You are on page 1of 18

HÌNH TƯỢNG NGƯỜI LÁI ĐÒ

Đánh giá về Nguyễn Tuân, nhà văn Nguyễn Minh Châu thật có lí khi cho rằng: “Nguyễn
Tuân là một định nghĩa về người nghệ sĩ”. Nguyễn Tuân luôn tìm mọi cách để kiếm tìm và
phát hiện cái mới lạ, độc đáo “xưa nay chưa từng có” trong hành trình sáng tạo. Tuỳ bút
“Người lái đò Sông Đà” là kết quả của hành trình bền bỉ và sáng tạo về vẻ đẹp kì diệu của
thiên nhiên và con người Tây Bắc. Bằng sự tài hoa, uyên bác, Nguyễn Tuân đã khắc hoạ một
dấu ấn không thể mờ phai về con sông miền Tây Bắc vừa hung bạo vừa trữ tình và nổi lên
trên thác dữ là vẻ đẹp của một chiến binh sông nước với “tay lái ra hoa” đã vượt bao trùng vi
thạch trận như một người nghệ sĩ trên mặt trận vượt thác leo ghềnh. Điều đó được khắc hoạ
thật ấn tượng mang cảm giác thật mãnh liệt qua cảnh vượt thác “có một không hai”.
“Cảnh vượt thác” là cảnh tượng người lái đò vượt qua ba trùng vi thạch trận với bao tướng
dữ quân tợn. “Xưa nay chưa từng có” cảnh tượng hiếm gặp, trước sau chưa có. Thực chất
của ý kiến là bàn đến tài nghệ vượt thác của ông lái đò và tài năng nghệ thuật bậc thầy của
Nguyễn Tuân.
Bằng ngòi bút tài hoa và quan niệm duy mỹ về cái đẹp - Nguyễn Tuân đã xây dựng thành
công hình tượng người lái đò sông Đà - một hình tượng nghệ thuật độc đáo hấp dẫn. Ông
khách sông Đà tuổi ngoài bảy mươi tuổi nhưng thân hình rắn chắc như một bức tượng cẩm
thạch: ngực ông đầy những củ nâu - thương tích trên chiến trường Sông Đà mà Nguyễn Tuân
gọi đó là “huân chương lao động siêu hạng”, tay ông lêu nghêu như cái sào, chân ông
khuỳnh khuỳnh; nhỡn giới ông cao vời vợi, giọng ông ồ ồ như tiếng thác trước ghềnh. Miêu
tả người lái đò như vậy - Nguyễn Tuân đã phần nào khắc họa được vẻ đẹp của con người lao
động gắn bó với chiến trường sông nước.
Hình tượng người lao động không chỉ khắc họa qua ngoại hình mà còn được khắc họa qua
tính cách và trí thông minh. Ông xem sông Đà như một thiên anh hùng ca và thuộc lòng sông
Đà, thuộc tất cả luồng lạch; nắm được binh pháp của thần sông thần đá. Chính vì vậy trong
trận thủy chiến đầy binh hùng tướng mạnh, phần thắng vẫn thuộc về con người trí dũng và
tài hoa. Trí và dũng của ông khách Sông Đà được Nguyễn Tuân khắc họa một cách đậm nét
với ba trùng vi thạch trận. Trận thủy chiến này là một cảnh tượng “xưa nay chưa từng có”.
Ở đoạn văn thứ nhất, Nguyễn Tuân dồn hết bút lực vào miêu tả trùng vi thạch trận đầu tiên.
Ở trùng vi thạch trận này - thác đá sông Đà đã chuẩn bị dàn trận địa sẵn, đó là trận địa với
bốn cửa tử, một cửa sinh. Ở đây nước phối hợp với đá reo hò làm thanh viện; những hòn đá
bệ vệ, oai phong lẫm liệt; một hòn ấy trông như đang hất hàm hỏi cái thuyền phải xưng tên
tuổi trước khi giao chiến và thách thức cái thuyền có giỏi thì tiến gần vào. Bằng các từ ngữ:
“reo hò, bệ vệ, oai phong lẫm liệt, hất hàm hỏi, thách thức…”, người đọc cảm nhận được
không khí trận chiến nóng bỏng gay cấn hồi hộp, kịch tính. Đó chính là biệt tài phù thuỷ
ngôn ngữ của Nguyễn Tuân.
Thác đá sông Đà rất khôn ngoan. Chúng không chỉ đánh trên mặt trận giáp lá cà mà còn
đánh bằng cả nghệ thuật tâm lý chiến. Trước đó chúng đã dùng âm thanh của thác khiêu
khích “giọng gằn mà chế nhạo”. Còn giờ đây chúng lại nhờ “nước thác làm thanh viện cho
đá”. Với bản tính hung hãn như một loài thủy quái, sông Đà đã đánh phủ đầu người lái đò
với những đòn thế vô cùng hiểm hóc. Sông Đà cậy thế quân đông tướng mạnh nên đã “ùa
vào mà bẻ gãy cán chèo”, “liều mạng vào sát nách mà đá trái”, “thúc gối vào bụng và hông
thuyền”, có lúc chúng “đội cả thuyền lên”. Một loạt động từ được Nguyễn Tuân huy động để
miêu tả cách đánh của sông Đà làm người đọc không khỏi rùng mình trước sự hung bạo của
thiên nhiên: “ùa vào, bẻ gãy, đá trái, thúc gối, độ…”
Bị tấn công bất ngờ nhưng người lái đò vẫn bình tĩnh. Với chiến thuật phòng ngự để dưỡng
sức cho những trùng vi sắp tới, “ông đò hai tay giữ mái chèo khỏi bị hất lên khỏi sóng”; lúc
này sông Đà lại chuyển thế bám lấy thuyền và sử dụng đòn vật “túm lấy thắt lưng ông lái đò
đòi lật ngửa mình ra”. Không để cho ông đò có cơ hội xoay xở, sông Đà lại chuyển thể đánh
miếng đòn hiểm độc nhất “cả cái luồng nước vô sở bất chí ấy bóp chặt lấy hạ bộ người lái
đò”. Dính miếng đòn hiểm, mắt ông hoa lên, tưởng như “một cửa bể đom đóm rừng ùa
xuống châm lửa lên đầu sóng”. Đòn đau khiến ông đò “mặt méo bệch đi”. Đó là cái méo
bệch vốn do cái lạnh của nước làm nhăn nheo lại thêm miếng đòn đau làm ông khách sông
Đà mặt như tím tái, ngây dại. Phép điệp động từ “đánh hồi lùng, đánh đòn tỉa, đánh đòn âm
vào chỗ hiểm” gợi lên cơn đau dồn dập, hành hạ người lái đò. Nhưng ông đò nén đau, giọng
ông vẫn bình tĩnh, tỉnh táo, sắc lạnh chỉ huy sáu bơi chèo còn lại vượt cửa tử vào cửa sinh.
Nếu đoạn văn thứ nhất, Nguyễn Tuân tập trung miêu tả thế trận một chiều từ sông Đà thì ở
đoạn văn tiếp theo nhà văn tập trung miêu tả thế trận của ông khách sông Đà ở sự thông
minh, linh hoạt và tài nghệ vượt thác dũng mãnh, phi thường. Chuyển từ thế trận phòng ngự,
ông lái đò chuyển thế chủ động tấn công. Ở trùng vi thạch trận thứ hai này, sông Đà tăng
cường một “tập đoàn cửa tử” và cửa sinh bố trí lệch qua bờ hữu ngạn.
So với trùng vi một thì trùng vi này khó khăn hơn. Nhưng không vì thế mà ông đò nao núng.
Với kinh nghiệm mười năm chiến trường sông nước, người lái đò đã “nắm chắc binh pháp
của thần sông thần đá, ông đã thuộc quy luật phục kích của lũ đá”. Ông đò cũng tự triết lý
với mình “cưỡi lên thác sông Đà là cưỡi đến cùng như là cưỡi hổ”, vì thế “không một phút
nghỉ tay nghỉ mắt phải phá luôn vòng vây thứ hai và đổi luôn chiến thuật”. Ở trận này ông đò
đánh phủ đầu với kế hoạch đánh nhanh thắng nhanh.
