You are on page 1of 4

TÍNH VÔ CỰC HAI CHIỀU KHÔNG GIAN - THỜI GIAN TRONG BA TÁC PHẨM “LÁ DIÊU

BÔNG”, “CÂY TAM CÚC”, “QUA VƯỜN ỔI” CỦA NHÀ THƠ HOÀNG CẦM
Hà Thị Huyền
Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
Tóm tắt: Bài cáo cáo nghiên cứu về tính vô cực hai chiều không gian - thời gian trong 3 bài thơ thuộc chùm thơ
viết về Kinh Bắc của nhà thơ Hoàng Cầm. Lấy ngôn từ làm chất liệu, nhà thơ Hoàng Cầm đã tái hiện lại không gian của
vùng đất Kinh Bắc, không những thế, ngòi bút của ông còn đi sâu vào thế giới cảm xúc ngọt ngào của mối tình đầu với
“người chị” thời thơ ấu. Câu chuyện tình kéo dài bốn năm được kể lại qua những vần thơ ngắn gọn, nhưng chứa đựng
trong đó là quãng thời gian chờ đợi và kiếm tìm dài dằng dặc. Phương pháp nghiên cứu được sử dụng chủ yếu trong bài
báo cáo là phương pháp phân tích, phương pháp thống kê, phương pháp so sánh và phương pháp tổng hợp, nhằm mục
đích chỉ ra một đặc trưng của văn học với tư cách là nghệ thuật ngôn từ trong tác phẩm đã được chọn làm đề tài cho bài
báo cáo. Đây là cũng là một điểm mới so với các bài báo cáo trước đây chưa từng đề cập đến vấn đề này. Có những
công trình nghiên cứu về thơ ca thế kỉ XX, tuy nhiên chưa dành nhiều sự quan tâm cho Hoàng Cầm và những đóng góp
của ông. Thông qua bài báo cáo, người viết mong muốn được mang đến một góc nhìn mới về thế giới nghệ thuật của
“thi sĩ đa tình” Hoàng Cầm.
Từ khóa: Hoàng Cầm, tính vô cực hai chiều, lá diêu bông, cây tam cúc, qua vườn ổi

1. Mở đầu
“Một nhà thơ chân chính chỉ biết cúi đầu trước mẹ, trước tổ quốc và trước cái đẹp mà vầng trăng là
một biểu tượng... một thi sĩ tài hoa, đặc sắc của một thời đại thi ca Việt.” Đó là những mỹ từ dành cho cố nhà
thơ Hoàng Cầm, một hồn thơ đã làm say đắm biết bao trái tim của những người yêu mến thi ca. Những bài
thơ như Bên kia sông Đuống, Lá diêu bông đã trở nên quen thuộc qua những giai điệu và những thước phim,
nhất là từ sau năm 1987.
Sự nghiệp văn thơ của ông dù không quá đồ sộ nhưng vẫn giữ một vị trí đặc biệt không thể thay thế.
Tuy nhiên trong những năm gần đây, những công trình nghiên cứu chưa thật sự dành cho ông một vị trí thỏa
đáng so với những cống hiến, đóng góp của ông dành cho nền văn học nước nhà. Nghiên cứu về thơ của nhà
thơ Hoàng Cầm, trước đây đã có những bài báo cáo khoa học, luận văn, luận án (ví dụ: Luận văn thạc sĩ
“Yếu tố vô thức trong thơ Hoàng Cầm” - Lê Công Phương Anh, luận án tiến sĩ “Những hình ảnh và ý hay
trong thơ Hoàng Cầm” - Trần Đức Hoàn...).
Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, Đảng ta đã nhận định: “Phát triển
văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa”. Nghị quyết cho
thấy sự quan tâm của Đảng dành cho việc phát triển văn học nghệ thuật, bao gồm cả những nghiên cứu về
tác giả, tác phẩm văn học. Trong thời đại mở rộng giao lưu văn hóa quốc tế như hiện nay, việc nghiên cứu
thơ Hoàng Cầm dưới góc độ đặc trưng của văn học với tư cách là nghệ thuật ngôn từ, cụ thể là đặc trưng tính
vô cực hai chiều không gian và thời gian đó là sự bắt kịp với xu thế tiến bộ đó, đồng thời góp phần bổ sung
vào kết quả của những nghiên cứu trước.
Mục đích chính của bài báo cáo đó là chỉ ra và phân tích được tính vô cực hai chiều không gian và thời
gian trong thơ của Hoàng Cầm, cụ thể là ba bài thơ “Lá diêu bông”, “Cây tam cúc”, “Qu a vườn ổi”. Bài báo
cáo chọn một đặc trưng của văn học với tư cách là nghệ thuật ngôn từ làm đề tài để phân tích thơ Hoàng
Cầm trên hai phương diện chính: thứ nhất là tính vô cực trong không gian nghệ thuật, thứ hai là tính vô cực
trong thời gian nghệ thuật. Qua đó, báo cáo cũng muốn phác họa được bức chân dung nghệ thuật của thi sĩ
Hoàng Cầm: phong cách thơ và sự cá tính trong ngòi bút của Hoàng Cầm, cũng như hoàn cảnh đã chắp bút
cho sự sáng tạo ấy.
Bài báo cáo là một cách tiếp cận mới đối với thơ Hoàng Cầm so với những báo cáo trước đó. Những
nghiên cứu trước tiếp cận từ góc độ văn hóa, góc độ ngôn từ, hay hình ảnh thơ... Báo cáo lựa chọn tiếp cận từ
góc độ đặc trưng của văn học với tư cách là nghệ thuật ngôn từ trong phạm vi là ba bài thơ nêu trên. Thông
qua việc sử dụng các phương pháp phân tích tài liệu, phương pháp tổng hợp, phương pháp thống kê, phương
pháp so sánh để làm nổi bật và sáng tỏ vấn đề cần nghiên cứu. Đây cũng là đề tài nghiên cứu mới, cung cấp
một hướng đi mới về thơ Hoàng Cầm, dưới góc độ một bài báo cáo khoa học có thể chưa lột tả hết những
đặc sắc trong thơ của ông, chỉ tập trung đi sâu vào phân tích một đặc trưng trong tổng thể.
Ngày nhận bài: 3/11/2021 Ngày sửa bài: 5/11/2021 Ngày nhận đăng: 9/11/2021
Tác giả liên hệ: Hà Thị Huyền Địa chỉ email: hahuyen050402@gmail.com

2. Nội dung nghiên cứu


2.1. Phương pháp, thời gian và tài liệu nghiên cứu
Bài báo cáo sử dụng phương pháp nghiên cứu và phân tích tài liệu, phương pháp tổng hợp,
phương pháp thống kê và phương pháp so sánh các luận văn, luận án, báo cáo, nghiên cứu trước
đây. Thời gian nghiên cứu được bắt đầu từ thời gian nhận đề tài cho đến hạn nộp là ngày 9/11/2021.
Tài liệu nghiên cứu gồm có các luận văn, luận án, báo cáo, tạp chí đã nghiên cứu về nhà thơ Hoàng
Cầm, những tài liệu liên quan đến các bài thơ Lá diêu bông, Qua vườn ổi và Cây tam cúc.
2.2. Tính vô cực trong không gian nghệ thuật của ba bài thơ
Giáo sư Trần Đình Sử đã lí giải về không gian nghệ thuật như sau: “Không gian nghệ thuật là hình
thức tồn tại cùng thế giới nghệ thuật, là sản phẩm sáng tạo của nghệ sĩ nhằm biểu hiện con người và thể hiện
một quan niệm nhất định về cuộc sống”. Có nghĩa là, không gian nghệ thuật chính là hình thức tồn tại của
hình ảnh nghệ thuật, được tác giả xây dựng dựa trên không gian thật, thông qua ngôn từ tạo nên một bối cảnh
cho nhân vật được bộc lộ một cách chân thật suy nghĩ, cảm xúc và hành động.
