You are on page 1of 5

3.2.

SEMINAR VỀ DƯỢC LÝ MỘT SỐ NHÓM THUỐC

Nắm vững các kiến thức về dược lý (cơ chế tác dụng, đặc tính dược động học, dược
lực học, các tác dụng không mong muốn, tương tác thuốc, chỉ định và vị trí của nhóm thuốc
trong phác đồ điều trị, các thuốc đại diện trong nhóm và sự khác biệt về dược lý giữa các
thuốc này), trên cơ sở đó áp dụng được trong thực hành sử dụng thuốc là nội dung quan
trọng của học phần Dược lý dành cho sinh viên Dược. Phần seminar về các nhóm thuốc
trong thực tập Dược lý được thực hiện dựa trên hoạt động của sinh viên (chuẩn bị báo cáo,
báo cáo, đặt câu hỏi, trả lời câu hỏi), giảng viên chỉ đóng vai trò hướng dẫn và điều phối
buổi seminar. Các bài seminar dược lý được thiết kế nhằm mục đích giúp sinh viên nâng
cao kĩ năng học chủ động, làm việc nhóm và hướng tới khả năng giải quyết vấn đề trong
tương lai. Chủ đề nhóm thuốc trong các buổi seminar là những nhóm dược lý quan trọng
trong thực hành lâm sàng, tuy nhiên với khuôn khổ hạn hẹp về thời gian chưa được trình
bày hoặc phân tích kỹ trong nội dung giảng lý thuyết.

