You are on page 1of 2

 

PHÂN TÍCH HÌNH TƯỢNG CON SÔNG ĐÀ HUNG BẠO - CÔ TRẦN THÙY DƯƠNG 

 Hung bạo ở những khối đá dựng đứng vách thành:

Sông Đà hiện lên là một dòng sông hung bạo, dữ dằn, lắm thác nhiều ghềnh, không chảy theo khuôn
khổ nhất định. Tính cách hung bạo ấy được gợi lên từ những khối đá dựng thành vách, “đá chẹt
lòng sông như một cái yết hầu” là cho “mặt sông chỗ ấy chỉ lúc đúng ngọ mới thấy mặt trời” hay
“đứng bên này bờ nhẹ tay ném hòn đá cũng qua bên kia vách”, có quãng “con nai con hổ vọt nhẹ từ
bờ này sang bờ kia”. Động từ “chẹt” kết hợp với cách liên tưởng độc đáo của nhà văn gợi lên sự
nguy hiểm của dòng sông. Ấn tượng hơn nữa là việc “ngồi trong khoang đò qua quãng ấy, đang mùa
hè mà cũng thấy lạnh”. Những câu văn miêu tả, so sánh, liên tưởng đầy táo bạo mà không kém phần
tinh tế của Nguyễn Tuân làm cho sông Đà đẹp, nhưng đẹp ở vẻ hùng vĩ, hoang dại và nguy hiểm.

 Hung bạo ở cái dữ dằn của “nước - đá - sóng - gió” cứ nối tiếp nhau:

Chưa dừng lại ở đó, nhà văn còn khiến người đọc bất ngờ khi miêu tả tính cách hung bạo ở cái dữ
dằn của “nước – đá – sóng và gió”: “hàng cây số nước xô đá, đá xô sóng, sóng xô gió, cuồn cuộn
luồng gió gùn ghè suốt năm như lúc nào cũng đòi nợ xuýt bất cứ người lái đò nào tóm được qua
quãng ấy”. Động từ “xô” được ngăn cách bởi nhiều dấu phẩy liên tiếp tạo nên sự trùng điệp, làm
cho dòng sông đã hung bạo lại càng dữ tợn hơn. Dòng sông như một kẻ bất chấp tất cả để lấy đi
tính mạng của những ai đi qua đây, bởi “quãng này nếu khinh suất không thận trọng tay lái thì cũng
dễ lật ngửa bụng thuyền ra”.

 Hung bạo ở những cái hút nước và thác đá:

Đến quãng Tà Mường Vát phía dưới Sơn La, người đọc còn bị choáng ngợp trước sự hung bạo của
những cái hút nước và thác đá. Những cái hút nước “giống như cái giếng bê tông thả xuống sông để
chuẩn bị làm móng cầu” xoáy tít tận đáy, “nước thở và kêu như cửa cống cái bị sặc” có lúc lại nghe
rờn rợn như tiếng “rót dầu sôi”. Đúng là con sông Đà không khác gì một loài hung thú đi đến đâu là
gieo rắc hiểm nguy đến đó. Cho nên, “không một chiếc thuyền nào dám men gần”, bởi nếu thuyền
bị hút là “trồng ngay cây chuối ngược rồi vụt biến đi, bị dìm và đi ngầm dưới lòng sông đến mươi
phút sau là tan xác ở khuỷnh sông dưới”. Thác thì cứ thi nhau “rống lên như tiếng một ngàn con trâu
mộng đang lồng lộn giữa rừng”, tiếng nước “nghe như là oán trách gì, rồi lại như là van xin, rồi lại
như là khiêu khích, giọng gằn mà chế nhạo”. Dưới chân thác “sóng bọt đã trắng xóa một chân trời
đá”. Cách so sánh, liên tưởng của Nguyễn Tuân thật độc đáo và hiếm thấy trong văn học, nó tạo
cảm giác rất mạnh làm cho chúng ta như được nghe, được nhìn thấy, được tận mắt chứng kiến cái
hung dữ của sông Đà mà thót tim lại trước vẻ hùng vĩ ấy của dòng sông.

 Hung bạo ở trùng vi thạch trận:

Nếu chỉ dừng lại ở đó thì sông Đà sẽ không có được những câu ví “đắt” như “mang diện mạo và
tâm địa một thứ kẻ thù số một” của con người được. Bởi trùng vi thạch trận trên sông mới là nơi
hấp dẫn nhất, lôi cuốn nhất của sông Đà. Nơi mà đá mai phục hết trong lòng sông “mặt hòn nào
trông cũng ngỗ ngược”, “nhăn nhúm”, “méo mó”. Mỗi hòn đều có một nhiệm vụ riêng, chúng
“đứng, nằm, ngồi tùy thích” miễn sao hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Sông Đà rất kiên định với mục tiêu của mình, nóthận trọng đặt ba trùng vây cho thạch trận trên sông
với cách bố trí lực lượng vô cùng nham hiểm, làm sao để bắt sống mỗi con thuyền qua đây. Ở trùng
vây thứ nhất: nó xếp đá chia thành ba tuyến, gồm năm cửa trận, bốn cửa tử và một cửa sinh lập lờ ở
phía tả ngạn (bên trái) dòng sông. Tuyến một, “đá chia làm ba hàng” như đòi ăn chết con thuyền,
một khi thuyền đã vào thạch trận là không có đường lui. Tuyến hai, có thêm hàng tiền vệ canh cửa
để dụ cái thuyền vào sâu bên trong, rồi “nước sóng luồng mới đánh khuýp quật vu hồi” (đánh
ngược trở lại). Tuyến ba, là cả một “pháo đài đá” với nhiệm vụ “phải tiêu diệt tất cả thuyền trưởng
thủy thủ ngay ở chân thác”. Trùng vây thứ hai: dòng sông tăng thêm nhiều cửa tử để đánh lừa con
thuyền, cửa sinh lúc này nằm lệch ở phía bờ hữu ngạn. “Dòng thác hùm beo đang hồng hộc lao
mạnh trên sông đá” như muốn nhấn chìm con thuyền, bọn tướng đá đứng khiêu khích ngay giữa
cửa vào, dựng đứng thành cửa ải “nhằm níu thuyền lôi vào tập đoàn cửa tử”. Sang trùng vây thứ ba,
tưởng dễ dàng hơn khi ít cửa hơn, nhưng sự nguy hiểm lại tăng lên gấp bội bởi “bên trái bên phải
đều là cửa chết”, cửa sinh nằm ở giữa nhưng lại bị bọn đá hậu vệ bao quanh tạo thành 3 cửa “cửa
ngoài, cửa trong, lại cửa trong cùng”; đá xếp thành cổng, cánh mở cánh khép. Tính cách hung bạo
của sông Đà cho thấy sự hùng vĩ của thiên nhiên Tây Bắc, từ đó làm nổi bật hình ảnh con người lao
động và tình yêu bao la mà Nguyễn Tuân dành cho sông Đà. Ở đó không chỉ là cái tài ở văn chương,
cái tâm của người nghệ sĩ mà còn là sự tinh tế của một bậc thầy ngôn ngữ.

You might also like