỏi những kinh nghiệm
quý báu mà Đại tá Hara đã thu thập được trong trận chiến vừa qua, và hãy
ghi nhớ sự thận trọng và mềm dẻo của ông trong lúc thi hành công tác.
Trong cuộc hành quân sắp phát động, nhiệm vụ của chúng ta là phải bảo vệ
đoàn tàu chở tiếp liệu chứ không phải đi tìm tàu địch để đánh. Tôi không
chấp nhận sự ương ngạnh đã từng gây ra những thiệt hại cho binh chủng
Hải quân của chúng ta.
Không ai dám bàn ra tán vào khi Đề đốc Ijuin cho rằng 4 khu trục hạm
sắp tham dự vào cuộc hành quân là những chiếc tốt nhất tại Rabaul. Chiếc
Shigure của tôi là chiếc tàu duy nhất thuộc hẳn vào lớp cũ. Còn khu trục
hạm Hamakaze, người hùng của trận chiến ngày 13 tháng 7 tại Vịnh Kula,
là một trong nhữn tàu chiến hiếm hoi của Nhật Bản trong thời gian này
được trang bị radar. Hamakaze cùng với chiếc đàn chị Isokaze họp thành
hải đội 17 Khu trục hạm do Đại tá Toshio Miyazaki chỉ huy. Cả 3 khu trục
hạm vừa nói và soái hạm của Đề đốc Ijuin, chiếc Sazanami, là lực lượng hộ
tống trong cuộc hành quân. Lực lượng nhỏ bé này có thể hãnh diện vì được
cả một vị Đề đốc tài giỏi và 2 vị Đại tá điều động. Hơn nữa, Đề đốc Ijuin đã
mềm dẻo trao toàn bộ quyền hành đông cho các Đại tá của ông ta, để họ tự
do thu xếp công việc. Và Đề đốc Ijuin cũng được Bộ Tư Lệnh Hải quân cho
phép hành động tự do, việc này chứng tỏ rằng thượng cấp rất quan tâm đến
sự thất bại vừa qua tại vịnh Vella.
Bốn Khu trục hạm rời khỏi căn cứ Rabaul vào lúc 3 giờ sáng ngày 17
tháng 8 chạy về hướng Nam, tiến đến điểm hẹn với đoàn tàu vận chuyển
gồm 20 chiếc cỡ nhỏ. Những tàu chuyển vận này đã khởi hành cùng ngày,
lúc 10h27, từ căn cứ Buin và Bougaville, mang theo 400 quân tăng cường
cho căn cứ Horaniu.
Khi chúng tôi rời khỏi căn cứ Rabaul khoảng 100 dặm thì truyền tin
chủa chúng tôi bắt được một công điện phát ra từ một chiếc phi cơ bay gần
đó. Như vậy là địch quân đã biết động tĩnh của chúng tôi, Ijuin tức khắc liên
lạc về căn cứ không quân tại Buin yêu cầu tăng cường gấp đôi số phi cơ.
Lúc 11h30, khi chúng tôi nhìn thấy Bougainville thấp thoáng ở chân trời
Tây Nam, một trong những trinh sát cơ gửi báo cáo đầu tiên về cho chúng
tôi: “ Ba khu trục hạm lớn của địch rời khỏi eo biển Gizo trực chỉ Biloa.”
Nguồn tin này được chúng tôi cảm nhận với nhiều cảm nghĩ lẫn lộn khác
nhau. Riêng tôi đã thấy nhẹ nhõm, vì ít ra chúng tôi cũng biết được chút ít
địch tình. Như vậy là khá hơn cuộc hành quân lần trước của chúng tôi
nhiều. Trong cuộc hành quân vừa qua, chúng tôi đã tiến mà không biết một
chút gì thế trận của địch thủ.
Tất cả chiến hạm của chúng tôi đều gia tăng tốc độ đến 28 hải lý, hướng
về eo biển Bougainville. Chúng tôi phải tiến mau, vì e rằng lực lượng của
địch sẽ làm thịt đoàn tàu chuyển vận không có hộ tống đang tiến chậm chạp
dọc theo bờ biển Choseul.
Mặt trời lặn đúng lúc chúng tôi vượt qua eo biển Bougainville. Thời tiết
xấu đã che khuất vầng trăng tròn. Mây sà thấp ở cao độ 1.600 bộ, cách ba
dặm không nhìn thấy gì cả. Thời tiết này nghiêng phần lợi về phía đối
phương, vì họ có hệ thống radar tối tân. Chúng tôi đã từng biết qua khả
năng siêu việt của loại radar này.
Lúc 21h, Vịnh Vella Lavella hiện ra lờ mờ ngay phía trước mặt. Chúng
tôi đang tiến gần đến đích. Sự im lặng đầy căng thẳng chợt bị vỡ tan bởi
tiếng hét của quan sát viên Yamashita: “Phi cơ địch xuất hiện.” Bóng dáng
chói lòa của chiếc phi cơ vượt ngang qua nền trời và mất hút trong những
đám mây tầm thấp. Thình lình, một chiếc phi cơ khác, hình như là loại oanh
tạc cơ Avenger, chui ra khỏi cụm mây và thả một trái pháo sáng ngay trên
chiếc Shigure.
Chúng tôi lập tức tách khỏi đội hình và phân tán trong khi tất cả mọi loại
súng đều nhả đạn lên phi cơ địch. Tôi cho tàu chạy chữ chi với vận tốc 30
hải lý, đồng thời tạo màn khói bao che. Các khu trục hạm chạy sau cũng
làm giống như Shigure.
Một oanh tạc cơ khác của địch lại rời khỏi đám mây, chúi mũi thẳng
xuống chiếc Sazanami, đến nỗi gần như đụng các tháp khi lướt ngang qua.
Nhiều quả bom được thả xuống.
“Oanh tạc nhảy”, tôi nghĩ thầm trong bụng, và nắm chặt tay một cách
bối rối. Trong suốt 5 tháng vừa rồi, kể từ ngày tôi nghe đến phương thức tấn
công mới này bằng phi cơ, tôi như sống thường xuyên trong những cơn ác
mộng. Tôi moi óc tìm phương cách chế ngự các cuộc tấn công như vậy,
nhưng tôi đã phí công vô ích.
Tuy nhiên, những quả bom nhắm vào chiếc Sazanami không nhảy.
Chúng rơi xuống theo lối thông thường, nghĩa là giữ nguyên vị trí được thả
xuống chứ không nhảy đến mục tiêu. Nhiều cột nước trắng xóa tung lên
quanh chiến hạm Sanazami. Súng đặt trên chiến hạm này phản ứng kịp thời,
tất cả đều nhắm vào chiếc oanh tạc cơ nhưng không trúng. Tôi thở phào nhẹ
nhõm khi nhận thấy không chiến hạm nào của chúng tôi bị thiệt hại. Phi cơ
địch bay đi mất. Nhưng biết đâu nhóm phi cơ khác không bay đến tấn công
chúng tôi một lần nữa? Xa phía trước, chúng tôi nhìn thấy đoàn tàu mà
chúng tôi phải bảo vệ. Có lẽ phải mất chừng một giờ nữa chúng tôi mới tiến
được gần đoàn tàu đó. Tôi cố nghĩ cách chống lại nếu một khi các phi cơ
địch đến nhiều hơn. Nhưng những ý nghĩ này bị đứt đoạn bởi tiếng la khác
của quan sát viên Yamashita. Lần này hai phi cơ địch xuất hiện.
Một oanh tạc cơ hai cánh quạt chúi mũi xuống soái hạm Sanazami chạy
dẫn đầu, và chiếc còn lại nhắm vào khu trục hạm Shigure chạy sau cùng.
Tất cả mọi loại súng đều cất tiếng chào mừng viên phi công gan dạ khi hắn
bay qua giữa những tháp của chiếc Shigure để thả những “quả trứng giết
người”. Một số đạn cao xạ của chúng tôi đã trúng chiếc phi cơ này. Cánh
trái của chiếc phi cơ tóe lửa và không thấy xuất hiện lại nữa.
Khi các quả bom đều tránh né chiếc Shigure, tôi quay nhìn về phía soái
hạm Sazanami. Chiếc tàu này đã tạo một màn khói bao che dày đặc. Tôi
biết nó cũng đã thoát khỏi cú đấm của mấy tên phi công gan lì. Tính ra, trên
đoạn hải trình vừ chạy vừa đánh này, chúng tôi đã phải chịu đựng tất cả 8
oanh tạc cơ tấn công, kéo dài cho đến lúc chúng tôi tiến vào Vịnh Vella. Sau
khi chiếc cuối cùng trong các oanh tạc cơ địch bay khỏi, bóng dáng đen
thẫm khác thường của quần đảo Kolombangara hiện ra ở phía Đông, ngay
trước mặt chúng tôi. Mọi vật lại chìm trong màn đêm kỳ dị. Có lẽ chúng tôi
bước vào bẫy rập khác chăng?
Phòng truyền tin thông báo: “Soái hạm Sazanami ra lệnh xoay 180 độ về
hướng Tây, vì hướng hiện thời không thấy rõ Kolombangara.”
Tôi tuân theo lệnh một cách hài lòng, và cho chiếc Shigure xoay hướng
tức khắc. Ba khu trục hạm của chúng tôi chạy sát nhau, cùng tiến về hướng
Tây. Chúng tôi di chuyển được khoảng 30 dặm thì chiếc Sazanami báo hiệu
cho chúng tôi biết: “Bốn chiến hạm địch đang di chuyển ở hướng 190 độ,
cách xa 15.000m.”
Lệnh xoay hướng của Đề đốc Ijuni đã cứu chúng tôi thoát khỏi cuộc
phục kích của địch quân.
Soái hạm Sazanami vẫn tiếp tục ra lệnh bằng đèn hiệu: “Chạy theo đội
hình chiến đấu. Chuẩn bị một cuộc tấn công bằng ngư lôi ở mạn trái.”
Sau này Đề đốc Ijuin đã nói với chúng tôi rằng ông rất vui mừng lúc biết
được địch quân đang truy đuổi chúng tôi. “Sau chiến thắng ngày 6 tháng 8.
Tôi chắc chắn địch quân đã quá tự tin nên sẽ không bao giờ để ý đến những
chiếc tàu không có hộ tống của chúng ta. Họ muốn so tài tay đôi với các
chiến hạm Nhật. Tôi ra lệnh tiến về hướng Bắc là nhằm để lừa địch quân
phải chấp nhận một cuộc chiến cách xa đoàn tàu chuyển vận của chúng ta.”
Lúc 22h32, tất cả khu trục hạm của chúng tôi xoay 45 độ, và tiến về phía
Tây Bắc, trong lúc mọi cặp mắt đều chăm chú quan sát mọi động tĩnh của
đối phương. Lệnh đổi sang “đội hình chiến đấu” khiến cho vị trí của các
khu trục hạm cũng thay đổi. Bây giờ khu trục hạm Hamakaze có trang bị
radar chạy ở vị trí gần địch quân nhất, với sự bao che của hai chiếc
Hamakaze và Shigure ở mạn bắc, cách 1.000m.
Địch quân vẫn tiến về phía Đông Bắc, chứng tỏ họ chưa phát giác việc
đổi hướng bất ngờ của chúng tôi. Khoảng cách giữa chúng tôi và đối
phương càng lúc càng rút ngắn lại. Lúc 22h40, một trái pháo sáng rực rỡ hai
màu xanh và trắng, treo lơ lửng trên đoàn tàu của địch quân. Đây là ám hiệu
của một trong những trinh sát cơ của chúng tôi, có ý nghĩa: “Tàu của địch
quân là loại khu trục hạm.”
Đoàn tàu của đối phương bắt đầu đổi hướng một cách mau lẹ để chạy về
hướng Tây. Điều này khiến cho Ijuin kinh ngạc, vì ông biết như vậy là địch
quân đã hủy bỏ cuộc truy đuổi các khu trục hạm của ông. Điều này có nghĩa
là địch quân đổi ý xoay sang tấn công những chiếc chuyển vận hạm không
được bảo vệ của chúng tôi.
Lập tức, Ijuin ra lệnh cho tất cả các chiến hạm của ông xoay 90 độ về
hướng Tây Nam và thi đua tốc độ với chiến hạm của địch quân. Vài phút
sau, mọi người đều hiểu rằng tất cả các khu trục hạm của chúng tôi không
tài nào bắt kịp chiến hạm địch trước khi chúng “phóng hỏa” đốt những
chiếc tàu không có lực lượng yểm trợ của chúng tôi.
Ijuin ra lệnh: “Phóng tất cả ngư lôi tầm xa.” Ông đã ước định khoảng
cách giữa soái hạm Sanazami và lực lượng đối phương chừng 8.000m.
(Nhưng, theo tôi, khoảng cách có thể xa hơn 10.000m. Qua khoảng cách xa
như vậy , ngư lôi được phóng ra khó có thể trúng đích.) Tất cả chiến hạm
Hoa Kỳ gần như chạy song song, với tốc độ 30 hải lý có hơn. Do đó, tai họa
thế nào cũng sắp xảy ra. Ijuin vội vã ra lệnh phóng tất cả ngư lôi. Vào lúc
22h52, tất cả ngư lôi đều hướng vào mục tiêu với tốc độ kinh hồn, cách sâu
2m dưới mặt biển. Một trong 23 quả ngư lôi Oxygen được phóng ra trên
nửa đường đến mục tiêu bỗng nhảy vọt cao lên khỏi mặt nước, làm tung lên
những cuộn sóng trắng xóa có thể nhìn thấy rõ trong màn đêm, giống như
tia sáng của đèn hiệu trên boong tàu. Nhóm chiến hạm địch cũng đã trông
thấy những cuộn sóng nên vội vàng xoay qua mạn phải. Do đó, tất cả ngư
lôi của chúng tôi đều sai đích.
Qua ống nhòm, Đề đốc Ijuin bình thản nói: “Tránh né tài tình! Nhưng dù
hoang phí ngư lôi, ít ra chúng ta cũng đã lôi địch quân xa khỏi đoàn
convoy.”
Vào lúc 22h55 phút, soái hạm Sanazami phóng tất cả 8 quả ngư lôi còn
lại. Bảy ngàn mét vẫn còn là khoảng cách khó có thể trúng đích, nhưng Đề
đốc Ijuin đâu cần để ý chuyện trúng trật. Địch quân phản ứng bằng cách
xoay nhanh về phía phải, và một lần nữa, các ngư lôi của chúng tôi thành
hoang phí.
Ijuin ra lệnh: “Mọi loại súng đều khai hỏa.”
Hai khu trục hạm Sanazami và Hamakaze tiến về phía trước như vũ bão
và đồng loạt khai hỏa mọi loại súng. Nhưng vì không sử dụng đèn rọi tìm
địch, tất cả hỏa lực đều không thể nào nhắm trúng đích được. Hơn nữa
khoảng cách quá xa đối với loại súng 127mm nhỏ bé của Nhật.
Isokaze và Shigure cũng tiến về phía trước, nhưng không khai hỏa. Hai
lực lượng đối nghịch càng lúc càng sáp gần lại nhau. Lúc 22h59, tôi ra lệnh:
“Sẵn sàng 4 quả ngư lôi, mục tiêu mạn trái,”
Ngay lúc đó, chiếc Shigure bị đạn trọng pháo của địch bao vây, rơi nổ
cách khoảng chừng 20 đến 40m. Những cột nước dâng cao và trải rộng. Vài
giây sau đó, vòng rào hỏa lực thứ hai của địch xiết chặt hơn, và tới vòng rào
thứ ba thì hầu như chạm vào tàu của chúng tôi.
Tôi cố nhướng cổ, mở to mắt tìm kiếm các họng súng rực lửa của đối
phương nhưng không thấy đâu. Lúc đó tôi mới biết được rằng chúng tôi
đang nhận lãnh những quả đạn loại mới, không phát ra các tia lửa khi bắn.
Loại đạn này chúng tôi từng nghe đồn đãi nhưng chưa thấy tận mắt. Loại
đạn này cộng với các trọng pháo điều khiển bằng radar là một mối lo ngại
lớn lao cho chúng tôi. Bỏ lệnh tấn công ngư lôi mà tôi vừa ban hành, tôi ra
lệnh tạo màn khói bao che và cho tàu chạy theo hình chữ chi.
Shigure chạy tới chạy lui trong màn khói dày đặc với tốc độ tối đa 30 hải
lý. Nhưng dù chạy như vậy, chúng tôi vẫn không thể nào tránh xa những
viên đạn rơi xuống chung quanh cứ cách mỗi sáu bảy giây rời rạc như đánh
nhịp. Sự căng thẳng tăng lên cực độ, vì tôi biết rằng bất cứ lúc nào chiếc tàu
cũng có thể trúng đạn.
Sĩ quan ngư lôi và pháo thuật đều xin phép được khai hỏa, nhưng tôi biết
cần phải chờ đợi cho đến khi nào có cơ hội thuận tiện nhất. Chúng tôi vẫn
không khai hỏa khi đạn địch tiếp tục rơi xuống. Các chiến hạm địch đang
tiến tới ở hướng 60 độ. Tôi muốn phóng ngư lôi trước, rồi mới cho khai hỏa
các loại súng trên tàu, vì nếu không làm như vậy, sức giật của chúng sẽ làm
sai lạc sự chính xác của ngư lôi.
Đạn đại bác của địch quân càng lúc càng tiến sát đến nỗi nước văng vào
mặt tôi tung tóe. Khi các chiến hạm đối phương còn cách chúng tôi chừng
5.000m, tôi ra lệnh phóng ngư lôi và xoay hướng chiếc tàu để chạy ra xa.
Tôi nhìn theo những quả ngư lôi lướt nhanh trên mặt đại dương và đồng
thời chờ đợi cho chiếc tàu xoay đúng hướng. Một loạt đạn của địch quân lại
rơi xuống cách xa chiếc tàu, nhưng loạt kế tiếp lại nhích gần hơn.
Tôi ra lệnh khai hỏa mọi loại súng. Chiếc tàu rung lên như một chiếc lá
khi loạt đạn đầu tiên được bắn đi. Tiếng nổ đinh tai nhức óc. Từ lúc chúng
tôi và đối phương khởi diễn cuộc đấu súng, không có quả đạn nào của họ
trúng tàu chúng tôi. Khi đôi tai làm quen được với tiếng nổ chát chúa của
mọi loại súng trên tàu, tôi nghe tiếng hét của quan sát viên đứng trên cột
buồm: “Một quả ngư lôi trúng chiếc tàu thứ nhì, và đạn pháo kích của
chúng ta cũng trúng chiếc tàu thứ ba của địch quân.”
Trong khói lửa mù mịt của trận chiến đang tiếp diễn, tôi chưa dám vội
kiêu hãnh nhưng tin đó đã mang phấn khởi cho các thủy thủ trên boong tàu.
Một tin khác, một tin bất ngờ và gây ngạc nhiên nhất trong ngày, do khu
trục hạm Hamakaze cho biết. Theo đó, radar trên chiếc tàu này đã phát hiện
một lực lượng hùng hậu của đối phương đang tiến về phía chúng tôi. Đại tá
Toshio Miyazaki đề nghị rút lui về Tây Bắc. Đề đốc Ijuin chấp nhận ngay
lời đề nghị này. Tôi cũng tức tốc chuyển lời hoàn toàn đồng ý đề nghị của
Đại tá Toshio Miyazaki.
Lúc 23h, chiếc Shigure của tôi xoay qua hướng Tây Bắc, theo sau là các
khu trục hạm Isokaze, Sanazami và Hamakaza. Cả 4 chiến hạm đều sử dụng
tốc lực rút lui. Đạn trọng pháo vẫn rơi quanh chúng tôi, kéo dài chừng 10
phút. Không có trái đạn nào trúng chiếc Shigure, nhưng chiếc Isokaze kém
may mắn hơn. Sau khi trúng đạn, khu trục hạm này vội vã phóng 8 quả ngư
lôi vào chiến hạm địch đang truy đuổi. Tàu địch vung sang trái để tránh né
ngư lôi rồi tiếp tục cuộc truy đuổi. Vào lúc 23h12 phút, trên chiếc Isokaze
gần như hỗn loạn. Một đám cháy nhỏ và một số thủy thủ của chiếc tàu này
bị thương. Khu trục hạm Hamakaze cũng bị thiệt hại nhẹ, riêng hai chiếc
Sazanami và Shigure là còn nguyên vẹn. Đây là trận đụng độ dàn mặt lần
thứ hai mà chiếc Shigure và toàn thể thủy thủ đoàn không hề bị một thương
tích nào cả.
Trong khi 20 chuyển vận hạm tiến chậm chạp dọc theo bờ biển, các khu
trục hạm của chúng tôi đã lừa các khu trục hạm của Hoa Kỳ chạy ra hướng
biển. Đó là 4 khu trục hạm Nicholas, O’Bannon, Taylor và Chevalier.
Trước khi trời tối một vài giờ, 400 binh sĩ phải nằm lại trên các chuyển
vận hạm đậu dọc theo bờ biển. Khi màn đêm buông xuống, tất cả đã đổ bộ
lên bờ biển Horaniu. Như vậy, cuộc hành quân đổ bộ đã thành công trọn
vẹn. Và như vậy, có thể kết luận rằng các khu trục hạm của Đại tá Thomas
J.Ryan đã thất bại, và trong thất bại này có nhiều điều khúc mắc không thể
giải thích được.
Tất cả các chiến hạm của Ryan chạy cùng một hướng với chiến hạm của
chúng tôi mãi cho đến 23h32, và sau đó bỗng xoay hai lần 90 độ để hướng
về các chuyển vận hạm Nhật. Một vài báo cáo cho biết sở dĩ ông ta đã từ bỏ
cuộc săn đuổi các khu trục hạm chạy với vận tốc 35 hải lý của chúng tôi bởi
lẽ các khu trục hạm của ông ta chỉ có thể chạy với tốc độ 30 hải lý mà thôi.
Nhưng sự thật lúc ấy tốc độ tối đa của khu trục hạm Shigure chỉ đạt đến
30 hải lý là cùng. Hơn nữa bánh lái của Shigure lại không được chính xác
nên chắc chắn tàu này và Isokaze chạy không quá 28 hải lý. Mặt khác,
hướng tiến của các chiến hạm Hoa Kỳ và hai chiến hạm Nhật , tôi được
kiểm chứng lại qua các bản báo cáo của 2 bên sau này, cho thấy Đại tá Ryan
không hề săn đuổi chúng tôi.
Lực lượng của Đại tá Ryan cũng không chủ tâm săn đuổi các chuyển vận
hạm Nhật. Theo báo cáo, tất cả các khu trục hạm của ông ta đã bắn hết đạn
nhưng vẫn còn lại một số đại đại liên, có thể đủ sức tấn công vào đoàn tàu
chuyển vận không có vũ trang của chúng tôi. Nhưng theo kết quả đã thấy,
chỉ có 2 chuyển vận hạm bị đánh chìm và không ai trên các tàu này thiệt
mạng.
Qua những sự kiện này, cho thấy Đại tá Ryan có lẽ đã nghĩ đây là một
trong các chuyến chuyển vận quen thuộc mà khu trục hạm Nhật thường
đảm trách vai trò chính trong nhiệm vụ chuyên chở lực lượng đổ bộ, vì vậy
khi các khu trục hạm của chúng tôi rút lui thì ông ta đã mãn nguyện, cho
rằng cuộc hành quân đổ bộ của chúng tôi đã bị bẻ gãy, không cần phải truy
đuổi xa hơn nữa.
Trong suốt trận đánh vừa qua, tôi cũng như tất cả các đồng nghiệp khác
không hề nhìn thấy một quả ngư lôi nào được phóng đi. Điều này cũng gây
thắc mắc cho chúng tôi, bởi vì cuộc đụng độ này xảy ra, chỉ cách có 10
ngày sau cuộc chiến thắng bằng ngư lôi của Mỹ tại cùng một khu vực. Sau
này, Đề đốc Ijuin đã nói với tôi: “Tôi tin rằng các chiến hạm địch phải là
tuần dương hạm chứ không phải khu trục hạm, bởi vì các chiến hạm này chỉ
tham chiến bằng súng từ đầu đến cuối.”
Lời ghi nhận của một quan sát viên trên khu trục hạm Shigure về việc
một trong những quả ngư lôi của chúng tôi đã trúng tàu địch không bao giờ
được kiểm chứng. Đó có thể là do sự quan sát lầm lẫn. Hình như quả ngư
lôi phát nổ là do chạm phải các làn sóng do một chiếc tàu địch gây ra. Lối
điều động không mấy hăng hái của địch quân sau báo cáo của quan sát viên,
khiến cho tôi nghĩ nhận xét sau của tôi có lẽ đúng. Như vậy, có thể nói
không có quả ngư lôi nào của Nhật chạm mục tiêu, nhưng một số đã gây
chút ít rối loạn cho hàng ngũ đối phương.
Ijuin, sinh ra trong một dòng họ quý tộc và có những thói quen gia hệ,
luôn luôn giữ trạng thái lạc quan. Ông ta không hề để tai đến những ngờ
vực có tính cách bi quan của tôi. Do đó, trong bản báo cáo gửi cho Bộ Tư
Lệnh Tối Cao Hải Quân Hoàng Gia, ông viết: “Chiếc khu trục hạm xuất sắc
nhất thuộc phân đội của tôi là chiếc Shigure . Nó đã sử dụng ngư lôi đánh
chìm một tuần dương hạm của địch quân.
Điều đáng phê phán nhất của toàn bộ trận đánh là việc Nhật Bản bất
thình lình ngưng hướng tiến để xoay về hướng Tây Nam. Lý do là radar của
chiếc Hamakaze đã khám phá ra một lực lượng địch quân hùng hậu trong
khu vực phụ cận. Đây là một sự sai lầm, và chỉ có một cách giải thích sự sai
lầm này: radar của Nhật Bản lúc đó không thể nào tin tưởng được, vì vậy
lực lượng địch mà radar của chiếc Hamakaze phát hiện được thật ra là các
chiếc tàu thuộc đoàn chuyển vận của chúng tôi.
Từ khi cuộc chiến chấm dứt, tôi đọc tất cả những lời đả kích mạnh mẽ
của Hoa Kỳ nhắm vào hành động rút lui của Ijuin, bỏ mặc đoàn chuyển vận
mà ông có nhiệm vụ bảo vệ. Tuy nhiên, một điều hơi lạ là dường như không
có một lời chỉ trích nào nhắm vào vị chỉ huy Hoa Kỳ về việc ông ta không
xúc tiến việc truy đuổi chúng tôi.
Theo tôi nghĩ, các vị chỉ huy của cả hai bên đều có sự bận tâm và bối rối
riêng trong khi điều động trận đánh này. Sự thất bại ngày 7 tháng 8 tại Vịnh
Vella hiển nhiên là có ảnh hưởng nặng nề đối với Ijuin, giống như trận
Kolombangara vào ngày 12 tháng 7 đối với Ryan. Trong trận
Kolombangara, Ryan chỉ huy một hải đội khu trục hạm khi một trong bốn
chiếc tàu của ông bị đánh chìm, ba chiếc còn lại đã xoay hướng bỏ chạy
một cách hỗn loạn, nhưng cũng bị các lực lượng vượt trội của Nhật đuổi
theo và giáng cho các đòn chí tử. Tuy nhiên, các sử gia và phê bình gia
thường không chú ý đến trạng thái tinh thần của các vị tư lệnh trong việc
phê phán một trận đánh trên bộ hoặc trên mặt biển như thế này.
Bốn khu trục hạm của chúng tôi trở về Rabaul vào ngày 18 tháng 8. Qua
ngày sau, thủy thủ đoàn sung sướng và hãnh diện của chiếc Shigure được
nghỉ ngơi.
Trong giai đoạn tiêu hao khá cao của cả cuộc chiến này, một khu trục
hạm trải qua 2 trận đánh liên tiếp mà không mang một vết thương nào thì
thật là một điều đáng ngạc nhiên.
Trong chuyến trở về trước đó của chúng tôi, thiên hạ đã nhìn một cách
điềm nhiên bởi vì họ cho rằng Shigure là chiếc tàu duy nhất của Nhật còn
tồn tại trong trận đánh chỉ do may mắn mà thôi. Bây giờ thì không còn ai tỏ
vẻ nghi ngờ về tài năng và sự kiêu hùng của nó.
Đề đốc Ijuin dùng cơm trưa với Đại tá Miyazaki và tôi tại CLB sĩ quan .
Cả hai đều hết lời ca tụng chiến công của chiếc Shigure đến nỗi tôi cảm
thấy bối rối nhưng pha lẫn chút ít sung sướng. Ijuin ghi nhận rằng từ ngày
được tôi chỉ huy, khu trục hạm Shigure có nhiều thay đổi lớn lao, và ông kết
luận:
“Tôi rất tiếc, Hara, mang tiếng là chỉ huy trưởng Hải đội mà anh chỉ có
trong tay một chiếc tàu duy nhất, và chiếc tàu này lại còn lâu đời hơn chiếc
Amatsukaze trước đây của anh. Nhưng hãy kiên nhẫn, không lâu nữa số tàu
dưới quyền sẽ có đầy đủ cho anh.”
Đề đốc Ijuin là một mẫu người rất dễ thân cận và hòa hợp. Mặc dù ông
thuộc giai cấp quý tộc, sinh ra trong nhung lụa, nhưng ông đã tạo được một
tiếng tăm lừng lẫy trong Hải quân như là một hoa tiêu xuất sắc.Thật đáng
hài lòng khi thấy một người có khả năng và giai cấp như vậy lại chú tâm
đến sự an vui của người khác.
Căn cứ Rabaul tương đối yên tĩnh vì không có những trận oanh kích xảy
ra, do đó sau khi dùng cơm trưa xong, chúng tôi thả bộ quanh một vòng.
Từng cơn gió nhẹ, từ hướng Đông Nam lướt đến, lay động hàng dừa rợp
bóng trên đầu. Căn cứ vùng nhiệt đới này chỉ có vẻ nhộn nhịp tí chút ở bề
ngoài. Chúng tôi đều mặc áo ngắn, vận quần tây ngắn và đội nón rơm. Ăn
mặc như vậy thích thú hơn vì không ai chú ý và khỏi phải phiền phức đáp
trả những cái chào của thủy thủ đi ngang qua chúng tôi.
Các cửa hàng trên hòn đảo vẫn mở cửa buôn bán như thường lệ, và hầu
hết do người Trung Hoa làm chủ. Một dân tộc nhẫn nại và cần cù biết bao.
Trong lúc Đồng Minh và Nhật Bản đang đụng độ một cách tàn khốc thì họ,
những người Trung Hoa trầm tĩnh này, chỉ biết tìm cách gia tăng sức mạnh
kiểm soát kinh tế địa phương của họ.
Khi băng qua một ngõ hẹp, chúng tôi bị một đám đông tụ tập trước sân
của một lữ quán lôi cuốn. Đó là một đám khán giả của một nhóm vũ công
địa phương khoảng chừng 40 người. Bốn mươi vũ công này không trang
điểm gì khác hơn là vắt những chiếc lông chim trĩ lên tóc, vận sà rông màu
sắc sặc sỡ và thân thể trần trùi trụi, rám nắng của họ được tô son vẽ phấn
lòe loẹt. Họ múa may cuồng nhiệt đến nỗi thân thể ướt đẫm mồ hôi. Tiếng
trống là âm điệu duy nhất phụ họa với điệu vũ này. Một số khán giả phụ nữ
lâu lâu ném vài quả chuối hoặc các loại trái cây khác vào nhóm vũ công, và
họ chụp lấy vừa ăn vừa nhảy múa. Thỉnh thoảng họ la lên, âm thanh giống
như tiếng vịt kêu. Chúng tôi không hiểu được nguyên nhân nào mà dân địa
phương tổ chức buổi khiêu vũ này, nhưng phải công nhận đây là một điệu
vũ rất lôi cuốn. Gần nửa giờ, chúng tôi đứng quan sát nhóm vũ công trẻ tuổi
hoa chân múa tay trong khi đầu lắc qua lắc lại liên hồi. Chỉ chừng bao nhiêu
động tác ấy, nhưng hấp dẫn kỳ lạ.
Mayazaki nói: “Những người này họ bằng lòng với đời sống sơ khai của
họ, họ ăn uống đạm bạc, ở trong những căn nhà tồi tàn, ăn vận thô sơ và họ
không mơ ước gì hơn nữa. Đối với cuộc sống hiện đại của chúng ta, xem ra
họ có vẻ biếng nhác. Nhưng thật ra ai là kẻ hạnh phúc hơn?”
Cuối cùng, Ijuin đề nghị đi chỗ khác, ông nói: “Tôi thích cuộc khiêu vũ
này, nhưng tôi lại muốn đến viếng nơi tắm ở suối nước nóng mà hồi nãy
chúng ta nhìn thấy. Các anh có bằng lòng theo tôi không?”
Lời đề nghị của Ijuin làm Miyazaki và tôi sửng sốt. Hồi nãy khi đi ngang
qua suối nước nóng, chúng tôi có nói với Đề đốc về sự tuyệt diệu của chỗ
tắm này. Bây giờ, khi nghe Ijuin nói, tôi định lên tiếng thì Miyazaki đã cướp
ngang: Xin lỗi Đề đốc, suối nước nóng đó ở ngay ngoài trời. Tôi chưa thấy
một vị Đề đốc nào đến đó tắm bao giờ.”
Ijuin đáp: “Nhưng mà anh đã từng tắm ở đó rồi, phải không Đại tá thân
mến của tôi? Và một khi anh có thể tận hưởng cuộc tắm ngoài trời sảng
khoái như vậy được, tại sao tôi lại phải bằng lòng với cái buồng tắm chật
hẹp và thiếu tiện nghi của tôi ở trên tàu?”
Không ai dám lý luận với một vị Đề đốc, nhất là khi ông ta nói rất hữu
lý. Hải quân Nhật đã cho xây nhiều nhà tắm lộ thiên trên các suối nước
nóng do núi lửa New Britain tạo thành. Ở đây có đặt những cái thùng bằng
kim khí rộng lớn dùng để chứa nước . Ai muốn tắm thì đổ đầy nước trong
và ấm vào thùng, rồi tắm theo lối Nhật , nghĩa là ngâm cả thân thể vào chiếc
thùng đầy nước này. Tắm theo kiểu này thân thể sẽ đỏ hồng và cảm thấy
khỏe khoắn hoàn toàn.
Bất cứ thủy thủ nào từng ghé Rabaul đều biết đến địa điểm tắm nước
nóng ở đây. Nếu có giấy phép lên bờ, thủy thủ có thể đến tắm tự do, khỏi
phải trả một khoản phí nào hết. Sau những ngày lênh đênh trên mặt biển,
không hề biết đến việc tắm rửa là gì, đây là một địa điểm mà họ không thể
nào quên được. Nhưng các sĩ quan cao cấp thì đã có nơi tắm riêng trên tàu,
do đó, thật là đáng ngạc nhiên, khi nhìn thấy một vị Đề đốc, cũng là một vị
Nam tước ngoài đời, lại lần mò đến những nơi tắm công cộng thế này.
Khi chúng tôi bắt đầu hứng nước nóng vào thùng, hai thủy thủ trẻ tuổi
nhảy ra khỏi thùng của họ, chào chúng tôi và dành lấy công việc này. Phản
ứng tự nhiên, chúng tôi chào trả lại họ, nhưng Ijuin nhanh miệng: “Được
rồi, các chú, việc này có khó khăn gì đâu, chúng tôi có thể làm được mà.
Trần truồng như thế này thì còn phân biệt giai cấp cái quái gì được nữa?”
Nhưng hai chàng thủy thủ trẻ tuổi dường như không nghe. Khi đổ nước
đầy mấy cái thùng của chúng tôi xong, họ lặn khỏi địa điểm ngay lập tức.
Đề đốc Ijuin thở dài: “Dường như chúng ta đã quấy rầy cuộc vui của họ.
Từ rày tôi sẽ không đến đây nữa.”
Buổi tắm tuyệt thú. Sau khi tắm xong, chúng tôi kỳ lưng cho nhau và
xếp thành hàng giống như ba con khỉ đột. Thật ra, đây là cái trò không lấy
gì làm đứng đắn lắm đối với các sĩ quan Hải quân, nhưng chúng tôi cũng
không để ý đến điều đó. Trong lúc đang hưởng sự thoải mái, Ijuin nói: “Sư
tổ phóng lôi Hara, tôi muốn anh cho tôi biết ý kiến về hành động của tôi
trong trận chiến vừa qua. Tám con cá của khu trục hạm Sanazami đã phí
phạm một cách vô ích. Sao chúng ta không thể làm tốt hơn?”
“Thưa Đề đốc, theo tôi nghĩ, các ngư lôi đó thật sự không phí phạm một
chút nào hết. Loạt phóng đầu tiên của chúng ta bị đối phương phát giác kịp
thời, bởi lẽ có một quả ngư lôi đi sai hướng và bị gió thổi ngược trở lại. Nếu
điều đó không xảy đến thì tôi tin rằng thế nào chúng ta cũng bắn trúng tàu
địch.”
Ijuin đồng ý lý luận của tôi, và ông nêu ý kiến thêm rằng khoảng cách
của mục tiêu quá xa, nên dầu cho các ngư lôi có tầm xa cũng không thể nào
trúng đích được. Tôi tiếp lời: “Đúng vậy, thưa Đề đốc, với sự tiến bộ về tầm
phát hiện của radar địch, họ có thể bắn chúng ta từ xa, trong khi chúng ta
khó mà có thể đến gần họ trong tầm 3.000m”
Ijuin nói: “Đó là sự thật. Địch quân hiện thời đã trên chân chúng ta. Điều
khôn ngoan nhất cho chúng ta là cố gắng làm sao đừng gắng công đạt cho
được chiến thắng mà phải chịu hao tổn quá nhiều. Không nên trả giá đắt về
người và chiến hạm chỉ để đánh đổi một chiếc tàu địch.”
Các cuộc tấn công của Đồng Minh ngày càng gia tăng nhanh chóng và
mạnh mẽ, khiến Nhật Bản xoay trở khó khăn. Ngay chính vào ngày chúng
tôi quay trở về và nghỉ ngơi tại Rabaul. Lực lượng bộ binh của Nhật bắt đầu
triệt thoái khỏi căn cứ Santa Isabel, một hòn đảo có chiều dài nhưng không
có chiều ngang thuộc quần đảo Solomon, nằm song song phía chính Đông
của các đảo Vella Lavella, Kolombangara và New Georgia
Ba ngày được nghỉ ngơi tại Rabaul, Miyazaki và tôi được lệnh sử dụng 3
khu trục hạm để đến di tản càng nhiều càng tốt số binh sĩ đồn trú trên đảo
Rekata nằm ở phía Đông Bắc Santa Isabel. Trước đó, 600 trong số 3.400
binh sĩ trú đóng trên đảo Rekata đã được một số khu trục hạm khác di tản.
Thêm một lần nữa, chiếc Shigure lại ra khơi với chiếc Hamakaze. Khu
trục hạm hư hại Isokaze được chiếc Minazuki thay thế. Cả 3 khu trục hạm
lên đường vào sáng ngày 22 tháng 8. Tàu của chúng tôi chất đầy thức ăn và
đồ tiếp tế cho số binh sĩ còn kẹt lại trên đảo không di tản hết trong chuyến
đi này vì tàu của chúng tôi mỗi chiếc chỉ có thể chở 250 người là cùng.
Dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, nhiệm vụ giao phó cho chúng tôi đều gian
nan vất vả. Cuộc di tản trước được thực hiện cách nay đúng 4 hôm, khiến
cho công tác của chúng tôi trở nên khó khăn thêm. Địch quân đã được đặt
trong tình trạng báo động. Chúng tôi phải chuẩn bị sẵn sàng để đối phó
nguy cơ trước mắt.
Hành trình đến căn cứ Retaka thật nguy hiểm với hằng hà sa số đá ngầm
và nhiều nơi đáy biển không được đánh dấu. Hải đồ của chúng tôi sao y hải
đồ của người Anh, thực hiện năm 1939 kèm theo lời ghi chú như sau:
“Những hòn đảo này chỉ được nghiên cứu có một phần, và phần lớn còn lại
vẫn chưa biết được. Tốt hơn nên cẩn thận khi di chuyển trong khu vực này.”
Lúc chúng tôi rời khỏi căn cứ Rabaul chưa đầy 100 dặm thì 3 phi cơ địch
xuất hiện ở độ cao 20.000 bộ (khoảng 7.960m). Súng cao xạ đặt trên các
khu trục hạm của chúng tôi khai hỏa tức khắc, nhưng ở cao độ như vậy
súng của chúng tôi làm sao với nổi. Quả thật đáng lo.
Phi cơ địch không bỏ một quả bom nào, nhưng cứ quấy phá bằng cách
bay vòng tròn trên đầu chúng tôi. Lối chọc tức này thật đáng chửi thề.
Khoảng chừng 10 phút sau, 6 chiến đấu cơ Zero cất cánh từ căn cứ Buka
xuất hiện trên không phận của khu vực. Sáu chiến đấu cơ Nhật đâm thẳng
vào các oanh tạc cơ địch và khai hỏa. Nhưng phi cơ địch, dường như là loại
oanh tạc cơ B-24, vẫn tiếp tục bay, hoàn toàn không có vẻ gì là rối loạn cả.
Mọi loại súng của chúng tôi đều quay mũi lên trời sẵn sàng khai hỏa, nếu
phi cơ địch bay vào tầm.
Quấy phá chúng tôi chùng 20 phút, các phi cơ địch bỏ đi. Sáu chiến đấu
cơ của chúng tôi tiếp tục bay về hướng Nam, phía trên các chiến hạm của
chúng tôi, cho đến chiều tối mới quay trở về căn cứ. Nhưng chúng tôi vẫn
sống trong những giờ phút bất an, vì vậy chúng tôi vẫn phải duy trì tình
trạng báo động. May mắn là không còn chiếc phi cơ nào đến quấy phá
chúng tôi nữa. Chúng tôi tiến một cách chậm chạp dọc theo bờ biển
Bougainville và luôn luôn phải đề phòng bất trắc trên đoạn hải trình nguy
hiểm này.
Chúng tôi len lỏi tiến vào khu vực đầy đá nhọn và đáy biển nông, bao
quanh đảo Choiseul. Ngay lúc đó, một công điện hỏa tốc được gửi đến từ
căn cứ Rekata. Không một ai trong chúng tôi quên được khi đọc nội dung
của công điện này: “Bốn tuần dương hạm và rất nhiều khu trục hạm địch
được nhìn thấy lảng vảng gần cửa khẩu vào hải cảng Rekata.”
Tôi la trời. Tất cả các chiến hạm của chúng tôi đều chạy một cách nặng
nề và chậm chạp, với vận tốc tối đa 10 hải lý. Như vậy chúng tôi sẽ trở
thành mấy con bồ câu bằng đất sét vĩ đại, làm mồi cho phi pháo và ngư lôi
của địch quân.
Trong khi tôi rối trí trong tình cảnh tiến thoái lưỡng nan, đèn trên chiếc
Hamakaze nhấp nháy một tín hiệu: “Xoay hướng tức khắc, chạy trở ra biển
với tốc độ 24 hải lý cho đến khi nào chúng ta hiểu rõ địch tình.”
Rời bờ biển để chạy ra khơi như vậy chúng tôi sẽ trở thành mục tiêu rất
rõ cho radar của địch quân. Chúng tôi chạy theo hướng mới chưa đầy 10
phút, truyền tin của chúng tôi bắt được một công điện xuất phát từ một trinh
sát cơ địch, báo cáo về sự xoay hướng của chúng tôi. Chúng tôi phải làm gì
để kháng cự lại với một đối thủ đầy đủ tai mắt như vậy?
Sau khi xem xét hải đồ, chúng tôi biết rằng địch quân chỉ cách chúng tôi
30 dặm. Có thể nào chúng tôi tiến vào bờ để đánh lạc hướng radar địch hay
không?
Sau khi xem xét hải đồ, chúng tôi biết rằng địch quân chỉ cách chúng tôi
30 dặm. Có thể nào chúng tôi tiến vào bờ để đánh lạc hướng radar địch hay
không? Chạy trốn? Tấn công? Tấn công chắc chắn chúng tôi sẽ chỉ hạ gục
một hay hai chiến hạm địch là cùng, và sau đó, những chiến hạm còn lại của
địch chắc chắn sẽ nuốt sống chúng tôi. Đèn hiệu màu xanh sau lái của chiếc
Hamakaze bắt đầu nhấp nháy: “Rabaul ra lệnh trở về căn cứ ngay lập tức,
không được chạm trán với địch quân. Rút lui với tốc độ 30 hải lý.”
Tôi thở phào nhẹ nhõm và cúi nhìn đồng hồ, lúc đó gần nửa đêm. Chúng
tôi xoay hướng chạy thẳng về Rabaul và đến nơi vào trưa ngày 23 tháng 8.
Nhưng chúng tôi chỉ có chút ít thời gian để phục hồi sức khỏe sau mấy đêm
mất ngủ. Hai ngày sau đó, chúng tôi lại được lệnh đến căn cứ Retaka một
lần nữa. Lần đi này, chúng tôi gặp may mắn, vì thời tiết ảm đạm, có nhiều
mây mù, do đó phi cơ địch không phác giác ra chúng tôi. Mưa trút xuống
từng cơn trên hải trình tiến về hướng Nam, khiến cho chúng tôi chỉ nhìn
thấy cách xa chừng vài trăm mét vào ban đêm.
Tình trạng thời tiết vẫn không thay đổi khi tàu chúng tôi tiến đến Santa
Isabel. Kể từ lúc không có dấu hiệu nào cho thấy chiến hạm địch lảng vảng
xung quanh, chúng tôi mong ước bầu trời trong sáng trở lại. Chúng tôi hạ
tốc độ xuống còn 6 hải lý để len lỏi qua các khoảng nông dẫn vào hải cảng
Retaka, và cứ mỗi một trăm mét phải dừng lại để kiểm soát lại vị trí. Đây
cũng là một điều làm điên đầu chẳng khác nào bị địch quân quấy phá.
Chúng tôi cứ dò dẫm như vậy suốt gần 2 giờ, cho đến lúc một ánh đèn lờ
mờ xuất hiện. Đó là đèn hiệu của một binh sĩ thuộc lực lượng trú đóng Nhật
báo cho chúng tôi biết đã đến cửa khẩu gần hải cảng. Cả 3 chiến hạm của
chúng tôi đều băng qua vùng biển cạn nguy hiểm một cách an toàn. Chúng
tôi cảm thấy nhẹ hẳn người khi cho tàu lướt vào hải cảng nhỏ bé này.
Lúc 1h đêm ngày 25 tháng 8, chúng tôi bắt đầu cho cất đồ tiếp tế lên bờ,
trong khi trên cầu cảng hàng trăm binh sĩ xếp hàng chờ đợi lần lượt xuống
tàu. Nhưng màn đêm yên tĩnh chợt bị phá tan một cách cuồng bạo. Hai
chiếc oanh tạc cơ của địch gào thét trên các tháp, và biến mất vào những
đám mây sà thấp trên nền trời, sau khi thả xuống một loạt bom. Những cột
nước dâng cao quanh chúng tôi. Không một thiệt hại nào được ghi nhận,
nhưng chính những quả bom không trúng đích này đã thúc đẩy chúng tôi
xúc tiến nhanh chóng công việc chuyển hàng và nhận binh sĩ.
Khi đồ tiếp liệu đã được dọn sạch. Binh sĩ chờ đợi chạy như bay xuống
tàu. Chớp mắt, các khu trục hạm của chúng tôi đầy nghẹt đám hành khách
nhốn nháo. Chúng tôi lập tức quay tàu ra khơi. Tuy trời vẫn còn tối đen như
mực, nhưng bây giờ chúng tôi có thể điều khiển chiếc tàu băng qua những
vùng biển cạn mà không cần phải dừng lại để mò mẫm như trước đây. Ngay
lúc nhìn thấy đèn báo hiệu của binh sĩ ở cửa khẩu, chúng tôi gia tăng tốc độ.
Vào lúc 2h30 phút, tốc độ của chúng tôi lên đến 30 hải lý. Chắc chắn phi cơ
địch sẽ quay lại tìm chúng tôi với số lượng nhiều hơn. Chúng tôi hy vọng
rời khỏi hải cảng càng xa càng tốt trước khi trời sáng.
Trước bình minh một giờ, chúng tôi đã thoát ra khỏi đại dương bao la.
Sau đó, chúng tôi cho tàu chạy dọc theo bờ biển Choiseul. Một giờ nữa trôi
qua, chúng tôi tiến vào eo biển Bougainville, và cũng là lúc phi cơ địch xuất
hiện.
May mắn cho chúng tôi là sớm trông thấy phi cơ địch bay đến nên tạo
ngay một màn khói bao che và phân tán mỏng. Khu trục hạm Hamakaze và
Minazuki tăng tốc độ tối đa 35 hải lý. Chiếc Shigure già nua mệt mỏi chỉ đủ
sức chạy đến 30 hải lý là cùng. Phi cơ địch ít ra là hàng chục chiếc, dường
như xuất hiện mọi nơi trên vòm trời. Chúng bay xuống bắn phá xung quanh
chúng tôi. Tất cả mọi loại súng của chúng tôi đều chĩa lên trời bắn liên hồi
nhưng không trúng mục tiêu nào cả. Lúc phi cơ trút bom, chúng tôi cho 3
chiến hạm xả hết tốc lực, chạy theo hình chữ chi và đan chéo nhau. Lúc đó,
bánh lái của chiếc Shigure lại không sử dụng được như ý muốn.
Năm phút căng thẳng trôi qua. Tất cả các oanh tạc cơ của địch bay mất.
May mắn thay, chiếc Shigure không bị trúng bom. Các bộ phận trên tàu báo
cáo không thiệt hại cũng không có thương vong. Các quả bom đều rơi nổ
cách xa chiếc Shigure.
Khi màn khói do Shigure tạo ra tan dần. Chúng tôi nhận thấy 2 khu trục
hạm bạn chạy phía trước chừng 3.000m. Và khi màn khói của tất cả các
chiến hạm khác biến mất, tôi mới biết chiếc Hamakaze đang lâm nạn. Sàn
tàu của khu trục hạm này bốc cháy và đang di chuyển với một tốc độ giảm
sút rõ rệt. Chiếc Manazuki vô hại, và đang chạy cặp kè chiếc Hamakaze để
bảo vệ. Trong lúc chiếc Shigure tiến đến gần hai đồng đội, chiếc Hamakaze
sử dụng tín hiệu bằng cờ báo tin: “Một quả bom rơi trúng sàn tàu, 36 thủy
thủ thương vong. Tốc độ chỉ giới hạn 20 hải lý. Tôi muốn tiến về Shortland.
Hạm trưởng Miyazaki.”
Shortland là căn cứ gần chúng tôi nhất, cách khu vực này không đầy 30
dặm. Nhưng tôi biết rằng Shortland không phải là nơi an toàn cho tàu chiến,
vì không có sự bao che bề mặt trên không.
Tức khắc, tôi ra lệnh cho nhân viên truyền tin vẫy một công điện bằng
cờ: “Đại tá Hara chống lại ý định của anh. Căn cứ ở Shortland không phải
là nơi an toàn. Chúng ta hãy cứ quay về Rabaul, với tốc độ 20 hải lý. Nếu
có rắc rối gì xảy ra, chiếc Shigure sẵn sàng kéo anh. Yêu cầu phúc đáp.”
Miyazaki lập tức chấp nhận lời đề nghị của tôi. Ngọn lửa trên chiếc
Hamazaki được dập tắt. Chúng tôi vầy đoàn tiếp tục chạy về hướng Bắc.
