You are on page 1of 2

BẾP LỬA (Khổ 5-6)

Có những câu ca, bài thơ chỉ chạm nhẹ vào trái tim người đọc nhưng khiến họ nhớ mãi. Đọc thơ
Bằng Việt chắc hẳn người đọc sẽ nhận ra được sự lan truyền kì diệu của câu chữ. Bài thơ “Bếp
lửa” được sáng tác trong những năm tháng kháng chiến với tình bà cháu gắn bó, ấm áp cùng
những gian khổ nhọc nhằn thời ấu thơ. Bằng Việt đã thổi hồn vào “bếp lửa”, vào thời gian của 1
đoạn hồi ức đẹp đẽ nhất.

Bằng Việt thuộc thế hệ nhà thơ trưởng thành trong kháng chiến chống Mĩ. Ông viết bài thơ Bếp
lửa vào năm 1963 khi còn là sinh viên đang học Đại học ở nước ngoài. Cảm xúc dào dạt, lời thơ
đẹp, giọng thơ thiết tha bồi hồi, hình tượng thơ độc đáo, sáng tạo, đặc sắc, đó là ấn tượng của
nhiều người khi đọc bài Bếp lửa này.

Nhắc lại kí ức tuổi thơ một thời gian khổ - đói nghèo, chiến tranh, loạn lạc - qua hình tượng bếp
lửa, ngọn lửa, đứa cháu ca ngợi đức hi sinh, sự tần tảo và tình thương bao la của bà, đồng thời
nói lên lòng biết ơn bà, thương nhớ bà khôn nguôi.

         Rồi sớm chiều lại bếp lửa bà nhen


Một ngọn lửa lòng bà luôn ủ sẵn
Một ngọn lửa chứa niềm tin dai dẳng…

Tình cảm của bà rõ ràng đã được tượng trưng hoá với “ngọn lửa”. Nếu nói “Bếp lửa” e chưa thật
trúng, còn nói “ngọn lửa” thì người ta cảm thấy cái linh hồn, tình cảm đã nằm ngay ở đó. Ngọn
lửa ấy phải chăng là tâm huyết, nhiệt huyết (chứa niềm tin dai dẳng) phải chăng là tình yêu (lòng
bà luôn ủ sẵn). Từ “Bếp lửa” đến “ngọn lửa” có lẽ là hành trình từ cái đơn sơ giản dị đến những
cái thiêng liêng cao cả, từ cái thực đến cái linh hồn. Hình ảnh bếp lửa được thay thế bằng hình
ảnh ngọn lửa cụ thể hơn mang ý nghĩa ẩn dụ, tượng trưng cho ánh sáng, hơi ấm và sự sống. Cái
bếp lửa mà bà nhen sớm sớm, chiều chiều không phải chỉ bằng nhiên liệu người ta vẫn thường
dùng nhóm lửa mà đã sáng bừng lên thành ngọn lửa bất diệt, ngọn lửa của tình yêu thương luôn
ủ sẵn trong lòng bà, ngọn lửa của niềm tin dai dẳng, ngọn lửa thắp sáng lên niềm tin, ý chí, hy
vọng và nghị lực. Điệp ngữ “một ngọn lửa” nhấn mạnh tình yêu thương ấm áp bà dành cho cháu.
Phải chăng chính ngọn lửa lòng bà đã nhen lên trong tâm hồn cháu, ý chí, nghị lực và một tình
yêu cuộc sống, một niềm tin tươi sáng về ngày mai. Đó là biểu hiện của sức sống muôn đời bất
diệt mang niềm yêu thương, ý chí, nghị lực, niềm tin của bà truyền cho cháu. Khái quát hơn, đó
là ý chí, là nghị lực, là niềm tin của cả một dân tộc trong thời kỳ lịch sử vô cùng khó khăn đó,
niềm tin về một ngày mai hoà bình, một ngày mai tươi sáng và một tương lai tốt đẹp hơn đang
chờ phía trước. Hình ảnh của bà trong tâm hồn nhà thơ không chỉ là người thắp lửa giữ lửa mà
còn là người truyền lửa. Lửa ấy là lửa niềm tin, lửa sức sống truyền đến các thế hệ mai sau.

