You are on page 1of 11

Phê bình văn chương > Đời sống văn chương >

* Hồ Thế Hà: Cảm thức hậu hiện đại trong thơ Lê Hữu Khóa

1. Dẫn nhập: Lời trong lời

Văn học hậu hiện đại hay chủ nghĩa hậu hiện đại trong văn chương thế giới, đến
nay là hiện thực hiển nhiên, không phải nghi vấn và phân vân. Thế nhưng vấn đề
tranh luận về nó lại không hề đơn giản: không phải ít mà là nhiều, không phải
trong thời gian ngắn mà là liên tục tiếp diễn, không phải đồng thuận mà còn có cả
không đồng thuận…Mà mấu chốt của vấn đề tranh luận, cả nội vi lẫn ngoại vi, lại
rơi vào những nội dung cơ bản như sau: Những tiền đề xã hội và điều kiện văn
hóa – tư tưởng cũng như quan niệm bản chất của nó là gì? Đâu là hệ thi pháp
chung của nó. Chưa kể việc xác định đường biên của quá trình chuyển từ văn học
hiện đại qua văn học hậu hiện đại ở từng nước trở thành chủ đề gây tranh cãi
không kém phần gay gắt nhưng thú vị. Nhiều người đều thừa nhận rằng những
vấn đề trên thường dễ thống nhất và đồng thuận hơn ở các lĩnh vực xã hội học,
văn hóa học, dân tộc học, triết học, nghệ thuật học…Nhưng với văn học thì không
dễ dàng như vậy. Bởi vì văn học hậu hiện đại là hình thái ý thức xã hội – thẩm mỹ
đặc thù phản ánh cuộc sống bằng hình tượng thông qua chất liệu ngôn từ cũng
rất đặc thù của từng chủ thể sáng tạo, chưa kể sự khúc xạ và đặc thù riêng của
từng nước nên quá trình nhận diện và trừu xuất chúng thành những quan niệm,
khái niệm và hệ thi pháp chung là vô cùng khó, có người cho rằng đó là việc làm
vô tăm tích. Chưa kể trong bản thân văn học, thì thơ lại khó nắm bắt và khó nhận
diện hơn cả, bởi tinh thần đặc trưng thể loại và tư duy của nó. Vì vậy mà các nhà
lý luận văn học thường có những so le trong việc xác định và trừu xuất thành hệ
thống lý luận, thành hệ thống nguyên tắc thẩm mỹ cho thơ, điều mà trong truyện
ngắn và tiểu thuyết tỏ ra thuận lợi hơn.

Ở Việt Nam, những vấn đề trên càng tỏ ra phức tạp hơn nhiều và trở thành câu
chuyên kéo dài không dứt.

Trong mục dẫn nhập ngắn này, tôi mạo muội nói qua những điều mọi người đã
biết về lĩnh vực thi ca để thấy tính phức tạp của vấn đề như thế nào (giới hạn
trong thơ Việt). Quả là theo tinh thần hậu hiện đại, yếu tố hậu hiện đạihay cảm
thức hậu hiện đại mà các nhà thơ và các nhà lý luận – phê bình bàn bạc lâu nay,
thì cũng có thể nói rằng dấu ấn hậu hiện đại đã có trong thơ Việt từ rất lâu, trong
thơ Thiền, trong thơ Hồ Xuân Hương, trong thơ Bùi Giáng, Chế Lan Viên, Nguyễn
Duy, Bùi Chí Vinh… và cả thơ của Bút Tre nữa, chứ không đợi gì đến những thập
niên gần đây mới xuất hiện. Bởi lẽ, các đặc tính thẩm mỹ của thơ hậu hiện đại như
mảnh vỡ, gián ghép, giễu nhại, giải nhân cách, bùng nổ ngôn từ theo hướng bình
dân và suồng sã, thơ trung tính, thơ vắng cái tôi…, kể cả các đặc trưng thi pháp
như ẩn dụ, hoán dụ, ảo giác, tượng trưng, triết lý, thiền, trực giác, ấn tượng…thì
thơ ở nước nào, thời nào cũng hiện diện và luôn đổi mới, thành tựu theo thời
gian Nhưng về phương diện khách quan và xuất phát từ ý thức đổi mới của chủ
thể sáng tạo khi “những điều kiện hậu hiện đại” ở Việt Nam xuất hiện thì có thể
khẳng định rằng cảm thức hậu hiện đại trong thơ Việt - nhất là ở các nhà thơ trẻ,
qua tác phẩm cách tân và các hình thức chuyển tải thơ của họ như thơ đọc (oral
poetry), thơ trình diễn (performance poetry), thơ thị giác (visual poetry),thơ ngôn
ngữ (language poetry), thơ photo và video (photo and video poetry), thơ mạng
(internet poetry), thơ phụ âm đầu (first consonant poetry), thơ cụ thể (concrete
poetry), thơ graphic (graphic poetry) , thơ phân thân ( disbody poetry), thơ ngụ
ngôn (fable poetry), thơ ngôn ngữ đời thường (popular language poetry)… - đã
hiện hữu và ít nhiều có thành tựu mà nhà lý luận – phê bình, nhà thơ Inrasara đã
rất tự tin chọn 100 bài thơ hậu hiện đại đa dạng về thi pháp nói trên để in trong
chuyên luận Thơ Việt, từ hiện đại đến hậu hiện đại của mình.

