You are on page 1of 4

Đề: Phân tích 7 câu đầu bài Đồng chí.

Bài làm
Nhà thơ Tố Hữu có viết:
“Nếu được làm hạt giống để mùa sau
Nếu lịch sử chọn ta làm điểm tựa
Vui gì hơn làm người lính đi đầu
Trong đêm tối, tim ta làm ngọn lửa!”
Tiếng thơ cất lên như phảng phất vào ta một mùi hương của loài hoa “đồng nội”- biểu trưng cho
người lính ngày đêm cống hiến hết mình. Họ là những cây xương rồng cứng cỏi chống chọi với khắc
nghiệt của nơi sa mạc cằn cỗi, là ngọn hải đăng soi sáng cho chiếc thuyền độc lập tự do của đất nước
cập bến như ngày hôm nay. Chính vì thế, vẻ đẹp của người chiến sĩ đã từng bước hòa mình vào dòng
suối bất tận của thi ca, tạo nên dư vị cho tình đồng chí. Cùng với thi liệu ấy, biết bao thi sĩ đã dày công
sáng tạo và viết nên vô vàng dòng thơ về người lính. Trong đó không thể thiếu chàng trai Chính Hữu
với bài thơ “Đồng chí”. Chính Hữu sinh năm 1926 mất năm 2007, quê ở Hà Tĩnh. Thơ ông chỉ viết về
đề tài người lính và chiến tranh. Bài thơ “Đồng chí” được viết năm 1948 ở chiến khu Việt Bắc, in trong
tập thơ “Đầu súng trăng treo”. Bảy câu thơ đầu trong bài thơ ấy đã khái quát về những cơ sở của tình
đồng chí. Đoạn thơ bình dị mà sâu lắng, để lại bao cảm xúc cho bạn đọc:
Quê hương anh nước mặn, đồng chua
Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá.
Anh với tôi đôi người xa lạ
Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau,
Súng bên súng, đầu sát bên đầu,
Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ.
Đồng chí!
Mở đầu bài thơ bằng tài năng cảm thụ của mình, tác giả đã đi sâu vào xuất thân của người lính :

“Quê hương anh nước mặn, đồng chua


Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá”.

Hai câu thơ với lối cấu trúc song hành, đối xứng, giọng điệu tự nhiên, mộc mạc, đầy thâm tình như
đang tâm sự cùng nhau. “Quê anh” và “làng tôi” đều là những vùng nghèo cằn cỗi, xác xơ, là nơi “nước
mặn đồng chua” đại diện cho vùng đồng bằng ven biển, là xứ sở cho “đất cày lên sỏi đá” tượng trưng
cho vùng đồi núi trung du, đất đai khô cằn, khó canh tác. Tác giả đã mượn thành ngữ cùng với nghệ
thuật phép đối và biện pháp ẩn dụ độc đáo để nói về nơi chôn rau cắt rốn thân yêu của những chàng trai
dân cày chân đất, áo nâu lần đầu mặc áo lính trên đường ra trận. Họ sinh ra trong một đất nước có
truyền thống nông nghiệp, họ vốn là những người nông dân từ vùng quê nghèo khổ. Nhưng với lòng
yêu nước cao đẹp, họ sẵn sàng hi sinh, tạm biệt xóm làng để đi theo tiếng gọi Tổ quốc, để trở thành
những anh bộ đội cụ Hồ bảo vệ đất nước. Hai câu thơ gợi lên không khí cách mạng của thời đại và
cuộc đổi đời vĩ đại của giai cấp nông dân. Lần đầu tiên trong lịch sử họ đứng lên làm chủ đất nước, làm
chủ cuộc đời mình. Bởi thế, trong bài thơ “Khúc bảy” của Thanh Thảo có viết:
“Chúng tôi đã đi không tiếc đời mình
Những tuổi hai mươi làm sao không tiếc
Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi Tổ quốc”

Chao ôi! Thật anh dũng làm sao! Chính điểm chung về cảnh ngộ ấy đã khiến họ dễ cảm thông, yêu
thương nhau. Đó chính là mảnh đất màu mỡ cho hạt giống của tình đồng chí nảy nở, phát triển.

