You are on page 1of 5

Cảm nhận của em về hình tượng người lính trong bài thơ 

Đồng chí của  Chính Hữu.


BÀI LÀM
I/Mở bài
Trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc vĩ đại, hình ảnh người lính mãi mãi là hình ảnh cao quý nhất,
đẹp đẽ nhất. Hình tượng người lính đã đi vào lòng người và văn chương với tư thế, tình cảm và phẩm chất
cao đẹp. Một trong những tác phẩm ra đời sớm nhất, tiêu biểu và thành công nhất viết về tình cảm của
những người lính Cụ Hồ là bài“Đồng chí” của Chính Hữu. Bài thơ được sáng tác năm 1948. Bằng những
rung động mới mẻ và sâu lắng, bằng chính sự trải nghiệm của người trong cuộc, qua bài thơ “Đồng chí”,
Chính Hữu đã diễn tả thật sâu sắc tình đồng chí gắn bó thiêng liêng của anh bộ đội thời kháng chiến.
II/Thân bài
1.Khái quát chung
Bài thơ được viết vào đầu năm 1948 sau khi tác giả cùng đồng đội của mình tham gia chiến dich
Việt Bắc Thu Đông 1947. Với cái nhìn chân thực của người lính-người trong cuộc-người trực tiếp cầm
súng ra mặt trận, Chính Hữu đã khắc họa thành công vẻ đẹp sống động từ hoàn cảnh xuất thân đến tâm
hồn và ý chí nghị lực mạnh mẽ, dũng cảm, chan chứa tình đồng chí của người lính cách mạng.
2. Cảm nhận về hình tượng người lính trong bài thơ
2.1. Cơ sở hình thành tình đồng chí
Thật vậy, trong 7 câu thơ đầu, nhà thơ lý giải cơ sở hình thành tình đồng chí thắm thiết, sâu nặng
của những người lính cách mạng.
*Cùng chung cảnh ngộ xuất thân
Cảm nhận đầu tiên của chúng ta khi đọc bài thơ là hình ảnh người lính hiện lên rất thực, thực như
trong cuộc sống còn nhiều vất vả lo toan của họ. Ngỡ như từ cuộc đời thực họ bước thẳng vào trang thơ,
trong cái môi trường quen thuộc bình dị thường thấy ở làng quê ta còn đói nghèo lam lũ:
                      “Quê hương anh nước mặn đồng chua,
                        Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá”.
Hai câu đầu với cấu trúc sóng đôi cùng cách xưng hô “anh - tôi” thân mật gần gũi đã thể hiện sự
tương đồng về hoàn cảnh của những người lính. Giọng điệu thủ thỉ, tâm tình như lời kể chuyện, tâm sự
của hai người đồng đội nhớ lại kỉ niệm về những ngày đầu tiên gặp gỡ. Họ đều là con em của những vùng
quê nghèo khó, là những nông dân ở nơi “nước mặn đồng chua” hoặc ở chốn “đất cày lên sỏi đá”. Đúng
như Nguyên Hồng đã viết: “Lũ chúng tôi bọn người tứ xứ”, họ có người đến từ miền biển, có người đến
từ đồi núi. Nhưng tất cả họ đều lớn lên từ những vùng cơ cực, lớn lên trong cảnh nghèo khó, lam lũ, vất
vả. Hình ảnh “quê hương anh” và “làng tôi” hiện lên với biết bao nỗi gian lao vất vả, mặc dù nhà thơ
không chú ý miêu tả. Nhưng chính điều đó lại làm cho hình ảnh vốn chỉ là danh từ chung chung kia trở
nên cụ thể đến mức có thể nhìn thấy được, nhất là dưới con mắt của những người con làng quê Việt Nam.
Thành ngữ dân gian được tác giả vận dụng rất tự nhiên, nhuần nhuỵ khiến người đọc có thể dễ dàng hình
dung được những miền quê nghèo khổ, nơi sinh ra những người lính. Khi nghe tiếng gọi thiêng liêng của
Tổ Quốc, họ sẵn sàng ra đi và nhanh chóng có mặt trong đoàn quân chiến đấu bảo vệ Tổ Quốc. Hai câu
thơ đầu theo cấu trúc sóng đôi, đối ứng: “Quê anh – làng tôi” đã diễn tả sự tương đồng về cảnh ngộ. Và
chính sự tương đồng về cảnh ngộ ấy đã trở thành niềm đồng cảm giai cấp, là cơ sở cho tình đồng chí,
đồng đội của người lính.
