You are on page 1of 5

ĐỀ 2: Cảm nhận đoạn thơ sau

“Ruộng nương anh gửi bạn thân cày


Gian nhà không mặc kệ gió lung lay
Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính.
Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh,
Sốt run người, vừng trán ướt mồ hôi.
Áo anh rách vai
Quần tôi có vài mảnh vá
Miệng cười buốt giá
Chân không giày
Thương nhau tay nắm lấy bàn tay!”
Trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc vĩ đại hình ảnh người lính luôn là hình ảnh
đẹp đẽ nhất, cao quý nhất. Một trong những tác phẩm ra đời sớm nhất, tiêu biểu và thành
công nhất viết về hình ảnh của người lính cụ Hồ là bài thơ “ Đồng chí “ của nhà thơ
Chính Hữu. Bài thơ đã diễn tả sâu sắc, chân thực tình cảm đồng chí, đồng đội gắn bó keo
sơn. Từ đó làm nổi bật hình ảnh những người lính cụ Hồ trong thời kì đầu của cuộc
kháng chiến chống Pháp. Đặc biệt trong đoạn thơ trên Chính Hữu đã thể hiện thành
công những biểu hiện về vẻ đẹp của tình đồng chí đồng đội gắn bó keo sơn. Đây cũng
là khổ thơ để lại trong lòng em ấn tượng sâu sắc nhất.
“Ruộng nương anh gửi bạn thân cày
......
Thương nhau tay năm lấy bàn tay”
Thân bài
1 Khái quát
Bài thơ “Đồng chí” được sáng tác vào đầu năm 1948 - thời kỳ đầu cuộc kháng
chiến chống Pháp. Lúc đó Chính Hữu là chính trị viên Đại đội thuộc Trung đoàn Thủ đô.
Mạch thơ được bắt nguồn từ những phát hiện về cơ sở hình thành tình đồng chí, tiếp nối
niềm xúc động trước những biểu hiện cao đẹp của tình đồng chí và cuối cùng khép lại
bằng một biểu tượng giàu ý nghĩa của tình đồng chí. Đoạn thơ trên là khổ thơ thứ hai
thuộc phần giữa của bài thơ đã thể hiện thật xúc động những biểu hiện về vẻ đẹp
của tình đồng chí đồng đội gắn bó keo sơn.
2 Cảm nhận
Luận điểm 1: Trước hết vẻ đẹp của tình đồng chí là thấu hiểu tâm tư nỗi lòng, hoàn
cảnh của nhau: “Ruộng nương anh gửi bạn thân cày
Gian nhà không mặc kệ gió lung lay
Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính.”
Giọng thơ chậm rãi tình cảm tha thiết khiến câu thơ lắng sâu vào trong nỗi nhớ. Đại
từ “anh” thay cho từ “tôi” cho ta hiểu đây là lời của người lính nói về cảnh ngộ của bạn
nhưng cũng là nói về cảnh ngộ của chính mình. Gia cảnh của người lính được thi nhân
đặc tả thật tài tình qua những hình ảnh hết sức giản dị: “ruộng nương - bạn thân cày” ,
“gian nhà - gió lung lay”. Với những người nông dân ruộng nương gian nhà là cơ nghiệp,
là ước mơ cả đời của họ. Họ luôn gắn bó gìn giữ và chắt bóp những gì mình đang có. Vậy
mà họ đã gác lại tất cả để ra đi đánh giặc. Có thể thấy khi bước vào quân ngũ, ra đi theo
tiếng gọi của non sông các anh sẵn sàng giã từ tất cả những gì gần gũi nhất quý giá nhất.
Họ ra đi song nỗi lòng vẫn được bộc lộ hết sức chân thành qua từng “gửi”. Chỉ với một từ
gửi nhà thơ đã nói được biết bao tâm tư ước muốn của người lính. Phải chăng đó là niềm
hi vọng chiến thắng trở về đoàn tụ cùng người thân, lại được cày cấy trên mảnh ruộng
xưa. Lời thơ chất chứa nỗi niềm của những người nông dân mặc áo lính.
