You are on page 1of 6

Nhà văn Nam Cao đã từng có câu nói rất hay rằng: “Văn chương không cần những

người thợ khéo tay làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho. Văn chương chỉ dung nạp
những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo
những cái gì chưa có”. Nguyễn Tuân chính là một người nhà văn như thế, biết tìm
tòi, biết đào sâu và xây dựng cho mình một phong cách sáng tác độc đáo. Tập “Tùy
bút Sông Đà” với linh hồn của nó - “Người lái đò sông Đà” là minh chứng tiêu
biểu cho văn phong độc đáo của Nguyễn Tuân. Với nhà văn, con người chính là tác
phẩm nghệ thuật tuyệt vời nhất mà tạo hóa đã ban tặng. Cái đẹp ấy đã được ông
phát hiện ra trong “thứ vàng mười đã qua thử lửa” ở miền Tây Bắc, ở những con
người đang gắn bó với công cuộc xây dựng quê hương, đất nước. Tiêu biểu là
người lái đò sông Đà vừa trí dũng, vừa tài hoa hiện lên trên nền thiên nhiên hùng vĩ
qua đoạn trích: “Sóng nước như thể quân liều mạng… thế là hết thác”, từ đó cho ta
thấy phong cách nghệ thuật độc đáo của Nguyễn Tuân. 
Nguyễn Đình Thi từng nói: “Nguyễn Tuân là nhà văn suốt đời đi tìm cái
Thật và cái Đẹp”. Xuyên suốt chặng đường văn chương, Nguyễn Tuân đi cùng chủ
nghĩa xê dịch, cùng cái “ngông” độc nhất, cùng sự uyên bác bậc nhất mà truy tìm
chữ nghĩa với hướng đến là “cái Thật, cái Đẹp” trong mọi ngóc ngách. Trước cách
mạng tháng 8, Nguyễn Tuân đi tìm cái đẹp của thời xưa còn vương sót lại và ông
gọi là “vang bóng một thời”. Ông có phần bi quan đối với hiện tại và tương lai bởi
xã hội nhiễu nhương lúc bấy giờ, Sau CMT8, cái “ngông” trong hồn văn Nguyễn
Tuân không bị mất đi nhưng giọng văn đã đậm tinh thần dân tộc và lòng yêu nước
được phát huy mạnh mẽ. ông khám phá ra những vẻ đẹp trong tâm hồn người lao
động mà ông gọi đó là "chất vàng mười đã qua thử lửa" . “Tác phẩm văn học lớn
hấp dẫn người ta bởi cách nhìn nhận mới, tình cảm mới về những điều, những việc
mà ai cũng biết cả rồi” (Nguyễn Đình Thi). Nắm bắt được điều đó, trong chuyến
chu du thăm miền Tây Bắc hùng vĩ dài gần hai năm, nhà văn đã say một cái say
dành cho nhân dân, dành cho người lao động, dành cho thiên nhiên non cao và
dành cho đất nước thời kì tiến lên Chủ nghĩa xã hội, kết tinh trong thiên tùy bút
“Người lái đò sông Đà” (1960). Theo như Trần Đình Sử “Nếu  Xuân Diệu xem
tình yêu là tôn giáo, thì Nguyễn Tuân xem cái đẹp như tôn giáo của mình” và với
Nguyễn Đình Thi thì người nghệ sĩ họ Nguyễn “Là một người yêu thiên nhiên,
đam mê “xê dịch”, “suốt đời đi tìm cái đẹp” có lẽ chính phong cách tự do phóng
túng và ý thức sâu sắc về cái tôi cá nhân ấy đã khiến ông đã khám phá ra “thứ vàng
mười đã qua thử lửa” hiện hữu trong vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ và tâm hồn những
con người lao động chân chất bình dị nơi đây. Và trước vẻ đẹp trí dũng, tài hoa của
người lái đò sông Đà hiện lên trên nền thiên nhiên hùng vĩ, cảm xúc nghệ sĩ dâng
trào đã giúp Nguyễn Tuân dệt nên “tờ hoa” trác tuyệt mà tiêu biểu là tình huống
trên. 
“Không có gì nghệ thuật hơn bản thân lòng yêu quý con người” (Van Gogh).
