You are on page 1of 10

HAIKU (俳 句)

I. Tác giả:
1. Giới thiệu chung (Cuộc đời):
- Haiku là một trong những loại thơ nổi tiếng tại Nhật Bản. Khi nhắc đến những thi sĩ của thơ
haiku nổi tiếng hầu như ai cũng biết đến Kobayashi Issa hay 小林一茶 (Tiểu Lâm Nhất Trà,
1793-1828) là nhà thơ và tu sĩ Nhật Bản. Ông được xem là một trong bốn thi hào về thơ haiku của
Nhật (ba người còn lại là Basho, Buson và Shiki). Những lời thơ đặc sắc đã mang lại cho ông các
tác phẩm xuất sắc và được nhiều người yêu thích trong cuộc đời của mình.

- Ông là một nhà thơ, nhà tu sĩ giáo phái Tịnh độ tông. Cuộc đời ông gặp nhiều bi thương từ
khi mới sinh ra cho đến khi về già. Issa sinh ra trong một gia đình trung nông tại làng Kashihara ở
Shinano, nay là tỉnh Nagano, Nhật Bản. Tên khai sinh của ông là Kobayashi Nobuyuki và tên lúc
nhỏ là Kobayashi Yataro. Ông mồ côi mẹ từ khi còn nhỏ (năm lên 3 tuổi) và sự thiếu thốn tình
thương của người mẹ đã khiến tuổi thơ của ông luôn bị bao trùm bởi sự cô đơn, lạc lõng.

- Ông sinh sống và được nuôi dưỡng bởi bà nội. Lúc này, Issa được theo học thầy giáo làng - một
người rất yêu thơ ca và ông cũng đã được học sáng tác thơ haiku từ rất sớm. Tuy nhiên cuộc đời
của ông đã có sự thay đổi lớn ngay sau đó khi cha ông tái hôn và sinh một người con trai. Năm
ông 14 tuổi thì bà nội qua đời, ông sống đơn độc cùng cha và mẹ kế với sự ghẻ lạnh của bà
khiến ông càng thêm tủi thân. Năm 15 tuổi, Issa được cha gửi lên Edo (Tokyo ngày nay) để tự
kiếm sống.

- Năm 1790, Issa trở thành một thi tăng và nối gót các tiền nhân, hòa mình vào con đường của
các lữ nhân, du hành trên khắp mọi nẻo đường để sáng tác. Ông bắt đầu in thơ từ năm 1794.
Trong mười mấy năm tiếp theo, ông trở thành một nhà thơ lỗi lạc và khẳng định được phong
cách và tài năng của mình.

- Khi ông đã hơn năm mươi tuổi, ông kết hôn với một cô gái trong làng tên là Kiku. Trớ trêu
thay, chỉ sau một thời gian ngắn hạnh phúc, Issa đã mất đi bốn người con khi còn ở tuổi ấu
thơ và cuối cùng là người vợ mà ông yêu thương. Quả thật, cuộc đời ông từ trước đến giờ chưa
từng nhận được bất kỳ may mắn và niềm hạnh phúc nào như bao người.

2. Phong cách thơ haiku của Issa:


a. Kobayashi Issa – nhà thơ mang “trái tim trần bi cảm” (chất thơ):
- Nhà nghiên cứu Nhật Chiêu đã từng nhận định về Kobayashi Issa trong quyển “Thơ ca Nhật
Bản” như sau:
“Issa sinh ra trên đời dường như để nếm trải mọi điều bất hạnh trần ai.
Như để hát cho nhân thế và hát cho muôn loài những khúc ca bi thiết nhất.
Cũng là những khúc bi ca đẹp nhất, phát tiết từ một trái tim trần.
Một trái tim không che giấu sau những mây mù ảo vọng.
Những bi ca ấy có thi tính là Tình yêu, có thi tính là Phật tính”.
- Issa - một cái tên thật giản dị, âm Hán Việt là “Nhất Trà” - tức một tách trà hay một ngụm trà.
Ngay từ cái tên của nhà thơ đã dự báo cho độc giả một số phận cô đơn rồi.
- Thật vậy, cuộc đời Issa thật bi thương, cái bi thương như một tấn trò đời phủ kín cả cuộc sống,
phủ kín cả kiếp người và cũng phủ kín trong những vần thơ haiku của ông. Nếu đời là biển khổ thì
Issa như đang bơi trong biển khổ ấy với muôn ngàn con sóng dữ, nó vùi dập để ông không thể nào
vượt qua được. Và thương thay, những con sóng ấy lại ập vào đời ông từ lúc ông còn quá nhỏ để
có thể biết được thế nào là khổ đau. Những bài haiku về mẹ của ông đã thấm đẫm nước mắt,
đượm nỗi buồn:
“Đến đây nào, với tôi
cùng chơi đùa chim sẻ
không còn mẹ trên đời.”
Nỗi đau tột cùng vì mất mẹ không chỉ là nỗi đau duy nhất trong cuộc đời Issa, quả là kiếp người
như một ván cờ cho tạo hóa trêu đùa, rồi những đứa con của ông cũng lần lượt qua đời, bỏ rơi ông
cô đơn lạc lõng giữa dòng đời đầy nghiệt ngã chông gai, và lúc này những bài haiku của Issa như
dòng nhật kí, là nơi ông thổ lộ niềm đau, nỗi buồn chôn giấu tận đáy lòng. Từng có một lời nhận
xét cho rằng:
“Đọc thơ Issa, khó lòng mà không yêu ông được. Hầu hết người Nhật Bản yêu mến ông, vì trong
thơ ông luôn có sự đồng cảm sâu sắc. Cả một trái tim vĩ đại đập sau mỗi dòng thơ ấy.”

