You are on page 1of 8

TÍNH TƯ DUY – TRỰC TIẾP

TRONG “LÁ DIÊU BÔNG, CÂY TAM CÚC, QUA VƯỜN ỔI” CỦA HOÀNG CẦM

Trịnh Thị Thu Hương


A4K70 Khoa Ngữ văn, Đại học Sư phạm Hà Nội

Tóm tắt. Một trong những đặc trưng tiêu biểu của văn chương với tư cách là nghệ thuật ngôn từ chính là tính tư duy –
trực tiếp. Khác với những loại hình nghệ thuật khác, văn chương sử dụng ngôn từ làm chất liệu, mà ngôn từ lại được coi là
“cái vỏ vật chất trực tiếp của tư duy”. Ngôn từ là phương tiện truyền tải trực tiếp tư tưởng, tỉnh cảm, cảm xúc của tác giả,
của nhân vật trong tác phẩm. Trong nhiều năm trở lại đây, một số nhà nghiên cứu, nhà lý luận – phê bình văn học nổi tiếng,
các học giả trong và ngoài nước đã cho ra những báo cáo, tham luận, công trình nghiên cứu để làm rõ cho đặc trưng này
bằng các minh chứng văn chương xác đáng và đầy tính thuyết phục. Trong bài viết này, chúng tôi tập trung làm rõ tính tư
duy – trực tiếp của nghệ thuật ngôn từ trong văn chương bằng các phương pháp phân tích, so sánh và tổng hợp thông qua ba
bài thơ tình nổi tiếng của Hoàng Cầm: Lá diêu bông, Cây tam cúc, Qua vườn ổi. Với ngôn từ mộc mạc, giản dị, Hoàng Cầm
đã thể hiện tình yêu trong sáng, thiết tha đối với người con gái mình thầm thương trộm nhớ, đồng thời mở ra trước mắt
người đọc khung cảnh thôn quê Kinh Bắc – nơi chất chứa nỗi niềm của một kẻ say thơ, say tình. Để từ đó, ta thấy được sức
cuốn hút của ngôn ngữ văn chương – thứ có thể vẽ lên những hình tượng đắm say lòng người bằng cây bút vô hình.

Từ khóa: tính tư duy, trực tiếp, ngôn từ, Hoàng Cầm, lá diêu bông, cây tam cúc, qua vườn ổi.

1. Mở đầu
Có thể nhận thấy một điều, những loại hình nghệ thuật như hội họa, điện ảnh, điêu khắc, vũ đạo… đều ít
nhiều gây khó khăn cho người thưởng thức bởi tác giả sẽ truyền tải những trăn trở, suy tư và thông điệp của
mình thông qua các yếu tố có trong tác phẩm ấy. Điều này đòi hỏi công chúng cần tưởng tượng, suy nghĩ và
chiêm nghiệm mới có thể hiểu điều tác giả muốn nhắn gửi đằng sau tác phẩm của mình. Thậm chí, vì yếu tố này
mà nhiều tác phẩm đã gây ra sự tranh luận sôi nổi trong giới chuyên môn. Tiêu biểu hơn cả là ở giới hội họa, bức
chân dung nàng Mona Lisa – kiệt tác của danh họa Leonardo da Vinci đã tạo cảm hứng, trở thành đề tài nghiên
cứu cho rất nhiều nhà phân tích, họ “giải phẫu” bức họa để đi tìm lời giải cho những bí ẩn trong bức tranh ấy.
Hình ảnh “nụ cười Mona Lisa” cũng trở thành một đề tài cảm thủ văn học, để mọi người phân tích và lý giải bí
ẩn đằng sau nụ cười thần bí ấy là gì. Còn đối với văn học, ngôn ngữ được coi là “cái vỏ vật chất trực tiếp của tư
duy” (Mác), nhà văn sử dụng ngôn ngữ làm “kí hiệu” để thể hiện tư tưởng, tình cảm của chính mình và của nhân
vật. Có thể họ không bộc lộ trực tiếp cảm xúc của mình ra đầu ngọn bút, nhưng người đọc vẫn cảm nhận được
cảm xúc, tâm trạng của nhân vật, của tác giả thông qua cử chỉ, hành động, thậm chí là những hình ảnh ngoại
cảnh được khắc họa nhịp nhàng. Đó chính là tính tư duy – trực tiếp của ngôn ngữ văn chương
Ngôn từ sẽ là báu vật quý giá, là phương tiện truyền tải nội dung và thông điệp của một tác phẩm. Người
đọc có thể cảm nhận tính cách, tâm trạng, nỗi niềm của nhân vật hay chính của tác giả đang được che giấu đằng
sau ngôn từ. Bởi thế mà Tố Hữu mới nói rằng: “Thơ là cái đó: sự im lặng giữa các từ. Nếu người ta lắng nghe
cái im lặng đó, thì có những tiếng dội vang rất đa dạng và tinh tế”. Với tham vọng làm rõ vai trò và tầm quan
trọng tính tư duy – trực tiếp của nghệ thuật ngôn từ trong văn chương, chúng tôi chọn ra ba bài thơ tiêu biểu
thuộc Nhịp 5: “Còn em (Cỏ bồng thi phải cheo leo mỏm đá)” trong tập thơ “Về Kinh Bắc” của nhà thơ Hoàng
Cầm làm thi liệu cho đề tài. Với chất liệu ngôn từ mộc mạc, ngọt ngào, “thuần Việt” và mang hơi thở vùng quê
Kinh Bắc, ba bài thơ là tổng hòa của thanh – vần – điệu, tạo nên một bản hòa tấu trong tâm tưởng mỗi người
đọc, người nghe.
