You are on page 1of 5

Cảm nhận vẻ đẹp người lái đò qua đoạn trích” Không một phút nghỉ tay..

lúc
ngừng chèo”. Từ đó nhận xét cách nhìn người của Nguyễn Tuân

Nguyễn Tuân là tác giả lớn của văn học hiện đại Việt Nam với những thành tựu
xuất sắc ở cả hai giai đoạn trước và sau cách mạng. Sáng tác của ông mang
phong cách riêng, độc đáo mà nổi bật là chất tài hoa, uyên bác. “NLĐSĐ” là tác
phẩm tiêu biểu của ông. Đọc tác phẩm, người đọc thán phục trước sự trí dũng,
tài hoa của người lái đò qua đoạn trích: “Không một phút nghỉ tay… lúc ngừng
chèo”. Từ đó thấy được cách nhìn người vô cùng độc đáo của Nguyễn Tuân.

Là một người nghệ sĩ “suốt đời đi tìm cái Đẹp, cái Thật” (Nguyễn Đình Thi) và
tự nhận mình là người “sinh ra để thờ Nghệ Thuật với hai chữ viết hoa”,
Nguyễn Tuân thường khám phá thế giới ở phương diện thẩm mỹ, miêu tả con
người ở phương diện tài hoa, nghệ sĩ. Ông được mệnh danh là cây tuỳ bút số
một của nền văn học Việt Nam. “NLĐSĐ” được in trong tập tuỳ bút “Sông Đà”
năm 1960 và đây là tập tuỳ bút tiêu biểu nhất, hay nhất tính đến thời điểm hiện
tại. Đó là thành quả của chuyến đi gian khổ mà hào hùng của Nguyễn Tuân lên
miền đất Tây Bắc xa xôi và rộng lớn những năm 1958-1960. Chuyến đi khôg
chỉ nhằm thoả mãn niềm khát khao xê dịch mà còn chủ yếu là để tìm kiếm “chất
vàng mười” trong vẻ đẹp hùng vĩ, thơ mộng của thiên nhiên Tây Bắc và phát
hiện “thứ vàng mười đã qua thử lửa” của tâm hồn, con người nơi đây. Đoạn
trích nằm ở giữa tác phẩm, thể hiện vẻ đẹp trí dũng, tài hoa nghệ sĩ của ông lái
đò cũng như thể hiện được những nét độc đáo trong cách nhìn người của
Nguyễn Tuân.

Người lái đò là nhân vật trung tâm, là linh hồn của tuỳ bút. Ông là nhân vật
tuyệt đẹp trong thế giới người tài của Nguyễn Tuân. Ông lái đò sinh ra và lớn
lên bên bờ sông Đà, gắn bó máu thịt với dòng sông này. Ông quê ở Lai Châu,
làm nghề lái đò đã hơn 10 năm. Với khoảng thời gian ấy, người lái đò đã đủ
kinh nghiệm để chèo lái trong mặt sông đầy gian nan, hiểm trở. Mặc cho ông
năm nay đã 70 tuổi, với ngoại hình “quắc thước sánh như chất sừng, chất mun”
ông thật lão luyện, khoẻ khắn để vượt qua sự hung bạo, hiểm trở của sông Đà.
Ông thực sự rất xứng đáng với huân chương mà nhà văn phong tặng với sự trí
dũng, tài hoa của mình.