b. Con người cá nhân trong thơ:


- Những bài thơ của ông có thể thấy rõ được con người cá nhân của ông trong từng bài thơ. Hình
ảnh về cuộc đời ông được ví von một cách độc đáo qua những lời thơ đầy thi vị, những hình ảnh
về con người với nỗi u buồn, chịu nhiều khổ đau và những cuộc sống đầy tăm tối.

- Ngoài ra trong những bài thơ haiku của ông cũng truyền tải đến hình ảnh về tình yêu. Hình ảnh
về những mảng màu sắc trong tình yêu thiên nhiên, con người và tình yêu đôi lứa được ông thể
hiện mang những ẩn ý và cách so sánh vô cùng thú vị.

c. Tình yêu thương dịu dàng đối với loài vật nhỏ bé:
- Trong thơ haiku, dấu ấn Thiền tông để lại khá đậm nét trong cách nhìn và thể hiện của các nhà
thơ. Theo quan niệm của Thiền tông, mọi sinh linh trên cõi đời này đều bình đẳng như nhau. Vì
thế, thơ haiku thường nói đến các sinh vật và hiện tượng tự nhiên (con sâu, con bọ, con chuột...)
với một sự ưu ái và yêu thương, khác hoàn toàn so với thơ Đường của Trung Quốc khi chỉ ngợi ca
những hình ảnh tứ linh, tứ quý mà họ đã quy là cái đẹp trong cuộc sống, không có chốn cho
những sự vật nhỏ bé, hèn mọn.
- Điển hình là Issa, người mang một trái tim đầy yêu thương, yêu thương không chỉ con người với
con người mà ông còn yêu cả cỏ cây, muông thú. Đọc thơ Issa, độc giả Việt Nam nhớ đến nhà thơ
Bùi Giáng:
“Xin yêu mãi yêu và yêu nhau mãi
Trần gian ôi! cánh bướm cánh chuồn chuồn
Con kiến bé cùng hoa hoang cỏ dại
Con vi trùng cùng sâu bọ cũng yêu luôn”
(Phụng Hiến)
- Ông viết nhiều bài thơ lấy cảm hứng từ những con vật nhỏ bé, ít ai để ý đến. Nhờ Issa, những
loài vật này được đi vào thơ ca, tạo nên một bức tranh thơ đầy sắc màu cùng muôn loài. Cụ thể,
Issa đã viết 54 bài thơ về ốc, 15 bài về cóc, gần 200 bài về ếch, khoảng 230 bài về đom đóm, hơn
150 bài về muỗi, trên 90 bài về ruồi, hơn 100 bài về bọ chét, trên 90 bài về ve sầu và hàng trăm
bài thơ về loài vật khác. Nâng tổng số bài thơ về loài vật nhỏ bé lên gần một ngàn bài.

- Trong thơ Issa, ta tìm thấy sự đồng cảm, ẩn sau từng câu chữ là những nhịp đập đầy tình người
của trái tim nhà thơ. Cuộc sống này đổ ập nhiều cơn bão tố lên cuộc đời Issa nhưng không vì vậy
mà ông cay cú, hận thù mà ngược lại còn dùng tình yêu của mình để tưới lên khắp thế gian này, từ
những vật vô tri vô giác như sỏi đá, cây cối đến những sinh vật nhỏ bé không một ai chú ý.

d. Phật tính trong thơ Issa:


- Đối với Issa, thơ ông có “thi tính là Phật tính”. Cuộc đời ông như một hố đen vô vọng của những
nỗi buồn, niềm đau và khổ ải. Cho nên Phật tính trong thơ haiku của ông càng mạnh mẽ và thấm
đượm triết lý nhân sinh quan Phật giáo. Trong tâm ông lúc nào cũng có ánh hào quang trên đỉnh
Niết bàn soi chiếu. Cho dù viết về cuộc đời, viết về con người hay vạn vật nhỏ bé, thơ Issa vẫn
mang Phật tính trong đó.

