You are on page 1of 4

HÌNH TƯỢNG ÔNG LÁI ĐÒ qua tương quan với BA TRÙNG VI THẠCH TRẬN (QUAN TRỌNG)

Đề bài: Cảm nhận chân dung ông lái đò qua đoạn trích sau, từ đó nhận xét về cách nhìn con người của
Nguyễn Tuân từ Sau Cách mạng tháng 8.

“Thạch trận dàn bày vừa xong…Thế là hết thác”

Bài làm:

“Thời gian qua kẽ tay

Làm khô những chiếc lá

Riêng những câu thơ còn xanh

Riêng những khúc hát còn xanh”. (Văn Cao).

Nguyễn Tuân từng quan niệm: Nghệ thuật là lĩnh vực của cái độc đáo, những “câu thơ” – tác phẩm nghệ
thuật, nếu đạt đến chuẩn mực của cái hay, cái đẹp sẽ “còn xanh” mãi, sẽ “vượt qua sự băng hoại của
thời gian và chỉ mình nó không thừa nhận cái chết”. Cũng như dù thời gian có trôi thì tác phẩm Người lái
đò Sông Đà của nhà văn Nguyễn Tuân vẫn “còn xanh”, vẫn vẹn nguyên chân giá trị và phát tỏa ánh sáng.
Bởi khi đến với tác phẩm, người đọc sẽ không khỏi rợn ngợp trước sự hung bạo, kì vĩ của thác đá Sông
Đà, nổi bật trên nền thiên nhiên ấy, chính là hình ảnh con người – ông lái đò, được tái hiện rõ nét qua
đoạn trích: “Thạch trận dàn bày vừa xong…Thế là hết thác”, từ đó chúng ta khám phá ra cách nhìn con
người độc đáo của Nguyễn Tuân sau Cách mạng tháng Tám.

“Nhà văn không có phép thần thông để vượt ra khỏi thế giới này, nhưng thế giới này trong mắt nhà văn
phải có hình sắc riêng” (Hoài Thanh). Nhận định ấy quả thật đúng khi ta soi chiếu vào quá trình sáng tác
của ‘bậc thầy chữ nghĩa” – Nguyễn Tuân. Mang trong mình sự tài hoa uyên bác hiếm có cùng cái tôi gắn
liền với chữ “ngông” và khát khao chủ nghĩa xê dịch, ông chưa bao giờ lặp lại người khác cũng như lặp lại
chính mình trong mỗi tác phẩm ông kí mã. Hữu hình trong cõi nhân sinh này, có lẽ, chỉ có những yếu tố,
sinh thể mang đủ “Kỳ (kỳ lạ)- Tuyệt (tuyệt đối) – Cùng (cùng tận)” ( ý của La Khắc Hòa) thì mới đủ sức thu
hút nhãn quan của bậc thầy độc thân trên độc đạo chữ nghĩa. Và con sông Đà, với “Đà giang độc bắc
lưu” cùng người dân Tây Bắc, đã may mắn lọt vào tầm ngắm của nhà văn Nguyễn Tuân, để rồi ông chắp
bút và viết nên tác phẩm Người lái đò Sông Đà – trích từ tập tùy bút “Sông Đà”. Đúng như những gì nhà
thơ Chế Lan Viên từng thổ lộ: “Tây Bắc ư? Có riêng gì Tây Bắc/ Khi lòng ta đã hóa những con tàu”. Hiện
thực là mảnh đất dồi dào nhựa sống cho văn chương bén rễ và trổ sinh hoa trái, mảnh đất Tây Bắc vì thế
mà trở nên nguồn mạch cảm hứng dồi dào cho văn nhân, thi nhân muôn đời, trong đó có cụ Nguyễn. Để
rồi ta thấy được, tác phẩm là kết quả của quá trình 2 năm (1958-1960) Nguyễn Tuân trải nghiệm cuộc
sống nơi vùng đất Tây Bắc đầy gian khổ mà hào hùng, thông qua tác phẩm, độc giả có thể thấy được sự
dày công kiếm tìm “chất vàng” nơi thiên nhiên cùng “chất vàng mười đã qua thử lửa” được nung nấu
trong con người lao động thời đại mới, của nhà văn chuyên viết tùy bút.