Không gian nghệ thuật vừa có yếu tố hiện thực, vừa có yếu tố tượng trưng, nhằm biểu hiện quan
niệm, suy nghĩ của tác giả. Trong bài thơ “Qua vườn ổi”, nhà thơ Hoàng Cầm viết:
“Em mười hai tuổi tìm theo chị
Qua cầu Bà Sấm, bến Cô Mưa”
Bài thơ này cùng hai bà Lá diêu bông, Cây tam cúc đều viết về người chị - mối tình đầu đơn
phương của nhà thơ Hoàng Cầm năm ông lên tám tuổi. Ấn tượng đầu tiên khi đọc hai câu thơ đó là hình ảnh
người em đi tìm “chị”. Người chị ở đây lại chính là mối tình đầu của tác giả, cậu bé Hoàng Cầm lúc đó đã
mải miết đi tìm chị, cũng là đuổi theo tình yêu đầu đời của mình. Không gian người em phải trải qua trong
lúc đi tìm chị là phải đi qua cầu Bà Sấm, bến Cô Mưa. Đây không phải là những địa danh có thật mà chỉ là
sự tưởng tượng của tác giả, làm cho cuộc tình chị em ấy trở nên trắc trở hơn bao giờ hết. Hành trình đi tìm
kiếm người chị kia thật không dễ dàng, bởi có lẽ cô gái chỉ cho rằng đó là sự bộc phát tình cảm của trẻ con.
Khung cảnh vừa thực vừa có nét hư ảo, tác giả đi tìm người chị cũng trong một tâm thế bất định. Bởi tình
cảm kia chưa được xác định rõ ràng giữa đôi bên, cũng có thể người chị mà tác giả tìm kiếm chỉ là một bóng
hình tưởng tượng, thuộc về quá khứ.
“Giải yếm lòng trai mải phất cờ”
Trong không gian hư ảo, mênh mông ấy, người con trai vẫn trên hành trình đơn độc đi tìm chị, tuy lòng
đã trùng xuống nhưng vẫn hy vọng tràn trề. Từ việc mô tả không gian, tác giả còn đi sâu vào thế giới nội tâm
của chàng trai để cảm nhận những rung động của trái tim nhiệt thành.
“Cách nhau ba bước vào vườn ổi
Chị xoạc cành ngang
Em gốc cây
- Xin chị một quả chín!
- Quả chín quá tầm tay
- Xin chị một quả ương!
- Quả ương chim khoét thủng”
Không gian bài thơ chuyển từ “cầu Bà Sấm, bến Cô Mưa” sang một không gian mới là “vườn ổi”, từ
một không gian vô định, không có thật sang một không gian thực và hẹp hơn. Không còn cảnh chàng trai
đơn độc tìm kiếm chị mà là màn đối đáp giữa người chị và người em. Đối tượng vẫn không đổi, chỉ có hoàn
cảnh là thay đổi, từ câu chuyện cậu em trai đi tìm người chị - người tình của mình trở thành câu chuyện xin
ổi. Người em tha thiết xin, còn người cho thì dứt khoát chối từ, cả hai lần xin là cả hai lần bị từ chối. Sự thay
đổi của không gian gắn với sự thay đổi của tâm trạng nhân vật trữ tình, ở đây là người em. Từ chỗ hăm hở,
quyết tâm “giải yếm lòng trai mải phất cờ” đến sự nhún nhường, cầu xin “xin chị một quả chín”, rồi cuối
cùng là “xin chị một quả ương”. Người chị thì cứ mãi lảng tránh, khước từ, còn người em càng ngày càng từ
bỏ hy vọng, tấm lòng hừng hực khí thế lúc ban đầu không còn nữa.
