You are on page 1of 3

Bài thơ trên ghế đá

Lê Đạt

Đêm mưa lạnh

Gió không có nhà

Những cửa phòng khép lại

Mái nhà ấm biết bao nhiêu

Hai bóng người nghiêng nghiêng trên ghế đá

Vũ trụ đêm nay làm của riêng

Một áo che chung

Đôi lòng khép lại

Mái nhà nào ấm bằng

Đôi miệng trẻ gặp nhau

Chớp rạch chân trời loé sáng

Ghế đá bỗng rùng mình

Lần đầu tiên trong đời

Bỗng thấy chán cuộc đời làm đá

Đêm

Ghế đá rủ nhau

Từng đôi

Từng đôi

Khoác tay nhau tâm sự

Đi suốt đêm không ngồi

Cây trút lá gửi tình hôn mặt nước

Mưa gió buồn cũng rủ nhau đi nốt


Bài thơ dệt thành từ một cấu tứ lạ: sự hoà hợp giữa người với người làm thức tỉnh
chuyện tình của đá giữa vũ trụ không bình yên. Tôi yêu thơ cũng vì lẽ đó. Bằng lòng
thẩm thấu đầy yêu thương, Lê Đạt đã đan cài, tiếp ứng hai câu chuyện trong một khúc
tâm tình: đời thực lẫn huyền thoại

"Bài thơ trên ghế đá" mở ra bối cảnh động, đối lập giữa hai thời gian:

Đêm mưa lạnh

Gió không có nhà

Những cửa phòng khép lại

Mái nhà ấm biết bao nhiêu

Một thời gian thuộc về vũ trụ, có gió mưa, sấm chớp những nỗi cô đơn rợn rợp bao
trùm. Một thời gian là mái nhà ấm cúng với những cửa phòng khép chặt như đóng lại,
tách biệt hẳn với phong vũ ngoài kia. Không gian của đêm lạnh lẽo, mênh mông và dữ
dội bao nhiêu, trong nhà lại ấm áp, bé nhỏ và yên bình bấy nhiêu. Hai thế đối lập, ngăn
cách ấy tạo cho lời thơ nhịp điệu đặc biệt: câu sau nối tiếp dài hơn câu trước một vần tự,
chuẩn bị cho sự xuất hiện của con người:

Hai bóng người nghiêng nghiêng trên ghế đá

Vũ trụ đêm nay làm của riêng

Thi sĩ- hoạ sĩ Lê Đạt điểm cho bức tranh nét vẽ của sự sống, tình yêu khiến tất cả như
bừng sáng. Hai bóng người trên ghế đá giữa một đêm mưa lạnh càng chứng tỏ sức mạnh
của tấm tình đôi lứa. Họ lấy không gian vũ trụ làm của riêng. Họ gắn bó hoà hợp trong
"một áo che chung" để "đôi lòng khép lại". Đất trời chợt trở nên nhỏ bé. Cả mái nhà chật
hẹp, khép cửa kia cũng thành vô nghĩa đâu ấm bằng sự che chở bằng tình yêu trong họ:

Mái nhà nào ấm bằng

Đôi miệng trẻ gặp nhau

Chớp rạch chân trời loé sáng

Hai trái tim yêu hoà quyện làm một. Họ dựng lên căn nhà ấm cúng vô hình bằng chất
liệu ngọt ngào của men tình say đắm. "Đôi miệng trẻ gặp nhau" mặc trời cao "chớp rạch
chân trời loé sáng". Phút giây ấy trở thành bất tử. Đôi tình nhân dường như đã hoá đá,
hoá biểu tượng cho lòng yêu mãnh liệt, đầy sức đam mê. Còn những vật vô tri là ghế đá
lại "rùng mình" run rẩy, hoá người trong giây phút huyền thoại của đêm mưa:

Ghế đá bỗng rùng mình

Lần đầu tiên trong đời

Bỗng thấy chán cuộc đời làm đá

Chứng kiến bao cuộc tình cháy bỏng, ghế đá hồi hộp, chợt thức dậy niềm mê đắm với
chất đời trần thế. Đá không yên lòng, cam chịu cuộc đời làm đá nữa. Lần đầu đá biết
chán trước phận mình. Và sự tiếp ứng của câu chuyện thần tiên bắt đầu diễn tiến:

Đêm

Ghế đá rủ nhau

Từng đôi

Từng đôi

Khoác tay nhau tâm sự

Đi suốt đêm không ngồi

Cái tình trong đời thực đã làm nên men tình huyền thoại. Từ một vật vô cảm, vô tri,
ghế đá cũng biết hò hẹn, "từng đôi khác tay nhau tâm sự" Thật lãng mạn quá! Đời quá!
Sức tưởng tượng của Lê Đạt bay bổng đến mức diệu kỳ. Người thưởng thức thơ lại thả
hồn, hoà điệu cùng thời gian yên bình ấy.

Nhịp thơ ngắn, buông lửng, tạo cảm giác kéo dài, chậm rãi của thời gian. Và dường
như mọi vật đang lắng xuống cho tình yêu nảy nở. Từng đôi ghế đá đi suốt đêm không
ngồi, hay những cặp tình nhân cứ mãi kiếm tìm , khám phá nhau không mỏi. Cả cây lá
cũng gửi tình hôn mặt nước... Đất trời ngân vang bản hoà tấu của muôn vàn sự sống đầy
mê hoặc. Chẳng còn cái lạnh của gió mưa, chỉ có sức nóng ngọt ngào trong những "mái
nhà" ấm cúng.

Ai đã thoáng gặp "Bài thơ trên ghế đá" dù chỉ một lần, chắc hẳn không quên chất xúc tác
là men tình nồng đậm ấy. Để rồi một bức tranh đêm bằng những bằng những nét vẽ
ngôn từ sẽ còn mãi, như trang cổ tích thời hiện đại.

(Lời bình của Bùi thị Quỳnh Luyên- báo Phụ nữ Việt Nam)

You might also like