* Cùng chung lí tưởng chiến đấu
Những tưởng hai con người ở hai vùng quê nghèo đói đấy sẽ chẳng bao giờ gặp được nhau, ấy vậy
mà chiến tranh nổ ra, những con người hoàn toàn xa lạ ấy lại “quen nhau”
“Anh với tôi đôi người xa lạ
Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau”
Những câu thơ mộc mạc, tự nhiên, mặn mà như một lời thăm hỏi. Họ hiểu nhau, thương nhau, tri kỉ với
nhau bằng tình tương thân tương ái vốn có từ lâu giữa những người nghèo, người lao động. Nhưng “tự
phương trời” họ về đây không phải do cái nghèo xô đẩy, mà họ về đây đứng trong cùng đội ngũ do họ có
một lí tưởng chung, cùng một mục đích cao cả: chiến đấu bảo vệ Tổ Quốc. Hình ảnh : “Anh – tôi” riêng
biệt đã mờ nhoà, hình ảnh sóng đôi đã thể hiện sự gắn bó tương đồng của họ trong nhiệm vụ và lí tưởng
chiến đấu:
“Súng bên súng đầu sát bên đầu”
“Súng” và “đầu” là hình ảnh đẹp, mang ý nghĩa tượng trưng cho nhiệm vụ chiến đấu và lý tưởng cao
đẹp. Điệp từ “súng” và “đầu” được nhắc lại hai lần như nhấn mạnh tình cảm gắn bó trong chiến đấu của
người đồng chí.
*Tình đồng chí nảy nở bền chặt trong sự chan hoà, chia sẻ mọi gian lao cũng như niềm vui. Đó là
mối tình tri kỉ của những người bạn chí cốt mà tác giả biểu hiện bằng một hình ảnh thật cụ thể, giản dị mà
hết sức gợi cảm:
“Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ”.
Cái rét ở rừng Việt Bắc đã nhiều lần vào trong thơ bộ đội chống Pháp vì đó là một thực tế ai cũng nếm trải
trong những năm chinh chiến ấy.
Đêm Việt Bắc thì quá rét, chăn lại quá nhỏ, loay hoay mãi không đủ ấm. Đắp được chăn thì hở đầu, đắp
được bên này thì hở bên kia. Có điều lạ là câu thơ nói đến cái rét lại gợi cho người đọc một cảm giác ấm
cúng của tình đồng đội, nghĩa đồng bào. Chính trong những ngày thiếu thốn, khó khăn ấy từ “xa lạ” họ đã
trở thành “tri kỉ” của nhau. “Tri kỉ” là người bạn thân thiết hiểu rất rõ về ta. Vất vả nguy nan đã gắn kết
những người đồng chí khiến họ trở thành người bạn tâm giao gắn bó. Những câu thơ giản dị mà hết sức
sâu sắc, như được chắt lọc từ cuộc sống, từ cuộc đời người lính gian khổ. Bao nhiêu yêu thương được thể
hiện qua những hình ảnh vừa gần gũi vừa hàm súc ấy. Chính Hữu đã từng là một người lính, đã trải qua
cuộc đời người lính nên câu thơ bình dị mà có sức nặng, sức nặng của tình cảm trìu mến, yêu thương với
đồng đội. Sự gắn bó mỗi lúc lại càng thêm sâu sắc: Là súng bên súng đến đầu bên đầu, rồi thân thiết hơn
nữa là đắp chung chăn, thành tri kỉ. Hình ảnh thật giản dị nhưng rất cảm động.
 Để rồi khép lại đoạn thơ đầu là dòng thơ chỉ với một từ “Đồng chí!”. Từ “đồng chí” được đặt thành
cả một dòng thơ ngắn gọn mà ngân vang, giản dị mà thiêng liêng. Từ “đồng chí” với dấu chấm cảm như
một nốt nhấn đặc biệt mang những sắc thái biểu cảm khác nhau, nhấn mạnh sự thiêng liêng cao cả trong
tình cảm mới mẻ này. Đồng chí là cùng chí hướng, cùng mục đích. Nhưng trong tình cảm ấy một khi có
cái lõi bên trong là « tình tri kỉ » lại được thử thách, được tôi rèn trong gian khổ thì mới thực sự vững bền.