“Lận đận đời bà biết mấy nắng mưa


Mấy chục năm rồi, đến tận bây giờ
Bà vẫn giữ thói quen dậy sớm
Nhóm bếp lửa ấp iu nồng đượm
Nhóm niềm yêu thương, khoai sắn ngọt bùi
Nhóm nồi xôi gạo mới sẻ chung vui
Nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ”.
Cuộc đời bà là một cuộc đời đầy gian truân, vất vả, nhiều lận đận, trải qua nhiều nắng mưa tưởng
như không bao giờ dứt. Hình ảnh của bà cũng là hình ảnh của bao người phụ nữ Việt Nam giàu
đức hy sinh dù gian truân vất vả vẫn sáng lên tình yêu thương.Bà đã nhóm bếp lửa trong suốt
cuộc đời bà, đã trải qua nắng mưa “mấy chục năm rồi”. Bà không chỉ nhóm bếp lửa bằng đôi bàn
tay già nua, gầy guộc, mà là bằng tất cả tấm lòng đôn hậu “ấp iu nồng đượm” của bà đối với con
cháu. Điệp từ “nhóm” được nhắc đi nhắc lại 4 lần trong 4 câu thơ đan kết với những chi tiết rất
thực… có điểm chung là cùng gắn với hành động nhóm bếp, nhóm lửa của bà nhưng lại khác
nhau ở những ý nghĩa cụ thể: khi thì nhóm bếp lửa ấp iu, nồng đượm để sưởi ấm cho bà cháu qua
cái lạnh buốt của sương sớm; đến câu tiếp theo thì đã vừa nhóm bếp luộc khoai, luộc sắn cho
cháu ăn đỡ đói lòng mà như còn đem đến cho đứa cháu nhỏ cái ngọt bùi của sắn khoai, của tình
yêu thương vô hạn của bà. Đến câu tiếp theo thì lòng bà còn mở rộng hơn cùng với nồi xôi gạo
mới mùa gặt là tình cảm xóm làng đoàn kết, gắn bó, chia ngọt, sẻ bùi và đến câu thứ tư thì hoàn
toàn mang nghĩa trừu tượng: nhóm dậy cả tâm tình tuổi nhỏ. Tình cảm của bà bao la giản dị như
khoai sắn và cũng đậm đà như khoai sắn.Các từ ngữ “ấp iu nồng đượm”, “yêu thương”, “ngọt
bùi”, “chung vui” thể hiện sự tinh luyện của một ngòi bút nghệ thuật, đã diễn tả thật hay tình
thương, niềm vui, sự no ấm, hạnh phúc mà bà đã mang lại cho con cháu. Bà đã “nhóm dậy cả
những tâm tình tuổi nhỏ”, nuôi dưỡng và làm bừng sáng những ước mơ, những khát vọng của
đàn cháu nhỏ. Bếp lửa bà nhen đã nhóm lên ngọn lửa của tình thương ấm áp. Chính vì thế mà
nhà thơ đã cảm nhận được trong hình ảnh bếp lửa bình dị mà thân thuộc sự kì diệu, thiêng liêng:

“ÔI! Kì lạ và thiêng liêng – Bếp lửa”.

Câu thơ cảm thán với cấu trúc đảo thể hiện sự ngạc nhiên, ngỡ ngàng như một khám phá ra một
điều kỳ diệu giữa cuộc đời bình dị. Từ ngọn lửa của bà, cháu nhận ra cả một niềm tin dai dẳng về
ngày mai, cháu hiểu được linh hồn của một dân tộc vất vả, gian lao mà tình nghĩa. Như vậy, từ
ngọn lửa của bà, cháu nhận ra cả một “niềm tin dai dẳng” về ngày mai, cháu hiểu được linh hồn
của một dân tộc vất vả, gian lao mà tình nghĩa. khái quát trở thành ngọn lửa trong trái tim – một
ngọn lửa ẩn chứa niềm tin và sức sống của con người.

Bài thơ chứa đựng một ý nghĩa triết lí thầm kín: những gì là thân thiết nhất của tuổi thơ mỗi
người đều có sức toả sáng, nâng đỡ con người suốt hành trình đài rộng của cuộc đời. Tình yêu
thương và lòng biết ơn bà chính là một biểu hiện cụ thể của tình yêu thương, sự gắn bó với gia
đình, quê hương, và đó cũng là sự khởi đầu của tình yêu con người, tình yêu đất nước.

Không phải ngẫu nhiên mà ngay từ khi vừa mới ra đời cho đến tận hôm nay, “Bếp lửa” vẫn luôn
có chỗ đứng riêng của nó. Bằng những hình ảnh chân thực cùng tất cả tình cảm chân thành, Bằng
Việt đã thật sự chạm đến trái tim người đọc qua từng câu, từng chữ. Bài thơ “Bếp lửa” khép lại
nhẹ nhàng mà tràn đầy dư vị, còn đọng lại mãi hình ảnh người bà và bếp lửa, làn khói mờ ảo sớm
mai. Ngọt ngào kí ức đan quyện mùi khói – kí ức có bà, có mái bếp ấm nồng tình thân.

You might also like