You are on page 1of 2

Đồng Chí 7 câu đầu

Ta thường hay nhắc đến tình cảm gia đình, bạn bè như những thứ tình cảm cao đẹp, đáng
quý. Nhưng vẫn còn một thứ tình cảm cũng cao đẹp không kém đó chính là tình đồng đội,
chiến hữu. Nhà thơ Chính Hữu đã viết về tình cảm cao đẹp ấy, đồng thời tái hiện lài một cách
chân thực hình ảnh người lính chống Pháp, qua bài thơ “Đồng chí” được sáng tác năm 1948
của ông.
Xuyên suốt bài thơ nổi bật lên giọng thơ mộc mạc nhưng trữ tình, chân chất mà gợi cảm. Từ
mỗi hình ảnh, mỗi câu thơ đều tập trung vào miêu tả tình đồng chí, tình đồng đội của những
người lính. Hầu hết họ đều là nông dân, dưới ánh mặt trời rạng soi của cách mạng mới khoác
lên mình màu áo quân nhân, mới ra đi tìm lại độc lập tự do cho dân tộc. Quê hương của họ
đều không phải là nơi làng quê trù phú:
Quê hương anh nước mặn, đồng chua
Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá.
“Anh” đến từ vùng đất phèn nước mặn, “tôi” lại đến từ nơi có thiên nhiên cằn cỗi. Kết cấu
sóng đôi, đối ứng và thành ngữ “nước mặn đồng chua” đã nói rõ tất cả về quê hương của
“anh” và xóm làng của “tôi”. Hai con người khác nhau từ những nơi chốn khác nhau lại có
cùng điểm chung: đều xuất thân từ miền quê nghèo khó, lam lũ. Chính điểm chung về cảnh
ngộ ấy đã dẫn đến tình giai cấp giữa nhưng người bộ đội, đồng thời là mảnh đất màu mỡ cho
hạt giống của tình đồng chí nảy nở, phát triển. Tiếng gọi của Tổ quốc đã đưa những con
người từ mọi miền đất nước, từ các phương trời “xa lạ” đền gần nhau, để họ được cùng đứng
trong một hàng ngũ quân đội, để cùng “chẳng hẹn” mà lại quen nhau:
Anh với tôi đôi người xa lạ
Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau,
“Anh với tôi đôi người xa lạ”. Từ đôi được tác giả sử dụng thay cho từ đồng nghĩa “hai” lại
có tác dụng, có giá trị biểu đạt rất lớn. Đã là “đôi” tức là lúc nào cũng gắn bó chặt chẽ, lúc
nào cũng hiểu lẫn nhau, và sợi dây tình cảm lúc nào cũng bền chặt, thắm thiết. Cách dùng từ
ngữ giản dị, không hoa mĩ này của tác giả như một lời khẳng định, khẳng định tình thân, sự
gắn bó giữa hai người lính, cái đẹp đẽ của tình người – tình đồng chí. “Anh với tôi” tưởng
như “chẳng hẹn” nhưng thật ra là có hẹn: chung lòng yêu nước nồng nàn, chung ước mong, ý
chí diệt giặc, chung trong một đơn vị; tưởng chừng “xa lạ” nhưng lại rất thân quen: đến từ hai
miền quê khác nhau nhưng cùng sống trên mảnh đất Việt Nam, cùng chảy trong người dòng
máu Việt Nam, là đồng bào của nhau, để rồi quen, để rồi trở thành bạn tốt:
Súng bên súng, đầu sát bên đầu,
Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ.
“Tri kỉ” là người bạn tốt, người này luôn hiểu thấu tâm sự của người kia. Sự nghiệp chung
của đất nước đã xóa nhòa lằn ranh địa lý, khác biệt về văn hóa, đã đưa hai con người “xa lạ”
đến đứng cảnh nhau trên mặt trận, nâng tình đồng cảm giải cấp giữa họ trở thành tình tri kỉ. .
Tác giả sử dụng cấu trúc sóng đôi độc đáo trong câu thơ, cùng cách miêu tả hàm súc: “Súng
bên súng, đầu sát bên đầu”. Nếu như “súng bên súng” nói về cái chung về hoàn cảnh, kẻ thù,
chung một trận tuyến, một khao khát độc lập tự do thì “đầu sát bên đầu” còn là cái chung về
tâm tư, tình cảm, sự quyện hòa tâm hồn của đôi bạn tâm giao. Hình ảnh giàu cảm xúc đó còn
cả ngợi sự đoàn kết giữa hai anh bộ đội cụ Hồ: trong chiến đấu gian khổ vẫn kề vai sát cánh,