- Issa khóc cho người là vậy, khóc cho đời là vậy, và ông còn khóc cho những sự vật nhỏ bé,
những sinh linh lầm than, những vật vô tri vô giác chẳng biết đau khổ là gì. Issa còn tỏa lòng mình
đến những vật vô tri vô giác mà đối với ông nó vẫn mang một linh hồn tươi đẹp:
“Cỏ vô dụng
vẫn mải mê lan tràn
và mặt trời cũng tràn lan.”
- Đối với con người, cỏ có là gì và cỏ là vô dụng. Nhưng có ai biết được, bên trong những cây cỏ
nhỏ bé ấy lại mang cả một tâm hồn sâu lắng, một tâm hồn hòa quyện vào vạn vật để tạo nên một
chỉnh thể hoàn hảo cho vũ trụ này. Cỏ làm cho thế gian thêm xanh mướt, làm cho sự sống thêm
lan tràn.
-> Như vậy từ niềm bi cảm sâu xa trước vạn vật nhỏ bé và con người, Issa đã viết nên những bài
haiku thật chân thành, chứa đựng tình cảm thiết tha, sự cảm thông sâu sắc, tình yêu đối với mọi
kiếp người, sự vật yếu ớt, bé nhỏ luôn cần những điều sẽ chia đằm thắm. Ông đã hòa mình vào
vòng xoáy luân hồi, hòa mình vào vạn vật sinh linh, để thấy mình đang nhẹ nhàng bay bổng với
chim muông, hoa lá. Đó cũng là điều mà ông hằng mong ước, được thoát khỏi cuộc đời khổ đau,
thoát khỏi nỗi buồn trầm luân để sống một cuộc sống yên bình, hạnh phúc.

e. “Mẹ” - nguồn thi ca vô tận:

Cho dù không nhớ mẹ mình là ai, trong thâm tâm Issa mẹ vẫn là người đẹp nhất. Có lẽ vì lý do đó,
Issa rất nhạy cảm với những cảnh mất mát trong thiên nhiên, những nỗi đau chia lìa, và ông đã
nghẹn ngào nén nỗi đau ấy mà thốt lên rằng:
“Người mẹ và bầy con
xa nhau…
những con chim bị bắn”
Tình mẫu tử thiêng liêng ấy là nguồn cảm hứng sâu xa cho Issa viết nên những bài haiku thấm
đẫm tình yêu mến. Trong thơ haiku của Kobayashi Issa, mẹ hiện lên với tất cả xúc cảm của nỗi
đau và vẻ đẹp nhẹ nhàng của sự giải thoát. Những hinh ảnh trong thơ haiku long lanh như giọt
sương, tinh khiết như giọt nước mắt và trở nên lung linh, vĩ đại như ẩn chứa một linh hồn. Tuy mẹ
không còn, nhưng những vần thơ bất hủ của Issa vẫn còn đó, nó đang tỏa những vầng sáng dịu
hiền lên nền trời thi ca thế giới.

*Nhận xét về thơ của Issa:


- Thơ haiku của Issa rất dân dã và mộc mạc như chính ông vậy - một con người thích làm việc tự
do trên những cánh đồng hơn là ngồi trong một ngôi nhà sang trọng, thích ngắm hoa cải vàng hơn
là ngắm những đóa mẫu đơn quý phái, và đó cũng chính là phong cách của một “trái tim trần”.
Thơ Issa còn mang đậm cái tôi trữ tình mà xưa nay trong haiku cổ điển ít thấy.

- Thơ Issa là bài ca não lòng về định mệnh, nó không chỉ là định mệnh của riêng ông mà còn là
định mệnh của nhân thế. Ông không khóc riêng cho đời mình mà trong từng câu chữ được ông
chắp bút, ông như đang hòa chung vào tiếng khóc thế gian. Ông thương yêu, đồng cảm cho những
kiếp đời nhỏ bé, mà chính đời ông cũng nhỏ bé vô cùng. Issa đưa vào trong thơ ông những tâm
hồn thơ dại nhất, những sự vật bé nhỏ nhất, những con côn trùng, con thú khả ái,… và những
tâm tình xao xuyến tâm can.
- Nếu xem haiku của Basho là những vần thơ uyên bác, đạt đến trình độ thượng thừa đặc sắc,
Buson với mùa xuân tươi thắm, thiết tha, Chiyo-ni với lối viết trong sáng đến độ có thể biến haiku
không còn là haiku thì khi đến với Issa, ta nhận thấy cái “nhân tình sâu thẳm” mà có lẽ trong thơ
ca Nhật Bản duy nhất chỉ nổi trội mình ông.