Tiếng gọi của Tổ quốc đã đưa những con người từ mọi miền đất nước, từ các phương trời “xa
lạ” đến gần nhau, khiến họ có sự tương đồng trong ngày đầu gặp mặt:

Anh với tôi đôi người xa lạ


Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau

Người lính Trung đoàn Thủ Đô khi đã một lần nữa tạo ra sắc thái của sự gắn kết thông qua cặp từ “anh
– tôi”. Một từ ngữ xưng hô thật trân trọng, thể hiện sự quý mến nhau. Họ xuất thân thì hai miền quê
khác nhau, lại là “đôi người xa lạ” mà cũng “chẳng hẹn quen nhau”, nhưng vì tinh thần yêu nước chống
giặc ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc nên họ đến đây và “quen” nhau. Từ “đôi” vốn dĩ đã gợi lên sự thân
thiết, chung nhau một thứ gì, chỉ là nó chưa được bộc bạch. Từ phương trời cao, chẳng quen biết nhau,
ấy thế mà họ lại cùng chung nhịp đập trái tim, cùng chung một dòng máu đỏ và hơn thế nữa, họ cùng
tham gia vào đội ngũ kháng chiến, để rồi họ cùng trải qua với bao kỉ niệm đẹp:

Súng bên súng đầu sát bên đầu


Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ

Hình ảnh liệt kê kết hợp với điệp ngữ “súng, đầu, bên” gợi tả hàm súc giàu tính biểu tượng, diễn tả ý
hợp tâm đầu của đôi bạn tâm giao. Góp phần nhấn mạnh sự gắn bó, khắn khít của những người lính .
Bây giờ, giữa hai người lính đã không còn khoảng cách nữa, không còn xa lạ nữa, tất cả như hòa làm
một, đằng sau là những khẩu súng sát cạnh, những mái đầu tựa vào nhau tạo nên một khung cảnh tuyệt
đẹp. Tác giả sử dụng cấu trúc sóng đôi độc đáo trong câu thơ, cùng cách miêu tả hàm súc,: “Súng bên
súng, đầu sát bên đầu”. Nếu như “súng bên súng” nói về cái chung về hoàn cảnh, kẻ thù, chung một
trận tuyến chung một nhiệm vụ, một khao khát độc lập tự do thì “đầu sát bên đầu” còn là cái chung về
ý chí, tâm tư, tình cảm, sự quyện hòa của tâm hồn – đó chính là biểu tượng cho lí tưởng cao đẹp. Hình
ảnh giàu triết lí đó còn ca ngợi sự đoàn kết giữa hai anh bộ đội cụ Hồ: trong chiến đấu gian khổ vẫn kề
vai sát cánh, trong khó khăn đời lính thì chia cho nhau từng lời tâm sự, động viên. Cả câu thơ tạo nên
một âm điệu khỏe, chắc, nhấn mạnh sự gắn kết, cùng chung lí tưởng, cùng chung nhiệm vụ. Tình cảm
cảm động, đầy chân tình ấy còn được thể hiện qua hình ảnh “đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ”. Một
hình ảnh đối lập đẹp đến nao lòng! Cái chăn đắp chung ấy có lẽ không chỉ là chiếc chăn bình thường,
mà là chiếc chăn của tình đồng đội. Chiếc chăn ấm nồng sưởi ấm tâm hồn người lính trong cái rét buốt
cắt da cắt thịt triền miên, cái lạnh lùng vô tình của súng ống đạn bom ở núi rừng Việt Bắc. Đắp chung
chăn, anh và tôi cùng chia nhau hơi ấm, tiếp thêm cho nhau sức mạnh tinh thần. Hơn thế nữa, chỉ qua
hai từ Hán Việt mà Chính Hữu đã gieo vào đó một tình cảm cao đẹp. Đó là từ “tri kỉ”- nghĩa là hiểu
bạn như hiểu mình. Bạn tri kỉ thật sự không dễ kiếm, có khi cả đời vẫn không tìm được ai. Vậy mà hai
anh lính lại thành tri kỉ của nhau nhanh chóng như vậy. Phải chăng khi đất nước hoạn nạn, đứng trước
nguy cơ đánh mất độc lập tự do thì tình bạn, tình tri kỉ mới sớm nảy nở nơi hai người “xa lạ”? Có lẽ
tình “đồng đội” đã thắp sáng ngọn lửa trong trái tim của người lính và bây giờ còn hơn cả tình anh em -
một tình cảm không thể thay thế hay đong đếm được. Tình cảm ấy, Tố Hữu cũng đã từng viết:
“Thương nhau chia củ sắn lùi,
Bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng”

Và như một phép màu, sự đồng cảnh, đồng tâm tư đã hóa thành tình cảm cao quý giữa các anh, họ gọi
nhau bằng cái tên chung:

Đồng chí!