Dầu vậy, không phải những gì mà mỗi nhà thơ viết ra đều hội đủ hoặc tuân thủ
một cách khớp với ý thức của mỗi người. Có sự so le và lệch chuẩn giữa sáng tác
và quan niệm là điều dễ thấy. Và chính điều ấy, theo tôi lại là sự ngẫu nhiên kỳ lạ
để trở thành cảm thức và tâm thức hậu hiện đại nữa – ít nhất là trong thơ Việt
hiện nay, tạo nên sự đa phức trong sáng tạo và tiếp nhận, làm cho đời sống văn
chương, học thuật càng trở nên sôi động, thú vị nhưng cũng không kém phần
phân hóa, rối ren nếu mọi ý đồ nghệ thuật không biến thành những giá trị mỹ học
độc sáng. Theo tôi, thơ theo khuynh hướng nào không quan trọng, tùy nhu cầu
thời đại và nhu cầu của chính quy luật thi ca, nhưng thơ phải hay, đó mới là mục
đích của quá trình thể nghiệm trong sáng tạo và tiếp nhận. Nếu không tạo được
hiệu quả thi ca như thế thì thơ sẽ trở thành vô tăm tích và sớm muộn gì cũng bị
mất hút trong quên lãng của thời gian. Mà thực ra, ngôn ngữ và thể loại không có
lỗi. Lỗi là ở chính người “phu chữ” như cách nói của Lê Đạt.

Và một điều căn bản nữa của cảm thức hậu hiện đại cần phải quan tâm, đó là sự
thức nhận về tính hỗn độn của thế giới và sự bất tín nhận thức của con người
trước các đại tự sự nên dẫn đến quan niệm và hành động giải trung tâm mà Jean-
Francois Lyotard đã khái quát trong tác phẩm Hoàn cảnh hậu hiện đại (La
Condition postmoderne). Vậy, từ đây dẫn đến những thay đổi về hình thức ( ngôn
ngữ, lối viết , thủ pháp…) không cần thiết phải thuần túy, không cần nghiêm túc,
tăng cường lạ hóa và giễu nhại, có cả thô tục, sex…Chính tình hình trên buộc các
tác giả phải tự ý thức (self-conciousness) một cách sáng rõ và thể hiện một cách
nghệ thuật thì mới mong có những sáng tác hay, mới lạ và được người đọc chấp
nhận, xem đó là thi pháp hậu hiện đại. Điều đó là một thử thách khó lắm thay!
Nhưng không thể không biến nó thành những giá trị thi ca khi văn học hậu hiện
đại còn chưa bước qua ngưỡng giới hạn để chuyển thành một kiểu văn học hay
một chủ nghĩa văn chương nào khác.

Từ những dẫn nhập sơ lược như trên, tôi muốn minh chứng bằng tác phẩm của
một nhà thơ cụ thể, hầu xác tín một cách hiểu về thi pháp thơ hậu hiện đại của
mình.