Chúng tôi thâu ngắn đoạn hành trình còn lại chậm chạp một cách thảm
thương, nhưng may mắn là không có một phi cơ địch nào bay đến tấn công
chúng tôi nữa. Sau đó, chúng tôi tiến vào cảng Rabaul. Mọi người đứng trên
cầu tàu đã sững sờ khi nhìn thấy khu trục hạm Shigure chạy dẫn đầu, theo
sau là các chiếc Hamakaze và Minazuki. Bởi vì, đối với họ, nếu bất kỳ một
trong số ba khu trục hạm này lâm nạn, chắc chắn phải là chiếc khu trục hạm
yếu ớt Shigure, không thể nào là chiếc tàu mới tinh và chạy nhanh như
chiếc Hamakaze được. Thủy thủ đoàn Shigure cảm thấy sung sướng và
hãnh diện. Chúng tôi không sao quên được những lời đàm tiếu và khinh thị
mà họ đã nhắm vào chiếc Shigure của chúng tôi trước đây.
Ngày hôm sau, khi gặp nhau tại Tổng Hành Dinh, tôi ngỏ lời chia buồn
cùng Miyazaki. Một vị chỉ huy trưởng khu trục hạm lỗi lạc và tài giỏi như
ông ta, một người đang được đề nghị thăng cấp Đề đốc, trong khi mới 40
tuổi, bây giờ trở thành một vị chỉ huy trưởng bất hạnh của một hải đội khu
trục hạm với tất cả chiến hạm dưới quyền (Yukikaze, Isokaze, Hamanaze)
đều bị hư hại nặng cần phải sửa chữa. Việc thăng cấp của ông hiện tại đã
thành xa vời. Lúc gặp Miyazaki, tôi nhận thấy ông có vẻ buồn bã và hổ
thẹn.
Ijuin đã đưa cho Miyazaki một mảnh giấy và nói: “Đừng ủ rũ nữa,
Miyazaki. Hãy đọc mảnh giấy này và vui vẻ lên.”
Đôi tay Miyazaki run run khi lướt mắt qua các dòng chữ, và sau đó trao
cho tôi với nụ cười thoáng buồn. Đây là công điện gửi từ Shortland, cho
biết phi cơ địch đã ồ ạt tấn công gây thiệt hại nặng nề cho căn cứ này.
Miyazaki bắt tay tôi và nói: “Hara, anh đã cứu tôi cùng chiếc Hamazaki và
thủy thủ đoàn cùng hàng trăm binh sĩ trên tàu. Nếu tôi không nghe lời anh,
cứ cho chiếc tàu chạy đến Shortland, chắc chắn giờ này chúng tôi tan thành
mảnh vụn rồi.”
Bốn ngày sau đó, Đề đốc Ijuin cho mời tôi và hạm trưởng khu trục hạm
Shigure đến văn phòng của ông. Vị tư lệnh phân đội của chúng tôi tỏ ra lo
âu và có vẻ ngần ngừ trước khi nói: “Khu trục hạm Shigure phải đơn độc
đảm nhận một công tác chuyển vận đến Tuluvu. Tôi không muốn giao cho
các anh nhiệm vụ này. Nhưng tôi đã ra lệnh cho toàn thể các khu trục hạm
khác cùng đi với tôi đến di tản các binh sĩ tại đảo Retaka. Shigure đã được
chọn để đảm nhận công tác này một mình, bởi vì, Hara, tôi biết có mặt anh
trên chiếc tàu. Tôi tin rằng nếu một người nào có thể đảm nhận công tác
này, với một chiến hạm duy nhất, thì người đó phải là anh. Đây là một công
tác khó khăn, và tôi hứa rằng ít nhất sẽ có hơn một chiếc khu trục hạm nữa
gia nhập vào hải đội của anh, khi anh trở về.”
“Thưa Đề đốc, tôi sung sướng được Đề đốc giao phó nhiệm vụ. Được
chỉ huy chiếc Shigure trong chuyến đi đơn độc này, đó là một vinh dự to lớn
đối với hạm trưởng Yamagami và tôi.”
Gương mặt của Ijuin trở nên tươi tắn hẳn ra, ông tiếp, bằng một giọng
đầy khôi hài: “Hara, anh đã tạo ra nhiều kinh ngạc với chiếc Shigure. Nó
đáng mang danh hiệu “Khu trục hạm kiên cố” trong hàng ngũ hạm đội Nhật
Bản. Chiếc tàu này lại nằm trong phân đội của tôi, đó là một điều đáng cho
tôi hãnh diện. Tôi hy vọng chúng ta sẽ cùng đi chung với nhau trong một
chuyến công tác khác.”
Trên đảo Tuluvu, nằm ở cực bắc mũi Gloucester thuộc đảo New Britain,
Nhật Bản có thiết lập một căn cứ không quân nhỏ. Mặc dầu địch quân đã
nắm ưu thế trên không trong các vùng phụ cận, Tuluvu vẫn được xem là cứ
điểm quan trọng, một tiền đồn quan sát của Rabaul. Không có một con
đường nào nối liền Rabaul và Tuluvu ngoài đường biển. Do đó, tất cả đồ
tiếp tế cho đảo này đều được vận chuyển bằng tàu thủy. Trong khoảng thời
gian ngắn vừa qua, căn cứ nhỏ bé này thiếu thốn thực phẩm và đạn dược,
những lời yêu cầu tiếp tế lập đi lập lại vẫn không được đáp ứng, vì lúc ấy
gặp phải áp lực nặng nề của địch quân tại quần đảo Solomon. Bây giờ đã
đến lúc Tuluvu không thể bị quên lãng được nữa, nếu Nhật Bản muốn giữ
quyền kiểm soát hòn đảo này.
Tuluvu, cái tên âm vang như một lời đe dọa đối với tôi. Nó nằm tại cửa
khẩu phía Tây vùng biển Bismarck, nơi mà đầu tháng ba vừa qua địch quân
đã phóng ra những cuộc “oanh tạc nhảy”, nhận chìm bốn trong số tám khu
trục hạm và toàn thể tám chiếc chuyển vận hạm, thuộc đoàn convoy 16
chiếc của chúng tôi. Cũng chính cạnh bờ biển Tuluvu, chiếc Ariake thuộc
hải đội của tôi cũng bị đánh chìm bằng phương pháp oanh tạc nhảy, cùng
với chiếc Mikazuki, vào ngày 28 tháng 7. hai chiếc khu trục hạm này đã
chạy rướn lên đá ngầm trong lúc cố né tránh cuộc oanh kích của phi cơ địch
và sau đó bị triệt hạ luôn.
Tuluvu là một căn cứ nằm trong các cuộc tuần thám hàng ngày của phi
cơ Đồng Minh. Bất cứ chiếc tàu nào của Nhật Bản bén mảng đến đây đều
có thể hy vọng được oanh tạc cơ Đồng Minh tiếp đón nồng hậu, có khi bằng
những trận oang tạc nhảy. Tôi phải cố gắng bằng mọi cách tìm cho ra một
giải pháp chống lại hình thức tấn công này, mà chắc chắn chúng tôi phải đối
diện. Nhưng, cho đến hiện tại, đầu óc tôi vẫn mù mịt, nếu không nói là bó
tay.
Những người sống sót trong trận đánh ở biển Bismarck đẽ kể lại chiến
thuật tránh né theo lối xưa cũ của các chiến hạm Nhật đã thất bại như thế
nào. Tôi nghĩ có lẽ lúc bị oanh tạc nên quay mũi hướng thẳng về chiếc phi
cơ địch, như vậy mức độ chính xác về thời gian được tính toán để thả bom
sẽ bị sai lạc hẳn. Nhưng không có cách gì để kiểm chứng xem ý niệm này
có đúng không, ngoài cách thử thách ngay trong trận đánh. Nhưng thử thách
như vậy có khác nào đùa giỡn trên mạng sống của chiếc tàu và hơn 200
thủy thủ đoàn của chúng tôi. Vào trưa ngày một tháng 9, khu trục hạm
Shigure rời căn cứ Rabaul trực chỉ Tuluvu. Chúng tôi cho tàu chạy dọc theo
bờ biển phía Bắc đảo New Britain với tốc độ 18 hải lý. Hải vực tại đây cũng
nguy hiểm không thua gì tại quần đảo Solomon, đầy dẫy đá ngầm, và nhiều
nơi đáy biển rất nông không được ghi chú trên bản đồ.
Đêm xuống khi chúng tôi tiến vào Vịnh Hollmann, nằm ở cực Bắc của
bán đảo Willaumez, khoảng nửa đường giữa Rabaul và Tuluvu. Khu trục
hạm Shigure đang tiến vào vùng nguy hiểm.
Phòng truyền tin cho biết đã bắt được làn sóng vô tuyến của một phi cơ
địch lảng vảng đâu đây. Tin tức này đã đến sớm hơn sự dự đoán của chúng
tôi. Tôi ra lệnh cho các quan sát viên trông chừng phi cơ địch, cho dù mây
mù và trời tối đen, khiến thị độ quan sát rất yếu kém.
Một giờ sau, nhân viên truyền tin báo cáo: “Một phi cơ địch lại gửi công
điện. Ngay trên đầu. Chúng tôi không thể giải đoán công điện mã hóa này,
nhưng hình như phi cơ địch báo cáo vị trí, hướng đi và tốc độ của chúng
ta.” Chúng tôi tiếp tục chạy về hướng Tây. Thời tiết đột nhiên xấu hơn
không thể nào nhìn thấy vật gì trước mặt được nữa. Không khí trở nên oi
bức. Mồ hôi rịn đọng trên mặt tôi. Vài phút trôi qua, phòng truyền tin lại
gọi: “Một phi cơ địch tiếp tục theo dõi hướng tiến của chúng ta.”
Lặng yên và căng thẳng gia tăng trên đài chỉ huy. Tôi lấy khăn tay ra lau
mặt. Chưa lần nào không khí lại ngưng đọng như thế này. Đại úy Tsukihara,
sĩ quan hoa tiêu cho biết sắp có một trận mưa. Anh ta đã tiên đoán đúng.
Lúc 20h, cơn mưa trút xuống, ngăn hẳn tầm nhìn trong vòng một hai mét.
Chúng tôi cho tàu giảm tốc độ, quay mũi về hướng Tây Nam và tiến vào bờ
biển đầy đá tảng.
Phòng truyền tin báo cáo không còn bóng dáng một phi cơ nào của đối
phương được ghi nhận. Đại úy Tsukihara nói: “Tốt, thời tiết quỷ quái này
đã làm cho địch quân nản chí.”
Bầu không khí căng thẳng trên đài chỉ huy đã được giải tỏa. Sĩ quan và
thủy thủ bắt đầu nói chuyện lao xao. Họ ngáp dài và duỗi tay chân, sau khi
mươi phút trôi qua mà không có liên lạc vô tuyến nào của địch quân được
ghi nhận trong vùng lân cận.
Tuy nhiên, những cánh tay bỗng hóa tê cứng trong không khí, những cái
miệng chợt há hốc sững sờ trước tiếng động đinh tai nhức óc của các oanh
tạc cơ chúi xuống trút bom. Mọi người đều bò càng. Với một tiếng rít lạnh
xương sống, một chiếc phi cơ chúi mũi thẳng xuống đài chỉ huy và tiếp theo
đó là tiếng nổ đồng loạt của nhiều quả bom. Một phi cơ khác đang gầm thét
trên cột buồm.
Tôi lảo đảo đứng dậy, tự hỏi phi cơ địch ở hướng nào? Tôi nhìn thấy
Yamagami đang sờ soạng tìm nút báo động và ấn mạnh. Tiếng còi báo động
vang lên một cách muộn màng. Chiếc Shigure xoay hẳn về phía tả. Một cột
nước mọc lên ngay trong nửa vòng tròn của chiếc tàu vừa xoay, cách không
đầy 10m. Cột nước chụp lên tháp canh và đổ ập xuống đài chỉ huy. Tôi vừa
giũ nước vừa hét: “Cố bẻ lái qua bên phải! Tốc độ tối đa! Gia tăng tức
khắc!”
Trung úy Tsukihara nhìn tôi một cách sửng sốt, và hỏi lại: “Gia tăng tốc
độ tối đa tức khắc?”
“Tức khắc!” Tôi gào lên. Tsukihara, mặt tái xanh và tay run lẩy bẩy, ấn
mạnh nút liên lạc phòng máy, và nhắm nghiền mắt lại. Cùng lúc, Yamagami
gọi phòng máy ra lệnh gia tăng tốc độ tối đa tức khắc, và kêu lên nho nhỏ:
“Trời ơi!”
Phản ứng của họ hoàn toàn tự nhiên. Trước đây, tôi chưa bao giờ ra một
mệnh lệnh như vậy, và cũng có thể nói hầu hết sĩ quan Hải quân trong suốt
cuộc đời binh nghiệp của họ cũng chưa ai từng ra mệnh lệnh này. Dưới các
điều kiện thông thường, một chiếc tàu muốn gia tăng vận tốc từ 12 hải lý
lên vận tốc tối đa 30 hải lý phải mất nửa giờ. Dưới các điều kiện chiến đấu,
việc gia tăng vận tốc như vậy cũng mất ít nhất 16 phút.
Lệnh gia tăng vận tốc “tức khắc” của tôi đã vượt qua tất cả các phương
thức thông thường, và có thể làm nổ turbin cùng guồng máy chiếc Shigure
thân yêu của chúng tôi. Lệnh này đã gây ra sự náo động không thể tưởng
tượng được dưới hầm tàu. Mối lo âu lớn của toán phòng máy là làm sao thi
hành được mệnh lệnh này mà tránh cho các sợi dây của turbin khỏi bị đứt
tung khi những cái van trong máy nở ra. Tất cả mọi người đều thi hành
mệnh lệnh một cách khẩn cấp nhưng trong thâm tâm đều nghĩ tai họa chắc
chắn sẽ xảy ra.
Những người đứng trên đài chỉ huy chờ đợi phi cơ địch tái xuất hiện
không biết phút giây nào. Yamagami, đang hướng mặt về phía sau lái bỗng
la to và đưa tay chỉ ống khói tàu. Từ miệng ống khói đang tuôn ra những
dòng lửa có ngọn kéo dài theo chiều gió. Nhiên liệu dư quá nhiều, máy đốt
không kịp nên tuôn ra ống khói và bốc cháy. Ngọn lửa sáng rực cả phần sau
chiếc tàu.
Các oanh tạc cơ địch không bao giờ bỏ bom trật một mục tiêu như thế
này. Sự lo âu chỉ kéo dài trong vài phút, nhưng đối với mọi người như kéo
dài hàng nhiều giờ, và ngay lúc đó, phòng truyền tin báo cáo: “Sử dụng
ngôn ngữ thông thường, phi cơ địch báo cáo đã oanh tạc vào ngay giữa một
khu trục hạm. Chiếc tàu bốc cháy và đang chìm.”
Tôi sợ tai mình nghe lầm, tôi yêu cầu đọc lại công điện một lần nữa. Khi
nghe xong công điện đáng kinh ngạc này, Yamagami và Tsukihara reo lên
vui mừng.
Không khí háo hức bị phá tan, một tiếng nói từ phòng máy vọng lên, hỏi
xem có cần phải tiếp tục thi hành lệnh gia tăng tốc độ cấp tốc nữa không?
Tôi sung sướng trả lời rằng lệnh này không còn cần thiết nữa, và bây giờ có
thể giảm tốc độ xuống 12 hải lý trở lại. Ngọn lửa ở miệng ống khói tàu hạ
xuống mau chóng, và chúng tôi tiếp tục di chuyển trong bóng đêm một cách
bình yên.
Không còn chiếc phi cơ nào theo đuổi chúng tôi nữa. Đối phương xem ra
đã xóa tên chiếc Shigure trên biển cả. Đoạn hải trình còn lại của chúng tôi
thông suốt và thoải mái sau những phút giây dựng tóc gáy. Chúng tôi đổ
hàng tiếp tế xuống Tuluvu và quay ra khơi trong không khí vui mừng náo
nức của binh sĩ đồn trú trên đảo.
Một lần nữa, chúng tôi trở về căn cứ Rabaul bình an. Ngày hôm sau, tôi
trình diện Đề đốc Ijuin. Ông cũng trở về bình an và thành công trong
chuyến đi Retaka của ông.
Lúc tôi kể chuyện với ông về những việc đã xảy ra, ông cười muốn đứt
hơi, và nói: “Xem ra bây giờ chúng tôi có thể gọi anh là Đại tá Hara Huyền
diệu. Hara, ngoài anh, không ai có thể nghĩ ra chiến thuật kỳ dị và thành
công đến như vậy trong giờ phút nguy nan đó.”
Tôi sung sướng trước lời khen tặng của ông. Tôi nói: “Chiến tranh
dường như có liên quan đến thế giới huyền nhiệm. May mắn cũng là một
phần lớn trong sự huyền nhiệm này. Tôi nghĩ rằng sử dụng cùng mưu mẹo
đó sẽ khó thành công trong kỳ khác.”
Ngay sau khi Đề đốc Ijuin đọc bản phúc trình của tôi về chuyến đi
Tuluvu, ông ra lệnh xem xét lại chiếc Shigure. Là một chuyên viên hoa tiêu,
ông lo ngại những hậu quả gây ra từ việc gia tăng tốc độ cấp tốc mà chiếc
tàu phải chịu đựng.
Sau khi đã chạy thử và xem xét cẩn thận, các kỹ sư bảo trì đã đệ lên Ijuin
một báo cáo hoàn toàn đúng với điều lo ngại của ông. Theo đó, chiếc
Shigure không còn đủ khả năng để dự trận được nữa. Bản báo cáo ghi nhận
rằng chiếc Shigure bỏ qua kỳ hạn tu bổ quá lâu, máy móc đã đến mức tồi tệ,
bánh lái và tay lái sai lệch. Thân tàu đóng đầy vỏ sò hến, và các cơ quan cần
phải có sự chính xác khác đều không thể sửa chữa hoặc điều chỉnh được.
Bản báo cáo kết luận: “Xin cho phép sửa chữa tạm thời tại Rabaul để khu
trục hạm Shigure có thể di chuyển sớm chừng nào hay chừng ấy đến Sasebo
để hoàn tất công việc tu bổ.
Khi một phó bản của báo cáo được gửi đến chiếc Shigure, mọi người đã
chuyền tay nhau để xem. Phản ứng của thủy thủ đoàn mỗi người một khác,
nhưng đều giống nhau trên căn bản: Không người nào muốn trở về Nhật.
Sau khi tham dự nhiều trận đánh mà không một ai thương vong, tinh
thần của thủy thủ đoàn Shigure lên cao tột đỉnh. Tất cả đều la lên giận dữ
khi đọc qua bản báo cáo. Họ reo hò phản đối, hết lời thóa mạ và có người
còn vung tay đe dọa “mấy tên thợ máy to đầu” ám chỉ mấy viên kỹ sư. Tất
nhiên, Đề đốc Ijuin chấp thuận khuyến cáo của các viên kỹ sư.
Khi những chuyên viên sửa chữa lên tàu, thái độ của thủy thủ đoàn thay
đổi mau chóng. Họ tỏ ra thân thiện và vui vẻ, vui lòng hợp tác với các
chuyên viên trên mọi phương diện. Đại úy Hiroshi Kayanuma, cơ khí
trưởng của Shigure, còn tỏ ra một cách thân thiện đặc biệt hơn.
Với bộ râu dài, Kanayuma giống như một người tiền sử, nhưng trái lại
anh ta là một người khôn khéo và thông minh, và cũng là một tay uống
rượu cừ khôi nhất trên tàu. Kanayuma bắt bồ ngay với mấy viên cai trông
coi toán sửa chữa, lôi họ đi nhậu nhẹt mỗi ngày, cố gắng tán tỉnh để họ xúc
tiến công việc sửa chữa nhanh chóng. Anh ta nói với họ: “Rabaul đang
thiếu tàu chiến. Ngay cái chậu cũ kỹ xộc xệch này xem ra còn xài được hơn
mấy cái chậu mới, chỉ biết đưa lưng ra đỡ đạn. Chúng tôi muốn chiến đấu.
Xin giúp chúng tôi cơ hội nhận chìm tàu địch càng sớm càng tốt.”
Thái độ đó cũng là thái độ chung của thủy thủ đoàn Shigure. Chỉ trong
vòng 6 tháng qua mà họ đã thay đổi biết bao! Hiện thời họ đã khiến cho tôi
kiêu hãnh. Với tinh thần cao như vậy, tôi biết nếu tham dự bất kỳ trận đánh
nào họ cũng đều có thể gặt hái thành công dễ dàng.
Công việc sửa chữa mất nhiều ngày giờ hơn dự tính của chúng tôi. Vì có
thêm nhiều chỗ hư hỏng cần phải sửa chữa thật cẩn thận.
Trong tuần lễ đầu tiên ăn không ngồi rồi tôi ngã bệnh. Suốt tháng 8 đầy
sôi động, tôi không bao giờ được nghỉ ngơi lâu dài sau các trận đánh dữ dội.
Qua các trận đánh kéo dài nhiều giờ này, cộng thêm nhiều đêm không chợp
mắt, khiến bao nhiêu sức lực của tôi đều tiêu tán. Trong giai đoạn nghỉ ngơi
như thế này tôi lại uống quá nhiều rượu. Vào cuối tháng 8, tôi đã tiêu thụ cả
thùng sake mỗi đêm trước khi ngủ. Sau một tuần nhàn rỗi và quen thói quen
nhậu nhẹt, tôi sợ mình trở thành một con sâu rượu nên cố gắng giảm xuống.
Nhưng sức khỏe tôi giảm sút khủng khiếp, không đủ trầm trọng để tôi nằm
liệt giường, nhưng nó đủ sức gây cho tôi tính khí thất thường và hay tức
bực.
Tôi ngẫm nghĩ về tình thế của cuộc chiến. Tại sao Nhật Bản không chịu
thương lượng hòa bình trước khi việc này quá trễ tràng? Tôi không thể nào
ngủ yên giấc. Mỗi khi tôi chợp mắt, những cơn ác mộng ùa đến và tôi bừng
dậy, mồ hôi lạnh toát đầy thân.
Nghĩ lại, tôi nhớ ơn Đề đốc Ijuin. Ông biết tôi cần phải nghỉ ngơi, nên
ông đã dành cho tôi thời gian này. Nhiệm vụ chỉ huy một chiếc tàu trong
thời chiến là một nhiệm vụ đầy mệt mỏi, đó là không nói giữa lúc tôi còn
khỏe mạnh, tuổi mới trên 40. Chỉ cần tưởng tượng tôi cũng thấy các vị sĩ
quan cao cấp hơn đã gặp phải biết bao khó khăn. Các sử gia, những người
thường hay chỉ trích những sĩ quan chỉ huy, phải nhìn một cách thích đáng
những căng thẳng và những trách nhiệm nặng nề của một vị chỉ huy chiến
đấu.
Thời gian nghỉ ngơi ngắn ngủi làm cho tôi hồi sinh. Hai tuần lễ này đã
khôi phục đầy đủ năng lực tiêu tán của tôi. Vào giữa tháng 9, khi công việc
sửa chữa chiếc tàu của chúng tôi xong xuôi, tôi mạnh hẳn về cả thể xác lẫn
tinh thần.
Trong khi đó, tình thế cuộc chiến về phía Nhật Bản trở nên tồi tệ. Do đó,
Bộ Tư Lệnh Tối Cao quyết định một cuộc hành quân triệt thoái khác. Lực
lượng Nhật ở Kolombangara được di tản.
Tôi hoạt động trở lại đúng thời gian có cuộc hành quân chuyển vận
Buka. Hòn đảo thuộc quần đảo Solomon này nằm gần Rabaul nhất. Đề đốc
Ijuin cho rằng cuộc hành quân dễ dàng này sẽ lấy lại phong độ cho tôi.
Cuộc di tản ở khu vực Kolombangara bắt đầu vào ngày 21 tháng 9. tất cả
binh sĩ Nhật trấn đóng trên hai đảo Arundel và Gizo, ở mạn phía Nam và
Đông Nam của Kolomban gara, được rút hết cùng ngày. Vào ngày 27, cuộc
hành quân chuyển vận Buka hoàn tất, tôi gia nhập vào cuộc di tản gần
10.000 binh sĩ trú phòng ngay trên đảo chính là Kolombangara. Cuộc di tản
này thành công hoàn toàn vào đầu tháng 10, chỉ có 66 binh sĩ thương vong.
Chương trình triệt thoái kế tiếp là Vella Lavella. Từ đây giống như từ các
địa điểm di chuyển khác, binh sĩ được rút đi đều mang hết về Bougainville.
Ijuin được lệnh điều khiển cuộc di tản 600 binh sĩ ở đảo Horaniu, thuộc
Vella Lavella.
Để thực hiện cuộc hành quân triệt thoái này, Ijuin đã vạch một kế hoạch
công phu, đòi hỏi 3 nhóm hộ tống gồm 9 khu trục hạm. Nếu so sánh với
tổng số 25 khu trục hạm được sử dụng trong cuộc di tản 10.000 binh sĩ ở
Kolombangara, cuộc di tản nhỏ bé này đã quy tụ một lực lượng hộ tống
vượt mức.
Ijuin giải thích rằng mặc dù các cuộc hành quân ở Kolombangara không
gặp phải sự ngăn trở nào đáng kể, nhưng với các cuộc hành quân sau này,
địch quân đã hiểu chiến lược của chúng tôi, nên phải chuẩn bị sẵn sàng để
đương đầu với sự ngăn cản mạnh mẽ hơn.
Sự buồn cười có lẽ là đặc tính nổi bật nhất của cuộc hành quân quá tỉ mỉ
này, bởi sự thật, 600 binh sĩ ở Horaniu không được di tản đâu xa hơn là
Buin, nằm ở phía Nam Bougainville, nghĩa là cách xa địa điểm di tản không
quá 50 dặm. Hơn nữa, và là một sự mỉa mai, 400 trong số 600 binh sĩ được
di tản lại do chính Ijuin hộ tống đổ bộ lên Horaniu một tháng trước đó.
Trận đánh khu trục hạm xảy ra vào hai ngày 6 và 7 tháng 10 là một trong
những trận đánh hỗn loạn nhất của cuộc chiến Thái Bình Dương. Ngay khởi
đầu, cuộc xung đột được điều động bởi những người khư khư ôm lấy ảo
tưởng và những sai lầm, nhưng có một vài điểm khá chính xác: Người Mỹ
đã đánh giá đúng sức mạnh của Nhật ở Horaniu, và họ biết Nhật sắp đưa ra
một nỗ lực để triệt thoái lực lượng bị cô lập trên hòn đảo này. Người Mỹ
cũng biết rằng sau một năm của cuộc chiến tiêu hao, sức mạnh trên mặt
biển của Nhật đã sút giảm nghiêm trọng, nhưng họ không bao giờ tưởng
tượng Hải quân Nhật đã tung đến 9 khu trục hạm, 4 tàu săn ngầm và 20
chuyển vận hạm vào một cuộc hành quân nhỏ bé như vậy.
Đề đốc Ijuin đã đảm trách quá nhiều nhiệm vụ trong những tháng vừa
qua, vì vậy ông đã mỏi mệt. Trong khi sức khỏe của tôi có dịp phục hồi,
tinh thần và thể xác căng thẳng của ông qua các cuộc chiến đấu liên miên
không có một dịp nào khác để nghỉ ngơi. Vấn đề này là một yếu tố quan
trọng trong cuộc đụng độ sắp xảy ra.
Lực lượng đảm trách cuộc di tản ở Vella Lavella Đề đốc Ijuin, xuất phát
từ Rabaul vào sáng sớm ngày 6 tháng 10, tổ chức như sau:
I. Nhóm khu trục hạm hộ tống, Đề đốc Ijuin tổng chỉ huy, chia thành 2
nhóm nhỏ:
Nhóm A: Khu trục hạm Akigumo, Isosake, Kazegumo, Yugumo do Đại
tá Miyazaki chỉ huy.
Nhóm B: Khu trục hạm Shigure, Samidare do Đại tá Hara chỉ huy.
II. Nhóm khu trục hạm chuyển vận do Đại tá Kunizo Kanaoka chỉ huy
bao gồm 3 khu trục hạm Fumizuki, Matsukaze và Yunagi.
III. Nhóm tàu chống ngầm và chuyển vận hạm do Đại tá Shigoroku
Nakayama chỉ huy bao gồm 4 tàu chống ngầm và 20 chuyển vận hạm.
Tất cả đều dưới quyền tổng chỉ huy của Ijuin, soái hạm của ông là chiếc
Akigumo, kế đó là Đại tá Miyazaki đầy đủ kinh nghiệm với chiếc Isokaze
của ông, và thành phần còn lại tiếp theo sau. Chọn chiếc Akigumo làm soái
hạm, có lẽ Ijuin không muốn Miyazaki mó tay vào các quyết định mặt trận
quan trọng của ông. Trên chiếc Akigumo, với vị hạm trưởng và các sĩ quan
ít kinh nghiệm. Ijuin sẽ mạnh miệng hơn khi tạo ra các quyết định riêng của
ông.
Trái hẳn ý kiến của một số người Mỹ từng tham dự vào trận đánh sắp
xảy ra – họ cho rằng Ijuin không muốn chạm trán với họ. Sự thật, Ijuin
mong muốn và rất sẵn sàng để đánh. Số lượng chiến hạm mà ông mang
theo đã chứng tỏ điều này.
Từng là một chuyên viên hoa tiêu, ông tránh dàn binh theo đội hình phức
tạp, và sự thành công của đội hình từng gây bối rối cho đối phương trong
cùng một khu vực bảy tuần lễ trước đây vẫn còn trong ký ức ông. Hiện tại
ông lại mệt mỏi, ý niệm điều quân mới mẻ không thể hy vọng sẽ có nơi
ông.
Bốn chiến hạm thuộc nhóm đầu tiên của ông đều có khả năng đạt được
tốc độ đến 35 hải lý. Do đó, trong một phiên họp chiến thuật, Ijuin có nói
với chúng tôi rằng ông sẽ điều quân để nhử địch vào vị trí chọn lựa, nơi đây
hai khu trục hạm của tôi có thể đưa ra một cú đấm gây sửng sốt cho địch
quân, để nhờ vậy, nhóm khu trục hạm thứ ba của chúng tôi có thể tiến đến
đoàn tàu chuyển vận suôn sẻ. Chín khu trục hạm của chúng tôi cũng triển
khai thành nhiều nhóm riêng rẽ để địch quân không thể đoán nổi sức mạnh
thật sự của chúng tôi. Quả thật, địch quân đã khinh thường lực lượng của
chúng tôi, nhưng họ lại không đánh theo sự sắp xếp của Ijuin.
Ngày đó trời đầy mây và mưa sa từng chặp. Lướt vào những cơn mưa,
chúng tôi tìm thấy chốn ẩn thân tuyệt hảo. Khi chạy men theo bờ biển phía
Đông Bougainville vào buổi trưa hôm đó, truyền tin của chúng tôi chặn bắt
được một công điện viết bằng những con số của địch quân. Công điện này
do trinh sát cơ hoặc một số quan sát viên bí mật được địch quân cài trong
rừng rậm Bougainville gửi đi. Chúng tôi không có cách nào để biết có phải
công điện này đã báo cáo đầy đủ hay chỉ từng nhóm tàu chiến riêng rẽ của
chúng tôi. Nên biết, hiện tại các chiến hạm của chúng tôi chia ra làm 3
nhóm chạy riêng rẽ và cách xa nhiều dặm. Nhưng dù thế nào, công điện này
cũng chứng tỏ sự hiện diện của chúng tôi đã bị địch quân sớm phát hiện.
Sau khi bắt được công điện, khoảng cách giữa các khu trục hạm của
chúng tôi được nới rộng thêm từ 1000m, nhằm chuẩn bị đón nhận một cuộc
tấn công của phi cơ địch.
Khoảng 15h, đúng ngay lúc chúng tôi đang chống trả với một cơn mưa
ào ạt, nhiều phi cơ địch từ hướng Choiseul bay đến. Cơn mưa bão đã bảo vệ
chúng tôi hữu hiệu. Bầu trời thẩm tối trong nửa giờ, phi cơ địch không biết
chúng tôi ở đâu mà mò, nên đành bỏ cuộc săn đuổi.
Lúc mặt trời lặn, chúng tôi nhận được một công điện của Đề đốc Ijuin
cho biết nhóm tàu của ông đang tiến thẳng đến Vella, và chỉ thị thành phần
còn lại “hãy giảm tốc độ xuống còn 9 hải lý, và chờ ở phía Đông đảo
Shortland để gặp đoàn tàu chuyển vận”, mà ông hy vọng sẽ đến sớm. Sau
khi gửi chỉ thị, nhóm tàu gồm 4 chiếc của Ijuin chạy với tốc độ 26 hải lý,
hướng mũi vào eo biển Bougainville. Eo biển này ban ngày di chuyển đã
khó khăn, trong đêm tối còn khó khăn hơn nữa, nhưng các chiến hạm của
ông không gặp tai nạn nào. Một hoa tiêu xuất sắc, tiếng tăm của Ijuin không
có gì quá đáng.
Hai khu trục hạm của tôi chạy chầm chậm ngang qua eo biển và đã gặp
các chuyển vận hạm ở phía Đông Shortland theo như sự sắp xếp. Sau đó,
chúng tôi tiếp tục chạy về hướng Đông Nam, với vận tốc nhàn nhã 9 hải lý.
Giữa lúc hầu như đã đặt chân đến Horaniu, Ijuin phát hiện 4 khu trục
hạm địch xuyên qua đêm tối.
Một cơn bão đến bất thình lình che phủ mọi vật. Lần này cơn mưa
nghiêng phần lợi thế về phía địch quân, lúc ấy vẫn chưa phát hiện các khu
trục hạm của Ijuin. Mò mẫm trong bóng tối như bưng, và chợt nghĩ đến các
khẩu súng có radar hướng dẫn của đối phương, Ijuin đã lưỡng lự. Ngay lúc
đó, phòng truyền tin trao ông một công điện: “Một trinh sát cơ Nhật phát
hiện 4 tuần dương hạm và 3 khu trục hạm địch từ hướng Tây tiến về phía
Bắc Vella Lavella.”
Ijuin gật mạnh đầu, và bình thản ra lệnh cho nhóm tàu của ông xoay
hướng. Báo cáo này hoàn toàn sai lầm, và đã dẫn đến hầu hết những sai lầm
tiếp theo khác của Nhật Bản trong trận đánh này. Làm sao báo cáo này được
tin tưởng và được phổ biến? Câu hỏi chưa bao giờ có giải đáp dứt khoát.
Theo tôi phỏng đoán, viên phi công của trinh sát cơ là một tay mới vào
nghề. Hắn ta có thể đã nhìn thấy nhóm 3 khu trục hạm Hoa Kỳ thấp thoáng
qua các cụm mây, hắn ta bay qua vị trí khác và hướng khác, rồi lại quan sát.
Cứ như vậy, hắn ta đã nhìn một nhóm tàu địch thành hai hoặc thành ba, và
nhắm mắt báo cáo bừa. Đó là một sai lầm nghiêm trọng và tai hại thật sự.
Nếu báo cáo quan sát đầu tiên này chính xác, toàn thể quanh cảnh của
trận đánh sẽ khác biệt hẳn. Theo báo cáo, lực lượng đối phương gồm 4 tuần
dương hạm. Một tuần dương hạm mang hỏa lực gấp 10 lần một khu trục
hạm và loại tàu này còn được trang bị những pháo khẩu điều khiển bằng
radar rất hữu hiệu. Mặc dù Ijuin biết trong tình trạng đêm tối và mưa gió
radar sẽ hoàn toàn vô dụng, nhưng các chiến hạm của ông không thể nào
đương đầu nổi với lực lượng đối phương hùng hậu như vậy. Do đó, ông chỉ
còn một cách lựa chọn mà thôi: Xoay hướng.
Khi công điện chuẩn bị đổi hướng đến chiếc Shigure, tôi đã tỏ ra kinh
ngạc về sự xuất hiện quá sớm của địch quân, nhưng tôi không có lý do nào
để ngờ vực sự chính xác của báo cáo do trinh sát cơ cung cấp. Tôi chỉ
thoáng hình dung vẻ mặt u sầu của Ijuin khi bỏ ngang kế hoạch đã được sắp
xếp của ông. Ông đang ở vào một tình trạng tiến thoái lưỡng nan. Ông sẽ có
2 đường để chọn, đình chỉ hẳn hoặc cố gắng tiếp tục nhiệm vụ được giao
phó. Lực lượng hùng hậu hiện thời của ông không tương xứng chút nào với
nhiệm vụ di tản nhỏ bé được giao phó. Do đó, bỏ ngang nhiệm vụ, ông sẽ
không còn mặt mũi nào mà nhìn thiên hạ. Hơn nữa, không có lý lẽ nào để
tin tưởng cuộc hành quân di tản này được hoãn lại để thực hiện lần sau sẽ
gặp một lực lượng địch quân yếu kém hơn.
Trong khi Ijuin bị dày vò với muôn ngàn ý nghĩ và nhóm tàu của ông
tiếp tục chạy về hướng Nam với vận tốc 26 hải lý, Đại tá Walker trên soái
hạm Selfridge, dẫn đầu một nhóm 3 khu trục hạm Hoa Kỳ, đã phát hiện
những gì mà ông ta đoán quyết là một đoàn chuyển vận hạm của Nhật Bản.
Lúc đó là 23h31 (giờ địa phương). Và trong khi Walker ra lệnh cho các
chiến hạm thuộc quyền của ông gia tăng tốc độ lên 23 hải lý để chạy đua
với “đoàn chuyển vận hạm” Nhật, ông đã gọi thêm một nhóm 3 khu trục
hạm Hoa Kỳ khác, hiện đậu ở cạnh bờ biển phía Bắc New Gerorgia, cách
20 dặm phía Tây vị trí của ông.
Có thể đêm đẹp trời này là đêm của biến cố, đêm của đổi thay. Thời tiết
bỗng trong sáng đến nỗi có thể nhìn thấy các mục tiêu cách xa trên
15.000m, Nhưng thỉnh thoảng các đám sương mờ và hơi nước bốc lên che
khuất hẳn tầm nhìn. Đại tá Walker, qua radar, đã nhìn thấy các chiến hạm
Nhật, trong khi Ijuin không hay biết gì đến sự có mặt của các khu trục hạm
Hoa Kỳ.
Lực lượng của Walker nhanh chóng tiến sát đến các khu trục hạm Nhật
trong khi Ijuin đánh đi công điện kế tiếp của ông, ra lệnh cho “hai chiếc tàu
của tôi kết hợp với ông càng nhanh càng tốt.” Tôi nhận công điện này vào
lúc 20h10 và cấp tốc đáp ứng lệnh đưa ra bằng cách xả hết tốc lực 30 hải lý,
trực chỉ về hướng nhóm tàu của Ijuin.
Ijuin vẫn chưa biết gì về vị trí và động tĩnh của đối phương. Mối đe dọa
này đã bị sương mù của đêm che khuất. Nhưng, trong cố gắng nhằm để các
khu trục hạm của tôi gặp ông dễ dàng, Ijuin đã xoay hướng nhóm tàu của
ông về phía tây vào lúc 20h29. Sáu phút sau, tôi đánh đi một công điện kêu
cứu: “Không thể nào tìm thấy anh, bởi lẽ sương mù quá dày đặc. Yêu cầu
khu trục hạm Yugumo bật đèn lái màu xanh.” Ngay lúc đó, 20h35, Ijuin lại
xoay hẳn hướng các chiến hạm của ông sang trái trong khi chiếc Yugumo
cho biết đã bật đèn lái theo lời yêu cầu của tôi.
Nhóm tàu của Ijuin lại nhanh chóng xoay trái hai lần nữa, lần xoay sau
cùng thực hiện vào lúc 20h38, khi tôi đã nhìn thấy đèn hiệu màu xanh của
chiếc Yugumo. Một phút sau đó, Ijuin phát hiện lực lượng địch đang tiến
đến từ hướng Đông. Cấp tốc 4 khu trục hạm Nhật gia tăng tốc độ lên 35 hải
lý chạy về hướng Nam. Hơi nước lúc ấy bốc lên mù mịt, che khuất hẳn tầm
nhìn. Ijuin đăm đăm nhìn về phía địch quân, nhưng ông vẫn chỉ thấy lờ mờ
và vẫn tin rằng lực lượng địch bao gồm 4 tuần dương hạm và 3 khu trục
hạm theo như báo cáo của phi cơ. Xuyên qua màn hơi nước, ông ước lượng
khoảng cách của các chiến hạm ẩn hiện như bóng ma của địch quân độ
chừng 10.000m, và ông quyết định lặp lại chiến thuật mà ông đã từng sử
dụng vào ngày 17 tháng 8.
Theo đó, Ijuin dự định quay về hướng Tây Tây Nam với tốc độ cao để
vừa chạy vừa phóng ngư lôi. Nhưng, một việc thường thấy ở biển, mục tiêu
xuất hiện thường thấy gần hơn là khoảng cách thực sự của nó. Vì vậy, Ijuin
đã sai lầm khi ước lượng khoảng cách giữa ông và địch quân.
Ông cho tàu vung nhẹ sang hướng Nam Đông Nam, tức hướng 235 độ,
và vào lúc 20h40 ông xoay về hướng tây tây Nam. Chỉ huy trưởng 4 chiếc
tàu săn ngầm, Đại tá Nakayama gửi công điện báo cáo đoàn chuyển vận
hạm đã hướng thẳng đến Horaniu. Tin này khiến Ijuin vui mừng, vì như vậy
là đoàn tàu sẽ di chuyển an toàn ngang qua phía sau lực lượng đối phương.
Vào lúc 20h45, Đề đốc Ijuin khám phá ra sự sai lầm của ông. Lực lượng
địch vẫn duy trì hướng tiến cũ, nhưng khoảng cách giữa ông và họ xa hơn
ông tưởng. Ông lập tức xoay về hướng Nam Đông Nam trở lại và, sau đó,
khi đã điều chỉnh lại sự ước lượng khoảng cách sai lầm và sắp xếp một kế
hoạch tấn công bằng ngư lôi, vào lúc 20h48, ông ra lệnh cho các tất cả các
chiến hạm của ông đồng loạt xoay về bên phải 45 độ.
Tới đây, Ijuin lại tạo ra một lỗi lầm khác. Đồng loạt xoay hướng là một
hành động vô cùng khó khăn. Việc này đòi hỏi sự chính xác của thời gian,
đó là không nói đến sự rắc rối khi thi hành, bởi lý do các khu trục hạm đang
chạy trong một đội hình hàng dọc khít khao. Muốn thi hành sự xoay hướng
này, điều kiện tuyệt đối là soái hạm phải biết đầy đủ tình trạng và vị trí
chính xác của từng chiếc tàu một trong đội hình. Nhưng ở hiện tại, các
đường liên lạc vô tuyến của soái hạm chỉ liên lạc được với 3 khu trục hạm,
còn liên lạc với chiếc Shigure của tôi, bị cắt đứt hoàn toàn.
Sau sự sai lầm ước lượng khoảng cách của địch quân, tiến đến sự sai lầm
trong lệnh xoay hướng đồng loạt, Ijuin cho nhóm chiến hạm của ông kết
hợp thành đội hình hàng dọc tạm thời tiến về hướng Nam. Nhìn qua tình
hình này, Ihuin có vẻ lo ngại, vì ông hiểu rằng các chiến hạm của ông hiện
thời đã trở thành mục tiêu lộ liễu cho địch quân. Ông nhớ lại hình ảnh xoay
hướng về bên phải khéo léo và thần tốc của 4 khu trục hạm Hoa Kỳ trong
trận đánh ngày 17 tháng 8 trước đây. Nếu lúc này địch quân cũng làm như
vậy, lực lượng của ông sẽ lãnh một cú đấm tàn khốc, để rồi tiếp sau đó,
chiến hạm địch sẽ đổ xô về phía Nam và dọn sạch đoàn tàu chuyển vận. Ám
ảnh mạnh mẽ bởi mối đe dọa này, cộng thêm với thể xác mệt mỏi vì chiến
trận, và cái thói quen không chịu lưu ý hoặc nghe theo khuyến cáo của các
thuộc cấp đầy kinh nghiệm, Đề đốc Ijuin đã tạo nên một sai lầm thứ ba, một
sai lầm vĩ đại nhất trong cuộc đời ông. Ông ra lệnh cho tất cả chiến hạm của
ông đồng loạt xoay hướng một lần nữa, lần này xoay về bên trái. Bây giờ
các chiến hạm Nhật nằm trong đội hình hàng ngang so le, từ phía Nam tiến
về phía Đông, và như vậy càng khiến cho lực lượng của Ijuin trở thành mục
tiêu dễ nuốt đối với địch quân hơn.
Ijuin không bao giờ đưa ra bất kỳ lý lẽ nào khác để bào chữa cho hành
động này ngoài việc thừa nhận lỗi lầm của ông. Nhưng theo tôi tin tưởng,
sở dĩ ông đưa ra hành động này là cố ý nhử địch quân bỏ hướng tiến về phía
Nam của họ, nhằm để cứu đoàn chuyển vận hạm thoát khỏi một cuộc tấn
công.
Lúc 20h56 nhóm tàu 4 chiếc của Ijuin lại đồng loạt xoay hướng qua
phải, để chạy về phía Nam, với đội hình hàng dọc như cũ, nghĩa là quay lái
vào mạn tàu địch quân. Do đó, chiếc Yugumo, chạy cuối cùng, chỉ cách các
họng súng điều khiển bằng radar của địch quân có 3.000m.
Ngay khi 4 khu trục hạm vừa xoay hướng xong, các chiến hạm địch lập
tức khai hỏa và phóng ngư lôi. Trúng một loạt 5 quả đại pháo, chiếc
Yugumo liền lách qua trái để tách rời khỏi đội hình, các pháo khẩu bắn trả
địch quân và đồng thời bắn 8 quả ngư lôi. Chiếc Kazegumo, chạy kế phía
trước, cũng khai hỏa nhưng không dám phóng ngư lôi vì sợ trúng đồng đội
đã bị hư hại của mình. Xạ trường bị hai khu trục hạm đang lâm chiến án
mất, hai chiếc Isokaze và Akigumo không bắn được phát nào. Khu trục hạm
Yugumo lĩnh thêm nhiều quả đạn nữa, tay lái hoàn toàn tê liệt, trôi dạt dần
về hướng Đông Nam. Lúc 21h03, mạn trái của chiếc tàu này hứng trọn một
quả ngư lôi địch, lảo đảo nhiều phút rồi sau đó biến mất trên đại dương.
Toàn thể thủy thủ đoàn 241 người của Yugumo không còn ai sống sót. Ba
chiếc tàu còn lại của Ijuin tháo chạy toán loạn, mất 10 phút sau mới vầy
đoàn, và sắp xếp lại đội ngũ di chuyển về hướng Tây.
Ba khu trục hạm Hoa Kỳ, được điều động một cách tài tình, hiện tại có
vẻ như đã hả hê với chiến thắng, nên vội bỏ rơi các nạn nhân còn tồn tại.
Lúc 20h56, sau khi khai hỏa và phóng ngư lôi đanh chìm chiếc Yugumo,
các chiến hạm Hoa Kỳ vung sang bên phải.
Nếu các chiến hạm này cứ chạy theo đúng hướng mới này thì niềm vui
chiến thắng của chúng sẽ được trọn vẹn. Nhưng sau khi chạy được một phút
rưỡi, ba chiến hạm địch phát hiện 2 khu trục hạm khác của Nhật (tức hai
chiếc Samidare và Shigure của tôi) chạy ngay phía trước, cách 13.000m.
chiến hạm địch vội vã xoay hướng để chạy song song với hai mục tiêu mới
này, và chuẩn bị tấn công. Cách điều binh của địch quân như vậy là rất
đúng, nhưng khi làm như vậy, địch quân lại không chịu để ý đến cú đấm
ngư lôi cuối cùng trước khi dãy chết của chiếc Yugumo. Phấn khởi với dịp
may hiếm có, ba chiến hạm Hoa Kỳ đã cấp tốc vung sang phải và tất cả
trọng pháo được nâng lên nhắm thẳng vào hai nạn nhân mới mà không hề
hay biết các quả ngư lôi Oxygen vô hình vô ảnh của Nhật Bản đang lướt về
phía chúng.
Lúc 21h, một trong các quả ngư lôi do chiếc Yugumo phóng đi trúng
thẳng vào buồng chứa đạn của khu trục hạm Chevalier của Hoa Kỳ. Chiếc
tàu này nổ tung và chìm trước chiếc Yugumo hai phút. Nhiều tin tức loan đi
trên báo chí Hoa Kỳ nói rằng chiếc Chevalier bị trúng ngư lôi trong lúc
đang chuẩn bị “đấu súng” với một số ngư lôi đĩnh Nhật Bản. Các tin tức
này hoàn toàn tưởng tượng hoặc có tính cách câu độc giả. Không hề có một
chiếc ngư lôi đĩnh nào của Nhật hoạt động trong khu vực này vào thời gian
đó.
Vào lúc 21h5, đúng ngay lúc chiếc Yugumo biến mất trên mặt đại
dương, lực lượng Hoa Kỳ nhận lĩnh thảm họa thứ hai. Khu trục hạm
O’Bannon đụng dữ dội vào chính giữa mạn của chiếc Chevalier đang giãy
chết. Sự đụng chạm này có lẽ là do tín hiệu cấp cứu sai lầm của chiếc
Chevalier. Cũng có thể giải thích là do màn khói dày đặc giữa hai chiến
hạm hoặc sự xoay hướng bất thình lình của chiếc tàu khi bị trúng ngư lôi,
nên sự đụng chạm không sao tránh khỏi.
Selfridge, khu trục hạm thứ ba của Hoa Kỳ, chiếc tàu duy nhất còn
nguyên vẹn, vẫn tiếp tục thẳng tiến đến hai chiếc chiến hạm Nhật Samidare
và Shigure. Tất cả các họng súng trên chiếc tàu này đều rực lửa, nhưng
không hiệu quả. Cảnh tượng này xảy ra vào lúc 21h4, và chỉ kéo dài hai
phút rưỡi. Chiếc Selfridge nhận lĩnh một quả ngư lôi ngay mũi. Đây là một
trong số 16 quả ngư lôi tầm xa do Shigure và Samidare phóng đi.
Đó là tất cả những chi tiết thực sự đã xảy ra cho 4 chiếc tàu của Ijuin
trong trận đánh này. Bây giờ tôi xin thuật những chi tiết này dưới mắt nhìn
riêng của tôi khi đứng trên đài chỉ huy của chiếc Shigure.
Vào lúc 20h38, ba phút sau khi chiếc Yugumo báo cho biết đã bật đèn tín
hiệu theo lời yêu cầu của tôi, tôi nhìn thấy một ánh đèn xanh lờ mờ cách
trước mặt khoảng 15.000m nên ra lệnh xả hết tốc lực chạy về đó.
Một khối màu đen bỗng xuất hiện ở mạn trái, giống như một hòn đảo
nhỏ. Nhưng trong khu vực này không có đảo gì cả. Trong lúc tôi còn đang
tự hỏi khối màu đen đó là cái gì, quan sát viên Yamashita la to: “Nhiều vật
không nhận diện được, ở 50 độ mạn trái. Hình như là các tuần dương hạm
và khu trục hạm, rõ ràng là của địch quân, đang tiến đến.”
Tôi dùng ống nhòm khổng lồ 20 tấc để quan sát. Chúng kia kìa, các
chiến hạm, tôi không thể nào đếm được, vì chúng chạy theo đội hình hàng
dọc thật thẳng, tiến về phía chúng tôi. Một ánh đèn chớp lên từ phía
Samidare vào lúc 20h40, cho biết chiếc tàu này cũng đang theo dõi các mục
tiêu: “Chiến hạm địch, ở hướng 115 độ”.
Tàu địch tiến sát thật nhanh chóng. Tôi vẫn quan sát qua ống nhòm và
tìm cách xem phải phản ứng ra sao. Khoảng cách đôi bên ở hiện tại là
13,000m. Tôi quyết định tốt nhất là nên tấn công bằng ngư lôi tầm xa.
Hướng tiến của chúng tôi là Nam Tây Nam, trong lúc hướng tiến của địch
quân là Tây Nam, nghĩa là từ hướng Đông tiến đến, bây giờ khoảng cách
còn chừng 11.000m. Như vậy, hai bên gần như chạy cùng hướng, chỉ xê
xích khoảng 10 độ. Mục tiêu ở một góc độ phóng ngư lôi khó trúng. Do đó,
để thích hợp, tôi ra lệnh xoay hướng từ từ về phía trái.