Với chủ đề là nghệ thuật ngôn từ trong văn chương, Việt Nam đã xuất hiện nhiều công trình nghiên cứu gây
tiếng vang. Có thể kể đến các ấn phẩm như “Trần Thanh Đạm - Phạm Quang Trung: Tác phẩm văn học như
một đơn vị ngôn từ” [1]; “Một số vấn đề thi pháp của nghệ thuật ngôn từ” [2]; “Văn hóa giao tiếp và nghệ
thuật ngôn
______________________________________________________________
Ngày nhận bài: 03/12/2021. Ngày sửa bài: 08/12/2021. Ngày nhận đăng: 09/12/2021
Tác giả liên hệ: Trịnh Thị Thu Hương. Địa chỉ e-mail: amelindatrinh@gmail.com
từ” [3]. Trên thế giới, đặc trưng của nghệ thuật ngôn từ trong văn chương cũng là chủ đề lý luận được giới
chuyên môn bàn luận khá sôi nổi; tuy nhiên, ít thấy tác phẩm nào đào sâu, làm rõ một đặc trưng cơ bản của văn
học với tư cách là nghệ thuật ngôn từ bằng việc phân tích một hay nhiều tác phẩm văn học cụ thể. Vậy nên, với
kiến thức sẵn có và những tìm tòi, học hỏi, người viết mong muốn làm rõ tính tư duy – trực tiếp thông qua phân
tích những nét đặc sắc của thơ ca Hoàng Cầm.
Ngôn từ là bộ phận quan trọng cấu thành nên một tác phẩm văn học; ngôn từ cũng là phương tiện truyền tải
thông điệp ẩn giấu sau tác phẩm ấy. Những tác phẩm văn học luôn chứa đựng nỗi lòng tác giả, tác giả có thể
mượn lời nhân vật để nói lên suy nghĩ của bản thân về cuộc đời, con người, thậm chí bàn đến những vấn đề lớn
lao là vận mệnh dân tộc hay chân lý thời đại. Qua đó, “văn học bao giờ cũng là một cuộc tranh luận, đối thoại
công khai hoặc ngấm ngầm về tư tưởng”. Có thể nhận ra rằng, so với các loại hình nghệ thuật khác, văn học
chiếm ưu thế, trong phương diện phương tiện truyền tải tư tưởng, tình cảm. Đề tài này mang tính thời sự chính vì
mục tiêu làm rõ vai trò quan trọng của tính tư duy – trực tiếp của nghệ thuật ngôn từ trong văn học, giúp giá trị
của đặc trưng này đến gần với người đọc.
Như đã nói ở trên, trước bài viết này, đã có rất nhiều tác phẩm nghiên cứu về đặc trưng văn học với tư cách
là nghệ thuật ngôn từ. Những tác phẩm của các nhà phê bình – lý luận tập trung nghiên cứu về lý thuyết và bao
quát một phạm vi tác phẩm văn học vô cùng đồ sộ để có thể tìm ra nét đặc trưng, điểm tương đồng giữa các tác
phẩm và đi đến kết luận lý thuyết một cách khách quan nhất. Hầu như các tác giả chỉ lấy một vài trích đoạn tiêu
biểu của những tác phẩm văn học để làm dẫn chứng cho quan điểm lý thuyết họ đưa ra. Một câu hỏi đặt ra là,
nếu phạm vi nghiên cứu phổ rộng như vậy, liệu việc phân tích, làm rõ đặc trưng vấn đề của từng tác phẩm có
được đảm bảo? Là một sinh viên năm hai, việc hoàn thành một công trình nghiên cứu với hệ thống nhiều tác
phẩm đồ sộ e là quá sức. Vậy nên, ở bài viết này, chúng tôi chỉ xin tập trung vào ba tác phẩm có mối tương đồng
và gặp gỡ nhau của tác giả Hoàng Cầm để có thể làm rõ vấn đề nêu ra ở trên. Thế nhưng, việc tập trung phân
tích một vài tác phẩm nhất định vừa có thể khiến người đọc hiểu hơn về tác phẩm, vừa giúp ta đào sâu và làm rõ
được tính tư duy – trực tiếp của văn học với tư cách là nghệ thuật ngôn từ.

2. Nội dung nghiên cứu


Nhắc đến những gương mặt đại diện cho nền thi ca hiện đại Việt Nam thế kỷ XX, bên cạnh những Huy
Cận, Xuân Diệu, Nguyễn Bính, Chế Lan Viên… thì Hoàng Cầm chính là đại diện xứng đáng để điền tiếp vào
danh sách ấy. Được mệnh danh là “nhà thơ của vùng đất Kinh Bắc”, thơ Hoàng Cầm thấm nhuần mùi hương đất
mẹ, bao trọn cảnh vật thiên nhiên, cây cỏ, văng vẳng một thoáng dân ca quan họ ngọt ngào, sâu lắng. Có thể nói,
vùng quê Kinh Bắc văn hiến trữ tình đã bồi đắp và nuôi dưỡng trong ông một hồn thơ mượt mà, trong trẻo với ca
từ chân quê, mộc mạc, dung dị, đằm thắm, kết tinh tình mẹ, tình cảm lứa đôi, tình yêu quê hương, đất nước.
