You are on page 1of 71

THANH UY · UY BAN NHIN DAN THANH PHO Hil PHbN&

BAN CHI EJAC BIEN SCAN •


? .,· '
�CH SU HAI PHONG

,,
LICH SU
""'
I

HAIPHONG

TAPI

TU THI NGUYEN THO


__DEN_N _ill3=--
B ����!lb

NIIA 1111, BAN CHINN TRI au(c GIA su ,114,


HA NOi · 2021
CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BIÊN SOẠN - CỐ VẤN KHOA HỌC

GS.NGND. HÀ VĂN TẤN


Nguyên Viện trưởng Viện Khảo cổ học,
Nguyên Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam

CHỦ BIÊN CÁC TẬP CỦA CÔNG TRÌNH

Tập I
GS.NGND. HÀ VĂN TẤN
PGS.TS. TỐNG TRUNG TÍN
Tập II
GS.TSKH.NGND. VŨ MINH GIANG
Tập III
GS.TS.NGND. NGUYỄN VĂN KHÁNH
Tập IV
PGS.TS. NGUYỄN MẠNH HÀ

TỔNG BIÊN TẬP

GS.TS.NGND. NGUYỄN QUANG NGỌC


Lời Nhà xuất bản

H
ải Phòng được biết đến là thành phố Cảng quan trọng,
trung tâm công nghiệp, cảng biển, đồng thời cũng là
trung tâm kinh tế, văn hóa, y tế, giáo dục, khoa học, thương mại
và công nghệ của vùng duyên hải Bắc Bộ; là một trong hai trung
tâm phát triển của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
Là nơi chiếm giữ vị trí chiến lược quan trọng, địa thế
hiểm trở, là cửa ngõ vào Đại La - Thăng Long, trong lịch sử
dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, các vương triều
Việt Nam đã có những chiến thắng vẻ vang chống lại sự xâm
lược của các đế chế phương Bắc trên vùng đất Hải Phòng, như
chiến thắng trên  sông Bạch Đằng năm 938 của Ngô Quyền;
trận Bạch Đằng năm 981 của Lê Hoàn và trận Bạch Đằng năm
1288 của Trần Hưng Đạo,... Đến năm 1527, vương triều Mạc
ra đời, đã chọn vùng cửa sông Văn Úc tạo lập Dương Kinh,
biến vùng đất Hải Phòng thành bàn đạp triển khai các chiến
lược xây dựng và bảo vệ đất nước theo tầm nhìn mới hướng ra
đại dương. Năm 1888, với Nghị định thành lập Hội đồng thành
phố Hải Phòng của Toàn quyền Đông Dương, Hải Phòng chính
thức trở thành thành phố Cảng và là một trong ba đô thị đứng
đầu toàn Đông Dương. Hải Phòng nhanh chóng trở thành
trung tâm kinh tế, xã hội, chính trị và văn hóa lớn của cả
6 LỊCH SỬ HẢI PHÒNG

nước, cái nôi của giai cấp công nhân, phong trào công nhân,
với sự gắn kết chặt chẽ giữa phong trào công nhân với phong
trào yêu nước, hình thành các tổ chức tiền thân của Đảng và
cũng là nơi chứng kiến sự ra đời của một trong số ít đảng bộ
đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam thành phố Hải Phòng
ngay sau Hội nghị thành lập Đảng (tháng 4/1930).
Trong cuộc vận động cách mạng giải phóng dân tộc những
năm 1930 - 1945, Hải Phòng luôn là một trung tâm mạnh
của các phong trào yêu nước và cách mạng dưới sự lãnh đạo
của Đảng. Ngày 23/8/1945, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền
thắng lợi ở Hải Phòng; ngày 24/8/1945 giành thắng lợi ở tỉnh lỵ
Kiến An, là cột mốc lớn đánh dấu cuộc Cách mạng Tháng Tám
vĩ đại đã thành công trọn vẹn ở vùng đất duyên hải Bắc Bộ.
Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ
xâm lược (1945 - 1975), vùng đất và con người Hải Phòng đã có
những đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh chung của
dân tộc; tích cực vừa đấu tranh chống chiến tranh phá hoại
của đế quốc Mỹ, vừa xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, ra
sức chi viện sức người, sức của cho cuộc đấu tranh giải phóng
miền Nam, thống nhất đất nước. Bước vào công cuộc đổi mới,
Hải Phòng tập trung đầu tư xây dựng thành phố Cảng hiện
đại, có công nghiệp, nông nghiệp, văn hóa phát triển. Cảng
Hải Phòng được xây dựng thành trung tâm của cụm cảng phía
Bắc, cửa ngõ chính ra biển của miền Bắc cũng như của cả
nước. Thành phố Hải Phòng giữ vai trò là “thành phố mở” về
kinh tế, dẫn đầu về nhịp độ tăng trưởng của toàn vùng kinh tế
trọng điểm phía Bắc.
LỜI NHÀ XUẤT BẢN 7

Để giới thiệu đến bạn đọc lịch sử vùng đất và con người
Hải Phòng, góp phần giáo dục và lan tỏa truyền thống tốt đẹp
của vùng đất Hải Phòng “trung dũng, kiên cường”, Nhà xuất bản
Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản bộ sách Lịch sử Hải Phòng,
gồm 4 tập:
Lịch sử Hải Phòng tập I do GS.NGND. Hà Văn Tấn và
PGS.TS. Tống Trung Tín làm Chủ biên, viết về lịch sử vùng đất
Hải Phòng từ thời nguyên thủy đến năm 938.
Lịch sử Hải Phòng tập II do GS.TSKH.NGND. Vũ Minh Giang
làm Chủ biên, viết về lịch sử vùng đất Hải Phòng từ năm 938 đến
năm 1888.
Lịch sử Hải Phòng tập III do GS.TS.NGND. Nguyễn Văn Khánh
làm Chủ biên, viết về lịch sử Hải Phòng từ năm 1888 đến năm 1955.
Lịch sử Hải Phòng tập IV do PGS.TS. Nguyễn Mạnh Hà làm
Chủ biên, viết về lịch sử Hải Phòng từ năm 1955 đến năm 2020.
Để bạn đọc tiện theo dõi, ở mỗi tập của bộ sách, chúng tôi
đều trình bày lời dẫn đề của Nhà xuất bản và Lời nói đầu của
Ban Biên soạn mỗi tập sách. Riêng tập I, mở đầu cho bộ sách,
chúng tôi trình bày Lời giới thiệu bộ sách của lãnh đạo thành
phố Hải Phòng; Tổng quan Thành phố Cảng Hải Phòng trong
tiến trình lịch sử đất nước.
Bộ sách là kết quả của sự chỉ đạo tập trung, thống nhất,
khoa học của Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng,
của Ban Chỉ đạo biên soạn Lịch sử Hải Phòng; sự làm việc khẩn
trương, nghiêm túc, trách nhiệm của tập thể nhóm nghiên cứu,
biên soạn và sự phối hợp chặt chẽ của các cấp ủy địa phương; sự
cộng tác, giúp đỡ nhiệt tình của các nhà khoa học, các chuyên gia
8 LỊCH SỬ HẢI PHÒNG

có uy tín đã góp ý để hoàn thiện bộ sách. Mặc dù đã có nhiều cố


gắng trong quá trình biên soạn và xuất bản song bộ sách khó
tránh khỏi những sơ suất, rất mong nhận được ý kiến đóng góp
của cán bộ, đảng viên, nhân dân trong và ngoài thành phố để bộ
sách được hoàn thiện hơn trong lần xuất bản sau.
Xin trân trọng giới thiệu bộ sách cùng bạn đọc.

Tháng 4 năm 2021


NHÀ XUẤT BẢN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA SỰ THẬT
Lời giới thiệu

L ịch sử Hải Phòng là lịch sử quá trình hoạt động của con
người trên vùng đất Hải Phòng, kể từ khi có con người
xuất hiện đã gần hai vạn năm cách ngày nay và tiếp diễn cho
đến thời điểm hiện tại. Ngược về thời gian rất xa xưa, khi mà các
dấu tích hoạt động của con người còn lại quá hiếm hoi, thì thời
điểm được coi là dấu mốc mở đầu có ý nghĩa quan trọng nhất của
lịch sử Hải Phòng chính là thời đại dựng nước đầu tiên. Khảo cổ
học đã chứng minh một cách thuyết phục Hải Phòng là một địa
bàn căn bản của văn hóa Đông Sơn và các tộc người đương thời
sống trên đất Hải Phòng đã giữ một vai trò đặc biệt quan trọng
góp thành nguồn lực đủ mạnh thúc đẩy sự ra đời của Nhà nước
Văn Lang thời Hùng Vương ở khoảng giữa thiên niên kỷ thứ hai
trước Công nguyên. Đến khoảng đầu Công nguyên, cách ngày
nay 2.000 năm, trên vùng đất phía đông bắc của huyện Thủy
Nguyên hiện nay đã hình thành một thương cảng quốc tế khá
sầm uất và hoạt động liên tục trong suốt một nửa thiên niên kỷ.
Hải Phòng vinh dự được khai mở lịch sử của mình và góp
phần mở đầu lịch sử đất nước như thế, vì vậy đã trở thành tâm
điểm của các cuộc đấu tranh chống xâm lược, chống đồng hóa
như muôn luồng sóng dữ từ phương Bắc ập tới, muốn nhấn chìm,
muốn xóa sạch mọi kỳ công tạo dựng của tổ tông. Vùng đất Hải
Phòng được hình dung như “chỗ cổ họng” để nước ta khống chế
người phương Bắc, nơi ghi dấu chiến công của tất cả các thế hệ
người Việt Nam yêu nước, nơi quy tụ, kết tinh trong chiến thắng
10 LỊCH SỬ HẢI PHÒNG

Bạch Đằng năm 938, chấm dứt vĩnh viễn một nghìn năm Bắc
thuộc, mở ra thời kỳ độc lập lâu dài và phát triển huy hoàng của
quốc gia, dân tộc Việt Nam. Chiến thắng Bạch Đằng năm 938
đã mở đầu truyền thống Bạch Đằng, truyền thống quyết chiến
và quyết thắng những đạo quân xâm lược hùng mạnh, kết thúc
chiến tranh ở địa đầu sông nước Đông Bắc của Tổ quốc, trong đó
các cộng đồng cư dân Hải Phòng đương thời luôn giữ vai trò định
đoạt. Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo đã quy toàn bộ kỳ tích
Bạch Đằng Giang vào trong hai chữ “sức dân”, khi ông tổng kết:
“Khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách
giữ nước” và Chủ tịch Hồ Chí Minh nhìn nhận dòng sông Bạch
Đằng là tấm gương “Nghìn thu soi rạng giống dòng quang vinh”.
Hải Phòng hoàn toàn có quyền tự hào về những đóng góp xứng
đáng của mình vào những thiên sử vàng bất hủ của đất nước.
Trong lịch sử khoa cử Việt Nam, khoa thi năm Nhâm Tuất
(1502) đã trở thành dấu mốc lớn của sự phát triển trội vượt của
tài năng xứ Đông, mở đầu giai đoạn phục hưng mạnh mẽ của
vùng đất cửa sông, duyên hải, hậu thuẫn cho sự ra đời của vương
triều Mạc vào năm 1527. Nhà Mạc đã chọn vùng cửa sông Văn
Úc tạo lập Dương Kinh, biến vùng đất Hải Phòng thành bàn đạp
triển khai các chiến lược xây dựng và bảo vệ đất nước theo tầm
nhìn mới hướng ra đại dương. Nguyễn Bỉnh Khiêm sinh ra và lớn
lên ở vùng cửa sông Thái Bình, thi đỗ Trạng nguyên nhà Mạc, trở
thành một trong những đại diện kiệt xuất nhất của tài năng và
trí tuệ Việt Nam thế kỷ XVI, với tổng kết thiên tài về chiến lược
biển cho mọi thời đại: “Biển Đông vạn dặm giang tay giữ/Đất Việt
muôn năm vững trị bình”. Theo đà phát triển này, vùng đất Hải
Phòng ngày càng trở nên sôi động với những trung tâm sản xuất
và trao đổi hàng hóa lớn, với cảng cửa khẩu Domea (Tiên Lãng)
đã trở thành mốc son trên bản đồ hàng hải quốc tế, với những
LỜI GIỚI THIỆU 11

tiền cảng nổi tiếng như Bạch Sa, Đồ Sơn... và cả đến Núi Voi
sừng sững làm mốc tiêu cho thuyền bè từ biển đi vào cảng. Rồi
dần dần vùng cửa biển ghi dấu võ công của vị Tổ trung hưng
đất nước Ngô Quyền lại được chọn làm trung tâm tập hợp mới.
Một thành phố cảng hiện đại và tầm thế đang thành hình ngay
tại vị trí đại bản doanh của Ngô Quyền trên đồng đất làng Gia
Viên hơn 900 năm trước.
Năm 1888, Hải Phòng cùng với Hà Nội và Sài Gòn chính thức
trở thành ba thành phố đứng đầu của toàn Đông Dương. Bước
sang đầu thế kỷ XX, Hải Phòng đã có dáng dấp của một đô thị -
cảng biển hiện đại, hội nhập quốc tế, một trong những cái nôi
sinh thành của giai cấp công nhân và giai cấp tư sản Việt Nam,
nơi chứng kiến các phong trào công nhân và phong trào yêu nước
sâu rộng, làm cơ sở nâng tầm thành phố cảng lên vị trí hàng đầu
trong cuộc vận động thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Dưới
sự lãnh đạo của Đảng, Hải Phòng đã làm nên những kỳ tích
tuyệt vời trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, trong kháng
chiến chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ và nhạy bén đi
đầu trong công cuộc đổi mới, dựng xây và nâng tầm Hải Phòng
trở thành thành phố công nghiệp và dịch vụ cảng văn minh, hiện
đại, hội nhập quốc tế, đô thị loại I trực thuộc Trung ương tiêu
biểu của Việt Nam.
Lịch sử Hải Phòng gắn liền với lịch sử đất nước và có những
đóng góp nổi bật trong suốt những bước thăng trầm của lịch sử.
Con người Hải Phòng dũng cảm, năng động, bản lĩnh và sáng
tạo, đứng đầu ngọn sóng, thường đi tiên phong và lập được nhiều
thành tựu trong xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước. Trước
những yêu cầu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội
nhập quốc tế và phát triển bền vững đất nước, hơn lúc nào hết
đòi hỏi Hải Phòng phải thực sự hiểu mình, nhận thức đúng đắn
12 LỊCH SỬ HẢI PHÒNG

và đầy đủ lịch sử của mình, lấy đó làm bài học kinh nghiệm, làm
nguồn lực xây dựng và phát triển thành phố. Ngay từ năm 1984,
Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng đã quyết định thành lập
Hội đồng lịch sử thành phố và năm 1998 thành lập Ban Chỉ đạo
biên soạn Lịch sử Hải Phòng để tổ chức triển khai công việc quan
trọng này. Cũng trong năm 1998, Ủy ban nhân dân thành phố
phê duyệt biên soạn Đề án công trình Lịch sử Hải Phòng gồm 4
tập và giao cho Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn thuộc Sở
Khoa học Công nghệ và Môi trường (nay là Sở Khoa học và Công
nghệ) làm cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo. Tháng 5/2001,
Hợp đồng Nghiên cứu biên soạn bộ sách Lịch sử Hải Phòng đã
được ký kết với chủ biên các tập.
Tháng 3/2005, sau gần 4 năm triển khai, bản thảo các tập
I, III, IV đã hoàn thành và được Hội đồng nghiệm thu thống
nhất đánh giá cao. Tuy nhiên, tập II nhiều năm sau đó vẫn chưa
được hoàn thành nên công việc hoàn thiện và xuất bản bộ sách
buộc phải dừng lại. Ngày 05/6/2017, thực hiện ý kiến chỉ đạo của
Thường trực Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng
ra quyết định phê duyệt kế hoạch biên soạn, chỉnh sửa, hoàn
thiện công trình Lịch sử Hải Phòng, cập nhật những kết quả
nghiên cứu mới sau 16 năm triển khai và thúc đẩy việc hoàn
thành bản thảo tập II. Tháng 8/2018, bản thảo tập II đã được
nghiệm thu và đến cuối tháng 12/2019, toàn bộ 4 tập bản thảo
đã được Hội đồng Thẩm định đánh giá đủ điều kiện xuất bản.
Chặng đường xây dựng bộ Lịch sử Hải Phòng gồm 4 tập hết sức
kỳ công, tốn nhiều tâm huyết, công sức và thời gian, nhưng cuối
cùng cũng đã đi đến đích. Sau thời gian dài biên soạn, bổ sung
chỉnh sửa, đến cuối tháng 12/2019, toàn bộ 4 tập của bộ sách
Lịch sử Hải Phòng đã được hoàn thiện.
THÀNH PHỐ CẢNG HẢI PHÒNG trong tiến trình lịchTHIỆU
LỜI GIỚI sử... 13

- Lịch sử Hải Phòng, tập I do GS.NGND. Hà Văn Tấn và


PGS.TS. Tống Trung Tín làm Chủ biên, viết về lịch sử vùng đất
Hải Phòng từ thời tiền sử đến năm 938.
- Lịch sử Hải Phòng, tập II do GS.TSKH.NGND. Vũ Minh Giang
làm Chủ biên, viết về lịch sử vùng đất Hải Phòng từ năm 938 đến
năm 1888.
- Lịch sử Hải Phòng, tập III do GS.TS.NGND. Nguyễn Văn Khánh
làm Chủ biên, viết về lịch sử Hải Phòng từ năm 1888 đến năm 1955.
- Lịch sử Hải Phòng, tập IV do PGS.TS. Nguyễn Mạnh Hà làm
Chủ biên, viết về lịch sử Hải Phòng từ năm 1955 đến năm 2020.
Đây là lần đầu tiên Hải Phòng có một bộ thông sử trình bày
có hệ thống toàn bộ lịch sử gần hai vạn năm kể từ khi có dấu
tích của con người xuất hiện cho đến năm 2020. Bộ sách được
biên soạn theo quan điểm khoa học biện chứng, khách quan,
toàn diện, lịch sử - cụ thể, tôn trọng sự thật lịch sử và vận dụng
phương pháp luận nghiên cứu hiện đại, đề cao phương pháp sử
học truyền thống và các phương pháp liên ngành, đa ngành, mở
rộng khai thác tất cả các nguồn tư liệu trong các kho sách, thư
viện, trung tâm lưu trữ trong nước, quốc tế, trung ương và địa
phương, đặc biệt là tư liệu khảo cổ học và tư liệu dân gian còn lưu
giữ được trên địa bàn Hải Phòng và phụ cận. Bộ sách góp phần
nâng cao nhận thức về lịch sử Hải Phòng, làm cơ sở biên soạn bài
giảng về lịch sử thành phố cho các trường phổ thông và cung cấp
những thông tin, những bài học hữu ích phục vụ nâng cao chất
lượng đào tạo nguồn nhân lực và xây dựng các chiến lược phát
triển thành phố. Hy vọng bộ sách Lịch sử Hải Phòng 4 tập sẽ đáp
ứng được yêu cầu cao, phong phú, đa dạng và kỳ vọng của đông
đảo bạn đọc.
Nhân dịp bộ sách Lịch sử Hải Phòng được xuất bản, thay mặt
lãnh đạo thành phố, tôi xin được gửi lời cảm ơn chân thành và
14 LỊCH SỬ HẢI PHÒNG

sâu sắc đến các chủ biên, tập thể tác giả, các cộng tác viên, các
tổ chức và cá nhân đã đóng góp công sức, trách nhiệm, tình cảm,
trí tuệ và tài năng cho việc nghiên cứu, biên soạn và hoàn thành
công trình này. Tôi đặc biệt cảm ơn toàn thể cán bộ và nhân dân
Hải Phòng, những người đã góp phần làm nên lịch sử thành phố
cảng hiện nay và chính họ là chủ nhân của lịch sử Hải Phòng.