Vào 20h55, khoảng cách của đôi bên chì còn 10.000m và hiện tại chúng
tôi đang nằm trong tầm súng điều khiển bằng radar của đối phương. Tôi
không thể kéo dài cuộc tìm kiếm ánh đèn màu xanh của chiếc Yugumo lâu
hơn nữa. Khi khoảng cách sinh tử thâu ngắn lại còn 9.000m, cho thấy một
cách rõ ràng ý định của địch quân là cố đẩy một cái chốt vào giữa 4 chiếc
tàu của Ijuin và 2 chiếc tàu của tôi. Lúc 20h56, tôi ra lệnh xoay hướng cấp
tốc sang phải. Chiếc Samidare cũng xoay hướng giống như chúng tôi. Sở dĩ
tôi phải làm như vậy là nhằm để tránh sự đe dọa của các mũi súng địch,
đồng thời cải đổi góc độ phóng ngư lôi khác thích hợp hơn.
Khi Shigure và Samidare đang bận xoay hướng, chúng tôi không nhìn
thấy các quả ngư lôi trao đổi giữa chiếc Yugumo và đối phương. Hơn nữa,
thời tiết quá xấu, chúng tôi cũng khó có thể quan sát rõ từng chi tiết một của
cuộc đụng độ này.
Tôi cảm thấy hai khu trục hạm của tôi bị áp lực nặng nề. Làm sao chúng
tôi có thể chống trả nổi lực lượng địch “mạnh mẽ” (mà lúc ấy chúng tôi vẫn
tin tưởng bao gồm 4 tuần dương hạm và 3 khu trục hạm, theo như dự báo
của các trinh sát cơ). Nếu để địch quân nắm phần chủ động họ có thể đập
tan chúng tôi. Nhưng làm sao chúng tôi nắm được phần chủ động? Hơi thở
tôi dồn dập vì hồi hộp.
Vào lúc 20h58, nhìn thấy tàu địch xoay sang phải, tôi cũng ra lệnh cho
chiếc tàu của tôi xoay nhanh sang phải. Các mục tiêu bây giờ ở khoảng
cách 8.500m như dự trù của tôi. Lối chạy song song và cùng hướng với đối
phương là một trong những công thức nằm trong lý thuyết phóng ngư lôi
của tôi. Lối chạy này làm dự tính tung ra một cuộc tấn công bằng ngư lôi
của địch trở nên ngỡ ngàng và cho phép tôi chọn lựa thời gian, góc độ để ra
tay.
Tôi ra lệnh cho chiếc Samidare bằng đèn hiệu và vô tuyến: “Hãy chuẩn
bị các pháo khẩu và ngư lôi nhắm vào mục tiêu ở mạn phải.” Trong lúc đó,
mạn trái của tàu địch hướng về phía chúng tôi, do đó tất cả súng ống của họ
đều chĩa vào chúng tôi. Biết được điều này, tôi ra lệnh xoay phải một lần
nữa vào lúc 20h59, để tiến sát vào địch quân càng nhanh càng tốt, nhằm để
loại bỏ điểm nhắm và thời gian đã chuẩn bị của họ. Tôi phát khùng khi hạm
trưởng của chiếc Samidare đã ngu dại sử dụng vô tuyến hỏi tôi xem có phải
lần xoay hướng này chúng tôi sẽ tấn công đối phương hay không? Cố dằn
cơn nóng giận xuống, tôi ra lệnh cho truyền tin: “Hãy nói với ông ấy là
chúng ta sẽ lại xoay sang trái trước khi khai hỏa vào địch quân.”
Tiến sát vào lực lượng Hoa Kỳ khoảng 500m nữa, tôi ra lệnh xoay sang
trái và phóng ngư lôi. Lúc ấy là 21h30. Địch quân ở ngay 50 độ và cách
7.000m mạn phải chúng tôi, một góc độ phóng ngư lôi lý tưởng. Từ hai khu
trục hạm Nhật, 16 con cá chạy xuyên dưới mặt nước, và các thủy thủ bắt
đầu đưa vào ống những con cá khác.
Ngay khi loạt ngư lôi đầu tiên của chúng tôi đang trên đường hướng đến
mục tiêu, nhiều cột nước mọc lên cả hai bên tàu của chúng tôi. Đó là loạt
đại pháo đầu tiên của địch quân. Những quả đạn bắn dang chân này hiển
nhiên là do các pháo khẩu có điều khiển nên trông rất đẹp mắt, nhưng
không trúng chiếc tàu nào của chúng tôi. Lối bắn “dang chân” này vẫn tiếp
tục trong khi các thủy thủ của chúng tôi nạp các quả ngư lôi khác vào ống
phóng một cách vụng về bối rối. Chớ cho công việc này hoàn tất, tôi nhận
thấy loạt phóng thứ hai đã mất đi thời gian tính, nên ra lệnh cho các pháo
khẩu khai hỏa.
Chiếc Shigure chao đi chao lại khi các pháo khẩu 127mm của nó gầm
thét dữ dội. Các họng súng không ngớt rực lửa khiến đôi mắt của mọi người
hầu như mù lòa, hiện tượng này rất quen thuộc trong những trận dạ chiến
xảy ra trong bóng đêm mù mịt của đại dương. Các cột khói đã ngăn hẳn tầm
quan sát trên đài chỉ huy của tôi trong chốc lát. Tiếng đầu tiên vang lên
trong cảnh náo động và âm u là tiếng la to của quan sát viên Yamashita.
Hắn cho biết ngư lôi của chúng tôi đã trúng mục tiêu.
Khi mắt tôi quen với quanh cảnh hiện tại, tôi có thể xác nhận một tiếng
nổ phát ra từ chiếc tàu dẫn đầu đoàn tàu của địch quân, nhưng ngoài chiếc
tàu này ra không còn chiếc tàu nào khác. Hai chiếc tàu địch còn chạy theo
sau chiếc tàu dẫn đầu chỉ một vài phút trước đây không còn thấy đâu nữa.
Hỏi lại các quan sát viên, họ xác nhận chỉ còn nhìn thấy một chiến hạm địch
duy nhất mà thôi. Việc này khiến chúng tôi tin rằng cà 3 chiếc tàu đều trở
thành nạn nhân của các quả ngư lôi của chúng tôi. Đây là ý kiến của tàu bạn
Samidare đưa ra. Nhưng chúng tôi không thể nào tưởng tượng được hai khu
trục hạm địch bị mất tích này, tức hai chiếc Chevalier và O’Bannon, đang
thả trôi lênh đênh cách 6.000m phía sau chiếc tàu dẫn đầu. Lý do sự quan
sát kém cỏi của chúng tôi vào lúc ấy là bởi hỏa lực và khói súng che phủ
tầm mắt.
Vẫn còn tin tưởng sự hiện diện của các tuần dương hạm theo như báo
cáo của phi cơ, tôi đã tự hỏi hiện tại chúng lảng vảng ở đâu. Tôi ra lệnh cho
tất cả súng ống đều hướng về mạn phải và đưa ống nhòm lên, mở to mắt ra
tìm kiếm mấy tuần dương hạm không có thực này. Cuối cùng, xuyên qua
bóng đêm và sương mù, tôi thấy hai chấm đen nhỏ bé. Tôi vội cho ngay đó
là các tuần dương hạm địch chứ không còn gì khác. Hai chấm đen này
không tiến đến chúng tôi vì vậy tôi cho rằng tàu địch đang bỏ chạy. Thật ra,
đây là hai chiếc khu trục hạm địch: Chiếc O’Bannon đã què quặt và chiếc
Chevalier sắp chìm.
Nhằm kiểm soát kết quả của cuộc tấn công ngư lôi vừa qua của chúng
tôi, tôi ra lệnh cho 2 khu trục hạm Shigure và Samidare quay sang phải. Sự
quan sát hiện thời rất khó khăn, chúng tôi không thể nhìn thấy vật gì hết.
Khoảng 10 phút tìm kiếm vô hiệu quả, tôi ra lệnh xoay 90 độ về phía tả và
trực chỉ căn cứ.
Báo cáo sai lầm của trinh sát cơ tiếp tục truyền nhiễm nhóm chiến hạm
của Ijuin. Chúng đã chạy toán loạn trong nhiều phút sau khi đồng đội
Yugumo bị đánh chìm. Đến khi gặp hai chiếc Chevalier và O’Bannon, ba
chiến hạm Nhật vẫn còn ngơ ngác và bối rối trước sự mất mát đồng đội một
cách bất ngờ, nên đã nhìn thấy hai chiếc tàu chạy quờ quạng này thành ra 4
tuần dương hạm địch, và cho rằng chúng tiến đến để dọn dẹp chiến trường.
Vào lúc 21h19, ba khu trục hạm của Ijuin phóng một loạt 24 quả ngư lôi
nhắm vào 4 đối thủ ảo tưởng của chúng. Xuyên qua đêm tối đầy sương mù,
thủy thủ Nhật hân hoan ngắm nhìn ngọn lửa bốc cao trên hai chiếc
O’Bannon và Chevalier, và báo cáo rằng các ngư lôi của họ đã đánh chìm
hai tuần dương hạm (hoặc hai khu trục hạm lớn) của địch quân. Lại một sự
ảo tưởng khác nữa.
Với “chiến quả” này, Ijuin ra lệnh cho các chiến hạm của ông xoay
hướng Bắc để trở về căn cứ. Trong lúc đó, đoàn tàu chuyển vận của Nhật đã
đến Horaniu mà không gặp bất kỳ một sự ngăn chặn nào của địch quân.
Trong vòng 2 giờ, toàn thể 589 binh sĩ trú đóng trên hòn đảo đều được di
tản.
Một nhóm khu trục hạm thứ hai của Hoa Kỳ gồm ba chiếc Ralph Talbot,
Taylor và La Vellette, chạy từ hải phận New Georgia tiến vào khu vực xảy
ra trận đánh ngay khi chiến hạm cuối cùng của Nhật Bản vừa rời khỏi.
Không tìm thấy đối thủ, chiếc La Vellette xoay sang ban cho chiếc
Chevalier một quả ngư lôi “ân huệ”. Ba khu trục hạm địch tiếp cứu những
người còn sống sót, và sau đó dìu dắt hai chiếc Selfridge và O’Bannon bị
hư hại về căn cứ Tulagi.
Như vậy, trận đánh kết thúc, Hoa Kỳ bị đánh chìm một khu trục hạm và
hai chiếc khác bị hư hại nặng nề. Nhật thiệt hại mất một khu trục hạm. So
sánh về thương vong, Hoa Kỳ nhẹ hơn Nhật Bản, vì phần lớn thủy thủ đoàn
của chiếc Chevalier được cứu thoát trong khi toàn thể thủy thủ đoàn của
chiếc Yugumo đều thiệt mạng. (Nhưng lúc ấy chúng tôi không hay biết việc
khoảng một phần ba thủy thủ đoàn của chiếc Yugumo được các khu trục
hạm Hoa Kỳ tiếp cứu). Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cả là mặc dù vấp
nhiều sai lầm, nhiệm vụ hộ tống của Ijuin đã diễn tiến đúng như kế hoạch
một cách tốt đẹp, và điều này cũng là sự chiến thắng của ông.
Theo ý kiến của tôi, Hoa Kỳ có thể chiến thắng trong trận đánh này nếu
các khu trục hạm của Walker xoay về hướng Nam thay vì xoay về hướng
Bắc. Ông sẽ có một ngày tròn để truy đuổi ba khu trục hạm mất tinh thần
của Nhật Bản. Một cuộc truy đuổi như vậy không cần phải sử dụng ngư lôi
mà chỉ cần sử dụng đại pháo có radar hướng dẫn là có thể tiêu diệt được các
khu trục hạm đang trốn chạy của Ijuin. Nhưng ý kiến này chỉ có tính cách
ước đoán, và các trận đánh trên biển luôn luôn đầy dẫy sự sai lầm, ảo tưởng
và kinh ngạc.
Khi trở về Rabaul, tôi nhận thấy Ijuin xao xuyến và hổ thẹn. Ông không
bị quở trách công khai, nhưng Bộ Tư Lệnh Tối Cao đã chứng tỏ sự lượng
xét hành động của ông bằng cách tổ chức một buổi lễ trao tặng trường kiếm
cho tôi và đoản kiếm cho Thiếu tá Kimio Yamagachi, hạm trưởng khu trục
hạm Shigure, và Thiếu tá Yoshiro Sugihara, hạm trưởng khu trục hạm
Samidare. Không một người nào thuộc nhóm chiến hạm của Ijuin được ân
thưởng hoặc tuyên dương công trạng nào trong cuộc chiến thắng đầu tiên
của Hải quân trong khoảng thời gian 3 tháng trở lại đây.
Mừng chiến thắng ngày 6 tháng 10 của Hải quân được tổ chức vào ngày
kế đó, qua một buổi lễ trao kiếm và một bữa tiệc. Bữa tiệc mở ra tại CLB
dành cho sĩ quan cao cấp, với sự tham gia của tất cả sĩ quan hàng đầu của
Hải quân ở Rabaul, trong đó có Phó Đô đốc Jinichi Kusaka – Tư Lệnh Hạm
Đội Khu Vực Đông Nam kiêm Tư Lệnh Không Hạm Đội thứ 11, và Phó Đô
đốc Tomoshige Samejima, Tư Lệnh Hạm Đội Thứ 8.
Khối lượng sake vĩ đại được tiêu thụ, buổi tiệc diễn ra thật vui vẻ với sự
có mặt của một số nữ tiếp viên. Thường thường thì các nữ tiếp viên đều
thuộc giới Gheisa, được Bộ Chỉ Huy Hải quân chỉ định đến các căn cứ
tuyền tuyến quan trọng với nhiệm vụ gây phấn khởi cho tinh thần binh sĩ.
Mặc dù là khách danh dự của buổi tiệc, tâm tư tôi vẫn nặng trĩu, không
cảm thấy vui vẻ như những người khác. Tôi muốn được say, nên đã uống
liên tu bất tận.
Kusaka đọc một bài diễn văn ca ngợi khu trục hạm Shigure. Ông nói:
“Hy vọng tồn tại của các khu trục hạm đóng tại Rabaul chỉ trung bình có 2
tháng. Nhưng có một chiếc tàu cũ kỹ đã chiến đấu dũng mãnh gần 3 tháng
ròng rã mà không hề mang thương tích hay mất mát một thủy thủ nào. Hãy
nâng ly để chúc mừng Đại tá Hara, Thiếu tá Yamagachi và tất cả thủy thủ
đoàn của chiếc Shigure vĩ đại.”
Tâm tư của tôi mỗi lúc càng nặng trĩu thêm. Đáng ra bữa tiệc này phải
dành cho toàn thể 240 thủy thủ sáng chói của tôi hơn là dành riêng cho mấy
sĩ quan chỉ huy của họ. Trong khi tôi đang suy nghĩ, buổi tiệc trở nên ồn ào
náo nhiệt, và sau đó một sĩ quan tham mưu lên tiếng: “Kính thưa Đô đốc
Kusaka, từ lâu tôi có nhiều vấn đề nhưng không bao giờ dám hỏi. Bây giờ,
thưa Đô đốc, tôi có thể mạn phép nêu lên được không?
Bữa tiệc rơi vào yên lặng sau câu hỏi đột ngột này. Phó Đô đốc Kusaka
gật đầu, và viên sĩ quan trẻ tiếp tục: “Thưa Đô đốc, Đô đốc vừa ghi nhận hy
vọng tồn tại ngắn ngủi của một khu trục hạm. Có phải chúng tôi đã chấp
nhận một số phận như thế? Tại sao tất cả các tàu lớn của chúng ta đều nằm
lì ở Truk? Có phải buổi lễ mà chúng ta sẽ tổ chức vào ngày 26 tháng 10 tới
đây là buổi lễ kỷ niệm trận đánh cuối cùng trong lịch sử có sự tham dự của
các hàng không mẫu hạm Nhật hay không? Trong suốt năm qua, các khu
trục hạm của chúng ta không những được giao phó các nhiệm vụ chuyển
vận không mấy phấn khởi mà chúng còn nhận lĩnh tất cả các gánh nặng
chiến đấu trong hải phận này. Xin Đô đốc tha thứ câu hỏi vụng về của tôi.
Câu hỏi này không nhằm chỉ trích Đô đốc, nhưng mà tất cả chúng tôi đều
biết rằng không chỉ Không Hạm Đội thứ 11 của Đô đốc đã nằm miết ở bờ
biển từ khi cuộc chiến bắt đầu. Trong giai đoạn khủng hoảng này, tại sao
các khu trục hạm phải gồng gánh tất cả các sức nặng mà không được các
hàng không mẫu hạm, thiết giáp hạm và tuần dương hạm chia sẻ?”
Các câu hỏi dồn dập này thật là ngoài sức tưởng tượng, những đều là
cảm nghĩ chung của hầu hết đám đông hiện diện trong phòng. Những lời có
vẻ vô lễ của viên sĩ quan say rượu khiến cho một số bạn bè của anh ta lo âu.
Phó Đô đốc Kusaka không nói tiếng nào. Phó Đô đốc Samejima phá vỡ bầu
không khí căng thẳng: “Tôi biết Tổng Tư Lệnh Koga đang chuẩn bị một
trận đánh hải quân quyết định, trong trận đánh này tất cả đại chiến hạm của
chúng ta sẽ tham dự.”
Viên sĩ quan trẻ tuổi không đắn đo, lớn tiếng hỏi: “Khi nào? Khi nào các
đại chiến hạm sẽ hành động? Chúng đã đứng ngoài trận chiến một năm tròn
nay, và một năm đó với các khu trục hạm chúng tôi lâu bằng một thế kỷ.
Trong thời gian này địch quân đã đuổi kịp và vượt qua chúng tôi.”
Một sĩ quan cố gắng ngăn cản không cho đồng bạn lên tiếng nữa, anh ta
cho rằng đã quá muộn, nên đi về thì hơn. Nhưng viên sĩ quan đã ngà ngà
say vẫn tiếp tục nói: “Và những gì mà Bộ Tư Lệnh Tối Cao đang làm ở
Tokyo? Chỉ là những thông báo vang lên như tiếng kèn mỗi ngày, theo đó,
Nhật Bản đã đánh cho địch quân phải kéo cờ trắng trên quần đảo Solomon.
Nếu có kéo cờ trắng thì kẻ kéo đó là chúng ta, không phải địch quân.”
Hai sĩ quan bạn phải đứng dậy lôi kéo viên sĩ quan trẻ ra khỏi phòng.
Đôi mắt hắn ta đầy nước mắt và bật khóc nức nở. “Yugumo bị chìm, chiếc
Yugumo khốn khổ đã mang theo nhiều bạn bè của tôi.”
Đoạn bị kịch đã gây một ảnh hưởng kỳ dị trong tôi. Tôi cũng đã say,
nhưng tôi cố giữ vững đôi chân trong buổi lễ lĩnh trường kiếm do Phó Đô
đốc Samejima trao tặng. Tôi bước đến trước mặt ông và nói: “Kính thưa Đô
đốc, tôi muốn trả lại thanh kiếm này, vì tôi xét thấy không xứng đánh nhận
lãnh nó. Ngay cả tôi có xứng đáng đi nữa, tôi sẽ sử dụng một thanh kiếm
vào việc gì trên chiến hạm?”
Quả bom của tôi đã gây kinh ngạc cho mọi người. Đại tá Miyazaki lộ
hẳn sự xúc động, ông bước đến bên tôi và nói: “Anh đã mệt mỏi, Hara.
Chúng ta nên đi về nghỉ ngơi.”
Tôi vừa đẩy nhẹ ông ta sang một bên vừa nói: “Không, cám ơn
Miyazaki.” Và tiếp tục: “Tôi muốn đổi thanh kiếm này để lấy rượu sake cho
thủy thủ đoàn tuyệt vời của tôi. Nếu có ân thưởng thì họ chính là những
người xứng đáng được ân thưởng. Không phải tôi. Thưa Đô đốc, hãy mua
rượu cho các thủy thủ của tôi.”
Tới đây, Đề đốc Ijuin, chỉ huy trưởng trực tiếp của tôi, tiến đến bên cạnh
tôi cố gắng khuyên lơn: “Anh hoàn toàn đúng, Hara. Tôi sẽ mua rượu cho
thủy thủ của anh, nhưng hiện giờ tất cả chúng ta đều mệt mỏi, tốt hơn
chúng ta nên chấm dứt buổi tiệc.”
Sáng hôm sau thức dậy, tôi cảm thấy rã rời thân thể. Trung tá Yamagami
với vẻ mặt dầu dầu, đã kể lại tỉ mỉ cho tôi nghe về quang cảnh hai vở bi
kịch ngoạn mục do viên sĩ quan trẻ và tôi thủ diễn đêm rồi ra sao, Đề đốc
Ijuin và Đại tá Miyazaki đã cố gắng bịt miệng tôi như thế nào. Hành vi như
thế chưa bao giờ được nghe nói đến trong hàng ngũ sĩ quan cao cấp thuộc
Hải quân Hoàng Gia, và hậu quả sẽ không thể nào lường được. Tôi cảm
thấy bất an.
Nhưng lạ lùng thay, hành vi vô hạnh kiểm của tôi không bị khiển trách.
Sau đó, tên tuổi của tôi trở thành quen thuộc với họ. Hậu quả không xảy ra
cho tôi, đã chứng tỏ thượng cấp của tôi cùng chia sẻ sự bất mãn chung đối
với Bộ Tư Lệnh Tối Cao.
Bộ Tư Lệnh Hải quân ở Tokyo đã ra lệnh cho chúng tôi triệt thoái đến
Bougainville, và xem nơi đây như là phòng tuyến cuối cùng. Việc này càng
gây bi quan trong khu vực chiến đấu. Bougainville rộng gần gấp ba
Guadalcanal. Với bờ biển quá dài và chưa được điều nghiên sâu rộng, hòn
đảo này sẽ cung cấp nhiều điểm đổ bộ thuận lợi cho địch quân. Nhiều hộp
thức ăn khô của Mỹ đã được tìm thấy trong rừng rậm cho biết có sự hoạt
động của địch trên hòn đảo, và dĩ nhiên các điểm đổ bộ tốt nhất đã được họ
chọn lựa.
Bộ Tự Lệnh Hạm Đội Hỗn Hợp ở Truk không làm được gì thêm cho
chúng tôi. Các vị tân chỉ huy đầu não cũng không xuất sắc hơn những vị
tiền nhiệm của họ. Đô đốc Mineichi Koga, nắm quyền Tổng Tư Lệnh sau
cái chết của Yamamoto vào tháng 4 năm 1943, hầu như khoanh tay ngồi
yên. Riêng Phó Đô đốc Jisaburo Ozawa, từ khi thay thế Nagumo trong chức
vụ Tư Lệnh Lực Lượng Đặc Nhiệm vào tháng 11 năm 1942, không hề đạt
được một chiến thắng đáng kể nào. Và Phó Đô đốc Jisaburo Ozawa, Tư
Lệnh Đệ Nhị Hạm Đội, mệt mỏi và bất thường, vừa được Phó Đô đốc
Takeo Kurita thay thế vào tháng 8 năm 1943.
Ba vị tân tư lệnh này chịu khó và siêng năng làm việc, nhưng họ không
thể nào tạo ra các phép lạ. Sự khiếm khuyết căn bản nằm ở Tokyo, trong
Tổng Hành Dinh Hải quân Hoàng Gia, hiện vẫn còn được Đô đốc Osami
Nagano điều khiển.
Kể từ khi Yamamoto thiệt mạng, nửa năm đã trôi qua, vậy mà các chính
sách của ông vẫn còn được theo đuổi. Trong trận hải chiến ở biển Java vào
tháng 2 năm 1942, tôi nhận thấy mặt trận đã dạy nhiều bài học hơn cả ngàn
buổi thao luyện. Chẳng may, các vị Đô đốc Tư Lệnh đã không chia sẻ quan
điểm này. Họ giữ sức mạnh chính yếu của Hải quân ở Rabaul hoặc, tồi tệ
hơn nữa, ở các hải phận Nhật Bản, nhằm để “bảo tồn chiến hạm và huấn
luyện thủy thủ”. Kết quả, cả tàu và người đều chứng tỏ không thích hợp khi
được tung ra mặt trận.
Bước tiến của đối phương không bao giờ ngừng nghỉ. Trở về trong chiến
thắng, giống như chiến thắng của chúng tôi trong Vịnh Vella, hiếm khi xảy
ra. Điều này cho thấy tình thế đã ngặt nghèo đến mức độ như thế nào. Vào
ngày 12 tháng 10, một cuộc không tập ở Rabaul do 349 phi cơ xuất phát từ
các căn cứ trên đất liền của đối phương thực hiện. Tuy nhiên, một cuộc
không tập với cao độ quá cao không mấy chính xác và chỉ một chuyển vận
hạm bị đánh chìm....
...: Đó là chuyển vận hạm Keisho Maru, 5.879 tấn, của Hải quân. Ngoài
ra cuộc không tập này còn đánh chìm 3 chuyển vận hạm của Lục quân là
Tsukinada -526 tấn, Kamoi Maru -513 tấn, Fuku Maru -132 tấn và tàu tuần
tiễu Mishima Maru của Hải quân. Ba khu trục hạm, ba tiềm thủy đĩnh, một
tàu chở dầu và một tàu kiểm soát bị hư hại.
Một cuộc không tập quy mô nhắm vào một căn cứ chính của Nhật Bản là
một việc gây nhiều chú ý và xúc động với Tổng Hành Dinh Truk. Nhưng
Đô đốc Koga vẫn còn lưỡng lự. Nếu đối phương có thể tung nhiều phi cơ
đóng trên các căn cứ ở đất liền để tấn công Rabaul như vậy, hải vực quanh
quần đảo Solomon sẽ bất lợi đối với lực lượng Nhật nếu xảy ra đụng độ.
Vào ngày 18 tháng 10, một loạt không tập quy mô khác xảy ra ở Rabaul
và Buin, căn cứ không quân chính ở Bougainville. Cuối cùng, Koga ra lệnh
cho 2 tuần dương hạm hạng nặng và một phân đội khu trục hạm tiến từ
Truk đến Rabaul. Đây là hành động rập khuôn theo lối tăng viện nhỏ giọt
của Yamamoto, sẽ gây cho Koga sự hối tiếc sau này.
Các cuộc không tập mạnh mẽ lại xảy Rabaul năm ngày sau đó, và tiếp
tục hàng ngày cho đến khi Buin trở thành đống gạch vụn. Trong lúc đó, các
đơn vị trên mặt biển đến Rabaul vào ngày 21 tháng 10. Trong số các khu
trục hạm đến căn cứ này có chiếc Shiratsuyu, tức khu trục hạm tăng phái,
bây giờ trở lại kết hợp với hải đội của tôi. Cuối cùng, tôi lấy làm phấn khởi
được nắm trong tay 3 khu trục hạm, nghĩa là sáu tháng sau khi tôi được bổ
nhiệm làm chỉ huy trưởng hải đội. Trong thời gian này, có rất nhiều hải đội
bao gồm không quá 3 chiếc tàu.
Shiratsuyu, 1.980 tấn, là một chiếc tàu đàn chị của Shigure và Samidare.
Mặc dù được đóng từ 1933, chiếc tàu này có vẻ còn mới. Bị phi cơ địch
oanh kích gây hư hại nặng nề gần Buna, New Guinea, vào tháng 11 năm
1942, chiếc Shiratsuyu được tu bổ lại ở Truk.
Mặc dù phấn khởi, tôi đã lo ngại cho chiếc tàu này, bởi vì hầu như tất cả
thủy thủ đoàn còn thiếu kinh nghiệm, và tôi không tin sẽ giữ nó lâu dài
trong hải đội của tôi.
Vào ngày 23 tháng 11, tôi mang cả 3 khu trục hạm của tôi tham dự vào
một nhiệm vụ vận chuyển đến Iboki, cách phía Đông mũi Gloucester
khoảng 50 dặm. Ngày đó, cuộc không tập đầu tiên, nằm trong một loạt
không tập hàng ngày của địch quân, xảy ra ở Rabaul và Buin, nhưng các
chiếc tàu của tôi cũng được phi cơ địch đón tiếp nồng hậu trong nhiều giờ
trước bình minh. Ba chiếc tàu phải phân tán để chạy riêng rẽ, và khi ngày
lên hẳn, phi cơ địch bỏ săn đuổi chúng tôi. Các chiến hạm đã tụ họp một
cách có trật tự, và tôi hài lòng khi nhận thấy tất cả còn nguyên vẹn. Chiếc
Shiratsuyu đã chứng tỏ có nhiều hứa hẹn hơn là tôi tưởng.
Sáu ngày sau đó, tôi thực hiện một chuyến chuyển vận đến đảo Gavore,
nằm ở phía Bắc đảo Willaumez, với 2 chiếc Shigure Shiratsuyu. Vài phi cơ
địch bay đến tấn công chúng tôi một cách qua loa. Tuy nhiên, Shiratsuyu đã
thi hành nhiệm vụ khá đẹp, do đó, tôi xem như chiếc tàu này thuộc hẳn vào
“tài sản của hải đội”. Tôi đã sai lầm biết bao.
Trong khi đó, vào ngày 27 tháng 10, địch quân đã thực hiện một cuộc đổ
bộ lên đảo Mono, một căn cứ nhỏ của Nhật cách phía Nam Bougainville 20
dặm. Ngày hôm sau, lực lượng nhảy dù của địch quân cũng được thả xuống
Choiseul, và Đô đốc Koga nhận thấy thời gian quyết định đã đến, dù ông
muốn hay không. Bộ Tư Lệnh Tối Cao Hoàng Gia yêu cầu ông, bằng tất cả
mọi giá, phải giữ Bougainville cho đến ngày 30 tháng 10.
Koga lập tức Rabaul lệnh cho 3 hàng không mẫu hạm của Đề đốc
Ozawa, bao gồm 173 phi cơ, đến Rabaul. Đồng thời, ông ra lệnh cho
Rabaul mở các cuộc phản công quanh Bougainville.
Nhưng thời khóa biểu điều binh của Hoa Kỳ không chờ đợi Koga. Khi
lực lượng hùng hậu của địch quân đổ bộ lên mũi Torokina, nằm ở bờ biển
phía Tây Bougainville thì 3 hàng không mẫu hạm Zuikaku, Shokaku và
Zuiho vẫn còn cách phía Bắc Rabaul khá xa, Cuộc đổ bộ diễn ra vào lúc 7h
sáng ngày một tháng 11, hiển nhiên là không gặp một sự đề kháng nào. Phó
Đô đốc Kusaka tung tất cả phi cơ thuộc không hạm đội thứ 11 của ông đến
Torokina. Nhưng 104 chiến đấu cơ và 16 oanh tạc cơ này không thể nào
ngăm chặn được địch quân như cơn thủy triều dâng ngập hòn đảo. Ba hàng
không mẫu hạm của Ozawa, ban đầu còn dè dặt, sau đó đã cho 173 phi cơ
cất cánh khi còn cách phía Bắc 200 dặm.
Ở Truk, Đô đốc Konga muốn tránh các sai lầm của 15 tháng trước đây
khi địch quân đổ bộ lên đảo Guadalcanal, qua việc Đề đốc Mikawa hướng
dẫn 7 chiến hạm của ông đến một chiến thắng ngoạn mục, nhưng ông lại
không tiếp tục rượt đuổi đoàn tàu chuyển vận của địch quân. Do đó, hiện tại
Koga quyết định tung tất cả chiến hạm khả dụng đến Torokina và tiếp liền
theo sau là một đoàn tàu chuyển vận lực lượng Nhật để mở một cuộc đổ
phản công.
Koga chỉ định Đề đốc Sentaro Omori chỉ huy cuộc hành quân này.
Omori vừa mới đến Rabaul với 2 tuần dương hạm 12.374 tấn Myoko và
Haguro của ông. Mặc dù trước đây Omari chỉ ở Nhật hoặc ở Truk, nhưng
lại được Konga hy vọng ông ta sẽ vượt qua chiến công Mikawa. Có nghĩa là
ông ta không chỉ nhận chìm chiến hạm mà còn quét sạch tàu chuyển vận
của địch quân.
Hai tuần dương hạm hạng nặng của Omori được yểm trợ bởi hai đơn vị
bao che. Sườn trái của ông bao gồm tuần dương hạm hạng nhẹ 5.595 tấn
của Ijuin và 3 khu trục hạm của tôi – đây là đơn vị duy nhất của lực lượng
có kinh nghiệm trận mạc. Đơn vị bao che sườn bên phải, dưới quyền của Đề
đốc Hiroshi Matsubara và Wakatsuki, cũng bao gồm một tuần dương hạm
nhẹ và 3 khu trục hạm – không có chiếc nào trong 4 chiếc tàu này hoạt động
chung với nhau trước đây, và Đề đốc Matsubara chưa từng biết đến dạ chiến
là gì.
Trong một cuộc thuyết trình hành quân ngắn ngủi mở ra trên soái hạm
Myoko, Đề đốc Omori đã nói: “Trước đây chúng ta chưa từng bao giờ hoạt
động chung với nhau, điều đó có thể gây bất lợi trầm trọng trong chiến đấu.
Nhưng Đề đốc Mikawa, đã xúc tiến nhiệm vụ thành công với các chiến hạm
không hề có sự huấn luyện phối hợp trước đó của ông. Do đó, hiện tại
chúng ta cũng có thể làm được như vậy. Tôi vững tin vào tài năng của mỗi
sĩ quan chỉ huy và khả năng của mỗi thủy thủ dưới quyền. Tôi tin tưởng
chúng ta sẽ chiến thắng.
Khi buổi thuyết trình chấm dứt, Ijuin vỗ vào vai tôi nói: “Hara, một công
tác khó khăn đó nhe. Tôi sẽ tựa vào anh.”
Tôi cười: “Vậy thì tôi phải chuẩn bị bơi và phải bơi như cá voi mới
được.” Nhưng tôi nhận thấy ngay là Ijuin không có vẻ gì là đùa cợt cả.”
Ông tiếp, có vẻ buồn bã: “Tôi không thích chiếc tuần dương hạm Sendai.
Nó già nua và chạy chậm như rùa.”
Tôi biết ông muốn nói gì rồi, nhiều tháng nay ông không sử dụng tuần
dương hạm 9 tuổi này, mặc dù nó là soái hạm của Phân đội 3 khu trục hạm
do ông chỉ huy. Ông thích đặt soái kỳ trên khu trục hạm.
Ijuin thêm: “Nhưng chiếc Sendai còn nhỏ tuổi hơn chiếc Shigure của
anh. Cuộc hành quân này tôi thấy bất an, tôi đặt hy vọng vào các chiến hạm
vừa từ Truk đến, chúng sẽ thi hành nhiệm vụ tốt đẹp hơn. Mặc dù thủy thủ
đoàn của các chiến hạm này thiếu kinh nghiệm, nhưng họ đều còn trẻ và
chưa mệt mỏi như chúng ta.”
Chúng tôi đi im lặng cho đến cầu thang của soái hạm Myoko, Ijuin bắt
tay rồi nói: “Phiền muộn không tốt với chúng ta, Hara. Chúng ta phải chiến
đấu và chiến đấu cho đến hơi thở cuối cùng. Nhật Bản sẽ sụp đổ nếu
Bougainville thất thủ.”
Trở về chiếc Shigure, tôi không thể nào xua đuổi sự phiền muộn. Tôi
không hiểu tại sao Koga có thể chọn Omori chỉ huy một cuộc hành quân
quan trọng như thế này. Ông ta mới vừa được huấn luyện chiến thuật ở
trường ngư lôi và chưa bao giờ tham dự một trận hải chiến quan trọng nào.
Vào lúc 15h20 phút ngày một tháng 11, mười chiến hạm của chúng tôi
rời khỏi Rabaul. Ngay khi ra khỏi hải cảng, chúng tôi lập tức di chuyển theo
đội hình đã được vạch ra. Chiếc Sendai của Ijuin chạy dẫn đầu, tiếp theo là
3 khu trục hạm Shigure, Samidare, Shiratsuyu của tôi - trong đội hình hàng
dọc chặt chẽ ở bên trái và hơi nhích về phía trước của 2 tuần dương hạm
Myoko và Haguro. Ở bên phải của 2 tuần dương hạm là tuần dương hạm
hạng nhẹ Agano của Matsubara và theo kế đó là 3 khu trục hạm Naganami,
Hatsukaze và Wakatsuki. Đoàn chuyển vận binh sĩ gồm 5 chiếc, được 5 khu
trục hạm hộ tống, chạy cách khoảng nhiều dặm ở phía sau.
Ban ngày trời lạnh lẽo, và mưa phùn u ám, tầm quan sát rất giới hạn.
Ngoài cơn gió Đông Nam thổi lao xao, mặt đại dương hoàn toàn lặng yên.
Lực lượng chúng tôi chưa qua khỏi eo biển St. George, truyền tin của chúng
tôi chặn bắt được các công điện chuyển đi của địch quân quanh quẩn đâu
đó. Chúng tôi không nhìn thấy gì hết, nhưng công điện này rõ ràng của các
trinh sát cơ địch có trang bị radar đã phát hiện chúng tôi từ trong những
đám mây dày đặc...
...: Đây là hai oanh tạc cơ có trang bị radar SB-24 thuộc Không đoàn 5
oanh tạc cơ Hoa Kỳ, bay cách phía Đông mũi St. George khoảng 15 dặm,
đã thông báo từng giây từng phút hướng tiến về Vịnh Empress Augusta của
các chiến hạm Nhật cho hai Đề đốc Halsey và Macrill.
Vào lúc 19h45, một trong hai oanh tạc cơ SB-24 thoát ra khỏi đám mây,
chúi xuống chiếc Sendai và thả nhiều quả bom, nhưng không quả nào trúng
đích. Cũng vào thời gian này, các trinh sát cơ của Nhật báo cáo tình hình
của đối phương phía Nam: “Ba thiết giáp hạm, nhiều tuần dương hạm và
khu trục hạm đang ở Vịnh Empress Augusta, gần Torokina.” Lực lượng
địch này mạnh mẽ hơn tiên đoán của chúng tôi, và dường như họ đã chuẩn
bị sẵn sàng để đón tiếp chúng tôi.
Omori hội ý với Tổng Hành Dinh Rabaul, và lúc 21h30, Đô đốc Kusaka
ra lệnh cho đoàn tàu chuyển vận thối lui. Ông kết luận rằng một cuộc đổ bộ
phản công trực diện với một lực lượng địch mạnh mẽ như vậy khó thể thực
hiện. Nhưng ông vẫn ra lệnh cho các chiến hạm của Omori tiếp tục tiến về
phía trước để hạ các chiến hạm của địch quân.
Mười chiến hạm Nhật chia ra làm 3 nhóm tiếp tục lướt xuyên qua mây
mù dày đặc với khoảng cách quan sát không đầy 5.00m. Các tàu của tôi
nằm trong nhóm chạy gần quần đảo Bougainville nhất, nhưng không phân
biệt được gì dọc theo bờ biển đen thẫm. Tôi nghĩ tình trạng này không khác
với tình trạng ở Vịnh Vella vào ngày 6 tháng 8. Tốc lực của chúng tôi vẫn
giữ nguyên 18 hải lý. Tôi vẫn lo lắng khi nhìn quang cảnh gần như đui mù
ở phía trái chúng tôi. Các chiến hạm địch đều được trang bị radar, nhìn ban
đêm cũng như ban ngày, nên có thể tấn công chúng tôi dễ dàng.
Vào lúc 23h24 , một chiếc SB-24 khác lộ diện khỏi bóng tối, nhào xuống
oanh tạc tuần dương hạm Haguro, nhưng không trúng trái nào. Kẻ thù luôn
luôn bám sát biết rõ vị trí cũng như hướng tiến của chúng tôi. Khi cuộc
oanh tạc chấm dứt, Haguro tung lên một trinh sát cơ, và 14 phút sau đó phi
cơ báo về: “Phát hiện một tuần dương hạm và 3 khu trục hạm địch cách mũi
Mutupina 50 dặm, hướng 330 độ.”
Vị trí này chỉ cách phía Nam đoàn tàu của chúng tôi 20 dặm. Omori chỉ
thị trinh sát cơ tiếp tục tìm kiếm thêm sự hiện diện của các tàu địch khác, và
ra lệnh cho tất cả chiến hạm của ông đồng loạt xoay hướng từ từ để chờ đợi
một báo cáo mới của trinh sát cơ. Mười chiến hạm Nhật, với đội hình chặt
chẽ, xoay 180 độ, lướt tới trước khoảng 10.000m, và xoay một lần nữa để
nhắm hướng chuẩn bị tiến về phía Nam. Cách điều động này, nhằm để chờ
đợi báo cáo của trinh sát cơ, rất hữu hiệu vào năm 1942, nhưng từ năm
1943, nó tỏ ra vô hiệu trước một địch quân được các dụng cụ radar thông
báo liên tục và chính xác động tĩnh của chúng tôi.
Trong suốt vòng quay tròn này, chúng tôi nôn nóng chờ đợi các báo cáo
khác của trinh sát cơ, nhưng vô ích. Chúng tôi không bao giờ tưởng tượng
lực lượng của Đề đốc Hoa Kỳ Merrill, gồm 4 tuần dương hạm và 8 khu trục
hạm, được phi cơ thông báo đầy đủ diễn tiến hoạt động của chúng tôi, đang
cấp tốc lướt về phía Nam để chặn đánh chúng tôi.
Hai mươi lăm phút sau nửa đêm, khi chúng tôi chuẩn bị hướng tiến sau
vòng xoay thứ hai, tôi nhìn thấy một trái chiếu sáng màu đỏ lập lòe trên nền
trời ở 70 độ mạn trái, phù hợp với hướng vị trí địch quân do trinh sát cơ của
chiếc Haguro báo cáo. Trái chiếu sáng nhìn thấy lờ mờ, chứng tỏ khoảng
cách xa ít nhất 20.000m, và biến mất sau 2 hoặc 3 giây. Tôi mãi lo nhìn
mục tiêu xa này mà không biết có những thay đổi gần. Đây là một lỗi lầm
của tôi.
Nếu tôi nhìn gần hơn trong thời gian này, tôi sẽ nhận thấy đội hình của
các chiến hạm Nhật đang rối loạn và ép sát vào nhau một cách nguy hiểm.
Đó là hậu quả mấy lần xoay hướng phức tạp mà chúng tôi thực hiện. Chiếc
Samidare chạy ra khỏi đội hình về mạn phải và 3 chiếc tàu khác chạy sát
vào nhau trong vòng 300m thay vì 500m bắt buộc.
Tôi đoan quyết trái chiếu sáng là do một trong những trinh sát cơ của
chúng tôi thả xuống để đánh dấu vị trí của địch quân. Tôi gửi ngay một
công điện khẩn cấp cho tất cả các chiến hạm Nhật. “Phát hiện địch quân 70
độ mạn trái., và ra lệnh chuẩn bị để chuyển cấp tốc một chỉ thị thứ hai cho
các khu trục hạm thuộc hải đội của tôi.
Không có một ai trong lực lượng chúng tôi tưởng tượng rằng lực lượng
chính của đối phương đang từ phía Nam tiến tới và nhắm thẳng vào mặt
trước của chúng tôi. Khi quan sát viên của tôi la to: “Bốn chiến hạm địch,
70 độ mạn trái”, tôi ra lệnh chuyển ngay chỉ thị thứ hai của tôi. Lúc đó là
0h45 ngày 2 tháng 11.
Tôi đoán 4 chiến hạm địch, từ vị trí của trái chiếu sáng hồi nãy, vẫn tiếp
tục thẳng tiến. Tuy nhiên, 4 trong số 8 khu trục hạm thuộc lực lượng này đã
xoay hướng để tiến từ Nam đến Bắc. Chúng tôi chỉ phát hiện 4 chiến hạm
này sau khi chúng đã xoay xong hướng nhắm để phóng ngư lôi.
Thám sát viên của tôi báo cáo: “Lực lượng địch chia thành hai nhóm.
Một nhóm chạy lảng ra xa, một nhóm chạy song song với hướng tiến của
chúng ta. Đó là các khu trục hạm, khoảng cách 7.000m.” Tôi rùng mình, vì
hiểu rằng tàu địch đang phóng ngư lôi. Tầm quan sát hiện thời nằm trong
tay đối phương với radar của họ.
Tôi ra hai lệnh liên tục: “Phóng ngư lôi! Bẻ hẳn tay lái về bên phải.”
Lệnh được lập tức thi hành. Chiếc Shigure xoay về bên phải đồng lúc
với 8 quả ngư lôi xé nước lướt đến các mục tiêu trong vòng hai giây. Tôi
bình tĩnh lại, chắc chắn đã tránh thoát tất cả các ngư lôi do tàu địch phóng
ra. Nhìn theo hướng tiến của mấy quả ngư lôi do Shigure phóng ra, thân thể
tôi lạnh toát khi nhận thấy chiếc Sendai đang hướng thẳng mũi vào chiếc
tàu của tôi. Cùng lúc với chiếc Shigure, chiếc tuần dương hạm này cũng
xoay sang phải, nhưng xoay thật mạnh và gấp rút vượt hẳn quy tắc, đoạn
tiến sát vào chiếc Shigure đến nỗi làm tôi xanh cả mặt mày vì sợ hãi. Chiếc
tuần dương hạm khổng lồ này, lớn gấp 3 lần chiếc Shigure, đâm thẳng mũi
vào mạn trái chúng tôi.
Tôi hét: “Bẻ lái về bên phải! Xả hết tốc độ!”
Mồ hôi lạnh chảy dài xuống, và hơi thở của tôi như một người sắp chết
đuối khi thân xác nặng nề của chiếc Sendai lướt ngang qua phía sau lái của
chiếc Shigure, chỉ trong đường tơ kẽ tóc.
Giây phút hiểm nghèo đã trôi qua, tôi lo lắng hướng mắt về chiếc
Samidare, mặt tôi xanh xám một lần nữa. Chiếc khu trục hạm này đã xoay
hẳn về phía phải, chắn ngang hướng tiến điên cuồng của chiếc Sendai, và
chạm vào cạnh của chiếc Shiratsuyu đang chạy cùng hàng. Vỏ mạn trái và
sàn tàu của chiếc Shiratsuyu vỡ vụn ra từng mảnh, tất cả pháo khẩu và ống
phóng ngư lôi hầu như bị nghiền nát.
Chiếc Shiratsuyu mới gia nhập chưa hề mang một lợi ích nào cho hải đội
của tôi mà đã hư hại rồi. Nhưng điều gây xúc động cho tôi nhất là việc đổi
hướng thình lình của chiếc Sendai mà không đưa ra một dấu hiệu nào để
lưu ý các chiến hạm chạy theo sau. Bối rối vì chiếc tàu dở chứng. Ijuin ra
lệnh cho tàu trở ngược tay lái ngay sau khi vừa thoát khỏi va chạm với
chiếc Shigure trong gang tấc. Chiếc tàu đảo sang trái và chạy tụt về phía
sau.
Tôi thở phào nhẹ nhõm, nhưng hơi thở lại bế tắc ngay khi tôi nghe thấy
tiếng của một loạt đại pháo bay đến, và cho dù chạy quờ quạng, chiếc
Sendai đã lãnh trọn một trái ngay giữa tàu. Tôi chưa từng chứng kiến cảnh
pháo kích nào đạt đến mức chính xác một cách ngoạn mục như vậy.
Chiếc Sendai tiếp tục hứng loạt pháo kích thứ hai và thứ ba, với mức
chính xác kỳ dị không thua gì loạt đầu, và bùng cháy như một bó đuốc
khổng lồ. Mạch sống của chiếc tàu đã ngừng đập, nhưng vẫn gom hết sức
tàn phóng một loạt 8 quả ngư lôi nhắm đại khái vào kẻ tử thù.
Cột khói khổng lồ của chiếc Sendai, lan rộng 500m, ngăn hẳn tầm mắt
khiến tôi không thể nhìn thấy nới xuất phát các quả đạn của đối phương.
Nhưng chiếc Samidare, chạy ngoài vòng 500m, có thể định vị trí của các
chiến hạm địch. Hạm trưởng đầy kinh nghiệm của chiếc Samidare là Thiếu
tá Yoshiro Sugihara đã phóng một lượt 16 quả ngư lôi vào lúc 0h52.
Bốn tuần dương hạm Hoa Kỳ không nhìn thấy trước đó, bây giờ xuất
hiện cách chúng tôi khoảng 15.000m. Vào lúc 0h51, tất cả các chiếc tàu này
đảo mạnh về bên phải, tránh thoát 16 quả ngư lôi của Samidare. Tuy nhiên,
khu trục hạm Foote, chạy cuối cùng trong nhóm khu trục hạm thứ hai của
Hoa Kỳ, hơi chậm chân nên lĩnh một quả ngư lôi vào lúc 1h08. Chiếc tàu bị
loại khỏi vòng chiến nhưng không chìm
Nhưng chiến công này không lấy gì làm chắc, sự vui mừng trên các khu
trục hạm thuộc hải đội của tôi không trọn vẹn, trong lúc đó, sự hỗn loạn và
kinh hoàng đã xảy ra trong hai nhóm chiến hạm khác của chúng tôi.
Thời gian tôi báo cáo phát hiện địch quân, lúc 0h45, Đề đốc Omori lại
không nhìn thấy gì cả. Năm phút sau đó, ông mới thấy chiếc Sendai bao
trùm trong lửa đỏ và ông đồ chừng chiếc tàu đang cháy này ở ngay phía
trước, cách ít ra là 1000m và cùng một hướng tiến với soái hạm Myoko của
ông. Nhưng thật ra chiếc tàu này nằm ở ngay phía trái của ông.
Sau đó, Omori đã phải sửng sốt khi nhận ra sự sai lầm này. Phản ứng của
ông – ảnh hưởng bởi tư tưởng bảo thủ đang thịnh hành trong giới chỉ huy –
thay vì điều chỉnh các chiến hạm của ông cho đúng lại với đội hình nguyên
thủy, ông vội vã ra lệnh quay đầu.
Qua hành động này, Omori đã bị chỉ trích mạnh mẽ sau đó, nhưng ông
không bao giờ đưa ra một lý luận nào để biện minh. Quay đầu là một việc
có thể làm được với điều kiện là tất cả các chiến hạm đều phải đáp ứng nhịp
nhàng. Nhưng hai nhóm trong số các nhóm tàu của Omori lại do các sĩ quan
thiếu kinh nghiệm hoạt động ban đêm, và kết quả đã đưa đến sự rối loạn.
Nhóm tàu thứ ba của Đề đốc Matsubara còn tạo ra một sai lầm khác.
Mặc dù thiếu kinh nghiệm chiến đấu, Matsubara nổi tiếng là một tay
hăng hái và bướng bỉnh. Khi nghe báo cáo phát hiện địch quân của tôi, ông
ra lệnh cho nhóm tàu của ông xả hết tốc độ đổ xô về hướng mà tôi đã báo
cáo. Nhưng chạy liên tục như vậy trong 10 phút, ông vẫn không tìm thấy
địch quân ở đâu. Cuối cùng, khi nhìn thấy hai tuần dương hạm hạng nặng
Myoko và Haguro xoay hướng, ông đâm ra bối rối, vội vã ra lệnh cho các
chiến hạm của ông xoay theo một cách vụng về, phạm phải điều cấm kỵ
nhất khi di chuyển vào ban đêm. Sau khi xoay hướng, tuần dương hạm
Agano, soái hạm của Matsubara, và 4 khu trục hạm nối đuôi nhau chạy về
phía Bắc, Matsubara không lưu ý đến việc các chiến hạm của ông lúc này
chạy xiên ngang qua hướng tiến của hai chiếc Myoko và Haguro ở một góc
thẳng. Kết quả, tuần dương hạm Myoko lướt ngang phía trước khu trục hạm
Hatsukaze, chiếc tàu chạy hàng thứ ba trong đội hình hàng dọc của
Matsubara, và chạm nhẹ vào mũi chiếc khu trục hạm 2.500 tấn này. Hai
chiến hạm chạy theo sau Myoko và Hatsukaze là tuần dương hạm Haguro
và khu trục hạm Wakatsuki, vội vã né tránh nhưng lại đụng nhau dữ dội gấp
mấy lần hai đồng đội phía trước.