Toàn bộ không gian trong bài đều mang tính biểu tượng cho mối tình không thành này. Những địa danh
không có thực như cầu Bà Sấm, bến Cô Mưa tượng trưng cho một mối tình trắc trở, đơn phương, vô vọng.
Từ không gian vô thực rộng lớn chuyển thành không gian hẹp có thật, tưởng như đã bớt trắc trở, nhưng
không, hạnh phúc tưởng như trong tầm với nhưng người em vẫn không thể nào có được, bởi vì nửa kia đi tìm
kiếm một tình yêu khác lớn hơn. Dường như tất cả nỗi lòng của người con trai đã được nhà thơ Hoàng Cầm
gói gọn trong những vần thơ hàm súc và những hình ảnh không gian giàu sức biểu đạt.
Sang bài thơ “Cây tam cúc”, Hoàng Cầm vẫn dành sự chung thủy và tình yêu với đề tài viết về người
chị. Không gian của bài thơ theo tác giả là “trầm đầy một nỗi phương Đông” có ổ rơm vàng óng “thơm đọng
tuổi đương thì”, có chị và em, có “cỗ bài tam cúc mép cong cong”. Thế giới nhỏ ấy là nơi ấp ủ tình yêu đầu
trong sáng và cả giấc mơ “kết xe hồng đưa chị đến quê em”. Ở không gian ấy, người em đã không còn là trẻ
con, đã rung động trước khoảnh khắc “trầu cay má đỏ”, đôi má của người thiếu nữ độ tuổi xuân xanh, tranh
thủ “nghé cây bài tìm hơi tóc ấm”.
Ở đoạn thơ sau, không gian yên bình ấy đã bị đầy lùi bởi khói lửa chiến tranh. Chị cũng lên xe hoa,
không còn cùng em chơi bài tam cúc nữa. Nỗi đau riêng hòa vào nỗi đau chung của dân tộc. Người em ngẩn
ngơ đứng nhìn theo chị, tình yêu chị cùng những kỉ niệm ngày xưa cùng chị chơi tam cúc vẫn vẹn nguyên
trong em. Không gian ổ rơm của tuổi thơ nơi miền quê nghèo chân chất đã được tác giả sử dụng để tô vẽ lên
ước mơ về hạnh phúc, về giấc mộng lứa đôi.
Không gian trong bài thơ Lá diêu bông cũng như hai bài thơ trên đều là miền quê Kinh Bắc, cụ thể là
Đình Bảng với “đồng chiều”, “cuống rạ”... Khung cảnh rất thơ và đậm đà màu sắc quê hương Bắc Bộ. Nơi
đó có những cô gái duyên dáng với “Váy Đình Bảng buông chùng cửa võng” làm xao xuyến tâm hồn đa cảm
của thi nhân. Dường như chỉ có ở không gian ấy mới làm thôi thúc và nảy nở mối tình đơn phương của
Hoàng Cầm, để đến tận ngày nay những chùm thơ về chị và em vẫn làm chúng ta thổn thức.
2.3. Tính vô cực trong thời gian nghệ thuật
Cũng như không gian nghệ thuật, thời gian nghệ thuật là “hình thức nội tại của hình tượng nghệ thuật
thể hiện tính chỉnh thể của nó”. Thời gian nghệ thuật khác với thời gian thực ở chỗ nó có thể quay về quá
khứ, đến trước tương lai, có thể biến một thời gian thời gian kéo dài vô tận, cũng có khi lại chớp nhoáng rồi
biến mất. Nó giống như một hệ quy chiếu được tác giả khéo léo ẩn đi để miêu tả đời sống và nội tâm nhân
vật, thể hiện quan điểm, cảm xúc của tác giả trước sự việc, hiện tượng được nhắc đến.