Trước hết, qua đoạn trích, ông lái đò hiện lên với vẻ đẹp trí dũng song toàn
khiến ta ngưỡng mộ, thán phục. Trí tuệ con người thể rõ nhất khi ta đối mặt với
khó khăn, thử thách. Nhà văn đã đặt ông lái đò vào cuộc vượt thác trên sông Đà
hung bạo hiểm ác với ba trùng vi thạch trận. Ông đã thể hiện trí nhớ siêu phàm,
tuyệt vời của mình chẳng khác gì một cuốn thuỷ văn sông Đà. Ông “nắm chắc
binh pháp của thần sông thần đá, thuộc hết quy luật phục kích của lũ đá sông Đà
nơi hiểm trở này”. Ông nhớ từng cửa sinh, cửa tử trên trận đồ bát quát, ông nhớ
như “đóng đanh” từng con thác, từng hòn đá nơi đây. Bản chất của chúng, đấu
pháp của chúng đã bị ông bắt bài và chặt đôi, đè sấn mà lướt mặt qua nó. Trí tuệ
hơn người của ông đủ sức tỉnh táo, bình tĩnh, chủ động để chỉ huy đoàn quân
vượt thác. Rõ ràng ông lái đò không chỉ có một trí nhớ của người từng trải
nghiệm mà là một người có trí tuệ để nhìn thấu tâm can của kẻ thù, hiểu rõ bản
chất và tìm ra con đường để chinh phục nó. Bên cạnh đó, ông lái đò là còn là
một người dũng cảm, kiên cường. Ông dám đối mặt với sự hung bạo, dữ tợn của
dòng sông Đà thường xuyên và liên tục, ông đi vào trận chiến quyết tử vứoi một
thái độ vô cùng chủ động, bình thản và tự tin. Nếu như ở trùng vi thứ nhất ông
đã vượt qua một cách bình thản, bản lĩnh thì ở trùng vi thứ hai ông được miêu tả
như một dũng tướng đang điều khiển, thuần phục con ngựa bất kham của sóng
thác sông Đà khi “nắm chặt lấy cái bờm sóng”, “ghì cương”, “phóng nhanh vào
cửa sinh”…, kinh nghiệm dày dặn cùng những động tác linh hoạt, uyển chuyển
điêu luyện của ông lái đò khi “lái miết một đường chéo”, khi “tránh mà rào bơi
chèo”, khi “đè sấn mà chặt đôi”… cho thấy những biến pháp kì diệu của một tay
lái ra hoa với tác phong, phong thái tuyệt đẹp như Võ Tòng cưỡi hổ. Đó chính là
sự mạnh phi thường của ông lái đò. Ở trùng vi thạch trận cuối cùng, tất cả đều
luồng chết nhưng lúc này người anh hùng đã thừa thắng xông lên, phóng thẳng
thuyền, chọc thủng một luồng sinh duy nhất để có thể vượt qua. Hình ảnh con
thuyền lao vút qua khe hẹp được miêu tả với câu văn ngắn kết hợp với các động
từ và danh từ: “vút, cửa ngoài, cửa trong, lại cửa trogn cùng..” đã thể hiện sự
dũng mạnh, vừa lái vừa xuyên như chẳng e sợ bất cứ điều gì. Có thể thấy,
Nguyễn đã không giấu được lòng ngưỡng mộ và cảm phục trước bản lĩnh kiên
cường, sự dũng mãnh của người lái đò cũng như trí tuệ hơn người, trí nhớ siêu
phàm của ông.

