You are on page 1of 13

Đồng chí

“Thiếu tất cả, ta rất giàu dũng khí


Sống chẳng cúi đầu, chết vẫn ung dung
Giặc muốn ta nô lệ, ta lại hóa anh hùng
Sức nhân nghĩa mạnh hơn cường bạo”
Văn chương giống như một cây bút đa màu, nó vẽ lên bức
tranh cuộc sống bằng những gam màu hiện thực. Người nghệ sĩ
đã dùng cả trái tim của mình để “hút nhụy đời” tưới tắm cho
những cánh đồng văn học. Ở cánh đồng ấy, có một khoảng trời
dành riêng cho văn học cách mạng, văn học của hiện thực tàn
khốc mà cũng đẹp đẽ vô cùng.
Trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc vĩ đại, hình ảnh người
lính mãi là hình ảnh cao quý và đẹp đẽ nhất. Hình ảnh ấy đã đi
vào lòng người và văn chương vơi tư thế, tình cảm và phẩm chất
cao đẹp. Một trong những tác phẩm ra đời sớm nhất, tiêu biểu và
thành công nhất viết về tình cảm của những người lính Cụ Hồ là
bài thơ Đồng chí của Chính Hữu. Bằng những rung động mới mẻ
và sâu lắng cũng như sự trải nghiệm của người trong cuộc, qua
bài thơ Đồng Chí, Chính Hữu đã diễn tả một cách sâu sắc tình
đồng chí gắn bó thiêng liêng của những anh bộ đội thời kháng
chiến.
Bài thơ ra đời năm 1948, khi Chính Hữu là chính trị viên đại
đội thuộc Trung đoàn Thủ đô. Với nhịp điệu trầm lắng mà như
ấm áp, tươi vui; ngôn ngữ bình dị đời thường dường như đã trở
thành những vần thơ của niềm tin yêu, sự hi vọng, lòng cảm
thong sâu sắc của một người chiến sĩ cách mạng làm thơ. Trong
những năm tháng kháng chiến chống Pháp gian lao, lẽ đương
nhiên, hình ảnh những người lính, những anh bộ đội sẽ trở thành
linh hồn của cuộc kháng chiến, trở thành niềm tin yêu và hy vọng
của cả dân tộc.
Ngòi bút tài hoa của Chính Hữu cùng với những câu thơ tự
do, giọng thủ thỉ tâm tình, ngôn ngữ giản dị, một cách tự nhiên
Chính Hữu đã từ từ dẫn người đọc đến với cơ sở hình thành tình
đồng chí:
“Quê hương anh nước mặn đồng chua
Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá”
Giọng điệu thủ thỉ tâm tình như lời kể chuyện, tâm sự của hai
người đồng đội nhớ lại kỉ niệm về những ngày đầu tiên gặp gỡ.
Họ đều là những người con của những vùng quê nghèo, là những
người nông dân nơi “nước mặn đồng chua” hoặc ở chốn “đất cày
lên sỏi đá”. Hình ảnh “quê hương anh” và “làng tôi” hiện lên với
biết bao nỗi gian lao vất vả, dù cho nhà thơ không chú ý miêu tả.
Nhưng chính điều đó lại làm cho hình ảnh vốn chỉ là danh từ
chung chung kia trở nên cụ thể đến mức có thể nhìn thấy được,
nhất là dưới con mắt của người dân làng quê Việt Nam.
Phải chăng chính nguồn gốc xuất thân của các anh đã làm nên
bệ phóng cho tình đồng chí?
