You are on page 1of 8

I.

Mở bài
Có một thời gian khổ không thể nào quên. Có những người đã gắn bó với tuổi
thơ chúng ta, trở thành kỉ niệm, mang theo bao tình thương, nỗi nhớ sâu nặng
trong lòng ta. Bài thơ Bếp lửa của Bằng Việt với hình ảnh người bà đã đem đến
cho ta cảm xúc và nỗi niềm bâng khuâng ấy. Bếp lửa là hình tượng sáng tạo,
giàu ý nghĩa của Bằng Việt vừa tả thực vừa biểu tượng, mang đến cho bài thơ
bao tư tưởng đẹp đẽ và thú vị.
II. Thân bài
1. Tiền đề phân tích
1.1. Tác giả
-Bằng Việt thuộc thế hệ các nhà thơ trưởng thành trong kháng chiến chống Mĩ.
- Bằng Việt viết không nhiều nhưng có những bài thơ “những câu thơ trong trí
nhớ”
1.2. Tác phẩm
a. Xuất xứ:
- Rút từ tập thơ “Hương cây – Bếp lửa”, xuất bản 1968, tập thơ đầu tay, in chung
với Lưu Quang Vũ.
b. Hoàn cảnh sáng tác:
- Năm BV 22 tuổi – 1963 là sinh viên đang du học ở Liên Xô cũ và bắt đầu đến
với thơ.
- Khoảng cách xa xôi về không gian đã thổi bùng lên nỗi nhớ cố hương, cố nhân.
Đặc biệt là nỗi nhớ về bà gắn với bếp lửa hồng cứ bập bùng hơi ấm trong tâm hồn
thi sĩ. Bài thơ đã thăng hoa từ nguồn cảm xúc đó .
c. Đặc sắc ND và NT
ND: hồi tưởng xúc động về bà-> lòng kính yêu, biết ơn của cháu đối với bà, gia
đình, quê hương, đất nước.
NT: Sáng tạo hình ảnh đặc sắc: bếp lửa gắn với hình ảnh bà, giọng thơ mộc mạc,
chân thành, tha thiết, chất trữ tình gắn với chất triết lí.
2. Phân tích
Luận điểm 1: Bếp lửa khơi nguồn cảm xúc.
Một bếp lửa chờn vờn sương sớm,
Một bếp lửa ấp iu nồng đượm,
Cháu thương bà biết mấy nắng mưa.
Luận cứ 1: Bếp lửa
- Nghệ thuật: Điệp ngữ “bếp lửa”, từ láy “chờn vờn”, “ấp iu” giàu sức gợi tả,
gợi cảm khắc tả 1 ám ảnh tuổi thơ. “Chờn vờn” gợi tả chính xác hình ảnh
bếp lửa khi ẩn khi hiện, khi âm ỉ, khi bốc cao sáng tỏa, khi nhảy nhót trong
sương sớm,“ ấp iu” gợi sự ấp ủ của than hồng nồng đượm với sự khéo léo và
tấm lòng chi chút của người nhóm lửa.
- Nội dung: Bếp lửa cũng chờn vờn trong nỗi nhớ, ấp iu trong tâm hồn được
nhà thơ trân trọng và giữ gìn.
Luận cứ 2: Bà
- Từ hình ảnh bếp lửa, người cháu nhớ đến bà “ Cháu thương bà biết mấy
nắng mưa.”
 Ẩn sau dáng lửa là nhẫn nại dáng bà, thương bà mà nhớ lửa, hình ảnh bà gắn
với bếp lửa, gắn với “ biết mấy nắng mưa” âm thầm thức khuya dậy sớm, lo
toan cho cả gia đình.
Kết luận: Ngay từ đầu bài thơ, hình tượng bếp lửa đã được tạo dựng và gắn kết với
hình ảnh người bà. Hai hình ảnh song hành, đan quyện, bập bùng cháy trong cõi
nhớ, khơi gợi nguồn cảm hứng của thi nhân.
Luận điểm 2: Bếp lửa khơi nguồn kí ức ( 4 khổ tiếp )
Bếp lửa từ chỗ khơi nguồn cảm xúc đến khơi nguồn kí ức, khơi nguồn cho bao kỉ
niệm tuổi thơ đi cùng năm tháng.
Luận cứ 1: Kỉ niệm ấu thơ với nạn đói kinh hoàng