Hải Phòng, tháng 9 năm 2020

LÊ VĂN THÀNH
Ủy viên Trung ương Đảng
Bí thư Thành ủy - Chủ tịch Hội đồng nhân dân
thành phố Hải Phòng
THÀNH PHỐ CẢNG HẢI PHÒNG
TRONG TIẾN TRÌNH LỊCH SỬ ĐẤT NƯỚC

N gày 19/7/1888, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định


thành lập Hội đồng thành phố của các thành phố Hà
Nội và Hải Phòng1, chính thức khẳng định Hà Nội, Hải Phòng
cùng thành phố Sài Gòn là những thành phố loại I, đứng đầu
toàn Đông Dương.
Trước đó, vừa đúng một thập niên, vào năm 1878, kỹ sư Thủy
văn người Pháp Giăngrơnô tiến hành cuộc khảo sát ở Hải Phòng,
cho hay: “Người ta đi ngược dòng sông có bờ thấp như thế khoảng
10km rồi nhận thấy cột buồm của tàu thủy đậu và bờ bên phải
giữa của nhượng địa và các hãng buôn mới xây dựng... Trước
năm 1873 chưa có Hải Phòng... Trong Hiệp ước 1874, người ta
yêu cầu nhượng địa vài hécta đất để làm Lãnh sự quán, nhà ở
cho một hoặc hai trung đội, bệnh viện, kho tàng... rồi người ta
bắt tay vào việc người Việt Nam và người Trung Quốc tới nhà
hoặc đưa thuyền đến tụ tập gần nhượng địa dọc theo sông Tam
Bạc. Đó là nguồn gốc của Hải Phòng”. Thật khó có thể tin lịch
sử của Hải Phòng lại chỉ bắt đầu từ khi người Pháp xây dựng

1. Theo Nghị định ngày 19/7/1888, Hội đồng thành phố Hải Phòng
gồm 1 đốc lý và 14 ủy viên; Hội đồng thành phố Hà Nội gồm 1 đốc lý và
16 ủy viên.
16 LỊCH SỬ HẢI PHÒNG

nhượng địa vào giữa thập niên 70 của thế kỷ XIX, nhưng không
thể không thừa nhận nghiên cứu và phác họa của Giăngrơnô là
khách quan và chân xác diện mạo của đô thị Hải Phòng trước
khi được chính thức công nhận là một trong ba thành phố hàng
đầu của Đông Dương.
Lịch sử Hải Phòng, tuy đô thị chiếm vị trí đặc biệt quan trọng,
nhưng không hoàn toàn chỉ là lịch sử đô thị, với tư cách là thành
phố trực thuộc Trung ương hiện nay, mà là toàn bộ dấu ấn hoạt
động, những sáng tạo của con người để lại trên không gian lãnh
thổ và biển đảo này, kể từ buổi đầu tiên có con người xuất hiện
cho đến những sự kiện vừa kết thúc, mới định hình, đều có thể
được gọi là lịch sử Hải Phòng, mặc dù trong nhiều thời đoạn lịch
sử phản ánh, cái tên Hải Phòng chưa xuất hiện.

1. Hải Phòng trong thời đại dựng nước đầu tiên

Con người và lớp cư dân đầu tiên có mặt trên địa bàn Hải Phòng
là cư dân Soi Nhụ thuộc sơ kỳ thời đại đá mới Việt Nam, cách
ngày nay xấp xỉ 2 vạn năm. Lúc đó mực nước Biển Đông còn ở
độ sâu từ 110m đến 120m so với mực nước biển hiện nay, toàn
bộ Vịnh Hạ Long vẫn còn là một đồng bằng cổ và đường bờ biển
vẫn nằm ở phía ngoài đảo Bạch Long Vĩ. Cư dân Soi Nhụ sống
trong các hang động ở Cát Bà và một phần ở Thủy Nguyên, là
những nhóm người tại chỗ, khai thác đồng bằng ven biển, trong
môi trường lục địa, chưa có dấu ấn hoạt động khai thác biển.
Sang đến trung kỳ thời đại đá mới, cách ngày nay khoảng
6.500 năm, khi mực nước biển đã dâng cao gần như hiện nay,
cư dân Cái Bèo sống trong vùng Hạ Long, Bái Tử Long là lớp
cư dân chiếm lĩnh và khai thác biển đảo đầu tiên ở vùng Đông
Bắc của Tổ quốc Việt Nam. Văn hóa Cái Bèo (nền văn hóa
THÀNH PHỐ CẢNG HẢI PHÒNG trong tiến trình lịch sử... 17

mang tên vịnh Làng Chài, nay là vịnh Cái Bèo thuộc thị trấn
Cát Bà, huyện Cát Hải) được giới Khảo cổ học xác định đã “mở
đầu cho văn hóa biển tiền sử Việt Nam và là một trong những
nguồn tạo dựng văn hóa Hạ Long sau này trên biển Đông Bắc
Việt Nam”1.
Văn hóa Hạ Long thuộc hậu kỳ thời đại đá mới (giai đoạn
muộn, cách ngày nay khoảng từ 4.000 đến 3.000 năm), là sự phát
triển và tiếp nối văn hóa Cái Bèo trong điều kiện biển tiến sâu
hơn vào đất liền và cư dân Hạ Long không còn con đường nào
khác phải đẩy mạnh quan hệ giao lưu với các cộng đồng trong
đất liền và ngoài biển xa. Người Hạ Long giỏi khai thác biển và
thông thạo nghề đi biển. “Ở đây biển đã đóng vai trò là tác nhân
điều tiết không chỉ riêng sự phát triển của văn hóa Hạ Long, mà
là toàn bộ nền văn minh Việt cổ, phần nào thông qua văn hóa Hạ
Long”2. Cũng trong khoảng thời gian này, một bộ phận người Hạ
Long (Hải Phòng) đã hòa hợp với bộ phận người Phùng Nguyên
ở trung tâm Phú Thọ đang tiến về phía đông tạo nên nhóm cư
dân Tràng Kênh (Tràng Kênh, Đầu Rằm, Bồ Chuyến), chủ nhân
của một trung tâm sản xuất và trao đổi hàng hóa sầm uất nhất
của toàn bộ khu vực Đông Bắc. Cư dân Hạ Long và cư dân Tràng
Kênh không chỉ mở rộng sự giao lưu, di chuyển, hòa hợp, tạo nên
sự năng động, phát triển trên quy mô lớn của cả cộng đồng, mà
đã góp phần tạo thành nền văn minh Đông Sơn và tô đậm thêm
yếu tố biển của nền văn minh thời đại dựng nước đầu tiên của

1. Phan Huy Lê (Chủ biên), Phan Đại Doãn, Nguyễn Quang Ngọc,
Lương Ninh, Trần Quốc Vượng: Lịch sử Việt Nam tập 1 (từ nguồn gốc đến
thế kỷ XIV), Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2016, tr.63.
2. Hà Văn Tấn (Chủ biên): Khảo cổ học Việt Nam, tập 1 (thời đại đá
Việt Nam), Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1998, tr.268.
18 LỊCH SỬ HẢI PHÒNG

người Việt1. Không phải ngẫu nhiên, huyền thoại khởi nguyên
luận của người Việt cổ là truyền thuyết về họ Hồng Bàng nói
nguồn gốc dân tộc Việt Nam là sự “kết duyên”, sự “hòa hợp” của
hai giống Tiên - Rồng: Tiên là Âu Cơ, thuộc Lục quốc ở trên cạn
và Rồng là Lạc Long Quân, thuộc Thủy quốc ở miền duyên hải,
hải đảo. Như vậy, người Việt Nam từ trong tâm khảm đã xác
nhận sự ra đời của nhà nước đầu tiên trong lịch sử đất nước là sự
kết hợp giữa hai nguồn lực cơ bản khai thác từ miền đồng bằng,
núi rừng trong lục địa phía Bắc và miền duyên hải, hải đảo Đông
Bắc, trong đó trung tâm quan trọng bậc nhất là Hải Phòng. Vì
thế, Hải Phòng là một trong những không gian lịch sử - văn hóa
có vai trò quyết định tạo ra và đóng góp nguồn lực đủ mạnh cho
sự ra đời của Nhà nước Văn Lang thời Hùng Vương.

2. Hải Phòng trong cuộc chiến nghìn năm chống Bắc thuộc

Hải Phòng đã khẳng định được vị thế của mình như vậy
trước khi bước vào cuộc đọ sức nghìn năm với các thế lực xâm
lược, bành trướng và đồng hóa vô cùng hiểm độc của các đại đế
chế phương Bắc. Con đường hằn sâu dấu chân của những kẻ xâm
lược chính là con đường Mã Viện dẫn quân theo đường thủy, bộ
bám sát bờ biển Quảng Ninh vào cửa sông Bạch Đằng để tiến sâu
vào đất liền đàn áp cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng năm 43 SCN.
Các cuộc hành quân xâm lược Giao Châu, An Nam của các đế chế
phương Bắc đều nhằm vào cửa sông Bạch Đằng là mục tiêu chủ yếu.

1. Khảo cổ học còn muốn đi xa hơn, chứng minh khu vực hữu ngạn
sông Bạch Đằng chạy sát đến chân núi Đèo thuộc thị trấn Núi Đèo, trung
tâm huyện Thủy Nguyên và mở rộng sang khu vực thị trấn Quảng Yên,
trung tâm thị xã Quảng Yên hiện nay (nghĩa là vùng quan ải Bạch Đằng
sau này), có nhiều dấu tích cho phép đoán định đây là một thương cảng
quốc tế lớn nhất của toàn vùng Giao Chỉ, tồn tại liên tục suốt nửa thiên
niên kỷ đầu Công nguyên.
THÀNH PHỐ CẢNG HẢI PHÒNG trong tiến trình lịch sử... 19

Tất cả các cuộc di dân và đồng hóa, áp đặt mô hình thống trị của
các đế chế phong kiến phương Bắc đối với Giao Châu, An Nam
cũng đều chọn đây là hướng triển khai quan trọng hơn cả. Vì thế,
công cuộc phòng thủ đất nước không thể không chọn cửa biển
Bạch Đằng và hệ thống đường sông, đường bộ nối thông với Bạch
Đằng để làm tuyến phòng thủ quyết định. Nguyễn Trãi tổng kết
lịch sử dân tộc đến thế kỷ XV cho rằng, cửa biển Bạch Đằng là cực
hiểm, ở đó “hai người chống trăm người do trời xếp đặt”; là nơi các
bậc “hào kiệt lập công danh”1. Các nhà chép sử thời Nguyễn hoàn
toàn có lý khi xem cửa biển Bạch Đằng là “chỗ cổ họng” để nước
ta khống chế người phương Bắc2. Cửa biển Bạch Đằng xưa, mà
trung tâm là vùng nội thành Hải Phòng và huyện Thủy Nguyên
hiện nay, là điểm kết tinh, là nơi quy tụ sức sống của cả nước,
không chỉ ghi đậm chiến công của nữ tướng Lê Chân, mà còn ghi
dấu chiến thắng của nhiều tướng lĩnh khác như Lệnh Bá, Chính
Trọng, Trương Tế, Trương Lại, Trương Độ và Sĩ Quyền những
năm 40 - 43 SCN.
Trước và sau cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, Hải Phòng vẫn
là trung tâm phát triển của văn hóa Đông Sơn. Điều này khẳng
định văn hóa Đông Sơn là bản sắc văn hóa của người Hải Phòng
và người Hải Phòng đã sử dụng văn hóa Đông Sơn như một vũ
khí đặc biệt để chống đồng hóa hết sức ráo riết của phương Bắc
và đã giải Hán hóa một cách thực sự và hiệu quả. Đây cũng là
một nét đặc sắc, tạo nên phẩm chất, tính cách của người Hải
Phòng, hiên ngang nơi đầu sóng ngọn gió, sẵn sàng đương đầu
với muôn vàn thử thách hiểm nguy. Tinh thần này đã cổ vũ người

1. Nguyên văn: “Quan hà bách nhị do thiên thiết/Hào kiệt công danh
thử địa tằng” (Nguyễn Trãi: Toàn tập, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1976,
tr.322-323).
2. Xem Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam nhất thống chí,
Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1971, t.4, tr.25.
20 LỊCH SỬ HẢI PHÒNG

dân đất Cảng tham gia vào cuộc khởi nghĩa toàn dân do Lý Bí
lãnh đạo (năm 542), với việc thành lập và duy trì Nhà nước Vạn
Xuân (năm 544 - 602) và cuộc khởi nghĩa Mai Thúc Loan (năm
713 - 722).
Cuối cùng, chặng đường 1.000 năm chống Bắc thuộc dài đằng
đẵng cũng đi đến hồi kết. Những kinh nghiệm xương máu của
các thế hệ Hai Bà Trưng, Lý Nam Đế, Mai Hắc Đế, của họ Khúc,
họ Dương đã được đúc kết lại; những bài học thành công và cả
không thành công của người dân Hải Phòng trên dòng sông Bạch
Đằng lịch sử đã trở thành hành trang cho người anh hùng dân
tộc Ngô Quyền làm nên kỳ tích có một không hai trong lịch sử,
tiêu diệt hoàn toàn quân xâm lược Nam Hán chỉ trong vòng một
con nước triều ở cửa biển Bạch Đằng. Chiến công này đã kết thúc
hoàn toàn hơn 1.000 năm đô hộ của phương Bắc, mở ra thời kỳ
độc lập lâu dài, thời kỳ phát triển rực rỡ của quốc gia, dân tộc
Việt Nam. Nhà sử học đời Trần - Lê Văn Hưu cho rằng: “Tiền
Ngô Vương có thể lấy quân mới họp của nước Việt ta mà đánh
tan được trăm vạn quân của Lưu Hoằng Tháo, mở nước xưng
vương, làm cho người phương Bắc không dám lại sang nữa. Có
thể nói một lần nổi giận mà yên được dân, mưu giỏi mà đánh
cũng giỏi vậy. Tuy chỉ xưng vương, chưa lên ngôi đế, đổi niên
hiệu, nhưng chính thống của nước Việt ngõ hầu đã nối lại được”1.
Nhà yêu nước Phan Bội Châu đầu thế kỷ XX hoàn toàn có cơ sở
khi tôn vinh Ngô Quyền là vị “Tổ trung hưng nước ta” chỉ đứng
sau “Thủy tổ dựng nước là Hùng Vương”, vì “tất phải giặc ngoài
mà đuổi đi được, quyền thống của nước bị đứt mà nối lại được thì
không ai hơn được Ngô Vương Quyền”2. Nhà sử học Ngô Thì Sĩ

1. Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1993, t.1, tr.204.
2. Phan Bội Châu: Việt Nam quốc sử khảo, Nxb. Giáo dục, Hà Nội,
1962, tr.21-25.
THÀNH PHỐ CẢNG HẢI PHÒNG trong tiến trình lịch sử... 21

thế kỷ XVIII lại cho rằng: “Chiến thắng Bạch Đằng là cơ sở của
việc phục hồi quốc thống. Về sau đến đời Đinh, Lê, Lý, Trần vẫn
còn nhờ vào dư âm lẫm liệt của trận ấy. Võ công lớn ấy còn vĩ đại
đến nghìn năm, chứ có phải chỉ rạng rỡ một thời mà thôi đâu”1.

3. Hải Phòng - kết tinh và tỏa sáng truyền thống Bạch


Đằng Giang

Không phải ngẫu nhiên Ngô Quyền đã quyết định chọn vùng
hạ lưu và cửa biển Bạch Đằng làm trận địa quyết chiến. Gần
như toàn bộ vùng trận địa đón đánh quân Nam Hán và chiến
trận diễn ra trên địa bàn thành phố Hải Phòng mà trung tâm là
khu vực cầu Bạch Đằng hiện nay. Hải Phòng không chỉ là trận
địa, chiến trường, nơi Ngô Quyền đặt đại bản doanh, chỉ huy
toàn bộ trận đánh, mà còn là vùng hậu cứ vững chắc nhất, nơi
cung cấp sức người, sức của, trực tiếp giải quyết tại chỗ mọi nhu
cầu của trận chiến. Chiến thắng Bạch Đằng năm 938 là một vũ
công hiển hách, một bước ngoặt lịch sử vĩ đại, mở đầu truyền
thống Bạch Đằng trong lịch sử Việt Nam. Truyền thống Bạch
Đằng là một truyền thống lớn của dân tộc Việt Nam, trong đó
mặc nhiên người Hải Phòng luôn được đặt vào vị trí trung tâm
và giữ vai trò quyết định trong toàn bộ quá trình hình thành và
phát triển.
Năm 981, chỉ 43 năm sau trận chung kết lịch sử toàn thắng
của Ngô Quyền, Lê Hoàn cùng quân dân Hải Phòng lại làm nên
một chiến thắng Bạch Đằng mới, giết chết chủ tướng nhà Tống
là Hầu Nhân Bảo, làm tan rã toàn bộ đoàn quân xâm lược hùng
mạnh đã tiến sâu vào vùng Đông Bắc và trung tâm châu thổ
sông Hồng. Mặc dù dấu tích của trận Bạch Đằng năm 981 còn
lại không nhiều, nhưng vẫn có thể xác định hầu như trận chiến

1. Đại Việt sử ký tiền biên, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1997, tr.135.
22 LỊCH SỬ HẢI PHÒNG

chỉ diễn ra trên địa bàn đông bắc huyện Thủy Nguyên, mà trung
tâm là núi U Bò (Hoa Bộ) và một vài địa điểm phụ cận. Trong âm
vang của chiến công bảo vệ toàn vẹn nền độc lập dân tộc, bài thơ
“Nam quốc sơn hà” - bản Tuyên ngôn độc lập đầu tiên của dân
tộc được ra đời trên chiến tuyến1, khẳng định tầm thế mới của
truyền thống Bạch Đằng.
Truyền thống Bạch Đằng được định hình và phát triển rất
nhanh chóng qua thử lửa trong các cuộc chiến tranh với các đế
chế xâm lược và bành trướng phương Bắc, đến đại thắng Bạch
Đằng ngày 09/4/1288 đã thực sự trở thành kỳ công vào bậc nhất
trong lịch sử Việt Nam.
Ngay từ những ngày đầu của cuộc kháng chiến lần thứ hai
(1285), hai vua Trần Thánh Tông và Trần Nhân Tông đã nhiều
lần qua lại vùng Thủy Nguyên để tìm chọn phương án đối phó
với quân Nguyên trước khi vượt cửa biển Đại Bàng (Văn Úc) vào
đánh tan hơn 5 vạn quân do Ô Mã Nhi chỉ huy đang rơi vào tình
thế khốn quẫn ở Thanh Hóa. Trong cuộc chiến tranh xâm lược
Đại Việt lần thứ ba (1288), Ô Mã Nhi nhiều lần kéo đại quân
đến đánh phá vùng cửa biển Đại Bàng và cửa sông Bạch Đằng
hòng lấy lại thế chủ động, nhưng lại bị tổn thất rất nặng nề. Với
quyết tâm tiêu diệt triệt để đoàn binh thuyền đang tìm đường
rút lui, quân dân nhà Trần đã chọn vùng sông Đá Bạc và thượng
lưu sông Bạch Đằng bày binh bố trận, xây dựng trận địa cọc liên
hoàn khóa chặt tất cả các tuyến đường ra ngoài cửa biển.