- Một phong cách haiku chân thật nhất, đượm tình nhất. Mà ở đây nó là tình thương người, tình
yêu vạn vật, sự đồng cảm chân thành với những kiếp đời cơ nhỡ, nhỏ bé. Chính những điều đó, đã
làm cho haiku của Issa “mang thi tính là Tình yêu, thi tính là Phật tính”. Một tâm hồn bao la,
tả tơi, chua xót nhưng cũng bao lần ông hóa thân vào mùa xuân, vào cánh bướm, tiếng chim, và cả
vào tình yêu của con người với vạn vật, của con người với con người.

3. Sự nghiệp sáng tác:


- Ông đã để lại khoảng 20.000 bài thơ, được độc giả xưa lẫn nay mến mộ.
- Các tác phẩm nổi tiếng của ông như:
+ Nhật ký mất cha (Chichi No Shuen Nikki, 1801)
+ Thơ viết vào năm Kyowa (Kyowa Kujo, 1803)
+ Thơ viết vào năm Bunka (Bunka Kujo, 1804)
+ Nhật ký số bảy (Shichiban Nikki, 1810-1818)
+ Mùa xuân của tôi (Ora Ga Haru, 1819)
+ Nhật ký số tám (Hachiban Nikki, 1819-1821)

II. Tác phẩm:


蝸牛
ỐC TAI CHẬM RÌ CHẬM RÌ
そろそろ登れ
LEO LÊN SỚM KÌA CON ỐC NHỎ

富士の山
NÚI FUJI TRÈO NÚI FUJI

Phiên âm:
Katatsuburi
soro-soro nobore
fuji no yama

Bản dịch:
“Chậm rì chậm rì
Kìa con ốc nhỏ
Trèo núi Fuji”
(Trích Chậm rì, chậm rì _ Issa, thơ Haiku)

1. Bản dịch (So sánh bản Nhật Chiêu với bản của một số dịch giả khác):
- Ngoài bản dịch của Nhật Chiêu thì còn có hai bản khác nữa, lần lượt là của Đông A và Trần Đức
Phổ:
Con ốc
Chầm chậm leo
Đỉnh Phú sĩ
(Đông A)

Con ốc sên nhỏ


Từng li, từng li, leo
Núi Phú Sĩ.
(Trần Đức Phổ)

- Ta có thể thấy, nếu xét riêng về kết cấu câu và từ ngữ trong thơ thì cả ba bản dịch nói chung đều
làm vô cùng tốt, đảm bảo được quy tắc thơ haiku. Thế nhưng vì sao người ta lại đánh giá cao bản
dịch của Nhật Chiêu? Đó là vì cấu tứ và vẻ đẹp thật sự đằng sau một bài thơ haiku cô đọng, tối
giản chỉ có Nhật Chiêu mới thể hiện rõ được điều này. Và một điều đặc biệt mà mọi người cần
chú ý đến, đó chính là để bắt được vẻ đẹp của hình ảnh câu thơ, Nhật Chiêu đã thay đổi trình tự
diễn đạt ý và chỉnh sửa từ ngữ sao cho hợp với ngôn ngữ Việt (thứ tự câu thơ thứ I và thứ II đã
được ông hoán đổi lẫn nhau). Đồng thời, việc dùng tính từ “chậm rì” (trong bản của Nhật Chiêu)
mang nghĩa rất chậm, gần như là ì ra một chỗ -> có ý nhấn mạnh hơn sự chậm chạp của con ốc
sên nhỏ bé hơn là dùng từ “chầm chậm” hay “từng li”.

=> Sự khéo léo trong những thay đổi nhỏ nhặt này đã đem lại cho dòng thơ một sự thanh thoát,
dễ hiểu và quan trọng nhất là bao quát được ý nghĩa mà Issa muốn truyền tải.
- Những bản dịch của Nhật Chiêu luôn được đề cao nhất bởi lẽ ông không chỉ dừng lại ở việc dịch
đúng hay sai mà còn thấu hiểu góc nhìn của tác giả. Trong một buổi phỏng vấn ông từng nói rằng:

“Thơ Haiku nắm bắt một khoảnh khắc độc sáng nào đó trong cuộc đời từ linh cảm của người thơ.
Đó là cái nhìn có một không hai của người thơ. Thơ Haiku là cái nhìn, một cái nhìn vừa thuộc về
cá nhân, vừa thuộc về linh hồn của đời sống. Không có cái nhìn kỳ diệu ấy không có thơ Haiku.”