“Anh với tôi đôi người xa lạ
Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau”
Những câu thơ mộc mạc, tự nhiên, mặn mà như lời thăm hỏi. Họ hiểu
nhau, thương nhau, chia sẻ với nhau bằng tình tương thân tương ái vốn
có từ lâu giữa những người nông dân chân nấm tay bùn. Nhưng “tự
phương trời” họ về đây không phải do cái nghèo đói xô đẩy, mà do họ
có một lí tưởng chung, cùng một mục đích cao cả. Những người từ mọi
phương trời tập hợp lại trong hàng ngủ quân đội cách mạng và chính
nhờ cơ sở của sự đồng cảm giai cấp, cùng chung cảnh ngộ cho nên họ đã
dễ dàng thân quen với nhau. Nhà thơ Hồng Nguyên trong bài thơ “Nhớ”
của mình cũng thể hiện tình cảm này:
“Lũ chúng tôi bọn người tứ xứ
Gặp nhau hòi chưa biết chữ
Quen nhau từ buổi một hai
Súng bắn chưa quen quân sự mươi bài
Lòng vẫn cười vui kháng chiến”
Những người xa lạ gặp nhau thân quen nhau tạo nên tình đồng chí. trước
hết phải nói tình đồng chí được nảy sinh từ sự cùng chung nhiệm vụ sát
cánh bên nhau trong chiến đấu.
Có lẽ chung cuộc sống chiến đấu gian khổ bên chiến hào vì độc lập tự
do của dân tộc, đã từ khi nào các anh trở thành tri kỉ của nhau:
“Súng bên súng, đầu sát bên đầu
Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ”
“Súng bên súng” là cách nói hàm súc, hình tượng: cùng chung lí tưởng
chiến đấu; “anh với tôi” cùng ra trận đánh giặc để bảo vệ đất nước quê
hương, vì độc lập, tự do và sự sống còn của dân tộc. “Đầu sát bên đầu”
là hình ảnh diễn tả ý hợp tâm đầu của đôi bạn tâm giao. Câu thơ “Đêm
rét chung chăn thành đôi tri kỉ” là câu thơ hay và cảm động, đầy ắp kỉ
niệm một thời gian khổ. Chia ngọt sẻ bùi mới “thành đôi tri kỉ”. “Đôi tri
ki” là đôi bạn rất thân, biết bạn như biết mình. Bạn chiến đấu thành tri
kỉ, về sau trở thành đồng chí! Câu thơ 7, 8 từ đột ngột rút ngắn lại hai từ
“đồng chí” làm diễn tả niềm tự hào xúc động ngân nga mãi trong lòng.
Xúc động khi nghĩ về một tình bạn đẹp. Tự hào về mối tình đồng chí cao
cả thiêng liêng, cùng chung lí tưởng chiến đấu của những người binh nhì
vốn là những trai cày giàu lòng yêu nước ra trận đánh giặc.
Điều gì khiến cho những chàng trai quanh năm chỉ quen tay cày tay cuốc
ấy đã hăng say lên đường cầm súng chiến đấu? Điều gì khiến những
chiếc xe không kính ngày đêm lao đi trong mưa bom bão đạn? Điều gì
khiến những cô gái vốn yếu mềm có thể hiên ngang chạm vào cái chết
vô hình từ những quả bom? Đó chính là lòng chung thủy với quê hương,
với mảnh ruộng nhà mình, với vợ con của mình:
“Ruộng nương anh gửi bạn thân cày
Gian nhà không mặc kệ gió lung lay”
Nhà phê bình Nguyễn Đức Quyền đã nhận xét: Ở ngoài mặt trận mà biết
gió lay từng gốc cột ngôi nhà mình ở thì thật không còn từ ngữ nào để
diễn tả hết tình cảm thiết tha của họ đối với gia đình mình. Thế đó, ai mà
không mong muốn được sống yên vui, hạnh phúc trong mái ấm gia
đình? Nhưng vì nghĩa lớn, họ ra đi không tiếc đời mình, bỏ lại sau lưng
tất cả những gì thân yêu nhất. Cũng như vậy, ở ngoài mặt trận mà biết
“Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính” chứng tỏ họ đang nhớ quê
hương, nhớ người mình thương biết nhường nào! Mối giao cảm đậm đà
sâu sắc ấy đã tiếp thêm sức mạnh cho người lính trên những chặng
đường chiến đấu.
