You are on page 1of 7

TÍNH PHI VẬT THỂ CỦA HÌNH TƯỢNG NGHỆ THUẬT NGÔN TỪ TRONG TÁC PHẨM

“CÂY TAM CÚC”, “LÁ DIÊU BÔNG”, “QUA VƯỜN ỔI” CỦA HOÀNG CẦM

Đặng Thị Lan


K70-A4/ Sư phạm Ngữ Văn
Tóm tắt: Văn học được tạo nên bởi chất liệu nghệ thuật là ngôn từ, chính bởi được xây dựng bằng chất liệu
ngôn từ mà hình tượng văn học tác động vào tâm thức, trí tưởng tượng và tâm hồn của mỗi người đọc. Hình tượng
trong văn học chỉ có thể được cảm nhận thông qua cái nhìn “thầm kín” bên trong mà mắt thường con người không
thể nhìn thấy được. Đó chính là tính “phi vật thể của hình tượng văn học”, mà tôi muốn phân tích và làm rõ thông
qua ba tác phẩm thơ của Hoàng Cầm: “Cây tam cúc”, “Lá diêu bông” và “Qua vườn ổi”
Từ khóa: tính phi vật thể của hình tượng văn học, tác phẩm, ngôn từ, Hoàng Cầm, Cây tam cúc, Lá diêu bông,
Qua vườn ổi.

1. Mở đầu:
Văn học là một loại hình nghệ thuật, để phân biệt với các loại hình nghệ thuật khác văn học cũng
mang trong mình những đặc trưng riêng, cái cốt lõi làm nên đặc trưng của văn học chính là ở chất liệu tạo
nên văn học đó. Nếu như chất liệu của hội họa là màu sắc; của âm nhạc là tiết tấu, nhịp điệu; hình thể và
động tác là chất liệu của vũ đạo;… thì ngôn từ chính là chất liệu của văn học. Ngôn từ của văn học xuất
phát trực tiếp từ lời nói, ngôn từ ấy giàu tính hình tượng, giàu tính biểu cảm và tác động chủ yếu vào tâm
hồn con người. Từ chất liệu nghệ thuật ngôn từ đó, văn học mang trong mình những đặc trưng riêng,
trong số những đặc trưng của văn học thì tính phi hình tượng của nghệ thuật ngôn từ là một trong những
đặc trưng cơ bản để phân biệt giữa hình tượng văn học và hình tượng của các loại hình nghệ thuật khác.
Đây cũng là đặc trưng mà tôi muốn tìm hiểu, làm rõ thông qua các tác phẩm “Cây tam cúc”, “Lá diêu
bông” và “ Qua vườn ổi” của nhà thơ Hoàng Cầm.
Việc chọn đặc trưng này với ý muốn làm rõ và hiểu hơn về đặc trưng tính phi hình tượng của văn
học mà cụ thể hơn là được thể hiện như thế nào thông qua thơ Hoàng Cầm. Bởi để thể hiện những tình
cảm xã hội thẩm mỹ, văn học không dùng những khái niệm trừu tượng, logic, định lý, công thức mà thể
hiện bằng cách làm sống lại đối tượng văn học một cách cụ thể, gợi cảm thông qua việc hình tượng hóa
nghệ thuật.
Thực tiễn nghiên cứu thơ Hoàng Cầm cho thấy việc nghiên cứu đặc trưng nghệ thuật ngôn từ trong
thơ Hoàng Cầm mà cụ thể là nghiên cứu các bài thơ của ông tiêu biểu như “Cây tam cúc”, “Lá diêu bông”
và “ Qua vườn ổi” ở góc độ lí luận ngôn ngữ cũng có khá nhiều đề tài, nhưng chưa có đề tài nào nghiên
cứu, chỉ ra được cụ thể từng yếu tố đặc trưng của nghệ thuật ngôn từ được thể hiện như thế nào. Đó là lí
do để tôi có cơ hội được tiến hành phân tích, làm rõ yếu tố tính phi vật thể của hình tượng trong các thi
phẩm của ông.
