You are on page 1of 18

Quá trình định cư của người Chăm ở An Giang

Nằm ở khu vực đầu nguồn của đồng bằng sông Cửu Long, An Giang là vùng
mang đặc thù của vùng đất nông nghiệp, vừa có đồng bằng, vừa có đồi núi, có đường
biên giới giáp với Campuchia dài gần 100km. Ngoài ra, nơi đây còn là tỉnh có nhiều
thành phần dân tộc cùng sinh sống như : Kinh, Chăm, Hoa, Khmer đã tạo nên nét độc đáo
riêng cho văn hóa các dân tộc ở An Giang và nét chung của văn hóa dân tộc Việt Nam.

Về lịch sử hình thành cộng đồng người Chăm ở An Giang đến nay vẫn còn nhiều ý
kiến khác nhau với những cứ dẫn không giống nhau. Tuy nhiên, căn cứ vào một số tài
liệu dân tộc học và một số hiện vật còn lưu giữ đặc biệt là quyết định xác minh cộng
đồng dân tộc của tổng cục thống kê Việt Nam ngày 02/03/1979 cho phép ta có thể kết
luận: Người Chăm ở An Giang và người Chăm ở khu vực Nam Trung Bộ đều chung một
nguồn gốc lịch sử từ lâu đời. Kể cả người Chăm ở thành phố Hồ Chí Minh, Tây Ninh và
Campuchia (Lâm Tâm, 1994).

Người Chăm từng là tộc người sinh sống lâu đời trên lãnh thổ Việt Nam, từng là
cư dân thuộc vương quốc Champa. Trong lịch sử, họ đã đạt được một trình độ cao về tổ
chức xã hội và đã sản sinh ra một nền văn hóa phong phú và độc đáo. Về nguồn gốc tộc
người, các nhà khoa học đã xếp người Chăm vào nhóm Malayo- Polynesian. Cùng chung
nhóm với cư dân này, ở Việt Nam còn có các dân tộc như Êđê, Giarai, Churu, Raglai. Có
thuyết cho rằng, các tộc người này là con cháu của cư dân đến từ thế giới đảo (Phú Văn
Hẳn, 2019). Vào những thời kỳ vàng son nhất, lãnh thổ Champa trải dài từ Nam Đèo
Ngang (tỉnh Quảng Bình) đến tận dảy đất bờ bắc sông Đồng Nai (tỉnh Bình Thuận), lan
tỏa lên cả vùng Cao Nguyên đại ngàn hùng vĩ cùng hệ thống các đảo ven biển miền
Trung, tồn tại từ thế kỷ thứ II cho đến thế kỷ thứ XIX. Trong quá trình hình thành và phát
triển, do kế thừa từ văn hóa cội nguồn của tộc người (văn hóa Sa Huỳnh) cũng như tiếp
thu hội nhập văn hóa Ấn Độ, người Chăm đã góp phần tạo ra một nền văn hóa đặc sắc,
mang bản sắc riêng, có nhiều đóng góp quan trọng trong lịch sử văn hóa dân tộc và tỏa
sáng cho đến tận ngày nay. Nhưng quốc gia thịnh vượng ấy không nằm ngoài số phận các
cuộc chiến tranh với các quốc gia lân cận. Trong suốt quá trình tồn tại, Champa từng xảy
ra nhiều cuộc chiến tranh với người Khmer (Angkor), cuộc chiến chống quân Mông
Nguyên và cuộc chiến day dẳng với Đại Việt ở phía Bắc đã làm cho Champa từ một đất
nước giàu có dẫn đến suy kiệt trầm trọng.

Thế kỷ thứ X là cột mốc đánh dấu cho thời kỳ huy hoàng nhất trong lịch sử phát
triển của vương quốc Champa, nhưng cũng mở ra giai đoạn khó khăn liên tiếp khi
Champa bắt đầu đối phó với “một dân tộc hùng cường ở phía Bắc: người Đại Việt, không
cùng một nguồn gốc văn hóa và cũng không tha thứ tính hiếu chiến của dân Chàm”
(Nguyễn Văn Luận, 1974, trang 27). Dân tộc này vừa thoát khỏi ách đô hộ của Trung
Hoa để thành một quốc gia có chủ quyền. Kể từ đó, vương quốc Đại Việt khởi đầu tạo áp
lực đối với Champa ngày càng lớn mạnh, gây ra sự sụp đổ Vijaya (Đồ Bàn) vào năm
1471, kéo theo cuộc Nam Tiến nhằm xâm chiếm lãnh thổ phía Bắc của Champa đồng
thời phá tan cả truyền thống Ấn giáo, vốn là yếu tố cơ bản trong tiến trình phát triển nền
văn minh của vương quốc này (Lafont, 2012).

Từ giai đoạn ấy, Champa chấm dứt sự tồn tại của mình như một quốc gia độc lập.
Champa tiếp tiệc phải lui dần để rồi chấm dứt hẳn sự tồn tại của mình như một nước chư
hầu vào năm. Trong suốt các cuộc chiến tranh ấy, đời sống của người dân ngày càng trở
nên khó khăn. Hậu quả là nhiều binh lính, người dân bị bắt làm nô lệ, nền kinh tế
Champa trở nên kiệt huệ, nhiều hệ thống đền đài, thành quách bị tàn phá. Những khó
khăn ấy đã khiến cho đông đảo thành phần người dân Chăm phải rời bỏ quê hương đất tổ
để đến những nơi khác sinh sống “họ trốn lên miền núi với người Thượng, sang
Campuchia, bỏ xứ mà đi sang Sumatra. Chỉ có đàn bà, những kẻ hèn nhát và người già
cùng con nít ở lại thôi” (Nguyễn Văn Luận, 1974, trang 28).