1. Bài thơ “Thần” xuất hiện lần đầu tiên trong cuộc kháng chiến chống
quân Tống năm 981 và được Lý Thường Kiệt cho đọc bên sông Như Nguyệt
trong cuộc kháng chiến chống quân Tống lần thứ hai. Tham khảo Bùi Duy
Tân: “Nam quốc sơn hà và Quốc tộ, hai kiệt tác mở đầu lịch sử văn học
ngang qua triều đại Lê Hoàn”, in trong sách Bối cảnh định đô Thăng Long
và sự nghiệp của Lê Hoàn, Nxb. Hà Nội, 2005, tr.308-324.
THÀNH PHỐ CẢNG HẢI PHÒNG trong tiến trình lịch sử... 23

Từ ngày 08/4/1288, đoàn quân Nguyên tiên phong đã bị chặn


đứng và đánh tan ở cửa sông Giá trên đất Thủy Nguyên, buộc bộ
phận còn lại phải dồn cả ra sông Đá Bạc. Sáng ngày 09/4, khi đoàn
binh thuyền của quân Nguyên đã lọt vào trận địa mai phục của
vua tôi nhà Trần ở hai bên bờ sông Bạch Đằng, mà trọng điểm là
khu vực núi Tràng Kênh, núi Mỏ Vịt, U Bò, quân Trần được lệnh
tổng công kích. Đến chiều cùng ngày, trận chiến kết thúc, toàn bộ
đoàn binh thuyền gồm 600 chiến thuyền và 4 vạn quân Nguyên
đã bị đánh tan. Cuộc kháng chiến chống quân Mông - Nguyên
xâm lược Đại Việt lần thứ ba đã kết thúc rất oanh liệt và triệt để,
bảo vệ vững chắc nền độc lập dân tộc, “Non sông ngàn thuở vững
âu vàng”1. Chiến công này còn góp phần chấm dứt vĩnh viễn dã
tâm xâm lược của đại đế chế Mông - Nguyên đang hoành hành,
đặt cả thế giới oằn mình dưới vó ngựa thảo nguyên khi đó. Vì thế,
đại thắng Bạch Đằng ngày 09/4/1288 còn là chiến công mang tầm
vóc thời đại.
Trần Hưng Đạo, linh hồn và là hiện thân của chiến công
kỳ diệu này giải thích nguyên nhân của chiến thắng là do “vua
tôi đồng tâm, anh em hòa mục, cả nước góp sức”2. Ông quy mọi
thắng lợi vào sự đóng góp của nhân dân, vì triều đình đã thực sự
lấy “khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng
sách giữ nước”3. Dân giữ vai trò quyết định làm nên kỳ tích Bạch
Đằng Giang và nâng tầm truyền thống Bạch Đằng lên đỉnh cao
chói lọi. Theo thống kê chưa đầy đủ, trên địa bàn Hải Phòng có 54
di tích đình, đền, miếu thờ Trần Hưng Đạo và các vị tướng lĩnh
có công lớn trong cuộc kháng chiến chống Mông - Nguyên như
Trần Hộ, Trần Độ, Mai Đình Nghiễm, Lại Văn Thanh, Bùi Thị
Từ Nhiên, Vũ Đại (Thủy Nguyên), Vũ Chí Thắng, Nguyễn Thiện
Lộc, Nguyễn Đống, Nguyễn Cây, Nguyễn Bến, Hoàng Thân

1, 2, 3. Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, t.2, tr.62, 79.


24 LỊCH SỬ HẢI PHÒNG

(nội thành Hải Phòng), Vũ Hải (Kiến Thụy), Hoa Duy Thành,
Lương Toàn (Vĩnh Bảo)... Người dân địa phương là tác giả đầy
đủ và đích thực của cả một hệ thống các bãi cọc ở Đầm Thượng,
ở các cửa sông Giá, sông Gia Đức, sông Thải, sông Chanh, sông
Rút, cửa các lạch thoát triều, trong đó bãi cọc Cao Quỳ với cấu
trúc độc đáo và quy mô hoành tráng, đã trở thành hình ảnh biểu
trưng của kỳ tích Bạch Đằng Giang.
Bộ sưu tập tư liệu này khẳng định cuộc kháng chiến chống
Mông - Nguyên đời Trần đã đạt đến trình độ của một cuộc chiến
tranh nhân dân sâu sắc, trong đó, vai trò của người dân Hải
Phòng trong chiến công chung của dân tộc là hết sức to lớn và
toàn diện. Năm 1941 khi viết sách Lịch sử nước ta, Chủ tịch Hồ
Chí Minh ca ngợi: “Mênh mông một dải Bạch Đằng/Nghìn thu
soi rạng giống dòng quang vinh”1. Vì vậy, người Hải Phòng hoàn
toàn có quyền tự hào về những đóng góp của mình cho toàn bộ
quá trình hình thành và phát triển truyền thống Bạch Đằng và
truyền thống yêu nước, chống ngoại xâm, bảo vệ toàn vẹn chủ
quyền lãnh thổ quốc gia. Đấy cũng chính là cái chất “thép đã tôi”
trong phẩm chất và tính cách của con người nơi đầu sóng ngọn
gió, là lợi thế của người Hải Phòng mỗi khi phải đối mặt với gian
nguy và thử thách khôn lường của lịch sử.

4. Hải Phòng - quá trình nâng cao vị thế của vùng cửa
biển Đại Việt
Sau thất bại của nhà Hồ, Hải Phòng nằm sâu trong vùng
kiểm soát của quân Minh và chịu nhiều hậu quả nặng nề do ách
thống trị vô cùng dã man, tàn bạo của quân xâm lược gây ra.
Thắng lợi oanh liệt của khởi nghĩa Lam Sơn đã quét sạch quân
Minh ra khỏi bờ cõi, vương triều Lê thành lập theo mô hình nhà

1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011,
t.3, tr.261.
THÀNH PHỐ CẢNG HẢI PHÒNG trong tiến trình lịch sử... 25

nước trung ương tập quyền cao, người Hải Phòng trong suốt 7
thập niên tiếp theo hầu như không có ai tham dự vào bộ máy
quản lý nhà nước Lê sơ. Họ vẫn dồn cả tâm sức làm lụng trên
những cánh đồng lúa, dệt vải, làm gốm, đan lát, đánh bắt cá,
chạy chợ và mở thêm nhiều nghề nghiệp mới. Nguyễn Trãi, trong
Dư địa chí - bộ Quốc chí đầu tiên của quốc gia Đại Việt thế kỷ XV,
đã mô tả về sản vật phong phú ở vùng đất cửa sông này: “Ngải
Môn (cửa Ngải Am, huyện Vĩnh Bảo và Tiên Lãng) và Dương Áo
(cửa Văn Úc, huyện Tiên Lãng và huyện Kiến Thụy) sản vật có
nhiều thứ... Hai huyện An (huyện An Dương và huyện An Lão)
có gà chọi. Đồng Lại (huyện Vĩnh Bảo) có cam đường... Ấp Bất
Bế, ấp Hội Am (huyện Vĩnh Bảo) dệt vải khổ nhỏ”1. Đời sống xã
hội và đời sống văn hóa từng bước được cải thiện. Hải Phòng khi
đó thuộc trấn Hải Dương, được nhà Lê xác định “là trấn thứ nhất
trong bốn kinh trấn (Đông, Đoài, Nam, Bắc) và là đứng đầu phên
giậu phía Đông”2. Trên nền tảng ấy, bước sang thế kỷ XVI, Hải
Phòng một lần nữa đột khởi một xu hướng phục hưng toàn diện.
Người mở đầu cho xu thế phát triển mới của tài năng khoa
cử Hải Phòng là Lê Ích Mộc, người xã Thanh Lãng, huyện Thủy
Nguyên, đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ, đệ nhất danh (Trạng
nguyên) khoa thi Nhâm Tuất (1502). Khoa thi ấy, vua Lê Hiến
Tông đích thân ra đầu bài văn sách hỏi về đế vương cai trị thiên
hạ và bài thi của Lê Ích Mộc đã “hơn hẳn mấy tầm so với bạn
đồng khoa”. Cùng đỗ với Lê Ích Mộc còn có Nguyễn Cảnh Diễn
(xã Khởi Nghĩa, huyện Tiên Lãng), Nguyễn Bá Tòng (dân ngụ cư
xã Hùng Tiến, huyện Vĩnh Bảo), Nguyễn Như Côn (xã An Sơn,
huyện Thủy Nguyên)... đều được xếp ở thứ hạng cao. Liên tục các
khoa thi sau có Trần Tông (xã Thủy Đường, huyện Thủy Nguyên),

1, 2. Nguyễn Trãi: Toàn tập, Sđd, tr.219.


26 LỊCH SỬ HẢI PHÒNG

Đào Khắc Cần (xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên), Nguyễn Đốc
Tín (xã An Thái, huyện An Lão), Lê Thời Bật (xã Tú Sơn, huyện
Kiến Thụy), Lê Tử Khanh (xã Hùng Tiến, huyện Vĩnh Bảo) đỗ
Hoàng giáp và Trần Tất Văn (xã Nguyệt Áng, huyện An Lão) đỗ
Trạng nguyên khoa thi Bính Tuất (1526)...
Mạc Đăng Dung sinh ra ở làng Cổ Trai (xã Ngũ Đoan, huyện
Kiến Thụy), khi còn nhỏ thường đánh cá, lớn lên thi đỗ Lực sĩ
xuất thân, được dùng vào quân Túc vệ. Mạc Đăng Dung sớm
tranh thủ được sự ủng hộ của dân chúng và trí thức mới nổi ở
vùng cửa sông, duyên hải, khai thác những mâu thuẫn và yếu
thế của triều đình khi nhà Lê suy tàn, nhanh chóng thâu tóm
mọi quyền hành trong tay, ép Cung Hoàng nhường ngôi, lập ra
vương triều Mạc (năm 1527), đặt tên nước là Việt Nam1, khẳng
định quyền cai quản toàn bộ lãnh thổ của nhà Lê.
Nhà Mạc, một mặt vẫn duy trì trung tâm chính trị - xã hội cổ
truyền Thăng Long2; mặt khác, lại tập trung xây dựng kinh đô
mới - Dương Kinh ở trên quê hương mình (làng Cổ Trai, xã Ngũ
Đoan, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng), ngay vùng cửa biển Văn
Úc. Thời kỳ này, hai cửa sông Thái Bình, Văn Úc là cửa ngõ lớn

1. Đinh Khắc Thuân lý giải ở thời Mạc có hai cách gọi tên nước khác
nhau là: một tên gọi dùng trong bang giao (An Nam) và một tên gọi trong
dân gian (Việt Nam), trong đó tên gọi trong dân gian là khá phổ biến. Xem
Đinh Khắc Thuân: Lịch sử triều Mạc qua thư tịch và văn bia, Nxb. Khoa
học xã hội, Hà Nội, 2001, tr.175-179.
2. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu và khai quật khảo cổ học trong thời
gian gần đây cho phép hình dung trong suốt 65 năm tính từ năm 1527 cho
đến năm 1592, nhà Mạc không để lại những dấu tích quan trọng nào trong
việc xây dựng hay tu sửa đền đài, cung điện ở Thăng Long, mà chỉ thấy
việc huy động quân dân bốn trấn vùng đồng bằng Bắc Bộ đắp thêm ba lần
lũy ngoài thành Đại La để đề phòng những cuộc tấn công của quân Trịnh.
Xem thêm Phan Huy Lê: Lịch sử và văn hóa Việt Nam - Tiếp cận bộ phận,
Nxb. Thế giới, Hà Nội, 2012, tr.693.
THÀNH PHỐ CẢNG HẢI PHÒNG trong tiến trình lịch sử... 27

nhất và quan trọng nhất của toàn bộ khu vực phía Bắc1. Dương
Kinh là một sản phẩm rất đặc biệt trong tâm thế hướng ra Biển
Đông của nhà Mạc và đến lượt nó lại mang đến cho Thăng Long,
tiếp thêm cho Thăng Long một luồng sinh khí mới. Giáo sư Trần
Quốc Vượng cho rằng, nhà Mạc đã “mang lên Kinh đô Thăng
Long một cái nhìn phóng khoáng hơn, một cái nhìn về biển phong
phú hơn thời Lê sơ, tâm thức cởi mở hơn”2.
Đất nước sau hai thập niên suy vi và loạn lạc, chỉ trong mấy
năm đầu của triều đại mới đã dần dần đi vào thế ổn định, tình
hình kinh tế, văn hóa đã bước đầu có dấu hiệu phát triển. Sách
Đại Việt sử ký toàn thư mô tả: “Từ đấy, người buôn bán và kẻ
đi đường đều đi tay không, ban đêm không còn trộm cướp, trâu
bò thả chăn không phải đem về, chỉ cần mỗi tháng xem lại một
lần, có khi sinh đẻ cũng không biết được là gia súc nhà mình.
Trong khoảng vài năm, người đi đường không nhặt của rơi, cổng
ngoài không phải đóng, được mùa liên tiếp, trong cõi tạm yên”3.

1. Sang thế kỷ XVII, nhà hàng hải người Anh có vẽ tấm bản đồ “Sông
Đàng Ngoài từ Kẻ Chợ ra đến biển” (Plan of The Tongquin River from
Cacho to the Sea) đã thể hiện rất cụ thể cửa biển Thái Bình, nơi nhận nước
của hai cửa sông Văn Úc và Thái Bình đổ ra, là nơi tàu thuyền của phương
Tây chủ yếu qua lại. Có thể hình dung ở phía bên phải của cửa biển là
Dương Kinh, nhánh sông ở giữa là sông Thái Bình tuy không lớn nhưng
nước sâu, tàu bè cỡ lớn có thể ra vào dễ dàng. William Dampier gọi sông
này là sông Domea (sông Đò Mè hay sông Thái Bình) và bến cảng ở gần
ngã ba sông là cảng Domea, nơi tàu bè của người phương Tây ra vào tấp
nập, đặc biệt thương nhân Hà Lan đã chọn thị trấn Domea ở trên bến cảng
làm nơi sinh sống, cũng giống như quê hương thứ hai của họ. Xem Nguyễn
Quang Ngọc: “Domea (Đômêa) trong hệ thống thương mại Đàng Ngoài thế
kỷ XVII - XVIII”, Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 378, 2007, tr.3-19.
2. Trần Quốc Vượng: “Mấy vấn đề về nhà Mạc trong lịch sử (tóm tắt)”,
in trong sách Nhà Mạc và dòng họ Mạc trong lịch sử, Hội đồng Lịch sử
thành phố Hải Phòng, 1996, tr.25.
3. Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, t.3, tr.115.
28 LỊCH SỬ HẢI PHÒNG

Lúc này trên thế giới, sau những phát kiến địa lý cuối thế kỷ XV,
từ đầu thế kỷ XVI, chủ nghĩa tư bản phương Tây đã bắt đầu
quá trình bành trướng sang phương Đông, tiên phong là thuyền
buôn Bồ Đào Nha và Hà Lan. Biển Đông dậy sóng và thực sự trở
thành mối quan tâm lớn, nhất là của các nhà hàng hải phương
Tây, tạo thêm nhiều điều kiện để phát triển và hội nhập, nhưng
cũng đặt ra không ít thách thức, đe dọa trực tiếp đến sự tồn vong
của đất nước.
Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (người làng Trung Am,
huyện Vĩnh Bảo), một bậc hiền triết thông kim bác cổ, một trong
những đại diện kiệt xuất nhất của trí tuệ Việt Nam thời Mạc (thế
kỷ XVI), hơn ai hết đã hiểu được nguồn năng lực dồi dào từ Biển
Đông mang lại và tầm nhìn hướng biển của nhà Mạc. Ông dựng
quán Trung Tân ở ngay cửa sông Thái Bình, ngày ngày xem nước
thủy triều lên xuống, suy ngẫm thế sự và tổng kết thành nguyên
tắc sinh tồn của quốc gia, dân tộc Việt Nam: “Biển Đông vạn dặm
giang tay giữ/Đất Việt muôn năm vững trị bình”1. Nếu giữ được
Biển Đông thì Việt Nam muôn thuở ổn định, hòa bình và thịnh
vượng. Nếu để mất Biển Đông, Việt Nam sẽ mất tất cả. Đấy là
bài học xương máu được đúc rút từ lịch sử vương triều Mạc, là
cống hiến lớn lao của trí tuệ và minh triết Trạng Trình Nguyễn
Bỉnh Khiêm và người dân quê Trạng cho quê hương, đất nước đã
gần tròn nửa thiên niên kỷ.
Kinh đô Dương Kinh dù đang được xây dựng, vẫn còn nhiều
dang dở, nhưng đã có dáng vẻ của một cảng thị quốc tế nối thông
với Phố Hiến, Thăng Long, vừa làm cảng cửa khẩu lớn nhất của

1. Nguyên văn trong bài Cự ngao đới sơn:


“Vạn lý Đông minh quy bả ác,
Ức niên Nam cực điện long bình”.
(Nguyễn Bỉnh Khiêm: Bạch Vân am thi tập, lưu tại Thư viện Quốc gia
Việt Nam, ký hiệu R.2017).
THÀNH PHỐ CẢNG HẢI PHÒNG trong tiến trình lịch sử... 29

quốc gia Đại Việt, vừa là căn cứ hậu cần hàng đầu cho kinh đô
Thăng Long. Điều này giải thích vì sao sang thế kỷ XVII - XVIII,
cũng nằm trong khu vực Dương Kinh của nhà Mạc đã xuất hiện
cảng cửa khẩu Domea (xã Khởi Nghĩa, huyện Tiên Lãng) từng
được đánh dấu là một đô thị cảng nổi tiếng trên bản đồ thế giới.
Hải Phòng hội nhập sâu hơn, tham gia tích cực và chủ động hơn
vào chuỗi hoạt động thương mại trên Biển Đông. Bước sang thế
kỷ XIX, vai trò của cảng cửa khẩu Domea được chuyển dần sang
cho một đô thị cảng quốc tế nổi tiếng hơn ở vùng cửa sông Cấm -
khu trung tâm của thành phố cảng Hải Phòng ngày nay. Vì thế,
theo lôgíc lịch sử, không thể không coi Dương Kinh, Domea là
tiền thân của thành phố cảng Hải Phòng, hay nói một cách khác,
địa bàn Hải Phòng đã chứng kiến toàn bộ quá trình hình thành
và xác lập đô thị cảng Hải Phòng, bắt đầu từ Dương Kinh và tiếp
nối là cảng cửa khẩu Domea... trong chiến lược vươn ra biển lớn
của quốc gia Đại Việt trong các thế kỷ XVI - XIX.