2. Nội dung nghiên cứu.
Hoàng Cầm - một trong trong những nhà thơ tiêu biểu của phong trào Thơ Mới cũng như thơ ca thời
kháng chiến chống Pháp. Ông là một nhà thơ đa tình, yêu thơ ngay từ khi còn niên thiếu, thơ Hoàng Cầm
mang phong cách độc đáo, mang nét riêng mà khó nhà thơ nào có được, “một cõi thơ riêng đầy ẩn ức và
tràn trề lối thoát”, đó là sự đan quyện giữa mơ và thực, hiện thực và quá khứ, giữa cuộc đời và huyền
thoại, sự thăng hoa cảm xúc những nét đẹp tiềm ẩn của con người và quê hương Kinh Bắc,… Nhắc đến
ông là ta nhắc đến “Bên kia sông Đuống”, “Lá diêu bông”, “Cây tam cúc”,…những tác phẩm làm nên
huyền thoại của nhà thơ.
Để làm nên giá trị của một tác phẩm văn học không chỉ thể hiện ở mặt nội dung mà còn ở giá trị
nghệ thuật. Làm nên đặc trưng của nghệ thuật ngôn từ ngoài khả năng phản ánh trực tiếp tư tưởng tình
cảm của con người; phản ánh thời gian và không gian; tính vạn năng và tính phổ thông của văn chương
thì một yếu tố nữa không thể không kể đến đó chính là “tính phi vật thể của hình tượng văn học”- đây là
một trong những đặc trưng cơ bản làm nên nét riêng của văn chương đối với những loại hình nghệ thuật
khác.
Tác phẩm “Cây tam cúc”, “Lá diêu bông” và “ Qua vườn ổi” của nhà thơ Hoàng Cầm nằm trong tập
“ Về Kinh Bắc” của nhà thơ. Đây là ba bài thơ tiêu biểu trong năm bài thơ Chị- Em của Hoàng Cầm, qua
ba thi phẩm này xét trên phương diện lí luận văn học ta có thể cảm nhận được đặc trưng tính phi vật thể
của hình tượng nghệ thuật ngôn từ được thể hiện vô cùng sâu sắc.

1
2.1. Hình tượng ngôn từ thiếu tính trực quan
Chất liệu xây dựng nên nghệ thuật văn chương chính là ngôn từ, chính vì vậy hình tượng văn chương
không tác động trực tiếp vào giác quan của con người mà chúng được hiện lên trong trí tưởng tượng của
người tiếp nhận. Các hình tượng văn chương thiếu tính trực quan, chúng phi vật thể thông qua từng câu
chữ, ngôn từ mà người đọc lồng ghép, cảm nhận hình dung thông qua trí tưởng tượng của mình. Chính vì
vậy mà hình tượng nhân vật trữ tình trong thơ Hoàng Cầm được khắc họa qua những vần thơ rất đỗi gần
gũi và thân quen. 