“Bên kia sông Đuống”, “Lá Diêu Bông”, “Hận Nam Quan”, “Cây tam cúc” – những tác phẩm nổi tiếng, gắn
liền với tên tuổi ông như vết son trường tồn theo năm tháng.
Một trong bốn đặc trưng của văn học với tư cách là nghệ thuật ngôn từ chính là tính tư duy – trực tiếp. Chỉ
có ở văn học, người đọc mới cảm nhận được tâm tư, tình cảm, thông điệp, lý tưởng, khát vọng mà nhân vật cũng
như chính tác giả muốn truyền tải thông qua chất liệu ngôn từ. Trong phần này, bằng các phương pháp phân tích,
so sánh và tổng hợp, chúng tôi tập trung nghiên cứu về tính tư duy – trực tiếp được thể hiện trong “Lá Diêu
Bông”, “Cây tam cúc” và “Qua vườn ổi” – 3 tác phẩm thuộc chùm thơ Chị - Em của Hoàng Cầm – người thi sĩ
tài hoa, luôn canh cánh về mối tình đơn phương thời niên thiếu.
2.1. Tính tư duy – trực tiếp thể hiện trong “Lá Diêu Bông”
2.1.1. Hình ảnh người chị cùng lời hứa qua chiếc lá Diêu Bông.
Những giai thoại về sự tích chiếc lá Diêu Bông, hẳn chúng ta cũng từng nghe qua. Một cậu bé tám tuổi
trúng tiếng sét ái tình của một cô gái tuổi mười sáu trong bộ váy Đình Bảng thướt tha của người con gái Kinh
Bắc. Vẻ đẹp chân quê, vẻ đẹp mộc mạc, dung dị mà đằm thắm, khiến cậu bé ấy nhớ mãi trong lòng:
“Váy Đình Bảng buông chùng cửa võng
Chị thẩn thơ đi tìm
Đồng chiều
Cuống rạ”
Người con gái ấy đang tìm kiếm gì giữa đồng chiều lộng gió? Phải chăng chị đang tìm chiếc lá Diêu Bông,
hay là tìm kiếm hạnh phúc đời mình? Nét vẻ thơ thẩn của người con gái tuổi mười sáu, khát khao hoài vọng về
một hạnh phúc tương lai có lẽ đã chuốm lấy trái tim của cậu bé si tình từ khoảnh khắc ấy.
Người con gái ấy đã trực tiếp gửi gắm lời hứa nguyện của mình cho đám trai làng, trong đó có cả cậu nhóc
tám tuổi kia:
“- Đứa nào tìm được lá Diêu Bông
Từ nay ta gọi là chồng”
Ở đây, nhân vật người chị đã trực tiếp thổ lộ mong muốn của bản thân, ai tìm được chiếc lá kia, từ nay cô
gọi làm chồng. Có lẽ chỉ là một câu bông đùa, nhưng đã thể hiện tính tư duy – trực tiếp của nhân vật, không hề
thông qua nhạc điệu hay hình ảnh gì làm phương tiện truyền tải. Cậu bé si tình ấy cứ thế tin vào lời hứa đó,
nhưng khi mang chiếc là đến cho chị thì:
“Chị chau mày
- Đâu phải lá Diêu Bông”
Chị trực tiếp khước từ chiếc lá ấy. Đằng sau cái chau mày trực tiếp ấy là sự phủ định về một hạnh phúc quá
dễ kiếm tìm. Đối với chị, chiếc lá Diêu Bông giống như hiện thân của niềm hạnh phúc, vậy sao chỉ hai ngày đã
có thể tìm thấy. Thế rồi, qua nhiều ngày, nhiều tháng hơn, hạ qua, thu tới; thu vãn, đông sang, chiếc lá mà cậu bé
kia kiếm tìm cũng không phải lá Diêu Bông mà chị hằng mong muốn:
“Mùa đông sau em tìm thấy lá
Chị lắc đầu
trông nắng vãn bên sông”
Ánh mắt nhìn theo “nắng vãn bên sông” gợi một nỗi buồn man mác, một nỗi cô đơn xa vắng. Chẳng lẽ
chiếc lá Diêu Bông – cái thứ được chị gọi là hạnh phúc lại khó kiếm tìm đến thế. Nhưng rồi đến một ngày, chị
chợt nhận ra sự tồn tại của chiếc lá ấy, và chị đã cười, chị đã không cần chiếc lá mà cậu bé kia tìm thấy nữa rồi:
“Ngày cưới chị
Em tìm thấy lá
Chị cười xe chỉ ấm trôn kim.”