5. Thành phố Cảng Hải Phòng - trung tâm ra đời và phát


triển phong trào yêu nước và cách mạng Việt Nam

Nắm bắt được xu thế phát triển của khu vực bến Ninh Hải,
thực dân Pháp đã triệt để khai thác những điều kiện hết sức
thuận lợi ở đây, để tạo lập một “cảng lớn ở Bắc Kỳ”, làm bàn đạp
xâm chiếm và bình định Bắc Kỳ, thực hiện mục tiêu khai thác,
bóc lột thuộc địa toàn khu vực phía bắc Đông Dương và thâm
nhập sâu hơn vào thị trường rộng lớn ở miền Nam Trung Quốc.
Kể từ sau ngày Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định thành
lập Hội đồng thành phố Hải Phòng, tư bản Pháp tập trung đầu
tư mở rộng cảng, phát triển công nghiệp, thương mại, tài chính,
giao thông vận tải... không chỉ nhanh chóng biến khu bến Ninh
Hải của tỉnh Hải Dương thành trung tâm công nghiệp, thương
mại, đầu mối giao lưu với nước ngoài của các tỉnh Bắc Kỳ, mà
30 LỊCH SỬ HẢI PHÒNG

còn kéo cả các vùng nông thôn thuộc hạ lưu hệ thống sông Thái
Bình vào vòng xoáy của quá trình phát triển và đô thị hóa. Quy
mô kiến trúc đô thị Hải Phòng được định hình trong những năm
1888 - 1930 và hầu như không có sự biến đổi nhiều trong vài
ba thập niên tiếp theo. Vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, Hải
Phòng là thành phố lớn thứ ba của cả nước, chỉ đứng sau Sài Gòn
và Hà Nội, với cư dân đô thị (gồm ba nhóm người chủ yếu là người
Âu, người Hoa và người Việt) từ khoảng 18.000 người (thập niên
90 thế kỷ XIX) tăng lên 80.000 người (năm đầu thế kỷ XX) và
khoảng 100.000 người (thập niên 30 thế kỷ XX).
Hải Phòng là một trong những cái nôi sinh thành của giai cấp
công nhân Việt Nam với đội ngũ công nhân sống tập trung đông
đảo và tỷ lệ công nhân có tay nghề kỹ thuật tương đối cao so với
nhiều trung tâm công nhân khác. Công nhân Hải Phòng ngay từ
khi mới hình thành đã sớm đoàn kết đấu tranh chống lại các cách
thức và thủ đoạn áp bức, bóc lột giai cấp, dân tộc dưới nhiều hình
thức và từ thấp đến cao.
Cùng với giai cấp công nhân, Hải Phòng cũng là cơ sở quan
trọng chứng kiến sự ra đời của giai cấp tư sản Việt Nam. Nhìn
chung, đội ngũ tư sản Hải Phòng còn non yếu cả về kinh tế, chính
trị, trong đó bộ phận tiểu tư sản, mà chủ yếu là học sinh, trí thức
luôn đứng ở vị trí tiên phong, châm ngòi cho các phong trào đấu
tranh yêu nước theo khuynh hướng dân chủ tư sản diễn ra sôi nổi
trên địa bàn thành phố cảng và các địa phương liên quan.
Hải Phòng với những chuyển biến quan trọng về kinh tế,
chính trị, xã hội và văn hóa vào đầu thế kỷ XX theo khuynh
hướng phát triển của một đô thị hiện đại hội nhập quốc tế, đã
được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chọn làm đầu cầu truyền bá chủ
nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam. Sự tiếp thu sớm và sâu rộng
chủ nghĩa Mác - Lênin và sự kết hợp chủ nghĩa Mác - Lênin với
phong trào công nhân và phong trào yêu nước trên địa bàn thành
THÀNH PHỐ CẢNG HẢI PHÒNG trong tiến trình lịch sử... 31

phố đã nâng tầm thành phố cảng Hải Phòng lên vị trí hàng đầu
trong cuộc vận động thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam cả về tư
tưởng và tổ chức trong những năm 1920 - 1930. Đảng bộ Đảng
Cộng sản Việt Nam thành phố Hải Phòng được thành lập vào
tháng 4/1930, gồm 14 chi bộ và 100 đảng viên, đã lãnh đạo phong
trào đấu tranh của công nhân và nhân dân toàn bộ khu vực
Kiến An, Hải Phòng là một trong những đảng bộ lớn ra đời đầu
tiên ở trong nước ngay sau Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản
Việt Nam tại Hương Cảng (Trung Quốc). Trong những năm
1930 - 1945, Hải Phòng luôn là một trung tâm lớn mạnh của các
phong trào yêu nước và cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng và
cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Hải Phòng ngày 23/8/1945,
ở tỉnh lỵ Kiến An ngày 24/8/1945, thành cột mốc lớn đánh dấu
Cách mạng Tháng Tám vĩ đại đã thành công trọn vẹn ở vùng
duyên hải Bắc Bộ và trong các vùng trọng yếu nhất của đất nước.
Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Hải Phòng lại cùng
với các đô thị lớn Sài Gòn, Hà Nội nhận sứ mệnh đi trước và mở
đầu cuộc kháng chiến toàn quốc vô cùng oanh liệt. Thực dân Pháp
đã xây dựng Hải Phòng thành căn cứ quân sự trọng yếu để có thể
khống chế toàn vùng Bắc Bộ. Cuộc kháng chiến toàn dân, toàn
diện của quân dân Hải Phòng diễn ra vừa tiêu hao sinh lực địch,
vừa làm thất bại những âm mưu, thủ đoạn chính trị, kinh tế, văn
hóa của chúng, góp phần vào thắng lợi chung cuộc ở Điện Biên
Phủ và Hiệp định Giơnevơ năm 1954. Theo Hiệp định Giơnevơ,
Hải Phòng trở thành vùng tập kết chuyển quân 300 ngày của
quân đội Pháp. Quân và dân Hải Phòng, dưới sự lãnh đạo của
Đảng, thực hiện cuộc đấu tranh chính trị, binh vận, ngoại giao
chống lại mưu đồ biến Hải Phòng thành một đô thị chết, kinh tế
tiêu điều, văn hóa - xã hội lạc hậu và hỗn loạn; hoàn thành tiếp
32 LỊCH SỬ HẢI PHÒNG

quản Hải Phòng vào ngày 13/5/1955, mở ra giai đoạn lịch sử mới
trên đất Hải Phòng và trên phạm vi toàn quốc.

6. Thành phố Cảng Hải Phòng trung dũng, quyết thắng

Những năm 1955 - 1962, Kiến An, Hải Phòng tập trung hoàn
thành cải cách ruộng đất, khắc phục hậu quả do một số sai lầm
và hạn chế của quá trình triển khai thực hiện cải cách ruộng
đất gây ra; khôi phục kinh tế, ổn định tình hình văn hóa, xã hội;
tạo tiền đề cho công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa kinh tế tư bản
tư doanh, bước đầu phát triển kinh tế, văn hóa và bắt đầu triển
khai thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961 - 1965). Trong
hai năm 1961 - 1962 thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất,
Kiến An, Hải Phòng đã nổi lên như một trung tâm phát triển
vượt trội ở một địa bàn trọng yếu của miền Bắc và trở thành điển
hình của một vùng kinh tế - xã hội lấy đô thị cảng làm trung
tâm và dựa vào các tiềm lực kinh tế nông - ngư - công - thương
nghiệp ở các vùng phụ cận để phát triển tổng thể, toàn diện và
bền vững. Trên cơ sở đó, ngày 01/01/1963, thành phố Hải Phòng
và tỉnh Kiến An chính thức được hợp nhất thành một đơn vị
hành chính là thành phố Hải Phòng, gồm các khu phố nội thành
và các huyện ngoại thành rộng lớn tương đương với phạm vi của
thành phố Hải Phòng ngày nay. Vì vậy, đây cần phải được nhìn
nhận như là kết quả tất yếu của toàn bộ quá trình lịch sử vận
động, biến chuyển trên vùng đất duyên hải cửa sông Thái Bình,
Bạch Đằng, vì thế, nó chính là cột mốc lớn đánh dấu sự xác lập
mô hình thành phố cảng - thành phố trực thuộc Trung ương thứ
hai (sau Thủ đô Hà Nội), là thành quả trực tiếp và là hình ảnh
tiêu biểu của chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, hậu phương vững
chắc của công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Thời kỳ này, Hải Phòng là địa phương khởi xướng phong trào
thi đua yêu nước xây dựng Tổ đội lao động xã hội chủ nghĩa, mà
THÀNH PHỐ CẢNG HẢI PHÒNG trong tiến trình lịch sử... 33

“con chim đầu đàn” là Tổ Đá nhỏ ca A Nhà máy Xi măng, “Sóng


Duyên Hải” của Nhà máy Cơ khí Duyên Hải, được Chủ tịch Hồ
Chí Minh chọn làm chuẩn mực để phát động phong trào thi đua
chung cho toàn miền Bắc.
Ngày 05/8/1964, sau khi dựng lên “sự kiện Vịnh Bắc Bộ”, đế
quốc Mỹ bắt đầu cuộc tiến công mang tên “Mũi tên xuyên” đánh
phá miền Bắc. Bước sang năm 1965, đế quốc Mỹ mở hàng loạt
chiến dịch “Mũi lao lửa”, “Sấm rền”, “Sấm rền 50”, leo thang
đánh phá miền Bắc ngày càng ác liệt hòng phá tan các cơ sở kinh
tế, quốc phòng, hệ thống giao thông vận tải, ngăn chặn sự chi
viện của miền Bắc cho miền Nam và của phe xã hội chủ nghĩa
cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt
Nam. Do vị trí hết sức đặc biệt, Hải Phòng đã thành mục tiêu số 1
của cuộc chiến tranh leo thang của đế quốc Mỹ.
Sáng 26/3 và chiều 29/3/1965, đế quốc Mỹ đã huy động hàng
chục máy bay chia thành nhiều tốp liên tục bắn phá đảo Bạch
Long Vĩ hàng giờ liền. Quân dân Bạch Long Vĩ đã chiến đấu anh
dũng, bắn rơi 6 máy bay Mỹ, được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng cờ
“Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, mở đầu thời kỳ vừa
sản xuất, vừa chiến đấu của thành phố Cảng Hải Phòng trung
dũng, quyết thắng.
Ngày 17/7/1966, trước hành động leo thang vô cùng nguy hiểm
của đế quốc Mỹ, nhìn lại thành tựu gần hai năm chống chiến
tranh phá hoại, bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa, chi viện cho
chiến trường miền Nam, trong đó có những đóng góp to lớn nổi
bật của quân dân Hải Phòng, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu
gọi: “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu
hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có
thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không
có gì quý hơn độc lập, tự do. Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ
34 LỊCH SỬ HẢI PHÒNG

xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”1. Đáp lời
kêu gọi thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân dân Hải
Phòng liên tục lập công xuất sắc, ngày 05/8/1966, Người gửi thư
khen: “Từ mùng 2 đến mùng 5-8 quân và dân Hải Phòng đã
chiến đấu dũng cảm, liên tiếp đập tan các cuộc tiến công của
địch, giành được thắng lợi vẻ vang, bắn rơi 9 máy bay của giặc
Mỹ. Tính đến hôm nay Hải Phòng đã bắn rơi 50 máy bay Mỹ”2.
Sự kiện chiếc máy bay Mỹ thứ 50 bị bắn rơi trên vùng trời Hải
Phòng vào sáng 05/8/1966 đã trở thành biểu tượng anh hùng của
thành phố Cảng, là nghị lực và niềm tin để quân dân Hải Phòng
“chiến đấu giỏi hơn nữa, sản xuất giỏi hơn nữa, bảo vệ trật tự trị
an tốt hơn nữa và lập nhiều thành tích to hơn nữa”3, đúng như kỳ
vọng và sự ủy thác cao cả của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngay trong
những thời điểm ác liệt nhất của cuộc chiến tranh phá hoại lần
thứ nhất, thành phố cảng, khu công nghiệp Hải Phòng vẫn đứng
vững, sản xuất công, nông nghiệp và các mặt văn hóa, xã hội, an
ninh trật tự vẫn được bảo đảm, nhiệm vụ chi viện cho tiền tuyến
lớn vẫn không ngừng đáp ứng đầy đủ yêu cầu ngày càng cao của
chiến trường. Sau 4 năm chiến đấu, có 217 máy bay Mỹ đã bị bắn
hạ trên địa bàn Hải Phòng. Chiến công của quân dân Hải Phòng
đã góp cùng chiến công chung của cả nước, buộc đế quốc Mỹ phải
chấm dứt cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất.
Những năm 1968 - 1971, Hải Phòng tranh thủ thời gian
hòa bình tập trung khôi phục kinh tế, củng cố quốc phòng, tăng
cường chi viện cho tiền tuyến và sẵn sàng đánh bại mọi hành
động phiêu lưu mới của Mỹ.
Đầu năm 1972, Mỹ bắt đầu triển khai kế hoạch tiến hành
cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ hai, tiếp tục dựa vào

1, 2, 3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr.131, 138.


THÀNH PHỐ CẢNG HẢI PHÒNG trong tiến trình lịch sử... 35

ưu thế của không quân và hải quân, nhưng huy động lực lượng
lớn hơn, với những thủ đoạn quỷ quyệt, trang bị kỹ thuật hiện
đại, đánh ào ạt, tổng lực để có thể nhanh chóng thay đổi cục diện
chiến tranh, trong đó Hải Phòng là mục tiêu chủ yếu, là trọng
điểm chiến lược. Từ 1 giờ 30 phút sáng 16/4/1972, hàng trăm lượt
máy bay cường kích chiến thuật được tổ chức thành nhiều đợt,
chia nhiều tốp, hỗ trợ cho máy bay chiến lược B52 ném bom rải
thảm, đánh cả ngày lẫn đêm, tàn phá không chỉ các khu công
nghiệp, nhà máy, xí nghiệp, kho bãi, bến cảng, công trường, cầu
đường, mà cả các khu dân cư trong nội thành và làng xã ngoại
thành. Tàu tuần dương và tàu khu trục của Mỹ cũng được điều
đến áp sát ngoài cửa biển bắn tên lửa và đạn pháo cỡ 152 ly,
203 ly vào các khu dân cư ven biển. Vượt lên trên mọi đau
thương mất mát, quân dân Hải Phòng đã bắn hạ 10 máy bay
(trong đó có 1 máy bay B52), bắn cháy 1 tàu khu trục. Tuy hiệu
quả chiến đấu chưa cao, nhưng cũng góp phần làm thất bại
mưu đồ của đế quốc Mỹ hủy diệt toàn bộ thành phố cảng chỉ
bằng một trận đánh.
Ngày 08/5/1972, Mỹ quyết định tăng cường đánh phá bằng
không quân và hải quân vào các mục tiêu quân sự, cắt đứt toàn
bộ đường xe lửa và các đường giao thông khác, đồng thời thả thủy
lôi phong tỏa tất cả đường ra, vào các cảng miền Bắc, trong đó,
cảng Hải Phòng là mục tiêu đầu tiên và quan trọng nhất. Ngay
trong ngày 09/5, máy bay Mỹ đã thả xuống vùng biển Cát Bà,
Đồ Sơn, luồng Nam Triệu, cửa sông Văn Úc trên 1.000 quả thủy
lôi và phong tỏa 4 đợt, riêng khu vực thành phố Hải Phòng có đến
3.216 quả thủy lôi, bịt kín tất cả mọi lối ra, vào của tàu thuyền.
Vì vậy, thành phố Hải Phòng đã có lúc trở thành một ốc đảo và
phải tạm ngừng mọi hoạt động. Cuộc chiến đấu chống phong tỏa
cảng Hải Phòng trở thành cuộc chiến sống còn, quân dân Hải
Phòng không có con đường nào khác là phải khai thông luồng
36 LỊCH SỬ HẢI PHÒNG

lạch, khôi phục hệ thống giao thông, đưa cảng trở lại hoạt động
bình thường. Chỉ 10 ngày sau, một luồng vận tải mới ven biển từ
Hải Phòng ra vùng biển Đông Bắc được khai mở. Ngay sau đó,
các tuyến hàng hải mới có mật danh H1, H2, H3 đã hình thành
và đi vào hoạt động. Đồng thời, tổ chức phân cảng trên bộ ở Lạng
Sơn để tiếp nhận hàng viện trợ quá cảnh qua tuyến đường sắt
liên vận quốc tế. Từ đây, cảng Hải Phòng lại hồi sinh. Công việc
rà phá thủy lôi được triển khai hết sức khẩn trương. Sức mạnh
của truyền thống yêu nước “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”
được nhân lên bởi lòng dũng cảm vô song với trí tuệ và sáng tạo
tuyệt vời của người dân đất cảng, đã làm nên kỳ tích của thời
đại mới. Các cán bộ, chiến sĩ tự vệ, dân quân, thanh niên, phụ
nữ, xã viên hợp tác xã hăng hái xung phong dẫn các ca nô, có
khi chỉ là thuyền gỗ, bè tre... quên mình lao thẳng vào các bãi
bom mìn, thủy lôi dày đặc để kích nổ, mở luồng thông tuyến.
Trước giờ ra trận, những chiến sĩ quyết tử đều được tổ chức
lễ truy điệu sống và kỳ lạ thay, có nhiều người được truy điệu
sống không phải một lần, mà rất nhiều lần. Số hàng nhập khẩu
ở thời điểm cảng Hải Phòng bị phong tỏa triệt để thậm chí còn
cao hơn nhiều so với thời điểm yên bình trước đó. Đế quốc Mỹ
dù đã cố gắng đến mức rất cao cũng không thể nào phong tỏa
được cảng, cô lập, cắt đứt mọi nguồn sống và triệt hạ hoàn toàn
thành phố cảng Hải Phòng.
Không cam chịu thất bại, trong 12 ngày đêm cuối năm 1972,
đế quốc Mỹ đã huy động 729 lần chiếc máy bay B.52 và 3.920
lần chiếc máy bay cường kích chiến thuật của hai quân chủng
Không quân và Hải quân mở cuộc tập kích chiến lược với quy mô
lớn chưa từng có vào Thủ đô Hà Nội và thành phố Hải Phòng.
Quân dân Hải Phòng đã bắn rơi 17 máy bay (trong đó có 4 máy
bay B52, 1 máy bay F111) góp phần cùng Thủ đô Hà Nội và các
THÀNH PHỐ CẢNG HẢI PHÒNG trong tiến trình lịch sử... 37

địa phương khác làm nên trận “Điện Biên Phủ trên không”, đập
tan những cố gắng cao nhất và cuối cùng của đế quốc Mỹ, buộc
Mỹ phải ký kết Hiệp định Pari, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa
bình ở Việt Nam. Những năm 1973 - 1975, Hải Phòng tập trung
ổn định tình hình kinh tế - xã hội, khắc phục những hậu quả
hết sức nặng nề sau chiến tranh và dốc sức chi viện cho chiến
trường, góp phần quan trọng hoàn thành sự nghiệp giải phóng
miền Nam, thống nhất đất nước.