2. Cảm thức hậu hiện đại trong thơ Lê Hữu Khóa

Tôi may mắn có trong tay 3 tập thơ của nhà thơ Lê Hữu Khoá : Vó (Nxb Đà Nẵng -
2005), Vong (Nxb Đà Nẵng - 2006) và Vách và Vực (GRISEA và GELSLE – Paris-
France - 2007). Ba tập thơ gợi cho tôi sự tò mò và suy nghĩ bởi kiểu tư duy thơ và
hình ảnh thơ mới lạ, khó nắm bắt những mạch chìm của ý tưởng và triết lý theo
tinh thần và đặc trung thẩm mỹ của thơ hậu hiện đại. Ba thi phẩm gồm gần 500
bài thơ. Phần lớn các bài thơ được cấu trúc ngắn, dồn nén, tiết kiệm và sử dụng
ngôn từ linh hoạt, biến ảo, lạ hóa, luôn lặp lại những từ chủ (mots dominants),
những hình ảnh và biểu tượng đặc trưng ( images et symboles specifiques). Cũng
có thể xem đó là một kiểu phóng chiếu theo trục lựa chọn (trục dọc, trục chất
lượng) mà theo nhà thi học R.Jakobson đề xuất đối với quá trình sáng tạo thi ca
mà theo tôi, thơ hậu hiện đại đã tìm thấy ở đây một phương thức thuận lợi, nhất
là trong việc sáng tạo ngôn từ (parole). Đó là thao tác mà nhà thơ dựa trên một
khả năng kỳ diệu của ngôn ngữ ở chỗ các đơn vị ngôn ngữ có thể thay thế cho
nhau nhờ vào tính tương đương và đồng dạng giữa chúng, cho phép nhà thơ lựa
chọn một cách nghệ thuật chỉ một đơn vị ngôn ngữ trong hàng loạt đơn vị có giá
trị tương đương nhau để diễn đạt nội hàm ngữ nghĩa mà mình cần thể hiện. Hoặc
bên cạnh đó, nhà thơ luôn tìm tòi, phát hiện những từ mới lạ khác để thể hiện nội
dung mà họ cần thông điệp đến độc giả . Vậy một điều kiện tiên quyết đặt ra là
tác giả phải có bí quyết làm chủ thể loại một cách khôn ngoan và có vốn ngôn ngữ
dồi dào cùng với khả năng vận dụng chúng trong thực tiễn sáng tạo một cách linh
hoạt, đa dạng để đạt hiệu quả thẩm mỹ cao và mang phong cách riêng mới mẻ,
hiện đại.

Điều đầu tiên mà các tập thơ của Lê Hữu Khóa mang lại trong nhận thức của tôi,
đó là sự tiết kiệm ngôn từ, lại được chứa đựng trong thể loại cũng kiệm câu. Có
nghĩa là tác giả chỉ kiến trúc bài thơ theo 2 câu, 3 câu, đa số là 3 câu tự do giống
như kiểu thơ Haiku của Nhật Bản, ít có những bài thơ trên 3 câu. Cả các tiêu đề
(titres) cũng vậy, chỉ 1 từ, 2 từ, ít có tiêu đề nhiều từ (không kể các phần II Khát
nước…và bước, phần III Lục và bát, phần IV …Ơi!trong tập Vách và Vực có nhiều
bài thơ dài, hình thức văn xuôi nhưng cũng theo cảm quan hậu hiện đại). Đó là
một sự lựa chọn nghệ thuật, là một ký mã với tư cách là “hình thức mang tính
quan niệm” mà người tiếp nhận phải hội đủ những khả năng để giải mã mới mong
tìm giá trị nội hàm của chúng theo đặc trưng thẩm mỹ hậu hiện đại như chính Lê
Hữu Khóa quan niệm : “Viết ngắn - thức suốt hạn kỳ . Viết dài - ngủ cạnh chiều
sâu”. Ngay cả phần thơ lục bát, tác giả cũng tuân thủ theo quan niệm đó: “Ngày
theo bóng tối chờ trăng - Thân theo lục bát chờ căng trắc bằng”.