Như một vận động viên đua ngựa, ông đò “nắm chắc được cái bờm sóng đúng luồng rồi, ông
đò ghì cương lái”, ông “phóng nhanh”, “lái miết”… tốc độ di chuyển mau lẹ. Nhưng sông
Đà cũng không phải dạng vừa. Chúng xô ra định níu chiếc thuyền vào tập đoàn cửa tử. Ông
đò đã cảnh giác sẵn nên “đứa thì ông tránh mà rảo bơi chèo”, “đứa thì đè sấn lên chặt đôi ra
để mở đường tiến”. Hàng loạt động từ được huy động như một đội quân ngôn ngữ hùng hậu
hò reo theo từng nhịp tiến của ông đò: “nắm, ghì, phóng, lái, tránh, rảo, đè, chặt…”. Chính
nhờ sự mưu trí và tài năng ấy ông đò vượt qua hết các cửa tử. Một trùng vi với bao cửa tử,
cửa sinh mà chỉ vài ngón đòn ông lái đò đã đánh sập vòng vây của lũ đá, đồng thời làm cho
bọn đá phải thua cuộc với bộ mặt “tiu nghỉu, xanh lè thất vọng”. Qua đó để thấy người khách
sông Đà quả thật là trí dũng song toàn.
Ở trùng vi thứ ba, sông Đà còn một cơ hội cuối để thử thách người lái đò. Trùng vi này ít cửa
hơn mà bên trái bên phải đều là luồng chết cả, luồng sống thì lại nằm ngay giữa bọn đá hậu
vệ. Có thể nói trận chiến này sông Đà đã dùng thế “trên đe dưới búa” làm cho người lái đò
phải đối mặt với thế “tiến thoái lưỡng nan” nhưng vào “cái khó lại ló cái khôn” - ông lái đò
đã biến chiếc thuyền sáu bơi chèo thành một mũi tên còn ông giống như một cung thủ đã
“phóng thẳng thuyền chọc thủng cửa giữa. Thuyền vút qua cửa đá cánh mở, cánh khép, vút
vút, cửa ngoài, cửa trong lại cửa trong cùng: “Thuyền như một mũi tên tre xuyên nhanh qua
hơi nước, vừa xuyên vừa tự động lái được, lượn được. Thế là hết thác”. Một loạt các động từ
lại được Nguyễn Tuân huy động để miêu tả cách đánh của ông đò: “phóng, chọc thủng,
xuyên qua, xuyên nhanh, lái được, lượn được…” cho thấy sự thần tốc trong cách đánh và
cách đánh nhanh thắng nhanh đã giúp người lái đò vượt trùng vi đầy phi thường. Quả là
“Đọc Người lái đò sông Đà, ta có ấn tượng rõ rệt về sự tự do của một tài năng, của một đấng
hóa công thực sự trong nghệ thuật ngôn từ” (Phan Huy Đông). Nghệ thuật lái thuyền đến đây
khiến người đọc hoàn toàn tâm phục, khẩu phục. Đúng là ông lái đò đã đạt đến mức nghệ sĩ
trong nghề nghiệp của mình. Đoạn trích vì thế đã xây dựng được một “cảnh tượng xưa nay
chưa từng có”.
Ông lái đò là người lao động nhưng lại mang cốt cách của một tâm hồn nghệ sĩ. Trong nghệ
thuật vượt thác leo ghềnh ông là một con người phi thường, tài hoa. Một nghệ sĩ có phong
thái ung dung, nhàn nhã, khiêm tốn. Ông chính là hình tượng con người lao động là biểu
tượng cho trí dũng song toàn trong hành trình đi tìm cái đẹp của nhà văn. Nguyễn Tuân đích
thực là một nghệ sĩ tài hoa bậc thầy trong việc ngợi ca những con người lao động trong gian
lao nguy hiểm nhưng đầy vinh quang, điển hình là hình tượng ông lái đò trong tùy bút
“Người lái đò sông Đà” với nhiều nét đẹp và cả chất nghệ sĩ trong nghề. Cuộc vượt thác của
người khách sông Đà quả thật là phi thường, xứng đáng là một trong những “cảnh tượng xưa
nay chưa từng có”.

SÓNG
Xuân Quỳnh là nhà thơ nữ tiêu biểu nhất của thơ ca Việt Nam hiện đại. Người yêu thơ mệnh
danh chị là “Nữ hoàng của thi ca tình yêu”. Thơ của chị là tiếng nói nhân hậu, thủy chung,
giàu trực cảm và da diết khát vọng hạnh phúc đời thường. Sóng là bài thơ được làm năm
1967 nhân chuyến đi thực tế ở biển Diêm Điền. Bài thơ sau đó được in trong tập Hoa dọc
chiến hào. Sóng là bài thơ tiêu biểu nhất cho phong cách thơ tình yêu của Xuân Quỳnh.
Sóng là một hình tượng động, bất biến cũng như “tình yêu muôn thuở/Có bao giờ đứng yên”.
Vì vậy cho nên sóng được các nhà thơ chọn làm thi liệu để biểu tượng cho tình yêu. Nếu
Xuân Diệu mượn sóng để biểu tượng cho tình yêu của anh “Anh xin làm sóng biếc/Hôn mãi
cát vàng em/ Hôn thật khẽ thật êm/Hôn êm đềm mãi mãi/ Đã hôn rồi hôn lại/ Cho đến nát cả
trời/ Anh mới thôi dào dạt”. Thì Xuân Quỳnh lại mượn sóng là biểu tượng cho những cung
bậc tình cảm của người phụ nữ trong tình yêu nhiều khao khát và biến động. Hai hình tượng
sóng và em luôn đi đôi sánh cặp với nhau. Sóng là em mà em cũng là sóng. Sóng và em hòa
quyện vào nhau, có lúc khiến ta không nhận ra đâu là em đâu là sóng nhưng có lúc lại tách
ra, soi chiếu vào nhau, tôn lên những vẻ đẹp vừa đa dạng lại vừa phong phú.
Hình tượng sóng trước hết được gợi ra từ âm hưởng dào dạt, nhịp nhàng của bài thơ. Thể thơ
năm chữ có tác dụng tạo ra những nhịp điệu của sóng. Cả bài thơ là một đại dương, mỗi khổ
thơ là một con sóng lớn, mỗi câu thơ là một con sóng nhỏ. Tất cả đã tạo nên một âm hưởng
mênh mang, dào dạt của những con sóng lòng nhiều cung bậc:
Dữ dội và dịu êm
Ồn ào và lặng lẽ
Sông không hiểu nổi mình
Sóng tìm ra tận bể
Hai câu thơ đầu với nghệ thuật đối: Dữ dội – dịu êm; Ồn ào – lặng lẽ đã làm hiện lên vẻ đẹp
của những con sóng biển ngàn đời đối cực. Những lúc biển động, bão tố phong ba thì biển
dữ dội ồn ào còn những giây phút sóng gió đi qua biển lại hiền hòa trở về dịu êm lặng lẽ.
Xuân Quỳnh đã mượn nhịp sóng để thể hiện nhịp lòng của chính mình trong một tâm trạng
bùng cháy ngọn lửa mãnh liệt của tình yêu, không chịu yên định mà đầy biến động, khao
khát “Vì tình yêu muôn thuở/ Có bao giờ đứng yên”. Đúng như vậy, tình yêu của người con
gái nào bao giờ yên định bởi có lúc họ yêu rất dữ dội, yêu mãnh liệt hết mình với những nhớ
nhung “cả trong mơ còn thức”, đôi khi ghen tuông giận hờn vô cớ:
Nếu phải cách xa nhau
Biển chỉ còn sóng gió
Nếu phải cách xa anh
Em chỉ còn bão tố
(Thuyền và Biển)
Nhưng cũng có lúc người con gái lại thu mình trở về với chất nữ tính đáng yêu, họ lặng lẽ,
dịu êm ngắm soi mình và lặng im chiêm nghiệm:
Có những tình yêu không thể nói bằng lời
Chỉ hiểu nhau qua từng ánh mắt
Nhưng đó là tình yêu bền vững nhất
Bởi thứ ồn ào là thứ dễ lãng quên
(Đinh Thu Hiền)
Sóng của Xuân Quỳnh là tiếng nói của một tâm hồn thiếu nữ đang trong độ tuổi hai mươi,
tiếng nói của một trái tim chân thành và đam mê, luôn rực cháy chất trẻ trung mãnh liệt,
khao khát được sống hết mình và yêu hết mình. Vì thế cho nên:
Sông không hiểu nổi mình
Sóng tìm ra tận bể
Ba hình ảnh sông, sóng, bể như là những chi tiết bổ sung cho nhau: sông và bể làm nên đời
sóng, sóng chỉ thực sự có đời sống riêng khi ra với biển khơi mênh mang thăm thẳm. Mạch
sóng mạnh mẽ như bứt phá không gian chật hẹp để khát khao một không gian lớn lao. Hành
trình tìm ra tận bể chất chứa sức sống tiềm tàng, bền bỉ để vươn tới giá trị tuyệt đích của
chính mình. Sóng không cam chịu một cuộc sống đời sống chật hẹp, tù túng nên nó làm cuộc
hành trình ra biển khơi bao la để thỏa sức vẫy vùng. Tình yêu của Xuân Quỳnh cũng vậy,
tình yêu của người phụ nữ cũng không thể đứng yên trong một tình yêu nhỏ hẹp mà phải
vươn lên trên tất cả mọi sự nhỏ hẹp tầm thường để được sống với những tình yêu cao cả,
rộng lớn, bao dung. Đây là một quan niệm tình yêu tiến bộ và mạnh mẽ của người phụ nữ
thời đại. Có thấy ngày xưa quan niệm tình yêu cổ hủ “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó” để rồi
bao cô gái đã phải cất lên lời than van ai oán:
Thân em như giếng giữa đàng
Người khôn rửa mặt người phàm rửa chân
Hoặc:
Thân em như tấm lụa đào
Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai
Từ đó ta mới thấy hết được cái mới mẻ trong quan niệm tình yêu của Xuân Quỳnh: Người
phụ nữ chủ động tìm đến với tình yêu để được sống với chính mình.
