You are on page 1of 3

Bài văn giải thích nội dung lời khuyên của Lê – nin: Học, học nữa, học mãi

Bài làm:
Tri thức, kiến thức của nhân loại là vô biên, không có giới hạn, và rất đa dạng về mọi
lĩnh vực. Con người muốn tiếp cận và lĩnh hội được kho tàng tri thức mênh mông bao la
đó chỉ có một cách đó là học tập. Học tập không phải một việc nhất thời, cũng không
“đóng khung” trong một khoảng thời gian hữu hạn mà phải là một quá trình suốt cả cuộc
đời con người. Nhà bác học Lê-nin đã từng nói “Học, học nữa, học mãi”, đó là cách
nhanh nhất, đơn giản nhất và hiệu quả nhất để có được tri thức.
Ngay từ khi chúng ta 2 - 3 tuổi đã trải qua quá trình học tập, đó chính là học cách ăn,
học cách nói. Như vậy có thể hiểu “học” là quá trình con người tiếp thu, lĩnh hội kỹ năng,
kiến thức, kinh nghiệm của con người.  Thông qua học tập, con người có thể chiếm lĩnh
mọi kiến thức về đời sống, khoa học.  “Học nữa” được hiểu như một lời thúc giục, nhắc
nhở con người không nên ngừng nghỉ sự học tập mà phải học xuyên suốt, liên tục, phải
học nhiều hơn, sâu rộng hơn. “Học mãi” là muốn nói đến thời gian học tập, cần phải học
tập suốt đời, học không bao giờ là thừa và mãi mãi vẫn không đủ. 
Vậy tại sao chúng ta phải học? Trong xã hội để làm bất cứ công việc nào cũng cần phải
có hiểu biết. Muốn hiểu biết thì phải học, muốn làm tốt công việc thì phải “học”, có học
mới có đủ tri thức, giúp bản thân tự tin hơn trong công việc, trong cuộc sống
Câu nói của Lê-nin đã nhắc nhở hết thảy nhân loại phải học tập và học tập ngay hôm
nay, không nên chần chừ việc học, phải học tập không ngơi nghỉ và học mãi đến hết đời.
Trước tiên, con người khi sinh ra đã phải học cách sinh tồn và thích nghi với cuộc sống.
Học từ những điều đơn giản đến phức tạp, học ăn, học nói, học đọc, học viết rồi mới học
về các tri thức của cuộc sống. Sâu xa hơn chúng ta còn học để khám phá những điều mới
mẻ, học cách làm người và học để có thể giúp đỡ cho mọi người.
Học là quá trình tích lũy lâu dài, bởi vậy chúng ta phải “học nữa, học mãi”, dù ở đâu,
làm gì, ở bất cứ lứa tuổi nào chúng ta cũng cần học tập để hoàn thiện, nâng cao hiểu biết
của bản thân. Hiểu biết của mỗi con người thì có hạn, những kiến thức ta có được vốn rất
ít ỏi, nhỏ bé như ai đó đã từng nói rằng “Những điều ta biết chỉ là một hạt cát giữa sa
mạc”. Nếu cuộc sống chỉ quẩn quanh trong một không gian chật hẹp, bé nhỏ như một
ngôi nhà, một khu phố, một làng quê, nếu chúng ta chỉ học trong một thời gian ngắn rồi
ngừng lại mà không chịu tìm hiểu học hỏi thêm nữa thì hiểu biết chỉ giới hạn ở đó mà
thôi. Bởi vậy, mà chúng ta cần phải học tập, thông qua học tập chúng ta mới hiểu biết
hơn, mới thoả những sự tò mò và sức sáng tạo của mình. Người ham học là người không
bao giờ thỏa mãn với những gì mình biết, phải thắc mắc, tìm tòi, lý giải những cái mới,
những cái khó để nâng cao hiểu biết của bản thân. Việc học không phân biệt độ tuổi, trình
độ hay ngành nghề, mọi công dân đều có nghĩa vụ và trách nhiệm phải học. Dù là khi còn
nhỏ hay đã về già, tuổi tác hay thời gian không thể làm ngăn trở việc học. Dù chỉ còn một
ngày để sống thì sự học ấy vẫn phải tiếp tục diễn ra.
Chăm chỉ học tập giúp chúng ta mở mang trí thức, tự tin vào bản thân hơn. Học nhiều,
hiểu biết nhiều sẽ làm được nhiều việc có ích, năng cao thu nhập, giúp đỡ những người
học kém hơn mình. Việc học giúp chúng ta chạm đến những ước mơ mà từ nhỏ từng ấp
ủ, giúp ta giải quyết những vấn đề đặt ra một cách logic và hiệu quả hơn nhiều. Học càng
cao, càng giỏi giang ta càng khẳng định được chính mình trong các mối quan hệ xã hội,
tạo sự tin tưởng và làm nền cho tương lai. Từ đó,ta có thể nghiên cứu sâu rộng rộng hơn,
đưa nền giáo dục nước nhà sánh ngang với thế giới, năm châu.
Học, học nữa, học mãi, việc học cứ thế theo chúng ta suốt cả cuộc đời. Chẳng ai bảo
người già là không phải học, chẳng ai dám chắc những người kém may mắn bị khiếm
