You are on page 1of 4

Đề: Phân tích 10 câu giữa bài thơ đồng chí

Bài làm
Nhà thơ Tố Hữu có viết:
“Nếu được làm hạt giống để mùa sau
Nếu lịch sử chọn ta làm điểm tựa
Vui gì hơn làm người lính đi đầu
Trong đêm tối, tim ta làm ngọn lửa!”
Tiếng thơ cất lên như phảng phất vào ta một mùi hương của loài hoa “đồng nội”- biểu trưng cho
người lính ngày đêm cống hiến hết mình. Họ là những cây xương rồng cứng cỏi chống chọi với khắc
nghiệt của nơi sa mạc cằn cỗi, là ngọn hải đăng soi sáng cho chiếc thuyền độc lập tự do của đất nước
cập bến như ngày hôm nay. Chính vì thế, vẻ đẹp của người chiến sĩ đã từng bước hòa mình vào dòng
suối bất tận của thi ca, tạo nên dư vị cho tình đồng chí. Cùng với thi liệu ấy, biết bao thi sĩ đã dày công
sáng tạo và viết nên vô vàng dòng thơ về người lính. Trong đó không thể thiếu chàng trai Chính Hữu
với bài thơ “Đồng chí”. Chính Hữu sinh năm 1926 mất năm 2007, quê ở Hà Tĩnh. Thơ ông chỉ viết về
đề tài người lính và chiến tranh. Bài thơ “Đồng chí” được viết năm 1948 ở chiến khu Việt Bắc, in trong
tập thơ “Đầu súng trăng treo”. Mười câu thơ giữa trong bài thơ ấy đã khái quát về những cơ sở của tình
đồng chí. Đoạn thơ bình dị mà sâu lắng, để lại bao cảm xúc cho bạn đọc:

“Ruộng nương anh gửi bạn thân cày


Căn nhà không mặc kệ gió lung lay
Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính
Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh
Sốt run người vầng trán ướt mồ hôi
Áo anh rách vai
Quần tôi có nhiều mảnh vá
Miệng cười buốt giá
Chân không giày
Thương nhau tay nắm lấy bàn tay"

Nếu như bảy câu thơ đầu, Chính Hữu chỉ ra cơ sở hình thành tình đồng chí thì những câu thơ
tiếp theo, tác giả tiếp tục chỉ ra những biểu hiện cao đẹp của tình đồng chí. Trước hết, đồng chí là sự
cảm thông sâu xa những hoàn cảnh, tâm tư, nỗi niềm sâu kín của nhau:

Ruộng nương anh gửi bạn thân cày


Căn nhà không mặc kệ gió lung lay
Cái chất nông dân thuần phác của những anh lính mới đáng quý làm sao! Đối với những người
nông dân, ruộng nương, nhà cửa những thứ quý giá nhất. Họ sống nhờ vào đồng ruộng, họ lớn lên theo
câu hát ầu ơ của bà, của mẹ. Họ lớn lên trong những gian nhà không mặc kệ gió lung lay. Họ yêu lắm
những mảnh đất thân quen, những mái nhà thân thuộc. Nhưng họ đã phải gác lại cái yên bình ấm êm
của bản thân để ra đi cho niềm vui chung của toàn dân tộc. Bên trong những người lính ấy có ngày nào
nguôi ngoai nỗi nhớ về vùng đất thân thương. Ở đó có gian nhà, có mảnh ruộng, khu vườn-những gì
quan trọng nhất đối với người nông dân. Nhưng giờ đây, đối với anh trai làng mặc áo lính, không còn
gì quan trọng hơn sinh mệnh của đất nước, như Bác Hồ đã nói: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”,
anh đã tạm quên cái quý giá của cuộc đời mình để ra đi bảo vệ cái quý giá của đất nước giang sơn.
Ruộng nương được anh gửi lại cho người bạn thân cày . Tác giả Chính Hữu tài tình làm sao khi dùng
chữ “không” khi miêu tả trong “gian nhà không”. Gian nhà không nhiều vật dụng, đơn sơ vì cái nghèo
quay quắt lan tỏa vào đời sống từng người trong khoảng thời gian khó khăn ấy của đất nước; nhưng từ
không mà nhà thơ sử dụng lại không thảm thương bi đát như sự thực của nó, cũng không lạc quan hóa
quá cái khổ mà vừa phải, vừa giàu sức gợi hình, vừa mang tính gợi cảm. Ngôi nhà trống không vì đơn
sơ, nay lại càng trống trải vì vắng bóng người trai cần cù tháo vát nhưng anh vẫn “mặc kệ” để lên
đường nhập ngũ. Hai chữ “mặc kệ” thể hiện một lòng quyết tấm, một thái độ dứt khoát, không do dự,
sẵn sàng gát lại bao mộng đẹp của tuổi hai mươi để đi theo tiếng gọi Tổ quốc, để trở thành anh bộ đội
cụ Hồ bảo vệ đất nước. Thật thiêng liêng và cao cả biết bao! Tinh thần ấy cũng đã được bộc bạch qua
lời thơ của Thanh Thảo:
“Chúng tôi…. Tổ quốc”

Hay phảng phất đâu đây ý chí của người con trai mà nhà thơ Nguyễn Đình Thi đã từng viết:

Người ra đi đầu không ngoảnh lại

Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy.