Đọc nhiều lần tập thơ của Lê Hữu Khoá, quả là tôi không thể dễ dãi và chủ quan
để hiểu từng bài thơ một cách tức thì. Bài nào cũng có cách lập ngôn lạ. Sự liên
kết các hình ảnh và câu chữ, ý tưởng thường là không tuân theo logique thông
thường mà được chỉ đạo bởi tư duy lắp ghép - nghệ thuật rất độc đáo theo kiểu
thơ hậu hiện đại thế giới. Nó như là sự cắt dán, những vỡ vụn, rời rạc tạo thành
những đối lập: đối lập về hình ảnh, về câu chữ, về nghĩa, về kiểu tư duy... để làm
bật lên những lượng thông tin thẩm mỹ bất ngờ. Tôi nhớ Chế Lan Viên - nhà thơ
lớn thời hiện đại của Việt Nam có nói đại ý: Nhà thơ càng độc đáo thì thường nói
những cái vô nghĩa nhưng là sự vô nghĩa hợp lý, thoạt đầu ta không hiểu được
chúng nhưng càng nghĩ và đi sâu vào bên trong của những liên tưởng, hình ảnh,
câu chữ thì dần dần ta tìm ra được ý nghĩa ẩn chìm của chúng. Và khi ấy, sự thoả
mãn nhận thức của người đọc được đáp đền. Với ý nghĩa như vậy, tôi nghĩ thế
giới nghệ thuật thơ của Lê Hữu Khoá là một hiện tượng mới lạ của thơ Việt, cần
phải được soi rọi, tìm hiểu từ những thao tác, tư duy nghệ thuật hiện đại; tránh
lối cảm nhận truyền thống thì mới hiểu được tư tưởng của tập thơ.

Tôi bám vào 4 câu thơ đề từ của tập thơ Vó như chìa khoá để tiếp cận thế giới
nghệ thuật thơ Lê Hữu Khoá.

Lỡ kiếp theo vó thơ, thì thơ không còn vần


Giao vận cho thơ bồng sinh tử, thì thơ

không còn kiến thức

Gieo thân vào cõi thơ không sinh không diệt,

thơ sẽ khuất tránh lý thuyết

Mình vong thân, nghe thơ gọi lưu vong mấy lần.

Đó là một quan niệm rất riêng mà nhà thơ phải dấn thân và kiếm tìm không mỏi
trên hành trình sáng tạo, bởi “lỡ kiếp theo vó thơ”, “gieo thân vào cõi thơ” để
mặc cho “thơ bồng sinh tử”. Vậy tại sao “thơ không còn kiến thức”, “thơ sẽ khuất
tránh lý thuyết”? Câu cuối “Mình vong thân, nghe thơ gọi lưu vong mấy lần”. Tôi
cố hiểu quan niệm này của Lê Hữu Khoá. Có lẽ, theo anh, thơ nên tự nhiên, không
cần gọt mình theo câu chữ, văn phạm và không nên dài dòng, thuyết lý, thơ phải
khuất tránh những lý thuyết khô khan, dễ dãi. Cứ để cho thơ làm theo dòng chảy
tự nhiên của tiềm thức, giấc mơ, của hiện thực trần trụi. Nhà thơ sẽ nhập hồn vía
vào thơ; thơ sẽ đưa nhà thơ đi về giữa hai bờ hư – thực theo sự mách bảo của
trực giác, của tự động tâm linh. Có nghĩa là lúc ấy, nhà thơ không làm thơ theo sự
sắp xếp của lý trí tỉnh táo mà nhà thơ bị thơ làm. Lúc đó, sẽ tạo ra được những
thế giới thơ lạ, bởi nhà thơ đã “vong thân” để thơ gọi mời qua những miền miên
viễn của các “vương quốc nghệ thuật” khác. Vong thân để thành thơ, khi ấy, mới
có những bài thơ bất ngờ, thăng hoa. Đấy là cách suy diễn của tôi. Và tôi sẽ cố
hiểu thơ của Lê Hữu Khoá theo hệ qui chiếu ấy.

