You are on page 1of 4

Quê hương, gia đình đối với mỗi người chắc ai cũng có một hình ảnh đọng sâu

trong tâm tưởng nhất là những lúc cách xa. Với Tế Hanh là con sông Trà Bồng –
Quảng Ngãi cuồn cuộn chảy, với Xuân Quỳnh đó là tiếng gà trưa thao thiết gọi, với
Nguyễn Duy là Đò Lèn của xứ Thanh ăm ắp kỷ niệm… thì với Bằng Việt là bếp
lửa quê nhà - một bếp lửa chờn vờn, ấp iu để trở thành hoài niệm, thành hành trang
vững chắc trên hành trình dài rộng của cuộc đời.
Bài thơ ra đời năm 1963, khi nhà thơ đang là sinh viên theo học ngành luật tại thủ
đô Kiep của Ucraina - một nước thuộc Liên Xô cũ. Bằng Việt kể lại: “Những năm
đầu theo học luật tại đây tôi nhớ nhà kinh khủng. Tháng 9 ở bên đó trời se se lạnh,
buổi sáng sương khói thường bay mờ mờ mặt đất, ngoài cửa sổ, trên các vòm cây,
gợi nhớ cảnh mùa đông ở quê nhà. Mỗi buổi dậy sớm đi học, tôi hay nhớ đến
khung cảnh một bếp lửa thân quen, nhớ lại hình ảnh bà nội lụi cụi dậy sớm nấu nồi
xôi, luộc củ khoai củ sắn cho cả nhà”. Và để rồi cả một kí ức tuổi thơ, một đoạn
đời của con người và cả những biến cố lớn lao của dân tộc đã lần lượt xuất hiện:
“Năm bốn tuổi cháu đã quen mùi khói
Năm ấy là năm đói mòn đói mỏi
Bố đi đánh xe khô rạc ngựa gầy”.
Những dòng thơ 8 chữ miên man, phù hợp với dòng hoài niệm. Nhà thơ đã đan cài
yếu tố tự sự với miêu tả và biểu cảm để tái hiện một quá khứ xa xăm “lên bốn
tuổi”. Đó là cái thuở thơ bé vụng dại, tưởng chừng kí ức sẽ lúc nhớ, lúc quên. Ấy
thế mà, có những hình ảnh gần như đã bị khảm vào tâm thức. Kỉ niệm đầu tiên ấy
gắn với biến cố lớn lao của dân tộc, năm 1945, năm đất nước chìm trong nạn đói
và vô vàn những khó khăn, thách thức. Hồi ức về tuổi thơ khi mới 4 tuổi đầy gian
khổ đã ăn sâu và trở thành một nỗi ám ảnh trong tâm trí của tác giả qua mùi khói
và qua tình cảnh nạn đói năm Ất Dậu.
Mùi khói là mùi khói bếp quen thuộc từ bếp của bà: Cay, khét vì củi ướt, sương
nhiều. Mùi khói còn là mùi khói của bom đạn, của chiến tranh, là niềm đau, nỗi cơ
cực, là những khó khăn, thiếu thốn của cuộc đời của hai bà cháu nói riêng và
những người dân Việt Nam nói chung trong những năm kháng chiến chống Pháp
đầy vất vả, gian lao. Nỗi khổ ấy đã được cụ thể hóa, hình tượng hóa bằng chi tiết:
“Bố đi đánh xe, khô rạc ngựa gầy”. Hình ảnh tiêu biểu ấy đã gợi cho ta thấy một
quá khứ tang thương đầy thảm cảnh của dân tộc gắn liền với số phận của người
dân mất nước trong đó có tác giả. Cũng chính vì thế mà đến tận bây giờ “sống mũi
còn cay”. Cháu đã khóc vì thương bà, thương cả dân tộc một thời tăm tối.
Dòng chảy của thời gian dài dằng dặc hiện về cả “tám năm ròng” hay “năm giặc
đốt làng” mở ra kỷ niệm gắn liền với cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc.