7. Đi đầu trong đổi mới và hội nhập quốc tế, Hải Phòng
hướng đến một thành phố công nghiệp và dịch vụ cảng văn
minh, hiện đại

Cơ chế quản lý tập trung vốn có ưu thế lớn trong huy động
các nguồn lực phục vụ cho chiến đấu và sản xuất thời kỳ kháng
chiến chống Mỹ, cứu nước, đã dần không còn tác dụng, thậm chí
thành trở lực chủ yếu của quá trình phát triển kinh tế - xã hội
và hội nhập quốc tế trong bối cảnh trong nước và trên thế giới
đang trải qua những biến đổi hết sức nhanh chóng. Những năm
sau ngày đất nước thống nhất, đời sống nhân dân Hải Phòng
giảm sút rõ rệt, tệ nạn xã hội và tình trạng mất trật tự trị an
tăng nhanh. Thành phố đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt
(trong đó có không ít biện pháp tăng cường quản lý tập trung
quan liêu, bao cấp như đưa hầu hết số hợp tác xã nông nghiệp lên
thành hợp tác xã bậc cao quy mô toàn xã, mở rộng nông trường
quốc doanh, phát triển các vùng chuyên canh, quân sự hóa cảng,
kiểm soát chặt chẽ các khâu lưu thông, phân phối hàng hóa...)
với hy vọng có thể nhanh chóng ổn định đời sống kinh tế - xã hội,
nhưng hầu như đều không có hiệu quả thực tế. Giữa lúc đó, tại
xã Đoàn Xá, huyện An Thụy (Kiến Thụy và An Lão), Hợp tác xã
Tiến Lập đã bí mật chia ruộng cho xã viên cày cấy và nộp sản
phẩm cho hợp tác xã, số vượt khoán xã viên được quyền sử dụng.
38 LỊCH SỬ HẢI PHÒNG

Hình thức “khoán chui” đầy mạo hiểm này đã đem về những mùa
lúa bội thu. Kinh nghiệm “phá rào” của xã Đoàn Xá được coi như
cứu tinh cho Hải Phòng từng bước thoát dần ra khỏi tình trạng
khủng hoảng, bế tắc trong nông thôn, nông nghiệp. Trên cơ sở
thực tiễn của các địa phương “khoán chui”, ngày 27/6/1980, Ban
Thường vụ Thành ủy Hải Phòng ra Nghị quyết số 24-NQ/TU về
“Củng cố tổ chức hợp tác xã nông nghiệp, nhằm đẩy mạnh sản
xuất lương thực, thực phẩm” với nội dung cơ bản là khoán sản
phẩm cuối cùng đến nhóm và người lao động, để xã viên triệt để
tận dụng sức lao động, năng lực canh tác và vật tư, ruộng đất,
nâng cao năng suất. Ngày 21/10/1980, Ban Bí thư Trung ương
Đảng đã ra Thông báo số 22-TB/TW cho phép các địa phương
tiến hành thử nghiệm hình thức khoán sản phẩm trong hợp tác
xã nông nghiệp. Hải Phòng có thêm điều kiện đi tiên phong thực
hiện chủ trương đổi mới của Đảng, tăng nhanh tổng sản phẩm
nông nghiệp, cải thiện về căn bản đời sống nông thôn và góp
phần ổn định đời sống người dân đô thị, lực lượng vũ trang và các
lực lượng phi nông nghiệp. Trên cơ sở tổng kết đánh giá tình hình
thực tiễn, ngày 13/01/1981, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ
thị số 100-CT/TW chính thức quyết định chủ trương khoán sản
phẩm đến nhóm và người lao động trong hợp tác xã nông nghiệp
(thường được gọi là Khoán 100), tạo nên bước đột phá đầu tiên
trong quá trình đổi mới cơ chế quản lý kinh tế nông nghiệp trên
phạm vi toàn quốc1.

1. Tuy nhiên, Khoán 100 mới chỉ là bước khởi đầu và còn nhiều hạn
chế nên đến tháng 4/1988, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 10-NQ/TW
khẳng định quyền tự chủ sản xuất của hộ xã viên trong sở hữu, quản lý
và phân phối (nên được gọi là Khoán 10 hay khoán hộ). Đến Khoán 10, cơ
chế quản lý kế hoạch hóa tập trung quan liêu, bao cấp trong nông nghiệp
mới thực sự được xóa bỏ.
THÀNH PHỐ CẢNG HẢI PHÒNG trong tiến trình lịch sử... 39

Xác định nông nghiệp là mặt trận hàng đầu, là cơ sở quyết


định thành công của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Hải
Phòng không chỉ đột phá và kiến tạo thành công cơ chế khoán
sản phẩm cuối cùng đến nhóm và người lao động, mà còn toàn
tâm, toàn sức triển khai và thực thi khoán hộ theo tinh thần
Nghị quyết số 10-NQ/TW của Bộ Chính trị, khẳng định bước
phát triển lớn của nông thôn, nông nghiệp Hải Phòng nói riêng
và kinh tế - xã hội Hải Phòng nói chung trong những thập niên
cuối thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI.
Những năm 1986 - 2000, trong 15 năm đầu của công cuộc đổi
mới, Hải Phòng tập trung đầu tư xây dựng thành phố cảng hiện
đại, có công nghiệp, nông nghiệp, văn hóa phát triển. Cảng Hải
Phòng được xây dựng thành trung tâm của cụm cảng phía Bắc,
cửa ngõ chính ra biển của miền Bắc cũng như của cả nước. Thành
phố Hải Phòng giữ vai trò là “thành phố mở” về kinh tế, dẫn đầu
về nhịp độ tăng trưởng của toàn vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của Hải Phòng trong thập
niên 90 thế kỷ XX đạt 10,3%/năm, giá trị sản xuất công nghiệp
tăng 23,88%; cơ cấu kinh tế (nông nghiệp, công nghiệp, thương
mại, du lịch, dịch vụ) chuyển dịch đúng hướng; kết cấu hạ tầng
cùng với bộ mặt đô thị, nông thôn được nâng cấp và cải thiện.
Thế kỷ XXI là thế kỷ của đại dương, trong bối cảnh toàn cầu
hóa và biến đổi khí hậu toàn cầu, với yêu cầu hội nhập và phát
triển bền vững đất nước, Hải Phòng đứng trước những lợi thế
rất căn bản và cả những thách thức chưa từng có trong lịch sử.
Trên cơ sở quyết tâm rất cao của Đảng bộ và nhân dân thành phố
cảng, ngày 05/8/2003, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 32-NQ/TW
về “Xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng trong thời kỳ
công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” đã khẳng định: “Phát
huy toàn diện, đồng bộ tiềm năng, lợi thế thành phố cảng, tập
trung cao mọi nguồn lực đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa
và hội nhập quốc tế, tạo bước phát triển đột phá, để Hải Phòng
40 LỊCH SỬ HẢI PHÒNG

cơ bản trở thành thành phố công nghiệp và dịch vụ cảng theo
hướng văn minh, hiện đại vào năm 2015; có kinh tế phát triển
nhanh, bền vững..., đô thị phát triển xứng tầm là đô thị loại I -
đô thị trung tâm cấp quốc gia; phát triển văn hóa thật sự là nền
tảng tinh thần của xã hội; quốc phòng, an ninh được tăng cường
và củng cố vững chắc; năng lực lãnh đạo, bản lĩnh chính trị, sức
chiến đấu của toàn Đảng bộ và hiệu lực, hiệu quả hoạt động của
cả hệ thống chính trị tiếp tục được nâng cao; đảm bảo tiến bộ,
công bằng, an sinh xã hội; tiếp tục cải thiện và nâng cao chất
lượng đời sống của nhân dân”. Sau 10 năm nhìn lại, vào cuối
năm 2013, những chỉ tiêu chủ yếu được đặt ra trong Nghị quyết
số 32-NQ/TW, ngày 05/8/2003, đã được Đảng bộ và nhân dân
thành phố Hải Phòng triển khai và thực hiện, đạt nhiều thành
quả lớn: GDP tăng bình quân 11%/năm; quy mô kinh tế tăng gấp
2,8 lần so với năm 2002, chiếm 4,7% tổng GDP cả nước; cơ cấu
kinh tế chuyển dịch đúng hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa
(tỷ trọng dịch vụ - công nghiệp chiếm gần 90%, sản lượng hàng
hóa qua cảng tăng 16,7%/năm, sản xuất nông nghiệp và thủy sản
đã chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa...). Môi trường đầu tư
kinh doanh tiếp tục được cải thiện, kinh tế Hải Phòng ngày càng
hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế đất nước, khu vực và thế giới.
Hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông và đô thị
có những bước phát triển vượt bậc; quy hoạch và quản lý đô thị
phát triển cả về quy mô, chất lượng theo tiêu chí của đô thị loại I
trực thuộc Trung ương. Đời sống xã hội và văn hóa cũng như cuộc
sống vật chất và tinh thần của người dân Hải Phòng từng bước
được nâng cao. Nhiệm vụ quốc phòng và giữ gìn trật tự an ninh
được củng cố. Năm 2014 và năm 2015, tổng sản phẩm bình quân
tăng 9,07%/năm (tuy chưa đạt chỉ tiêu đã đề ra), nhưng vẫn gấp
1,5 lần bình quân chung của cả nước.
Những năm 2016 - 2020, với quyết tâm cao: “Tăng cường kỷ
cương thu, chi ngân sách; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh”,
THÀNH PHỐ CẢNG HẢI PHÒNG trong tiến trình lịch sử... 41

thành phố Hải Phòng thực sự bước sang một giai đoạn phát triển
mới, toàn diện và vượt bậc. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa
bàn thành phố tăng bình quân 10,12%/năm, trong đó thu ngân sách
nội địa tăng 20,7% (gấp 1,3 lần so với giai đoạn 2011 - 2015). Đô thị
Hải Phòng phát triển nhanh, mạnh theo hướng đô thị xanh, văn
minh, hiện đại, là thành phố đáng sống; 100% số xã ngoại thành
đã trở thành xã nông thôn mới, khẳng định con đường đô thị hóa
nông thôn của Hải Phòng đã về gần đến đích...
Trong quá trình xây dựng và trưởng thành, lãnh đạo các cấp
bộ đảng, chính quyền, cán bộ và nhân dân Hải Phòng luôn nhanh
nhạy, đi đầu khai mở, dũng cảm đột phá và kiến tạo những
hướng đi mới để Hải Phòng nhanh chóng trở thành thành phố
công nghiệp và dịch vụ cảng theo hướng văn minh, hiện đại, đô
thị loại I - trung tâm cấp quốc gia.
*
* *
Hải Phòng là miền đất cổ có lịch sử dài đến hai vạn năm,
là nơi hội tụ hai nguồn lực cơ bản nhất từ lục địa đất liền và từ
duyên hải, biển, hải đảo cho sự ra đời và phát triển của Nhà nước
Văn Lang, cửa ngõ chủ yếu và quan trọng nhất của quốc gia cổ
đại đầu tiên cho đến các vương triều Đại Việt, Việt Nam, Đại
Nam thời quân chủ. Mặc dù có nguồn gốc từ thời xa xưa, với các
đô thị tiền thân lừng danh một thời như Dương Kinh, Domea,
nhưng đô thị Hải Phòng chỉ bắt đầu được cuốn vào guồng phát
triển hối hả của đô thị cận hiện đại kể từ khi phần đất của làng
Gia Viên ở phía dưới ngã ba sông Cửa Cấm - Tam Bạc trở thành
“nhượng địa” của Pháp. Dù vẫn còn các ý kiến cần tiếp tục được
trao đổi, thảo luận, nhưng không thể phủ nhận đến năm 1888
với Nghị định thành lập thành phố Hải Phòng của Toàn quyền
Đông Dương, Hải Phòng chính thức trở thành thành phố cảng và
là một trong ba đô thị đứng đầu toàn Đông Dương. Hải Phòng
nhanh chóng trở thành trung tâm kinh tế, xã hội, chính trị và
42 LỊCH SỬ HẢI PHÒNG

văn hóa lớn của cả nước, cái nôi của giai cấp công nhân, phong
trào công nhân, với sự kết quyện giữa phong trào công nhân với
phong trào yêu nước, hình thành các tổ chức tiền thân của Đảng
và cũng là nơi chứng kiến sự ra đời của tổ chức Đảng Cộng sản
Việt Nam ngay sau Hội nghị thành lập Đảng. Dưới sự lãnh đạo
của Đảng Cộng sản Việt Nam, Hải Phòng đã làm nên hàng loạt
kỳ tích trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945; “đi trước về sau”
trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp và tạo dựng mô
hình, quy mô thành phố cảng trực thuộc Trung ương như thành
phố Hải Phòng hiện nay tính từ ngày 01/01/1963. Hải Phòng hiên
ngang “đầu ngọn sóng”, trung dũng, quyết thắng, đi đầu đánh
bại các cuộc chiến tranh leo thang, phong tỏa cảng và cuộc tập
kích chiến lược với những quyết tâm đến mức cao nhất hòng triệt
hạ hoàn toàn thành phố cảng của đế quốc Mỹ. Trong gian khó và
ác liệt đến tột cùng, Hải Phòng vẫn tiếp tục dựng xây, phát triển
và trở thành đầu cầu lớn nhất và quan trọng nhất chi viện cho
cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam. Sau ngày đất nước thống
nhất (30/4/1975) và cùng tiến lên chủ nghĩa xã hội, Hải Phòng lại
tiếp tục đi đầu trong công cuộc đổi mới, với những kiến tạo mang
tầm chiến lược, nâng Hải Phòng lên thành trung tâm kinh tế,
chính trị, thương mại quốc gia, cực tăng trưởng quan trọng hàng
đầu của tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và
của toàn khu vực phía Bắc Việt Nam.
Người dân Hải Phòng năng động và kiên cường trụ vững trên
bờ Biển Đông, anh dũng đi đầu trong suốt tiến trình lịch sử dựng
nước và giữ nước vô cùng vẻ vang của dân tộc, tạo lập tầm thế
mới của thành phố cảng trực thuộc Trung ương, của đô thị thông
minh, đô thị quốc tế tiêu biểu của Việt Nam.

GS.TS.NGND. NGUYỄN QUANG NGỌC


Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam
TẬP I

TỪ THỜI NGUYÊN THỦY ĐẾN NĂM 938


CHỦ BIÊN
GS.NGND. HÀ VĂN TẤN

ĐỒNG CHỦ BIÊN


PGS.TS. TỐNG TRUNG TÍN

BIÊN SOẠN
PGS.TS. TỐNG TRUNG TÍN
TS. NGUYỄN VĂN SƠN
TS. NGUYỄN THỊ KIM DUNG
Nhà nghiên cứu NGÔ ĐĂNG LỢI

HỘI ĐỒNG ĐÁNH GIÁ, NGHIỆM THU


Chủ tịch Hội đồng
GS.NGND. PHAN HUY LÊ
Nguyên Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam
Các ủy viên
PGS.TS. TRẦN ĐỨC CƯỜNG
Thiếu tướng, PGS.TS. TRỊNH VƯƠNG HỒNG
PGS.TS. PHẠM LÝ HƯƠNG
PGS.TS.NGND. HÁN VĂN KHẨN
PGS.TS. NGUYỄN KHẮC SỬ
PGS.TS. TRẦN THỊ VINH

TỔNG BIÊN TẬP


GS.TS.NGND. NGUYỄN QUANG NGỌC

BIÊN TẬP
PGS.TS. TỐNG TRUNG TÍN

TỔ CHỨC BẢN THẢO


ThS. ĐẶNG TRẦN KIÊN
TS. ĐOÀN TRƯỜNG SƠN
Lời nói đầu tập I

L ịch sử Hải Phòng, tập I viết về lịch sử Hải Phòng từ khởi


nguồn đến mốc son chiến thắng Bạch Đằng năm 938
gồm các giai đoạn:
- Hải Phòng thời nguyên thủy khoảng 2 vạn năm đến khoảng
3.500 năm cách ngày nay.
- Hải Phòng thời kỳ dựng và giữ nước đầu tiên khoảng 2.700
năm đến khoảng 2.000 năm cách ngày nay.
- Hải Phòng thời kỳ nghìn năm Bắc thuộc và chống Bắc thuộc.
- Hải Phòng khoảng đầu thế kỷ X đến chiến thắng Bạch Đằng
năm 938.
Về vị trí, Hải Phòng là một thành phố ở khu vực vùng biển Đông
Bắc, có giao thông thuận lợi, thiên nhiên đa dạng với đủ các dạng
hình cảnh quan: núi rừng, biển cả, hang động, sông, hồ, đồng bằng
và hải đảo. Do vậy, lịch sử đất và người Hải Phòng phong phú, độc
đáo. Từ những trang sử xa xưa nhất, người nguyên thủy Hải Phòng
đã cùng nhau khai thác vùng đất Hải Phòng theo tinh thần hướng
biển. Có thể thấy, những cái “lõi” lịch sử của các truyền thuyết Lạc
Long Quân - Âu Cơ, truyền thuyết Hùng Vương dựng nước, vấn đề
nguồn gốc dân tộc, vấn đề hòa hợp đất - nước, núi - biển, vấn đề vị
trí “cổ họng quan yếu”, vấn đề kinh tế - an ninh, vấn đề giao lưu -
hòa hợp và phát triển của Hải Phòng trong bối cảnh chung của lịch
sử đất nước. Điểm nhấn tạo nên quá trình lịch sử dựng và giữ nước
đó của Hải Phòng là yếu tố biển. Cho đến nay, biển vẫn là một thế
mạnh hàng đầu trong việc phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, an
ninh của thành phố Hải Phòng.
46 LỊCH SỬ HẢI PHÒNG Tập I (Từ thời nguyên thủy đến năm 938)