Không còn anh, cũng chẳng còn tôi, họ đã trở thành một khối đoàn kết, thống nhất gắn bó. Như vậy,
trong tình đồng chí có tình cảm giai cấp (xuất thân từ nông dân), có tình bạn bè tri kỉ và có sự gắn bó
giữa con người cùng chung lí tưởng, chung mục đích chiến đấu. Và khi họ gọi nhau bằng tiếng “đồng
chí” họ không chỉ còn là người nông dân nghèo đói lam lũ, mà họ đã trở thành anh em trong cả một cộng
đồng với một lý tưởng cao cả vì đất nước quên thân để tạo nên sự hồi sinh cho quê hương, cho dân tộc.
Câu thơ vẻn vẹn có 2 chữ như chất chứa, dồn nén bao cảm xúc sâu xa từ sáu câu thơ trước và khởi đầu
cho những suy nghĩ tiếp theo. Câu thơ như một nút nhấn nổi bật trong bản nhạc, là sự thăng hoa và kết
tinh của mọi cảm xúc, mọi tình cảm. Quả thật ngôn từ Chính Hữu thật là hàm súc.
2.Biểu hiện đẹp của tình đồng chí
Nếu 7 câu đầu tác giả nêu lên cơ sở để hình thành tình đồng chí thì 10 câu tiếp theo tác giả đi tìm những
biểu tượng đẹp của tình đồng đội, đồng chí thiêng liêng sâu nặng này.
*Trước hết, đồng chí là sự thấu hiểu và chia sẻ những tâm tư, nỗi lòng của nhau. Các anh đều là
những người lính tạm gác tình riêng, để nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của tổ quốc, dũng cảm ra đi vì
nghĩa lớn để lại sau lưng mảnh trời quê hương với biết bao nhiêu trăn trở:
“Ruộng nương anh gửi bạn thân cày
Gian nhà không mặc kệ gió lung lay
Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính”
Họ vốn gắn bó sâu nặng với ruộng nương, với căn nhà thân thiết, nhưng cũng sẵn sàng rời bỏ tất cả để ra
đi. Nhà thơ đã dùng những hình anh quen thuộc và tiêu biểu của mọi làng quê Việt Nam như biểu tượng
của quê hương những người lính nông dân. Giếng nước, gốc đa không chỉ là cảnh vật mà còn là làng quê,
là dân làng. Cảnh vật ở đây được nhân cách hoá, như có tâm hồn hướng theo người lính. Hình ảnh “gian
nhà không” là hình ảnh khá lắng đọng trong tâm trí những người chiến sĩ ấy và cũng hết sức ám ảnh trong
tâm trí người đọc. Gian nhà không không chỉ gợi cái nghèo mà còn diễn tả nỗi trống trải của lòng người ở
lại. Trong câu“Ruộng nương anh gửi bạn thân cày” nếu ta thay từ “anh” bằng từ “tôi” thì ý nghĩa câu thơ
sẽ thay đổi hẳn. Ruộng nương “tôi”....là lời bộc bạch tâm trạng của nhân vật trữ tình. Nhưng rõ ràng nhân
vật trữ tình trong bài thơ không nói về mình mà nói về đồng đội của mình. Điều đó nghĩa là họ thấu hiểu
cảnh ngộ và mối bận lòng của nhau. Từ “mặc kệ” không phải là vô tâm, vô trách nhiệm. Mặc kệ là ý
chí quyết tâm của họ khi đi theo cách mạng, làm rắn lòng mình để khỏi mềm lòng khi bước vào trận chiến,
là sự lựa chọn dứt khoát. Tâm trạng ấy cũng được Nguyễn Đình Thi nói tới trong bài “Đất nước”:
“ Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội
Những phố dài xao xác hơi may
Người ra đi đầu không ngoảnh lại
Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy”
Thái độ quyết liệt ấy có vẻ như lạnh lùng nhưng người bạn tri kỉ của anh hiểu được rằng đó chỉ là những
biểu hiện bề ngoài còn trong sâu thẳm tâm hồn người lính vẫn dành cho hậu phương biết bao yêu mến,
vẫn hình dung ra cảnh “Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính”.“Giếng nước, gốc đa” vốn là những vật
vô tri, vô giác nay đã được nhân hóa lên để thể hiện nỗi nhớ thương da diết của quê hương yêu dấu với