Nụ cười e ấp trong ngày cưới đã trực tiếp thể hiện nỗi niềm hạnh phúc của chị. Cái ngày mà chị nghĩ đã
chạm vào chiếc lá Diêu Bông. Nụ cười ấm áp, chứa đựng niềm hạnh phúc của người con gái trẻ lên xe hoa về
nhà chồng phảng phất màu sắc dân ca quan họ - đặc trưng của vùng quê Kinh Bắc: “ xe chỉ ấm trôn kim”.
Nhưng rồi:
“Chị ba con
Em tìm thấy lá
Xòe tay phủ mặt Chị không nhìn”
“Chị ba con”, hình ảnh ấy cho người đọc cảm thấy tiếc nuối biết bao. Người chị ngày nào còn tươi cười
rạng rỡ với khát khao hoài vọng đi kiếm tìm lá Diêu Bông, nay đã đi sang bên kia sườn dốc của cuộc đời. Mọi
truân chuyên, vất vả, những vui buồn của cuộc đời, có lẽ chị đã nếm trải qua. Vậy nên chị hiểu rằng, dễ gì tìm
được chiếc lá Diêu Bông, dễ gì tìm kiếm được hạnh phúc trọn vẹn trên cánh đồng đời đã qua. Và thế là chị trốn
chạy, trốn chạy khỏi ước mơ, khát vọng, mong ước một thời, thậm chí trốn chạy cả với chính mình thời son trẻ
với bàn tay “phủ mặt không nhìn”.
Dường như, cả bài thơ là hành trình cuộc đời của chị, từ lúc son trẻ đến lúc bước sang sườn dốc cuộc đời.
Khác với âm nhạc hay mỹ thuật, điện ảnh; văn học dùng ngôn từ để kết tinh trực tiếp tâm tư, tình cảm của nhân
vật trong tác phẩm, để từ đó người đọc có thể vui chung niềm vui của nhân vật, đau nỗi đau của nhân vật. Tính
tư duy trực tiếp được thể hiện vô cùng rõ nét thông qua từng hành động, lời nói, cử chỉ của nhân vật người chị.
Đọc thơ mà dường như người đọc đang nhập tâm vào thế giới của nhân vật, sống cuộc sống của nhân vật, cùng
đồng hành với nhân vật trong hành trình đi tìm lá Diêu Bông, cùng trải qua hạnh phúc lứa đôi trong “ngày cưới
chị”, cùng nếm sự mặn đắng của cuộc đời khi đã một nách ba con, hiểu rằng hạnh phúc là thứ gì đó chợt đến,
chợt đi, không phải cứ muốn nắm bắt là được. Có lẽ, hình ảnh người chị ấy sẽ còn để lại nỗi day dứt trong lòng
người đọc, bởi chị hiện ra một cách trực tiếp, quá chân thực và sống động. Văn học là thế, nó truyền tải trực tiếp
cảm xúc đến với người đọc mà không cần thông qua giai điệu, kĩ xảo điện ảnh hay hình ảnh, đường nét như
những loại hình nghệ thuật khác.
2.1.2. Mối tình si của chàng trai và hành trình đi tìm chiếc lá không có thực.
Thông qua nhân vật, tác giả nói lên nỗi lòng của một người trong cuộc. Một người mãi kiếm tìm chiếc lá
Diêu Bông như kiếm tìm một hạnh phúc mà đã đoán trước là không thể với tới được. Bài thơ vốn là nỗi lòng
chôn giấu của chàng thiếu niên Hoàng Cầm về mối tình thời niên thiếu, để rồi nó ám ảnh suốt đời ông như một
định mệnh không phai mờ. Phải chăng trong một thoáng kỉ niệm xưa ùa về, thi nhân đã chắp bút viết lên những
dòng thơ ấy, và tên gọi chiếc lá Diêu Bông trở thành hình ảnh tượng trưng cho mong ước, cho niềm hạnh phúc
mà suốt đời con người ta phải lặn lội kiếm tìm. Với Hoàng Cầm, “lá Diêu Bông là bi kịch ngàn đời của con
người, là mâu thuẫn giữa ước mơ và hiện thực”. Đằng sau từng câu thơ, dường như ta thấy hình ảnh một chàng
trai cứ hướng mắt ra cánh đồng quê nom còn gốc rạ, kiếm tìm chiếc lá Diêu Bông, tặng cho người con gái anh
thầm thương trộm nhớ. Bỗng từ đâu trong khung cảnh yên ả kia vang lên tiếng gọi, tiếng gọi ấy cứ văng vẳng
mãi trong tâm trí người đọc:
“Diêu Bông hời!...
…ới Diêu Bông! ...”
Lạ kì thay, chiếc lá Diêu Bông vô hình, vô ảnh, xuất phát từ trí tưởng tượng kia lại chính là đích đến cho
cuộc tìm kiếm của hai người, cũng là của những độc giả trông ngóng vào cái kết của chuyện tình đơn phương ấy.
Có lẽ, người chị gái mặc chiếc váy Đình Bảng năm nào cũng thương mến và trân trọng tình cảm của cậu nhóc
tám tuổi, nhưng khoảng cách là quá lớn, tình cảm ấy âu cũng chỉ dừng lại ở sự mến thương, yêu quý chứ không
thể trở thành tình yêu đôi lứa. Chiếc lá Diêu Bông – sản phẩm của trí tưởng tượng, vốn dĩ không có thật nơi cõi
trần gian, nhưng lại là thật trong cuộc đời người thi sĩ si tình Hoàng Cầm, nó chân thật như cái cách ông dành
tình cảm cho người con gái ấy, thậm chí trở thành nỗi đau đáu theo ông suốt đời. Để hơn hai thập kỉ trôi qua,
ngồi nghĩ lại về những ngày tháng non trẻ, ông cho ra đời “Lá Diêu Bông” – như một cách nhắc lại về mối tình
đơn phương xưa cũ.