Cả câu thơ tác giả đều dùng cách nói dân dã của người nông dân. Dù là cách nói, cách nghĩ khác nhau
nhưng cùng chung một thái độ dứt khoát là đặt nhiệm vụ cứu nước lên hàng đầu.

Nhưng cho dù dứt khoát ra đi như vậy, anh trai làng ở trận tuyến vẫn không thể quên được hình
bóng quê nhà thân thương:

Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính.

Hình ảnh ẩn dụ “giếng nước gốc đa” vốn là biểu tượng đẹp của làng quê Việt Nam, nay còn là cội
nguồn của nỗi nhớ thương xuất phát từ hai chiều. “Giếng nước gốc đa” không đơn thuần là cảnh vật
quê hương mà còn là nỗi ngóng trông của người cha, người mẹ đối với con, người vợ đối với chồng và
những đôi trai gái yêu nhau. Dù “người ra đi đầu không ngoảnh lại” mặc cho “sau lưng thềm nắng lá
rơi đầy” (Nguyễn Đình Thi) nhưng trong lòng “người ra đi” ấy vẫn đau đáu nhớ về cái “thềm nắng lá
rơi đầy” quen thuộc, cũng như anh chiến sĩ dù “mặc kệ” cả căn nhà, bỏ lại cả ruộng nương nhưng bên
trong anh, ngọn lửa nhớ thương chưa bao giờ bị dập tắt. Nhưng đó là nỗi nhớ từ nơi nao, là “giếng
nước gốc đa” nhớ người đi hay chính là nỗi nhớ cồn cào khôn nguôi của người đi về “giếng nước gốc
đa”? Người đi lính nhớ về người ở lại, kẻ ở lại lại nhung nhớ người ra đi. Cùng một nỗi nhớ nhưng lại
hằn sâu nơi cả hai miền kí ức. Hậu phương ủng hộ tiền tuyến, luôn hướng về tiền tuyến, còn tiền tuyến
lại như mạnh mẽ hơn trước niềm tin mãnh liệt của hậu phương. Một hình ảnh chân thực và cảm động.
Qua đó, hình tượng người lính hiện lên thật anh hùng, mạnh mẽ dứt khoát trước tiếng gọi của non sông,
song vẫn rất giàu tình nghĩa khi nhớ mãi về quê hương, nhà cửa, về người thân, bạn bè.

Không chỉ thấu hiểu, cảm thông cho nhau mà các anh còn chia sẻ những thiếu thốn, gian lao và
niềm vui nơi chiến trường:
Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh
Rét run người vầng trán ướt mồ hôi
Áo anh rách vai
Quần tôi có vài mảnh vá
Miệng cười buốt giá
Chân không giày
Thương nhau tay nắm lấy bàn tay

Một bức tranh xúc động hiện lên trước mắt ta, đầy rẫy những gian khổ chông gai như chính cuộc đời
người lính. Câu thơ đang vươn dài bỗng rút ngắn, âm điệu thơ bỗng trở nên chậm rãi, trầm lắng, như
khiến tâm hồn người đọc cũng như chùng xuống trước bao nhọc nhằn mà người bộ đội phải trải. Ra đi
từ làng quê nghèo khổ, các anh lại gặp thêm cái nghèo nàn nơi quân đội. Mấy câu thơ thôi mà phản ánh
được một thực trạng, một thời kì khó khăn của cả nước. Tác giả đã dùng bút pháp tả thực, liệt kê, hình
ảnh sóng đôi đối xứng “anh – tôi”, “áo anh – quần tôi” để tạo sự gắn kết của những người đồng chí
luôn kề vai sát cánh, đồng cảm cộng khổ bên nhau. Những chi tiết rất thực, nhà thơ đã mô tả rõ nét
cuộc sống mà người chiến sĩ phải nếm trải. Giữa chiến trường khắc nghiệt, cơm không đủ no, áo không
đủ mặc, chăn không đủ ấm nhưng họ vẫn vượt qua gian khổ ấy. Ôi! Thật xót xa cho cuộc đời người
chiến sĩ! Trong gian lao vất vả, họ tìm được niềm vui, niềm hạnh phúc trong mối tình đồng chí, dẫu
rằng “áo ảnh rách vai”, “quần tôi có vài mảnh vá”. Nhưng làm sao các anh có thể quên được những lúc
ướt mồ hồi, cùng với cơn ớn lạnh đây!

Khó khăn là vậy, khắc nghiệt là thế, hiện thực của chiến tranh với những con sốt rét rừng đã
được rất nhiều nhà thơ miêu tả lại trong trang viết của mình:

Nơi thuốc súng trộn vào áo trận


Cơn sốt rừng đi dọc tuổi thanh xuân.