Nhà thơ đã sử dụng từ láy “lung lay” kết hợp với hình ảnh “gian nhà không” để
miêu tả một hiện thực về những gian nhà tranh vách lá đơn sơ nơi quê nhà nhưng lại vắng
bóng các anh, vắng bóng người đàn ông trụ cột của gia đình. Hình ảnh ấy gợi lên sự neo
đơn và những khó khăn mà gia đình vợ con anh sẽ phải đối diện. Dẫu biết thiếu mình
gian nhà sẽ lung lay chao đảo trước sóng gió cuộc đời nhưng anh vẫn mặc kệ. “mặc kệ”
không phải là thái độ thờ ơ vô trách nhiệm mà thể hiện chí khí nỗi niềm của người ra đi
vì nghĩa lớn. “mặc kệ” còn là cách nói quá nhằm tô đậm sự mạnh mẽ thái độ dứt khoát
của người ra đi quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Sự hi sinh thầm lặng lớn lao của người
lính. Hình ảnh thơ gợi ta liên tưởng đến những người lính trong tác phẩm “Đất Nước”
của Nguyễn Đình Thi:
“ Người ra đi đầu không ngoảnh lại
Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy.”
Dù là dứt áo lên đường song thẳm sâu trong tâm tríi trái tim các anh là nỗi nhớ quê
nhà luôn thường trực:
“Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính.”

Nhà thơ sử dụng nghệ thuật nhân hóa “giếng nước gốc đa nhớ người ra lính” kết
hợp với nghệ thuật hoán dụ “giếng nước gốc đa” để thể hiện tình cảm của người lính. Đó
là nỗi nhớ quê hương, nỗi nhớ người thân. Cái hay cái tinh tế của câu thơ là ở chỗ từ
“nhớ” xuất hiện duy nhất 1 lần nhưng lại diễn tả được nỗi nhớ hai chiều, nỗi nhớ giữa
người ra đi và người ở lại, giữa tiền tuyến và hậu phương.. Giếng nước gốc đa nhớ người
ra lính hay chính tấm lòng của người lính không nguôi nhớ quê hương đã tạo cho giếng
nước gốc đa một tâm hồn? Ba câu thơ với hình ảnh “ruộng nương”, “gian nhà”, “ giếng
nước”, “gốc đa”, hình ảnh nào cũng thân thương đầy ắp một tình quê, một nỗi nhớ vơi
đầy.
Luận điểm 2: Biểu hiện về vẻ đẹp thứ hai của người lính đó là sự cảm thông khó khăn
thiếu thốn nơi chiến trường khốc liệt. Trước hết nhà thơ nói tới những gian khó về bệnh
tật mà những người chiến sĩ phải đối mặt:
“ Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh,
Sốt run người, vừng trán ướt mồ hôi.”

Bằng cái nhìn hiện thực nhưng đầy xúc động, nhà thơ đã ghi lại một cách chân
thực cảnh ngộ của các anh bộ đội cụ Hồ trong những năm năm tháng kháng chiến chống
Pháp. Lời thơ đặc tả sự khủng khiếp của căn bệnh sốt rét ác tính - căn bệnh phổ biến mà
người lính ở rừng phải đối mặt do thiếu thuốc men và quân trang, quân dụng. Địa bàn
chiến đấu của những người lính ở nơi rừng thiêng nước độc, chướng khí mịt mù nên hầu
hết các anh đều mắc phải căn bệnh này. Là người trực tiếp tham gia chiến dịch Việt Bắc -
Thu Đông năm 1947 nên những triệu chứng của căn bệnh được thi nhân đặc tả thật tinh tế
qua cụm từ “biết từng cơn ớn lạnh”, “ sốt run người”, “vừng trán ướt mồ hôi”. Những ai
mắc bệnh thoạt đầu cảm thấy những cơn ớn lạnh chạy dọc toàn thân tê đến mức đắp bao
nhiêu chăn cũng không đủ ấm. Sau đó cơn sốt kéo khắp người ướt đẫm mồ hôi rồi rơi vào
trạng thái mê man. Cụm từ “anh với tôi” lại một lần nữa xuất hiện như một sự kết dính
gắn bó kéo sơn. Người chiến sĩ xót thương nhau, lo lắng theo dõi cơn sốt của bạn, cảm
nhận được cơn bạo bệnh của đồng đội mình.. Câu thơ gơi ta nhớ đến những vần thơ của
Quang Dũng:
“Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm.”
