You are on page 1of 4

- Theo kết quả khảo sát, trong sử thi Đăm Săn, phương tiện đi lại, vận chuyển là voi

chiếm 66,7%, ngựa chiếm 33,3%. Đăm Săn đã cưỡi voi dẫn dân làng đi lao động
bắt cua, tôm, cá; cưỡi voi đi chiến đấu với M’tao Grứ và M’tao M’xây để bảo vệ
thị tộc, bảo vệ vợ của mình. Đó là những “con voi đực đuôi dài chấm đất, có bộ
ngà rộng, mặt nó như bông hoa đẹp, khiến cho người người trông thấy nó đều phải
vui mừng” (1). Không chỉ có voi mà ngựa cũng là một người bạn đồng hành cùng
Đăm Săn đi bắt nữ thần Mặt Trời “chàng ngồi trên lưng con ngựa đực” (2), “con
ngựa chạy nhanh như gió thổi, vượt lên đỉnh núi, nhảy qua bao dòng thác, bao con
suối” (3) đã cùng Đăn Săn băng qua mọi khó khăn ở rừng sáp đen của bà Sun Y
Rít và cùng Đăm Săn hy sinh trên con đường chinh phục tự nhiên.

- Bản sắc văn hóa của cộng đồng người Ê đê được thể hiện rõ nét qua trang phục và
các hoạt động lao động sản xuất. Cũng giống như 53 dân tộc anh em cùng cộng cư
trên dải đất hình chữ S, người Ê đê có riêng cho mình trang phục truyền thống với
những đường nét hoa văn mang đậm bản sắc con người nơi đây. Người anh hùng
Đăm Săn đã làm người đọc say mê với thân hình khỏe khoắn, cường tráng trong
trang phục: “cái khố có hoa sao, cái áo có hoa me”, “Trên đầu, chàng quấn một cái
khăn màu tím. Quanh lưng, chàng thắt một chiếc khăn màu đỏ” (4). Trang phục
của Đăm Săn chính là trang phục điển hình của đàn ông Ê đê xưa. Y phục của họ
gồm áo và khố: áo của nam thường có phần tay khá dài, vạt sau dài hơn vạt trước
và khố dùng để che chắn nửa thân dưới của họ. Ngoài ra, họ cũng thường mang
hoa tai, vòng cổ hoặc quấn khăn đen nhiều vòng trên đầu. Chính những bộ trang
phục này đã tôn lên vẻ đẹp độc đáo, đầy nam tính của họ. Bên cạnh đó, những
người vợ của Đăn Săn cũng mang những bộ trang phục rất bắt mắt “Mỗi nàng mặc
một chiếc váy có hoa me và chiếc áo có hoa sao” (5), “tay trái nàng đeo vòng bạc,
tay phải nàng đeo vòng vàng” (6). Trang phục của nữ giới là váy tấm, áo chui,
chúng được làm bằng thổ cẩm với gam màu chàm, màu đen chủ đạo và điểm
những hoa văn sặc sỡ đậm chất thiên nhiên núi rừng. Trang phục còn kết hợp với
trang sức bằng vàng hoặc đồng, vòng tay thường được đeo thành bộ kép để nghe
tiếng va chạm của chúng vào nhau.

- Vẻ đẹp con người Ê đê càng trở nên ấn tượng hơn khi họ hòa chung trong bức
tranh lao động, sản xuất sinh động: “Trai xinh gái đẹp lên xuống sàn nhà nhộn nhịp
rộn ràng như những đàn ong tìm hoa gây mật” (7). Tù trưởng Đăm Săn đã cùng
các nô lệ, tôi tớ của mình tham gia vào các hoạt động sản xuất, phát rẫy, làm
ruộng, đi rừng săn thú: “lũ làng phát được một vùng đất rộng bằng bảy ngọn đồi.
Sau bảy ngày, bảy đêm, cây đã khô, họ dồn lại từng đống châm lửa đốt” (8), “một
trăm người vạch luống, một nghìn người chọc lỗ” (9) để làm ruộng nương... Trong
những buổi đầu xây dựng cuộc sống cộng đồng, với vai trò là một vị tù trưởng,
Đăm Săn đã lên Trời xin giống lúa tốt, hướng dẫn tôi tớ làm nương rẫy, canh thú
rừng đến phá rẫy, đi rừng, đi suối săn thú, kiếm con cá, con tôm. Người Ê đê chủ
yếu săn bắn, hái lượm, làm rẫy, đánh cá, đan lát, dệt vải... Ngoài trồng trọt, họ còn
chăn nuôi trâu, bò, voi để phục vụ cuộc sống hằng ngày.