Không chỉ thấu hiểu, cảm thông, các anh còn sẻ chia những thiếu thốn,
gian lao và niềm vui bên chiến hào chiến đấu:
“Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh
Sốt run người vầng trán ướt mồ hôi
Áo anh rách vai
Quần tôi có vài mảnh vá
Miệng cười buốt giá
Chân không giày
Thương nhau tay nắm lấy bàn tay”
Đoạn thơ với bút pháp hiện thực, hình ảnh sóng đôi đối xứng “anh –
tôi”, “áo anh – quần tôi” tạo được sự gắn kết của những người đồng chí
luôn kề vai sát cánh, đồng cam cộng khổ bên nhau. Trong thiếu thốn, các
anh đã cùng chia sẻ ốm đau bệnh tật, cũng trải qua những cơn sốt rét
rừng ghê gớm, cùng chia sẻ những thiếu thốn về vật chất, bằng niềm lạc
quan “miệng cười buốt giá”, bằng tình yêu thương gắn bó “thương nhau
tay nắm lấy bàn tay”. Khó khăn là vậy, khắc nghiệt là thế, hiện thực của
chiến tranh với những cơn sốt rét rừng đã được rất nhiều nhà thơ miêu tả
lại trong những trang viết của mình:
“Nơi thuốc súng trộn vào áo trận
Cơn sốt rừng đi dọc tuổi thanh xuân”
(Nguyễn Đức Mậu)
Ấy vậy mà các chiến sĩ của ta vẫn lạc quan, vẫn tin tưởng, không chùn
bước trước bất cứ điều gì. Hình ảnh “miệng cười buốt giá” gợi nụ cười
lạc quan bừng lên trong giá lạnh xua tan đi sự khắc nghiệt của chiến
trường. Các anh nắm tay nhau để chuyền cho nhau hơi ấm, để động viên
nhau vượt qua khó khăn gian khổ. Thật hiếm khi thấy cái bắt tay nào
nồng hậu đến vậy!
Chính Hữu bằng những nét vẻ giản dị mộc mạc đã vẽ lên bức tranh tuyệt
đẹp ngay giữa một hoàn cảnh đầy khắc nghiệt: bức tranh người lính
đứng gác giữa núi rừng biên giới trong đêm khuya:
“Đêm nay rừng hoang sương muốI
Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới
Đầu súng trăng treo.”
Ba câu thơ mà nói được rất nhiều điều. Đó là hoàn cảnh chuẩn bị chiến
đấu – đặc điểm không gian và thời gian: đêm nay– rừng hoang – sương
muối. Đó là tình đồng chí keo sơn trong gian khổ, là tinh thần sẵn sàng
vào trận: “đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới”. Đó là tâm hồn đầy chất thơ
của anh Vệ quốc quân và ý nghĩa cao đẹp của cuộc chiến đấu của chúng
ta: “đầu súng trăng treo”. Đêm nay cũng như bao đêm khác, các anh
phục kích chờ giặc, chuẩn bị cho trận đánh giành thắng lợi cuối cùng
trong chiến dịch Việt Bắc thu đông 1947, một đêm đã đi vào lịch sử
khiến người lính không thể nào quên. Các anh phục kích chủ động chờ
giặc trong hoàn cảnh đầy khắc nghiệt: “rừng hoang sương muối” “Đứng
cạnh bên nhau chờ giặc tới”. Các anh chờ giặc tới là chờ giây phút hồi
hộp căng thẳng khi ranh giới của sự sống cái chết rất mong manh. Từ
“chờ” đã thể hiện được tư thế chủ động của người lính trong đêm phục
kích cũng là tư thế chủ động của toàn dân ta sau chiến dịch Việt Bắc thu
đông 1947.