Luận điểm 3: Vẻ đẹp tình đồng còn thể hiện qua việc cùng trải qua những khó khăn
thiếu thốn về vật chất, cùng đồng cam cộng khổ:
“Áo anh rách vai
Quần tôi có vài mảnh vá
Miệng cười buốt giá
Chân không giày”
Câu thơ ngắn lại, dồn dập khắc họa khó khăn gian ập khổ đến ngày một nhiều. Chân
dung anh bộ đội cụ Hồ hiện lên thật thật giản dị, gần gũi với “áo anh rách vai”, “quần tôi
có vài mảnh vá”, “chân không giày”. Nhà thơ khéo léo khi sử dụng nghệ thuật đối, liệt kê
cùng cấu trúc đối xứng những hình ảnh sóng đôi nhịp nhàng “áo anh – quần tôi”, “áo anh
rách – quần tôi vá” ...giúp miêu tả cuộc đời quân ngũ thực tới từng chi tiết. Đó là tư trang
tối thiểu mà cũng rách, cũng thiếu. Đây chính là những khó khăn gian khổ thiếu thốn rất
thực không một chút tô vẽ mà người lính nào cũng phải đối diện khi quân đội ta những
ngày đầu kháng chiến chống Pháp còn khó khăn thiếu thốn về quân trang, quân dụng.
Thật cảm động biết bao khi chứng kiến những gian lao thiếu thốn mà người lính đã cùng
nhau đối mặt và vượt qua giữa cái rét cắt da cắt thịt của núi rừng Việt Bắc. Các anh chỉ
phong phanh một manh áo mỏng, đầu không mũ, chân không giày. Cấu trúc sóng đôi
“anh với tôi” đã tô đậm thêm sự gắn bó keo sơn của các anh. Điều mà nhà thơ muốn nhấn
mạnh ở câu thơ này không phải là gian khổ mà là sự sẻ chia, đồng cam cộng khổ giữa
những người lính nông dân. Những khó khăn gian khổ của người lính đã từng được nhà
thơ ghi lại rõ nét trong bài thơ “Ngày về”:
“Rách tả tơi rồi đôi hài vạn dặm
Bụi trường chinh phai bạc áo hào hoa”
Trong hoàn cảnh khó khăn thiếu thốn những người lính vẫn lạc quan truyền cho nhau
sức mạnh, niềm tin, nghị lực để vượt qua khó khăn.
“Miệng cười buốt giá”
Câu thơ vỏn vẹn trong bốn tiếng nhất thành hai với đối lập nhau: “miệng cười - buốt
giá”. Cái buốt giá đã làm nổi bật lên hiện thực khó khăn khắc nghiệt của thời tiết nơi núi
rừng. Trong buốt giá, nụ cười của những người lính vẫn bừng sáng lên. Dù khó khăn vất
vả những người chiến sĩ vẫn nở nụ cười, nụ cười ấy là biểu tượng cho tinh thần lạc quan,
lòng yêu nước nồng nàn sâu sắc. Nụ cười ấy còn tượng trưng cho tình đồng chí đồng đội.