- Chế độ mẫu hệ là điểm nhấn trong văn hóa tinh thần của người Ê đê. Chế độ này
được hình thành từ xa xưa dựa trên đặc điểm quần hôn nguyên thủy. Khi đó, người
ta chỉ có thể nhận biết rõ ràng về mẹ, người đã mang nặng đẻ đau, sinh ra những
thiên thần. Người mẹ cũng giữ vai trò quan trọng trong việc quản lý, phân chia
lương thực, thực phẩm. Nói rộng ra là nắm giữ nguồn nuôi dưỡng sự sống trong
gia đình. Người đàn bà cai quản mọi việc trong nhà, còn giao tiếp với xã hội và
cộng đồng là do người đàn ông đảm nhiệm. Con cái sinh ra mang họ mẹ, bất cứ
việc lớn nhỏ trong gia đình thì ý kiến quyết định cuối cùng vẫn là của người phụ
nữ lớn tuổi nhất trong nhà. H’Nhí và H’Bhí trong sử thi Đăm Săn là những người
phụ nữ quyền lực, mọi của cải, sự quyết định trong gia đình đều thuộc về hai chị
em. Nếu ở các dân tộc thiểu số khác, nhà trai đi hỏi cưới nhà gái về làm vợ thì dân
tộc Ê đê ngược lại. Lễ cưới - hỏi của họ chịu sự chi phối của chế độ mẫu hệ nên
người con gái đi chủ động đi hỏi và cưới chồng. H’Nhí và H’Bhí đã cùng các anh
trai của mình sang tận nhà Đăm Săn để hỏi cưới chàng làm chồng: “Chúng tôi
muốn hỏi Đăm Săn về để ngồi thay ông nội chúng tôi trên chiếc chiếu, để có người
nhắc lại sự việc đã xảy ra với tổ tiên ông bà chúng tôi ngày trước” (10). Đồng thời,
nhà gái chịu mọi phí tổn trong hôn nhân và người chồng đi ở rể bên nhà vợ. Cụ
thể, nhà gái H’Nhí và H’Bhí đã đem sính lễ cưới cho người phụ nữ lớn tuổi nhà
chú rể bao gồm: “voi đực cùng với hai nài voi, một người ngồi trên cổ voi và một
người ngồi trên lưng voi; giao một tớ trai và một tớ gái, tớ gái đi theo để nấu cơm,
tớ trai đi theo để nướng thịt” (11). Sau đó, Đăm Săn đã theo vợ về ở rể và tập trung
làm lụng, đánh giặc để bảo vệ cộng đồng, mở rộng buôn làng cho gia đình vợ.
- Chế độ mẫu hệ của người Ê đê in đậm trong kiến trúc và trang trí chiếc đầu cầu
thang vào nhà. Chúng được trang trí đôi bầu sữa và hình vầng trăng khuyết - những
biểu tượng sống động của tính nữ. Văn hóa người Ê đê còn mãi với tục nối dây
(Juê nuê) - một luật tục cổ truyền trong hôn nhân của người Ê đê. Tục này quy
định khi chồng chết, người phụ nữ có quyền đòi hỏi nhà chồng phải thế một người
đàn ông khác để làm chồng. Ngược lại khi vợ chết, người chồng phải lấy một
người con gái trong gia đình vợ, miễn là người đó chưa có chồng. Theo tục Juê
nuê, trong hôn nhân của người Ê đê, khi bà của H’Nhí và H’Bhí chết, hai nàng
phải nối dây với chồng bà là ông M’tao Y Kla (cậu của Đăm Săn). Nhưng cậu của
Đăm Săn chết, Đăm Săn phải thay cậu nối sợi dây hôn nhân với H’Nhí và H’Bhí.
Những người phụ nữ trong dòng họ của vợ/chồng chấp nhận “nối dây” không
những xuất phát từ tình yêu thương với người đã góa kia mà còn là trách nhiệm,
tình thương đối với những đứa trẻ bất hạnh, mang lại hạnh phúc cho con cháu,
dòng họ và gìn giữ truyền thống mẫu hệ. Thế nhưng, tục lệ này cũng gò bó con
người, không cho họ tìm tình yêu tự do, bình đẳng. H’Nhí và H’Bhí vì nghe theo
lời ông bà nội mà không dám nảy sinh tình cảm với những người đàn ông khác,
còn Đăm Săn thì tìm nhiều cách chống đối cuộc hôn nhân này song vẫn không
thoát khỏi luật lệ. Chàng phải từ bỏ người yêu về làm chồng hai người đẹp thì mới
trở thành “một người giàu mạnh, cái chân không bước xuống đất mà nhà đầy nô lệ,
cái chân không chạm đất mà đầy đàn voi đến” (12) còn nếu lấy vợ làng đông, xóm
tây thì “sẽ trở thành nô lệ, thành đứa giữ ngựa, cột chiêng, xiềng voi” (13). Tuy
nhiên, cho đến nay, tục nối dây đã có nhiều chuyển biến, người Ê đê không còn bị
ép buộc mà trên cơ sở tự nguyện, người nối dây phải tương xứng về tuổi, trong
trường hợp không có người thích hợp trong dòng họ của người vợ/ chồng đã mất
thì người chồng/ vợ được đi lấy người khác. Đây là một tín hiệu đáng mừng với
những luật tục đã lạc hậu của người Ê đê.
----------------------------------------------------------------

Nguồn : 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13 Linh Nga NiêkĐăm - Y Khem, Y


Wang Mlô Duôn Du, Bài ca chàng Đăm Săn, Nxb Văn hóa dân tộc, 2012.

Tài liệu tham khảo


1. Thùy Chang, Văn hóa Tây Nguyên - kết tinh của văn minh nương rẫy,
luhanhvietnam.com.vn, 16-4-2019.

2. Hoàng Ngọc Hiến, Bài ca chàng Đăm San như là một tác phẩm anh hùng ca,
Tạp chí Dân tộc học, số 1, 1980, tr.26-35.

3. Bá Thắng, Chuyện về những chiếc ché của người Ê đê, baodantoc.vn, 15-3-
2020.

4. Trần Ngọc Thêm, Cơ sở văn hóa Việt Nam, Nxb Giáo dục, 1999, tr.40

Tác giả: PGS, TS Ngô Thị Thanh Qúy

Nguyễn Thu Huyền

Nguồn : Tạp chí VHNT số 464, tháng 6- 2021


Link: http://www.vanhoanghethuat.vn/ve-dep-van-hoa-e-de-trong-su-thi-dam-san.htm

You might also like