Nhà văn M.Gorki từng nói: “văn học là nhân học”. Nhắc đến văn học là nói đến con người, cho con người
và vì con người. Bởi thế mà con người trong văn học thường là hình tượng trung tâm của một tác phẩm,
và ông lái đò cũng là hình tượng trung tâm của tác phẩm. Văn chương muôn đời luôn mang tính phổ
quát vì vậy mà có lẽ, việc Nguyễn Tuân không đặt tên cho ông lái đò thể hiện rằng ông lái đò là đại diện
cho cả một lớp người lao động mới – tiềm chứa “chất vàng mười đã qua thử lửa” mà cụ Nguyễn hăng
say kiếm tìm. Ta thấy rằng, chỉ bằng một vài nét phác họa về ngoại hình, độc giả có thể nhận ra chân
dung của ông lái đò đậm đà tính chất công việc: nhãn lực vòi vọi, hai cái tay lêu nghêu, hai cái chân
khuỳnh khuỳnh, giọng ồm ồm, theo miêu tả của nhà văn, ta thấy ông lái đò đã chạc ngoài 70, đã lặn lội
chèo đò suốt 10 năm. Cứ tưởng rằng, ông đã già, sức cùng lực kiệt, cứ tưởng rằng, thân hình ông bé
nhỏ, làm sao đủ sức chống đỡ, hàng phục thiên nhiên hùng vĩ, độc dữ đến như thế? Nhưng, qua đoạn
trích nêu trên, trong tương quan giữa thạch trận Sông Đà và ông lái đò, trong trận chiến vang trời “thanh
la não bạt” như thế, Nguyễn Tuân đã làm sáng ngời vẻ đẹp, tài trí dũng cảm và tài hoa của ông lái đò.

Mở đầu cho tam chiến trận là trùng vi thạch trận thứ nhất – gồm 5 cửa trận, 4 cửa tử và một cửa sinh
“lập lờ” phía tả ngạn, mặc cho thiên nhiên chiếm thế thượng phong, nhưng với sự nổi bật của vẻ đẹp
dũng cảm, bĩnh tĩnh ông lái đò đã chiến thắng. Trong suốt 3 hiệp giao chiến, Nguyễn Tuân đã sử dụng
đắc địa nghệ thuật “đòn bẩy”, miêu tả chi tiết, sắc nhọn độ độc dữ của thiên nhiên và bằng cách chinh
phục thành công nó, con người sẽ được tôn cao và tỏa sáng. Ở trùng vi này, lượng chi tiết miêu tả con
sông Đà chiếm nhiều hơn, áp đảo so với lượng chi tiết miêu tả chân dung ông lái đò. Nào là khắc họa lối
đánh hội đồng: sự phối hợp của đá thác, nước thác; Nước thì “reo hò làm thanh viện” vừa cổ võ tinh
thần chiến đấu cho các chiến sĩ “đá” vừa trấn áp tinh thần của ông lái đò, rồi qua phép nhân hóa Nguyễn
Tuân xây dựng, mỗi hòn đá như được Sông Đà giao nhiệm vụ: đứa thì “hất hàm hỏi”, đứa thì “lùi lại một
chút và thách thức”; cùng với nước, đá, sóng hiện lên sống động “như thể quân liều mạng” – hung hãn,
làm càn, vào sát nách mà “đá trái” mà “thúc gối” vào bụng và hông thuyền, chưa dừng lại ở đó, sóng
nước tàn ác, mưu mô, xảo quyệt còn “tặng” cho ông lái đò “miếng đòn độc hiểm nhất” là “bóp chặt hạ
bộ” – vị trí nhạy cảm trên cơ thể, gây sát thương cực lớn khiến ông lái đò biến dạng cả sắc mặt - “méo
bệch” đi vì đau đớn. Thiên nhiên hung dữ, bạo tàn là thế, chủ động “giàn bày vừa xong” là thế nhưng
ông lái đò vẫn “bình tĩnh”: “hai tay giữ mái chèo” để khỏi bị hất văng ra “sóng trận địa”, “hai chân” vẫn
“kẹp chặt cuống lái”. Những động từ Nguyễn Tuân sử dụng để miêu tả ông lái đò ngoài tác động gợi
hình, nó còn gợi cho độc giả nguồn cảm xúc, sự bình tĩnh, can trường của ông lái đò, dường như ông
không hề nao núng, không hề sợ hãi trước thiên nhiên đang gào thét, muốn đoạt mạng ông. Sự dũng
cảm của ông còn được thể hiện rõ nét ở “tiếng chỉ huy” vừa rõ ràng, dõng dạc như đấng anh hùng thuở
xưa điều binh khiển tướng bảo vệ non sông. Cũng đúng thôi vì theo như Nguyễn Tuân, ông lái đò hàng
ngày chèo đò trên Sông Đà phải giành dật sự sống từ tay nó về tay mình. “Vậy là phá xong cái trùng vi
thạch trận thứ nhất”, nổi bật ở trùng vi này trong nghệ thuật của Nguyễn Tuân là ông đã vận dụng, tổng
hợp nhuần nhị các kiến thức thể thao, võ thuật để rồi khắc sâu sức mạnh áp chế con người của sông Đà,
thêm vào đó là cách dùng từ Hán Việt: “trận nước vang trời, thanh la não bạt, đem tới màu sắc cổ điển,
gợi kí ức về các trận chiến trong lịch sử, cùng hệ thống các động từ mạnh, cách ngắt nhịp ngắn, tiết tấu
nhanh, hối thúc để rồi nhà văn diễn tả được sức mạnh thể chất dồi dào của con sông, không khí chiến
trận kịch tính, căng thẳng, giằng co dữ dội giữa thiên nhiên và con người. Tuy nhiên, với sự dũng cảm,
bình tĩnh, can trường của mình, ông lái đò đã thành công vượt qua ải một.