khuyết các bộ phận trên cơ thể là không phải vất vả với việc học. Bạn thường nghĩ khi về
già có lẽ mình sẽ dành khoảng thời gian còn lại để nghỉ ngơi, vui vẻ bên con cháu vì
mình đã dành quá nhiều thời gian để học. Cấp một thì phải học viết, học tính, học để có
thể lên cấp hai. Rồi khi lên cấp hai thì lại gấp rút ôn luyện để vào được trường cấp ba
mong muốn. Nhưng bạn cũng chỉ có thể nhẹ nhõm một khoảng thời gian đầu sau khi
vượt qua kì thi lên cấp ba. Rồi cơn ác mộng của học sinh mới chính thức bắt đầu, bạn sẽ
không còn nhiều thời gian để chơi bời như hồi cấp hai, nhiều tuổi hơn đồng nghĩa với
việc bạn phải có trách nhiệm với bản thân mình, bạn nhận ra rằng chỉ có học là con
đường ngắn nhất để dẫn đến thành công, và cũng vì thế, bạn bắt đầu tham gia các lớp học
thêm để cải thiện trình độ, nâng cao năng lực chuẩn bị cho kì thi lên đại học. Tưởng đâu
chỉ cần học là đủ nhưng rồi những tháng còn lại của năm học cấp ba, đó là khoảng thời
gian tươi đẹp nhất của thời học sinh. Lúc đó bạn lại chợt nhận ra trong khoảng thời gian
ấy mình bỏ lỡ nhiều quá, vẫn còn nhiều lời chưa nói, nhiều tâm sự chưa được giãi bày,
bạn vẫn còn muốn níu kéo lại khoảnh khắc ngồi trong lớp nghe thầy cô giảng bài, mặc dù
trước đó bạn vẫn thầm mong đến giờ ra chơi để thoát khỏi những thứ tri thức đáng sợ
khiến bạn buồn ngủ. Khi con người dần mất đi một thứ gì đó họ mới lại biết trân trọng
nó, khi nhận ra được giá trị của nó thì cũng đã muộn, vì vậy mọi người bắt đầu phải học
cách chấp nhận, học cách tự an ủi lấy bản thân mình và sống sao cho thật có ý nghĩa với
những ngày tháng còn lại. Những gương mặt lạ hoắc, những giận hờn, kéo bè kéo cánh
bắt nạt nhau thủa đầu mới vào cấp ba đã biến mất từ lúc nào không biết và theo đó là
những mối quan hệ phức tạp, tình cảm bạn bè khăng khít như anh em chung một nhà vậy.
Tất cả, tất cả rồi sẽ qua đi và ta sẽ phải học cách chấp nhận.
Thực tế chứng minh, càng ham học càng dễ thành tài. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng bôn
ba qua nhiều nước, trải qua nhiều nghề cùng với sự chăm chỉ tôi luyện mà có vốn học
thức sâu rộng, tài ba, thành thạo nhiều thứ tiếng khác nhau. Mạc Đĩnh Chi con nhà nghèo,
ngày học lỏm ở trường, đêm về bắt đom đóm lấy ánh sáng học, mà thành tài. Anh Lê Vũ
Hoàng ở Quảng Bình mẹ bị bệnh nặng, nhà lại nghèo không có tiền chữa chạy, nhưng
bằng sự nỗ lực, phấn đấu học tập cùng khao khát chiến thắng đã giúp anh đến được đỉnh
vinh quang của vòng nguyệt quế. Và còn nhiều nhiều những tấm gương khác trong đời
sống bằng quá trình rèn luyện và học hành mà thành.
Khiêm tốn học hỏi mọi nơi dù ở đâu, làm gì bởi kiến thức có ở quanh ta. Vì vậy hãy
hành động và kết tinh cho mình những tri thức tuyệt vời của nhân loại. Câu nói của Lê-
nin mang nhiều giá trị, soi rọi, dẫn lối cho mỗi chúng em bước tiếp những bước tiến trên
con đường học vấn của mình để thành công, trước hết là cho chính mình, sau nữa là
mang vinh quang về cho gia đình, quê hương đất nước. Hiện nay, có một số bạn vì lười
biếng, chơi bời, cùng những cám dỗ mà các bạn trẻ tốn thời gian, hoang phí vào những
thứ vô bổ, tụ tập ăn chơi, phí hoài tuổi thanh xuân. Bỏ bê việc học tập, không quan tâm
đến trường lớp, bạn bè, thầy cô, điều đó thật sự rất tai hại.
Học tập là cả một quá trình, không phải là một giai đoạn hay một nghĩa vụ mà nó phải
xuất phát từ nhu cầu và mục đích của việc học. Câu nói “Học, học nữa, học mãi” của Lê-
nin mãi là một chân lý, một kim chỉ nam cho những ai khát khao học hỏi, khát khao khám
phá, khát khao thành công trong cuộc sống. Thế hệ trẻ chúng ta hãy cố gắng hơn nữa để
có thật nhiều trải nghiệm trong cuộc đời, bồi đắp cho bản thân những điều hữu ích nhằm
vươn tới ước mơ, góp phần dựng xây đất nước. Hãy cứ học, cứ phấn đấu rồi một ngày
không xa, bạn sẽ chạm tới những niềm vui mà tri thức mang lại.

You might also like