Nguyễn Đức Mậu

Ấy vậy mà, các chiến sĩ của ta vẫn lạc quan, vẫn tin tưởng, không chùn bước trước bất kì điều gì. Hình
ảnh “miệng cười buốt giá” gợi nụ cười lạc quan, bừng lên trong giá lạnh, xua tan đi sự khắc nghiệt của
chiến trường, là thái độ coi thường thử thách khó khăn. Đó chính là tinh thần lạc quan yêu đời, một tinh
thân “thép” kiên cường. Họ quên mình đi để động viên nhau, truyền cho nhau hơi ấm: “thương nhau
tay nắm lấy bàn tay”. Đây là một cử chỉ rất cảm động chứa chan tình cảm chân thành. Nó không phải
cái bắt tay thông thường mà là hai bàn tay tự tìm đến với nhau truyền cho nhau hơi ấm, động viên nhau
để vượt lên buốt giá, để vững niềm tin về một tương lai tất thắng. Chính đôi tay nắm chặt ấy đã nói lên
tất cả những ý nghĩa thiêng liêng cao đẹp của tình đồng chí. Các anh đã cho nhau hơi ấm của tình đồng
đội và hứa hẹn sẽ lập công cho quê nhà. Cái nắm tay nồng ấm tình bạn, tình người hay là sự sống đang
nở hoa trong sự hủy diệt của kẻ thù. Bàn tay thắt chặt tình thân, đốt cháy lên ngọn lửa đoàn kết, tinh
thần diệt giặc nơi người lính. Nói như Phạm Tiến Duật:

“Chung bát đũa nghĩa là gia đình đấy.”

Những người lính luôn thương nhau như anh em một nhà. Đó là sức mạnh làm nên chiến thắng của
những anh bộ đội “chân đất, áo nâu” – một vẻ đẹp tinh thần cao quý của các anh. Chính Hữu đã đem
hiện thực vào trang viết của mình một cách tự nhiên, nhưng đồng thời cũng đặt vào bức tranh ấy một
viên ngọc thuần khiết. Đó chính là tình đồng chí, keo sơn gắn bó.
Tựu trung lại, đoạn thơ khép lại với nhịp điệu trầm lắng, tươi vui dường như đã trở thành
những vần thơ của niềm tin yêu, sự hi vọng, lòng cảm thông sâu sắc của một nhà thơ cách mạng.
Không những thế, thể thơ tự do đầy phóng khoáng, phù hợp cùng các biện pháp nghệ thuật như: phép
đối, điệp ngữ, liệt kê… được sử dụng hiệu quả đã giúp lời thơ ngắn gọn nhưng hàm súc, chứa đựng
nhiều ý nghĩa sâu sa. Chính Hữu viết và dành tặng bài thơ cho những người bạn nông dân mặc áo lính
của mình, vậy nên ngôn ngữ của bài rất mộc mạc, bình dị, gần gũi với người nông dân Việt Nam.
Những thành ngữ, những hình ảnh quen thuộc của làng quê và những khẩu ngữ đã góp phần tạo cho
áng thơ một giọng điệu nhẹ nhàng, thâm trầm. Tất cả đã thể hiện được tư tưởng nhân văn cao đẹp: đó là
lòng yêu nước bất khuất, đó là tình đồng chí, ấm áp, thiết tha của anh vệ quốc dân.

Xuân Diệu đã từng tâm niệm rằng : “Thơ là hiện thực, thơ là cuộc đời, thơ còn là thơ nữa.” Thi
ca chỉ “dung nạp” những con người biết nhìn nhận hiện thực bằng lăng kính và trái tim của mình.
Chính Hữu đã thành công đem hiện thực ấy vào trang thơ một cách tự nhiên, sinh động. Đồng thời nhà
thơ đã dùng ngòi bút tài hoa vẽ lên bức tranh về chiến tranh khốc liệt một vì sao tỏa sáng thuần khiết,
tuyệt đẹp nhất. Đó chính là tình đồng chí, keo sơn, thắm thiết với những cơ sở vững chắc, đầy thuyết
phục. Qua đó cho thấy Chính Hữu rất nặng tình với đồng chí, đồng đội nên đã khắc họa tình cảm ấy với
cảm xúc bồi hồi khó tả. Cho dù lịch sử đã sang trang mới nhưng có lẽ hình ảnh những người nông dân
mặc áo lính vẫn sống mãi trong lòng thế hệ mai sau. Vẻ đẹp của các anh, tinh thần của các anh sẽ
chẳng thể bị bụi thời gian cuốn đi mất và vẫn là âm vang bất diệt:

Có một thời như thế chẳng hề quên


Là người lính - người quân nhân cách mạng
Dẫu chiến tranh nhưng tâm hồn lãng mạng
Dấu tâm tình trong đáy cóc ba lô.

You might also like