Ở Campuchia, các dấu vết của các cuộc di cư đó vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay
qua các địa danh như Kompong Cham (miền ven sông có người Chàm ở) hay chiếc cầu
đá Spean Cham (cầu người Chàm) và còn nhiều địa danh khác nữa chứng tỏ sự có mặt
của người Chăm cự trú trên mảnh đất Campuchia. M. Ner (1941) trong bài viết về Người
Hồi giáo ở bán đảo Đông Dương cho biết người Chăm chỉ còn nhớ mang máng những kí
ức xưa, “họ đều biết là tổ tiên mình ở vùng Phan-rang, Phan-rí đã ra đi bằng đường thủy
hay đường bộ. Những người đầu tiên có lẽ đã ghé bến Saigon, rồi theo sông Cửu-long lên
miền Kompong-Cham” hay trong cuộc nghiên cứu về nhân chủng hình thể của người
Chăm ở Campuchia, Bác sĩ G. Olivier (1951) cũng đưa ra nhận định rằng: “Những người
kỳ cựu trong bộ lạc biết rõ họ từ miền Nam nước Việt đến và tổ tiên họ đã di tản dần qua
Cần-thơ, Châu-đốc rồi Kompong Cham trước khi định cư hẳn ở những vùng quanh Nam-
Vang” (Nguyễn Văn Luận, 1974, trang 31 - 32).

Các cuộc di cư của người Chăm đến Campuchia sau năm 1471 diễn ra nhiều hơn.
Đặc biệt là sự kiện 1692 kéo theo sự sụp đổ của tiểu vương quốc Panduranga. Sau khi
chiếm được các vùng này, các Chúa Nguyễn bắt đầu việc đặt lại chế độ hành chính, quan
lại để cai trị. Triều đình lúc này đã có ý muốn đồng hóa người dân Chăm khiến cho
hoàng tộc Chăm cùng hơn 5000 người dân phải trốn sang Champuchia và được Vua
Campuchia à Chey Chetta III cho tị nạn ở Ugon (Killean, 2018).

Cuộc di cư của người Chăm không dừng lại ở đó mà liên tiếp diễn ra vào những
năm 1833, sau sự kiện Lê Văn Khôi nổi lên chống nhà Nguyễn vì được người Chăm ủng
hộ nên khi vua Minh Mạng dẹp được Lê Văn Khôi, vua Minh Mạng đã thẳng tay tàn sát
người Chăm khiến cho vua Chăm là Pô Chơn phải tư bỏ ngai vàng và trốn vĩnh viễn sang
đất Campuchia. Trong quá trình sống xa cộng đồng gốc, họ chịu ảnh hưởng của tôn giáo
Islam khá sâu đậm, vì thế các phong tục tập quán đều phải tuân thủ theo các điều luật
trong giáo lý Islam và cho đến mãi thời vua Thiệu Trị, người Chăm mới được hưởng
chính sách an dân của triều đình nhà Nguyễn, phần lớn hồi hương về sinh sống ở Châu
Đốc (Dohamide & Dorohiem, 1965).

Trong quá trình sinh sống ở Campuchia, nhân sự kiện Nam Bộ có cuộc khởi nghĩa
của Lâm Sâm ở Trà Vinh, Sóc Trăng năm 1841. Lúc bấy giờ, vua Minh Mạng xuống
chiếu cho Trương Minh Giảng rút quân về. Người Chăm và người Mã Lai được tuyển
vào quân đội nhà Nguyễn cùng gia quyến của họ đã rút theo đoàn quân của Trương Minh
Giảng. Sau đó, họ cùng gia đình cứ trú dọc sông Hậu (cù lao Koh Tambong) và Khánh
Bình (An Phú) cho đến ngày nay.

Năm 1858, cuộc dấy binh ở Campuchia do Tuon Set It- người Malaysia lãnh đạo
cũng bị thất bại cũng đã kéo quân sang lánh nạn ở vùng đất An Giang ngày nay. Vì vậy,
số đông binh sĩ của hai lực lượng này đều là những tín đồ Islam người Chăm và có cả
người Malaysia cũng về theo. Về sau, đại đa số người Chăm được triều đình nhà Nguyễn
trọng dụng trong kế hoạch lập đồn điền và phòng giữ miền biên ải, “họ được tập trung
bên rạch Binh-gỉ, sau phân phối vào 7 làng Châu-giang, Katam-bong, Phum-soài, La-ma,
Ka-côi, Ka Co-ki và Sa-bâu tổng số chừng 5000 người. Họ được chia thành 9 đội, dưới
quyền chỉ huy của một viên Hiệp quản ngụ tại Châu giang. Dấu hiệu đặc biệt của đoàn
dân binh Hồi giáo này là có đội khôn đỏ. Họ giúp ích cho người Việt nhiều trong việc
trấn giữ biên thùy, dẹp những đám giặc Miên thường nổi lên ở vùng Sóc Trăng, Trà
Vinh. Tình trạng của những người Chàm và Mã Lai còn tồn tại như vậy cho đến khi
người Pháp chiếm Châu-đốc vào khoảng tháng 6-1867” (Nguyễn Văn Luận, 1974, trang
35 - 36).

Trong có những người Chăm về An Giang, có một bộ phận là người Mã Lai. Thật
ra, nhóm được gọi là Mã Lai này không xuất phát từ một nhóm tộc người thuần nhất mà
là kết quả của những cuộc hôn nhân giữa người đàn ông nói tiếng Mã Lai đến Campuchia
làm ăn buôn bán và kết hôn với phụ nữ Khmer. Chính vì vậy người Chăm gọi họ là
“Javar – Kur”. Từ “Java” dùng để chỉ những người nói tiếng Ma Lai ở đảo Java
(Indonesia) và cũng để gọi chung cho những người nói tiếng Mã Lai ở khu vực Đông
Nam Á hải đảo, từ “Kur” dùng để gọi người Khmer. Hậu duệ của những người “Javar-
Kur” này hiện cư trú tập trung tại xóm Châu Giang thuộc thị xã Tân Châu, một ít sinh
sống tại Koh Tambong thuộc huyện Châu Phú (Sơn Nam, 2018).

Do tác động của các sự kiện lịch sử diễn ra từ nửa sau thế kỉ XVIII đã tạo nên
những đợt di dân của người Chăm sau bao nhiêu năm phiêu bạt đã trở về vùng đất Nam
Bộ Việt Nam cư trú. Do điều kiện lịch sử, người Chăm ở An Giang có mối quan hệ với
người Hồi giáo ở Malaysia, Indonesia. Từ đó, mở rộng quan hệ với cộng đồng Hồi giáo ở
khu vực Đông Nam Á và thế giới. Chính vì thế, cộng đồng người Chăm ở An Giang chịu
ảnh hưởng của người Malaysia nhiều hơn về tiếng nói, tín ngưỡng so với những đồng tộc
của họ ở khu vực miền Trung. Tuy vậy, người Chăm theo Hồi giáo ở An Giang và người
Chăm ở khu vực miền Trung vẫn cùng một dân tộc chung trong lịch sử. Họ đều có chung
một nguồn gốc, cùng một tiếng nói một nguồn gốc Chăm cổ truyền và họ biết rõ về tính
cộng đồng nguồn gốc này.