Cực kỳ bối rối, Matsubara cho tàu của ông quay lại chiếc khu trục hạm
hư hại nặng của ông. Chỉ cần xem sơ qua, ông hiểu ngày là không thể làm
gì kịp cho chiếc tàu này trong lúc địch quân đã đuổi theo đến nơi, một lần
nữa, ông quay tàu để chạy song song với 2 tuần dương hạm hạng nặng.
Vào lúc 1h15, đạn đại pháo Hoa Kỳ bắt đầu rơi dọc theo cả mạn trái và
phải của hai chiếc Myoko và Haguro. Các khẩu đại pháo của hai tuần
dương hạm này đều khai hỏa khái quát vào những mục tiêu không nhìn thấy
và phóng một loạt 24 quả ngư lôi vài phút sau đó. Dĩ nhiên, tất cả đều
hoang phí một cách vô ích.
Radar của địch quân đã đè bẹp ưu thế hoạt động đêm của Nhật Bản trước
đây.
Trong lúc Omori và Matsubara đang trải qua những giờ phút vất vả này,
tôi cũng lâm vào tình cảnh khó khăn không kém gì họ. Tuần dương hạm
Sendai bốc cháy và đang giãy chết đã cầm chân chúng tôi. Pháo của địch
vẫn tiếp tục dập chiếc tàu này không ngừng nghỉ. Khiến chúng tôi muốn sáp
lại để giải cứu thủy thủ đoàn nhưng không thể nào làm được. Hai chiếc
Samidare và Shiratsuyu hư hại đã rút lui theo lệnh của Omori. Các khu trục
hạm Hoa Kỳ đã chứng tỏ tài năng của chúng. Ba chiến hạm Nhật bị loại ra
khỏi vòng chiến chỉ trong một cú đấm.
Quan sát viên trên đài chỉ huy của tôi ghi nhận tín hiệu đèn nhấp nháy
những lời kêu cứu lặp đi lặp lại đầy thảm não của chiếc Sendai: “Shigure,
hãy tiến lại tôi… Shigure, hãy tiến lại tôi… Shigure, hãy tiến lại tôi…”
Tàu của tôi vẫn còn cách mạn phải của chiếc Sendai 500m. Không có
quả đạn nào của địch rơi gần chúng tôi, mà chỉ liên tục nhằm thẳng vào nạn
nhân đang hấp hối. Người bạn tốt nhất của tôi, Ijuin, đang cần sự giúp đỡ,
nhưng chiếc Shigure khó mà trở về khi lọt vào hỏa ngục đó. Tôi đứng chết
lặng trên đài chỉ huy. Bóng dáng 43 thủy thủ của chiếc Amatsukaze thiệt
mạng dưới hỏa lực tập trung của tuần dương hạm Helena, do một lỗi lầm
của tôi vào năm trước, như hiện ra trước mắt. Tôi đã thề với linh hồn của
những người này là tôi sẽ không bao giờ phạm phải lỗi lầm như vậy nữa.
Hạm trưởng của Shigure hết kiên nhẫn rồi nên la to: “Tiến đến, Đại tá
Hara! Tiến đến Sendai! Chỉ huy trưởng Phân đội đã ra lệnh cho chúng ta.”
Giọng nói khẩn khoản của Thiếu tá Yamagami đã gây ảnh hưởng nơi tôi,
trái ngược hẳn những gì mà anh ta hy vọng. Dẹp hẳn sự lưỡng lự sang một
bên, tôi đáp: “Không, Yamagami, tôi quyết định không tiến đến. Nếu chúng
ta tiến đến chiếc Sendai, hỏa lực của địch quân sẽ ghìm chúng ta như nó.
Chúng ta có thể giải cứu một vài thủy thủ, nhưng tất cả thủy thủ đoàn của
Shigure sẽ bị tiêu diệt.”
“Nhưng chúng ta có lệnh của Đề đốc là phải tiến đến.” Yamagami lớn
tiếng một cách nóng nảy.
Tôi phẫn nộ: “Lệnh? Anh đúng! Tôi đồng ý hoàn toàn! Lệnh sơ khởi ban
cho chúng ta là đánh địch quân. Công việc tiếp cứu trên mặt biển luôn đứng
hàng thứ yếu. Hãy đi cho rồi!”
“Nhưng các bạn của chúng ta đang yêu cầu giúp đỡ.” Yamagami van nài:
“Họ đang chết trước mắt chúng ta.”
Câu nói này càng gây thêm sự tức giận nơi tôi, tôi hét to : “Im ngay! Đây
không phải là nơi để nói chuyện tình cảm và tranh luận. Tôi có trách nhiệm
với chiếc tàu này. Đừng có lấn quyền!”
Yamagami nín lặng. Tôi ra lệnh: “Xoay sang trái! Xả hết tốc lực chạy về
phía trước. Chúng ta tấn công!”
Máy của chiếc Shigure rồ mạnh và cấp tốc vọt lên tốc độ tối đa 30 hải lý.
Với hành động này, tôi muốn kết hợp với bất kỳ chiến hạm Nhật nào vẫn
còn khả năng chiến đấu để sau đó quay lại phản công đối phương. Nhưng
tôi không gặp Omori mà cũng không gặp Matsubara, và họ cũng không báo
cho tôi biết hoạt động của họ như thế nào. Tôi xoay sang tìm kiếm các mục
tiêu, bằng cách theo dấu hỏa lực của địch quân, nhưng tôi đã phí công vô
ích. Súng của đối phương đã im tiếng hẳn. Sau đó, của Shigure chạy về
hướng Nam, và đến 1h34, chúng tôi nhận được lệnh rút lui để trở về Rabaul
của Omori.
Omori quyết định chấm dứt cuộc hành quân, bởi vì ông tin rằng chúng
tôi đã đối đầu với hai lực lượng địch, bao gồm 7 tuần dương hạm và 9 khu
trục hạm, và hai lực lượng này đang tiến về phía Nam, cùng một hướng tiến
với ông. Sự xét đoán sai lầm này phát xuất từ báo cáo sơ khởi về lực lượng
địch và báo cáo sai lầm của các trinh sát cơ.
Hai tuần dương hạm hạng nặng đã chiến đấu với một ảo ảnh chỉ hiện
hữu trong tâm trí của các vị chỉ huy trên hai chiếc tàu này. Sự thật, chỉ có 4
tuần dương hạm Hoa Kỳ đang chạy về hướng Nam, bỗng quay đầu để chạy
về hướng Bắc vào lúc 1h01 và sau đó đã pháo kích vào 2 tuần dương hạm
Myoko và Haguro. Hai tuần dương hạm Nhật cũng bắn trả và phóng ngư
lôi. Trận đụng độ này đưa đến kết quả ảo tưởng là Omori đã đánh chìm cấp
kỳ một tuần dương hạm và gây hư hại cho 2 khu trục hạm địch. Omori
không ý thức rằng hai chiếc tàu của ông đã chạy quờ quạng như 2 kẻ đui
mù, chỉ phí đạn và nhiên liệu mà thôi.
Tim tôi trĩu nặng khi chiếc Shigure nối đuôi một cách mệt nhọc theo sau
5 chiến hạm có vận tốc nhanh phía trước. Dõi mắt về hướng mà chúng tôi
nhìn thấy soái hạm Sendai lần cuối cùng, lòng tôi cảm thấy quặn thắt. Cùng
lúc, tôi nghĩ đến hai chiếc Samidare và Shiratsuyu, cả hai đã bị loại ra khỏi
vòng chiến do sự va chạm với chiếc Sendai, tôi độ chừng một số chiến hạm
địch thế nào cũng truy đuổi ráo riết hai chiến hạm què quặt này, nên sự sống
sót của chúng chỉ hy vọng vào sự may mắn. Trong sự yên lặng trên đài chỉ
huy của chiếc Shigure, những người hiện diện đã chia sẻ ý nghĩ tang tóc của
tôi.
Trên hải trình xuôi về phía Bắc, tôi nhớ lại chuyến trở về từ Guadalcanal
đầy âu sầu của Đề đốc Abe trước đây. Các chiến thuật mà Abe đã áp dụng
trong trận đánh Guadalcanal đã bị chỉ trích mạnh mẽ chưa bao giờ thấy vào
thời gian đó. Và bây giờ, hơn một năm sau, Omori đã lặp lại những sai lầm
của Abe. Cả hai vị Đề đốc cũng điều binh theo đội hình phức tạp và bám
riết lấy đội hình này, cho đến nỗi phải rước lấy thảm bại trước chiến thuật
nghi binh của đối phương. Nhưng Đề đốc Abe còn có cái may là đối thủ của
ông cũng mắc phải nhiều sai lầm không kém gì ông. Trái lại, đối thủ của
Omori hành động một cách hoàn hảo.
Trong trận đánh Guadalcanal, tôi đã mang khu trục hạm Amatsukaze trở
về cùng với xác 43 thủy thủ và chiếc tàu bị hư hại nặng. Bây giờ, trong trận
đánh Empress Augusta, chiếc Shigure còn nguyên vẹn và thủy thủ đoàn
không một ai thương vong. Do đó, tôi như được an ủi một phần nào, vì nghĩ
rằng ít ra tôi đã không lặp lại những sai lầm cũ. Điều này nhắc tôi nhớ lại
chiếc Samidare cũng đã sống sót trong chuyến đi một năm trước đây của
Abe, tôi hơi khuây khỏa khi nghĩ chiếc tàu đầy kinh nghiệm chiến đấu đang
mất tích này sẽ tồn tại để trở về với hải đội. Trái lại, đối với chiếc
Shiratsuyu, tôi xem nó như đã bị xóa tên rồi. Nếu không xảy ra sự va chạm,
ba khu trục hạm của tôi có thể gây nhiều bối rối cho địch quân, giống như
tôi đã làm ở Guadalcanal trong chuyến đi với Abe. Bốn khu trục hạm địch
chúng tôi chạm mặt lần này tỏ ra còn vụng về hơn 4 khu trục hạm địch mà
chúng tôi đối đầu ở vịnh Vella vào ngày 6 tháng 8 năm 1943.
Trong trận vừa rồi, mặc dù địch quân nắm ưu thế, tất cả ngư lôi do họ
phóng ra đều sai đích rất xa, cho đến nỗi chúng to lớn như vậy mà không
một ai trong chúng tôi nhìn thấy bóng dáng quả nào lướt qua.
Nhìn lại, tôi cũng công nhận phần lợi thế trong trận đánh này nằm ở phía
Hoa Kỳ, riêng phía Nhật Bản không mấy hy vọng đạt được chiến thắng,
nhưng tôi cũng công nhận đáng lẽ ra chúng tôi có thể làm tốt hơn những gì
mà chúng tôi đã làm.
Ijuin phải chịu trách nhiệm về việc đã để cho nhóm chiến hạm của ông
rối loạn hàng ngũ. Ông là một người đã mệt mỏi, kiệt sức và chán nản. Và
qua sự mất mát của khu trục hạm Yugumo một tháng trước đây, ông không
còn mảy may tin tưởng vào khả năng của ông nữa. Một người thuộc giai
cấp quý tộc khi gặp nghịch cảnh thường sụp đổ tinh thần một cách mau lẹ
như vậy.
Nhưng Đề đốc Omori là người phải gánh chịu phần trách nhiệm lớn hơn.
Qua lệnh xoay hướng về phía sau của Omori, tức là đưa lưng về phía địch
quân, chẳng khác nào ông ta trói tay Ijuin, giới hạn một cách nghiêm trọng
các hành động đang diễn tiến.
Về phía Hoa Kỳ, hình như họ đã chiến đấu một cách không mấy hăng
hái trong trận đánh này. Nếu họ không chấm dứt hành động ngay sau khi
hai chiến hạm Nhật bị què quặt do sự đụng chạm gây ra, họ có thể đánh
chìm thêm nhiều chiếc tàu của chúng tôi hơn nữa. Tôi không hiểu tại sao
màn pháo kích tiêu diệt của họ nhắm vào chiếc Sendai không được họ lặp
lại với các chiến hạm khác đang nằm trong tình trạng bối rối như thế?
Trong nhiều năm sau trận đánh, câu hỏi này vẫn lảng vảng trong tâm trí tôi.
Máy móc của chiếc Shigure trở nên yếu kém, có thể đây là hậu quả của
một giờ chạy hết tốc lực trong trận đánh vừa qua. Hiện thời tốc độ của chiếc
tàu giảm còn 18 hải lý. Nhưng điều này không làm tôi mảy may bận tâm.
Tôi đang bực bội vì lệnh bỏ dở trận đánh giữa chừng, với tốc độ chậm chạp
này, tôi hy vọng một số chiến hạm địch sẽ đuổi kịp chúng tôi, chừng ấy
chiếc Shigure sẽ quay lại quần thảo với họ một chập nữa. Dù vậy, tôi cũng
gọi vô tuyến báo cáo cho Đề đốc Omori biết tình trạng của chúng tôi và yêu
cầu thêm là ông hãy sắp xếp công việc giải cứu những người còn sống sót
của chiếc Sendai.
Omori đáp ngay: “Chúng tôi đang chạy với tốc độ 12 hải lý, do đó tàu
của anh có thể bắt kịp. Tôi đã yêu cầu Rabaul phái một tàu ngầm đến vớt
các thủy thủ của hai chiếc Sendai và Hatsukaze.” Lần đầu tiên, qua câu đáp
của Omori, tôi mới mỉm cười được sau nhiều giờ căng thẳng. Xem ra
Omori cũng là một mẫu người thận trọng.
Sau đó, chiếc Shigure bắt kịp chiếc Myoko. Với tốc độ giảm xuống, máy
móc của Shigure có vẻ chạy êm thắm.
Vào lúc 20h ngày 2 tháng 2, chúng tôi tiến vào cảng Rabaul. Tôi yên
lòng khi nhìn thấy hai khu trục hạm khác của tôi đang buông neo trong hải
cảng Simpson (tức hải cảng của Rabaul). Chiếc Shiratsuyu hư hại không
bao nhiêu, nhưng chiếc Samidare được xem là tồi tệ.
Ngay khi nhìn thấy Shigure, Samidare đã dùng đèn hiệu báo cáo các
hoạt động của mình. Vào lúc 1h45 phút, chiếc tàu này bắt đầu đụng độ với
các khu trục hạm của đối phương trong một trận chiến lưu động. Kéo dài
một giờ đồng hồ. Kết quả, 5 thủy thủ của Samidare thiệt mạng và 5 bị
thương do hai quả đạn pháo trực xạ gây ra. Hai quả đạn này cũng gây hư
hại cho guồng lái của con tàu. Sau đó, Samidare phải sử dụng sức người để
bẻ lái trở về Rabaul. Viên hạm trưởng kết luận: “Chúng tôi đã bắn trả và
phóng 6 ngư lôi vào đối phương, và chúng tôi tin tưởng đã phục thù được
những cú đấm mà chúng tôi đã nhận.”
Qua báo cáo, hạm trưởng của chiếc Shiratsuyu có vẻ hối tiếc vì đã để
cho chiếc tàu va chạm, và câu sau cùng đã làm cho những người hiện diện
trên chiếc Shigure cười ồ: “Chúng tôi tháo lui dễ dàng. Máy móc của chiếc
tàu tỏ ra còn tốt, không một quả đạn nào của địch quân bắt kịp chúng tôi.”
Một công điện từ soái hạm Myoko gửi đến đã gây buồn vui lẫn lộn:
“Tàu ngầm I-104 cho biết đã tiếp cứu được Đề đốc Ijuin và 37 thủy thủ
khác của tuần dương hạm Sendai, nhưng tất cả thủy thủ đoàn của chiếc khu
trục hạm Hatsukaze không được tìm thấy.”
Sáng sớm hôm sau, hạm trưởng của Shigure đề nghị chúng tôi lên soái
hạm Myoko để phúc trình đầy đủ chi tiết trận đánh cho Đề đốc Omori. Tôi
nói: “Việc này chúng ta có thể làm sau, Yamagami. Rời tàu ngay bây giờ
không ổn đâu, bởi vì Rabaul không còn là nơi an toàn nữa. Hôm nay đối
phương có thể tung ra một cuộc không kích quy mô, chúng ta phải ở lại tàu
để chào đón phi cơ họ. Hãy chuẩn bị đầy đủ cho chiếc Shigure đối phó với
của tấn công mạnh mẽ từ trên không.”
Trong tuần lễ vừa qua,phi cơ Hoa Kỳ đã tấn công Rabaul bốn lần. Sáng
ngày 3 tháng 11, nhìn thấy thời tiết quang đãng, tôi có linh cảm là các phi
cơ địch sẽ ào đến. Với ý nghĩ này, tôi cũng đã chỉ thị cho 2 khu trục hạm
Samidare và Shiratsuyu chuẩn bị chiến đấu với tất cả năng lực có thể.
Toàn thể thủy thủ đoàn trên ba chiếc tàu của tôi hăng hái thi hành mệnh
lệnh một cách hoàn bị. Phi cơ địch đến như thác lũ từ phía Bắc, bay ở một
cao độ không quá 50m tính từ mặt biển. Các cuộc không tập Rabaul trước
đây đều được phi cơ địch thực hiện với cùng một cao độ và cùng một chiến
thuật, nhưng hôm nay chiến thuật này có sự thay đổi. Trận chiến đang diễn
tiến có lẽ là trận chiến ngoạn mục nhất đời tôi.
Shigure là chiến hạm Nhật đầu tiên nhảy vào vòng chiến, kế đó
Samidare và Shiratsuyu. Mọi loại súng ống của chúng tôi đều chĩa lên trời,
và khi làn sóng phi cơ đầu tiên ùa đến, các pháo thủ đã hoạt động chẳng
khác nào những kẻ điên khùng. Họ bắn không ngừng nghỉ, hình những để
giải tỏa nỗi uẩn ức sau chuyến trở về đầy thất vọng từ Vịnh Empress
Augusta. Ngày hôm đó, có tất cả 80 oanh tạc cơ B-25 và 80 chiến đấu cơ P-
38 tấn công Rabaul, và hầu hết đều bu quanh trên các tháp của 3 khu trục
hạm do tôi chỉ huy. Ba chiến hạm nhỏ đã thoát chạy kịp thời ra ngoài vòng
của hải cảng. Đó là việc mà các phi công Hoa Kỳ không thể nào tiên đoán
được.
Ho đuổi theo ngăn chặn chúng tôi, nhưng hiển nhiên các oanh tạc cơ
Hoa Kỳ không sẵn sàng hoặc không trù tính sử dụng các quả bom của
chúng nhắm vào ba chiến hạm nhỏ bé. Một vài trái bom đã trúng thẳng vào
ba chiếc tàu, nhưng chỉ gây thiệt hại nhỏ trên chiếc Shiratsuyu. Hỏa lực của
chúng tôi lên tiếng dữ dội. Đội hình phi cơ địch bị cắt ra từng mảnh khi lướt
ngang qua chúng tôi.
Kết quả cuộc không tập, 18 phi cơ Nhật bị tiêu diệt, chỉ có hai tàu buôn
nhỏ và một tàu săn ngầm bị đánh chìm. Với một cuộc tấn công quy mô như
vậy, kết quả này không đúng như ý muốn của đối phương. Hơn nữa, Hoa
Kỳ còn phải giá: 8 oanh tạc cơ B-25 và 9 chiến đấu cơ P-28 bị bắn rơi cùng
nhiều chiếc hư hại khác đã lê lết được về đến căn cứ, nhưng bị vỡ tan hoặc
bốc cháy khi đáp xuống.
Hỏa lực từ các chiến hạm đang chạy trên mặt biển khó thể nào bắn trúng
phi cơ bay nhanh. Nhưng ngày hôm đó lại khác hẳn, phi cơ địch hình như
tìm họng súng của chúng tôi để chui đầu vào. Tôi nhìn thấy tận mắt chiếc
Shigure đã bắn hạ ít nhất 5 phi cơ địch.(*)
(*) Đại tá Hara đã nói đúng về các thành quả mà súng phòng không trên
các khu trục hạm của ông đã đạt được trong ngày này. Tài liệu lịch sử chính
thức của Không quân và Lục quân Hoa Kỳ đã ghi: “Hai khu trục hạm Nhật
nằm cạnh cửa sông Warangoi đã đối đầu trực tiếp với hướng tiến của các
phi cơ Hoa Kỳ. Hỏa lực của 2 chiếc tàu này đã gây nhiều xáo trộn cho cuộc
không tập, ngăn chặn hẳn các chiến đấu cơ hộ tống, khiến cho các oanh tạc
cơ B-25 phải phá vỡ đội hình để thi hành nhiệm vụ oanh tạc và không kích
từng cặp, hoặc từng chiếc riêng rẽ.
Xế trưa hôm đó, các khu trục hạm của tôi quay vào quân cảng Rabaul,
toàn thể thủy thủ đều lộ vẻ kiêu hãnh và hớn hở. Tình trạng căng thẳng của
buổi sáng trôi qua hẳn. Sĩ quan cũng như thủy thủ lại cười nói ồn ào. Vào
chiều tối, tôi bước lên soái hạm Myoko và cảm thấy dễ chịu hơn khi làm
nhiệm vụ phúc trình lại chi tiết về trận đánh vịnh Empresss Augusta mà tôi
không mấy hài lòng trước đó.
Đề đốc Omori vẫn đón tiếp tôi một cách thân mật như thường lệ. Sau khi
nghe các chi tiết do tôi tường trình liên quan đến nhóm chiến hạm của Ijuin,
ông nói: “Tôi nghĩ hành động của anh rất đúng. Trong khi chiếc Sendai bị
hỏa lực tập trung của địch quân, anh chạy tránh xa nó là phải. Về các điểm
khác, tôi muốn cảm ơn công điện phát hiện địch quân của anh gửi cho tôi
lúc 0h45. Lúc bấy giờ ngoài anh ra không ai khác nhìn thấy tàu địch. Không
có báo cáo của anh, cả nhóm tàu của tôi sẽ rước lấy thảm họa.”
Khi tôi cáo từ và xoay lưng bước ra cửa, Đề đốc Omori gọi tôi lại. Ông
rút bóp lấy một số tiền đặt trên bàn, mỉm cười nói: “ Đây là 30 yên ( khoảng
90.000 đồng tiền Việt Nam Cộng Hòa vào thời giá năm 1974, còn so với
tiền Việt Nam bây giờ thì…. Heo hổng có biết ). Số tiền không nhiều nhỏi
gì, anh hãy nhận để mua rượu cho thủy thủ của anh chơi, và xem đây như là
món quà kỷ niệm của tôi.”
Tiếng cười to của ông khiến tôi giật mình. Tôi nhận tiền bắt tay ông, và
cả hai cùng cười to với nhau. Đoạn bi hài kịch trả kiếm và đòi tiền mua
rượu của tôi chắc hẳn đã đến tai ông. Câu chuyện này xảy ra lúc ông chưa
đến Rabaul.
Trận hải chiến vịnh Empress Augusta kết thúc. Hoa Kỳ đã đạt chiến
thắng trên mọi phương diện. Khu trục hạm Foote đã nhận lĩnh một quả ngư
lôi của Samidare, hư hại khá nặng, nhưng vẫn trở về căn cứ được. Trong
trận đánh quan trọng này, chỉ có khoảng 40 thủy thủ Hoa Kỳ thương vong.
Phía Nhật Bản đã thiệt mất tuần dương hạm Sendai với 335 người trong
số thủy thủ đoàn, và khu trục hạm Hasukaze với toàn thể thủy thủ đoàn 240
người. Nhiều quả đạn trúng thẳng vào hai tuần dương hạm hạng nặng
Myoko và Haguro, và khu trục hạm Samidare, gây nhiều thiệt hại cho ba
chiếc tàu này, nhưng về nhân sự chỉ có 6 thủy thủ thiệt mạng và 7 bị
thương.
Ngay sau trận đánh, Omori rời khỏi chức vụ hiện thời, và được chuyển
về trông coi Trường Ngư Lôi. Matsubara cũng mất chức, và được chỉ định
vào một nhiệm vụ trên bờ.
Vào ngày 3 tháng 11, chiếc tàu ngầm I-104 về đến Rabaul với các thủy
thủ sống sót của tuần dương hạm Sendai. Tôi đứng đón chờ những kẻ may
mắn trở về. Nhìn Đề đốc Ijuin bước lên cầu tàu không ai là không động
lòng. Tôi bước ngay đến ông và cất lời xin lỗi đã không đáp ứng lời yêu cầu
giúp đỡ của ông.
Trong sự xúc động lớn lao, ông nói: “Đừng nói như vậy, Hara. Hành vi
của tôi vừa qua đã khiến tôi xấu hổ. Đừng bao giờ lặp lại những lời mà anh
vừa nói. Anh đã hành động đúng.”
Vài ngày sau Ijuin trở về Tokyo. Sau một vài tháng nghỉ ngơi, ông quay
lại Nam Thái Bình Dương và chiến đấu rất dũng cảm. Vào ngày 24 tháng 5
năm 1944, ông thiệt mạng trong khi chỉ huy lực lượng hộ tống một đoàn tàu
chuyển vận. Chiếc soái hạm của ông bị tàu ngầm Raton của Hoa Kỳ phóng
ngư lôi đánh chìm
Nếu mọi người tỏ vẻ nghi ngờ khả năng chiến đấu của Đề đốc Ijuin, lời
tiên đoán của ông về việc Nhật Bản sẽ sụp đổ sau khi để cho Bougainville
rơi vào tay địch lại tỏ ra chính xác một cách lạ lùng.
Vì thời tiết, cuộc không kích Rabaul của đối phương vào ngày 2 tháng 2
chỉ gây chút ít thiệt hại, nhưng 3 ngày sau đó tai biến mới thực sự xảy ra.
Nhười Mỹ đã xem cuộc không kích Trân Châu Cảng của Nhật như là một
thảm họa đối với họ, nhưng cuộc không tập vào ngày 5 tháng 11 của họ lại
là một thảm họa to lớn hơn đối với Nhật. Một hạm đội bao gồm đa số tuần
dương hạm, được giữ gìn như báu vật hơn một năm nay, bỗng tan tành chỉ
trong một ngày. Làm sao một việc như vậy có thể xảy ra?
Sự sụp đổ ngày 5 tháng 11 của Rabaul đã làm lu mờ trận đánh đầy bi
thảm ở Vịnh Empress Augusta, khiến cho không còn ai nhắc nhở đến nó
nữa. Trận đánh bị lãng quên này đã dạy cho người Nhật nhiều bài học quý
giá mà họ không biết. Các sai lầm được lặp lại, và lặp lại cho đến khi trở
thành tự sát.
Đáng lẽ qua trận đánh Empress Augusta. Nhật Bản phải biết rằng các nỗ
lực thám thính của mình đã vấp phải nhiều khiếm khuyết. Không phải chỉ
phóng một vài chiếc phi cơ lên trời với các mục đích thám thính là đủ, mà
cần đòi hỏi các phi công đầy đủ kinh nghiệm lái các phi cơ đó. Bộ Tư Lệnh
Tối Cao chắc hẳn phải biết điều này, nhưng chỉ vì tình thế không cho phép
cải thiện.
Nếu các phúc trình chi tiết liên quan đến trận hải chiến ở Vịnh Empress
Augusta không bị thêm thắt để đánh lừa Bộ Tư Lệnh Tối Cao, chúng tôi sẽ
không bao giờ dám đổ lỗi sự sụp đổ Rabaul cho thượng cấp. Còn nhiều yếu
tố lừa dối khác sau trận đánh. Chẳng hạn như tàu ngầm I-104, trong phúc
trình về công cuộc tiếp cứu những thủy thủ sống sót của chiếc Sendai đã
viết: “Chúng tôi thấy nhiều thủy phi cơ và chiến hạm địch bận rộn trong các
hoạt động tiếp cứu, điều này chứng tỏ một số tàu địch đã bị đánh chìm
trong trận Empress Augusta.” Và một điển hình khác: Đoàn tàu chuyển vận
bị đình hoãn trước đó của chúng tôi cuối cùng đã rời khỏi Rabaul vào ngày
2 tháng 11, chỉ có 4 khu trục hạm hộ tống, và thành công trong việc đổ bộ
930 binh sĩ lên Torokina. Chỉ huy trưởng đoàn tàu chuyển vận đã báo cáo
một cách vui vẻ: “Chúng tôi không hề gặp một sự chống đối nào trên mặt
biển, hiển nhiên là hạm đội địch đang lo chắp vá các vết thương do lực
lượng của Đề đốc Omori gây ra.”
Tuy nhiên, sự thật Hoa Kỳ đã chọn để giăng một cái bẫy trên đất liền
nhắm vào lực lượng bộ binh sau khi họ đã đổ bộ, và cái bẫy này công hiệu
hoàn toàn. Nhưng đây là vấn đề riêng của Lục quân, không dính dáng gì
đến Hải quân.
Cả chục điều tệ hại do lực lượng Omori gây ra vì vậy mà đã không được
sửa chữa chút nào. Do đó khi trở về Tokyo sau cuộc hành quân, Omori
không cảm thấy một chút hổ thẹn nào hết, và hơn thế nữa, ông được thăng
cấp, và được tái bổ nhiệm vào chức vụ chỉ huy trưởng Trường Ngư Lôi của
Hải quân.
Đô đốc Koga, Tổng Tư Lệnh Hạm Đội Hỗn Hợp, chấp nhận giá trị phúc
trình của Omori. Koga cảm thấy đã thu hoạch được các dữ kiện mà ông
kiên nhẫn đợi chờ, và cho rằng cơ hội “dứt khoát” với địch quân tại quần
đảo Solomon đã đến. Do đó, dựa trên căn bản các phúc trình của Omori,
vào ngày 3 tháng một, ông ra lệnh cho 7 tuần dương hạm khởi hành từ Truk
tiến về hướng Nam. Cả Koga lẫn bộ tham mưu của ông không một ai ra trận
trong thời gian gần đây để biết sức mạnh gia tăng của địch quân. Bởi vậy,
tính tự phụ tự mãn đã mọc rễ trong họ.
Ở Rabaul, Đô đốc Kusaka đã giật mình khi nghe kế hoạch cho các tuần
dương hạm xuất quân của Koga, và ông đã cố gắng ngăn cản hành động
này. Nhưng ông không thể nào giải thích sự nghi ngờ của ông về các chi tiết
nằm trong phúc trình của Omori. Hơn nữa, chỉ một đôi lời của ông không
thể nào đầy đủ ý nghĩa thuyết phục được Koga. Và do đó, 7 tuần dương
hạm Nhật vẫn tiếp tục tiến về phía Nam, dưới sự dòm ngó từng bước một
của các trinh sát cơ Hoa Kỳ.
Phó Đô đốc Takeo Kurita, thay thế Kondo trong chức vụ Tư Lệnh Đệ
Nhị Hạm Đội, cũng là một tay tự mãn không kém gì Koga. Tính tự mãn này
là do các tin tức về các cuộc không tập liên tục của địch quân ở Rabaul vào
thời gian gần đây đến tai ông. Theo đó, không có một phi cơ địch nào oanh
tạc trúng thẳng được vào một chiến hạm Nhật. Nên biết, hơn một năm nay
Kurita không ra trận lần nào, vì vậy ngay cả chiến đấu cơ Nhật Bản mà ông
nghĩ đến là các chiến đấu cơ của năm 1942, tức thời gian Nhật Bản vượt
trội Đồng Minh cả hai mặt phi cơ và phi công. Sự khinh thường khả năng
của không lực Đồng Minh vào thời gian đó là rất đúng, nhưng hiện tại sự
khinh thường đó không còn đứng vững.
Sáng sớm ngày 5 tháng 11, lực lượng của Kurita đến Vịnh Simpson,
Rabaul. Tôi đã kinh ngạc khi thấy soái hạm Atago chậm rãi buông neo
trong hải cảng nhỏ hẹp mà hiện tại gần như nứt ra, vì phải chứa đựng cả 7
tuần dương hạm và khoảng 40 tàu yểm trợ khác nữa. Những chiến hạm mới
đến này đã gây cho tôi sự băn khoăn và suy nghĩ.
Vào lúc 7h sáng cùng ngày, một phi cơ tuần tiễu báo cáo phát hiện một
lực lượng địch gồm 5 tuần dương hạm hạng nặng, 7 khu trục hạm và 2
chuyển vận hạm tại ví trí cách mũi St.George 150 dặm, hướng 140 độ. Tổng
Hành Dinh Rabaul kết luận rằng các chiến hạm này có vẻ như sắp thực hiện
một cuộc đổ bộ. Đó là phản ứng đã trở thành thói quen đối với các sĩ quan
tham mưu ở Rabaul trong những tháng gần đây. Không một ai tưởng tượng
được rằng hai “chuyển vận hạm” chính là hai hàng không mẫu hạm
Saratoga và Princeton.
Nhiều tháng nay các phi cơ Nhật Bản không được nhìn thấy hàng không
mẫu hạm Hoa Kỳ. Ngay cả trong trận đánh ở Biển San Hô vào tháng 5
1942, nhiều phi cơ đầy đủ kinh nghiệm của chúng tôi còn nhận diện sai lầm
các hàng không mẫu hạm của Hoa Kỳ. Nhưng mà không một ai ở Rabaul
nhớ lại việc đó. Kusaka ra lệnh cho các trinh sát cơ cố gắng theo dõi động
tĩnh từng bước một của đối phương. Các phi cơ này đã cố gắng, nhưng các
báo cáo đều không đúng lúc, thành thử lực lượng đặc nhiệm Nhật không thể
hành động chính xác.
Lúc 9h sáng, còi báo động phi cơ địch tấn công ở Rabaul vang rền. Khu
trục hạm Shigure của tôi luôn luôn chuẩn bị sẵn sàng nên đã tham chiến
nhanh chóng, và thoát ra hải cảng nhỏ hẹp trong khi nhiều chiến hạm khác
vẫn buông neo. Lúc 9h15, khi các tuần dương hạm to lớn vẫn còn loay hoay
nhổ neo, phi cơ địch xuất phát từ hai “chuyển vận hạm” ùa đến oanh tạc.
Khoảng 50 chiến hạm Nhật nằm phơi lưng làm bia cho 23 phi cơ Avenger
phóng ngư lôi, 22 oanh tạc cơ Dauntless và 42 chiến đấu cơ Hellcat của
Hoa Kỳ.
Chiếc Shigure vừa chạy ra khỏi hải cảng vừa khai hỏa mọi loại súng vào
các mục tiêu lướt nhanh qua. Hỏa lực của chúng tôi đã hạ 4 phi cơ địch.
Thảm họa đã không xảy ra, nếu tất cả chiến hạm Nhật đều thoát chạy được
ra ngoài hải cảng như chiếc Shigure. Nhưng ngày hôm đó, ngoài chiếc
Shigure, không có một chiếc tàu nào nhúc nhích được. Hai khu trục hạm
Samidare và Shiratsuyu không có mặt ở Rabaul, ngày trước đó cả hai đã lên
đường đi Truk để sửa chữa.
Khoảng 10h, chiếc Shigure quay vào hải cảng. Cảnh tượng trước mắt
làm tôi choáng váng cả giờ. Tôi nhớ lại cảnh đổ vỡ xảy ra vào tháng Giêng
năm 1942, khi các phi cơ Hoa Kỳ gây hư hại cho tuần dương hạm Myoko
tại Vịnh Malalag. Và bây giờ, nơi đây, chỉ trong vòng hai năm sau, chúng
tôi đã vấp phải cùng một lỗi lầm. Thật đáng tủi hổ biết bao.
Soái hạm Atago đang bùng cháy, hai tuần dương hạm Maya và Takao bị
hư hại nặng nề. Cả 3 tuần dương hạm hạng nặng này, sau một năm được giữ
gìn cẩn thận, chưa đụng độ với địch quân bao giờ, đã nằm phơi mình như
ba xác chết dưới cuộc không tập. Hai tuần dương hạm hạng nặng Mogami
và Chikuma, hai tuần dương hạm hạng nhẹ Agano và Noshiro, cũng như hai
khu trục hạm Fujinami và Amagiri đều bị thiệt hại. Tôi nhắm mắt lại và tự
hỏi cảnh tượng này lại có thể là sự thật được sao?
Đó là sự thật, một sự thật hoàn toàn. Tại Tổng Hành Dinh Rabaul, như
thường lệ, Kusaka nổi nóng. Ông chửi rủa hết người này đến người khác.
Trong lúc đó, các phi trường Rabaul lên cơn sốt, giống như một tổ ong bị
chọc phá. Mọi phi cơ khả dụng đều được tung lên để truy đuổi những kẻ tấn
công. Cuối cùng, khoảng 100 chiến đấu cơ và oanh tạc cơ Nhật tìm thấy vị
trí lực lượng đặc nhiệm đối phương, cách Rabaul khoảng 235 dặm, hướng
145 độ. Sau đó, các phi cơ báo cáo đã đánh chìm một hàng không mẫu hạm
lớn, hai tuần dương hạm và một khu trục hạm, cũng như gây hư hại cho một
hàng không mẫu hạm hạng trung khác.
Báo cáo này hoàn toàn có tính cách thêu dệt. Khi một người đang
choáng váng thì người đó khó có thể nhìn sự việc một cách bình tĩnh và
khách quan. Kiểm soát lại các phúc trình đáng nghi ngờ trong cuộc chiến
chỉ được thực hiện đối với một kẻ đang chiến thắng. Do đó, báo cáo tưởng
tượng vừa nêu đã đi ngay vào tủ hồ sơ chính thức mà không hề được đánh
giá lại. Đô đốc Kusaka, còn sống sót sau cuộc chiến, đã giải thích: “Thật sự
tôi đã ngờ vực các chi tiết nằm trong bản báo cáo, cũng như đa số các bản
báo cáo khác của Nhật Bản trong thời gian đó, khi tôi biết được không quân
của chúng ta khiếm khuyết các phi công giỏi. Nhưng nếu đặt vấn đề ra,
hoặc yêu cầu kiểm soát lại các bản phúc trình, sẽ gây chán nản và bực bội
cho những người đã cố gắng thi hành nhiệm vụ với tất cả khả năng mà họ
có thể làm.”
Ngày hôm sau, 6 tháng 11, các tuần dương hạm Atago, Takao và
Mogami, được hai tuần dương hạm không bị hư hại hộ tống, rời khỏi
Rabaul chạy khập khiễng trở về Truk, thật là đau buồn khi đứng nhìn theo
bóng dáng của 5 tuần dương hạm này, người ta có thể xem đây là chuyến
hải xuất vô dụng nhất trong toàn thể cuộc chiến của Hải quân Nhật Bản.
Chỉ cách 3 ngày trước đó, tôi cũng đã từng đau buồn chứng kiến cảnh tuần
dương hạm của Omori và 2 khu trục hạm của tôi ra đi với những vết thương
trầm trọng.
Tuần dương hạm hạng nặng Maya vẫn còn ở lại hải cảng Rabaul, vì tất
cả máy móc đều hư hại, không thể di chuyển được. Chiếc Agano, tuần
dương hạm hạng nhẹ nằm gần đó cũng không khác gì đống sắt nổi. Những
mất mát vô ích và sự ngu dốt của cấp chỉ huy khiến tôi tiêu tán hết nghị lực.
Tôi hết lời thóa mạ, và tự hỏi Nhật Bản có thể làm gì nữa đây?
Trưa ngày hôm đó tôi đến Tổng Hành Dinh . Phó Đô đốc Samejima có
vẻ bồn chồn khi tiếp tôi. Ông nói: “Tôi muốn đêm nay anh thi hành một
nhiệm vụ với khu trục hạm Shigure và tuần dương hạm Yubari – chiếc tuần
dương hạm duy nhất của chúng tôi còn hoạt động được ở đây. Tình thế tồi
tệ lắm rồi. Có lẽ chúng ta bắt buộc phải bỏ hẳn Bougainville, nhưng chúng
ta phải bám vào căn cứ Buka, nằm gần Rabaul. Do đó, công việc tăng
cường cho các cơ cấu phòng thủ Buka đã được quyết định.
Quyết định này không làm cho tôi ngạc nhiên. Tôi chào và xoay lưng,
nhưng Samejima gọi lại: “Tôi cũng cần nói với anh, Hara, đây sẽ là nhiệm
vụ cuối cùng của anh được cắt đặt dưới quyền hạn chỉ huy của tôi. Quả thật,
tôi không bao giờ muốn để anh đi, đặc biệt trong lúc này, nhưng chỉ vì chiếc
Shigure đã tới giai đoạn cần phải sửa chữa trên ụ nổi, và tất nhiên, trong
thời gian sửa chữa anh được nghỉ ngơi.”
Buka là hòn đảo thuộc quần đảo Solomon gần với Rabaul nhất. Shigure
và Yubari tấp vào bãi của hòn đảo này trong đêm đó để đổ 700 binh sĩ thuộc
sư đoàn 17 bộ binh và 25 tấn tiếp liệu lên bờ.
Cuộc hành quân tuy ngắn ngủi nhưng cũng gây căng thẳng tột độ trên cả
hai chiến hạm. Chúng tôi không gặp ngăn trở nào của địch quân. Trở về
Rabaul vào ngày hôm sau, tôi trình diện Tổng Hành Dinh và chào từ biệt
Phó Đô đốc Samejima.
Tôi lưu ý ông: “Cuộc hành quân xúc tiến rất dễ dàng. Nhưng nếu cuộc
hành quân kế tiếp vẫn áp dụng giống như vậy, tôi sợ không suôn sẻ. Những
chiến thuật cứ lặp đi lặp lại mãi sẽ gặp phản ứng ngược.”
Samejima gật đầu: “Tôi tán thành sự lưu ý của anh, và tôi sẽ không để
cho các chiến hạm khác thi hành nhiệm vụ giống như vậy. Hara, anh đi lần
này chúng tôi biết là sẽ mất anh. Hiện thời chúng tôi khiếm khuyết các sĩ
quan có đầy đủ kinh nghiệm như anh. Tôi rất muốn được trông thấy anh
quay trở lại đây.”
Cuối cùng ông hỏi tôi có thể sắp xếp thế nào để thi hành một “nhiệm vụ
ngoại lệ” hay không? Nhiệm vụ ngoại lệ này là chiếc Shigure sẽ hộ tống hai
chuyển vận hạm và trên đường sẽ ghé Kavieng. Ông giải thích rằng Rabaul,
sau trận không tập vào tháng 11, đã thiếu chiến hạm để thi hành các công
tác, nên ngay cả chiếc Shigure cần phải sửa chữa mà còn phải lưu dụng
trong cuộc hành quân đổ bộ vừa qua. Nhiệm vụ ngoại lệ xem ra dễ dàng
hơn bất cứ một nhiệm vụ nào tôi đã từng thi hành trong những tháng vừa
qua, do đó tôi đã chấp thuận lời yêu cầu của Samejima một cách vui vẻ.
Vào lúc 2h30 sáng ngày 7 tháng 11, khu trục hạm Shigure rời Rabaul với
hai chuyển vận hạm Ontakesan Maru và Tokyo Maru. Khi ngày lên hẳn, tôi
đứng phía sau tàu mơ màng ngắm nhìn các miệng núi lửa đang tỏa khói.
Rabaul là một hòn đảo hẻo lánh và ảm đạm. Nhưng, đặt chân đến đây từ
tháng 7, bây giờ bỗng chốc rời xa hòn đảo này, bỗng nhiên tôi cảm thấy xúc
động sâu xa. Rabaul không có gì hấp dẫn, nhưng mỗi lần ra khơi, chúng tôi
đều mong mỏi được trở về để nhìn lại nó. Bây giờ, chúng tôi ra đi, để trở về
quê nhà, và rất có thể không bao giờ chúng tôi nhìn thấy lại Rabaul nữa.
Trong ba tháng ngắn ngủi, chúng tôi đã mất hết hòn đảo này đến hòn đảo
khác thuộc nhóm đảo Solomon, và đến hiện tại, Nhật Bản chỉ còn lại hòn
đảo Buka. Hòn đảo này sẽ rơi vào tay địch quân không biết giờ phút nào, và
sẽ đến lượt Rabaul. Không phải chỉ một mình tôi, mà tất cả mọi người đều
nghĩ đến việc này.
Tôi hồi tưởng đến bạn bè, chiến hữu của tôi đã ra đi vĩnh viễn trong các
trận đánh đẫm máu ở vùng biển này, và rồi còn nhiều người khác sẽ tiếp tục
nối bước ra đi như vậy, mắt tôi bỗng dưng đầy lệ. Nhìn quanh, tôi thấy
nhiều người khác trên chiếc Shigure cũng chia sẻ cảm nghĩ của tôi. Những
thủy thủ đứng trên boong tàu đã vẫy tay từ biệt những kẻ đứng trên bờ dõi
mắt trông theo. Chỗ nào đó, một giọng hát cất lên: “Sabara, Rabauru Yo,
mata kuru made ma … ( Tạm biệt Rabaul, chúng tôi sẽ sớm trở về…) Bài
ca đầy sầu thảm này đã từng dội trên sóng nước Thái Bình Dương một thời,
nhưng không một ai biết rõ xuất xứ của nó.
...
Chúng tôi nhanh chóng tiến ra mặt biển bao la. Một ngày tràn ngập ánh
nắng, đại dương lặng sóng. Cảnh sắc vui tươi, không khí như đổi mới trên
chiếc tàu, chẳng khác nào một chuyến rong chơi mùa hạ. Tôi mơ màng nhớ
đến những nhiệm vụ và hàng loạt hải xuất mà tôi đã thực hiện trong thời
gian ở Rabaul vừa qua. Tôi cũng nhớ lại khi đặt chân đến Truk vào ngày 21
tháng 3, và qua cuộc hội kiến Đô đốc Kondo, tôi được biết chúng tôi đang
đối diện với nhiều vấn đề khó khăn. Hai trong số những vấn đề chính yếu
nhất là các pháo khẩu có trang bị radar và chiến thuật oanh tạc nhảy của đối
phương.
Tôi tạm hài lòng với vấn đề đầu tiên, vì xem như tôi đã tìm được phương
pháp chống trả hỏa lực có radar điều khiển trên các chiến hạm địch. Shigure
là chiếc tàu không thiệt mất một thủy thủ nào. Vấn đề thứ hai là làm cách
nào để đối phó với chiến thuật oanh tạc nhảy thì tôi đành bó tay. Nhiều lần
chiếc Shigure chống trả với địch, nhưng không lần nào chúng tôi được nhìn
thấy tận mắt chiến thuật oanh tạc nhảy này được áp dụng.
Hoàng hôn. Chúng tôi vẫn chạy dọc theo bờ biển phía Đông Nam New
Ireland. Phải mất nhiều giờ chúng tôi mới vượt qua đoạn hải trình 250 dặm,
vì tốc độ của các chuyển vận hạm rất chậm chạp, chỉ đạt đến 12 hải lý. Thời
tiết quang đãng. Dưới hàng vạn tinh tú chiếu lấp lánh trên bầu trời, chúng
tôi tiến vào eo biển Isabel, và khi ba chiếc tàu xoay về hướng chính Đông
để chạy đến Kavieng, phòng truyền tin báo cáo đã nghe được các công điện
mã hóa được đánh đi gần đâu đây. Điều này chứng tỏ phi cơ địch đang hoạt
động trong khu vực phụ cận chúng tôi. Như vậy là “kỳ nghỉ hè trên mặt
biển” đã bị phá đám. Tôi nhớ lại lần tăng tốc độ khẩn cấp từ 12 hải lý lên 28
hải lý để tránh né một chiếc oanh tạc cơ tấn công trước đây. Hiện tại, chiếc
Shigure với máy móc đã bệ rạc, không thể nào làm như vậy một lần nữa.
Vả lại, lúc đó chiếc tàu chỉ tự bảo vệ lấy thân, còn bây giờ nó phải bảo vệ
thêm hai chuyển vận hạm.
Tôi cho gia tăng tốc độ lên 18 hải lý, và ra lệnh tạo một màn khói bao
che hai chuyển vận hạm trong khi mọi quan sát viên đều phải dõi mắt lên
trời. Hai chuyển vận hạm chạy chầm chậm về hướng Tây với tốc độ tối đa
16 hải lý. Tôi ra lệnh cho Shigure gia tăng tốc độ thêm nữa, và chạy theo
hình chữ chi xuyên qua xuyên lại giữa hai chiếc tàu chạy chậm như rùa bò,
thoạt ẩn thoạt hiện trong màn khói dày đặc.
Một quan sát viên thình lình lớn tiếng cho biết hai phi cơ xuất hiện ở
mạn phải, hướng 50 độ. Tôi đã nhìn thấy chúng. Đó là 2 oanh tạc cơ, đang
bay thẳng đến của Shigure. Tôi nghĩ chắc phi cơ địch sẽ không tấn công vào
hai tàu chuyển vận. Cả hai chiếc phi cơ thình lình đổi hướng, đảo ngang,
bay chiếc trước chiếc sau, ngược chiều với Shigure và mất hút về phía sau
lái. Lúc tôi còn đang tự hỏi không hiểu đối phương định làm gì, quan sát
viên đã la to: “Các phi cơ quay lại bên mạn trái.”
Bây giờ cả hai phi cơ sà thật thấp và đâm thẳng vào hông chiếc tàu. Tôi
hiểu ngay là chiến thuật oanh tạc nhảy sắp được áp dụng. Cuối cùng, tôi
cũng đối mặt với vấn đề không giải đáp nổi. Trong tình cảnh khẩn cấp này,
một giải pháp bỗng nhiên lóe sáng trong tâm trí tôi, tôi hét thật to: “Tất cả
cao xạ chuẩn bị khai hỏa ở hướng 150 độ mạn trái.”
Và xoay qua Đại úy Tsukihara, hoa tiêu trưởng, tôi nói: “Không chạy
theo hình chữ chi. Chúng ta tiếp tục chạy thẳng.”
Kinh ngạc, Tsukihara ấp úng hỏi: “Cái gì… cái gì? Thưa Đại tá, chúng ta
không né tránh?”
“Hãy thi hành mệnh lệnh, tôi sẽ giải thích sau.”
Chiếc Shigure đã gia tăng tốc độ gần 30 hải lý. Hai phi cơ chỉ còn cách
một vài trăm mét. Tôi ra lệnh khai hỏa. Một màn hỏa lực căng ra dày đặc.
Giữa tiếng nổ đinh tai nhức óc, tôi nghe tiếng hỏi to của Tsukihara: “Chúng
ta vẫn chạy thẳng?”
Giây phút hiện tại chỉ còn một trong hai lối để chọn lựa, là giết địch hoặc
bị địch giết, không thể nào giải thích rõ cách chống trả cấp thời phát sinh
trong trí tôi cho hắn ta hiểu. Tôi chỉ đáp hai tiếng cộc lốc: “Chạy thẳng!”
Bây giờ, nhiều năm sau cuộc chống trả đáng ghi nhớ này, phương pháp
oanh tạc nhảy không có gì khó giải thích: Các phi cơ địch tiến sát đến chiếc
tàu, ở một khoảng cách tối thiểu, trước khi khi thực hiện phương pháp oanh
tạc nhảy. Trước đây, lối né tránh thông thường của một chiếc tàu khi bị phi
cơ tấn công bằng bom là chạy theo hình chữ chi, càng nhặt càng tốt. Nhưng
chạy theo hình chữ chi khiến cho tốc độ của chiếc tàu có những khoảng
chậm lại, và các oanh tạc cơ sẽ canh đúng khoảng chậm này để cắt bom.
Tôi đã suy nghĩ hiện thời guồng lái và tay lái của chiếc Shigure không
chính xác, không chạy theo hình chữ chi chẳng những khiến cho tốc độ của
tàu nhanh hơn, mà còn khiến cho sự lượng định oanh tạc của phi cơ trở nên
khó khăn hơn. Chạy thẳng còn có một lợi ích khác là các súng cao xạ trên
chiếc tàu sẽ bắn chính xác hơn.