Đọc thơ Chính Hữu ta như cảm thấy hơi ấm đang toả ra khắp cơ thể,
khắp không gian. Hơi ấm ấy phải chăng được bắt nguồn từ cảm xúc
chân thành, mộc mạc, giản dị trong lời thơ Chính Hữu. Câu thơ cuối tuy
đã khép lại tác phẩm nhưng với em nó mãi là dư âm không bao giờ cạn:
“Đầu súng trăng treo”
Câu thơ vừa thực vừa ảo cho ta nhiều cảm xúc mới mẻ. Khoảng cách
giữa bầu trời và mặt đất, giữa con người và thiên nhiên đã được xích lại
gần gũi hơn bởi một từ treo. Đó là sự kết hợp giữa bút pháp tả thực và
lãng mạn vừa xa vừa gần. Phải chăng câu thơ là ước muốn, là hi vọng
của Chính Hữu – người lính Cụ Hồ về một cuộc sống hoà bình, tươi
đẹp? Sau đêm nay, sau giờ phút căng thẳng, lạnh buốt này sẽ là một sớm
mai ấm áp với ánh bình minh sáng ngời Người chiến sĩ, với nhiệm vụ đã
thành người thi sĩ với bao cảm hứng dạt dào. Hình ảnh cây súng trong
bài thơ Đồng chí khiến ta chợt nhớ đến sông Mã, Tây Tiến trong câu thơ
của Quang Dũng:
“Heo hút cồn mây, súng ngửi trời”
Đáng trọng và đáng quí làm sao khi trong thời máu lửa oai hùng đó vẫn
có những vần thơ thật hay, thật đẹp và thú vị đến thế!
Từ sự giản dị của ngôn từ, sự sáng tạo của hình ảnh chi tiết, sự linh hoạt
của nhịp điệu câu thơ, bài thơ đã khắc họa, tôn vinh vẻ đẹp phẩm giá
đáng quý của anh bộ đội cụ Hồ, của tình đồng chí đồng đội bền chặt keo
sơn, hòa nhập với cảm hứng lãng mạn cách mạng của văn học thời
chống Pháp. Nhà văn Nga Ê ren-bua đã viết: Tình yêu nước bắt đầu từ
lòng yêu những gì bình thường nhất. Yêu cái cây trồng trước ngõ, yêu
lối nhỏ đổ ra bờ sông, yêu con sống đổ về biển cả… Vâng, tình yêu của
người lính cụ Hồ cũng bắt nguồn từ những gì mộc mạc, chân chất, gần
gũi nhất. Yêu ngôi nhà, yêu mảnh vườn, gốc đa, giếng nước, yêu con
người… Đó chính là tình yêu Tổ quốc!
Lịch sử đã sang trang mới nhưng có lẽ hình ảnh những người nông dân
mặc áo lính vẫn sống mãi trong lòng thế hệ mai sau. Vẻ đẹp của các anh,
tinh thần của các anh sẽ chẳng thế bị bụi thời gian cuốn đi mất:
“Nếu được làm hạt giống để mùa sau
Nếu lịch sử chọn ta làm điểm tựa
Vui gì hơn làm người lính đi đầu
Trong đêm tối, tim ta làm ngọn lửa”

Đoàn thuyền đánh cá


Nhắc đến phong trào thơ mới không thể không nhắc tới nhà thơ Huy
Cận. Trong suốt cuộc đời làm thơ của mình, ông đã cho ra đời nhiều tác
phẩm hay như Vũ trụ ca, Lửa thiêng. Giọng thơ của Huy Cận có sự biến
chuyển theo thời cuộc và mang hơi thở của cuộc sống. Năm 1958, ông
đã sáng tác bài thơ Đoàn thuyền đánh cá khi đang tham gia chuyến thực
tế dài ngày ở Hòn Gai. Bài thơ nằm trong tập thơ Trời mỗi ngày lại sáng
và tiêu biểu cho thơ ca hiện đại Việt Nam.
