You are on page 1of 6

CHỦ ĐỀ: TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH TRONG GIAI ĐOẠN 1920 - 1930

Bài làm
Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về
những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, là nền tảng lý luận và kim chỉ
nam cho mọi hành động, được kết tinh từ các giá trị truyền thống tốt đẹp của
dân tộc, tinh hoa văn hóa nhân loại mà đỉnh cao là chủ nghĩa Mác-Lênin thông
qua hoạt động trí tuệ và thực tiễn của Người. Tư tưởng Hồ Chí Minh được hình
thành và phát triển qua nhiều giai đoạn. Đặc biệt, giai đoạn từ năm 1920 đến
năm 1930 là thời kỳ hình thành cơ bản tư tưởng về Cách mạng Việt Nam.

I. Tình hình lịch sử trong nước và thế giới ảnh hưởng đến việc hình
thành tư tưởng Hồ Chí Minh giai đoạn 1920 -1930.
Để có thể tìm hiểu sâu hơn về tư tưởng Hồ Chí Minh thời kỳ 1920 - 1930,
trước tiên, chúng ta cần nắm rõ được bối cảnh và những sự kiện chính
ảnh hưởng tới sự hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn đó,
gồm 2 mảng chính là tình hình trong nước và thế giới, và những sự kiện
tiêu biểu trong cuộc đời hoạt động của Hồ Chí Minh.
A. Về tình hình trong và ngoài Việt Nam lúc bấy giờ.
- Vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, chủ nghĩa tư bản trên thế
giới đã phát triển từ giai đoạn tự do cạnh tranh sang giai
đoạn đế quốc chủ nghĩa. Phần lớn các nước Châu Á, Mỹ La
Tinh, … đã trở thành thuộc địa và phụ thuộc vào các nước đế
quốc như Anh, Mỹ, Pháp, Đức, Tây Ban Nha,... Điều này đã
làm sâu sắc thêm mâu thuẫn vốn có trong lòng chủ nghĩa tư
bản là mâu thuẫn giữa giai cấp tư sản và giai cấp vô sản,
giữa các nước đế quốc với nhau, giữa dân tộc các nước thuộc
địa với chủ nghĩa đế quốc.
- Cách mạng Tháng Mười Nga, thắng lợi đầu tiên của chủ nghĩa Mác - Lênin, đã
đánh đổ giai cấp tư sản và giai cấp địa chủ phong kiến, lập nên một xã hội mới - xã
hội xã hội chủ nghĩa. Đồng thời, mở ra thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ
nghĩa xã hội, mở ra con đường giải phóng cho những dân tộc bị áp bức trên thế
giới, trong đó có Việt Nam.
- Cùng trong giai đoạn 1920 - 1930, phong trào cộng sản,
công nhân và phong trào giải phóng dân tộc lan rộng trên thế
giới, ảnh hưởng sâu sắc tới Hồ Chí Minh trên hành trình đi
ra thế giới tìm mục tiêu và con đường cứu nước.
- Tại Việt Nam trong giai đoạn 1920 - 1930, thực dân Pháp
xâm lược và áp bức nhân dân, biến Việt Nam thành nước nửa thuộc địa nửa phong
kiến. Đồng thời, sự bế tắc về đường
lối và giai cấp cách mạng, khi xuất hiện một loạt các phong
trào yêu nước theo khuynh hướng dân chủ tư sản, anh dũng
nhưng thất bại, cùng với sự ra đời của giai cấp công nhân, đã
dẫn đến nhu cầu cấp bách của dân tộc là phải tìm ra con
đường yêu nước đúng đắn, phù hợp với thực tiễn Việt Nam
B. Về các sự kiện chính trong cuộc đời hoạt động của Hồ Chí
Minh.
Xuyên suốt 1 thập kỷ từ 1920 - 1930, Hồ Chí Minh đã kế thừa,
phát triển tinh thần yêu nước, đấu tranh anh dũng, hình thành nên
giá trị cốt lõi của tư tưởng Hồ Chí Minh - không gì quý hơn độc
lập, tự do.