3.2.1. Hướng dẫn chung cho các nội dung seminar


3.2.1.1. Mục tiêu seminar
1. Phân tích được mối liên quan giữa đặc tính dược động học/dược lực học với chỉ định
lâm sàng và các tác dụng không mong muốn của các nhóm thuốc theo chủ đề seminar.
2. So sánh được các thuốc trong cùng nhóm.
3.2.1.2. Hướng dẫn chuẩn bị seminar
- Mỗi buổi thực tập, sinh viên được chia thành các nhóm, số lượng nhóm theo chủ đề
seminar (2- 3 nhóm/phòng thực tập), các nhóm đều phải chuẩn bị đầy đủ các nội dung theo
mục tiêu học tập của tất cả các chủ đề thảo luận của mỗi buổi seminar, được ghi cụ thể
trong phần “3.2. Các nội dung/chủ đề seminar”.
- Mỗi nhóm sẽ chuẩn bị và trình bày một trong các chủ đề được phân công bằng file ppt.
- Gợi ý kết cấu của phần trình bày bao gồm:
+ Đặt vấn đề, chỉ rõ mục tiêu học tập cần đạt
+ Nội dung chính (theo mục tiêu).
+ Bàn luận (nếu có).
+ Kết luận (những điểm chính về dược lý và áp dụng lâm sàng cần ghi nhớ của
nhóm thuốc).
+ Ghi rõ tài liệu tham khảo và trích dẫn đúng (lưu ý ưu tiên sử dụng các tài liệu
tham khảo chính được giới thiệu cho từng bài seminar)
- Các nhóm gửi nội dung trình bày cho Bộ môn (qua email) và giảng viên hướng dẫn
seminar (bản giấy) trước khi thực hiện bài seminar.
3.2.1.3. Tiến trình thảo luận trong một buổi seminar
Tùy theo số lượng chủ đề trong một buổi seminar, giảng viên sẽ sắp xếp tiến trình
thảo luận cho phù hợp. Thông thường, với một buổi seminar có 2 chủ đề, tiến trình thảo
luận sẽ được bố trí như sau:
- Trình bày: 20 phút/chủ đề.
+ Nhóm chuẩn bị (được gọi là nhóm chủ đề) trình bày chủ đề được giao trong thời
gian cho phép.
+ Không giới hạn số lượng sinh viên tham gia trình bày.
- Nhận câu hỏi thảo luận: 15 phút/chủ đề.
+ Các nhóm còn lại (được gọi là nhóm phản biện) đặt các câu hỏi, lưu ý tập trung
vào các câu hỏi liên quan đến mục tiêu học tập.
+ Giảng viên hướng dẫn rà soát các câu hỏi đã được đặt ra để hướng dẫn thảo luận
theo mục tiêu.
- Thảo luận trong nhóm nhỏ: 45 phút/chủ đề.
+ Các nhóm nhỏ tổ chức thảo luận tại ví trí của nhóm mình.
+ Các nhóm chủ đề tổ chức thảo luận theo các vấn đề đã được giảng viên rà soát
cho nhóm của mình để trả lời các câu hỏi đã được đặt ra.
- Thảo luận toàn bộ: 35 phút/chủ đề.
+ Các chủ đề thảo luận được lần lượt giải quyết với sự tham gia của tất cả các nhóm.
+ Các nhóm chủ đề giải quyết các vấn đề đã được giảng viên rà soát cho nhóm của
mình, từ đó chỉ ra các câu hỏi đã được trả lời.
+ Nhóm phản biện có thể tiếp tục đặt thêm câu hỏi để làm rõ hoặc đóng góp ý kiến
cho các câu trả lời được hoàn chỉnh.
+ Nhóm chủ đề cần có biên bản của tiến trình thảo luận (để ghi lại những câu hỏi đã
được đặt ra và cách giải quyết các câu hỏi này).
- Tổng kết: 15 phút.
+ Giảng viên tóm tắt lại các nội dung quan trọng cần lưu ý về dược lý của nhóm
thuốc dựa trên kết quả thảo luận của sinh viên (bổ sung kết luận, nếu cần) để hoàn thành
mục tiêu học tập của toàn bộ bài seminar.
+ Các nhóm nộp lại biên bản thảo luận của nhóm mình cho giảng viên.
Tiến trình thảo luận cho một buổi seminar gồm 2 chủ đề được mô tả trong hình sau:
3.2.1.4. Tài liệu tham khảo để chuẩn bị seminar
1. Mai Tất Tố, Vũ Thị Trâm (chủ biên) (2007), Dược lý học, tập 2. NXB Y học.
2. Bộ Y tế (2009), Dược thư Quốc gia Việt nam, NXB Y học.
3. Trần Thị Thu Hằng (2013), Dược lực học, tái bản lần thứ 17, NXB Phương Đông.
4. Clark MA, Finkel R, Rey JA, Whalen K (editors) (2012), Lippincott’s Illustrated
Reviews: Pharmacology,5th edition, Wolters Kluwer/Lippincott Williams & Wilkins.
5. Laurence L. Bruton, Keith L. Parker, Donald K. Blumenthal, Iain I.O. Buxton (2011),
Goodman & Gilman’s Pharmacological Basic of Therapeutics 12th ed., The McGraw-
Hill.
6. Trevor AJ, Katzung BG, Kruidering-Hall M, Masters SB (2013), Katzung & Trevor’s
Pharmacology: Examination & Board Review, 10th edition, McGraw-Hill Medical.
3.2.2. Các nội dung/chủ đề seminar
3.2.2.1. Seminar “Dược lý các nhóm kháng sinh”
Mục tiêu seminar “Dược lý các nhóm kháng sinh”
Chủ đề 1: Kháng sinh nhóm quinolon
1. Trình bày được cơ chế tác dụng, phổ kháng khuẩn, cơ chế đề kháng kháng sinh của
vi khuẩn, tác dụng không mong muốn chính, tương tác thuốc, một số đại diện chính
của nhóm kháng sinh quinolon.
2. Phân tích được mối liên quan giữa đặc điểm dược động học, dược lực học với các
ứng dụng lâm sàng của fluoroquinolon.
3. So sánh được 4 thế hệ quinolon về đặc điểm dược động học, dược lực học và chỉ
định lâm sàng.
Chủ đề 2: Kháng sinh nhóm aminoglycosid
1. Trình bày được cơ chế tác dụng, phổ kháng khuẩn, cơ chế đề kháng kháng sinh của
vi khuẩn, tác dụng không mong muốn chính, một số đại diện chính của nhóm kháng
sinh aminoglycosid.
2. Phân tích được mối liên quan giữa đặc điểm dược động học, dược lực học với ứng
dụng lâm sàng của nhóm kháng sinh aminoglycosid.
3. So sánh được các đại diện quan trọng trong nhóm (gentamicin và amikacin) về đặc
điểm dược động học, dược lực học và chỉ định lâm sàng.
Lý thuyết cần có trước để chuẩn bị seminar “Dược lý các nhóm kháng sinh”
- Hóa dược 2: nhóm thuốc kháng sinh
- Bệnh học cơ sở: bệnh học một số bệnh lý nhiễm trùng.
- Vi sinh: một số vi khuẩn gây bệnh thường gặp.
- Dược lý 2: dược lý kháng sinh (phần Đại cương).
3.2.2.2. Seminar “Dược lý nhóm thuốc glucocorticoid”
Mục tiêu seminar “Dược lý nhóm thuốc glucocorticoid”
Chủ đề 1: Ứng dụng lâm sàng của glucocorticoid
1. Phân tích được mối liên quan giữa đặc tính dược lực học với các ứng dụng lâm sàng
của glucocorticoid.
2. Phân biệt được glucocorticoid toàn thân và tại chỗ về đặc điểm dược động học để
từ đó chỉ ra các ứng dụng lâm sàng của các nhóm glucocorticoid này. Phân biệt được
các glucocorticoid toàn thân về đặc điểm dược động học, dược lực học và các ứng
dụng lâm sàng.
3. Phân tích được vai trò, lựa chọn glucocorticoid trong một số bệnh lý cụ thể: suy
thượng thận cấp, hen phế quản, viêm khớp dạng thấp, lupus ban đỏ hệ thống.
Chủ đề 2: Tác dụng không mong muốn của glucocorticoid
1. Phân tích được mối liên quan giữa đặc tính dược lực học với các tác dụng không
mong muốn của glucocorticoid.
2. Phân loại được tác dụng không mong muốn của glucocorticoid theo tần suất gặp,
yếu tố nguy cơ cho mỗi tác dụng không mong muốn.
3. Đề xuất được các biện pháp hạn chế tác dụng không mong muốn của glucocorticoid.
Lý thuyết cần có trước để chuẩn bị seminar “Dược lý nhóm thuốc glucocorticoid”
- Hóa dược 2: nhóm thuốc glucocorticoid.
- Bệnh học cơ sở: bệnh học một số bệnh lý liên quan viêm, dị ứng, miễn dịch.
- Dược lý 2: dược lý nhóm thuốc glucocorticoid.

You might also like