Có lẽ, đọng lại niềm nhớ thương trong mỗi nghệ sĩ sáng tác, mỗi nhà văn, nhà thơ
không chỉ là ngoại cảnh, mà còn là tâm cảnh. Trong tùy bút “Người lái đò sông
Đà”, tiếng mời gọi sông Đà hiện lên không chỉ có thiên nhiên, mây trời Tây Bắc
mà còn có bóng dáng những người dân lao động đang ngày đêm miệt mài với công
việc xuôi ngược trên dòng sông. Ông lái đò là nhân vật trung tâm, là linh hồn của
tùy bút. Ông là nhân vật tuyệt đẹp, đầy tài ba trong thế giới nhân vật đại tài của
Nguyễn Tuân. Ta từng bắt gặp một Huấn Cao có tài viết chữ đẹp và ở đây, ta thấy
ông đò Lai Châu cũng là một người nghệ sĩ như vậy. Tuy tuổi đã cao nhưng ông đò
vẫn minh mẫn, tinh anh và tràn đầy bản lĩnh. Những “củ nâu” còn lại trên cơ thể
chính là những “huân chương lao động siêu hạng” cho bản lĩnh hơn người ấy và đó
cũng là vẻ đẹp, chiến tích lao động cần mẫn, miệt mài khiến cho độc giả không
khỏi thầm ngưỡng mộ trước một bậc kỳ nhân kỳ tài. Ông làm chủ dòng sông Đà,
làm chủ thiên nhiên, làm chủ cuộc đời. Ông chính là người nghệ sĩ sông nước mà
Nguyễn Tuân đã tìm thấy ở miền Tây Bắc. 
Ngay từ đầu thiên tùy bút, Nguyễn Tuân đã nhấn mạnh về sự hung hiểm của
thủy quái Đà giang: “Cuộc sống của người lái đò sông Đà quả là một cuộc chiến
đấu hàng ngày với thiên nhiên, một thứ thiên nhiên Tây Bắc có nhiều lúc trông nó
thành ra diện mạo và tâm địa của một thứ kẻ thù số một”. Chính vì vậy, trận giao
tranh giữa ông đò và loài thủy quái ấy đã được ngầm định sẽ đi liền với sự nảy lửa,
gắt gao. Dưới ống kính chân thực của nhà văn, thạch trận sông Đà hiện lên đầy dữ
dội cả về trận địa lẫn thanh âm, hung hiểm như muốn “nuốt tươi” con thuyền ngay
sau khi nó độc hành bị “lính” đá dẫn dụ vào trận địa. Đối mặt với sự hiểm ác và
mưu mô của sông Đà hung bạo là lòng dũng cảm, sẵn sàng nghênh chiến của người
lái đò qua ba trùng vi thạch trận. 
Ở trùng vi thứ nhất, ngay khi chiếc thuyền của ông lái đò vụt tới, trận giao
tranh lập tức bắt đầu trong nước, gió và đá reo hò, đan xen vào nhau những âm
thanh chói tai. Sóng nước lập tức “như thể quân liều mạng vào sát nách mà đá trái
mà thúc gối vào bụng và hông thuyền”. Thậm chí có lúc, chúng dồn dập tấn công
“đội cả thuyền lên” còn dòng nước thì cứ bám ráo riết lấy con thuyền “tựa như đô
vật”. Chúng “túm thắt lưng ông đò đòi lật ngửa mình ra giữa trận nước vang trời
thanh la não bạt”. Có thể thấy, Nguyễn Tuân đã liên tiếp tung ra những động từ
mạnh, từ đó làm nổi bật lên sự hung bạo, dữ dội trong từng miếng đánh mà loài
thủy quái dành cho ông đò Lai Châu. Đến nỗi, cái luồng nước “vô sở bất chí” ấy
còn bật lên cả “miếng đòn hiểm độc nhất” là “bóp chặt lấy hạ bộ người lái đò” để
nhanh chóng triệt hạ con thuyền cùng kẻ đã dám xâm phạm lãnh địa Đà giang ở
khúc thượng nguồn này. Sự đau đớn của ông đò được miêu tả gián tiếp trong cảm
nhận về thị giác và xúc giác: “trong tích tắc lòa sáng lên như một cửa bể đom đóm
rừng ùa xuống mà châm lửa vào đầu sóng”. Những đòn hiểm của thủy quái sông
Đà đã khiến gương mặt ông đò “méo bệch đi” vì đau đớn. Nếu như người cầm lái
con thuyền vượt thác ấy không phải là một nhà đò bản lĩnh, giàu kinh nghiệm thì
có lẽ, nhà đó ấy đã bị loài thủy quái sông Đà hù đến khiếp sợ. Nhưng với ông đò
Lai Châu thì không, dẫu cho vết thương đau đớn biểu hiện ngay trên khuôn mặt và
khắp thân thể, ông vẫn “kẹp chặt lấy cuống lái” mà vững tay chống lại “đòn tỉa,
đòn âm” của Đà giang hung hiểm. Bằng kinh nghiệm không dưới mười năm xuôi
ngược sông Đà và đôi tay “lái ra hoa” của một trí tuệ minh mẫn, ngoan cường, ông
đò đã chỉ huy con thuyền xuất sắc vượt qua ải thứ nhất. 