Qua các tư liệu kể trên, chúng tôi có thể khẳng định: quá trình cư ngụ của người
Chăm ở An Giang không phải từ miền Trung trực tiếp đến An Giang mà họ đã đến
Campuchia trước. Về sau, họ từ Campuchia đến cư ngụ tại An Giang, dưới sự giúp đỡ
của nhiều thành phần tổ chức khác nhau, trong đó có cả người Mã Lai sống ở
Campuchia. Không cùng một thời gian mà quá trình chuyển cư diễn ra theo các sự kiện
diễn biến theo từng giai đoạn. Ban đầu, họ đến cư ngụ tại Châu Giang, sau đó phát triển
dọc theo sông Hậu. Vì thế cho nên có thể nói người Chăm An Giang ngày nay chính là
“cộng đồng dân tộc trong nhiều nguồn gốc dân tộc khác nhau” (Võ Thành Phương,
2015, trang 10).

Trải qua quá trình định cư lâu dài ở An Giang, cộng đồng người Chăm đã tạo nên
một vị trí riêng, một bản sắc riêng rất độc đáo trong nền văn hóa Việt Nam, góp phần
không nhỏ cho bức tranh văn hóa của vùng đất này ngày hôm nay. Cộng đồng người
Chăm ở An Giang là một trong bốn dân tộc cùng sinh sống tại An Giang và chiếm số
lượng cao nhất trong cả cộng đồng người Chăm ở đồng bằng sông Cửu Long. Theo Đia
chí An Giang 2007, số liệu của Viện Quốc gia Thống kê (của chính quyền Sài Gòn) cho
biết vào năm 1971, ở tỉnh Châu Đốc (tỉnh An Giang ngày nay) có 8.588 người Chăm.
Đến ngày 5 tháng 2 năm 1976 có 8.656 người Chăm. Đến năm 1979 dân số người Chăm
tăng lên 11.995 người. Đến ngày 1 tháng 4 năm 1989 theo số liệu điều tra dân số, toàn
tỉnh An Giang có 11.585 người Chăm, dân số có phần giảm đi so với thời điểm 1979 (Địa
chí An Giang, 2007, trang 204).
Sự biến động lớn về tình hình dân số của người Chăm ở đây có thể do điều kiện
lịch sử ít nhiều tác động đến như sự kiện Pháp trở lại xâm lược Việt Nam sau năm 1954,
một bộ phận người Chăm đã bỏ Châu Đốc đi lánh nạn, đến Sài Gòn lập nghiệp hay sang
tận Campuchia sinh sống. Thêm vào đó, trận lụt gây thiệt hại lớn năm 1966 ở Châu Đốc
khiến cho nhiều làng người Chăm bị ảnh hưởng và người Chăm phải di chuyển đến khu
vực Sài Gòn sinh sống và định cư hẳn tại đây. Mặt khác, sau khi đất nước thống nhất,
nhiều người Chăm từ thành phố Hồ Chí Minh trở về quê cũ để làm ăn sinh sống, khiến
dân số tăng nhanh vào năm 1979. Tuy nhiên, cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam ở giai
đoạn này một lần nữa khiến người Chăm phải rời bỏ quê hương trở lại thành phố Hồ Chí
Minh sinh sống.

Theo thống kê vào năm 2001, người Chăm ở An Giang có 2.039 hộ với số dân
khoảng 13.060 người (Nguyễn Mạnh Cường, 2010, trang 117). Đến năm 2009, theo số
liệu của Cục thống kê tỉnh An Giang, số hộ người Chăm ở toàn tỉnh tăng lên 14.209
người với 6.977 nam và 7.232 nữ (chiếm 0,61% dân số toàn tỉnh) sống chủ yếu tập trung
gần masjid thì gọi là Puk Sammagik (làng, xóm thánh đường) hay sống gần surau thì gọi
là Puk Surau, xen kẽ với người Kinh. Song người Chăm ở Nam Bộ nói chung và An
Giang nói riêng đều thống nhất chia khu vực cư trú cấp cơ sở địa phương là jammaah có
nghĩa như làng xóm của người Việt. Có thể liệt kê tình hình phân bố dân cư của người
Chăm ở An Giang như sau:

STT Huyện Xã Ấp Tên làng


1 An Phú Quốc Thái Đồng Cô Ky Koh Kaghia
2 Vĩnh Lama Koh Plao Ba
Trường
3 Đa Phước Phước Koh Kaboak
Thành
4 Nhơn Hội Ka Koi Koh Ghoi
5 Châu Phú Khánh Bình Sa Bâu Prek Sabau
6 Khánh Hòa Khánh An Koh
Taboong
7 Tân Châu Châu Phong Châu Giang Mat Chruk
8 Phũm Xoài Puk Paok
9 Châu Thành Vĩnh Hanh
Bảng: Tên gọi một số làng người Chăm ở An Giang

Văn hóa tộc người Chăm ở An Giang có sự hòa huyện cùng tôn giáo đã tạo nên
bản sắc riêng và đặc trưng của họ. Mọi mặt trong đời sống văn hóa và tình thần ngoài
việc tuân thủ các quy định chung của pháp luật Việt Nam mà còn phải tuân thủ các giáo
luật của tôn giáo Islam. Họ sống quần tụ, hoàn thuận giúp đỡ lẫn nhau trong các xóm,
làng. Đời sống của cộng đồng dân tộc Chăm mang đặc điểm tôn giáo thông qua các ngày
lễ hội lớn như Ramadan, Tết Roya, thông qua việc cầu nguyện 5 lần một ngày thể hiện
lòng thành kính đối với Thượng Đế.

Về hoạt động kinh tế

Hoạt động kinh tế của người Chăm ở An Giang là sự kết hợp giữa các hoạt động
buôn bán, dệt thủ công, đánh bắt cá và sản xuất nông nghiệp.