Lên bốn tuổi cháu đã quen mùi khói


Năm ấy là năm đói mòn đói mỏi,
Bố đi đánh xe, khô rạc ngựa gầy,
Chỉ nhớ khói hun nhèm mắt cháu
Nghĩ lại đến giờ sống mũi còn cay!
- Đó là kỉ niệm về khói bếp – khói từ 1 bếp lửa nhà nghèo năm Ất Dậu 1945.
- “ lên 4 tuổi …sống mũi còn cay”. Những cụm từ : đói mòn đói mỏi, khô rạc
ngựa gầy, khói hun nhèm mắt...gợi lại nạn đói tang thương, thảm cảnh của
dân tộc.
- Mùi khói”, “khói hun” về khói bếp được diễn tả bằng chữ cay rất sâu sắc:
vừa là cái cay của khứu giác vừa là cái cay của cảm xúc, của dòng nước mắt
ứa ra khi nhớ lại những năm tháng khốn khó cơ hàn của tuổi ấu thơ, của gia
đình, quê hương, đất nước.
 Bếp lửa đã gợi về tuổi thơ đắng cay mà ngọt bùi, gian khó mà nghĩa tình.
Luận cứ 2: Chuỗi kỉ niệm 8 năm ròng kháng chiến

Tám năm ròng, cháu cùng bà nhóm lửa


Tu hú kêu trên những cánh đồng xa
Khi tu hú kêu, bà còn nhớ không bà?
Bà hay kể chuyện những ngày ở Huế.
Tiếng tu hú sao mà tha thiết thế!

Mẹ cùng cha công tác bận không về,


Cháu ở cùng bà, bà bảo cháu nghe,
Bà dạy cháu làm, bà chăm cháu học,
Nhóm bếp lửa nghĩ thương bà khó nhọc,
Tu hú ơi! Chẳng đến ở cùng bà,
Kêu chi hoài trên những cánh đồng xa?
 Bà dạy dỗ, bảo ban, yêu thương cháu
- Bố mẹ bận công tác ở chiến khu, chỉ có 2 bà cháu sống với nhau nơi miền
quê.
- Nghệ thuật: Phép liệt kê: cháu cùng bà nhóm lửa, cháu ở cùng bà, bà dạy
cháu làm, bà chăm cháu.
 Đây là hoàn cảnh nhiều gia đình trong thời kì kháng chiến chống Pháp: Bố
mẹ bận công tác thoát ly, bà thay ba mẹ bảo cháu, dạy cháu, chăm cháu để
rồi cháu hiểu hơn, yêu hơn, thương hơn người bà đáng kính.
- Chữ thương thể hiện nỗi xót xa cùng lòng biết ơn đến vô cùng mà người
cháu dành cho bà.
 Hình ảnh chim tu hú
- Đặc biệt trong dòng hồi ức về bà gắn với tiếng chim tu hú.
- Liên hệ: Tiếng tu hú đã từng vang lên trong thơ Tố Hữu như tiếng gọi của
cuộc sống tự do:
Ta nghe hè dậy bên lòng
Mà chân muốn đạp tan phòng, hè ôi!
Ngột làm sao, chết uất thôi
Con chim tu hú ngoài trời cứ kêu!
- Âm thanh này lại vang lên một lần nữa trong thơ Bằng Việt: lúc gần gũi
nghe “sao mà tha thiết thế”, lúc gióng giả, dồn dập: “kêu chi hoài”.
- Tu hú là loại chim không tự làm tổ được, thường sống lẻ loi phiêu bạt, tiếng
kêu rất khắc khoải. Âm thanh ấy vừa vẽ lên không gian mênh mông, vừa
nhắc đến vụ mùa héo hắt, đói kém và nỗi đơn độc, lạnh lẽo, cả khao khát
được chở che, nương tựa, ấp iu.
 Chính vì thế, tiếng tu hú tạo sự tương phản, đối lập: Một bên là sự nhỏ nhoi,
cô độc trong không gian mênh mông, một bên là sự che chở,ôm ấp, vỗ về
trong tình bà vô tận.
 Người cháu như đang khắc ghi vào lòng sự biết ơn đối với bà vì đã dành cho
mình một tuổi thơ êm đềm dẫu còn nhiều gian khó.
Luận cứ 3: Sự kiện giặc đốt làng:

Năm giặc đốt làng cháy tàn cháy rụi


Hàng xóm bốn bên trở về lầm lụi
Đỡ đần bà dựng lại túp lều tranh
Vẫn vững lòng, bà dặn cháu đinh ninh:
“Bố ở chiến khu, bố còn việc bố,
Mày có viết thư chớ kể này kể nọ,
Cứ bảo nhà vẫn được bình yên!”
- Trong đổ nát chiến tranh ánh lên sự đùm bọc, xóm làng cưu mang
nhau ,trong hoạn nạn, ánh lên nghị lực của những người bà, nguời mẹ ở hậu
phương muốn ghé đôi vai gầy gánh bớt những gian nan khó nhọc để chia sẻ
với người ở tiền tuyến.
- Trong đoạn thơ có 1 câu nói dối “cứ.. yên” , một lời nói dối tốt lành, làm
yên lòng những người ở tiền tuyến, nói dối mà làm sáng lên nhân cách cao
đẹp của bà.
- Trong biết bao kỉ niệm, bếp lửa đã gợi nhớ đến 1 kỉ niệm đầy ám ảnh
“Năm..lụi”. Chỉ một hình ảnh mà gợi nên bao đau thương, mất mát của xóm
làng, đất nước trong những ngày kháng chiến. Giữa ngọn lửa hung tàn của
kẻ thù đốt làng mạc, quê hương, thiêu hủy; ngọn lửa của yêu thương tỏa ấm
giữa lòng bà:

- Rồi sớm rồi chiều, lại bếp lửa bà nhen,


Một ngọn lửa, lòng bà luôn ủ sẵn,
Một ngọn lửa chứa niềm tin dai dẳng…
- Ngọn lửa ấm áp, 1 tình thương bất khuất, 1 ý chí dai dẳng 1 niềm tin.
- Nghệ thuật: Thủ pháp tương phản đã được sử dụng rất hiệu quả giữa một
bên là cảnh đổ nát, hoang tàn và một bên là hình ảnh người bà bất chấp sự
hủy diệt của bom đạn vẫn làm chỗ dựa tinh thần vững chắc cho con cháu. Bà
đã nhóm lên 1 ngọn lửa tinh thần trong tâm hồn cháu và chính trong tâm hồn
bà. Ngọn lửa ấy “lòng bà luôn ủ sẵn“, luôn giàu có, dồi dào, tiềm tàng tình
yêu thương của bà, ngọn lửa ấy còn chứa niềm tin dai dẳng, đó là sức sống
tuyệt vời của tình yêu thương và niềm tin vô tận.
- Liên hệ: Hình ảnh thơ gợi nhớ đến những vần thơ của Nguyễn Duy cũng rất
xúc động và tự hào khi viết về bà :
Bom Mĩ dội nhà bà tôi bay mất
Đền Sòng bay, bay tuốt cả chùa chiền
Thánh với phật rủ nhau đi đâu hết
Bà tôi đi bán trứng ở ga Lèn
(Đò Lèn, Nguyễn Duy)
Luận điểm 3: Bếp lửa khơi nguồn suy ngẫm