Không những thế, ta vô cùng ngưỡng mộ trước sự tài hoa, nghệ sĩ của ông lái
đò qua đoạn trích. Đối với Nguyễn Tuân, sự tài hoa là khi con người đạt tới
trình độ điêu luyện, thuần thục trong chính nghề nghiệp của mình. Tuy chỉ là
người lao động bình thường nhưng ông lại có những sở thích rất nghệ sĩ. Ông
yêu sông Đà say mê, đặc biết là những đoạn lắm thác ghềnh. Nơi dòng sông đó
ông được phô diễn các động tác lái đò điêu luyện, thuần thục như đang được
nâng lên trình độ độc đáo, ông đề vào sông nước một tác phẩm nghệ thuật tuyệt
đỉnh. Ông điều khiển con thuyền trên sông Đà như một người trượt băng vậy.
Khi thì khoan thai khi thì mạnh mẽ, khi thì dứt khoát, tiến lùi nhịp nhàng. Có
những đối thủ ông tránh mặt, có những lúc ông “đè sấn lên chặt đôi” mở đường
tiến vào và có lúc ông khéo léo “bám chặt bờm sóng, ghì cương lái” vượt thác.
Chúng tưởng đưa ra những bài toán hiểm hóc để làm khó người lái đò nhưng
ông đã giải một cách nhẹ nhàng. Cái hay ở chỗ là tác giả đã so sánh con thuyền
như “chiếc lá tre” để diễn tả sự mong manh và tốc độ lao đi nhanh vút của nó.
Với tốc độ này người chỉ huy phải hết sức tinh nhạy, nhanh nhẹn, điêu luyện và
không cho phép một khoảnh khắc sai lầm nào xảy ra. Vượt thác vốn là một
công việc lao động vất vả, cực nhọc nhưng giờ đây lại được nâng lên thành
nghệ thuật. Bàn tay của ông lái đò như đang vẽ tranh, đề thơ, sáng tạo cái đẹp
cho đời. Qua ngòi bút của Nguyễn Tuân, ông lái đò không chỉ một viên thuyền
trưởng gan dạ như Uy-lít-xơ vượt biển trong sử thi Hy Lạp mà còn như vị tướng
chinh chiến trên trận mạc khốc liệt. Tất cả qua tay ông lái đò dò khó khăn cực
nhọc thế nào cũng như một màn biểu diễn nghệ thuật hoàn hảo, điêu luyện, tài
hoa và đầy tính nghệ sĩ.

Đặc biệt, ông lái đò còn hiện lên với vẻ đẹp bình dị, đời thường và xem nhẹ
chiến thắng. Khi vượt qua gian nguy, sóng nước lại tan xèo xèo trong trí nhớ
sông nước lại thanh bình. Đêm ấy nhà đò đốt lửa trong hang đá, nướng ống cơm
lam, và toàn bàn tán về cá anh vũ, cá dầm xanh... Chắc hẳn đối với những người
lần đầu trải nghiệm ngồi thuyền như tác giả chắc chắn sẽ được một phen kinh
hãi và kinh hoàng bạt vía trước sự hiểm trở và hiểm nguy của địa hình đá và
nước của sông Đà. Thế nhưng, đối với những người lái đò, ta thấy họ hiện lên
sau cuộc lái đò với dáng vẻ bình thường và thoải mái. Vì đó là công việc hàng
ngày của họ, họ đối mặt với sự hiểm nguy hàng ngày đến từ nước và đá của
sông Đà nên đối với họ, công việc đó là một công việc bình thường. Vì thế, họ
chẳng cảm thấy tự hào hay có những cảm xúc quá đặc biệt sau những chuyến
trở về từ "cửa tử" của mình. Đoạn viết về đêm hang đá tràn ngập chất trữ tình
bên lửa cháy và có cả những câu chuyện đời thường ở quá khứ ở phía trước
nhưng tuyệt nhiên không có hồi ức về hiếm nguy mà tất cả đều lãng mạn ngọt
ngào. Điều ấy như một thứ khí chất, một tính cách cấu thành con người ông lái.
Có thể thấy, ông lái đò hiện lên giản dị đời thường như bao người lao động giản
dị trên miền Tây Bắc, âm thầm làm việc và cống hiến, đó là vẻ đẹp của những
con người khiêm nhường, xem vượt thác sinh tử như một phần trong đời sống,
nên không có gì mà phải đáng bàn. Thái độ bình thản ấy càng làm đậm thêm
tầm vóc lớn lao của những người anh hùng trong cuộc sống đời thường bình dị
khi họ coi việc chiến đấu và chiến thắng sông Đà dữ dội, hiểm ác, việc giành sự
sống từ những cửa tử chỉ là việc thường ngày. Có thấy ở đây một người tài hoa
nghệ sĩ, bản lĩnh kiên cường ấy chính là một con người vô cùng bình thường,
giản dị, đơn sơ, không hề lớn lao như những con người trong thế giới người tài
của Nguyễn Tuân trước Cách mạng.