Về buôn bán, trước khi đất nước thống nhất, có khoảng 60 đến 70% số hộ người
Chăm làm nghề buôn bán. Đặc điểm của hoạt động buôn bán, trao đổi của họ là không
mở cửa hiệu buôn bán tại nơi cư trú mà là mua hàng hóa trao đổi giữa các nơi. Trước
năm 1945, người Chăm thường dùng thuyền mang hàng hóa của mình đi buôn bán giữa
Việt Nam và Campuchia. Từ sau năm 1954, do không cạnh tranh nổi với người Hoa và
người Việt, nên bị phá sản dần và chuyển thành những người buôn lẻ từng chuyến. Một
số khác trở thành người buôn bán dạo các mặt hàng tiêu dùng hàng ngày. Hàng hóa trao
đổi mua bán của họ thường là vải, quần áo may sẵn, dép nhựa, kim chỉ,…ngoài ra còn
một số người mua bán các loại dược liệu, thuốc dân tộc. Người Chăm làm nghề buôn bán
thường đi khắp nơi, đi đến đâu bổ sung nguồn hàng đến đó và mang đến các chợ nông
thôn, nơi xa hơn để bán hoặc đến tận từng nhà ở những vùng xa xôi để bán. Có người còn
đưa hàng hóa của họ đến tận các vùng Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, Trung Bộ hay sang
tận Campuchia đế bán. Mỗi chuyến buôn thường kéo dài tận 15 ngày đến một tháng, có
khi tận hai ba tháng. Tuy nhiên, người Chăm không đi buôn quanh năm mà vào các dịp lễ
lớn như Ramadan (tháng 9 Hồi lịch), dịp Tết (cuối tháng 12 Hồi lịch) họ sẽ nghĩ. Bên
cạnh đó, một số bộ phận người Chăm chỉ đi buôn bán vài tháng trong năm, tới mùa nước
nổi họ lại trở về quê đánh cá.

Trong những năm gần đây việc buôn bán phải di chuyển xa của người Chăm có
phần giảm đi, do việc vận chuyển hàng hóa từ vùng đô thị về nông thôn có phần dễ dàng
hơn và việc trao đổi buôn bán, mở cửa hàng tạp hóa ở nông thôn trở nên phổ biến hơn.
Mặc khác, một số khác không còn hoạt động buôn bán do có chính sách hỗ trợ vốn,
khuyến khích sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi của chính quyền địa phương đối với người
Chăm.

Nghề dệt thủ công là một trong những nghề thủ công truyền thống của người
Chăm từng được nhiều người yêu thích do chất lượng tốt, nhồ kỹ thuật nhuộm và các
kiểu hoa văn rất đặc sắc. Nghề thủ công nổi tiếng nhất là nghề dệt hàng thổ cẩm, vải tơ
lụa in hoa đẹp mắt. Tại An Giang, có nhiều ấp, khu vực chuyên làm nghề dệt vải như ấp
Phum Soài, ấp Phú Hiệp, xã Châu Phong, thị xã Tân Châu, xã Đa Phước huyện An Phú,
xã Khánh Hòa, huyện Châu Phú. Sản phẩm làm ra rất đa dạng với nhiều mục đích sữ
dụng khác nhau: từ loại phục vụ cho các nhu cầu hằng ngày của cuộc sống như khăn
choàng tắm, xà rông cho nam giới đến các mặt hàng thổ cẩm cao cấp dùng để may quần
áo, túi xách, bóp… đặc biệt là các tấm thổ cấm đủ loại, đủ màu sắc được kết hợp với
nhau rất đa dạng tạo nên nát đặc trưng riêng qua từng sản phẩm dệt, trong đó phải kể đến
là làng dệt Chăm Châu Phong.

Theo tập quán Hồi giáo, người phụ nữ Chăm bị hạn chế tham gia vào các hoạt
động xã hội nên nghề dệt trở nên phù hợp với họ và quy tụ được nhiều lao động phụ nữ
tham gia. Những sản phẩm của người Chăm có thời kỳ được buôn bán rộng rãi trên thị
trường nội địa do chất lượng sả phẩm tốt, độ tinh xảo khéo léo, có điều kiện tiếp xúc với
nhiều thị trường khác nhau. Tuy nhiên, trong những năm gần đây nghề dệt chưa có điều
kiện phát triển mạnh vì hàng vải công nghiệp ngày càng rẻ, quần áo may sẵn được bày
bán ở khắp nơi. Hiện nay, chính quyền địa phương đang tìm các biện pháp để hỗ trợ
người dân Chăm nhầm xây dựng các làng nghề truyền thống, cải thiện kỹ thuật để đẩy
mạnh sản xuất.

Nghề đánh bắt cá: Trước năm 1975, người Chăm ở An Giang gắn bó với nghề
đánh cá trên sông, người Chăm sống dọc theo hai bờ sông Hậu nên có điều kiện thuận lợi
trong nghề đánh bắt các loại cá nước ngọt. Công cụ đánh bắt cá của người Chăm cũng rất
đa dạng như các loại chài, lưới, nôm, câu… Đồng bào Chăm thường chia thành 3 vụ đánh
cá (tính theo âm lịch): từ tháng 3 tới cuối tháng 5; từ tháng 6 đến cuối tháng 8; từ tháng 9
năm trước đến tháng 3 năm sau. Trong những năm gần đây, nghề đánh bắt cá đã giảm đi
rất nhiều vì số lượng cá ít dần, do đó ngư dân chỉ là thành phần nhỏ trong cơ cấu ngành
nghề ở An Giang. Hiện nay nghề đánh cá đóng vai trò là hoạt động kinh tế chính của gia
đình có khoảng 183 hộ gia đình sống bằng nghề chày lưới, đánh cá tập trung nhiều nhất
là các khu vực người Chăm sinh sống ở Vĩnh Trường, Đa Phước, Khánh Hòa. Bên cạnh
đó, vì nguồn tài nguyên cá tôm dần cạn kiệt nên một số bộ phận người dân Chăm chuyển
sang hình thức nuôi cá bè, cá basa. Với cách chuyển đổi này, người Chăm chịu thua thiệt
nhiều do cần phải có vốn đầu tư nhiều trong khi đa sô nông dân Chăm vẫn còn rất nghèo.