những người lính đã rời đi và rất khó để hẹn ngày trở lại. Ngoài ra giếng nước, gốc đa còn dùng để ám chỉ
những người ở lại, những người vợ chờ chồng, mẹ chờ con luôn nhớ thương, mong ngóng tới ngày người
lính trở về. Tại sao người lính đang ở trong chiến trường mà lại thấu hiểu hết những tâm sự của quê
hương, gia đình, ấy là bởi vì chính người lính cũng đang nhớ về họ da diết, một nỗi nhớ hai chiều, nhớ về
quê hương chính là cách để họ vượt qua khó khăn. Đấy chính là vẻ đẹp tâm hồn, những tình cảm chất
chứa trong những người chiến sĩ ấy. Ba câu thơ với các hình ảnh: ruộng nương, gian nhà, giếng nước, gốc
đa, hình ảnh nào cũng thân thương, cũng ăm ắp một tình quê, một nỗi nhớ thương vơi đầy. Nhắc tới nỗi
nhớ da diết này, Chính Hữu đã nói đến sự hi sinh không mấy dễ dàng của người lính. Tâm tư ấy, nỗi nhớ
nhung ấy của “anh” và cũng là của “tôi”, là đồng chí họ thấu hiểu và chia sẻ cùng nhau. Tình đồng chí đã
được tiếp thêm sức mạnh bởi tình yêu quê hương đất nước ấy.
*Tình đồng chí còn là sự đồng cam cộng khổ, sự sẻ chia những gian lao thiếu thốn của cuộc đời
người lính:
“Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh
............................................
Chân không giày”
Bằng những hình ảnh tả thực, các câu thơ có cấu trúc sóng đôi: áo anh, rách vai, quần tôi, mảnh vá,
miệng cười buốt giá, chân không giày, tác giả đã tái hiện chân thực những khó khăn thiếu thốn trong buổi
đầu kháng chiến: thiếu lương thực, thiếu vũ khí, quân trang, thiếu thuốc men…Người lính phải chịu “từng
cơn ớn lạnh”, những cơn sốt rét rừng hành hạ như cơm bữa. Căn bệnh này cũng được nhà thơ Quang
Dũng nói tới trong bài thơ Tây Tiến “ Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc/ Quân xanh màu lá dữ oai
hùm”. Hay trong bài “Dấu chân qua trảng cỏ”, nhà thơ Thanh Thảo cũng từng viết “Những người sốt rét
đương cơn/ Dấu chân bầm xuống đường trơn ướt nhòe”. Căn bệnh sốt rét- nỗi kinh hoàng ám ảnh của
người lính trong chiến tranh đã hành hạ họ khiến họ tiều tụy, xanh xao, vàng da, tóc rụng. Vì thế lúc này
chỉ có tình thương yêu, đùm bọc mới là liều thuốc bổ tinh thần giúp họ vượt qua bệnh tật. Cái đọng lại
trong câu thơ là từ “biết”. Người lính không nói tôi “biết” mà là tôi với anh “biết” từng cơn ớn lạnh.
Nghĩa là họ cùng nếm trải, cùng chịu đựng, cùng trải qua. Họ đã đồng cam cộng khổ, chia ngot xẻ bùi
trong khó khăn gian khổ. Tất cả những khó khăn gian khổ được tái hiện bằng những chi tiết hết sức thật,
không một chút tô vẽ. Không dừng lại ở đó người lính ngay từ những ngày đầu của cuộc kháng chiến, bộ
đội ta thiếu thốn đủ đường, quần áo rách bươm phải buộc túm lại nên người lính vệ quốc còn được gọi là
“vệ túm”. Những hình ảnh “áo rách vai, quần vài mảnh vá, chân không giày” đã nói lên điều đó. Nhưng
trên hết họ vẫn lạc quan, yêu đời “Miệng cười buốt giá”giữa chiến trường bom rơi đạn lửa. Chính nụ
cười ấy đã xóa tan cái lạnh lẽo của đêm đông giá rét. Họ đùa vui trong gian khổ thiếu thốn, động viên
nhau qua ánh mắt, nụ cười. Dù đó chỉ là nụ cười gượng gạo trong “buốt giá” nhưng vẫn chứa chan tình
cảm cho thấy sự lạc quan, mạnh mẽ trong cuộc sống chiến đấu. Đọc những câu thơ này, ta vừa không khỏi
chạnh lòng khi thấu hiểu nhưng gian nan vất vả mà thế hệ cha ông đã từng trải qua, vừa trào dâng một
niềm kính phục ý chí và bản lĩnh vững vàng của những người lính vệ quốc.