Tình yêu mãi mãi là khát vọng của tuổi trẻ, nó làm bồi hồi, xao xuyến rung động trái tim của
lứa đôi, của con trai con gái, của em và anh.
Ôi con sóng ngày xưa
.......
Bồi hồi trong ngực trẻ
Từ “Ôi!” cảm thán như tiếng lòng thốt lên từ nỗi thổn thức của trái tim yêu. Nghệ thuật đối
lập “ngày xưa” – “ngày sau” càng làm tôn thêm nét đáng yêu của sóng. Sóng là thế muôn đời
vẫn thế vẫn dữ dội ồn ào vẫn dịu êm lặng lẽ như tình yêu tuổi trẻ có bao giờ đứng yên. Bởi
tình yêu tuổi trẻ luôn khát vọng luôn khát khao và mơ ước. Nó làm ta bồi hồi khát khao và
nhung nhớ bởi “Làm sao sống được mà không yêu/ Không nhớ không thương một kẻ nào”
hay “Bắt chim bướm thả vào vườn tình ái” (Xuân Diệu). Tình yêu làm điên đảo tuổi trẻ với
những nhớ nhung giận hờn, những cồn cào da diết như lời thơ Xuân Quỳnh đã từng viết
“Những ngày không gặp nhau/Lòng thuyền đau rạn vỡ/ Những ngày không gặp nhau/ Biển
bạc đầu mong nhớ”. Có yêu nhau mới thấy được cồn cào của vị nhớ, mùi ái ân, mới thấy
được thế nào là bồi hồi ngực trẻ.
Tình yêu là sóng, là gió. Và qua sóng, gió ấy, nhà thơ đã nói lên thật dễ thương cái nhu cầu
tự nhận thức, tự phân tích, lí giải, nhưng lại không thể cắt nghĩa nổi của tình yêu. Tình yêu
cũng như sóng biển, gió trời vậy thôi, nó tự nhiên, hồn nhiên như thiên nhiên và cũng khó
hiểu, nhiều bất ngờ như thiên nhiên :
Trước muôn trùng sóng bể
......
Khi nào ta yêu nhau
Những tâm hồn bí mật ấy luôn khao khát giao hòa, khao khát khám phá nhưng lại không lý
giải nổi tình yêu. Bởi tình yêu là bài toán chưa có lời giải đáp, tình yêu như bài thơ chưa có
hồi kết. Vì thế tình yêu luôn đẹp, luôn mới và hấp dẫn. Có lẽ vì thế mà thi sĩ đã lắc đầu "Em
cũng không biết nữa/ Khi nào ta yêu nhau"
Tình yêu gắn liền với nỗi nhớ – một trong những gam màu chủ đạo của tình yêu. Bao kẻ nhớ
người mình yêu mà đảo điên:
Trời còn có bữa sao quên mọc
Anh chẳng đêm nào chẳng nhớ em
(Xuân Diệu)
Nhớ ai bổi hổi bồi hồi
Như đứng đống lửa như ngồi đống than
(Ca dao)
Còn Xuân Quỳnh thì:
Con sóng dưới lòng sâu
Con sóng trên mặt nước
Những con sóng nhớ bờ
Ngày đêm không ngủ được
Lòng em nhớ đến anh
Cả trong mơ còn thức
Hòa cùng những con sóng: sóng thơ, sóng lòng, ta tìm về cõi sâu kín của tâm hồn thi sĩ và
cũng là của muôn kiếp “má hồng”. Bài thơ “Sóng” ra đời khi những con sóng lòng dâng lên
dữ dội, những con sóng nhớ thương, thao thức của một tâm hồn đang yêu. Cả bài thơ là
những đợt sóng nối nhau vỗ vào tâm hồn người đọc. Sóng và nhân vật em đan quyện vào
nhau để thì thầm những nỗi niềm, những tâm tư. Đây là một khổ thơ vô cùng đặc biệt bởi
trong bài thơ chỉ duy nó có sáu câu. Sáu câu thơ trải dài như nỗi thao thức, băn khoăn của
tâm hồn thi sĩ trong đêm.
“Con sóng dưới lòng sâu
Con sóng trên mặt nước”
Hai câu thơ với hình thức lặp cấu trúc quyện hòa cùng nghệ thuật đối “dưới lòng sâu – trên
mặt nước” tạo nên sự điệp trùng của những con sóng với nhiều dạng thức khác nhau. Có con
sóng gầm gào trên mặt đại dương nhưng cũng có con sóng cuộn trào trong lòng biển cả. Con
sóng ngầm còn mãnh liệt hơn cả con sóng trên mặt nước. Cả hai kết hợp với nhau làm nên sự
đa dạng của sóng biển. Sóng là em, em là sóng. Cũng như sóng kia, tâm hồn em cũng vô vàn
những phức tạp khó hiểu. Lúc lặng lẽ, êm đềm khi nồng nàn dữ dội, nhưng thế nào đi nữa,
em vẫn mãi là em, vẫn mãi ôm trong lòng một nỗi nhớ thương không dứt. Cũng như sóng kia
thôi, dù dịu êm hay dữ dội thì:
“Ôi con sóng nhớ bờ
Ngày đêm không ngủ được”
Xuân Quỳnh vô cùng tinh tế khi mượn một hình tượng rất động để diễn tả nỗi niềm của
người phụ nữ khi yêu. Sóng muôn đời vẫn thế, có bao giờ thôi vỗ sóng, có khi nào chẳng cồn
cào, có khi nào thôi ngừng hành trình đến với bờ dù muôn vời cách trở. Sóng chẳng còn là
sóng nếu tĩnh yên, lặng lẽ. Vì vậy mà sóng đã được Xuân Quỳnh diễn tả bằng một từ ngữ rất
sáng tạo “không ngủ được”. Sóng là vậy, dù lặng yên dưới lòng biển hay dữ dội trên mặt đại
dương thì ngàn đời vẫn khát khao tìm về bến bờ tĩnh tại. Chưa đến được bờ thì nhớ thương,
thương nhớ, thì thao thức một nỗi niềm. Vì nhớ bờ “bởi hôn mãi ngàn năm không thỏa/ Bởi
yêu bờ lắm lắm em ơi”. Nên con sóng đã hành trình vượt qua không gian bao la và thời gian
xa thẳm. Nó bất chấp cả thời gian “ngày đêm không ngủ được” để quyết tâm hướng vào bờ
cho thỏa nỗi niềm mong nhớ.
Và nếu sóng nhớ bờ thì em nhớ anh. Đó âu cũng là quy luật của tình yêu.
Lòng em nhớ đến anh
Cả trong mơ còn thức
Xuân Quỳnh dùng chữ “lòng” rất tinh tế. Lòng là nơi sâu kín nhất của tâm hồn con người.