Nếu chỉ dừng lại ở vẻ đẹp dũng cảm thôi thì có lẽ chúng ta đã không được thưởng thức một tác phẩm
tuyệt vời đến như vậy, ngoài nó ra, để đối kháng thành công với thiên nhiên, ông lái đò còn trang bị cho
mình một trí tuệ tuyệt vời. Về phía Sông Đà, dường như sau khi thất bại, con thủy quái ấy đã rất tức giận
và nằng nặc yêu cầu ông lái đò phải chiến tiếp “không phút nghỉ tay nghỉ mắt”. Cũng thật ranh mãnh khi
nó nhận ra chiến thuật cũ không đủ sức đánh đổ con thuyền cho nên nó đã “đổi chiến thuật”, tăng thêm
nhiều cửa tử “để đánh lừa con thuyền” và “cửa sinh” “lại bố trí lệch qua bờ hữu ngạn”. Những tưởng với
mưu mô bày trí binh lực của mình, sông Đà sẽ khiến con người phải ngã gục nhưng không. Có lẽ con
thủy quái ấy nào có ngờ rằng: ông lái đò sở hữu cả kho tàng trải nghiệm sông nước, ông “nắm chắc binh
pháp của thần sông, thần đá”, hơn thế, trí nhớ của ông tuyệt vời đến độ “thuộc quy luật phục kích của lũ
đá”. Tôi đã từng nghe: Nếu ví con sông Đà là một bản thiên anh hùng ca tráng lệ, hùng vĩ, thì ông lái đò
đã thuộc từng dấu chấm, dấu phẩy, dấu chấm than và cả những chỗ xuống dòng, như đóng đinh nó vào
trí nhớ của mình vậy. Vẻ đẹp trí tuệ của ông đâu chỉ dừng lại ở trí nhớ cùng kinh nghiệm tuyệt vời, đến
trùng vi 2 ông lái đò cũng đổi chiến thuật: đánh “chủ động” hơn “Cưỡi lên thác đá sông Đà, phải cưỡi
đến cùng như là cưỡi hổ”. Một hình ảnh so sánh đậm chất “Nguyễn Tuân”, ông ví chèo đò trên sông Đà
như “cưỡi hổ”, ông cưỡi “con hổ” “hùm beo” đang ‘hồng hộc tế mạnh” - khát vọng đoạt mạng cắn xé
ông, một công việc thật sự nguy hiểm nhưng khi con người làm được, con người sẽ chế ngự được thiên
nhiên. Không chỉ “cưỡi lên lưng hổ’, ông lái đò còn “nắm chặt cái bờm sóng”, “ghì cương lái” một hành
động chắc mạnh, dứt khoát quyện hòa với sự uyển chuyển, linh hoạt hơn trong cách đánh: “phóng
nhanh”, “lái miết” “đứa thì ông rảo bơi chèo, đứa thì ông đè sấn lên mà chặt đôi ra để mở đường tiến”.
Một loạt động từ mạnh có, uyển chuyển có, Nguyễn Tuân đã chạm khảm bằng ngôn từ khoảnh khắc sinh
tử, biến câu chuyện đời thường, thành câu chuyện phi thường. Để rồi qua đó, ta thấy được, nổi bật lên
trên hết, là hình ảnh ông lái đò mang những phẩm chất đối ứng, chế ngự thiên nhiên: sức mạnh tinh
thần của ông lái đò đè bẹp sức mạnh thể chất của dòng sông, trí tuệ - sự linh hoạt của con người hóa
giải trí tuệ - mưu sâu kế hiểm của thiên nhiên. Tư thế chinh phục, làm chủ đó không xa lạ trong văn học
Cách mạng:

“Rất đẹp hình anh lúc nắng chiều

Bóng dài trên đỉnh dốc cheo leo

Núi không đè nổi vai vươn tới

Lá ngụy trang reo với gió đèo” (Tố Hữu)

Một hình tượng độc lạ, một dòng sông nghịch ngược, một nét bút tài hoa nhưng vẫn đi trúng quỹ đạo
của thi pháp thời đại – đó chính là sự hòa hợp với đời của tùy bút Nguyễn Tuân sau Cách mạng.

Ông lái đò không chỉ hàng phục thiên nhiên hung bạo bằng sự dũng cảm, bằng trí tuệ tuyệt vời mà còn
bằng sự tài hoa – nghệ sĩ của mình. Giờ đây, thạch trận trên sông Đà trở nên như sân khấu và ông lái đò
chính là người nghệ sĩ phô diễn tài năng của mình trên sân khấu sông nước ấy. Trong trận chiến cuối
cùng này, có lẽ bởi không còn gì để mất, Sông Đà đã dốc sức xây dựng trận địa cuối cùng – bất trắc nhất,
nguy hiểm nhất. Nó cho “ít cửa hơn, bên phải bên trái đều là luồng chết”, để luồng sinh ở giữa và được
canh gác bởi “bọn đá hậu vệ”. Gian nan là thế nhưng ông lái đò vẫn chủ động, dáng đứng hiên ngang,
hành động dứt khoát “cứ phóng thẳng thuyền, chọc thủng cửa giữa đó”, “vút vút cửa ngoài cửa trong,
lại cửa trong cùng” và cả lối so sánh tài hoa: “thuyền như một mũi tên tre xuyên nhanh qua hơi nước”
“tự động lái được” “lượn được”. Các động từ mạnh: “vút, xuyên, lượn: gợi nên một cảm giác trực tiếp
đối diện, đi xuyên qua những cửa tử, kết hợp với hình ảnh so sánh đầy sinh động, có lẽ ở đoạn này,
trong cái nhìn của Nguyễn Tuân ông lái đò như một thiện xạ tài ba còn chiếc thuyền như là “mũi tên tre”
để làm lộ ra sự chính xác và nhanh nhẹn trong đường lái của ông lái đò. Cùng với “xuyên” “lái” “lượn”:
ba động từ liên tiếp, gợi sự linh hoạt, uyển chuyển, để tiếp tục làm nổi bật nét tài hoa trong nghệ thuật
leo ghềnh vượt thác, qua đó độc giả thấy được ông lái đò chính là người nghệ sĩ tài hoa thực thụ trên
sông nước. Để ý kĩ, ta thấy những nhân vật lọt vào nhãn quan của cụ Nguyễn, dù cho là người thuộc tầng
lớp đặc chủng đặc tuyển hay những con người vô danh bình dị thì trong cái nhìn của văn nhân, họ đều
tài hoa nghệ sĩ trên phương diện họ dấn thân, trên cái nghề họ gắn bó. Đó là điểm độc đáo trong cách
nhìn con người của nhà văn Nguyễn Tuân.
Lê-ô-nốp từng khẳng định: “Một tác phẩm nghệ thuật đích thực phải là một phát minh về hình thức và
khám phá về nội dung”. Ở đoạn trích trên, ta thấy được nhiều sự “phát minh”, dụng công trong cách
Nguyễn Tuân xây dựng cảnh vượt thác: qua cách sử dụng các biện pháp tu từ nghệ thuật đặc sắc: nhân
hóa, so sánh, liên tưởng. Ngôn ngữ ông lựa chọn sử dụng vừa đắc địa, vừa gợi hình, gợi cảm, đa dạng và
phong phú cùng vốn kiến thức sâu rộng trên nhiều bình diện: thể thao, quân sự, văn hóa, nghệ thuật,
đặc biệt là thủ pháp đòn bẩy, cách miêu tả tương phản, lấy “vàng” thiên nhiên làm nổi bật phẩm chất
“vàng mười” của con người. Để rồi từ đó, người đọc “khám phá” ra khối vàng đúc “đã qua thử lửa” nơi
ông lái đò cũng như người dân lao động thời kì mới – trí tuệ, sự khéo léo và tài hoa, sự điềm tĩnh và hiểu
biết, khí chất dũng cảm và nghị lực phi thường. Vẻ đẹp ấy chính là sự hài hòa giữa phẩm chất anh hùng
và nghệ sĩ trong lao động sản xuất.