* Là niềm yêu thương gắn bó sâu nặng dành cho nhau (Sức mạnh của tình đoàn kết)
Nếu điểm nhấn ở khổ thơ đầu là câu thơ “Đồng chí” thì điểm nhấn ở khổ thơ thứ hai là câu thơ: “Thương
nhau tay nắm lấy bàn tay”. Hình ảnh “tay nắm lấy bàn tay” là hình ảnh giàu sức gợi. Trong cái buốt giá
gian lao, những bàn tay tìm đến với nhau để siết chặt đội ngũ; để truyền hơi ấm cho nhau; để động
viên, cảm thông, chia sẻ mọi khó khăn; để hứa hẹn lập công. Bàn tay giao cảm thay cho lời nói. Nhà
thơ Lưu Quang Vũ cũng từng viết “Lúc chia tay ta chỉ nắm tay mình/ Điều chưa nói bàn tay đã nói”.
Người ta bảo bàn tay biết nói là thế. Một sự cảm thông, chia sẻ vừa chân thành, vừa tha thiết làm sao. Câu
thơ ấm áp trong ngọn lửa tình cảm thân thương! Hình ảnh kết thúc đoạn thứ hai này cắt nghĩa vì sao người
lính có thế vượt qua mọi thiếu thốn, gian khổ, xa quê hương, quần áo rách vá, chân không giày, mùa đông
lạnh giá với những cơn sốt rét “run người”... Hơi ấm của tình đồng chí truyền cho nhau đã giúp người
lính thắng được tất cả.
3.Bức tranh đẹp về tình đồng chí (Biểu tượng đẹp về tình đồng chí)
Hình ảnh người lính và tình đồng chí của họ đã kết tinh, tỏa sáng trong khổ thơ cuối của bài:
“Đêm nay rừng hoang sương muối
Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới
Đầu súng trăng treo”
Ba câu thơ cuối vừa giàu chất hiện thực lại vừa đậm đà chất lãng mạn bay bổng, vừa gợi tả bức tranh
không gian toàn cảnh của núi rừng, lại vừa đặc tả tình cảm ấm áp của những người lính trong chiến tranh.
Đây là biểu hiện cao đẹp nhất của tình đồng đội, đồng chí. Đó là khoảng thời gian “đêm nay” rất cụ thể
với khung cảnh “rừng hoang sương muối” hiu quạnh, lạnh lẽo và khắc nghiệt. Tuy nhiên, người lính vẫn
đứng cạnh bên nhau để “chờ giặc tới”. Động từ “chờ” cho thấy được tư thế chủ động và hết sức đề cao
cảnh giác của người lính trong khi làm nhiệm vụ. Nghệ thuật tương phản đối lập được tạo ra rất cân đối
giữa một bên là không gian núi rừng lạnh lẽo, hoang vu, vắng lặng với một bên là tư thế chủ động mạnh
mẽ như lấn át cả không gian toàn cảnh của người lính. Chính sức mạnh của tình đồng chí đã làm cho
người lính vượt lên trên hiện thực khắc nghiệt đó. Các từ gần nghĩa “cạnh”-“bên” cho thấy sức mạnh của
tinh thần đoàn kết, gắn bó luôn có nhau của người lính. Trên cao là ánh trăng treo lơ lửng trên bầu trời,
dưới cái nhìn lãng mạn hóa của Chính Hữu, ánh trăng như đang treo ở đầu mũi súng. Đêm khuya, trăng
trên vòm trời cao đã sà xuống thấp dần, ở vào một vị trí và tầm nhìn nào đó, vầng trăng như treo trên đầu
mũi súng của người chiến sĩ đang phục kích chờ giặc. Và “trăng” theo đó đã trở thành người bạn vừa
chứng minh cho tình cảm đồng chí keo sơn của người lính, vừa sáng soi và sưởi ấm cho không gian của
rừng đêm sương muối lạnh lẽo bên trên. Hình ảnh “súng”-“trăng” được đặt bên nhau khiến người đọc có
nhiều liên tưởng giữa thực tại-mơ mộng, chiến tranh-hòa bình, chiến sĩ-thi sĩ. Sự đan cài giữa hiện
thực và lãng mạn ấy vừa cho thấy được hiện thực chiến tranh khó khăn, vất vả; lại vừa toát lên vẻ đẹp tâm
hồn của người lính: họ vừa là chiến sĩ vừa là thi sĩ, họ cầm súng chiến đấu để bảo vệ quê hương, đem lại
nền độc lập, tự do cho Tổ quốc thân yêu. Có thể nói, ba câu thơ cuối là một bức tranh đẹp, như một bức
tượng đài sừng sững của hình ảnh người lính cách mạng với tình đồng chí thiêng liêng sâu sắc.