Sản xuất nông nghiệp: quá trình cộng cư cùng sinh sống với tộc người Khmer và
người Việt, người Chăm đã áp dụng kỹ thuật nông nghiệp vốn có của mình kết hợp với
tiếp thu các kỹ thuật của tộc người khác trong quá trình canh tác, cải tạo tự nhiên, biến
đất hoang thành ruộng vườn, từng bước biến đổi bộ mặt hoang vu của vùng đất An Giang
thành những vùng cù lao màu mỡ, cánh đồng trĩu nặng phù sa. Việc canh tác cũng ngày
càng hiện đại hơn do được cơ giới hóa các bước trong khâu làm đất và phần lớn người
Chăm thuê dịch vụ máy để thu hoạch. Người Chăm vốn là những cư dân có nhiều kinh
nghiệm trong sản xuất nông nghiệp nhưng thiếu ruộng đất để canh tác. Do đó để phát
triển kinh tế, đời sống cộng đồng Chăm thì việc quan tâm giải quyết đất sản xuất cho
cộng đồng Chăm là điều rất cần thiết đặc biệt là trong giai đoạn phát huy vai trò của cộng
đồng Chăm trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Chính quyền tỉnh
An Giang từng bước có những biện pháp nhằm ổn định đời sống, phát triển sản xuất ở
vùng cư trú của người Chăm.
Về lĩnh vực xã hội

Nhiều năm qua, các kết cấu cơ sở hạ tầng của người Chăm từng bước được quan
tâm, đầu tư và phát triển. Cầu, đường, hệ thống đường sá, giao thông nông thôn, trường
học, trạm y tế, điện lưới quốc gia, hệ thống cấp nước sinh hoạt… được đầu tư xây dựng.
Các khu vực cư trú thường hình thành chợ tạo thuận lợi cho người Chăm trong việc mua
bán trao đổi hàng hóa. Nhiều chương trình, đề án, các chính sách hỗ trợ của Trung ương
và của tỉnh như các chương trình 135, 134, chương trình điện nước nông thôn, chương
trình hỗ trợ vốn để khôi phục và phát triển ngành nghề thủ công truyền thống, đào tạo
nghề, việc làm, xuất khẩu lao động,.. được quan tâm và thực hiện trong nhiều năm qua.

Phong tào “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” được
người Chăm hưởng ứng và thực hiện rất tốt. Các lễ hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch của
đồng bào Chăm ngày càng được cải tiến về nội dung và hình thức, đáp ứng hiệu quả nhu
cầu trong sinh hoạt văn hóa, tinh thần của người Chăm, được nâng lên thành lễ hội chính
thức của tỉnh, được luận phiên tổ chức hằng năm tại các khu vực có đồng bào người
Chăm sinh sống.

Về giáo dục đào tạo- Đối với người Chăm theo Islam giáo, vấn đề giáo dục được
đặt lên hàng đầu. Ngay từ khi đứa trẻ được sinh ra, cha của đứa trẻ đã thường xuyên đọc
các quy định trong bài kinh của tôn giáo Islam. Đến lúc 6 tuổi, vào mỗi buổi sáng hay
chiều, các trẻ em Chăm phải đến trường để được các Tuol (thầy) truyền dạy giáo lý. Giáo
trình để giảng dạy là Kidam (sách dạy vỡ lòng) và kinh Qur’an (sách dạy giáo lý). Qua
một thời gian (từ 3 đến 4 năm) đứa trẻ có thể đọc thông thạo chữ Ả Rập, thuộc lòng các
nội dung giáo lý.

Bên canh giáo dục dạy chữ Ả Rập và giáo lý Islam trong nội bộ cộng đồng, con
em của người Chăm cũng tham gia vào chương trình giáo dục chung như các dân tộc
khác. Trước đây, cộng đồng người Chăm chỉ quan tâm đến vấn đề dạy chữ Ả Rập để đọc
kinh Qur’an và học giáo lý nhưng trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển kinh
tế xã hội của đất nước, người Chăm cũng quan tâm nhiều hơn đến vấn đề học tiếng Việt
để giao lưu với các tộc người khác và nâng cao trình độ về dân trí. Hiện nay, toàn tỉnh An
Giang có hai trường dạy song ngữ Việt- Chăm ở Khánh Hòa (Châu Phú) và Phú Hiệp
(Tân Châu), vẫn chưa có trường trung học phổ thông nội trú dành cho con em người
Chăm. Học sinh Chăm trong tỉnh được miễn học phí và miễn đóng các loại quỹ hằng
năm. Hàng năm, học sinh Chăm cũng ứng tuyển vào các trường đại học và dự bị đại học.
Bên cạnh đó, nhiều con em người Chăm còn được cử đi du học ở Malaysia và Indonesia.

Để chăm sóc sức khỏe cho cư dân Chăm, tất cả các khu vực có người Chăm sinh
sống đều có trạm y tế kiên cố có đầy đủ bác sĩ, hộ sinh, điều dưỡng, dược sĩ và được trag
bị đầy đủ các trang thiết bị. Ngành y tế còn thường xuyên tổ chức khám bệnh, cấp thuốc
miễn phí cho các hộ diện chính sách, hộ nghèo của người Chăm. Các hoạt động tuyên
truyền về vệ sinh phòng bệnh, dân số và kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh
sản… được tiến hành thường xuyên góp phần nâng cao nhận thức và kiến thức bảo vệ
sức khỏe trong cộng đồng dân tộc Chăm.

Về phong tục tập quán của người Chăm Islam

Do những nguyên nhân lịch sử diễn ra trong suốt thời gian rời cố hương và định
cư ở tả ngạn song Tiền, cù lao Katambong và ở vùng Châu Đốc, dọc theo hai bờ song
Hậu, rồi di cư lên Sài Gòn- Gia Định-Chợ Lớn nay là Thành phố Hồ Chí Minh, Tây
Ninh, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước làm cho đời sống văn hóa
của cộng đồng Chăm có những khác biệt so với cộng đồng Chăm Jat và cộng đồng Chăm
Bà ni Ninh Thuận, Bình Thuận. Người Chăm ở An Giang đã gần như quên lãng các lễ
hội cổ truyền mà người Chăm ở Ninh Thuận, Bình Thuận vẫn duy trì như Kate,
Chabur,…thay vào đó là các tập tục Islam giáo như cầu nguyện 5 lần mỗi ngày, hành
hương đến thánh địa Mecca hằng năm…như là nhiệm vụ tín ngưỡng thường xuyên hơn.
Ở đây, kinh Qur’an được xem là nội dung văn hóa chuẩn mực cho mọi sinh hoạt tôn giáo
và xã hội của cộng đồg Chăm An Giang. Một số nghi lễ của cộng đồng người Chăm ở An
Giang luôn gắn với tôn giáo như: tháng chay Ramadan, nghi lễ Raya Iadil Fitrah; Lễ kỷ
niệm ngày sinh Nabi Muhamad; Nghi lễ Tolakbala (lễ cầu an)… và một số nghi lễ vòng
đời như: lễ đặt tên; lễ trưởng thành; lễ cưới xin; tang ma…Các nghi lễ này được sự tham
gia đông đảo của cộng đồng người Chăm ở An Giang.