=> Như đã nói, thơ Haiku sống với hình ảnh. Ngôn từ trong thơ Haiku không hề rắc rối, không
hề mang tính trang sức, không bao giờ cầu kỳ… Theo mình, đó là vì người dịch không hiểu biết
về văn hóa Nhật Bản, không quen với cái nhìn của người Nhật Bản đối với thiên nhiên và sự vật
trong đời, tình yêu cái đẹp, tinh thần thiền ẩn khắp nơi trong văn hóa, mỹ học của cái không…
nên chỉ bám vào từng từ riêng lẻ trong bài thơ.

2. Nội dung:
- Câu thơ đầu tiên sử dụng điệp ngữ "chậm rì" để miêu tả trạng thái chậm chạp, kiên nhẫn,
chầm chậm của chú ốc sên nhỏ.
- Câu thơ thứ hai "Kìa con ốc nhỏ" thể hiện sự xuất hiện nhỏ bé, bình dị của chú ốc nhỏ. Trạng
thái chậm rì được đảo lên câu thơ đầu để nhấn mạnh trạng thái, đặc điểm của chú ốc bình dị nhỏ
bé ấy.
- Câu thơ thứ ba "Trèo núi Fuji" chỉ có ba chữ tái hiện hình ảnh ngọn núi Phú Sĩ - biểu tượng của
Nhật Bản. Hình ảnh chú ốc sên nhỏ trèo chầm chậm lên núi Phú Sĩ - ngọn núi cao bậc nhất Nhật
Bản. Trong thơ Haiku, việc sử dụng nghệ thuật tương phản cũng là một nét đặc trưng rất độc đáo.
- Nhà thơ Issa cũng không nằm ngoài vòng đặc trưng ấy, trước cái nhỏ bé bình dị của chú ốc nhỏ
ấy là cả núi Phú Sĩ tuyết trắng hùng vĩ. Sự đối lập giữa lớn - nhỏ đã khiến cho chúng ta có nhiều
suy tưởng. Trên thực tế cuộc sống, mỗi người đều là chú ốc nhỏ bé bình dị nhưng đều ấp ủ một
giấc mơ cháy bỏng của riêng cuộc đời mình. Sức mạnh nội tại của chính bản thân chúng ta là
nguồn sức mạnh động lực để thúc đẩy đưa chúng ta lên đến đỉnh cao của cuộc đời. Nếu mục tiêu
của chú ốc nhỏ là chinh phục được núi Phú Sĩ thì ắt hẳn trong mỗi chúng ta đều có một đỉnh cao
mà bản thân muốn chinh phục.
- Điều mà chúng ta cần làm đó chính là luôn luôn cố gắng không ngừng nghỉ trên hành trình, nỗ
lực hết sức mình trên hành trình chinh phục lý tưởng sống của mình. Ta có thể đi chậm hơn so với
người khác nhưng điều quan trọng đó chính là ta không ngừng lại mà luôn nỗ lực, kiên trì đến
cùng với ước mơ của mình. Đó chính là điều làm nên ý nghĩa của cuộc sống của chúng ta. Trên
thực tế cuộc sống, mỗi người đều là chú ốc nhỏ bé bình dị nhưng đều ấp ủ một giấc mơ cháy bỏng
của riêng cuộc đời mình. Sức mạnh nội tại của chính bản thân chúng ta là nguồn sức mạnh động
lực để thúc đẩy đưa chúng ta lên đến đỉnh cao của cuộc đời mình. Nếu như chú ốc sên khát khao
chinh phục núi Phú Sĩ thì mỗi người đều có một đỉnh cao của cuộc đời mình mà muốn chinh phục.
3. Ý nghĩa:
- Dưới “con mắt” của người thường:
Nếu là ta, chỉ mới vài lần đầu đọc qua tác phẩm này, thì đây quả là một bài thơ đầy “sự khó hiểu”.
Chỉ là một con ốc sên nhỏ, chỉ là một ngọn núi cao hùng vĩ của xứ sở mặt trời mọc thì có gì liên
kết với nhau và mang những ý nghĩa đầy tính nhân văn ẩn sau những vần thơ ấy như thế nào?
Thật ra, “con mắt” ta dành cho con ốc sên nhỏ bé trong bài là một cái nhìn thương hại. Ta tự hỏi
sao ốc sên lại phải gắng sức làm chuyện vô lý này khi ta dường như chỉ nhìn ra được sự vô vọng ở
con ốc ấy.

