You are on page 1of 2

Đề: Một thầy giáo môn Tiếng Anh tại một trường trung học Boston (Mĩ) trong

ngày tốt nghiệp của


học sinh lớp 12 đã phát biểu như sau:
“Các em không hề đặc biệt, và cũng chẳng phải những người xuất chúng. Ở đất nước này, đang có
hơn 3,2 triệu học sinh cấp 3 tốt nghiệp từ 37 nghìn trường trung học. Các em thấy không, nếu tất cả
mọi người đều nghĩ mình đặc biệt, thì cuối cùng chẳng có ai đặc biệt cả. (…) Đừng nghĩ mình là số
một”. Hãy viết bài văn ngắn trao đổi với ý kiến đã nêu trên.
Bài làm
Con người sinh ra, không ai là hoàn hảo, tuy nhiên ai ai cũng có trong mình những giá trị cốt
lõi của bản thân. Nhưng chúng ta cần có nhận thức đúng đắn về giá trị của chính bản thân mình,
không nên xem mình là người đặc biệt chỉ vì mình tài giỏi ở một lĩnh vực nào đó, như lời phát biểu
trên của thầy giáo môn Tiếng Anh tại trường trung học Boston vào ngày tốt nghiệp của học sinh lớp
12: “Đừng nghĩ mình là số một”.
Vậy trước hết, giá trị của bản thân là gì? Giá trị bản thân là yếu tố cốt lõi tạo nên con người
bạn, không lẫn với bất kì một ai; là những thứ bạn tin rằng quan trọng đối với chính mình và đem
đến thành công cho những công việc bạn làm hằng ngày. Từ đó, cùng với lời phát biểu của thầy, có
thể thấy đặc biệt là khác hẳn, vượt lên trên mọi điều còn lại; xuất chúng là vượt trội hơn mọi người
về tài năng và trí tuệ; và số một biểu thị cho vị trí đứng đầu, xếp trên tất cả mọi thứ. Vậy, có thể thấy
rằng, các từ trên đều chỉ về một khái niệm biểu thị cho sự tài giỏi hơn người, là người luôn đứng
đầu và am hiểu về rất nhiều thứ. Như vậy, thầy giáo trên muốn những học sinh vừa tốt nghiệp cấp
III nhận thức rõ về vị trí, năng lực thật sự của bản thân chứ không nên có biểu hiện tự mãn quá sớm
sẽ dẫn đến sai lầm. Do đó, đừng nên “nghĩ mình là số 1”.
Vậy, vì sao phải có nhận thức đúng về bản thân? Vì chỉ khi đó, mình mới có thể hiểu được
năng lực thật sự của bản thân mình, đâu là điểm mạnh và đâu là điểm yếu, để từ đó phát huy điểm
mạnh, khắc phục điểm yếu. Muốn làm được điều đó chúng ta cần phải hiểu mình và thành thực với
chính bản thân, đừng tự ru ngủ về năng lực thật sự của mình, nếu không dễ sinh ra ảo tưởng. Ảo
tưởng về bản thân là một điều nguy hiểm, vì chính việc lừa người dối mình, tự mình ngộ nhận về
năng lực sẽ làm đánh mất đi giá trị vốn có của chúng ta, đặc biệt là đối với một số cá nhân chỉ vừa
thành công đã bắt đầu trở nên huênh hoang và ngạo mạn, không chịu rèn luyện bản thân để tiến
bộ thêm, ngược lại trở nên tự cao tự đại, khinh thường và rẻ rúng người khác. Chính việc ảo tưởng
sẽ kéo theo rất nhiều hệ lụy về sau này đến không ai khác ngoài bản thân mình. Những người chỉ
biết đề cao bản thân, hạ thấp kẻ khác dễ bị xã hội xa lánh và đào thải. Ngoài ra, nếu cứ sống mãi
trong những ảo tưởng và ngộ nhận kia, chúng ta sẽ trở thành những kẻ bảo thủ, luôn cho bản thân
là nhất, không chịu lắng nghe, tiếp thu những cái mới từ đó dẫn đến việc thất bại trong công việc và
cuộc sống. Thật ra, giá trị thật sự của một con người không nằm ở địa vị, ở chức tước mà nằm
ở việc họ đã hy sinh cống hiến được những gì cho cuộc đời chung này, nằm ở những việc làm cụ
thể, những cống hiến mà dù sau hàng ngàn, hàng triệu năm nữa mọi người vẫn luôn nhớ đến và biết
ơn. Qua việc nhận thức đúng về giá trị của bản thân, chúng ta có thể phát huy được khả năng, sở
trừng của mình, từ đó cống hiến cho khoa học và xây dựng nền văn minh nhân loại hiện đại. Steve