Đến trùng vi thứ hai, ông đò bộc lộ bản lĩnh đặc biệt của một người chinh
phục sông nước, đó là sự bình tĩnh và mưu trí trong xử lí bất kì tình huống nào.
Ngay khi vượt cửa ải đầu tiên, ông đò không vội vui mừng trước chiến công bởi
hơn ai hết, ông hiểu rằng loài thủy quái ấy vẫn chưa từ bỏ dã tâm triệt hạ con
thuyền. Ông ngay lập tức “đổi luôn chiến thuật” và tập trung tinh thần, “không một
phút nghỉ tay nghỉ mắt”. Mười năm xuôi ngược Đà giang không quá dài nhưng đủ
để ông nắm bắt và hiểu rõ dòng sông Tây Bắc đến từng chi tiết nhỏ nhất cũng như
làm thế nào để con người có thể chế ngự được sức mạnh dữ dội của thiên nhiên.
Ông lái đò ghi nhớ chuẩn xác vị trí từng dòng nước, từng cửa sinh, cửa tử: “Ông lái
đã nắm chắc binh pháp của thần sông thần đá. Ông đã thuộc quy luật phục kích của
lũ đá nơi ải nước hiểm trở này”. Từng chi tiết dù là nhỏ nhất cũng đều được ông
“nhớ như đóng đanh vào tất cả luồng nước của tất cả những con thác hiểm trở”,
thậm chí nếu như ví sông Đà “như một thiên anh hùng ca” thì bản anh hùng ca ấy
ông đò đã “thuộc đến cả những cái dấu chấm than, chấm câu và tất cả những đoạn
xuống dòng”. Hình ảnh nhân hóa “thần sông, thần đá” được đưa vào trang văn
song hành với hình ảnh con người lao động đã thể hiện rõ nét tấm lòng trân trọng
của nhà văn dành cho ông đò Lai Châu. Sông Đà hiện lên như một thủy quái hung
tợn với những “quy luật phục kích” có sắp xếp, có dàn bày sẵn để thử thách con
người. Cách sử dụng các động từ mạnh “nắm chắc”, “thuộc” càng khẳng định được
sự từng trải và kinh nghiệm sông nước của người lái đò. Như đã được dự đoán
trước, thần sông sau khi để con thuyền vượt qua trùng vi thứ nhất liền giận dữ tăng
thêm cửa tử nhằm đánh lừa ông, cửa sinh duy nhất lúc này nằm ở bờ hữu ngạn thay
vì phía tả ngạn như trước. Lần này, thần sông thần đá tăng thêm dữ dội với “dòng
thác hùm beo đang hồng hộc tế mạnh trên sông đá” như thể từng hơi thở, từng
luồng khí nóng bức đang bủa vây mà ngấu nghiến lấy con thuyền cùng ông đò.
Không nao núng hay e sợ trước khí thế thị uy của Đà giang, người lái đò như một
dũng tướng tài ba “ghì cương lái, bám chắc lấy luồn nước đúng mà phóng nhanh
vào cửa sinh, mà lái miết một đường chéo về phía cửa đá ấy”. Câu văn với nhịp
điệu dồn dập tạo nên khí thế và sự linh hoạt của vị thuyền trưởng dũng mãnh đang
điều khiển và thuần phục thủy quái sông Đà. Khi bị bọn thủy quân tấn công, lô
thuyền vào cửa tử, ông bình tĩnh xử lí một cách uyển chuyển và điêu luyện: “đứa
thì ông tránh mà rảo bơi chèo lên, đứa thì ông đè sấn lên mà chặt đôi ra để mở
đường tiến”. Trong tích tắc, “những luồng tử đã bỏ lại hết sau thuyền, chỉ còn vẳng
rao tiếng hò của sóng thác luồng sinh”. Bởi sự ứng biến linh hoạt và mưu trí của
ông đò, đám tướng đá lúc này dẫu không ngừng “khiêu khích” nhưng vẫn không
thể nào giấu đi được bộ mặt “tiu nghỉu xanh lè thất vọng” trước thất bại đã hiện rõ
mười mươi. 
