You are on page 1of 3

ĐỒNG CHÍ

Dân tộc ta đã trải qua hai cuộc chiến tranh vệ quốc vô cùng vĩ đại là kháng chiến chống thực dân
Pháp và đế quốc Mỹ. Trong những năm tháng khốc liệt đó, có những nhà văn nhà thơ vừa là
người cầm bút sáng tác vừa là những chiến sĩ ngoài mặt trận. Họ đã dùng ngòi bút của mình và
biến nó trở thành thứ vũ khí sắc bén nhất chống lại kẻ thù tạo nên những áng thơ hào hùng, mạnh
mẽ. Trong số đó có nhà thơ Chính Hữu cùng tác phẩm Đồng chí của ông.

Bài thơ Đồng chí được sáng tác vào đầu những năm 1948 sau khi tác giả cùng đồng đội của mình
tham gia chiến đấu trong chiến dịch Việt Bắc. Bài thơ là tình đồng đội, đồng chí thắm thiết của
những lính có cùng chung lý tưởng, chung ý chí. Qua đó, ta có thể cảm nhận được hình tượng
cao đẹp nhưng cũng rất giản dị, chân chất của những người bộ đội cụ Hồ những năm tháng đầu
chiến tranh chống Pháp.

Hình ảnh người lính trong bài thơ Đồng chí hiện lên với vẻ đẹp bình dị, đời thường. Họ có duyên
gặp gỡ và trở thành những người đồng chí bởi có những nét tương đồng về hoàn cảnh xuất thân
và lí tưởng chiến đấu:

“Quê hương anh nước mặn, đồng chua


Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá
Anh với tôi đôi người xa lạ
Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau”

Họ vốn là những người nông dân quen với bùn đất, với cuốc cày nhưng khi đất nước có giặc
ngoại xâm, họ sẵn sàng rời xa quê hương, bỏ lại công việc đồng áng, cầm lên cây súng để đấu
tranh bảo vệ tổ quốc. Cả “anh” và “tôi” là những người xa lạ, nhưng đều xuất thân từ những
vùng quê nghèo “nước mặn đồng chua”, “đất cày lên sỏi đá”. Chính Hữu đã mượn những thành
ngữ dân gian để miêu tả xuất thân của những người lính trẻ khiến cho lời thơ thật giản dị, mộc
mạc. Nếu sự tương đồng về nguồn gốc xuất thân giúp những người lính có sự đồng cảm, thân
thuộc thì việc có chung lí tưởng chiến đấu làm cho họ xóa bỏ mọi khoảng cách mà xích lại gần
nhau hơn:

“Súng bên súng đầu sát bên đầu


Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ
Đồng chí …”

Từ những vùng quê nghèo, những người lính bỏ cuốc cày, tạm biệt gia đình, tạm biệt cây đa bến
nước để ra đi chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, non sông. Họ đến với nhau chẳng có “hẹn” trước nhưng
lại cùng chung lý tưởng, chung hoàn cảnh, chung khát vọng, niềm tin chiến thắng kẻ thù “Súng
bên súng, đầu sát bên đầu”. Câu thơ “Đồng chí” chỉ có hai tiếng được ngắt thành một dòng riêng
biệt như một lời khẳng định về tình cảm gắn bó cũng là lời quyết tâm chiến đấu của những người
lính trong cuộc chiến tranh vệ quốc.

Khi trở thành những người đồng đội, những người lính sẵn sàng chia sẻ với nhau những tâm sự
thầm kín tấm lòng gắn bó với quê hương, về lí tưởng chiến đấu:
“Ruộng nương anh gửi bạn thân cày
Gian nhà không mặc kệ gió lung lay
Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính.”

Họ là những người nông dân chất phác, vậy nên với họ, ruộng nương, cuốc bừa, nhà cửa vốn là
những tài sản quý giá nhất cuộc đời. Họ sống nhờ những bông lúa trên cánh đồng, lớn lên trong
những mái nhà tranh vách nứa. Thế nhưng, khi đất nước có bóng giặc ngoại xâm, họ sẵn sàng để
lại, “gửi lại” cho người thân, bạn bè để lên đường chiến đấu. Hình ảnh “gốc đa”, “giếng nước” là
những hình ảnh quen thuộc trong ca dao, được Chính Hữu đưa vào trong lời thơ của mình vừa
đậm đà vừa thấm thía.

Bỏ lại sau lưng tất cả, người lính ra đi với tư thế “đầu không ngoảnh lại” thế nhưng nỗi nhớ quê
hương làm sao có thể vơi đi? Hai câu thơ với nhịp thơ rất nhẹ nhàng, hình ảnh thơ giản dị nhưng
lại làm trái tim chúng ta phải rung lên những xúc cảm nghẹn ngào. Những người lính ra đi không
chỉ họ nhớ quê hương mà chính những cảnh vật quê hương cũng nhớ thương họ da diết:

“Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính.”

