You are on page 1of 1

.

Sự du nhập Hồi giáo vào Việt Nam


     Hồi giáo truyền vào khu vực Đông Nam Á khá sớm, khoảng thế kỷ XI, XII. Nếu so với các
khu vực Hồi giáo khác trên thế giới, thì việc truyền bá Hồi giáo vào Đông Nam Á chủ yếu bằng
con đường “hoà bình” qua những thương nhân Ảrập, Ấn Độ, Ba Tư. Những thế kỷ đầu sau khi ra
đời, Hồi giáo phát triển nhanh như vũ bão bằng chiến tranh với công thức “thanh gươm – vó
ngựa – kinh Qur’an”. Tuy nhiên, khi chinh phục được Ấn Độ, đoàn quân Hồi giáo đã mệt mỏi,
lại đứng trước biển cả mênh mông đã cản bước tiến quân các chiến binh Hồi giáo đến khu vực
Đông Nam Á nên Hồi giáo đành phải truyền bá đến đây qua các thương nhân và các giáo sỹ.
Chính sự du nhập và phát triển bằng con đường “hoà bình”, lại từ nguồn Hồi giáo Ấn Độ đã dung
hoà với văn hoá Ấn Độ nên Hồi giáo ở khu vực Đông Nam Á thường bị pha trộn với tín ngưỡng,
phong tục tập quán địa phương. Điều này khác hẳn với những nơi Hồi giáo bành trướng bằng
những cuộc chiến tranh chinh phục. Hồi giáo khu vực Đông Nam Á nói chung, ở Việt Nam nói
riêng ít chịu ảnh hưởng của tư tưởng chủ nghĩa Hồi giáo như một số khu vực khác.
   Hồi giáo du nhập vào Việt Nam qua các thời điểm khác nhau. Theo Tống sử Trung Quốc thì
thế kỷ X đã thấy người Chăm khi giết trâu để cúng, họ đều cầu nguyện câu kinh đề cao Thượng
đế Allah của người Hồi giáo, điều này có thể giả định từ thế kỷ thứ X, Hồi giáo đã được truyền
vào đất Chiêm Thành.
    Vậy có thể nói: Từ thế kỷ X, tín ngưỡng Hồi giáo đã manh nha ở Vương quốc Chămpa thông
qua các thương nhân từ Trung Cận Đông đem vào, gây ảnh hưởng nhất định trong đời sống tâm
linh người Chămpa. Nhưng Hồi giáo không phát triển, có lẽ vì lòng sùng tín thần thánh Bàlamôn
giáo, tập tục, lễ nghi cùng chế độ mẫu hệ đã bén rễ ăn sâu, trở thành truyền thống trong xã hội
Chămpa, trải qua hơn nghìn năm không dễ gì thay đổi. Vì vậy, ở Vương quốc Chămpa cổ vào
khoảng trước năm 1470 Hồi giáo chưa phải là tôn giáo chính thống của người Chăm.
      Sau năm 1470, một bộ phận cư dân Chămpa lưu tán đã tiếp xúc với người Malaysia,
Indonesia, Campuchia… và họ bắt đầu tìm hiểu Hồi giáo ở các nước đó, nhiều người Chăm bỏ
tôn giáo truyền thống (đạo Bàlamôn) để theo Hồi giáo. Những người Chăm khi tiếp thu được tôn
giáo mới, họ quay về nước để truyền lại cho đồng bào mình. Từ đó Hồi giáo có chỗ đứng đáng kể
trong cộng đồng cư dân Chămpa và chính thời điểm này sự giao hoà giữa đạo Islam và đạo
Bàlamôn đã sản sinh ra một tôn giáo mới của người Chăm, đó là đạo Bàni tại miền Nam Trung
bộ.
    Vào năm 1840, dưới triều Nguyễn, quan bảo hộ Chân Lạp là Trương Minh Giảng bị quân của
An Dương – Campuchia đánh bại phải rút chạy về vùng thượng nguồn sông Tiền (Châu Đốc –
An Giang ngày nay) mang theo quân lính và người Chàm, người Mã lai theo Hồi giáo, lúc đó nhà
Nguyễn dựa vào lực lượng này lập các đội quân để giữ biên giới. Từ đó hình thành vùng thứ hai
theo Hồi giáo chính thống của người Chăm – đạo Islam.
   Những năm cuối thế kỷ XVIII và đầu thế kỷ XIX, vùng Sài Gòn – Gia Định mở rộng giao lưu
buôn bán với một số quốc gia phương tây, từ đó trở thành trung tâm buôn bán của Nam bộ. Các
thương nhân đã thu nhận người Malaysia, Indonesia, Ấn Độ theo Hồi giáo. Tuy nhiên, cho mãi
đến cuối thế kỷ XIX khi Nam bộ bị Pháp chiếm đóng, quá trình giao thương với bên ngoài ngày
càng phát triển, là môi trường và điều kiện để cho người Malaysia và Indonesia nhập cư vào đất
này đông hơn. Ngoài ra, trong khoảng thời gian từ năm 1880 – 1890, ở Gia Định cũng xuất hiện
một bộ phận người Ấn Độ, Pakistan có tín ngưỡng Hồi giáo là những thương nhân làm nghề
buôn bán tơ lụa, đồ gia vị cho những tiệm buôn, quán ăn. Đó là nguồn gốc hình thành cộng đồng
cư dân ngoại lai theo Hồi giáo ở TP. Hồ Chí Minh cho tới ngày nay.

You might also like