Từng lời thơ trong bài nhuốm màu tâm trạng của người nghệ sĩ si tình. Lấy ngôn ngữ thơ để truyền tải trực
tiếp tâm tư tình cảm của bản thân, đó là cách Hoàng Cầm gửi gắm câu chuyện của mình đến độc giả. Người đọc
dường như cũng dấn thân vào hành trình đi tìm kiếm chiếc lá vô thực ấy. Tính tư duy – trực tiếp được thể hiện
gần như xuyên suốt bài thơ, hiển nhiên, từng lời thơ hiện lên trước mắt người đọc chân thực đến độ ta cảm giác
vừa trải qua điều đó cùng nhân vật. Rồi sau này, quá xúc cảm với mối tình chân phương của Hoàng Cầm, một
nhạc sĩ đã phổ nhạc và thêm thắt một âm vang nơi cuối bài thơ:
“Em đi trăm núi nghìn sông,
Nào tìm thấy lá Diêu Bông bao giờ…”
(Nhạc phẩm Lá Diêu Bông – Phạm Duy)
2.2. Tính tư duy – trực tiếp thể hiện trong “Cây tam cúc”
Đến với “Cây tam cúc”, thoạt tiên người đọc sẽ được tiếp cận với một trò chơi dân gian đậm chất Đồng
bằng Bắc Bộ. Nhất là đối với những thế hệ trung niên, hẳn cỗ bài tam cúc đã không còn xa lạ trong kí ức tuổi
thơ. Đọc hết bài thơ, ta nhận ra, dường như đây là sự tiếp nối của “lá Diêu Bông”, tiếp nối những tâm tư còn
dang dở của kẻ trai si tình. Từ trò chơi dân gian mang đặc trưng của vùng quê Kinh Bắc, thi nhân đã tạo nên một
không gian trữ tình đặc sắc, phong phú; ẩn chứa nỗi niềm của tình yêu đôi lứa, tình người và cả tình dân tộc.
Đọc “Cây tam cúc”, chắc hẳn người đọc sẽ cảm thấy giật mình bởi ngôn từ chân chất, giản dị chứ không
cầu kì, hoa mỹ, mang đậm dấu ấn thôn quê của vùng đất Kinh Bắc xen lẫn màu sắc dân ca quan họ, những bài
hát mời gọi, giao duyên ca ngợi tình yêu, cuộc sống, con người. Thế nhưng nó vẫn có sức lay động lòng người,
làm sống lại tuổi thơ của bao thế hệ độc giả. Câu thơ dài ngắn khác nhau, khi trải rộng, khi nén đúc một cách
nhịp nhàng như nhịp điệu bốc, hạ bài trong cuộc chơi tam cúc, đồng thời gợi tả không khí rộn ràng và tâm trạng
của người trong cuộc. Một tác giả từng ngợi ca, “Cây tam cúc” gợi không gian “trầm đầy một nỗi phương Đông”
đắm say lòng người. Nhà thơ mượn lời ca trong trẻo, trinh nguyên một tình yêu non trẻ của chàng trai si tình
năm nào để nói lên tâm tư, tình cảm của mình:
“Chị gọi đôi cây!
Trầu cay má đỏ
Kết xe hồng đưa Chị đến quê Em

Nghé cây bài tìm hơi tóc ấm


Em đừng lớn nữa Chị đừng đi
Tướng sĩ đỏ đen chui sấp ngửa
Ổ rơm thơm đọng tuổi đương thì”
Lời bày tỏ trực tiếp của chàng trai kém tuổi cô gái thật chân thành mà đáng yêu. Chàng trai nép sát gần cô
gái, người anh gọi là chị, giả bộ “nghé cây bài” để tranh thủ “tìm hơi tóc ấm” hay để được ngắm trọn khoảnh
khắc “má đỏ môi hồng” bởi vị nồng cay của miếng trầu têm đỏ thắm. Từ giây phút ấy, có lẽ chàng trai đã định rõ
tình cảm của mình với người con gái chân quê “kết xe hồng đưa Chị đến quê Em”. Tình yêu tuổi đương thì mang
nét ích kỷ đáng yêu, những mong mỏi trẻ con của chàng trai khiến người đọc cũng phải phì cười vì thích thú:
“Em đừng lớn nữa Chị đừng đi”. Mọi thứ từ cuộc chơi rộn ràng đến thứ tình cảm trong sáng của cậu trai làng
năm ấy, tất thảy đều hiển hiện lên trước mắt người đọc. Người đọc có thể tự mình tham gia vào cuộc chơi tam
cúc, trực tiếp cảm nhận tình cảm của chàng trai dành cho người mình thầm mến mộ thông qua ngôn từ của tác
giả. Đó chẳng phải do văn học mang tính tư duy – trực tiếp, biểu đạt bởi ngôn từ, lời ca trong tác phẩm hay sao?