Lận đận đời bà biết mấy nắng mưa


Mấy chục năm rồi, đến tận bây giờ
Bà vẫn giữ thói quen dậy sớm
Nhóm bếp lửa ấp iu nồng đượm,
Nhóm niềm yêu thương, khoai sắn ngọt bùi,
Nhóm niềm xôi gạo mới, sẻ chung vui,
Nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ…
Ôi kỳ lạ và thiêng liêng - bếp lửa!
Giờ cháu đã đi xa. Có ngọn khói trăm tàu,
Có lửa trăm nhà, niềm vui trăm ngả,
Nhưng vẫn chẳng lúc nào quên nhắc nhở
- Sớm mai này, bà nhóm bếp lên chưa?
Luận cứ 1: Thời gian tổng kết, chiêm nghiệm
- Bếp lửa trở thành biểu tượng trọn vẹn cho người bà – 1 hình ảnh điển hình
cho nguời phụ nữ VN muôn thuở với nhiều vẻ đẹp.
- Điệp từ ‘nhóm” lặp lại, nhấn mạnh và khẳng định ý nghĩa lớn lao của những
việc bà đã làm cho cháu con:
+ Bà chi chút tảo tần, chịu thương, chịu khó 1 nắng 2 sương “ Nhóm bếp lửa ấp
iu nồng đượm”, bà không chỉ nuôi dưỡng cháu khoai sắn ngọt bùi hay nồi xôi
gạo mà quan trọng hơn bà đã nhen lên trong cháu niềm yêu thương, tình ruột
thịt nồng ấm, nhen lên niềm vui trong tình làng nghĩa xóm quê hương, tình cảm
gia đình gắn bó với tình cảm cộng đồng rộng lớn, ấm áp.
+ Bà gìn giữ những kỉ niệm tuổi ấu thơ đẹp đẽ cho cháu, „nhóm dậy“, „khơi
dậy“ giáo dục, thức tỉnh tâm hồn và sức sống thanh xuân thơ ấu để đứa cháu
khôn lớn nên người,để đưa cháu đi xa .
+ Bà đánh thức ngọn lửa yêu thương trong tâm hồn cháu, bà truyền ngọn lửa
cho thế hệ con cháu.
- Không nén được lòng mình nhà thơ đã thốt lên xúc động, „ôi kì lạ và thiêng
liêng bếp lửa“ . Tiếng thốt đầy ắp tâm trạng, đó là sự hòa trộn, yêu thương,
trân trọng lẫn lòng biết ơn thành kính của cháu dành cho bà. Hai tính từ kì
lạ, thiêng liêng đã thực sự nâng hình ảnh bếp lửa từ tả thực lên biểu tượng,
có tính ẩn dụ sâu sắc . Nâng 1 vật thể thực dụng thường nhật thành 1 giá trị
tinh thần cao quí vì bếp lửa chính là bà – người không chỉ nhóm lửa mà còn
giữ lửa, truyền lửa, ngọn lửa của sự sống, của niềm yêu thương, niềm tin
cho các thế hệ con cháu.
Luận cứ 2: Thời gian xa cách
- Trong những quan hệ tình cảm tốt đẹp, khoảng cách luôn là ngọn gió thổi
bùng lên ngọn lửa nhớ thương. Tình cảm của nhà thơ gây ấn tượng sâu đậm
bởi phép tương phản giữa khoảng cách và tấm lòng. Khoảng cách thật xa
xôi: “ giờ cháu đã đi xa” nơi xa ấy có điều kì thú mê hoặc lòng người “ có
ngọn khói…trăm ngả”.
- Vậy mà lòng cháu không lãng quên: “sớm mai..chưa”, câu thơ khép lại thi
phẩm, nhưng câu hỏi khắc khoải lại mở bài thơ vào cõi vô cùng của thương
nhớ. Trong câu hỏi ấy người bà và bếp lửa vừa tách biệt vừa xoắn quện vào
nhau, nhòe lẫn trong nhau, tỏ sáng trong nhau. Tình cảm sâu nặng của cháu
với bà có mạch nguồn từ đạo lí ân nghĩa VN trong quan hệ với gia đình, tổ
tiên, đất nước: “ăn quả….cây”. “ Ngọt bùi nhớ lúc đắng cay, ra sông nhớ
suối, có ngày nhớ đêm”.
3. Đánh giá
3.1. Nội dung và nghệ thuật
Bếp lửa chính là 1 sáng tạo thành công của Bằng Việt trong sự đan xen và tỏa sáng
tình cảm nồng ấm của cháu đối với bà. Mạch tự sự và mạch suy cảm, bình luận
đan chéo vào nhau, trong 1 giọng điệu thơ tâm tình thiết tha và giàu cảm xúc. Hình
tượng bếp lửa vừa tả thực vừa biểu tượng, vừa là tình bà đầy chăm sóc yêu
thương, vừa là tình cảm gia đình, quê hương, đất nước.
3.2. Mở rộng
Tình cảm gia đình, tình cảm bà cháu vốn là 1 thi mạch dồi dào, nồng ấm, cảm xúc
nhân văn trong thi ca VN nhất là thi ca hiện đại. Giữa những ngày bom lửa khốc
liệt, thơ ca chống Mĩ vẫn ấm nóng tình bà cháu.
“ Đò lèn” - ( Nguyễn Duy ).
“ Bà ơi” - (Hồ Cẩm La).
“ Tiếng gà trưa” - ( Xuân Quỳnh )
“ Bà và cháu” , “ Đánh thức trầu” – ( Trần Đăng Khoa)
Bổ sung cho bài “bếp lửa“ trước kia, BV còn có đôi dòng tiễn đưa bà nội: “ Đôi
dòng tiễn đưa bà nội” in đậm 1 lần nữa hình ảnh nhỏ bé thầm lặng mà lớn lao của
những người bà.
“ Đôi mắt càng già càng thấm thía yêu thương,
Dù da dẻ khô đi, tấm lòng không hẹp lại.
Giàu kiên nhẫn bà còn hi vọng mãi
Chỉ mỗi ngày rắn lại ít lời kêu.”
3.3. Nâng cao
Song Bếp lửa vẫn là 1 hình tượng độc đáo của BV. Xây dựng được một hình tượng
điển hình giàu ý nghĩa là Bếp lửa, BV có cơ hội khai thác thật sâu sắc, cảm động,
ấn tượng, tình cảm của bà cháu, vốn là tình cảm đẹp đẽ, bền lâu trong đời sống của
dân tộc VN, 1 dân tộc nặng tình nặng nghĩa.
III. Kết bài
Bài thơ Bếp lửa là dấu ấn thành công trong thơ ca văn học hiện đại, giúp tên
tuổi Bằng Việt lưu lại trong trí nhớ độc giả khi nhà thơ vừa mới cầm bút. Điều
quan trọng hơn cả, bài thơ đã đốt lên 1 một bếp lửa yêu thương tình nghĩa
trong tâm hồn người đọc chúng ta. Những BL tinh thần ấy làm cho cuộc sống
tốt đẹp hơn.

You might also like