trong khó khăn đời lính thì chia cho nhau từng lời tâm sự, san sẻ cho nhau hơi ấm chung chăn
trong đêm khuya giá rét. Đắp chung chăn, anh và tôi cùng chia nhau hơi ấm tâm hồn, tiếp
thêm cho nhau sức mạnh tinh thần để rồi thêm nữa sự mạnh mẽ, cứng rắn. Tiếng gọi quê
hương mới thật tha thiết làm sao! Nó đã khiến “đôi người xa lạ” có thể trở thành “đôi tri kỉ”.
Một hình ảnh đối lập đẹp đến nao lòng. Bạn tri kỉ thật sự không dễ kiếm, có khi cả đời vẫn
không tìm được một ai. Vậy mà hai anh lính lại thành tri kỉ của nhau, gắn bó với nhau nhanh
chóng như vậy, bất chấp chiến trường nhiều kẻ địch, đường rừng lắm chông gai. Phải chăng
khi đứng giáp ranh giữa sự sống và cái chết của chiến tranh, khi quên cả bản thân mình vì lợi
ích chung, con người ta mới có những tình cảm tự nhiên và sâu sắc đến vậy? Phải chăng khi
đất nước hoạn nạn, đứng trước nguy cơ đánh mất độc lập tự do thì tình bạn, tình tri kỉ mới
sớm nảy nở nơi hai con người “xa lạ”? Câu thơ với hình ảnh giản dị mà gợi cảm. Đắp chăn
chung, hai người bộ đội đã như anh em một nhà, chia ngọt sẻ bùi, tình thân thắm thiết đến
mức không thể diễn tả nổi. Nói đến cái lạnh buốt của đêm rừng nhưng người đọc vẫn cảm
nhận được hơi ấm tỏa ra từ ngọn lửa mang tên “tình đồng đội” trong sâu thẳm trái tim, hơi
ấm mà cả người lính lẫn người đều chẳng thể nào quên được: “Bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp
cùng”. Đó chính là cơ sở vững vàng, là nguồn cội của tình đồng chí.
Và, như một phép màu, sự đồng cảnh, đồng cảm, đồng giai cấp, đồng tâm tư đã hóa thành
tình cảm cao quý thiêng liêng giữa hai anh, họ gọi nhau bằng cái tên chung:
Đồng chí!
Câu thơ từ bảy, tám từ đột ngột rút lại thành hai tiếng “đồng chí” tha thiết, dâng trào cảm xúc.
Không chỉ đóng vai trò là tiếng gọi quân đội trang nghiêm mà đó còn là tiếng gọi chân thành
từ sâu thẳm con tim người lính chiến, là tiếng gọi reo vui của hai con người cùng chung chí
hướng, cùng chung lý tưởng, mục đích khi đứng dưới lá cờ Cách mạng; không chỉ là danh từ
mà còn là một tính từ bộc lộ tình cảm, niềm xúc động xen lẫn lòng từ hào. Xúc động trước
tình bạn tri giao cao đẹp, không lợi dụng, tính toán, hai người bạn gắn bó với nhau vô điều
kiện, bởi cả hai có rất nhiều điểm chung: từ xuất thân, cảnh ngộ đến lòng căm giặc đến chung
một tình cảm, một tấm chăn. Tự hào khi tình cảm cao đẹp nay đã được nâng lên thành một
thứ thiêng liêng và quý giá hơn: tình đồng chí.
Nhà thơ đã rất tài tình khi sử dụng một loạt những từ ngữ liệt kê, nghệ thuật điệp từ. Điều này
không chỉ đưa bài thơ lên đỉnh điểm của sự tình cảm mà những sự ngắt nhịp đột ngột, âm
điệu hơi trầm nhưng chính điều đó cũng làm cho tình đồng chí thêm đẹp hơn, thêm cao quý
hơn. Câu thơ "Đồng chí" chỉ có hai tiếng ngắn ngủi nhưng nó đã tạo nên một nốt nhạc trầm
ấm, thân thương trong lòng của người đọc. Dường như nhà thơ Chính Hữu đã thổi vào bài
thơ một tình đồng chí keo sơn, gắn bó, một âm vang bất diệt khiến cho bài thơ in sâu vào tâm
trí độc giả
Chi với bảy câu thơ đầu của bài “Đồng chí”, Chính Hữu đã sử dụng những hình ảnh chân
thực, gợi tả và khái quát cao đã thể hiện được một tình đồng chí chân thực, không phô trương
nhưng lại vô cùng lãng mạn và thi vị. Tác giả đã thổi hồn vào bài thơ tình đồng chí tri kỉ, keo
sơn và gắn bó, trở thành một âm vang bất diệt trong tâm hồn những người lính cũng như con
người Việt Nam.

You might also like