Đọc tựa đề người đọc có thể mường tượng ra một khung cảnh lao động
hăng say của những con người làm nghề chài lưới, đánh bắt. Vẻ đẹp của
con người kết hợp với vẻ đẹp của thiên nhiên tạo nên một bức tranh vô
cùng hoàn mĩ.
Mặt trời xuống biển như hòn lửa
Sóng đã cài then đêm sập cửa
Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi
Câu hát căng buồm với gió khơi.
Bài thơ mở đầu bằng cách tái hiện lại khoảnh khắc hoàng hôn trên biển.
Cảnh tượng ấy mới thật huy hoàng và lộng lẫy làm sao. Mặt trời lúc này
trở nên thật gần và cũng thật to. Mặt trời đang xuống biển, đỏ rực như
một hòn lửa. Lời thơ có sự ví von thật tinh tế và thật đẹp. Sóng cũng đã
“cài then”, đêm cũng chuẩn bị “sập cửa” để nghỉ ngơi sau một ngày dài.
Đây là lúc mà lẽ ra mọi người phải được ngơi nghỉ thì đoàn thuyền đánh
cá lại bắt đầu ra khơi. Từ “lại” giúp cho người đọc thấy được sự lặp đi
lặp lại của hành động. Không phải hôm nay đoàn thuyền mới ra khơi mà
ngày nào cũng vậy. Họ căng buồm lên và rồi cất cao tiếng hát đầy say
mê.
Hát rằng: cá bạc biển Đông lặng
Cá thu biển Đông như đoàn thoi
Đêm ngày dệt biển muôn luồng sáng
Đến dệt lưới ta đàn cá ơi
Giữa cảnh mênh mông sông nước cùng với đêm tôi nhưng những người
đi đánh cá vẫn giữ trong mình một tinh thần vui tươi, yêu đời. Họ nhìn
thấy được cái đẹp của biển cả vào ban đêm. Cái đẹp ấy đến từ những mẻ
đầy tôm cá. Mỗi ngày cất vó ra khơi là chỉ mong được biển hào phóng
ban tặng cho cá, cho tôm. Lời hát vừa như để thể hiện tinh thần yêu đời
của mình, vừa như để cảm ơn sự giàu có của biển. Câu thơ cất lên khiến
người đọc cũng cảm thấy rộn rã.
Bằng con mắt trữ tình của mình, nhà thơ Huy Cận như hóa thân vào
chính những người đánh cá. Họ làm việc một cách hăng say quên đi
những mệt mỏi và những hiểm nguy luôn rình rập. Trước mắt họ chỉ
nhìn thấy niềm vui trong lao động:
Thuyền ta lái gió với buồm trăng
Lướt giữa mây cao với biển bằng
Ra đậu dặm xa dò bụng biển
Dàn đan thế trận lưới vây giăng
Ở những câu thơ này, tác giả Huy Cận đã thể hiện được cái tài hoa của
mình. Ông sử dụng phong vị thơ cổ điển qua những hình ảnh như “lái
gió”, “buồm trăng”, “mây cao”, “biển bằng” nhưng vẫn đậm chất hiện
thực. Công cuộc đánh cá cũng giống như một trận đánh chứ không hề
đơn giản là cứ thả lưới mà xong. Những người ngư dân cũng phải thăm
dò ra đậu dặm xa để tìm được đâu là bãi cá. Rồi “dàn đan thế trận” giống
như người lính bài binh bố trận để vây bắt quân thù. Buông lưới làm sao
để sớm mai trở về với một thuyền đầy cá. Quả thực nghĩ đến thôi cũng
thấy đầy phấn khích.
Đối với người ngư dân, biển chính là linh hồn của họ. Họ gắn bó mật
thiết với biển và nếu như không có biển cuộc sống sẽ trở nên tăm tối.
