You are on page 1of 2

Đề 2: Ăn quả nhớ kẻ trồng cây.

Trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam, tục ngữ chiếm một vị trí quan trọng và được ví là
kho báu của kinh nghiệm và trí tuệ nhân gian. Những triết lí, trí tuệ trong tục ngữ bắt rễ từ cuộc sống
sinh động phong phú cả về nội dung và hình thức. Nổi bật trong đó là truyền thống quý báu của dân tộc
hướng về cội nguồn, coi trọng nhân nghĩa, luôn cảm thấy biết ơn những thế hệ đi trước, điều này đã
được thể hiện rõ nét qua câu tục ngữ “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”.

Trước hết, câu tục ngữ trên mang hai lớp nghĩa. Xét về nghĩa đen – nghĩa thực thì có thể thấy
rằng, ông cha ta đã rất tinh tế khi mượn hình ảnh của “quả” và “kẻ trồng cây” để khuyên răn thế hệ sau
về truyền thống đạo đức tốt đẹp của dân tộc. “Quả” là sự kết tinh của quá trình chăm sóc nặng nhọc
và vất vả của “kẻ trồng cây”, là thành quả của mồ hồi và nước mắt. Hành động “ăn”là thưởng thức,
hưởng thụ trái ngọt. Những người nông dân chân lấm tay bùn ngày ngày bỏ công sức để tạo ra được
tinh hoa của đất trời được kết tinh trong những trái quả thơm ngon. Đây là một lời khuyên răn vô cùng
sâu sắc đó là khi ăn những trái cây chín mọng với hương vị ngọt ngào, ta cần phải phải nhớ tới công lao
vun xới, chăm bón của người trồng nên cây ấy. Xét về lớp nghĩa bóng, thông qua câu tục ngữ “ăn quả
nhớ kẻ trồng cây”, tác giả muốn truyền tải thông điệp tốt đẹp về lòng biết ơn trong cuộc sống, không
chỉ đơn thuần là nhớ về công lao của người chăm sóc cây mà còn phải biết ơn những người mang lại
cho ta cuộc sống ấm no hạnh phúc như hôm nay. Chúng ta phải xử sự sao cho đúng, sống sao cho phải
phép, phải luôn biết ơn những thế hệ đi trước, những người đã lao động vất vả tạo ra thành quả để
chúng ta có được một cuộc sống đầy đủ cả về vật chất lẫn tinh thần như ngày hôm nay. Bằng biện pháp
ẩn dụ với hình ảnh quen thuộc và giản dị câu tục ngữ muốn nhắn nhủ chúng ta phải luôn luôn biết ơn,
nhớ đến công lao của thế hệ đi trước, những người đã cho ta hưởng được thành quả như bây giờ. Không
phải ngẫu nhiên mà đạo lý này được thể hiện rất nhiều trong văn học Việt Nam như “Uống nước nhớ
nguồn” hay:

“Muốn sang thì bắc cầu kiều

Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy”

Tất cả những gì chúng ta đang hưởng thụ hiện tại không phải tự dưng mà có. Lịch sử dựng nước và giữ
nước của nhân dân ta đã trải qua nhiều gian nan, thử thách. Các thế hệ đi trước đã đổ mồ hôi và xương
máu để giành lại nền độc lập, đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho mọi người. Hai cuộc kháng chiến
ác liệt chống Pháp và chống Mĩ đã có biết bao người con của dân tộc ngã xuống để đất nước đơm hoa
kết trái. Đó chính là công sức của cả một quá trình dài với biết bao khó khăn, gian khổ. Thành quả ngày
hôm nay của đất nước được độc lập, tự do có bóng dáng của những người anh hùng đã ngã xuống để
giữ gìn. Từ những bát cơm dẻo trên tay cũng do bàn tay người nông dân làm ra. Rồi đến tấm áo ta mặc,
chiếc giày ta đi cũng đều bởi những bàn tay khéo léo của người thợ cùng với sự miệt mài, cần cù trong
đó. Những di sản văn hoá nghệ thuật, những thành tựu độc đáo sáng tạo mà người xưa đã để lại cho
con cháu. Câu tục ngữ đã nói lên một lối sống ân nghĩa mặn mà, ân nghĩa, thuỷ chung sâu sắc giữa con
người với con người.