Bên cạnh đó, những thay đổi về địa bàn cư trú, hoạt động kinh tế và giao lưu văn
hóa tạo nên những chuyển đổi so với môi trường nông thôn, như tập tục ở nhà sàn dần
được thay thế bằng nhà nền đất cho phù hợp với kết cấu nhà như ở thành thị hoặc vùng
đô thị hóa. Trong quá trình phát triển, đường sá được mở rộng và được bê tông hóa, cơ sở
hạ tầng ngày càng được cải thiện thì những ngôi nhà sàn xưa được thay thế bằng các ngôi
nhà trệt, tường gạch, lợp tôn hoặc ngói. Trong ngôi nhà sàn trước đây, phòng khách,
phòng ngủ, phòng cầu nguyện đều nằm trong nhà chính. Nhà bếp, phòng ăn nằm ở nhà
nhỏ riêng sau nhà chính. Nhà vệ sinh và phòng tắm nằm cách xa nhà ăn. Nhưng hiện nay
tất cả các phòng đều nằm trong khuôn viên của ngôi nhà trệt có diện tích khoảng vài ba
chục mét vuông.

Văn hóa Chăm ít thay đổi trong môi trường đa văn hóa ở Nam Bộ, họ không
những có các khu vực cư trú riêng biệt, có những biểu trưng tôn giáo như sang magik hay
surau đặc thù trong khu vực, mà còn có cách ăn, cách mặc, cách sinh hoạt cũng khác so
với cộng đồng tộc người xung quanh. Cách ăn bốc của người Chăm được cho là một đặc
trưng văn hóa tiêu biểu, tồn tại xuyên suốt quá trình chuyển cư và định cư lâu dài ở Nam
Bộ mà không bị biến đổi theo tiến trình phát triển. Mặc dù các tộc người xung quanh như
người Việt, người Hoa thì luôn thay đổi cách ăn của mình cho phù hợp với quá trình phát
triển như lúc đầu dung đũa, muỗng, nhưng khi ảnh hưởng trong cách “ăn” của văn hóa
phương Tây thì lại có người dùng dao, nĩa, nhất là trong các nhà hàng khách sạn. Riêng
người Chăm, trong sinh hoạt ăn uống cộng đồng, ăn bốc bằng tay luôn được khuyến
khích. Trong cách ăn mặc của người Chăm Nam Bộ cũng có những nét riêng biệt so với
các cộng đồng xung quanh. Mặc dù biết rằng sự riêng biệt thường thể hiện ở các tộc
người cùng chung sống ở vùng cao, vùng sâu, nơi ít diễn ra quá trình giao lưu còn ở Nam
Bộ thì trang phục các cộng đồng dân tộc dường như có một điểm chung đó là quần tây,
áo sơ mi khi ra đường; vét-tông của chú rễ, xoa-rê của cô dâu trong ngày cưới; đồ bộ
hoặc áo thun, quần sọc khi ở nhà v.v. Nhưng đối với cộng đồng Chăm Islam thì tình chất
chung này dường như không phổ biến.

Trong trang phục, cộng đồng Chăm vẫn dùng những trang phục truyền thống như
với người nam thì đội mũ kapiak (loại mũ được làm bằng vải trắng đối với người Chăm
theo đạo Islam) hoặc khan Haji (miếng khan trắng dài dành cho những người đã hoàn
thành chuyến hành hương Mecca), mặc áo Bà lai (áo cổ đứng, xẻ ba nút, tròng đầu, dung
để mặc thường ngày) và quấn Sà Rông (một tấm vải quấn quanh người từ thắt lưng đổ
xuống); còn đối với nữ thì đội khăn Maom (khăn bằng vải kate, có kim tuyến viền hai
bên), mặc áo Tah (áo trồng cổ, tay ngắn) và quấn chăn Kak (giống váy dài có màu đen).
Đây chính là cách ăn mặc đặc trưng không thể lẫn lộn với các dân tộc khác.

Trong giao tiếp, người Chăm Islam cũng hạn chế việc giao tiếp với người không
cùng Islam giáo. Khách đến viếng nhà hoặc thăm cộng đồng thường được những người
đàn ông lớn tuổi, hoặc các chức sắc trong cộng đồng tiếp. Tính cởi mở trong tiếp xúc tác
động rất ít đến cộng đồng Chăm thay vào đó là tính khép kín vẫn được duy trì và trở
thành đặc trưng cho cộng đồng Chăm nơi đây. Đó chính là việc làm nhằm góp phần giữ
gìn bản sắc văn hóa của dân tộc gắn với Islam giáo, chịu sự chi phối của Islam và hạn chế
hòa nhập vào xã hội rộng lớn hơn. Mặc dù vậy người Chăm ở Nam Bộ trong quá trình
phát triển hiện nay cũng đã từng bước dung hòa yếu tố Islam giáo với văn hóa truyền
thống Chăm và văn hóa của các cộng đồng tộc người xung quanh. Mặc dù Islam giáo chi
hối chặt chẽ lối sống của người Chăm Nam Bộ, làm thay đổi nhiều quan niệm, cách sống
nhưng người Chăm không hoàn toàn đoạn tuyệt với quá khứ của mình. Điển hình, chế độ
mẫu hệ ngày xưa từng bước nhường đường cho những đức tin Islam, nhưng người phụ
nữ Chăm không hoàn toàn bị ràng buộc nặng nề.