Như hàng vạn đứa trẻ được sinh ra và lớn lên trong chiến tranh, “mẹ cùng cha công
tác bận không về”, cháu đã ở cùng bà, bà là chỗ dựa vững lòng cả tuổi thơ cháu.
“Cháu ở cùng bà, bà bảo cháu nghe
Bà dạy cháu làm, bà chăm cháu học”.
Tuổi thơ gian khổ nhưng tuổi thơ ấy đã kết dệt nên một mảnh gương thần xanh
trong kí ức trong trẻo của cháu bởi cháu luôn có bà. Bà thay cha thay mẹ bảo ban,
dạy dỗ cháu, để cháu lớn khôn trước tuổi, sống có nghĩa, có tình, biết nhóm bếp,
biết thương bà. Khi nhớ về kỉ niệm, dòng hồi tưởng còn gắn với âm thanh của
tiếng chim tu hú: Tiếng tu hú kêu là âm thanh thảng thốt khắc khoải có khi mơ hồ
văng vẳng “kêu trên những cánh đồng xa”, có khi lại rộn về gần gũi và tha thiết
“sao mà tha thiết thế”, có lúc lại gióng giả kêu hoài “kêu chi hoài trên những cánh
đồng xa”.
Những cung bậc khác nhau của tiếng chim tu hú cùng với điệp ngữ “tu hú” gợi
không gian mênh mông, bao la, buồn vắng trên những cánh đồng xa xác xơ rơm rạ
gợi về tình cảnh đơn côi, vắng vẻ của hai bà cháu và cả một làng quê hoang tàn.
Điều đó đã khiến cho tâm trạng người cháu mỗi lúc da diết hơn. Ở đoạn thơ này,
Bằng Việt cũng đã sử dụng câu hỏi tu từ đưa dòng suy nghĩ dường như trở về hiện
tại. Nó còn là nỗi nhớ mong, thương bà sâu sắc của đứa cháu nơi xứ người, đồng
thời cũng là một nỗi day dứt vì bản thân chưa báo đáp được ơn nuôi dưỡng. Để rồi
từ đó trỗi dậy trong lòng người niềm khắc khoải về ngày đoàn tụ đang ở xa thật xa.
Mạch tự sự vẫn trôi dọc theo bài thơ để rồi từ đó người cháu suy ngẫm về bà và
bếp lửa quê hương:
“Rồi sớm rồi chiều lại bếp lửa bà nhen
Một ngọn lửa lòng bà luôn ủ sẵn
Một ngọn lửa chứa niềm tin dai dẳng.”
“Rồi sớm rồi chiều”, một dòng thời gian bất tận trôi đi và bà lại làm một công việc
muôn thuở: Nhóm bếp. Có những công việc tưởng chừng đơn giản, đơn điệu kéo
dài vĩnh viễn một đời người nhưng chứa đựng trong đó một ý nghĩa lớn lao, vĩnh
hằng về sự sống. Công việc nhóm bếp của bà cũng như vậy. Nếu từ đầu bài thơ,
hình tượng bếp lửa xuất hiện xuyên suốt thì giờ đây “ngọn lửa” lại lặp lại trong suy
tư của người cháu. Đây là sự chuyển đổi hình tượng tự nhiên mà thật giàu ý nghĩa.
Bếp lửa cụ thể, hữu hình, ngọn lửa vô hình, trừu tượng, giàu sức gợi. Ngọn lửa bà
nhen đâu chỉ bằng rơm rạ củi cành mà còn bằng cả tấm lòng của bà.