Thông qua đoạn trích trên, Nguyễn Tuân đã thể hiện cách nhìn người độc đáo
của mình. Trước hết, Nguyễn Tuân luôn nhìn nhận con người từ góc độ tài hoa,
nghệ sĩ. Ông là một người nghệ sĩ suốt đời đi tìm cái đẹp, cái toàn mỹ mà ở đây
chính là ông lái đò với đôi bàn tay điêu luyện, trí dũng song toàn. Tuy nhiên,
nếu như trước Cách mạng, Nguyễn Tuân đi tìm cái đẹp biệt lệ, duy mĩ thì sau
Cách mạng ông lại đi tìm cái đẹp trong một người lái đò-một con người lao
động bình dị, đời thường. Ông như đang ca ngợi vẻ đẹp của họ trong công cuộc
xây dựng xã hội chủ nghĩa của đất nước. Ngoài ra, Nguyễn Tuân sử dụng mọi
vốn hiểu biết sâu rộng, sự uyên bác để nhìn nhận và đánh giá con người. Ông
quan niệm vẻ đẹp của hiện tại là vẻ đẹp của người anh hùng xã hội mới. Không
những thế, ông còn nhìn người với sự chủ động, lạc quan, bình tĩnh. Nếu trước
đây, các nhân vật trong thế giới người tài của Nguyễn Tuân được xây dựng với
hình ảnh bất cần, tối tăm thì nay ông lái đò lại được miêu tả với sự sống vui
tươi, khát vọng mãnh liệt. Có thể nói cách nhìn con nguòi của Nguyễn Tuân là
vô cùng độc đáo và đã có nhiều chuyển biến.
Với việc sử dụng ngôn ngữ mộc mạc, sáng tạo, hình ảnh giàu sức gợi, giọng
điệu vừa mạnh mẽ vừa nhẹ nhàng, “khi gân guốc, khi mềm mại, khi nghiêm
nghị như một nhà bác học, khi hồn nhiên như một đứa trẻ thơ” (Nguyễn Đăng
Mạnh), với những liên tưởng phong phú, độc đáo, biện pháp tu từ đặc sắc,…
Nguyễn Tuân đã làm nổi bật vẻ đẹp trí dũng song toàn, tài hoa nghệ sĩ của ông
lái đò trên dòng Đà giang. Cũng như thể hiện được cách nhìn người độc đáo của
mình. Tuỳ bút “NLĐSĐ” đã trở thành một thiên hùng ca ngợi ca vẻ đẹp hào
tráng của con người trong công cuộc chinh phục thiên nhiên. Với quan niệm
mới mẻ, tích cực của Nguyễn Tuân, người lái đò thực sự là một nghệ sĩ tài hoa,
một anh hùng sông nước bằng sự khéo léo, sức mạnh, trí tuệ và cả lòng can
đảm. Chắc hẳn Nguyễn Tuân tìm kiếm được “cảm giác, cảm xúc mới lạ, nồng
nàn, say đắm” (Nguyễn Đăng Mạnh) ở một người lao động bình thường thì mới
cho ra một tác phẩm hoàn hảo như vậy. Từ đó ta cũng thấy được một Nguyễn
Tuân tài năng và say đắm trong tình yêu với thiên nhiên, con người và đất nước.

“Niềm vui của nhà văn chân chính là nièm vui của người dẫn đường đến xứ sở
cái đẹp” (Pau-top-xki). Nguyễn Tuân đã đưa chúng ta đến với cái đẹp của người
lái đò, của một người lao động giản dị khiến ta trân trọng, khâm phục. Dòng
thời gian là người bạn nghiệt ngã của trí nhớ, thuận theo thời gian tất cả sẽ mờ
dần và mất hút nhưng ta sẽ không quên, chắc chắn sẽ không quên một hình
tượng ông lái đò tài hoa trí dũng và một Nguyễn Tuân tài hoa, uyên bác. “Nghệ
thuật nằm ngoài sự băng hoại của thời gian, chỉ mình nó không thừa nhận cái
chết” (Sedrin)

You might also like