Hôn nhân của người Chăm được khuyến khích với nhiều lí do như tăng nguồn lực
lao động, phát triển dân số cộng đồng, ngăn ngừa các tội lỗi do tình dục gây ra. Loạn luân
là một tôi rất nặng vì đó là điều mà Allah đã cấm và được ghi trong kinh Qur’an (Điều
27, Chương IV). Mặc dù yếu tố Islam giáo mang tính phụ hệ, nhưng người Chăm ở An
Giang vẫn còn tồn tại một số biểu hiện mẫu hệ của tập tục cổ truyền như tục đưa rể, tục
cư trú bên nhà vợ sau hôn nhân, nghi lễ chính trong đám cưới được tổ chức bên nhà gái.
Tàn dư mẫu hệ còn thể hiện qua tục cô dâu chú rễ tranh nhau mò những đồng tiền được
đựng trong chiếc ô đồng chứa nước để đoán biết người nắm chủ quyền trong gia đình sau
này và cô dâu bao giờ cũng mò được số lượng tiền đồng nhiều hơn.

Về lễ tang của người Chăm ở Nam Bộ cũng có những sự khác biệt đặc trưng.
Người chết trong vòng 24 tiếng đồng hồ kể từ khi tắt thở phải được chôn xong. Người
Chăm Nam Bộ không sử dụng quan tài mà dùng những tấm vải liệm. Khi chết người
Chăm được chôn ở nghĩa địa bên cạnh thánh đường, nơi họ cư trú và xem nơi “an nghỉ
cuối cùng” ở đó là nơi tốt nhất. Về tục thờ cúng tổ tiên, xuất phát từ quan niệm người
sống sau khi chết sẽ trở về với Allah nên con cháu không phải thờ phụng hay lập bàn thờ.
Người Chăm vẫn tổ chức các buổi cầu nguyện vào các ngày thứ bảy, ngày thứ mười, một
tháng, bốn tháng hoặc vào ngày thuận tiện nào sau tang lễ và tục viếng mộ vào dịp cuối
năm theo lịch Islam giáo. Người Chăm Nam Bộ không làm giỗ linh đình như người
Chăm Jat hay Chăm Bani. Ngày kỉ niệm người quá cố qua đời có thể tổ chức vào bất cứ
lúc nào khi gia đình có điều kiện thuận lợi, chứ không bắt buộc vào những ngày nhất
định. Trong những ngày đó, những người đồng đạo đến đọc kinh cầu nguyện chung cho
tất cả.

Trong âm nhạc, cộng đồng Chăm Islam cho phép hát các đoạn kinh Qur’an phổ
nhạc. Nhưng nhạc về kinh Qur’an thường có âm điệu buồn, chỉ phù hợp trong sinh hoạt
tôn giáo. Về quan niệm âm nhạc Islam nói chung, nhạc cụ trong Islam nói riêng cũng có
những quy định riêng, tôn giáo Islam dường như chi phối toàn bộ các lĩnh vực đời sống
xã hội của người Chăm thì âm nhạc cũng không ngoại lệ, luôn phải tuân theo những giáo
luật Islam. Trong suốt các giai đoạn lịch sử ấy, âm nhạc Islam luôn là đề tài gây tranh
luận gay gắt với nhiều quan điểm khác nhau của các tác giả. Trong công trình nghiên cứu
của Dr. Abdurrahman al-Baghdadi về “Seni Dalam Pandangan Islam” (quan niệm của
Islam đối với nghệ thuật) xuất hiện nhiều ý kiến trái chiều trong việc âm nhạc Islam có bị
cấm hay không trong đạo Islam. Từ đó, nhà nghiên cứu này đã đưa ra những nhận định
của những người theo Islam về âm nhạc. Âm nhạc nhằm mục đích giải trí và khuyến
khích làm điều tốt (Khayr/ma’ruf), loại bỏ đi những điều gian ác, xấu xa và tàn bạo. Âm
nhạc Islam thường khuyến khích mọi người theo đạo, không được phép cờ bạc, sống
phóng túng v.v. (Abdul Hameed Siddiqui, 2006). Hơn thế nữa, phong cách biểu diễn
cũng như trang phục không được chứa những yếu tố của tôn giáo khác, không được mặc
như một vị linh mục hay tu sĩ, đeo thánh giá,…Bên cạnh đó, vì các tín đồ Islam luôn lúc
nào cũng phải tuân theo giáo luật Islam nên âm nhạc cũng không được vi phạm đạo luật
Syara’ (Luật đạo Islam) như phụ nữ không được ăn mặc hở hang, lắc hông và không
được mang trang sức của nam giới và nam giới cũng vậy không được mang trang sức của
nữ giới. Chỉ được sử dụng những nhạc cụ mà những người đồng đạo đi trước đã từng sử
dụng, không sử dụng các nhạc cụ lạ, nhạc cụ phải mang tính hỗ trợ cho người chơi và
người nghe và không được có những yếu tố ngoại lai mang tính phi Islam trong nhạc cụ.
Vì thế, trong những trường hợp này, nhạc cụ được sử dụng tùy thuộc vào nhu cầu của
người dùng nó, chỉ sử dụng những nhạc cụ được cho phéo theo luật đạo.

Chính về thế, có thể nhận định một điều rằng trong đạo Islam không hề có đạo luật
nào quy định âm nhạc bị cấm, một điều chứng minh rằng âm nhạc lại luôn được giữ một
địa vị sùng kính với các người theo Islam ngày xưa là: “người Sufi có thói quen dùng các
nhạc cụ như trống và tiêu ở dây trong các buổi lễ khi có múa và hát. Các nhạc công ở dây
chơi nhạc theo một nhịp điệu đều đều để giúp cho các vũ công nhảy múa đúng nhịp”
(Nguyễn Mạnh Cường, 2010, tr.245). Tuy nhiên, trong Islam dường như âm nhạc có
những quy định chặt chẽ hơn trong việc sử dụng nó nhằm tránh việc làm sai trái, đi
ngược lại với những điều giáo luật trong Islam.