Ở trùng vi thứ ba, cũng là trùng vi cuối của thạch trận, Đà giang thể hiện rõ
nhất ác tâm triệt hạ con thuyền của ông đò với những luồng chết bủa vây xung
quanh. Cửa sinh duy nhất lúc này đây lại “ở ngay giữa bọn đá hậu vệ của con thác”
được canh giữ, bảo vệ nghiêm ngặt ngăn không cho ông đò tiếp cận phút giây nào.
Thế nhưng, với kinh nghiệm hơn sáu mươi lần vượt thác, ông đò đã nằm lòng
những binh pháp của thần sông thần đá. Trước những mũi tấn công ào ạt của sóng
dữ hay hàng phòng ngự vững chắc của bọn đá hậu vệ, ông đò “phóng thẳng
thuyền, chọc thủng cửa giữa đó” khi cánh cổng đá mở, “như một mũi tên tre xuyên
nhanh qua hơi nước”. Các danh từ và động từ “vút, vút, cửa ngoài, cửa trong, lại
cửa trong cùng” vang lên trong không gian mạnh mẽ và đầy quyết liệt, “xuyên”
vào tâm trí người đọc khiến cho phép so sánh của Nguyễn Tuân trở nên sinh động
và gây ấn tượng mạnh hơn nữa. Câu văn ngắn, gọn ghẽ hiện lên đầy tự hào: “Thế
là hết thác”, đánh dấu sự chiến thắng đầy oai phong, bản lĩnh và mưu trí của ông
đò khi đưa con thuyền bình an vô sự vượt qua ba trùng vi dày đặc mai phục. Dẫu
cho thủy quái Đà giang có công kích dồn dập, mạnh mẽ tới đâu, ông đò vẫn không
hề nao núng. Ngược lại, ông đò vững chắc tay lái mà cưỡi lên sóng nước. Ông ung
dung, tự tại, điềm nhiên, an tĩnh và thấu suốt hơn người. Bởi sông Đà “động” bao
nhiêu thì con người càng phải “tĩnh” bấy nhiêu. Lấy tĩnh chế động, lấy dẻo mềm
khắc chế cuồng bạo, ông đò Lai Châu thực sự là một vị tướng dũng mãnh, một
người nghệ sĩ cầm trong tay đôi mái chèo với một khối óc thông tuệ, một bản lĩnh
tài nghệ hơn người. Quả thật, người nghệ sĩ trên dòng Đà giang này đã trở thành
một nguồn cảm hứng bất tận đối với ngòi bút tài hoa của Nguyễn Tuân. Điều này
chỉ có thể có ở một Nguyễn Tuân sau cách mạng tháng Tám vì lúc này, ông đã
được ánh sáng của Đảng soi rọi. Nếu như trước Cách mạng, ông chỉ viết về những
con người đặc tuyển, kì vĩ, lớn lao của một thời vang bóng như Huấn Cao trong
“Chữ người tử tù” thì ở đây, sau Cách mạng, ông tìm thấy chủ nghĩa anh hùng
ngay trong người bình thường thời hiện đại, mang tính phổ biến. Đó là những
người anh hùng trong đời thường, những con người bình dị mà rất đỗi tài hoa, đặc
biệt là ông đò Lai Châu.
Nói đến phong cách nghệ thuật là nói đến diện mạo thẩm mĩ độc đáo, một
phạm trù thẩm mĩ riêng biệt của nhà văn trong cách sáng tác, được tạo thành bởi sự
thống nhất của các phương tiện biểu hiện, phù hợp với cái nhìn riêng biệt của nhà
văn về đời sống. Đoạn trích trên chính là những câu văn tiêu biểu cho phong cách
nghệ thuật độc đáo của người nghệ sĩ tài hoa Nguyễn Tuân. Trước tiên, ông có cảm
hứng đặc biệt với những gì gây cảm hứng mạnh mà ở đây chính là sông Đà “độc
bắc lưu”, nó hiện lên như một thủy quái bày binh bố trận dàn sẵn để nghênh đón
con người đến với sức mạnh dữ dội của “thần sông, thần đá”. Về góc nhìn sự vật ở
phương diện thẩm mĩ và nhìn người ở phương diện tài hoa, dù khắc hoa hình ảnh
con người hay thiên nhiên, Nguyễn Tuân luôn tìm đến và khai thác những điều đẹp
đẽ”. Sông Đà hiện lên với tất cả vẻ đẹp hung bạo và hiện lên trên phông nền ấy
chính là ông đò Lai Châu - người anh hùng trí dũng, tài hoa ngay giữa đời thường
bình dị. Phong cách ấy của ông còn thể hiện ở những trang viết tài hoa, uyên bác
trong kể và tả. Ở Nguyễn Tuân, kể và tả đều kỹ càng, tỉ mỉ, có ngọn ngành, thông
kim bác cổ. Mỗi liên tưởng, liên hệ trong tư duy, tư tưởng rất rộng, rất sâu. Cho
nên những trang viết của ông đưa lại cho người đọc nhiều kiến thức mà tiêu biểu ở
đây là trên phương diện địa lí, quân sự và văn chương. Đặc biệt là vốn từ vựng
phong phú và nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ bậc thầy của ông. Nói như giáo sư
Nguyễn Đăng Mạnh: “Khi thì trang nghiêm cổ kính, khi thì đùa cợt bông phèng,
khi thì thánh thót trầm bổng, khi thì xô bồ bừa bãi như ném ra trong một cơn say
mà chuếnh choáng kiêu bạc đấy, nhưng bao giờ cũng rất đỗi tài hoa”. Đọc “Người
lái đò sông Đà”, ta nhận thấy văn Nguyễn Tuân là thứ ngôn từ nóng rẫy sự sống.