Với hai tiếng rít đinh tai nhức óc. Hai oanh tạc cơ lướt ngang qua các
tháp từ mạn trái sang mạn phải. Hai quả bom rơi xuống và nhảy vọt đến,
nhưng chiếc tàu đã lướt qua được khoảng bảy tám mét nên không trúng.
Lúc đó, chiếc Shigure đã chạy hết tốc lực. Bom nổ, hai cột nước dâng cao.
Phi cơ địch xuyên qua màn hỏa lực dày đặc và bay thẳng về hướng Nam.
Năm phút căng thẳng trôi qua. Phi cơ địch mất dạng hẳn. Sau đó, phòng
truyền tin báo cáo: “Phi cơ địch đang chuyển báo cáo thẳng qua vô tuyến.”
Chuẩn úy Hiroshi Chosa, chuyên viên Anh ngữ của chúng tôi, nhảy
dựng lên và nói: “Được rồi, để tôi đến nghe xem mấy em bé này nói cái gì.”
Anh ta rời khỏi đài chỉ huy, một hai phút sau Chosa cho biết qua ống nói:
“Một phi cơ địch báo cáo các hệ thống kiểm soát bị hư hại và cho vị trí
bằng mật mã. Một phi cơ khác cho biết cánh trái bị trúng đạn và đang đáp
xuống mặt biển.”
Mọi người trên đài chỉ huy đều hớn hở. Tsukihara, lộ vẻ lo lắng tột độ
trước đó, bây giờ nhảy nhót như trẻ con.
Chosa tiếp tục: “Căn cứ của địch quân đáp rằng một chiếc thủy phi cơ sẽ
được phái đến để giải cứu những phi công lâm nạn. Tọa độ không thể nào
mò ra, vì đều được cho bằng những con số khó hiểu. Hãy chờ.. À, bây giờ
các phi cơ nói cảm ơn và cho biết đang chúi xuống.”
Tôi thở dài nhẹ nhõm. Tôi không bao giờ nghĩ phương thức chống trả
oanh tạc nhảy mới mẻ của tôi lại công hiệu đến mức ấy. Chiếc Shigure giảm
tốc độ và hợp đoàn với hai chuyển vận hạm. Chúng tôi lại tiếp tục “cuộc
dạo chơi trên mặt biển” hướng về Kavieng. Sau khi hai chuyển vận hạm
xuống hàng, không còn nhiệm vụ nào khác ở đây. Vào sáng ngày 8 tháng
11, chúng tôi khởi hành về Truk.
“Cuộc dạo chơi” lại bị phá đám một lần nữa vì máy sonar chống tàu
ngầm trang bị cho chiếc tàu bỗng dưng ngưng hoạt động. Các chuyên viên
kỹ thuật của chúng tôi sửa chữa suốt ngày nhưng cũng không thể nào làm
cho chiếc máy hồi sinh. Theo tin tức, tàu ngầm địch quân thường lảng vảng
trong vùng biển này, do đó máy sonar bị hư là cả một vấn đề. Làm cách nào
chiếc khu trục hạm câm điếc này hy vọng bảo vệ hữu hiệu hai chuyển vận
hạm chạy như rùa bò suốt một hải trình ba ngày nữa? Các tàu ngầm địch
chắc chắn sẽ được tung ra tìm kiếm chúng tôi để phục thù cho 2 phi cơ bị
bắn hạ.
Tôi ra lệnh cho tất cả thủy thủ phụ trách bom chìm chuẩn bị đối phó với
mọi trường hợp bất ngờ. Tôi cũng ra lệnh cho hai chuyển vận hạm chạy
cách xa chúng tôi 1500m. Shigure chạy bên phải hai chuyển vận hạm này.
“Cuộc dạo chơi trên mặt biển” trở nên căng thẳng.
Suốt ngày hôm đó không có gì xảy ra. Ngày hôm sau cũng yên tĩnh.
Thủy thủ của tôi mệt nhừ sau hai ngày trực chiến. Nếu sự yên tĩnh này kéo
dài thêm một ngày nữa, chúng tôi sẽ tiến vào Truk an toàn.
Suốt buổi sáng kế, tôi ra lệnh chuẩn bị các hoạt động chống ngầm ráo
riết hơn, vì thời tiết xấu, bầu trời đầy mây và biển gợn sóng. Lúc 11h30, tôi
cho giải tỏa các hoạt động này.
Ngay khi các thủy thủ nằm dài trên sàn tàu để nghỉ ngơi, tôi nhìn thấy
một quả ngư lôi xé nước lướt ngang qua phía trước mũi chiếc Shigure, từ
mạn phải qua mạn trái. Thay vì phản ứng cấp thời, tôi đã đứng lặng nhiều
giây để nhìn theo quả ngư lôi hướng về chuyển vận hạm Tokyo Maru, bây
giờ chạy hơi chếch về phía trái, cách trước mũi chiếc Shigure khoảng 700m.
Tiếng nổ gây náo loạn trên chiếc Shigure và lôi tôi trở về thực tế. Tôi ra
lệnh cho chiếc tàu đạt tốc độ chiến đấu 24 hải lý, các thủy thủ phụ trách
bom chìm chờ đợi, và xoay hướng tiến về phía quả ngư lôi xuất phát. Sau
đó, chúng tôi thả sáu quả bom chìm, nhưng không có dấu hiệu nào cho thấy
đã đạt kết quả.
Tàu ngầm địch đã bay cao xa chạy. Không có gì đáng ngạc nhiên, tôi
nghĩ, với một hạm trưởng giỏi thì một quả ngư lôi cũng đủ để ghi điểm. Tôi
đứng chôn chân và phẫn nộ trên đài chỉ huy. Phản ứng chậm của tôi khiến
cho chiếc tàu ngầm chạy thoát.
Chiếc Shigure vẫn tiếp tục chạy vòng quanh hai chuyển vận hạm , nhưng
chiếc tàu ngầm không quay lại để tung một đòn dứt khoát. Chuyển vận hạm
Tokyo Maru không bốc cháy, chỉ có phòng máy bị nước tràn vào thông qua
lỗ thủng do quả ngư lôi gây ra. Chiếc tàu còn nổi nhưng hoàn toàn bất động.
Chuyển vận hạm thứ hai. Ontakesan Maru, kéo đồng bạn phía sau, và một
lần nữa, chúng tôi hướng về Truk, với tốc độ 7 hải lý.
Trong lúc đang di chuyển, chiếc Tokyo Maru bỗng dưng gia tăng độ
nghiêng nhanh chóng. Sau 8 giờ, ai cũng nhìn thấy rõ ràng là nó sắp chìm,
viên hạm trưởng ra lệnh bỏ tàu. Vừa khi Shigure nhận xong 70 sĩ quan và
thủy thủ, chuyển vận hạm 6.486 tấn này biến mất giữa những làn sóng.
Tôi buồn rầu trước sự việc xảy ra. Đây là lần đầu tiên tôi đã để thiệt mất
một tàu chuyển vận dưới trách nhiệm hộ tống của tôi. Nếu cuộc tấn công
chỉ đến chậm một vài giờ, chiếc tàu dù hư hại cũng kéo về được tới Truk.
Nhưng không có một thủy thủ nào thương vong, và trước đó chiếc tàu đã
xuống tất cả hàng ở Kavieng, đó là sự an ủi với tôi.
Trong nhiệm vụ này, chiếc Shigure đã bắn rơi hai oanh tạc cơ, đánh đổi
một chuyển vận hạm bị đánh chìm. Nếu xét trên giá trị vật chất, cán cân có
phần nghiêng về chúng tôi, nhưng trong thời gian này một chuyển vận hạm
lớn vẫn có nhiều ý nghĩa đối với Nhật Bản hơn là việc bắn rơi hai oanh tạc
cơ địch.
Suốt nhiều ngày, càng nghĩ đến chiếc tàu ngầm tôi càng nổi nóng.
Nhưng hiện thời, sau nhiều năm trôi qua, tôi phải ngả nón cúi đầu thán phục
trước chiếc tàu này và viên hạm trưởng của nó. Tiến đến, phóng ngư lôi và
biến mất, quả thật tài tình.(*)
(*) Đây là tàu ngầm Scamp của Hoa Kỳ, hạm trưởng là Thiếu tá Walter
G. Ebert (sau này là Đề đốc) đã báo cáo phóng 7 quả ngư lôi và một quả đã
trúng chuyển vận hạm 7.000 tấn của Nhật Bản.
Vào khoảng trưa ngày 11 tháng 11, khu trục hạm Shigure và chuyển vận
hạm Ontasekan Maru cập vào hải cảng Truk. Một vài giờ sau đó, tôi đến
tuần dương hạm Atago, soái hạm của Đệ Nhị Hạm Đội, trình diện Phó Đô
đốc Takeo Kurita để báo cáo sự việc xảy ra. Tôi cũng muốn gặp Tham mưu
trưởng của ông là Đề đốc Tmoiji Koyanagi. Tôi vẫn nhớ cuộc đàm thoại
giữa Koyanagi và tôi tám tháng trước đây, vào tháng ba, cũng chính trên
soái hạm Atago, liên quan đến nhiều vấn đề quan trọng. Hiện tại tôi muốn
trình lên ông những giải đáp của một số vấn đề này.
Soái hạm Atago từng bị hư hại nhẹ trong cuộc không tập vào ngày 5
tháng 11 ở Rabaul, và hiện tại đã được tàu sửa chữa Akagi hoàn tất việc sửa
chữa. Hoạt động trên soái hạm rộn rịp. Các sĩ quan tham mưu đều ba chân
bốn cẳng, không ai lưu ý đến sự hiện diện của tôi. Họ nói Kurita bận rộn
nên không tiếp ai cả, còn Đề đốc Koyanagi thì lại đang đứng cạnh vị Tư
lệnh. Cuối cùng tôi cũng làm gan gọi Koyanagi khi thấy ông đi phía trước.
Chúng tôi bắt tay, và ông ta vừa cười vừa nói: “Hân hạnh được gặp lại anh,
Hara.”
Lập tức, tôi trình bày sơ lược với ông về cuộc đụng độ với 2 phi cơ địch
gần Kavieng, và tôi tỏ ý hối tiếc vì đã để mất chuyển vận hạm Tokyo Maru.
Koyanagi xua tay và nói: “Việc đó đúng, hoàn toàn đúng. Anh đã làm một
việc phải nói là kỳ diệu. Không ai khác làm tốt hơn thế. Anh không để mất
một người nào, đó là điều khiến tôi hài lòng hơn hết.”
Tiếp đó, tôi trình bày các chi tiết về kỹ thuật chống lại radar tầm hướng
và phương thức đối đầu với phương pháp chống oanh tạc nhảy của đối
phương. Nhưng Koyanagi có vẻ không mấy chú tâm đến những điều tôi
trình bày. Tấm trí ông như để tận đâu đâu. Tôi ngừng nói, tự hỏi không biết
điều gì đã xảy ra. Thình lình, ý thức tình trạng đang đối thoại với người điếc
của tôi, ông nói gần như ấp úng: “Ồ, xin lỗi anh… Tôi quấy thật… Được,
để tôi giải thích nguyên do sự vô tâm của tôi cho anh. Địch quân lại oanh
kích Rabaul, sáng hôm nay, lần này họ đã đập khá nặng tay. Đó là lý do tại
sao chúng tôi đều ba chân bốn cẳng, và…. Đúng là sụp đổ rồi.”
Có tất cả 128 phi cơ, xuất phát từ các hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ
Essex, Bunker Hill, Independence, gào thét trên không phận Rabaul vào lúc
8h30. Kasuka đã sớm phát hiện cuộc không tập nên đã tung 68 chiến đấu cơ
Zéro lên ngăn chặn, và phi cơ của hai phía đã gặp nhau tại mũi St. George,
nhưng phi cơ địch vẫn thoát được đến Rabaul. Kết quả cuộc không tập, khu
trục hạm Suzunami bị đánh chìm, khu trục hạm Naganami và tuần dương
hạm Agano bị hư hại nặng. Sau đó, hơn 100 phi cơ Nhật cất cánh truy đuổi
địch quân, và theo báo cáo, các phi cơ này đã gây hư hại cho hai hàng
không mẫu hạm và một tuần dương hạm Hoa Kỳ, đổi lại 41 phi cơ Nhật bị
hạ. Hiển nhiên báo cáo kết quả của Nhật hoàn toàn thêu dệt quá sự thật.
“Xin lỗi Hara, tôi phải trở lại vào trong phòng họp. À này, Đề đốc Kurita
muốn anh hộ tống hai tuần dương hạm Myoko và Haguro về Sasebo. Cả hai
sẽ rời khỏi đây vào sáng mai. Chúc anh may mắn. Mong gặp lại anh.” Chỉ
nói bao nhiêu đó, Koyanagi quày quả bỏ đi.
Tôi đứng lặng yên một lúc, đôi tai tôi lùng bùng. Suzanami bị đánh chìm
ở Rabaul. Sỉ nhục biết bao! Và càng đáng ngạc nhiên hơn khi tôi biết được
một trong những khu trục hạm nổi danh nhất của Hải quân Nhật, chiếc
Naganami cũng bị hư hại nặng. Naganami từng là soái hạm của Tanaka khi
ông hướng dẫn phân đội gồm 8 khu trục hạm lâm chiến và đạt được thắng
lợi vẻ vang ở Tassafaronga vào tháng 11 năm 1942.
Tôi nhìn thấy tận mắt nhiều tuần dương hạm bị bom và ngư lôi địch loại
ra khỏi vòng chiến trong hải cảng nhỏ bé Simpson chỉ cách đây một tuần lễ.
Các chiến hạm to lớn không thể điều động trong hải cảng nhỏ hẹp này đã
đành, nhưng không hiểu tại sao các khu trục hạm nhanh nhẹn lại trở thành
nạn nhân của cuộc không tập một cách dễ dàng vậy được.
Với trái tim trĩu nặng, tôi quay về soái hạm Shigure, và ra lệnh chuẩn bị
khởi hành cấp tốc vào lúc 6h ngày 12 tháng 11. Chúng tôi rời khỏi Truk
trong nhiệm vụ hộ tống hai tuần dương hạm hạng nặng Myoko và Haguro.
Chuyến đi Sasebo này của chúng tôi đồng lúc với quyết định di tản các
oanh tạc cơ và chiến đấu cơ còn tồn tại ở Rabaul của Koga. Các phi cơ này
do ba hàng không mẫu hạm mang đến Rabaul chỉ cách 3 tuần lễ trước đây.
Koga từ bỏ hẳn ý định thử sức với Hải quân Hoa Kỳ ở quần đảo Solomon.
Điều này chứng tỏ Koga đã ý thức được các chiến thuật được hình thành
“trong phòng họp” của ông đã thất bại.
Ở Truk, các kỹ thuật viên của tàu sửa chữa Akashi đã bó tay trong việc
hồi sinh cho sonar của Shigure. Cuối cùng, họ “phán quyết” rằng các bộ
phận bị hư hại của chiếc tàu săn ngầm này chỉ còn có cách thay thế ở Nhật
Bản. Điều này không làm tôi lo lắng, vì tôi biết tất cả sonar trang bị cho 2
tuần dương hạm vẫn hoạt động bình thường, và chiếc Shigure có thể theo
bén gót hai chiếc tàu này với tốc độ 18 hải lý. Trong nhiệm vụ hiện thời, tôi
cảm thấy dễ dàng hơn nhiệm vụ vừa qua, bởi vì không như các chuyển vận
hạm, các tuần dương hạm đều được vũ trang hùng hậu.
Năm ngày hải trình hoàn toàn yên tĩnh. Shigure buông neo ở hải cảng
Sasebo vào ngày 17 tháng 11 năm 1943. Lần trở về Kure này tôi cảm thấy
vui vẻ hơn lần trở về cùng với chiếc Amatsukaze vào tháng 12 năm rồi, vì
lúc ấy chúng tôi có mang theo thi hài 43 thủy thủ. Trong tám tháng phục vụ
ở Truk và Rabaul, chiếc Shigure không mất một người nào. Thủy thủ của
chúng tôi đã nhảy nhót vui mừng khi chiếc tàu tiến vào hải cảng nhà. Trong
các trận chiến đẫm máu quanh quần đảo Solomon, chúng tôi thường không
mang một chút hy vọng nào được nhìn thấy lại hải cảng quê hương này.
Sau hai ngày lo thủ tục, chiếc Shigure được đưa vào ụ nổi để sữa chữa.
Khi nước được bơm ra khỏi ụ, lườn tàu lộ hẳn, mọi người đứng xem đều tỏ
vẻ kinh ngạc. Ngay giữa bánh lái chiếc tàu có một lỗ thủng rộng hơn 6 tấc
đường bán kính. Sau khi xem xét cẩn thận, các kỹ sư đã cho biết lổ thủng
bám đầy vỏ sò hến này la do một quả ngư lôi gây ra ít nhất ba tháng trước
đây.
“Ồ, phải rồi,” tôi nhớ lại, “Lỗ thủng này chắc chắn có từ trận đánh tại
Vịnh Vella vào hai ngày 6 và 7 tháng 8. Chỉ trong trận đánh đó chúng tôi
mới thấy ngư lôi địch lướt gần chiếc tàu hơn hết.
Một trong các viên kỹ sư hỏi: “Nhưng, trong tình trạng này, ông làm sao
có thể điều khiển chiếc tàu từ đó cho đến đây được?”
Tôi đáp: “Trong những tháng gần đây, bánh lái chiếc tàu có vẻ trì trệ.
Nhưng, chúng tôi vẫn tiếp tục thi hành hàng chục công tác, và như các ông
đã biết, tất cả đều trôi chảy hết.”
Sáng hôm sau, nhà báo và phóng viên nhiếp ảnh vậy quanh chiếc
Shigure. Tôi gần như bị họ tràn ngập. Họ phỏng vấn thủy thủ đoàn Shigure
và viết bài liên quan đến các hoạt động của chúng tôi để đăng tải trên các
nhật báo phát hành trên toàn Nhật Bản.
Kể từ lúc đó, chiếc Shigure được xem như là khu trục hạm nổi tiếng nhất
trong Hải quân Hoàng Gia Nhật. Các nhật báo địa phương đã dành trọn một
trang để đăng toàn những bài viết về chiếc Shigure. Tôi hơi áy náy khi đọc
một số bài có những chi tiết thêu dệt thái quá, và tôi cho đây chẳng qua là
một loại “bom tinh thần” không hơn không kém. Tuy nhiên các câu chuyện
về chiếc Shigure lại đầy ý nghĩa đối với dân chúng trong thành phố hải cảng
này.
Tối hôm đó, một buổi dạ tiệc khoản đãi thủy thủ đoàn của chiếc Shigure
được tổ chức ở nhà hàng Manriko, nơi thường lui tới của giới Hải quân, chủ
nhân là một người đàn bà lớn tuổi mà chúng tôi thường gọi là Oseki-san.
Tính tình bà này thật thà chất phác. Bà ta đối đãi với bọn thực khách chúng
tôi giống như với lũ trẻ con, gọi ngay cả tên tộc của các vị Đô đốc. Nhưng
không ai bắt bẻ sự vụng về có vẻ vô lễ này, vì mọi người đều biết tính tình
và tấm lòng nhân ái của bà ta. Khi bước vào nhà hàng, tôi đoán chừng bà ta
cũng sẽ lớn tiếng gọi tên, và đưa tay đập mạnh vào vai tôi, như bà ta vẫn
thường làm mỗi lần tôi trở về sau một thời gian vắng mặt lâu ngày. Vì vậy,
tôi đã kinh ngạc khi thấy Oseki-san, trong bộ y phục đẹp nhất, tiến ra và
nghiêng mình xuống để tiếp đón tôi. Bà ta đã dùng những lời lẽ mà tôi chưa
bao giờ nghe trước đây.
“Đại tá Tameichi Hara, tôi xin có lời chào mừng ngày trở về của Đại tá.
Được chọn để mở tiệc mừng ngày trở về của thủy thủ đoàn vĩ đại dưới
quyền chỉ huy đáng kính phục của Đại tá, đó là một danh dự lớn lao cho
chốn thô lậu này. Kính xin Đại tá nhận nơi đây những lời lẽ ngưỡng mộ của
một kẻ dốt nát như tôi.”
“Bà làm sao vậy? Oseki-san? Bà có vẻ khác lạ. Có bị bệnh hoạn gì
không? Hay bà muốn xỏ lá tôi?”
“Tôi có dám chế giễu đâu, thưa Đại tá. Đại tá đã làm cho chúng tôi kiêu
hãnh. Đại tá nổi tiếng, tôi chưa bao giờ tưởng tượng có ngày Đại tá trở
thành một sĩ quan vĩ đại như vậy. Những cử chỉ, những lời lẽ vô lễ của tôi
trước đây xin Đại tá bỏ qua.”
“Bà đang nói gì đó, Oseki-san? Tôi vẫn là Tameichi, tên uống rượu
không bao giờ ngã, và thường quên tính toán sòng phẳng với bà đây mà.
Cái điệu này là dám chắc tôi vẫn còn thiếu bà một khoản tiền, phải không?”
“Ồ, Đại tá Tameichi, bây giờ chính Đại tá đang chế giễu tôi. Từ giờ phút
này, bất kỳ khoản tiền thiếu nào của Đại tá hay của các thủy thủ dưới quyền
Đại tá đều kể như xóa bỏ. Và đêm nay, buổi tiệc của Đại tá tôi cũng kể như
của người trong nhà.”
Tôi cười to: “Chắc tôi có làm điều gì sai quấy với bà đây. Chứ chẳng
không…”
“Đại tá vẫn còn chưa hiểu. Tôi biết có nhiều khu trục hạm bị địch quân
đánh chìm, nhưng riêng chiếc Shigure của Đại tá vẫn còn sống sót và không
mất một thủy thủ nào. Việc này đối với tôi chẳng khác nào một phép lạ. Tôi
từng giao dịch buôn bán với Hải quân hơn 50 năm, ngoại trừ Đô đốc
Heihachiro Togo, người đã ca khúc khải hoàn ở eo biển Tsuhima vào năm
1905, tôi chưa từng thấy sĩ quan Hải quân nào vĩ đại như Đại tá.”
“Bây giờ tôi biết rồi, Oseki-san! Tôi chắc bà đã đọc báo. Bà đừng tin
mấy bài báo đó, không đúng với một nửa sự thật đâu. Chiếc Shigure sở dĩ
tồn tại là nhờ thủy thủ đòan các cấp chịu khó làm việc, và nhất là nhờ vào
sự may mắn. Hoặc giả là nhờ bà siêng năng cầu nguyện cho chúng tôi trở
về. Xem ra món nợ mà chúng tôi còn thiếu bà cũng là một sự may mắn.”
Cả hai chúng tôi cùng cười to tiếng, nhưng bà ta vẫn không quên nhắc
lại cho tôi biết buổi tiệc này thủy thủ của chiếc Shigure sẽ không phải trả
một đồng xu nào hết. Khi dẫn tôi vào bàn tiệc, bà nói khẽ: “Tất cả Geisha ở
Sasebo tình nguyện tiếp đãi miễn phí cho buổi tiệc này. Họ nói với tôi là dù
cho được trả bất cứ giá nào họ cũng sẽ không phục dịch cho thủy thủ đoàn
của hai tuần dương hạm Myoko và Haguro, nếu hai chiếc tàu này mở tiệc.”
Không cần phải nói cũng hiểu bữa tiệc đêm đó là buổi tiệc vui vẻ và
hoàn toàn thỏa mãn đối với mọi người.
Ngày kế đó, tôi sắp xếp cho thủy thủ đoàn thay phiên nhau về nhà nghỉ
phép, mỗi người 10 ngày. Tôi cảm thấy vui lây khi nhìn thấy 80 thủy thủ đi
phép đầu tiên rời khỏi Sasebo vào sáng hôm sau.
Nhưng thời gian vui vẻ của tôi chỉ có tính cách từng ngày. Vào ngày 25
tháng 11, một sĩ quan tham mưu ở căn cứ Hải quân ở Sasebo trao cho tôi
những bản phúc trình mới nhất. Một trong số những bản phúc trình này liên
quan đến cuộc đại bại khu trục hạm được xem là nhục nhã nhất của Hải
quân Nhật Bản. Tôi đọc đi đọc lại nhiều lần.
Năm khu trục hạm, dưới quyền chỉ huy của Đại tá Kiyoto Kagawa, khởi
hành từ Rabaul vào lúc 15h30 ngày 24 tháng 11 trong nhiệm vụ chuyển vận
lần thứ hai đến Buka. ( Lần đầu tiên do tuần dương hạm Yubari và khu trục
hạm Shigure của tôi thực hiện, và không gặp cản trở nào của địch quân).
Kagawa không phải là sĩ quan chuyên môn về khu trục hạm, và cũng
chưa từng biết đến đánh ban đêm là gì, tuy nhiên ông ta đã lượng định gần
đúng mức nguy hiểm của chuyến đi. Ông đã chia 5 khu trục hạm ra thành
hai nhóm: soái hạm Onami của ông và chiếc Makinami lo nhiệm vụ thám
sát chiến đấu. Và ba chiếc còn lại chỉ thuần túy đảm trách nhiệm vụ chuyển
vận.
Lượt đi, đoàn tàu không gặp sự ngăn trở nào, và 3 khu trục hạm chuyển
vận – Amagiri, Yugiri, Uzuki – đã đổ 920 binh sĩ và 35 tấn tiếp liệu lên đảo
Buka một cách êm thắm trước nửa đêm ngày hôm đó. Sau đó, 3 khu trục
hạm này nhậm 300 binh sĩ bệnh tật để mang về Rabaul.
Kagawa , với hai chiếc Onami và Makinami, chạy cách phía trước 3 khu
trục hạm chuyển vận khoảng 8 dặm, thình lình bị 5 khu trục hạm Hoa Kỳ
(dưới quyền của Đại tá Arleigh Burke) tấn công bằng ngư lôi. Chiếc Onami
chìm tức thì, không bắn được viên đạn nào. Chiếc Makinami bị đạn pháo
địch chẻ làm hai, và cũng chìm không lâu sau đó.
Các khu trục hạm Hoa Kỳ truy đuổi ba chiếc tàu Nhật còn lại. Chiếc
Yuguri, chạy cuối cùng, xoay lại chống đỡ với kẻ truy đuổi, nhưng vướng
ngay vào hỏa lực tập trung của địch quân, và cùng chịu chung số phận với
hai chiếc tàu bạn đã chìm trước đó. Hai khu trục hạm còn lại là Amagiri và
Uzuki đã chạy thoát.
Kết quả của trận đánh này làm tôi đau buồn tột độ, bởi vì hạm trưởng
của chiếc Onami, Trung tá Kiyoshi Kikkawa, là bạn thân của tôi. Kikkawa
cùng với Kagawa và toàn thể thủy thủ đoàn đã đi theo chiếc tàu xuống biển
sâu. Kikkawa không phải là một sĩ quan ngu dốt hoặc thiếu kinh nghiệm.
Tiếng tăm gặt hái được sau trận Guadalcanal. Lúc còn làm hạm trưởng khu
trục hạm Yudachi, đã chứng tỏ tài năng của anh ta. Nhưng ngay cả một hạm
trưởng dũng cảm và đầy kinh nghiệm, vẫn phải bó tay trước một đối thủ
được trang bị các kỹ thuật tối tân, đạt đến kỹ thuật cao độ nhất, có thể nhìn
và nhắm trong đêm tối một cách chính xác.
Khi tôi quay lại với nhiệm vụ chiến đấu, không hiểu khả năng của địch
quân và khả năng của tôi như thế nào? Câu hỏi này đã gây cho tôi nhiều lo
âu. Tôi trở lại ụ nổi và thúc giục ở đây sửa chữa chiếc Shigure càng nhanh
càng tốt. Những người phụ trách việc sửa chữa cho biết họ sẽ tận lực,
nhưng ít ra phải mất một tháng chiếc tàu của tôi mới thích hợp với nhiệm
vụ chiến đấu.
Vào ngày 26 tháng 11, tôi vừa ngạc nhiên vừa vui mừng khi Phó Đô đốc
Chuichi Nagumo gọi điện thoại và mới tôi dùng cơm với ông. Tôi hân hoan
nhận lời.
Lúc còn giữ chức vụ Tổng Tư Lệnh Đệ Nhất Không Hạm Đội. Nagumo
đã chỉ huy lực lượng tấn công Trân Châu Cảng và các cuộc hành quân hàng
không mẫu hạm liên tục sau đó dẫn đến trận đánh Midway. Cho đến tháng 7
năm 1942, ông được thuyên chuyển qua nắm giữ Đệ Tam Hạm Đội. Tháng
11 năm 1942, ông được bổ nhiệm vào chức Tổng Tư Lệnh hải khu Sasebo,
và tháng 6 năm 1943, ông lại được thuyên chuyển đến hải khu Kure. Hiện
tại, tôi vừa biết ông được tái bổ nhiệm vào chức Tổng Tư Lệnh Đệ Nhất
Hạm Đội ( Hạm đội đảm trách nhiệm vụ huấn luyện của Nhật Bản). Lời
mời của ông khiến tôi cảm kích đồng thời gây ra cho tôi sự ưu tư sau khi
biết được các quan điểm và kế hoạch của ông.
Sức khỏe Nagumo đã phục hồi. Xem ông có vẻ tươi tắn hơn lần tôi gặp ở
Truk cách một năm trước đây. Nhưng qua câu chuyện, tôi thấy ông mất tinh
thần rõ ràng. Trong suốt bữa ăn kéo dài khá lâu, ông thúc giục tôi kể lại
nhưng kinh nghiệm mà tôi đã trải qua. Ông ngồi nghe chăm chú , và cuối
cùng ông nói: “Những giai đoạn huy hoàng của các khu trục hạm đã chấm
dứt cùng với trận đánh ở mũi St.Goerge. Tình trạng có thể đổi khác ở hiện
tại và tương lai, nếu Nhật Bản có chừng một chục hạm trưởng tài năng như
anh.”
Tôi không biết lới ông nói có đúng không, nhưng theo tôi thấy, dù sức
khỏe đã được khôi phục, vị sĩ quan cao cấp già nua này đã ngã lòng. Nhiều
lúc tôi nghĩ rằng sự phá sản tinh thần của ông cũng là sự phá sản của Hải
quân Nhật Bản.
Đó là lần cuối cùng tôi gặp ông. Vào tháng 3 năm 1944, ông lại được
thuyên chuyển đến Saipan kiêm nhiệm hai chức vụ Tổng Tư Lệnh Khu vực
Trung Thái Bình Dương và Không Hạm Đội thứ 14. Ở đây, ông tiếp tục
chiến đấu và thiệt mạng vào tháng 7 cùng năm.
Ngày hôm sau, tôi về nhà cùng lúc với 80 sĩ quan và thủy thủ được
hưởng 10 ngày phép. Khoảng thời gian nghỉ phép này không giống với
những lần nghỉ phép trước của tôi. Sáng, chiều và tối, các sĩ quan và thủy
thủ của tôi lần lượt đến nhà, lẻ tẻ từng người hoặc từng tốp 3,4 người, người
nào cũng tay nách xách mang rượu sake. Nhiều người ở gần, nhưng cũng có
nhiều người ở xa, phải vượt hàng mấy giờ xe lửa, đổ xô về Kamakura, nơi
mà gia đình của tôi hiện đang sinh sống. Trong tình cảnh ấy, tôi phải ngồi
thù tạc tiếp họ cả ngày lẫn đêm.
Họ luôn miệng xin lỗi vợ tôi về sự quấy rầy và những lời nói vụng về,
thô tục của họ. Họ giải thích: “Chúng tôi đã thoát chết khỏi các trận đánh
đẫm máu nhất. Đó là một phép lạ, và có thể phép lạ này do Đại tá ban cho
chúng tôi. Ông là một sĩ quan vĩ đại nhất của Hải quân Hoàng Gia. Chúng
tôi phải chia bớt thời gian nghỉ phép cho gia đình của vị sĩ quan chỉ huy
đáng kính của chúng tôi. Mong bà thông cảm.”
Bất kỳ công việc gì của gia đính tôi họ cũng mó tay vào. Họ chơi đùa và
dẫn lũ con tôi chạy lang thang khắp nơi. Qua một vài ngày “đấu tửu lượng”,
có thể nói thân thể tôi đẫm ướt sake. Tôi không bị chết đuối cũng là một
điều lạ. Bà vợ, đặc biệt là cô con gái, đã “bí mật tuyên bố” rằng đây là kỳ
nghỉ phép khủng khiếp nhất của tôi. Riêng đứa con trai tôi lại khoái mấy
ông khách này.
Vào ngày 6 tháng 12, tôi trở lại Sasebo với thể xác uể oải vì uống rượu
quá độ, cho đến cả một tuần lễ sau tôi mới tỉnh táo lại. Công việc sửa chữa
chiếc Shigure hoàn tất vào ngày 20. Sau hai ngày chạy thử, chiếc tàu chứng
tỏ đã đầy đủ năng lực chiến đấu, tôi báo cáo cho Bộ Tư Lệnh Tối Cao biết
chúng tôi sẵn sàng quay trở lại Thái Bình Dương. Tôi được lệnh chờ đợi.
Ba ngày ăn không ngồi rồi trôi qua một cách lê thê, tôi được gọi đến
Tổng Hành Dinh Sasebo. Vị tư lệnh phó đích thân trao lệnh chỉ định tôi vào
nhiệm vụ huấn luyện viên ở Trường ngư lôi.
Tôi nổi khùng ra mặt: “Nhiệm vụ trên bờ cho tôi? Có thể nào như vậy
được chứ? Phó Đô đốc Samejima cho biết là ông cần tôi và mong tôi quay
trở lại. Tôi muốn đi! Tôi xin lặp lại: Tôi muốn đi.”
“Anh nói đúng, Hara, nhưng hãy bình tĩnh, tôi sẽ cho anh biết một việc.
Sự chỉ định anh vào nhiệm vụ mới này không dính dáng gì đến hồ sơ phục
vụ của anh đâu, như có nhiều trường hợp xảy ra trước đây. Vấn đề này vẫn
trong vòng tối mật, nhưng tôi có thể tiết lộ cho anh biết là anh sẽ được giao
phó thành lập một trường huấn luyện ngư lôi đĩnh mới. Bộ Tư Lệnh Tối
Cao cho rằng ngoại trừ anh không ai có thể đảm trách nhiệm vụ sinh tử của
Hải quân này. Đó là nhiệm vụ huấn luyện thủy thủ trở thành chuyên viên
ngư lôi. Đừng nhăn nhó nữa. Bây giờ anh biết rồi, anh sẽ gánh vác một
trong những kế hoạch đặc biệt và quan trọng nhất của Hải quân.”
Qua lời vị Đề đốc, tôi vỡ lẽ, và công nhận công việc tôi sắp làm của tôi
quả thật quan trọng. Công việc này Hải quân đã bàn đến từ lâu, nhưng bây
giờ mới được chấp thuận.
“Hara,” vị Đề đốc tiếp, “anh đã gây ra cuộc cách mạng lý thuyết ngư lôi
trong Hải quân Hoàng Gia, bây giờ là giai đoạn anh có hy vọng áp dụng lý
thuyết này một cách tích cực hơn. Thời gian này có lẽ anh là người biết rõ
về khu trục hạm hơn ai hết. Sở dĩ anh được chọn vào nhiệm vụ tối mật này
là do sự tiến cử nồng nhiệt của Đề đốc Ijuin ở Tokyo, của Phó Đô đốc
Nagumo, Tổng Tư Lệnh Đệ Nhất Hạm Đội và của Phó Đô đốc Omori, chỉ
huy trưởng Trường ngư lôi. Chúc anh gặp may mắn.”
Trở về chiếc Shigure, tôi tập họp thủy thủ đoàn trên sàn tàu và nói với
họ: “Các bạn, tôi xin báo cáo cho các bạn biết là tôi phải rời khỏi chức vụ
Chỉ huy trưởng Hải đội 17 khu trục hạm và lên đường đến Yokosuka ngay
lập tức. Trong 10 tháng qua, chúng ta cùng sống và cùng chiến đấu với
nhau, đó là thời gian hạnh phúc nhất và hài lòng nhất trong cuộc đời binh
nghiệp của tôi. Các bạn đã làm tôi kiêu hãnh, và hiện tại, tôi dám mạnh
miệng tuyên bố rằng tôi chưa bao giờ được chỉ huy một thủy thủ đoàn nào
tài giỏi như thế này. Hãy giữ vững tinh thần và sự khép léo của các bạn. Tôi
biết là các bạn sẽ tiếp tục đạt thắng lợi với vị tân chỉ huy trưởng của các
bạn. Chúc các bạn gặp nhiều may mắn. Từ đây có thể tôi sẽ không gặp lại
các bạn nữa, nhưng trong thâm tâm tôi sẽ luôn luôn cầu mong cho các bạn
đều an lành.”
Tôi bắt tay từng người một. Một số ấp úng nói vài lời từ biệt, một số
đứng lặng yên, nhưng những giọt lệ đã long lanh trên đôi má, trong đôi mắt
của tất cả mọi người.
Tôi sắp xếp hành trang trong nửa giờ và đi vòng quanh trên chiếc
Shigure lần cuối cùng. Tôi đứng thật thẳng khi chiếc ca nô chở tôi rời xa
chiếc tàu đã từng làm tôi kiêu hãnh. Quang cảnh đầy ủy mị trước mắt tôi
chua bao giờ được nghe nói đến trong kỷ luật lạnh lùng và phũ phàng của
Hải quân Hoàng Gia. Thủy thủ đoàn đứng dài theo song sắt trên tàu và bám
víu vào bất cứ vật gì để nhìn theo, vẫy tay la lớn những lời từ biệt. Tôi
muốn đứng dậy để vẫy tay đáp trả lại họ, nhưng tim tôi bỗng dưng trĩu
nặng. Tôi ngồi yên và đôi mắt ứa lệ.
PHẦN NĂM
HẢI XUẤT CUỐI CÙNG
Tôi trình diện phòng nhân viên của căn cứ Hải quân Yokosuka vào ngày
27 tháng 12 năm 1943. Ở đây cho biết việc bổ nhiệm của tôi chưa được sắp
xếp và yêu cầu tôi quay trở lại sau các ngày nghỉ tết. Công việc duy nhất mà
tôi thấy đang làm ở căn cứ này là dọn dẹp bàn giấy, hiển nhiên là nhân viên
phụ trách đang chuẩn bị nghỉ lễ. Làm sao họ có thể chú tâm đến các ngày
nghỉ lễ trong giai đoạn khủng hoảng này của cuộc chiến?
Viên sĩ quan tiếp tục tán tỉnh: “Đại tá vừa nghỉ phép, bây giờ Đại tá có
thể kéo dài những ngày nghỉ phép này dễ dàng. Được ở nhà trong mấy ngày
tết thật là tuyệt diệu, phải không Đại tá? Tôi đoán chừng đây là “tặng
phẩm” của Bộ tư Lệnh dành cho các chiến công của Đại tá!”
Thái độ của viên sĩ quan này gây cho tôi sự xúc động và oán ghét. Tôi
muốn mắng vào mặt bọn người này và lớn tiếng nhắc lại cho họ nhớ những
“cuộc chạy dài” của Hải quân tại quần đảo Solomon, nhưng tôi dằn được,
và xoay lưng bước khỏi phòng.
Trường ngư lôi Hải quân ở Oppama, phía chính Bắc Yokosuka. Tôi đi
thẳng đến đó, bước vào phòng vị chỉ huy trưởng, và không còn dằn được
nữa, tôi đã để hết cho cơn giận dữ bùng nổ trước mặt Phó Đô đốc Omori.
Ông có vẻ khó chịu, nhưng sau khi kiên nhẫn ngồi nghe tôi nói xong, ông
lên tiếng: “Tôi hiểu anh, Hara, nhưng những người ở đây, ở tại quê hương,
họ không bao giờ biết được cuộc chiến đã đến giai đoạn sinh tử như chúng
ta, những người đã từng ở mặt trận. Anh phải biết, cũng như tôi, rằng chúng
ta không thể nào làm thay đổi thế giới, nhưng chúng ta bắt buộc phải kiên
nhẫn và làm tất cả những gì chúng ta có thể làm.”
Từ Oppama, tôi quay về gia đình ở Kamakura, khoảng lộ trình dài đúng
20 phút xe lửa, với một dư vị đầy chua chát trong miệng. Trải qua nhiều
tháng lần đầu tiên tôi mới được nhìn ngắm kỹ lại đường phố của thị trấn
này. Lòng tôi cảm thấy bồi hồi, Kamakura , một trong những nơi đẹp nhất
của Nhật Bản, một thành phố thần thánh. Không một quả bom nào rơi
xuống Kamakura, nhưng các cửa hàng đều trống rỗng. Dân chúng đi lại bên
đường có vẻ mệt lả và đói kém. Việc mất mát các khu vực quanh quần đảo
Solomon đang bắt đầu ảnh hưởng đến quê hương chúng tôi, vì các hải trình
thông thương và nhập cảng của Nhật Bản tùy thuộc vào khu vực này.
Cơn tức giận của tôi đã giảm bớt, thay vào đó là sự mệt mỏi chán
chường. Tôi bước vào nhà với nhiều cảm giác lẫn lộn, nhưng khi vợ con đổ
xô đến mừng, tâm hồn trĩu nặng của tôi như được giải tỏa.
Vào ngày 10 tháng Giêng năm 1944, cùng với ngày Đô đốc Koga quyết
định di chuyển Bộ Tư Lệnh Hạm Đội Hỗn Hợp từ Truk đến Palau, tôi trở
thành huấn luyện viên cao cấp của Trường Ngư Lôi.
Một việc lạ lùng là Nhật Bản không sử dụng các tàu phóng lôi vào
những ngày đầu của cuộc chiến. Mãi bận tâm với các loại đại chiến hạm,
Bộ Tư Lệnh Hải quân không còn thì giờ đâu lo đến việc phát triển loại tàu
phóng lôi và chiến thuật của chúng. Các sĩ quan Nhật Bản đã phải nếm mùi
sự nhanh nhẹn của các tàu phóng lôi Hoa Kỳ ở quần đảo Solomon. Trong
tình thế hiện tại, việc phát triển tàu phóng lôi và huấn luyện thủy thủ sử
dụng loại tàu này là phản ứng tự nhiên, nhưng đã quá trễ.
Những sai lầm của Hải quân Nhật Bản không chỉ trên phương diện tàu
phóng lôi mà thôi. Ngay cả các dự án huấn luyện phi công và phát triển
radar cũng bị bỏ lửng quá lâu. Vào cuối năm 1943, các cơ xưởng điện tử
của chúng tôi đã hoạt động cả ngày lẫn đêm trong việc sản xuất radar, lý do
là vào thời gian đó chiến hạm Nhật Bản bị chiến hạm Hoa Kỳ có trang bị
radar đánh chìm quá nhiều tại quần đảo Solomon.
Trước chiến tranh, trong số hàng nhiều ngàn thanh niên xin theo học các
khóa huấn luyện phi công, nhưng Hải quân chỉ chọn lựa một vài người là
cùng. Cho đến cuối năm 1943, Hải quân vẫn không thay đổi chính sách này.
Khi hầu hết phi công bị cuộc chiến thiêu rụi, Hải quân mới hối hả huấn
luyện ồ ạt, nhưng các cơ sở sản xuất phi cơ lại không thể nào đáp ứng đủ
nhu cầu đòi hỏi.
Tất cả 100 sinh viên sĩ quan thụ huấn ở Trường Ngư Lôi đều xuất thân từ
các trường đại học hoặc cao đẳng, thoạt đầu đã tình nguyện theo học các
khóa huấn luyện phi công và các nhiệm vụ liên quan đến phi hành. Sau ba
tháng huấn luyện sơ khởi về ngành bay, tất cả những sinh viên sĩ quan này
đột nhiên bị chuyển sang học các khóa huấn luyện nhiệm vụ trên mặt biển.
Lý do đơn giản là nếu họ có tiếp tục theo đuổi cho hết các khóa học theo sở
nguyện đi nữa, Hải quân cũng không có phi cơ đâu mà cho họ lái.
Các sinh viên sĩ quan của tôi, tất cả đều khoảng trên 20 tuổi, rất nhiệt
tâm và đứng đắn, nhưng tất cả đều thuộc thành phần trừ bị nên có vẻ tài tử,
hoàn toàn khác biệt với các sĩ quan xuất thân từ Hàn Lâm Viện mà tôi đã
từng giảng dạy về lý thuyết phóng ngư lôi của tôi ,cũng chính tại quân
trường này vài năm trước đây. Tôi hiểu với những tay tài tử này, tôi cần
phải kiên nhẫn rất nhiều.
Trong nhiệm vụ giảng dạy, tôi rất cứng rắn và không ngần ngại chỉ trích
các lỗi lầm của sinh viên. Phương diện kỷ luật cũng phải áp dụng chặt chẽ,
nhưng nhóm sinh viên trừ bị hiện thời của tôi giống như các sinh viên dân
sự. Tôi nhận thấy không thể nào áp dụng lối quở trách mà không giải thích
tỉ mỉ các lỗi lầm của họ. Làm cách nào biến các tay tài tử này thành các
thủy thủ tàu phóng lôi đầy đủ khả năng trong vòng 3 tháng huấn luyện? Vì
quá chán nản, nhiều lần tôi đã nghỉ đến việc từ chức.
Chiếc tàu phóng lôi mới đến trường vào tháng hai và khả năng của nó đã
làm tôi thối chí. Sau khi chạy thử chiếc tàu 20 tấn này, tôi quay vào cầu tàu
và mạnh miệng tuyên bố: “Đây không phải là một tàu phóng lôi. Nó chỉ là
loại du thuyền không hơn không kém. Cái ngữ này vô dụng trên phương
diện chiến đấu thật sự.”
Omori và các huấn luyện viên dưới quyền tôi đứng lặng lẽ, mặt mày tiu
nghỉu. Anh chàng kỹ sư phác họa đồ án chiếc tàu mặt mày xanh xám, bước
lên và giải thích có tính cách biện hộ rằng chiếc tàu này được trang bị động
cơ là một động cơ máy bay cũ! Việc này không có gì khó hiểu, bởi lẽ chúng
tôi không thể nào sản xuất máy móc mới đúng mức đòi hỏi của loại tàu này.
Có quá nhiều trở ngại, và thiếu thốn dụng cụ là trở ngại quan trọng nhất.
Bực mình và chán nản vô tả, tôi im lặng bỏ đi.
Một vài “tàu phóng lôi “ mới khác được đưa đến, nhưng đó cũng chỉ là
“du thuyền”.
Mức độ sản xuất, dưới kế hoạch khẩn cấp thời chiến, theo tôi biết, chỉ có
khoảng 200 tàu phóng lôi tải trọng từ 15 đến 30 tấn được hạ thủy kể từ đầu
năm 1943. Tất cả các tàu này đều trang bị với máy phi cơ cũ và không chiếc
tàu nào đạt được tốc độ hơn 25 hải lý. Vỏ của loại tàu này được làm bằng
gỗ hoặc thép, dài khoảng 12,5m đến 15,5m, thủy thủ đoàn gồm 7 người,
trang bị hai ngư lôi nhỏ và một đại liên 13mm. Nhưng không chiếc nào đạt
đến phẩm chất theo mong muốn của tôi. Một quốc gia có thể sản xuất được
những thiết giáp hạm lớn nhất thế giới mà lại không thể nào sản xuất được
một chiếc tàu phóng lôi vừa ý, đó là một việc thật đáng buồn.
Chương trình huấn luyện một khóa học gồm 100 sinh viên của tôi kéo
dài một vài tuần lễ và kết thúc vào tháng 11 năm 1944. Những điều tôi nêu
ra sau đây để lưu ý các sinh viên tốt nghiệp đã khiến cho Omori và các huấn
luyện viên khác không hài lòng: “Các tàu phóng lôi của chúng ta, thật
không may, đều có khả năng dưới chân bất kỳ chiếc tàu nào cùng loại của
đối phương. Như tôi đã từng lặp đi lặp lại hàng ngàn lần với các bạn, rằng
chiến thắng của các bạn sẽ nhờ cậy vào sự vụng trộm, bởi lẽ các bạn sẽ
không mong gì tồn tại nếu mặt đối mặt chiến đấu với địch quân. Các bạn sẽ
phải lợi dụng mọi phương thức che dấu hoặc đánh lừa mới mong thành
công. Nói một cách khác, các bạn không bao giờ nên tạo cho chiếc tàu của
các bạn trở thành những mục tiêu lộ liễu trước họng súng của địch quân.”
Giảng dạy là một công việc rất dễ chán nản. Các khung cửa sổ của lớp
học nhìn ra hải cảng trầm lặng Yokosuka. Quang cảnh trước mắt đã gợi
trong lòng tôi những tiếng kêu gọi thì thầm của đại dương. Đời sống trên
một khu trục hạm là một đời sống đầy căng thẳng và nhọc nhằn, nhất là
những ngày hoạt động quanh quần đảo Solomon, nhưng tôi đã nhìn lại như
nhìn bóng dáng hạnh phúc đã mất, cho dù hạnh phúc đó mong manh, hòa
hợp lẫn lộn với vui mừng. Tất cả những cảm giác đó hoàn toàn thiếu vắng ở
nơi đây.
Những tin tức từ tiền tuyến đưa về hậu phương thường rất muộn màng
và thêm bớt. Thỉnh thoảng tôi đến Tổng Hành Dinh Yokosuka để dò hỏi các
tin tức, và biết được chút ít về tình trạng của các chiếc tàu do tôi chỉ huy
trước đây.
Trong suốt năm 1943, khu trục hạm Amatsukaze đã đi đi lại lại giữa quê
hương và Đông Nam Thái Bình Dương trong nhiệm vụ hộ tống các đoàn
chuyển vận mà không gặp tại nạn nào. Nhưng khi tôi đến trường này không
lâu, tôi đã xúc động mạnh khi nghe tin Amatsukaze bị trúng ngư lôi cách
phía Bắc đảo Spratly ( là đảo gì đây các bồ tèo? ) 250 dặm vào tháng Giêng
năm 1944 và 80 người thuộc thủy thủ đoàn thiệt mạng. (Do khu trục hạm
Hoa Kỳ Redjin, hạm trưởng là Trung tá King phóng 4 quả ngư lôi, mà theo
King, đã trúng 4 chiến hạm Nhật nhưng chỉ một chiếc chìm.)
Mặc dù bị hư hại nặng, khu trục hạm Amatsukaze vẫn ráng lết đến cảng
Sài Gòn. Ở đây, chiếc tàu được sửa chữa khẩn cấp trước khi chạy qua
Singapore để sửa chữa toàn diện, cho đến tháng 3 năm 1945 mới hoàn tất,
và sau đó trở lại tham chiến trên đại dương.
Khu trục hạm Shigure vẫn là soái hạm của vị tân chỉ huy trưởng hải đội,
được sử dụng vào nhiệm vụ hộ tống sau khi tôi rời khỏi Sasebo. Tôi buồn
hơn hết khi nghe tin chiếc tàu bị trúng bom vào ngày 17 tháng 2 năm 1944,
chỉ hư hại nhẹ nhưng có đến 21 thủy thủ thiệt mạng. Và gây ra xúc động
cho tôi hơn nữa, khi biết chiếc tàu bị trúng bom ngay hải cảng Truk, mà tôi
từng xem như là một nơi an toàn và được phi cơ địch miễn trừ. Tôi xúc
động mạnh mẽ, bởi chiếc Shigure đã từng tồn tại sau các cuộc tấn công dữ
dội của phi cơ địch ở quần đảo Solomon và Rabaul, lại trở thành nạn nhân
của một cuộc không tập ngay ở Truk.
Nhiều tin tức khủng khiếp khác dồn dập bay đến. Vào ngày 30 tháng 3,
một lực lượng đặc nhiệm Hoa Kỳ, dưới quyền của Đô đốc Raymond A.