Muốn vậy, nhà thơ phải vô ngôn theo kiểu của thiền, phải thật sự nắm bắt và hiểu
biết chung quanh một cách có điều kiện, cộng vào một từ trường văn hoá nghệ
thuật mạnh mẽ để đủ sức hoá giải thi ca. Khi ấy, một sự hoá giải khác sẽ hiện hữu.
Bài Thiền, Cơn thiền là một minh chứng cho kiểu tư duy ảo diệu của nhà thơ. Ở
đó, có “Nham thạch thành mật trên lưỡi sóng - Khói về gói mình trong lửa - Tro
nhào nặn trên cánh đồng nín thở - Mười ngón chân - Đầu trần sáp - Vây bủa mắt
người thiền”. Một cơn thiền lây lan trong giấc mơ, trong vô thức để nhà thơ nhận
ra sự hoà trộn giữa thiên nhiên, tiền kiếp, niềm kinh dị và rồi cuối cùng “Cái chết
ai rải sạn vào cõi thiền tôi”.
Kiểu tư duy biến ảo như trên trở thành thi pháp hậu hiện đại trong thơ Lê Hữu
Khoá. Ở đó, nhà thơ thường đứng từ điểm nhìn hiện thực trần thế để hiểu những
điều đã xảy ra (những kinh nghiệm sống qua - experiences vécues) và dự cảm về
những điều sẽ đến (những hiện thực dự cảm - realites prévues) bằng tư duy siêu
hình (métaphisique) qua đó, tác giả cố nhận biết về những gì đã và sẽ tan rã của
vũ trụ, và hồn người trong sự vô ngôn của chủ thể ý thức:

Mùa tịnh khẩu ghé cửa thuyền khuya

Máu cuồng hâm nóng cuồng chân

Tuệ thức triền dốc buốt vắng người

(Mùa tịnh khẩu)

Trong trạng thái nhập thiền, nhà thơ thấy mọi sự vật, hiện tượng như bị xé, nứt,
xoá “Trần nhộng ngồi thiền - Chung quanh roi da kiệt sức - Vết nhăn chéo mặt
người - Vết nứt tường thời gian - Bẩy con bóng trẻ con” (Nứt). Cả hơi thở và
những va động nhỏ cũng đủ làm cho mọi vật biến thành trạng thái khác. “Hơi thở
nào xé áo tách bóng khỏi thân - Bước lạ nào chiếm đoạt não tuỷ” (Xé). Và cuối
cùng là sự hư vô hoá, hình như rỗng không của mọi chân trời.

Xoá sạch mọi chân trời

Những ngón tay

Những ngón chân

Đang cào

Sẽ biết bay

(Xoá)

Vậy mà nhà thơ lại tin rằng “Mặt trời mọc từ đáy biển”, “Vũ trụ lẩn tránh phận
người”, “Hoàng hôn xoá chân trời”, “Đồi ruồng rẫy đồi - Núi xô đẩy núi”. Cứ thế,
tư duy thơ Lê Hữu Khóa đi - về giữa bao bờ vực thăm thẳm và bao đỉnh cao chót
vót của sự chao đảo. Tác giả đã nhìn thiên nhiên bằng con mắt bất ổn: “Tay thọc
sâu vào giỏ trời - Vớt những vì sao nguội - Chân dậm sâu vào lòng đất - Đẩy nham
thạch lên miền núi - Miệng phà hơi vào những bình nguyên bạo liệt”. (Giỏ trời).
Vậy là trong cõi thiên - địa - nhân, hình như có sự sắp đặt lại của ý nghĩ và hãy
đồng hiện tất cả về mặt đất để trong niềm quên lãng vẫn có trời đất giao hoà –
giao hòa trong sự rạn vỡ, bất ổn và trong sự va đập, sinh thành mới:

Từng ngôi sao tắt nguội

Từng lời giãi bày sắc lạnh

Từng nếp da nứt buốt mùa xa

Đừng quên trời, khi ngâm mình trong cõi thinh không

Đừng quên trời, khi ngâm hơi miền câm lặng

Trong cái nhìn hiện thực của Lê Hữu Khoá, mọi vật đều bất ổn. Hãy đề phòng với
sự biến đổi của vụ trụ. Vì mỗi sự biến đổi đều kéo theo một thảm họa cho con
người. Nó không phải là “bi kịch lạc quan”. Nó có thể là “Mây nhàu rời vực vớt
tinh cầu”, nhưng cũng có thể là “Đồng quê rễ qụy – Vũ trụ gục theo mùa”, cũng có
thể là “Gốc rễ - sẵn sàng - mở cửa - mời vũ trụ - vào - sâu lòng đất”. Và con người
có thể sẽ có nguy cơ hoà vào cõi bụi: “Gió xoay thành quách vào cõi bụi - Thời
gian đẩy thân vào thung lũng câm”. Cho nên trong thơ Lê Hữu Khoá, thường câu
chữ kêu gọi lưu vong ( 100 lần xuất hiện từ lưu vong, vong), không chỉ con người
lưu vong mà cả vũ trụ cũng lưu vong, đặc biệt là sau mỗi lần có sự xáo trộn của
vạn vật và sự bất ổn của tâm hồn : “ Thân lộ như sóng tàn - Lưu vong phơi bèo
bọt”,“ Gió choáng mùa, vực kín mùa - Lưu vong nhẹ bước mưa phùn”, “Lốc chiều
dâng kiếp vó -Lưu vong choáng góc trời”, “ Vĩnh viễn - Lưu vong - Tìm bào thai -
Trong vó ngựa”, “ Lưu vong như: - Dạng người rụi tàn dấu thân mê sống - Trăn trở
kiếp chông mòn giữa hồ sen lạ - Hạt bụi đỏ ngươi giữa trời nguội không mùa”.

Con người trong thơ Lê Hữu Khóa luôn hư vô hoá mình để được hiện hữu trong
một miền hoang tưởng khác. Đó phải chăng là sự tồn tại vĩnh cửu trong sự tan rã,
nứt vỡ, quay nghiêng của biển, của những thiên thạch, của trái đất và núi lửa?
Hay là sự chao đảo của tâm lý, của dư âm nỗi chờ và khát vọng, cũng thế! Một sự
hoà hợp lạ với vũ trụ lại bắt đầu: “Chúng ta đứng trên miệng trái đất - Sau cơn
chấn động lưu vong”. Và dù có “Hoang mang - nằm - hơi thở - đuối - ngực sâu” Để
một hành trình vô định khác lại tiếp tục, dù “Xương thịt mù lòa - Máu tự vẽ lối đi”.

Tôi không còn được nằm yên trên

mảnh chiếu đời mình

Mỗi lần vũ trụ xáo trộn, trời xoay sao dời

Là mỗi lần thân xác tôi, máu loãng gân mờ

Xáo vũ trụ lên

Trộn thân xác lên

Mà đi

(Lưu vong)

Thế mà chưa hết! Lại tiếp tục lưu vong

Hai địa lý trùng hợp

Cách biệt, rách toang

Nhào nặn hai đất nước

Dặm phẳng thành nền đặt tên: Khổ sai

(Sau lưu vong)

Hư vô để tồn tại, để được hoà hợp với thiên nhiên trong thời đại có những chấn
động địa chất dữ dội là một khao khát, một ước muốn tội nghiệp nhưng cũng rất
nhân bản của con người: “Biển đầy thai – biển chữa bệnh – biển chột què – của
trái đất quay nghiêng”.

Cõi trời cuộn thân vào lòng người


Cùng chia nhau không gian khốn khó

Xa xăm thời gian thẫn thờ tìm hơi thở

(Không gian khốn khó)

Tại sao lại “Thụ tinh đầy trời – Những vì sao cô độc” mà con người lại luân hồi
trong bào thai thân vó “Đội nón mục đồng đi ngang tờ giấy trắng – Những vết roi
đỏ lưng trời – Những con đường chưa đi qua – Đã sau lưng bào thai thân vó”?
Vậy là tựa đề các tập thơ Vó, Vong, Vách, Vực đã nói lên tư tưởng trung tâm của
các thi phẩm mà Lê Hữu Khoá muốn thông điệp đến người đọc. Đó là sự lạc loài,
mất tích, sầu xứ, sự bất ổn của con người hiện đại cùng với sự bất ổn của vũ trụ
đang nóng dần lên.