Cỗ bài tam cúc mép cong cong
Rút trộm rơm nhà đi trải ổ
Chị gọi đôi cây
trầu cay má đỏ
kết xe hồng đưa Chị đến quê Em
Nghé cây bài tìm hơi tóc ấm
Em đừng lớn nữa Chị đừng đi
Tướng sĩ đỏ đen chui sấp ngửa
Ổ rơm thơm đọng tuổi đương thì
(Cây tam cúc)
Em mười hai tuổi tìm theo Chị
Qua cầu bà Sấm, bến cô Mưa
Đi…
ngày tháng lụi
tìm không thấy
Giải yếm lòng trai mải phất cờ
(Qua vườn ổi)
Váy Đình Bảng buông chùng cửa võng
Chị thẩn thơ đi tìm
Đồng chiều
Cuống rạ
Chị bảo
Đứa nào tìm được lá diêu bông
Từ nay ta gọi là chồng
(Lá diêu bông)
Thông qua việc thể hiện, khắc họa hành động nhân vật mà người đọc có thể hình dung được hình
tượng nhân vật trữ tình hiện lên trong tác phẩm, đó là hai hình tượng Chị và Em. Bằng chất liệu ngôn từ
nghệ thuật mà nhà thơ khắc họa, người đọc có thể hình dung được một bức tranh nghệ thuật dân gian với
khung cảnh chơi bài tam cúc của Chị và Em trong một ổ rơm rút trộm, có cỗ bài tam cúc mép cong cong
xưa cũ, có cô gái má đỏ dịu dàng, có người Em “nghé cây bài tìm hơi tóc ấm”; hay đó là hình ảnh “ Váy
Đình Bảng buông chùng cửa võng” trong một không gian cánh đồng chiều Chị thẩn thơ đi tìm, Em theo
sau tìm chiếc lá diêu bông…Có thể nói bằng phương tiện ngôn từ, Hoàng Cầm đã gợi lên những hình
tượng hữu hình tác động trực tiếp vào thế giới tâm hồn người đọc, để người tiếp nhận có cảm giác có thể
cảm thụ được hình tượng nghệ thuật văn chương bằng thị giác thông qua trí tưởng tượng của mình.
Không chỉ vậy, nhờ tính phi vật thể của chất liệu ngôn từ, văn học có thể biến những cái vốn mơ hồ
vô hình nhưng có thật trong cảm xúc của con người về thế giới vào trong tác phẩm văn chương. Đó là
những cảm xúc, những suy tư, những trăn trở, cũng có thể là những liên tưởng tưởng tượng,có thể là thế
giới của ước mơ, của khát vọng, của tình yêu…
Chị bảo
Đứa nào tìm được lá diêu bông
Từ nay ta gọi là chồng
Hai ngày em tìm thấy lá
Chị chau mày

2
Đâu phải lá diêu bông
Mùa đông sau em tìm thấy Lá
Chị lắc đầu
trông nắng vãn bên sông
Ngày cưới chị
Em tìm thấy lá
Chị cười xe chỉ ấm trôn kim
Chị ba con
Em tìm thấy lá
Xòe tay phủ mặt chị không nhìn
Từ thuở ấy
Em cầm chiếc lá
đi đầu non cuối bể
Gió quê vi vút gọi
Diêu bông hời…
…ới diêu bông…!
Đó là tình yêu thuở mới lớn của Em đối với Chị, một tình yêu còn trinh nguyên, trong trắng của mối
tình đơn phương. Chỉ vì câu nói đùa của Chị “Đứa nào tìm được lá diêu bông /Từ nay ta gọi là chồng”
mà Em gieo hy vọng tìm Chiếc lá diêu bông với mong muốn được đắm chìm trong tình yêu của Chị. Em
đi tìm tình yêu - Chị cũng đi tìm tình yêu nhưng dường như hành trình tìm kiếm của hai con người ấy lại
là hai đường thẳng song song; để rồi Em hụt hẫng với biết bao khát khao, ước vọng ấy lại bị Chị khuất lờ
từ chối “ Hai ngày sau… Mùa đông sau…Ngày chị cưới…Chị ba con…” Chị cũng đều chối từ “ Chiếc lá
diêu bông”. Cậu câm lặng bởi khoảng vỡ vụn của mối tình đầu- cái tình yêu bị phủ nhận. Hay đó còn là
tình yêu trong ngần mang nét hồn nhiên, trẻ thơ của độ tuổi đương thì trong “ Cây tam cúc”
Nghé cây bài tìm hơi tóc ấm
Em đừng lớn nữa. Chị đừng đi
Tướng sĩ đỏ đen chui sấp ngửa
Ổ rơm thơm đọng tuổi đương thì
Với những câu từ bình dị, gần gũi, âm hưởng trữ tình ngọt ngào cùng cách diễn đạt mang đậm chất
thơ, Hoàng Cầm đã cho người đọc cảm nhân được thế giới tình yêu “trẻ thơ” của Em với Chị trong đêm
chơi bài tam cúc. Trò chơi tam cúc của Em trở nên thật ý nghĩa khi được cùng chị chơi, Em nghé cây bài