Tiếng gọi sao mà thiêng liêng, tha thiết thế! Các anh giờ đây không chỉ là “tri kỉ” của nhau mà đã trở
thành những người “đồng chí”. Câu thơ vang lên như một nốt nhạc trầm ấm, thân thương, đọng lại bao
dư vị trong tâm trí bạn đọc. Giọng thơ đan liền mạch nhẹ nhàng, bỗng ngắt nhịp đột ngột. Nó cất lên
như một lời khẳng định đanh thép, một tiếng gọi đầy xúc cảm bật ra từ trái tim của người chiến sĩ. Từ
“đồng chí” lại được tách ra thành câu riêng, một câu đặc biệt như một bản lề khép mở: khép lại cơ sở
hình thành tình đồng chí và mở ra những biểu hiện, sức mạnh của tình đồng chí.

Với cấu trúc thơ khác thường ấy, tác giả đã làm nổi bật ý thơ. Nó như một nốt nhấn của bản
nhạc, bật lên âm hưởng gây xúc động lòng người. “Đồng chí” là từ dùng để xưng hô của những người
lính. Đến bây giờ, “đồng chí” là từ xưng hô của những đảng viên với nhau. Đó là tiếng gọi thiêng liêng
của những người có chung chí hướng, lí tưởng vang lên từ sâu thẳm trong tâm hồn. Tình đồng chí là
cốt lõi, là đỉnh cao của tình bạn, tình người, là kết tinh của mọi tình cảm, là cội nguồn sức mạnh để
người lính vượt qua những tháng ngày khó khăn, gian khổ. Hai tiếng “đồng chí” và dấu “!” giống như
một thanh âm, một tiếng gọi thiết tha, đơn sơ mà cảm động, nó như một ánh khuê làm bừng sáng ý
nghĩa của cả đoạn thơ và bài thơ. Tất cả đã làm cho giọng thơ như xao xuyến hơn, lời thơ lưu luyến
hơn, và bản hòa ca bất tận của tình người trở nên sâu sắc hơn, lắng đọng hơn.

Tựu trung lại, đoạn thơ khép lại với nhịp điệu trầm lắng, tươi vui dường như đã trở thành những
vần thơ của niềm tin yêu, sự hi vọng, lòng cảm thông sâu sắc của một nhà thơ cách mạng. Không
những thế, thể thơ tự do đầy phóng khoáng, phù hợp cùng các biện pháp nghệ thuật như: phép đối, điệp
ngữ, liệt kê… được sử dụng hiệu quả đã giúp lời thơ ngắn gọn nhưng hàm súc, chứa đựng nhiều ý
nghĩa sâu sa. Chính Hữu viết và dành tặng bài thơ cho những người bạn nông dân mặc áo lính của
mình, vậy nên ngôn ngữ của bài rất mộc mạc, bình dị, gần gũi với người nông dân Việt Nam. Những
thành ngữ, những hình ảnh quen thuộc của làng quê và những khẩu ngữ đã góp phần tạo cho áng thơ
một giọng điệu nhẹ nhàng, thâm trầm. Tất cả đã thể hiện được tư tưởng nhân văn cao đẹp: đó là lòng
yêu nước bất khuất, đó là tình đồng chí, ấm áp, thiết tha của anh vệ quốc dân.

Xuân Diệu đã từng tâm niệm rằng : “Thơ là hiện thực, thơ là cuộc đời, thơ còn là thơ nữa.” Thi
ca chỉ “dung nạp” những con người biết nhìn nhận hiện thực bằng lăng kính và trái tim của mình.
Chính Hữu đã thành công đem hiện thực ấy vào trang thơ một cách tự nhiên, sinh động. Đồng thời nhà
thơ đã dùng ngòi bút tài hoa vẽ lên bức tranh về chiến tranh khốc liệt một vì sao tỏa sáng thuần khiết,
tuyệt đẹp nhất. Đó chính là tình đồng chí, keo sơn, thắm thiết với những cơ sở vững chắc, đầy thuyết
phục. Qua đó cho thấy Chính Hữu rất nặng tình với đồng chí, đồng đội nên đã khắc họa tình cảm ấy với
cảm xúc bồi hồi khó tả. Cho dù lịch sử đã sang trang mới nhưng có lẽ hình ảnh những người nông dân
mặc áo lính vẫn sống mãi trong lòng thế hệ mai sau. Vẻ đẹp của các anh, tinh thần của các anh sẽ
chẳng thể bị bụi thời gian cuốn đi mất và vẫn là âm vang bất diệt:

Có một thời như thế chẳng hề quên


Là người lính - người quân nhân cách mạng
Dẫu chiến tranh nhưng tâm hồn lãng mạng
Dấu tâm tình trong đáy cóc ba lô.

You might also like