Tạm gác câu chuyện tình yêu đôi lứa, hình ảnh cuộc chơi tam cúc hiển hiện trước mắt người đọc. Lẽ thường
tình, cuộc chơi nào mà chẳng có thắng, có thua:
“Đứa được
chinh chuyền xủng xẻng
Đứa thua
đáo gỡ ngoài thềm”
Lời thơ truyền tải âm thanh vui tai “chinh chuyền xủng xẻng” của kẻ thắng và hình ảnh “đáo gỡ ngoài
thềm” của người thua cuộc. Tất thảy hiển hiện trước mắt người đọc, làm sống dậy cả bầu trời tuổi thơ của một
thế hệ, những người ngày xưa hẳn cũng giống như chàng trai trong tác phẩm, cũng đem lòng thầm thương trộm
nhớ một bóng hình e ấp sau lũy tre làng.
Ngôn từ có hay và bay bổng hay không, chính nhờ tài năng chọn lọc và góp nhặt của chính tác giả. Ở đây,
từ ngữ mà tác giả sử dụng dường như nhuốm đẫm màu sắc của thi ca Bắc Bộ, mang âm hưởng của làn điệu dân
ca quan họ truyền thống. Đó chính là màu sắc đặc trưng của thơ ca Hoàng Cầm, người luôn quan niệm “Nhạc
điệu là cỗ xe chở hồn thi phẩm”. Để sau này, khi nhớ về thơ Hoàng Cầm, ta tự hiểu đôi cây bài tam cúc, xe hồng
đã trở thành biểu tượng cho khát vọng lứa đôi, cho mong ước cháy bỏng của chàng trai tuổi đương thì.
“Em đi đêm tướng điều sĩ đỏ
Đổi xe hồng đưa Chị đến quê em”
Đoạn cuối bài, mở đầu bằng câu thơ vỏn vẹn bốn chữ:
“Năm sau giặc giã”
Câu thơ như gợi nhắc lại hoàn cảnh lịch sử của nước nhà, dù chỉ là thoáng qua, nhưng chính là lời khẳng
định chắc nịch về hậu quả của chiến tranh, giống như cái cách “giặc đốt nhà cháy tàn cháy rụi”, chiến tranh thiêu
rụi biết bao giấc mơ tình của những đôi trai gái giống như của cậu trai làng và người con gái ấy. Từng câu, từng
chữ làm sống dậy nỗi đau một thời, nỗi đau không thể giữ trọn chữ “tình”. Có lẽ, người chị ấy bị ép phải gả cho
viên quan Đốc đồng – người “thả tịnh vàng cưới Chị”. Và kể từ đó, tình cảm của người em mãi như chiếc “võng
mây trôi”, không có đích đến:
“Quan Đốc đồng áo đen nẹp đỏ
Thả tịnh vàng cưới Chị
võng mây trôi
Em đứng nhìn theo Em gọi đôi”
Ngày chị đi lấy chồng, em đứng nhìn theo chiếc xe hoa rước chị, em nhớ lại cuộc chơi tam cúc thuở nào.
Kết cấu lặp lại của bài thơ khiến người đọc cảm giác, tình cảm ấy như một vòng luẩn quẩn khiến cho người em
chẳng thể thoát ra nổi. Tiếc nuối, buồn thương, nghẹn ngào vì chân tình dang dở. Lấy hình ảnh cây tam cúc làm
ẩn dụ, Hoàng Cầm gửi gắm nỗi niềm thầm kín về cuộc tình thời trai trẻ - một mối tình đơn phương trong sáng,
có mất mát, có đau thương, nhưng hơn hết, ta nhận ra sự cao thượng trong tình cảm ấy, để sau này khi nhớ về kỉ
niệm xưa cũ một thời, ông vẫn có thể kể lại nó với ánh mắt đượm buồn, xa xăm.
Tất cả sự nuối tiếc, hoài niệm về mối tình trong trẻo, tuy không được Hoàng Cầm ghi trực tiếp bằng những
tính từ chỉ tâm trạng, nhưng thông qua lời thơ, ý thơ, người đọc vẫn cảm nhận được điều đó, thậm chí có thể hòa
chung tâm trạng của chàng thiếu niên năm nào. Gấp trang thơ lại, dường như chính lòng ta vẫn xao động, vương
vấn mùi hương thoang thoảng “hơi tóc ấm” của người con gái chân quê dịu dàng bên ván bài tam cúc tuổi thơ.