tìm hơi tóc ấm của Chị trên ổ rơm ấm thơm đọng tuổi đương thì và khát vọng được gửi gắm trong giấc
mơ đôi xe hồng
Em đi đêm tướng điều sĩ đỏ
Đổi xe hồng đưa chị đến quê em
Khát khao được cưới Chị đó là kết quả của tình yêu - thứ tình yêu trong trắng, thơ ngây để rồi Em
cất lên nỗi ước vọng vĩnh hằng hóa tình yêu “Em đừng lớn nữa. Chị đừng đi”. Dường như Em muốn thời
gian ngưng đọng lại để Em vẫn còn đó đừng lớn cũng đồng nghĩa với việc Chị đừng đi. Câu thơ toát lên
nỗi niềm khát vọng mãnh liệt của tình yêu độ mới nở xen lẫn chút dự cảm, luyến tiếc phút giây tưởng
chừng hạnh phúc ấy rồi sẽ vụt tan. Câu thơ có sức lan tỏa mãnh liệt, tình yêu của em đã hình tượng hóa
mang đậm chất thơ ngây, tình yêu bắt đầu từ những lần chơi tam cúc với Chị đã trở thành một dấu ấn kí
ức khắc sâu trong Em, để rồi khi Chị cưới Em cũng tưởng chừng đó như trò chơi tam cúc:
Quan Đốc đồng áo đen nẹp đỏ
Thả tịnh vàng cưới Chị võng mây trôi
Em đứng nhìn theo Em gọi đôi
Giấc mơ của Em vỡ vụn, bất thành khi quan Đốc đồng dựa vào quyền uy “áo đen nẹp đỏ” hay dựa
vào tiền bạc “thả tịnh vàng” mà cưới Chị nhưng cảm giác hụt hẫng, sự vỡ mộng của Em không phải do
cảm giác của trẻ thơ mang lại, cũng không phải do những thành kiến trong xã hội giai cấp mà phải chăng
đó là do số phận đỏ- đen của kiếp người mà Chị hay Em cũng đều hẩm hiu như một cây tam cúc. Đứng
trước một sự thật không thể về tình yêu của mối tình Chị- Em khó tả ấy, Chị dường như cũng đau khổ

3
như Em khi tìm kiếm tình yêu, Em chưa hiểu vì còn tuổi đương thì, còn trẻ con nhưng Chị thì đã hiểu
nhưng khó mà nói được nên cứ phớt lờ từ chối, mà Em thì cứ vậy theo Chị mãi không thôi:
Cách nhau ba bước vào vườn ổi
Chị xoạc cành ngang
Em gốc cây
– Xin Chị một quả chín!
– Quả chín quá tầm tay
– Xin Chị một quả ương
– Quả ương chim khoét thủng.
(Qua vườn ổi)
Bài thơ “Qua vườn ổi” là sự tiếp nối của cuộc tình dang dở Em yêu Chị của Hoàng Cầm, với ngôn
từ bình dị, giàu sức biểu đạt mở đầu bài thơ người đọc có thể hình dung được một mối tình đượm buồn
mà trắc trở của cậu thiếu niên “mười hai tuổi tìm theo chị”. Thoạt nhìn ta tưởng chừng đó chỉ là thứ tình
cảm thoáng qua ngây thơ của một đứa trẻ nhưng Hoàng Cầm đã vô cùng khéo léo khi lồng ghép cuộc tình
ấy trong một khung cảnh “cầu bà Sấm, bến cô Mưa” để nói lên cuộc tình nửa thực nửa không thực của
mình; thực vì đó là mối tình của chàng trai theo đuổi một cô gái nhưng lại không thực vì đó chỉ là một
cuộc tìm kiếm vu vơ, bất định “Năm tháng lụi không tìm thấy”. Nhưng với tình yêu của độ tuổi đương thì
còn cháy bỏng, cậu bé mười hai tuổi ấy vẫn gieo niềm hy vọng dẫu biết đó chỉ là cuộc kiếm tìm tình yêu
đơn độc một mình Em:
Giải yếm lòng trai mải phất cờ
Để rồi từ một không gian rộng nhưng bất định “cầu bà Sấm, bến cô Mưa” Em thu hẹp lại địa hình
trong một không gian hẹp hơn “vườn ổi”. Người Em đã chuyển đổi mối tình Chị-Em thành câu chuyện
tình Vườn ổi. Người hái ổi là Chị, còn người Em thì xin; trớ trêu thay người Em càng xin thì Chị lại càng
phớt lờ từ chối, hai lần xin thì hai lần đều bị chối từ. Dường như tâm trạng cảm xúc của người Em có sự
chuyển biến vô cùng sâu sắc, từ chỗ hăm hở pha chút hy vọng “giải yếm lòng trai mãi phất cờ” đến “xin
Chị một quả chín” rồi đành lòng hạ mình, nhún nhịn “xin chị một quả ương” nhưng cũng bị Chị khuất lờ
từ chối, và càng về sau người Em lại càng thất vọng trước mối tình dại khờ, hăm hở khát vọng của mình.