- 7/1920, Người đọc sơ thảo lần thứ nhất Luận cương về vấn
đề dân tộc và thuộc địa của Lênin. Trong vòng 3 năm tiếp
theo, Hồ Chí Minh đã thành lập Hội Liên hiệp thuộc địa,
xuất bản tờ báo Người Cùng Khổ (Le Paria), và được bầu
vào Đoàn Chủ tịch trong Hội nghị Quốc tế nông dân tại Liên
Xô. Nửa cuối thập kỷ này, Hồ Chí Minh tham dự Đại hội V Quốc tế cộng sản,
Quốc tế cứu tế đỏ, Quốc tế Công hội đỏ; đến Quảng Châu (Trung Quốc) chỉ đạo
phong trào cách
mạng và nông dân ở Trung Quốc và 1 số nước châu Á. Sau
đó, Người đã lập nên 2 cột mốc lịch sử quan trọng của cách
mạng Việt Nam. Đó là, sáng lập Hội Việt Nam cách mạng
Thanh niên, tiền thân Đảng Cộng sản VN (6/1925), và sáng
lập nên Đảng Cộng sản VN và cho ra đời Cương lĩnh chính
trị đầu tiên (2/1930 - Hội nghị Hợp nhất)
II. Những tư tưởng Hồ Chí Minh được hình thành trong giai đoạn 1920
- 1930.
Giai đoạn từ 1920 đến 1930 là một trong những giai đoạn quan trọng bậc
nhất trong quá trình hình thành và phát triển của tư tưởng Hồ Chí Minh
với sự hình thành tư tưởng về cách mạng giải phóng dân tộc, về đảng
cộng sản, về mối quan hệ giữa cách mạng thuộc địa và cách mạng quốc
tế…
A. Tư tưởng về con đường cách mạng giải phóng dân tộc.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về cách mạng giải phóng dân tộc theo con
đường cách mạng vô sản được hình thành từng bước trong quá
trình Hồ Chí Minh đi tìm đường cứu nước. Đó là quá trình sống,
quá trình học tập, làm việc, nghiên cứu lý luận và tham gia đấu
tranh trong thực tế cách mạng ở nhiều nước trên thế giới.
Trong thời kỳ này, mục tiêu, phương hướng cách mạng giải phóng
dân tộc Việt Nam dần dần được cụ thể hoá, thể hiện rõ trong
Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng cộng sản Việt Nam.
- Mục tiêu của cách mạng trong thời kỳ này được xác định là
theo con đường cách mạng vô sản, giải phóng dân tộc phải
gắn liền với giải phóng nhân dân lao động, giai cấp công
nhân; phải kết hợp độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội. Hồ
Chí Minh đã khẳng định rằng: “Chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới
giải phóng được các dân tộc bị áp bức
và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”. Cách
mạng Việt Nam phải có chủ nghĩa Đảng cộng sản với chủ
nghĩa Mác - Lênin làm lãnh đạo. Hồ Chí Minh cũng đã làm
rõ mục tiêu cách mạng và con đường cách mạng là: “làm tư
sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới
cộng sản”; “đánh đổ đế quốc Pháp, phong kiến An Nam, và
giai cấp tư sản phản cách mạng”.
- Bản chất cách mạng cũng được xác định cụ thể hơn, đó là
cuộc “dân tộc cách mệnh”, đánh đuổi đế quốc xâm lược và
giành lại độc lập tự do. Người đã nhìn ra mâu thuẫn cơ bản
của một xã hội thuộc địa - mâu thuẫn dân tộc. Vì vậy, trước
tiên phải đánh đuổi được giặc ngoại xâm và thành lập chính
quyền của dân.
- Phương pháp để giành lại chính quyền và độc lập là bằng
bạo lực quần chúng và có thể bằng phương thức khởi nghĩa
dân tộc. Bởi lẽ, chúng ta phải dựa vào chính sức của mình,
bằng bạo lực của quần chúng nhân dân, chứ không thể ỷ lại
và trông chờ vào bên ngoài.