2.3. Tính tư duy – trực tiếp thể hiện trong “Qua vườn ổi”
Tiếp nối cho hành trình dài theo đuổi một tình yêu chênh vênh của chàng thiếu niên kia chính là điểm dừng
mang tựa đề “Qua vườn ổi”. Lúc này, cậu bé tám tuổi trong “Lá Diêu Bông” đã trở thành cậu thiếu niên mười
hai tuổi, vẫn mối tình đơn phương với người con gái làng Đình Bảng năm ấy. Năm tháng trôi đi nhưng tình cảm
trong sáng của cậu bé trẻ con ngày nào vẫn vẹn nguyên:
“Em mười hai tuổi tìm theo Chị
Qua cầu bà Sấm, bến cô Mưa
Đi….
ngày tháng lụi
tìm không thấy”
Từng câu chữ truyền tải nỗi buồn, sự tiếc nuối và một thoáng cô đơn. Nó mở ra một thế giới cảm xúc lạ
thường, khác với sự trong trẻo, vui tươi trong “Lá Diêu Bông” hay sự hấp dẫn đong đầy hương vị tuổi thơ trong
“Cây tam cúc”. Giọng thơ như lời tự thuật của nhân vật, trầm buồn, đầy lưu luyến. Vẫn là Em đi tìm Chị, “qua
cầu bà Sấm, bến cô Mưa”. Hai địa danh không có thực, là sản phẩm trí tưởng tượng của tác giả, khiến cho cuộc
rượt đuổi ấy càng trở nên vu vơ, bất định, thậm chí là vô nghĩa. Hành trình tìm kiếm sự hồi đáp tình cảm của
người chị, hẳn cũng chỉ xuất hiện trong tâm tưởng của cậu thiếu niên ấy. Từ câu nói bông đùa năm tám tuổi,
người con trai ấy cứ hăm hở đeo đuổi, còn người con gái ấy chỉ coi tình cảm kia là sự bộc phát non trẻ, bồng bột.
Thứ tình cảm đến từ một phía, mà có thể hình bóng người chị ấy vốn dĩ thuộc về quá khứ, tất thảy ở hiện tại đều
do chàng thiếu niên ấy tưởng tượng lên. Người chị, phải chăng đã nên đôi lứa với ai khác, còn cậu thì vẫn tìm
kiếm dáng vẻ thân thuộc của người con gái trong chiếc váy Đình Bảng năm nào?
Dẫu cho “ngày tháng lụi tìm không thấy”, chàng trai vẫn tin rằng, chỉ cần cố gắng, thì chắc chắn hạnh phúc
sẽ không thể vụt mất khỏi tầm tay. Vậy nên, “Giải yếm lòng trai mải phất cờ”, chàng trai tiếp tục tìm kiếm sự hồi
đáp trên chặng hành trình mới. Bỗng dưng, không gian tưởng như rộng rãi mênh mông trong cuộc tìm kiếm vô
định kia lại thu hẹp chỉ trong một vườn ổi.
“Cách nhau ba bước vào vườn ổi
Chị xoạc cành ngang
Em gốc cây
- Xin chị một quả chín
- Quả chín…
quá tầm tay
- Xin chị một quả ương
- Quả ương
chim khoét thủng”
Mạch thơ chuyển từ lột tả nội tâm sang đối thoại trực tiếp giữa Chị và Em. Thay vì tiếp tục lời độc thoại của
người Em trên hành trình theo đuổi một giấc mơ vốn dĩ không có thực, tác giả lồng ghép vào đó câu chuyện hái
ổi, như cách thể hiện lời hồi đáp của người Chị. Chị ở trên cây, em ở dưới mặt đất, ngước nhìn và xin chị trái ổi.
Xin quả chín thì chị đưa “quả chín quá tầm tay”, xin quả ương thì chị đưa “quả ương chim khoét thủng”. Hoàng
Cầm thật tinh tế khi xây dựng một cuộc đối thoại giữa xin và cho, nhưng xin thì tha thiết, chân thành còn cho thì
qua loa, miễn cưỡng. Phải chăng cái qua loa, miễn cưỡng ấy của người chị qua hành động cho ổi đã thể hiện thái
độ e ngại, khước từ tình cảm từ chàng thiếu niên? Người em đã bày tỏ nỗi niềm của mình tới hai lần, nhưng sau
hai lần ấy, thứ cậu nhận được chỉ là lời khước từ ý nhị của chị mà thôi.
Ở đây, tác giả đã mở ra trước mắt người đọc một cuộc đối thoại trực tiếp, mượn chuyện hái ổi để thể hiện
thông điệp về cuộc tìm kiếm sự hồi đáp trong tình yêu. Người em mang theo khát vọng tình yêu non trẻ, cứ nghĩ
rằng chỉ cần “xin” thì điều mình mong ước sẽ trở thành hiện thực. Còn người chị, cô biết tình cảm của chàng trai
ấy, nhưng vẫn ý nhị khước từ. Lần đầu đưa “quả chín quá tầm tay”, lần hai đưa “quả ương chim khoét thủng”, để
chàng trai có thể từ bỏ hi vọng, bởi chính cô cũng hiểu rằng hạnh phúc là thứ sẽ không thể có được giữa hai
người. Cậu thiếu niên khờ dại đắm chìm trong mối tình đầu đầy hoài vọng sẽ thiếu đi sự chín chắn của người
trưởng thành, mà điều cô gái kia mong đợi là một vòng tay đủ vững chắc, sưởi ấm cho tâm hồn cô quạnh. Có lẽ
người chị cũng đang đi tìm một hạnh phúc trọn vẹn, nhưng đáng tiếc thay, hạnh phúc đó không nằm nơi trái tim
đầy nhiệt thành và cháy bỏng của người em. Để rồi, trên hành trình rong ruổi kiếm tìm hạnh phúc, cả hai đều
mang theo nỗi đau của riêng mình: “người chị buốt nhức với nỗi đau vô hình, người em ngược lại đau nỗi đau
hiển hiện: hạnh phúc trước mắt mà không với tới”.