Tuy nhiên, viết Lịch sử Hải Phòng, tập I cũng gặp không ít khó
khăn bởi các chương viết về Hải Phòng thời tiền sử và sơ sử vẫn chưa
có đầy đủ tư liệu từ các công trình điều tra, khai quật khảo cổ học
quy mô, toàn diện. Các chương viết về Hải Phòng thời Bắc thuộc và
chiến thắng Bạch Đằng thì thư tịch cổ ghi rất ít, thậm chí phần nhiều
không có ghi chép gì. Nguồn tư liệu phần lớn vẫn dựa vào khảo cổ
học trong khi các cuộc điều tra khảo cổ học về thời kỳ này cũng chưa
nhiều. Các truyền thuyết thì cần phải hết sức gạn lọc, chắt chiu. Do
vậy, mặc dù nhóm tác giả đã có nhiều cố gắng, nhưng khó tránh khỏi
có những thiếu sót, mong bạn đọc gần xa góp ý kiến xây dựng.
Nhìn chung, mặc dù thiếu thốn nhiều tư liệu nhưng những
nét lớn của lịch sử Hải Phòng từ thời tiền sử đến năm 938 đã
bước đầu được phác dựng. Trong tương lai không xa, chúng ta sẽ
tiếp tục nghiên cứu bổ sung dần dần tư liệu cho một bộ Lịch sử
Hải Phòng mới đầy đủ hơn, chân xác hơn.
Lịch sử Hải Phòng, tập I do tập thể các nhà khoa học của
Viện Khảo cổ học, của Hải Phòng và các cộng tác viên tham gia,
nghiên cứu biên soạn. Phân công viết như sau:
- Phần Mở đầu và phần Kết luận do PGS.TS. Tống Trung Tín
(Viện Khảo cổ học) viết;
- Chương I do TS. Nguyễn Thị Kim Dung (Viện Khảo cổ học) viết;
- Chương II do PGS.TS. Tống Trung Tín (Viện Khảo cổ học) viết;
- Chương III do Nhà sử học Ngô Đăng Lợi (Hội Khoa học
Lịch sử Hải Phòng) và PGS.TS. Tống Trung Tín (Viện Khảo cổ
học) viết;
- Chương IV do TS. Nguyễn Văn Sơn (Văn phòng Ủy ban
nhân dân thành phố Hải Phòng) viết.
- Phần minh họa ảnh, bản vẽ được cung cấp và thực hiện bởi
TS. Nguyễn Thị Kim Dung, CN. Nguyễn Đăng Cường, CN. Bùi
Thanh Hợi, CN. Võ Thanh Hưởng, PGS.TS. Nguyễn Khắc Sử,
PGS.TS. Trình Năng Chung, PGS.TS. Bùi Văn Liêm (Viện Khảo
cổ học), CN. Nguyễn Phương (Bảo tàng Hải Phòng).
LỜI NÓI ĐẦU TẬP I 47

- Phần tư liệu thần tích, thần phả Hán Nôm được cung cấp bởi
Bảo tàng Hải Phòng, Nhà sử học Ngô Đăng Lợi (Hội Khoa học Lịch sử
Hải Phòng), GS.TS. Đinh Khắc Thuân (Viện Nghiên cứu Hán Nôm).
- Kỹ thuật vi tính do CN. Trương Hữu Nghĩa, TS. Phạm Văn
Triệu, CN. Lưu Văn Hùng (Viện Khảo cổ học) thực hiện.
PGS.TS. Tống Trung Tín chỉnh lý, biên tập thống nhất toàn
bộ bản thảo lần thứ nhất, được Hội đồng nghiệm thu thành phố
do GS.NGND. Phan Huy Lê làm Chủ tịch đánh giá, nghiệm thu
xuất sắc năm 2005. Năm 2017 - 2019 theo yêu cầu của Ban Chỉ
đạo và Hội đồng Thẩm định, PGS.TS. Tống Trung Tín và các
cộng sự tiếp tục chỉnh lý, biên soạn và bổ sung.
Lịch sử Hải Phòng, tập I là công trình công phu và nghiêm
túc của tập thể các nhà khoa học nghiên cứu biên soạn. Ban biên
soạn xin bày tỏ lời cảm ơn sâu sắc tới lãnh đạo Thành ủy, Hội
đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng đã hết
lòng tạo điều kiện, trực tiếp chỉ đạo quá trình biên soạn một cách
bài bản, khoa học; cảm ơn Sở Khoa học và Công nghệ Hải Phòng,
Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn, Bảo tàng Hải Phòng,
Hội Khoa học Lịch sử Hải Phòng đã hợp tác nghiên cứu và đóng
góp nhiều tư liệu quý báu. Chúng tôi xin trân trọng cảm ơn mọi
sự đóng góp và mong tiếp tục nhận được sự giúp đỡ trong việc
tiếp tục hoàn thiện Lịch sử Hải Phòng, tập I trong những lần
xuất bản sau.

T/M BAN BIÊN SOẠN


GS.NGND. HÀ VĂN TẤN
Nguyên Viện trưởng Viện Khảo cổ học
Nguyên Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử
Việt Nam
HẢI PHÒNG

MỞ ĐẦU

HẢI PHÒNG
LỊCH SỬ

THIÊN NHIÊN
VÀ CON NGƯỜI
Bản đồ hành chính thành phố Hải Phòng
50 LỊCH SỬ HẢI PHÒNG Tập I (Từ thời nguyên thủy đến năm 938)

I- THIÊN NHIÊN HẢI PHÒNG

Thành phố Hải Phòng nằm trong hệ tọa độ địa lý 20O30’39’’ -


210O1’15” vĩ độ Bắc và 106O23’ - 107O08’39” kinh độ Đông. Về
phía bắc và đông bắc, Hải Phòng giáp tỉnh Quảng Ninh dọc theo
sông Đá Bạc và sông Bạch Đằng, phía tây giáp tỉnh Hải Dương,
tây nam giáp tỉnh Thái Bình dọc theo sông Hóa và sông Thái
Bình. Bờ biển Hải Phòng có chiều dài 125km với 5 cửa sông chính
là Lạch Huyện, Nam Triệu, Lạch Tray, Văn Úc và Thái Bình.
Tổng diện tích đất tự nhiên của thành phố là 1.515km2, trong
đó có 163,6km2 là diện tích các đảo, bao gồm cụm đảo Cát Bà và
Long Châu, các đảo Bạch Long Vĩ, Hòn Dấu (hay Hòn Dáu) và
Cát Hải. Bán đảo Đồ Sơn nhô ra biển như một ranh giới tự nhiên
phân chia bờ biển Hải Phòng thành hai vùng khác nhau1.

1. Địa chất

Hải Phòng là vùng đất cổ có lịch sử tiến hóa địa chất lâu dài
từ hàng trăm triệu năm trước.
Vào nguyên đại Cổ sinh sớm (khoảng 570 - 410 triệu năm
trước), địa chất Hải Phòng gắn liền với sự phát triển của địa
máng - vùng biển sâu kéo dài dọc ven biển Trung Quốc sang khu
vực ven bờ Đông Bắc Việt Nam.

1. Chương mở đầu được tham khảo các nguồn tư liệu chủ yếu sau: Hội
đồng lịch sử thành phố Hải Phòng: Địa chí Hải Phòng, Hải Phòng, 1990,
t.I; Trần Đức Thạnh, Đinh Văn Huy, Nguyễn Cẩn, Đặng Đức Nga: “Đặc
điểm phát triển bờ và dao động mực nước biển Holocene ở khu vực Hải
Phòng”, in trong sách Một thế kỷ khảo cổ học Việt Nam, Nxb. Khoa học xã
hội, Hà Nội, 2004, tr.282-297; Trần Đức Thạnh: Đặc điểm địa hình và quá
trình phát triển của vùng đất Hải Phòng, tư liệu lưu tại Sở Khoa học và
Công nghệ thành phố Hải Phòng, 2002 - 2003.
MỞ ĐẦU Hải Phòng - Thiên nhiên và con người 51

Trong suốt nguyên đại Trung sinh (khoảng 240 - 67 triệu


năm trước), Hải Phòng tồn tại chế độ lục địa. Môi trường lục địa
vẫn giữ nguyên trong nguyên đại Tân sinh.
Nguyên đại Tân sinh gồm kỷ Đệ tam (khoảng 67 - 2 triệu năm
trước) và kỷ Đệ tứ (2 triệu năm qua và đang tiếp tục cho tới nay).
Trong kỷ Đệ tam, Hải Phòng cơ bản tồn tại chế độ lục địa, có
giai đoạn là núi, có giai đoạn là đồng bằng kiểu bán bình nguyên.
Địa hình đồi núi hiện nay, kể cả địa hình đồi núi đá vôi (karst) và
các đảo đá vôi có độ cao đạt 200 - 300m, cơ bản được tạo nên nhờ
các chuyển động nâng kiến tạo từ cuối kỷ Đệ tam kéo dài sang
thời Cánh tân của kỷ Đệ tứ. Từ khoảng 28 - 30 triệu năm trước,
Biển Đông chính thức được hình thành. Trong quá trình phát
triển vào kỷ Đệ tam, có những lần Biển Đông lấn vào các thung
lũng dạng địa hào bị sụt võng do hoạt động đứt gãy khối tảng ở
phía tây nam Đồ Sơn. Đáng lưu ý nhất là biển tiến kỷ Đệ tam tạo
nên hệ trầm tích Vĩnh Bảo - nguồn gốc biển điển hình.
Trong kỷ Đệ tứ (kỷ có sự xuất hiện của con người nên còn
gọi là kỷ Nhân sinh), chia thành hai thời kỳ: Thời kỳ Cánh Tân
(Pleistocen) có niên đại từ khoảng 2 triệu năm đến 11.000 năm
cách ngày nay; thời kỳ Toàn Tân (Holocen) có niên đại từ khoảng
11.000 năm trước và đang tiếp diễn đến ngày nay. Trong thời kỳ
Cánh Tân, môi trường lục địa Hải Phòng vẫn chiếm ưu thế và chỉ
có hai lần biển tiến ảnh hưởng chắc chắn và rõ rệt đến Hải Phòng
vào nửa sau thời kỳ Cánh Tân muộn và trong thời kỳ Toàn Tân.
Thời gian lục địa kéo dài ở thời kỳ Cánh Tân có ý nghĩa quan
trọng tạo nên địa hình đồi núi xâm thực bóc mòn ở vùng đá lục
nguyên1, địa hình núi - đồng bằng (karst) ở vùng đá vôi và đồng
bằng sông - lũ (aluvi) làm nền cho phát triển đồng bằng châu thổ

1. Vùng đá lục nguyên là vùng đồi núi có nền là loại đá trầm tích có
nguồn nguyên liệu từ lục địa được tích tụ từ biển.
52 LỊCH SỬ HẢI PHÒNG Tập I (Từ thời nguyên thủy đến năm 938)

khi có biển tiến. Tác động quan trọng nhất của các đợt biển tiến
trong kỷ Đệ tứ là hình thành các thế hệ đồng bằng châu thổ và
một số dạng địa hình bờ biển tiêu biểu.
Thời kỳ biển tiến Toàn Tân vẫn còn đang hoạt động, nên có
ảnh hưởng sâu sắc và trực tiếp nhất đến cảnh quan tự nhiên và
môi trường sống của con người Hải Phòng hiện nay. Biển tiến
này đã mở rộng cực đại vào khoảng 5.000 năm trước, nhưng mực
nước chân tĩnh1 của nó nâng dần cho đến ngày nay. Mặc dù mực
nước biến động phức tạp, nhưng đường bờ biển phía tây nam dải
Kiến An - Đồ Sơn có xu hướng cơ bản bồi tụ châu thổ lấn ra biển
sau khi biển tiến mở rộng cực đại. Trong khi đó, khu vực cửa sông
Bạch Đằng ở phía đông bắc đã có những lần đồng bằng bồi mở lấn
ra xen kẽ với biển xâm lấn vào rất phức tạp. Vào khoảng 1.000
năm trước, mực biển tương đối hạ, thấp nhất trong thời kỳ Toàn
Tân muộn và đồng bằng ít bị lũ ngập nhất. Khoảng 500 - 700
năm trước, khu vực Đồ Sơn gắn với quá trình đồng bằng bồi tụ để
biến thành bán đảo. Từ đó, vùng cửa sông Bạch Đằng chuyển hóa
từ chế độ châu thổ (delta) có động lực sông thống trị, sang chế độ
hình phễu (estuary) có động lực biển thống trị.
Như vậy, địa hình Hải Phòng ngày nay đã trải qua một quá
trình lịch sử kiến tạo địa chất tự nhiên vô cùng phong phú và
phức tạp. Chỉ tính riêng trong một thời gian địa chất ngắn ngủi
thời kỳ Toàn Tân, hơn một vạn năm qua, cảnh quan địa hình Hải
Phòng đã ba lần thay đổi sâu sắc, từ vùng đồi núi chuyển thành
quần đảo và nay cơ bản là đồng bằng ven biển với tính chất giáp
ranh giữa vùng núi Đông Bắc và đồng bằng sông Hồng cùng với
vị trí chuyển tiếp giữa biển và lục địa.

1. Mực nước chân tĩnh: mực nước do hoạt động của quá trình đóng
băng và tan băng không liên quan tới hoạt động kiến tạo.
MỞ ĐẦU Hải Phòng - Thiên nhiên và con người 53

2. Địa hình
Cảnh quan địa hình phong phú, đa dạng của Hải Phòng ngày
nay bao gồm: đồi núi, đồng bằng, vùng cửa sông hình phễu, vùng
cửa sông châu thổ, vịnh biển và hải đảo.
Địa hình đồi và núi thấp chiếm khoảng 5% diện tích tự nhiên
của Hải Phòng, phân bố chủ yếu ở bắc Thủy Nguyên, bán đảo Đồ
Sơn và dải Kiến An - Xuân Sơn, độ cao phổ biến là 40 - 100m, cao
nhất là 200m. Khu đồi núi ở Đồ Sơn nhô ra biển thành bán đảo
dài 7km. Đồi núi Hải Phòng gồm có đồi núi trầm tích lục nguyên
và núi đá vôi.
Gò đồi và núi thấp lục nguyên phân bố ở Thủy Nguyên, Kiến
An và Đồ Sơn, nằm trên các đới nâng phân dị tương đối mạnh
trong tân kiến tạo và kiến tạo hiện đại.
Đồi và núi thấp có độ cao 50 - 200m, phổ biến là 40 - 100m,
một số cao hơn 100m như Núi Đèo (146m), Ngọc Sơn (125m), Mã
Tràng (114m), Doãn Lại (109m)...
Đồi và núi đá vôi phân bố ở phía bắc Thủy Nguyên và núi
Voi cấu tạo bởi đá vôi hệ tầng Phố Hàn và hệ tầng Cát Bà trong
phạm vi kiến trúc - hình thái dương Thủy Nguyên - Quảng Yên
và Kiến An - Đồ Sơn, độ cao các đỉnh dưới 100m.
Đồng bằng ven biển chủ yếu có nguồn nước gốc bồi tụ châu
thổ, chiếm 85% diện tích lãnh thổ Hải Phòng, có bề mặt cao phổ
biến 0,5 - 4m. Bề mặt đồng bằng cấu tạo từ trầm tích bột, cát và
sét màu xám, xám nâu. Đồng bằng bị chia cắt bởi hệ thống sông,
lạch, ao, hồ khá dày đặc và hệ thống đê cát cổ cao từ 2 - 2,5m đến
5 - 6m, tạo thành các dải song song bờ biển hiện nay.
Đới bãi triều cửa sông gồm chủ yếu đồng bằng tích tụ ngầm
và luồng lạch ngầm phát triển ở các đới sụt hạ kiến tạo hiện đại,
phát triển từ mép triều thấp đến độ sâu 5 - 6m, có bề mặt rất
thoải, phân bố ở trước cửa sông Thái Bình, Văn Úc, Lạch Tray,
Nam Triệu và Lạch Huyện. Thực chất, đó là đồng bằng châu thổ
ngầm của cấu trúc cửa sông.
54 LỊCH SỬ HẢI PHÒNG Tập I (Từ thời nguyên thủy đến năm 938)

Bản đồ phân bố hệ thống các đê cát cổ Hải Phòng


Nguồn: Trần Đức Thạnh

Đới dưới triều cửa sông chiếm một diện tích khá lớn của Hải
Phòng, tập trung ở vùng cửa sông hình phễu Bạch Đằng phía
đông bắc và vùng cửa châu thổ Văn Úc - Thái Bình ở phía tây
nam bán đảo Đồ Sơn. Đới bãi triều chủ yếu gồm các bãi cát biển,
bãi lầy, sú vẹt, các bãi triều thấp và lạch triều.
Các bãi cát biển tích tụ do sông ở vùng cửa sông phân bố hạn
chế ở Phù Long, Cát Hải, Đồ Sơn và Vinh Quang (Tiên Lãng).
Các bãi cát biển ở Đồ Sơn và Phù Long rộng thoải, cảnh quan đẹp
là cơ sở phát triển bãi tắm, du lịch biển.
MỞ ĐẦU Hải Phòng - Thiên nhiên và con người 55

Vịnh biển Lan Hạ và Hạ Long bao gồm đới triều ven vịnh
và các hợp phần đồng bằng đáy vịnh, luồng lạch, rạn san hô và
tùng áng với nhiều địa hình đa dạng, độc đáo, có tiềm năng lớn
đa dạng về sinh học, thủy sản và du lịch.
Vùng biển ven bờ có độ sâu từ khoảng 5 - 6m đến 25 - 30m.
Đây là không gian phát triển nghề cá ven bờ.
Thềm biển và đê cát biển ở Hải Phòng là dấu tích về các mực
biển cổ và đường bờ cổ.
Hệ thống đảo ở Hải Phòng gồm cả đảo xa như Bạch Long Vĩ
và các đảo gần bờ. Theo thành phần vật chất cấu tạo, có thể chia
các đảo Hải Phòng thành ba kiểu:
- Kiểu đảo đá lục nguyên: Đảo Bạch Long Vĩ nằm giữa vịnh
Bắc Bộ, cách Hải Phòng 135km, là một quả đồi thoải có độ cao
tuyệt đối 61,5m, nhô lên từ mặt đáy biển sâu khoảng 30m, diện
tích 3,5km2 kể cả thềm triều đá gốc với đủ không gian đồi, thềm,
bãi cát biển, bãi tản. Bãi cát biển của đảo dài 1.900m, tập trung ở
phía nam và đông nam là những bãi tắm đẹp. Bạch Long Vĩ cũng
nổi tiếng với bào ngư, hải sâm, có rạn san hô ngầm phát triển
nhất vịnh Bắc Bộ, độ phủ đến 90%, đa dạng sinh học cao, cảnh
quan ngầm khá tốt.
Hòn Dấu là một đảo sát bờ, cách mũi bán đảo Đồ Sơn khoảng
1km. Đảo rộng 7,8ha, độ cao lớn nhất là 40m, có rừng cây xanh
tốt, di tích đền, miếu và hải đăng được người Pháp xây dựng từ
năm 1896.
- Kiểu đảo đá vôi: Quần đảo Cát Bà - Long Châu với gần 400
hòn đảo lớn, nhỏ, hình dáng kỳ dị, độc đáo. Đảo chính Cát Bà rộng
144km2, là hòn đảo đá vôi lớn nhất ven bờ tây Biển Đông. Trên
đảo Cát Bà, hầu hết các đỉnh tập trung trong khoảng 100 - 250m.
Địa hình các đảo cực kỳ phong phú với nhiều hang động nổi tiếng,
đa dạng. Chính điều kiện tự nhiên lý tưởng này khiến cho người
nguyên thủy đã sớm quần tụ và tạo nên nhiều di tích nổi tiếng
56 LỊCH SỬ HẢI PHÒNG Tập I (Từ thời nguyên thủy đến năm 938)

thuộc các giai đoạn văn hóa Soi Nhụ, Cái Bèo, Hạ Long. Năm
2004, đảo Cát Bà đã vinh dự được UNESCO công nhận là “Khu
dự trữ sinh quyển thế giới”.
- Kiểu đảo cát: Đảo Cát Hải nằm giữa các lạch Nam Triệu và
Lạch Huyện, án ngữ phía ngoài vùng triều đầm lầy sú vẹt của
vùng cửa sông Bạch Đằng. Đảo cát thành tạo do sóng tích tụ nên
các dải đê cát vào giữa thời kỳ Toàn Tân muộn. Các dải đê cát chỉ
cao 2 - 3m, nằm gần song song với nhau và phân cách nhau qua
các lạch triều, bãi lầy sú vẹt. Hiện nay, tuyến đê biển đã khoanh
Cát Hải thành một khu có diện tích 15km2, bao gồm cả các cụm
dân cư nằm trên đê cát, đầm nuôi thủy sản mặn, lợ, đồng muối
được khoanh đắp cải tạo từ các lạch triều, bãi cát biển và bãi lầy
sú vẹt. Trên đảo cát có nước ngầm nhạt, nhạt lợ chứa trong các
thể cát. Thiên tai, giông bão cũng hay gặp ở Cát Hải.