Jobs – biểu tượng vĩ đại của ngành kĩ thuật số - vì thành công ở độ tuổi còn quá trẻ nên ông trở nên
kiêu ngạo, và bị sa thải khỏi chính công ty do mình sáng lập. Tuy nhiên, việc ông nhìn nhận lại
chính giá trị của bản thân mình, dẹp bỏ cái ngạo mạn năm xưa và quay trở lại công ty cùng mức
lương 1$, vực dậy công ty trong thời kỳ khủng hoảng đã một lần nữa khiến mọi người công nhận
ông và chào đón ông quay trở lại. Một điều cần lưu ý, chúng ta cần nhận thức đúng về giá trị của
bản thân để đóng góp cho đời sống, cho xã hội chứ không phải nhận thức về giá trị của bản thân để
tự tôn mình lên, chà đạp nhân phẩm người khác. Bên cạnh đó, phát huy sự tự tin là điều vô cùng
quan trọng. Chúng ta sinh ra không ai là phế vật, là đồ bỏ đi, trừ phi tự hắn từ bỏ chính bản thân
mình. Mỗi cá nhân là một thực thể riêng biệt, độc đáo, mỗi người đều có giá trị riêng. Việc Einstein
là nhà vật lý học thiên tài của thế kỉ XX thì ắt hẳn ai cũng biết, nhưng việc Einstein từng rớt đại học
vì không đủ điểm môn sinh học và ngữ văn mặc dù ông dư điểm Vật lý và Toán học thì mấy ai biết?
Nhưng ông không lấy việc đó làm mặc cảm mà ngược lại phát huy đúng sở trường, năng lực của
bản thân, để lại cho nhân loại những cống hiến không nhỏ. Do đó, không nên đánh mất sự tự tin,
đồng thời dẫn đến đánh mất năng lực làm việc, đánh mất giá trị của chính bản thân mình. Điều quan
trọng là phải tự tin, tự tin nhưng không phải là tự đại và ngạo mạn, không nên xem bản thân mình
đặc biệt, là số một, như lời phát biểu trên của thầy giáo ở trường Boston vào ngày tốt nghiệp:
“Đừng nghĩ mình là số một”.
Bên cạnh đó, có rất nhiều cá nhân bước vào đời cùng những ước mơ và hoài bão to lớn mà
chưa va vấp, tiếp xúc nhiều, cùng lòng tự tôn cực lớn, họ thường tự mãn và ảo tưởng về bản thân và
dẫn đến khinh khi và không chịu thừa nhận giá trị của những người khác. Hơn thế nữa, họ tự đề cao
bản thân quá mức khiến bản thân trở nên lố bịch, ảo tưởng và ảnh hưởng đến quá trình hình thành
nhân cách bản thân, rất khó để thành công trong cuộc sống cần nhắc nhở và phê phán.
Hiểu được điều đó, mỗi chúng ta cần có những hành động cụ thể để có nhận thức đúng đắn
về giá trị cốt lõi bản thân. Tiên quyết và trước hết cần thay đổi đó chính là suy nghĩ và tư duy của
bản thân, vì chỉ có nhận thức đúng mới có thể suy nghĩ đúng và khám phá ra được những giá trị
đang ngủ vùi trong con người bạn. Việc chúng ta chịu cúi đầu nhận lỗi và thừa nhận giá trị của
người khác thay vì khinh khi, hắt hủi cũng là một cách để khẳng định và nhận ra cốt lõi của bản thân
mình, tạo cho bản thân một ấn tượng tốt. Đồng thời, chúng ta cần tham gia vào các hoạt động tình
nguyện như Chiến dịch Hoa phượng đỏ, Mùa hè xanh… và rèn luyện các kỹ năng sống để từ đó làm
giàu cho giá trị của bản thân mình.
Như vậy, lời phát biểu trên của thầy giáo tại trường Boston ở Mĩ là một lời phát biểu thật
đúng đắn: “Đừng nghĩ mình là số một”. Mỗi chúng ta phải biết tìm ra những ưu điểm của bản thân
và mạnh dạn thừa nhận những điểm yếu để làm tiền đề cho thái độ sống chủ động, mạnh mẽ, tự tin.
Là một học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường, cách để các bạn tạo ra giá trị bản thân không gì
khác chính là học tập, tu dưỡng đạo đức. Hãy là con ngoan, trò giỏi, nhiệt tình giúp đỡ bạn bè cùng
tiến bộ, hăng hái tham gia các hoạt động phong trào để trau dồi kĩ năng cho chính mình để từ đó
nhận thức được và phát huy được những giá trị bản thân của mình.

You might also like