Cuối cùng, người em đành ôm nỗi cô đơn cho riêng mình, nhìn bóng hình chị khuất xa dần. Hình ảnh ấy
thực sự đã lay động trái tim biết bao bạn đọc, khiến ai cũng phải xót xa:
“Lẽo đẽo em đi vườn mai sau
Cúi nhặt chiều mưa dăm quả rụng.”
Câu thơ đảo tính từ lên đầu câu, nhấn mạnh nỗi đau, sự cô đơn của kẻ si tình nhưng không được hồi đáp.
Ngôn từ truyền tải trực tiếp những xót xa, mặc cảm tới nơi người đọc, dường như mỗi chúng ta đều đang đau nỗi
đau của nhân vật. Suốt cuộc hành trình dài bốn năm mong có được cái gật đầu từ người con gái thuở nào, chàng
thiếu niên đưa người đọc đi qua mọi cung bậc cảm xúc: từ vui tươi, hăm hở, quyết tâm dần trở thành nỗi mất
mát, buồn tủi, tuyệt vọng. Câu thơ như lời bộc bạch của chàng trai, cũng chính của tác giả Hoàng Cầm về mối
tình đơn phương đã trải qua hơn hai thập kỉ. Từ trái chín của hạnh phúc trọn vẹn đến trái ương của tình yêu
muộn màng, tất thảy đều tuột khỏi tầm tay. Chàng trai đành “cúi nhặt dăm quả rụng” đã bị người ta vứt bỏ trong
một chiều mưa. Cơn mưa càng làm cho nỗi ưu sầu kia thêm thấm thía. Để đến tận hai mươi năm sau, mỗi khi
nhắc đến mỗi tình đơn phương trong thơ Hoàng Cầm, người đọc đều gọi chàng trai thiếu niên ấy là “người của
muôn thuở kiếm tìm tình ái; biểu tượng của đa đoan, si mê và khổ lụy…”.
Xuyên suốt toàn bài thơ là nỗi niềm của chàng trai si tình giấu sau cuộc kiếm tìm trong ảo mộng và cuộc
trò chuyện “Qua vườn ổi”. Nếu thay bài thơ này thành bức tranh, khung cảnh vườn ổi cùng người con gái trong
chiếc váy Đình Bảng và cậu thiếu niên đứng dưới gốc cây hiện ra trước mắt người đọc, liệu ta có thấm thía được
nỗi hụt hẫng, mất mát và tuyệt vọng như cách mà ngôn từ thơ ca truyền tải? Có lẽ là rất khó, bởi so với hội họa,
vũ đạo, điêu khắc hay điện ảnh; văn học trực tiếp truyền đạt cảm xúc bằng ngôn từ. Ngôn từ giúp cho văn học
gửi gắm thông điệp một cách trực tiếp như thế!

3. Kết luận
Ngôn từ được Hoàng Cầm sử dụng trong thơ mang tính chọn lọc cao, gói ghém tâm tư, tình cảm của cả
nhân vật lẫn tác giả. Thông qua ngôn từ, người đọc dần chạm tới cảm xúc của tác phẩm. Cả ba bài thơ đều có sự
gặp gỡ, giao thoa giữa những nét đặc trưng làm nên tính tư duy – trực tiếp trong tác phẩm văn học. Đó là việc
dẫn dụ cảm xúc, tư tưởng của nhân vật, tác giả một cách tinh tế, nhằm tìm thấy sự đồng cảm nơi người đọc. Tuy
nhiên, cách thể hiện của mỗi bài lại khác nhau, dù ba bài thơ đều nằm trong một chùm thơ, đều kể về mối tình
đầu đơn phương trong trẻo nhưng không trọn vẹn. Không phải cứ giãi bài hết cảm xúc ra từng câu thơ, ý thơ mới
là thể hiện tính tư duy – trực tiếp của văn chương. Ngôn từ là bao la bất tận, nhất là đối với một thứ tiếng giàu
đẹp như Tiếng Việt. Thông qua ngôn từ, tác giả xây dựng lên tình huống, phác họa chân dung, thể hiện cử chỉ,
lời nói nhân vật, miêu tả quang cảnh, chấm phá cảnh vật… Người đọc sẽ dùng cảm nhận và sự nhạy bén của bản
thân để tìm ra cái hay, cái đẹp trong từng lời văn, ý thơ của tác giả. Đó mới là điều gây hứng thú và để lại ấn
tượng trong lòng độc giả. Hoàng Cầm chính là người như thế. Tài năng nghệ thuật đã giúp ông vững tay chèo lái
con thuyền kí ức, trở về ngôi làng Đình Bảng thuở nào, làm sống dậy cả một bầu trời tuổi thơ, nơi đó ghi dấu
mối tình đầu không trọn vẹn. Chắc hẳn không chỉ riêng tác giả, những ai đọc xong ba bài thơ ấy cũng đều bồi
hồi nhớ lại kí ức tuổi thơ, về quê hương yêu dấu – nơi gói trọn những trong trẻo, vô tư cùng mối tình non dại đầy
khắc khoải.

You might also like