Chính sự gắn bó ấy khiến họ thuộc biển như trong lòng bàn tay. Những
cái tên của những loài cá, rồi thì thói quen của chúng họ đều biết cả:
Cá nhụ cá chim cùng cá đé
Cá song lấp lánh đuốc đen hồng
Cái đuôi em quẫy trăng vàng chóe
Đêm thở: sao lùa nước Hạ Long
Giữa đêm tối nơi mặt biển, ánh trăng trở nên long lanh hơn. Ánh trăng
phản chiếu xuống mặt biển, chạm vào những chú cá khiến chúng cũng
như đang phát sáng. Câu thơ miêu tả lũ cá cùng với ánh sáng thật diệu
kì. Cá trở thành những ngọn đuốc lấp lánh giữa trời. Chúng quẫy đuôi
khiến trăng trở nên vàng chóe. Ánh trăng chính là người bạn soi sáng
cho ngư dân bắt được mẻ cá đầy.
Đêm dần chuyển mình, ánh mặt trời đã sắp lên, nhịp độ công việc càng
trở nên gấp gáp. Những câu thơ vang lên khiến cho người đọc cảm thấy
như đang được chứng kiến tận mắt cảnh kéo lưới với những tiếng hô
theo nhịp rộn ràng:
Sao mờ kéo lưới kịp trời sáng
Ta kéo xoăn tay chùm cá nặng
Vảy bạc đuôi vàng lóe rạng đông
Lưới xếp buồm lên đón nắng hồng
Những câu thơ làm hiện lên dáng người ngư dân đang kéo lưới, họ dồn
hết sức mạnh vào đôi bàn tay để kéo cho được mẻ cá lên. Câu thơ “ta
kéo xoăn tay chùm cá nặng” không khiến người đọc cảm thấy nặng nề
mà chỉ thấy một niềm khoan khoái bởi kéo được mẻ cá nặng là một sự
thành công lớn. Rạng đông đang lóe sáng, buồm lại căng để đón nắng
hồng. Đoàn thuyền đánh cá cũng chuẩn bị trở về:
Câu hát căng buồm với gió khơi
Đoàn thuyền chạy đua cùng mặt trời
Mặt trời đội biển nhô màu mới
Mắt cá huy hoàng muôn dặm phơi
Khổ thơ cuối bài, tiếng hát của sự lao động hăng say vẫn được cất lên.
Dường như sau một đêm, chẳng có gì khiến cho người ngư dân cảm thấy
mệt mỏi. Họ bắt đầu chạy đua cùng với mặt trời để làm sao trở về đất
liền vào trước lúc mặt trời lên. Đó là cuộc chạy đua với thiên nhiên
nhưng cũng là cuộc chạy đua với cuộc sống. Bài thơ khép lại với hình
ảnh của một ngày mới bắt đầu. Đó là một màu sắc mới, mặc dù cũng là
biển đấy, cũng là mặt trời đấy nhưng nó mang đến một sự tươi mới. Câu
thơ như báo hiệu rằng người ngư dân vẫn sẽ tiếp tục ra biển vào những
ngày sau và đó cũng là những cuộc đánh cá mới.
Bài thơ khép lại, lòng người đọc vẫn còn thấy rộn ràng. Bài thơ là sự ca
ngợi nguồn tài nguyên của đất nước, ca ngợi sự cần cù của những con
người lao động ngày ngày làm giàu cho đất nước. Bài thơ mang đến cho
người đọc sự tươi vui và nhận ra được giá trị của cuộc sống này.

Tiểu đội xe không kính


Không sinh ra trong chiến tranh nhưng thế hệ trẻ chúng ta sau này thật
may mắn khi được tiếp cận với những bài thơ hay nói về chiến tranh.