“Văn học và cuộc sống là hai đường tròn đồng tâm mà tâm điểm là con người”. Văn chương muôn đời
luôn gắn bó mật thiết với con người trong cõi nhân sinh. Cho nên khi văn nhân đến với văn chương, văn
chương đòi hỏi ở anh phải có cái nhìn, cái nhìn về cuộc sống, đặc biệt là cái nhìn về con người. Cái nhìn
hay quan điểm về con người là cách nhà văn cảm nhận, khai thác, dùng lời văn, chất xám, bầu máu nóng
của mình để chuyển tải hình tượng con người qua tác phẩm của mình. Quan điểm ấy có thể thống nhất
trong cả quá trình sáng tác hoặc biến thiên theo nhu cầu cấp thiết của lịch sử, thời đại. Đối với cách nhìn
con người của Nguyễn Tuân, ta thấy, dù ở trước cách mạng hay sau cách mạng, ông vẫn luôn chĩa ống
mắt máy quay của mình vào những mảnh đời, phận người tài hoa nghệ sĩ trong chính công việc của họ.
Nếu trước cách mạng, ông thiên vị lớp người đặc chủng đặc tuyển trong xã hội, một mực phủ nhận và
thoát li hiện thực thì sau cách mạng ông rê ngòi bút đến gần hơn với đời sống lao động của con người,
đến gần với cái “ta” chung hơn, vì thế mà ông đã lựa chọn những con người vô danh, bình dị nhưng vẫn
cực kì tuyệt vời, tài hoa vào trang văn của mình. Sau cách mạng, ông đã hướng đến những vẻ đẹp bình
dị, gần gũi hơn. Cách mạng đến như một luồng gió mới tiếp thêm sinh khí cho Nguyễn Tuân, thi pháp
cách mạng trở nên như đôi cánh giúp ông dễ dàng hơn trong việc chinh phục những đỉnh cao của chính
mình và đem tới cho người đọc những tác phẩm nghệ thuật đích thực, cũng vì thế mà con người trong
văn của cụ Nguyễn sau cách mạng luôn mang chứa chất chiến sĩ hòa quyện cùng phong thái nghệ sĩ tài
hoa, hài hòa phẩm chất anh hùng và nghệ sĩ trong lao động sản xuất. Tựu chung, cách nhìn con người
của Nguyễn Tuân kì thực độc đáo và mang lại nhiều hiệu quả tích cực trong quá trình sáng tác, vừa đi
trúng quỹ đạo thi pháp thời đại, vừa thỏa mãn cái tôi đầy tài hoa nghệ sĩ của Nguyễn Tuân, từ đó mang
lại cho người đọc chúng tôi những tác phẩm cực kì quý giá.

“Tác phẩm nghệ thuật là kết quả của tình yêu”, đằng sau sự dữ dằn, hung bạo, độc dữ của thiên nhiên,
làm phông nền cho sự tài trí dũng cảm của con người là tình yêu tha thiết của Nguyễn Tuân đối với thiên
nhiên, quê hương, xứ sở. Phải yêu lắm, gắn bó lắm thì Nguyễn Tuân mới cho ra đời những đoạn văn
miêu tả sống động đến như thế, phải yêu lắm, gắn bó lắm thì Nguyễn Tuân mới làm lộ ra phẩm chất
“vàng mười” ngời sáng của người dân lao động nơi vùng Tây Bắc hiểm trở này. Để rồi từ đó, khơi lên
trong tôi và bạn cái cảm giác như “đứng trước một bến đò gió nổi’ một khát khao muốn noi gương cụ
Nguyễn mà yêu mến quê hương hơn nữa, bởi quê hương mình rất đẹp, trù phú, và khi ta thấu tỏ quy
luật của thiên nhiên, khắc thiên nhiên sẽ giúp ta tạo ra giá trị, góp phần dựng xây đất nước.

Thanh Phi viết!

❤ Nếu thi đại học ra đề này, quay lại tus này cảm ơn Phi nha :>

You might also like