You are on page 1of 3

Phần sau – Chí khí anh hùng

- Trích Truyện Kiều - Nguyễn Du -

I. Mở bài
- Trải qua biết bao “thương hải tang điền” ròng rã hơn hai trăm năm kể từ khi đại thi hào Nguyễn Du đặt ngòi
bút để viết lên những dòng thơ đầu tiên của tác phẩm Truyện Kiều, “Đoạn trường tân thanh” với vai trò là “tập
đại thành của văn học cổ điển nước nhà” vẫn lay động tâm trí của hàng triệu triệu người con đất Việt bởi số
phận cơ khổ, bạc bẽo, lênh đênh của Thúy Kiều.
- Và Từ Hải xuất hiện như một tia sáng trong cuộc đời đầy tăm tối, thăng trầm của nàng Kiều; là hiện thân của
cái ước mơ công lý vẫn âm ỉ trong cảnh đời tù túng của xã hội cũ. Đoạn thơ trên trích từ đoạn trích “Chí khí
anh hùng” là lời giãi bày của Từ Hải với Thúy Kiều đã phần nào làm sáng tỏ cái ý chí và hoài bão lớn lao của
người anh hùng hiên ngang, lẫm liệt.
- Nguyễn Du, tên chữ là Tố Như, hiệu là Thanh Hiên, là một đại thi hào của dân tộc, danh nhân văn hóa thế
giới. Sống trong xã hội phong kiến hà khắc, tư tưởng nhân đạo của ông lại vượt lên những định kiến để khẳng
định giá trị con người. Trong suốt cuộc đời đầy thăng trầm của bản thân, ông đã để lại nhiều tập thơ có giá trị
như Thanh Hiên thi tập, Nam trung tạp ngâm, Bắc hành tạp lục mà nổi bật trong số đó không thể không kể đến
Truyện Kiều hay “Đoạn trường tân thanh” kể về cuộc đời đầy sóng gió, biến động của nàng Kiều, đồng thời
phản ánh sinh động xã hội đương thời đầy bất công, rối loạn.
- Đoạn trích “Chí khí anh hùng” nằm từ câu 2213 đến câu 2230 trong phần hai của tác phẩm Truyện Kiều, nói
về một cột mốc quan trọng trong chuỗi ngày Kiều được cứu ra khỏi lầu xanh và sống hạnh phúc bên Từ Hải.
Cuộc sống êm đềm giữa “trai anh hùng” và “gái thuyền quyên” kéo dài nửa năm, thì Từ Hải tiễn biệt nàng Kiều
để ra đi, vì cái “thói vẫy vùng” của chàng bấy lâu lại được dịp sục sôi, thúc dục mạnh mẽ. Nhan đề “Chí khí anh
hùng” do người soạn sách đặt đã phần nào thể hiện được chí hướng, lí tưởng cao cả cùng khí phách phi phàm
của người anh hùng đầu đội trời, chân đạp đất Từ Hải.