Thơ Hoàng Cầm với những câu thơ chan chứa nỗi niềm xúc cảm nhưng qua đó bằng trí tưởng tượng của
mình người đọc có thể cảm nhận một hình tượng giàu tính nghệ thuật mà nhà thơ muốn khắc họa. Hình
ảnh về một mối tình dang dở, đơn phương mà người Em gieo hy vọng nay cũng chỉ là một miền ký ức
bên vườn ổi!
Lẽo đẽo em đi vườn mai sau
Cúi nhặt chiều mưa dăm quả rụng
Câu thơ vẫn tiếp nối mạch cảm xúc trữ tình, từ câu chuyện vườn ổi tới câu chuyện tình người Chị và
người Em. Qua việc khắc họa một loạt những hành động “ lẽo đẽo” “đi” “cúi nhặt” của người Em gợi
cho người đọc biết bao niềm xót xa, thương cảm cho mối tình đơn phương ấy. Không còn là cuộc đối
thoại giữa Chị và Em bên vườn ổi nữa mà đó đã trở thành cuộc độc thoại nội tâm của một mình Em, chỉ
một mình Em thấu cảm nỗi thất bại, buồn tủi. Sự lẻ loi của người Em dễ khiến ta gợi nhớ đến hình ảnh
người trai trong thơ Tế Hanh:
Mẹ nói em có về hái ổi
Giếng nước trong soi lẻ bóng hình anh
Song cuộc tình của người Em lại khác cuộc tình của chàng trai kia khi không gặp được em chỉ vì
“hai đầu công tác”, còn của người Em trong thơ Hoàng Cầm đó lại là mối tình lẻ loi của tình duyên phụ
bạc. Như vậy có thể nói, bằng nghệ thuật ngôn từ mà mỗi người nghệ sĩ có thể gửi gắm tình cảm tâm tư
xúc cảm của mình vào mỗi trang viết, người nghệ sĩ luôn phấn đấu biến những hình tượng vật thể trở nên
hữu hình thông qua tính tạo hình của nghệ thuật văn chương. Bởi vậy mà qua ba bài thơ “Cây tam cúc”,
“Lá diêu bông” và “Qua vườn ổi” của Hoàng Cầm cũng đã phần nào cho ta cảm nhận được vẻ đẹp và vai
trò của nghệ thuật ngôn từ trong văn chương tuy thiếu tính trực quan nhưng lại có nét thể hiện riêng thông
qua sự tác động vào cảm xúc, tâm tưởng của người đọc.
2.2. Hình tượng nghệ thuật ngôn từ tác
động đến mọi giác quan của người tiếp nhận.
Nhờ có hình tượng nghệ thuật ngôn từ mà văn học không chỉ tái hiện được những điều nhận biết
nhận biết bằng thị giác, thính giác như hội họa, âm nhạc mà còn có thể tái hiện được cả những điều cảm
4
nhận cả bằng khứu giác, xúc giác và vị giác. Đây là một đặc trưng nét riêng của văn học mà các loại hình
nghệ thuật khác khó có thể thể hiện được.