3. Khí hậu, thủy văn


Về khí hậu, Hải Phòng thuộc vùng nhiệt đới gió mùa ven
biển. Mùa hè nóng ẩm trùng vào mùa gió Tây Nam với các hướng
gió thịnh hành đông và đông nam, thường có bão và áp thấp nhiệt
đới với tốc độ gió đạt 35 - 50m/s. Mùa đông trùng vào mùa gió
Đông Bắc với các hướng gió thịnh hành là bắc, đông bắc. Trong
năm, gió Đông ưu thế trong các tháng 12 - 4, tốc độ trung bình
5,4 - 5,9m/s, gió Đông Nam và Nam ưu thế vào các tháng 5 - 8,
tốc độ trung bình 5,5, - 6m/s, gió Bắc và Đông Bắc ưu thế vào
tháng 9 - 11, tốc độ trung bình 5,6 - 6,3m/s.
Hằng năm, Hải Phòng có 1.600 - 1.900 giờ nắng. Lượng mưa
trung bình 1.500 - 1.800mm/năm với khoảng 120 ngày có mưa
trong năm.
Hiện tượng giông diễn ra khá phổ biến, mỗi năm có 100 - 120
ngày, trải ra hầu hết các tháng, nhưng tập trung vào mùa hè.
Trung bình mỗi năm, Hải Phòng có 1,5 cơn bão đổ bộ trực tiếp và
3 - 4 cơn bão gây ảnh hưởng.
MỞ ĐẦU Hải Phòng - Thiên nhiên và con người 57

Về thủy văn, hệ thống dòng chảy sông ở Hải Phòng thuộc


phần hạ lưu của hệ thống sông Thái Bình kết nối với nhánh sông
Luộc thuộc hệ thống sông Hồng. Các cửa chính đổ ra biển là Lạch
Huyện, Nam Triệu, Cấm, Lạch Tray, sông Hóa, sông Mới, sông
Mía. Hải Phòng có một số kênh đào, quan trọng nhất là kênh
Đình Vũ được người Pháp đào năm 1896 nhằm mở luồng cho tàu
biển qua cửa Nam Triệu vào cảng Hải Phòng. Sông Mới được
người Pháp đào vào năm 1936 trên vết tích của dòng sông cổ bị
bồi lấp, nhằm mở thông tuyến đường thủy từ biển qua sông Văn
Úc - sông Thái Bình - sông Luộc - sông Hồng lên Hà Nội, hoặc
theo sông Hồng - sông Đáy sang Hà Nam, Nam Định.
Hệ thống sông Bạch Đằng là bộ phận hạ lưu của hệ thống
sông Thái Bình bắt nguồn từ vùng núi Đông Bắc. Các sông Lục
Nam, Thương, Cầu và Đuống sau khi hợp lưu ở gần Phả Lại,
cách biển 90km đã phân thành hai nhánh là Thái Bình và Văn
Úc trước khi đổ ra vùng biển tây nam Đồ Sơn. Đến khoảng Bến
Triều, cách biển chừng 48km, sông Kinh Thầy phân thành hai
nhánh chính là sông Đá Bạc và sông Kinh Thầy. Gần đến sát
biển, nhánh này hợp lưu và rồi lại phân thành sông Chanh đổ
ra cửa Lạch Huyện, sông Bạch Đằng đổ ra cửa Nam Triệu, sông
Cấm và sông Lạch Tray đổ ra cửa Ba Lạch. Từ năm 1981, do đắp
đập Đình Vũ, nước sông Cấm dồn cả qua kênh Đình Vũ đổ ra
cửa Nam Triệu. Trong hệ thống sông Bạch Đằng, còn có một số
nhánh nối ngang như sông Tam Bạc nối sông Cấm và sông Lạch
Tray, sông Ruột Lợn nối sông Cấm với sông Bạch Đằng và một số
nhánh phụ khác. Hệ thống sông ở Hải Phòng tạo nên hệ thống
giao thông đường thủy thuận lợi nối liền Hải Phòng với vùng nội
địa và nối liền nước ta với thế giới bên ngoài, nhất là hệ thống
sông Bạch Đằng và cửa Bạch Đằng.
58 LỊCH SỬ HẢI PHÒNG Tập I (Từ thời nguyên thủy đến năm 938)

Hằng năm, các sông qua Hải Phòng tải ra biển khoảng trên
30km3 nước và khoảng 18 triệu tấn bùn cát.
Về hải văn, thủy triều vùng biển Hải Phòng thuộc kiểu nhật
triều đều điển hình với hầu hết số ngày trong tháng là nhật triều.
Trong một pha triều, triều kéo dài 25 giờ có một lần nước lớn và
một lần nước ròng. Trong một tháng, mặt trăng có hai kỳ nước
cường, mỗi kỳ 11 - 13 ngày, độ lớn triều trung bình dao động 2,6 - 3,6m
và hai kỳ nước kém, xen kẽ mỗi kỳ 3 - 4 ngày có độ lớn triều 0,5 -
1,0m. Mùa hè, triều mạnh vào các tháng 5, 6, 7, yếu vào các
tháng 8, 9 và thường dâng cao vào buổi chiều. Mùa đông, triều
mạnh vào các tháng 10, 11, 12, yếu vào các tháng 3, 4 và thường
dâng cao vào buổi sáng. Độ lớn thủy triều vùng biển Hải Phòng
thuộc loại lớn nhất nước ta, có xu thế tăng dần từ Nam lên Bắc
và từ bờ ra khơi. Độ lớn thủy triều Hòn Dấu trung bình là 3,0m,
cực đại là 4,18m, cực tiểu là 1,75m.

4. Hệ thực vật, động vật

Môi trường tự nhiên đa dạng của Hải Phòng tạo nên nhiều
hệ sinh thái thực vật, động vật tiêu biểu ở các vùng đồi núi, vùng
cửa sông hình phễu, vùng cửa sông châu thổ, vũng vịnh.
Rừng mưa nhiệt đới phát triển ở đảo Cát Bà, một phần ở bắc
Thủy Nguyên và Kiến An. Ở đảo Cát Bà, rừng rất đa dạng, phong
phú về loại cây và hiện nay đã được xây dựng thành Vườn quốc
gia Cát Bà, một trong những khu rừng nguyên sinh đẹp nhất của
Việt Nam. Tại đây, đã thống kê được 2.320 loài động vật và thực
vật đang sinh sống, trong đó có 741 loài thực vật trên cạn và 282
loài động vật sống trong rừng. Các loài thực vật quý hiếm điển
hình là chi đài, kim giao, lát khôi, lát hoa, re hương, thổ phục
linh, trúc đũa, sến mật. Các loài động vật quý hiếm như ác là,
quạ khoang, voọc đầu trắng và voọc quần đùi trắng.
MỞ ĐẦU Hải Phòng - Thiên nhiên và con người 59

Thực vật ngập mặn phát triển tự nhiên dày đặc ở đông bắc
Đồ Sơn và do con người trồng ở tây nam Đồ Sơn. Hệ sinh thái
rừng ngập mặn có năng suất sinh học cao và cung cấp nguồn lợi
thực phẩm đáng kể cho cộng đồng cư dân ven biển.
Các loài sinh vật biển ở Hải Phòng đa dạng, phong phú và là
một nguồn lợi thực phẩm, kinh tế quan trọng; đến nay, ở vùng
ven bờ biển đã thống kê được 185 loài thực vật phù du, 138 loài
rong biển và thực vật thủy sinh bậc cao, 30 loài thực vật ngập
mặn, 69 loài động vật phù du, 590 loài động vật đáy (trong đó có
210 loài thân mềm), khoảng 200 loài san hô và 207 loài cá. Chỉ
riêng ở Cát Bà đã phát hiện được trên 1.200 loài. Đây là nơi lưu
giữ nguồn gen lớn và có nhiều loài quý hiếm như rong (rong guột,
rong đá cong, rong mơ mềm), thân mềm (ốc đụn đực, ốc đụn cái,
trai ngọc), lưỡng thê và bò sát (đồi mồi, quản đồng, rùa da, vích,
đẻn), chim biển (cốc đế, cò thia, yến núi, mòng biển đen). Nhiều
loài là đặc sản nổi tiếng như sò huyết, tu hài, ngao, cá mực, tôm
hùm, cua biển, cá song, cá thu, cá chim, v.v.. Trong đó có trên 70
loài động vật đáy có giá trị kinh tế cao, có ý nghĩa về thực phẩm,
đã được xuất khẩu và phục vụ cho hoạt động du lịch. Có trên 30
loài cá kinh tế, hợp thành ngư trường cá đáy và cá nổi Cát Bà -
Long Châu. Các bãi tôm, bãi cá kéo dài từ Cát Bà đến cửa Thái
Bình, thường xuyên được khai thác phục vụ cho xuất khẩu thủy
sản của Hải Phòng.

II- CON NGƯỜI HẢI PHÒNG

1. Quá trình hình thành cộng đồng dân cư ở Hải Phòng

Vị trí thuận lợi và tiềm năng thiên nhiên to lớn đã hấp dẫn, thu
hút con người ở mọi miền đất nước đến Hải Phòng tụ cư sinh sống.
Khoảng 2 vạn năm trước, người nguyên thủy bắt đầu đến
sinh sống ở Hải Phòng và để lại những di tích thuộc văn hóa
60 LỊCH SỬ HẢI PHÒNG Tập I (Từ thời nguyên thủy đến năm 938)

Soi Nhụ, phân bố chủ yếu trên đảo Cát Bà và một số ít ở


Thủy Nguyên.
Khoảng 6.000 năm trước, cư dân thuộc văn hóa Soi Nhụ đã
tiến lên người Cái Bèo với các di tích thuộc văn hóa Cái Bèo mà
cái nôi sinh thành là đảo Cát Bà.
Từ khoảng 5.000 đến 3.500 năm trước, từ văn hóa Cái Bèo đã
triển nở dần nền văn hóa Hạ Long rực rỡ khắp vùng biển Đông
Bắc (bao gồm địa bàn Hải Phòng và Quảng Ninh). Người Hạ
Long ở Hải Phòng tiếp tục phát triển mạnh trên đảo Cát Bà, mà
tiêu biểu là di chỉ Cái Bèo (lớp trên) và di chỉ Bãi Bến. Người Hạ
Long cũng giao lưu và di cư đến một số vùng trung châu Bắc Bộ
và ven biển Bắc Trung Bộ để sinh sống.
Cùng thời gian với người Hạ Long giai đoạn cuối, tại khu
vực Thủy Nguyên, từ vùng châu thổ Bắc Bộ, các nhóm người
thuộc văn hóa Phùng Nguyên khoảng 3.500 năm trước đã có sự
di chuyển, hòa hợp với người Hạ Long tại Hải Phòng - Quảng
Ninh và để lại nhóm di tích Tràng Kênh mà hiện nay có ý kiến đề
nghị gọi là văn hóa Tràng Kênh1.
Sau biến động của đợt biển tiến thế Toàn Tân muộn từ khoảng
3.000 đến 2.500 năm cách ngày nay2, người Việt cổ thời kỳ văn
hóa Đông Sơn tìm các khu vực xung quanh có điều kiện tụ cư
như Thủy Nguyên, Núi Voi để sinh sống, rồi sau đó dần tỏa rộng,
chiếm lĩnh hầu khắp các địa bàn Hải Phòng. Tư liệu khảo cổ
học và tư liệu thần tích Hải Phòng đều thống nhất cho biết thời

1. Xem Trịnh Minh Hiên: Ngược dòng thời gian, Nxb. Hải Phòng,
2008, tr.54.
2. Xem Trần Đức Thạnh, Đinh Văn Huy, Nguyễn Cẩn, Đặng Đức Nga:
“Đặc điểm phát triển bờ và dao động mực nước biển Holocene ở khu vực
Hải Phòng”, in trong sách Một thế kỷ khảo cổ học Việt Nam, Sđd, tr.282-297.
MỞ ĐẦU Hải Phòng - Thiên nhiên và con người 61

kỳ này vùng đất Hải Phòng tiếp tục thu hút cư dân từ Hà Nội,
Bắc Ninh, Hải Dương, Thanh Hóa... đến cư trú, làm ăn1.
Những cuộc giao lưu và di chuyển sôi động nhiều chiều ở
vùng biển Đông Bắc nói chung và Hải Phòng nói riêng với nhiều
vùng của đất nước là hình ảnh minh họa sinh động cái “lõi” lịch
sử của huyền thoại Âu Cơ - Lạc Long Quân về nguồn gốc người
Việt, về truyền thuyết con Lạc, cháu Hồng hàng nghìn năm trước
của dân tộc Việt Nam.
Vào khoảng đầu Công nguyên, khi nhà Hán đô hộ nước ta,
bên cạnh người Việt, Hải Phòng bắt đầu xuất hiện những người
nước ngoài đến làm ăn, sinh sống như người Hán, người Nam
Việt đã bị nội thuộc Hán ở Trung Quốc. Dấu tích người Hán,
người Nam Việt ở Hải Phòng để lại khá đậm ở Thủy Nguyên qua
các di tích mộ táng kiểu Tây Hán, Đông Hán...2. Tại đây, có thể
có sự hiện diện của người Ấn Độ, người Trung Á3.
Thời kỳ tiếp theo cho đến trước thế kỷ X, hiện chưa phát hiện
được tư liệu về biến động của cư dân ở Hải Phòng. Từ thế kỷ X,
khi đất nước thoát khỏi Bắc thuộc cho đến thế kỷ XIX, Hải Phòng
vẫn luôn là miền đất hấp dẫn cư dân nhiều nơi trong cả nước như
Hưng Yên, Hải Dương, Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa đến
làm ăn, sinh sống4.
Vào thời cận đại (1888 - 1955), người Việt tiếp tục đến Hải
Phòng từ một số vùng duyên hải Việt Nam. Cũng thời gian này,

1. Xem chương II.


2. Xem Tống Trung Tín: “Di tích khảo cổ học thời Bắc thuộc ở Hải
Phòng”, in trong Thông tin khoa học xã hội và Nhân văn Hải Phòng, Kỷ yếu
tháng 3/2002, tr.21-29; Marilynn Larew: “Trở lại với Janse: Đồ tùy táng ở
Thanh Hóa”, in trong sách Một thế kỷ khảo cổ học Việt Nam, Sđd, tr.23-46.
3. Xem chương III.
4. Xem Hội đồng lịch sử thành phố Hải Phòng: Địa chí Hải Phòng, Sđd,
t.I, tr.17-20.
62 LỊCH SỬ HẢI PHÒNG Tập I (Từ thời nguyên thủy đến năm 938)

người nước ngoài lập nghiệp ở Hải Phòng còn có người Hoa, người
Pháp và người Âu, Phi. Nội thành Hải Phòng từng có lúc chia
thành các khu người Việt, khu người Pháp và khu người Hoa1.
Từ khi hòa bình lập lại đến nay, cư dân Hải Phòng chủ yếu là
người Việt. Với sự mở mang và phát triển của thành phố biển văn
minh, hiện đại, Hải Phòng vẫn đang tiếp tục là địa chỉ thu hút
nguồn lao động và nhân tài từ nhiều vùng của đất nước.