Nhờ đó mà chúng ta thêm hiểu, thêm yêu về những người lính, về những
năm tháng gian khổ. Bài thơ về tiểu đội xe không kính cũng là một trong
những sáng tác hay viết về người lính nhưng ở một khía cạnh khá mới
mẻ. Bài thơ được nhà thơ Phạm Tiến Duật viết vào năm 1969, khi ấy,
cuộc kháng chiến chống Mĩ của cả nước đang bước vào giai đoạn vô
cùng ác liệt.
Những năm tháng chiến đấu, con đường Trường Sơn đã trở nên quen
thuộc với nhiều người. Hình ảnh về con đường Trường Sơn cũng được
lấy làm nhiều đề tài cho các bài thơ, bản nhạc. Chẳng hạn như bài hát
Trường Sơn đông, Trường Sơn tây, sợi nhớ sợi thương. Phạm Tiến Duật
cũng viết về cung đường Trường Sơn qua lăng kính của một người lính
lái xe. Hàng ngày dọc đường Trường Sơn có biết bao nhiêu chuyến xe đi
qua, không phải chiếc xe nào cũng lành lặn mà có những chiếc xe đã bị
mất tấm kính chắn phía trước khiến chúng trở nên thật đặc biệt:
Không có kính không phải vì xe không có kính
Bom giật, bom rung kính vỡ mất rồi
Hai câu thơ mở đầu giải thích lý do vì sao mà xe không có kính, lời giải
thích thật rõ ràng. Câu thơ cũng khái quát được hình ảnh bom đạn ác liệt
của chiến trường. Nhưng giữa cảnh bom đạn ác liệt như vậy, người đọc
không hề cái sự run sợ của lính mà chỉ thấy chất thơ ung dung, tự tại:
Ung dung buồng lái ta ngồi
Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng
Hai từ ung dung cho ta thấy được tâm thế tự do, tự tại của người lính.
Bom đánh vỡ kính là chuyện nhỏ, bom còn có thể khiến người ta lìa xa
cõi đời. Vậy mà người lái xe vẫn “ung dung” “nhìn đất, nhìn trời, nhìn
thẳng”. Những câu thơ tiếp theo lại giống như một thước phim ghi lại
những gì mà người chiến sĩ đã nhìn thấy trên con đường mà xe đã đi
qua. Giọng điệu thơ đầy đĩnh đạc và mạnh mẽ:
Nhìn thấy gió vào xoa mắt đắng,
Nhìn thấy con đường chạy thẳng vào tim
Thấy sao trời và đột ngột cánh chim
Như sa, như ùa vào buồng lái
Ở đây, gió đã được nhân hóa để thực hiện hành động “xoa”. Câu thơ đọc
lên mang lại sự ấn tượng mạnh mẽ cho người đọc. Người lính lái xe nhìn
thấy gió, nhìn thấy con đường, nhìn thấy sao trời rồi lại nhìn thấy cánh
chim. Nhìn thấy gió là bởi xe không có kính, mỗi một vòng bánh xe lăn,
đôi mắt lại chạm vào gió khiến tác giả cảm thấy như mình nhìn được
thấy gió. Rồi giữa bầu trời đêm, người lái xe cũng nhìn thấy rõ sao trời.
Những từ “nhìn thấy”, “sa”, “ùa” khiến ta thấy nhịp thơ trở nên gấp gáp
giống như chiếc xe đang lăn bánh một cách vội vàng trên con đường. Xe
đi nhanh là để tránh được bom đạn của kẻ thù.
Những câu thơ tiếp theo, tác giả nhắc đến một cản trở nữa mà người lính
lái xe gặp phải trên đường làm nhiệm vụ với chiếc xe không kính đó là
bụi:
Không có kính, ừ thì có bụi
Bụi phun tóc trắng như người già
Chưa cần rửa, phì phèo châm điếu thuốc
Nhìn nhau mặt lấm cười ha ha!