Nơi bí mật thẳm sâu của tình yêu và nỗi nhớ. Khi Xuân Quỳnh nói “lòng em nhớ” nghĩa là
chị đã phơi bày tất cả gan ruột của mình để dốc hết yêu thương mà gửi về người mình yêu.
Nỗi nhớ không chỉ có mặt trong thời gian được ý thức mà còn gắn với tiềm thức – thời gian
trong mơ. Vị ngọt ngào mê đắm của tình yêu lan tỏa trong cách nói nghịch lý “cả trong mơ
còn thức”.
Câu thơ “cả trong mơ còn thức” lóe lên điểm sáng của nghệ thuật. Nó làm đảo lộn nhịp sống
bởi “tình yêu luôn làm cho con người khó thức ngủ theo giấc giờ điều độ”. Nỗi nhớ không
chỉ làm lòng em “bổi hổi bồi hồi, như đứng đống lửa như ngồi trong than” nó còn làm cho
em nhớ nhung, thao thức ngay cả trong giấc ngủ. Có thể nói, với câu thơ ấy, Xuân Quỳnh đã
có thể được xem là thi sĩ tài năng bật nhất của thi ca hiện đại Việt Nam.
Sóng và em đan quyện vào nhau. Em lặng đi để sóng trào lên. Nhưng sóng cũng là em, sóng
trào lên mang theo lớp lớp tâm tình của em:
“Dẫu xuôi về phương Bắc
Dẫu ngược về phương Nam”
Thế giới của Anh và Em không giới hạn chiều dài Bắc – Nam, không khoanh vùng địa bàn
mà nơi nào cũng có nỗi nhớ thường trực của tình yêu vĩnh viễn. Xuân Quỳnh đã tiếp nhận
nỗi nhớ ấy bằng tất cả sự nhạy cảm của lứa tuổi đôi mươi và khẳng định cho một cái tôi của
con người luôn vững tin ở tình yêu. Từ xưa đến nay người ta vẫn thường nói “Xuôi Nam,
ngược Bắc” giờ đây Xuân Quỳnh lại nói “Xuôi Bắc, ngược Nam” là cách nói ngược. Phải
chăng tình yêu đã làm cho con người bị đảo lộn phương hướng ? Nhưng có một phương mà
em không thể nào lẫn lộn, không thể nào nguôi nhớ đó là phương anh:
“Nơi nào em cũng nghĩ
Hướng về anh một phương”
Xuân Quỳnh buộc chặt bao “sợi nhớ, sợi thương” về phương anh:
Chỉ riêng điều được sống cùng anh
Niềm mơ ước trong em là lớn nhất
Trái tim nhỏ nằm trong lồng ngực
Giây phút nào tim đập chẳng vì anh
Thế mới biết tình yêu của chị nồng nàn, mãnh liệt thế nào. Hướng về anh thì có thể thay đổi
nhưng với lời khẳng định chắc nịch “một phương” thì nơi em hướng về là bất di bất dịch.
Anh đã là “hệ quy chiếu” của đời em. Từ đó nhà thơ đã nói đến nỗi nhớ bất chấp vạn vật,
khoảng cách, tình yêu là sự gặp gỡ giữa hai tâm hồn không có giới hạn. Cảm thông cho cuộc
đời Xuân Quỳnh, ta càng hiểu thêm tình cảm của chị:
“Em trở về đúng nghĩa trái tim em
Là máu thịt, đời thường ai chẳng có
Vẫn ngừng đập lúc cuộc đời không còn nữa
Nhưng biết yêu anh cả khi chết đi rồi”
Nếu như những khổ thơ trước nhà thơ nói về niềm vui sướng dào dạt, những nhung nhớ giận
hờn thì đoạn thơ này nhà thơ lại thể hiện những băn khoăn, lo lắng. Đó cũng là trực cảm của
tình yêu.
“Ở ngoài kia đại dương
Trăm ngàn con sóng đó
Con nào cũng tới bờ
Dù muôn vời cách trở”
Ba từ “Ở ngoài kia” như cánh tay Xuân Quỳnh mềm mại đang chỉ tay về khơi xa nơi trăm
ngàn con sóng ngày đêm không không biết mỏi đang vượt qua giới hạn không gian thăm
thẳm muôn vời cách trở để hướng vào bờ ôm ấp nỗi yêu thương. Cũng như “em” muốn được
gần bên anh, được hòa nhịp vào trong tình yêu với anh. Tình yêu của người con gái thật
mãnh liệt, nồng nàn. Sóng xa vời cách trở vẫn tìm được tới bờ như tìm về nguồn cội yêu
thương, cũng như anh và em sẽ vượt qua mọi khó khăn để đến với nhau, để sống trong hạnh
phúc trọn vẹn của lứa đôi.
Cuộc đời tuy dài thế
Năm tháng vẫn đi qua
Như biển kia dẫu rộng
Mây vẫn bay về xa
Xuân Quỳnh qua khổ thơ trên đã phần nào cho người đọc nhận thức rõ về những dự cảm và
nỗi băn khoăn của chị. Những từ “tuy dài thế – vẫn đi qua – dẫu rộng” như chứa đựng ở
trong nó ít nhiều nỗi âu lo. Tuy thế nhà thơ vẫn tin tưởng, tin tưởng ở tấm lòng nhân hậu và
tình yêu chân thành của mình sẽ vượt qua tất cả như áng mây kia như năm tháng kia. Có thể
nói Xuân Quỳnh yêu thương tha thiết, mãnh liệt nhưng cũng tỉnh táo nhận thức dự cảm
những trắc trở, thử thách trong tình yêu; đồng thời cũng tin tưởng vào sức mạnh tình yêu sẽ
giúp người phụ nữ vượt qua thử thách đến với bến bờ hạnh phúc. Cho nên, sóng sẽ đến bờ,
năm tháng sẽ đi qua thời gian dài đằng đẵng và đám mây nhỏ bé sẽ vượt qua biển rộng để
bay về xa. Một loạt hình ảnh thơ ẩn dụ được bố trí thành một hệ thống tương phản, đối lập để
nói lên dự cảm tỉnh táo, đúng đắn và niềm tin mãnh liệt của nhà thơ vào sức mạnh của tình
yêu.
Yêu thương mãnh liệt nhưng cao thượng, vị tha. Nhân vật trữ tình khao khát hòa tình yêu
con sóng nhỏ của mình vào biển lớn tình yêu – tình yêu bao la, rộng lớn – để sống hết mình
trong tình yêu, để tình yêu riêng hoá thân vĩnh viễn thành tình yêu muôn thuở:
Làm sao được tan ra
Thành trăm con sóng nhỏ
Giữa biển lớn tình yêu
Để ngàn năm còn vỗ.
Cuộc đời là biển lớn tình yêu, kết tinh vị mặn ân tình, được tạo nên và hòa lẫn cùng trăm con
sóng nhỏ. Trong quan niệm của nhà thơ, số phận cá nhân không thể tách khỏi cộng đồng.
Sóng không phải là biểu tượng của một cái tôi ngạo nghễ và cô đơn như thơ lãng mạn. Khát
vọng lớn nhưng trong cách nói Xuân Quỳnh lại rất khiêm nhường : trăm con sóng nhỏ như là
sự tổng hòa những vẻ đẹp khác nhau để tạo thành biển lớn. Nhà thơ đã thể hiện một khát
vọng mãnh liệt muốn làm trăm con sóng để hòa mình vào đại dương bao la, hòa mình vào
biển lớn tình yêu để một đời vỗ muôn điệu yêu thương “Người yêu người, sống để yêu nhau”
(Tố Hữu).. Phải chăng đó là khát vọng muốn bất tử hóa tình yêu của nữ sĩ Xuân Quỳnh ?
Vâng! Đó không chỉ là tinh thần của con người thời đại chống Mỹ mà còn là âm vang của
một tấm lòng luôn tha thiết với sự sống, với tình yêu.
Xuân Quỳnh viết bài thơ này vào những năm 1967, khi cuộc kháng chiến của nhân dân miền
Nam ở vào giai đoạn ác liệt, khi thanh niên trai gái ào ào ra trận “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu
nước”, khi sân ga, bến nước, gốc đa, sân trường diễn ra những cuộc chia ly màu đỏ. Cho nên
có đặt bài thơ vào trong hoàn cảnh ấy ta mới càng thấy rõ nỗi khát khao của người con gái
trong tình yêu.