Cỗ bài tam cúc mép cong cong
Rút trộm rơm nhà đi trải ổ
Chị gọi đôi cây
trầu cay má đỏ
kết xe hồng đưa Chị đến quê Em
Những câu thơ trên để hình dung được sự vật, hình tượng người đọc phải cảm nhận cả bằng thị giác
mới hình dung được “cỗ bài tam cúc mép cong cong” hình ảnh “rút trộm rơm nhà đi trải ổ”; không chỉ
vậy ta phải dùng cả thính giác mới có thể liên tưởng và cảm nhận được tiếng “Chị gọi đôi cây”; đó còn là
sự kết hợp giữa vị giác và thi giác của người Em khi cảm nhận vị “trầu cay” và hình ảnh “má đỏ”.
Hay đó là hàng loạt những biểu cảm giác quan thể hiện cảm xúc, thái độ của người Chị khi người
Em tìm thấy “chiếc lá diêu bông”. Lần thứ nhất, khi Em tìm thấy lá Chị “chau mày: Đâu phải lá diêu
bông” (lời từ chối thẳng thừng cho có chuyện); đến lần thứ hai, khi Em tìm thấy lá thì Chị lại thẫn thờ,
trầm ngâm mà “lắc đầu- Trông nắng vãn bên sông”; lần ba nào có ngờ khi Chị lấy chồng Em tìm thấy lá,
Chị chỉ ngượng nghịu “cười xe chỉ ấm chôn kim”; và rồi đến lần cuối cùng Em tìm thấy lá Chị “Xòe tay
phủ mặt Chị không nhìn” dường như cảm xúc tâm trạng của Chị được khắc họa theo chiều hướng ngày
một tăng dần, mỗi lầm gặp Em tâm trạng Chị lại một lần đau nhói, khổ đau. Nhà thơ khắc họa chi tiết
người Chị nói tìm chiếc lá Diêu bông nhưng thực chất hình ảnh chiếc lá đó không tồn tại cũng chính như
thứ tình cảm Chị Em ấy cũng không thể thành hiện thực. Nhưng Em vẫn tìm thấy chiếc lá như thể muốn
khẳng định thứ tình cảm không thể có ấy, nhưng lá đó mà Em tìm thấy thì nhà thơ không nhắc đến phải
chăng đó là cái cớ tạo ra để người Chị có thể chối từ tình cảm của Em!
Không chỉ dừng lại ở đó, hình tượng văn học còn đem đến cho người đọc những cảm giác đặc biệt,
một thứ cảm giác chỉ có sự thể nghiệm, cảm nhận của đọc giả trong trí liên tưởng, tưởng tượng của mình
mới có thể tác động hình thành nên thứ cảm giác mà không một giác quan nào đem lại được. Đó là cảm
giác đau đớn, buồn tủi của Em khi bị Chị phớt lờ “lá diêu bông” cũng như bỏ ngỏ thứ tình cảm của Em
dành cho Chị:
Từ thuở ấy
Em cầm chiếc lá
đi đầu non cuối bể
Gió quê vi vút gọi
Diêu bông hời…
…ới diêu bông…!
Những câu thơ cuối bài “Lá diêu bông” hay cũng chính là nỗi niềm thổn thức của nhà thơ. Nỗi niềm
tâm trạng của Em cứ chơi vơi giữa khoảng không gian buổi chiều quê buồn man mác ấy, tiếng gió quê
hòa cùng tiếng “hời….” vang vọng của Em, Em vẫn đứng đó tìm câu trả lời, tìm lời giải đáp cho chiếc lá
diêu bông. Tiếng gió “vi vút gọi” cùng với khoảng lặng ở cuối bài thơ hay cũng chính là tiếng lòng của
thi sĩ trong một cảm giác tuyệt vọng muốn tìm sự đồng cảm nhưng chỉ có ngọn gió quê thơm mùi cuống
rạ cuối mùa thấu hiểu nỗi lòng mong manh, nhức nhối của nhà thơ!