- Dưới “con mắt” của một vị thi nhân:


Nhưng Issa không muốn nói đến sự chật vật của đời người mà sâu trong đấy là một thông điệp
triết lý chính ông đã nhận ra. Issa là một người theo pháp môn Tịnh độ, đạo nói rằng: “Mỗi sinh
thể và phần còn lại của vũ trụ không phải là những thực thể riêng biệt. Mỗi sự vật tồn tại là một
giao điểm nối liền những mạch sống cuồn cuộn trải khắp vũ trụ này. Vì vậy con người sống hoà
hợp với thiên nhiên, trân trọng môi trường sống - ngôi nhà thân thương của mỗi loài thì tốt hơn là
tranh thấp cao với núi non, so đo rộng hẹp với sông hồ.” Có lẽ đây là ý nhà thơ mong muốn
truyền tải, cuộc đời đúng thật bất công và buồn bã đối với những số phần nhỏ bé, khốn khổ như
con ốc sên hay như chính nhà thơ nhưng qua hình ảnh con ốc trèo núi Fuji ấy, Issa lại cho thấy sự
hòa hợp và cân bằng giữa sự đối lệch mà ta chú ý lúc đầu. Nhờ “vẻ điềm nhiên” cả hai bỗng chốc
trở thành những đối tượng ngang tầm. Hòn núi không còn quá cao và chúng ta không bé nhỏ - sự
phân bì lớn nhỏ ở đây không cần thiết bởi thực chất sự tồn tại của cả hai tạo nên một mối liên kết
chặt chẽ, bởi chú ốc sên nhỏ kia cũng không khác gì ngọn núi trong ý nghĩa là mọi sự tồn tại như
thế đều góp phần tạo nên thế giới tự nhiên. Và chúng ta cần nhận ra mình sống trong một sự cân
bằng, ở đây chứa một vẻ đẹp mà chỉ xuất hiện qua sự chấp nhận và trân trọng. Đó là một nét đẹp
trong sự u buồn và tuyệt vọng giữa một sự cân bằng của vũ trụ mà Issa đã nhận ra.

4. Nghệ thuật:
- Sự cô đọng: Bài thơ tuy ngắn gọn, hàm súc, tứ thơ tối giản về mặt từ ngữ nhưng ý vị của thơ
Haiku không bao giờ là chật. Các sự việc được phản ánh trong thơ haiku có khi tưởng như rời rạc,
không liên kết với nhau, nhưng thực ra giữa chúng có mối liên kết chặt chẽ từ bên trong. Từ “sự
tinh giản của tâm hồn”, thơ haiku đã tạo nên sức mạnh nghệ thuật to lớn. Chính vì thế, nhà
nghiên cứu phê bình Roland Barther (Pháp) có nhận xét: “Sự ngắn gọn của haiku không phải là
vấn đề hình thức. Haiku không phải là một tư tưởng phong phú rút vào một hình thức ngắn mà là
sự tin vắn tắt tìm ra được hình thức vừa vặn cho mình”. Hơn hết chính sự giản kiệm này là sự tôn
trọng độc giả của các nhà thơ Haiku. Trên đường thơ, họ nhường lối cho người đọc, không lấn
chiếm không làm nghẽn đường. Người đọc đi cùng nhà thơ và vẫn còn đi tiếp khi nhà thơ dừng
lại.

- Nổi bật phong cách thơ của Issa:


+ Phật giáo có ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc đời của Kobayashi Issa ngay từ khi ông còn rất nhỏ và
cũng là nhân tố làm nên sức nên sức sống lâu bền của những vần thơ haiku Issa. Đó cũng chính là
nền tảng tư tưởng đầu tiên góp phần tạo nên hương vị của một tách trà ôm ấp hết mọi cõi lòng
nhân thế - Issa. Có lẽ chính sự bất hạnh của số phận đã đưa ông đến với Phật giáo như một sự an
ủi của số phận. Issa cưu mang một đời bất hạnh, lang thang, tang tóc bao phủ, hình ảnh bà mẹ ghẻ
đáng ghê sợ mãi ám ảnh như trong Tấm Cám, truyện cổ Việt Nam. Chính cái nghịch cảnh ấy đã
tạo nên một Issa tràn đầy yêu thương, yêu thương không chỉ con người với con người mà cả
cỏ cây, sỏi đá, muôn thú. Một tâm hồn bao la, tả tơi, chua xót nhưng cũng bao lần ông hóa thân
vào mùa xuân, vào cánh bướm, tiếng chim, và cả vào tình yêu của con người với vạn vật, của con
người với con người.
+ Ông viết nhiều bài thơ lấy cảm hứng sáng tác từ những con vật nhỏ bé mà ít ai để ý đến. Cuộc
sống này đổ ập nhiều cơn bão tố nhưng Issa không vì thế mà ông cay cú, hận thù mà ngược lại
ông dùng tình yêu của mình để tưới lên khắp thế gian này, tạo nên một bức tranh thơ đầy màu sắc
cùng muôn loài.
+ Cụ thể, hình ảnh chú ốc xuất hiện cùng ngọn Phú Sĩ hùng vĩ, đồ sộ trong bài thơ: Hình ảnh con
ốc nhỏ trên đường bò lên đỉnh núi Phú Sĩ được nhà thơ Issa ghi lại, chắc có lẽ con ốc sẽ không
bao giờ sống lâu đủ để lên đến đỉnh núi đâu nhỉ? Nhưng nó đã chạm đến trái tim của một thiền sư
Issa để nhà thơ viết nên một bài haiku tuyệt vời. Và năng lượng tích cực từ bài thơ ấy đã truyền
đến hàng triệu người trên thế giới.
=> Cái nhìn không có sự phân biệt giữa vạn vật.

- Khoảng chân không trong thơ:


+ Khoảng lặng nghệ thuật là “khoảng trắng giữa hai dòng chữ”, là phần lời không nói ra, được
nhà thơ giấu kín. Khoảng lặng nghệ thuật có tác dụng diễn đạt những ý nhị, sâu kín của cảm xúc.
Cảm xúc không nói ra là cảm xúc dễ đi vào lòng người, gây được ấn tượng mạnh. Thể hiện được
những đặc trưng hồn cốt của thơ Haiku, vừa đảm bảo tính hàm súc nhưng vừa diễn đạt được tất cả
những gì nhà thơ gửi gắm.

+ Về bản chất, hình ảnh được gợi lên trong ba câu thơ là ốc, núi và hành động bò chậm rì không
mấy đặc sắc. Nhưng kì diệu thay, ai trong chúng ta cũng đã bị lay động bởi sức gợi của thơ Issa.
Bằng trí tượng tượng, con người đã kết nối và cảm thụ được ý nghĩa sâu xa của các câu thơ tối
giản vô cùng. Issa đã để những khoảng trống cho ta tự do suy ngẫm và đưa ra những bài học đúc
kết riêng cho bản thân khi ta đặt mình vào vị trí và tâm hồn của chú ốc nhỏ bé trong tác phẩm này.

- Sự tương quan trong đối lập:


Khi thưởng thức bài thơ chỉ vỏn vẹn ba dòng này, liệu bạn đã bao giờ từng đặt câu hỏi rằng rốt
cuộc việc đặt hai đối tượng “con ốc nhỏ” và “núi Phú sĩ” bên nhau của Issa có dụng ý gì? Bởi, ở
đây bài thơ cho ta cảm giác tò mò về sự đối lập kì lạ ấy, để rồi ngộ ra được cái tương quan được
khắc trong đấy. Phải chăng Issa muốn mượn cái nhìn nhỏ bé của ốc sên để “bật ra” nỗi lòng của
chính mình về cái cuộc đời rộng lớn ngoài kia?
- Tương quan giữa cái cực tiểu và cái cực đại (con ốc nhỏ tí và núi Phu-gi đồ sô).
- Tương quan giữa khả năng hiện thực và mục tiêu to lớn đặt ra (chỉ là một con ốc sên lúc nào
cũng chậm rì rì thế kia nhưng lại mang trong mình khát khao thực hiện một hành động tưởng
chừng như hoang tưởng: trèo núi Fuji - ngọn núi cao nhất Nhật Bản với độ cao hơn 3.776 m. Đây
rõ là một sự hoang đường, con người chúng ta có được mấy ai đủ kiên trì để trèo tới đỉnh núi,
huống chi chỉ là một loài sinh vật nhỏ bé).
- Tương quan giữa thời gian và không gian (qua theo dõi thời gian “trèo núi” của con ốc, ta có
được cảm nhận trực quan hơn về kích thước vĩ đại của ngọn núi Phu-gi).
- Tương quan giữa con người với muôn vật trong vũ trụ (hình ảnh con ốc, núi Phu-gi mang tính
biểu tượng, phản chiếu chính hoạt động của con người trong thế giới bao la này).
→ Sự thực, hành trình của con ốc nhỏ cũng tương tự như mọi hành trình trong cuộc đời, cần được
thực hiện với một tâm thế an nhiên và thái độ không sốt ruột, vội vã. Con ốc cứ trèo núi Fuji, khi
nó đã định. Đích đến thật sự có khi không phải ở phía trước (hay ở trên đỉnh Phú Sĩ) mà chính ở
ngay trong tâm hồn mình, ở sự làm chủ chính mình.