Thời gian trong ba bài thơ không phải là thời gian của hiện tại hay tương lai mà là thời gian của quá
khứ, được tái hiện lại thông qua hồi ức của tác giả. Vì vậy, nó làm cho từng câu từng chữ mang một sức nặng
khiến trái tim chúng ta nhói đau, bởi tất cả những khoảnh khắc ấy đều không thể quay trở lại ở thời gian
thực, mối tình đơn phương ở quá khứ vẫn không thể trở nên trọn vẹn ở tương lai. Mối tư tình trong Lá diêu
bông cũng như mối tình đơn phương của Hoàng Cầm còn bị ngăn trở ở cả bốn chiêù kích: ba chiều không
gian và một chiều thời gian.
Thời gian trong bài thơ có sự vận động, từ thời điểm chị nói “Đứa nào tìm được lá diêu bông/Từ nay ta
gọi là chồng”, trải qua rất nhiều thời điểm: “hai ngày”, “mùa đông sau”, “ngày cưới chị”, “chị ba con”. Thời
gian thì cứ kéo dài, còn người em vẫn mãi kiên trì đi tìm kiếm một chiếc lá không có thật, mang đến cho chị
và mong chị thực hiện lời hứa hôm nào, nhưng hết lần này tới lần khác đều bị khước từ. Tình yêu của người
em không hề chấm dứt ở quá khứ mà vẫn tiếp diễn cho tới tận hiện tại với những nỗ lực mong muốn một tình
yêu trọn vẹn.
Có lẽ ngay từ lúc chị nói với em về chiếc lá diêu bông, thì đó đã là một sự khéo léo chối từ. Chị né tránh
tình cảm của em, dù cho em có “xòe tay phủ mặt” chị cũng không nhìn nhận tấm chân tình ấy. Sự khước từ
của chị đã làm cho tâm hồn em một nỗi đau dai dẳng khôn nguôi. Hai câu thơ cuối bỏ lửng như mối tình đầu
dở dang mãi mãi không thể trọn vẹn:
“Diêu Bông hời!...
             ...ới Diêu Bông!...”
Ta cũng bắt gặp câu thơ bỏ lửng trong bài Cây tam cúc:
“Thả tịnh vàng cưới Chị võng mây trôi
Em đứng nhìn theo Em gọi đôi”
Thời gian em đứng nhìn theo chị như kéo dài mãi mãi, như tình yêu của em dành cho chị mãi không
thay đổi, vì vậy mà em mãi đứng đó “em gọi đôi”. Ta chợt hiểu ra mong ước “Em đứng lớn nữa. Chị đừng
đi” không hề phi lý chút nào. Em muốn thời gian dừng lại ở khoảnh khắc chị em ta cùng chơi tam cúc nơi ổ
rơm ở miền quê nghèo, bởi đó là thời gian hạnh phúc nhất với em khi được bên chị.
3. Kết luận
Không gian và thời gian nghệ thuật trong thơ Hoàng Cầm có tính vô cực. Ngôn từ được sử dụng làm
chất liệu để thể hiện ý đồ nghệ thuật của tác giả. Không gian nghệ thuật bao trùm trong các bài thơ là miền
đất Kinh Bắc quê hương của Hoàng Cầm, thời gian nghệ thuật là thời gian quá khứ, có sự vận động biến
chuyển nhằm khắc họa một mối tình đầu không trọn vẹn. Tài năng nghệ thuật của tác giả làm sống động
những kỉ niệm của một thời, khiến cho bất cứ ai cũng đều bồi hồi nhớ về tuổi thơ, về quê hương yêu dấu, về
mối tình đầu đầy khắc khoải.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Trần Đình Sử, Không gian nghệ thuật (1)
[2] Hoàng Cầm mưa, Văn học Sài Gòn
[3] Thơ Hoàng Cầm từ góc nhìn văn hóa, Luận án tiến sĩ Ngữ văn, Lương Minh Chung, 2012
[4] Lê Đỗ Tuấn Hùng - SV CLC K66, Khoa Ngữ Văn - Đại học Sư phạm Hà Nội, Không gian và thời gian
trong bài thơ Lá diêu bông của Hoàng Cầm

You might also like