“Giếng nước gốc đa” vốn chỉ là những vật vô tri nhưng Chính Hữu đã nhân hoá chúng và dùng
nghệ thuật hoán dụ để nói lên nỗi nhớ của những người thân trong gia đình người chiến sĩ. Đó là
những nỗi mong ngóng con của người mẹ già, sự nhớ thương của người vợ, của những đứa con
xa cha, của những cặp trai gái đang yêu. Xa quê hương, xa gia đình, những người lính còn phải
chịu đựng biết bao những khó khăn trên đường hành quân, trong những khi chiến đấu với quân
thù. Những trận sốt rét rừng khiến cho “anh” và “tôi” phải “ớn lạnh” rồi những thiếu thốn “áo
anh rách vai/ quần tôi có vài mảnh vá”, “chân không giày”. Thế nhưng những người lính vẫn một
lòng vững tin vào lý tưởng cách mạng, vào kháng chiến của quân và dân ta. Họ cười trong “buốt
giá” nhưng chẳng hề chùn bước, vẫn luôn có một niềm tin chiến thắng bất diệt. Có lẽ trong
những giây phút mệt mỏi, khó khăn ấy, tình cảm đồng đội, đồng chí luôn là thứ thôi thúc, là
động lực để những người chiến sĩ ấy vượt qua tất cả. Thứ tình cảm ấy tuy chẳng cao sang nhưng
lại đẹp đẽ vô ngần:

“Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh,


Sốt run người, vầng trán ướt mồ hôi.
Áo anh rách vai
Quần tôi có vài mảnh vá
Miệng cười buốt giá
Chân không giày
Thương nhau tay nắm lấy bàn tay!”

Những bàn tay đan vào nhau, truyền cho nhau hơi ấm, truyền cho nhau sức mạnh tinh thần, sức
mạnh của tình đồng chí.

Đoạn thơ cuối cùng vang lên trong sự ngạo nghệ của những người lính cụ Hồ:
“Đêm nay rừng hoang sương muối
Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới
Đầu súng trăng treo.”
Nhịp thơ đều đặn 2/2/2, 2/2/3 ngân lên như một khúc ca tha thiết mà hào hùng.Trong đêm lạnh,
sương đầy, giữa rừng hoang vu, những người lính sát cánh bên nhau “đứng cạnh bên nhau” cùng
làm nhiệm vụ bảo vệ biên cương. Họ luôn ở trong tư thế sẵn sàng “chờ giặc tới”, sẵn sàng chiến
đấu bảo vệ cho Tổ quốc thân yêu. Trên đầu họ, ánh trăng vằng vặc chiếu xuống khiến cho cả
không gian thêm phần lãng mạn:
“Đầu súng trăng treo”

Đêm về khuya, ánh trăng khuya lơ lửng như “treo” trên đầu ngọn súng trên vai. Vầng trăng xưa
nay vẫn là biểu tượng của cái đẹp, của hoà bình, là người bạn của những người lính trên đường
hành quân xa. Còn súng là biểu tượng của sự chiến đấu, của chiến tranh gian khổ. Vì vậy hình
ảnh “đầu súng trăng treo” là một hình ảnh lãng mạn, nói lên tình yêu đời, niềm lạc quan, tình
đồng chí gắn bó, cùng hướng tới một niềm tin hoà bình. Đây có thể nói là sáng tạo độc đáo của
Chính Hữu, mang vẻ đẹp lãng mạn của dòng thơ ca cách mạng. Mượn ánh trăng, tác giả đã làm
nổi bật lên cái tĩnh lặng của nơi chiến trường khi mà quân ta đang trong tư thế sẵn sàng “chờ giặc
tới”. Ở nơi gian khổ nhất, nơi sẽ diễn ra những trận đánh ác liệt nhất giờ đây lại đang được bao
trùm bởi ánh trăng tĩnh lặng, ánh trăng hoà bình và tình đồng chí thắm thiết, yêu thương.
Bài thơ Đồng chí của nhà thơ Chính Hữu đã dựng lên bức tranh mang vẻ đẹp bình dị, mộc mạc,
thắm thiết tình đồng đội, đồng chí thiêng liêng. Đồng thời cũng miêu tả chân thực về đời sống
của những người lính nông dân trong thời kháng chiến chống Pháp cứu nước. Bài thơ được viết
bằng thể thơ tự do, vận dụng linh hoạt ngôn từ, các câu ca dao, tục ngữ, tạo nên cho bài thơ một
chất riêng rất dung dị mà lại đậm đà. Cùng với đó là bút pháp hiện thực song hành cùng bút pháp
lãng mạn tạo nên hình ảnh của người bộ đội cụ Hồ với tình đồng chí vừa đẹp đẽ, cao cả lại vô
cùng nên thơ.

Có thể nói, Đồng chí là bài thơ viết về người lính nông dân trong kháng chiến chống Pháp rất
độc đáo và mang chất riêng mà không tác phẩm nào có được. Đây có lẽ sẽ mãi là một tượng đài
về tình cảm của người chiến sĩ áo vải đẹp đẽ nhất, thiêng liêng mà cũng bình dị nhất!

You might also like