III. Mở rộng (Bài thơ con chuột):


"Bên dòng Sumida
Chú chuột kia uống nước
Mưa mùa xuân pha"
- Cái nhìn vô sai biệt hay là tư tưởng bình đẳng của thiền:
+ Khung cảnh thiên nhiên (dòng sông Sumida và núi Phú Sĩ) giản đơn, thanh tao, thuần khiết và
mênh mông nhưng ẩn chứa cái yên bình => Tình yêu thiên nhiên trong ánh mắt người thơ say
tình (mưa mùa xuân với dòng nước trong bài con chuột và núi Phú Sĩ trong bài ốc sên)
- Khoảnh khắc thực tại:
+ Thời gian: không đề cập thời gian, song đó là thời gian của hiện thực khách quan nhưng nó chỉ
là một khoảnh khắc thu chụp mang tính ngắn ngủi
=> Nảy nở ra những bừng ngộ trong khoảng trống suy tưởng mà bài thơ đã mở ra cho độc giả.
- Thời gian: có nhắc đến mùa xuân cụ thể
- Sự tương quan và hoà hợp: con ốc, con chuột nhỏ bé nhưng không hề bị lấn át trong không gian
rộng lớn.

=> Nhận xét rút ra: Một thực thể bé nhỏ, chú chuột có thể bị xóa nhòa bên dòng sông mênh
mông rộng lớn. Nhưng nếu là một người không mang tình yêu với những kiếp đời nhỏ bé thì sẽ
không thấy được chú chuột như Issa. Chú chuột nhỏ mơ ước một ngụm nước mùa xuân tươi mát,
cho dù biết sẽ gặp gian nan khi uống nước sông đang cuồn cuộn, nhưng chú chuột vẫn cứ thong
dong tự tại. Không màn sự đời để đạt được ước mơ nhỏ nhoi ấy. Và chú chuột nhỏ bé đã ngặm
được cả mùa xuân vào miệng mình, như thể đang tiến về cõi Niết bàn của chuột. Đó là điều đẹp
nhất mà một con vật nhỏ bé mơ ước được. Nhưng Issa có mơ ước được như chú chuột nhỏ bé kia
đâu, ông mơ thật nhiều những giấc mơ tươi đẹp, mơ về một gia đình hạnh phúc, và mọi thứ đều bị
vỡ tan trước trò đùa vô nhân của cuộc đời. Bởi thế, ông gửi gắm vào từng số phận nhỏ bé như chú
chuột, con ốc, con ếch những ước mơ mà ông không thể thực hiện được, ở đó ông cũng thấy vui
rồi.

IV. Kết luận:

Liệu rằng ta có cảm thấy cuộc đời thật bất công đối với số phận bất hạnh của Issa? Còn góc
nhìn của Issa với vạn vật trần trần thế chưa bao giờ là một cái nhìn phân biệt, mà là một góc nhìn
bình đẳng cùng với một tâm hồn dịu dàng, thấu cảm và vị tha. Tất cả những điều đó cùng với
nghệ thuật đã hòa quyện nên vẻ đẹp chung của thơ haiku, và cũng một vẻ đẹp rất riêng của thơ
của Issa.
Đọc thơ Haiku, thơ của Issa, bài thơ về con ốc sên này, ta như trò chuyện với chính mình.
Những câu chữ tinh giản trong thơ là của tác giả, còn những khoảng trống để lại chính là thế giới
nội tâm của mỗi người đọc. Có những khoảnh khắc người ta ngộ ra chứ không phải nhận ra.
Khoảnh khắc ấy chỉ diễn ra trong tức thì, chính là cái linh cảm, cái bừng ngộ, cái tinh túy mà mỗi
nhà thơ Haiku thu chụp được trong cuộc đời. Nhưng giờ đây, thơ Haiku vẫn còn tồn tại đến bây
giờ, không bay vội đi như suy nghĩ thoáng chốc, cho ta cơ hội chiêm nghiệm, thấu hiểu hơn về thế
giới bao la ngoài kia cũng như thế giới nội tâm của chính mình.

You might also like