Tóm lại, bài thơ Sóng là bài thơ giàu giá trị nội dung và nghệ thuật. Thành công của bài thơ
là nhờ vào thủ pháp nghệ thuật nhân hóa, ẩn dụ, so sánh, đối lập nhất là thể thơ ngũ ngôn
giàu nhịp điệu. Nhịp điệu của sóng, nhịp điệu của tâm hồn. Tất cả đã làm hiện lên vẻ đẹp rất
Xuân Quỳnh giàu trắc ẩn suy tư và khát vọng trong tình yêu. Đọc xong bài thơ “Sóng” ta
càng ngưỡng mộ hơn những con người phụ nữ Việt Nam, những con người luôn thuỷ chung,
luôn sống hết mình vì một tình yêu. Xuân Quỳnh xứng đáng là một nhà thơ nữ của tình yêu
lứa đôi, chị đã làm phong phú hơn cho nền thơ ca nước nhà.

ĐẤT NƯỚC
Nền văn học Việt Nam giai đoạn năm 1945-1975 là nền văn học mang khuynh hướng sử thi
và cảm hứng lãng mạn, bên cạnh các đề tài “lực lượng vũ trang- chiến tranh cách mạng” thì
các đề tài xây dựng đất nước, hoặc ca ngợi đất nước cũng được nhiều tác giả chọn đưa vào
tác phẩm của mình mới những vần thơ, lời văn chân thành tha thiết, thấm đẫm hào khí dân
tộc. Nguyễn Khoa Điềm là một trong những nhà thơ trưởng thành từ cuộc kháng chiến chống
Mỹ cứu nước, cũng chọn cho mình đề tài đất nước, giữa những năm tháng cuộc chiến đấu
của nhân dân đang vào lúc cao trào sục sôi máu lửa. Thế nhưng Nguyễn Khoa Điềm không
đặt nặng trong tác phẩm của mình màu sắc tuyên truyền, không ồn ào, rộn rã mà ông cho
riêng cho mình một chất giọng êm dịu, thiết tha, gần gũi và thân thuộc. Nguyễn Khoa Điềm
đã nhìn đất nước bằng một cách rất riêng, bằng một cảm xúc mới lạ giữa thời chinh chiến
“hoa lửa”, ông nhìn nhận Tổ quốc từ những điều giản dị, từ những con người rất đỗi bình
thường. Sử dụng thành công giọng thơ mang tính triết luận trữ tình, đặc biệt là sự kết hợp với
các chất liệu văn hóa dân gian lấy từ vốn hiểu biết rộng lớn của nhà thơ về văn hóa ngàn đời
của dân tộc. Tất cả đã tạo nên một Đất Nước với vẻ giản dị, thân thương, Đất Nước của nhân
dân, một Đất Nước bước ra từ những câu chuyện kể, những truyền thuyết, những phong tục
tập quán của 4000 năm văn hiến tự hào.
“Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi
Đất Nước có trong những cái “ngày xửa ngày xưa...” mẹ thường hay kể
Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn
Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc
Tóc mẹ thì bới sau đầu
Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn
Cái kèo, cái cột thành tên
Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng
Đất Nước có từ ngày đó…”
Trong trích đoạn Đất Nước, đầu tiên tác giả đi vào phân tích và làm rõ vấn đề Đất Nước có
từ bao giờ. Trong 9 câu thơ đầu, Nguyễn Khoa Điềm đã chỉ ra rằng Đất Nước đã có từ rất lâu
đời, gắn liền với những truyền thuyết, với những câu chuyện cổ tích đã có từ những ngày
xửa, ngày xưa. Câu “Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn” gợi cho chúng ta nhớ
đến sự tích Trầu Cau, khơi gợi lại truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, ấy là tình
nghĩa anh em sâu đậm, tình nghĩa vợ chồng son sắt thủy chung. Không chỉ vậy từ hình ảnh
miếng trầu bà ăn tác giả còn gợi lại những cái phong tục đẹp của nhân dân ta ấy là tục ăn trầu
nhuộm răng có có từ thuở vua Hùng dựng nước và giữ nước. Cùng với sự tích Trầu Cau, thì
qua câu thơ “Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc” tác giả lại tiếp tục
gợi nhắc chúng ta nhớ về truyền thuyết Thánh Gióng vô cùng quen thuộc, gợi nhắc về truyền
thống yêu nước, bất khuất đứng lên chống giặc ngoại xâm của dân tộc. Như vậy, có thể thấy
rằng Đất Nước hình thành từ nền tảng là tình nghĩa sâu nặng của dân tộc, thế nhưng Đất
Nước chỉ có thể lớn lên khi nhân dân ta có được tinh thần yêu nước, có được lòng dũng cảm,
kiên cường đấu tranh chống giặc ngoại xâm để giữ nước. Đi từ những câu chuyện cổ tích,
những truyền thuyết xa xưa thì tác giả lại tiếp tục chỉ ra Đất Nước có từ rất lâu đời, bắt đầu
từ những thuần phong mỹ tục. “Tóc mẹ thì bới sau đầu”, nhắc người đọc nhớ lại phong tục
búi tóc thành búi tóc tròn, thấp sau gáy của các bà, các mẹ thời xưa. Mà dù cho đã qua hàng
ngàn năm bị phong kiến phương Bắc đô hộ, mấy chục năm trời Pháp thuộc, thế nhưng cho
đến khi Nguyễn Khoa Điềm viết Trường ca Mặt đường khát vọng, búi tóc ấy vẫn giữ cho
mình dáng vẻ ban đầu không đổi, vẫn kiên cường trụ vững sau gáy của người phụ nữ Việt
Nam. “Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn”, chính là đại diện cho truyền thống
coi trọng tình nghĩa vợ chồng, càng trong những thử thách, gian lao thì vợ chồng lại càng trở
nên thương yêu và gắn kết bền chặt với nhau hơn.
Thứ ba nữa, Đất Nước có từ rất lâu đời được hình thành cùng với tiến trình phát triển của
con người Việt Nam trong cuộc sống đời thường. “Cái kèo cái cột thành tên”, từ chỗ con
người ta sống tạm bợ trong những hang đá thô sơ, từ nhân dân ta đã bắt đầu chủ động hơn
trong cuộc sống biết xây dựng nên các mái nhà che mưa, che nắng cho mình. Rồi “Hạt gạo
phải một nắng hai sương xay giã dần, sàng”, ta cũng thấy được từ cái chỗ nhân dân ta sống
phụ thuộc vào thiên nhiên với công việc hái lượm bấp bênh, thì người Việt Nam đã bắt đầu
biết đến nền văn minh lúa nước, biết tạo ra hạt thóc hạt gạo làm lương thực chính để phục vụ
cuộc sống. Và cuối cùng sau khi dùng ba ý trên để trả lời cho câu hỏi Đất Nước có từ khi
nào, tác giả đã chốt lại bằng câu thơ “Đất Nước có từ ngày đó”, “ngày đó” là ngày những
truyền thuyết, cổ tích ra đời, là ngày chúng ta có thuần phong mỹ tục, là ngày mà chúng ta
biết trồng tre diệt giặc, cũng là ngày bà con người Việt Nam ta biết dựng nhà, trồng lúa. Có
thể nói Đất Nước mà Nguyễn Khoa Điềm gợi lại thông qua các chất liệu văn hóa dân gian
lâu đời của dân tộc đã đem đến cho người đọc những xúc cảm gần gũi, thân thuộc và bình dị,
để lại trong tâm hồn con người cảm giác tha thiết và gắn bó vô cùng.