Spruance, tấn công quần đảo Caroline, đập tan các hệ thống phòng thủ của
Nhật Bản trên đảo Palau. Chiều ngày đó, Đô đốc Koga rời khỏi đảo
Babelthuap với toàn bộ Bộ Tham Mưu của ông đến Davao, thuộc
Philippines, và từ đó không nghe tin tức gì về ông nữa. Koga và Bộ Tham
Mưu sử dụng hai thủy phi cơ và đã gặp bão khi vào không phận
Philippines. Chiếc chở Koga đã rơi, riêng chiếc thứ hai, có Phó Đề đốc
Shigeru Fukudome, bay ngoài rìa của trận bão, hiển nhiên là không nhìn
thấy phi cơ của Koga rơi, đã cố gắng đáp xuống đảo Cebu. Cái chết của
Koga được giấu kín cho đến ngày 3 tháng 5 năm 1945, khi Đô đốc Soemu
Toyoda được công bố kế nhiệm ông. Thời gian trước đó, Phó Đô đốc Shiro
Takasu, Tổng Tư Lệnh Hạm đội Khu vực Đông Nam, tạm thời điều khiển
Hạm Đội Hỗn Hợp.
Trong lúc đó, tôi được lệnh đến Kawatana, gần Sasebo, ngay sau khi
khóa huấn luyện của tôi kết thúc. Nhiệm vụ của tôi là thiết lập một trường
huấn luyện tàu phóng lôi mới ở đây, bởi lẽ Oppama không còn thích hợp
với số sinh viên sĩ quan càng ngày càng gia tăng. Chuyển động này sở dĩ
xảy ra có thể là do việc tôi luôn luôn than phiền về tình trạng học tập và
trang thiết bị bết bát ở Oppama.
Cho dù lý do nào đi nữa, sự thay đổi này vẫn được tôi tiếp nhận nồng
nhiệt. Phiền não làm tôi mệt mỏi, nhưng viễn ảnh được chỉ huy một quân
trường độc lập khiến tôi tươi tỉnh ra.
Kawatana là một làng đánh cá nhỏ nằm cạnh bờ biển của Vịnh Omura.
Nhiều năm trước, Hải quân có một căn cứ thí nghiệm ngư lôi nhỏ ở đây,
nhưng hiện thời cơ sở này không còn được sử dụng. Đến Kawatana vào
ngày 3 tháng 5, tôi nhận thấy nhà cửa tại căn cứ thí nghiệm ngư lôi cũ đều
đổ nát. Tôi gặp khoảng mươi nhân viên bảo trì còn lưu lại đây. Khi biết tôi
xem qua cảnh hoang tàn trước mắt này với ý định đặt cơ sở huấn luyện cho
một chiến thuật “cách mạng” trên mặt biển của Hải quân, họ vừa kinh ngạc
vừa có vẻ chế giễu tôi. Thái độ này cũng khiến tôi buồn cười.
Viên sĩ quan chỉ huy nhóm nhân viên bảo trì nói cho tôi biết Đô đốc
Koga xem như đã mất tích, và Đô đốc Soemu Toyoda được chỉ định kế vị
ông trong chức vụ Tổng Tư Lệnh Hạm Đội Hỗn Hợp.
Tin này khiến tôi kinh ngạc còn hơn khi thoạt đầu nhìn thấy cảnh hoang
tàn của ngôi trường tương lai do tôi chỉ huy. Tôi cảm thấy Đô đốc Toyoda
không thể nào là nhân vật thích hợp trong chức vụ mới này. Khi tôi rời
Oppama, ông còn chỉ huy căn cứ Hải quân Yokosuka. Thoạt tiên ông ta là
một Ủy viên trong Hội Đồng Chiến Tranh Tối Cao, và trước đó, vào những
ngày đầu cuộc chiến, ông giữ chức vụ Tổng Tư Lệnh Hải khu Kure. Do đó,
Toyoda chưa bao giờ nhìn thấy tận mắt bất kỳ trận đánh nào trong cuộc
chiến. Giống như trường hợp Koga được chỉ định kế nhiệm Yamamoto,
giữa lúc ông chỉ nằm ru rú tại các hải phận yên tĩnh của Trung Hoa, người
kế nhiệm ông cũng là một người không có kinh nghiệm chiến đấu. Vào thời
gian khủng hoảng này, tại sao Bộ Tư Lệnh Tối Cao lại đặt một nhân vật mà
hầu hết các thủy thủ ở tiền tuyến không biết đến thành tích vào chức vụ
Tổng Tư Lệnh? Câu hỏi này cứ ám ảnh trong tôi suốt thời gian bắt tay vào
công việc tổ chức ngôi trường mới của tôi.
Một tuần sau đó, 200 sinh viên sĩ quan nhập học. Như khóa huấn luyện
tàu phóng lôi của tôi ở Oppama, tất cả sinh viên này đều được chuyển sang
từ các trường huấn luyện phi hành. Cùng với 6 sĩ quan phụ tá, ba trong số
này lấy từ các sĩ quan vừa tốt nghiệp ở Oppama, tôi lại bắt đầu nghề thầy
dạy đáng chán của tôi.
Tiên liệu của tôi về Toyoda đã sớm được chứng minh bằng một sự thật
đau buồn. Chức vụ mới quá lớn đối với ông ta. Vào hai ngày 19 và 20 tháng
6, lực lượng đặc nhiệm hàng không mẫu hạm của Phó Đô đốc Jisabura
Ozawa phải chịu đựng một cuộc đại bại đầy bi thảm, trong một trận đánh
thường được gọi chế giễu là “Cuộc bắn gà ở Marianas”. Ozawa cố sử dụng
các chiến đấu cơ có tầm hoạt động xa của ông để chống lại lực lượng Hoa
Kỳ. Nhưng các vị Đô đốc Toyoda, Ozawa và Kurita, những người đã vạch
ra kế hoạch hành quân này, đã không đo lường đúng sự hữu hiệu của radar,
tài năng của phi công và khả năng của phi cơ đối phương ngày càng gia
tăng. Họ cũng không nắm vững trình độ của các phi công Nhật Bản ở hiện
tại như thế nào. Kết quả, Ozawa mất ba hàng không mẫu hạm và 500 phi
cơ. Lực lượng đặc nhiệm cuối cùng đầy đủ thực chất của Hải quân tan tành.
Bốn tháng sau đó, Ozawa mang ba hàng không mẫu hạm khác nhưng không
có phi cơ thực hiện một nhiệm vụ “chim mồi” ở Philippines và cũng mất
luôn cả ba mà không đạt được thành quả nào.
Hầu như mỗi ngày đều có những tin tức gây bàng hoàng đến nỗi chúng
trở thành quen thuộc và gần gũi với chúng tôi. Một bản tin truyền thanh
phát đi vào chiều ngày 10 tháng 7 cho biết Saipan rơi vào tay địch quân
trong ngày trước đó và Phó Đô đốc Nagumo đã tuẫn tiết. ( Nagumo dùng
súng ngắn để tự sát vào ngày 6 tháng 7, nghĩa là trước khi Saipan thất thủ 3
ngày.) Tôi đứng chết lặng trong phòng khi nghe tin này. Ngay lúc đó, một
công điện từ Yokosuka gửi đến, chỉ thị tôi từ đây trở về sau, công việc huấn
luyện sinh viên hãy nhắm vào mục đích chính là dự trù chống lại địch quân
đổ bộ lên các bờ biển Nhật Bản.
Phản ứng của tôi đối với lệnh này là một cái gì mà tôi sẽ không bao giờ
hiểu được, chỉ biết rằng nó gây cho tôi sự xúc động kỳ dị. Tay tôi run rẩy và
mặt tôi đỏ bừng lên vì giận dữ. Tôi xé nát bức công điện, quăng vào sọt rác
và ngồi xuống bàn thảo một thỉnh nguyện thư dâng lên Nhật Hoàng
Hirohito. Đó là một hành động phạm thượng, nhưng lúc ấy tôi không thể
nào tự kềm chế mình được.
Tôi viết rằng Nhật Bản đang bại trận, và tôi kêu gọi Nhật Hoàng hãy
nhìn thẳng vào tình thế thật sự. Tôi nêu ra tất cả các chức vụ then chốt trong
Lục quân và Hải quân đều do các sĩ quan già nua, không quen với loại
chiến tranh hiện đại, và các cuộc cãi cọ cứ tiếp tục xảy ra giữa Lục quân và
Hải quân khiến cho hiệu năng hoạt động của cả hai lĩnh vực quân sự và kỹ
thuật ngưng trệ, như sự xuống dốc thảm hại trong công việc sản xuất phi cơ
và tàu phóng lôi chẳng hạn. Và tôi thúc giục Nhật Hoàng hãy mưu tìm
phương cách chấm dứt chiến tranh, và, xem như là bước đầu tiên, cách chức
tất cả các vị Đô đốc và tướng lĩnh không đủ năng lực đảm đương nhiệm vụ.
Tôi đã trở thành một tay cách mạng cuồng tín. Đó có lẽ là hậu quả của
những nổi bực dọc kéo dài quá lâu trong nhiệm vụ giảng dạy của tôi. Việc
làm của tôi không chỉ có tính cách bất phục tùng mà còn có tính cách phản
động. Và – theo các luật lệ của Hải quân – tôi có thể bị đưa ra tòa án quân
sự. Nhưng tôi không hề nghĩ đến những điều này. Tôi quên mọi thứ, tôi chỉ
biết quốc gia của tôi hiện đang bước dần đến miệng vực.
Khi viết xong thỉnh nguyện thư, tôi đáp xe lửa lên Tokyo. Vào ngày 12
tháng 7, tôi đi thẳng vào Bộ Hải Quân, và người đầu tiên mà tôi gặp là Đề
đốc Hoàng thân Takamatsu, bào đệ của Nhật Hoàng Hirohito. Tôi vồ ngay
lấy ông.
“Hoàng thân Takamatsu, Ngài có thể tiếp riêng tôi được không?”
Hoàng thân nhìn tôi, có lẽ ông nghĩ tôi là một tên dở khùng đở điên,
nhưng ông đã gật đầu. Tôi bước theo Hoàng thân Takamatsu vào văn phòng
riêng của ông. Nơi đây, tôi trao thỉnh nguyện thư cho ông, yêu cầu ông dâng
lên Nhật Hoàng.”
Ông hỏi: “Tôi có thể đọc trước hay không?”
Tôi đáp: “Dạ được, thưa ngài.”
Ông ngồi xuống mở tờ giấy ra và chăm chú đọc. Chân mày ông nhíu lại
có vẻ xao xuyến. Đọc xong, ông quay lại nhìn tôi, hình như ông muốn xác
định xem có phải tôi là một tên điên thật hay không, và ông xếp tờ giấy bỏ
vào túi áo.
“Hoàn toàn đúng, Hara.” Ông vừa nói vừa đứng dậy. “Hãy bảo trọng lấy
thân.”
Tôi không nhìn thấy rõ rệt những gì mà Hoàng thân Takamatsu thực hiện
theo lời yêu cầu của tôi, nhưng có điều ông giữ rất kín hành động của tôi
trong giới Hải quân. Nếu các lời lẽ tôi viết đến tai Bộ trưởng Hải quân, hoặc
Bộ Tư Lệnh Hải quân, chắc chắn tôi sẽ không được yên thân.
Sau khi trao thỉnh nguyện thư cho Hoàng thân Takamatsu, tôi lập tức
đón xe lửa trở về Kawatana để chờ phản ứng của Nhật Hoàng. Khi không
thấy động tịnh gì hết, tôi dần dần định tâm và ý thức rằng hành động của tôi
hoàn toàn vô nghĩa, nếu không nói là bị lăng nhục. Không Nhật Hoàng mà
cũng không có bất kỳ nhân vật nào khác trong Hoàng tộc đưa ra các hành
động dựa trên thỉnh nghuyện thư của tôi. Hơn nữa, dưới thể chế hiện thời,
Nhật Hoàng không có thực quyền, vì vậy, ngài không thể đưa ra bất kỳ
hành động có tính cách quyết định nào. Tuy nhiên, Nhật Hoàng đã lấy lại
chút ít quyền hành hơn một năm sau đó, khi Ngài tự quyết định sự đầu hàng
của Nhật Bản.
Đành chịu thua với số phận, tôi chăm chú với nhiệm vụ, và khóa học bao
gồm 200 sinh viên sĩ quan của tôi kết thúc vào tháng 7. Đầu tháng 8, các
căn trại trong quân trường của tôi bị 400 tân sinh viên sĩ quan tràn ngập.
Như khóa đàn anh, những người mới đến đều được chuyển từ các trung tâm
huấn luyện bay. Khi nhìn thấy họ, một số thiếu mền một số thiếu chiếu,
nằm ngủ sắp lớp như cá mòi trên mặt đất, tôi quyết định dẹp bỏ tất cả phiền
muộn để trở về với bổn phận của một ông thầy tận tụy. Những thanh niên
này đều là những người yêu nước nhiệt thành, họ xứng đáng với sự tận tụy
của tôi.
Gần cuối giai đoạn huấn luyện 400 sinh viên sĩ quan này, mặt trận
Philippines bộc phát. Các cuộc đổ bộ của Hoa Kỳ ở Leyte vào ngày 20
tháng 10 đưa đến một loạt đụng độ trên mặt biển, làm tiêu tán tất cả những
gì còn lại trong tay Hải quân Hoàng Gia. Vào ngày 27, một thông cáo đầy
bất ngờ cho biết việc thành lập phi đội Thần Phong, một đơn vị không kích
tự sát gồm toàn những người tình nguyện.
Tin tức gây choáng váng này đã khuấy động ngôi trường Kawatana một
cách khủng khiếp. Nó cũng là một cú đấm thẳng vào tôi, vì từ lâu tôi vẫn
luôn chủ trương sinh mạng của con người phải được bảo vệ. Từng nuôi
nấng hy vọng ra đi và trở về cho các sĩ quan của tôi, chiến thuật mới này
đối với tôi quả thật phi nhân tính và không thể dung thứ được. Tuy nhiên, tư
tưởng chống đối của tôi đã lắng xuống, khi tôi được đọc những báo cáo chi
tiết về các cuộc tấn công “chắc trúng nhưng cũng chắc chết” này do các phi
công tình nguyện thực hiện. Trong căn phòng lặng lẽ, tôi đã bật khóc.
Vào cuối tháng 10, 400 sinh viên của tôi tốt nghiệp, qua một buổi lễ mãn
khóa, và cũng là buổi lễ tiếp đón 400 tân sinh viên khác. Trong tuần đó, một
ông khách “không chờ đợi” đã đến viếng thăm ngôi trường của chúng tôi.
Đó là người bạn cũ của tôi hồi còn ở Rabaul, Đại tá Toshio Miyazaki,
nguyên chỉ huy trưởng hải đội 17 khu trục hạm, và hiện thời là huấn luyện
viên cao cấp của Trường Ngư Lôi ở Oppama.
Sau khi tuyên bố cuộc viếng thăm với tư cách riêng, Miyazaki đã tiết lộ
cho tôi biết ông đã đến đây bằng chuyến xe lửa đặc biệt có chở một món
hàng lạ, và yêu cầu tôi đi theo ông để xem qua. Bước vào sân ga, ông dẫn
tôi thẳng đến một toa hàng được một nhóm lính vũ trang canh gác cẩn thận.
Nhóm lính này đi theo xe lửa từ Yokosuka đến đây. Các món hàng được
mang đến sở thí nghiệm ngư lôi cũ và mở ra. Đó là 3 tàu phóng lôi nhỏ và
nhiều dụng cụ để lặn dưới mặt nước.
Các tàu phóng lôi, đóng bằng ván ghép và chạy bằng máy xe hơi, trông
giống như loại xuồng máy thông thường. Điều mới lạ trong loại tàu phóng
lôi này là phía trước chứa đầy chất nổ cực mạnh. Khi Miyazaki khẽ nói:
“Đây là các Kamikaze trên mặt biển,” tôi thấy tim như nhói lên.
Để phá tan bầu không khí nặng nề, tôi hỏi về các dụng cụ lặn. Miyazaki
giải thích: “Những cái đó để người nhái sử dụng. Với bình dưỡng khí, họ sẽ
mang một khối chất nổ lặn xuống đáy biển để gắn vào chân vịt hoặc bánh
lái tàu của địch quân.”
Ông ta cùng tôi lặng lẽ trở lại trường, và ở đây, ông đã giải thích rõ từng
chi tiết. Ý kiến về các tàu phóng lôi nhỏ bé chỉ một hoặc hai người sử dụng
và người nhái này là do Bộ Tư Lệnh Tối Cao đưa ra trong thời gian tôi đến
Kawatana. Chiến thuật tự sát là đề tài đã từng được tranh luận sôi nổi và
giằng co cho đến khi các đơn vị Kamikaza được thành lập ở Philippines, và
hiện thời chiến thuật này đã được quyết định dứt khoát với tất cả sự ưu tiên
dành cho nó.
Miyazaki nói: “Biết rõ anh, Phó Đô đốc Omori đã phái tôi đến đây để
giải thích với anh về chiến thuật này và xin ý kiến. Và tôi cũng biết rõ anh,
tôi ý thức được nhiệm vụ này sẽ gây phiền lòng cho anh. Tôi sẽ nghe theo
bất kỳ điều gì anh chỉ dạy nhưng tôi cũng cần nhắc anh lại một lần nữa,
rằng chiến thuật này đã được Bộ Tư Lệnh Tối Cao xem như là chiến thuật
hàng đầu.”
Tôi ngẫm nghĩ sự lưu ý của ông ta, và sau khi đắn đo, tôi đáp: “Tôi biết
cảm nghĩ của anh như thế nào, Miyazaki, và tôi cũng biết tốt hơn tôi không
nên tranh luận với anh về vấn đề này. Nhưng anh cũng như tôi đều biết rằng
huấn luyện gấp rút cho các sinh viên sĩ quan của trường này thì sẽ chẳng
khác nào đút thịt vào miệng cọp, khi họ thi hành nhiệm vụ với những chiếc
du thuyền chậm chạp được gọi là tàu phóng lôi này. Tôi thấy rất rõ là họ sẽ
có rất ít dịp may để sống sót trở về. Kế hoạch đưa ra đã đành là phải thi
hành, nhưng yêu cầu người khác cam tâm chịu chết, cho dù chịu chết trước
những đối thủ vượt trội mọi mặt, lại là một việc hoàn toàn khác biệt. Làm
sao chúng ta có thể yêu cầu những con người trẻ tuổi đó tự sát được?
Miyazaki nói một cách nghiêm nghị: “Hara, suốt 50 giờ mất ăn mất ngủ
trên các toa xe chở mấy món hàng này từ Yokosuka đến đây, tôi không lúc
nào không suy nghĩ về vấn đề anh vừa nói. Chúng ta chỉ còn biết một cách
duy nhất là thành thật giải thích cho họ hiểu tình thế tuyệt vọng ở hiện tại.
Tôi sẽ đích thân kể lại cho các sinh viên của anh trường hợp thiệt mạng của
những thủy thủ thuộc hải đội khu trục hạm của tôi, mặc dù những thủy thủ
này khéo léo và có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề. Tôi cũng sẽ nói với
họ rằng hiện thời chúng ta đang hấp hối ở Philippines, tất cả binh sĩ của
chúng ta đang đối mặt với tử thần. Tôi nghe tin các phi công Thần Phong
đều nhất trí tình nguyện thực hiện các phi vụ tự sát bất thường sau khi nghe
tin 500 đồng nghiệp từng trải qua hàng ngàn giờ bay đã bị giết như ruồi ở
Marianas. Đây là những dữ kiện hợp lý nhất để trình bày với họ. Anh từng
nổi tiếng là có phép lạ trong việc mang thuộc cấp trở về một cách an lành,
ngay cả trong các trận đánh đẫm máu ở Solomon, do đó Phó Đô đốc đã gửi
tôi đến anh để bàn thảo nhiệm vụ khó nuốt này. Một lẽ nữa, tôi biết và tôi
hiểu anh, vì vậy, tôi thật sự muốn đến đây.”
Miyazaki, thường thường là một loại anh hùng rơm, nông nổi và thờ ơ,
bây giờ chẳng khác nào một kẻ thua trận đáng thương. Sau khi suy nghĩ cẩn
thận, tôi nói:
“Cám ơn anh, Miyazaki, quả thật anh đang lâm vào tình trạng bối rối khi
đến đây. Tôi đã suy nghĩ kỹ những gì anh vừa nói. Tôi tán thành ý kiến
khôn khéo của anh. Riêng tôi, tôi sẽ kể lại những câu chuyện xoay quanh
các khu trục hạm thuộc hải đội của tôi trước đây, chẳng hạn như chiếc
Samidare dày dạn chiến trận của tôi. Tôi vừa nghe nói chiếc tàu này, mặc
dù lập biết bao thành tích to lớn, đã bị trúng ngư lôi và chìm gần Palau,
mang theo phân nửa thủy thủ đoàn. Nó bị tàu ngầm địch tấn công! Đó là
một con chuột ăn một con mèo! Thật mỉa mai làm sao!
“Khu trục hạm Shiratsuyu còn gặp phải tai nạn tồi tệ hơn nữa. Chiếc tàu
này trước đây đã va chạm với chiếc Samidare ở vịnh Empress Augusta, hồi
tháng 6 vừa qua tôi nghe nói nó lại đụng nhau với một chiếc tàu chở dầu
gần đảo Mindanao và chìm lỉm cùng với toàn thể thủy thủ đoàn 224 người.”
“Soái hạm cũ của tôi, chiếc Shigure, được mệnh danh là “khu trục hạm
kiên cố”, đó là chiến hạm duy nhất thuộc lực lượng Nishumure còn sống sót
sau trận đánh ở Vịnh Leyte. Nhưng tôi chắc rằng số phận chung cuộc của
nó không còn bao lâu nữa. Chiếc tàu đáng yêu này, với tất cả thủy thủ cũ
của tôi … Đó là định luật chung trong một cuộc chiến.”
Tới đây, tôi và Miyazaki không còn gì để nói với nhau nữa. Chúng tôi
bắt tay và đi ngủ.
Sáng hôm sau, tôi ra lệnh tập họp toàn trường. Miyazaki lên tiếng đầu
tiên, giải thích về các tàu phóng lôi mới, dụng cụ lặn và công dụng của
chúng. Không khí trong sảnh đường căng thẳng, nhóm thính giả ngồi yên
lặng nghe với thái độ không tin tưởng mấy.
Khi Miyazaki dứt lời, tôi chậm rãi bước lên bục gỗ và lên tiếng: “Các
bạn đến đây để học hỏi về các loại tàu phóng lôi thông thường, nhưng vừa
rồi các bạn đã nghe qua hai loại vũ khí mới do Đại tá Miyazaki trình bày.
Chúng sẽ nằm trong chương trình giảng dạy của trường này. Bắt đầu từ
ngày mai, ba lớp huấn luyện sẽ được mở ra cho các bạn. Các bạn có quyền
tự do chọn lựa một trong ba lớp học này, nếu xét thấy thích hợp với khả
năng và khuynh hướng của các bạn. Tôi muốn sự lưa chọn của các bạn
không do áp lực hoặc ảnh hưởng của bất kỳ người nào. Sự lựa chọn này
phải do ý thức của các bạn. Đây là quyết định của tôi. Trưa và chiều hôm
nay, hoặc nếu cần, thời gian sẽ kéo dài hơn nữa, tôi sẽ ở tại văn phòng của
tôi, để mỗi người trong các bạn đến trình riêng với tôi về sự lựa chọn của
mình. Sẽ không có bất kỳ tra hỏi hoặc yêu cầu giải thích nào được đưa ra
nhằm tìm hiểu xem tại sao các bạn lại chọn lựa như vậy. Đó là tất cả những
gì tôi muốn nói với các bạn.”
Bốn trăm sinh viên sĩ quan, từng người một, bước vào văn phòng của
tôi. Người cuối cùng rời khỏi văn phòng lúc 4 giờ sáng. Sau đó, tôi gọi
Miyazaki, và chúng tôi phân loại các mảnh giấy có đề tên sinh viên cùng
lớp học mà họ đã lựa chọn. Có 200 sinh viên chọn lớp tàu phóng lôi bình
thường, 150 chọn lớp tàu phóng lôi tự sát và 50 người chọn lớp người nhái.
Miyazaki, đã kiệt sức sau nhiều đêm mất ngủ, đã thở khì nhẹ nhõm. Tôi
cũng không khác gì ông ta.
Các tàu phóng lôi tự sát được đặt tên rất thơ mộng – Shinyo – có nghĩa
là “kẻ lay động đại dương”. Người nhái mang tên Fukuryu, có nghĩa là “con
rồng bò”...
Hàng chục cơ xưởng Nhật Bản đã đóng khoảng 6.000 loại tàu nhỏ bé
này. Mỗi chiếc có chiều dài từ 4.5 đến 5.5 mét, nặng từ 1,35 đến 2,15 tấn,
hầu hết đều được gắn một động cơ có thể đạt được tốc độ 26 hải lý. Chỉ một
vài chiếc vỏ bằng thép còn lại đều làm bằng gỗ nên rất dễ vỡ.
Xét trên mục đích tấn công, những “kẻ lay động đại dương” tỏ ra rất bết
bát. Sau khi 3 tàu phóng lôi được đưa đến Kawatana không lâu, tôi yêu cầu
căn cứ Không Hải quân ở omura phái một chiến đấu cơ tham dự vào một
cuộc tấn công thực tập. Một huấn luyện viên lái một tàu phóng lôi ra khơi,
nhưng khi phi cơ sà thấp ngay trên đầu, hắn ta đã bỏ chiếc tàu để nhảy
xuống biển. Phi cơ quần lại lần thứ hai và xả súng đại liên bắn vào con tàu
mong manh, nghiền nó ra thành từng mảnh.
Trang bị cho những “con rồng bò” lại còn tồi tệ hơn nữa. Hơn 50 sinh
viên, toàn là những tay bơi lội tài giỏi, đã gặp nhiều rắc rối trong suốt thời
gian thụ huấn. Ngay cả các bình dưỡng khí cung cấp cho nhà trường, không
có cái nào là hoàn hảo. Nhiều sinh viên ngã bệnh khi lặn xuống biển vào
ngay ngày đầu tiên của lớp học.
Những nỗ lực có tính cách hấp tấp như vậy có thể nào chống trả nổi địch
quân mạnh mẽ, được trang bị toàn thiết bị khoa học tân tiến nhất hay
không? Niềm bi quan bao trùm tâm hồn tôi. Mỗi ngày ở tại ngôi trường này
là thêm mỗi sự chán nản đến với tôi. Tôi bắt đầu uống rượu nhiều trở lại.
Khoảng 100 sinh viên tốt nghiệp lớp tàu phóng lôi thông thường được
gửi sang Philippines và Okinawa, đa số đã thiệt mạng mà không có được
bất kỳ kết quả có ý nghĩa nào. Tất cả sinh viên khác được giữ lại để chuẩn
bị chống trả với địch quân, mà theo dự đoán có thể đổ bộ lên Nhật Bản.
Được biết hầu hết sinh viên ưu tú của tôi, thuộc lớp tàu phóng lôi đặc biệt
và người nhái, không phải làm vật hy sinh trong các nhiệm vụ tự sát, đó là
một an ủi lớn với tôi.
Vào ngày 20 tháng 12 năm 1944, Miyazaki thay thế tôi để điều khiển
quân trường đáng chán Kawatana, và tôi được chỉ định vào một nhiệm vụ
trên mặt biển, hạm trưởng tuần dương hạm hạng nhẹ Yahagi. Đó là một
ngày sung sướng nhất trong một năm “không sung sướng” của tôi.
Một vị sĩ quan chỉ huy hớn hở bước lên cầu thang của tuần dương hạm
Yahagi đang buông neo ở Sasebo vào ngày 22 tháng 12 năm 1944. Tôi đã
trở lại với nơi mà tôi thuộc về, trở lại với những ngày chiến đấu, vĩnh biệt
những muộn phiền ở Kawatana. Được chỉ định vào nhiệm vụ này là một
vinh dự to lớn đối với tôi.
Các sĩ quan của chiếc tàu tụ họp chào đón tôi. Trung tá Shinichi Uchino,
sĩ quan phụ tá, tuyên bố một cách đầy hứng khởi: “Khi biết tân hạm trưởng
của Yahagi là Đại tá, thủy thủ đoàn đã vô cùng mừng rỡ. “Hạm trưởng kỳ
diệu”, một số thủy thủ đã bắt đầu gọi Đại tá một cách hãnh diện như vậy.”
Sau khi nhấn mạnh sự may mắn đầy thích thú được bổ nhiệm chỉ huy
chiếc Yahagi, tôi nói: “Chưa từng được chỉ huy một chiến hạm lớn như thế
này. Tôi sẽ có nhiều điều cần học hỏi ở quý vị.”
Những lời thành thật của tôi được đón nhận một cách hài lòng, và mọi
người đều tỏ ra phấn khởi. Thúc đẩy tinh thần của chiếc tàu, đó là một việc
làm cần thiết.
Yahagi vừa trở về từ trận thảm bại ở Vịnh Leyte. Trong trận đánh này,
Yahagi là soái hạm của một nhóm chiến hạm yểm trợ thuộc Đệ Nhị Hạm
Đội của Phó Đô đốc Takeo Kurita. Nhiều chi tiết của trận đánh này vẫn còn
nằm trong bóng tối. Ngay cả những người tham dự cũng không am tường
đầy đủ. Nhưng ai cũng biết Nhật Bản đã lãnh một cú đấm nặng nề, và Hoa
Kỳ đã lật ngược tình thế trên quần đảo Philippines sau trận đánh này.
Vào ngày 25 tháng 10, sau khi lực lượng hộ tống hàng không mẫu hạm
bị thiệt hại nặng nề, Phó Đô đốc Kurita tạo ra cuộc rút lui đầy tai tiếng của
ông, mặc dù ông đã làm đình trệ cho các cuộc đổ bộ của đối phương ở Vịnh
Leyte, tuần dương hạm Yahagi và các khu trục hạm tháp tùng vẫn còn cách
xa trận đánh khoảng 10 dặm. Từ khoảng cách quá xa như vậy, Yahagi và
đồng đội đã vội vã phóng ngư lôi, dĩ nhiên, tất cả ngư lôi đều hoang phí.
Hành động chậm chạp của nhóm chiến hạm này đã gây chán nản cho mọi
người.
Đề đốc Susumu Kimura, Tư lệnh Phân đội 10 khu trục hạm, bao gồm
Yahagi và 6 khu trục hạm, đã phải rời khỏi chức vụ sau trận đánh. Ông ta
nguyên là một chuyên viên hoa tiêu, không phải là một tay chiến đấu. Việc
tránh né đụng độ của Kimura sớm chứng tỏ một cách rõ rệt vào tháng 10
năm 1942 trước đó. Khi tuần dương hạm hạng nhẹ Nagara của ông đã
không truy đuổi địch quân ở vùng biển Guadalcanal. Tuy nhiên, hầu hết các
chiến hạm Nhật khác có mặt trong trận đánh này đều chiến đấu dàn mặt với
địch quân. Việc sử dụng Kimura một lần nữa vào trận đánh quan trọng như
trận đánh ở Vịnh Leyte chẳng hạn, đã không được giải thích tại sao. Điều
này chỉ có Bộ Tư Lệnh Tối Cao mới biết mà thôi.
Ngay cả việc lưu dụng hai Phó Đô đốc Kurita và Ozawa trong các chức
vụ chỉ huy then chốt cũng là một sai lầm nghiêm trọng. Cả hai đều tồn tại
sau cuộc chiến và hiện thời vẫn còn sống. Tôi không thích đưa ra những lời
chỉ trích toàn diện về họ, nhưng phải nói hai vị Đô đốc già nua và mệt mỏi
này phải chịu trực tiếp trách nhiệm cuộc thảm bại ở Vịnh Leyte.
Kurita đã nói với tôi: “Tôi đã tạo ra sai lầm đó (tức ra lệnh rút lui),
không ngoài vấn đề lúc ấy tôi quá mệt mỏi về thể xác.”
Khi bàn đến trận đánh Leyte, Ozawa thú thật với tôi rằng “ông thấy xấu
hổ vì vẫn còn sống sót sau trận đánh đó.”
Trận đánh Vịnh Leyte là một trong những trận đánh lớn nhất trong lịch
sử Hải quân đã được viết đi viết lại nhiều lần. Có nhiều ý kiến nêu ra đã
khiến tôi không hài lòng, nhưng tôi đã hoàn toàn đồng ý với tác giả C. Vann
Woodward khi ông kết luận quyển sách “Trận hải chiến Vịnh Leyte” của
ông: “Những gì gọi là cần thiết trên đài chỉ huy của soái hạm Yamato vào
buổi sáng ngày 25 không phải là một Hamlet mà là một Hotspur – một
Halsey của Nhật Bản thay vì một Kurita.”
Kurita đã từng chứng tỏ sự vụng về quá mức khi ông đưa Đệ Nhị Hạm
Đội của ông đến Rabaul vào tháng 11 năm 1943. Nhưng ông, cũng như
Ozawa, vẫn còn được lưu dụng, ngay cả hai người chỉ huy các lực lượng
Nhật đã đưa đến sự thảm bại trong trận đánh Marianas vào ngày 19 tháng 6
năm 1944. Lý do của việc lưu dụng này. Tôi không thể nào hiểu nổi. Cả hai
đều tỏ ra mỏi mệt từ lâu rồi, vì vậy đưa họ đến Vịnh Leyte không khác nào
đưa họ vào tai họa, đặc biệt giữa lúc mà các lực lượng của họ đều không
được bao che hữu hiệu về mặt trên không.
Tuy nhiên, Đô đốc Soemu Toyoda, Tổng Tư Lệnh Hạm đội Hỗn Hợp,
phải chịu những phần trách nhiệm lớn hơn hết. Từ Formosa trở về Nhật Bản
vào ngày 18 tháng 10, ông nằm ở Yokosuka để điều động trận đánh đầu
tiên, và sau đó, ông di chuyển 30 dặm trên đất liền để tiếp tục điều hành
nhiệm vụ. Dó đó, cuộc hành quân không thực tế này được thảo kế hoạch và
điều động ngay trên nội địa bởi một vị Đô đốc chưa bao giờ tham dự một
trận hải chiến nào trong cuộc đời binh nghiệp của mình.
Có nhiều nguyên nhân gây ra sự thảm bại của Nhật trong trận đánh Vịnh
Leyte, nhưng các nguyên nhân đầu tiên phải đề cập đến là sự khiếm khuyết
về phi cơ, radar và hệ thống liên lạc. Hạm đội Nhật đã đành là chiến đấu rất
dũng cảm, nhưng không được bảo vệ hữu hiệu về mặt trên không, hoặc
không được cung cấp đầy đủ những thiết bị hỗ trợ khác, do đó, trận chiến
của họ không khác nào kẻ mắt mù tai điếc.
Với việc Saipan thất thủ, cuộc chiến trong tay Nhật Bản xem như đã
mất. Điều này còn rõ rệt hơn nữa, sau khi nhiều thiết giáp hạm và tuần
dương hạm hạng nặng, được gìn giữ từ lâu, đều bị trận đánh ở Leyte thiêu
rụi.
Phó Đô đốc Seiichi Ito thay thế Kurita trong chức vụ Tư Lệnh Đệ Nhị
Hạm Đội vào ngày tôi bước chân lên tuần dương hạm Yahagi. Giống như
nhiều quyết định thay đổi nhân sự cao cấp vào thời gian đó, việc thay đổi
này cũng gây cho tôi nhiều ngạc nhiên. Ito ngồi trong phòng Bộ Tổng Tham
Mưu Hải quân từ khi cuộc chiến Thái Bình Dương bắt đầu. Ông chưa từng
lãnh nhiệm vụ trên mặt biển bao giờ, và cũng chưa từng biết qua kinh
nghiệm chiến đấu nào trong suốt cuộc chiến.
Phòng Nhân Sự của Tổng Hành Dinh Hải quân hình như không còn sáng
suốt trong thời gian đó. Kurita, với tất cả sai lầm trong cuộc đời binh nghiệp
của ông, lại được chỉ định vào chức vụ chỉ huy trưởng Hàn Lâm Viện Hải
quân ngay khi ông vừa rời khỏi Đệ Nhị Hạm Đội sau trận Leyte. Ozawa
được thăng cấp Đô đốc và trở thành Tổng Tư Lệnh Hạm Đội Hỗn Hợp vào
tháng 5 năm 1945. Một việc đáng lưu ý là hầu hết các sĩ quan còn sống sót
sau trận đánh Leyte đều được thăng cấp.
Trong lúc đó, tàn quân của Đệ Nhị Hạm Đội lê lết về Nhật từng nhóm
hai hoặc ba chiến hạm. Vào giữa tháng Giêng, Yahagi kết hợp với thiết giáp
hạm Yamato và 5 khu trục hạm đang buông neo ở Hashirajima, gần
Hiroshoma. Quang cảnh hiện tại đã gợi tôi nhớ lại quanh cảnh nhiều trăm
chiến hạm tụ hội trong hải cảng rộng lớn này đúng bốn năm trước đây. Tôi
đau buồn khi nhìn thấy những gì còn sót lại của Đệ Nhị Hạm Đội – một
hạm đội mà hiện thời không còn một chút tư cách nào để
Trong khi chúng tôi thao dượt, tôi luôn luôn liếc chừng các chiến hạm
ngày trước của tôi, có thể sẽ đến để gia nhập hạm đội này. Chiếc Shigure
nằm trong một thành phần thuộc lực lượng của Nishimura khi ông hướng
dẫn hai thiết giáp hạm, một tuần dương hạm và 4 khu trục hạm của ông, bí
mật và không phối hợp, tiến vào Vịnh Leyte vào ngày 25 tháng 10 năm
1944.
Ngoại trừ Shigure, tất cả chiến hạm của lực lượng này đều bị đánh chìm.
Do sự sống sót lẻ loi, chiếc Shigure trở thành mục tiêu bị kích bác và các tin
đồn đầy ác ý mà tôi không thể nào tin được. Tôi muốn tiếp xúc với thủy thủ
đoàn của Shigure để tìm hiểu sự thật. Tuy nhiên, thay vì chiếc tàu này sẽ
đến như mong đợi, một tin tức cho biết nó bị trúng ngư lôi của một tàu
ngầm địch và chìm ở khu vực phía Bắc Singapore vào ngày 24 tháng Giêng.
Thật đáng tủi nhục biết bao: Một chiếc tàu dày dạn chiến trận như vậy mà
lại là nạn nhân của một chiếc tàu ngầm. Không lâu sau đó, một tin tức khác
cho biết khu trục hạm Amatsukaze đang ở trong hải phận Trung Hoa, vì vậy
nó không thể nào đến gia nhập Đệ Nhị Hạm Đội.
Nhưng không phải tin tức nào cũng xấu cả. Trang bị và vũ khí mới được
đưa đến cho tuần dương hạm Yahagi của tôi gần như hàng ngày. Trong số
đó có nhiều đầu đạn nổ kíp điện, ngư lôi tầm hướng và quan trọng nhất là
loại radar mới khá công hiệu. Xạ thủ bắt đầu học sử dụng hỏa lựa theo
hướng dẫn của radar. Mặc dù nhiều bộ phận của loại radar này vẫn còn nằm
trong vòng thí nghiệm, nhưng chúng cũng chứng tỏ Nhật Bản đã tiến một
bước khá xa trên phương diện kỹ thuật. Quá trễ để có dịp so tài với địch
quân trước đây, nhưng loại radar mới này có tính cách thúc đẩy tinh thần
mạnh mẽ vào những ngày khủng hoảng cao độ này.
Tuy nhiên, công việc huấn luyện chỉ giới hạn trong biển Nhật Bản nhỏ
hẹp. Tôi đã hỏi tại sao chúng tôi không được chạy ra ngoài biển rộng để
thực tập với tốc độ chiến đấu, và được trả lời rằng tình trạng tiếp tế nhiên
liệu khiếm khuyết không cho phép chúng tôi thực hiện việc này. Tôi được
biết vấn đề tiếp tế nhiên liệu thấp kém, nhưng không ngờ lại thấp kém đến
độ không đủ cho công việc huấn luyện căn bản nhất.
Sau cuộc pháo kích sơ khởi dữ dội, lực lượng Hoa Kỳ bắt đầu đổ bộ lên
đảo Iwo Jima vào ngày 19 tháng 2 năm 1945. Không có một chiến hạm nào
của Nhật Bản được gửi đến để chống lại cuộc đổ bộ chỉ xảy ra cách Nhật
Bản 700 dặm này.
Trong lúc đó, siêu pháo đài bay B-29 Hoa Kỳ, cất cánh từ các căn cứ ở
Marianas, liên tục gia tăng cường độ oanh tạc trên các thành phố Nhật Bản.
Bộ Tư Lệnh Tối Cao quay lại công thức giữ gìn cũ rích của họ, lần này là
các chiến đấu cơ. Chúng sẽ được che dấu hoặc dời đến những nơi an toàn
để tránh các cuộc không tập, phó mặc cho phi cơ địch làm mưa làm gió trên
đất nước.
Tại Bộ Tư Lệnh Tối Cao Hoàng Gia, cuộc bàn luận đầy sôi nổi kéo dài
nhiều ngày xoay quanh vấn đề: Những gì có thể làm được với thành phần
còn lại của Hạm Đội Hỗn Hợp. Vào ngày một tháng 3, Phó Đô đốc Ito báo
cáo rằng công cuộc tái huấn luyện đã hoàn tất và lực lượng của ông, bao
gồm một thiết giáp hạm, một tuần dương hạm, và 10 khu trục hạm, sẵn sàng
tham chiến. Nhưng Bộ Tư Lệnh Tối Cao vẫn chưa quyết định được xem có
nên sử dụng Đệ Nhị Hạm Đội rách nát vào nhiệm vụ tấn công ở hiện tại,
hay là để duy trì phòng thủ trong nước nhằm chống lại cuộc xâm chiếm của
địch quân trong tương lai.
Trong lúc các cuộc tranh luận đáng bực mình này tiếp tục ở Tổng Hành
Dinh Tokyo, Đệ Nhị Hạm Đội tiến vào Kure và bắt đầu phân phối nhiên
liệu một cách dè xẻn. Phía Hải quân cho rằng nên để hạm đội này ở lại
trong nước vì khả năng yếu kém của nó. Phía Lục quân đã đề cập đến trận
đánh ở Vịnh Leyte, nhằm vạch ra cho Hải quân thấy việc bo bo giữ gìn
chiến hạm là điên cuồng, chỉ làm mồi cho phi cơ địch tấn công. Vào ngày
19 tháng 3, lý luận cuối cùng của Lục quân đắc thắng.
Bởi vì vào ngày đó, một lực lượng đặc nhiệm Hoa Kỳ tiến sát vào bờ
biển Nhật Bản và tung nhiều trăm phi cơ tấn công các chiến hạm đậu ở
Kure và Kobe. Không có chiến hạm nào của chúng tôi bị đánh chìm, nhưng
17 chiếc mang đầy thương tích, bao gồm 6 hàng không mẫu hạm và 3 thiết
giáp hạm, trong số đó có hai thiết giáp hạm Isa và Hyuga, tồn tại trong trận
đánh ở Vịnh Leyte, đã bị trúng bom trong khi nằm sửa chữa tại xưởng tàu ở
Kure.
Các tướng lĩnh của Lục quân đã gật gù một cách khoái trá trước những
thiệt hại của Hải quân, và nhất là những thiệt hại này gia tăng trong các
cuộc tấn công tiếp tục của phi cơ địch vào ngày 20. Đệ Ngũ Không Hạm
Đội mới thành lập hồi tháng 2 năm 1945, đã tung hàng trăm phi cơ Thần
Phong lên để phản công. Tư lệnh lực lượng này, Phó Đô đốc Matome Ugaki
– nguyên Tham Mưu Trưởng của Yamamoto – sau đó đã báo cáo: “Cuộc
tấn công do các phi cơ đặc biệt của chúng ta thực hiện đã gây cho 7 hàng
không mẫu hạm, 2 thiết giáp hạm và một tuần dương hạm của đối phương
lớp chìm, lớp hư hại nặng.” Báo cáo thêu dệt này đã giúp khôi phục uy thế
của Hải quân ở Tổng Hành Dinh Tokyo, nhưng lại bị đá hậu. Các chiến
lược gia đầu não đã nhẹ dạ tin tưởng vào bản báo cáo này, và họ kết luận
không hề đắn đo rằng sau một đòn nặng như vậy, lực lượng đặc nhiệm của
địch quân sẽ phải chạy dài về Ulithi để bổ sung và sửa chữa trước khi có thể
quay lại trận đánh lần nữa.
Nhưng ba ngày sau đó, vào ngày 23 tháng 3, hàng trăm phi cơ xuất phát
từ các hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ bắt đầu rải bom lên Okinawa hết ngày
này sang ngày khác. Các cuộc không tập này được trọng pháo của chiến
hạm Hoa Kỳ tiếp tục ngay sau đó. Các sĩ quan tham mưu Nhật choáng
váng, nhưng không đưa ra một hành động cụ thể nào. Thay vào đó, họ tiên
đoán, gần như khẳng định, rằng các cuộc đổ bộ của địch sẽ không xảy ra.
Nhưng lực lượng đặc nhiệm Hoa Kỳ không phải đến “thăm viếng xã giao”
vùng biển Okinawa. Họ đến và muốn ở luôn.
Vào ngày một tháng 4 lực lượng Hoa Kỳ đặt chân lên bờ biển Okinawa
mà không gặp bất kỳ sự đề kháng nào. Đại tướng Mitsuru Ushijima, Tư
Lệnh Binh đoàn 23 đảm trách nhiệm vụ phòng thủ hòn đảo, đã nhận thấy
một cách khôn ngoan rằng phòng thủ có chiều sâu sẽ hữu hiệu hơn là cố
gắng tiêu diệt địch ở cạnh bờ biển. Hải quân thấy như vậy vội vã la lên:
“Tại sao Lục quân không chịu đề kháng?” Lục quân vặn lại: “Tại sao chiến
hạm của Hải quân không chịu nhận chìm lực lượng của đối phương?”
Loại lời đi tiếng lại không đi đến đâu cả, nhưng Đô đốc Toyoda, từ 5
tháng nay đã nhẫn nhục trước lối lải nhải của Lục quân, cuối cùng ông phải
chịu thua. Vào ngày 5 tháng 4, ông quyết định sử dụng Đệ Nhị Hạm Đội,
đúng 4 ngày sau khi của đổ bộ của Hải quân xảy ra.
Ngày đó có hai biến cố đáng chú ý, gây nhiều hậu quả trầm trọng cho
Nhật Bản: Thủ tướng (Đại tướng) Kuniaka Koiso từ chức và được Đô đốc
hồi hưu Kantaro Suzuki thay thế; và Liên Bang Xô Viết báo cho Nhật Bản
biết rằng họ sẽ không kéo dài Hiệp Ước Bất Tương Xâm nữa.
Bấy giờ tôi không biết những chi tiết chuyển động hậu trường của các
biến cố này. Vào buổi sáng đầy sương mù đó, Đệ Nhị Hạm Đội buông neo
gần Tokuyama trong biển Nhật Bản. Trên đài chỉ huy của tuần dương hạm
Yahagi, tôi đưa mắt nhìn một vòng thẫn thờ nhìn thiết giáp hạm khổng lồ
Yamato và 8 khu trục hạm đang buông neo ( hai khu trục hạm khác phải
nằm lại Kure để sửa chữa vì trục trặc máy móc).
Tổ chức của lực lượng này như sau:
Đệ Nhị Hạm Đội
Tư lệnh: Phó Đô đốc Seiichi Ito
Thiết giáp hạm Yamato ( cũng là soái hạm của Ito) hạm trưởng là Đề đốc
Kosaku Ariga.
Phân đội 2 khu trục hạm , Đề đốc Keizo Komura, chỉ huy trên tuần
dương hạm Yahagi.
Hải đội 17 khu trục hạm, Đại tá Kiichi Shitani, bao gồm các khu trục
hạm Isokaze - Trung tá Saneo Maeda, Hamakaze – Trung tá Isami Mukoi,
Yukikaze – Trung tá Masamichi Terauchi.
Hải đội 21 khu trục hạm, Đại tá Kotaki, bao gồm các khu trục hạm
Asashimo – Trung tá Yoshiro Sugihara, Kasumi – Trung tá Hiroo Yanama,
Hatsushimo – Trung tá Shigetaka Atamo.
Đệ Nhị Hạm Đội với lực lượng hùng hậu vào những ngày đầu của cuộc
chiến hiện thời chỉ còn lại bấy nhiêu chiến hạm này. Cơn mơ màng về nỗi
thịnh suy của quá khứ và hiện tại của tôi bị tiếng động của một chiếc thủy
phi cơ bay đến từ hướng Đông Nam cắt đứt.
Chiếc phi cơ này nhanh nhẹn và nhẹ nhàng đáp xuống mặt biển, và lướt
đến đậu bên cạnh soái hạm Yamato. Tôi nhìn thấy nhiều người leo lên cầu
thang của chiếc thiết giáp hạm khổng lồ này. Ngay khi tôi tự hỏi họ là ai,
soái hạm đã phất tín hiệu bằng cờ: “Cuộc hành quân Ten-Go có hiệu lực từ
giờ phút này.”...
Lập tức, hoạt động trên các chiến hạm trở nên nhộn nhịp, vì cuộc hành
quân Ten-Go tức là cuộc tổng phản công của Hải quân ở Okinawa. Đề đốc
Keizo Komura, vừa thay thế Kimura, đặt soái kỳ lên tuần dương hạm
Yahagi của tôi, được triệu tập đến soái hạm Yamato. Ông vội vã nhảy xuống
ca nô và ra đi. Chuyển động này chứng tỏ chiếc thủy phi cơ đã mang đến
nhiều nhân vật cao cấp với những tin tức quan trọng.
Tôi đăm đăm nhìn chiếc thiết giáp hạm trong nỗi lo âu, và sau hai giờ
không thấy dấu hiệu nào xảy ra, nỗi kiên nhẫn của tôi tiêu tan hẳn. Vào lúc
11h30, Yamato phát tín hiệu: “Đề đốc Komura gửi tất cả các chỉ huy trưởng
hải đội và hạm trưởng. Hãy lập tức đến họp trên soái hạm Yahagi.”
Cùng lúc đó, Komura trở về Yahagi, trông có vẻ căng thẳng, nhưng ông
không nói với tôi một điều gì cả. Khi tôi dọ hỏi, ông chận lời: “Đừng có
bồn chồn, Hara. Hãy chờ cho mọi người đến đầy đủ đã.”
Lời nói của ông khiến tôi giật mình, bởi vì Komura là một người vô tư
lự, ít khi dấu diếm những cảm xúc của mình. Tôi để ông một mình, và đưa
mắt nhìn 8 chiếc ca nô đang lướt về phía soái hạm Yahagi.
Cuộc họp mở ngay vào giữa trưa. “Quý vị”, Komura nói, “chắc tất cả
quý vị đều nhìn thấy tín hiệu cho biết cuộc hành quân Ten-Go có hiệu lực
ngay từ bây giờ. Phó Đô đốc Ryuosuke Kusaka, Tham mưu trưởng của
Hạm Đội Hỗn Hợp vừa từ Kanoya đến để hội họp với các sĩ quan hàng đầu
thuộc hạm đội chúng ta.”
Các thính giả của ông gồm 4 Đại tá và 8 Trung tá yên lặng ngồi nghe.
Sau khi ngưng một lúc Komura tiếp:
“Kế hoạch hành quân do Phó Đô đốc Kusaka mang đến là một kế hoạch
không bình thường. Bộ Tư Lệnh Tối Cao muốn Đệ Nhị Hạm Đội tiến đến
Okinawa, không có phi cơ bao che và với số nhiên liệu vừa đủ cho lượt đi.
Tóm lại, Bộ Tư Lệnh Tối Cao muốn chúng ta thực hiện một nhiệm vụ tự
sát.”