Hay đó còn là một tình yêu mang nặng nỗi niềm tiếc nuối về một tình yêu nguyên vẹn, trinh nguyên
của tuổi mới đương thì mà Em vẫn mãi dành cho Chị trong Cây tam cúc:
Quan Đốc đồng áo đen nẹp đỏ
Thả tịnh vàng cưới Chị võng mây trôi
Em đứng nhìn theo Em gọi đôi
Câu kết cuối bài thơ bỏ ngỏ, như một khoảng lặng“Em đứng nhìn theo Em gọi đôi” như thể nói lên
nỗi niềm nuối tiếc về một tình yêu thực mà như không trên cõi đời. Để từ đó toát lên nỗi khát khao về
một tình yêu hạnh phúc, Em không thể “đổi xe hồng đưa chị về quê” cũng chẳng cản được Chị lấy
chồng… nhưng trong Em vẫn luôn còn nguyên vẹn một tình yêu trinh nguyên, thơ ngây dành cho Chị,
phải vậy mà Em cứ đứng nhìn theo mãi gọi đôi! Như vậy có thể nói, suy cho đến cùng mục đích của nghệ
thuật ngôn từ là tác động đến tâm trạng, ý thức của con người để từ đó có những cảm nhận, sự phản ánh
trước những hiện thực được khắc họa đó. Nó có thể thông qua việc tác động đến các giác quan của con
người hoặc cũng có thể đem đến cho người đọc những cảm giác đặc biệt mang nặng nỗi niềm tâm trạng.

5
2.3. Khoảng lặng của hình tượng văn
chương
Hình tượng nghệ thuật ngôn từ mang tính phi vật thể, lấy việc khắc họa tâm trạng cảm xúc, các
trạng thái phản ứng của con người (những cái vô hình) làm thiết yếu, làm trung tâm. Khi tưởng tượng,
liên tưởng các hình tượng nghệ thuật ngôn từ người đọc thường mang trong mình những suy nghĩ và
những cách cảm nhận khác nhau của riêng mình. Điều đó làm nên tính cá biệt, chủ quan của hình
tượng văn học. Ngay cả những yếu tố vô hình hay hữu hình xuất hiện trong tác phẩm văn chương, từ
ngoại hình, tính cách, phong cảnh được khắc họa qua những ngôn từ nghệ thuật thì đều được mỗi
người đọc cảm nhận và tiếp thu một cách khác nhau, và hiện lên trong tâm trí của mỗi đọc giả cũng
khác nhau; nó khác với các loại hình nghệ thuật khác như hội họa, âm nhạc thì biểu tượng ấy được
hiện hữu một cách cụ thể, sẵn có không thể thay thế nhưng văn chương thì ngược lại. Điều làm nên nét
đặc biệt đó của văn chương chính bởi nghệ thuật ngôn từ là chất liệu làm nên nét riêng và độc đáo của
người nghệ sĩ.
Có thể nói với việc sử dụng ngôn từ làm chất liệu nghệ thuật, hình tượng trong văn học có thể tạo
ra những khoảng trống, khoảng lặng để người đọc có thể phát huy trí tưởng tượng, sự sáng tạo trong
việc cảm nhận và thấu hiểu cảm xúc của người nghệ sĩ theo cách riêng của mình. Khoảng lặng trong
tác phẩm văn học có một vị trí quan trọng trong việc thể hiện tâm trạng cảm xúc của nhân vật trữ tình,
của hình tượng văn học giúp người đọc khơi gợi nhiều suy nghĩ và cách cảm nhận khác nhau, có
những tâm trạng khác nhau về một tác phẩm văn học đó. Khoảng lặng trong “Lá diêu bông” của
Hoàng Cầm phải chăng đó là tiếng “hời…” gọi lá diêu bông trong vô vọng, tiếc nuối của một cuộc tình
day dứt không thành, để rồi kết thúc câu thơ vang vọng một nỗi nhức nhối, mong manh tận đáy lòng
Em như tiếng nấc, tiếng khóc với câu hỏi không có lời giải đáp về lá diêu bông, về tình yêu đứt đoạn :
Từ thuở ấy
Em cầm chiếc lá
đi đầu non cuối bể
Gió quê vi vút gọi
Diêu bông hời…
…ới diêu bông…!
