You are on page 1of 2

LỜI NÓI ĐẦU

Biển đóng vai trò quan trọng trong tiến trình phát triển của nhân loại.
Đối với các quốc gia ven biển, biển không chỉ là yếu tố quan trọng để tồn
tại và phát triển mà còn là điều kiện để xác lập vị thế của mình. Vị thế đó
thường được định đoạt bởi sức mạnh làm chủ trên biển thông qua các lĩnh
vực khoa học hàng hải, phát triển các ngành kinh tế biển, vận tải, đóng
tàu, thương mại, v.v... Tuy nhiên, kể từ khi xuất hiện các cuộc tranh chấp
quyền lợi trên biển, các hoạt động đó còn được đảm bảo bằng nền tảng
của sức mạnh hải quân và khả năng tác chiến trên biển.
Trong lịch sử nhân loại, các trận hải chiến đã nhiều lần từng làm thay
đổi cục diện chiến tranh, thậm chí làm xoay chuyển thế và lực của nhiều
quốc gia, dân tộc. Vào thời cổ đại, lực lượng thủy binh Hy Lạp đã từng
đánh bại cường quốc hải quân Ba Tư để rồi xác lập bá quyền ở Địa Trung
Hải; mở rộng con đường giao thương đến khắp châu Âu và trở thành một
cường quốc thịnh vượng. Đến thời trung đại, những chiến thuyền cùng lực
lượng thủy binh thiện chiến của Anh đã nhiều lần đánh bại hải quân Tây
Ban Nha để trở thành cường quốc, phát triển kinh tế, mở rộng thuộc địa ra
nhiều châu lục, v.v...
Trong lịch sử chiến tranh cận đại và hiện đại, một số quốc gia vốn
trước đây bị coi là yếu thế, nhưng với việc ưu tiên phát triển kinh tế biển
và lực lượng hải quân, họ đã lần lượt đánh bại các đối thủ để trở thành
các quốc gia hùng mạnh. Hải quân Anh đã từng đánh bại hải quân Pháp
trong trận Trafalga sau đó giành quyền thống trị Địa Trung Hải. Người
Nhật thắng người Nga trong trận Đối Mã và trở thành cường quốc trên thế
giới, độc chiếm Mãn Châu và Triều Tiên. Trong hai cuộc Chiến tranh thế
giới thứ nhất và thứ hai, việc phát xít Đức và quân phiệt Nhật Bản bại trận
cũng một phần do những thất bại nặng nề trong các trận hải chiến trên
biển Địa Trung Hải và Thái Bình Dương, v.v...
Ngoài việc làm thay đổi vị thế quốc gia, một số trận hải chiến còn tạo
nên những thay đổi lớn về tổ chức, vũ khí, trang bị và phương thức tác
chiến trên biển. Việc người Tây Ban Nha tổ chức Hạm đội Armada với
những chiến thuyền lớn nhằm chống lại quân Anh đã cho ra phương thức
tác chiến ”pháo hạm”; kết thúc cách đánh áp mạn, chứng tỏ ưu thế vượt
trội của pháo tầm xa trong tác chiến hải quân. Tương tự như vậy, cách tổ
chức hạm đội hỗn hợp của người Nhật trong trận Đối Mã đã cho ra đời
phương thức tiến công trực diện kết hợp với chia cắt và bao vây trên biển,
v.v... Cách tổ chức hạm đội của người Tây Ban Nha, người Nhật cũng như
cách tiến hành các trận hải chiến của người Hà Lan, người Anh,... trong
lịch sử không chỉ tạo nên những phương thức tác chiến mới mà tạo tiền đề
cho sự ra đời các loại vũ khí mới.

-1-
Mặc dù quy mô và phương thức tác chiến của các trận hải chiến luôn
thay đổi cùng với sự thay đổi của vũ khí, công nghệ, nhưng những nét đặc
sắc trong các trận hải chiến nổi tiếng thế giới ở một chừng mực nhất định
vẫn còn nguyên giá trị.
Cho đến nay, đã có nhiều cuốn sách, bài báo và các công trình khoa
học ở Việt Nam và nước ngoài viết về các trận hải chiến. Tuy nhiên, do
mục đích của từng công trình, các tác giả chỉ mới đề cập đến từng trận
đánh cụ thể, mà chưa đề cập một cách tương đối toàn diện các trận hải
chiến nổi tiếng thế giới.
Việt Nam là một quốc gia ven biển và có đủ các yếu tố để trở thành một
quốc gia có thế mạnh về biển. Trong bối cảnh tình hình khu vực Biển Đông
đang diễn biến hết sức phức tạp như hiện nay, việc nghiên cứu các trận hải
chiến nổi tiếng thế giới là điều cần thiết. Qua đó, chúng ta có thể lĩnh hội
tri thức; tham khảo, tiếp thu những kinh nghiệm lịch sử để vận dụng vào sự
nghiệp xây dựng lực lượng hải quân Việt Nam chính quy, tinh nhuệ, tiến
thắng lên hiện đại, đủ sức bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ
quốc.
Với mục đích đó, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam triển khai nghiên cứu
đề tài “Những trận hải chiến nổi tiếng thế giới”. Đây là những trận đánh
để lại nhiều dấu ấn, nhiều bài học lịch sử quý báu trong tác chiến trên
biển. Thông qua việc trình bày bối cảnh, kế hoạch, lực lượng tham chiến,
diễn biến và kết quả 12 trận hải chiến nổi tiếng từ năm 480 Tr.CN đến năm
1982, cuốn sách không chỉ dừng lại ở việc mô tả chi tiết từng trận đánh,
mà còn đi sâu phân tích ý nghĩa, bài học kinh nhiệm của từng trận đánh để
qua đó độc giả có thể hình dung một cách tương đối khái quát tiến trình
phát triển của lực lượng hải quân trên thế giới: từ tổ chức lực lượng,
phương thức tác chiến, nghệ thuật chỉ đạo và điều hành tác chiến đến sự
ra đời, phát triển của các loại vũ khí, trang bị mới, v.v...
Trong quá trình biên soạn, mặc dù các tác giả đã có nhiều cố gắng,
nhưng do nguồn tư liệu hạn chế, khả năng có hạn, cuốn sách khó có thể
đáp ứng được tất cả các yêu cầu đã đặt ra và cũng khó tránh khỏi những
thiếu sót. Rất mong nhận được ý kiến đóng góp của độc giả để chúng tôi
sửa chữa, bổ sung hoàn chỉnh tốt hơn trong lần xuất bản sau.
Nhân dịp cuốn sách ra mắt bạn đọc, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam và
các tác giả chân thành cảm ơn các nhà khoa học, các cộng tác viên đã
tham gia cùng chúng tôi hoàn thành cuốn sách; cảm ơn Nhà xuất bản
Quân đội nhân dân đã nhiệt tình cộng tác trong việc xuất bản cuốn sách.
VIỆN LỊCH SỬ QUÂN SỰ VIỆT NAM

-2-

You might also like