“Không, nhiệm vụ này đúng ra không phải là một “nhiệm vụ tự sát”, vì
“nhiệm vụ tự sát” bao hàm ý nghĩa nhắm vào và thu hoạch được kết quả
trên một mục tiêu có giá trị lớn hơn. Tôi đã nói với Kusaka rằng hạm đội
yếu kém của chúng ta không có một dịp may nào chống nổi với lực lượng
hùng hậu của đối phương, và một cuộc hành quân như vậy sẽ là một
“chuyến đi tự sát” với đúng nghĩa tầm thường của nó. Hai Đề đốc Agura và
Morishita đã đồng ý với tôi. Phó Đô đốc Ito im lặng, do đó tôi không hiểu ý
kiến của ông về lời nói của tôi như thế nào.”
“Như tất cả quý vị đều biết, tôi từng là Tham mưu trưởng của Phó Đô
đốc Ozawa khi ông thi hành nhiệm vụ nhử địch ở Philippines và thiệt mất 4
hàng không mẫu hạm. Tôi nhận thấy việc sát hại người của chúng ta là đã
quá đủ rồi. Tôi không quan tâm đến mạng sống của tôi, nhưng tôi muốn
giảm bớt sự đùa cợt trên mạng sống thuộc cấp tôi bằng cách đẩy họ vào một
chuyến đi tự sát đúng nghĩa. Theo đó, tôi đã yêu cầu Ito và Kusaka tạm
ngưng phiên họp để tôi trở về hội ý với quý vị.”
Sau những lời này, Komura nghiến chặt răng và nhắm nghiền đôi mắt
đầy nước mắt của ông lại. Sự yên lặng nặng nề bị phá vỡ khi Đại tá Kiichi
Shitani, thay thế ông bạn Miyazaki của tôi trong chức vụ Chỉ huy trưởng
Hải đội 17 khu trục hạm trước đây, cất tiếng: “Đô đốc Kusaka đến đây để
cắm những lệnh này vào cổ chúng ta?”
Komura đáp: “Không ai có thể ra lệnh cho người khác tự sát được.
Kusaka không liên quan gì đến mấy lệnh lạc này. Nếu có đi nữa, ông ta
cũng không thể ra lệnh cho chúng ta như vậy.”
Shintani đỏ mặt tía tai, hít một hơi thở thật dài, và lớn tiếng: “Tôi đã có
đi với Kurita tham dự trận đánh ở Vịnh Leyte sau ngày quân Mỹ đổ bộ. Nếu
Bộ Tư Lệnh Tối Cao muốn chúng ta đẩy địch quân ra khỏi đầu cầu đã được
củng cố của họ ở Okinawa thì không khác nào tiếp tục theo đuổi phương
thức giết người ở Leyte. Tuy nhiên, nỗ lực của Kurita còn tỏ ra thực tế hơn,
vì ít ra ông ta còn có Ozawa làm nhiệm vụ nhử địch. Không có lực lượng
chim mồi, chúng ta sẽ không có bất kỳ hy vọng nào để chiến thắng. Cuộc
hành quân của chúng ta sẽ làm trò cười cho đối phương. Nếu chúng ta cố
làm một việc như vậy, tất cả chúng ta sẽ bị tiêu diệt, và lúc ấy ai sẽ bảo vệ
quê hương? Tôi chống đối cuộc hành quân này.”
Đại tá Hisao Kodaki, Chỉ huy trưởng Hải đội 21 khu trục hạm tiếp lời:
“Tôi đồng ý với Shintani. Bộ Tư Lệnh Tối Cao đã lặp lại sai lầm của nhiều
tháng trước đây. Tại sao chúng ta, những người đã từng trải qua biết bao
nhiêu chiến trận, lại để cho một bọn lãnh đạo ngu xuẩn và bất tài dẫn dắt
như kẻ đui mù? Tại sao chúng ta không có tiếng nói căn cứ trên kinh
nghiệm thực tế của chúng ta?”
Các hạm trưởng dưới quyền Shintani và Kodaki lần lượt lên tiếng và tán
thành ý kiến của chỉ huy trưởng của họ. Việc này nhanh chóng biến phiên
họp trở nên sôi động nhất mà tôi chưa từng thấy. Nhưng Komura hoàn toàn
lặng yên và bất động, đôi mắt ông vẫn khép lại.
Tôi cảm thấy đến lúc phải lên tiếng, tôi nói: “Vấn đề thực tế mà chúng ta
phải làm là tấn công các đường tiếp tế của địch quân. Tôi thích thi hành các
sứ mạng đơn độc. Hiện thời chiếc Yahagi đã được trang bị radar và sonar,
tôi nghĩ rằng nó có thể ra đi một mình, và ít ra nó cũng sẽ đánh chìm năm
ba chiến hạm địch trước khi bị hạ. Làm như vậy có ý nghĩa hơn, vì theo tôi,
toàn thể hạm đội đến Okinawa chẳng khác nào mang trứng chọi đá.”
Đại tá Masayoshi Yoshida, Chỉ huy trưởng hải đội 41 khu trục hạm lên
tiếng kế đó: “Ý kiến của Hara phù hợp với ý kiến của tôi. Hai khu trục hạm
Fuyutsuki và Suzutsuki của tôi là những khu trục hạm được trang bị cao xạ
tối tân nhất. Hai khu trục hạm này được tạo nên bằng máu, nước mắt và
thuế má của quốc gia nghèo khổ của chúng ta, nhưng cả hai chưa từng được
giao phó một công việc có giá trị nào. Tôi tin chắc nó có thể thi hành nhiệm
vụ riêng rẽ một cách tốt đẹp, như Hara vừa nói.”
Trung tá Yoshiro Sugihara, nguyên hạm trưởng khu trục hạm Samidare
bị đánh chìm vào tháng 8 vừa qua và hiện thời là hạm trưởng khu trục hạm
Asashimo, nhiệt liệt ủng hộ ý kiến của Yoshida. “Tôi đã sống an nhàn quá
lâu,” hắn nói, “nên tôi chuẩn bị chết bất kỳ lúc nào, nhưng không phải là
một cái chết vô nghĩa, như sự đòi hỏi của thượng cấp. Chiếc Asashimo của
tôi là một chiến hạm 2.520 tấn, tôi muốn được cơ hội để chứng tỏ chiếc tàu
này có lợi ích thiết thực cho quốc gia.
Phiên họp dừng lại khi đầu bếp dọn bữa ăn trưa nhưng thức ăn không có
mùi vị gì với mọi người. Trong suốt bữa ăn, các hạm trưởng khu trục hạm
bàn đi tán lại mấy ý kiến vừa qua. Lúc 13 giờ, Komura quay lại soái hạm
Yamato. Các sĩ quan vẫn ở lại trên chiếc Yahagi chờ đợi một cách nôn
nóng. Lúc 16h, Komura trở về.
Ông bước chậm chạp vào phòng khách, gương mặt đầy khổ não. Ông
nói một cách mệt mỏi và chán nản: “Tôi chấp nhận lệnh của thượng cấp.
Lệnh này có hiệu lực từ 15h30.”
Sau câu này ông như trút được gánh nặng. Ông lướt mắt quanh phòng,
nhìn từng người một, sau đó tiếp tục nói:
“Tôi mất một giờ để trình bày ý kiến của quý vị và sự đồng ý của tôi về
các ý kiến này. Kusuka và những người khác lắng nghe một cách chăm chú.
Khi tôi dứt lời, Kusuka giải thích rằng chuyến đi này là một nhiệm vụ nhử
địch. Ông nhấn mạnh đây không phải là kế hoạch của ông, nhưng nó đã
được sắp sếp trong lúc ông viếng thăm Kanoya. Theo kế hoạch này, trong
khi các hàng không mẫu hạm của đối phương mắc bận đối phó với hạm đội
của chúng ta, Kanoya – phi trường nằm ở cực nam Kyushu – sẽ cho nhiều
trăm phi cơ Thần Phong tấn công Okinawa. Kusaka bảo đảm với tôi rằng
hải xuất chim mồi này sẽ không kết thúc một cách vô ích như hải xuất ở
Vịnh Leyte.”
“Sau đó, Kusaka đã xoay sang Morishita và giải thích rằng Bộ Tư Lệnh
Tối Cao và đặc biệt là thành phần Lục quân, đã tỏ ra chán nản về sự thất bại
của soái hạm Yamato, nhưng theo cảm nghĩ của ông ta, đó không phải là lỗi
lầm của Morishita ( lúc ấy là hạm trưởng của Yamato), vì ông đã làm được
một việc đáng kinh ngạc là tránh né được tất cả ngư lôi của đối phương,
trong khi chiếc Mushashi lại trở thành nạn nhân của những quả ngư lôi này.
Tuy nhiên, Kusaka nói rằng Tokyo không hài lòng khi biết soái hạm
Yamato đã rút lui mà các khẩu trọng pháo 350mm của nó không bắn được
một phát đạn nào vào địch quân. Morishita đã tỏ ra bẽn lẽn với những lời
ghi nhận này.”
“Kế đó, Kusaka nói với Agura (thay thế Morishita sau trận Leyte) rằng
cả nước Nhật Bản sẽ oán ghét hải quân nếu cuộc chiến này chấm dứt mà
chiếc Yamato không bị một vết trầy nào. Từ trước đến nay Agura không
vấp phải lỗi lầm nào, do đó ông ta tin rằng chiếc Yamato sẽ không bỏ chạy
như trong chuyến ra quân đầu tiên ở Leyte sau 3 năm được giữ gìn, và thiết
giáp hạm khổng lồ này sẽ không còn bị mang danh là “khách sạn nổi cho
các vị Đô đốc vụng về và lười biếng”.
“Tới đây, Ito phá vỡ sự im lặng quá lâu của ông: Tôi nghĩ là chúng ta
được trao cơ hội để chết một cách thích đáng. Một Samurai phải sống một
đời sống như vậy, hắn luôn luôn chuẩn bị để chết. Sau lời nói của Ito, cuộc
tranh luận hoàn toàn chấm dứt. Morishita và Agura đều nhượng bộ. Tôi
cũng không thể làm khác hơn họ.”
Komura cúi đầu thật thấp sau câu nói cuối cùng này, như để thay lời tạ
lỗi. Chúng tôi ngồi bất động. Khi những giây phút lê thê như hàng giờ trôi
qua, tôi quyết định đấu mặt với thực tế. Tôi nói: “Thưa Đề đốc, việc Đề đốc
vẫn giữ vững quan điểm của chúng ta, tôi rất tán thành. Nhưng lệnh vẫn là
lệnh. Hiện thời chúng ta chỉ còn biết cố gắng hết sức của chúng ta để cải
thiện tình thế.”
Đề đốc Komura nhìn tôi với đôi mắt biết ơn: “Cảm ơn anh, Hara!”
Ba chỉ huy trưởng hải đội – Kodaki, Shintani, Yoshida – chấp nhận
mệnh lệnh, và xoay sang hỏi ý kiến các hạm trưởng dưới quyền. Cả tám
Trung tá đều đồng lòng tán thành.
Việc thay đổi ý kiến một cách nhanh chóng như vậy chắc khiến cho các
độc giả ngoại quốc lấy làm khó hiểu. Sở dĩ Kusaka cố gắng thuyết phục các
vị sĩ quan cao cấp để họ chấp nhận mệnh lệnh, bởi lẽ mệnh lệnh này chưa
bao giờ được đưa ra trước đây, và chỉ được thi hành hữu hiệu một khi có sự
chấp nhận của kẻ thi hành mệnh lệnh. Nhưng trên nguyên tắc, chúng tôi
không có quyền phản kháng bất kỳ mệnh lệnh nào do thượng cấp đưa ra,
hơn nữa chúng tôi đều biết mệnh lệnh của Hải quân Hoàng Gia là các mệnh
lệnh tuyệt đối. Do đó, sau khi ý kiến bị bác bỏ, dù muốn hay không, chúng
tôi vẫn phải thi hành nhiệm vụ.
Sau chiến tranh, Kusuka đã nói với tôi rằng đó có lẽ là lần đối phó khó
khăn nhất trong đời ông. Ông giải thích thêm : “Khi nhận chức vụ Tổng Tư
Lệnh Hạm Đội , một hạm đội hữu danh vô thực, Ito đã chuẩn bị sẵn cái
chết. Từng giữ chức vụ Tham Mưu trưởng khá lâu, ông ta cảm thấy có trách
nhiệm về những trận thảm bại liên tục của chúng ta. Vào thời gian đó chỉ
còn một vài người giữ được tâm trí bình thường, và tinh thần Kamikaze đã
thâm nhập vào hầu hết binh chủng Hải quân.
Sau khi chấp nhận mệnh lệnh, sĩ quan các cấp đều tề tựu về thiết giáp
hạm Yamato để tham dự một buổi thuyết trình. Phó Đô đốc Ito đã kết thúc
buổi họp với những lưu ý: “Vì nhiệm vụ này khác thường, các vị chỉ huy
trưởng nên di chuyển tất cả các sĩ quan thực tập, những người đau ốm và…
bất kỳ người nào xét thấy không thích hợp. Đây là một vấn đề thuộc quyền
cân nhắc của quý vị.”
Trở về Yahagi, tôi cho sĩ quan và hạ sĩ quan tụ họp khẩn cấp trên tàu. Tôi
giải thích mệnh lệnh vừa nhận được và nhìn chăm chú khuôn mặt từng
người để xem phản ứng. Không khí căng thẳng, nhưng tôi ngạc nhiên và
thở phào nhẹ nhõm khi nhận thấy không ai tỏ vẻ phản đối.
Để kết luận, tôi nói: “Đây là một sứ mạng không bình thường, tôi cần
phải nói cho quý vị biết, nếu bất cứ người nào trong quý vị thấy mình sẽ
phục vụ tốt hơn nếu bỏ qua chuyến đi này, quý vị đó sẽ rời khỏi tàu cùng
với các sĩ quan thực tập, những thủy thủ đau yếu và những người khác xét
thấy không thích hợp cho nhiệm vụ. Tôi yêu cầu quý vị nào muốn như vậy,
hãy đến phòng báo cho tôi biết sau cuộc họp này.”
Tôi đã diễn dịch rộng rãi các chỉ thị của Phó Đô đốc Ito hơn, nhưng tôi
cảm thấy sự diễn dịch này nằm trong ý định của ông. Trong phòng riêng, tôi
nhìn tấm ảnh chụp chung toàn thể gia đình như nói lời vĩnh biệt, và nghĩ
đến hầu hết thủy thủ đoàn Yahagi đều là những người đã có gia đình, tôi tự
hỏi có bao nhiêu người sẽ nêu ra lý do này để ở lại? Hơn 1000 người chắc
chắn sẽ thiệt mạng nếu họ không đáp ứng lời kêu gọi của tôi. Tôi chờ đợi
tiếng gõ cửa, nhưng tôi đã kinh ngạc khi phụ tá của tôi là Trung tá Uchino
bước vào:
“Thưa Đại tá, chỉ có 22 sĩ quan thực tập, và 15 thủy thủ đau yếu.”
“Chỉ có bao nhiêu đó thôi sao, Uchino? Không còn ai khác muốn rời
khỏi tàu?”
“Dạ không, thưa Đại tá. Mọi người khác đều bằng lòng thi hành nhiệm
vụ.”
Tôi bước ra sàn tàu, đến trước mặt 37 người đang chờ đợi, tôi nói với họ:
“Các bạn được lệnh rời khỏi chiếc tàu này ngay bây giờ. Tôi biết rằng tất cả
các bạn sẽ có một cơ hội tốt đẹp hơn để chiến đấu cho quê hương sau này.”
Khi tôi quay lưng, một thanh niên nhảy ra khỏi hàng và la to: “Thưa Đại
tá, xin Đại tá cho phép tôi ở lại. Tôi xét mình vô dụng, nhưng nếu Đại tá để
tôi ở lại, bất kỳ việc gì tôi cũng làm hết.”
Một gã khác bật khóc: “Tại sao lại dựa vào lý do chúng tôi là những
người vừa mới ra khỏi Hàn Lâm Viện để loại bỏ chúng tôi? Chúng tôi có
thể làm công việc vệ sinh không đến nỗi mà?”
Tôi than thầm khi một số khác làm dữ hơn. Để dập tắt sự ồn ào này, tôi
hắng giọng, và nói: “Các bạn bước chân lên tàu này chỉ mới hai ngày. Ngay
cả một vòng thực tập sơ khởi các bạn cũng chưa hoàn tất. Các bạn là những
hạm trưởng tương lai, sinh mạng của các bạn không được phí phạm. Các
bạn phải lên bờ, đó là lệnh của tôi.”
Tôi dứt lời, quay lưng và rảo bước một vòng để xem qua các hoạt động
hối hả trên chiếc Yahagi. Mọi người bận rộn kiểm soát vũ khí và dụng cụ.
Khoảng 100 thủy thủ được trang bị lưỡi lê để sử dụng sau khi đổ bộ lên
Okinawa.
Thiết giáp hạm Yamato 72.400 tấn tiến sát vào bờ để nhận nhiên liệu tại
các ống dẫn dầu chuyển từ kho dầu Tokuyama. Các bồn chứa của kho dầu
trung ương khổng lồ này bị hút cạn trong nháy mắt.
Trong lúc ba xà lan cập dọc theo chiếc Yahagi để cung cấp nước uống,
tôi hỏi Uchino về tình trạng thực phẩm.
Hắn đáp: “Chúng ta đã nhận đầy đủ ở Kure, hiện thời thực phẩm trên tàu
có thể dùng ít nhất 20 ngày cho 1000 thủy thủ đoàn.”
Tôi hỏi: “Trong nước hiện đang lâm vào tình trạng thiếu thốn thực phẩm,
tại sao chúng tôi không chuyển hết lên bờ, chỉ chừa lại 5 ngày? Đối với
chuyến hải xuất chỉ một lượt đi của chúng ta, tôi nghĩ không cần phải mang
theo một số lượng thực phẩm quá thừa thãi như vậy.”
Uchino nói: “Tôi đồng ý với Đại tá! Để tôi yêu cầu các xà lan mang
những vật dụng thừa thãi đi hết cho rồi.”
Viên chỉ huy xà lan có vẻ ngơ ngác trước yêu cầu nhận khối hàng hóa
khổng lồ của chúng tôi. Tôi và Uchino không thể giải thích rõ các lý do cho
hắn hiểu, do đó chúng tôi phải tìm hết cách để nói và dỗ dành cho đến khi
hắn đồng ý mới thôi. Khi đồ dư đã được chuyển đi hết, chiếc Yahagi đã đến
đậu cạnh soái hạm Yamato để lấy nhiên liệu lần cuối cùng. Sau đó, chúng
tôi chạy ra xa để buông neo. Ba Chỉ huy trưởng hải đội và 3 hạm trưởng
được mời lên chiếc Yahagi để tham dự một buổi tiệc rượu vĩnh biệt.
Đề đốc Komura, chủ nhân của buổi tiệc này, không thể ngồi ủ rũ lâu hơn
sau khi khối lượng sake vĩ đại được tiêu thụ. Mọi người cố vui vẻ. Những
câu pha trò cũ kỹ nhàm chán vẫn gây được tiếng cười. Một số sĩ quan ca hát
hoặc biểu diễn các trò kỹ xảo nhanh tay lẹ chân, hay dở gì cũng được tung
hô vang dậy. Số lượng sake giảm sút nhanh, nhưng chưa có ai say khướt.
Chất rượu không công hiệu. Ai ai cũng đều cố gắng chứng tỏ dũng khí của
mình, nhưng mà có một cái gì không được tự nhiên trong giọng nói tiếng
cười. Buổi họp mặt tan trước nửa đêm một vài giờ, bỏ lại 30 chai sake loại
lớn không còn một giọt nào. Khi bước xuống cầu thang và leo lên ca nô
đang chờ đợi để trở về tàu, mọi người đều tỏ ra tỉnh táo và vững vàng.
Khi khách đã đi hết, Trung tá Uchino mời Đề đốc Komura và tôi tham
dự một bữa tiệc khác trong phòng ăn của chiếc Yahagi. Ở đây đã có khoảng
20 sĩ quan trung cấp tụ tập. Chúng tôi mời rượu, chúc tụng lẫn nhau, cất
tiếng hát những bài hát của Hải quân và cười đùa với những sĩ quan trẻ này.
Không giống như mấy viên sĩ quan hạm trưởng lớn tuổi, những người ở đây
đều vui đùa buông thả.
Sau đó, Komura, Uchino và tôi bước sang phòng kế bên. Nơi đây cũng
có một bữa tiệc cuối cùng dành cho các sĩ quan cấp thấp. Chúng tôi lại uống
rượu và ca hát với họ. Các bữa tiệc vĩnh biệt trên soái hạm Yahagi chấm dứt
vào lúc 23h30. Khi chỉ còn lại Komura, Uchino và tôi, tôi biết họ đã cùng
chia sẻ mối ưu tư của tôi. Đó là vấn đề chiếc Yahagi sẽ tìm cách đối phó với
nhiệm vụ trước mặt như thế nào. Về phần các sĩ quan thì có thể tạm yên,
nhưng còn hàng binh sĩ thì sao? Chúng tôi quyết định đi một vòng qua các
nơi nghỉ ngơi của họ. Trong những khoảng trống nhỏ hẹp trên chiếc tàu,
hàng ngàn chiếc võng giăng mắc tứ phía. Ngoại trừ tiếng ngáy của những
người nằm trên võng, không còn một tiếng động nào khác. Họ đều ngủ một
cách bình thản.
Chúng tôi nhón gót trở lên sàn giữa, và Uchino lên tiếng: “Họ ngủ như
những đứa trẻ. Sở dĩ họ bình tĩnh được như vậy là vì họ đã đặt sự tin tưởng
vào Đại tá. Họ biết rằng Đại tá sẽ bảo vệ họ, dù cho nhiệm vụ hiểm nghèo
như thế nào.”
Niềm vui tràn ngập đồng thời khối lượng rượu quá mức trong thân thể
tôi bắt đầu công phạt. Tôi cảm thấy mặt mày choáng váng, đôi chân lảo
đảo, và cơn say ùa đến thình lình. Những giọt nước mắt trào ra va chảy
xuống đôi má khi tôi bám vào một cây cột trên tàu và hét to: “Nhật Bản bất
diệt, Yahagi bất diệt..”
Tiếng hét này là những gì cuối cùng mà tôi còn nhớ được của cái đêm
khó quên đó. Uchino đỡ tôi vào phòng, và tôi rũ xuống trên giường.
Ngày hôm sau là thứ Bảy, 6 tháng 4, tôi thức dậy vào lúc 6h sáng. Thời
tiết trong sáng. Tôi bước lên sàn tàu, hít một hơi thở thật dài. Tôi lắc mạnh
đầu và ngạc nhiên thấy cơn say tối qua không để lại dấu vết nào hết.
Một cơn gió nhẹ lướt qua, sóng gợn lăn tăn trên mặt biển Nhật Bản êm
đềm. Xa xa, dọc theo bờ biển, hoa anh đào ánh lên một màu rực rỡ, và sau
quanh cảnh này là những rặng núi nổi bật dưới bầu trời sáng chói. Sự hy
sinh của chúng tôi cho quê hương tuyệt mỹ này không có gì đáng tiếc.
Uchino bước lên chào tôi. Tôi chào lại anh ta và nói: “Một ngày đẹp trời,
phải không Uchino?”
“Quá đẹp, thưa Đại tá. Một chiếc B-29 bay phía trên chúng ta vào lúc 1h
khuya, và 2 chiếc khác vào lúc 4h sáng. Địch đang bám sát động tĩnh của
chúng ta.”
Tôi im lặng gật đầu. Việc này đúng với dự đoán của tôi. Sau một vài
phút đứng nhìn về quê hương lần cuối, tôi quay vào phòng. Lúc 10h, một
thủy thủ giúp việc bước vào phòng và nói: “Thưa Đại tá, 15 phút nữa tàu
đưa thư cuối cùng sẽ rời khỏi đây để chạy đến Tokuyama. Đại tá có gì để
gửi đi không?”
“Không, không có gì cả.” Khi tên thủy thủ biến dạng, tôi lại cảm thấy
cần phải gửi một bức thư vĩnh biệt cho vợ tôi. Chỉ cần một vài hàng, vì thời
gian gấp rút quá rồi, tôi viết vội vã:
“Trong vòng hai năm qua, kích thước của Hạm Đội Hỗn Hợp đã rút nhỏ
lại một cách không thể tưởng tượng được. Hiện tại, anh là hạm trưởng của
tuần dương hạm duy nhất còn lại của hạm đội này - chiếc Yahagi 8.500 tấn.
Anh sắp thi hành một nhiệm vụ đặc biệt ở Okinawa. Đó là trách nhiệm và
cũng là một vinh dự to lớn được chỉ huy một chiếc tàu trong chuyến hải
xuất này. Em chỉ cần hiểu rằng anh rất sung sướng và hãnh diện được có
mặt trong dịp may này.
Vĩnh biệt!”
Tôi bỏ bức thư vào phong bì và dán lại, đoạn cầm chạy ra cầu thang,
ngay lúc chiếc tàu đưa thư sắp sửa lên đường. Trở vào phòng, tâm hồn tôi
cảm thấy thanh thản. Tôi nhìn 8 khu trục hạm đậu gần đó, nghĩ đến thời
gian qua và những gì xảy ra quanh các chiến hạm này.
Yukikaze (Tuyết Phong) đã tham dự nhiều trận đánh dữ dội nhưng vẫn
tồn tại. Chiếc tàu này cũng nổi tiếng không thua gì chiếc Shigure của tôi.
Tôi nhớ lại bài hát đã từng quảng bá ở Truk và Rabaul trước đây:
Shigure của Sasebo, Yukikaze của Kure.
Hai khu trục hạm kiên cố và bất diệt.
Phép lạ trong mơ của muôn ngàn thủy thủ.
Luôn luôn trở về sau chiến trận vinh quang.
Bài hát đã từng là một thúc đẩy tinh thần mạnh mẽ đối với thủy thủ của
tôi. Bây giờ Shigure đã ra đi vĩnh viễn, nhưng Yukikaze chắc chắn sẽ tiếp
tục chứng tỏ phép lạ của nó.
Tôi nhìn sang khu trục hạm Suzutsuki (Lãnh Nguyệt), 3.470 tấn, và nghĩ
đến thành tích đáng ngạc nhiên của tàu này. Hạ thủy vào cuối 1912,
Suzutsuki đã từng bị một tàu ngầm địch phóng 2 quả ngư lôi vào ngày 16
tháng Giêng năm 1944, gần Shikoku, eo biển Bungo. Mũi và lái bị vỡ,
nhưng “Lãnh Nguyệt” không chịu chìm và tìm mọi cách lết về Kure. Chín
tháng sau, “Lãnh Nguyệt” lại lĩnh thêm một quả ngư lôi của địch ở trước
mũi, cũng gần Shikoku, và giống như lần trước, chiếc tàu này vẫn ráng lết
về Kure và được sửa chữa lại. “Việc gì đã xảy ra hai lần thì thế nào cũng
xảy ra lần thứ ba,” tôi nghĩ và thoáng mỉm cười, nhưng lần này không thể
hiểu được số phận của Suzutsuki như thế nào.
Còn chiếc Hibiki, đáng lẽ nó phải có mặt trong lực lượng này, nhưng nó
bị trúng một trái mìn nổi vào sáng sớm ngày 5 tháng 5, và đã khập khễnh về
Kure. Tôi cảm tình đặc biệt với chiếc khu trục hạm nhỏ bé 1.980 tấn này.
Sự vắng mặt của nó thật đáng tiếc. Khi nghe tai nạn xảy ra, tất cả chúng tôi
đều tức bực. Một khu trục hạm Nhật bị hư hại vì trúng một quả mìn ngay
trên biển Nhật Bản là một điều nhục nhã. Thời gian đó, các pháo đài bay B-
29 của Hoa Kỳ đã rải rất nhiều mìn trên mặt biển này và ngay các thủy phận
khác của Nhật Bản cũng không an toàn. Vấn đề này đã ảnh nhưởng rất
nhiều trong quyết định tung tất cả chiến hạm còn lại của chúng tôi vào
Okinawa.
Nhìn đến chiếc Hatsushimo, tôi không thể tin là nó sẽ tồn tại trong
chuyến đi không có lượt về này. Sự thật lại trái ngược nhưng chiếc
Hatsushimo trở về chỉ để nhận lãnh một quả ngư lôi trong biển Nhật Bản
vào ngày 30 tháng 7 và trở thành chiến hạm thứ 129, cũng là khu trục hạm
cuối cùng của Nhật, bị đánh chìm trong Thế Chiến II.
Lệnh nhổ neo ban ra vào lúc 16h. Hải xuất “tấn công đặc biệt” của 10
chiến hạm thuộc Hạm Đội Hỗn Hợp đã phát động. Tuần dương hạm Yahagi
chạy dẫn đầu, kế đó là 3 khu trục hạm Isokaze, Hamakaze, Yukikaze và tiếp
theo là thiết giáp hạm Yamato, các khu trục hạm Asashimo, Kasumi và
Hatsushimo chạy nối đuôi phía sau.
Khi chúng tôi tiến với tốc độ 12 hải lý chậm chạp, nhằm để tránh mìn,
tôi liếc qua đội hình khiêm nhường của lực lượng, tôi hiểu rằng đây quả thật
là hải xuất cuối cùng của Hải quân Hoàng Gia, đồng thời tôi cảm thấy hãnh
diện khi được dẫn đầu chuyến đi định mệnh này.
Hai giờ sau, chúng tôi tiến vào eo biển Bungo, nằm giữa Kyushu và
Shikoku. Bên trái chúng tôi, bờ biển chạy dài ở phía Bắc Shikoku chỉ còn lờ
mờ trước tầm mắt. Tôi đứng lặng yên để chào vĩnh biệt hòn đảo sinh quán
này.
Qua khỏi eo biển nhỏ hẹp, hải vực đầy mìn đã nằm phía sau lưng, chúng
tôi gia tăng tốc độ. Nhưng những rắc rối mới đã xuất hiện trước mắt. Hai
chiếc B-29, bay cao khỏi tầm cao xạ, thả một loạt bom xuống ngay đoàn tàu
của chúng tôi. Không một quả bom nào trúng mục tiêu, nhưng thách thức
này đã báo trước hiểm nguy đang chờ đón chúng tôi. Tôi thấy bất an khi
nghĩ đến 10 chiến hạm, chỉ một chiếc Yamato và 2 khu trục hạm là có trang
bị radar phòng không. Radar của chiếc Yahagi chỉ hữu dụng trong việc
chống lại các mục tiêu trên biển mà thôi.
Nhưng hiện thời không có thời gian nhiều để quan tâm đến những vấn đề
như vậy. Mỗi chiến hạm đều tập họp thủy thủ trên sànn tàu. Trên chiếc
Yahagi, giữa sàn tàu rộng bao la, 1000 thủy thủ đứng im phăng phắc để
nghe tôi trình bày tóm lượt nhiệm vụ của chúng tôi và đọc một thông điệp
đặc biệt của Đô đốc Soemu Toyoda gửi đến:
“Hải quân Hoàng Gia đang phát động một cuộc tổng phản công chống
lại địch quân ở Okinawa, với sự phối hợp của tất cả lực lượng không hải bộ
của Lục Quân, dồn hết nỗ lực vào cuộc hành quân này nhằm lật ngược tình
thế của cuộc chiến.
“Hy vọng rằng mọi đơn vị và mọi binh sĩ đều nêu cao tinh thần chiến
đấu và diệt địch, nhờ vậy, quốc gia của chúng ta mới mong trường tồn, vì
vận mạng của quốc gia đều nằm trong cuộc hành quân này.”
Không một tiếng động nào khác ngoài tiếng chạy rì rầm của máy tàu,
tiếng vỗ của sóng và tiếng phần phật của lá cờ Mặt trời mọc đang tung bay
trên cột. Tôi tiếp tục:
“Các bạn vừa nghe thông điệp đặc biệt của Tổng Tư Lệnh. Tôi muốn
thêm một đôi lời về nhiệm vụ tấn công đặc biệt của chúng ta.”
“Như các bạn đã biết, hàng nhiều trăm chiến hữu của chúng ta đã thực
hiện những chuyến bay không trở về để chống lại đối phương và hàng ngàn
phi công tự nguyện thi hành cùng một nhiệm vụ này đang chờ đợi trên khắp
các phi trường. Hàng nhiều trăm chiến hữu khác đã sẵn sàng trên các tàu
ngầm tự sát. Hàng nhiều ngàn chiến hữu khác nữa sẽ lái tàu phóng lôi chứa
chất nổ hoặc đích thân mang chất nổ lặn sâu xuống đáy biển để hủy diệt
chiến hạm địch quân.”
“Công việc của chúng ta, trong nhiệm vụ này, là chia sẻ sự dũng cảm của
các chiến hữu đó. Nhiệm vụ của chúng ta có vẻ như là tự sát, và sự thật nó
là như vậy. Nhưng tôi muốn nhấn mạnh rằng đó không phải là mục đích của
chúng ta. Mục đích của chúng ta là chiến thắng.”
“Đừng ngần ngại trong việc bảo vệ mạng sống của mình. Chúng ta bắt
buộc phải chống trả bất kỳ nỗ lực nào của địch quân nhằm ngăn trở nhiệm
vụ của chúng ta, nhưng không vì vậy mà chúng ta xem thường mạng sống
của mình.”
“Chúng ta không phải là những con cừu non dùng để tế thần. Chúng ta là
những con sư tử được thả ra đấu trường để nuốt tươi đấu thủ. Chúng ta
không phàn nàn hối tiếc khi phải hy sinh cho quốc gia.”
“Lập tức, khi chiếc tàu này bị hư hại nặng hay bị đánh chìm, các bạn
đừng lưỡng lự trong việc tự cứu mình, bởi lẽ thua keo này sẽ bày keo khác.
Tôi nhắc lại, nhiệm vụ giao cho các bạn không phải là tự sát, mà là đánh bại
đối phương.”
Thấp thoáng trong mây, ánh trăng xuân phủ một màu nhợt nhạt lên đám
thính giả yên lặng và bất động như những pho tượng của tôi. Sự im lặng
đầy căng thẳng này kéo dài cho đến khi một sĩ quan đứng ở hàng đầu lên
tiếng:
“Thưa Đại tá, xin Đại tá cho phép tôi hỏi một câu?”
Tôi gật đầu đồng ý cho Đại úy Kenji Hatta hỏi. Anh ta tiếp tục: “Trong
suốt 4 năm theo học ở Hàn Lâm Viện, chúng tôi được dạy dỗ rằng phải
sống chết với chiếc tàu, có nghĩa là chúng tôi không được bỏ rơi chiếc tàu
của chúng tôi trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Đại tá có thể giải thích rõ hơn về
những lưu ý của Đại tá, theo tôi, hình như phủ nhận những gì mà chúng tôi
được dạy dỗ.”
Câu hỏi này hiển nhiên nằm trong đầu của các sĩ quan hiện diện. Tôi
đáp: “Câu hỏi rất có lý. Tôi sẽ cố gắng giải đáp. Nếu chiếc tàu sắp chìm các
bạn phải lập tức bỏ rơi, không chần chờ một giây phút nào. Việc này có vẻ
trái ngược với những gì các bạn đã từng được dạy dỗ trong quá khứ, nhưng
tôi sẽ giải thích.”
“Chúng ta đã tiến đến một điểm bối rối nhất trong cuộc chiến này. Vật
lực của địch quân đã đành là ghê gớm nhưng điều quan tâm hơn hết của
chúng ta là vấn đề thiếu nhân sự giỏi, bởi vì chúng ta đã thiệt mất quá nhiều
ngoài mặt trận. Phải mất 5 năm mới đào tạo được một sĩ quan, do đó sự mất
mát này không thể thay thế mau lẹ được. Nhiều thủy thủ rành nghề đã thiệt
mạng vì họ xem rẻ mạng sống của họ. Nếu nhiệm vụ của chúng ta là chiến
thắng cuộc chiến này, chúng ta phải kiên nhẫn.”
“Trong thời phong kiến, mạng sống của con người bị phí phạm một cách
vô ích, nhưng chúng ta là những con người của thế kỷ 20, chúng ta không
thể làm như vậy. Giáo điều Bushido (tâm niệm của giới võ sĩ đạo) dạy rằng
một Samurai phải sống một đời sống như thể hắn luôn luôn chuẩn bị để
chết. Câu này thường bị lạm dụng và diễn giải sai lầm. Nó không có nghĩa
là một Samurai phải tự sát, nếu hắn vấp phải những sai lầm không đáng kể.
Đúng ra, nó có nghĩa là một Samurai đã chọn một đời sống như vậy, hắn sẽ
không hối tiếc khi phải chết. Bushido chỉ kêu gọi tự sát khi chúng ta vấp
phải những sai lầm to lớn. Cái chết đến với một người bất kỳ lúc nào,
không cần biết đến người đó đã sống một đời sống ra sao. Cái chết chỉ khác
nhau ở ý nghĩa mà thôi. Câu hỏi của anh được giải đáp như vậy có ổn chưa,
Hatta?”
“Ổn lắm, thưa Đại tá!” Anh ta nói lớn. “Tôi đồng ý với Đại tá hoàn toàn.
Cám ơn Đại tá rất nhiều.” Và hắn ta đưa tay chào tôi.
Tôi lớn tiếng: “Tất cả chúng ta hãy tận lực để xoay dòng thủy triều của
cuộc chiến.”
Cuộc họp chấm dứt bằng những tiếng hoan hô Nhật Hoàng và Yahagi
đồng loạt như sấm dậy của toàn thể thủy thủ đoàn.
Một cuộc thực tập tấn công cuối cùng đã diễn ra trên hải trình của chúng
tôi. Soái hạm Yamato được xem là địch quân và tất cả các chiến hạm khác
vừa chạy vừa tấn công vào mục tiêu này. Đây là lần đầu tiên chiếc Yahagi
có cơ hội đạt đến tốc độ tối đa 35 hải lý. Nhưng thời gian thực tập này rất
ngắn ngủi, chúng tôi phải chạy về đội hình để tiến về phía Nam.
Truyền tin của chúng tôi đã bắt được công điện chuyển đi từ một chiếc
tàu ngầm địch quanh quẩn đâu đó. Yamato ra lệnh quay về hướng phải để
tiến sát vào Kyushu nương tựa bờ biển phía Đông của hòn đảo này. Trăng
lên, đại dương đen thẫm, và thời tiết đột nhiên trở xấu. Các quan sát viên
mở hết mắt nhưng cũng không nhìn thấy gì cả. Mọi người căng thẳng,
nhưng tàu ngầm địch không tấn công.
Tôi không biết vào ngày hôm đó khu trục hạm cũ của tôi là chiếc
Amatsukaze bị phi cơ địch oanh tạc tan tành ở Đông Hải của Trung Hoa,
thảm họa nhỏ này mở màn cho thảm họa lớn hơn giáng xuống hạm đội của
chúng tôi. Nhưng cho dù biết được tin tức không tốt lành của chiếc
Amatsukaze, tôi cũng không cho đây là một điềm dữ báo trước. Bởi vì, như
tôi đã nói với thủy thủ đoàn của chiếc Yahagi, tôi vẫn luôn luôn nghĩ của
hành quân hiện tại sẽ thành công. Trong đầu tôi cũng không có một nơi nào
dành cho sự chiến bại.
Một hàng dọc, chạy theo hình chữ chi, với tốc độ 20 hải lý, hạm đội của
chúng tôi tiến dọc theo bờ biển phía Nam Kyushu. Lúc 7h sáng ngày 7
tháng 4, một lần nữa, chúng tôi xoay sang hướng 210 độ, giả vờ tiến tới
Sasebo, nằm ở phía Tây Nam Kyushu. Trên đoạn hải trình nghi binh này, 10
chiến hạm từ từ tạo một đội hình vòng tròn bao quanh soái hạm Yamato,
với một đường bán kính 2.000m.
Vị trí của chiếc Yahagi ở ngay trước mũi Yamato. Tính theo chiều kim
đồng hồ, (tức bên trái Yahagi) ví trí của 8 khu trục hạm nằm trong phần
vòng tròn còn lại như sau: Asashimo ở hướng 7 phút rưỡi, Kasumi 15 phút,
Fuyutsuki 21 phút, Hatsushimo 27 phút, Yukikaze 39 phút, Hamakaze 45
phút và Isokaze ở hướng 52 phút rưỡi.
Ngay sau khi vòng tròn này lập xong, các chiến hạm gia tăng tốc độ lên
24 hải lý và chạy theo hình chữ chi trở lại. Nét đầu tiên của chữ chi xoay
hướng tiến của đoàn tàu 45 độ, Asashimo trở thành chiếc tàu dẫn đầu. Nét
thứ hai mang chiếc Isokaze về phía trước, và cứ tiếp tục như vậy. Đội hình
di chuyển này đòi hỏi sự điều động phải tuyệt đối chuẩn xác, rất hữu hiệu
trong việc chống lại các cuộc tấn công của tàu ngầm, nhưng lại khó đương
đầu với phi cơ nhanh nhẹn, có thể nhắm vào bất kỳ góc độ tấn công nào
cũng được.
Đội hình và lối chạy vừa nói đã được quyết định trong một cuộc họp
cuối cùng của Ito trên soái hạm Yamato. Quyết định này sẽ sớm chứng tỏ sự
sai lầm của nó.
Thời tiết tốt đẹp suốt ngày hôm đó và cho đến sớm hôm sau thì hoàn
toàn thay đổi. Mây che kín bầu trời và như bay là đà trên mặt biển.
Không một tia nắng nào xuyên nổi qua những lớp mây dày đặc này. Mưa
không biết đến lúc nào. Một ngày đáng lo ngại.
Bờ biển Kyushu biến mất nhanh chóng khi chúng tôi xoay sang hướng
Nam để chạy ra Đông Hải. Từ khi khởi hành, lần đầu tiên tôi cảm thấy bất
an. Thời tiết hiện tại đầy bất lợi cho một cuộc đi biển. Giữa ban ngày, tầm
nhìn giới hạn chỉ 20.000m. Được trang bị radar tối tân, với khoảng cách
quan sát này, phần lợi sẽ nghiêng hẳn về phía địch quân. Một cơn mưa bão
mù mịt sẽ che chở chúng tôi rất nhiều, nhưng đó chỉ là hy vọng hão huyền
mà thôi. Tôi tự hỏi tại sao chúng tôi không chọn một ngày thời tiết thuận lợi
hơn cho nhiệm vụ tuyệt vọng này.
Các quan sát viên của Yahagi hớn hở báo tin 20 chiến đấu cơ Zero bay
đến từ hướng Bắc. Chúng lướt ngang thật thấp trên đầu chúng tôi và quay
lại một lần nữa, lần này ẩn hiện trong những lớp mây dày đặc. Uchino hỏi
có phải những chiến đấu cơ này đến để bao che cho lực lượng của chúng tôi
hay không?
Komura bình thản đáp: “không, Uchino, mấy chiếc phi cơ này không
dính dáng gì đến lực lượng chúng ta. Chúng ta không được bao che trên
không. Đây là một phi xuất huấn luyện thường lệ. Có lẽ Kusaka ra lệnh cho
mấy tên phi công non nớt này bay trên đầu chúng ta để nói lời vĩnh biệt.”
Sự im lặng kéo dài trên đài chỉ huy của tuần dương hạm Yahagi cho đến
khi Yamato báo tin một trong hai chiếc phi cơ còn lại trên soái hạm này sẽ
cất cánh bay về căn cứ không quân Ibusuki, và đồng thời ra lệnh cho Yahagi
gửi đi một trong hai chiếc phi cơ của mình. Yamato thường mang theo 7 phi
cơ, nhưng 5 chiếc đã được bỏ lại ở Kure. Chiếc thứ sáu vừa cho cất cánh,
cùng lúc với chiếc của Yahagi, bởi lẽ Ito không muốn chúng bị phí phạm vô
ích trong chuyến đi cầm chắc cái chết trong tay của chúng tôi.
Trước khi cất cánh, viên phi công của Yahagi đã đến trình diện tôi . Anh
đứng nghiêm và nói: “Tuân lệnh, tôi sẽ về Ibusuki ngay bây giờ, nhưng ở
đó tôi sẽ tình nguyện thực hiện một phi vụ tự sát và sẽ sớm gặp lại Đại tá.”
Khi đã ở trên không, chiếc phi cơ bay tuần trên đầu chúng tôi ba vòng và
sau đó trực chỉ Kyushu.
Trong khi Yamato và Yahagi chuẩn bị cho cất cánh hai chiếc phi cơ cuối
cùng, chúng tôi phát hiện hai phi cơ không nhận rõ lai lịch ở phía Bắc, nên
công việc này được đình chỉ. Các trinh sát cơ của chúng tôi không thể nào
chống lại các chiến đấu cơ địch.
Uchino càu nhàu: “Tại sao các chiến đấu cơ hồi nãy của chúng ta không
được giữ lại để chống với phi cơ địch?”
Komura đáp một cách điềm tĩnh: “Hãy bình tĩnh, Uchino, anh cũng biết
mấy viên phi công non nớt của chúng ta làm sao chống nổi với mấy tên phi
công kinh nghiệm của đối phương.”
Mây sà thấp hơn, thời tiết càng tồi tệ, và vào lúc 8h, mưa phùn bắt đầu
rơi xuống. Các chiến hạm của chúng tôi, cũng trong đội hình vòng tròn, vẫn
tiến thẳng về hướng định mệnh, dưới sự dòm ngó liên tục của các phi cơ
quan sát địch. Trong lúc đó, các chiến đấu cơ Nhật vẫn bình thản tiếp tục
nhiệm vụ huấn luyện. Tôi đã gặp nhiều loại hành quân, nhưng chưa có loại
nào như vậy. Đây là một cuộc hành quân kỳ quái.
Lúc 9h, khu trục hạm Asashimo, chạy phía phải Yahagi, bỗng nhiên
giảm tốc độ. Xuyên qua ống dòm, tôi nhận thấy rõ khuôn mặt ông bạn
Sugihara của tôi , hạm trưởng của chiếc Asashimo đang đứng trên đài chỉ
chuy, đang lộ vẻ bối rối. Tín hiệu bằng cờ của chiếc tàu này cho biết nó bị
trục trặc máy móc. Nhìn Asashimo rơi dần lại phía sau, tách rời khỏi đội
hình, tôi lo lắng, nên gửi ngay một thông điệp yêu cầu cho biết tin tức rõ
hơn.
Asashimo đáp: “Đang nỗ lực sửa chữa. Hy vọng bắt kịp đồng đội sớm.”
Nhưng chiếc tàu càng lúc càng rơi lại phía sau, vào lúc 10h thì không còn
thấy tăm dạng đâu nữa. Komura ra lệnh cho khu trục hạm Kasumi điền vào
khoảng trống và bốn khu trục hạm kế phía sau đôn lên. Việc điều chỉnh này
khá dễ dàng cho dù đoàn tàu vẫn tiếp tục chạy theo hình chữ chi.
Nhưng đối với tôi không dễ dàng, khi tôi biết rằng vị trí của chiếc
Asashimo, yểm trợ cạnh sườn phải của tôi, hiện thời được một chiếc tàu
nhỏ nhất trong lực lượng thay thế. Đó là một điều bất lợi.
Truyền tin của chúng tôi vừa chặn bắt thêm được một công điện của địch
quân, lần này do phi cơ bay rất gần đoàn tàu của chúng tôi chuyển đi. Việc
này chứng tỏ hướng tiến giả vờ của chúng tôi không ích lợi gì cả. Địch quân
đã biết người biết ta rồi.
Lúc ấy, có 3 tàu buôn 2.000 tấn lướt qua, tạo một không khí vui vẻ phần
nào cho chúng tôi . Có nhiều thủy thủ nói rằng họ không ngờ Nhật Bản còn
có những tàu buôn to lớn đến như vậy.
Vào lúc 11h30, một thủy phi cơ được phát hiện cách 20.000 ở phía
Đông. Chiếc phi cơ bay ngoài tầm súng, xoay vòng tròn quanh đoàn tàu, và
gửi đi báo cáo chi tiết về hoạt động của chúng tôi. Điều đáng tức giận là
chúng tôi không có một chiến đấu cơ nào để cho cất cánh và bắn kẻ đang đe
dọa đến sự an toàn của chúng tôi. Trong khi tôi đang nhìn chiếc thủy phi cơ
bay ngoài tầm cao xạ một cách thèm thuồng, phòng truyền tin báo cáo:
“Căn cứ quan sát ở Omami Oshima cho biết 150 phi cơ địch đang hướng về
phía Bắc.”
“Chúng đến đây rồi.” Komura nói với một nụ cười méo mó…….
Omami Oshima là hòn đảo nằm giữa Kyushu và Okinawa. Không cần
nhìn hải đồ, mọi sĩ quan trên đài chỉ huy đều biết rằng các phi cơ này sẽ đến
trên đầu chúng tôi trong vòng một giờ nữa.
Yamato ra lệnh gia tăng khoảng cách các chiến hạm lên 5.000m, một
khoảng cách căn bản để chống không kích. Yahagi và 7 khu trục hạm khác
gia tăng tốc lực, và các xạ thủ vào vị trí chiến đấu.
Sáu khẩu đại pháo 150mm, 4 khẩu phòng không 80mm và 40 khẩu đại
liên của Yahagi đều chĩa thẳng lên trời. Trưa đến, không có một dấu hiệu
nào cho thấy sắp xảy ra một cuộc tấn công, đầu bếp mang bữa ăn trưa đến
các vị trí chiến đấu. Mọi người ăn uống vội vã. Tôi rất hài lòng khi nhìn
thấy sự chuẩn bị chu đáo như vậy. Sự lo lắng của tôi biến mất và tôi biết
chiếc Yahagi sẽ ghi điểm thắng lợi đầu tiên.
Vào lúc 12h20, radar của Yamato phát hiện “rất nhiều phi cơ địch còn
cách 30.000m ở hướng 35 độ mạn trái,” và ra lệnh cho tất cả các chiến hạm
hướng về phía trước với tốc độ tối đa và chuẩn bị chống phi cơ.
Mệnh lệnh được thi hành chu đáo. Tất cả chiến hạm đều đạt tốc độ gần
30 hải lý. Với Komura và các sĩ quan khác, tôi leo lên đài chỉ huy tác xạ
nằm phía sau đài chỉ huy chính. Những cuộn sóng khổng lồ nổi lên sau khi
soái hạm Yamato lướt ào ạt trên mặt biển với tốc lực tối đa. Chiếc thiết giáp
hạm 72.000 tấn này đã thu hút muôn ngàn cặp mắt đổ dồn vào nó.
Yamato đã trở thành niềm tin thần thánh với toàn thể binh chủng Hải
quân. Niềm tin này càng dâng cao khi Yamato trở về an toàn sau trận đánh
ở Vịnh Leyte mà không bị một vết sướt nào, trong khi chiếc thiết giáp hạm
cùng lớp Musashi bị đánh chìm. Đề đốc Nobuei Morishita, từng chỉ huy
Yamato trong trận Leyte, hiện là tham mưu trưởng của Ito, do đó theo tôi
nghĩ, chắc chắn ông sẽ mang đến may mắn cho chiếc tàu này một lần nữa.
Nhưng ai có thể tưởng tượng chiếc thiết giáp hạm vĩ đại này sẽ bị đánh
chìm trong vòng hai giờ nữa?
Ngay cả đứng trên đài chỉ huy tác xạ, chúng tôi vẫn không thể nhận thấy
chiếc phi cơ nào bay đến. Mây sà thấp trên mặt biển ở cao độ 1500m, và
một cơn mưa luồng thình lình trút xuống bao phủ mọi cảnh vật chung
quanh chúng tôi. Thời tiết tồi tệ như thế là cùng. Hiện thời phi cơ địch chắc
chắn đã ở trên đầu, nhưng vì mây che phủ nên chúng tôi không nhìn thấy.
Mặc dù hỏa lực của Yahagi được loại radar mới hướng dẫn, nhưng chỉ hữu
hiệu với các mục tiêu trên mặt biển mà bất lực trước các mục tiêu trên
không. Nếu một phi cơ địch bất thần chui ra khỏi các đám mây, tôi biết rằng
mọi loại súng thông thường của chúng tôi bó tay, ngay cả thời gian để nhắm
vào mục tiêu cũng không có đủ.