“Đất là nơi anh đến trường
Nước là nơi em tắm
Đất Nước là nơi ta hò hẹn
Đất Nước là nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm
Đất là nơi “con chim phượng hoàng bay về hòn núi bạc”
Nước là nơi “con cá ngư ông móng nước biển khơi
Thời gian đằng đẵng
Không gian mênh mông
Đất Nước là nơi dân mình đoàn tụ”
Sau câu hỏi Đất Nước có từ bao giờ, Nguyễn Khoa Điềm lại tiếp tục khai thác hình tượng
Đất Nước ở câu hỏi “Đất Nước là gì?”. Ông không trả lời khái niệm này theo cách của các
nhà khoa học mà là dưới cương vị của một nhà thơ, dùng lối chiết tự, tách Đất Nước thành
hai thành tố là “Đất” và “Nước” để mà định nghĩa, giúp người đọc có được cách hiểu chính
xác nhất, đầy đủ nhất về khái niệm Đất Nước. Về phương diện địa lý Nguyễn Khoa Điềm ví
““Đất là nơi anh đến trường/Nước là nơi em tắm” là không gian gần gũi, thân thuộc đối với
mỗi người trong cuộc sống đời thường. Rồi “Đất Nước là nơi ta hò hẹn/Đất Nước là nơi em
đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm”, tác giả đã hợp hai thành tố lại thành “Đất Nước”
theo thời gian anh và em lớn dần lên, nếu trước đây anh và em là hai cá thể và Đất Nước
cũng tách riêng ra thì bây giờ anh và em đã hợp lại thành một cặp tình nhân “hò hẹn” và Đất
Nước trở thành một cái không gian riêng tư, thầm kín cho tình yêu của lứa đôi. Không chỉ
thế “Đất là nơi con chim phượng hoàng bay về hòn núi bạc...Đất Nước là nơi dân mình đoàn
tụ” lại cho ta thấy Đất Nước ở một dáng vẻ khác, nếu ở trên ta thấy một Đất Nước nhỏ bé
dung dị thì tới những câu thơ này ta lại thấy Đất Nước mang một dáng vẻ kỳ vĩ và lớn lao
được đo bằng sải cánh của con chim phượng hoàng bay về núi bạc, được đo bằng sự mênh
mông, rộng lớn của biển khơi. Và cuối cùng dù đi đâu về đâu thì phượng hoàng cũng phải về
núi, cá ngư ông thì phải vùng vẫy ở biển và dân tộc Việt Nam thì phải đoàn tụ ở nơi có tên là
Đất Nước. Như vậy có thể tóm gọn lại Đất Nước chính là nơi trở về của những tâm hồn thiết
tha với quê hương.
“Đất là nơi Chim về
Nước là nơi Rồng ở
Lạc Long Quân và Âu Cơ
Đẻ ra đồng bào ta trong bọc trứng
Những ai đã khuất
Những ai bây giờ
Yêu nhau và sinh con đẻ cái
Gánh vác phần người đi trước để lại
Dặn dò con cháu chuyện mai sau
Hằng năm ăn đâu làm đâu
Cũng biết cúi đầu nhớ ngày giỗ Tổ”
Về phương diện thời gian lịch sử, tác giả đã trả lời cho câu hỏi Đất Nước là gì bằng một cái
nhìn bao quát suốt chiều dài thời gian lịch sử để đưa ra một câu trả lời chính xác nhất. Trong
quá khứ đó là một Đất Nước thiêng liêng và lớn lao, khi tác giả gợi nhắc về truyền thuyết
Lạc Long Quân - Âu Cơ, gợi nhắc về giống nòi cao quý của dân tộc ta, vốn là con rồng cháu
tiên. Đồng thời còn gợi nhắc về truyền thống hào hùng dựng nước và giữ nước của cha ông,
mở ra triều đại đầu tiên của nước ta, triều đại vua Hùng tục truyền kéo dài đến 18 đời. Kèm
với đó là những lời dặn dò chân thành tha thiết, phải biết kế tục hương hỏa, duy trì nòi giống
dân tộc, phải đứng lên mạnh giữ gìn non sông gấm vóc, và luôn nhớ về nguồn cội của mình
với tấm lòng thành kính, trân trọng.
“Trong anh và em hôm nay
Đều có một phần Đất Nước
Khi hai đứa cầm tay
Đất Nước trong chúng mình hài hòa nồng thắm
Khi chúng ta cầm tay mọi người
Đất nước vẹn tròn, to lớn”
Trong hiện tại, Đất Nước hiện lên một cách gần gũi và thân thuộc, hiện diện ở trong mỗi con
người, bao gồm ngôn ngữ để con người giao tiếp tư duy, bao gồm cả những phong tục tập
quán tốt đẹp vẫn tồn tại trong từng nếp sống. “Khi hai đứa cầm tay/Đất Nước trong chúng
mình hài hòa nồng thắm” là sự tiếp nối của ý thơ “Đất Nước là nơi ta hò hẹn”, thì đến đây
trên cơ sở tình yêu lứa đôi mỗi con người phải có trách nhiệm xây dựng một tổ ấm để góp
phần xây dựng một “Đất Nước hài hòa nồng thắm”. Không chỉ dừng lại ở đó, trách nhiệm
của mỗi con người còn là “cầm tay mọi người”, phải nối vòng tay lớn, xây dựng khối đại
đoàn kết cộng đồng vững mạnh để tạo nên một “đất nước vẹn trong to lớn” để sánh vai với
các cường quốc năm châu. Không chỉ vậy hình ảnh thơ “cầm tay mọi người” còn gợi nhắc về
nguồn gốc tổ tiên, nhắc nhở chúng đều cùng một mẹ sinh ra, thế nên phải biết yêu thương
đùm bọc lẫn nhau.

VIỆT BẮC
Nếu nói Phan Bội Châu là người đã mở đường cho nền thơ ca trữ tình chính trị thì có lẽ mấy
mươi năm sau Tố Hữu chính là người đã mang đạt đến đỉnh cao, trở thành một hiện tượng có
giá trị lâu dài trong nền văn chương hiện đại Việt Nam nói chung và nền thơ ca cách mạng
nói riêng. Ngay từ khi còn trẻ Tố Hữu đã thể hiện mình là một nhà thơ, một người chiến sĩ
cách mạng tận tâm, tận lực cả trong sáng tác và chiến đấu. Sự giác ngộ lý tưởng cách mạng
từ khi mới 18 tuổi và trở thành một trong những Đảng viên trẻ tuổi nhất lúc bấy giờ đã trở
thành bước đệm cho sự nghiệp sáng tác nhiều vẻ vang của nhà thơ. Mà đường thơ của Tố
Hữu thì luôn gắn liền với các sự kiện quan trọng trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc,
phục vị và đóng góp nhiều cho kháng chiến, có thể xem như là những tư liệu lịch sử được
viết bằng văn chương, kết tinh của hai tính trữ tình và tính chính trị xuyên suốt. Thật không
quá khi nói Tố Hữu là một nhà thơ lý tưởng trong nền văn học Việt Nam hiện đại, với phong
cách sáng tác ổn định, dồi dào, luôn hướng đến cái ta chung, hướng đến những tình yêu lớn,
bộc lộ lòng trung thành Ssvới cách mạng, sự ca ngợi Đảng và đất nước. Nếu như Từ ấy
khiến tên tuổi Tố Hữu bất chợt vụt sáng trên thi đàn Việt Nam, thì Việt Bắc chính là chiến
công vang dội nhất của nhà thơ trong sự nghiệp sáng tác, thể hiện rõ ràng sự trưởng thành và
hoàn chỉnh trong tư tưởng, phong cách cũng như bút lực của nhà thơ.
Việt Bắc đã ra đời trong một hoàn cảnh lịch sử rất đặc biệt, tháng 7/1954 chiến dịch Điện
Biên Phủ trên không nổ ra và giành thắng lợi tuyệt đối, hiệp định Giơ-ne-vơ về Đông Dương
được ký kết, pháp rút quân về nước, miền Bắc lập lại hòa bình, chuẩn bị bước sang giai đoạn
xây dựng và khôi phục đất nước sau chiến tranh. Đến tháng 10/1954, nhận thấy tình hình đất
nước có nhiều chuyển biến tích cực, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra chỉ thị
dời toàn bộ cơ quan đầu não của đất nước từ Việt Bắc về lại thủ đô Hà Nội để phục vụ cho
các giai đoạn chính trị tiếp theo của đất nước. Như vậy sau gần 15 năm trời gắn bó, sống và
chiến đấu cùng nhau như những người thân ruột thịt, nếm trải nhiều cay đắng ngọt bùi, thì
đến hôm nay những chiến sĩ cách mạng phải chia tay vùng đất và những con người thấm
đẫm ân tình thủy chung để trở về miền xuôi chờ nhiệm vụ mới. Nhân sự kiện lịch sử có tính
thời sự ấy, Tố Hữu đã sáng tác bài thơ Việt Bắc để bộc lộ những tình cảm, những ân tình của
người ra đi đối với người ở lại, đồng thời cũng là một bản tổng kết kháng chiến có tính chất
chính trị, điểm lại những mốc sự kiện lịch sử quan trọng trong suốt 10 năm trời kháng chiến
chống Pháp tại núi rừng Việt Bắc. Có thể nói rằng ở phương diện tổng kết quá trình kháng
chiến này, Việt Bắc và Bình Ngô đại cáo cũng có những nét tương đồng nhất định, dù rằng
bản chất của hai tác phẩm là hoàn toàn khác nhau.