Thân vó liệu có mang gió và con người đi vào không gian, bỏ lại đằng sau bụi, đất,
sương để lưu vong sang miền lạ - nơi có vực và vách bất an?: “Tay vẽ mà chân đi
trong tranh rờ rẫm vực và vách - Lấy màu sắc làm hỏa châu, thắp sáng vực sâu,
thu ngắn những chuyến đi trên sườn núi, trong biển Đông”. Những bài thơ Vó,
Thân vó, Bào thai thân vó... là ý tưởng hội tụ, biểu trưng của tập thơ. Có gì đó bất
ổn và mong manh: “Điểm khởi hành nơi anh và tôi lưu vong vào vũ trụ là một hạt
sương. Rồi…Đi”. Vó đã thực sự ngân vang bằng những âm thanh lạ lùng theo các
chiều kích khác nhau của gió. Tất cả để nói lên sự dự phóng của những bất ngờ,
thoáng qua, để lại sau lưng những vệt của gió, của ánh sáng, của lửa do vó tạo
thành. Rồi vó tạo thành thân vó. Cái khoảnh khắc của vó ngựa, vó chân người đã
trở thành vết rạn, trở thành chứng tích của quá khứ, hiện tại và cả tương lai với
những hạnh phúc và bất ổn, hữu thức và vô thức, hiện hữu và hư vô, có và không,
tỉnh và mê, dại và khôn.

Như yên ngựa mùa màng cột chân người vào vó

Như quá khứ về cầm đốt trụi hiện tại dọn tương lai

Như dại khờ bóp vụn mọi động từ hối tiếc

Như cơn giận cánh chim húc gãy lồng rễ chết


Như bạn bè đã chết ngồi dậy nâng hành

tên vượt ngục

Như hài cốt ông bà bám trên trán nóng kẻ bỏ quê

Như sao tách đêm rơi sáng thuyền người vượt khơi

Như mây bỏ trời xuống đi bộ với đứa lưu vong

Như gió bạc tóc rừng trong cơn mê gọi mẹ

Như bụi sa mạc xoá trừ mọi lối về nhá nhem

(Vó)

Đấy cũng chính là vó thơ mà tác giả lỡ kiếp dấn thân để được lưu vong trong thế
giới của tiềm thức, vô thức, trực giác- để may ra - qua thơ, người thơ hoá giải nỗi
âu lo về số phận con người, để hy vọng và tin yêu, để được tồn tại và hoà hợp với
thiên nhiên và cõi người. Thơ Lê Hữu Khoá thường nói đến tâm thế thiền, phải
chăng đấy là cách để cân bằng và khát khao một cuộc sống tốt đẹp? Chính điều
này đã làm cho Vó, Vong, Vách và Vực có một chiều sâu triết lý, nói lên cái bi đát
và thân phận của những chủ thể hiện sinh đang thiết tha sự sống.

Đó chính là thơ, là người “phu chữ”, là người nô lệ trong thế giới thơ Lê Hữu
Khoá.

Lời nói ai buồn trong chữ tôi

Tiếng hú tổ tiên gục quên trong yên lặng

Vần xiềng cổ thơ

Tên nô lệ lạc hành tinh.


Người nô lệ đó cũng chính là tác giả, là hiện thân của nhân vật trữ tình ngôi thứ
nhất (première personne) để lạc vào miền miên viễn của thế giới thiên nhiên và
tâm linh hiện đại bằng tiếng nói thi ca.

Huế, 02 - 2011

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Đào Tuấn Ảnh (2005), :”Quan niệm thực tại và con người trong văn học hậu
hiện đại”, Tạp chí Nghiên cứu văn học, 8, tr.43-59.

2. Lại Nguyên Ân và…(biên soạn) (2003), Văn học hậu hiện đại thế giới-Những vấn
đề lý thuyết, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội.

3. Jean-Francois Lyotard (2008), Hoàn cảnh hậu hiện đại, Nxb Tri thức, Hà Nội.

4. Khế Iêm (1999), “Chú giải về thơ tân hình thức”, Tạp chí Thơ, 15, tr.93-104.

5. Lê Hữu Khóa (2005), Vó, Nxb Đà Nẵng, 2005.

6. Lê Hữu Khóa (2006), Vong, Nxb Đà Nẵng, 2006.

7. Lê Hữu Khóa (2007), Vách và Vực, Nxb GRISEA et GESLE, Paris-France.

8. Inrasara (2006), Chuyện 40 năm mới kể và 18 bài tân hình thức, Nxb Hội nhà
văn, Hà Nội.

9. Inrasara (2008), Song thoại với cái mới, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội.

10. Trần Quang Thái (2006), Chủ nghĩa hậu hiện đại, Nxb Tổng hợp thành phố Hồ
Chí Minh.

.................................

(*) Hồ Thế Hà: PGS-TS. Trường Đại học Khoa học Huế - Thành viên Ban điều hành
Nhóm Văn học Việt.

You might also like