2. Truyền thống lao động sản xuất

Hàng vạn năm qua, người Hải Phòng sinh sống, phát triển
cùng với dân tộc và đã lưu giữ, phát huy những truyền thống tốt
đẹp cho con cháu hôm nay.
Trong lao động sản xuất, luôn luôn thích ứng và khai thác các
nguồn lợi biển là một thế mạnh hàng đầu của người Hải Phòng.
Từ hàng vạn năm trước, khi mà người nguyên thủy ở vùng
núi phía Bắc Việt Nam (thời Hòa Bình - Bắc Sơn) chủ yếu khai
thác các nguồn lợi từ rừng núi, thì người Soi Nhụ (Hải Phòng -
Quảng Ninh) đã bắt đầu biết đến nguồn lợi thủy sản của biển
khơi, trở thành cư dân tiếp xúc với biển khơi sớm nhất Việt Nam.
Tiến thêm một bước, người Cái Bèo đã nhanh chóng làm chủ
nghề đánh bắt thủy sản và là cư dân có “định hướng” kinh tế biển
sớm nhất. Đến thời kỳ Hạ Long, nghề cá tiếp tục phát triển mạnh
mẽ và ổn định. Trong các thời kỳ tiếp theo, nghề cá luôn có vai
trò thiết yếu và là một ngành kinh tế quan trọng của Hải Phòng.
Trong các thư tịch cổ (Đại Nam nhất thống chí, Đồng Khánh địa
dư chí, Hải Dương dư địa chí) thường ghi chép các vùng ven biển
ở Cát Hải, Thủy Nguyên, An Dương, Đồ Sơn, Kiến Thụy có nguồn

1. Xem Hội đồng lịch sử thành phố Hải Phòng: Địa chí Hải Phòng, Sđd,
t.I, tr.17-18, 125-126.
MỞ ĐẦU Hải Phòng - Thiên nhiên và con người 63

lợi thủy sản dồi dào, nghề chài lưới phát triển. Ngày nay, nghề cá
Hải Phòng phát triển kỹ thuật đánh bắt xa bờ với công nghệ chế
biến hiện đại.
Do ở vị trí đầu mối giao thương thủy - bộ giữa Việt Nam
với thế giới, Hải Phòng là một trong những nơi có các hoạt
động trao đổi, buôn bán từ rất sớm. Tại các di tích khảo cổ, đã
tìm thấy dấu tích các sản phẩm trao đổi, buôn bán giữa người
Tràng Kênh, người Hạ Long ở Hải Phòng với người ở các vùng
trung du và đồng bằng Bắc Bộ rộng hơn. Từ hơn 3.000 năm
trước, cư dân cổ Hải Phòng khu vực Tràng Kênh, Cát Bà đã
từng có các sản phẩm trao đổi với một số vùng Nam Trung
Quốc, Đông Nam Á. Ngược lại, một số sản phẩm bên ngoài
như: qua đá, xẻng đá Nam Trung Quốc cũng đã được tìm thấy
ở Tràng Kênh, Cát Bà1.
Thời các vua Hùng, vua Thục, một số di vật thời Chiến Quốc
khá đẹp và sang trọng của Trung Quốc đã có mặt ở mộ thuyền
Việt Khê, dao găm có trang trí lạ của vùng Quảng Đông, Quảng Tây
(Trung Quốc) xuất hiện ở Núi Voi. Nhiều sản phẩm của văn hóa
Đông Sơn như trống đồng, thạp đồng, dao găm đồng cũng được
trao đổi đến một số vùng Đông Nam Á và Nam Trung Quốc mà
con đường biển qua Hải Phòng chắc chắn có vai trò lớn2.
Khoảng một vài thế kỷ trước và sau Công nguyên, Thủy
Nguyên là một “cảng thị” quốc tế lớn vào bậc nhất Bắc Việt Nam
trên con đường giao thương đường biển quốc tế3.
Thế kỷ XVI, do sự nổi lên của vương triều Mạc vốn xuất thân
từ vạn chài ven biển, Hải Phòng có Dương Kinh (Kiến Thụy) là

1. Xem Chương I.
2. Xem Chương II.
3. Xem Chương III.
64 LỊCH SỬ HẢI PHÒNG Tập I (Từ thời nguyên thủy đến năm 938)

kinh đô thứ hai và là đô thị biển lớn của Việt Nam với mạng lưới
bán buôn trong nước khá phát triển1.
Thế kỷ XVII - XVIII khi các thương đoàn châu Âu hoạt động
nhộn nhịp trên Biển Đông, với cửa sông Thái Bình, Hải Phòng có
bến cảng Domea (khoảng bắc thị trấn Tiên Lãng) là khu vực tiền
cảng sôi động của Phố Hiến - Thăng Long2.
Từ thế kỷ XIX đến nay, Hải Phòng dần dần phát triển và
ngày càng trở thành một thành phố cảng lớn, giữ vai trò là một
trong những đầu mối giao thương lớn nhất của đất nước.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, cảng Hải Phòng
đã tiếp nhận 100% khối lượng xăng dầu và các loại vũ khí từ
sự chi viện quốc tế của các nước anh em trong phe xã hội chủ
nghĩa. Hiện nay, Hải Phòng đang xây dựng thành phố cảng
ngày càng hiện đại, đáp ứng yêu cầu to lớn của đất nước trong
thời kỳ đổi mới.
Không chỉ khai thác nguồn lợi biển, đồng bằng rìa châu thổ
Bắc Bộ còn cho phép Hải Phòng phát triển nông nghiệp và nhiều
ngành nghề khác3.
Dấu tích của nền nông nghiệp cổ trồng lúa nước đã được phát
hiện trong di tích Tràng Kênh (Thủy Nguyên).

1. Xem Nguyễn Văn Sơn: Di tích thời Mạc vùng Dương Kinh (Hải Phòng),
Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1997.
2. Xem Đỗ Thị Thùy Lan: “Hệ thống cảng biển Domea - Batsa trên hạ
lưu sông Thái Bình thế kỷ XVII - XVIII, in trong sách Một chặng đường
nghiên cứu lịch sử (2001 - 2006), Nxb. Thế giới, Hà Nội, 2006, tr.377-409;
Hoàng Anh Tuấn: “Hải cảng miền Đông Bắc và hệ thống thương mại Đàng
Ngoài thế kỷ XVII qua nguồn tư liệu phương Tây”, in trong sách Một chặng
đường nghiên cứu lịch sử (2001 - 2006), Sđd, tr.410-438.
3. Xem Hội đồng lịch sử thành phố Hải Phòng: Địa chí Hải Phòng, Sđd,
t.I, tr.7-20.
MỞ ĐẦU Hải Phòng - Thiên nhiên và con người 65

Quai đê lấn biển, làm thủy lợi là một hoạt động vô cùng quan
trọng, bền bỉ, liên tục trong suốt nhiều thế kỷ để hình thành hệ
thống đê điều hoàn chỉnh và để lại các dấu mốc đáng lưu ý. Đó
là công cuộc khai hoang lấn biển của Thái úy Tô Hiến Thành
thời Lý; công cuộc khẩn hoang, lập làng của Phạm Tử Nghi
thế kỷ XVI. Đến hôm nay tiếp tục khai hoang lấn biển, di dân
ra đảo Bạch Long Vĩ, năng động tiến hành khoán nông nghiệp ở
xã Đoàn Xá là những nét chấm phá thể hiện sự cần cù lao động
và sáng tạo không ngừng của người Hải Phòng trong phát triển
nông nghiệp.
Hải Phòng còn có hàng loạt ngành nghề truyền thống như:
nghề muối ở Bàng La (Đồ Sơn), Đình Vũ (An Dương); nghề trồng
dâu, nuôi tằm, dệt vải, dệt lụa ở Đồ Sơn, Lương Quy, Tràng Duệ
(An Dương), Đại Lộc (Kiến Thụy), Lâm Động, Hoa Động, Thủy
Tú (Thủy Nguyên), Cổ Am (Vĩnh Bảo)...; nghề làm gạch ngói ở
Quỳnh Cư (An Dương), nghề gốm ở Dưỡng Động (Thủy Nguyên),
nghề đá ở Tràng Kênh (Thủy Nguyên), nghề rèn sắt ở Đức Phong,
Phong Cầu (Kiến Thụy), nghề mộc ở Xuân La, Phương Đôi (Kiến
Thụy), nghề điêu khắc ở Đồng Minh (Vĩnh Bảo), nghề dệt chiếu
ở Hòa Bình, Trấn Dương (Vĩnh Bảo) v.v.1. Trên đây chỉ là vài ví
dụ tiêu biểu, nhưng đã thể hiện truyền thống lao động lâu đời kể
từ thời khởi thủy với công cụ đá ghè đẽo thô sơ Soi Nhụ, qua các
công xưởng chế tạo đồ đá kỳ công Bãi Bến, Tràng Kênh. Tất cả
tạo nên hình ảnh hết sức sống động về truyền thống lao động cần
cù và sáng tạo của con người Hải Phòng từ quá khứ nghìn xưa
cho đến ngày hôm nay.

1. Hội đồng lịch sử thành phố Hải Phòng: Địa chí Hải Phòng, Sđd,
t.I, tr.123-158.
66 LỊCH SỬ HẢI PHÒNG Tập I (Từ thời nguyên thủy đến năm 938)

3. Truyền thống văn hóa

Từ trong lao động sản xuất, người Hải Phòng còn có bề dày
lịch sử văn hóa đa dạng, phong phú trên các lĩnh vực ngôn ngữ,
lễ hội, giáo dục, lễ nghi, phong tục1.
Thư tịch cổ thường ghi người Hải Phòng vũ dũng, có lúc mạnh
tợn nhưng cơ bản chất phác, giản dị, trọng nghĩa. Đặc biệt, người
Hải Phòng vẫn luôn đề cao việc học hành, thi cử. Các thần tích
Hải Phòng từng nhắc nhiều tới việc đỗ đạt cao của nhiều nhân
vật lịch sử địa phương như ba chị em họ Tạ (Tiên Lãng), Phạm
Đàm (Vĩnh Bảo)... thời Hai Bà Trưng, Nguyễn Hồng (An Dương),
Cao Đức Làng (Vĩnh Bảo) thời Lý Bí...
Đến thế kỷ XVI, nhà Mạc dẫu xuất thân từ nghề chài lưới
nhưng lại rất chú trọng khoa cử và giáo dục. Nhiều khoa thi đã
được mở, nhiều nhân tài của đất nước được đào tạo. Trong đó,
Dương Kinh (Kiến Thụy) là một trung tâm giáo dục lớn của đất
nước thời Mạc.
Thời Lê Trung hưng, thời Nguyễn, thư tịch cổ và các di tích
văn chỉ, bia đá đã phản ánh rõ truyền thống hiếu học của người
Hải Phòng. Chẳng hạn, tại Tràng Kênh có bia đá ghi tên và chức
vụ của những người đỗ đạt từ năm Quang Thuận thứ nhất (1460)
đến năm Chính Hòa thứ 14 (1693). Bia Cảnh Hưng (1782) ở Niệm
Nghĩa, bia Cảnh Hưng ở Dư Hàng cho biết về việc xây dựng văn
từ và hoạt động của hội tư văn địa phương...
Thế kỷ XVI, có Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (Vĩnh Bảo)
là nhà thơ, nhà tư tưởng lớn của dân tộc.

1. Xem Hội đồng lịch sử thành phố Hải Phòng: Địa chí Hải Phòng, Sđd,
t.I, tr.123-158.
MỞ ĐẦU Hải Phòng - Thiên nhiên và con người 67

Tiếng nói Phục Lễ (Thủy Nguyên) được giới nghiên cứu ngôn
ngữ đánh giá giữ được nét chuẩn mực trong tiếng Việt1.
Về tôn giáo, tín ngưỡng, Phật giáo từ Ấn Độ đã du nhập vào
nước ta khá sớm qua con đường biển Hải Phòng. Trong các thư
tịch cổ (Giao Châu ký, Thủy kinh chú) từng nhắc tới cây tháp
thời A Dục Vương (vua Ấn Độ) trước Công nguyên ở khu vực
Hải Phòng2. Truyền thuyết về bà Mai Thị Cầu (thế kỷ VI) xây
hai ngôi chùa Phúc Đô tự và Phúc Khảo tự... phần nào cho thấy
sự du nhập sớm của Phật giáo vào Hải Phòng thời gian này.
Thời kỳ tiếp theo kể từ thời Mạc, chùa chiền Phật giáo phát
triển ngày càng mạnh mẽ cho đến ngày nay và tồn tại một hệ
thống chùa tháp dày đặc khắp các miền đất Hải Phòng3.
Bên cạnh Phật giáo, Nho giáo cùng nhiều tập tục, tín ngưỡng,
lễ hội lâu đời trong nhân dân luôn được duy trì, lưu truyền từ
đời này qua đời khác và là cơ sở để tiếp thu tinh hoa văn hóa
bên ngoài. Truyền thống thượng võ được thể hiện qua các lò võ,
lò vật, bơi trải, chèo thuyền ở Đồ Sơn, An Dương, Thủy Nguyên,
Kiến Thụy, Vĩnh Bảo, trong đó chọi trâu Đồ Sơn là lễ hội truyền
thống lâu đời độc đáo của Hải Phòng. Ngoài ra, ở Đoạn Xá, Trung
Hành có tục múa roi, Hạ Đoạn có tục múa kiếm,... An Lão có lễ
hội mừng người đỗ đạt, người có công bảo vệ đền miếu, đường sá,
đê điều... Hội hát Đúm giao duyên lưu truyền rộng tại các làng
ven biển Cát Hải, Cát Bà, Đồ Sơn, Kiến Thụy, An Lão, An Dương,

1. Xem Hội đồng lịch sử thành phố Hải Phòng: Địa chí Hải Phòng, Sđd,
t.I, tr.125.
2. Thủy kinh chú (bản dịch chữ Hán của Phan Huy Tiếp năm 1961), tư
liệu Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội.
3. Xem Nguyễn Văn Sơn: Di tích thời Mạc vùng Dương Kinh
(Hải Phòng), Sđd.
68 LỊCH SỬ HẢI PHÒNG Tập I (Từ thời nguyên thủy đến năm 938)

Thủy Nguyên. Vĩnh Bảo có rối nước Bảo Hà, Thủy Nguyên có đền
thờ tổ ca công Đông Môn...
Tục thờ cúng tổ tiên, truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”
với ý thức con Lạc, cháu Hồng hằn in sâu đậm trên khắp các miền
quê Hải Phòng đã được ghi lại trong các thần tích, sắc phong và
các di tích lịch sử.
Nhiều công trình nghệ thuật kiến trúc cổ truyền vừa là nơi
diễn ra các hoạt động văn hóa, vừa thể hiện tài năng mỹ thuật
của người Hải Phòng.
Vào thời Lý, với sự thịnh đạt của Phật giáo, tháp Tường
Long (Đồ Sơn) là một trong những kiệt tác của nghệ thuật
hoàng gia Đại Việt sánh ngang tầm cùng tháp Báo Thiên
(Thăng Long), tháp Phật Tích (Bắc Ninh), tháp Chương Sơn
(Nam Định)1.
Thời Trần, trong sự triển nở của nghệ thuật chùa làng, Hải
Phòng có bệ đá chùa Do Nha.
Thời Mạc, nghệ thuật Mạc phát triển rực rỡ nhất ở Hải Phòng
với Kinh đô Dương Kinh, với hệ thống chùa dày đặc và hệ thống
tượng phật, tượng ông hoàng, bà chúa2.
Thời Lê Trung hưng, thời Nguyễn, nghệ thuật Hải Phòng đa
dạng với các kiến trúc đình, chùa, miếu mạo... mà tiêu biểu là
đình Hàng Kênh, đình Dư Hàng, chùa Đông Khê, chùa Vẽ...
Như vậy, văn hóa Hải Phòng gồm cả văn hóa vật thể và
phi vật thể có nhiều đóng góp xứng đáng vào kho tàng văn hóa
Việt Nam.

1. Xem Hoàng Văn Khoán (Chủ biên), Tống Trung Tín, Nguyễn Lâm
Anh Tuấn: Văn hóa Lý - Trần, Kiến trúc và nghệ thuật điêu khắc chùa -
tháp, Nxb. Văn hóa thông tin, Hà Nội, 2000.
2. Xem Nguyễn Văn Sơn: Di tích thời Mạc vùng Dương Kinh
(Hải Phòng), Sđd.
MỞ ĐẦU Hải Phòng - Thiên nhiên và con người 69

4. Truyền thống yêu nước và cách mạng

Là cửa ngõ phên giậu vùng Đông Bắc của Tổ quốc, Hải Phòng
cũng luôn là nơi đi đầu trong nhiều cuộc chiến đấu bảo vệ
đất nước.
Ngay từ thời huyền thoại Thánh Gióng đánh giặc Ân, khoảng
đầu thời các vua Hùng dựng nước, Hải Phòng đã nổi lên với chiến
công của chị em Vũ Hồng, Vũ Thị Lê Hoa (Thủy Nguyên), Hùng
Sơn (Cát Hải).
Thời Hai Bà Trưng, Hải Phòng có thần tích 15 địa phương
với khoảng 30 danh tướng tham gia cuộc chiến đấu vĩ đại, khẳng
định quyền tự chủ của người Việt trên lãnh thổ Văn Lang - Âu
Lạc bất chấp sự đàn áp khốc liệt của phong kiến phương Bắc.
Khởi nghĩa Lý Bí chống ách đô hộ nhà Lương, Hải Phòng có
thần tích 7 địa phương với 8 danh tướng tham gia.
Khởi nghĩa Mai Hắc Đế chống nhà Đường đô hộ, Hải Phòng
có thần tích về chị em Mai Thị Cầu, Mai Kỳ Sơn.
Khởi nghĩa Phùng Hưng có thần tích bốn danh tướng họ Trương.
Khi đất nước quật khởi giành độc lập, tự chủ, người Hải
Phòng tham gia và góp phần vào đại thắng Bạch Đằng năm 938
của Ngô Quyền chống quân Nam Hán. Sông Bạch Đằng tiếp tục
nổi sóng trong cuộc chiến chống Tống năm 981 của Lê Đại Hành,
trong cuộc kháng chiến chống Mông - Nguyên năm 1288 của
Trần Hưng Đạo. Truyền thống Bạch Đằng đã trở thành truyền
thống chung của quân dân cả nước trong sự nghiệp chiến đấu bảo
vệ Tổ quốc.
Cuối thế kỷ XIX, nhân dân Hải Phòng tích cực tham gia đấu
tranh vũ trang chống thực dân Pháp dưới sự lãnh đạo của các
sĩ phu phong kiến.
70 LỊCH SỬ HẢI PHÒNG Tập I (Từ thời nguyên thủy đến năm 938)

Đầu thế kỷ XX, Hải Phòng có phong trào đấu tranh dân chủ
của học sinh, trí thức yêu nước như phong trào Đông du do Phan
Bội Châu lãnh đạo, phong trào Đông Kinh nghĩa thục, cải cách
hương thôn... Năm 1927 - 1930, có hoạt động của Việt Nam Quốc
dân Đảng do Nguyễn Thái Học và các đồng chí của ông lãnh đạo.
Từ năm 1925 trở đi, học sinh, trí thức yêu nước Hải Phòng chủ
yếu tham gia Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, tiền thân
của Đảng Cộng sản Việt Nam ngày nay.
Do lực lượng giai cấp công nhân tập trung đông, Hải
Phòng được Chủ tịch Hồ Chí Minh lựa chọn là đầu cầu truyền
bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam. Kể từ đó, Hải Phòng
luôn là một trong những địa phương tham gia tích cực trong
các cao trào cách mạng do Đảng ta lãnh đạo như cao trào
1930 - 1931, cao trào đấu tranh dân chủ 1936 - 1939, cao
trào đấu tranh giải phóng dân tộc 1939 - 1945 kết thúc bằng
thắng lợi vĩ đại của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Hải Phòng là
chiến trường chống Pháp sớm nhất ở khu vực Bắc Bộ và tiếp
tục lập nhiều chiến công vang dội như chống càn ở Tiên Lãng,
đánh địch trên đường 5, tập kích thị xã Kiến An, tập kích Sở
Dầu, đánh sân bay Cát Bi...
Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, hai lần Hải
Phòng là trọng điểm đánh phá hủy diệt của không quân và
hải quân Mỹ. Cả hai lần, quân và dân Hải Phòng đều dũng
cảm chiến đấu, nỗ lực duy trì sản xuất, lập bến mở đường
Hồ Chí Minh trên biển chi viện cho miền Nam, làm thất bại
hoàn toàn âm mưu và hoạt động bao vây, phong tỏa của địch,
bảo đảm giao thông vận tải thông suốt, bắn rơi nhiều máy bay
Mỹ, tham gia đánh máy bay B52 góp phần vào chiến thắng
MỞ ĐẦU Hải Phòng - Thiên nhiên và con người 71

“Điện Biên Phủ trên không” của quân và dân Thủ đô Hà Nội
năm 1972, buộc Mỹ phải ký kết Hiệp định Pari rút quân khỏi
Việt Nam, tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống
nhất đất nước.
Truyền thống văn hóa và lịch sử của Hải Phòng thật vẻ
vang. Ngày nay, dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng Cộng
sản Việt Nam, Đảng bộ và nhân dân Hải Phòng đã và đang
mang cả truyền thống và lịch sử vẻ vang đó cùng cả nước
vững bước đi lên trên con đường xây dựng cuộc sống văn
minh, hiện đại theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

You might also like