Chính tình cảm đồng chí đã làm nên vẻ đẹp tâm hồn người chiến sĩ.
Như vậy tình đồng chí trong bài thơ là tình cảm cao đẹp và thiêng liêng của những con người gắn bó
keo sơn trong cuộc chiến đấu vĩ đại vì một lý tưởng chung. Đó là mối tình có cơ sở hết sức vững chắc: sự
đồng cảm của những người chiến sĩ vốn xuất thân từ những người nông dân hiền lành chân thật gắn bó với
ruộng đồng. Tình cảm ấy được hình thành trên cơ sở tình yêu Tổ Quốc, cùng chung lí tưởng và mục đích
chiến đấu. Hoàn cảnh chiến đấu gian khổ và ác liệt lại tôi luyện thử thách làm cho mối tình đồng chí đồng
đội của những người lính càng gắn bó, keo sơn. Mối tình thiêng liêng sâu nặng, bền chặt đó đã tạo nên
nguồn sức mạnh to lớn để những người lính “áo rách vai”, “chân không giầy” vượt lên mọi gian nguy để
đi tới và làm nên thắng trận để viết lên những bản anh hùng ca Việt Bắc, Biên giới, Hoà Bình, Tây Bắc….
tô thắm thêm trang sử vàng chống Pháp hào hùng của dân tộc.
3.Đánh giá, mở rộng
Đánh giá=>Bằng nhiều hình ảnh sóng đôi cùng nghệ thuật so sánh, ẩn dụ, ngôn ngữ thơ hàm súc,
mộc mạc như tiếng nói của người lính đang tâm sự, tâm tình, vận dụng tục ngữ, thành ngữ linh hoạt, tạo
nên chất thơ dung dị, hồn nhiên, đậm đà đặc biệt là sự kết hợp giữa bút pháp hiện thực và lãng mạn, Chính
Hữu đã khắc họa thành công bức tượng đài về người nông dân mặc áo lính rất đẹp, tráng lệ, hào hùng của
thời kì đầu kháng chiến chống Pháp. Mở rộng=>Từ hình ảnh người lính trong bài thơ Đồng chí khiến ta
liên tưởng đến hình ảnh của người lính trong bài thơ “Dáng đứng Việt Nam” của Lê Anh Xuân hay
hình ảnh người lính trong bài “Nhớ” của Hồng Nguyên, hay hình ảnh người lính trong bài “Tây
tiến” của nhà thơ Quang Dũng… Họ là kết tinh cao độ những truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta trong
suốt bốn ngàn năm dựng nước và giữ nước. Họ mãi là hình ảnh đẹp nhất trong thơ, mãi là chân dung đẹp
nhất của thời đại chúng ta.
III/ Kết bài
Khẳng định giá trị của tác phẩm=> Tóm lại, bài thơ “Đồng chí” là một bài thơ hay, độc đáo viết
về người lính cụ Hồ. Qua bài thơ, người đọc thấy được vẻ đẹp của tình đồng đội, đồng chí sâu sắc, cao cả,
thiêng liêng của người lính cách mạng. Dư âm của tác phẩm với bạn đọc=>Cuộc kháng chiến chống
Pháp đã thắng lợi vẻ vang, trang sử vàng đã sang qua bao nhiêu giai đoạn mới, thế nhưng mỗi lần đọc lại
bài thơ Đồng chí ta như thấy rõ hình ảnh của anh bộ đội Cụ Hồ hiện lên sáng rực, thật cao đẹp trong
những lời thơ của Chính Hữu.

You might also like