Một quan sát viên la lớn: “Hai phi cơ địch ở trước mũi tàu, chếch về mạn
trái.”
Tôi nhìn lên trời. Không phải hai mà là hai mươi, bốn mươi và có thể
nhiều phi cơ hơn nữa chui ra khỏi đám mây. Khi tôi ra lệnh khai hỏa, đồng
hồ chỉ đúng 12h32.
Thay vì chúi xuống tấn công chúng tôi ngay lập tức, các phi cơ bay vòng
tròn theo chiều kim đồng hồ, ngay phía dưới những cụm mây. Sau đó, một
trong ba nhóm phi cơ này tách ra, bay vòng tròn ngược lại với chiều kim
đồng hồ. Diễn biến lạ lùng này đã gây rối loạn cho chúng tôi. Các xạ thủ đã
cố gắng điều chỉnh tầm súng, nhưng hình như không thể nào khai hỏa kịp.
Địch quân chắc hẳn đang ngắm nghía nạn nhân của họ để lựa chọn tấn
công vào các mục tiêu đặc biệt. Một vài chiến hạm của chúng tôi khai hỏa
lẻ tẻ khi các phi cơ vừa xuất hiện và sau đó bắt đầu khai hỏa toàn diện. Chín
đại pháo 460mm bắn một vài trái đạn loại số 3 – tức loại đạn nổ trên không
– nhưng còn cách mục tiêu quá xa. Thình lình, tất cả các phi cơ đảo cánh và
chúi xuống như sấm sét, nhắm vào các mục tiêu đã được chọn lựa, trong lúc
đa số súng trên các chiến hạm Nhật vẫn còn loay hoay định hướng.
Nhóm phi cơ đầu tiên chúi xuống tuần dương hạm Yahagi là 4 oanh tạc
cơ Avenger (TBM). Tất cả mọi loại súng trên tàu đều khai hỏa, nhưng chỉ
nhắm đại khái, cùng lúc với loạt bom được thả xuống hướng vào mạn trái
của chiếc tàu. Tôi ra lệnh bẻ hết tay lái về phía phải. Chiếc Yahagi đáp ứng
lệnh này một cách hoàn mỹ. Mấy quả bom rơi xuống cách tàu 500m, tạo ra
những cột nước thật cao.
Nhóm phi cơ thứ hai đâm đầu thật sát vào chiếcYahagi là các chiến đấu
cơ F-6F Hellcat. Tôi nhìn thấy cả gương mặt của một viên phi công Hoa Kỳ
khi hắn ta cho phi cơ lên cao trở lại, vượt ngang qua phía trước chúng tôi.
Đạn đại liên bắn như vãi trấu, chạm trổ dọc theo thân chiếc tàu, nhưng rất
may là không có thủy thủ nào trúng đạn. Các xạ thủ vẫn giữ vững vị trí và
bắn không ngừng nghỉ, nhưng đều phí công vô ích.
Tôi liếc mắt một vòng, nhận thấy tất cả các chiến hạm đều chạy với tốc
lực tối đa, gây những làn sóng trắng xóa trên đại dương đồng thời mọi loại
hỏa lực đều lên tiếng. Nhìn xuống mặt nước, tôi phát hiện nhiều làn bọt sủi
lên một cách bất thường. Tôi hiểu ngay đó là ngư lôi do phi cơ địch thả
xuống đang lướt đến tàu chúng tôi.
“Xoay phải lập tức! Tốc độ tối đa!” Tiếng hét của tôi cùng lúc với hàng
chục chiếc phi cơ đang chúi đầu xuống. Những quả bom màu đen tạo nên
những tháp nước màu trắng vượt cao lên không có cả trăm mét. Sau loạt
bom, các chiến đấu cơ quay lại và sà thấp xuống quạt đại liên vào chúng tôi.
Mọi loại súng trên Yahagi giăng một tấm màn lửa trên không. Cả hai phía
vẫn chưa ai ghi được điểm.
Một quan sát viên la chói lói: “Thêm nhiều oanh tạc cơ mới đến.” Tôi
hét: “Bẻ lái sang phải lập tức!” Xoay gấp rút, chiếc tuần dương hạm 8.500
tấn hơi lảo đảo, khiến cho hướng nhắm của tất cả súng trên tàu đều sai lạc,
nhưng phi cơ địch cũng phải điều chỉnh lại góc độ oanh tạc.
Khi nhóm phi cơ thứ tư đã đến trên đầu chúng tôi, phòng truyền tin báo
cho biết chiếc Asashimo đang bị tấn công. Không có thời gian để nghĩ đến
chiếc tàu hỏng máy đơn độc này, chúng tôi còn mắc bận lo bảo vệ lấy thân.
Cho Yahagi lướt xuyên qua tấm màn lửa bom đạn, và một lần nữa, chúng
tôi thoát khỏi. Bây giờ tôi mới nghĩ đến chiếc Asashimo. Với máy móc trục
trặc, chiếc tàu này khó có thể tồn tại trước cuộc tấn công. Đối phương đã
dồn hết nỗ lực để đánh lực lượng chính của chúng tôi trong khi vẫn còn
thừa một số phi cơ để truy đuổi một kẻ chạy lang thang ở khoảng cách xa
hơn 20 dặm, đó là một việc kỳ dị không thể tưởng.
Thiết giáp hạm Yamato vẫn lao hết tốc lực về phía trước. Các khu trục
hạm chạy quanh
quẩn đây đó, thoạt ẩn thoạt hiện trong làn sóng bủa cao trên mặt đại
dương, được tô điểm thêm bằng những chiếc nấm khổng lồ do những quả
bom tạo nên. Nhiều quả bom lạc xa, gần trúng hoặc trúng mục tiêu, khiến
quanh cảnh thay đổi liền liền, từ ngoạn mục sang hồi hộp và đến khủng
khiếp.
Nhiều phi cơ khác lại ùa đến quyết nhận chìm chiếc Yahagi, nhưng nó
vẫn thoát khỏi. Điều này khiến tôi yên tâm, vì nhận thấy lối chạy uốn éo và
xoay trở nhanh chóng không ngờ lại tránh né phi cơ địch một cách hữu
hiệu. Nếu có đầy đủ thời gian để cân nhắc, tôi sẽ không bao giờ cho tàu
chạy theo lối này.
Một làn nước trắng xóa chĩa thẳng vào chiếc tàu: ngư lôi của địch quân.
Tôi ra lệnh bẻ lái, nhìn xuống, và thở hổn hển….
Một làn nước trắng xóa chĩa thẳng vào chiếc tàu: ngư lôi của địch quân.
Tôi ra lệnh bẻ lái, nhìn xuống, và thở hổn hển. Ba quả ngư lôi chỉ chạy các
chiếc tàu chỉ vài mươi mét. Đó là ngư lôi do các oanh tạc cơ địch vừa thả
xuống. Không theo dõi những kẻ tấn công đang vượt qua như sấm động
trên đầu, tôi nhìn chăm chăm theo những làn nước sủi bọt. Một lần nữa,
chiếc Yahagi vẫn đứng vững trong cơn bão tố. Nhưng ngay lúc đó, chiếc tàu
bỗng rùng mình. Một quả ngư lôi trúng ở mạn trái, chính giữa thân tàu,
ngay dưới mực nước.
Và một biến cố kế tiếp mà ngày này tôi không sao tin được nó có thể xảy
ra. Chiếc Yahagi chạy một cách lừ đừ, chậm chạp đâu khoảng vài phút rồi
khựng lại thình lình và dừng hẳn. Một chiến hạm to lớn như thế này mà
bỗng nhiên chết đứng chỉ vì một quả ngư lôi duy nhất chạm phải là điều
không thể nào chấp nhận được. Nỗi ngẩn ngơ của tôi càng gia tăng khi tôi
nhìn xuống đồng hồ : 12h46. Nghĩa là chúng tôi mới chiến đấu có được 12
phút.
Tôi yêu cầu phòng máy báo cáo tình trạng hư hại. Không ai trả lời. Tôi
gọi lại, nhưng vẫn như lần trước. Bây giờ tôi hiểu ngay là quả ngư lôi đã
trúng ngay phòng máy. Tôi than trời, nhưng đối phương không cho phép
than thở. Sáu chiếc phi cơ khác chúi mũi xuống để thả bom. Tôi nhìn thấy
rõ ràng một quả bom trúng ngay sàn giữa và nổ tung, đốn ngã ít nhất 10
thủy thủ, và có sáu cái xác bay tung lên không. Tiếp theo một tiếng nổ ở
phía sau lái khiến toàn thân chiếc Yahagi rung chuyển dữ dội.
Một thoáng, tôi nhớ lại hình ảnh chìm dần của chiếc tàu chuyển vận
Tokyo Maru, nạn nhân của một quả ngư lôi duy nhất trúng ngay buồng máy.
Cùng lúc, tôi nhớ lại hình ảnh hai tuần dương hạm khổng lồ Repulse và
Prince of Wales của Anh quốc, cả hai đã bị đánh chìm bởi một số lượng phi
cơ Nhật Bản nhỏ hơn số lượng đang đối đầu với chúng tôi rất nhiều. Niềm
tin từ lâu trong lòng tôi bỗng tiêu tan.
Một thủy thủ chạy việc hối hả leo lên tháp báo cáo: “Ngư lôi phá vỡ
ngay buồng máy và nước đã tràn vào đầy cả rồi!”
Tôi hỏi: “Các vách ngăn để nước khỏi tràn qua các buồng khác thì sao?”
“Các thủy thủ đang làm công việc này, thưa Đại tá.”
Chiếc tàu nghiêng về mạn phải ở một mức độ đáng ngại. Tôi nghe
Komura nói: “Hamakaze tiêu rồi.” Tôi nhìn sang phía trái, về phía Komura
đang nhìn trừng trừng, tôi chỉ kịp thấy cái bụng sơn màu đỏ chói của chiếc
Hamakaze trước khi nó biến mất giữa những lượn sóng.
Chúng tôi chưa kịp đắp điếm vết thương thì một cuộc tấn công mới lại
ùa đến. Uchino chạy xuống cầu thang để ra lệnh cho các xạ thủ. Đó là lần
cuối cùng tôi thấy viên phụ tá xứng đáng của tôi. Tất cả mọi loại súng đều
khai hỏa, và lần đầu tiên trong trận đánh này, Yahagi đã bắn hạ hai phi cơ
địch.
Chiếc tàu, đã chết đứng trên mặt nước, nhận lãnh bom đạn của hết loạt
phi cơ này đến loạt phi cơ khác. Phi công địch can trường đâm thẳng vào
hàng rào hỏa lực của chúng tôi. Đuôi chiếc tàu lại trúng bom và rung
chuyển dữ dội. Tôi nhìn ngoái lại, và nhận thấy ba xác người tung lên cao
có gần 20m. Cùng lúc, Yahagi lĩnh thêm một quả ngư lôi vào trước mũi
nữa.
Chiếc tàu rung động như một tờ giấy căng trước gió. Bám chặt vào chấn
song của pháo tháp chỉ huy, tôi thấy rõ lỗ thủng vĩ đại ở trước mũi Yahagi
do quả ngư lôi gây ra. Độ nghiêng của chúng tôi gia tăng nhanh chóng. Một
nhóm oanh tạc cơ và chiến đấu cơ khác lại bay đến, và tất cả đều dồn hết
hỏa lực vào chiếc mũi đã bị vỡ tan của chiếc Yahagi. Những tràng đại liên
đinh tai nhức óc của phi cơ địch được chấm câu bằng tiếng nổ dữ dội của
một quả bom trúng thẳng vào pháo tháp số 1, thổi bay toàn thể pháo thủ và
nghiền nát những người đứng ở sàn giữa. Một điều lạ lùng là không có quả
bom nào trúng đài chỉ huy chính hoặc tháp chỉ huy tác xạ. Nhưng tất cả
đinh tán đều long ra hết, khiến hai nơi đây rung động liên hồi, không biết
sụp xuống lúc nào. Sườn của pháo tháp số 1 vẫn còn nguyên nhưng áp lực
của quả bom 250 cân Anh thổi bay tất cả vách thép dày bao chung quanh.
Khói màu vàng cay nồng len lỏi qua các lổ thủng bay lên. Giữa cảnh tàn
phá, tôi sửng sốt khi nghe một tiếng la to của sĩ quan pháo thuật, Đại úy
Hatta, ra lệnh tháo nước vào kho chứa đạn của pháo tháp số 1 . Khói màu
vàng tan dần vì lửa bị dập tắt. Nếu kho đạn này nổ, chiếc tàu sẽ chìm nhanh
chóng, những kẻ còn lại không mong gì sống sót. Nhưng kho chứa đạn đầy
nước sẽ khiến cho độ nghiêng của chiếc tàu càng trầm trọng thêm.
Phi cơ địch vẫn tấn công không ngừng nghỉ, và nhóm kế tiếp đã oanh tạc
trúng đích nhiều đến nổi tôi không thể nào đếm xuể. Khi những tiếng nổ
chấm dứt, tôi rùng mình khi nhận thấy nhiều ụ súng và các xạ thủ đều biến
mất. Một viên chỉ huy có thể chịu đựng bao lâu trước cảnh thuộc cấp của
mình lần lượt bị xé tan thành từng mảnh? Vẫn chưa trái bom nào trúng đài
chỉ huy chính hoặc đài chỉ huy tác xạ.
Tôi bừng tỉnh khi phòng ngư lôi gọi tên tôi. Đó là Thiếu Tá Takeshi
Kameyama, yêu cầu cho phép phóng tất cả ngư lôi trong ống. Ông ta nói:
“Nếu các quả ngư lôi này nổ, chiếc tàu sẽ bị phá tung.”
Tôi chấp thuận. Lập tức , một loạt 16 quả ngư lôi được phóng ra. Tôi
tưởng tượng đến cảnh hư hại mà những quả ngư lôi này có thể gây ra cho
lực lượng địch quân. Đó là tưởng tượng ở giây phút cuối cùng của định
mệnh.
Hành động của Thiếu tá Kameyama không sớm quá một giây. Quả ngư
lôi cuối cùng vừa thoát ra mặt nước, nhiều quả bom rơi xuống phá tung các
ống phóng và đốn ngã tháp sau của Yahagi. Vẫn an toàn trên đài chỉ huy tác
xạ, tôi nhìn về phía cuối tàu và nhận thấy chiếc máy phóng phi cơ của
chúng tôi đã tan ra thành từng mảnh. Chiếc phi cơ duy nhất, một phút trước
đây vẫn còn toàn vẹn, hiện tại là một đống sắt vụn. Một vài khẩu súng vẫn
còn lên tiếng và nhiều thủy thủ mình mẩy đẫm máu vẫn chưa chịu rời bỏ vị
trí chiến đấu của họ.
Hàng loạt oanh tạc cơ Avenger tiếp tục ùa đến như những làn sóng, và
hàng loạt ngư lôi được thả xuống. Tôi không thể nào biết rõ bao nhiêu quả
đã trúng vào chiếc tàu. Tiếng nổ hàng loạt khiến cho con tàu đang hấp hối
của chúng tôi rung lên từng cơn. Cuối cùng tiếng nổ chấm dứt, nhưng độ
nghiêng vẫn tiếp tục gia tăng trong lúc sóng biển bắt đầu tẩy sạch những
vũng máu trên sàn tàu và những xác chết lần lượt lăn long lóc xuống mặt
biển.
Và bây giờ làn sóng cuối cùng của khoảng 100 phi cơ địch đã thi hành
xong nhiệm vụ và bay đi. Tôi nhìn quanh. Tất cả pháo tháp đều bị thiêu rụi.
Chiếc tuần dương hạm đầy hãnh diện của tôi bây giờ chỉ còn là một đống
sắt nổi trên mặt nước, nhưng lạ lùng thay, tôi nghĩ, không hề có một đốm
lửa nào. Nhìn cảnh tượng kỳ quái này, tôi chực nhớ lại hình ảnh tuần dương
hạm San Francisco của Hoa Kỳ, chiếc tàu giống như ma quỉ đó đã khiến
cho chiếc Amatsukaze suýt tan tành trong đêm tối bưng ở gần Santa Cruz.
Hiện thời Yahagi cũng là một chiếc tàu ma. Không vật gì còn động đậy trên
sàn tàu. Đa số thủy thủ đoàn của nó bị tiêu diệt.
Nhưng trên đài chỉ huy mọi người đều lành lặn. Đề đốc Komura nói:
“Hara, tôi đề nghị tốt hơn là chúng ta nên rời khỏi đây ngay bây giờ, nếu
không tôi sợ sẽ lỡ dịp. 250 phi cơ địch hình như đã làm xong nhiệm vụ của
chúng.”
Tôi không biết nói sao. Tôi cúi đầu và sau đó ấp úng nói: “Thật đáng
tiếc, thưa Đề đốc.”
“Chúng ta hãy chuyển soái kỳ sang một trong những khu trục hạm, và cố
gắng tiến đến mục tiêu của chúng ta ở Okinawa. Anh nghĩ thế nào?”
Tôi nghĩ thế nào? Để mất chiếc tàu và thủy thủ đoàn. Gánh nặng này
đang oằn xuống vai tôi.
“Hãy nhìn kìa, Hara, khu trục hạm Isokaze vẫn còn hoạt động!” Thật là
đáng ngạc nhiên khi tôi nhận thấy Isokaze vẫn còn nằm đúng vị trí của đội
hình vòng tròn trước đây, cách phía trái chúng tôi khoảng 3.000m. Chiếc
tàu hình như không bị hư hại gì cả và đang hướng mũi chạy về phía chúng
tôi. Đó là một vài giây phấn khởi được tìm thấy trong trận đánh.
“Phải rồi, thưa Đề đốc, chúng ta đánh bỏ rơi Yahagi.” Và tôi gọi: “Nhân
viên truyền tin, yêu cầu Isokaze tiếp cứu khẩn cấp!”
Sau lệnh của tôi, đèn hiệu cực mạnh được chớp lên và đồng thời một
nhân viên truyền tin cũng sử dụng tín hiệu bằng cờ. Chúng tôi nói truyền
miệng cho các thủy thủ còn sống sót của Yahagi chuẩn bị bỏ tàu, Isokaze
đáp lại tín hiệu của chúng tôi, và xả hết tốc lực chạy về phía Yahagi. Còn
cách khoảng 1000m, Isokaze giảm tốc lực và từ từ tiến sát vào chúng tôi.
Tôi ra lệnh bỏ tàu.
Nhưng một quan sát viên la lên: “Phi cơ địch.” Một phút sau, một làn
sóng oanh tạc cơ và chiến đấu cơ ùa đến trên đầu chúng tôi. Chiếc Isokaze
chỉ còn cách chiếc Yahagi 200m. Nhiều phi cơ đang tấn công soái hạm
Yamato đã tách ra một số để đuổi theo chiếc khu trục hạm di chuyển chậm
chạp này. Isokaze đã xả hết tốc lực để lẩn tránh, nhưng khi phi cơ địch xuất
hiện mọi lúc mọi nơi, cùng với bom đạn rơi xuống như mưa. Tiếng nổ này
đến tiếng nổ khác, cho đến khi chiếc Isokaze biến mất trong một cột khói
màu đen.
Yahagi đã gây họa cho chiếc khu trục hạm của mình. Trường hợp vừa
xảy ra không khác với trường hợp chiếc Shigure của tôi khi tuần dương
hạm Sendai bị tấn công ở Vịnh Empress Augusta trước đây, nhưng lúc ấy
tôi đã từ chối lời yêu cầu tiếp cứu của chiếc tàu này.
Sau khi thanh toán xong Isokaze, phi cơ địch quay lại Yahagi, những gì
còn lại trên tuần dương hạm này lại bị đạn đại liên cày thêm một lượt nữa.
Tôi chỉ biết bám vào song sắt của đài chỉ huy một cách tuyệt vọng.
Khi cơn quằn quại của Yahagi hạ xuống, tôi ngẩng đầu lên, và kinh ngạc
nhận thấy chiếc Isokaze nhô ra khỏi bức tường khói dày đặc bao quanh.
Mang thương tích, nhưng vẫn còn sống, chiếc tàu đang cố gắng tháo chạy.
Phi cơ địch quay lại, chúi mũi xuống, và một lần nữa, chiếc tàu biến mất
trong màn khói.
Sau khi đảo cánh rời khỏi khu trục hạm Isokaze, mỗi phi cơ cảm thấy
cần phải chào từ giã chiếc tuần dương hạm đang hấp hối của chúng tôi.
Chúng tôi không còn biết làm gì khác hơn là bám vào song sắt để chịu trận.
Nhưng hiện thời bom đạn không làm chúng tôi sợ hãi bằng những cơn giật
nẩy mình trước khi tắt thở của chiếc tàu.
Trung úy Yukio Matsuda, sĩ quan hoa tiêu, đã gom được hơn một chục
thủy thủ bị thương và đang cố gắng mang họ xuống một chiếc xuồng cấp
cứu. Hành động này đã chọc tức 3 chiến đấu cơ địch. Cả ba đã tập trung hỏa
lực, đập tan chiếc xuồng ra thành từng mảnh vụn và nhận 13 xác chết xuống
khoảnh biển đẫm máu.
Các thủy thủ còn lại trên tàu đều nhảy xuống nước. Địch quân không cho
họ kịp thở. Một làn sóng của khoảng 100 phi cơ ào đến dội bom và bắn vào
tất cả những gì còn động đậy. Kỳ lạ thay, Komura cùng một vài sĩ quan
khác và tôi đứng trên đài chỉ huy tác xạ, giữa cảnh đổ nát của chiếc tàu mà
vẫn không hề hấn gì.
Nhìn ra xa xa, tôi nhận thấy chiếc Isokaze gần như bất động, và mặc dù
không bốc cháy, chiếc tàu lắc lư không khác gì say rượu. Cách đó không xa,
chiếc Suzutsuki đang bốc cháy, tuôn ra từng cụm khói đen mù mịt. Và chiếc
Kasumi chạy xiêu vẹo, tín hiệu bằng cờ cho biết bánh lái của nó bị trục trặc.
Thiết giáp hạm Yamato thoạt nhìn có vẻ như vẫn còn trong tình trạng an
toàn. Ở một khoảng cách 3 dặm, tôi không làm sao biết được đại chiến hạm
từng là niềm kiêu hãnh của Hải quân này đang lâm vào tình trạng tồi tệ
không kém gì tuần dương hạm Yahagi. Hai khu trục hạm Yukikaza nà
Fuyutsuki chạy lướt qua lướt lại nhanh như thoi đưa trong nỗ lực dũng cảm
nằm bảo vệ chiếc soái hạm khổng lồ.
Vẫn chưa hài lòng với một Yahagi trong cơn hấp hối, làn sóng thứ 5 với
hơn 100 phi cơ nữa lại ùa đến. Đạn bay veo véo quanh tôi. Không còn biết
sợ là gì nữa, tôi nghiến chặt răng: “Phải rồi, mấy tên Yankee quỉ quái này,
tụi bay hãy dứt điểm đi.”
Như để đáp lại lời tôi, tiếng rít của một viên đạn bay đến trúng vào cánh
tay trái và đẩy tôi ngã chúi. Lúc ngã xuống, tôi lại càng kinh ngạc hơn khi
nhận thấy những lượn sóng đã mấp mé trên mặt đài chỉ huy tác xạ, nơi mà
hiện tại chỉ còn mình tôi và Đề đốc Komura.
“Bây giờ, Hara, chúng ta nên đi chưa?” Komura hỏi một cách bình tĩnh.
“Đi!”
Trong lúc chúng tôi tháo bỏ giày vớ, tôi vẫn kịp nhận ra lúc ấy là 14h06.
Phi cơ địch lại gầm thét trên đầu. Sóng bủa lên đầu gối lúc chúng tôi nhảy
ra khỏi đài chỉ huy tác xạ. Bơi đâu được khoảng một vài thước, tôi cảm thấy
một sức mạnh khổng lồ lôi tôi mạnh xuống đáy biển. Tôi chòi đạp, vùng
vẫy, nhưng vực nước xoáy do một chiếc tàu chìm tạo ra có một hấp lực
không thể nào chống trả nổi. Tôi chịu thua, không vùng vẫy nữa, chấp nhận
cái chết….
Bỗng nhiên tôi cảm thấy cánh tay khổng lồ đã buông tôi ra. Tôi lại chòi
đạp. Quanh tôi bao phủ một màu đen thẫm, nhưng có vẻ nhợt nhạt dần. Sau
đó, trước mặt tôi những nhóm bọt nước thấp thoáng trồi lên. Đó là không
khí còn sót lại trong quần áo và buồng phổi của tôi. Đau đớn vì nghẹt thở,
tôi há miệng và nuốt một bụng nước biển, nhưng thình lình đầu tôi trồi lên
khỏi mặt nước. Tôi thở liên hồi, đầu óc trống rỗng. Trong cơn choáng váng,
tôi không biết phải làm gì, tôi thả trôi bập bềnh theo dòng nước.
Dần dần mắt tôi nhìn rõ trở lại, và tôi biết lúc đó là vào giữa ban ngày.
Một âm thanh lao xao do tiếng nói của nhiều người gây ra. Nhìn quanh, tôi
thấy nhiều cái đầu nổi trên mặt nước, và tất cả đều màu đen. Trong trạng
thái mê hoảng, tôi có cảm giác đây là bãi tắm của những người da đen, và
tôi đang bơi lội thỏa thích với họ. Trí não của tôi hồi tỉnh. Nhưng rất chậm
chạp.
Tôi vẫn còn ngơ ngác. Mệt mỏi và căng thẳng trong trận đánh kéo dài
hai giờ đồng hồ, tiếp theo là sự đổ vỡ và xúc động, tất cả đã vượt sức chịu
đựng của một con người. Bây giờ tôi nghe tiếng gọi: “Hara, anh bình yên
chứ? Hara! Anh nghe tiếng tôi không?”
Tôi thả trôi về hướng phát ra tiếng nói. Một người có khuôn mặt đen thui
đang vẫy gọi tôi. Tôi nhận ra Đề đốc Komura. Khuôn mặt sạm nắng của
ông, và ngay cả khi dầu đen bám đầy, tôi cũng có thể nhận ra ở khoảng cách
10 m.
“Tôi bình yên, Komura.” Tôi đáp và hỏi: “ Còn Đề đốc thì sao?”
“Tôi hoàn toàn bình yên.”
Những người da đen chung quanh tôi chính là các thủy thủ của tôi. Tôi
vuốt mặt và cảm thấy mặt tôi dính đầy dầu nhớt. Mặt nước cũng bao phủ
dầu do chiếc Yahagi tuôn ra. Nhiều thủy thủ bám vào những mảnh ván vụn,
điều này khiến tôi ngạc nhiên, vì tôi đã nghĩ là toàn thể thủy thủ của tôi đã
bị tiêu diệt.
Khi mắt tôi nhìn rõ trở lại, tôi tìm kiếm chiếc Yamato. Chiếc tàu vẫn vĩ
đại và hấp dẫn cho dù cách tôi đến 6 dặm, và đang bị một số phi cơ địch
đông như đàn muỗi bu quanh.
Trong lúc thả trôi bập bềnh, không biết số phận ra sao, tay tôi bỗng chạm
một khúc gỗ trôi ngang qua. Tôi bám ngay lấy khúc gỗ và có thể tạm yên
lòng để suy nghĩ xem phải làm gì để thoát thân.
“Ê, bạn, xê ra, nhường tôi một chỗ coi!” Tiếng nói vang lên phía sau tôi.
Một thủy thủ trẻ đang cố bơi về phía khúc gỗ. Tôi bám vào một đầu và
nhường đầu kia cho hắn. Sau khi bám được vào đầu khúc gỗ, hắn nhìn tôi
vẻ biết ơn.
“Anh là ai? Anh tên gì?” Hắn hỏi sau khi lấy hơi thở xong.
“Tên của tôi là Hara. Tôi ở trên tuần dương hạm Yahagi.” Người láng
giềng mới của tôi há hốc miệng, nhìn tôi trừng trừng một lát rồi ấp úng nói:
“Xin thứ lỗi cho sự vô lễ của tôi, thưa Đại tá. Tôi là thủy thủ I Daiwa… Tốt
hơn là tôi nên đi tìm một khúc gỗ khác. Khúc gỗ này nhỏ không đủ sức cho
2 người bám vào.”
Hắn nhìn quanh một cách lo lắng. Tôi nói: “Đừng có điên, chú nhỏ ơi!
Hãy bám vào cho chắc. Cả hai chúng ta có thể tạm dùng được. Anh bị
thương phải không?”
“Dạ không, không có một vết trầy nào cả, thưa Đại tá. Anh bạn Asamo
của tôi và tôi quyết định chết theo Yahagi. Chúng tôi lẻn vào kho đạn số 3
và cùng nằm ở đó để đợi giờ phút tan thành từng mảnh, nhưng Trung sĩ
Yamada đến ra lệnh cho chúng tôi lên sàn tàu. Ông ta nói: “Đây là chỗ của
tôi.” Hắn làm hùng làm hổ khiến chúng tôi phải nhảy lên cầu thang. Tôi trặc
chân và trẹo xương mắt cá, nhưng không ăn nhằm gì. Tôi không hiểu tính
mạng của Yamada và anh bạn Asamo của tôi ra sao?”
“Đừng lo lắng nữa, Daiwa. Bây giờ chỉ nghĩ đến sự sống sót mà thôi.
Anh sẽ thoát khỏi tình cảnh này nếu anh không bỏ cuộc.”
...
Chúng tôi nhìn quanh, nhận thấy soái hạm Yamato vẫn còn hoạt động.
Thình lình khói trắng tuôn ra ngang mực nước của thành tàu. Và cả hai
chúng tôi đều kêu to lên khi khói trắng càng lúc càng tuôn ra như sóng cuộn
cho đến khi bao phủ toàn thể chiếc thiết giáp hạm khỗng lồ, trông giống
như là đỉnh tuyết của ngọn núi Fuji. Kế đó là khói đen lẫn lộn với khói
trắng, tạo thành hình một chiếc nấm khổng lồ, cao đến 2.000m. Khi chiếc
nấm này tan dần, chúng tôi nhìn lại mặt biển, và không còn thấy gì cả.
Yamato đã biến mất. Những tiếng nổ khủng khiếp vào lúc 14h23 của ngày 7
tháng 4 đó đã chấm dứt hình ảnh tượng trưng “Không bào giờ chìm” của
Hải quân Hoàng Gia Nhật Bản.
Bỗng nhiên tôi cảm thấy buốt lạnh. Lúc ấy trời đang mưa. Khi nghĩ đến
Yamato, nước mắt của tôi hòa lẫn với nước mưa và nước biển.
Sau chiến tranh, ông bạn của tôi là Đề đốc Nobuei Morishita, một trong
số 269 người của Yamato còn sống sót, đã kể cho tôi nghe các chi tiết xảy
ra vào những giây phút cuối cùng của chiếc thiết giáp hạm khổng lồ này.
Vào lúc 12h40, Yamato nhận lãnh nhiều quả bom trực tiếp đầu tiên, và
một quả ngư lôi ở mạn trái 10 phút sau đó. Tính ra, mạn trái của chiếc tàu
trúng 10 quả ngư lôi và mạn phải trúng hai quả tất cả.
Đại tá Jiro Nomura, sĩ quan phụ tá của Hạm trưởng Yamato, vào lúc
14h05 đã xác định rằng công việc sửa chữa cấp thời cho chiếc tàu không thể
nào xúc tiến. Do đó, Phó Đô đốc Ito, đứng trên đài chỉ huy suốt trận đánh,
đã đình chỉ cuộc hành quân và ra lệnh: “Bỏ tàu.”
Khu trục hạm Fuyutsuki được gọi đến để đảm trách việc di tản, nhưng
chiếc tàu này khó có thể chạy nhanh hơn sức chìm của Yamato. Trung tá
Hidechika Sakuma, hạm trưởng của Fuyutsuki, sợ chiếc tàu nhỏ bé của
mình bị chiếc tàu khổng lồ lôi theo xuống đáy biển nên không dám tiến lại
gần.
Ito bắt tay các sĩ quan hiện diện trên đài chỉ huy và lui vào phòng riêng
để chết theo chiếc tàu. Hạm trưởng của Yamato, Đề đốc Kosaku Aruga, tự
trói vào đài chỉ huy. Đề đốc Morishita, tham mưu trưởng của Ito, phải tranh
luận sôi nổi với các sĩ quan trên đài chỉ huy muốn đi theo Ito, Aruga và
Yamato, để cuối cùng ông thuyết phục được họ cùng đi với ông rời bỏ chiếc
tàu. Độ nghiêng về mạn trái của chiếc tàu gia tăng nhanh chóng khi trúng
quả ngư lôi cuối cùng vào lúc 14h17 phút. Ba phút sau, độ nghiêng tiến đến
20 độ, và những tiếng nổ xảy ra đã nhận chìm chiếc tàu này xuống đáy biển
cấp tốc. Những tiếng nổ này đã cứu Morishita và những người khác, đẩy họ
văng ra khỏi chiếc tàu.
Vẫn bám vào khúc gỗ, nhưng trải qua nhiều phút sau khi chiếc Yamato
chìm, tâm trí tôi hoàn toàn trống rỗng. Tuần dương hạm của tôi mất, tôi
buồn bã, nhưng nỗi buồn này không bằng phân nửa, đối với sự mất mát
chiếc thiết giáp hạm lớn nhất thế giới. Nhìn quanh, tôi không còn thấy bóng
dáng Đề đốc Komura đâu nữa, và ở đầu bên kia khúc gỗ, anh bạn trẻ Daiwa
cũng mất tăm. Quanh tôi không còn một người nào. Hình như tôi đang ở
trên một dòng nước đẩy tôi rời ra xa những người khác. Như vậy là tôi sẽ
chết một cách cô độc? Bây giờ tôi nghe nhiều tiếng hát, lẩn quất đâu đây.
Tôi nhớ lại huấn lệnh dành riêng cho những người sống sót và trôi nổi
trên đại dương: không nên la hét, mà phải bất động để gìn giữ năng lượng.
Những người đang ca hát này, có thể, đã cho rằng họ không mong gì được
giải cứu, và cũng có thể, họ muốn khôi phục tinh thần qua tiếng hát của họ.
Thêm nhiều người kết hợp, tiếng hát càng mạnh mẽ hơn. Đó là những câu
hát phỏng theo bài Chiến Sĩ Ca, bài ca nằm lòng của các chiến sĩ Nhật Bản
từ nhiều thế kỷ trước đây.
Nếu tôi rời xa biển cả,
Tôi sẽ trở về như xác chết nổi trôi.
Nếu nhiệm vụ gọi tôi lên núi,
Đồng cỏ xanh sẽ là áo khoác thân tôi.
Vì đã nguyền hiến thân phục vụ cho Thiên Hoàng,
Tôi sẽ không chết bình yên giữa thê nhi yên ấm.
Khi bài ca được lặp lại, chính tôi cũng bị lôi cuốn vào. Thỉnh thoảng,
xen vào âm thanh bi tráng này, là những tiếng la to” “Tenno Heika Banzai.”
(Thiên Hoàng Vạn Tuế) Chứng tỏ có một số người đang hát bị thương nặng
hoặc kiệt lực nên đành bỏ dở giữa chừng bài hợp xướng của họ, và xuôi tay
vĩnh viễn. Tôi nhắm mắt. Tiếng hát chỉ còn phảng phất bên tai tôi.
Tôi biết mình cũng đang đi dần vào cõi chết. Bây giờ âm điệu tiếng hát
trở thành du dương mơ hồ, như tiếng hát ru con, mang tôi trở lại ấu thời với
tiếng hát ru của mẹ tôi, và lần lượt hiện lên hình ảnh ông nội tôi, những
ngày đi học, những ngày ở Hàn Lâm Viện, chuyến đi vòng quanh thế giới,
lúc tôi bước chân vào một thương xá ở New York, những ngày mới ra
trường của một sĩ quan trẻ, thời gian dính líu tình cảm giữa tôi và một cô
Geisha.
Chiếc kính vạn hoa này lại chuyển sang hình ảnh sống động của mẹ tôi,
thoáng qua hình ảnh của vợ tôi, và kế đó là chân dung lúc tôi đã trở thành
một sĩ quan chín chắn, và cuối cùng là gương mặt của đám con tôi.
Ảo ảnh tan biến trước mắt tôi với những dòng nước mắt chảy dài xuống
má. Tôi nghĩ đến lần nghỉ phép cuối cùng tại nhà, đúng bốn tháng qua, và
tôi nghĩ đến vợ con. Tôi thấy trước những gian nan vất vả mà vợ con tôi sẽ
gặp một khi tôi ra đi vĩnh viễn. Tôi muốn tất cả hãy quên tôi, và cố gắng
hiểu hoàn cảnh của tôi. Đối với Chizu, tôi là một kẻ ích kỷ, kết hôn với tôi,
nàng đã xa rời hẳn đời sống yên ấm của những thời thơ ấu. Bây giờ tôi
không bao giờ về lại với người vợ và 3 đứa con thơ. Hãy quên anh, Chizu!”
Tiếng hát im bặt hẳn. Nước trời bỗng nhiên lạnh lẽo hơn. Tôi rùng mình,
cảm thấy thân thể giá buốt. Đôi tay tôi dần dần tê liệt, bám giữ khúc gỗ một
cách khó khăn. Một vật gì trôi lờ đờ trước mắt, tôi cố đưa tay vớt lên.
Không gì khác hơn một mảnh giấy nhớp nhúa dầu cặn. Định bỏ xuống,
nhưng không hiểu sao, tôi nhét mảnh giấy vào túi áo mưa. Tay tôi chạm
phải một vật khác lạ trong túi áo. Tôi lôi ra. Đó là một đoạn dây nhỏ, dài
khoảng một mét rưỡi. Tôi không nhớ tại sao đoạn dây này lại ở trong túi áo,
nhưng nó đã làm thay đổi hoàn toàn tình huống hiện tại của tôi.
Tôi dùng đoạn dây tự trói vào khúc gỗ. Như vậy, cho dù buông tay, tôi
vẫn không bị chìm. Và luôn luôn gặp may mắn, biết đâu tôi sẽ trôi tấp vào
một bờ biển Nhật Bản?
Phi cơ địch quay lại, có thể đây là làn sóng tấn công cuối cùng. Nhưng
trí óc của tôi càng lúc càng trì độn, cho nên mặc dù đạn đại liên bắt đầu trút
xuống mặt biển như mưa, tôi cũng không thấy liên quan gì đến tôi. Hỏa lực
của phi cơ tập trung vào những nhóm thủy thủ đông đảo còn sống sót, cách
tôi khá xa, nhưng nhiều viên đạn bay lạc rơi lèo xèo quanh tôi. Không một
viên đạn nào trúng tôi, nhưng tiếng kêu lèo xèo của mấy viên đạn rơi xuống
nước khiến tôi tức giận, và phản ứng tự nhiên, tôi hụp đầu xuống nước. Cơn
tê dại của tôi bỗng nhiên biến mất.
Sau đó, phi cơ địch bay mất dạng, nhưng tôi sửng sốt khi nhìn thấy một
chiếc thủy phi cơ Martin PBM sà thấp và đáp trên mặt nước, cách tôi
khoảng 300m. Tôi lại hụp đầu xuống nước. Nhưng chiếc Martin không chú
ý đến tôi, nó lướt thẳng đến một khoảng nước được nhuộm màu xanh để
đánh dấu một viên phi cơ Hoa Kỳ đang trôi lềnh bềnh trên một cái phao cấp
cứu rồi cất cánh bay lên. Tôi theo dõi hoạt động tiếp cứu này với những suy
nghĩ đầy đố kỵ.
Nhưng cảm nghĩ của một người khác thuộc chiếc Yahagi còn sống sót,
Thiếu úy Shigeo Yamada, cũng trôi nổi gần nơi chiếc thủy phi cơ đáp
xuống, lại hoàn toàn khác hẳn tôi. Yamada sinh ở Hawaii, rất giỏi Anh ngữ,
là sĩ quan liên lạc của Yahagi, sau đó đã nói với tôi : “Tôi sợ bị bắt làm tù
binh, nên lúc ấy tôi vội vã xé tất cả phù hiệu cấp bậc trên bộ đồng phục và
quăng ra xa. Nhưng chiếc máy bay không đến gần tôi.
Yamada không thiệt mạng, và vào năm 1958, anh ta làm việc trong văn
phòng của hãng JAL (Hàng Không Nhật Bản) ở Chicago, Illinois – một
công việc không hề được dự tính vào cái ngày đầy khiếp sợ vào tháng 4
năm 1945 đó.
Toàn thể khu vực dần dần yên tĩnh trở lại. Lần đầu tiên, tôi cảm thấy dễ
chịu, và bắt đầu nhìn lại những gì xảy ra trong trận đánh vừa qua. Tôi đã tỏ
ra vụng về khi điều động Yahagi chống lại phi cơ đối phương. Trên một
chiếc khu trục hạm, tôi sẽ điều động mọi việc một cách trôi chảy, không hề
bối rối, bởi lẽ kinh nghiệm thực sự của tôi chỉ là kinh nghiệm của một hạm
trưởng khu trục hạm, không hơn không kém.
Tôi đã sai lầm khi áp dụng lại cách điều động chiếc Shigure từng gây rối
loạn cho 2 oanh tạc cơ địch gần Kavieng trước đây. Nhưng Yahagi có tốc độ
cao và lanh lẹ hơn Shigure rất nhiều, tại sao tôi lại cho chiếc tuần dương
hạm này chạy theo hình chữ chi lỗi thời để đến nỗi ngư lôi địch đuổi kịp
nó?
Vâng, tôi đã sai lầm, bởi vì tài năng của tôi đã cùn đi sau một năm phục
vụ trên bờ. Đáng lẽ ra Bộ Tư Lệnh Hải quân nên giao phó cho tôi nhiệm vụ
trên mặt biển, thay vì công việc trên bờ không phù hợp với khả năng học
hỏi của tôi. Hơn nữa, tất cả những gì tôi được huấn luyện và thực hành –
ngư lôi tầm hướng, đầu nổ kíp điện và trọng pháo có radar điều khiển –
không thề nào sử dụng để chống lại phi cơ địch trong trận đánh vừa rồi.
Mọi thứ chúng tôi làm đều sai lầm hết. Ngay cả chính cuộc hành quân này,
không có bất kỳ loại bảo vệ nào từ trên không, đó là một sai lầm khổng lồ.
Từ lúc chiếc Yahagi chìm, tôi không biết thời gian đã trải qua bao lâu.
Trời đã đêm và gió đang thổi. Tôi lạnh run và bắt đầu buồn ngủ, nhưng tôi
cố gắng chống lại, vì biết rằng ngủ quên sẽ có nhiều sơ suất chết người xảy
ra. Nhưng, bây giờ đã đến lúc một Samurai chuẩn bị để chết. Tôi có thể
bình tĩnh đợi chờ cái chết, không than van, không hối tiếc.
Quanh tôi không còn tiếng gì khác hơn là tiếng nước vỗ vào khúc gỗ.
Tôi nhắm mắt lại, đầu tựa lên khúc gỗ, và thiếp ngủ. Hình ảnh những ngày
qua lại hiện lên trong mộng mị. Lần đầu tiên tôi đi tàu đò từ Shikoku đến
Honshu để dự thi vào Hàn Lâm Viện Hải quân. Tiếng máy của chiếc tàu đò
có một âm thanh độc đáo, tôi có thể nghe lại một cách rõ ràng, hình như
không giống như trong mơ chút nào.
Tôi mở bừng mắt, và âm thanh vẫn tiếp tục. Không phải là âm thanh
trong mơ. Đó là tiếng máy của một chiếc khu trục hạm, chạy cách chừng
một dặm. Tôi nghĩ là chiếc tàu này vẫn còn chống chọi với các phi cơ địch
đeo đuổi, tôi lại tựa đầu lên khúc gỗ, nhắm mắt ngủ nữa. Nhưng tiếng động
cơ vang to hơn bên tai đã quấy rầy giấc ngủ chập chờn của tôi. Tiếng động
cơ này quá gần, không phải của chiếc khu trục hạm. Tôi nhìn lên, và thấy
một chiếc ca nô! Chiếc ca nô nhỏ bé này, thường trang bị cho khu trục hạm,
cách tôi không hơn 200m, nhìn thấy rất rõ giữa các đỉnh sóng. Tôi tự hỏi
không hiểu nó quanh quẩn ở đây làm gì?
Chiếc ca nô biến mất. Tôi cố rướn lên để nhìn. Sau một vài phút, nò xuất
hiện trở lại, lần này chỉ cách tôi khoảng 50m, và đang chạy vòng quanh để
tìm kiếm những người còn sống sót. Bỗng nhiên tôi hoảng hốt. Tôi muốn
sống nhưng đã tuyệt vọng. Và bây giờ tôi sợ chiếc ca nô không tìm thấy tôi.
Tôi gom hết tàn hơi la lên thật to, nhưng vô ích.
Trong cơn tuyệt vọng, tôi tháo dây buộc và dùng chân tay chòi đạp mặt
nước dữ dội. Chiếc ca nô nhìn thấy, xoay mũi chạy về phía tôi. Khoảng
cách giữa tôi và kẻ tiếp cứu hình như dài vô tận. Khi chiếc ca nô sáp đến,
tôi kiệt sức đến nổi không thể giơ tay để bám vào cạnh của nó, nhưng 4
cánh tay mạnh mẽ đã tóm lấy và nhanh nhẹn lôi tôi lên.
Thật kỳ lạ, ngay khi tôi chạm chân lên sàn ca nô khô ráo, năng lực tiêu
tán của tôi phục hồi mau lẹ. Tôi ấp úng thốt lời cảm tạ những người đã tiếp
cứu tôi, và tôi ngạc nhiên khi thấy ngoài tôi ra không còn kẻ sống sót nào
khác để trở về khu trục hạm, và đây là chuyến tiếp cứu cuối cùng.
Sau đó, chiếc ca nô tiếp tục quần tìm 15 phút nữa, nhưng không có kết
quả nên quay về khu trục hạm Hatsushimo. Năng lực vừa phồng lên của tôi
bỗng nhiên xẹp xuống khi tôi cố gắng leo lên thang tàu. Chân tôi không thể
nào cất lên nổi, hai thủy thủ phải đưa tay đẩy mạnh tôi lên sàn tàu.
Hạm trưởng của Hatsushimo, Trung tá Masazo Sako, chào đón tôi:
“Mừng Đại tá thoát nạn. Chúng tôi tìm kiếm Đại tá gần như đã tuyệt vọng.
Đề đốc Komura đang nghỉ trong phòng tôi.”
Tôi cám ơn Sako, và đi vào phòng để trút bỏ bộ quần áo đẫm ướt nước
biển và dầu nhớt của tôi. Được nhân viên y tế chích thuốc và xoa bóp, tôi
phục hồi sức khỏe mau lẹ. Tôi cám ơn họ và xin một ly sake.
Viên bác sĩ đứng gần đó đã cười to và nói: “Có ngay, Đại tá Hara.
Thường thường tôi đã từ chối đòi hỏi như thế này, nhưng tôi chắc sake là
phương thuốc chữa bệnh cho Đại tá.”
Trong khi tôi nhấm nháp, viên bác sĩ kể lại vắn tắt những diễn biến mà
hắn ta thấy được từ chiếc tàu này.
“Chiếc Hatsushimo đóng góp vào trận đánh này không bao nhiêu. Vì
quyết tâm tấn công soái hạm Yamato, phi cơ địch chỉ lướt ngang qua chúng
tôi. Do đó, chiếc tàu của chúng tôi không hề bị trực tiếp một phát đạn nào
và thủy thủ đoàn không ai thiệt mạng, chỉ hai người bị thương nhẹ.
Hatsushimo có lẽ là chiến hạm duy nhất thuộc lực lượng còn nguyên vẹn.
Đó là lý do tại sao chúng tôi quanh quẩn ở đây tìm kiếm những người còn
sống sót. Ba khu trục hạm Fuyutsuki, Suzutzuki và Yukikaze đều thiệt hại
và đã chạy về Sasebo cách đây hai giờ. Chiếc Fuyutsuki hầu như an toàn
mặc dù trúng hai hỏa tiễn, nhưng hàng chục thủy thủ đã thiệt mạng do đạn
đại liên gây ra. Chiếc Yukikaze cũng hư hại nhẹ, và có 3 thủy thủ thiệt
mạng. Chiếc Suzutzuki cũng bị trúng một quả bom vào ngay mũi, hư hại
nặng nhất và phải bỏ cuộc để chạy về Sasebo đầu tiên.
Chiếc Isokaze kém may mắn hơn những khu trục hạm vừa nói. Chiếc tàu
này không hề nhận lãnh một quả bom trực tiếp nào, những các mảnh bom
nổ gần đã phá nhiều lỗ thủng, khiến cho buồng máy ngập nước và 100 thủy
thủ thiệt mạng.
Lúc ấy không còn hy vọng sửa chữa cấp thời. Isokaze được khu trục hạm
Yukikaze nhận chìm sau khi di tản hết những người còn sống sót. Giống
như trường hợp của khu trục hạm Kasumi, chiếc tàu này bị hư hại nặng và
có 17 thủy thủ thiệt mạng, đã được chiếc Fuyutsuki ban “phát súng ân huệ”
sau khi giải cứu tất cả những người còn lại.
Sau khi cảm ơn viên bác sĩ đã cho biết những tin tức này, và không còn
điều khác để bàn, tôi hỏi: “Quý vị có giải cứu một thủy thủ tên là Daiwa
không?”
Một viên y tá dò danh sách và đáp: “Có, thưa Đại tá, tên hắn đây. Hắn đã
hỏi thăm tin tức Đại tá ngay khi được đưa lên tàu hai giờ trước đây.” Viên y
tá gọi một liên lạc viên: “Hãy nói với Daiwa là Đại tá Hara vẫn bình yên.”
Khu trục hạm Hatsushimo chất đầy cả ngàn người sống sót của thiết giáp
hạm Yamato và tuần dương hạm Yahagi, về đến Sasebo vào buổi trưa ngày
8 tháng 4. Một liên lạc viên gõ cửa phòng hạm trưởng ngay khi tàu vừa
buông neo và trình một công điện cho Đề đốc . Ông cúi xuống đọc , nhăn
mặt, và đưa tờ giấy cho tôi. Đây là một tuyên dương công trạng do Tổng Tư
Lệnh Hạm Đội Hỗn Hợp gửi cho Đệ Nhị Hạm Đội, ngợi khen lực lượng
chúng tôi đã dũng cảm xả thân, nhờ vậy các phi cơ tấn công đặc biệt đã thu
hoạch được một kết quả vĩ đại trong trận chiến.”
Kết quả vĩ đại trong trận chiến này là những gì? Ngày đó, nỗ lực tấn
công không quân của chúng tôi, bao gồm 114 phi cơ, 60 chiến đấu cơ, 40
oanh tạc cơ và 14 chiếc Thần Phong – chỉ gây hư hại cho hàng không mẫu
hạm Hancock, thiết giáp hạm Maryland và khu trục hạm Bennett, nhưng cái
giá phải trả là gần 100 phi cơ bị bắn hạ.
Kết quả, phía Hoa Kỳ có 12 phi cơ thiệt mạng và 10 phi cơ bị bắn rơi do
súng phòng không của chúng tôi. Phía Đệ Nhị Hạm Đội chỉ còn 3 khu trục
hạm tồn tại, và 2,498 người của Yamato, 446 người của Yahagi và 721
người của các khu trục hạm khác thiệt mạng.
Câu chuyện về kẻ chiến thắng và chiến bại trong cuộc đụng độ không
hải cuối cùng của một chiến thuật đơn giản, nhưng đã gây sửng sốt cho
những nhà thống kê. Lực lượng Hải quân hùng mạnh, đã từng phát động
đầu tay cuộc chiến Thái Bình Dương, qua trận tấn công Trân Châu Cảng,
cuối cùng đã bị hạ gục.
Vào ngày 7 tháng 4 năm 1945, thiết giáp hạm Yamato bị đánh chìm. Hải
quân Hoàng Gia Nhật Bản cũng chìm theo.
HẾT

You might also like