Sự tài hoa, khéo léo của người Chăm còn thể hiện trong nghệ thuật kiến trúc độc
đáo là các Thánh đường. Những công trình nghệ thuật này hầu hết đều do người Chăm tự
thiết kế, xây dựng hay trùng tu bảo quản. Toàn tỉnh An Giang có 12 Thánh đường và 15
tiểu Thánh đường. Trong đó phải kể đến thánh đường Mubarak ở ấp Châu Giang, xã
Châu Phong, Tân Châu, An Giang được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận là di tích kiến
trúc cấp quốc gia vào ngày 12 tháng 12 năm 1984.
Về tôn giáo Islam của người Chăm, người Chăm ở An Giang nói chung tiếp nhận
Islam giáo khi quan hệ với người đồng đạo sinh sống ở Campuchia, Malaysia,
Indonesia,…Trong bối cảnh sống tách khỏi những người đồng tộc gốc miền Nam Trung
phần, người Chăm Islam ở Nam Bộ nói chung, An Giang nói riêng đã sớm hình thành
nên những khác nhau về thực hành nghi lễ, tuân thủ các giáo lý, giáo luật căn bản của
Islam. Người Chăm Islam ở An Giang tuân thủ nghiêm ngặt các các giáo lý, các nghi lễ
và những kiêng kỵ của Islam chính thống. Trong đó, 5 tín điều cơ bản nhất mà bất kỳ
người Chăm theo Islam nào cũng phải tuân theo: Bày tỏ lòng tin tưởng vào Allah và
Mohammed; Cầu nguyện mỗi ngày 5 lần; Nhịn chay tháng Ramadan (tháng 9 Hồi lịch);
Bố thí và làm việc thiện; Hành hương đến Thánh địa Mecca (ít nhất 1 lần trong đời).
Điều này dẫn đến sự khác biệt với người Chăm Bà ni (Ninh Thuận, Bình Thuận) với tâm
thức tôn giáo đa thần và ý thức bảo tồn văn hóa, tín ngưỡng dân gian sâu sắc nên trong
các việc thực hành các nghi thức, nghi lễ, giáo luận,… vừa có sự pha trộn các nghi thức,
lễ nghi của các tín ngưỡng tôn giáo khác nhất là những tín ngưỡng dân gian và đạo Bà la
môn có sự phai nhạt hơn so với Islam giáo chính thống ít nhiều.

Người Chăm Islam tin tưởng duy nhất có thượng đế Allah. Allah đối với người
Chăm là toàn năng và có khả năng chi phối mọi hoạt động của con người và muôn loài.
Họ cũng tin Thiên sứ Mohammad và các thiên thần (malaikat). Đối với họ, Thiên sứ
Mohammad là người được Allah giao nhiệm vụ xuống trần gian truyền bá đạo Islam,
Thiên thần được Thượng đế giao nhiệm vụ quan sát mọi hành động của con người và báo
lại cho Thượng đế biết tất cả mọi hành vi đó trong ngày phán xét cuối cùng (tận thế).
Người Chăm ở Nam Bộ nói chung và An Giang nói riêng xem kinh Qur’an là chuẩn mực
đạo đức để dựa vào đó mà phá định các vấn đề. Do đó, những gì hợp với kinh Qur’an của
đạo Islam thì được cộng đồng Chăm chấp nhận như một chân lý thiêng liêng. Họ còn
quan niệm rằng kinh Qur’an hàm chứa những nguyên tắc xã hội chứa đựng sự “thông
thái”, các “chân lý và tri thức” của con người. Vì vậy, mọi sự kiện quan trọng trong cuộc
đời mỗi con người đều phải bắt đầu bằng việc đọc kinh Qur’an (Phú Văn Hẳn, 2019).
Người Chăm cùng sinh hoạt chung trong các masjid hay surau (Thánh đường và
tiểu Thánh đường) quy tụ thành các cộng đồng jammaah. Trong mỗi jammaah cùng nhau
thống nhất chọn ra ban quản trị để tổ chức các hoạt động tôn giáo, sinh hoạt cộng đồng,
hỗ trợ nhau trong cuộc sống và trong lao động sản xuất. Người Chăm tin Hakim (vị chức
sắc tại mỗi cộng đồng jammaah), đây là người có khả năng đại diện mọi hoạt động tín
ngưỡng của cộng đồng trong phạm vị cầu nguyện ở sang magik và được xem là người
“chịu trách nhiệm trực tiếp trước thượng đế Allah”. Ngoài Hakim ra thì Inam cũng là
chức sắc được coi trọng trong cộng đồng jammaah. Các vị này được xem như là các bô
lão tại cộng đồng mình, có khả năng chi phối mọi sinh hoạt tín ngưỡng của cộng đồng, có
uy tín trong phạm vi cộng đồng và được cộng đồng tín nhiệm. Các chức sắc này tại cộng
đồng jammaah thường phối hợp với quan chức chính quyền địa phương và ngược lại,
chính quyền địa phương thường thông qua các chức sắc này để có thể tiếp cận cộng đồng
Chăm, giúp người Chăm hòa nhập và phát triển. Sau 1975, Hiệp hội Chàm Hồi giáo Việt
Nam không còn hoạt động, để tiếp tục những hoạt động tôn giáo trong cộng đồng Chăm
Nam Bộ, Ban đại diện cộng đồng Hồi giáo Thành phố Hồ Chí Minh thành lập năm 1992
và Ban đai diện cộng đồng Hồi giáo ở An Giang là hai tổ chức được thành lập quy tụ
nhiều bô lão và các chức sắc jammaah tiếp tục điều hành phục vụ lợi ích của cộng đồng
Chăm, và trong chừng mực nhất định, tổ chức “đại diện” này cũng đang ra sức chi phối
các sinh hoạt tín ngưỡng của người Chăm ở các jammaah Nam Bộ.

Cộng đồng dân tộc Chăm Islam ở An Giang đã góp phần vào sự phong phú trong
đời sống tôn giáo, tin ngưỡng ở Việt Nam. Là một dân tộc ít người, sống xen kẽ cùng với
các dân tộc khác trong tỉnh, dân tộc Chăm ở An Giang một mặt luôn thể hiện tinh thần
đoàn kết, sống hòa đồng cùng với các dân tộc khác trong quá trình cộng cư, mặc khác họ
vẫn duy trì những đặc điểm văn hóa, tín ngưỡng của tộc người mình tạo nên những nét
đặc thù riêng mang đậm màu sắc tộc người Chăm Islam. Đặc biệt, người Chăm Islam có
những khác biệt nhất định với người Chăm ở Ninh Thuận và Bình Thuận. Điều này đã
tạo nên những nét rất riêng khi nhắc đến người Chăm nơi đây.

You might also like