II. Thân bài


- Đoạn thơ là lời đáp lại ước muốn tha thiết được đồng hành cùng Từ Hải của Thúy Kiều. Ước muốn vừa là
theo chữ tòng của đạo đức phong kiến xưa nay, vừa là nguyện vọng muốn chia ngọt sẻ bùi cùng chàng:
Nàng rằng: “Phận gái chữ tòng,
Chàng đi thiếp cũng một lòng xin đi”.
- Đây là một sáng tạo riêng của Nguyễn Du so với Kim Vân Kiều Truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, cho Từ Hải cơ
hội bộc bạch khát vọng lớn lao, phi thường, cho người anh hùng có dịp chia sẻ với tri kỉ về sự nghiệp lẫy lừng
mà chàng hướng tới.
Từ rằng: “Tâm phúc tương tri,
Sao chưa thoát khỏi nữ nhi thường tình?
- “Tâm phúc tương tri”: Từ Hải khẳng định chàng và nàng là tri kỉ, hiểu nhau hơn bất cứ ai, những lí tưởng của
chàng chắc chắn nàng là người hiểu rõ nhất
- Câu hỏi tu từ “Sao chưa thoát khỏi nữ nhi thường tình?”:
+ Đây vừa là lời từ chối, vừa ngầm ý trách Thúy Kiều một cách đầy yêu thương
+ Câu thơ không chỉ là lời khuyên giải mà còn có ý nghĩa như một lời động viên sâu sắc đến Thúy Kiều, mong
nàng sẽ sớm vượt lên tình cảm thông thường để xứng đáng làm vợ một người anh hùng.
- Và Từ Hải vẽ ra viễn cảnh huy hoàng của ngày trở về, khi chàng đã gây dựng được cơ đồ hiển hách:
Bao giờ mười vạn tinh binh,
Tiếng chiêng dậy đất, bóng tinh rợp đường
- Ước lệ “mười vạn tinh binh”: Hình ảnh của một đội quân hùng hậu, đông đảo, tinh nhuệ, lớp lớp như sóng
cuộn
- “Tiếng chiêng” – “Bóng tinh”: Khí thế rộn rã với chiêng trống náo động và cờ quạt rợp trời
- Chàng sẽ là một vị tướng quân thanh danh hiển hách, dẫn đầu hàng vạn con người với một phong thái thật
uy nghi, lẫm liệt
- Chàng ra đi cùng lời hứa dành cho Thúy Kiều:
Làm cho rõ mặt phi thường,
Bấy giờ ta sẽ rước nàng nghi gia.
- “Rõ mặt phi thường”:
+ Từ Hải ý thức rất rõ và tự tin về tài năng kiệt xuất cùng khí khái phi phàm của bản thân.
+ Sự nghiệp vẻ vang, chấn động ấy chính là cách để kẻ làm trai khẳng định, chứng tỏ bản lĩnh hơn người.
- “Rước nàng nghi gia”:
+ Từ Hải ra đi với lời hứa ngày trở về sẽ đón rước Thúy Kiều bàng một nghi thức thiêng liêng, trang trọng.
+ Chàng sẽ dành những gì tốt đẹp nhất, cao quí nhất cho người con gái mà mình rất mực yêu thương.
- Chí khí anh hùng của Từ Hải không phải chỉ đề thực hiện lí tưởng cao đẹp của kẻ làm trai mà hơn thế, chàng
muốn đem đến hạnh phúc cho những người mà mình yêu mến. Đó là vẻ đẹp đáng quí của người anh hùng, là
chất nhân văn trong lí tưởng, khát vọng cao đẹp.
- Rồi chàng cất lời giãi bày, chia sẻ về những khó khăn của người anh hùng tay trắng lập nghiệp:
Bằng nay bốn bể không nhà,
Theo càng thêm bận, biết là đi đâu?
- “Bốn bể không nhà”: Hoàn cảnh nay đây mai đó với những khó khăn chồng chất, xem đất tựa giường, rơm
tựa nệm chăn
- Câu hỏi tu từ “Theo càng thêm bận, biết là đi đâu?”:
+ Là lời ngầm ý trách Kiều nếu đi theo Từ Hải sẽ khiến chàng không thể rảnh tay gây dựng nghiệp lớn
+ Chất chứa những lo âu, đong đầy bao tình cảm. Từ Hải không muốn Kiều phải chịu khổ, sợ nàng không thể
thích ứng được với cuộc sống bốn bể là nhà.
- Tiếp đến, bên cạnh lời hứa “rước nàng nghi gia”, Từ Hải còn mạnh dạn, tự tin ước hẹn với Kiều về một chiến
thắng ngắn ngủi:
Đành lòng chờ đó ít lâu,
Chầy chăng là một năm sau, vội gì!”
- “Đành lòng chờ đó ít lâu”: Câu thơ như một lời an ủi, động viên, khuyên Thúy Kiều yên tâm chờ đợi chàng,
Từ Hải sẽ nhanh chóng trở về
- “Một năm sau”:
+ Thời gian quá ngắn để tạo dựng cơ đồ vẻ vang, chấn động, nhưng Từ Hải lại làm được, thực hiện được điều
phi thường đó
+ Lối nó phóng đại cường điệu tô đậm bản lĩnh xuất chúng của trang hào kiệt
+ Khẩu khí anh hùng gợi lên giọng điệu điềm tĩnh và tự tin của Từ Hải
- Hai câu thơ cuối đoạn trích đã khắc họa rõ nét tư thế lên đường của Từ Hải với một thái độ kiên quyết mạnh
mẽ:
Quyết lời dứt áo ra đi,
Gió mây bằng đã đến kì dặm khơi.
- “Quyết lời dứt áo ra đi”: Cách chia tay của chàng rất khác biệt: Những lời từ giã đầy lưu luyến, buồn thương
lại được thay bằng những lời hứa chắc nịch vào một chiến thắng không xa; sự quyến luyến, tiếc nuối được
thay bằng một quyết tâm vững chắc vào tương lai. Lời dứt thì người cũng đi.
- “Gió mây bằng đã đến kì dặm khơi”: Mượn ý của Trang Tử tả cánh chim bằng khi cất cánh thì phải bay chín
vạn dặm mới nghỉ, cũng giống như Từ Hải khi đã chiến thắng, thành công thì mới quay trở về.

III. Kết bài


- Xuyên suốt đoạn trích, hình tượng nhân vật Từ Hải hiện lên với vẻ đẹp của người anh hùng kiệt xuất cùng tài
năng phi phàm, khát vọng lớn lao, chí hướng cao cả. Con người ấy gây dựng nghiệp lớn không chỉ để thực hiện
chí làm trai của trang hào kiệt mà còn vì mục đích đem đến hạnh phúc và vẻ vang cho đời Kiều.
- Bên cạnh đó, trích đoạn cũng là tiêu biểu cho bút pháp lí tưởng hoá cùng nghệ thuật phóng đại, cường điệu
đã giúp tác giả Nguyễn Du khắc họa chân dung người anh hùng Từ Hải hiên ngang, lẫm liệt với thái độ quyết
chí ra đi mạnh mẽ cùng tình yêu to lớn dành cho Thúy Kiều.
- Ngoài ra, nhân vật Từ Hải còn là một đại diện cho vẻ đẹp của chủ nghĩa nhân đạo Nguyễn Du. Sống trong
đêm đen của xã hội phong kiến, thương xót cho những con người chịu nhiều oan trái bất công, ông đã sáng
tạo nên nhân vật Từ Hải để gửi gắm ước mơ về tự do và công lí, khát vọng làm chủ cuộc đời. Từ Hải chính là
ánh sao băng chiếu rọi đêm đen truyện Kiều, thổi một luồng sinh khí vào tác phẩm khiến trong tiếng khóc não
nề đứt ruột lại có những phút giây sảng khoái, hân hoan lạ thường. Nếu xã hội phong kiến biến Thúy Kiều
thành gái lầu xanh thì chỉ có Từ Hải - người anh hùng tài năng xuất chúng mới có thể đưa cô gái ấy lên địa vị
phu nhân cao quí.

You might also like