Ngọn lửa tình bà, ngọn lửa của lòng yêu thương ấp ủ, mênh mông mà bà dành cho
cháu, cho mọi người. Đó là ngọn lửa của niềm tin bền chặt, tròn trịa không bao giờ
vơi khuyết về cách mạng, về kháng chiến, về vận mệnh của dân tộc. Và có một
niềm tin nữa thiết tha hơn. Bà tin vào tương lai của cháu. Có những nguồn sức
mạnh trong mỗi chúng ta đã bắt đầu từ những niềm tin bền chặt như thế. Từ đây,
một tiếng reo vui, một lời cảm thán đầy xúc động cất lên từ đáy lòng cháu:
“Ôi kì lạ và thiêng liêng – bếp lửa!”
Câu thơ cảm thán với cấu trúc đảo tính từ lên trên thể hiện sự ngạc nhiên, ngỡ
ngàng như một sự khám phá ra điều kì diệu giữa cuộc đời bình dị. Bếp lửa vốn chỉ
là một hình ảnh bé nhỏ, thân thuộc trong mỗi gia đình Việt Nam. Thế nhưng, trong
bài thơ này bếp lửa trở thành hình ảnh thơ xuyên suốt và trở nên kì lạ, thiêng liêng.
Bếp lửa kì lạ và thiêng liêng bởi bếp lửa hiện diện như bà kính yêu. Bà và bếp lửa
không rời xa. Bà nhóm bếp và bên bếp lửa luôn là hình bóng của bà. Những nồng
đượm ấp iu của bếp lửa chính là cái nồng đượm của tình bà. Bếp lửa trở thành nơi
lưu giữ những kí ức, kỉ niệm của tuổi thơ. Bếp lửa khơi dậy bao khát khao, hoài
bão trong cháu mà những gì là kí ức, là kỉ niệm mãi mãi là hành trang quý giá nâng
bước ta trên hành trình dài rộng của cuộc đời.
Khổ thơ cuối là lời tự bạch của người cháu đi xa khi đã trưởng thành:
“Giờ cháu đã đi xa. Có ngọn khói trăm tàu
Có lửa trăm nhà, niềm vui trăm ngả…”
Người cháu đã trưởng thành, lớn khôn, có được nhiều niềm vui, nhiều thành công
từ cuộc sống nhưng vẫn luôn tự nhắc nhở bản thân với câu hỏi tu từ như một lời tự
vấn, độc thoại: Để có được người cháu của ngày hôm nay là nhờ ánh sáng và hơi
ấm từ bếp lửa của bà, của quê hương, nhờ những lận đận đời bà, nhờ tấm lòng ấm
áp, tận tụy hi sinh, tình nghĩa và công lao nuôi dưỡng của người bà. Làm nên thành
công và ý nghĩa của bài thơ còn là sự xuất hiện của các con số: Một, bốn, tám, mấy
chục và cuối cùng là một trăm. Quả thực từ cái một bếp lửa nhỏ bé thôi nhưng đã
có sự thăng hoa, viên mãn, trưởng thành trong cái trăm.
Có lẽ vì vậy mà Bếp lửa trở thành hình ảnh khởi nguồn cho những tình yêu thương
và nỗi nhớ. Cũng để rồi từ đó triết lí thầm kín mà sâu sắc được gửi qua khổ thơ:
Những gì là thân thiết của tuổi thơ đều có sức tỏa sáng và nâng đỡ tâm hồn con
người trên suốt hành trình dài rộng của cuộc đời; phải biết sống chung thủy, nhân
nghĩa, không được lãng quên quá khứ, lãng quên gia đình, quê hương. Tình yêu
quê hương xuất phát từ những thứ tình cảm nhỏ bé, thân thuộc nhất của mỗi con
người, đó là tình yêu thương và lòng biết ơn bà.
Thi phẩm ra đời cách đây hơn nửa thế kỷ. Thế nhưng, Bếp lửa của Bằng Việt vẫn
tồn tại đẹp đẽ, vẹn nguyên. Phải chăng, nó đã chạm đến tất cả tiếng lòng mỗi
chúng ta bởi tình yêu, sự biết ơn, sự gắn kết với gia đình, quê hương và đất nước
luôn tỏa sáng, luôn soi chiếu mỗi bước đi và đích đến của con người.

You might also like