Nhà nghệ sĩ “độc đáo vô song” ấy đã sáng tạo ra hàng loạt từ ngữ mới cho từ điển
tiếng Việt. Chỉ với vài trang kí mà có biết bao “vân chữ” trong đó. Chính bởi
những yếu tố này, thiên tùy bút “Người lái đò sông Đà” đã góp phần khẳng định
tên tuổi của Nguyễn Tuân, đưa ông trở thành “cây tùy bút số một” của nền văn học
Việt Nam hiện đại.
Với năm mươi năm mải mê đi về phía chân trời của cái đẹp, Nguyễn Tuân
chính là người nghệ sĩ đích thực dành hơn nửa đời người để khám phá, trân trọng,
ngợi ca vẻ đẹp của thiên nhiên và con người. Người đọc đã bắt gặp trong câu văn
Nguyễn Tuân những ví von, so sánh, liên tưởng độc đáo, thú vị; câu văn đa dạng,
nhiều tầng, giàu nhịp điệu; từ ngữ phong phú, giàu hình ảnh, “vân chữ” riêng, sự
vận dụng nhuần nhuyễn kiến thức của nhiều ngành nghề với con mắt khám phá sự
vật ở phương diện văn hóa, thẩm mĩ. Qua ngòi bút tài hoa của Nguyễn Tuân ở
đoạn trích trên, Tây Bắc đã hiện lên độc đáo với thiên nhiên sông Đà hùng vĩ và
hình ảnh ông đò Lai Châu được miêu tả đầy ấn tượng, vừa trí dũng vừa tài hoa. Vẻ
đẹp của ông lái đò tiêu biểu cho vẻ đẹp của người dân lao động miền Tây Bắc. Tác
giả đã nâng hình tượng người lái đò lên một bậc cao mới, khẳng định tài nghệ hơn
người cùng đôi tay “lái ra hoa” của ông. Đó chính là “chất vàng mười đã qua thử
lửa” mà người nghệ sĩ ấy vẫn luôn miệt mài kiếm tìm, ngợi ca và trân trọng. Nói
như Nguyễn Minh Châu: “Nhà văn phải là người đi tìm những hạt ngọc ẩn giấu
trong bề sâu tâm hồn con người”. Và có lẽ, Nguyễn Tuân đã viết bằng tất cả trái
tim mình và dành tất cả sự trân trọng cho ông đò Lai Châu và cho cả những con
người lao động đang hứng khởi hướng về ngày mai tươi sáng của dân tộc.
Năm tháng ấy, có một sông Đà gầm thét, chảy trôi giữa đất trời Tây Bắc vời
vợi chất thơ, và có một sông Đà trong văn Nguyễn Tuân miên man chảy vào lòng
người như thế. Khép lại trang tùy bút “Người lái đò sông Đà” nói chung và đoạn
trích nói riêng, ta như cảm nhận rõ nét hơn phong cách nghệ thuật độc đáo của
người nghệ sĩ tài hoa ấy. Sông Đà càng đẹp, càng sinh động thì ông lái càng anh
dũng và tài hoa. Càng đọc tùy bút “Người lái đò sông Đà”, tôi càng được bồi đắp
thêm một tầng trân trọng những công sức của Nguyễn Tuân khi đã cố gắng góp
một “giọng lạ” vào văn đàn Việt Nam. Để từ đó, sức sống của sông Đà và hình ảnh
con người lao động nơi đây đã bay lên trên trang chữ và làm nên dáng hình của Tổ
quốc hình chữ S đến muôn đời...

You might also like