Hay đó còn là hình ảnh một mình Em thẫn thờ, bơ vơ trong cảnh mây trôi tan tác, đứng gọi đôi,
hay chính gọi Chị, gọi nỗi niềm vô vọng : “Em đứng nhìn theo Em gọi đôi”
3. Kết luận:
Chỉ qua ba bài thơ “Cây tam cúc”, “Lá diêu bông” và “Qua vườn ổi” của nhà thơ Hoàng Cầm, ta đã
phần nào hiểu rõ được nét đặc trưng cơ bản của văn học với tư cách nghệ thuật ngôn từ, mà cụ thể ở đây
chính là tính phi hình tượng của nghệ thuật ngôn từ. Chính đặc trưng đó đã giúp cho văn học có thể tác
động, thâm nhập vào trí tưởng tượng của người đọc, bộc lộ cái nhìn bên trong thầm kín nét đặc trưng
riêng của hình tượng nghệ thuật ngôn từ. Nhờ có tính phi vật thể mà hình tượng văn học còn có thể biểu
đạt giãi bày được những cảm xúc, trạng thái tưởng chừng như khó diễn tả thành những ngôn từ giàu tính
liên tưởng; không chỉ vậy với chất liệu là ngôn từ, hình tượng văn học còn tác động tới mọi giác quan của
con người, là phương tiện vạn năng để có thể “chiếm lĩnh thế giới”. “Cây tam cúc”, “Lá diêu bông” và
“Qua vườn ổi” là những thi phẩm tiêu biểu của Hoàng Cầm nằm trong tập “Về Kinh Bắc”, đây là ba bài
thơ tiêu biểu nói lên mối tình Em- Chị của nhà thơ, đã tạo nên mạch nguồn cảm hứng hay cũng chính là
cảm hứng sáng tác trong toàn bộ tập thơ “Về Kinh Bắc”: nỗi khát khao về một tình yêu ngang trái có thực
mà không phải là thực của mối tình Chị- Em, xuất phát từ mối tình có thật của Hoàng Cầm với người chị
hàng xóm tên Vinh… tất cả đã được thể hiện sâu sắc qua đặc trưng tính phi vật thể của hình tượng nghệ
thuật ngôn từ.

TÀI LIỆU THAM KHẢO


1. Giáo trình Lí Luận Văn Học - Tập 1 - Văn
Học, Nhà Văn, Bạn Đọc
2. Đỗ Lai Thuý, 2021, “Đi tìm ẩn ngữ thơ
Hoàng Cầm”, Văn học hiện đại Việt Nam, http://nguvan.hnue.edu.vn/Nghi%C3%AAn-c%E1%BB
%A9u/V%C4%83n-h%E1%BB%8Dc-Vi%E1%BB%87t-Nam-hi%E1%BB%87n-%C4%91%E1%BA
%A1i/p/di-tim-an-ngu-tho-hoang-cam-1691, 16/2/2021.
6
3. Diễn đàn văn học Việt Nam, 2020, “Đặc
trưng của nghệ thuật ngôn từ”, https://theki.vn/dac-trung-cua-nghe-thuat-ngon-tu/,
4. Mai Văn Phương, Báo Phụ nữ Việt Nam,
“Quả vườn ổi của Hoàng Cầm”, Phê bình văn học, http://vuhuu.edu.vn/null/ebook/phe_binh/bai3_4-
2.htm
5. Nguyễn Huyền, Báo Phụ nữ Việt Nam,
“Cây tam cúc”, Phê bình văn học, http://vuhuu.edu.vn/null/Ebook/Phe_Binh/bai1_9.htm

You might also like