B. Tư tưởng về mối quan hệ giữa cách mạng thuộc địa và cách


mạng chính quốc, cách mạng Việt Nam với cách mạng thế giới.
- Cách mạng thuộc địa và cách mạng vô sản ở chính quốc có
quan hệ mật thiết với nhau: cách mạng thuộc địa không phụ
thuộc vào cách mạng ở chính quốc, mà có tính chủ động,
độc lập. Cách mạng thuộc địa có khả năng giành thắng lợi
trước cách mạng chính quốc, và có thể giúp cách mạng ở
chính quốc trong nhiệm vụ giải phóng.
- Xuyên suốt quá trình hoạt động thực tiễn sôi nổi trong phong
trào công nhân quốc tế của Hồ Chí Minh giai đoạn 1920 - 1930, tinh thần đoàn kết
trong tư tưởng Hồ Chí Minh cũng dần dần được hình thành - đó cũng là sự kế thừa
tinh thần của Quốc tế Cộng sản. Tinh thần đó được xây dựng dựa trên cơ sở là
Người đã tiếp nhận và hưởng ứng tinh thần của Quốc tế Cộng sản “Vô sản toàn thế
giới liên hiệp lại”. Cụ thể, trong thời kỳ hoạt động tại Anh, Pháp, Liên Xô, …
Người đã đi sâu vào các phong trào công nhân, thợ thuyền ở
đó. Ngoài ra, Hồ Chí Minh cũng đã thành lập Hội liên hiệp
các dân tộc bị áp bức Á Đông tại Trung Quốc (1927).
- Hồ Chí Minh đã khẳng định lực lượng giải phóng dân tộc là
toàn bộ nhân dân Việt Nam, lực lượng nòng cốt là liên minh
công - nông; cách mạng Việt nam là một bộ phận cách mạng
thế giới. Chiến lược đại đoàn kết toàn dân tộc đã được thể
hiện rõ ràng hơn cả trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên của
Đảng.
Sự kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại theo tư tưởng
Hồ Chí Minh trở thành nguồn lực to lớn tạo nên những thắng lợi
thần kỳ của quân và dân ta trong kháng chiến chống thực dân
Pháp và đế quốc Mỹ.
C. Tư tưởng Hồ Chí Minh về Đảng cộng sản và cán bộ cách mạng.
Trong thời gian từ năm 1920 đến 1930, vai trò của Đảng cộng sản
và các cán bộ cách mạng cũng dần dần được làm rõ hơn. Cụ thể,
cách mạng muốn thành công trước hết phải có đảng cộng sản với
chủ nghĩa Mác - Lênin làm cốt để lãnh đạo. Đảng có vững mạnh
thì cách mạng mới thành công. Và để đảng vững mạnh thì phải có
cán bộ cách mạng mạnh. Bằng các nghiên cứu lý luận và tổng kết
thực tiễn, Hồ Chí Minh đã chỉ ra rằng:
- Đảng cộng sản là nhân tố quyết định đưa cách mạng Việt
Nam đến thắng lợi, và là sản phẩm của chủ nghĩa Mác -Lênin với phong trào công
nhân và phong trào yêu nước; là đảng của giai cấp công nhân, đội tiên phong của
giai cấp công nhân và mang bản chất giai cấp công nhân.
- Trong thực tiễn, Người đã sáng lập “Việt Nam thanh niên
cách mạng đồng chí Hội” với tôn chỉ “trước làm cách mạng
quốc gia, sau làm cách mạng quốc tế”. Cùng với đó, Người
mở các lớp huấn luyện tại Quảng Châu – Trung Quốc để đào
tạo cán bộ (1925).
Những tư tưởng Hồ Chí Minh được hình thành trong giai đoạn
1920 - 1930 là tổng kết kinh nghiệm từ Cách mạng Tháng Mười
Nga, và các cuộc cách mạng tư sản tại Pháp, Anh, Mỹ. Đồng thời,
những lý luận, phương pháp cách mạng đã được cụ thể hoá hơn
trong giai đoạn này, dựa trên cơ sở phân tích sâu sắc bản chất, thủ
đoạn của chủ nghĩa thực dân Pháp. Những tư tưởng, nội dung ấy
càng được làm rõ hơn trong các bài báo, các bản lên án của Người
sau này - một trong những hệ quả của tư tưởng Hồ Chí Minh được
hình thành trong giai đoạn 1920 - 1930.

III. Kết quả của hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh giai đoạn 1920-1930
Trong thời kỳ 1920 -1930, Hồ Chí Minh đã phát triển các tư tưởng yêu
nước, mở rộng mối hiểu biết về văn hóa và thế giới thông qua các chuyến
đi đến các nước khác nhau. Người đã lan truyền tư tưởng yêu nước và
bảo vệ đất nước thông qua hai mảng là tố cáo chế độ thực dân Pháp và
chính quyền bù nhìn của nhà Nguyễn, và nêu lên nỗi thống khổ của người
dân Việt Nam. Cụ thể là xuyên suốt giai đoạn 1920 -1930, Hồ Chí Minh
đã viết nên nhiều bài đăng trên các tờ báo như Người cùng khổ (Le Paria)
của Hội Liên Hiệp Các Dân Tộc Thuộc Địa, Nhân Đạo của Đảng Cộng
Sản Pháp, nổi bật nhất là “Bản án chế độ thực dân Pháp”. Qua đó, Hồ Chí
Minh đã vạch trần sự thối nát suy tàn của chính quyền nhà Nguyễn, sự
giả dối của chính quyền Pháp khi xâm chiếm đất Việt trên danh nghĩa
“khai sáng nền văn minh” cho dân tộc ta. Đồng thời, Người chỉ rõ thực
dân Pháp là kẻ thù của nhân dân ta, chủ nghĩa thực dân là kẻ thù của mọi
dân tộc bị áp bức, là kẻ thù của giai cấp công nhân và nhân dân lao động
chính quốc. Không dừng lại ở đó, Người còn nêu bật sự khốn khổ của
người dân Việt Nam khi phải chịu áp bức, sưu cao thuế nặng, và làm ngời
sáng vẻ đẹp tình yêu nước của nhân dân ta. Hồ Chí Minh cũng tiếp tục
vận dụng những tư tưởng đó để đề ra những luận điểm nêu cao tính chất
chủ động của Cách mạng giải phóng dân tộc, của nhân dân các nước
thuộc địa, bổ sung vào những luận điểm chung lúc bấy giờ.

Tóm lại, trong giai đoạn 1920 - 1930, dưới sự phát triển mạnh mẽ của các
phong trào vô sản trên thế giới và phong trào giải phóng dân tộc trong nước, Hồ
Chí Minh đã giác ngộ được quy luật vận động và phát triển của các phong trào
cách mạng trong nước và trên thế giới và Người đồng thời lĩnh ngộ được tư
tưởng Mác-Lênin, sáng lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam. Tư tưởng Hồ Chí Minh
sẽ không ngừng được đổi mới và hoàn thiện nhằm đáp ứng nhu cầu của tình
hình thực tiễn và luôn là kim chỉ nam của Đảng Cộng sản Việt Nam.

You might also like