Những câu thơ giàu hình ảnh khiến người đọc như chứng kiến tận mắt
một người lính lái xe đầy bụi bặm, phong trần. Những người lính tóc
xanh nhưng vì bụi phủ đã khiến mái tóc trở nên bạc trắng như mái tóc
người già. Thế nhưng, họ chẳng cần quan tâm. Những nụ cười hồn nhiên
và sảng khoái khi nhìn nhau mặt lấm vẫn xuất hiện.
Gió bụi qua đi thì lại đến mưa rừng. Không có kính, quả khiến người
lính nếm trải đủ dư vị của thiên nhiên:
Không có kính, ừ thì ướt áo
Mưa tuôn, mưa xối như ngoài trời
Chưa cần thay lái trăm cây số nữa
Mưa ngừng, gió lùa khô mau thôi
Không có kính chắn, lái xe mà gặp mưa thì chỉ có ướt áo. Nhưng với
tinh thần cách mạng của mình, chuyện ướt áo chỉ là chuyện nhỏ, dừng
xe lại mới là chuyện lớn. Vậy nên người lái xe vẫn tiếp tục di chuyển
“lái trăm cây số nữa”. Nỗi gian nan của người lính không đong đếm
bằng gió, bụi, mưa mà mong đếm bằng quãng đường họ đã chạy. Câu
thơ diễn tả nghị lực phi thường của người lính, họ bất chấp gian khổ, bất
chấp hiểm nguy để làm nhiệm vụ.
Niềm vui của những người lính là khi được gặp đồng đội của mình ở
giữa rừng:
Những chiếc xe từ trong bom rơi
Đã về đây họp thành tiểu đội
Gặp bè bạn suốt dọc đường đi tới
Bắt tay nhau qua cửa kính vỡ rồi
Câu thơ có sự ví von thật ấn tượng khi những chiếc xe cũng có cảm xúc.
Chúng gặp nhau và họp thành tiểu đội. Cũng giống như những người
lính, mỗi khi lái xe gặp một chiếc xe khác, họ lại đưa tay ra nắm lấy tay
nhau qua ô kính vỡ như truyền thêm cho nhau sức mạnh để tiếp tục hành
quân. Cuộc gặp gỡ vội vàng mà đầy cảm xúc.
Bếp Hoàng Cầm ta dựng giữa trời
Chung bát đũa nghĩa là gia đình đấy
Võng mắc chông chênh đường xe chạy
Lại đi, lại đi, trời xanh thêm
Tác giả Phạm Tiến Duật đã nhắc đến bếp Hoàng Cầm, một loại bếp
không khói rất được ưa chuộng trong thời chiến. Những câu thơ cho
người đọc cảm giác gần gũi. Những người lính vốn là những người xa lạ
nhưng gặp nhau giữa rừng, “chung bát đũa nghĩa là gia đình đấy”. Trên
dọc đường đi, người lái xe cũng gặp cảnh võng mắc chông chênh.
Đường hành quân dẫu có gian nan thì xe vẫn cứ đi.
Xe không kính, rồi xe không có đèn
Không có mui xe, thùng xe có xước
Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước
Chỉ cần trong xe có một trái tim
Những câu thơ cuối cùng diễn tả sự thiếu thốn của người lính lái xe. Xe
không có kính, xe không có đèn, xe không có mui. Thế nhưng sự thiếu
thốn ấy có là gì. Miền Nam thân yêu đang vẫy gọi, “chỉ cần trong xe có
một trái tim” thì xe vẫn cứ chạy. Hình ảnh thơ thật đẹp, nó chứa đựng lý
tưởng sống của người chiến sĩ cách mạng lúc nào cũng nghĩ cho người
khác.
Con đường Trường Sơn, một con đường huyền thoại. Cảm ơn nhà thơ
Phạm Tiến Duật đã cho chúng ta một cái nhìn đấy mới mẻ, đầy lạc quan
và yêu đời. Qua bài thơ về tiểu đội xe không kính, chúng ta thấy thêm tự
hào về những người lính năm nào.

You might also like