Từ xưa đến nay, lòng biết ơn vẫn luôn được nhân dân ta giữ gìn và phát huy. Thay cho lời tri ân
và lòng biết ơn sâu sắc, những đền thờ, đài tưởng niệm, khu nghĩa trang liệt sĩ được xây dựng khang
trang trên khắp mọi miền đất nước. Hằng năm nhà nước luôn có những chính sách ưu tiên cho người
có công, gia đình thương binh liệt sĩ, bà mẹ Việt Nam anh hùng để phần nào bù đắp sự hi sinh to lớn
của họ dành cho đất nước. Phong trào “đền ơn đáp nghĩa” diễn ra rộng khắp, nhà nước đã dành ngày
27/7 – Ngày thương binh liệt sĩ Việt Nam, đó là ngày ghi nhớ và tưởng niệm những anh hùng liệt sĩ
những ngôi nhà tình nghĩa được xây lên bằng niềm tri ân, những nguồn trợ cấp xã hội. được mang đến
tận tay cho những người có công. Không chỉ có vậy, dân tộc ta còn có ngày 10-3 Âm lịch hàng năm là
ngày giỗ Tổ Hùng Vương. Cứ vào ngày này, người người từ khắp mọi nơi không quản đường xa cùng
nhau về để dâng hương tưởng nhớ người đã có công khai sinh ra nước Việt Nam. Hay để nhớ ơn các
thầy cô giáo, những người đã có công gieo trồng những mầm non cho đất nước, chúng ta có ngày 20 –
11. Đặc biệt, truyền thống “ăn quả nhớ kẻ trồng cây” và “uống nước nhớ nguồn” được thể hiện trong
phong tục thờ cúng của người Việt. Làng quê Việt Nam đâu đâu cũng có tục thờ để thể hiện lòng biết
ơn, trân trọng với người có công xây làng lập ấp. Trong mỗi gia đình, con cháu đều lập bàn thờ ông bà
tổ tiên, ngày giỗ 23 tháng Chạp hay lễ Tết chính là dịp để con cháu tưởng nhớ tới công lao của những
đấng sinh thành ra mình. Ngoài ra truyền thống hiếu học làm vẻ vang gia đình dòng tộc cũng được xuất
phát từ cội nguồn lòng biết ơn và ghi nhớ công ơn của con người. Tất cả những hành động ấy đã thể
hiện lòng biết ơn vô tận của thế hệ ngày nay với những người đi trước.

Tuy nhiên, trong xã hội cũng còn những kẻ “ăn quả” nhưng quên người “trồng cây”, họ quên
công ơn của cách mạng, thậm chí quên cả công lao của cha mẹ, những người đã sinh thành, dưỡng dục
từ khi còn nhỏ bé non dại, quên ơn thầy cô đã chăm chút từ lúc mới cắp sách tới trường cho đến khi
thành đạt. Có những người còn làm ra những việc gây ảnh hưởng tới đất nước, bộ mặt của quốc gia
như. Đó là những người “Ăn cháo đá bát” trái với lương tâm và đạo đức vốn có của dân tộc, cần phải
phê phán và tránh xa.

Lịch sử trao lại cho thế hệ ngày hôm nay một nhiệm vụ nặng nề nhưng vinh quang là bảo vệ và
phát huy những thành quả mà ông cha ta để lại. Là học sinh, khi đang còn ngồi trên ghế nhà trường, để
thể hiện đạo lí “ăn quả nhớ kẻ trồng cây” ta cần yêu thương, kính trọng vâng lời cha mẹ. Đối với thầy
cô, chúng ta cần ngoan ngoãn, lễ phép, chăm ngoan, học giỏi, ghi nhớ ơn sâu nghĩa nặng.

Có thể nói rằng, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” là truyền thống đạo lí tốt đẹp của người dân Việt
Nam cần được giữ gìn và phát huy đến muôn đời. Đó là truyền thống biết ơn những người đã sinh ra ta,
dạy dỗ ta và cả những người đã tạo ra thành quả cho ta hưởng thụ. Lòng biết ơn là một thứ tình cảm
cao quý và cần phải có trong mỗi con người, vậy nên mỗi một chúng ta phải luôn trau dồi phẩm chất
cao quý đó.

You might also like