Họ cười để sưởi ấm lòng nhau, sưởi ấm trước con gió buốt của núi rừng. Họ cười để động
viên khích lệ đồng đội mình cố gắng vượt qua khó khăn hiểm nguy bệnh tật. Và họ cười
để cảm thông chia sẻ cho nỗi lòng của nhau. Nụ cười đã làm sáng cả đoạn thơ, ta cũng
bắt gặp nụ cười ấy qua những vần thơ trong “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” của nhà
thơ Phạm Tiến Duật:
“Nhìn nhau mặt lấm cười ha ha”
Luận điểm 4: Đến với những câu thơ cuối của khổ thơ là nỗi niềm xúc động trước
những biểu hiện cao đẹp của tình đồng chí đồng đội trong những năm kháng chiến chống
Pháp:
“Thương nhau tay nắm lấy bàn tay!”
Tác giả Chính Hữu thật khéo léo khi đặt cụm từ “thương nhau” lên đầu câu thơ. Nó
khiến câu thơ như một nốt nhạc tạo ấn tượng mạnh mẽ trong tâm hồn người đọc về sức
mạnh và tình cảm của người lính. Đây không phải là cái nắm tay hồ hởi mà là cái siết tay
trong im lặng. Một cử chỉ thật chân thành xúc động không cần nhiều lời hoa mỹ. Bàn tay
kia mới là điểm tựa vững chắc nhất giúp người lính vượt qua gian khổ bởi nắm tay là họ
truyền cho nhau tình yêu thương, ý chí niềm tin và sức mạnh lòng quyết tâm. Đó là một
sự sẻ chia để vượt qua mọi khó khăn với người lính. Cái nắm tay ấy tuy âm thầm nhưng
đã xóa tan cái lạnh của sương đêm, sưởi ấm tình đồng chí có sức lan tỏa đến tận trái tim
người đọc. Ta cũng bắt gặp cái bắt tay có tình nghĩa ấy qua câu thơ của Lưu Quang Vũ:“
Điều chưa nói thì bàn tay đã nói”. Phải chăng từ những biểu hiện về tình đồng chí
đồng đội đó đã làm nên vẻ đẹp riêng của người lính, vẻ đẹp cao cả, vĩ đại mà rất đỗi
thiêng liêng:
“Rất đẹp hình anh lúc nắng chiều
Bóng dài lên đỉnh dốc cheo leo
Núi không đè nổi vai vươn tới
Lá nguỵ trang reo với gió đèo”
(Tố Hữu)
3 Đánh giá
Có thể nói làm nên thành công cho khổ thơ phải kể đến những nét nghệ
thuật đặc sắc với thể thơ tự do, ngôn ngữ chọn lọc hàm xúc. Giọng thơ khi thủ thỉ
tâm tình khi lại trầm tư sâu lắng kết hợp với những biện pháp nghệ thuật đặc sắc
như: liệt kê, hoán dụ, nhân hóa… từ đó tác giả đã làm nổi bật những biểu hiện về
vẻ đẹp của tình đồng chí, đồng đội gắn bó keo sơn . Những vẫn thơ ấy khiến ta liên
tưởng đến những bài thơ góp phần làm nên hình ảnh người lính trong những năm
kháng chiến cách mạng như hình ảnh người lính trong bài thơ “Tây Tiến” của nhà
thơ Quang Dũng, “Tiếng hát sang xuân” của Tố Hữu, hay hình ảnh người lính
trong bài thơ “Nhớ” của Hồng Nguyên.
Kết bài
Trong muôn vàn nốt nhạc của tình cảm con người phải chăng tình đồng chí đồng đội
là cung bậc tình cảm đẹp nhất, lý tưởng nhất. Có thể nói thành công của khổ thơ trên đã
góp phần làm nên giá trị của bài thơ. Cho dù ở hiện tại hay tương lai bài thơ vẫn mãi là
viên ngọc quý trong kho tàng văn học dân tộc Việt Nam. Bài thơ đã bồi đắp trong lòng
em tình yêu Tổ quốc, trách nhiệm với quê hương đất nước. Ngày nay được sống trong
hòa bình, em nhắn nhủ với lòng mình sẽ cố gắng học tập rèn luyện để mai này trở thành
người có ích cho quê hương đất nước, đền đáp công lao và sự hy sinh to lớn của các anh.

You might also like