Trước hết khung cảnh chia tay đã được mở ra với những vần thơ rất mực ân tình, lưu luyến,
tái hiện lại khung cảnh chia ly của người ra đi và người ở lại, những con người đã từng có
một khoảng thời gian dài sống và chiến đấu bên nhau, rất mực gắn bó, thân thuộc, mang
trong mình những tình cảm sâu nặng, ấn tượng khó quên.
“ Mình về mình có nhớ ta?
Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng.
Mình về mình có nhớ không?
Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn.
- Tiếng ai tha thiết bên cồn
Bâng khuâng trong dạ, bồn chồn bước đi
Áo chàm đưa buổi phân ly
Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay...”
Người ở lại là người lên tiếng trước, giọng thơ bùi ngùi, xúc động, không chỉ bộc lộ cảm xúc
níu kéo sự tiếc nuối khi phải chia xa người chiến sĩ cách mạng sau một thời gian dài gắn bó
mà còn là sự khéo léo nhắc lại, gợi mở ra cả một vùng trời kỷ niệm “Mười lăm năm ấy thiết
tha mặn nồng”. Bên cạnh đó cũng thể hiện tình cảm lưu luyến, buồn bã nhân buổi phân ly
không chỉ là đối với người ở lại mà còn là của cả người ra đi về miền xuôi, nỗi xúc động
khiến đôi bên đều “Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay”. Mạch cảm xúc, hay lối nói đối đáp
“ta-mình”, cách xưng hô tựa như buổi chia tay của những người yêu nhau mà Tố Hữu sử
dụng, đã mang đến những rung cảm mới lạ, đậm âm hưởng vùng miền Tây Bắc, rất thiết tha,
ân tình, sự gắn bó sâu sắc, bền chặt giữa đôi bên. Dễ dàng đưa người đọc hòa vào một bầu
trời ký ức mà cả hai nhân vật trữ tình “ta” và “mình” luân phiên nhau đối đáp, gợi lại một
cách dịu dàng, đằm thắm, như những lời tâm tình, thủ thỉ đầy bịn rịn của đôi lứa yêu nhau.
“- Mình đi, có nhớ những ngày
Mưa nguồn suối lũ, những mây cùng mù?
Mình về, có nhớ chiến khu
Miếng cơm chấm muối, mối thù nặng vai?
Mình về, rừng núi nhớ ai
Trám bùi để rụng, măng mai để già
Mình đi, có nhớ những nhà
Hắt hiu lau xám, đậm đà lòng son
Mình về, còn nhớ núi non
Nhớ khi kháng Nhật, thuở còn Việt Minh
Mình đi, mình có nhớ mình
Tân Trào, Hồng Thái, mái đình cây đa?

- Ta với mình, mình với ta


Lòng ta sau trước mặn mà đinh ninh
Mình đi, mình lại nhớ mình
Nguồn bao nhiêu nước nghĩa tình bấy nhiêu...
Nhớ gì như nhớ người yêu
Trăng lên đầu núi, nắng chiều lưng nương
Nhớ từng bản khói cùng sương
Sớm khuya bếp lửa người thương đi về.
Nhớ từng rừng nứa bờ tre
Ngòi Thia sông Ðáy, suối Lê vơi đầy
Ta đi, ta nhớ những ngày
Mình đây ta đó, đắng cay ngọt bùi...
Thương nhau, chia củ sắn lùi
Bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng
Nhớ người mẹ nắng cháy lưng
Ðịu con lên rẫy bẻ từng bắp ngô
Nhớ sao lớp học i tờ
Ðồng khuya đuốc sáng những giờ liên hoan
Nhớ sao ngày tháng cơ quan
Gian nan đời vẫn ca vang núi đèo.
Nhớ sao tiếng mõ rừng chiều
Chày đêm nện cối đều đều suối xa...
Người ở lại đã nhắc nhở người ra đi về những ký ức sâu nặng trong suốt một chặng đường
chiến đấu dài lâu của dân tộc. Đó là sự gian khổ trong sinh hoạt khi cách mạng phải đối mặt
với chốn rừng sâu nước độc, nhiều thiếu thốn, hoàn cảnh chiến đấu khó khăn “Mưa nguồn
suối lũ, những mây cùng mù”, sự thiếu thốn cái ăn, cái mặc trong những năm đầu với
“Miếng cơm chấm muối, mối thù nặng vai”. Thế nhưng sự vất vả, khó khăn chồng chất ấy
cũng không thể nào đánh gục được ý chí của những người làm cách mạng, bởi Việt Bắc đã
cho ta những “trám bùi”, “măng mai” dồi dào, những con người Việt Bắc “đậm đà lòng son”
và cả núi rừng thủy chung gắn bó, từ thuở còn kháng Nhật, còn là Việt Minh với những sự
kiện, những trận chiến gắn liền với các địa danh nổi tiếng như “Tân Trào, Hồng Thái, mái
đình cây đa”. Đối đáp lại với những lời gợi nhắc kỷ niệm, thấm đẫm tình cảm, sự gắn bó tha
thiết, sâu nặng, người ra đi đã một lòng khẳng định tình cảm của mình dành cho Việt Bắc và
cả con người Việt Bắc, những người mà sắp tới đây sẽ phải chia xa, ngày gặp lại chưa biết là
khi nào. Rằng “Lòng ta sau trước mặn mà đinh ninh/Mình đi, mình lại nhớ mình/Nguồn bao
nhiêu nước nghĩa tình bấy nhiêu.../Nhớ gì như nhớ người yêu”. Đó là thứ tình cảm dạt dào
“đinh ninh” trong dạ trước sau một lòng, đi rồi hãy vẫn còn mãi nhớ, nghĩa tình sâu nặng tựa
như nước chảy trong nguồn, gắn bó, tha thiết, nhớ thương như tình cảm của những người yêu
nhau. Đồng thời nhân vật “ta” cũng bộc lộ nỗi nhớ, những kỷ niệm khắc ghi trong lòng về
thiên nhiên Việt Bắc với cảnh “trăng lên”, “nắng chiều”, “bản khói cùng sương”, “rừng nứa
bờ tre”, “ngòi Thia, sông Đáy, suối Lê”, nhớ cả những ngày sóng vai, cùng nhau chia sẻ
“ngọt bùi đắng cay”. Mà mai đây khi về miền xuôi, xa rời Việt Bắc, người ra đi vẫn sẽ giữ
nguyên những kỷ niệm đáng nhớ, những xúc động khó quên về một vùng đất lắm ân tình,
những con người chân chất, thật thà, đùm bọc cách mạng bằng cả tấm lòng son sắt “Thương
nhau, chia củ sắn lùi/Bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng”. Nỗi nhớ ấy không chỉ bộc lộ trong
ký ức về những cảnh điểm của Việt Bắc, mà còn là ký ức về những ngày tháng cùng hoạt
động, cùng sinh hoạt với những con người nơi đây, vượt qua tất cả mọi gian khó, sao có thể
quên những “lớp học i tờ”, những người mẹ địu con lên núi bẻ ngô nuôi cách mạng, những
giờ liên hoan vui vẻ, những ngày tháng sinh hoạt cơ quan nhiều khó khăn, những tiếng chày,
tiếng mõ vang vọng núi rừng,… Tất cả đã khắc sâu vào trí nhớ của người ra đi bằng những
tình cảm quý giá và trân trọng nhất.
Hơn thế nữa với cả con người và thiên nhiên Việt Bắc nhân vật trữ tình “ta” tức là người ra
đi còn có những cảm nhận, những ấn tượng sâu sắc về vẻ đẹp thực hài hòa và gắn bó trong
bức tranh tứ bình:
“Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi
Ðèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng.
Ngày xuân mơ nở trắng rừng
Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang
Ve kêu rừng phách đổ vàng
Nhớ cô em gái hái măng một mình
Rừng thu trăng rọi hòa bình
Nhớ ai tiếng hát ân tình thuỷ chung”
Mùa đông hiện lên với vẻ đẹp của “rừng xanh” thăm thẳm, gợi ra hiện thực lạnh lẽo, khắc
nghiệt của núi rừng Tây Bắc, tuy nhiên với sự xuất hiện thật tinh tế rực rỡ của bông “hoa
chuối đỏ tươi”, gam màu nóng đã phần nào làm dịu đi cái giá rét, độc hại, mang đến sự lãng
mạn, trữ tình nhưng không hoàn toàn tránh né hiện thực chiến đấu gian khổ ở nơi đây. Hình
ảnh con người nổi bật khỏe khoắn với cảnh “dao gài thắt lưng”, thể hiện tư thế hiên ngang,
xông pha núi rừng, dưới cái ấm áp của ánh nắng mùa đông, nhiệt huyết của con người trong
công cuộc trèo đèo lội suối, lao động sản xuất phục vụ kháng chiến. Đông qua, xuân tới với
cảnh tượng “mơ nở trắng rừng”, một điểm nhấn đặc biệt của vùng núi Tây Bắc, sắc trắng
thanh nhã, dịu dàng càng làm tôn lên cái sự dẻo dai, khéo léo của con người nơi đây với
công cuộc lao động tỉ mỉ “chuốt từng sợi giang”. Bức tranh mùa hè được gợi ra không chỉ
nằm ở phần nhìn, mà còn mở rộng với cả âm thanh, đó là tiếng ve kêu rộn rã với cảnh “rừng
phách đổ vàng”, gợi cho người đọc những cảm giác sôi động, tràn đầy sức sống, mà con
người giữa khung cảnh ấy thì vẫn miệt mài lao động, hình ảnh cô em gái giản dị, ngồi hái
măng một mình, khiến người ta không khỏi thêm yêu, thêm nhớ và xúc động. Kết thúc bức
tranh tứ bình là cảnh tượng mùa thu được gợi ra với “trăng rọi hòa bình”, vốn là một hình
ảnh có nhiều ý nghĩa. Xưa nay trăng luôn tượng trưng cho những gì tươi đẹp, dịu dàng, thanh
mát, cũng tượng trưng cho sự đoàn tụ, viên mãn, đồng thời nói đến mùa thu người ta vẫn
thường nhắc đến rằm tháng tám trăng tròn vành vạnh. Mà trong câu thơ này “trăng rọi hòa
bình” cũng chính là ẩn dụ cuộc kháng chiến kết thúc thắng lợi vẻ vang của dân tộc, ánh trăng
là tượng trưng cho vẻ đẹp bình yên, tươi sáng. Đồng thời cũng là lúc người chiến sĩ cách
mạng chuẩn bị hành trang về thủ đô Hà Nội, nên hình ảnh con người Việt Bắc đã hiện lên
thật sâu sắc trong “tiếng hát ân tình thủy chung” sau bao nhiêu năm tháng gắn bó. Có thể nói
rằng bức tranh tứ bình về Việt Bắc là một trong những điểm nhấn quan trọng và đặc sắc nhất
của toàn bộ tác phẩm, bộc lộ không chỉ vẻ đẹp con người và thiên nhiên nơi đây mà còn là cả
một ẩn dụ cho quá trình kháng chiến bắt đầu vào mùa đông và kết thúc thắng lợi vào mùa
thu, thể hiện tài năng quan sát tinh tế, sự khéo léo, chất trữ tình chính trị và cả tình cảm gắn
bó sâu nặng của Tố Hữu với vùng đất lắm ân tình thủy chung này.
Nỗi nhớ, tình cảm gắn bó, quyến luyến của người ra đi không chỉ nằm trong những ký ức về
cảnh sống, cảnh sinh hoạt mà còn bộc lộ thông qua quãng đường chiến đấu và hy sinh của
cách mạng. Tuy Tố Hữu không hề đi sâu vào miêu tả rõ ràng các trận đánh lịch sử mà chỉ
điểm lại đồng thời bộc lộ những cảm xúc bùi ngùi, tha thiết thế nhưng cũng đã đủ để gợi
nhắc về một thời chiến đấu oanh liệt của cách mạng ta giữa núi rừng Tây Bắc.
“Nhớ khi giặc đến giặc lùng
Rừng cây núi đá ta cùng đánh Tây
Núi giăng thành lũy sắt dày
Rừng che bộ đội rừng vây quân thù
Mênh mông bốn mặt sương mù
Ðất trời ta cả chiến khu một lòng.
Ai về ai có nhớ không?
Ta về ta nhớ Phủ Thông, đèo Giàng
Nhớ sông Lô, nhớ phố Ràng
Nhớ từ Cao-Lạng nhớ sang Nhị Hà...
Những đường Việt Bắc của ta
Ðêm đêm rầm rập như là đất rung
Quân đi điệp điệp trùng trùng
Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan
Dân công đỏ đuốc từng đoàn
Bước chân nát đá, muôn tàn lửa bay.
Nghìn đêm thăm thẳm sương dày
Ðèn pha bật sáng như ngày mai lên.
Tin vui chiến thắng trăm miền
Hoà Bình, Tây Bắc, Ðiện Biên vui về”
Vui từ Ðồng Tháp, An Khê
Vui lên Việt Bắc, đèo De, núi Hồng”
Từ những ngày chiến đấu đầy gian khổ “giặc đến giặc lùng”, nhưng nhờ có sự đoàn kết quân
dân một lòng, ý chí chiến đấu mạnh mẽ, kiên cường, mà rừng núi trước đây vốn hiểm trở,
mang lại nhiều khó khăn cho cách mạng, ngày nay đã trở thành người bạn chiến đấu, trở
thành “lũy sắt dày”, che chở cho bộ đội lại vây khốn quân thù, trợ lực cho quân đội ta trong
suốt cuộc kháng chiến trường kỳ. Rồi sau những ngày còn bỡ ngỡ, non yếu lực lượng ta ngày
một mạnh mẽ, kiêu hùng, anh dũng trong chiến đấu vang vọng cả một miền rừng Việt Bắc,
ngày một tiến dần đến chiến thắng sau cùng.
“Ai về ai có nhớ không?
Ngọn cờ đỏ thắm gió lồng cửa hang.
Nắng trưa rực rỡ sao vàng
Trung ương, Chính phủ luận bàn việc công
Ðiều quân chiến dịch thu đông
Nông thôn phát động, giao thông mở đường
Giữ đê, phòng hạn, thu lương
Gửi dao miền ngược, thêm trường các khu...
Ở đâu u ám quân thù
Nhìn lên Việt Bắc: Cụ Hồ sáng soi
Ở đâu đau đớn giống nòi
Trông về Việt Bắc mà nuôi chí bền.
Mười lăm năm ấy ai quên
Quê hương cách mạng dựng nên Cộng hoà
Mình về mình lại nhớ ta
Mái đình Hồng Thái cây đa Tân Trào”
Phần cuối của đoạn trích, tuy chưa phải là kết thúc của tác phẩm, nhưng lại có ý nghĩa đánh
dấu sự thắng lợi vẻ vang của cuộc kháng chiến chống Pháp suốt từ những năm 1940 cho đến
năm 1954. Mở ra một kỷ nguyên mới cho đất nước, dù vẫn bị chia cắt hai miền nhưng lại là
động lực lớn cho công cuộc thống nhất đất nước, miền Bắc đi vào xây dựng kiến thiết đất
nước, tiến lên chủ nghĩa xã hội. Khẳng định niềm tin vào Đảng và Bác Hồ, vào sự đúng đắn
của cách mạng, cũng như niềm hy vọng vào một tương lai tươi sáng của dân tộc.
Việt Bắc là một tác phẩm xuất sắc, đỉnh cao trong các sáng tác của Tố Hữu cũng như trong
nền văn học Việt Nam thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Bài thơ sử dụng kết cấu đối đáp
quen thuộc trong ca dao, dân ca xưa, lối xưng hô “ta-mình” thân thiết gắn bó, lời thơ tình
cảm, thấm đẫm ân tình, vận dụng tinh tế thể thơ lục bát truyền thống của dân tộc. Bộc lộ
được sự lưu luyến, bịn rịn phút chia ly, tình cảm quân dân gắn bó sâu nặng trong cuộc kháng
chiến chống thực dân Pháp trường kỳ nhiều gian khổ, khó khăn. Đồng thời thi phẩm cũng có
ý nghĩa đúc kết một giai đoạn lịch sử hết sức gian lao, nhiều vẻ vang, lắm hào hùng của dân
tộc, thể hiện tấm lòng ân nghĩa thủy chung của cách mạng với chiến khu Việt bắc, lòng tự
hào, niềm tin , niềm hy vọng vào tương lai tươi sáng của đất nước.

You might also like